Đề tài về kinh điển liên quan đến câu hỏi có bao nhiêu sách thuộc về Kinh Thánh. Như thế kinh điển nói đến danh sách có thẩm quyền của các sách trong Kinh Thánh. Dĩ nhiên, các sách riêng rẽ đã được nhiều tác giả khác nhau viết trải qua một thời gian dài. Như vậy chúng được sưu tập thế nào, và ai đã quyết định những sách nào được đứng vào bộ kinh điển Thánh Kinh?

I. VÀI NHẬN ĐỊNH CƠ BẢN

A. Ý Nghĩa Của Từ Ngữ Kinh Điển

1. Nguồn gốc từ:

Từ này bắt nguồn từ chữ kanon trong tiếng Hy Lạp có liên hệ đến một dụng cụ đo lường. Vì thế cho nên dần hồi từ nầy mang ý nghĩa là một quy tắc hành động (Ga 6:16; Phi 3:16).

2. Lịch sử dùng từ:

Trong hội thánh đầu tiên, từ ngữ “kinh điển” được dùng để nói đến các tín điều. Giữa thế kỷ thứ tư,chữ này được dùng cho Kinh Thánh, tức dùng nói đến danh sách các sách đã được chấp nhận, là các sách được công nhận hợp thành Thánh Kinh.

3. Ý nghĩa:

Thật ra từ “kinh điển” có ý nghĩa kép. Nó vừa nói đến bảng liệt kê những sách đáp ứng được các phương pháp kiểm nghiệm hay những quy tắc nhất định và bởi đó được nhìn nhận là có thẩm quyền và thuộc bộ kinh điển. Đồng thời chữ này cũng nói đến tuyển tập các sách kinh điển trở thành nguyên tắc cho đời sống chúng ta.

B. Một Số Nhận Định Cơ Bản Khi Tìm Hiểu Tính Kinh Điển

1. Sự tự xác chứng:

Điều quan trọng là phải nhớ Kinh Thánh có thể tự xác chứng vì các sách trong Kinh Thánh đã được Đức Chúa Trời hà hơi vào (IITi 3:16). Nói cách khác, các sách nầy đã là kinh điển ngay từ giây phút được viết ra. Không cần chờ đến nhiều hội nghị khác nhau xem xét thì mới quyết định được chúng có được thừa nhận hay không. Tính kinh điển của chúng có sẵn trong chúng rồi, vì chúng đến từ Đức Chúa Trời. Con người và các Giáo Hội Nghị chỉ nhìn biết và công nhận điều đã đúng bởi sự soi dẫn nội tại của các sách này ngay từ khi được viết ra. Không có sách nào trong Kinh Thánh trở thành kinh điển nhờ hành động của các Giáo Hội Nghị.

2. Những quyết định của con người:

Tuy vậy,con người và các Giáo Hội Nghị đã thực sự phải cân nhắc xem nên công nhận sách nào là thuộc về kinh điển, bởi vì một vài cuốn trong số các sách dự tuyển không được thần cảm. Phải có một số quyết định và chọn lựa, và Đức Chúa Trời đã hướng dẫn nhiều nhóm người thực hiện những chọn lựa chính xác (không phải là không có những tiêu chuẩn hướng dẫn) để thu thập nhiều tác phẩm khác nhau vào kinh điển Cựu và Tân Ước.

3. Những cuộc tranh luận về tính kinh điển:

Trong tiến trình quyết định và sưu tập, không phải là bất ngờ khi có những tranh luận về một số sách. Và điều đó đã diễn ra. Tuy nhiên, những cuộc tranh biện này không hề làm suy yếu tính xác thực của các sách thật sự thuộc kinh điển,cũng không hề ban địa vị kinh điển cho các sách không được Đức Chúa Trời soi dẫn.

4. Sự hoàn tất bộ kinh điển:

Kể từ năm 397 S.C, hội thánh Cơ đốc xem bộ kinh điển Thánh Kinh đã hoàn tất đầy đủ; nếu bộ kinh điển đã hoàn tất thì phải kết thúc. Vì thế nên chúng ta không thể trông đợi thêm sách nào khác được khám phá hay được viết ra để mở kinh điển ra lần nữa và bổ sung thêm vào số 66 sách vốn có. Dầu có khám phá thêm được lá thư nào của Phaolô đi nữa thì nó cũng không thể thuộc kinh điển. Xét cho cùng, ngoài những lá thư hiện có trong Kinh Thánh Tân Ước, Phaolô chắc chắn còn viết nhiều lá thư trong đời ông; thế nhưng hội thánh đã không kể chúng thuộc về kinh điển. Không phải mọi tác phẩm do một sứ đồ viết đều được soi dẫn, vì không phải tác giả được soi dẫn bèn là những tác phẩm của ông, và không nhất thiết mọi tác phẩm đó đều được thần cảm.

Nhiều sách cận đại của các tà giáo được đặt bên cạnh Thánh Kinh chính là những sách không được linh cảm và không hề được quyền đòi thuộc kinh điển Thánh Kinh. Đương nhiên những điều gọi là lời nói tiên tri hay những khải tượng ngày nay mà có người tuyên bố là đến từ Đức Chúa Trời không thể được soi dẫn và không được kể như một phần mạc khải của Đức Chúa Trời, cũng không có thẩm quyền nào như thẩm quyền của các sách kinh điển.

II. KINH ĐIỂN THÁNH KINH CỰU ƯỚC

A. Chứng Cứ Từ Trong Chính Cựu Ước

1. Từ Sách Luật Pháp:

Có nhiều câu trong Thánh Kinh Cựu Ước nói Luật Pháp Môise có thẩm quyền. Sau đây là một số câu Kinh Thánh: Gios 1:7-8; 23:6; IVua 2:3; IIVua 14:6; 21:8; 23:25; Exo 6:18; Ne13:1;Da 9:11; Ma 4:4. Những phần Kinh Thánh như thế xác chứng bản chất được soi dẫn của các tác phẩm Môise trong năm sách đầu Cựu Ước, nơi Môise chép Luật Pháp.

2. Từ Các Tiên Tri:

Các tiên tri tuyên bố họ đang nói ra Lời Đức Chúa Trời, và những lời tiên tri của họ đã được công nhận là có thẩm quyền. Hãy để ý những câu Kinh Thánh sau: Gios 6:26 so với IVua 16:34; Gios 24:29-33 so với Cac 2:8-9; IISu 36:22-23 so với Exo 1:1-4; Da 9:2 so với Gie 25:11-12.

3. Từ Ma 4:5:

Trong Ma 4:5 có dấu hiệu chứng tỏ lời chứng tiên tri sẽ chấm dứt với Malachi và không bắt đầu trở lại cho đến khi có một tiên tri giống như Êli sẽ đến trong con người Giăng Báptít (Mat 17:11-12).

B. Chứng Cứ Của Các Cuộn Biển Chết

1. Tầm quan trọng:

Các Cuộn Biển Chết cho thấy các sách nào của Cựu Ước đã được công nhận là sách thánh giữa thời kỳ Cựu và Tân Ước.

2. Số lượng các Cuộn Biển Chết:

Trong khoảng 500 Cuộn Biển Chết có khoảng 175 cuộn thuộc về Kinh Thánh. Có rất nhiều các bản sao của nhiều sách trong Thánh Kinh Cựu Ước, và tất cả các sách Cựu Ước đều được nêu lên trong số các cuộn này ngoại trừ sách Êxơtê.

3. Lời chứng từ các Cuộn Biển Chết:

Sự hiện hữu của các sách Kinh Thánh trong số các cuộn giấy da nầy tự nó không xác chứng tính kinh điển của chúng vì một số sách không thuộc kinh điển cũng có mặt trong số đó. Tuy nhiên, phần lớn các Cuộn Biển Chết là phần giải nghĩa, và cho đến nay mọi phần giải thích nầy chỉ luận đến các sách thuộc kinh điển. Điều này dường như cho thấy có công nhận sự phân biệt giữa các sách thuộc kinh điển và không thuộc kinh điển. 20 trong số 39 sách của Cựu Ước cũng được trích dẫn hay được nói là Kinh Thánh. Tóm lại, các Cuộn Biển Chết cung cấp chứng cứ tích cực cho tính kinh điển của mọi sách ngoại trừ Sử Ký, Êxơtê, và Nhã Ca.

C. Các Chứng Cứ Khác

1. Phần mở đầu của sách Khôn Ngoan:

Sách không thuộc kinh điển này nói đến sự phân chia các sách làm ba phần (ấy là:sách Luật Pháp, các sách Tiên Tri, và những bài thánh ca cũng như những giáo huấn cho lối cư xử của con người), và cách chia này đã được biết đến từ đời ông của tác giả (có lẽ vào khoảng năm 200 T.C.).

2. Philo:

Philo (khoảng năm 40 S.C.) cũng đã nói đến cùng một cách chia làm ba phần như vậy.

3. Josephus:

Josephus (37-100 S.C.) nói người Do thái chỉ xem hai mươi hai sách là sách thánh mà thôi (gồm chính xác 39 sách Cựu Ước hiện nay của chúng ta). Josephus đưa vào năm sách cho Ngũ Kinh, mười ba sách cho Các Tiên Tri (Giôsuê, Các Quan Xét với Rutơ, Samuên, Các Vua, Sử Ký,Exơra-Nêhêmi, Êxơtê, Gióp, Êsai, Êxêchiên, Mười hai tiên tri nhỏ, Đaniên), và bốn sách cho “những bài thánh ca cho Đức Chúa Trời và những giáo huấn thực tiễn cho con người” (Thi Thiên, Nhã Ca, Châm Ngôn, Truyền Đạo).

4. Jamnia:

Jamnia (90 S.C.), là một trường dạy học của các rabi đã bàn thảo về tính kinh điển. Một số rabi thắc mắc không biết việc chấp nhận Êxơtê, Truyền Đạo và Nhã Ca (như cách đang được chấp nhận) như vậy có đúng không. Những cuộc bàn cãi nầy nói đến đến một bộ kinh điển hiện có lúc đó.

5. Các giáo phụ:

Các giáo phụ đã chấp nhận 39 sách Cựu Ước. Ngoại lệ duy nhất là Augustine (400 S.C.): ông đã đưa vào cả những sách Ngoại Kinh (Apocrypha - là một số sách “phụ thêm” mà một số bản Kinh Thánh đưa thêm vào giữa các sách Cựu và Tân Ước). Tuy nhiên, ông thực sự có công nhận chúng không có đầy đủ thẩm quyền. Các sách Ngoại Kinh nầy đã không được chính thức thừa nhận thuộc kinh điển mãi đến Giáo Hội Nghị Trent (1546 S.C.),và sau đó chỉ được công nhận bởi giáo hội Công giáo Lamã mà thôi.

D. Chứng Cứ Của Tân Ước

1. Các câu trưng dẫn Cựu Ước trong Tân Ước:

có khoảng 250 câu trích dẫn các sách Cựu Ước trong Tân Ước. Tân Ước không trích dẫn câu nào của Ngoại Kinh cả. (Giuđe (câu 14 trích từ sách Hênóc không thuộc bộ kinh điển, nhưng sách này được xếp vào Ngụy Kinh (Pseudepigrapha), chứ không thuộc Ngoại Kinh.) Toàn bộ các sách Cựu Ước đều được trích dẫn ngoại trừ Êxơtê,Truyền Đạo và Nhã Ca.

2. Mat 5:17 :

Ở đây Chúa phán rằng Luật Pháp và Các Lời Tiên Tri có thẩm quyền bởi vì chúng chắc chắn sẽ phải được làm trọn.Hai phần nầy gồm tóm toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước.

3. Lu 11:51 :

Ở đây Chúa phán rất rõ về phạm vi kinh điển Cựu Ước mà Ngài đã chấp nhận. Khi lên án những lãnh đạo của dân Do thái đã giết các sứ giả của Đức Chúa Trời xuyên suốt lịch sử của họ, Ngài lên án họ phạm tội làm đổ máu mọi người công chính từ Abên cho tới Xachari. Vụ giết Abên được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 4, và vụ giết Xachari ghi trong IISu 24 là sách cuối cùng theo thứ tự sắp xếp của kinh điển Do thái (giống như sách Malachi là sách cuối theo cách sắp xếp của chúng ta ngày nay). Như vậy, Chúa đang phán: “Từ vụ sát nhân đầu tiên đến vụ cuối cùng được ghi lại trong Cựu Ước.”Dĩ nhiên, có nhiều vụ giết chết sứ giả của Đức Chúa Trời khác nữa được ghi trong các sách Ngoại Kinh, nhưng Chúa không bao gồm chúng. Hiển nhiên Ngài không xem các sách Ngoại Kinh có thẩm quyền ngang hàng với các sách từ Sáng Thế Ký đến IISử Ký.

III. KINH ĐIỂN THÁNH KINH TÂN ƯỚC

A. Những Phương Thức Kiểm Tra Tính Kinh Điển

1. Phương Thức Kiểm Tra Thẩm Quyền:

Đối với các sách Cựu Ước, điều nầy có nghĩa là có thẩm quyền của một nhà lập pháp hoặc một đấng tiên tri hoặc một nhà lãnh đạo trong Ysơraên đứng đàng sau các sách đó. Đối với các sách Tân Ước, phương thức kiểm tra nói đến có thẩm quyền của một sứ đồ đằng sau các sách được chấp nhận vào hàng kinh điển. Có nghĩa là sách đó có thể được viết bởi một sứ đồ hoặc được ủng hộ bởi một sứ đồ để cho bởi cách nào cũng đã có thẩm quyền sứ đồ đàng sau sách đó. Ví dụ, Phierơ được xem là vị sứ đồ đứng đàng sau việc viết Phúc âm Mác, và Phaolô là sứ đồ đứng đàng sau việc viết Phúc Âm Luca.

2. Phương Thức Kiểm Tra Tính Độc Nhất:

Để được kể vào hàng kinh điển, một sách phải bày tỏ chứng cứ nội tại về tính độc nhất vô nhị của nó để làm một chứng cứ cho sự soi dẫn của nó.

3. Phương Thức Kiểm Tra Sự Chấp Thuận Bởi Các Hội Thánh:

Khi các sách được lưu truyền, chúng phải có được sự chấp thuận của các Hội Thánh. Thực ra không hề có sách nào bị phần lớn các Hội Thánh nghi ngại mà cuối cùng lại được chấp nhận vào bộ kinh điển.

B. Tiến Trình Công Nhận Kinh Điển Tân Ước

Hãy nhớ các sách này đã được soi dẫn khi được viết ra và vì vậy có tính kinh điển. Hội Thánh chỉ khẳng định điều vốn đã đúng rồi.

1. Bằng chứng của thời đại sứ đồ:

Các tác giả làm chứng rằng tác phẩm của họ là Lời Đức Chúa Trời (Co 4:16; ITe 4:15). Họ cũng công nhận các tác phẩm của các sách Tân Ước khác cũng là Kinh Thánh. “Kinh Thánh” bấy giờ là tên gọi trong Do thái giáo dành cho các sách thuộc kinh điển,nên khi được dùng trong thời Tân Ước để nói đến các tác phẩm Tân Ước khác, chữ này cũng định rõ các tác phẩm đó thuộc kinh điển. Và chữ này được dùng trong hai chỗ quan trọng.

Một là ITi 5:18, là nơi một câu trưng dẫn Phu 25:4 được nối với một phần khác từ Lu 10:7, và cả hai đều được gọi là Kinh Thánh. Đúng là ý của Lu 10:7 được thấy trong Cựu Ước, nhưng hình thức của câu trích dẫn chỉ được tìm thấy trong các sách Phúc Âm. Một chỗ khác là ở IIPhi 3:16,Phierơ nói các tác phẩm của Phaolô là Kinh Thánh. Đây là một sự khẳng định có ý nghĩa rất quan trọng bởi khoảng thời gian tương đối ngắn giữa lúc Phaolô viết một vài lá thư của ông cho đến lúc Phierơ công nhận chúng là Kinh Thánh.

2. Lời chứng của thời kỳ năm 70-170 S.C.:

Trong khoảng thời gian này, tất cả các sách Tân Ước đã được trích dẫn trong các tác phẩm khác của thời này, và các giáo phụ đã công nhận toàn bộ 27 sách là thuộc kinh điển. Tuy nhiên mỗi giáo phụ không đưa vào tất cả 27 sách. Ngoài ra,Marcion - là một người theo tà giáo (140) - chỉ đưa vào bộ kinh điển của ông Luca và 10 trong số các thư tín của Phaolô, và ít nhất điều này cũng cho thấy có bộ sưu tập các tác phẩm của Phaolô từ sớm đến như thế rồi.

3. Bằng chứng của thời kỳ năm 170-350:

Có ba chứng cứ quan trọng từ thời kỳ này. Trước hết là bộ kinh điển Muratorian (170)đã bỏ qua các thư Hêbơrơ, Giacơ, IPhierơ và 2Phierơ. Tuy nhiên có một khoảng gián đoạn trong thủ bản này nên chúng ta không thể đoan chắc các sách này không được đưa vào. Bộ kinh điển này cũng bác bỏ một vài sách khác như sách Người Chăn Chiên của Hermas, là sách đã không trở thành một phần của bộ kinh điển.

Thứ nhì, Cổ Bản Syriac (cuối thế kỷ thứ II)thiếu IIPhierơ, II và III Giăng, Giuđe và Khải Huyền. Nhưng không thêm sách phụ trợ nào khác để cho đưa tổng số lên đến 27 sách.

Thứ ba, Cổ Bản Latin (200) thiếu IIPhierơ,Giacơ và Hêbơrơ, nhưng không thêm các sách phụ nào. Như vậy các sách ứng viên không đủ tư cách để đưa vào kinh điển đã bị loại trừ trong thời đại này; hầu hết các sách Tân Ước đã được chấp nhận; chỉ một số ít bị tranh cãi.

4. Giáo Hội Nghị Carthage (397):

Hầu hết đều đồng ý rằng Giáo Hội Nghị này đã ấn định giới hạn của kinh điển Tân Ước bao gồm toàn bộ 27 sách mà chúng ta có ngày nay.

5. Ghi chú về ý kiến của Luther đối với sách Giacơ:

Đôi khi người ta tuyên bố Martin Luther không chấp nhận sách Giacơ thuộc bộ kinh điển. Không phải như vậy đâu. Ông viết như sau trong lời mở đầu của ông cho Tân Ước, trong đó ông qui cho các sách khác nhau của Tân Ước những mức độ giá trị khác nhau về mặt giáo lý. “Sách Phúc Âm của Thánh Giăng và thư thứ nhất của ông, các thư tín của Thánh Phaolô, đặc biệt là các thư gởi cho hội thánh Rôma, Galati, Êphêsô, và thư của Thánh Phierơ – đây là những sách bày tỏ Đấng Christ cho anh em, và dạy dỗ mọi sự anh em cần biết và thật phước hạnh khi được biết, cho dẫu anh em chưa từng thấy hoặc nghe bất cứ sách nào khác về giáo lý.Vì vậy, thư tín của Thánh Giacơ là một thư tín hoàn toàn bằng rơm so với chúng,vì trong thư tín đó không có gì là Phúc Âm.” Như vậy Luther đang so sánh (theo ý kiến của ông) giá trị giáo lý, chứ không so sánh giá trị hiệu lực của tính kinh điển.