Những cuộc công kích tính không sai lạc của Kinh Thánh không phải là mới, và dường như có phần mang tính chu kỳ. Tuy nhiên, tranh luận đương thời dường như là cuộc tranh luận nội bộ; có nghĩa tranh luận giữa những người Tin Lành thuần túy chứ không phải giữa phái thần học tự do với phái thần học bảo thủ. Có lẽ điều nầy khiến cuộc tranh luận càng ý nghĩa hơn, vì đã đưa ra những ranh giới cần phải vạch ra giữa những người Tin Lành thuần túy. Nó cũng nhằm làm rõ những khác biệt chung quanh khái niệm về tính không sai lạc.

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TÍNH KHÔNG SAI LẠC.

A. Phát Biểu Tầm Quan Trọng Của Tính Không Sai Lạc

Liệu có thể vừa làm người Tin Lành thuần túy đồng thời lại vừa phủ nhận khái niệm đầy trọn về tính không sai lạc hay không? Câu trả lời là có, đơn giản vì có một số người Tin Lành thuần túy làm như vậy. Nói nghiêm túc, người Tin Lành thuần túy là người tin nơi Tin Lành. Liệu có thể vừa làm một Cơ đốc nhân lại vừa không chấp nhận khái niệm về tính không sai lạc? Đương nhiên là có thể được, và rõ ràng rất nhiều người thuộc vào phạm trù đó. Làm một Cơ đốc nhân nghĩa là có liên hệ đúng với Đấng Christ. Liệu có thể vừa làm người tin Kinh Thánh vừa phủ nhận tính không sai lạc chăng? Không thể, nếu Kinh Thánh có dạy tính không sai lạc của chính Kinh Thánh.

Vậy, giáo lý nầy quan trọng đến mức nào? Nếu đây là sự dạy dỗ của Kinh Thánh, thì phủ nhận điều đó tức nhiên là phủ nhận một phần tính đúng thật của Kinh Thánh. Nhưng hãy suy xét điều nầy: nếu Kinh Thánh có chứa một số lỗi sai, bất luận sai ít hay nhiều, thì làm sao biết chắc hiểu biết của mình về Đấng Christ là hiểu đúng? Biết đâu một trong những lỗi sai nầy liên quan đến điều gì đó về cuộc đời của Đấng Christ. Ắt không phải là không có khả năng có một lỗi sai nào đó về vấn đề hết sức quan trọng là sự chết và sự phục sinh của Ngài. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra cho Cơ đốc luận của người ấy? Hẳn Cơ đốc luận ấy bị thay đổi, có lẽ còn bị thay đổi quyết liệt đến nỗi không còn đạo Cơ đốc cho người ta tin theo nữa.

Hoặc giả sử sự dạy dỗ về Thánh Linh là không chính xác. Điều nầy có thể tác động đến giáo lý trọng tâm về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, rồi đến lượt nó cũng tác động nghiêm trọng đến Cơ Đốc luận, Cứu Thục Học và Sự Nên Thánh. Dầu xem như những lỗi sai nầy nằm trong những vấn đề “thứ yếu,”thì bất cứ lỗi sai nào cũng khiến Kinh Thánh dễ bị nghi ngờ cũng sai tại những ý khác mà có lẽ chúng không “thứ yếu” như thế đâu! Nếu tính không sai lạc bị sụp đổ, những giáo lý khác cũng sẽ sụp đổ theo.

Khi tính không sai lạc bị phủ nhận, có thể chờ đợi những hậu quả nghiêm trọng trong cả lãnh vực giáo lý lẫn sống đạo.

Sau đây là một số vấn đề giáo lý có thể bị ảnh hưởng nếu phủ nhận tính không sai lạc:

(1) Phủ nhận sự sa ngã thật trong lịch sử của Ađam.

(2) Phủ nhận những sự kiện trong từng trải của tiên tri Giôna.

(3) Bào chữa để loại bỏ một số phép lạ trong cả Cựu lẫn Tân Ước.

(4) Phủ nhận quyền tác giả Ngũ Kinh của Môise.

(5) Tin sách tiên tri Êsai do hai hoặc nhiều trước giả viết ra.

(6) Bén mảng đến hoặc tin theo thần học tự do cùng với cách định nghĩa lại của thần học tự do về tội lỗi (mang tính xã hội thay vì tính cá thể) và sự cứu rỗi (mang tính chính trị và tạm thời chứ không mang tính thuộc linh và đời đời).

 

Một số lỗi sai trong nếp sống có thể đi kèm sự phủ nhận tính sai lạc là như sau:

(1) Quan điểm buông thả về tính nghiêm trọng của ngoại tình.

(2) Quan điểm buông thả về tính nghiêm trọng của đồng tính luyến ái.

(3) Quan điểm buông thả về ly dị và tái kết hôn.

(4) Sự giải nghĩa lại “tính văn hóa” về một số sự dạy dỗ của Kinh Thánh (chẳng hạn sự dạy dỗ về người nữ, sự dạy dỗ về sự vâng phục chính quyền dân sự).

(5) Khuynh hướng nhìn xem Kinh Thánh qua khung lưới của tâm lý học hiện đại.

Tính không sai lạc là giáo lý quan trọng, phủ nhận hay thậm chí giảm giá trị giáo lý đó có thể dẫn đến nhiều sai lạc nghiêm trọng trong giáo lý và nếp sống.

B. Tầm Quan Trọng Của Giáo Lý Này Bị Làm Giảm Đi

Vẫn có nhiều người quả quyết rằng tính không sai lạc hoặc không quan trọng và không thích ứng, hoặc không cần thiết cho đức tin. Do đó, toàn bộ những tiếng vang được khuấy động lên cho nó chẳng qua chỉ là bé xé ra to, và những người khăng khăng tính không sai lạc chính là những kẻ đang quấy rối bình an của Hội Thánh.

Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Tính không sai lạc là vấn đề hết sức quan trọng, vì nếu Kinh Thánh không hoàn toàn không mắc lỗi sai, thì chắc chắn phải có ít nhất một lỗi sai trong Kinh Thánh. Nếu chúng ta thảy đều có thể đồng ý với nhau lỗi sai đó nằm ở chỗ nào, thì có thể xem như nhân nhượng nan đề đó được. Nhưng nếu văn phẩm hiện hành này mà là sách hướng dẫn,thì có khoảng hai mươi ứng viên cho một lỗi sai đó, và điều đó có nghĩa có lẽ sẽ có đến hai mươi lỗi sai. Nếu như đã có đến hai mươi lỗi sai, thì câu hỏi sẽ là:“Làm sao tôi tin cậy Kinh Thánh được?” Vì thế, tính không sai lạc không phải là việc bé xé ra to.

Người ta thường nêu nhiều cớ để kết luận tính không sai lạc là giáo lý không cần thiết.

Những người chống đối hoặc muốn giảm tầm quan trọng của tính không sai lạc thường tuyên bố thế nầy: “Vì Kinh Thánh không dạy rõ về tính không sai lạc, nên chúng ta cũng không dạy được.” Chí ít tuyên bố nầy cũng đẩy người quả quyết bênh vực tầm quan trọng của giáo lý tính không sai lạc vào chỗ khăng khăng đòi hỏi nhiều hơn cả Kinh Thánh. Còn nặng nhất thì tuyên bố nầy hàm ý hoặc khẳng định tính không sai lạc không phải là một giáo lý trong Kinh Thánh.

Nhưng muốn lời tuyên bố trên trở nên đúng thì đòi hỏi phải có: (a) Chúng ta có thể chứng minh Kinh Thánh không dạy rõ tính không sai lạc, và (b) nếu Kinh Thánh không dạy (theo ý nghĩa cung cấp những câu Kinh Thánh kiểm chứng), thì dựa vào phần nghiên cứu qui nạp về bằng chứng, chúng ta không thể khẳng định được tính không sai lạc. Chúng ta hãy khảo sát những tuyên bố nầy.

Kinh Thánh có dạy rõ ràng về tính không sai lạc không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào ý nghĩa của chữ “rõ ràng.” Nếu dùng chữ “rõ ràng” để nói đến những bản văn kiểm chứng, như là những câu có mặt trong Kinh Thánh để nói đến sự chuộc tội thay thế chẳng hạn (Mat 20:28), thì phải thừa nhận không có loại bằng chứng “rõ ràng” đó cho tính không sai lạc. Nhưng nhiều giáo lý đã được những người Tin Lành thuần túy chấp nhận là được dạy rõ ràng trong Kinh Thánh, nhưng chúng lại không có những câu Kinh Thánh kiểm chứng nào cả. Giáo lý về Đức Chúa Trời Ba Ngôi là ví dụ tốt nhất cho thể loại nầy. Công bằng mà nói, Kinh Thánh không dạy rõ ràng về giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, nếu dùng chữ “rõ ràng” để nói đến có bản văn Kinh Thánh kiểm chứng cho giáo lý. Thực ra không có lấy một câu Kinh Thánh kiểm chứng nào cả, nếu chúng ta muốn dùng chữ “câu Kinh Thánh kiểm chứng” để nói đến câu Kinh Thánh hay phân đoạn phát biểu “rõ ràng” có một Đức Chúa Trời hiện hữu trong ba Ngôi Vị.

Như vậy, làm sao chúng ta có được giáo lý rõ ràng về Đức Chúa Trời Ba Ngôi? Chỉ đơn giản bằng cách chấp nhận hai tuyến bằng chứng trong Kinh Thánh: (a) Những tuyên bố rõ ràng có dạy rằng chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất; và (b) Những câu tuyên bố cũng rõ ràng như thế để dạy rằng có một Đấng nào đó được gọi là Jesus và một Đấng nào đó được gọi là Đức Thánh Linh, mà ngoài Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha ra, những Đấng nầy cũng đã tuyên bố mình là Đức Chúa Trời. Những bằng chứng như thế cho phép rút ra một trong hai kết luận: hoặc Chúa Jesus và Đức Thánh Linh không phải là Đức Chúa Trời, hoặc Đức Chúa Trời hiện hữu như là Ba Ngôi Hiệp Một. Cơ đốc nhân chánh thống không bao giờ lẩn tránh kết luận thứ nhì, dầu bằng chứng thuộc về một thể loại “rõ ràng”khác với thể loại “rõ ràng” do bản văn kiểm chứng cung cấp.

Hoặc lấy thêm ví dụ khác nữa: Nhiều người không chấp nhận Chúa Jesus là Đức Chúa Trời, vì nói rằng: không có bằng chứng “rõ ràng” cho thấy Ngài đã từng tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời. Robert S.Alley, ở Viện Đại Học Richmond đã gây tiếng vang giữa vòng những người BápTít Nam Phương khi ông khẳng định Đức Chúa Jesus “không bao giờ thực sự tuyên bố mình là Đức Chúa Trời hoặc có liên hệ với Đức Chúa Trời” ("Some Theologians Question Factual Truth of Gospels,” The Richmond News Leader, ngày 17 tháng Bảy, năm 1978, trang 1). Dầu ông có cùng một bằng chứng từ Kinh Thánh với người kết luận Chúa Jesus đã tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời, nhưng ông lại đi đến kết luận hoàn toàn khác. Một tà giáo như thế xúc phạm đến những tín đồ chánh thống, và đúng là vậy.

Dầu tôi chưa thảo luận bằng chứng cho sự dạy dỗ rõ ràng từ Kinh Thánh về tính không sai lạc, nhưng chúng ta hãy tạm cho rằng Kinh Thánh có dạy điều đó cách rõ ràng trong giây lát, dầu không nhất thiết là phải dạy qua những bản văn (câu Kinh Thánh) kiểm chứng. Nếu vậy, có phải để chứng minh tính không sai lạc, những người tin Kinh Thánh có lỗi sai đang đòi hỏi Kinh Thánh phải có một tiêu chuẩn cao hơn cho tính rõ ràng so với tiêu chuẩn họ đòi hỏi để chứng minh thần tính của Đấng Christ hoặc Đức Chúa Trời Ba Ngôi không? Nói cách khác, chẳng phải họ có riêng một bộ tiêu chuẩn để chứng minh rõ ràng giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi rồi có thêm một bộ tiêu chuẩn khác nữa cho tính không sai lạc sao?

Những minh họa trên chứng minh tính sai lầm của kết luận cho rằng nếu không kiểm chứng được bằng bản văn trong Kinh Thánh thì chúng ta không thể dạy rõ ràng những kết quả của phép nghiên cứu qui nạp,cũng không thể rút ra kết luận hợp lý từ những bằng chứng có trong Kinh Thánh. Nếu như vậy, thì tôi không bao giờ có thể dạy giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi, hoặc thần tánh của Đấng Christ, hoặc thần tánh của Đức Thánh Linh, hoặc thậm chí là những hình thức quản trị Hội Thánh. Tôi thường nghe nói: “Kinh Thánh tiến đến đâu thì tôi cũng chỉ tiến đến đó mà thôi.” Đó có thể là tiêu chuẩn tốt, vì chúng ta không hề có ý muốn thêm vào những lời dạy dỗ của Kinh Thánh. Nhưng chúng ta cũng không muốn bỏ qua bất cứ điều gì Kinh Thánh dạy rõ ràng bởi những bản văn kiểm chứng, hoặc bởi sự suy luận, sự qui nạp, bởi hàm ý, phép lập luận hợp lý, hoặc bởi các nguyên tắc. Lời tuyên bố không muốn vượt quá sự dạy dỗ của Kinh Thánh có thể cũng chỉ là cái cớ để không muốn đối mặt với những hàm ý trong lời dạy của Kinh Thánh. Và tôi e rằng đối với một số người thì đó chính là cớ biện hộ để không muốn đối mặt với lời Kinh Thánh phán dạy về tính không sai lạc của chính Kinh Thánh.

Cớ biện hộ thứ nhì để hạ thấp tầm quan trọng của tính không sai lạc là: vì chúng ta không có bất cứ thủ bản nguyên thủy nào của Kinh Thánh, và vì tính không sai lạc chỉ liên quan đến những bản văn nguyên thủy đó thôi, nên giáo lý tính không sai lạc chỉ là một giáo lý mang tính lý thuyết, do đó là không cần thiết. Chúng ta không có bất cứ thủ bản nguyên thủy nào của Kinh Thánh, và giống như giáo lý về sự soi dẫn, giáo lý về tính không sai lạc cũng chỉ được căn cứ duy cho thủ bản nguyên thủy mà thôi, chứ không cho bất kỳ một bản sao nào. Hai tiền đề trong tuyên bố trên đây là chính xác, nhưng những tiền đề cụ thể đó không hề chứng minh được tính sai lạc là giáo lý không cần thiết.

Hiển nhiên, người ta chỉ có thể khẳng định tính không sai lạc cho những thủ bản nguyên thủy, vì chỉ có chúng mới phát xuất trực tiếp từ Đức Chúa Trời dưới sự soi dẫn. Chẳng hạn, ngay chính bản sao đầu tiên cho một bức thơ của Phaolô thì thực ra vẫn là bản sao, và không phải là nguyên bản do chính Phaolô đích thân viết ra hoặc đọc cho người khác viết ra. Cả sự soi dẫn lẫn tính không sai lạc chỉ đúng cho những thủ bản nguyên thủy. Nhưng liệu người chủ trương Kinh Thánh có lỗi sai có dám tuyên bố sự soi dẫn là giáo lý không cần thiết do dựa vào cơ sở là không có những thủ bản nguyên thủy và không được gán sự soi dẫn cho những bản sao? Tôi không nghĩ như vậy. Như vậy,vì sao họ lại nói như thế về tính không sai lạc?

Một lập luận khác nữa ấy là: tính không sai lạc là một giáo lý mới đây chứ Hội Thánh ngày trước không quan tâm đến; do đó ngày nay chúng ta cũng không cần quan tâm.

Lập luận từ lịch sử Hội Thánh dường như luôn ngóc đầu trổi dậy mỗi khi bàn luận đến một giáo lý nào đó. Nếu giáo lý đã được dạy từ thời cổ, thì xem như trở nên đáng tin hơn. Mặt khác, nếu người ta chưa dạy giáo lý đó mãi cho đến những năm gần đây, thì giáo lý đó đáng nghi ngờ.

Đương nhiên, bản thân lập luận nầy là vô căn cứ rồi. Tính đúng hay sai của bất kỳ giáo lý nào không tùy thuộc vấn đề giáo lý đó đã từng được dạy dỗ trong lịch sử Hội Thánh hay chưa. Tính chân lý của nó chỉ tùy thuộc vào vấn đề giáo lý ấy có được dạy trong Kinh Thánh không. Phải thừa nhận rằng một giáo lý trước đây chưa hề nghe đến thì có thể gây nghi ngờ, nhưng chính Kinh Thánh - chứ không phải lịch sử Hội Thánh - mới là tiêu chuẩn để đánh giá mọi sự dạy dỗ.

Dầu vậy, cớ bào chữa từ lịch sử vẫn khăng khăng bám lấy giáo lý về tính không sai lạc. Người ta nói giáo lý đó mới có gần đây, do đó cuộc tranh luận này phải chấm dứt thôi.

Có người nói tính không sai lạc phát xuất từ B. B. Warfield ở Princeton vào cuối những năm 1800. Người khác tuyên bố chính Turretin, một nhà thần học thuộc giáo hội Lutheran, đã khởi xướng giáo lý đó ngay sau cuộc Cải Chánh.

Thực ra, cả hai nhân vật trên đều không khởi xướng giáo lý đó. Chúng ta tin rằng Đấng Christ, cũng như Sứ Đồ Phaolô đã dạy về tính không sai lạc. Hơn nữa, Augustine, Aquinas, những nhà Cải Chánh, cùng nhiều vĩ nhân khác đã tin điều đó trong suốt lịch sử Hội Thánh. Đương nhiên bằng chứng như thế từ lịch sử không làm cho giáo lý nầy có hiệu lực (sự dạy dỗ của Đấng Christ và sự dạy dỗ của Phaolô thì có, và chúng ta sẽ khảo sát sau), nhưng bằng chứng đó làm mất hiệu lực lời tuyên bố tính không sai lạc là khám phá mới đây.

Ví dụ: Augustine (396-430) đã dạy rõ rằng “những hậu quả tàn khốc nhất chắc chắn giáng xuống khi chúng ta tin trong các sách thiêng liêng nầy (Kinh Thánh) có bất cứ điều gì sai lầm. Nói như vậy có nghĩa những con người đã được dùng để ban Kinh Thánh và được biệt riêng để viết Kinh Thánh cho chúng ta kia chính là những người đã viết ra điều gì đó sai lầm trong những sách nầy. Nếu bạn có lần cho phép chỉ một tuyên bố sai vào trong một đền thánh cao quí đến như thế của thẩm quyền, thì trong các sách nầy sẽ không còn lại một câu đơn nào (khi xem ra khó thực hành hay khó tin) mà người ta không dùng chính quy tắc chết người nầy để giải thích nó như là một câu trong đó trước giả cố tình công bố một điều vốn không đúng” (Epistula, trang 28). Nói theo từ ngữ thời xưa thì đây chính là thuyết domino (lý thuyết cho rằng nếu để cho một hành động hay một biến cố xảy ra thì một loạt hành động hay biến cố tương tự sẽ xảy ra tiếp theo - Tự Điển).

Một lần nữa, Thomas Aquinas (1224-1274) giải thích rõ rằng: “không có một điều sai lầm nào có thể tồn tại bên dưới nghĩa đen của Kinh Thánh” (Summa Theologica, I, 1,10, ad 3). Luther cũng tuyên bố: “Kinh Thánh không hề mắc lỗi sai” (Works of Luther, XV: 1481). John Wesley, nhà sáng lập Hội Giám Lý (Methodism), đã viết rằng: “Quả thật, nếu Kinh Thánh mà có lỗi sai, thì có lẽ có đến cả một ngàn lỗi. Nếu có một sai lầm trong cuốn sách Thánh đó, thì sách Thánh đó đã không đến từ Đức Chúa Trời của lẽ thật” (Journal VI,117).

Vậy, làm sao nói được tính không sai lạc là phát minh mới đây? Nhưng cho dẫu là phát minh mới đây, nó vẫn có thể là một giáo lý chân chính. Chỉ có Kinh Thánh - chứ không phải lịch sử - mới giải thích cho chúng ta biết được.

II. Ý NGHĨA CỦA TÍNH KHÔNG SAI LẠC.

Không có nhiều định nghĩa về tính không sai lạc! Những người tin Kinh Thánh có lỗi sai đã đánh đồng tính vô ngộ với tính không sai lạc, rồi giới hạn phạm vi của nó vào trong những vấn đề của đức tin và sống đạo hoặc vào trong những vấn đề của sự khải thị, hoặc vào sứ điệp sự cứu rỗi. Một ví dụ của trường hợp này: “Kinh Thánh là vô ngộ, theo như cách tôi định nghĩa từ ngữ đó, nhưng không phải là không sai lạc. Điều nầy có nghĩa: có những lỗi sai về lịch sử và khoa học trong Kinh Thánh, nhưng tôi thấy không có lỗi sai nào trong những vấn đề đức tin và nếp sống đạo” (Stephen T. Davis, The Debate about the Bible (Philadelphia: Westminster Press, 1977, trang 115). Ít ra thì đây cũng là một sự phân biệt trung thực giữa tính vô ngộ với tính không sai lạc.

Hiệp Ước Lausanne tuyên bố Kinh Thánh là “không sai lạc trong mọi vấn đề mà Kinh Thánh khẳng định.” Phải thừa nhận cụm từ nầy rất uyển chuyển, vì có thể công nhận có lỗi sai trong những lãnh vực như Cuộc Sáng Thế, là nơi một số nhà giải kinh cho rằng Kinh Thánh không đang khẳng định những sự kiện lịch sử. Cả người tin Kinh Thánh không sai lạc lẫn người tin Kinh Thánh có sai lạc đều có thể tán thành tuyên bố đó.

Giáo Hội Nghị Quốc Tế về Tính Không Sai Lạc của Kinh Thánh đã khẳng định trong tuyên ngôn của hội nghị rằng: “Kinh Thánh không có một lỗi sai hay nhầm lẫn nào trong toàn bộ mọi sự dạy dỗ của Kinh Thánh...” Tiếp theo đó là mười chín điều khoản để mô tả và giải nghĩa thêm cho tính không sai lạc.

Tuyên bố ngắn gọn nầy sẽ chưa thỏa mãn cho người tin Kinh Thánh có lỗi sai. Nếu còn nghi ngờ điều đó, đương nhiên phần giải nghĩa tỉ mỉ gồm mười chín điều khoản này làm cho người tin Kinh Thánh có lỗi sai khỏi đồng ý với tuyên bố nầy luôn.

Tự điển định nghĩa tính không sai lạc là “tình trạng không có lỗi sai.” Hầu hết những định nghĩa về tính không sai lạc đều có chung phần mô tả tiêu cực nầy. Như vậy theo định nghĩa đó, thắc mắc sẽ nảy sinh ấy là: “Cái gì là lỗi sai? Liệu Kinh Thánh có thể dùng những đánh giá phỏng chừng (con số xấp xỉ) mà vẫn không mắc lỗi sai không? Liệu trước giả Tân Ước có thể tự do trích dẫn Cựu Ước rồi tuyên bố rằng phần trích của mình không có lỗi sai không? Liệu một trước giả Kinh Thánh có thể dùng ngôn ngữ của hiện tượng mà không truyền đạt lỗi sai không? Liệu có thể tồn tại những bản ký thuật khác nhau về cùng một sự kiện mà không dính dấp đến lỗi sai không?

Phải thừa nhận rằng dữ liệu của Kinh Thánh thường bao gồm những đánh giá phỏng chừng, những lời trích dẫn tự do, ngôn ngữ của hiện tượng, những bản ký thuật khác nhau về cùng một sự kiện. Dữ liệu đó có thể hỗ trợ định nghĩa về tính không sai lạc là “tình trạng không có lỗi sai” không? Hiển nhiên, dữ liệu và định nghĩa phải hài hòa với nhau nếu đó là một định nghĩa chính xác cho những gì Kinh Thánh dạy về tính không sai lạc của chính Kinh Thánh.

Có lẽ căng thẳng nầy sẽ được xóa bỏ nếu chúng ta định nghĩa tính không sai lạc một cách tích cực - tính không sai lạc của Kinh Thánh có nghĩa đơn giản là Kinh Thánh nói ra những sự thật. Sự thật có thể,và thực sự, bao gồm những đánh giá phỏng chừng, những lời trích dẫn tự do, ngôn ngữ của hiện tượng, và những bản ký thuật khác nhau về cùng một sự kiện miễn không mâu thuẫn nhau. Ví dụ, nếu bạn muốn kể cho nghe tôi một người bạn của bạn có số thu nhập năm ngoái là một trăm ngàn USD, tôi có thể sẽ hỏi lại (nhất là khi tôi chưa hề thấy anh ấy là người giàu): “Anh đang nói thật chứ?” Khi bạn trả lời: “Thật!” thì câu trả lời đó sẽ là một câu trả lời không sai lạc, dầu rằng thu nhập của người kia khi khai trình cho cơ quan IRS là $100,537. Con số xấp xỉ đó sẽ nói lên một sự thật. Hoặc nếu tôi nói: “Mặt trời mọc lên trên trũng Great Canyon là cảnh tượng ngoạn mục nhất tôi từng được thấy trong đời,” câu tuyên bố của tôi với chính cách sử dụng ngôn ngữ của hiện tượng sẽ nói lên sự thật, dầu mặt trời không mọc lên theo nghĩa đen trên trũng Great Canyon.

Có phải Kinh Thánh bảo đừng nói dối không? Đúng vậy, Kinh Thánh bảo đừng nói dối. Đó có phải là một câu tuyên bố đúng không? Đương nhiên, dầu vậy bảo rằng Kinh Thánh nói “Chớ nói dối nhau” thì cũng vẫn đúng. Câu trích dẫn tự do ấy cũng đúng.

Hoặc một trường hợp nữa, vợ tôi kể cho tôi rằng khi nhà tôi xem đổi phiên gác tại Cung Điện Buckingham, một người lính bất tỉnh ngã lăn ra đất. Nhưng báo chí nói cũng trong chính ngày đó, có ba người bất tỉnh. Đó cũng là một bản tường trình đúng sự thật. Nếu vợ tôi nói chỉ duy nhất một người lính bất tỉnh, thì tường trình của nàng sẽ sai. Thực sự có ba người đã bất tỉnh, nhưng nàng chỉ tập trung vào người gần nơi nàng đang đứng nhất. Thậm chí cũng có thể nàng đã nhìn thấy những người kia bất tỉnh, nhưng chỉ đơn giản là không thuật lại chuyện đó. Dầu vậy, câu tuyên bố của nàng vẫn đúng.

Nếu ICo 10:8 nói 23.000 đã ngã chết trong một ngày và Dan 25:9 ghi lại 24.000, nhưng không ghi thêm phần hạn định “trong một ngày,” thì chúng ta hiểu cả hai đều đang kể sự thật (và chắc chắn cả hai con số nầy là những số xấp xỉ của số lượng người đã ngã chết trong một ngày và số lượng thương vong thêm sau đó nữa).

Nếu trước giả Tân Ước trích dẫn tự do từ Cựu Ước, vì ông đang viết dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, phần trích dẫn đó trở thành một phần trong bản văn được soi dẫn và không sai lạc. Đức Thánh Linh, là tác giả của cả Tân Ước và Cựu Ước, đương nhiên có quyền trích dẫn chính Ngài theo ý Ngài muốn, và Ngài dùng những phần trích dẫn đó với những ý nghĩa mà chúng ta - là những người giải kinh không được soi dẫn - sẽ không bao giờ thấy được.

Cách dùng ngôn ngữ của hiện tượng là một cách truyền thông phổ quát, đôi khi còn sinh động hơn cả cách truyền thông của ngôn ngữ khoa học nữa.

Nếu Mác và Luca nói một người mù được sáng mắt ở Giêricô, trong khi Mathiơ tường trình là hai người, thì cả hai lời tuyên bố đó đều đúng miễn Mác và Luca không nói chỉ có duy nhất một người.

Hầu hết những tranh cãi về đúng sai đều đi lạc hướng khi chúng trở nên thiên về triết lý và không còn bám sát thực tế thường ngày nữa. Hầu hết mọi người đều hiểu rõ ràng và dễ dàng rằng những con số phỏng chừng, v.v..., đều nói lên sự thật. Kinh Thánh không sai lạc ở chỗ: Kinh Thánh nói ra sự thật, và nói ra sự thật như vậy mà không mắc lỗi sai trong mọi phần và mọi lời của Kinh Thánh.

Nếu không phải như thế, làm sao Chúa khẳng định rằng người ta sống bởi mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời (Mat 4:4), đặc biệt nếu cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời hà hơi?

III. SỰ NHẬP THỂ VÀ TÍNH KHÔNG SAI LẠC.

Lý luận của một số người vẫn quả quyết rằng bất cứ điều gì dính dáng đến con người thì đều phải chấp nhận khả năng có tội lỗi. Vì thế, trong chừng mực Kinh Thánh là Cuốn Sách vừa của Đức Chúa Trời vừa của con người, thì tồn tại khả năng và thực trạng có lỗi sai.

Chúng ta hãy khảo sát tiền đề nầy. Có phải không thể tránh khỏi tình trạng là hễ có nhân tánh là có dính dáng đến tội lỗi không?

Nếu bạn bị cám dỗ để trả lời khẳng định, thì chắc chắn một ngoại lệ sẽ tức khắc hiện ra trong trí bạn. Tựa đề phần nầy gợi ý cho bạn. Ngoại lệ đó là Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta. Ngài vừa là Đức Chúa Trời, vừa là con người, thế nhưng nhân tánh của Ngài không bao hàm tội lỗi. Vậy, Ngài trở thành ví dụ rõ ràng về ngoại lệ cho phép lập luận trên của những người tin Kinh Thánh có lỗi sai.

Giáo lý chân chính về Đấng vừa là Đức Chúa Trời vừa là Con Người phát biểu rằng Ngài có trọn vẹn thần tánh trọn lành và nhân tánh trọn lành, và những bản tánh nầy được hiệp nhất trong một Ngôi Vị đời đời. Thần tánh của Ngài không hề bị giảm trong bất cứ chi tiết nào; nhân tánh Ngài tuyệt đối không hề nhuốm tội lỗi hay không có thực, nhưng là nhân tánh vô tội; và trong một Ngôi Vị của Ngài, các bản tánh của Ngài không hề trộn lẫn, không thay đổi, không phân chia cũng không phân ly.

Tương tự, Kinh Thánh là Cuốn Sách vừa của Đức Chúa Trời, vừa của con người. Dầu Kinh Thánh xuất phát từ Đức Chúa Trời, nhưng thực sự do con người viết ra. Đó là Lời Đức Chúa Trời, được truyền đạt thông qua Đức Thánh Linh. Con người tội lỗi đã viết ra Lời đó, nhưng đã viết ra mà không mắc một lỗi sai nào. Trong sự nhập thể, Đấng Christ đã mang lấy nhân tánh mà tuyệt đối không hề nhuốm tội lỗi thế nào, thì việc trước tác Kinh Thánh cũng không nhuốm bất cứ lỗi sai nào thể ấy.

Tôi xin đưa phép so sánh này tiến xa hơn nữa.Trong nhân tánh của Chúa Jesus Christ, có một số đặc điểm mà không phải do tùy ý chọn. Ngài phải là một người Do thái. Ngài không thể là một người ngoại bang. Ngài phải là người nam, chứ không là người nữ. Ngài phải vô tội, chứ không có tội. Nhưng có một số đặc trưng của nhân tánh vô tội mà có thể gọi là mang tính tùy ý chọn. Hẳn Chúa Jesus đã có thể có nhân tánh trọn lành trong vài phân thay đổi chiều cao ở tuổi trưởng thành, dầu vậy một người lùn hoặc một người khổng lồ nào đó ắt hẳn sẽ không trọn lành. Có lẽ Ngài đã thay đổi cân nặng đôi chút ở tuổi trưởng thành mà Ngài vẫn trọn lành. Chắc chắn số lượng sợi tóc trong giới hạn trên đầu Ngài hẳn có thể là một tùy chọn vô tội. Tuy nhiên sự thực là nhân tánh Ngài thể hiện ra chính là nhân tánh trọn lành.

Những trước giả Kinh Thánh không thụ động. Họ đã viết ra khi được Đức Thánh Linh cảm động, và trong những tác phẩm đó có một số điều mà không thể nào nói khác hơn thế được. Phaolô đã khăng khăng dạng số ít chứ không dùng dạng số nhiều trong Ga 3:16. Nhưng có thể nhận thấy rằng có một số tùy chọn vô tội nào đó như trong câu tuyên bố đầy tình cảm của Phaolô trong Ro 9:1-3. Tuy nhiên, Kinh Thánh chúng ta đang có thực sự chính là bản ký thuật hoàn hảo sứ điệp của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.

Mọi người đều vật lộn với mối tương quan giữa quyền tác giả Kinh Thánh của Đức Chúa Trời và của con người. Sự thực là không được phép nhấn mạnh yếu tố thiên thượng đến nỗi loại bỏ yếu tố con người, và cũng không được phép để cho yếu tố con người mang tính người nhiều đến nỗi cho phép có lỗi sai trong bản văn Kinh Thánh.

Một điều tương tự đã xảy ra liên quan đến thân vị của Đấng Christ ở những thế kỷ đầu trong lịch sử hội thánh. Hình Như Thuyết (Docetism), tà giáo ở thế kỷ thứ nhất, dạy rằng Đấng Christ đã không thực sự trở nên xác thịt, nhưng chỉ hiện ra như một con người, và như thế đã tước mất đi nhân tánh đích thực của Ngài. Đương nhiên, Hình Như Thuyết là một sai lạc về Cơ Đốc Luận, nhưng bạn có thể thấy sự so sánh tương tự trong vấn đề về quyền tác giả kép của Kinh Thánh. Người cho rằng có lỗi sai trong Kinh Thánh thì nói tính không sai lạc nhấn mạnh quá đáng vào quyền tác giả thiên thượng, đến nỗi bỏ qua “tính con người” trong đó. Như thế, việc Đức Chúa Trời giám sát Kinh Thánh đến mức độ viết ra một cuốn Kinh Thánh không có lỗi sai được gọi là quan điểm Hình Như Thuyết về sự soi dẫn. Karl Barth đã lên án như vậy, và mới đây hơn,nhà thần học Hàlan là Berkhouwer và giáo sư Paul Jewett ở chủng viện Fuller cũng lên án như vậy.

Nhưng nếu đúng (mà thật ra là không đúng) là người tin Kinh Thánh hoàn toàn không sai lạc đang đề xướng một tà giáo giống Hình Như Thuyết, thì cũng đúng y như vậy là người tin vào bất cứ hình thức nào của thuyết cho Kinh Thánh có lỗi sai đang ủng hộ một giáo lý tương tự tà giáo Ebionism.

Trong thế kỷ thứ nhì, người theo tà giáo Ebionism phủ nhận thần tánh của Đấng Christ, bằng cách phủ nhận sự giáng sinh bởi nữ đồng trinh và sự hiện hữu từ trước của Đấng Christ. Họ xem Jesus là con trai theo công lệ thiên nhiên của Giôsép và Mari, và được chọn làm Con Đức Chúa Trời tại lúc chịu phép báptêm, chứ không phải Con Đời Đời của Đức Chúa Trời. Họ nghĩ Chúa Jesus là một đại tiên tri và cao trọng hơn các thiên sứ trưởng, nhưng không phải là Đức Chúa Trời.

Như vậy, nếu tính không sai lạc bị xem như là tà giáo như kiểu Hình Như Thuyết, thì tính có sai lạc, dù là sai hữu hạn, vẫn hiển nhiên là tà giáo giống Ebionism, vì cớ phần nhân tánh của Kinh Thánh phải cho phép có lỗi sai trong Kinh Thánh. Theo quan điểm Kinh Thánh có lỗi sai, vì con người bằng xương bằng thịt có can dự vào, nên không thể bảo đảm những tác phẩm của họ là không mắc lỗi sai, cho dầu Đức Thánh Linh đã hướng dẫn và soi dẫn họ. Đó là một sai lầm giống như kiểu Ebionitism.

Có giáo lý chánh thống về thân vị của Đấng Christ và có giáo lý chánh thống về Kinh Thánh. Cả hai đều có sự dự phần của Đức Chúa Trời và của con người, và cả hai đều đem lại một sản phẩm vô tội.