I. Ý NGHĨA SỰ QUY GÁN

Quy có nghĩa là gán, kể hay suy ra một điều gì đó cho một ai đó. Việc này không chỉ là ảnh hưởng thuần túy, nhưng là một sự can dự, và đó là trọng tâm của khái niệm này.

Cựu Ước cung cấp rất nhiều ví dụ về sự quy tội.Le 7:18 và 17:4 cho thấy tình trạng thiếu phước hạnh và có phạm tội đã được gán cho người Ysơraên nào không giữ nghi thức đã định về những của dâng. ISa 22:15 và ISa 19:19 là những lời cầu khẩn đừng quy những điều nào đó cho những cá nhân nào đó. Trong Thi 32:2, Đavít diễn tả hạnh phước của người mà Đức Giêhôva không kể sự gian ác cho. Trong tất cả các trường hợp này, sự quy kể bao gồm một kiểu can dự nào đó, chứ không chỉ là ảnh hưởng thuần túy.

Tân Ước nhiều lần nói đến sự quy gán trong Cựu Ước. Phaolô nói khi chưa có luật, thì tội lỗi không bị kể là sự vi phạm cụ thể đến một bộ luật (Ro 5:13). Phaolô nói đến sự công bình được Đức Chúa Trời kể cho Ápraham khi ông tin, và nói đến sự công bình Đavít đã biết khi ông xưng tội mình (đoạn 4). Giacơ cũng nói đến sự công bình được kể cho Ápraham (Gia 2:23).Sự chết của Đấng Christ đã giúp Đức Chúa Trời có thể không quy những tội của con người cho họ nữa (IICo 5:19).

Thơ Philêmôn chứa đựng một điều có lẽ là minh họa đẹp nhất về sự quy gán. Phaolô bảo Philêmôn rằng: Nếu Ônêsim, nô lệ của Philêmôn, có mắc nợ điều gì thì hãy tính điều đó về phần của Phaolô. Nói cách khác, bất cứ món nợ nào Ônêsim đã gây ra, thì sẽ tính sang tài khoản của Phaolô, và Phaolô sẽ trả khoản nợ đó. Tương tự, tội lỗi của chúng ta đã được gán cho, được quy cho, được tính cho Đấng Christ, và Ngài đã trả đầy đủ khoản nợ của chúng ta.

II. BA SỰ QUY GÁN CƠ BẢN

Các nhà thần học nói chung đã nhận thấy ba sự quy gán cơ bản.

A. Sự Quy Tội Lỗi Của Ađam Cho Nhân Loại (Ro 5:12-21).

Đây chính là điều chúng ta quan tâm trong phần nói về tội lỗi ở đây, và chúng ta sẽ quay lại bàn luận đầy đủ vấn đề này.

B. Sự Quy Tội Của Con Người Cho Đấng Christ (IICo 5:19; IIPhi 2:24).

C. Quy Sự Công Bình Của Đấng Christ Cho Tín Đồ (IICo 5:21).

III. SỰ QUY GÁN TỘI AĐAM

A. Phân Đoạn Trọng Tâm (Ro 5:12)

Khái niệm tội bị quy gán xuất phát từ cách giải thích ý nghĩa của cụm từ “mọi người đều đã phạm tội” ở cuối câu 12.

Có người hiểu điều này có nghĩa mỗi một cá nhân đều đã đích thân phạm tội, và bởi những tội lỗi đã phạm đó mà người ta phải chết. “'Đã phạm tội’ chỉ về những tội thật sự phạm (đối chiếu 3:23) được xem như một biểu hiện của cá nhân và như sự phê chuẩn hành động mang tính đại diện của Ađam.” (Leslie C. Allen, “Romans,” A New Testament Commentary, soạn giả:Howley, Bruce, và Ellison (Grand Rapids: Zondervan, 1969, trang 352).

Tuy nhiên, trẻ sơ sinh chết dầu chúng không đích thân phạm tội. Hơn nữa, “mọi người đều đã phạm tội” được liên kết với một con người, tức là Ađam, mà qua ông tội lỗi đã vào trong thế gian. Câu Kinh Thánh này không nói Ađam đã phạm tội và mọi người khác cũng phạm tội. Phaolô nói trong đoạn 5:15-19 năm lần rằng sự đoán phạt và sự chết đã cai trị trên mọi người bởi vì một tội ấy của Ađam, chứ không phải bởi nhiều tội lỗi khác nhau của hết thảy chúng ta.

Có người hiểu nghĩa câu này là “mọi người đều là tội nhân” hoặc “mọi người đều đầy tội lỗi.” Tuy nhiên, từ ngữ này là một động từ ở thể chủ động (mọi người đều đã làm một việc gì đó), chứ không phải một danh từ hay một tính từ (mọi người là một điều gì đó (hay có phẩm chất nào đó)). Dĩ nhiên, đúng là mọi người đều là tội nhân, nhưng đều đó không có nghĩa “mọi người đều đã phạm tội” trong câu Kinh Thánh này. Những ý Shedd phản đối nghĩa “mọi người đều đầy tội lỗi” là rất chính xác. Ông nhận định sự giải thích như thế sẽ mâu thuẫn với cách sử dụng không thay đổi cho thể chủ động của động từ này, và nó sẽ đòi hỏi phải thêm động từ “là” (“to be”). (Dogmatic Theology,(New York: Scribner, 1891,2:183-5).

Phái Barth hiểu câu này có nghĩa: tội lỗi là một phần trong kinh nghiệm của mọi người, nhưng vì họ không tin Ađam là một con người thật sự, cũng không tin tội lỗi của ông là một sự kiện có thật trong cõi thời gian và không gian, nên không thể có sự liên kết nào giữa Ađam với nhân loại.Đối với họ, câu Kinh Thánh này không nói gì về nguyên tội cũng như không nói gì về tội quy gán.

Một cách giải thích khác nữa là: Mọi người đều đã phạm tội khi Ađam phạm tội. Đây dường như là ý nghĩa duy nhất đánh giá đúng về động từ này và mối quan hệ của động từ với phần trước trong câu. “Thì của động từ này chỉ ra một lối vào quan trọng trong lịch sử.... Sự chết thuộc thể đã đến trên hết thảy mọi người, nhưng không phải vì họ đang ở trong quá trình phạm tội cách cá nhân. Mọi người đều đã phạm tội cách thực nghiệm (ngoại trừ những trẻ sơ sinh chết lúc còn thơ). Nhưng ở đây, Phaolô không nói đến điều đó. Tội lỗi của mọi người được tập trung trong tội lỗi của một mình con người Ađam.” (A.Berkeley Mickelsen, “Romans.” The Wycliffe Bible Commentary, do Pfeiffer và Harrison biên soạn (Chicago: Moody, 1962, trang 1197.

B. Mối Liên Hệ Giữa Ađam Với Nhân Loại.

Dầu Phaolô nói rõ mọi người đều đã phạm tội khi Ađam phạm tội, nhưng vẫn còn thắc mắc: Họ phạm tội như vậy bằng cách nào?Giữa Ađam với nhân loại có mối liên hệ nào?

Trong lịch sử, người ta đã đưa ra hai câu trả lời. Chúng thường được gọi là (a) quan điểm liên minh hay đại diện, và (b) quan điểm mầm mống hay hiện thực, hay quan điểm của Augustine.

1. Quan điểm đại diện.

Quan điểm này xem Ađam là người đại diện cho toàn nhân loại, nên khi Ađam phạm tội, tội lỗi của ông đã trở thành cơ sở định tội dòng dõi của ông. Ngoài Ađam, không một ai khác thực sự phạm tội lỗi đầu tiên đó, nhưng vì Ađam đại diện toàn nhân loại, nên Đức Chúa Trời đã xem hết thảy mọi người đều đã can dự vào đó, nên bởi đó bị đoán phạt.Chữ “liên minh” nói đến giao ước, và chỉ ra rằng Ađam đã được chỉ định để làm đại diện cho nhân loại trong điều thường được gọi là Giao Ước Của Việc Làm. Bởi người đứng đầu Giao Ước này đã phạm tội, nên tội phạm của ông đã được quy gán cho mỗi một người trong dòng dõi ông. Os 6:7 được trích dẫn như câu nói đến giao ước này.

2. Quan điểm mầm mống.

Quan điểm mầm mống,quan điểm thực tiễn hay quan điểm của Augustine, xem Ađam có chứa mầm mống của toàn bộ dòng dõi ông, nên khi ông phạm tội, thì mọi người thảy đều đã thực sự phạm tội. Nhân loại không chỉ được đại diện bởi Ađam, mà còn đã thực sự được tham dự về mặt hữu cơ với Ađam. “Khái niệm của Phaolô về sự đoàn kết chủng tộc dường như là sự phổ thông hóa khái niệm của người Hêbơrơ về sự đoàn kết gia đình. Bức tranh bi thảm về sự đoàn kết gia đình được tìm thấy trong Gios 7:16-26, trong đó phát hiện ra Acan là nguyên nhân làm dân Ysơraên thất trận trước thành Ahi.... Acan đã không đổ lỗi cho ai khác.... Nhưng khi thi hành án phạt... mọi điều có liên quan với Acan đều bị loại khỏi Ysơraên.” (Mickelsen,“Romans.” The Wycliffe Bible Commentary, trang 1197-8). He 7:9-10 cung cấp thêm ví dụ nữa về khái niệm mầm mống hay dòng dõi này trong nhân loại. Tác giả nói rõ rằng Lêvi dầu vẫn chưa ra đời mãi đến gần 200 năm sau đó, nhưng Lêvi đã thực sự dâng một phần mười trong tổ phụ của mình là Ápraham. Tổ phụ - là Ápraham -đã chứa hậu tự của mình - là Lêvi. Tương tự, tổ phụ của chúng ta - là Ađam - đã chứa hết thảy chúng ta, tức hậu tự của ông. Do đó, Lêvi đã có làm công việc dâng phần mười thể nào, thì chúng ta cũng đã có phạm tội trong Ađam thể ấy.

Như vậy, tội lỗi của Ađam đã được quy gán cho mỗi thành viên của nhân loại, bởi vì mỗi thành viên của nhân loại đã thực sự phạm tội trong Ađam khi Ađam phạm tội.

Tôi gặp minh họa sự quy gán qua từng trải đáng buồn của một cựu sinh viên. Anh này tên là Bill, đã góp tiền đi chung với xe của Joe trên chuyến về thăm nhà mùa Giáng sinh. Trên đường đi, một chiếc xe khác vượt biển báo dừng và đâm vào xe của Joe. Lúc xảy ra tai nạn, Joe đang lái và Bill đang ngủ trên xe. Vì Bill bị thương nặng và vĩnh viễn nên kiện chủ xe kia ra tòa để nhận tiền bồi thường thương tật. Nhưng chủ nhân chiếc xe kia (hay công ty bảo hiểm của ông ta) đã cố chứng minh sự bất cẩn thuộc về phần của Joe,nên luật sư của Bill viết cho anh một bức thơ, trong đó có viết như sau: “...và nếu quan tòa thấy anh ta [Joe] đã bất cẩn thì dứt khoát bất cẩn đó sẽ được quy gán cho anh, và anh không đòi tiền bồi thường được. Tôi nghĩ chúng ta không làm được gì để thay đổi tình thế lúc này nữa.”

Điều gì liên kết Bill với Joe và với sự bất cẩn có thể có với Joe? Đó chính là sự kiện Bill đã góp chi phí. Tiền đã liên kết Bill với Joe và với những hành động của Joe. Nhân tánh đã liên kết toàn bộ chúng ta với Ađam và với tội lỗi của Ađam. Chúng ta thảy đều dự phần trong tội lỗi của Ađam và trong sự phạm tội của Ađam. Chúng ta thảy đều có tội như nhau và đều cần phương thuốc chữa trị tội lỗi chúng ta như nhau.

IV. SỰ LƯU TRUYỀN TỘI BỊ QUY GÁN

Tội bị quy gán được truyền trực tiếp từ Ađam đến mỗi cá nhân trong mỗi thời đại. Vì tôi đã ở trong Ađam, nên tội của Ađam đã được quy gán trực tiếp cho tôi, chứ không thông qua cha mẹ tôi và tổ phụ tôi. Tội bị quy trách là một sự quy gán trực tiếp (tức không thông qua những người trung gian giữa Ađam và tôi).

Điều này tương phản với cách lưu truyền bản tánh tội lỗi di truyền. Nó đến với tôi qua cha mẹ tôi, và đến với cha mẹ tôi thông qua ông bà tôi, và cứ tiếp tục như vậy cho đến tận Ađam. Tội di truyền là một sự lưu truyền qua trung gian, vì nó đến thông qua toàn bộ những người trung gian của các thế hệ giữa Ađam và tôi. Sự tương phản này được biểu diễn qua biểu đồ như sau:

V. HÌNH PHẠT CHO TỘI DO QUY TRÁCH

Sự chết thuộc thể là hình phạt đặc thù liên kết với tội quy gán (Ro 5:13-14). Bạn còn nhớ hình phạt đặc thù liên kết với tội di truyền chính là sự chết thuộc linh chứ?

VI. GIẢI PHÁP CHO TỘI QUY GÁN

Giải pháp cho tội quy gán chính là sự công nghĩa quy gán của Đấng Christ. Ngay giây phút một cá nhân tin Đấng Christ, sự công nghĩa của Đấng Christ được kể cho, hay được quy gán cho cá nhân đó. Hết thảy mọi người đều ở trong Ađam thể nào, thì hết thảy mọi tín đồ cũng đều ở trong Đấng Christ thể ấy, và ở trong Ngài có nghĩa sự công bình của Ngài chính là sự công bình của chúng ta.

Một minh họa sống động cho điều này đã đến với tôi thời sinh viên. Một tội phạm kia trong nhà giam liên bang sắp bị tử hình vì tội sát nhân. Câu chuyện của anh đã được công chúng rất lưu tâm, vì anh đã lập di chúc để lại giác mạc một con mắt của anh cho tiến trình ghép giác mạc vốn rất mới mẻ vào thời bấy giờ. Hơn nữa, người nhận nó đã được chỉ định trước khi thi hành án tử hình người này, và thực sự hai người này đã gặp nhau trước khi án tử hình được thi hành. Điều này tạo nên một bản tin nhân đạo thú vị và hấp dẫn cho phương tiện truyền thông đại chúng.

Kẻ sát nhân bị tử hình đúng thời hạn quy định.Giác mạc của anh đã được lấy ra khỏi thi thể anh, và bởi phép lạ của y học, nó được ghép vào mắt một người mù và rồi người mù ấy đã thấy được. Bây giờ, giả sử có viên cảnh sát nọ cố gắng bắt giữ người nhận giác mạc này để xử tử anh ta, vì anh ta có giác mạc của tên sát nhân. Bất cứ quan tòa nào cũng sẽ nói: “Nhưng giác mạc trước kia vốn ở trong cơ thể của kẻ sát nhân nay hiện ở trong thân thể của một con người công bình trước pháp luật. Do đó, giác mạc đó cũng công bình giống như con người đó là công bình.” Và điều đó minh họa ý của tôi. Tôi đã ở trong Ađam, đã bị định tội chết một cách công bình vì cớ tôi đã phạm tội khi Ađam phạm tội. Nhưng bởi một phép lạ còn vĩ đại hơn cả mọi thủ tục phẫu thuật,tôi đã được đặt vào trong Đức Chúa Jesus Christ. Và giờ đây tôi là công bình vì cớ Ngài là công bình, và tôi có thể đứng trước mặt một Đức Chúa Trời thánh khiết mà không hề bị định tội. Từ chỗ ở trong Ađam đến ở trong Đấng Christ - đó chính là câu chuyện của tôi bởi phép lạ của ân điển Ngài.