I. SỐ LƯỢNG THIÊN SỨ

Các thiên sứ lập thành số lượng đông cực kỳ không thể đếm được. Đó là ý nghĩa của chữ vô số được dùng để mô tả số lượng thiên sứ trong He 12:22 và Kh 5:11. Thực ra câu sau nói rằng có hàng muôn ngàn thiên sứ. Có lẽ vẫn không nêu cụ thể bao nhiêu thiên sứ, cho dù vài người gợi ý số lượng thiên sứ trong cả vũ trụ này bằng với tổng số tất cả con người sống xuyên suốt dòng lịch sử (có lẽ đã được ngụ ý trong Mat 18:10). Dầu thế nào đi nữa,số lượng thiên sứ vẫn không tăng không giảm.

II. SỰ KIỆN VỀ TỔ CHỨC CỦA THIÊN SỨ

Kinh Thánh nói về “hội” và “hội đoàn” của các thiên sứ (Thi 89:5,7), về tổ chức của thiên sứ cho chiến trận (Kh 12:7), và về một vì vua cai trị trên các quỉ sứ như châu chấu (9:11). Thiên sứ cũng được xếp vào những thể loại quản trị, điều đó nói lên tổ chức và đẳng cấp (Eph 3:10,các thiên sứ thiện; và 6:12 các thiên sứ ác). Chắc chắn Đức Chúa Trời đã tổ chức những thiên sứ được lựa chọn, và Satan đã tổ chức các thiên sứ ác.

Một vấn đề thực tiễn rất quan trọng nổi lên từ điều này. Các thiên sứ được tổ chức, ma quỉ cũng được tổ chức; thế mà Cơ đốc nhân - cả cá thể lẫn các tập thể - thường nghĩ họ không cần phải có tổ chức.Đây đặc biệt là một sự thực khi nói đến chuyện chống lại điều ác. Tín hữu đôi khi nghĩ họ có thể “thực hiện một mình” hoặc trông đợi chiến thắng mà không cần phải có sự chuẩn bị có tổ chức từ trước và kỷ luật nào. Đây cũng là sự thực khi đụng đến chuyện hỗ trợ điều lành. Tín hữu đôi khi trượt mất điều tốt nhất vì không lên kế hoạch và không tổ chức những việc lành của mình.

III. ĐẲNG CẤP CỦA CÁC THIÊN SỨ

A. Thiên Sứ Trưởng

Chỉ có Michen (hay Micaên) được chỉ định làm thiên sứ trưởng hoặc thiên sứ lớn (Giuđe 9; ITêsalônica 4:16). Dầu trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói đến các thiên sứ trưởng khác nữa, nhưng hiển nhiên có các thiên sứ cao cấp khác nữa (Da 10:13), tuy vậy chỉ có một thiên sứ trưởng mà thôi. Khi Phaolô cho biết sẽ nghe tiếng của thiên sứ lớn lúc Hội Thánh được cất lên, ông dường như không cảm thấy cần phải gọi tên của thiên sứ trưởng đó,điều này hậu thuẫn cho kết luận chỉ có một thiên sứ trưởng mà thôi.

Trong thời Cựu Ước, Michen hiện ra với vai trò thiên sứ bảo vệ Ysơraên (Da 10:21; 12:1) là đấng sẽ đặc biệt giúp đỡ Ysơraên trong thời kỳ hoạn nạn lớn sẽ xảy đến. Đấng ấy hướng dẫn đội quân thiên sứ của thiên đàng chống lại với Satan và đạo quân ác quỉ của hắn (Kh 12:7). Câu Kinh Thánh Giuđe 9 về cuộc tranh chấp của Michen để giành xác Môise cho thấy Michen có liên hệ với việc chôn xác Môise, Michen không có quyền để công bố sự phán xét trên Satan, và như thế, dù là một tạo vật quyền oai, Micaên phải tùy thuộc vào quyền năng lớn hơn của Đức Chúa Trời.

B. Các Quan Trưởng

Cụm từ này (Da 10:13), nói đến một nhóm thiên sứ cấp cao, nhấn mạnh sự kiện có cấp bậc giữa các thiên sứ. Trong nhóm các quan trưởng này, dường như Micaên nổi bật nhất vì là thiên sứ trưởng. Sách ngoại kinh Enoch gọi Micaên, Gápriên, Raphaên, Uriên là bốn thiên sứ chính yếu có đặc quyền được đứng xung quanh ngai của Đức Chúa Trời (9:1; 40:9). Sách này cũng kể bảy thiên sứ là các thiên sứ trưởng (20:1-7, xem thêm Tôbia 12:15).

C. Các Bậc Cầm Quyền Chấp Chánh

1. Các kẻ cai trị hoặc cầm quyền:

Những từ này được Phaolô dùng bảy lần, nêu lên một phẩm trật của thiên sứ cả thiện lẫn ác đã dự phần cai trị toàn cõi vũ trụ (Ro 8:38; Eph 1:21; 3:10; 6:12; Co 1:16;2:10,15).

2. Các quyền, các phép, các vương hầu hoặc các quyền thế:

Điều này có vẻ nhấn mạnh thẩm quyền cao hơn con người của các thiên sứ và quỉ sứ đã thực thi trên những công việc của thế gian này (Eph 1:21;2:2; 3:10; 6:12; Co 1:16; 2:10,15; IPhi 3:22).

3. Thế lực:

Từ này nhấn mạnh đến sự kiện các thiên sứ và quỉ sứ có uy quyền lớn hơn con người (IIPhi 2:11. Xem Eph 1:21 và IPhi 3:22).

4. Nơi cai trị:

Các quỉ sứ được gọi là vua chúa của thế gian mờ tối này (Eph 6:12).

5. Ngôi vua hoặc quyền thống trị:

Tên gọi này nhấn mạnh đến phẩm cách và quyền bính của những bậc thiên sứ cầm quyền trong việc Đức Chúa Trời dùng họ trong sự quản trị của Ngài (Eph 1:21; Co 1:16;IIPhi 2:10; Giuđe 8).

D. Chêrubin

Chêrubin hợp nên một phẩm trật khác nữa của các thiên sứ, hiển nhiên thuộc cấp cao vì Satan đã là một chêrubin (Exe 28:14,16).Dường như họ hành động như những vị canh gác sự thánh khiết của Đức Chúa Trời,đã canh giữ con đường đi đến cây sự sống trong vườn Êđen (Sa 3:24). Việc dùng chêrubin để trang trí lều tạm và đền thờ có lẽ cũng nói lên chức năng canh giữ của họ (Xu 26:1 trở đi; 36:8 trở đi; IVua 6:23-29). Họ cũng mang bánh xe mà Êxêchiên đã thấy (Exe 1:4,5; 10:15-20). Có người xác định bốn sinh vật sống trong Kh 4:6 là chêrubin, dù vậy có người nghĩ những sinh vật sống này đại diện những thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Các hình chạm chêrubin cũng là một phần của đền thờ Thiên Hy Niên (Exe 41:18-20).

E. Sêraphin

Mọi điều chúng ta biết về cấp bậc thiên sứ này được tìm thấy trong Es 6:2,6. Dường như Sêraphin là một phẩm trật giống như chêrubin. Họ hành động như những người phục vụ ở ngai của Đức Chúa Trời và những tác nhân để tẩy uế. Nhiệm vụ của họ cũng là ca ngợi Đức Chúa Trời. Phần mô tả họ nói lên một tạo vật giống như con người có sáu cánh. Từ ngữ này có lẽ phát sinh từ một gốc có nghĩa là “để đốt cháy” hoặc cũng có thể đến từ một gốc mang nghĩa “được tôn quí.”

IV. CÁC THIÊN SỨ ĐẶC BIỆT

A. Gápriên

Micaên đã được đề cập đến bởi vì phẩm trật cao cả. Gápriên cũng được kể vào hàng thiên sứ cao cấp mặc dù không được xem là thiên sứ trưởng như Micaên. Tên của Gápriên có nghĩa là “anh hùng của Đức Chúa Trời” và chức năng của thiên sứ này là đem những sứ điệp quan trọng từ Đức Chúa Trời tới một số cá nhân (như cho Đaniên: Da 8:16; 9:21; cho Xachari: Lu 1:19;cho Mari: Lu 1:26). Theo sách Targum tiếng Aram, đây là vị thiên sứ được xem như đã tìm thấy các anh em của Giôsép, chôn cất Môise và tàn sát các đạo binh của Sanchêríp.

B. Các Thiên Sứ Có Những Trách Nhiệm Đặc Biệt

Một số thiên sứ được gọi tên theo chức năng đặc biệt mà họ thực hiện (Kh 14:18, một vị thiên sứ có quyền ở trên lửa; 16:5,vị thiên sứ của nước; 9:11, sứ giả của vực sâu; 20:1-2, thiên sứ bắt và xiềng Satan).

C. Các Thiên Sứ Có Liên Hệ Đến Những Sự Đoán Phạt Tương Lai

Hai trong số ba loạt đoán phạt trong Khải Huyền được công bố bởi các thiên sứ. Khi các thiên sứ thổi kèn, những sự đoán phạt trong Khải Huyền 8-9 bắt đầu, và bảy tai nạn sau cùng đã được các thiên sứ đổ xuống đất (đoạn 16).

D. Các Thiên Sứ Của Bảy Hội Thánh Trong Khải Huyền 2-3

Mỗi lá thư được gởi cho “thiên sứ” của hội thánh ấy, và các thiên sứ này đã được thấy bên tay hữu của Đấng Christ phục sinh trong khải tượng ở đoạn 1:16,20. Không rõ đây là các thiên sứ hay là những người lãnh đạo của các Hội Thánh đó.

Mặc dầu từ ngữ “thiên sứ” rõ ràng có nghĩa “sứ giả,” chữ này cũng có thể nói đến một hữu thể siêu phàm, tức là nói đến vị thiên sứ canh giữ mỗi Hội Thánh. Hoặc chữ này có thể nói đến một sứ giả là con người, tức là nói đến con người lãnh đạo (mục sư) của mỗi Hội Thánh (xem Mac 1:2; Lu 9:52; và Gia 2:25 về cách dùng từ “thiên sứ” như cách gọi dành cho những con người).

E. Thiên Sứ Của Đức Giêhôva

Như được luận đến trong chương 40, thiên sứ của Đức Giêhôva là một “sự hiển hiện của Đấng Christ” (Christophany), một sự hiện ra trước khi trở thành nhục thể của Đấng Christ. Vị thiên sứ này đã phán như Đức Chúa Trời, đồng nhất chính mình với Đức Chúa Trời và thực thi những đặc quyền của Đức Chúa Trời (Sa 16:7-12; 21:17-18; 22:11-18; Xu 3:2; Cac 2:1-4; 5:23; 6:11-24;13:3-22; IISa 24:16; Xa 1:12; 3:1; 12:8). Những lần hiện ra của Vị Thiên Sứ này chấm dứt sau khi Đấng Christ nhập thể, điều này hậu thuẫn những kết luận cho rằng Vị này đã là Đấng Christ trước khi thành nhục thể.