Một phép diễn dịch gồm một đại tiền đề, một tiểu tiền đề, và một kết luận. Chứng cớ diễn dịch cho tính không sai lạc là thế nầy: Đức Chúa Trời là đúng, Đức Chúa Trời đã soi dẫn Kinh Thánh, do đó Kinh Thánh là đúng. Đương nhiên bất cứ phép diễn dịch nào thì cũng chỉ hợp lý như các tiền đề của nó thôi. Trong phép diễn dịch cụ thể trên đây, cả hai tiền đề đều hợp lý và đúng, đơn giản là vì chúng được phát biểu rõ ràng trong chính Kinh Thánh. Vì thế chứng cớ diễn dịch cho tính không sai lạc là mang tính vững chắc và quyết định giống như thẩm quyền của chính Kinh Thánh vậy.

Nhưng còn một hướng lý luận khác nữa, là phép qui nạp. Trong phép qui nạp, người ta lý luận từ rất nhiều thành phần để đưa đến tổng thể, từ những điểm cụ thể để đưa đến tổng quát. Do đó, kết luận được rút ra từ bằng chứng.

Phép qui nạp cũng chỉ hợp lý bằng với tính hoàn chỉnh đầy đủ của bằng chứng được nghiên cứu. Nếu năm máy đánh chữ đầu tiên mà người ta đã thấy là toàn những máy chữ dùng điện thì họ có thể kết luận mọi máy chữ đều là máy chữ điện. Nhưng đương nhiên, chiếc máy chữ bằng cơ đầu tiên mà người ta quan sát được sẽ làm mất hiệu lực kết luận nầy. Dầu vậy, không phải mọi phép quy nạp đều có nguy cơ mất hiệu lực cao như thế, vì nếu có thể khảo sát càng nhiều bằng chứng càng tốt, thì có thể bảo đảm có được một kết luận rất đáng tin cậy.

Chúng ta có thể khảo sát mọi sự dạy dỗ đã được ghi lại của Đấng Christ. Chúng ta không tin vào khả năng có sự dạy dỗ không được ghi lại nào đó của Đấng Christ hóa ra lại vô hiệu hóa bằng chứng tìm được từ những sự dạy dỗ của Ngài trong các sách Tin Lành. Nếu có thể nghiên cứu mọi lời Ngài đã phán về tính đáng tin cậy của Kinh Thánh, thì chúng ta có thể rút ra kết luận hiệu lực về quan điểm của Đấng Christ đối với Kinh Thánh.

I. BẰNG CHỨNG TỪ Mat 4:1-11.

Câu chuyện sự cám dỗ Chúa chúng ta bày tỏ một số vấn đề quan trọng về quan điểm của Ngài đối với Kinh Thánh.

Thứ nhất, Chúa Jesus chấp nhận sự soi dẫn toàn phần của Kinh Thánh; khi ma quỉ lần đầu cám dỗ Chúa biến đá thành bánh,Chúa chúng ta đáp rằng người ta sống nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời (Mat 4:4 đã trích lời Phu 8:3). Ngài không phán: “một số lời nói” nhưng phán “mọi lời nói.” Nếu Kinh Thánh được hà hơi từ Đức Chúa Trời (IITi 3:16), thì Kinh Thánh chắn chắn phải được bao gòm trong thứ nuôi sống con người, không phải chỉ những phần của Kinh Thánh nhưng là toàn bộ Kinh Thánh.

Cám dỗ thứ nhì cũng minh họa tầm quan trọng của sự soi dẫn toàn phần. Satan cố nhử Chúa gieo mình xuống từ nóc đền thờ bằng cách cam đoan với Ngài: Ngài có thể đòi hỏi lời hứa của Thi 91:11-12, để thiên sứ Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ Ngài. Nhưng khi trích những câu Kinh Thánh nầy,Satan bỏ qua một phần của câu 11 “bảo gìn giữ ngươi trong các đường lối người.”Sự bỏ sót nầy xuyên tạc ý nghĩa của lời hứa, là lời hứa rằng Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ người công bình trên hành trình của họ, chứ không phải Ngài sẽ gìn giữ để họ liều mạng cách không cần thiết. Liều mạng cách không cần thiết chính là điều Satan đề nghị Đấng Christ. Chúa đáp lại rằng đặt hy vọng vào một phần của một câu Kinh Thánh tức là thử Đức Chúa Trời. Thay vào đó, Ngài sẽ nương cậy vào mọi lời nói đã ra từ Đức Chúa Trời, bao gồm mọi lời của các câu 11-12.

Thứ nhì, Chúa Jesus chấp nhận chân lý của những định đề trong Kinh Thánh. Như đã nói, lập trường được ưa chuộng ngày nay xem Kinh Thánh chỉ chứa đựng những khải thị mang tính cá nhân, chứ không chứa khải thị mang tính định đề. Nói vậy có nghĩa Kinh Thánh khải thị Đức Chúa Trời và Đấng Christ cách chính xác, nhưng thực hiện như thế trong một mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, chứ không trong những câu tuyên bố. Do đó, tuy có thể tin cậy sứ điệp của Kinh Thánh, nhưng chúng ta thực sự không thể (và cũng không cần)tin cậy những câu tuyên bố cụ thể hay những định đề cụ thể của Kinh Thánh. Họ nói Kinh Thánh làm chứng cho lẽ thật vô ngộ, nhưng không nhất thiết phải làm chứng bằng những câu tuyên bố không có lỗi sai. Bảng chỉ đường, tức Kinh Thánh, là có thể sai, nhưng Đấng Christ - tức Đấng mà Kinh Thánh chỉ đến - mới là vô ngộ.

Nhưng lời Đấng Christ đáp lại những công kích của Satan đã phủ nhận lập trường nầy. Chúa phán: “Vì có lời chép rằng”(Mat 4:4,7,10). Ngài không phán: “Kinh Thánh làm chứng.” Ngài nương cậy vào những tuyên bố định đề để truyền đạt chính bản thân lẽ thật, và để truyền đạt lẽ thật cách chính xác.

II. BẰNG CHỨNG TỪ CÁCH ĐẤNG CHRIST SỬ DỤNG CỰU ƯỚC.

Cách Chúa chúng ta dùng những sự kiện lịch sử trong Cựu Ước cho thấy Ngài tin quyết hoàn toàn nơi sử tính của những sự kiện đó.

Ngài công nhận Ađam và Êva đã được dựng nên bởi Đức Chúa Trời, họ là hai hữu thể người sống động, chứ không phải chỉ là những biểu tượng của người nam và nữ, và họ đã hành động theo những cách cụ thể (Mat 19:3-5; Mac 10:6-8).

Ngài đã xác minh những sự kiện liên quan đến Cơn Nước Lụt thời Nôê là đúng; tức là, đã có một con tàu và cơn nước lụt diệt hết mọi người không ở trong con tàu đó (Mat 24:38-39; Lu 17:26-27).

Trong hai dịp khác, Ngài xác nhận sự kiện Đức Chúa Trời hủy diệt Sôđôm, sử tính của Lót và vợ ông (Mat 10:15; Lu 17:28-29).

Ngài đã chấp nhận câu chuyện của Giôna và con cá lớn là thật (Mat 12:40), và công nhận sử tính của Êsai (12:17), Êli (17:11-12), Đaniên (24:15), Abên (23:35), Xachari (23:35), Abitha (Mac 2:26),Đavít (Mat 22:45), Môise và các tác phẩm của ông (8:4; Gi 5:46), Ápraham, Ysác và Giacốp (Mat 8:11; Gi 8:39).

Đấng Christ không chỉ nói bóng gió đến những câu chuyện nầy, nhưng Ngài xác nhận những sự kiện trong các câu chuyện đó là lịch sử đúng sự kiện để phải được tin cậy hoàn toàn vào đó. Những sự kiện nầy bao gồm rất nhiều phân đoạn gây tranh luận trong Cựu Ước, như Công Cuộc Sáng Tạo, Cơn Nước Lụt, rất nhiều phép lạ lớn kể cả Giôna và con cá.

Hiển nhiên, Chúa chúng ta cảm thấy Ngài có một cuốn Kinh Thánh đáng tin cậy, đúng lịch sử, và mọi lời trong đó đều đáng tin.

Nếu thấy Ngài chỉ sử dụng hoặc chỉ dạy cách chung chung về Kinh Thánh, thì chúng ta sẽ kết luận Ngài tin cách chung chung nơi tính đáng tin cậy của Kinh Thánh. Mặt khác, nếu thấy Ngài tin những chi tiết rất nhỏ nhặt của Kinh Thánh là chính xác, thì chúng ta phải kết luận Ngài tin Kinh Thánh không sai lạc đến tận các chi tiết.

III. BẰNG CHỨNG TỪ Mat 5:17-18

“Các người đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; Ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn.”

Thứ nhất, có lời hứa nào? Chính là luật pháp và lời tiên tri sẽ không bị hủy bỏ, nhưng sẽ được ứng nghiệm trọn. Hủy bỏ có nghĩa là không làm hoàn thành một điều gì đó, và làm cho trọn có nghĩa là thực hiện xong những lời hứa. Đấng Christ đang bảo đảm các lời hứa sẽ không bị bãi bỏ.

Thứ nhì, điều gì được bao gồm trong lời hứa nầy? “Luật pháp và lời tiên tri” bao gồm toàn bộ Cựu Ước, tức là Kinh Thánh của Chúa chúng ta. “Luật pháp” trong câu 18 cũng có nghĩa là Kinh Thánh (đối chiếu cách dùng chữ “Luật Pháp” trong Gi 10:34, gồm nhiều hơn Luật Pháp Môise).

Thứ ba, toàn bộ những lời hứa của Cựu Ước sẽ được ứng nghiệm trong chi tiết nào? Chúa phán bạn có thể tin cậy những lời hứa của Cựu Ước sẽ được ứng nghiệm đến từng chấm từng nét.

“Chấm” là mẫu tự yodh trong tiếng Hêbơrơ.Đây là chữ nhỏ nhất trong mọi mẫu tự của bảng chữ cái Hybálai. Nó chỉ chiếm khoảng cách tương ứng một dấu (') trong Anh ngữ trên một hàng đánh máy. Thực ra, mẫu tự Hybálai nầy trông rất giống với dấu ('). Dầu là mẫu tự nhỏ nhất trong bảng mẫu tự Hybálai, nhưng nó cũng quan trọng như bất cứ mẫu tự nào khác, vì các mẫu tự ráp thành chữ, rồi chữ hợp thành câu và các câu tạo thành những lời hứa. Nếu bạn ráp vần một chữ theo một cách nầy thì trở thành một chữ nầy; nếu bạn ráp vần theo cách khác, thậm chí chỉ khác một mẫu tự thôi, thì nó trở thành một chữ khác rồi. “Tough” có nghĩa là “cứng chắc.” Một mẫu tự thay đổi thì ráp thành chữ “Touch” (sờ). Thêm một mẫu tự nữa thì trở thành “Though” (dầu vậy). Những mẫu tự đơn làm thay đổi các chữ. Chúa của chúng ta hứa rằng ngay cả một chấm cũng không qua đi. Mọi lời hứa đều sẽ được ứng nghiệm đúng y theo cách đã được nói ra.

Hãy quan sát: Đấng Christ không bắt đầu từ các khái niệm để rồi từ đó công nhận có những chữ tùy chọn để dùng truyền đạt các khái niệm đó (như cách dạy của sự soi dẫn khái niệm). Ngài bắt đầu theo cách ngược lại. Các lời hứa được căn cứ trên những chữ theo như cách đã được nói lên, và có thể tin trọn vẹn các chữ đó đến từng chi tiết.

Chúa chúng ta cũng không phán rằng những lời hứa đó sẽ được ứng nghiệm miễn chúng thích ứng với nền văn hóa tại thời điểm ứng nghiệm. Trong một số giới ngày nay, các lời hứa đã được giải nghĩa lại cho hợp với văn hóa, và bởi đó chúng thực sự làm mất hiệu lực những lời hứa nguyên thủy.Nhưng Đấng Christ dạy rằng chúng ta có thể tin sự ứng nghiệm hoàn toàn và rõ ràng của những lời hứa nguyên thủy, đúng như đã được viết ra trong Cựu Ước.

Một nét thậm chí còn nhỏ hơn cả một chấm.Trong khi chấm là trọn một mẫu tự, thì nét chỉ là một phần của một mẫu tự. Sự có mặt của một nét hình thành nên một mẫu tự nhất định, nhưng thiếu nó thì khiến mẫu tự đó trở thành mẫu tự khác. Thí dụ: mẫu tự Hybálai beth thế nầy b. Mẫu tự kaph thế nầy k. Rõ ràng chúng trông rất giống nhau. Khác nhau duy nhất giữa hai mẫu tự nầy ấy là nét thẳng ngang ở dưới của chữ beth hơi chạy dài sang bên phải nét thẳng đứng, còn ở chữ kaph không có phần kéo dài. Sự kéo dài nầy - không phải toàn bộ nét thẳng ngang dưới đáy nhưng chỉ một phần nét đó kéo dài sang bên phải của nét thẳng đứng - là “một nét.” Nếu có nét nầy thì là chữ beth; nếu không có nét nầy, thì đó là chữ kaph. Và dầu bạn dùng chữ beth hay chữ kaph thì đều tạo vần những chữ khác nhau.

Một ví dụ khác nữa: mẫu tự daleth trong tiếng Hybálai trông giống như thế nầy d. Mẫu tự resh trông giống như thế nầy r. Một lần nữa, “nét” chỉ là phần của đường nằm ngang kéo dài sang bên phải của đường thẳng đứng. Nhưng một chữ được ráp vần daleth thì khác với chữ được ráp vần resh.

Lời hứa của Chúa ấy là: toàn bộ những lời hứa của Cựu Ước đều sẽ được ứng nghiệm chính xác như cách chúng đã được ráp vần ra.

Trong Anh ngữ, chúng ta có thể minh họa “nét” như thế nầy, giả sử tôi mời bạn đến nhà tôi để có “Fun” (“vui đùa”) đôi chút. Bạn có thể có quyền thắc mắc chính đáng rằng tôi xem “Fun” nầy là gì. Nếu tôi đặt một nét hay một dấu phết nhỏ trên chữ F, thì bạn có thể kết luận rằng tôi thích “Pun” (chơi chữ). Việc chơi chữ là thú vui đùa đối với tôi. Không có gì thú bằng việc đối đáp thật nhanh hàng loạt câu chơi chữ với người nào đó.Nhưng có thể bạn không thích chơi chữ, nên tôi sẽ thêm một nét khác nữa trên mẫu tự nầy, bây giờ tôi đã có một chữ mới “Run” (chạy). Chạy là một thú vui đùa đối với một số người nào đó, nhưng không phải đối với tôi. Vì thế tôi thêm một nét khác nữa và giờ đây tôi đang mời bạn đến để có một bữa “Bun” (bánh ngọt tròn nhỏ).Khác nhau giữa Fun, Pun, Run, và Bun chỉ ở chỗ thêm một nét trong mỗi trường hợp.Nhưng như thế sinh ra bốn chữ hoàn toàn khác nhau, và với những chữ đó thì có bốn lời mời khác nhau.

IV. BẰNG CHỨNG TỪ Gi 10:31-38.

Chi tiết nhỏ nhặt có tạo ra sự khác biệt.Vào cuối chức vụ tại thế, Chúa một lần nữa khẳng định lại lòng tin quyết hoàn toàn của Ngài vào tính đáng tin cậy đến từng chi tiết của Kinh Thánh. Tại kỳ lễ kỷ niệm khánh thành đền thờ, hay lễ Hanukkah (được thiết lập từ năm 165 T.C. để kỷ niệm sự tẩy uế và mở cửa lại đền thờ sau khi bị Antiochus Epiphanes làm ô uế ba năm trước đó), người Do thái yêu cầu Chúa Jesus nói thẳng cho họ biết Ngài có phải là Đấng Mêsia không (Gi 10:24). Ngài trả lời: “Ta với Cha là một.” Chữ “một” nầy là chữ trung tính, “một điều,” chứ không phải “một con người.” Nói cách khác, Ngài không khẳng định Ngài với Đức Chúa Cha là đồng nhất, nhưng Ngài và Đức Chúa Cha có sự hiệp nhất cơ bản với nhau, Ngài hưởng sự hiệp nhất trọn vẹn của bản tánh và của những hành động với Cha Ngài. Người Do thái đã hỏi Ngài có phải Đấng Mêsia không. Câu trả lời của Ngài còn vượt trổi hơn những gì mà họ mặc cả, vì trong câu đó, Ngài tuyên bố Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời.

Đương nhiên họ đã hiểu lời tuyên bố của Ngài đúng như cách này, vì lập tức họ chuẩn bị ném đá Chúa bởi điều họ xem là tội phạm thượng. Để hạn chế họ, Chúa viện dẫn ThiThiên 82. Ngài gọi phần nầy trong Cựu Ước là “Luật Pháp” (Gi 10:34), cũng như Ngài đã gọi trong hai dịp khác (12:34 và 15:25). Ngài phán rằng trong luật pháp đó, các quan án của Ysơraên, tức là những con người, đã được gọi là “các thần” nhờ chức vị cao quí do Đức Chúa Trời ban cho họ. Như vậy, Ngài kết luận nếu ThiThiên đó có thể áp dụng từ ngữ “các thần”cho con người, thì chắc chắn từ ngữ “Con Đức Chúa Trời” có thể áp dụng một cách phải lẽ cho Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên thánh và sai vào trần gian. Nói cách khác, nếu elohim được áp dụng cho con người, thì chữ đó áp dụng cho chính Ngài càng phù hợp hơn biết bao, vì Ngài thực sự hiệp một thiết yếu với Đức Chúa Cha.

Dầu lập luận nầy rất tinh tế và phức tạp,nhưng những lời tuyên bố chắc chắn của Đấng Christ về Kinh Thánh là rất rõ ràng.

Kinh Thánh được soi dẫn từng lời. Ngài chỉ cho người Dothái đến với điều đã được viết ra trước đó. Lời Đức Chúa Trời đã xuất hiện trong những câu tuyên bố thành văn mang tính định đề, chứ không phải chỉ trong những khái niệm, những ý tưởng, hay lời truyền khẩu. Chính bản ký thuật thành văn đã được soi dẫn và có thể tin cậy nó.

Kinh Thánh được khải thị từng chi tiết nhỏ nhặt. Thi Thiên 82 không phải là điều sẽ được xem như một phân đoạn Cựu Ước quan trọng. Đây không phải là Thi Thiên của Đavít, cũng không phải là một ThiThiên nói về Đấng Mêsia. Đương nhiên, nói vậy tuyệt đối không để làm giảm ý nghĩa của ThiThiên nầy, vì cớ nó được soi dẫn ngang hàng với mọi phần khác của Kinh Thánh, nhưng nói ra để nhấn mạnh rằng Chúa không trích một phân đoạn nổi bật để làm cơ sở cho lập luận của Ngài. Thực ra, có thể nói mà không hề bất kính rằng Ngài đã chọn một phân đoạn rất tầm thường. Đương nhiên, Ngài hẳn không cần làm thế nếu Ngài những phân đoạn như thế không thuộc trong Lời được soi dẫn và không sai lạc của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, từ phân đoạn tầm thường đó, Ngài đã tập trung vào một từ đơn lẻ, “các thần.” Hẳn Ngài đã không thể làm như vậy nếu Ngài không tin sự soi dẫn đến những chi tiết nhỏ nhặt của Kinh Thánh. Ngài thừa nhận đúng đắn rằng Ngài có thể tin cậy vào bất cứ phần nào và bất cứ lời nào trong bất cứ phần nào.

Kinh Thánh được soi dẫn cách có thẩm quyền. Ở giữa cách lập luận rất tinh tế của Ngài, Chúa đưa ra một lời tuyên bố hầu như tình cờ: “Và Kinh Thánh không thể bỏ được.” Điều nầy có nghĩa gì? Đơn giản đó là không thể tước bỏ khỏi Kinh Thánh thẩm quyền của Kinh Thánh. Cách duy nhất để Kinh Thánh không còn thẩm quyền trọn vẹn của mình nữa ấy là Kinh Thánh có lỗi sai, nhưng Đấng Christ đã phán ở đây rằng Kinh Thánh vừa có thẩm quyền vừa không sai lạc. Một số bản dịch chua cụm từ nầy trong các dấu ngoặc. Tốt hơn có thể xem cụm từ nầy lệ thuộc vào chữ “nếu” ở đầu câu. Chữ “nếu” đó giới thiệu một điều kiện ở thể loại thứ nhất với ý nghĩa là “biết chắc chắn,” và tốt hơn nên dịch là “vì.” Như vậy, Chúa đang nói hai điều là chắc chắn: ThiThiên đã gọi họ là thần và Kinh Thánh không thể bỏ được. Xin nhớ rằng, ở đây Đấng Christ đang liều mạng sống Ngài cho tính đáng tin cậy, tính chính xác, và tính thẩm quyền của chỉ một chữ trong Kinh Thánh, vì kẻ thù sắp ném đá Ngài.

V. BẰNG CHỨNG TỪ Mat 22:23-33.

Hãy hình dung cảnh tượng nầy: Chúa đang “Đối Diện Với Dân Tộc (Dothái)” và “Gặp Mặt Giới Báo Chí (Của Phái Pharisi),” cả thảy cùng trong một ngày. Phe Hêrốt đã cố bẫy Ngài bằng cách hỏi việc nộp thuế cho Sêsa có đúng theo luật pháp không. Sau đó phe Sađusê đã tranh thủ lượt của mình (Mat 22:23-33). Trong mẩu đối thoại đó, chúng ta có bằng chứng rõ ràng hơn về đức tin của Chúa nơi một Kinh Thánh không sai lạc và do đó trở thành một Kinh Thánh có thẩm quyền trong từng chi tiết nhỏ nhặt.

Phe Sađusê tin nơi thẩm quyền của Ngũ Kinh.Tuy nhiên họ phủ nhận sự thực hữu của các thiên sứ và linh hồn, phủ nhận luôn niềm tin nơi sự sống lại của kẻ chết vì họ không thấy điều đó được dạy trong Ngũ Kinh. Họ lập tức thể hiện sự giả hình của mình bằng cách hỏi Chúa Jesus một câu về sự sống lại. Ngoài ra, họ còn chế ra được một minh họa dựa vào Ngũ Kinh,để củng cố cho thắc mắc của mình. Đó là luật pháp về sự tục huyền theo luật pháp Môise (levirate marriage - từ chữ Latin có nghĩa là “hôn nhân của anh em trai người chồng,” có trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 25). Luật pháp qui định người anh (hoặc em trai) chồng của một góa phụ không có con sẽ phải cưới góa phụ đó nếu người ấy có thể cưới được. Nếu không cưới được, thì trách nhiệm sẽ thuộc về người anh em trai kế, như trong câu chuyện của Rutơ và Bôô (Ru 4:6).

Phe Sađusê dựa vào cơ sở đó để bịa ra câu chuyện về bảy người anh em trai, người thứ nhất trong số đó cưới vợ rồi chết. Kế đó lần lượt từng người trong số sáu người kia đều cưới góa phụ đó sau khi người anh kế của mình chết đi. Cuối cùng, người chồng thứ bảy cũng chết và sau hết,người vợ nầy cũng chết.

Như vậy, người Sađusê đến đối chất với Chúa bằng câu hỏi: “Vậy, lúc sống lại, đờn bà đó sẽ làm vợ ai trong bảy người? Vì cả thảy đều đã lấy người làm vợ.”

Câu trả lời của Ngài thật gay gắt. Ngài đã kết án họ là sai lầm, vì không hiểu Thánh Kinh và không hiểu quyền năng Đức Chúa Trời (Mat 22:29).

Kế đó, Chúa đánh giá câu hỏi và đoán xét câu hỏi đó là không thích hợp (câu 30), vì khi sống lại, người ta không cưới vợ,không lấy chồng. Họ tương tự như thiên sứ, là những vị không cưới gả, vì không cần phải sinh ra các thiên sứ con. Số lượng các thiên sứ đã được ấn định tại lúc họ được dựng nên. Tương tự, trong đời sau, con người sẽ không cưới gả vì sẽ không cần sinh ra những em bé. Không phải Đấng Christ đang nói rằng con người sẽ trở thành thiên sứ sau khi chết, nhưng chỉ nói rằng giống như thiên sứ nên họ sẽ không sinh con cái. Vì đúng như vậy, nên không cần phải trả lời câu hỏi của người Sađusê nữa. Luật tục huyền theo luật Môise được lập ra để bảo đảm sẽ sanh con nối dõi cho người chồng đã chết đầu tiên, nhưng trên thiên đàng sẽ không cần đến một điều khoản như thế; và đó chính là tính không thích ứng của câu hỏi nầy.

Dường như lên án người Sađusê là lầm, ngu dốt và thắc mắc không hợp thì vẫn chưa đủ, nên Chúa tiếp tục dạy họ một số giáo lý lành từ một phân đoạn Cựu Ước (Xu 3:6) mà họ đã xem là có thẩm quyền. Bài học đơn giản thế nầy: Trái ngược với giáo lý của các ngươi, Kinh Thánh các ngươi dạy rằng có sự sống sau khi chết. Sự chết không hề chấm dứt sự sống như cách các ngươi dạy đâu.

Một lần nữa, Chúa chúng ta đã dùng lập luận rất tinh tế. Tôi cho rằng rất ít người trong chúng ta chọn Xuất Êdíptô Ký 3 để cố gắng dạy giáo lý sự sống đời sau. Nhưng Chúa chúng ta đã làm như vậy!

Cũng lưu ý rằng, giống như trong Gi 10:34,Ngài căn cứ lập luận vào lời thành văn, không vào những khái niệm chung chung,nhưng vào những lời thành văn cụ thể. Nói cụ thể, Ngài căn cứ lập luận vào cách Đức Chúa Trời đã tự xác nhận Ngài cho Môise tại bụi gai cháy: “Ta là Đức Chúa Trời của Ápraham, Đức Chúa Trời của Ysác, và Đức Chúa Trời của Giacốp (Mat 22:32). Chúa tiếp tục phán: điều đó chứng minh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của kẻ sống, có nghĩa là Ápraham, Ysác, và Giacốp vẫn đang sống dầu họ đã chết từ lâu lắm rồi.

Lời xác nhận đó chứng minh thế nào cho giáo lý về sự sống đời sau? Đơn giản là nhờ vào cách sử dụng thì hiện tại: “Ta là.”Ápraham, Ysác và Giacốp đã chết hàng bao trăm năm trước khi Đức Chúa Trời phán điều nầy cho Môise. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời phán Ngài hiện vẫn là Đức Chúa Trời của họ tại lúc Ngài phán với Môise. Điều nầy hẳn không thể có được nếu khi Ápraham, Ysác và Giacốp chết thì họ cũng không còn hiện hữu nữa. Điều nầy chỉ có thể xảy ra khi sự chết không phải là chấm hết, tức là trái với giáo lý của người Sađusê.

Đương nhiên, khác biệt giữa “Ta là” với “Ta đã là” chính là vấn đề thì của động từ. Lập luận nầy được căn cứ trên thì hiện tại chứ không trên thì quá khứ. Đấng Christ đã dùng thì hiện tại để xác nhận giáo lý về sự sống lại.

Có thể minh họa sức mạnh những lời Đấng Christ đang phán như thế này. Thường thì với tư cách người giảng đạo lưu động,tôi thường được một trong các tín hữu mời đến nhà ăn tối sau buổi nhóm ngày Chúa Nhật. Tôi khám phá ra rằng một trong những đề tài thích hợp nhất của cuộc trò chuyện ấy là hỏi thăm về con cái trong gia đình. Giả sử tôi sẽ hỏi: “Gia đình bạn có bao nhiêu con?” và người cha hoặc người mẹ sẽ trả lời: “Chúng tôi đã có bốn đứa, nhưng một đứa đã chết, và bây giờ chỉ có ba.” Khi đối mặt với loại câu trả lời như thế nầy, tôi không thể biết chắc chắn lắm về tình trạng thuộc linh hay trưởng thành thuộc linh của những bậc cha mẹ đó. Mặt khác, nếu với cùng một câu hỏi đó, người khác trả lời: “Chúng tôi có bốn con; một đứa hiện ở trên thiên đàng còn ba đứa kia đang ở với chúng tôi,” thì tôi rất tin tưởng về niềm tin của gia đình đó. Tôi có thể gần như chắc chắn họ không tin chết là hết,nhưng tin còn có sự sống lại hầu đến.

Sự khác nhau chỉ ở chỗ sử dụng thì của động từ: “Chúng tôi đã có” và “Chúng tôi có.” Ta “đã là” Đức Chúa Trời của họ, hoặc Ta “là” Đức Chúa Trời của họ.

Hãy quan sát kỹ các hệ quả từ lời Đấng Christ tuyên bố ở đây.

(1) Ngài đã thừa nhận tính có thật trong lịch sử của việc Đức Chúa Trời hiện ra cho Môise.

(2) Ngài thừa nhận khải thị của Đức Chúa Trời đã xuất hiện trong một tuyên bố mang tính định đề.

(3) Ngài thừa nhận có thể tin cậy mọi lời của câu tuyên bố đó là chính xác rõ ràng.

(4) Ngài thừa nhận lẽ thật của giáo lý phải được căn cứ trên tính chính xác trong lịch sử. Không thể nào Kinh Thánh không chính xác trong các vấn đề của lịch sử mà lại chính xác trong giáo lý được.

(5) Ngài thừa nhận có thể sử dụng ngay cả những phân đoạn thiếu hứa hẹn thành công và có thể tin cậy tính chính xác của chúng.

VI. BẰNG CHỨNG TỪ Mat 22:41-46

Về sau, cũng trong ngày đó, khi người Pharisi gia nhập phe những người thù nghịch, thì Chúa đã trở thành người tấn công, đặt một câu hỏi thẳng thừng cho họ: “Về Đấng Christ, các người nghĩ thế nào? Ngài là con ai?” (Mat 22:42). Câu trả lời của họ có ngay tức khắc:“Con Vua Đavít.” Câu trả lời nầy đúng nhưng chưa hoàn chỉnh. Đấng Christ là con vua Đavít về phần nhân tánh của Ngài, nhưng Ngài cũng là Con của Đức Chúa Trời,và Chúa muốn người Pharisi cũng phải công nhận điều nầy. Vì thế Ngài hỏi họ: “Vậy,vì cớ nào vua Đavít được Đức Thánh Linh cảm động, gọi Đấng Christ là 'Chúa tôi'?” và để chứng minh Đavít đã gọi như vậy, Ngài trích dẫn Thi 110:1. Trong Thithiên đó, "Chúa (tức là, Đức Chúa Cha phán cùng Chúa tôi (tức Đấng Mêsia, Chúa của Đavít: Hãy ngồi bên hữu ta (tức tay hữu Đức Chúa Cha, cho đến khi nào ta (Đức Chúa Cha để kẻ thù nghịch ngươi (kẻ thù của Đấng Mêsia dưới chơn ngươi.”

Làm thể nào Đavít gọi Đấng Mêsia là Chúa mình nếu Đấng Mêsia chỉ là con cháu Đavít? Câu trả lời duy nhất là: vì Đấng Mêsia cũng đã là Đức Chúa Trời của Đavít. Nói cách khác, Đấng Mêsia phải vừa là Đức Chúa Trời vừa là người. Là người, Ngài là con cháu Đavít; là Đức Chúa Trời,Ngài là Chúa của Đavít. Đại từ “của tôi” liên kết Đavít với Đấng vừa là Chúa vừa là Đấng Mêsia của ông.

Có lẽ cần một minh họa. Khi hoàng hậu Elizabeth II từ trần hay thoái vị, Hoàng Tử xứ Wales sẽ được xem như trở thành vua Charles. Giả sử Hoàng Tử Philip, cha của ông, vẫn còn sống. Tôi hỏi một người nào đó: “Vua Charles là con ai?” câu trả lời sẽ là: “con của Hoàng Tử Philip.”Tôi có thể đáp: “Nhưng tôi đã xem lễ đăng quang của vua Charles trên truyền hình, và tôi thấy Hoàng Tử Philip sấp mình và tuyên thệ trung thành với vua Charles. Vì sao Philip gọi Charles là 'Chúa'?” Câu trả lời thật đơn giản: Vua Charles là vị vua trị vì của Philip, dầu vậy cũng là con trai theo công lệ tự nhiên của Philip. Ông vừa là con của Philip vừa là chúa của Philip. Cũng vậy, Đấng Mêsia là con của Đavít, và vì Đấng Mêsia bình đẳng với Đức Chúa Trời, nên cũng là Chúa của Đavít.

Sự ra đời tự nhiên liên kết Đấng Mêsia với Đavít trong tư cách hậu tự của Đavít. Đại từ “của tôi": trong Thi 110:1 liên kết Đấng Mêsia với Đavít trong tư cách Đức Chúa Trời là Chúa của Đavít. Đại từ “của tôi” nầy đơn giản là một yodh (một chấm), mẫu tự nhỏ nhất trong tiếng Hybálai, được gắn liền vào chữ Chúa.

Không còn điều nào trọng tâm cho Cơ Đốc Luận chánh thống hơn là thần tánh trọn vẹn và nhân tánh thật của Đức Chúa Jesus Christ. Nếu Ngài không vừa là Đức Chúa Trời vừa là người, thì Ngài hẳn đã không thể là một Đấng Cứu Thế, một thầy tế lễ thượng phẩm, hay là một Quan Án thỏa đáng được. Ai trong chúng ta nghĩ đến việc dùng Thi Thiên 110 như Chúa chúng ta đã dùng để nhấn mạnh lẽ thật về Ngài là ai? Nhưng đây chính xác là điều Chúa Jesus đã làm, tức là đặt cơ sở tranh luận của Ngài với người Pharisi trên chỉ một từ đơn trong tiếng Hybálai là “của tôi.” Có thể tin cậy vào điều dường như là chi tiết rất nhỏ nhặt của Kinh Thánh.

Ta học được gì từ thái độ của Chúa chúng ta đối với Kinh Thánh?

(1) Có thể tin cậy hoàn toàn vào cách ráp vần của các chữ, và không lời hứa nào sẽ được ứng nghiệm khác với cách đã ráp vần nên lời hứa đó.

(2) Cách duy nhất để Kinh Thánh có thể đánh mất thẩm quyền là nếu Kinh Thánh có chứa lỗi sai, nhưng Đấng Christ đã dạy rằng Kinh Thánh không thể bỏ được. Như vậy, chắc chắn Ngài phải tin Kinh Thánh không chứa lỗi sai.

(3) Đấng Christ đã xây dựng những lập luận tinh tế trên chỉ những từ đơn và thậm chí là trên cả thì của một động từ nữa.

Ai có thể nói mình bước theo Chúa cách trọn vẹn song lại không chấp nhận lời dạy dỗ của Ngài về tính không sai lạc của Kinh Thánh?