Có lẽ hầu hết mọi người khi nghĩ về tội lỗi thì đều nghĩ trước tiên đến lĩnh vực những tội lỗi của cá nhân (các kỷ tội). Họ bảo: Đương nhiên, tội lỗi có thực vì người ta phạm tội. Nhưng tội lỗi cũng là một thực trạng, vì chúng ta thừa hưởng một bản chất tội lỗi, và tội của Ađam đã được quy gán cho chúng ta. Thế nhưng đúng là kỷ tội của chúng ta khiến chúng ta hiểu được thực trạng của tội lỗi.

I. MỘT VÀI BẰNG CHỨNG CỦA KINH THÁNH

Trong Ro 3:9-18, Phaolô chứng minh sự định tội hết thảy mọi người dựa trên cơ sở họ đã đích thân phạm tội. Sự định tội này mang tính phổ thông và căn cứ trên những việc làm ác trong cả lời nói lẫn hành động. Người ta bại hoại, lừa dối, không nhân từ, phạm thượng, giết người, hà hiếp,cãi lẫy và không tin kính.

Rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh kể tên những tội cụ thể. Hãy để ý tội nói dối trong IGi 1:6, tội thiên vị trong Gia 2:4,tánh xác thịt trong ICo 3:1-4, và danh sách trong Ga 5:19-21 bao gồm cả tội phù phép, gian dâm, bè đảng và đố kỵ.

II. MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CỦA NHỮNG KỶ TỘI.

A. Tính Phổ Thông Của Chúng.

Mọi người đều đích thân phạm tội, ngoại trừ trẻ sơ sinh. Giacơ nói rất rõ điều này khi bảo chúng ta thảy đều vấp ngã nhiều cách (Gia 3:2). Trước khi Phaolô liệt kê những tội này, ông nói hết thảy mọi người - cả người Do thái lẫn người ngoại bang - thảy đều phục dưới tội lỗi (c.9). Sau danh sách, ông lập lại sự thực đó, tuyên bố mọi người đều thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (c. 23).

B. Tính Công Khai Của Chúng.

Kỷ tội không những là các tội phạm công khai, mà còn là những tội phạm trong tư tưởng nữa. Sự gian dâm, ganh ghét, tham lam, và thờ hình tượng, là những ví dụ về các tội phạm trong đời sống tư tưởng chúng ta (và cũng có thể bộc phát ra bằng những việc làm cụ thể nữa). Xem Mat 5:27-28; IICo 10:5; và Co 3:5-6.

Hơn nữa, những tội do thiếu sót (bỏ việc đáng phải làm), vốn là tội không công khai, cũng có tội y như tội thực sự phạm (Gia 4:17).

C. Phân Loại Kỷ Tội

Chúa đã xếp tội Caiphe giải Ngài đến Philát là còn lớn hơn tội của Philát. Nhưng điều này không biện hộ cho Philát, vì nếu có tội lớn hơn (tức tội của Caiphe) thì chắc chắn phải có tội nhỏ hơn (tội của Philát). Là quan chức chính quyền, Philát chỉ có thể làm việc mà Đức Chúa Trời cho phép chính quyền ông làm. Là thầy tế lễ thượng phẩm, Caiphe được soi sáng nhiều hơn, nên gánh trách nhiệm nặng hơn.

Cựu Ước phân biệt những tội phạm do không biết với những tội phạm do cố tình. Theo nghĩa đen, tội phạm do cố tình là những tội phạm với tay giơ cao, nghĩa là những tội phạm với nắm tay siết chặt lại và giơ cao lên để thách thức Đức Chúa Trời và các điều răn của Ngài. Đối với những tội như thế thì không còn một của lễ nào có thể được nhậm nữa (Dan 15:30-31). Ví dụ về tội cố tình được nêu tiếp theo sau đó qua câu chuyện người lượm củi trong ngày Sabát để thách thức mạng lệnh rõ ràng của Đức Chúa Trời. Trái lại, của lễ chuộc sự mắc lỗi đã chuộc được tội phạm do không biết: tức là các tội phạm cách vô ý do yếu đuối hay do bất ngờ (Le 4:2). Một số ví dụ gồm: không chịu đưa ra chứng cứ khi được mời làm chứng; những sự ô uế tình cờ về lễ nghi do tiếp xúc với người hoặc thú vật không tinh sạch; không thể giữ trọn lời hứa nguyện hấp tấp (5:1-4).

Phần Tân Ước ứng với cách phân loại này của Cựu Ước đã đối chiếu các tội đã phạm khi được soi sáng nhiều với những tội đã phạm khi được soi sáng ít (Lu 12:47-48).

Các loại khác bao gồm tội không thể tha được (Mat 12:31-32) và tội đến nỗi chết (IGi 5:16).

Giáo Hội Công Giáo Lamã phân biệt tội nhẹ (tội có thể được tha) với tội trọng (các tội đem lại sự chết). Một người phạm tội nhẹ khi vi phạm phần không quan trọng của luật pháp Đức Chúa Trời. Một tội như thế sẽ được tha dễ dàng, thậm chí không cần phải xưng tội. Chỉ có bí tích sám hối mới có thể tha được tội đến nỗi chết. Đây là sự dạy dỗ không phù hợp với Kinh Thánh.

Tương tự, người tin con cái Đức Chúa Trời có thể đánh mất sự cứu rỗi thì họ cũng phân biệt những tội không quá nặng và tội mà hầu hết tín đồ đôi khi phạm nhưng chúng không làm mất sự cứu rỗi, với những tội đủ xấu đến nỗi làm mất sự cứu rỗi. Những tội nào thuộc vào mỗi loại đó thường được xác định cách rất chủ quan.

III. SỰ LƯU TRUYỀN KỶ TỘI

Nói chính xác, kỷ tội không truyền từ cá nhân này sang cá nhân khác hay từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi người phạm những tội của riêng mình. Ảnh hưởng các kỷ tội được lưu truyền theo ý nghĩa: những tội phạm của chúng ta thực sự tác động đến người khác, nhưng mỗi người phải gánh hậu quả của chính tội lỗi mình.

IV. HẬU QUẢ CỦA KỶ TỘI

Nếu cần một ý để mô tả hậu quả của toàn bộ kỷ tội, thì đó chính là bị mất mối tương giao. Người không tin Chúa thì không được tương giao với Đức Chúa Trời vì cớ các tội người ấy đã phạm, còn người tin Chúa được đem vào mối tương giao trong gia đình Đức Chúa Trời rồi mà phạm tội thì sẽ mất sự vui hưởng mối tương giao đó. Người ấy không bị trục xuất khỏi gia đình,dầu vậy có thể mất một số đặc ân của việc được ở trong gia đình. Khi xưng tội và được tha thứ, người ấy được khôi phục mối tương giao.

V. GIẢI PHÁP CHO KỶ TỘI

Phương thuốc giải chính là sự tha tội. Đối với người chưa tin Chúa mà tiếp nhận Đấng Christ, sự tha tội ấy khỏa lấp mọi vi phạm của mình (Eph 1:7). Đối với người tin Chúa rồi, sự tha tội đó khôi phục sự vui hưởng mối tương giao trong gia đình Đức Chúa Trời (IGi 1:9). Hay nói cách khác,sự tha thứ về mặt pháp lý đưa người chưa tin Chúa vào trong gia đình Đức Chúa Trời, còn sự tha thứ trong gia đình khôi phục lại mối tương quan bị cắt đứt tạm thời bên trong gia đình.