I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ SÁNG TẠO CON NGƯỜI

Chỉ một mình bản ký thuật của Kinh Thánh cho chúng ta thông tin chính xác về nguồn gốc con người. Một số đặc điểm của công việc này nổi bật trong bản văn Kinh Thánh.

A. Đã Được Đức Chúa Trời Hoạch Định (Sa 1:26)

Việc sáng tạo con người đã được dựa trên sự tham vấn có cân nhắc của Đức Chúa Trời. Dầu mọi việc Chúa đã làm trong Sự Sáng Tạo cho đến thời điểm đó đều Ngài tuyên phán là tốt lành, nhưng Sự Sáng Thế vẫn chưa hoàn tất nếu không có loài người. Loài người không phải là suy nghĩ nảy sinh sau, mà là kết quả của suy nghĩ có chủ định từ trước của Đức Chúa Trời. Và sau khi Đức Chúa Trời đã sáng tạo loài người, Ngài mới phán rằng mọi sự đã được dựng nên là “rất tốt lành” (câu 31).

B. Trực Tiếp, Đặc Biệt, Và Tức Thì (Sa 1:27;2:7)

Sự Sáng Tạo con người không gồm những tiến trình tiến hóa nào để liên hệ con người với một số hình thức thuần thú, người thú cấp thấp, hay người thú tiền nhân loại nào (đối chiếu với A. H. Strong,Systematic Theology (Philadelphia: Judson, 1907, trang 465- 76). Nếu như thế thì phần bản tánh thể xác của con người ắt ra từ một hình thức thú vật nào đó không phải là người rồi được Đức Chúa Trời hà hơi sống vào đó. Sa 2:7 không hề hậu thuẫn thuyết này. Thực ra, nó củng cố sự kiện về sự sáng tạo đặc biệt từ những vật chất vô cơ; nó không hậu thuẫn ý tưởng về sự sáng tạo phát sinh từ một hình thái sự sống có trước đó.

Nếu có thể hậu thuẫn được học thuyết cho rằng Ađam được tạo dựng từ một hình thức tiền hữu cơ nào đó, thì chắc chắn Êva đã không được tạo dựng như vậy. Cơ thể của Êva rõ ràng là một hành động sáng tạo trực tiếp, đặc biệt và ngay tức khắc. Công nhận hành động sáng tạo thế này trong trường hợp của Êva trong khi bác bỏ trong trường hợp của Ađam, thì chí ít cũng phải bảo đấy là phi lý.

Hơn nữa, bụi đất để từ đó nắn nên thân thể con người không thể là một cách nói ngụ ngôn để chỉ đến hình thức thú vật nào đó, vì Đức Chúa Trời đã phán rằng con người sẽ trở về với bụi đất khi chết, và con người hẳn đã không trở lại một trạng thái thú vật khi chết (3:19).

C. Bao Hàm Hai Khía Cạnh

Đức Chúa Trời đã sử dụng bụi từ đất để hà hơi sống vào. Điều này khiến con người trở thành sống động. Cụm từ tương tự (“loài sanh linh”) cũng được dùng cho loài vật (“vật sống hay động,” 1:21,24,2:19),nhưng vì thú vật không được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời giống như cách dựng nên như loài người, nên có sự phân biệt rõ ràng giữa loài vật và loài người.

Trong trường hợp Êva, trước hết Đức Chúa Trời lấy từ sườn của Ađam ra một xương sườn với phần thịt bao quanh và rồi nắn nên hay hay gầy dựng nó trở thành một người đàn bà (Sa 2:21-23). Đức Chúa Trời đã xây cất Êva sau khi lấy những thành phần từ sườn của Ađam. “”Xây cất’ áp dụng cho việc nắn nên một cấu trúc quan trọng; nó bao hàm một nỗ lực mang tính gây dựng.”(H. C. Leupold, Exposition of Genesis (Columbus: Wartburg, 1942, trang 135).

II. KHUÔN MẪU CHO SỰ SÁNG TẠO CON NGƯỜI

Đức Chúa Trời đã sáng tạo con người theo hình ảnh giống như Ngài (1:26-27). Những phần Thánh Kinh thích ứng khác nữa cho giáo lý này gồm có 5:1,3 nói lên sự truyền hình ảnh này từ Ađam đến các hậu tự của ông; 9:6 liên hệ khái niệm này với án tử hình; ICo 11:7 liên hệ giáo lý này với địa vị làm đầu; Co 3:10 khuyên tín hữu mặc lấy người mới là người được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa mình; và Gia 3:9 liên hệ khái niệm này với những lời nói xứng đáng. Thithiên 8 dù không chứa cụm từ “hình ảnh Đức Chúa Trời,”nhưng dùng hình thức thơ để luận đến sự sáng tạo con người và quyền thống trị của con người.

A. Ý Nghĩa Của Những Từ Ngữ “Hình” Và “Tượng”(Image và Likeness)

Những từ Hêbơrơ trong Sa 1:26-27 là tselem và demuth (được dịch trong bản Vulgate là imago và similitudo). Những từ tương đương trong Tân Ước là eikon và homoiosis. Mặc dù một số người đã cố gắng phân biệt giữa hai từ này để dạy dỗ hai khía cạnh về hình ảnh của Đức Chúa Trời, thật ra không thể xác nhận sự khác biệt rõ rệt nào giữa chúng về mặt ngôn ngữ học.Tselem có nghĩa là một tượng được nắn nên, một hình ảnh có định hình và mang tính đại diện, một hình tượng thiên về một nghĩa cụ thể nào đó (IIVua 11:8; Exe 23:14; Am 5:26). Demuth cũng nói đến ý tưởng về tính tương tự, nhưng thiên về trừu tượng hoặc lý tưởng. Bằng cách sử dụng hai từ một lúc, trước giả Thánh Kinh “dường như cố gắng để diễn tả một khái niệm rất khó, qua đó ông muốn làm rõ rằng con người trên phương diện nào đó là sự phản ảnh cụ thể về Đức Chúa Trời,nhưng đồng thời ông muốn thuộc linh hóa điều này theo hướng trừu tượng.”(Addison H. Leitch, “Image of God,” The Zondervan Pictorial Encyclopedia of the Bible (Grand Rapids: Zondervan, 1975,3:256).

Các giáo phụ Hy Lạp và Latin đã phân biệt giữa hình và tượng, liên hệ từ ngữ “hình” với phần thuộc vật chất và từ ngữ “tượng”với phần thuộc đạo đức của hình ảnh Đức Chúa Trời. Irenaeus hiểu từ “hình” nói đến sự tự do và lý luận của con người, còn “tượng” nói đến đến món quà được giao thông cách siêu nhiên với Đức Chúa Trời mà đã bị mất trong Sự Sa Ngã.Nhưng không thể dựa vào những từ ngữ để chứng minh những sự phân biệt như vậy.Cũng hãy lưu ý các giới tự được dùng thay đổi cho nhau trong Sa 1:26-27 và 5:1-3.

B. Ý Nghĩa Của Khái Niệm

Có nhiều bài vở được viết ra để cố gắng giải thích ý nghĩa của việc con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời.Dưới đây là vài lối giải thích:

1. Quan điểm thể xác.

Quan điểm này liên hệ hình ảnh của Đức Chúa Trời với toàn bộ hữu thể của con người, kể cả thuộc tính vật chất của nó. Nói chính xác thì bao gồm cả những khía cạnh vật chất và phi vật chất của con người. Nhưng vì nó bao gồm cơ thể vật chất của con người như là một phần của hình ảnh Đức Chúa Trời, nên được gọi là quan điểm thể xác.

“Con người là một đại diện cho toàn bộ hữu thể của nó, vì suy nghĩ của người Ysơraên luôn luôn nhìn con người trong tính toàn thể của con người, bởi sự hiện hữu thể xác cũng như bởi những chức năng thuộc linh của con người, và nếu phải chọn lựa giữa hai điều này chúng ta sẽ phải nói rằng hình trạng bề ngoài có lẽ còn quan trọng hơn hình ảnh thuộc linh. Theo L. Koehler, hình ảnh của Đức Chúa Trời có thể cốt ở tư thế đứng thẳng của con người... [nhưng] vẻ trang trọng mà tác giả kiêm linh mục này dùng để nói về imago Dei dường như chứng minh ông đã không giới hạn hình ảnh ấy vào một khía cạnh độc nhất này… Chúng ta cũng được hướng dẫn vào ý nghĩa thể xác bởi chính phân đoạn Sáng Thế Ký nói đến hình ảnh của Đức Chúa Trời đối với vấn đề báo thù huyết (9:6).” (Edmond Jacob, Theology of the Old Testament (New York: Harper &Row, 1958], trang 168-9).

Có hai trở ngại ngăn cản thừa nhận quan điểm này. (1) Vì Đức Chúa Trời là thần và không có thân thể, vậy làm sao hình ảnh của Đức Chúa Trời mà con người đã được dựng nên theo đó lại có thể thuộc về thân thể được? (2) Loài thú có thân thể, nhưng lại không nói chúng được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, cho nên thân thể tính không nhất thiết liên quan đến hình ảnh của Đức Chúa Trời.

2. Quan điểm phi thể xác.

Quan điểm nầy nối kết hình ảnh của Đức Chúa Trời với những khía cạnh nhân cách. Nhiều tác giả nhấn mạnh sự giống nhau về đạo đức, về quyền quản trị, sự vận dụng ý chí và những năng lực của lý trí (khả năng nói, tổ chức, v.v…) như những đặc điểm cụ thể của hình ảnh phi thể xác của Đức Chúa Trời.

3. Quan điểm tổng hợp.

Tôi sẽ đề nghị tổng hợp hai quan điểm vừa rồi như sau. Sa 1:27 phát biểu rằng loài người, kể cả nam lẫn nữ, đều được sáng tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Không ai gán phái tính cho Đức Chúa Trời vì cớ câu nầy; thế nhưng nam và nữ chỉ ra phái tính. Cũng vậy, con người (được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời) có thân thể, nhưng không nhất thiết chỉ vì cớ đó mà gán cho Đức Chúa Trời một thân thể. Nhưng hiển nhiên con người được dựng nên là một hữu thể toàn diện, gồm cả phần vật chất và phi vật chất, và hữu thể toàn diện đó đã được sáng tạo theo hình ảnh của Đức Chúa Trời.

Do đó: (1) thân thể con người được bao gòm trong hình ảnh của Đức Chúa Trời.

“Tuy Đức Chúa Trời không hề là vật chất, vẫn có một phương diện để bao gồm ngay cả thân thể con người trong hình ảnh của Đức Chúa Trời, bởi vì con người là một tổng thể hiệp nhất gồm có cả thân xác lẫn linh hồn. Thân thể con người là một công cụ phù hợp cho sự tự biểu lộ của một linh hồn vốn được dựng nên để thông công với Đấng Tạo Hóa, và thích hợp về mặt lai thế học để trở nên một 'thể thiêng liêng’ trong thời mạt thế (ICo 15:44) ….(Thân thể của Ađam không phải là một điều gì đó tách biệt với cái tôi thực sự của Ađam, nhưng về cơ bản là một với nó.” (Ralph E. Powell, “Image of God” Wycliffe Bible Encyclopedia (Chicago: Moody, 1975,1:832).

(2) Được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời cũng có nghĩa là một hữu thể sống động. Điều nầy đã được Phaolô nhấn mạnh tại Arêôba (Cong 17:28-29). Khi phản bác niềm tin cho rằng những thần tượng vô tri vô giác có thể đại diện Đức Chúa Trời hằng sống, ông lập luận vì loài người là dòng dõi của Đức Chúa Trời, và vì con người là hữu thể sống động, nên Đức Chúa Trời phải là một Đấng sống.

(3) Con người không chỉ là một hữu thể sống động, mà giống Đức Chúa Trời, con người còn là hữu thể có sự khôn ngoan và ý chí, là điều cho họ có khả năng ra những quyết định để giúp họ có quyền quản trị thế gian (Sa 1:28).

(4) Ađam không chỉ là một hữu thể hiệp nhất,sống động, khôn ngoan, có khả năng tự quyết định, mà còn là một hữu thể có khả năng giao thông thông suốt không chút cản trở với Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta diễn tả nổi tình trạng nguyên thủy của Ađam? Có người dùng từ vô tội, nhưng Ađam còn hơn cả vô tội nữa, vì vô tội dường như chỉ hàm ý sự vắng mặt điều sai.Sự thánh khiết nguyên thủy của Ađam mang tính tích cực; thế nhưng không ngang hàng bằng với sự thánh thiện của Đức Chúa Trời – nó mang tính thọ tạo. Vì nó phải chịu thử nghiệm, nên nó chưa được khẳng định. Nó đã cung cấp tình trạng bất tử,vì cho đến khi Ađam chưa thất bại trước thử nghiệm, ông vẫn chưa phải phục dưới luật không thể tránh khỏi của sự chết vì cớ tội lỗi.

Tóm lại: hình ảnh của Đức Chúa Trời mà con người đã được dựng nên theo đó bao gồm toàn bộ bản thể của con người là sống động,khôn ngoan, có khả năng tự quyết và có đạo đức.

4. Quan điểm của Công Giáo La Mã.

Quan điểm này phân biệt hình và tượng (image và likeness). Hình là hình ảnh tự nhiên thuộc về con người như đã được sáng tạo và bao gồm cả tính chất thuộc linh, sự tự do và bất tử. Tượng (likeness) nói lên rằng hình ảnh đạo đức vốn thực sự đã không thuộc về loài người khi được tạo dựng lúc ban đầu, nhưng đã được ban thêm dư dật cho con người cách nhanh chóng và từ rất sớm. Cần phải ban thêm vì cớ khát vọng cháy bỏng, tức là một xu hướng tự nhiên về những thèm khát thấp kém hơn, dầu vậy bản thân nó không phải là tội lỗi. “Tượng” bổ sung thêm sự công chính và sự thánh thiện nguyên thủy.

Khi con người phạm tội, họ đánh mất “tượng”nhưng còn giữ được “hình.” Sự công chính nguyên thủy vốn đã bị mất trong Sự Sa Ngã nay có thể được gia thêm thông qua các thánh lễ của giáo hội La Mã.

5. Quan điểm Tân Chánh thống.

Trong vòng những tác giả tân chánh thống, quan điểm của Brunner có phần giống quan điểm của giáo hội Công Giáo La Mã. Ông dạy rằng đã có một hình ảnh về hình thức mà không thể bị mất trong Sự Sa Ngã vì nó làm cho con người thành con người. Ông cũng nhìn thấy một hình ảnh vật chất mà đã bị đánh mất qua Sự Sa Ngã.

Barth bác bỏ ý niệm về một hình ảnh về hình thức vì tin rằng con người đã hoàn toàn bại hoại bởi tội lỗi.

C. Những Hệ Quả Của Khái Niệm Này

Khi tội lỗi bước vào dòng dõi loài người,hình ảnh của Đức Chúa Trời mà con người đã được dựng nên theo đó vẫn không bị mất.Có thể nói hình ảnh ấy đã bị hư hỏng đi, dầu vậy không bị xóa. Nếu như mô tả chính xác khái niệm hình ảnh này, thì nếu đánh mất hình ảnh ấy, con người sẽ không còn là một hữu thể sống động, có lý trí nữa.

Có thêm chứng cứ cho thấy hình ảnh ấy đã không bị mất qua cách Kinh Thánh dùng hình ảnh ấy sau Sự Sa Ngã. Sự kiện con người đã được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời chính là cơ sở cho án tử hình (9:6). Cương vị làm đầu của người nam cũng được dựa trên việc người nam mang hình ảnh của Đức Chúa Trời (ICo 11:7). Giacơ khuyến cáo chúng ta đừng rủa sả đồng loại dựa trên căn bản là loài người đã được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Gia 3:9). Những phân đoạn này sẽ không có căn cứ nếu hình ảnh ấy đã bị xóa mất trong Sự Sa Ngã.

Sự tái sanh và nên thánh giúp đổi mới tín hữu theo hình ảnh của Đấng Christ, để một ngày kia chúng ta sẽ được hoàn toàn trở nên giống như hình ảnh của Ngài (Ro 8:29; IICo 3:18). Chỉ có ân điển mới thực hiện được việc này.

III. SỰ LƯU TRUYỀN HỮU THỂ CON NGƯỜI

Khi Ađam sanh ra Sết, ông trở thành cha của một người con giống như hình tượng của ông (Sa 5:3). Dầu Ađam đã được dựng nên trực tiếp theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, con của ông đã được tái tạo theo hình ảnh của Ađam, là hình ảnh dĩ nhiên vẫn còn mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời ngay cả sau Sự Sa Ngã (xem thêm ICo 11:7). Vậy sự lưu truyền bản thể con người đã và đang thông qua sự sinh sản tự nhiên.

Không ai thắc mắc điều này xét về khía cạnh vật chất của con người. Thân thể chúng ta ra từ cha mẹ chúng ta, và thân thể họ ra từ cha mẹ họ v.v… Nhưng khía cạnh phi vật chất của con người truyền được từ thế hệ này sang thế hệ kia như thế nào? Có nhiều câu trả lời được lưu truyền xưa nay cho câu hỏi này:

A. Linh Hồn Hiện Hữu Từ Trước

Quan điểm này cho rằng từ ban đầu Đức Chúa Trời đã dựng nên toàn bộ linh hồn loài người, mà những linh hồn đó đã bị giam trong thân thể vật chất như một hình phạt. Linh hồn trải qua nhiều sự nhập thể xuyên suốt lịch sử, và trong tiến trình đó thì mắc lấy tội lỗi. Plato và người Hy Lạp dạy sự lưu truyền này của linh hồn, và trong hội thánh đầu tiên, Origen cũng theo quan điểm tương tự (ca. 185-ca. 254). Trong thời hiện đại, quan điểm này được dạy bởi Thông thiên học, Ấn Độ Giáo, và triết gia F. R. Tennant. Cơđốc giáo chánh thống chưa hề theo quan điểm này, vì nó không có nền tảng Kinh Thánh. Hơn nữa, phương diện luân hồi của giáo thuyết này mâu thuẫn trực tiếp với lời dạy của Kinh Thánh về sự sống đời đời hoặc hình phạt đời đời cho mỗi cá nhân sinh ra trong thế giới này.

B. Thuyết Linh Hồn Thọ Tạo

Như đã được hậu thuẫn bởi Charles Hodge (Systematic Theology [Grand Rapids: Eerdmans, 1940], 2:70 trở đi), thuyết linh hồn thọ tạo (creationism) dạy rằng Đức Chúa Trời tạo dựng linh hồn tại thời điểm thụ thai hoặc sinh ra và hiệp nhất tức thì linh hồn với thể xác. Linh hồn có tội không phải vì sự dựng nên linh hồn bằng cách nào đó có thiếu sót, nhưng vì thông qua thân thể tiếp xúc với tội di truyền. Hodge nêu lên ba lập luận hậu thuẫn thuyết linh hồn thọ tạo. (1) Thuyết này phù hợp hơn với những phần Thánh Kinh như Dan 16:22 và He 12:9, nói rằng linh hồn đến từ Đức Chúa Trời (còn trái lại thân thể đến từ cha mẹ trên trần gian này) (2) Vì bản chất của linh hồn là phi vật chất, nên không thể được lưu truyền bằng sự sinh sản tự nhiên. (3) Sự vô tội của Đấng Christ chỉ có thể là đúng đắn nếu linh hồn của Ngài đã được tạo dựng (và dĩ nhiên nó ắt đã không được liên hiệp với một thân thể tội lỗi – do đó Thân Vị của Ngài sẽ là vô tội). Công Giáo La mã và nhiều nhà thần học Cải Cách thiên về thuyết linh hồn thọ tạo.

C. Thuyết Linh Hồn Di Truyền

Quan điểm nầy cho rằng linh hồn được lưu truyền cùng với thân thể qua những tiến trình sinh sản tự nhiên. William G.T.Shedd (Dogmatic Theology (New York: Scribners, 1891,2:7 trở đi) dẫn chứng ba loại lập luận hậu thuẫn cho quan điểm nầy. (1) Lập luận Thánh Kinh: He 7:10 chỉ ra hành động đạo đức và có lý trí của Lêvi lúc chưa ra đời; Sa 2:1-3 nói Đức Chúa Trời nghỉ ngày thứ bảy của cuộc Sáng Thế vì công tác Sáng Thế của Ngài đã hoàn tất. Không có hành động mới nào, như là tạo dựng những linh hồn mới, được nói đến ở đây; và câu 7 không cho phép có hơi sống thổi vào bất cứ người nào khác Ađam.(2) Lập luận Thần học: thuyết linh hồn thọ tạo đặt Đức Chúa Trời vào vị thế tạo dựng một linh hồn hoàn hảo (Ngài đã không thể dựng nên một linh hồn tội lỗi được)rồi cho linh hồn ấy xuống thế gian cho mỗi trẻ con mới chào đời. Trường hợp của Đấng Christ vô tội chính là một ngoại lệ trên mọi phương diện và không phải là khuôn mẫu để quyết định vấn đề nầy. (3) Lập luận Sinh lý học: con người luôn luôn được xem như là một sự liên hiệp của linh hồn và thể xác; vì thế có phần tự nhiên hơn khi xem cả phần thể xác lẫn tâm linh cùng phát triển chung với nhau.

Theo tôi, dường như thuyết linh hồn di truyền cung cấp lối giải nghĩa tự nhiên hơn thuyết linh hồn thọ tạo. Tôi đồng ý với nhận định của J.O. Buswell:

Tôi thấy dường như giữa hai quan điểm này còn có sự kiện hiển nhiên nào đó bị bỏ bê trong cuộc thảo luận lịch sử xưa nay,và đó là tính giống nhau và đều đặn thật toàn hảo của sự xuất hiện một linh hồn mỗi khi bắt đầu có một đời sống con người. Theo suy nghĩ thông thường của chúng ta, khi quan sát tính giống nhau và đều đặn thật toàn hảo đến thế trong những vấn đề khác, chúng ta thường gán những kết quả cho những sức mạnh thứ cấp do Chúa đã tạo dựng và đang duy trì bởi ơn thần hựu của Ngài. Vì lý do này, và chỉ bởi lý do này, tôi có khuynh hướng nghiêng về quan điểm linh hồn di truyền, nhưng tôi không nghĩ có thể xác lập vững chắc quan điểm này trên những nền tảng của bất kỳ lời dạy rõ ràng nào của Thánh Kinh.” (A Systematic Theology of the Christian Religion (Grand Rapids: Zondervan, 1962, trang 252).