Nhiều danh hiệu khác nhau của Satan đã cảnh báo chúng ta rằng hắn có thể tấn công đối phương theo rất nhiều cách. Từ sự dữ tợn của con rồng (Kh 12:3) cho đến vẻ hấp dẫn của một thiên sứ sáng láng (IICo 11:14), Satan có thể điều chỉnh hắn và các chiến thuật của hắn cho thích nghi với con người và với hoàn cảnh. Tuy có lẽ Satan chuộng hoạt động theo cách nào đó,nhưng hắn sẽ gặp con người tại chính chỗ của họ và dùng bất cứ điều gì có thể đánh hạ họ trong những tình huống cụ thể đó. Dầu không toàn tri, Satan đã quan sát nhiều người khác trong những hoàn cảnh mà chúng ta có thể cũng đang lâm vào, nên hắn có thể đoán trước rất chính xác phương pháp nào đánh hạ chúng ta tốt nhất.

I. ĐỐI VỚI ĐẤNG CHRIST

Tình trạng thù địch giữa Satan và Đấng Christ đã được báo trước lần đầu tiên ngay sau khi Ađam và Êva phạm tội (Sa 3:15). Sự thù địch giữa hậu duệ thuộc linh của Satan và gia đình Đức Chúa Trời đã được báo trước tại đây. Một người (Đấng Christ) giữa vòng dòng dõi người nữ cũng sẽ đánh một đòn trí mạng vào đầu của Satan, còn Satan sẽ cắn gót chân của Đấng Christ (một đòn không nặng, nhưng khiến Ngài phải chịu khổ nhiều). Trận chiến này đã diễn ra ở thập tự giá.

Khi Chúa chúng ta đã thực sự hiện ra trên quả đất này, thì Satan thực hiện nhiều nỗ lực phối hợp để cản trở sứ mạng chịu chết chuộc tội cả thế gian của Ngài. Rõ ràng, việc Hêrốt giết các con trẻ dưới 2 tuổi đã do Satan xúi giục (Mat 2:16). Đấng Christ phán tỏ tường rằng Phierơ đã đứng về phía chương trình của Satan khi ông muốn gạt bỏ ý nghĩ Đấng Christ sẽ phải chết tại Giêrusalem (16:21-23). Lời quở trách nghiêm khắc của Đấng Christ nhấn mạnh rằng mục tiêu trung tâm khiến Ngài đến thế gian đó là để chịu chết. Khi Giuđa sắp sửa phản bội Chúa thì Satan nhập vào lòng ông (Gi 13:27).

Nhưng lần tấn công chủ yếu và trực tiếp nhất của Satan vào Chúa chúng ta là lúc cám dỗ Ngài (Mat 4:1-11). Từ ngữ “thử nghiệm”hoặc “cám dỗ” bao hàm hai ý: chứng minh và dụ dỗ đến điều ác. Việc Satan cám dỗ Đấng Christ bao hàm cả hai phương diện nầy. Trong tiến trình Satan dụ dỗ Ngài phạm điều ác, Đức Chúa Trời sẽ chứng thực qua thử thách ấy rằng Đấng Christ vô tội.Đức Chúa Trời và Satan đều đã dự phần vào sự thử nghiệm Đấng Christ. Đức Thánh Linh hướng dẫn Chúa Jesus vào đồng vắng để chịu ma quỉ cám dỗ. Trong bốn mươi ngày Satan thử thách Chúa bằng nhiều cám dỗ (Lu 4:2), và trong thời gian đó Chúa chúng ta kiêng ăn. Điều này khiến cho Ngài nhạy bén với mọi thử thách,nhưng đặc biệt là đối với ba cuộc tấn công đến vào cuối bốn mươi ngày đó. Ba điều này đã là hình ảnh thu nhỏ của những lãnh vực mà một người có thể bị thử nghiệm:Sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời (IGi 2:16).

Đây là những thử nghiệm đặc biệt thích hợp cho Đấng Thần Nhân. Chỉ một mình Ngài (chứ chúng ta thì không) có thể hóa đá thành bánh. Chỉ mình Ngài (chứ chúng ta thì không) có thể nhảy xuống từ nóc đền thờ và đáp xuống đất mà không bị hại gì. Chỉ có mình Ngài (chứ chúng ta thì không) có thể mong có được toàn thể các nước trên thế gian này.

Mục đích cơ bản của sự cám dỗ Đấng Christ là chứng minh Ngài đủ khả năng làm Cứu Chúa vô tội. Satan đang cố làm cho Chúa tẻ bước khỏi đường lối và mục đích khiến Ngài đến thế gian, và đang có khiến Ngài không nương cậy nơi Đức Chúa Trời và kế hoạch của Đức Chúa Trời bằng cách dâng tặng Ngài vinh hiển mà không cần chịu thương khó. Như vậy, điều này sẽ khiến sự chết thay của Ngài trở nên thừa. Nói cụ thể, Satan đã cám dỗ Đấng Christ đến về sự độc lập (Mat 4:3-4), sự buông tuồng (c. 5-7) và sự thờ hình tượng (c. 8-10).

Chắc chắn trong suy nghĩ của Satan, Đấng Christ là Đấng Giải Cứu đã được hứa ban. Nhưng hắn muốn Đấng Christ khẳng định sự độc lập của Ngài khỏi Cha bằng cách hóa đá thành bánh. Mana được ban cho Ysơraên trong đồng vắng đã đến từ Đức Chúa Trời thể nào, thức ăn của Đấng Christ cũng phải đến theo phương cách và đúng thời điểm của Cha thể ấy. Hóa đá thành bánh sẽ khẳng định Ngài độc lập khỏi ý chỉ của Đức Chúa Cha. “Dầu Ngài đang đói và có quyền ăn, tuy vậy Ngài sẽ không ăn theo cách không tùy thuộc ý chỉ của Đức Chúa Cha. Chẳng phải Satan cám dỗ Ngài từ khước bánh thuộc linh,nhưng cám dỗ Ngài từ bỏ Đức Chúa Cha để đến với bánh theo nghĩa đen, kiếm được bằng cách không nhờ cậy ý chỉ của Đức Chúa Cha” (S. Craig Glickman, Knowing Christ [Chicago: Moody, 1980, trang 41]). Satan vẫn đang cám dỗ những người theo Đấng Christ thu tóm nhiều vật vào tay mình thay vì đầu phục ý chỉ của Đức Chúa Cha.

Gieo mình khỏi nóc hoặc mái hoặc phần nhô ra của đền thờ để lao xuống thung lũng sâu 450–600 feet bên dưới và đáp xuống đất không tổn hại gì đương nhiên phải là một dấu lạ ngoạn mục của Đấng Mêsia. Nhưng làm như vậy rồi tức là đi đường tắt và chứng tỏ thiếu đức tin. Sự hấp tấp, những dấu lạ, hay sự táo tợn không bao giờ thay thế được cho đức tin bền đỗ, dù vậy Satan vẫn luôn cám dỗ chúng ta buông mình vào những điều này.

Satan tạm thời được ban quyền cai trị trên thế gian (cosmos) này, nhưng cuối cùng Đấng Christ sẽ cai trị thế gian này. Vì vậy, Satan có quyền dâng tặng các nước thế gian này cho Chúa, nhưng nếu Đấng Christ nhận chúng, Ngài hẳn đã đi đường tắt để thực hiện chương trình của Đức Chúa Trời và bỏ qua công tác cứu chuộc bằng sự chết của Ngài. Satan vẫn đang cám dỗ chúng ta bằng thứ thấy được ngay trước mắt.

Vì cản trở thập tự giá bất thành, Satan tấn công Phúc Âm, những kẻ theo Đấng Christ và điều chi còn lại trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho thế gian này.

II. ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Chiến thuật chủ yếu Satan dùng để tấn công Đức Chúa Trời và chương trình của Ngài nói chung là cống hiến một vương quốc và một chương trình giả mạo. Điều này thấy hiển nhiên khi hắn đã phạm tội lúc ban đầu bởi muốn giống như, chứ không muốn khác Đức Chúa Trời. Sự giả mạo đó đã được thử nghiệm lần đầu trên loài người khi Satan cống hiến cho Êva cơ hội để được giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác (Sa 3:5).

Sự cám dỗ Đấng Christ cũng là một nỗ lực nhằm giả mạo. Điều giả mạo càng giống thật càng tốt, chỉ thiếu một vài đặc tánh quan trọng mà thôi. Điều Satan cống hiến cho Chúa chúng ta đó là có được vinh hiển cho Ngài mà không cần đặc điểm cốt yếu của sự chết Ngài.

Ngày nay Satan cổ súy một hình thức tin kính trong khi chối từ quyền phép của tin kính đó (IITi 3:5). Để làm điều này, Satan ngụy trang cho đầy tớ của hắn giống như những đầy tớ của sự công bình (IICo 11:15). Hắn cổ súy một hệ thống giáo lý thông qua các quỷ sứ, đến lượt các quỷ sử dụng con người ủng hộ cho chủ nghĩa khổ hạnh sai lầm hoặc sự phóng túng buông thả vô độ (ITi 4:1-3; Kh 2:24). Sự giả mạo tối hậu sẽ là Antichrist hầu đến,những hoạt động của hắn sẽ phối hợp với Satan và sẽ đem lại cho loài người “điều dối giả” (IITe 2:9,11).

III. ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA

Hoạt động chủ yếu của Satan trong đấu trường này là lừa dối các quốc gia (Kh 20:3). Lừa dối cách nào? Dường như lừa họ suy nghĩ rằng họ có thể cai trị một cách công chính và đem lại hòa bình cho thế giới mà không cần sự hiện diện và trị vì của Đấng Christ. Một lần nữa, chiến thuật của hắn là sự giả mạo.

Dường như Satan sử dụng các quỷ để thực hiện sự dối trá của hắn (Da 10:13,20), và sử dụng các chính quyền để cản trở tiến bộ của Phúc Âm (ITe 2:18).

Trong những ngày sắp đến Cơn Đại Nạn, Satan sẽ lừa dối các nước tiếp nhận Antichrist làm đấng cứu tinh của họ. Satan, là con rồng, sẽ phú cho Antichrist quyền lực của hắn, và thế giới sẽ trung thành đối với hắn (Kh 13:2-4). Tại thời điểm kết thúc Cơn Đại Nạn, Satan và các quỷ sứ của nó sẽ tạo ảnh hưởng trên các quân đội của các nước để hành quân đến số phận diệt vong của họ trong trận chiến Hamaghêđôn (16:13-16).

Trong thời gian vương quốc Thiên Hy Niên,Satan sẽ bị xiềng, nhưng cuối thời đại đó hắn sẽ được thả ra và sẽ cố lãnh đạo thế nổi dậy lần cuối cùng chống nghịch vương quốc của Đấng Christ. Sau nỗ lực bất thành này, Satan sẽ bị quăng đời đời vào hồ lửa (20:7-10).

IV. ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TIN

Đối với người không tin, Satan làm mù tâm trí của họ hầu cho họ không chịu chấp nhận Phúc Âm (IICo 4:4). Hắn thường làm điều này bằng cách khiến họ nghĩ bất cứ con đường nào đi đến thiên đàng cũng có thể chấp nhận được y như con đường duy nhất. Một lần nữa, đây là sự giả mạo. Sự mù lòa này tấn công tâm trí của con người, và tuy những kẻ không tin có thể suy nghĩ và lý luận, nhưng một quyền lực lớn hơn Satan phải cất sự mù lòa đó đi. Lý luận và những lập luận thuyết phục của con người có chức năng của nó, nhưng chỉ năng quyền của Đức Chúa Trời mới có thể cất đi sự mù lòa do Satan làm nên. Đôi khi ma quỷ đến và lấy đi mất Lời Chúa mà con người đã được nghe hầu khiến họ không tin (Lu 8:12).

Để đẩy mạnh sự mù lòa này, Satan sử dụng tôn giáo giả mạo như đã được nêu chi tiết trong phần trước đây. Điều này bao hàm mọi sự, từ chủ nghĩa khổ tu đến sự buông thả, từ thuyết hữu thần (vì làm một người hữu thần không nhất thiết có nghĩa là được cứu) cho đến tà thuật. Nói cách khác, Satan sẽ dùng bất cứ phương diện nào của hệ thống đời này do hắn lãnh đạo để ngăn người ta khỏi suy nghĩ hoặc làm điều gì có thể đem họ vào vương quốc của Đức Chúa Trời (Co 1:13; IGi 2:15-17).

V. ĐỐI VỚI CÁC TÍN HỮU

A. Satan, Kẻ Cám Dỗ

Satan đã cám dỗ Chúa thể nào, hắn cũng cám dỗ các tín hữu thể ấy. Mục đích của hắn là khiến chúng ta phạm điều ác. Đôi khi Đức Chúa Trời có thể dùng Satan thử thách chúng ta để chứng minh chúng ta trong sự chống trả những cám dỗ của hắn. Thử thách có thể có ba mục đích ích lợi trong đời sống của tín đồ: (a) Để chứng thực cho chúng ta (IPhi 1:6-7); (b) Để dạy dỗ chúng ta (4:12-13: cũng xem He 5:8); và (c) Để tăng cường tình yêu của chúng ta đối với Chúa (Gia 1:12). Nhưng mục tiêu duy nhất của Satan là cám dỗ tín hữu phạm vào điều ác.

Có ít nhất ba lãnh vực mà Satan cám dỗ các tín hữu. Trước hết là trong lãnh vực chiều theo những áp lực và cơ cấu của xã hội (ITe3:5). Các bạn còn nhớ, Phaolô bị buộc phải rời khỏi Têsalônica sau khi chỉ mới thi hành chức vụ một tháng tại thành phố đó (Cong 7:5-10). Hơn nữa, Satan đã dùng lệnh cấm nào đó của nhà cầm quyền để cản trở không cho ông trở lại (ITe 2:18). Cho nên ông đã sai Timôthê là người không bị ràng buộc bởi lệnh cấm đó để trở lại Têsalônica xem thử họ có chịu thua những cám dỗ của Satan không. Cám dỗ nào? Ở thế kỷ thứ nhất thì thật quá sớm để Phaolô nói đến cơn bách hại chính thức từ phía nhà cầm quyền Đế quốc Lamã. Những cám dỗ này chắc hẳn thiên về loại cám dỗ mang tính cách cá nhân, xã hội và không thuộc phía nhà cầm quyền. Ví dụ,chúng ta biết rằng phụ nữ ở tại Maxêđoan được hưởng tự do nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trong cả Đế quốc lúc bấy giờ, và chúng ta cũng biết có nhiều phụ nữ sang trọng tại Têsalônica trở lại tin Chúa nhờ chức vụ của Phaolô. Có lẽ Satan đã cám dỗ họ tiếp tục rập khuôn theo lối sống mà họ đã từng trải trước khi được cứu. Đó là cám dỗ đặt thân phận địa vị lên trên sự nên thánh. Cũng có nhiều tân tín hữu vốn là người ngoại bang, và có lẽ Satan đã cám dỗ họ bằng sự kiêu ngạo về trí năng.

Thứ nhì, Satan cám dỗ các tín hữu che giấu tính ích kỷ. Câu chuyện Anania và Saphira là minh họa điển hình. Cặp vợ chồng này muốn giữ lại một phần tiền họ có được nhờ bán tài sản, đồng thời lại muốn được ca ngợi vì khoản tiền dâng của mình. Phierơ nêu rõ rằng chính Satan đã đầy dẫy lòng họ khiến họ nói dối (Cong 5:1-11). Họ có quyền sở hữu và bán tài sản của mình. Họ không bị buộc phải dâng hiến tất cả số tiền bán được cho Hội Thánh.Nhưng họ buộc không được phép giả vờ tỏ ra rộng rãi và đồng thời cố thỏa mãn tính ích kỷ của mình bằng cách giữ lại một phần tiền đã bán được.

Thứ ba, Satan cám dỗ các tín hữu đến chỗ vô luân (ICo 7:5). Đức Chúa Trời đã chu cấp hôn nhân để diễn tả chính đáng những mối liên hệ và nhu cầu thể xác, và Ngài muốn những người chồng và vợ phải nhận lấy những trách nhiệm riêng và chung của họ. Khi không thực hiện điều này, Satan có cơ hội cám dỗ các tín hữu phạm những tội tính dục bất chính hoặc bại hoại.

B. Satan, Kẻ Thù

Là kẻ thù, Satan kiện cáo và chống đối tín hữu trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống họ. Trước hết, hắn chống nghịch với lời chúng ta làm chứng về Phúc Âm. Satan làm điều này bằng cách khiến chúng ta rối trí khi hắn gieo cỏ lùng lẫn lộn với lúa mì (Mat 13:38-39), bằng cách cướp đi Lời đã được gieo trồng (Mac 4:15), bằng cách dùng những thế lực của nhà cầm quyền nghịch lại với các tín hữu (ITe 2:18), hoặc bằng cách bỏ tù các tín hữu,tin rằng điều ấy sẽ cản trở không cho lời chứng của họ loan truyền hoặc khiến họ sợ và không dám làm chứng (Kh 2:10).

Thứ đến, Satan vạch tội chúng ta (12:10). Hắn kiện cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời mỗi khi chúng ta phạm tội, nghĩ rằng hắn có thể khiến chúng ta mất sự cứu rỗi. Nhưng Đấng Christ là Đấng Biện Hộ cho chúng ta, Ngài bênh vực chúng ta và nhắc đi nhắc lại với Đức Chúa Cha rằng Ngài đã đền trả xong cho mọi tội lỗi của chúng ta khi Ngài chết trên thập tự giá (IGi 2:1-2).

Thứ ba, Satan chống nghịch tín hữu bằng cách đặt những áp lực lên tín hữu khiến họ có lẽ không thể chịu nổi. Có hai ví dụ về điều này trong Tân Ước. Một liên quan đến người bị kỷ luật trong ICôrinhtô 5.Dường như việc kỷ luật đã đạt kết quả mong muốn, và người ấy đã xưng tội loạn luân của mình. Bấy giờ hội thánh đáng ra phải tiếp nhận người ấy trở lại mối thông công. Dường như có người muốn làm điều này, có người không muốn. Cho nên Phaolô thúc giục họ phải tiếp nhận lại, không những để hàn gắn sự chia rẽ đã phát sinh, nhưng cũng để tránh trường hợp anh em ấy bị buồn rầu quá đỗi. Người ấy cần biết sự tha thứ từ các anh chị em khác của mình (IICo 2:5-11). Không phục hồi người ấy sẽ khiến Satan chiếm lợi thế.

Ví dụ thứ nhì liên quan đến những đàn bà góa trong khi tuổi còn trẻ (ITi 5:14-15). Phaolô khuyên giục họ nên tái giá, sinh con và sống cuộc đời hữu dụng. Một số góa phụ ăn không ngồi rồi và ngồi lê đôi mách đang đi theo Satan.

Nói chung, chúng ta có thể nói Satan là kẻ thù hết sức mong muốn dập tắt sự làm chứng của các tín hữu. Để hoàn tất điều này, hắn rình mò trên thế gian như là sư tử rống tìm kiếm người nào hắn có thể nuốt được (IPhi 5:8). Từ ngữ “nuốt” cũng là từ đã được dùng để mô tả cách Biển Đỏ nuốt chửng những người Êdíptô khi họ đuổi theo dân Hêbơrơ (He 11:29). Nó vẽ lên bức tranh sống động về mục tiêu tối hậu của Satan – đó là hoàn toàn nhận chìm sự hữu dụng và lời chứng của các tín hữu.

Như tôi đã đề cập trước đây, Satan có lẽ thích làm một số điều hơn những điều khác. Nhưng hắn sẽ làm bất cứ điều gì làm được để khiến cho những kế hoạch và chương trình của hắn được thành công tốt đẹp.Cũng hãy nhớ Satan đầy quyền lực, đầy kinh nghiệm, và có cả một đạo quân quỉ sứ giúp đỡ. Vì cớ đó, tín hữu chỉ có thể chiến đấu thành công với hắn bằng sức lực và năng quyền của Đức Chúa Trời, là Đấng ngự trong họ. Những khía cạnh khác về sự bảo vệ cho tín hữu sẽ được bàn đến trong một chương khác.