I. ĐỊNH NGHĨA

Tội di truyền là tình trạng tội lỗi mà mọi người sinh ra trong đó.

Các nhà thần học đã dùng nhiều tên để mô tả khái niệm này (1) Có người gọi tội ấy, như tựa đề chương này, là tội di truyền (hoặc “tội tổ tiên”). Nó nhấn mạnh sự thật mọi người đều thừa hưởng tình trạng tội lỗi này từ nơi cha mẹ, và cha mẹ họ thừa hưởng từ nơi ông bà, và cứ thế cho đến Ađam Êva. (2) Người khác gọi nó là bản tánh tội lỗi, tập trung vào sự kiện tội lỗi đã làm hỏng toàn bộ bản tánh chúng ta. Từ ngữ “bản tánh tội lỗi” đem lại sự tương phản rõ ràng giữa bản tánh cội rễ đó với những kết quả của nó (là những hành động tội lỗi cụ thể). (3) Người khác nữa thích từ ngữ “nguyên tội” hơn, vì tội nguyên thủy của Ađam đã sinh ra sự bại hoại bản tánh đạo đức rồi nó di truyền lại cho mỗi thế hệ kế tiếp.

II. CHỨNG CỨ THÁNH KINH

Kinh Thánh cho biết rõ rằng mọi khía cạnh của bản thể con người đều hư hoại. “Bởi bản tánh” chúng ta là con của sự thạnh nộ –có nghĩa là những đối tượng của cơn thạnh nộ (Eph 2:3 - Bản Việt Ngữ ghi là “tự nhiên”). Bởi hành động, chúng ta cũng là đối tượng chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, nhưng câu Kinh Thánh này nói đến một điều gì đó bẩm sinh. Thi 51:5 cho thấy đây là một điều chúng ta có từ lúc được hoài thai, chứ không phải điều tiếp nhận được bởi những hành động trong quãng đời của mình.

Mọi khía cạnh của bản thể loài người đều bị ảnh hưởng bởi bản tánh tội lỗi này. (1) Trí khôn họ mù lòa (IICo 4:4). Tâm trí họ bại hoại hoặc không xứng đáng (Ro 1:28). Hiểu biết của họ trở nên tối tăm, bị tách khỏi sự sống của Đức Chúa Trời (Eph 4:18). (2) Những tình cảm của họ là bại hoại và xấu xa (Ro 1:21,24,26; Tit 1:15). (3) Ý chí của họ bị nô lệ cho tội lỗi nên do đó chống nghịch với Đức Chúa Trời (Ro 6:20; 7:20).

III. SỰ BẠI HOẠI HOÀN TOÀN

Chứng cứ Thánh Kinh cung cấp cơ sở cho điều thường được gọi là sự bại hoại hoàn toàn. “Sự bại hoại” trong Anh ngữ nghĩa là “đồi trụy” hoặc “bất chính.” Bản King James Version không dùng chữ này, nhưng một số bản dịch hiện đại có dùng để dịch chữ adokimos trong Ro 1:28. Chữ này có nghĩa “không chịu được thử nghiệm,” và cho chúng ta một đầu mối về cách định nghĩa khái niệm “bại hoại.” Bại hoại có nghĩa con người không thi đậu bài thi “làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.” Con người bày tỏ tình trạng không chút xứng đáng của mình trước mặt Đức Chúa Trời. Sự thất bại này mang tính hoàn toàn, ở chỗ (a) nó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của bản thể con người, và (b) nó ảnh hưởng đến mọi người.

Nói về mặt tiêu cực, khái niệm “bại hoại hoàn toàn” không có nghĩa (a) mọi người đều đã phơi bày sự bại hoại của mình tường tận như họ có thể; (b) tội nhân không có lương tâm hay là “suy luận bẩm sinh” về Đức Chúa Trời; (c) những tội nhân sẽ buông tuồng trong mọi hình thức tội lỗi;hoặc (d) những người bại hoại không thực hiện những việc tốt lành theo cái nhìn của người khác và thậm chí theo cái nhìn của Đức Chúa Trời.

Nói cách tích cực, sự bại hoại hoàn toàn có nghĩa (a) sự bại hoại đó mở rộng đến mọi khía cạnh trong bản chất và những tính năng của con người; và (b) trong mọi người không có điều gì để có thể khen họ trước một Đức Chúa Trời công nghĩa.

Phải luôn luôn đo lường sự bại hoại hoàn toàn theo sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Trong con người có sự tốt lành tương đối. Họ có thể làm những việc lành mà người khác cảm kích, tán dương.Nhưng con người không làm được điều gì để sẽ có được công đức cứu rỗi hay ân huệ cứu rỗi trước mặt một Đức Chúa Trời thánh khiết.

IV. HÌNH PHẠT GẮN LIỀN VỚI TỘI DI TRUYỀN

Hình phạt liên hệ cụ thể đến tội di truyền đó là sự chết thuộc linh. Sự chết luôn luôn báo hiệu một loại phân cách nào đó,nên sự chết thuộc linh có nghĩa bị phân cách khỏi sự sống của Đức Chúa Trời trong đời này (Eph 2:1-3). Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn không thay đổi trong suốt đời sống, thì cái chết vĩnh viễn hay sự chết thứ hai sẽ tiếp nối (Kh 20:11-15).

Những đóa hoa đã bị cắt rời minh họa rõ về những con người đang sống, họ làm được nhiều điều tốt thế nhưng lại là những người chết thuộc linh. Đóa hoa bị cắt khỏi cành thì còn sống hay đã chết? Thoạt đầu nó thật đẹp đẽ, tỏa hương thơm ngát và khi được đặt chung với những đóa hoa lìa cành khác có thể làm đẹp căn nhà, nhà thờ hoặc vào những dịp tốt đẹp nhất.Nó trông có vẻ sống; thật hữu ích; nhưng trên thực tế nó đã chết vì đã bị cắt khỏi sự sống của cây đã sinh ra hoa ấy. Đến đây thì minh họa không còn phù hợp nữa, vì không thể đem lại cho đóa hoa này sự sống mới và vĩnh hằng, là điều Đức Chúa Trời có thể làm cho người nào tin Chúa Jesus.

V. SỰ LƯU TRUYỀN TỘI DI TRUYỀN

Tự tên gọi của nó đã nói lên cách nguyên tội lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, đến thế hệ kế tiếp truyền sang thế hệ tiếp theo. Chúng ta thừa hưởng tội này từ cha mẹ mình cũng như họ thừa hưởng từ ông bà chúng ta, và tiếp tục như thế cho đến tổ tiên, là Ađam và Êva. Sau khi phạm tội thì họ chỉ có thể sinh sản tùy theo loài của họ, tức là con cái họ sinh ra đã là những tội nhân bẩm sinh (Sa 4:1; Thi 51:5; Ro 5:12). Điều này có nghĩa mọi người sinh ra trong thế gian này đều là tội nhân. Không có ai sinh ra là người tốt, cũng không ai sinh ra nửa thiện nửa tội. Mọi người đều tội lỗi như nhau trước mặt Đức Chúa Trời. Nếu không như thế, những người xem như chỉ có 50% tội lỗi sẽ cần chỉ 50% sự cứu rỗi.

VI. PHƯƠNG THUỐC CỨU CHỮA TỘI DI TRUYỀN

Phương thuốc này có hai phương diện: (1) Sự cứu chuộc bao gồm sự đoán phạt bản tánh tội lỗi để người tin Chúa không còn bị buộc phải phục vụ tội lỗi nữa (Ro 6:18; 8:1; Ga 5:24). Mọi điều thuộc sự sống cũ đã bị đóng đinh với Đấng Christ. Sự chết luôn luôn có nghĩa là sự phân rẽ;do đó, sự chết của Ngài tách chúng ta khỏi quyền cai trị của nguyên tội. (2)Tuy nhiên, sự sống cũ chưa bị trừ tiệt cho đến khi phục sinh; vì vậy, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Thánh Linh Ngài để cho chúng ta đắc thắng trong cuộc sống mỗi ngày.

Chúng ta đã được phân cách khỏi quyền thống trị của tội lỗi bởi sự chết của Đấng Christ, và chúng ta được giải phóng khỏi quyền thống trị của tội bởi năng quyền của Thánh Linh.

VIII. MỘT VÀI Ý CÔNG KÍCH GIÁO LÝ NÀY

A. Thuyết Pelagius (Pelagianism)

Pelagius, một tu sĩ từ nước Anh đến giảng đạo tại Rôma khoảng năm 400 S.C., đã tin rằng bởi vì Đức Chúa Trời không truyền bất cứ điều gì không thể làm được, và vì Ngài đã truyền lệnh cho con người phải nên thánh, mọi người vì thế đều có thể sống cuộc đời không có tội lỗi. Ông dạy rằng con người được dựng nên trung tính – không tội lỗi mà cũng không thánh – có khả năng và ý chí để tự do chọn lựa hoặc phạm tội hoặc làm lành. Mọi người sanh ra trong cùng một tình trạng như Ađam trước Sự Sa Ngã; chỉ có điều hiện nay con người có gương xấu của Ađam đặt trước mặt. Nhưng Ađam không hề lưu truyền bản tánh tội lỗi hay sự phạm tội của chính ông lại cho hậu thế. Con người có một ý chí tự do, và tội lỗi đến từ những hành động riêng biệt của ý chí con người.Con người cũng được tự do làm những điều lành và mọi điều lành của họ đến từ những khả năng tự lực trong bản tánh con người của họ. Như thế, tà thuyết Pelagianism phóng đại công đức của các việc lành và hiệu năng của chúng trong sự cứu rỗi.

B. Thuyết Bán–Pelagianism

Sự dạy dỗ của Pelagius đã bị người đồng thời với ông là Augustine phản đối. Augustine nhấn mạnh tình trạng hoàn toàn bất năng của con người để đạt được sự công chính, nên vì thế họ cần duy ân điển tối thượng mà thôi. Tà thuyết Bán–Pelagianism đứng trung gian giữa thuyết của Augustine (nhấn mạnh về sự tiền định và sự bất năng của loài người) và tà thuyết Pelagianism (với sự nhấn mạnh về tình trạng hoàn toàn có khả năng của con người).Tà thuyết Bán Pelagianism dạy rằng con người còn giữ được một phần quyền tự do nhờ đó có thể cộng tác với ân điển của Đức Chúa Trời. Ý chí con người đã bị suy yếu và bản chất của họ bị ảnh hưởng bởi Sự Sa Ngã, nhưng không bị hư hoại hoàn toàn. Trong sự tái sinh, con người chọn Đức Chúa Trời, rồi bấy giờ Ngài sẽ ban thêm ân điển của Ngài. Thuyết Bán–Pelagius là giáo lý về tội lỗi của Giáo Hội Công Giáo Lamã cũng như một số nhóm Tin Lành. Nguyên tội được loại bỏ nhờ lễ báptêm bằng nước.

C. Thuyết Socianism

Phong trào này được đặt theo tên của Lelio Socinus (1525-62) và cháu của ông là Faustus (1539-1604), đã là tiền thân của Duy Nhất Thần Thuyết (Unitarianism). Những giáo lý của phái này bao gồm phủ nhận thần tánh của Đấng Christ, phủ nhận sự tiền định, nguyên tội, sự hoàn toàn bất năng và sự chịu hình phạt thay thế.

D. Thuyết Của Arminius (Arminianism)

Dầu quan điểm của Jacobus Arminius (1560-1609) đã không xa rời thần học Cải Cách truyền thống là mấy, nhưng những người tiếp nối ông lại ngày càng đi xa. Thuyết Arminianism dạy rằng Ađam đã được dựng nên trong tình trạng vô tội, chứ không phải trong tình trạng thánh khiết,tội lỗi là cốt ở những hành động của ý chí, chúng ta thừa hưởng sự ô nhiễm từ Ađam chứ không thừa hưởng sự phạm tội hay bản chất tội lỗi, con người không hoàn toàn bại hoại, con người đó có năng lực để muốn làm điều tốt và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời trong đời này để được trọn lành, và ý chí con người là một trong những nguyên nhân đem lại sự tái sanh. Thần học của Wesley, đôi khi được gọi là thuyết Arminianism Tin Lành thuần túy, có những quan điểm tương tự về các đề tài tội lỗi của Ađam và năng lực của con người, dù vậy có nhiều điểm khác.

E. Thuyết Tân Chánh Thống

Một cách tổng quát, Tân Chánh Thống xem tội lỗi là rất nghiêm trọng. Tội được định nghĩa là tình trạng chú trọng vào cái tôi, thay vì chú trọng vào Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, phần ký thuật tội lỗi của Ađam trong Sáng Thế Ký 3 không được kể là mang tính lịch sử ở điểm nó phải là một sự kiện thực tế diễn ra trong một thời điểm nhất định và tại một địa điểm cụ thể.Ađam không phải là một cá nhân thực đã sống thật sự trên đất này, thế nhưng Ađam đại diện cho con người ở mọi giai đoạn phát triển. Câu chuyện về sự sa ngã của Ađam là câu chuyện của tất cả chúng ta. Với một quan điểm như thế về lịch sử Thánh Kinh, thì không thể có mối liên kết nào giữa tội của Ađam với hậu tự của ông.