Tuyên ngôn về thân vị của Đấng Christ nhập thể được hệ thống hóa tại Giáo Hội Nghị Chalcedon (451 S.C.) được Cơ đốc giáo chính thống xem là tuyên ngôn dứt khoát. Tuyên bố như sau:

“Vậy, tiếp nối các giáo phụ thánh, chúng tôi đồng lòng dạy con người công nhận chính Đức Chúa Con, là Chúa Jesus Christ chúng ta, Ngài đồng thời vừa hoàn toàn là Đức Chúa Trời vừa hoàn toàn là người,là Đức Chúa Trời thật và là người thật, cũng có một tâm hồn và thân xác có lý trí; có đồng bản thể với Đức Chúa Cha về phương diện Đức Chúa Trời của Ngài, và đồng thời có đồng bản thể với chúng ta trong phương diện nhân tánh của Ngài; giống chúng ta trong mọi lãnh vực ngoại trừ tội lỗi; về Thần Tánh, Ngài được sinh ra bởi Đức Chúa Cha trước các thời đại, nhưng về nhân tánh Ngài được sinh ra - cho loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta - bởi trinh nữ Mari, là người sinh ra Đức Chúa Trời; chính Đấng Christ vừa là Con, là Chúa, là Con Độc Sanh nầy,được công nhận trong hai bản tánh, không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không phân ly; sự phân biệt của các bản tánh không hề bị hủy bởi sự liên hiệp, nhưng trái lại những đặc trưng của mỗi bản tánh được bảo tồn và kết hợp với nhau để hình thành một Thân Vị và sự lập hữu (subsistence - phẩm chất đặc trưng thiết yếu của một điều gì đó có hiện hữu - Tự Điển), không rời ra hoặc phân ly ra thành hai Thân Vị, nhưng là một Đức Chúa Con, Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời và là Ngôi Lời, Chúa Jesus Christ; những đấng tiên tri từ những thời xa xưa nhất đã nói về Ngài, và chính Chúa Jesus Christ chúng ta đã dạy chúng ta, và tín điều của các giáo phụ đã được truyền lại cho chúng ta.”

Súc tích hơn, có thể mô tả thân vị Đấng Christ nhập thể có Thần Tánh đầy dẫy và nhân tánh trọn lành được hiệp nhất sao cho không trộn lẫn, không thay đổi, không phân chia cũng không phân ly trong một Thân Vị đời đời. Những thành tố chính của lời mô tả nầy gồm có “Thần Tánh đầy dẫy”(không giảm bớt bất cứ thuộc tánh nào của Đức Chúa Trời), “nhân tánh trọn lành”(“trọn lành” thay vì “đầy dẫy” nhằm nhấn mạnh tính vô tội của Ngài), “một Thân Vị” (không phải là hai), và “đời đời” (vì Ngài tiếp tục có thân thể, dầu vậy là thân thể phục sinh, Cong 1:11; Kh 5:6).

I. THẦN TÁNH ĐẦY DẪY CỦA ĐẤNG CHRIST NHẬP THỂ

A. Ngài Có Những Thuộc Tánh Mà Chỉ Đức Chúa Trời Mới Có

1. Vĩnh hằng. Ngài tuyên bố Ngài tồn tại từ cõi quá khứ vĩnh hằng (Gi 8:58; 17:5).

2. Toàn Tại – Ở Khắp Mọi Nơi. Ngài tuyên bố Ngài hiện hữu ở mọi nơi (Mat 18:20; 28:20).

3. Toàn Tri – Biết Mọi Sự. Ngài bày tỏ sự hiểu biết về những điều mà chỉ có thể biết được nếu Ngài là Đấng toàn tri (Mat 16:21; Lu 6:8; 11:17; Gi 4:29).

4. Toàn Năng – Làm Được Mọi Sự. Ngài chứng tỏ và tuyên bố Ngài có quyền năng của một Thân Vị toàn năng (Mat 28:18; Mac 5:11-15; Gi 11:38-44).

Những thuộc tánh khác của Đức Chúa Trời được những người khác tuyên bố về Ngài (chẳng hạn như tính bất biến, He 13:8), nhưng các câu trích dẫn này do chính Ngài tuyên bố về chính Ngài.

B. Ngài Làm Những Việc Chỉ Có Đức Chúa Trời Mới Làm Được

1. Sự Tha Tội: Ngài tha tội đến đời đời. Con người có lẽ tha thứ nhất thời, nhưng Đấng Christ tha tội đời đời (Mac 2:1-12).

2. Sự Sống: Ngài ban sự sống thuộc linh cho bất cứ ai Ngài muốn (Gi 5:21).

3. Sự Phục Sinh: Ngài sẽ khiến kẻ chết sống lại (Gi 11:43).

4. Sự Đoán Xét: Ngài sẽ đoán xét mọi người (Gi 5:22,27).

Một lần nữa, mọi ví dụ này đều là việc Ngài đã làm hoặc là lời Ngài tuyên bố, chứ không phải lời người khác tuyên bố về Ngài.

C. Ngài Đã Được Ban Danh Xưng Và Tên Gọi Của Đức Chúa Trời

1. Con Đức Chúa Trời:

Chúa chúng ta đã sử dụng danh hiệu này cho chính Ngài (dù hiếm hoi, Gi 10:36), Ngài công nhận danh xưng này đúng là của Ngài khi người khác dùng để nói về Ngài (Mat 26:63-64). Điều đó có nghĩa gì? Dù cụm từ “con của” có thể hàm ý “dòng dõi của,” nó còn mang nghĩa “cùng một đẳng cấp với.” Như vậy trong Cựu Ước “con của các tiên tri” mang ý nghĩa thuộc về hàng ngũ các đấng tiên tri (IVua 20:35), và “con của những người ca hát” có nghĩa là thuộc hàng ngũ những người ca hát (Ne 12:28). Danh hiệu “Con của Đức Chúa Trời” khi được dùng cho Chúa chúng ta có nghĩa thuộc hàng đẳng cấp của Đức Chúa Trời và là một lời tuyên bố mạnh mẽ rõ ràng cho về Thần Tánh đầy trọn.

“Theo lối dùng của người Dothái, chữ “Con của...”nói chung không hề hàm ý sự thấp kém hơn, nhưng đúng hơn nói lên sự bình đẳng và đồng nhất về bản chất. Vì vậy Bar Kokba, người lãnh đạo cuộc cách mạng Dothái năm 135-132 T.C. dưới triều đại Hadrian, được gọi bởi danh hiệu có nghĩa 'Con của Ngôi Sao.’ Người ta cho rằng ông mang tên này để xác định mình là Ngôi Sao đã được dự ngôn trong Dan 24:17. Danh hiệu 'Con của Sự Yên Ủi’ (Cong 4:36)rõ ràng nghĩa là 'Người Yên Ủi.’ 'Các Con Trai của Sấm Sét’ (Mac 3:17) chắc có nghĩa 'Những Người Sấm Sét.’ 'Con người, ’ đặc biệt khi được áp dụng cho Đấng Christ trong Da 7:13 và liên tục trong Tân Ước, về cơ bản có nghĩa 'Con Người Đại Diện.’ Vậy khi Đấng Christ phán: 'Ta là Con Đức Chúa Trời’ (Gi 10:36), người đương thời của Ngài hiểu Ngài xác định Ngài chính là Đức Chúa Trời, bình đẳng với Đức Chúa Cha, theo ý nghĩa hoàn toàn đầy đủ.” (J. Oliver Buswell, A Systematic Theology of the Christian Religion (Grand Rapids: Zondervan, 1962,1:105).

2. Chúa và Đức Chúa Trời:

Jesus được gọi là Giêhôva trong Tân Ước, là dấu hiệu rõ ràng về Thần Tánh đầy trọn của Ngài (so sánh Lu 1:76 với Ma 3:1 và Ro 10:13 với Gio 2:32). Ngài cũng được gọi là Đức Chúa Trời (Gi 1:1; 20:28; He 1:8), là Chúa (Mat 22:43-45), Vua của các vua và Chúa của các chúa (Kh 19:16).

D. Ngài Tuyên Bố Ngài Là Đức Chúa Trời

Có lẽ trường hợp tuyên bố như thế mạnh mẽ và rõ ràng nhất là tại lễ Khánh Thành đền thờ khi Ngài phán “Ta với Cha là Một” (Gi 10:30). Hình thức trung tính của từ “một” loại trừ nghĩa cho rằng Ngài và Đức Chúa Cha là một đấng. Câu này có nghĩa cả hai Đấng hiệp nhất trọn vẹn trong các bản tánh và các hành động, một sự kiện chỉ có thể đúng nếu Ngài cũng có thần tánh y như Đức Chúa Cha. Những người nghe Ngài tuyên bố đã hiểu đúng như vậy,vì lập tức muốn ném đá Ngài về tội phạm thượng bởi Ngài tuyên bó Ngài là Đức Chúa Trời (câu 33).

Làm sao có người dám cho rằng Jesus người Naxarét chưa bao giờ tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời, nhưng đúng hơn là do những người theo Chúa đã tuyên bố như vậy thay cho Chúa? Hầu hết các câu Kinh Thánh trưng dẫn trên đây đều là những lời của chính Đấng Christ. Vì vậy, phải đối diện với chỉ hai phương án chọn lựa nầy mà thôi: Một, lời tuyên xưng của Ngài là sự thật, hai, Ngài là kẻ nói dối. Và đây là những lời tuyên bố Ngài có Thần Tánh đầy dẫy và trọn vẹn – không thiếu cũng không hề bị bớt đang khi Ngài sống trên đất.

II. NHÂN TÁNH HOÀN HẢO CỦA ĐẤNG CHRIST NHẬP THỂ

Những lời phủ nhận nhân tánh Đấng Christ ít phổ biến hơn lời phủ nhận thần tánh của Ngài. Vì sao? Vì chừng nào chưa đưa yếu tố thần tánh vào thân vị của Đấng Christ thì dù tốt đẹp hoặc được tôn cao đến đâu, Ngài vẫn chỉ là một con người, và khi chỉ là một con người, Ngài không thể quấy rối người ta bằng những lời tuyên bố của Ngài nhiều cho bằng khi Ngài là Đấng Thần-Nhân. Tuy nhiên, chưa chắc người sẵn sàng khẳng định nhân tánh của Ngài thì cũng sẵn sàng khẳng định nhân tánh trọn lành của Ngài. Họ có thể công nhận Ngài là một người tốt (làm sao tốt được nếu Ngài nói dối?) hoặc là vĩ nhân (làm sao là vĩ nhân nếu lừa dối người khác?) nhưng không công nhận là con người trọn vẹn (vì bấy giờ có lẽ họ cảm thấy buộc phải lắng nghe lời Ngài dù có lẽ không công nhận Ngài là Đức Chúa Trời).

A. Ngài Đã Có Một Thân Thể Người

Mặc dầu sự thọ thai của Đấng Christ là siêu nhiên, nhưng Ngài đã được sinh ra với một thân thể người và thân thể ấy đã lớn lên và phát triển (Lu 2:52). Ngài đã tự gọi Ngài là một người (Gi 8:40).

B. Ngài Đã Có Hồn Và Linh Của Loài Người

Nhân tánh toàn hảo của Chúa chúng ta gồm một bản tánh phi vật chất toàn hảo lẫn một bản tánh vật chất toàn hảo. Không phải nhân tánh cung cấp thân thể cho Đấng Christ còn thần tánh được hình thành từ hồn và linh. Nhân tánh của Ngài là hoàn chỉnh và gồm cả phương diện vật chất lẫn phi vật chất (Mat 26:38; Lu 23:46).

C. Ngài Phô Bày Những Đặc Điểm Của Một Con Người

Chúa chúng ta đã chịu đói (Mat 4:2). Ngài đã khát (Gi 19:28). Ngài mỏi mệt (Gi 4:6). Ngài đã kinh nghiệm tình yêu thương và lòng thương xót (Mat 9:36). Ngài đã khóc (Gi 11:35). Ngài đã bị thử thách (He 4:15). Đây là những đặc trưng của nhân tánh thật.

D. Ngài Đã Được Gọi Bằng Những Danh Xưng Dành Cho Con Người

Danh xưng Chúa ưa thích nhất cho chính Ngài là “Con Người” (hơn 80 lần). Danh xưng này liên kết Ngài với thế gian và với chức vụ Ngài trên đất. Nó tập trung vào địa vị thấp kém và sự hạ mình của Ngài (Mat 8:20); vào sự chịu khổ và chịu chết của Ngài (Lu 19:10); và sự cai trị trong tương lai của Ngài với tư cách vị Vua (Mat 24:27).

Ngài cũng là Con của Đavít, là danh xưng liên kết Ngài với tổ phụ Đavít và với những lời hứa cho vua mà sẽ được ứng nghiệm tối hậu bởi Đấng Mêsia.

Phaolô gọi Ngài là người trong ITi 2:5.

III. SỰ LIÊN HIỆP THẦN TÁNH VÀ NHÂN TÁNH

TRONG ĐẤNG CHRIST NHẬP THỂ

Khái niệm sự liên hiệp ngôi vị hay sự liên hiệp một ngôi vị (hypostatic union) của thần tánh và nhân tánh trong một Thân Vị này có lẽ là một ý niệm khó hiểu nhất trong thần học. Chúng ta chưa ai từng thấy Thần Tánh ngoài ra khi Thánh Kinh mạc khải Đức Chúa Trời, và chưa ai trong chúng ta từng thấy nhân tánh trọn lành ngoại trừ như Kinh Thánh bày tỏ Ađam trước khi sa ngã và Cứu Chúa của chúng ta. Cố gắng liên hệ cả hai khái niệm nầy với thân vị Đấng Christ càng tăng thêm nhiều phức tạp cho những ý tưởng mà tự chúng vốn đã khó hiểu rồi.

A. Ý Nghĩa Của “Bản Tánh”

Dù những từ ngữ “bản tánh” (nature) và “bản thể” (substance) trong Anh Ngữ có thể đồng nghĩa - mang nghĩa là thể yếu -nhưng ta cần phân biệt hai từ ngữ nầy vì những mục đích thần học. Nếu bản tánh được hiểu là một thực thể độc lập riêng biệt, thì bản tánh và bản thể sẽ là một.Đấng Christ Nhập Thể sẽ gồm cả hai bản thể, và về cơ bản sẽ là hai Thân vị,theo như phái Cảnh Giáo (Nestorianism) tin tưởng. Nhưng nếu “bản tánh” được xem là “phức hợp những thuộc tính” (theo Buswell, 1:54), thì dễ tránh được tránh lỗi như phái Cảnh Giáo trên đây. Một Thân Vị duy nhất của Đấng Christ nhập thể giữ lại toàn bộ phức hợp các thuộc tánh của Đức Chúa Trời (thần tánh) và sở hữu toàn bộ phức hợp các thuộc tánh của con người (nhân tánh) vốn thiết yếu cho một hữu thể toàn hảo.

B. Đặc Tính Của Sự Liên Hiệp Này

Bản Tín Điều Chalcedon phát biểu rằng hai bản tính này đã được hiệp nhất mà không trộn lẫn, không thay đổi, không phân chia,và không phân ly. Điều này có nghĩa toàn bộ phức hợp thuộc tánh của Đức Chúa Trời và toàn bộ phức hợp thuộc tánh của nhân tánh toàn hảo đã luôn được giữ vẹn trong Chúa Jesus Christ từ khi Ngài Nhập Thể. Không hề có sự pha trộn thần tánh và nhân tánh (như phái Eutychians đã dạy), không có thay đổi trong phức hợp nào cả (như phái Apollinarians dạy), không hề phân chia hai tánh, và cũng không phân ly tách riêng thành hai thân vị. Giáo lý chánh thống dạy rằng Chúa Jesus có hai bản tánh (nature) trong một Thân Vị hoặc phẩm vị (hypostasis) đời đời.Mô tả đặc điểm Đấng Christ là “một Thân Vị thần-nhân” thì chính xác, nhưng nói về “những bản tánh thần-nhân” thì không chính xác (vì như vậy sẽ pha trộn những thuộc tánh của Đức Chúa Trời và loài người).

Thuyết Calvin cho rằng sự liên hiệp này không hề chuyển các thuộc tính của bản tánh này sang bản tánh kia. Thuyết của Luther dạy về tính toàn tại của thân thể Đấng Christ, tức thực sự có chuyển thuộc tánh toàn tại sang cho nhân tánh của Đấng Christ. Nói cách khác, chủ thuyết thân thể Chúa toàn tại (ubiquitarianism) cho rằng Đấng Christ hiện hữu ở mọi nơi và mọi thời điểm trong nhân tánh Ngài. Luther triển khai giáo lý này năm 1527-28 để hậu thuẫn niềm tin của ông về Sự Hiện Diện Thật của Chúa trong Tiệc Thánh.

C. Sự Chia Sẻ Những Thuộc Tính

Điều này đơn giản nghĩa là các thuộc tánh của cả hai bản tánh thuộc đồng một Thân Vị chứ không trộn lẫn các bản tánh hoặc chia cắt Thân Vị đó. Thực ra, đây là cơ sở để nhìn thấy Đấng Christ yếu đuối nhưng toàn năng; không biết nhưng toàn tri; hữu hạn nhưng vô hạn.

Tôi đã nói không thể chuyển các thuộc tính từ bản tính nầy sang bản tính kia. Làm như thế sẽ thay đổi sự kết hợp của phức hợp các thuộc tính và như vậy thay đổi bản tánh. Nếu có thể chuyển tính vô hạn sang nhân tánh, thì Đức Chúa Trời đánh mất tính vô hạn và sẽ không còn Thần Tánh đầy đủ nữa. Tuy nhiên, các thuộc tánh của cả hai bản tánh phải được biểu hiện ra qua một Thân Vị. Như vậy, Thân Vị đó có thể dường như “chuyển” lui tới từ biểu hiện của bản tánh này sang bản tánh kia, dầu vậy bản thân những thuộc tính ấy phải vẫn cứ là thành phần của bản tánh mà chúng đích thực thuộc về đó. Do vậy,các nhà thần học đã triển khai hệ thống để phân loại những hành động của Thân Vị Đấng Christ xét về nguồn gốc hành động đó. Hodge phân ra bốn loại (xem Hodge,Systematic Theology [Grand Rapids: Eerdmans, 1960], 2:78 trở đi), và Walvoord chia ra bảy loại (Walvoord, Jesus Christ Our Lord [Chicago: Moody, 1974], trang 116-7). Một số ví dụ gồm (a) những hành động được căn cứ trên toàn thể Thân Vị này, như sự cứu chuộc (cả hai bản tính đều dự phần ); (b) những hành động được được căn cứ trên thần tánh (dầu trọn Thân Vị này là chủ thể), như là sự tiền tại (chỉ đúng cho thần tánh); và (c) những hành động căn cứ trên nhân tánh, như biết khát chẳng hạn.

Dù phân loại như thế có ích lợi nào đi nữa,dường như quan trọng hơn vẫn là nhớ Thân Vị này làm bất cứ điều nào Ngài muốn,bày tỏ bất cứ thuộc tánh nào của bản tánh nào Ngài muốn. Thân Vị này đã khát;Thân Vị này hiểu biết mọi sự; Thân Vị này không biết ngày hay giờ nào; và (chắc đây là điều khó nhất) Thân Vị này đã chết. Dĩ nhiên, Thần Tánh không chết cũng không khát, nhưng Thân Vị này, là Chúa Jesus Christ, Đấng Thần-Nhân đã có thể làm cả hai.

D. Sự Tự Nhận Thức Của Đấng Christ

Một vấn nạn khác nữa là trong sự tự nhận thức,Đấng Christ có luôn biết về thần tánh và nhân tánh của Ngài hay không. Câu trả lời là: Thân Vị này luôn luôn tự nhận thức về thần tánh của Ngài, và Thân Vị này đã lớn lên trong sự tự nhận thức về nhân tánh của Ngài.

E. (Những) Ý Chí Của Đấng Christ

Đấng Christ có một hay hai ý chí? Chalcedon nói rằng một Đấng Christ trong hai bản tánh được hiệp nhất trong một thân vị,hàm ý Ngài có hai ý chí. Ở thế kỷ thứ bảy, phái Duy Nhất Ý Chí (Monothelites)nói Đấng Christ chỉ có một ý chí, nhưng bị kể là tà giáo tại Hội Nghị Constantinople năm 680. Nếu định nghĩa ý chí là một “phức hợp hành vi” như Buswell, thì có lẽ phải nói Chúa chúng ta có mẫu mực hành vi cư xử của Đức Chúa Trời và cũng có mẫu mực hành vi cư xử của con người toàn hảo; vì lý do đó có hai ý chí. Nếu theo Walvoord định nghĩa ý chí là quyết định đạo đức do đó mà ra, thì thân vị của Đấng Christ luôn luôn thực hiện duy chỉ một quyết định về đạo đức; vì vậy một ý chí. Tuy nhiên tôi thấy dường như mỗi một quyết định đã bắt nguồn hoặc từ “ý chí” của thần tánh, hoặc từ “ý chí” của nhân tánh, hoặc kết hợp cả hai, nên thật hợp lý để nghĩ đến hai “ý chí.”

IV. LỊCH SỬ BAN ĐẦU CỦA GIÁO LÝ NÀY

A. Docetism (Hiện Hình Thuyết)

Vào cuối thế kỷ thứ I, Marcion và Trí Huệ Phái (Gnostics) dạy rằng Đấng Christ chỉ có vẻ là một con người (dokeo, “dường như” hoặc “có vẻ”). Sứ đồ Giăng nói đến giáo lý sai lạc này trong IGi 4:1-3. Tà giáo này phá hoại cả thực tế Sự Nhập Thể lẫn tính hiệu lực của Sự Chuộc Tội và sự phục sinh của thân thể

B. Tà Thuyết Ebionism

Ở thế kỷ thứ II, tà giáo này phủ nhận thần tánh của Đấng Christ, xem Chúa Jesus là con đẻ của Giôsép và Mari, nhưng đã được chọn để trở thành Con Đức Chúa Trời tại thời điểm Ngài chịu báptêm và lúc đó Ngài được hiệp nhất với Đấng Christ vĩnh hằng.

C. Tà Thuyết Arianism

Đây là tà thuyết phủ nhận tính vĩnh hằng của Chúa Jesus là Ngôi Lời. Arius lập luận rằng vì Jesus đã được sinh ra, ắt Ngài phải có một khởi đầu. Người theo thuyết của Arius tin rằng thần tánh của Đấng Christ tương tự như của Đức Chúa Trời, homoiousian, nhưng không phải là cũng cùng một thần tánh, homoousian. Giáo Hội Nghị tại Nicea đã lên án sự dạy dỗ này vào năm 325 S.C., khẳng định Chúa Jesus đã có cùng bản tánh như Đức Chúa Trời.

D. Thuyết Apollinarianism

Apollinarius Em (qua đời khoảng năm 390),tìm cách tách thái quá những bản tánh của Đấng Christ. Ông dạy rằng Đấng Christ đã có một thân thể người và một hồn người, nhưng Ngài đã có Ngôi Lời (Logos)thiên thượng thay vì có linh của con người (sự dạy dỗ này thừa nhận quan điểm con người có ba phần – trichotomous). Ngôi Lời này chi phối kiểm soát thân thể và hồn thụ động của con người. Đây là tà thuyết ảnh hưởng đến nhân tánh của Đấng Christ.

E. Thuyết Nestorianism (Thuyết Cảnh Giáo)

Thuyết Nestorianism (Thuyết do Nestorius đề xướng) phân chia Đấng Christ làm hai Thân Vị (dù vậy người ta còn tranh luận không biết chính Nestorius có dạy rõ ràng như vậy không). Ông giải thích rằng Chúa Cứu Thế Jesus đã là prosopon (hình thức, hình trạng, hoặc sự hiện ra) của sự liên hiệp hai bản tánh. Nhân tánh đã được ban hình thức của Đức Chúa Trời,và Thần Tánh đã tự mặc lấy hình thức một tôi tớ, kết quả là sự hiện ra của Jesus Naxarét. Như vậy trong quan điểm này hai bản tánh đã bị tách riêng, kết quả là có hai thân vị. Sự dạy dỗ này bị Giáo Hội Nghị Êphêsô năm 431 lên án.

F. Eutychianism (Duy Nhất Tánh Thuyết)

Eutyches (khoảng 378-454) phản đối thuyết Nestorianism và dạy rằng trong Đấng Christ chỉ có một bản tánh. Tà thuyết nầy còn được gọi là monophysitism (Duy Nhất Tánh Thuyết). Thần tánh không hoàn toàn là thần tánh, và nhân tánh cũng không thật sự như nhân tánh của con người, và kết quả là một bản tánh hỗn hợp duy nhất. Điều nầy đã bị Hội Nghị Chalcedon lên án năm 451.

Một tà thuyết tương tự đã được triển khai sau Hội Nghị Chalcedon, dạy rằng Đấng Christ chỉ có một ý chí mặc dù thừa nhận trên lời nói rằng Ngài có hai bản tính. Tà thuyết này được gọi là monothelitism (Duy Nhứt Ý Thuyết), đã bị Hội Nghị Constantinople Lần Thứ Ba năm 680 lên án.

Việc nghiên cứu các tà thuyết phải giúp làm sáng tỏ chân lý và khiến chúng ta cẩn thận hơn khi phát biểu chân lý. Ngữ nghĩa học rất quan trọng trong các câu phát biểu thần học.