I. TIỀN GIẢ ĐỊNH CĂN BẢN

Dầu có ý thức hay không, mọi người đều hoạt động trên nền tảng của vài tiền giả định. Người vô thần nói không có thần linh nào thì họ phải tin vào tiền giả định căn bản đó. Và khi tin như vậy, họ nghĩ về thế giới, loài người và tương lai theo những cách hoàn toàn khác với người hữu thần. Người bất khả tri không chỉ khẳng định chúng ta không thể biết Đức Chúa Trời, nhưng còn phải tin điều đó là nền tảng cho toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của họ. Nếu chúng ta có thể biết về Đức Chúa Trời chân thật thì toàn bộ hệ thống của người ấy vỡ tan. Người hữu thần tin có một Đức Chúa Trời. Họ nêu chứng cớ khẳng định để xác nhận niềm tin, nhưng về cơ bản, họ tin.

Người tin Chúa ba ngôi tin Đức Chúa Trời là Ba Ngôi Hiệp Một. Đó là niềm tin ra từ Kinh Thánh. Vậy họ cũng tin Kinh Thánh đúng.

Đây là một tiền giả định bước ngoặt. Nếu Thánh Kinh không đúng, thì giáo lý Ba Ngôi là sai và Chúa Jesus Christ không đúng là Đấng mà Ngài xưng nhận. Từ thiên nhiên hay từ lý trí con người, chúng ta không học được gì về giáo lý Ba Ngôi hay Đấng Christ. Và nếu không tin tài liệu nguồn của mình là chính xác, chúng ta không thể biết chắc chắn điều mình học được từ Kinh Thánh về Đức Chúa Trời Ba Ngôi có chính xác không. Như vậy tin sự chân thật của Kinh Thánh là tiền giả định căn bản. Điều nầy sẽ được thảo luận đầy đủ trong phần luận về sự soi dẫn và tính không sai lạc.

II. NHỮNG TIỀN GIẢ ĐỊNH GIẢI NGHĨA

Nếu tài liệu nguồn có tính quyết định như thế,ta phải quan tâm cách tiếp cận và sử dụng nó. Thần học chính xác tùy thuộc vào cách giải kinh đúng. Phải có các nghiên cứu giải kinh trước khi hệ thống hóa thần học, cũng giống như phải làm gạch trước khi xây tòa nhà.

A. Lẽ Thiết Yếu Của Cách Giải Nghĩa Bình Thường và Đơn Giản

Dầu sẽ luận kỹ hơn về Giải kinh học ở Phần III, ở đây chúng ta cần nói về tầm quan trọng của phương pháp giải nghĩa Thánh Kinh thông thường làm nền tảng để giải kinh đúng. Khi ban khải thị về chính Ngài, Chúa muốn truyền đạt chứ không che khuất chân lý. Cho nên chúng ta tiếp cận một lối giải nghĩa Thánh Kinh đòi hỏi phải dùng những qui tắc giải nghĩa thông thường. Hãy nhớ, khi những biểu tượng, ngụ ngôn, điển hình v.v... được dùng,chúng dựa trên một nghĩa đen cơ bản cho chính sự hiện hữu của chúng, và cách giải thích chúng phải luôn bị chi phối bởi khái niệm là Chúa đang truyền đạt cách bình thường, đơn giản hoặc theo nghĩa đen. Phớt lờ điều nầy sẽ đưa đến kiểu giải kinh lộn xộn, vốn đặc trưng của những nhà giải kinh thời trung cổ và thời các giáo phụ.

B. Quyền Ưu Tiên của Tân Ước.

Cả Kinh Thánh đều được soi dẫn và có ích,nhưng nguồn tín lý trong Tân Ước được ưu tiên hơn. Mặc khải trong Cựu Ước để chuẩn bị và mới là một phần, còn mặc khải Tân Ước đạt đến đỉnh điểm và hoàn tất.Ví dụ như giáo lý Ba Ngôi, dù được xét đến trong Cựu Ước nhưng đến thời Tân Ước mới được tỏ ra. Hoặc hãy xem những khác biệt lớn biết lao giữa những điều được dạy trong Cựu với Tân Ước về sự chuộc tội, sự xưng nghĩa và sự sống lại. Nói như thế không có ý đánh giá thấp những sự dạy dỗ trong Cựu Ước, cũng không hề hàm ý Cựu Ước được soi dẫn ít hơn, nhưng để nói rằng trong sự tiết lộ tiệm tiến mặc khải của Đức Chúa Trời, Cựu Ước đến trước về thứ tự thời gian và vì thế giữ vị trí chuẩn bị và chưa đầy đủ về phương diện thần học. Thần học Cựu Ước có vị trí riêng của nó, nhưng sẽ không đầy đủ nếu thiếu sự góp phần của chân lý trong Tân Ước.

C. Tính Hợp Pháp Của Những Bản Văn Kiểm Chứng

Những người theo phái thần học tự do và thần học của Barth thường chỉ trích phái bảo thủ dùng bản văn Kinh Thánh kiểm chứng để chứng minh cho những kết luận của họ. Tại sao họ than phiền như vậy? Đơn giản vì trưng dẫn những bản văn kiểm chứng sẽ dẫn đến những kết luận bảo thủ, chứ không có kết luận phóng khoáng. Họ cho rằng trích dẫn như vậy là một phương pháp luận bất hợp pháp và không mang tính học thuật, nhưng điều đó đâu có bất hợp pháp hơn các chú thích cuối trang trong một tác phẩm có tính học thuật!

Đúng là cần phải dùng bản văn kiểm chứng đúng cách, cũng như dùng chú thích cuối trang vậy. Thực ra phải dùng chúng để nói lên ý nghĩa chúng muốn nói; không được dùng tách rời khỏi văn mạch; không được dùng riêng một phần trong khi tổng thể có thể làm đổi ý nghĩa; và đặc biệt không được ép bản văn kiểm chứng của Cựu Ước phải bao hàm những chân lý chỉ được bày tỏ về sau trong Tân Ước.

III. NHỮNG TIỀN GIẢ ĐỊNH HỆ THỐNG HÓA

A. Lẽ Cần Thiết Của Một Hệ Thống

Khác biệt giữa giải kinh (exegesis) và thần học là ở hệ thống được dùng. Giải kinh sẽ phân tích; còn thần học liên kết những phân tích đó. Giải kinh liên hệ đến nghĩa của những bản văn Kinh Thánh; còn thần học liên kết những nghĩa đó lại với nhau. Người giải kinh trình bày nghĩa của chân lý; còn nhà thần học trình bày hệ thống chân lý. Mục tiêu của thần học, dù là môn thần học Kinh Thánh hay thần học hệ thống, là hệ thống hóa những sự dạy dỗ đang khảo sát.

B. Những Giới Hạn Của Một Hệ thống Thần Học

Nói ngắn gọn, ranh giới của một hệ thống thần học phải trùng với ranh giới của mặc khải Thánh Kinh. Khi nỗ lực trình bày một hệ thống hoàn chỉnh, nhà thần học thường bị cám dỗ lấp đầy những khoảng trống trong chứng cứ Thánh Kinh bằng lý luận hoặc những hàm ý mà có lẽ không bảo đảm là đúng.

Lý luận hoặc các hàm ý thực sự có vị trí xứng đáng của chúng. Mặc khải của Chúa có thứ tự và hữu lý, vậy lý luận có chỗ đứng xứng đáng trong nghiên cứu khoa học về mặc khải. Khi chữ kết thành các câu văn,thì câu văn đó có hàm ý mà nhà thần học phải cố tìm hiểu.

Tuy nhiên, khi dùng lý luận tạo ra chân lý -giả dụ như thế - thì nhà thần học phạm vào tội đẩy hệ thống của mình vượt ra ngoài ranh giới của chân lý Thánh Kinh. Đôi khi điều nầy bị thúc đẩy bởi động cơ muốn trả lời những câu hỏi mà Thánh Kinh không trả lời. Trong trường hợp như thế (có không ít trường hợp hết sức quan trọng như thế trong Kinh Thánh), câu trả lời tốt nhất là im lặng chứ không phải lý luận khôn khéo, những hàm ý hầu như không thể thấy được, cũng không phải tính đa cảm đầy mơ tưởng. Ví dụ điển hình cho các lãnh vực đặc biệt lôi cuốn gồm có quyền tể trị tối cao và trách nhiệm, phạm vi của sự Chuộc tội, sự cứu rỗi cho những hài nhi đã chết.

IV. NHỮNG TIỀN GIẢ ĐỊNH CÁ NHÂN

Cũng có thể phải giả định trước một số vấn đề nhất định về người nghiên cứu thần học.

A. Người Ấy Phải Tin

Dĩ nhiên người vô tín vẫn có thể viết và nghiên cứu thần học, nhưng tín hữu có chiều kích và góc nhìn về chân lý của Chúa mà không người vô tín nào có được. Những điều sâu nhiệm của Chúa do Thánh Linh dạy, là Đấng mà người vô tín không có (ICo 2:10-16).

Tín hữu cũng cần phải có đức tin, vì lý trí hữu hạn của chúng ta sẽ không hiểu hết một số lĩnh vực trong sự mặc khải của Đức Chúa Trời.

B. Người Ấy Phải Suy Nghĩ

Trên hết, tín hữu phải cố gắng suy nghĩ về mặt thần học. Điều nầy bao gồm cách suy nghĩ về giải kinh (để hiểu được nghĩa chính xác), suy nghĩ cách có hệ thống (để liên hệ những sự kiện cách thấu đáo), suy nghĩ có tính phê bình (để đánh giá tính ưu tiên của chứng cớ liên quan) và suy nghĩ tổng hợp (để phối hợp và trình bày lại sự dạy dỗ này như một tổng thể).

Thần học và giải kinh phải luôn luôn tương tác với nhau. Giải kinh không cung cấp mọi giải đáp; khi có thể có nhiều phương án giải nghĩa hợp pháp, thì thần học sẽ quyết định chọn lời giải nghĩa nào. Ví dụ, một số đoạn Kinh Thánh có dạy sự bảo đảm đời đời hay không; lúc ấy nền thần học của họ sẽ quyết định. Mặt khác, không một hệ thống thần học nào nên cứng lòng đến nỗi không sẵn sàng thay đổi hoặc cải tiến theo những hiểu biết sáng suốt của chú giải kinh.

C. Người Ấy Phải Nương Cậy

Một mình trí khôn sẽ không làm nên nhà thần học. Nếu ta tin thực sự có chức vụ dạy dỗ của Đức Thánh Linh thì đương nhiên chức vụ ấy phải là một yếu tố trong nghiên cứu thần học (Gi 16:12-15). Nội dung giáo trình của Thánh Linh bao gồm tất cả mọi chân lý, tập trung đặc biệt về sự khải thị chính Đấng Christ, là điều dĩ nhiên được tìm thấy trong Kinh Thánh. Muốn kinh nghiệm chức vụ nầy thì đòi hỏi phải có thái độ nương cậy có ý thức vào Thánh Linh. Thái độ nầy được phản ánh qua tâm trí khiêm nhường và siêng năng nghiên cứu những điều Thánh Linh đã dạy dỗ những người khác trải suốt dòng lịch sử. Học Kinh Thánh theo lối qui nạp là một phương pháp nghiên cứu có ích, nhưng nếu chỉ nghiên cứu quy nạp thôi tức là làm ngơ những kết quả nghiên cứu của người khác, và nếu luôn luôn làm như vậy thì có thể lặp lại thật lãng phí việc nhiều người khác đã làm rồi.

D. Người Ấy Phải Thờ Phượng

Dầu là bài tập học thuật, nghiên cứu thần học không hề là bài tập học thuật suông. Đó là kinh nghiệm sẽ làm thay đổi, cáo trách, mở rộng, thách thức và sau cùng dẫn đến lòng tôn kính Chúa cách sâu xa.Thờ phượng có nghĩa là công nhận giá trị của đối tượng được tôn thờ. Làm sao có ai để tâm trí mình nghiên cứu về Đức Chúa Trời mà lại không tăng thêm lòng công nhận giá trị xứng đáng của Ngài?"