- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Thần Học Căn Bản của Charles C. Ryrie
Đôi khi công tác của Đấng Christ được khảo sát theo cách chia ba phương diện chức vụ của Đấng Christ là Đấng Tiên tri, Thầy Tế lễ và Vị Vua. Eusebius (khoảng 260-340) đã dùng các phạm trù nầy (Ecclesiastical History, I, iii, 8,9), nên chúng đã có rất lâu đời rồi. Hơn nữa,có thể nối kết giữa Đấng Mêsia, là Đấng Chịu Xức Dầu, với sự kiện là các tiên tri (ICácVua 19:16; Es 61:1), thầy tế lễ (Xu 30:30; 40:13) và các vua (ISa 10:1; 15:1; IVua 19:15-16) thảy đều được tấn phong bằng sự xức dầu.
I. ĐẤNG CHRIST TRONG TƯ CÁCH ĐẤNG TIÊN TRI
A. Danh Xưng Tiên Tri Của Đấng Christ
Môise nói tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một đấng tiên tri giống như ông (Phu 18:15). Bất luận lời tiên tri nầy ứng nghiệm theo cách nào khác qua sự kế vị của những tiên tri Cựu Ước đi nữa, sự ứng nghiệm tối hậu vẫn bởi Chúa Jesus Christ, Đấng đã được xác định là chính Đấng Tiên Tri đó (Cong 3:22-24). Dân chúng thời Đấng Christ nhiệt thành công nhận Chúa Jesus là đấng tiên tri đến nỗi những thầy tế lễ cả và người Pharisi phải sợ bị trả thù nếu họ dùng biện pháp mạnh chống Cứu Chúa (Mat 21:11,46; Gi 7:40-53). Hơn nữa, dân chúng gọi Ngài là Thầy (1:38; 3:2), không phải vì Ngài đã được huấn luyện chính thức mà là vì họ công nhận phẩm chất của lời Ngài dạy dỗ.
Chúa chúng ta cũng tuyên bố Ngài là Đấng Tiên Tri (Mat 13:57; Mac 6:4; Lu 4:23; 13:33; Gi 4:44), Đấng đến để làm việc các tiên tri đã làm, tức là truyền sứ điệp của Đức Chúa Trời cho loài người (8:26; 12:49-50; 15:15; 17:8).
B. Cung Cách Ứng Xử Của Đấng Christ Như Một Tiên Tri
Một trong những hoạt động chính của Chúa chúng ta trên đất nầy là tuyên bố sứ điệp của Đức Chúa Trời qua sự giảng (Mat 4:17) và dạy (7:29). Cách giảng dạy của Ngài gồm các đặc điểm thú vị sau:
1. Dạy nhân dịp tiện:
Điều nầy không có nghĩa Ngài dạy không thường xuyên, nhưng đúng hơn, Ngài dạy khi dịp tiện nảy sinh.Ngài luôn luôn sẵn sàng đón nhận những cơ hội và những hoàn cảnh đa dạng đưa đến.Chúa đã dùng các buổi nhóm tại nhà hội khi có thể (Mac 1:21). Ngài dạy ngoài trời khi không có sẵn chỗ trong nhà (4:1). Ngài nắm bắt mọi cơ hội.
2. Cách dạy không mang tính hệ thống rõ ràng:
Sở dĩ như vậy vì Chúa luôn nắm bắt mọi cơ hội xảy đến, chứ không chờ đợi tới khi có thể đi theo một chương trình đã hoạch định. Ví dụ, hãy nghĩ chúng ta có thể tìm nơi đâu có những lời Chúa dạy về tội lỗi; và câu trả lời là trong rất nhiều phân đoạn thuộc rất nhiều thể loại – có thuộc khi giáo huấn, có khi ẩn dụ.Người giải nghĩa Thánh Kinh phải hệ thống hóa những lời dạy của Đấng Christ.
3. Cách dạy có minh họa phong phú:
Những minh họa đó được thay đổi và chọn thích hợp với người nghe (để ý một minh họa cho nam và cho nữ trong Mat 24:40-41 và Lu 15:4,8).
4. Tận dụng những câu hỏi:
Điều nầy đặc biệt đúng trong những tình huống có tranh cãi (Mathiơ 22).
5. Cách dạy đầy thẩm quyền:
Chắc đây là đặc điểm nổi bật của chức vụ Đấng Christ như một Đấng Tiên Tri. Thẩm quyền của Ngài tương phản rõ ràng với sự dạy dỗ của những thầy thông giáo và Pharisi (Mac 1:22), vì dò thấu được đến những điều sâu nhiệm của thực tại chân lý.
C. Tư Liệu Của Đấng Tiên Tri Christ
Dù phần lớn tư liệu tiên tri của Chúa nằm rải rác khắp các sách Phúc Âm, có bốn sứ điệp chính được bảo tồn cho chúng ta: Bài Giảng Trên Núi (Mathiơ 5-7), các ẩn dụ về những lẽ mầu nhiệm của Nước trời (Mathiơ 13), cuộc trò chuyện với bốn môn đồ trên Núi Ôlive vào ngày Thứ Ba của Tuần Thánh (Mathiơ 24-25), và sứ điệp cho các môn đồ trên Phòng Cao tối Thứ Năm (Giăng 13-16).
Những sự dạy dỗ của Đấng Christ có lẽ là phần khó giải thích chính xác hơn hết trong toàn bộ Thánh Kinh. Tại sao vậy? Vì Chúa chúng ta đã sống dưới luật pháp của Môise và đã giữ luật pháp ấy cách trọn vẹn;nhưng Ngài cũng trình diện trước dân Ysơraên trong tư cách Vua của họ; và khi bị khước từ trong tư cách Vua, Ngài đã giới thiệu cho họ một phần mới mẻ trong chương trình của Đức Chúa Trời, tức là Hội Thánh, và Ngài đã dạy dỗ họ đôi điều về hội thánh. Nói cách khác, Ngài đã sống và đã dạy về ba phương diện khác nhau của chương trình Đức Chúa Trời dành cho thế giới này – Luật Pháp, Hội Thánh, và vương quốc. Không phải luôn luôn dễ giữ cho những tuyến giáo huấn này tách biệt ra và khỏi bị lẫn lộn.
1. Bài Giảng Trên Núi:
Có người xem bài giảng này giải luận về con đường cứu rỗi. Nan đề của lối giải nghĩa như thế đơn giản là: những từ ngữ quan trọng về sự cứu rỗi như sự cứu chuộc hoặc sự xưng công bình không hề xuất hiện trong những đoạn này. Hơn nữa, nếu đây là cách giải nghĩa đúng thì chắc chắn sự cứu rỗi đến bởi những việc lành.
Người khác xem bài giảng này là kế hoạch chi tiết cho đời sống Cơ đốc nhân ngày nay. Sử dụng bài giảng này theo kiểu đó sẽ đòi hỏi phải bỏ lối giải thích nghĩa đen của phàn lớn những điều được dạy để có thể vâng giữ điều ấy trong thế giới không công bình này. Hơn nữa, nếu đây là chân lý dành cho Hội Thánh, vậy sao Chúa chúng ta không nhắc đến Đức Thánh Linh, Đấng hết sức quan trọng cho đời sống của Cơ đốc nhân, thậm chí cũng không nhắc đến chính hội thánh nữa?
Cũng có người khác nữa hiểu mục đích chính của bài giảng này liên hệ đến sứ điệp của Đấng Christ về nước thiên đàng. Giăng BápTít, là sứ giả mở đường, đã loan báo về vương quốc này (Mat 3:2); chính Đấng Christ đã bắt đầu giảng sứ điệp đó (Mat 4:17); bây giờ Ngài giải thích những điều bao gồm trong sự ăn năn thật. Vương quốc mà Giăng và Chúa rao giảng và vương quốc mà dân chúng đang trông đợi chính là vương quốc của Đấng Mêsia, vương quốc Đavít, vương quốc thiên hy niên được hứa ban trong Cựu Ước. Đấng Christ không tỏ dấu hiệu nào cho thấy đáng ra họ phải hiểu khác đi bằng cách thay đổi ý nghĩa của vương quốc mà Ngài đang dạy. Nhưng dân sự đã đặt hy vọng quá nhiều nơi một vương quốc chính trị đến nỗi quên mất đã có những đòi hỏi thuộc linh cho ngay cả một vương quốc chính trị như vậy. Vì vậy Chúa đã giải thích những điều bao hàm trong sự chuẩn bị thuộc linh cho vương quốc Đavít này.
Được rao giảng liên quan đến vương quốc, bài giảng này dường như nhấn mạnh chủ yếu việc sẵn sàng đón vương quốc đó. Có một số luật mà nếu muốn thực hành trọn thì sẽ bắt buộc đòi hỏi phải thiết lập xong vương quốc ấy cùng với sự cầm quyền công chính của nó (Mat 5:38-42), dầu vậy vẫn có thể tuân thủ nguyên tắc chung nầy bất cứ lúc nào.
Vì vậy, bài giảng này là lời kêu gọi ăn năn dành cho những người đã tách sự thay đổi bề trong ra khỏi những điều kiện đòi hỏi phải có để thiết lập vương quốc. Vì vậy, bài giảng này thích ứng cho bất cứ lúc nào vương quốc này sắp đến – bao gồm cả thời điểm Đấng Christ đã giảng bài giảng đó, lẫn thời tương lai của Cơn Đại Nạn. Bài giảng cũng miêu tả những tình trạng sẽ có trong vương quốc này khi được thiết lập. Nhưng cũng giống như toàn Kinh Thánh, bài giảng này hữu ích cho môn đồ thuộc mọi thời đại, vì đây là một trong những bộ luật đạo đức chi tiết nhất trong Kinh Thánh.
2. Những Lẽ Mầu Nhiệm Mang Tính Ẩn Dụ về nước Thiên Đàng.
Sau đó cũng trong ngày vu cáo phạm thượng của các thầy thông giáo và người Pharisi hôm ấy (Mat 12:22-37), Chúa quay sang dạy các môn đồ về đặc trưng của nước thiên đàng trong thời kỳ này giữa khi Ngài chết và trở lại. Những đặc trưng này được gọi là “những lẽ mầu nhiệm” vì chưa được tỏ ra trong Cựu Ước nhưng giờ đây được tỏ ra cho những người có quan hệ đúng đắn với Ngài (Mat 13:11). Những đặc trưng này của nước Đức Chúa Trời khác với đặc trưng của nước Đavít, cả trong quá khứ lẫn tương lai, và chúng bao trùm thời kỳ hãy còn trong tương lai của lúc Đấng Christ phán những lời này (câu 24 “giống như” là thì bán khứ (aorist) được dùng theo cách đón trước, tức là để tiên liệu trước một điều nào đó trong tương lai) và kết thúc với những biến cố lúc Ngài Tái Lâm (câu 39-50).
Ngoài những điều trên, các ẩn dụ này còn thuật lại những đáp ứng của nhiều người khác nhau đối với sứ điệp, sự có mặt những điều giả mạo của Satan trong vương quốc sự tăng trưởng nhanh chóng của vương quốc,điều ác trong vương quốc, giá trị của vương quốc, và hiện diện của kẻ ác trong vương quốc này. Hình thức này của vương quốc mang tính tạm thời - cho đến khi Ngài tái lâm.
3. Sứ điệp trên Núi Ôlive:
Đến lúc Đấng Christ giảng bài này vào cuối cuộc đời tại thế, rõ ràng các lãnh tụ Do Thái đã khước từ vương quốc, và chính Đấng Christ đã giới thiệu hội thánh là điều sắp đến trong chương trình của Đức Chúa Trời (Mat 16:18). Như vậy có phải vương quốc này bị xóa bỏ đời đời khỏi chương trình của Ngài? Không hề như vậy, và sứ điệp này nêu chi tiết vài biến cố tương lai dẫn đến sự tái lâm của Đấng Christ để thiết lập vương quốc của Đấng Mêsia, của Đavít, và vương quốc thiên hy niên đó.Mat 24:4-14 liệt kê những chi tiết sẽ xảy ra trong nửa đầu thời kỳ Đại Nạn sẽ đến.Câu 15-28 cũng liệt kê như vậy cho nửa thời kỳ cuối. Rồi Đấng Christ sẽ trở lại đất này nhận ngôi cai trị vương quốc Ngài (c. 30; 25:31,34). Dầu sự kiện này không diễn ra trong đời các sứ đồ như họ mong đợi, nhưng như vậy cũng không hề bãi bỏ sự bảo đảm một ngày kia Đấng Christ sẽ cai trị vương quốc Ngài (Cong 1:6).
4. Sứ điệp trên Phòng Cao:
Buổi tối trước khi chịu đóng đinh, Chúa bày tỏ dưới dạng cô đọng rất nhiều điều về Thời Đại mới sắp đến của Hội Thánh. Ngài lập lại những điều này dưới dạng cô đọng vì môn đồ chưa thể hiểu hết những điều đang thực sự diễn ra (Gi 16:12). Một số mạc khải mới nào? (1) Ngài đã ban một điều răn mới – yêu thương nhau như cách Ngài đã yêu chúng ta (13:34). (2) Ngài mở ra niềm hy vọng mới – một nơi mà Ngài sẽ chuẩn bị và đón tín hữu đến (14:1-3) (3) Ngài hứa ban một Đấng Yên Ủi khác, Đấng sẽ thi hành chức vụ qua rất nhiều phương cách mới: cố vấn, khích lệ, an ủi, cầu thay,cáo trách, dạy dỗ, v…v… (c.16) (4) Ngài tiết lộ những mối quan hệ mới – Thánh Linh ở trong họ - chứ không chỉ ở với họ, tín hữu ở trong Đấng Christ, và Đấng Christ ở trong những tín hữu (các câu 17,20). (5) Ngài đã thiết lập một nền tảng mới cho lời cầu nguyện nhơn danh Ngài (16:24,26). Mọi điều này cho thấy những khác biệt lớn lao giữa cách quản lý của Chúa đang vận hành thời bấy giờ với định kỳ mới sắp đến của Hội Thánh.
D. Sự Xác Chứng Đấng Christ Là Tiên Tri
Luật Pháp truyền ném đá tiên tri giả (Phu 13:5,10). Dĩ nhiên nếu họ còn sống tới lúc lời tiên tri được hay không được ứng nghiệm, thì có thể dễ dàng bảo họ là tiên tri thật hoặc giả. Nhưng nếu không sống được đến lúc ấy thì khó hơn nhiều. Chức vụ tiên tri của Chúa chúng ta được xác chứng theo hai cách: bởi sự kiện một số lời tiên tri của Chúa ứng nghiệm ngay trong đời Ngài, và bởi các phép lạ xác chứng cho dân sự thời Ngài rằng Ngài là Đấng Tiên Tri thật.
Trường hợp kiểm tra là lời Chúa báo trước thật chi tiết về sự chết của Ngài. Ngài nói tiên tri một người thân cận sẽ phản Ngài (Mat 26:21), sự chết của Ngài sẽ do các lãnh tụ DoThái xúi giục (16:21), Ngài sẽ chết bởi bị đóng đinh và ba ngày sau sẽ sống lại (20:19). Vì nói được chi tiết đến như thế về sự chết của Ngài và vì các chi tiết ấy đã thành sự thật, điều đó xác chứng Ngài là Tiên Tri thật.
Ngoài ra, còn một số phép lạ của Đấng Christ được liên kết trực tiếp vào để khẳng định Ngài là Đấng Tiên Tri thật (Lu 7:16; Gi 4:19; 9:17). Đúng là trong những ngày sau rốt này, Đức Chúa Trời đã phán với chúng ta bởi chính Con Ngài (He 1:1-2).
II. ĐẤNG CHRIST TRONG TƯ CÁCH THẦY TẾ LỄ
Tiên tri nói với con người những lời từ Đức Chúa Trời; còn thầy tế lễ thay mặt loài người mà thưa cùng Đức Chúa Trời. Vì thuộc chi phái Giuđa nên Đấng Christ không đủ tư cách làm thầy tế lễ theo dòng Arôn; do đó, trước khi Ngài đến, Đức Chúa Trời đã sắp đặt một phẩm trật khác của các thầy tế lễ, đó là ban Mênchixêđéc, và Đấng Christ là thầy tế lễ của phẩm trật đó xét về thân vị và công tác của Ngài. Tuy nhiên, có nhiều điểm tương đồng giữa thầy tế lễ ban Arôn và Thầy Tế Lễ Christ trong cả thân vị lẫn công tác của Ngài.
A. Trong Cương Vị Thầy Tế Lễ Ban Arôn
Thầy tế lễ ban Arôn phải là người được Đức Chúa Trời chọn và trang bị để đủ tư cách lo công việc Ngài (Le 21; He 5:1-7).Là Đấng đã được chọn, nhập thể và đã chịu thử thách, Chúa chúng ta đích thân đủ tư cách làm Thầy Tế Lễ hành chức đầy lòng quan tâm.
Những thầy tế lễ ban Arôn phục vụ bằng cách đại diện dân sự trước mặt Đức Chúa Trời và đặc biệt bằng cách dâng các tế lễ.Những của tế lễ của họ rất nhiều, lặp đi lặp lại, và tự bản thân các của lễ không có hiệu năng đời đời. Chúng thực sự chuộc tội trong bối cảnh của thời thần quyền, nhưng trước giả thư Hêbơrơ bày tỏ rõ rằng nếu chúng có thể đền chuộc tội đời đời thì không cần phải dâng chúng liên tục năm này sang năm khác (10:2-3).Ngược lại, sinh tế của Chúa chúng ta dâng Chính Mình Ngài chuọc tội lỗi chúng ta là một sinh tế duy nhất, một lần đủ cả, và dành cho toàn thể loài người.Trong công tác cứu chuộc vĩ đại này của Chúa, Ngài đã làm một việc được báo hiệu trước qua công tác của các thầy tế lễ ban Arôn, dù Ngài không phải thầy tế lễ theo ban Arôn.
B. Trong Cương Vị Một Thầy Tế Lễ Ban Mênchixêđéc
Hình ảnh Mênchixêđéc trong Sa 14:18-20 và He 7:1-3 dường như được cố ý giới hạn vào những đặc tính nào ví sánh ông với Đấng Christ. Hình thức của cụm từ “như vậy là giống” trong 7:3 không phải là một tính từ để chỉ ra Mênchixêđéc giống Đấng Christ trong bản thể của ông (thêm sức thuyết phục cho lối giải thích Mênchixêđéc là một sự hiển hiện của Chúa) mà là một phân từ, nói lên sự giống nhau này đang nêu ra bởi lời tuyên bố của trước giả Thánh Kinh. Những đặc điểm của hình ảnh này được giới hạn để sự giống nhau có lẽ càng rộng hơn.
Những đặc điểm của chức tế lễ theo ban Mênchixêđéc bao gồm:
(1) Đây là chức tế lễ nhà vua. Mênchixêđéc là vua kiêm thầy tế lễ. Sự hiệp nhất hai chức năng này chưa từng có trong vòng các thầy tế lễ ban Arôn, dù vậy đã được báo trước về Đấng Christ trong Xa 6:13.
(2) Chức tế lễ này không liên quan đến tổ phụ. “Không cha, không mẹ” (He 7:3) không có nghĩa Mênchixêđéc thực sự không có cha mẹ, cũng không có nghĩa ông không được sinh ra hay đã không chết đi, nhưng chỉ có nghĩa Thánh Kinh không hề chứa phần ký thuật những sự kiện này để ông có thể được ví giống càng hoàn hảo hơn với Đấng Christ. Các thầy tế lễ ban Arôn đã phải tùy thuộc vào tổ phụ của họ thì mới được đủ tư cách.
(3) Chức tế lễ này bất tận, vì không có phần ký thuật nào về sự bắt đầu hoặc kết thúc nên một lần nữa có lẽ Mênchixêđéc lại càng giống Chúa là Thầy Tế Lễ đời đời theo ban Mênchixêđéc.
(4) Chức tế lễ này cao trọng hơn ban Arôn. Ápraham - từ ông mà ra ban Arôn - đã công nhận sự cao trọng hơn của Mênchixêđéc khi dâng một phần mười chiến lợi phẩm của mình cho Mênchixêđéc (Sa 14:20).Lêvi, dù chưa ra đời, và mọi thầy tế lễ ra từ Lêvi, đã dự phần trong chính hành động chứng tỏ sự cao trọng hơn của Mênchixêđéc ở đây.
Đấng Christ hành động như thầy tế lễ ban Mênchixêđéc theo những cách nào? Giống như Mênchixêđéc, Ngài là Đấng cai trị.Ngài nhận sự tôn kính của chúng ta. Ngài chúc phước cho chúng ta. Và như Mênchixêđéc đã ban bánh và rượu cho Ápraham được tươi tỉnh và hồi sức sau chiến trận thể nào, Chúa chúng ta trong cương vị Thầy Tế Lễ cũng làm cho tươi tỉnh và nâng đỡ duy trì dân sự Ngài thể ấy. Chẳng hạn, Ngài đã làm như vậy cho Êtiên lúc ông tuận đạo. Chúa chúng ta đang đứng lên để nâng đỡ Êtiên (Cong 7:55).Ngài cũng làm điều đó ngày nay cho các hội thánh địa phương khi Ngài đi giữa những chơn đèn bằng vàng (Kh 2:1). Công tác cứu chuộc của Ngài đã hoàn tất, nên thấy Ngài ngồi, báo hiệu rằng Ngài sẽ không bao giờ phải đứng lên lần nữa để làm việc đó lần nữa hoặc để bổ sung thêm bất cứ điều chi cho công tác đó (He 1:3). Nhưng chức vụ giúp đỡ và duy trì nâng đỡ của Ngài vẫn còn tiếp tục, nên thấy Ngài đứng để làm việc này. Chúng ta có một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Lớn đứng lên và sẵn sàng bước đến giúp những ai đang ở trong thử thách (2:18) và nóng lòng ban ân điển để giúp trong khi có cần (4:16).
III. ĐẤNG CHRIST TRONG TƯ CÁCH VỊ VUA
Khái niệm về vua bao gồm phạm vi đặc quyền rất rộng. Một vị vua trong Ysơraên có quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, quyền về kinh tế và quân sự. Có thể khảo sát khái niệm Đấng Christ là Vua trong năm cụm từ: được hứa ban, được tiên báo, được ban cho, bị khước từ, và được nhận biết.Giao ước giàu ơn của Đức Chúa Trời lập với Đavít đã hứa quyền cai trị sẽ luôn luôn còn nguyên cho triều đại Đavít. Giao ước này không hứa ban sự cai trị không gián đoạn, vì trên thực tế Thời Kỳ Lưu Đày Babylôn đã thực thực sự làm gián đoạn sự cai trị ấy (ISa 7:12-16). Tiên tri Êsai báo trước Con Trẻ ra đời sẽ vững lập và trị vì trên ngôi Đavít (Es 9:7).
Gápriên báo cho Mari biết Hài Nhi của nàng sẽ ngồi trên ngai của Đavít và cai trị nhà Giacốp (Lu 1:32-33). Suốt chức vụ tại thế của Ngài, quyền làm vua nhà Đavít của Chúa Jesus đã được ban cho Ysơraên (Mat 2:2,27:11; Gi 12:13), nhưng Ngài đã bị khước từ.
Dân thành Gađara đã khước từ những lời tuyên bố của Ngài (Mat 8:34). Các thầy thông giáo đã bác bỏ lời Ngài tuyên bố có quyền tha tội (9:3). Nhiều người tại nhiều thành khác nhau chối bỏ ủy nhiệm thư của Ngài (11:20-30; 13:53-58). Người Pharisi đã khước từ Ngài (12; 15:1-20;22:15-23). Vua Hêrốt, Bônxơ Philát, những người ngoại bang, và người Giuđa hết thảy đều khước từ Ngài bằng hành động cuối cùng là đóng đinh trên thập tự (Gi 1:11; Cong 4:27).
Vì vị Vua này bị khước từ, nên vương quốc Đavít của Đấng Mêsia đã bị đình hoãn (theo nhãn quan của con người). Dù Ngài không bao giờ ngưng làm Vua, và dĩ nhiên Ngài là Vua ngày nay cũng như đời đời,Đấng Christ chưa từng được gọi là Vua của hội thánh (Cong 17:7 và ITi 1:17 cũng không phải là những ngoại lệ, còn Kh 15:3, “Vua của các thánh đồ” theo bản dịch King James (Bản Việt Ngữ “Vua của muôn đời”), là “Vua của các nước” theo những bản văn phê bình và đại đa số). Dù Đấng Christ ngày nay là Vua, Ngài không cai trị như một vì Vua. Điều này còn chờ sự hiện đến lần thứ hai của Ngài. Lúc ấy vương quốc của Đavít sẽ được nhận biết (Mat 25:31; Kh 19:15,20). Bấy giờ Thầy Tế Lễ sẽ ngồi trên ngôi Ngài, đem đến cho đất này Thời Đại Hoàng Kim đã chờ đợi từ lâu (Thi Thiên 110).