I. NGUỒN GỐC KHÁI NIỆM NÀY

Vấn đề về sự tự từ bỏ (tự làm nên trống không) của Đấng Christ hoặc kenosis (đến từ động từ trong Phi 2:7 - Bản Việt Ngữ dịch là “tự bỏ mình đi”) đã được bàn cãi suốt lịch sử Hội Thánh. Giáo Hội Nghị Antiốt năm 341 nói rằng Đấng Christ đã bỏ khỏi Chính Ngài “tình trạng bình đẳng với Đức Chúa Trời” trong khi bênh vực rõ ràng thần tánh đầy trọn của Đấng Christ. Trong thời Cải Chánh, sự bàn cãi này tập trung vào khả năng Đấng Christ bỏ khỏi Ngài những thuộc tánh như toàn năng, toàn tri và toàn tại mà không ảnh hưởng đến Thần Tánh thiết yếu. Trong thế kỷ thứ mười bảy, một số người dạn dĩ khẳng định Đấng Christ thật sự thấp kém hơn Đức Chúa Trời. Nhưng thế kỷ thứ mười chín đem lại một hình thức hầu như mới về Cơ Đốc Luận với sự xuất hiện và loan truyền nhiều ý tưởng sai lạc về kenosis. Đấy là do thế kỷ đó đã chứng kiến sự dấy lên nhiều lý thuyết khoa học mới như thuyết tiến hóa và chủ nghĩa phê bình cấp tiến. Nó cũng nhấn mạnh việc tái khám phá nhân tánh “thực tế” của Chúa Jesus,và kèm theo đó tầm quan trọng lớn lao của sự tự chối mình của Ngài cùng sự tự bỏ mình của Ngài.

Dĩ nhiên có tuyên bố chân thật về kenosis vì được dạy trong Phi 2:7, và tuyên bố đó không mâu thuẫn với các chân lý khác được Thánh Kinh bày tỏ về Cứu Chúa. Thật ra, Kinh Thánh không mô tả chi tiết giáo lý kenosis, dù vậy có bày tỏ các yếu tố căn bản có thể dùng để hình thành một tuyên bố đúng đắn. Kết hợp toàn bộ điều này lại với nhau và tránh tà giáo, đó là nhiệm vụ của chương này.

II. Ý NGHĨA THẬT CỦA KHÁI NIỆM NÀY

A. Phân Đoạn Trung Tâm

Phân đoạn Kinh Thánh trung tâm về kenosis,là Phi 2:5-11, bắt đầu với lời khuyên phải có tâm tình khiêm nhường, noi gương Đấng Christ là Đấng lìa bỏ vinh hiển để chịu khổ trên thập tự. Rồi tiếp đến tuyên bố súc tích này về Đấng Christ trước và trong sự nhập thể.

1. Sự hiện hữu đời đời của Đấng Christ (c.6).

Điều này đã được phát biểu rõ ràng bởi hình thái hyparchon, mà trong phân từ hiện tại này (đặc biệt là khi để phân biệt với những thì quá khứ bất định tiếp sau đó) hình thái ấy công bố sự liên tục hiện hữu vô hạn của Đấng Christ. Trong cách chọn từ ngữ này (tương phản với eimi) có gợi ý về sự tồn tại sẵn rồi (như Cong 7:55), như vậy nhấn mạnh tính vĩnh hằng của sự hiện hữu Ngài. Sự hiện hữu vô hạn đó đã ở trong morphe của Đức Chúa Trời, tức hình thức thiết yếu bao gồm toàn bộ bản tánh và thể yếu của Thần Tánh. Nếu “hình Đức Chúa Trời” hàm ý điều gì đó kém thua Đức Chúa Trời trọn vẹn, thì “hình tôi tớ” trong Phi 2:7 ắt phải có nghĩa trên đất này Đấng Christ còn chưa phải là tôi tớ. Nhưng trọn vẹn thực tại Ngài làm Tôi Tớ là ý chính của phân đoạn này. Tương tự như vậy, trọn vẹn thực tại thần tánh của Ngài là điểm chính của “hình Đức Chúa Trời” trong câu 6.

Sau khi nghiên cứu chi tiết về morphç trong triết học Hy Lạp, trong tác phẩm của Philo, và trong Tân Ước, J. B. Lightfoot kết luận chữ này nói đến điều gì nội tại và thiết yếu của sự vật. Như vậy ở đây, chữ này có nghĩa trong tình trạng tiền nhập thể, Chúa chúng ta đã sở hữu Thần Tánh thiết yếu (St. Paul’s Epistle to the Philippians (London: Macmillan, 1913,trang 127-33).

Sau đó Phaolô nhấn mạnh thêm thần tánh của Đấng Christ bằng cách khẳng định sự đồng bình đẳng với Đức Chúa Trời không phải là điều để nắm giữ, đơn giản chỉ vì Ngài đã luôn luôn có rồi. Ngài đã không hề thèm muốn nó; Ngài không hề cần thèm muốn nó, vì nó đã thuộc về Ngài đời đời.Ngài cũng không lợi dụng nó; trái lại, Ngài đã sẵn lòng tự trút bỏ chính mình.

2. Sự tự làm nên trống không (các câu 7-8).

Lưu ý rằng dù sự tự làm nên trống không (tự bỏ mình) có bao gồm điều gì đi nữa thì cũng vẫn là tự đặt cho bản thân mình. Không ai ép buộc Đấng Christ phải đến thế gian này và cuối cùng phải chịu chết trên thập tự với tư cách Đấng Gánh Lấy Tội Lỗi chúng ta. Những cách dùng khác của động từ làm cho trống không có trong Ro 4:14 (“làm mất giá trị, mất hiệu lực,” Bản Việt Ngữ dịch là “ra vô ích”); ICo 1:17 (ra vô ích); 9:15; IICo 9:3; nhưng chúng thực sự không giúp hiểu thêm phân đoạn này.

Việc này cốt ở điều gì? Bao gồm tất cả mọi sự đã dự phần trong sự chết sau cùng của Ngài trên thập tự giá. Nó bao gồm việc mang lấy hình (morphç) của một tôi tớ. Thế nhưng trong hình thể này, Ngài đồng thời không hề kém thua chút nào về hình Đức Chúa Trời dầu vinh hiển của Ngài đã bị che khuất khỏi hầu hết mọi người (nhưng xem Gi 1:14). Để mang lấy hình tôi tớ,Ngài phải là con người, là điều mà hai cụm từ tiếp theo trong Phi 2:7-8 mô tả.Ngài đã trở nên “giống như loài người.” “Giống như” bày tỏ hai điều: trước hết,Ngài đã thực sự giống với con người, và thứ nhì, Ngài khác loài người. Nhân tánh của Chúa đã khiến Ngài phải phục dưới những thử thách và những giới hạn;thế nhưng chữ “giống như” ngăn ngừa kết luận cho rằng Ngài đã giống y hệt loài người. Ngài khác biệt vì Ngài vô tội (xem Ro 8:3). Hơn nữa người ta đã thấy Ngài trong hình dạng (schema) của một con người. Từ ngữ này nói đến điều ở bề ngoài; chẳng hạn trong những hành động hay trong lối ăn mặc, lối cư xử và trong toàn bộ những diện mạo phong thái bề ngoài, Ngài đã là một người. Như vậy Ngài đã tự hạ mình xuống và trở nên vâng phục đến chết trên thập tự, là một dấu hiệu của sự hổ nhục.

Diễn tiến chuyển ý của phân đoạn Kinh Thánh này bắt đầu từ vinh hiển tiền nhập thể của Đấng Christ và đi tiếp đến sự chết khổ nhục của Ngài trên thập tự giá. Hiển nhiên, để có thể chết, Ngài đã phải trở nên con người. Để trở nên người, Ngài đã phải tự trút bỏ địa vị tiền nhập thể của Ngài, thế nhưng không hề làm giảm giá trị Thân Vị này. Không hề có cách nào để Chúa có thể trở nên người mà vẫn cứ ở trong địa vị Ngài đã có trong trạng thái tiền nhập thể. Nhưng Ngài đã có thể và đã thực sự trở nên một con người mà vẫn giữ trọn những thuộc tính đầy đủ của Thân Vị tiền nhập thể của Ngài, tức là có trọn Thần Tánh đầy đủ.

Sự tự bỏ mình đã cho phép thêm nhân tánh và tuyệt đối không hề giảm bớt Thần Tánh hoặc bãi bỏ quyền sử dụng những thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Đã có một sự thay đổi hình thức nhưng không thay đổi nội dung của Hữu Thể Thiên Thượng này. Ngài đã không từ bỏ Thần Tánh hoặc bỏ không dùng những thuộc tánh đó; Ngài đã thêm nhân tánh vào. Và làm như vậy để có thể chịu chết. Êsai đã nói thế này: “Ngài đã đổ mạng sống mình cho đến chết” (53:12).

Theo tôi, ngay cả những người Tin Lành thuần túy cũng làm giảm hiệu quả sắc bén của ý chính đoạn Kinh Thánh này khi bỏ sót điểm nhấn mạnh chính yếu của phân đoạn như đã gợi ý ở trên để rồi tập trung cố gắng phác họa Đấng Christ đã phải kinh nghiệm những giới hạn nào trong tình trạng của Ngài khi còn trên đất. Chắc chắn là Đấng Thần-Nhân đã kinh nghiệm những giới hạn; nhưng cũng chắc chắn không kém là Đấng Thần-Nhân đã chứng tỏ những đặc quyền của Đức Chúa Trời. Do đó, phái bảo thủ gợi ý kenosis có nghĩa là sự che khuất vinh hiển tiền nhập thể của Đấng Christ, mà điều đó chỉ đúng trong nghĩa tương đối (xem Mat 17:1-8; Gi 1:14; 17:5). Hoặc họ đề nghị kenosis nghĩa là tình nguyện không sử dụng một vài thuộc tánh của Thần Tánh Ngài. Điều này đã đúng trong vài trường hợp nhưng chắc chắn không luôn luôn đúng trong suốt cuộc đời của Ngài (xem Gi 1:48; 2:24; 16:30). Ngài cũng không luôn luôn làm những phép lạ của Ngài trong năng quyền của Đức Thánh Linh, nhưng đôi khi bằng chính năng quyền của Ngài (Lu 22:51; Gi 18:6). Vì vậy nếu hiểu biết của chúng ta về kenosis đến từ Philíp 2, thì chúng ta nên rút ra định nghĩa khái niệm này của chúng ta từ đó.Và phân đoạn Kinh Thánh đó không hề luận đến vấn đề vinh hiển của Đấng Christ đã bị che khuất thế nào hoặc bị che khuất đến mức nào. Cũng không nói gì về việc sử dụng hoặc hạn chế những thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Phân đoạn này có nói sự tự bỏ mình liên quan đến việc trở nên một con người để có thể chịu chết. Như vậy kenosis có nghĩa là rời bỏ địa vị tiền nhập thể của Ngài và mang lấy một nhân tánh - tôi tớ.

B. Định Nghĩa

Trong kenosis, Đấng Christ đã tự trút bỏ khỏi Ngài việc tiếp tục giữ và sử dụng địa vị của Ngài trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời và Ngài đã mang lấy nhân tánh để có thể chết.

III. NHỮNG NGHĨA SAI LẦM CỦA KHÁI NIỆM NÀY

A. Đấng Christ Đã Phó Nộp Một Số Hoặc Toàn Bộ Thuộc Tánh Của Ngài.

Quan niệm sai lầm này phát biểu rằng kenosis có nghĩa Chúa chúng ta thực sự đã từ bỏ những thuộc tánh của thần tánh Ngài hoặc ít nhất những thuộc tánh tương đối là thuộc tánh toàn tại, toàn năng, và toàn tri. Theo Thánh Kinh, quan điểm này là sai, còn về mặt thần học, thì không thể có được. Nếu dâng nộp bất cứ thuộc tánh nào thì Ngài không còn là Đức Chúa Trời nữa đang khi Ngài sống trên đất này. Vậy thì ắt tuyệt đối Ngài không thể nói câu Ngài đã phán trong Gi 10:30 rằng Ngài và Đức Chúa Cha là Một trong bản thể.Đấng Christ đã không lột bỏ khỏi chính Ngài bất cứ khía cạnh nào của thần tánh Ngài.

B. Đấng Christ Đã Hiện Ra Như Một Người Bằng Cách Cải Trang Thần Tánh Ngài.

Điều này là một tà giáo kém trắng trợn hơn,nhưng về cơ bản cũng chối bỏ thần tánh đầy đủ của Đấng Christ, bởi vì sự cải trang bao gồm sự thay đổi phương thức hiện hữu của Đấng Christ. Nó phủ nhận Đấng Christ đồng thời vừa là Đức Chúa Trời đồng thời vừa là người. Và nếu đúng như họ nói, làm sao Ngài có thể nói ai thấy Ngài tức là đã thấy Đức Chúa Cha (Gi 14:9)?

Toàn bộ phần bàn luận này được sáng tỏ nếu chúng ta nhớ mối liên hệ và hoạt động của hai bản tánh trong Chúa chúng ta có liên quan đến giáo lý sự hiệp nhất thân vị. Giáo lý kenosis tập trung nhiều hơn vào sự kiện Sự Nhập Thể của Chúa là thiết yếu cho sự chết của Ngài.