I. MỘT SỐ NAN ĐỀ TRONG CỰU ƯỚC.

Không ai phủ nhận có những phân đoạn trong Cựu Ước chứa một loại nan đề nào đó. Thắc mắc về tính không sai lạc không liên quan đến những nan đề giải thích hoặc những tranh luận về thể loại bản văn tốt nhất.Nhưng những nan đề về những điều dường như thiếu thống nhất, những con số mâu thuẫn, những khác biệt trong các câu chuyện song song hay những câu tuyên bố bị xem là không đúng khoa học thì thực sự liên quan đến vấn đề tính không sai lạc.

Người tin Kinh Thánh có sai lạc và người tin Kinh Thánh không sai lạc thảy đều có cùng chung những sự kiện như nhau đối với mỗi nan đề đó. Cả hai đều sử dụng những tâm trí tài năng để tương tác với những sự kiện đó. Cả hai đều đọc những kết luận của nhau. Nhưng cả hai đều không tiếp cận những nan đề nầy từ cùng một quan điểm cơ bản. Quan điểm của người tin Kinh Thánh có lỗi sai không những bao gồm khả năng có thể có lỗi sai, mà còn bao gồm cả thực trạng những lỗi sai trong Kinh Thánh nữa. Do đó, khi nghiên cứu những nan đề nầy, một trong những kết quả khả dĩ của họ là: một trong số các nan đề đó thực sự là một lỗi sai.

Mặt khác, người tin Kinh Thánh không sai lạc kết luận rằng Kinh Thánh không chứa lỗi sai nào. Do đó họ không cần đến một phương án tùy chọn nào khác nữa để kết luận bất cứ nan đề nào trong số đó là ví dụ cho một lỗi sai đích thực trong Kinh Thánh. Nghiên cứu của họ có thể khiến họ kết luận một nan đề nào đó là vẫn chưa giải thích được. Dầu vậy, họ tin đó không phải là một lỗi sai, hoặc tin sự nghiên cứu thêm sẽ chứng minh được điều nầy,hoặc họ sẽ hiểu được câu giải đáp khi về thiên đàng.

Hãy xem minh họa sau: Nếu một người đàn ông có vợ và sống hạnh phúc một ngày kia về nhà bất ngờ, thấy vợ mình đang vẫy tay chào tạm biệt một người đàn ông đẹp trai sắp bước vào xe hơi, anh nầy sẽ nghĩ gì? Nếu lòng tin tưởng và tin cậy của anh nơi vợ mình là trọn vẹn và không lay chuyển nhờ nhiều năm từng trải rất thỏa lòng bên nhau, anh sẽ cho rằng vợ mình đã có lý do hợp lý để gặp người đàn ông kia. Dầu có thể hiếu kỳ, nhưng người chồng sẽ không nghi ngờ lòng chung thủy của vợ. Có lẽ không cần phải chờ đến mãi sau nầy thì mới biết người mình nhìn thấy kia là nhân viên đến giao món quà đặc biệt mà vợ đã đặt để tặng mình.

Nhưng nếu lòng tin tưởng vào mối quan hệ với vợ có chút dao động, thì những ý tưởng của anh sẽ lập tức đi vẩn vơ đủ mọi hướng,kể cả nghĩ đến lòng thiếu chung thủy của vợ. Vì anh không an tâm, nên vợ anh sẽ mãi mãi là kẻ ngoại tình trong mắt anh.

Sự so sánh đã quá rõ ràng phải không? Nếu tôi đến với Kinh Thánh bằng tấm lòng tin quyết những lời của Kinh Thánh đã được Đức Chúa Trời soi dẫn và bởi đó không có lỗi sai, và nếu lòng tin quyết đã được hỗ trợ bởi bao năm trường chứng minh Kinh Thánh là hoàn toàn đáng tin cậy, thì tôi sẽ không rúng động do một nan đề, và đương nhiên không kết luận nan đề đó là lỗi sai. Nếu tôi tin trong Kinh Thánh có lỗi sai, bất luận nhiều hay ít, thì có thể tôi sẽ kết luận một số những nan đề đó là những ví dụ cho các lỗi sai.Và dầu chỉ có một lỗi sai mà thôi, thì tôi vẫn có một quyển Kinh Thánh sai lạc.

Từ văn phẩm hiện hành trong cuộc tranh luận về tính không sai lạc, thật khó mà đưa ra một danh sách rõ ràng về các lỗi sai.Chắc không thể liệt kê các tiêu chuẩn để đánh giá các lỗi sai, mà chỉ có thể liệt kê những ví dụ thực tế về các lỗi sai. Dầu không có đến hai tác giả đồng ý với nhau về danh sách các lỗi sai, nhưng khi toàn bộ các ví dụ nầy được kết hợp lại với nhau, thì có khoảng chừng hai tá lỗi, hoặc khoảng cỡ đó.

Sự thiếu đồng nhất trong những danh sách trên đã phát sinh một thắc mắc nghiêm trọng: Ai và điều gì xác định ranh giới giữa lãnh thổ của tính sai lạc có thể chấp nhận được với lãnh thổ của tính không sai lạc tất nhiên? Lấy ví dụ như một số sai lạc nào đó có thể là điều hoàn toàn bình thường và có thể dung chịu được trong những vấn đề thuộc lịch sử,nhưng không thể chấp nhận trong những lãnh vực thuộc giáo lý, thế thì làm sao xtôi biết được đâu là những vấn đề thuộc lịch sử? Suy cho cùng, một số giáo lý quan trọng được xây dựng trên những vấn đề lịch sử. Thế thì tôi phải dừng lại tại chỗ nào?

Phải thừa nhận rằng có nhiều phân đoạn khó hiểu nhất định mà chúng ta cần phải khảo sát. Tuy nhiên, tôi cho rằng có thể tìm ra những gợi ý hợp lý để không cần phải kết luận chúng là những sai lầm.Trong phần thảo luận như thế nầy, tôi chỉ có thể gợi ý chứ không nói chi tiết được. Thông tin khác nữa vốn có sẵn trong nhiều tác phẩm và nhiều sách giải nghĩa khác. Nhưng ý chính ấy là: người ta đã nêu ra những gợi ý mà chúng thích ứng với giáo lý về tính không sai lạc.

A. “Hai Bản Ký Thuật” Về Công Cuộc Sáng Tạo.

Tuy luận điệu cho rằng có hai câu chuyện mâu thuẫn nhau về công cuộc sáng tạo có nhiều hệ quả trong một số lãnh vực giải kinh, nhưng thường trong sự thảo luận về tính không sai lạc, trọng điểm chính là điều dường như mâu thuẫn giữa Sa 1:11-12, là phần ghi lại cây cỏ xuất hiện vào ngày thứ ba, và 2:5, là phần dường như nói cây cỏ chưa hề có mãi đến sau khi Ađam được dựng nên.

Có hai điều sai trong một kết luận như thế.Thứ nhất, đoạn 2 thêm chi tiết cho câu chuyện Sự Sáng Tạo trong đoạn 1, không mâu thuẫn nhau nhưng bổ sung cho nhau. Ví dụ chúng ta biết Đức Chúa Trời đã dựng nên con người (một từ ngữ chung được dùng ở đây), là người nam và người nữ (câu 27), nhưng không có nghĩa sinh vật đầu tiên là một kết hợp của nam và nữ. Những chi tiết dựng nên người nam, là Ađam, và nữ, là Êva, được nêu trong đoạn 2:18-23. Tương tự, câu 5 bổ sung chi tiết cho sự dựng nên cây cỏ vào ngày thứ ba.

Thứ nhì, những từ ngữ được dùng trong câu 5 chỉ về một loại cây cối mà chúng đòi hỏi phải canh tác, chứ không chỉ về toàn bộ các loài cây xanh. Những cây đòi hỏi phải canh tác như thế thì hoặc chưa xuất hiện mãi đến khi Ađam được dựng nên, hoặc chúng đã xuất hiện nhưng không tăng trưởng mãi cho đến khi Ađam được dựng nên.

Leupold đã tóm tắt vấn đề nầy rất hay.

Câu 4b đưa chúng ta ngược dòng thời gian trở về công cuộc Sáng Tạo, cụ thể là đến thời điểm trước khi bắt đầu công tác của ngày thứ ba, và giúp chúng ta chú ý đến những chi tiết nhất định, mà vì là những chi tiết, nên khó lòng chèn chúng vào trong đoạn 1: Vấn đề đó là những hình thức nhất định của sự sống, tức là những thể loại đòi hỏi phải được con người quan tâm chú ý rất nhiều, đã chưa đâm chồi nảy lộc.... Khi cây cỏ xanh tươi bao phủ trên đất, sự đâm chồi của những loại cây cỏ nầy đã bị chậm lại, để chúng có thể xuất hiện sau khi con người đã thực sự sở hữu toàn bộ lãnh thổ của mình và đã sẵn sàng đem đến cho chúng sự chăm sóc cần thiết.... Ta nhìn thấy sự kiện không muốn nói đến toàn bộ cây cỏ qua cách dùng những từ ngữ khác biệt, mà không từ ngữ nào như thế xuất hiện trong câu chuyện nầy.... Từ toàn bộ điều nầy, dường như đủ để thấy thật phi lý biết bao khi tuyên bố trong câu chuyện nầy (câu 2:4 trở đi)con người được dựng nên trước hết rồi sau đó mới đến cây cỏ (H. C. Leupold,Exposition of Genesis [Columbus: Wartburg Press, 1942], trang 112-113).

Vì vậy, chỉ có thể giải thích điều này là mâu thuẫn - để bởi đó trở thành một lỗi sai - cho những người nào muốn nói như thế mà thôi. Phép giải kinh có cơ sở hợp lý không hề đòi hỏi phải có lỗi sai nào.

B. Vợ Của Cain.

Dầu thắc mắc Cain đã lấy vợ ở đâu không bị những người tin Kinh Thánh không sai lạc xem là một nan đề, nhưng thắc mắc nầy còn thường được nêu ra bởi những người cố chứng minh Kinh Thánh không đáng tin trong những điều mà Kinh Thánh tuyên bố. Làm sao Kinh Thánh có thể tuyên bố Ađam và Êva là những con người đầu tiên và họ đã có hai con trai, một người trong số đó đã giết chết người kia, song lại sinh ra một dân đông đúc được? Rõ ràng, Kinh Thánh có dạy Ađam và Êva là những con người đầu tiên được dựng nên.Chúa khẳng định điều nầy trong Mat 19:3-9. Gia phổ của Đấng Christ được truy ngược về đến Ađam (Lu 3:38). Giuđe 14 xác định Hênóc là đời thứ bảy tính từ Ađam. Câu nầy hầu như không thể có nghĩa đời thứ bảy tính từ “nhân loại,” một lối giải thích buộc phải có nếu Ađam không phải là một cá thể - như có người tuyên bố. Rõ ràng, Cain đã giết Abên song lại có rất nhiều người đã được sanh ra.Cain đã lấy vợ ở đâu?

Chúng ta biết Ađam và Êva có nhiều con trai và con gái khác ngoài Abên, Cain và Sết (Sa 5:4), và nếu chỉ có một gia đình nguyên thủy mà thôi, thì những cuộc hôn nhân đầu tiên phải là hôn nhân giữa các anh em trai và chị em gái. Những cuộc hôn nhân như thế trong thuở ban đầu là không có hại. Loạn luân là điều nguy hiểm vì những gien đột biến thừa hưởng được rất có thể sẽ tạo nên những đứa con bị biến dạng, bệnh tật hay đần độn nơi những đứa con nếu những gien nầy có trong cả cha lẫn mẹ. Đương nhiên, Ađam và Êva do ra từ bàn tay tạo dựng của Đức Chúa Trời, nên đã không mang những gien đột biến như thế, do đó hôn nhân giữa anh chị em ruột, hoặc giữa cháu trai và cháu gái ở đời thứ nhất và đời thứ nhì tiếp sau Ađam và Êva hẳn sẽ không nguy hiểm.

C. Dan 25:9

Sau khi Ysơraên thờ lạy Baanh và Phêô, dịch lệ xảy ra giết chết 24.000 người, theo lời Môise. Tuy nhiên, Phaolô ghi lại chỉ có 23.000 người chết trong ICo 10:8. Một lỗi sai hiển nhiên chăng? Không nhất thiết như vậy, vì Phaolô giới hạn con số 23.000 cho số người bị giết trong một ngày. Câu chuyện trong Dan 25 ghi lại rằng các quan trưởng đã tham dự vào việc thi hành sự đoán xét, và có thể bao gồm thêm những con số tử vong khác nữa trong những ngày tiếp theo đó. Nói cách khác, có thể họ chưa hoàn tất công tác khủng khiếp của mình trong một ngày. Hai câu chuyện nầy không mâu thuẫn nhờ có cụm từ bổ sung của Phaolô “trong một ngày.”

Nhưng sẽ không thiệt hại gì cho tính không sai lạc nếu chúng ta xem cả hai con số nầy là những con số được làm tròn. Nếu vậy,con số người bị giết nằm giữa 23.000 và 24.000. Nếu một trong hai phân đoạn có nói “chính xác là” hoặc “chỉ là” một số người nhất định đã chết, và nếu chúng không thống nhất với nhau thì mới gây ra một lỗi sai rõ ràng. Nhưng ở đây không có một trường hợp nào như thế.

D. Ai Khiến Đavít Kiểm Tra Dân Số Ysơraên? (IISa 24:1; ISu 21:1).

Một bản ký thuật nói Đức Giêhôva đã xui khiến,trong khi bản khác nói Satan xui khiến. Nhưng vì sao đây phải là mâu thuẫn chứ?Liệu không thể cả Đức Giêhôva lẫn Satan đều dự phần vào sao? Cả hai đều đã dự phần vào nhiều vấn đề khác. Phaolô nói Chúa đã sai một sứ giả đến từ Satan để giữ cho Phaolô khỏi tự tôn mình lên (IICo 12:7). Chắc chắn Chúa và Satan dự phần vào nhiều hoạt động để dẫn đến trận chiến Hamaghêđôn. Vậy tại sao ở đây lại không thể như thế? Một giải pháp như thế khiến cho ngay cả gợi ý về mâu thuẫn cũng dường như trở nên không thể tin nổi! Thêm nữa đây không phải là một con bù nhìn rơm. Một người chủ trương Kinh Thánh có sai lạc nhấn mạnh rằng: “Hai câu chuyện nầy không thể đều cùng chính xác được. Nhưng từ lập trường về tính nguyên vẹn của giáo lý, cả hai đều trình bày chính xác cùng một lẽ thật: Việc Đavít làm đã là một sai quấy...” (Ray Summers, The Baptist Standard, ngày 4 tháng 2 năm 1970, trang 12).

E. Ai Đã Giết Gôliát? (IISa 21:19; ISa 17:50)

Đavít đã giết Gôliát hay một người khác tên là Ênchanan? Trước khi cho rằng những bản ký thuật nầy là mâu thuẫn để bởi đó một trong hai là sai, chúng ta hãy nêu một số câu hỏi khác như sau: (1) Liệu có thể Đavít đã có hai tên gọi, tên kia là Ênchanan không? Salômôn đã có hai tên gọi (IISa 12:24-25). (2) Liệu có thể đã có hai Gôliát không? Trong văn mạch ngay tiếp theo (21:20), một người khổng lồ nữa được nhắc đến ở Gát. (3) Liệu có bỏ sót một số từ ngữ giống như “em trai của” trong câu 19? Bất cứ giải pháp nào trên đây cũng đều hợp lý như nhau thay vì phải kết luận đã có một lỗi sai. Và toàn bộ chúng lại càng khả dĩ hơn nữa dựa vào tính chính xác đã được chứng thực của Kinh Thánh tại nơi khác.

F. Những Con Số Nhất Định Trong IISa 24 và ISu 21.

Những con số khác trong câu chuyện song song nầy dường như không khớp với nhau, và những người tin Kinh Thánh có lỗi sai đã kết luận có điều gì đó đã sai ở đây. IISa 24:9 ghi 800.000 người được tu bộ trong dân Ysơraên và 500.000 người trong dân Giuđa, trong khi ISu 21:5 nêu tổng số là 1,1 triệu cho Ysơraên và 470.000 người cho Giuđa. Có thể giải thích sự khác biệt trong tổng số cho dân Ysơraên bằng cách cho rằng con số 800.000 không bao gồm 300.000 người được liệt kê trong ISu 27, mà nếu cộng thêm vào thì sẽ khớp với tổng số 1,1 triệu trong ISu 21:5. Có lẽ con số sai biệt 30.000 trong những con số kia bao gồm 30.000 người được đề cập đặc biệt trong IISa 6:1. Khi Chúa cho Đavít chọn lựa hình phạt, Ngài đã đưa ra phương án là bảy năm đói kém theo 24:13 và ba năm đói kém theo ISu 21:12. Bản Bảy Mươi nói là ba năm ở cả hai chỗ,nên có thể con số trong IISamuên là lỗi sai của viên ký lục. Dầu các bản sao đã được thực hiện rất cẩn thận, nhưng dứt khoát không thể tránh lỗi sai. Đây dường như là một trường hợp như thế, nhưng không phải là một lỗi sai trong nguyên bản - tức nguyên bản không sai lạc khi được viết ra, nhưng không thể mở rộng tính không sai lạc cho các bản sao.

Cuối cùng, trong những đoạn nầy, thắc mắc Đavít đã mua sản nghiệp nầy từ Arauna với giá bao nhiêu dường như mâu thuẫn trong hai câu chuyện nầy. IISa 24:24 nói năm mươi siếc lơ bạc, trong khi ISử Ký ghi lại giá sáu trăm siếc lơ. Số sai biệt quá lớn thậm chí chấp nhận tình trạng lạm phát! Nhưng liệu số sai biệt có quá lớn nếu năm mươi siếc lơ được trả để mua chỉ một mình sân đạp lúa mà thôi (IISa 24:24) trong khi số tiền lớn hơn kia bao gồm cả những tài sản khác chung quanh sân đạp lúa?

G. Biển Đúc Trong IISu 4:2.

Khi mô tả kích thước biển đồng nầy, chu vi được nêu ra là 30 thước (hoặc 540 inches nếu một thước (cubit) dài 18 inches)trong khi đường kính là 10 thước. Tuy nhiên, chu vi được tính bằng cách lấy đường kính nhân với pi (3,14159), thì số thành là hơn 565 inches, một điều có vẻ mâu thuẫn. Một tác giả giải quyết điều nầy bằng cách nói rằng: “Trong nền văn hóa thời nay, số đo không những là chính xác mà còn 'không sai lạc' nữa.” (Robert Mounce, “Clues to Understanding Biblical Accuracy,” Eternity, tháng Sáu 1966,trang 18). Tuy nhiên có một giải pháp tốt hơn mà không cần dùng đến tài khéo. Số đo 10 thước nầy là tính từ mép nầy đến mép kia, tức từ mép ngoài nầy đến mép ngoài kia. Nhưng câu 5 nói rằng bề dày của mép là một gang hay tức là khoảng 4 inches. Như vậy, đường kính bên trong là 10 thước (180 inches) trừ đi hai gang (8 inches). Nhân 172 inches với pi tổng số là 540 inches, chính là chu vi được nêu ra trong câu 2.

Những phân đoạn nầy đại diện cho các phân đoạn hiện đang được dùng làm những minh họa có những lỗi sai trong Cựu Ước. Tôi không đi sâu vào chi tiết, nhưng chỉ muốn bày tỏ những giải thích hợp lý có sẵn trong tầm tay. Chúng ta không cần phải kết luận có nhiều lỗi sai trong bản văn Kinh Thánh (ngoại trừ những lỗi sai thỉnh thoảng của người sao chép). Cách xem xét những gợi ý nầy sẽ phản ảnh lên lòng tin quyết cơ bản - hoặc thiếu tin quyết cơ bản - của người ấy nơi chính Kinh Thánh.

II. MỘT SỐ NAN ĐỀ TRONG TÂN ƯỚC.

Những người chủ trương Kinh Thánh có lỗi sai cũng trích dẫn rất nhiều phân đoạn Tân Ước mà dường như chúng phủ nhận tính không sai lạc, hoặc ít nhất cũng đòi hỏi phải có một định nghĩa về tính không sai lạc chứa rất nhiều quyền tự do chọn lựa đến nỗi trở thành tính có sai lạc.Một tác giả trích dẫn IISu 4:2; Dan 25:9; Mac 2:26; Mat 22:42 để làm ví dụ về “một thể loại của tính không sai lạc mà nó thiếu sự tuân thủ hoàn hảo với những điều đã thực sự được nói ra” và về những nan đề mà chỉ có thể dành cho chúng những giải thích “siêu tưởng” mà thôi (Robert Mounce, “Clues to Understanding Biblical Accuracy,” Eternity, tháng Sáu 1966, trang 18).

Một người khác nữa gặp rắc rối với Mat 13:31-32 và những nan đề trong Công Vụ 7, mà ông nói là không thể giải quyết phù hợp với tính không sai lạc (Daniel P. Fuller, “Evangelicalism And Biblical Inerrancy” (Tài liệu không xuất bản, 1966, trang 18-19). Còn một người khác nữa trích dẫn Mat 27:9 như là một lỗi sai, và nói rằng: “Có hàng trăm ví dụ như thế nầy” (Berkeley Mickelsen, “The Bible's Own Approach to Authority,” trong tác phẩm của soạn giả: Jack B. Rogers, Biblical Authority (Waco, TX: Word, 1977). Hiển nhiên, chúng ta không thể thảo luận “hàng trăm” những ví dụ vô danh, nhưng sẽ xem xét những ví dụ được nêu ra trong những tác phẩm của những người tin vào một điều thấp kém hơn tính hoàn toàn không sai lạc.

A. Việc Đem Gậy (Mat 10:9-10; Mac 6:8; Lu 9:3).

Mác ghi lại Chúa cho phép môn đồ đem theo gậy trong khi Mathiơ và Luca nói Ngài cấm. Việc nầy khiến một người chủ trương Kinh Thánh có lỗi sai đã nói: “Tôi không còn biết cách nào dung hòa sự không nhất quán nầy. Tôi nghĩ kết luận thỏa đáng nhất ấy là các câu chuyện nầy không nhất quán, và ít nhất một trong các sách Tin Lành đã có lỗi sai” (Stephen T. Davis,The Debate About The Bible (Philadelphia: Westminster, 1977, trang 106).

Kết hợp các câu chuyện nầy lại với nhau, ta thấy Chúa đã cho phép các môn đồ cầm theo bất cứ cây gậy nào họ đã có sẵn rồi (Mác). Tuy nhiên, họ không được phép lấy gậy nếu chưa có gậy hoặc nếu không cần gậy mà vẫn ra đi được (Luca). Họ tuyệt đối không được phép kiếm hoặc mua một cây gậy mới (Mathiơ, người dùng một động từ khác với Mác và Luca, tức một động từ nói lên việc “kiếm cho có được” hoặc “lấy"). Ý chính yếu trong lời chỉ dạy của Chúa là rất rõ ràng: Không được chuẩn bị bất cứ điều gì đặc biệt cho sứ mệnh nầy.

B. Hạt Cải (Mat 13:32).

Trong ẩn dụ về hạt cải, Chúa phán hạt cải là hạt nhỏ nhất trong mọi loại hạt. Có phải rõ ràng đây là một tuyên bố sai lầm chăng, vì cớ xét về thực vật học, hạt cải không phải hạt nhỏ nhất? Trước khi vội kết luận, hãy nhớ rằng điều nầy đã được chính Đức Chúa Jesus Christ tuyên phán,và nếu Ngài đã nói ra lời nói dối, thì làm sao Ngài là Đấng vô tội được? Điều nầy không đơn giản là một sự thiếu thống nhất về sự kiện; nếu câu tuyên bố nầy đúng, thì nó chứng minh một điều gì đó về Đấng đã tuyên bố, và điều đó trở thành một vấn đề giáo lý nghiêm túc. Bạn không thể tách rời câu chuyện lịch sử nầy ra khỏi hệ quả giáo lý của nó.

Nhưng bạn phải hiểu thế nào về những lời của Chúa đây? Trench đã gợi ý thế nầy trước đây nhiều năm lắm rồi: “Hạt cải nầy,khi đã gieo xuống đất, thì 'thật nhỏ hơn cả các giống khác’ - những chữ thường gây lúng túng cho những nhà giải kinh, vì rất nhiều hạt giống như hạt thuốc phiện hoặc cửu lý hương còn nhỏ hơn nữa. Tuy nhiên những khó khăn kiểu nầy thì không đáng nói; chỉ cần biết rằng 'nhỏ như hạt cải’ là một thành ngữ thuộc dạng Châm Ngôn ở giữa vòng người Dothái để chỉ về một điều gì đó cực kỳ nhỏ nhặt (xem Lu 17:6) là đủ rồi. Chúa chúng ta, trong sự dạy dỗ phổ thông của Ngài, đã gắn bó với ngôn ngữ quần chúng.” (R.C. Trench, Notes on the Parables of our Lord (New York: Revell, không rõ năm xuất bản, trang 91).

Một điều đáng lưu ý khác nữa đó là chữ: “nhỏ nhất” thực sự là chữ so sánh, không phải chữ so sánh bậc nhất, và nên dịch là “nhỏ hơn” mọi loại hạt (như dịch trong bản NASB và bản NEB). Nói cách khác,Chúa không nói một điều tuyệt đối (hạt cải tuyệt đối là hạt nhỏ nhất) nhưng đặt hạt cải trong loại các hạt nhỏ nhất.

Có lẽ nên kết hợp cả hai gợi ý trên đây. Về mặt thuật từ chuyên môn, Ngài đã đặt hạt cải vào hàng những hạt nhỏ hơn và đã tận dụng vốn hiểu biết Châm Ngôn của quần chúng ấy là hạt cải đại diện cho một điều hết sức nhỏ nhặt. Nhưng Ngài đã không mắc phải một lỗi sai kỹ thuật hay lỗi sai khoa học.

C. Những Người Mù Ở Giêricô (Mat 20:29-34; Mac 10:46-52; Lu 18:35-43).

Các câu chuyện về sự chữa lành những người mù tại Giêricô (một trong số họ là Batimê) chứa nhiều chi tiết khác nhau mà có người giải nghĩa như là không thể giải quyết được, để rồi kết luận một trong các câu chuyện nầy phải có lỗi sai. Mathiơ viết Chúa chữa lành hai người mù khi Ngài lìa Giêricô. Các câu chuyện khác chỉ nhắc đến một người mù, và ghi rằng phép lạ được thi hành khi đoàn người vào Giêricô, còn về số lượng người mù, nếu Mác hoặc Luca nói chỉ một người mù, thì sẽ có một lỗi sai. Nhưng nếu Batimê là người đi trước trong hai người, thì lẽ tự nhiên là một tác giả sẽ tập trung vào ông trong khi người khác có thể sẽ nhắc đến cả hai người mù. Lời tuyên bố có hai người mù bao gồm cả sự tập trung chú ý vào một người. Lời tuyên bố có hai người sẽ mâu thuẫn nếu có thêm một lời tuyên bố chỉ có một người duy nhất.Nhưng điều đó không xảy ra trong trường hợp nầy.

Còn về thời điểm phép lạ xảy ra, có hai gợi ý hợp lý. Gợi ý thứ nhất là người mù nầy đã nài nỉ Chúa khi Ngài vào Giêricô nhưng chưa được chữa lành cho đến khi Ngài lìa Giêricô. Gợi ý thứ hai là vì có hai Giêricô (thành Giêricô cũ và Giêricô mới), nên sự chữa lành hẳn đã có thể xảy ra sau khi nhóm người nầy rời Giêricô cũ và lúc đang tiến đến gần Giêricô mới.Như vậy, câu “đương khi Đức Chúa Jesus và môn đồ ra khỏi thành Giêricô” của Mathiơ nói đến Giêricô cũ, còn câu Mác và Luca nói tiến đến Giêricô là Giêricô mới.

Dầu chấp nhận gợi ý nào đi nữa, thì rõ ràng là không cần phải xem những câu chuyện nầy có mâu thuẫn không thể giải quyết được.

D. Cha Của Xachari (Mat 23:35).

Trong câu nầy, Xachari (không phải là vị tiên tri cùng tên nầy, nhưng là một thầy tế lễ) được nói là con của Barachi,trong khi IISu 24:20 nói ông là con của thầy tế lễ Giêhôgiađa. “Con trai của”không nhất thiết có nghĩa là thế hệ trực tiếp sau người đó (như trong Sa 31:28,là chỗ Laban nói cháu mình là con trai và con gái, hoặc như trong trường hợp của Đấng Christ là Con Trai của Đavít và của Ápraham, Mat 1:1). Rất có thể,Giêhôgiađa là ông nội của Xachari, và được nêu tên trong sách IISử Ký vì cớ danh tiếng của ông.

E. Xachari so với Giêrêmi (Mat 27:9-10).

Phần chính trong câu trích nầy ra từ Xa 11:12-13, trong khi đó, Mathiơ dường như qui câu nầy cho Giêrêmi. Đây không phải là một lỗi sai rõ ràng sao?

Trước khi kết luận như thế, hãy tính đến vấn đề Giêrêmi đã được đặt ở đầu các tác phẩm tiên tri Cựu Ước trong bộ Kinh Babylonian Talmud. Như vậy, có thể Mathiơ chỉ đang sử dụng tên của Giêrêmi để nói đến phần có chứa lời trích từ Xachari. Điều đó rất giống cách nói thế nầy:“Trong tác phẩm của Smith, Jones có nói....” Jones đã viết một chương trong tác phẩm do Smith biên soạn. (Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa gợi ý Giêrêmi đã biên soạn lời tiên tri của Xachari.) Hãy để ý chính sự nổi bật như thế nầy được dành cho Giêrêmi trong Mat 16:14, trong đó, ông là tiên tri duy nhất được nêu đích danh trong khi có rất nhiều tiên tri khác được nhắc đến trong câu nầy.

Dầu đây có vẻ là lời giải thích hợp lý nhất,nhưng có người tìm thấy lời giải đáp trong ý tưởng cho rằng Mathiơ đã suy nghĩ chủ yếu đến những sự kiện được đề cập về nhà của người thợ gốm trong Giêrêmi 18 và 19.

F. Êsai so với Malachi (Mac 1:2-3).

Những câu nầy đã đưa ra nan đề, vì ngay sau những chữ “như đã chép trong sách tiên tri Êsai,” thì tiếp đó là lời trích từ Malachi rồi mới đến lời trích từ Êsai. Nhiều người xem đây là một lỗi sai hiển nhiên, dầu là một lỗi sai vô hại. Tuy nhiên, cấu trúc đoạn nầy giới thiệu “Đầu Tin Lành” bằng cách tập trung vào chức vụ của Giăng Báptít trong đồng vắng. Vì thế, trong tâm trí của Mác, lời trích dẫn từ Êsai là phần chính yếu, vì nó dự ngôn một nhân vật trong đồng vắng. Sự chú ý của Mác nhắm vào lời tiên tri của Êsai sẽ giải thích lý do vì sao Mác chỉ đề cập Êsai trong câu 2.

G. Abiatha so với Ahimêléc (Mac 2:26)

Khi nói Đavít ăn bánh trong đền tạm, Mác nói Abiatha là thầy tế lễ thượng phẩm, trong khi câu chuyện Cựu Ước về sự kiện nầy nói Ahimêléc là thầy tế lễ thượng phẩm (ISa 21:1-6). Có giải pháp công nhận tuy sự kiện nầy thực sự xảy ra trong thời Ahimêléc làm thầy tế lễ thượng phẩm nhưng ông đã bị giết ngay sau đó và Abiatha - một người hẳn cũng đã thi hành chức tế lễ tại thời điểm đó - đã trở thành thầy tế lễ thượng phẩm ngay sau đó và tỏ ra còn nổi bật hơn cả Ahimêléc. Không phải Mác đang nói Abiatha thực sự là thầy tế lễ thượng phẩm khi sự kiện xảy ra, nhưng ông đang thi hành chức tế lễ và đã nhanh chóng trở thành một thầy tế lễ thượng phẩm rất nổi bật. Tương tự người ta có thể nói đến một sự kiện nào đó xảy ra trong những năm làm thượng nghị sĩ của John F. Kennedy và nói đến điều đó như là việc xảy ra trong những ngày của vị tổng thống Kennedy. Ông không phải là vị tổng thống khi việc đó xảy ra, đúng hơn chỉ mới là thượng nghị sĩ, nhưng đã được gọi là tổng thống Kennedy vì cớ (sau nầy)ông đã trở thành tổng thống.

Một lần nữa, những ví dụ nầy trong Mác nhắc chúng ta nhớ nếu người ta đến với Kinh Thánh trong tinh thần mong đợi hoặc công nhận có lỗi sai, thì họ sẽ nêu ra lý lẽ tán thành một cuốn Kinh Thánh có lỗi sai. Nhưng nếu đến với Kinh Thánh trong tinh thần xem Kinh Thánh là không sai lạc,thì họ có thể tìm những giải pháp hợp lý, và dầu không thể thật lòng chấp nhận bất cứ giải pháp gợi ý nào, người nầy vẫn có thể tin Kinh Thánh không sai lạc và đơn giản là chúng ta chưa có đủ sự kiện để giải quyết một số điều có vẻ như nan đề.

H. Sự Chết Của Giuđa.

Trong Cong 1:18, Phierơ mô tả cái chết của Giuđa là “nhào xuống nứt bụng và ruột đổ ra hết.” Mathiơ nói Giuđa thắt cổ (Mat 27:5). Rất có thể cả hai lời mô tả nầy đều đúng. Ông thực sự đã thắt cổ nhưng có chuyện đã xảy ra khiến xác ông rơi xuống và nứt bể ra. Đây là giải pháp đơn giản nhất, và đã được nêu ra từ thời Augustine.

Hai câu chuyện nầy dường như còn một nan đề khác nữa. Mathiơ nói các thầy tế lễ đã mua ruộng huyết, còn Côngvụ qui việc đó cho Giuđa. Một lần nữa giải pháp đơn giản là cả hai câu chuyện đều đúng. Các thầy tế lễ không lấy lại tiền, nên mua đồng ruộng nhân danh Giuđa, vì họ không muốn tỏ vẻ có dính líu đến tiền của Giuđa.

I. Những Nan Đề Trong Cong 7.

Tuy trong ranh giới khái niệm tính không sai lạc của Kinh Thánh thì dễ dàng chấp nhận Êtiên nói sai một điều trong bài giảng nầy còn Luca ghi lại cách chính xác, nhưng nhà giải kinh nghiêm túc sẽ muốn biết càng rõ càng tốt Êtiên đang nói gì. Một trong các nan đề nầy tập trung vào câu 6, trong đó, Êtiên nói thời gian phu tù tại Êdíptô là dài 400 năm, trong khi Xu 12:40 nói là 430 năm. Hơn nữa, trong Ga 3:17, Phaolô viết rằng Luật Pháp đã xuất hiện sau lời hứa cho Ápraham đến 430 năm. Có hai nan đề trong các con số nầy:(a) sai biệt giữa 400 và 430; và (b) lỗi sai có vẻ rất lớn của Phaolô vì thời gian giữa Ápraham và việc ban luật pháp dài hơn đáng kể so với 430 năm. Nhiều người chỉ đơn giản công nhận sai biệt 400/430 liên quan đến con số phỏng chừng.Bốn trăm là số làm tròn của 430. 430 trong thơ Galati không dùng đến những chặng dừng cuối cùng từ Ápraham đến Luật Pháp (Sáng Thế Ký 12 đến Xuất Êdíptô Ký 20).Đúng hơn, nó chỉ về cuối Thời Đại Các Tổ Phụ (Sa 35:11-12) cho đến lúc ban luật pháp trong Xuất Êdíptô Ký 20.

Người khác tin 400 năm là khoảng thời gian làm nô lệ người Êdíptô và cả hai con số 430 đó chỉ về thời gian giữa lần khẳng định cuối cùng giao ước của Ápraham cho Giacốp với việc ban luật pháp. Tuy nhiên,điều nầy minh họa một trường hợp chúng ta không có đủ dữ kiện để đưa ra quyết định dứt khoát, vì thế một lần nữa, thái độ của người ta sẽ ảnh hưởng đến quyết định:Bạn có thể tin có nhiều lỗi sai, hoặc có thể tin sẽ có giải pháp hoàn hảo nếu có đủ mọi dữ kiện.

Đôi khi điều có vẻ như nan đề trong câu 14 đã làm nảy sinh một thắc mắc. Trong câu đó nói gia đình Giacốp là bảy mươi lăm người, trong khi ISa 46:27 nói chỉ có 70 người. Êtiên trong Côngvụ nói theo con số trong Bản Bảy Mươi, là số lượng có thêm năm người nữa (con trai và cháu trai của Manase cùng hai con trai và cháu nội của Épraim). Sáng Thế Ký không đưa số người nầy vào. Nhưng trong cả hai con số, thì chỉ tính đến một nhóm người có giới hạn, vì tổng số gia đình của Giacốp hẳn đã đông hơn nhiều, bao gồm các vợ của các con trai và cháu trai của Giacốp cùng các người chồng của con gái và cháu gái ông, mà họ không được kể ra. Bất cứ ai cố gắng liệt kê con số trong một gia đình trước mắt với số lượng người cỡ nầy thì sẽ dễ dàng tìm ra được ít nhất hai cách để điểm số và sẽ có được hai tổng số khác nhau mà không có gì mâu thuẫn cả.

Những trường hợp trên đại diện cho các nan đề trong Tân Ước đang được thảo luận đến. Một số trường hợp đã được dùng trong suốt lịch sử Hội Thánh nhằm cố chứng minh Kinh Thánh có lỗi sai. Và trong suốt lịch sử đã có nhiều giải pháp hợp lý cho các nan đề nầy. Một số đã được tập trung chú ý trong thời gian mới đây. Bất cứ trường hợp nào trong số đó đều có thể dùng để kết luận Kinh Thánh có lỗi sai, nhưng toàn bộ chúng đều thực sự có những giải đáp hợp lý.

Muốn Kinh Thánh trở thành một cuốn Kinh Thánh có lỗi sai thì cần phải có một lỗi sai duy nhất. Có thể đó là một lỗi “nhỏ,”một lỗi vụn vặt, lỗi về lịch sử, hoặc lỗi về giáo lý, nhưng nếu có một lỗi, thì chúng ta thực sự không có được một cuốn Kinh Thánh không sai lạc.