Thẩm quyền tạo nên nguyên tắc nền tảng trong nghiên cứu thần học. Có lẽ mọi người hoạt động trong khái niệm rộng nhất của thần học “Cơ Đốc” đều sẽ công nhận thẩm quyền của Đức Chúa Trời là định chuẩn tối cao của chân lý. Tuy nhiên, cách nhận thức và diễn tả thẩm quyền của Chúa sẽ khác nhau đáng kể bên trong giới “Cơ Đốc”.

I. THẨM QUYỀN TRONG THẦN HỌC TỰ DO.

Chủ nghĩa chủ quan là đặc điểm phân biệt nổi bật của thần học tự do, dầu vậy tiêu điểm của chủ nghĩa chủ quan đó có thể khác nhau tùy theo mỗi người. Vì vậy, có thể bảo: “Lời Chúa bao gồm mọi hành động nào của Chúa để bởi đó có sự truyền thông giữa Chúa và con người” (L.Harold Dewolf, The case for Theology in Liberal Perspective [Philadelphia: Westminster, 1959] trang 17) Sự truyền thông đó đến thông qua lý luận, xúc cảm hoặc lương tâm của con người.

A.Lý Luận

Lý luận luôn luôn chiếm vị trí thống lĩnh trong thần học tự do. Dĩ nhiên, chính bên trong phạm vi lý luận mà các khái niệm được hình thành để làm nền tảng cho sự truyền thông từ người này sang người khác. Lý luận là kênh dẫn cần thiết cho việc trao và nhận chân lý, và người Tin lành thuần túy công nhận điều đó. Nhưng thần học tự do đương nhiên đã biến lý luận con người thành ra quan án phán xét chân lý, và thường biến lý luận thành nhân tố sáng tạo ra chân lý. Lý luận trở thành tự trị, không bị chi phối bởi thẩm quyền nào cao hơn hay thẩm quyền từ phía bên ngoài, nhưng cũng bị giới hạn khắt khe bởi tình trạng hữu hạn và có thể sai lầm của nó.

B. Cảm Xúc

Để phản ứng chống lại chủ nghĩa duy lý, Schleiermacher (1768-1834) đã khai triển nền thần học cảm xúc. ông nhấn mạnh phép phân tích kinh nghiệm tôn giáo và đặt tôn giáo trên nền tảng cảm xúc hay sự nhận thức. Kết quả là thần học trở thành nhân loại học và tâm lý học. Vì vậy, Karl Barth đã xem Schleiermacher là thí dụ điển hình của chủ nghĩa tự do trong tôn giáo.

C. Lương tâm

Hình thức này của khuynh hướng thần học tự do nhấn mạnh lương tâm là cơ sở của thẩm quyền. Kiến thức của chúng ta hữu hạn và không đáng tin cậy, cho nên những bản năng đạo đức căn bản của tâm hồn con người đã trở thành nền tảng cho thẩm quyền. Immanuel Kant (1724-1804) đã là người dẫn đầu hình thái tư tưởng này. Một lần nữa thần học đã trở thành nhân loại học.

Trong mọi hình thức của khuynh hướng thần học tự do, bản chất con người trên phương diện nào đó là nguồn của chân lý tôn giáo. Từ đó, Thánh Kinh được xem như là sản phẩm lý luận con người chứa đựng những suy nghĩ của con người về Đức Chúa Trời và về thế giới nầy. Thánh Kinh ghi lại phát triển trong lịch sử của những kinh nghiệm và niềm tin tôn giáo của con người; chứ không phải như cách người bảo thủ tin Kinh Thánh là bản ký thuật thông điệp đến từ một Đức Chúa Trời siêu việt, là Đấng đã bước vào dòng lịch sử.

II. THẨM QUYỀN TRONG THẦN HỌC TÂN CHÁNH THỐNG

Tân Chánh Thống đôi khi được liệt vào khuynh hướng thần học tự do và đôi khi vào thần học bảo thủ. Lý do có sự mập mờ nầy là: một mặt, Tân Chánh Thống đoạn giao với thần học tự do cho đến khi nhấn mạnh rằng Đức Chùa Trời- chứ không phải con người- phải bắt đầu khởi xướng sự khải thị (và như thế dường như họ có vẻ bảo thủ); còn mặt khác Tân Chánh Thống đã tiếp tục dạy dỗ những quan điểm của phái tự do về Kinh Thánh (và như thế có vẻ đi theo phái tự do).

Cơ sở của thẩm quyền trong Tân Chánh Thống – ít nhất cũng là qua cách diễn tả của Karl Barth (18886-1968) – là Lời. Tuy nhiên, Lời chính là Đấng Christ. Kinh Thánh làm chứng cho Lời, và có mắc sai lầm khi làm chứng như vậy, và lời rao giảng của Cơ Đốc Nhân là một lời nó về Ngôi Lời.

Đức Chúa Trời tối cao đã khởi xướng trước để bày tỏ về chính mình Ngài, tập chung chủ yếu vào sự khải thị trong Đấng Christ. Nhưng năm tháng của đời sống Đấng Christ bày tỏ hình ảnh tiêu biểu của sự khải thị, và sự chết của Ngài là đỉnh điểm của sự khải thị. Thánh Kinh làm chứng cho sự mặc khải của Đức Chúa Trời, dầu vậy Kinh Thánh ấy được mọi người lý giải là những quy tắc kinh điển của thần học tự do. Vì thế, Kinh Thánh không có thẩm quyền tuyệt đối, mà chỉ là thẩm quyền làm công cụ, vì Kinh Thánh phục vụ như một công cụ có thể sai lầm để nhờ đó chúng ta gặp gỡ Đấng Christ là Ngôi Lời. Và chính trong cuộc gặp gỡ của đức tin tại thời điểm “khủng hoảng”, Đức Chúa Trời mới đích thân truyền thông. Đó mới là chân lý tuyệt đối.

Mặc dù Tân Chánh Thống tìm tính khách quan trong quyền khởi xướng của Đức Chúa Trời, họ lại thực hành chủ nghĩa chủ quan trong từng trải những cuộc gặp gỡ của đức tin. Dù Kinh Thánh có dự phần trong những kinh nghiệm đó, Kinh Thánh vẫn không được phép trở thành quan án tối thượng cho các kinh nghiệm này. Tân Chánh Thống thiếu một tiêu chuẩn thẩm quyền khác quan từ bên ngoài.

III. THẨM QUYỀN TRONG THẦN HỌC BẢO THỦ.

Trong thần học bảo thủ, cơ sở của thẩm quyền ở bên ngoài con người và mang tính khác quan.

A. Công Giáo Bảo Thủ.

Trong Công Giáo La Mã, thẩm quyền căn cứ tối hậu trên chính giáo hội. Đúng là người ta tin Kinh Thánh, nhưng phải cho giáo hội giải nghĩa. Hơn nữa, những truyền thống của giáo hội, kèm với Kinh Thánh, là nguồn của khải thị thiên thượng. Những hội nghị công đồng và các giáo hoàng thỉnh thoảng đưa ra những tuyên bố được xem là vô ngộ va do đó ràng buộc trên mọi thành viên của giáo hội.

Đông Giáo hội cũng tương tự như vậy, tìm thẩm quyền cho chính mình từ truyền thống, từ trong chính giáo hội, và từ Kinh Thánh. Mặc dù người Tin Lành thuần túy không chấp nhận truyền thống là thẩm quyền, nhưng phải công nhận rằng thẩm quyền của Công Giáo không ở nơi con người, tức là khác với cách dạy của thần học tự do.

B.Thần Học Tin Lành Bảo Thủ.

“Bảo thủ” loại trừ những cơ sở thẩm quyền mang tính nhân bản và chủ quan của thần học tự do, và “Tin Lành” loại giáo hội ra khỏi cơ sở của thẩm quyền. Cho nên người ta sẽ đồng ý rằng “chính thống là nhánh nào của giới Cơ Đốc Giáo giới hạn nền tảng thẩm quyền tôn giáo và Kinh Thánh” (Edward John Carnell, The Case for Orthodox Theology [Philadelphia:Westminster, 1969], trang 13) . Kinh Thánh chứa đựng mặc khải khách quan của Đức Chúa Trời và vì thế, Kinh Thánh là nền tảng thẩm quyền cho thần học Tin Lành bảo thủ.

Thật thế, hiểu biết mặc khải trong Kinh Thánh bao gồm việc dùng những tiến trình hữu lý của một tâm trí đã được cứu chuộc, sự cam kết phó thác đức tin trong những vấn đề không được mặc khải hoặc không hiểu được, lòng nương cậy chức vụ dạy dỗ của Đức Thánh Linh, một lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời, và sự hiểu biết nào đó trong những bài học lịch sử.

Đôi khi dù trên lý thuyết thì những người bảo thủ không phủ nhận, nhưng trong thực tế họ có thể và thực sự phủ nhận Kinh Thánh là nền tảng thẩm quyền duy nhất của họ.

  1. Trên thực tế, một số truyền thống hoặc giáo phái dành cho những tín điều của họ có thẩm quyền ngang hàng với Kinh Thánh. Tín điều có thể cung cấp những tuyên ngôn hữu ích về chân lý, nhưng không bao giờ thể làm vị quan án có thẩm quyền cho chân lý được. Những tuyên ngôn của tín điều phải luôn luôn bị kể là có thể sai lầm, có thể cần tu chính và phục dưới thẩm quyền của Kinh Thánh.
  2. Trên thực tế, một số nhóm dành cho truyền thống và nếp sống đạo được chấp nhận chung có thẩm quyền ngang hàng với Thánh Kinh. Một hội thánh nhận sự ủy thác thiên thượng để thiết lập những nguyên tắc chỉ đạo có thẩm quyền cho các thành viên của mình (Hêbơrơ 13:7, 17), nhưng những nguyên tắc này cũng có thể sai lầm, cần phải được tu chính định kỳ, và luôn luôn phải phục dưới thẩm quyền Thánh Kinh.
  3. Trên thực tế, một số người bảo thủ xem kinh nghiệm tôn giáo là thẩm quyền. Kinh nghiệm lành mạnh là kết quả của lòng trung thành với thẩm quyền Thánh Kinh, nhưng mọi kinh nghiệm phải được hướng dẫn, chi phối và canh giữ bởi Kinh Thánh. Biến kinh nghiệm thành định chuẩn và có thẩm quyền là phạm một lỗi lầm như thần học tự do vì đã thay thế một tiêu chuẩn khách quan bằng chủ nghĩa hiện sinh chủ quan.

Hãy quan sát ý chính của bảng này: khi thẩm quyền khách quan bị bổ xung thêm, thỏa hiệp hoặc loại bỏ, thuyết hữu thần sẽ bị suy yếu hoặc thậm chí bị chối bỏ nữa.

 

TIN NƠI

CHÁNH THỐNG

TÂN
CHÁNH THỐNG

THẦN HỌC
 TỰ DO

Thuyết hữu thần
Siêu việt
Khách quan

X
X
X

X
X

X