I. BẢN TÁNH CỦA CON NGƯỜI

A. Sự Hiệp Nhất Của Hai Phần

Khi Đức Chúa Trời tạo dựng Ađam, Ngài lấy bụi đất của địa cầu rồi hà hơi sống vào để dựng nên một con người sống động (Sa 2:7). Dầu có hai bước trong hành động sáng tạo, kết quả vẫn là một con người đơn lẻ, sống động, hiệp nhất. Đúng là những phần tử của địa cầu đã chu cấp vật liệu, trong khi hơi thở của Đức Chúa Trời đem lại sự sống. Vật chất và phi vật chất phối hợp để sản sinh ra một thực thể đơn nhất. Bên trong thể vật chất này có rất nhiều đặc điểm khác nhau – huyết mạch, não, bắp thịt, tóc, v.v…, và trong thể phi vật chất, chúng ta cũng thấy rất nhiều điều khác nhau–tâm hồn,linh hồn, tấm lòng, ý chí, lương tâm, v.v…. Nhưng thiếu sự hiệp nhất của hữu thể con người, tính đa dạng này không thể nào hoạt động. “Quan điểm Thánh Kinh về con người cho chúng ta thấy con người trong sự đa dạng hết sức ấn tượng, nhưng không bao giờ bỏ qua sự hiệp nhất của trọn vẹn con người, mà trái lại, nêu bật lên và nhấn mạnh sự hiệp nhất đó.” (G.C. Berkouwer, Man: The Image of God (Grand Rapids: Eerdmans, 1952, trang 200).

Con người có bản chất gồm hai phần là điều không thể bàn cãi được. Con người là một thực thể vật chất và phi vật chất, hai phương diện này có thể phân biệt được. Sự chết thể xác được mô tả là sự chia lìa thân thể và linh hồn (Gia 2:26). Sự phân đôi theo Thánh Kinh là khác với lời Plato dạy rằng thân thể có thể bị hư hoại nhưng linh hồn đã tồn tại trong thế giới thiên đàng của hình thức hay ý niệm thuần khiết trước khi nhập thể vào thân xác con người, nên bởi đó, là bất tử và không phải thọ tạo, là một phần của Thần Linh. Sự phân đôi theo Kinh Thánh chắc chắn không dạy thân thể là nhà tù của linh hồn, còn linh hồn được giải phóng khi thân thể chết để trở về thượng giới hoặc được luân hồi trong một thân thể khác. Sự phân đôi theo Kinh Thánh hoàn toàn khác biệt với thuyết nhị nguyên của Plato.

B. Không Phải Thuyết Tam Phân (Trichotomy -“cắt ra làm ba phần”)

Aristotle đã triển khai thêm sự phân chia thành hai phần của Plato bằng cách chia hồn ra thành (a) một thú hồn (phương diện hơi thở) và (b) một giác hồn (phương diện lý trí). Sự phân biệt nầy được Thomas Aquinas triển khai thêm trong giáo lý của Công Giáo Lamã. Các tác giả Cơ đốc đầu tiên vì chịu ảnh hưởng của người Hy lạp nên nghĩ họ tìm được hậu thuẫn cho thuyết tam phân trong một số phân đoạn Kinh Thánh Tân Ước, và vài tác giả hiện đại cũng nghĩ vậy.

Thuyết tam phân phổ quát (con người gồm có thân, hồn và linh) đặt linh cao trọng hơn hồn, và phần linh cùng với hồn cao trọng hơn thân thể. Phần thân thể liên quan đến cái tôi, hồn liên hệ với thế giới,nhưng phần linh liên hệ với Đức Chúa Trời. Linh và phần thuộc linh phải được trau dồi, nhưng phải phản kháng với phần hồn và thân thể. Cách xếp thứ tự ưu tiên nầy không tương thích với nỗ lực của thuyết tam phân phổ biến nhằm rút ra sự tương đồng giữa bản chất ba phần của Đức Chúa Trời với con người. Đương nhiên các Ngôi của Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều bình đẳng, dù vậy các phần của con người thì không. Ngôi nào trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời sẽ tương ứng với thân thể?Không thể nào chứng minh thuyết tam phân - dầu tam phân phổ quát hay tam phân hình thức - về mặt luận lý, theo phép loại suy, hay theo Thánh Kinh.

Nhưng còn những phân đoạn Kinh Thánh thường được trích dẫn để hỗ trợ cho thuyết tam phân thì sao?

He 4:12 có vẻ phân biệt hồn với linh, như thế hỗ trợ cho quan điểm tam phân. Tuy nhiên, câu Kinh Thánh này không nói Lời Chúa cắt hồn ra khỏi linh mà là xuyên thấu để phân chia hồn và linh, bởi đó phơi trần những phương diện sâu kín nhất của con người. Ý chính đơn giản là Lời của Đức Chúa Trời không để bất cứ điều chi giấu kín.

ITe 5:23 dường như cho thấy phương diện phi vật chất của con người được cấu thành bởi hồn và linh. Người ủng hộ quan điểm tam phân hiểu linh, hồn và thân trong câu nầy định nghĩa các phần của con người;người theo quan niệm nhị phân nói chúng đại diện cho toàn con người. Nếu ba phần nầy là gồm tóm tất cả các phương diện của con người thì tấm lòng, tâm trí, ý chí và lương tâm có vai trò nào? Tại sao Phaolô không kể chúng trong danh sách nầy? Điểm nhấn mạnh của câu nầy là ở tính toàn diện của sự nên thánh.

ICo 15:44 dường như dạy sự khác biệt giữa thân thể hiện nay (thân hồn) và thân thể phục sinh (thân linh). Nhưng điều đó không có nghĩa linh cao trọng hơn hồn. Giăng cũng đã xem thấy người trong thiên đàng là “những hồn” (Kh 6:9; 20:4).

Linh có thể cùng dự phần sự dơ bẩn với xác thịt (IICo 7:1). Quan điểm tam phân hẳn phải để sự ô uế ảnh hưởng đến xác thịt và hồn, chứ không phải đến linh. Những điều xác thịt ưa thích là điều chống nghịch với linh hồn (IPhi 2:11). Quan điểm tam phân phải có xác thịt chiến đấu nghịch lại với linh, hoặc hồn nghịch lại với linh. Làm sao Chúa có thể truyền chúng ta yêu mến Ngài với cả hồn chúng ta nếu hồn chỉ ý thức về thế gian chứ không ý thức về Đức Chúa Trời? (Mac 12:30). Quan điểm tam phân hẳn phải lý giải mạng lệnh nầy là: “hết cả linh của ngươi,” nhưng mạng lệnh nầy không hề nhắc đến linh. Trong He 10:38, hồn được dùng để nói đến Đức Chúa Trời.

Con người được dựng nên bởi hai chất liệu, vật chất và phi vật chất. Mỗi chất liệu bao gồm một sự đa dạng bên trong nó. Nhiều phương diện của vật chất và nhiều phương diện của phi vật chất kết hợp với nhau để làm nên tổng thể của mỗi con người. Con người là sự đa dạng phong phú trong một thể thống nhất.

II. CÁC PHƯƠNG DIỆN TRONG KHÍA CẠNH PHI VẬT CHẤT CỦA CON NGƯỜI

Con người giống như viên kim cương có rất nhiều mặt. Những mặt đó không phải là những thực thể tách biệt, dầu vậy chúng phản chiếu nhiều phương diện khác nhau của một tổng thể. Chúng có thể giữ những chức năng giống nhau hay trùng lắp, nhưng có thể phân biệt được chúng. Chúng không phải là những phần ; chúng là các phương diện, các khía cạnh, các mặt của một toàn thể.

A. Hồn

Trong ý nghĩa căn bản nhất của nó, từ ngữ Hêbơrơ nephesh có nghĩa là “sự sống.” Nó nói lên con người được sáng tạo nguyên thủy là một hữu thể sống động (hồn) (Sa 2:7) cũng như các hình thức sự sống khác (1:20-21,24,30; Le 17:11). Cũng xem Xu 21:23 và Gios 2:13. Đây là ý niệm mà Anh ngữ muốn nói mỗi cá nhân như một hồn.

Nguyên tắc sự sống đó cáo biệt ở thời điểm chết thể xác (Sa 35:18; Gie 15:2). Tuy vậy xác chết được gọi là hồn (Le 21:1-3;Dan 6:6; 9:6). Trong Cựu Ước “hồn” không hiện hữu tách rời khỏi thân xác, một lần nữa nhấn mạnh sự hiệp nhất của con người. “Dầu cách dùng n. (n.: nephesh, hồn)chỉ về sự sống nầy là đa dạng và phong phú, chúng ta vẫn không được phép khỏi nhận định rằng n. chưa hề mang nghĩa về một cốt lõi không thể hủy diệt được của hữu thể, để phân biệt với sự sống thuộc thể, và thậm chí có khả năng sống khi bị dứt khỏi sự sống đó.” (Hans Walter Wolff, Anthropology of the Old Testament [Philadelphia: Fortress, 1974], trang 20).

Hồn cũng là trung tâm của nhiều kinh nghiệm thuộc linh và xúc cảm khác nhau của loài người. Những kinh nghiệm này bao gồm sự đồng cảm (Giop 30:25), thất vọng (Thi 43:5), cay đắng (IIVua 4:27), ghét (IIS4amuên 5:8), thương (Nha 1:7; 3:1-4), và buồn khổ (Gie 13:17).

Tân Ước cho thấy một vài điểm tương đồng và dị biệt trong cách dùng từ ngữ “hồn” (psyche). Chữ này bao hàm cho toàn thể con người một cá nhân (Cong 4:21; 27:37 KJV). Nhưng hồn có thể còn nói đến phần phi vật chất của con người (Mat 10:28). Nó cũng nói đến con người trong trạng thái trung gian giữa sự chết và sự sống lại của thân thể (Kh 6:9).

Hồn dường như là tiêu điểm chính của sự cứu chuộc (cho dù dĩ nhiên thể xác cũng kinh nghiệm những ảnh hưởng của sự cứu chuộc).Xem những phân đoạn như He 10:39; 13:17; Gia 1:21; IPhi 1:9,22; 2:11,25.

Tóm lại, hồn có thể nói đến toàn bộ con người,hoặc đang sống hoặc sau khi chết; nó có thể nói lên phần phi vật chất của một con người với nhiều suy nghĩ và xúc cảm; và nó là tiêu điểm quan trọng của sự cứu chuộc và tăng trưởng thuộc linh.

B. Linh

Linh (ruach và pneuma) chỉ nói đến phần phi vật chất của con người, khác với hồn là chữ có thể nói đến toàn bộ con người, cả phần vật chất và phi vật chất. Con người là một hồn, nhưng không nói con người là một linh – con người có một linh.

Linh ra từ Đức Chúa Trời, và mọi người đều có linh (Dan 16:12; He 12:9). Rõ ràng không đúng với Kinh Thánh khi bảo con người không có linh cho đến khi người ấy nhận lãnh Thánh Linh tại lúc được cứu (cũng xem ICo 2:11; He 4:12; Gia 2:26).

Là một khía cạnh trong phần phi vật chất,linh của con người là trung tâm của nhiều đặc điểm, cảm xúc, và hoạt động khác nhau. Một số trong đó gồm có suy nghĩ (Es 29:24), sự hồi tưởng (Thi 77:6), sự khiêm nhường (Mat 5:3), đau buồn (Sa 26:35), bối rối lo âu (Gi 13:21), ghen tỵ (Dan 5:14), kiêu căng (Ch 16:18), và ăn năn hối lỗi (Thi 34:18). Vì linh có thể biểu lộ những cảm xúc không đáng mong muốn, nên cần quan tâm đến linh trong nếp sống thuộc linh (Thi 51:10; IICo 7:1).

Dầu hồn và linh có thể liên hệ đến cùng những hoạt động và xúc cảm như nhau, dường như có sự phân biệt và đối chiếu tương phản giữa hồn và linh trong suy nghĩ của Phaolô. Điều này giải thích điểm nhấn mạnh của ông vào phần thuộc linh (ICo 2:14; 3:1; 15:45; Eph 1:3; 5:19; Co 1:9;3:16). Tại sao vậy?

“Khi Phaolô trở thành Cơ đốc nhân, kinh nghiệm về Đức Chúa Trời trong Đấng Christ trở nên nhân tố quyết định, không những trong quan điểm của ông về Đức Chúa Trời mà trong mọi sự. Bởi vì Phaolô là người Do thái, thái độ của ông đối với Đức Chúa Trời ảnh hưởng và quyết định mọi suy nghĩ của ông. Trong kinh nghiệm Cơđốc, psyche, là từ ngữ chỉ về sức sống thuộc thuần túy về con người, đã trở thành không còn quan trọng nữa. Pneuma, là từ ngữ bắt đầu với Đức Chúa Trời nhưng đã tiếp tục vào trong con người, đã trở thành trung tâm. Cách dùng không thường xuyên của psyche của Phaolô là bí quyết để hiểu điều đó… Hiểu biết của Phaolô về Đức Thánh Linh đã lập nền tảng cho nhân loại học của ông, và pneuma chiếm giữ vai trò hàng đầu.” (W. David Stacey, The Pauline View of Man (London: Macmillan, 1956, trang 126-7).

Tóm lại: linh không nói đến trọn con người,nhưng là phần phi vật chất với nhiều chức năng và suy nghĩ khác nhau của nó.Theo ý của Phaolô, nó đảm đương vai trò nổi bật đối với nếp sống thuộc linh.

C. Tấm Lòng

Tấm lòng là khái niệm rất bao quát trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Được dùng khoảng 955 lần, lòng đại diện cho phần trung tâm và ngai của đời sống cả thuộc thể và thuộc linh. Chỉ một số tương đối rất ít lần nhắc đến cơ quan tim của thân thể (IISa 18:14; IIVua 9:24). Đa số dùng chữ lòng để nói đến con người bề trong, phần thiết yếu của rất nhiều phương diện trong nhân cách của người đó. Một số phương diện như sau:

1.Tấm lòng là ngai của nếp sống lý trí.

Lòng cân nhắc (Phu 8:5); lĩnh hội sự hiểu biết Lời Chúa (Thi 119:11); là nguồn của những tư tưởng và hành động xấu xa (Mat 15:19-20); có những tư tưởng và ý định (He 4:12); lòng có thể đầy dối trá (Gie 17:9).

2.Tấm lòng là ngai của đời sống tình cảm.

Lòng yêu mến (Phu 6:5). Lòng sinh ra sự tự cáo trách (Giop 27:6); lòng vui vẻ và mừng rỡ (Thi 104:15; Es 30:29); lòng có thể buồn rầu (Ne 2:2; Ro 9:2); lòng có những ao ước (Thi 37:4); lòng có thể cay đắng (73:21).

3. Tấm lòng là ngai của đời sống ý chí.

Lòng tìm kiếm (Phu 4:29); nó có thể thay đổi (Xu 14:5); lòng có thể cứng cỏi (8:15; He 4:7); lòng có khả năng chọn lựa (Xu 7:22-23); nó có thể không chịu cắt bì (Gie 9:26; Cong 7:51).

4. Tấm lòng là ngai của nếp sống thuộc linh.

Người tin với tấm lòng thì được sự công chính (Ro 10:9-10). Đối với tín hữu, tấm lòng là nơi ngự của Đức Chúa Cha (IPhi 3:15), của Đức Chúa Con (Eph 3:17) và Đức Thánh Linh (IICo 1:22). Tấm lòng của tín hữu phải trong sạch (ITi 1:5; He 10:22) và chịu cắt bì (Ro 2:29).

D. Lương Tâm

Lương tâm là kẻ làm chứng bên trong con người để nói cho người đó biết phải làm điều mình tin là đúng và đừng làm điều mình tin là sai. Lương tâm không dạy chúng ta điều nào đó là sai hay đúng, nhưng thúc đẩy chúng ta làm điều mình đã được dạy là đúng. Người ta có thể lấy một lương tâm tốt để làm điều sai quấy vì họ đã được dạy sai trật về điều sai và điều đúng (Cong 23:1).

Lương tâm chỉ xuất hiện trong Tân Ước. Những chức năng đó của lương tâm được gán cho tấm lòng trong Cựu Ước (ví dụ như ISa 24:5; Giop 27:6). Trong Tân Ước, lương tâm thường xuất hiện thường xuyên nhất trong những tác phẩm của Phaolô (Giăng đã dùng từ lòng, như trong IGi 3:19-21).

Lương tâm của người chưa được cứu có thể là kim chỉ nam tốt (Gi 8:9; Ro 2:15) hoặc không tốt cho dầu nó dường như hướng dẫn đúng (Cong 23:1; ITi 4:2; Tit 1:15; He 10:22). Lương tâm có thể ví như những cái thắng không đáng tin của một chiếc xe. Đôi lúc chúng có thể làm trọn chức năng, nhưng không thể tin chúng.

Lương tâm của Cơ đốc nhân hoạt động để thúc giục họ làm theo lẽ phải trong nhiều mối liên hệ khác nhau của đời sống. (1) Nó thúc giục họ phục tùng các bậc cầm quyền nơi họ đang sống (Ro 13:5). (2) Nó bảo họ phải chịu đựng dưới quyền một người chủ không công bình (IPhi 2:19). (3)Lương tâm của một anh em yếu đuối hơn không cho phép họ được ăn thịt đã cúng cho thần tượng cần phải được người anh em mạnh mẽ hơn tôn trọng (ICo 8:7,10,12).(4) Có thể gọi đến lương tâm để xác chứng cho chiều sâu và thực tại của một cam kết thuộc linh (Ro 9:2; IICo 1:12; 4:2).

E. Trí

Giống như lương tâm, tâm trí là một khái niệm của Tân Ước. Trong Cựu Ước, từ ngữ tấm lòng thường được phiên dịch là tâm trí.Tâm trí bao gồm cả những tính năng thuộc về sự lĩnh hội và hiểu biết cũng như những khả năng cảm nhận, phán đoán, đánh giá và quyết định. Phroneo, nous, và sunesis là những từ ngữ chủ yếu của Tân Ước chỉ về ý niệm này.

Tâm trí người chưa được cứu bị coi là trụy lạc (Ro 1:28), hư không (Eph 4:17), ô uế (Tit 1:15), đui mù (IICo 4:4) và tối tăm (Eph 4:18). Hơn nữa, người ấy thiếu mất tính năng then chốt được tiêu biểu bởi sunesis (Ro 3:11).

Tâm trí của tín đồ giữ vị trí trọng tâm trong sự phát triển thuộc linh của họ. Đức Chúa Trời dùng trí của tín hữu trong sự hiểu biết lẽ thật của họ (Lu 24:45; ICo 14:14-15). Nếp sống tận hiến phải bao gồm một tâm trí đã được đổi mới (Ro 12:2). Tâm trí dự phần quyết định những điều còn nghi ngại (Ro 14:5), theo đuổi đức thánh khiết (IPhi 1:13), hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời (Eph 5:17), và yêu mến Chúa (Mat 22:37). Mọi tư tưởng phải bị bắt phục để vâng lời Đấng Christ (IICo 10:5).

F. Xác Thịt

Dầu xác thịt đôi khi nói đến mô trong cơ thể (Lu 24:39) hoặc đến toàn bộ phần vật chất của con người (ICo 15:39; He 5:7),nhưng khi được dùng nói đến một phương diện của bản tính phi vật chất, chữ này nói đến xu hướng về tội lỗi và chống nghịch Đức Chúa Trời (Ro 7:18; ICo 3:3; IICo 1:12; Ga 5:17; Co 2:18; IIPhi 2:10; IGi 2:16). Cả tín đồ lẫn người chưa tin đều sở hữu tính năng này.

G. Ý Chí

Thật ra Kinh Thánh nói nhiều về ý chí của Đức Chúa Trời hơn là ý chí con người, và nói cách không có hệ thống. Một tín hữu có thể muốn làm điều đúng hoặc điều sai (Ro 7:15-25; ITi 6:9; Gia 4:4). Ý chí có lẽ là sự diễn tả chính mình thông qua những phương diện khác của cá tánh người đó hơn là chính một khả năng đặc biệt. Đây là những phương diện thuộc phần phi vật chất của con người, qua đó họ có thể tự làm vinh hiển mình hoặc hầu việc và tôn vinh Chúa của mình.