Đương nhiên, không phải mọi người đều hiểu giáo lý Kinh Thánh về sự soi dẫn đúng như được diễn tả trong chương trước. Năm tháng trôi qua, người ta đã nêu biết bao kiến thức khác về bằng chứng nầy. Một số đã có từ lâu, một số mới mẻ hơn. Nhưng theo tôi, mọi hiểu biết đó đều khiếm khuyết.

I. SỰ SOI DẪN TỰ NHIÊN

Quan điểm nầy xem các trước giả Kinh Thánh là những thiên tài vĩ đại, không cần bất cứ trợ giúp siêu nhiên nào khi viết ra Kinh Thánh. Một số ý bổ sung cho quan điểm nầy như sau: (1) Chính các trước giả tự ý thức được mình đã biết điều gì; Đức Chúa Trời đã không hà hơi ra các từ ngữ. (2) Kiểu soi dẫn nầy có thể áp dụng cho các sách khác với Kinh Thánh. “Nhưng tuyến phân ranh giới giữa nó [Kinh Thánh và các tác phẩm tôn giáo khác... là không sắc nét và chung quyết đủ để xác lập sự khác biệt định tính giữa mọi tác phẩm khác với mỗi phần của các sách Kinh Thánh trong bộ kinh điển” (Cecil J.Cadoux, A Pilgrim's Further Progress (London: Religious Book Club, 1945 trang 11)]. (3) Nếu đây là quan điểm đúng về sự soi dẫn, thì vì sao những thiên tài ngày nay không thể viết ra những tác phẩm được soi dẫn y như các sách của Kinh Thánh? (4) Một quan điểm về sự soi dẫn như thế đương nhiên không bao gồm tính vô ngộ của tác phẩm đó.

II. SỰ SOI DẪN ĐỘNG LỰC HAY SOI DẪN THẦN BÍ.

Quan điểm nầy tiến xa hơn sự soi dẫn tự nhiên một bước, vì xem các trước giả còn trổi hơn các thiên tài tự nhiên ở chỗ họ cũng được Đức Thánh Linh đầy dẫy và dẫn dắt. “Sự soi dẫn các sách trong Kinh Thánh đối với chúng ta không hàm ý chúng được sáng tác hay được viết ra theo bất cứ cách nào nói chung là khác với sự cảm hứng để viết ra những tác phẩm Cơ đốc vĩ đại khác.... Có phạm vi rất rộng cho văn phẩm Cơ đốc từ thế kỷ thứ năm đến thế kỷ thứ hai mươi mà người ta có thể mô tả thích đáng là được soi dẫn bởi Đức Thánh Linh theo chính xác ý nghĩa chính thức của việc soi dẫn các sách trong Kinh Thánh” (Alan Richardsol, Christian Apologetics (New York: Harper, 1948, trang 207). Như vậy: (a) Những tác phẩm Cơ đốc khác được soi dẫn giống y như Kinh Thánh; (b) Các sách trong Kinh Thánh không có tính vô ngộ dầu vậy (c) chúng đại diện văn chương tôn giáo tuyệt vời mà có lẽ còn chứa các sứ điệp đến từ Đức Chúa Trời.

III. SỰ SOI DẪN CÓ MỨC ĐỘ.

Sự soi dẫn có mức độ nói rằng trong cuốn Kinh Thánh được soi dẫn, có những phần được soi dẫn nhiều hơn phần khác. Toàn bộ Kinh Thánh được soi dẫn, nhưng không cùng mức độ như nhau. “Bên trong một chức năng vĩ đại nầy của sự soi dẫn có sự đa dạng đáng kể. Sự soi dẫn Êsai hay soi dẫn Phaolô là khác với sự soi dẫn trước giả sách Châm Ngôn hay sự soi dẫn những nhà biên niên sử đã viết ra các sách Sử Ký” (Marcus Dods, The Bible (New York: Scribners, 1905, trang 127). Tôi nghĩ quan điểm nầy ngày nay đã bị thay thế bởi quan điểm sự soi dẫn một phần. Thực ra, sự soi dẫn có mức độ lẫn lộn giữa ý kiến bất hợp lý cho rằng có nhiều mức độ soi dẫn với sự công nhận hợp lý về tính thích ứng đa dạng của nhiều phần khác nhau trong một cuốn Kinh Thánh được soi dẫn trọn vẹn.

IV. SỰ SOI DẪN MỘT PHẦN.

Khái niệm nầy dạy rằng có một số phần của Kinh Thánh được soi dẫn, còn một số phần khác thì không. Ngược lại, sự soi dẫn có mức độ nói rằng cả Kinh Thánh đều được soi dẫn, nhưng một số phần nầy thì được soi dẫn nhiều hơn những phần kia. Sự soi dẫn một phần dạy rằng thực ra một số phần nào đó không hề được soi dẫn gì cả. Thông thường, những phần được soi dẫn là những phần truyền đạt thông tin mà nếu không được soi dẫn thì người ta không thể hiểu được (giống như các câu chuyện trong Cuộc Sáng Tạo hoặc những lời tiên tri). Mặt khác, những phần về lịch sử, là phần mà người ta có thể biết nhờ những văn kiện đương thời, thì không cần được soi dẫn.

Lối diễn tả đương đại của quan điểm soi dẫn một phần nầy dạy rằng: Kinh Thánh được soi dẫn trong mục đích của Kinh Thánh. Điều nầy có nghĩa chúng ta có thể tin cậy Kinh Thánh khi Kinh Thánh cho chúng ta biết về sự cứu rỗi, nhưng có thể cho rằng các lỗi sai đã len vào trong các phần khác. Phần nào của Kinh Thánh có mục đích khiến chúng ta khôn ngoan để được cứu rỗi, thì phần Kinh Thánh đó được soi dẫn; nhưng trong những phần khác thì không bắt buộc phải cần được soi dẫn. Sau đây là một ví dụ: “Tôi tuyên xưng tính vô ngộ và tính không sai lạc của Kinh Thánh để hoàn tất các mục đích của Đức Chúa Trời dành cho Kinh Thánh - tức là ban cho con người khải thị về Đức Chúa Trời trong tình yêu cứu chuộc của Ngài thông qua Đức Chúa Jesus Christ” (Ray Summers, “How God Said It,” Baptist Standard, Dallas, Texas, ngày 4 tháng Hai, năm 1970). Nói cách khác, ý định của Kinh Thánh được soi dẫn (bày tỏ cho con người cách để được cứu), nhưng không soi dẫn cho toàn bộ nội dung.

Nhưng chẳng phải sự dạy dỗ của Kinh Thánh về sự cứu rỗi đã được căn cứ trên các sự kiện lịch sử đó sao? Giả dụ những sự kiện đó không chính xác thì sao? Thế thì hiểu biết của chúng ta về sự cứu rỗi cũng có thể sai lầm. Bạn không thể tách lịch sử ra khỏi giáo lý để rồi công nhận có các lỗi sai (bất luận ít đến mức nào đi nữa) trong những câu chuyện lịch sử mà đồng thời vẫn biết chắc chắn những phần về giáo lý là đúng sự thật được.

V. SỰ SOI DẪN KHÁI NIỆM.

Có người sẵn lòng công nhận chính các khái niệm của Kinh Thánh được soi dẫn, nhưng các lời, chữ thì không được soi dẫn. Điều nầy xem như công nhận đã có ban một sứ điệp có thẩm quyền về khái niệm, nhưng dùng những lời những chữ mà chúng có thể mắc lỗi sai trong một số trường hợp nào đó. Lập luận sai lạc hiển nhiên trong quan điểm nầy ấy là: các khái niệm được diễn tả bằng cách nào? Thông qua các lời và chữ. Thay đổi lời, chữ, tức đã đổi các khái niệm. Bạn không thể tách rời hai điều đó. Để khái niệm được soi dẫn, bắt buộc những lời dùng diễn tả chúng cũng phải được soi dẫn nữa. Có người dường như chấp nhận quan điểm sự soi dẫn khái niệm để phản đối lối châm biếm thuyết soi dẫn từng lời là đọc cho viết. Đối với họ, nếu sự soi dẫn mở rộng đến từng lời,thì Đức Chúa Trời chắc chắn phải đọc những lời đó cho người ta viết. Để tránh kết luận đó, họ tin rằng Đức Chúa Trời chỉ soi dẫn các khái niệm; các trước giả chọn lời, và không nhất thiết phải luôn luôn chính xác. Nhưng các khái niệm trong ý định của Đức Chúa Trời bằng cách nào đó đã đến với chúng ta bình an vô sự.

VI. SỰ SOI DẪN THEO THUYẾT CỦA BARTH

Karl Barth (1886 - 1968), tuy là một trong số những nhà thần học có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử cận đại, lại là người giữ quan điểm khiếm khuyết và nguy hiểm về sự soi dẫn, một quan điểm mà rất nhiều người hiện vẫn tiếp tục truyền bá. Những người theo thuyết của Barth nói chung công khai hậu thuẫn trường phái phê bình Kinh Thánh của thần học tự do. Tuy nhiên họ thường rao giảng giống như người Tin Lành thuần túy. Điều nầy khiến thần học của Barth nguy hiểm hơn thần học tự do thẳng thừng.

Đối với phái của Barth, sự khải thị tập trung vào Đức Chúa Jesus Christ. Nếu Ngài là trung tâm của vòng tròn khải thị,thì Kinh Thánh đứng trên đường chu vi của vòng tròn đó. Đức Chúa Jesus Christ là Ngôi Lời (và quả nhiên Ngài là Ngôi Lời); nhưng Kinh Thánh là một lời chứng về Ngôi Lời, tức Đấng Christ. Lời chứng của Kinh Thánh cho Ngôi Lời là không ngang hàng nhau; có nghĩa là một số phần nào đó của Kinh Thánh sẽ là lời chứng quan trọng hơn các phần khác. Những phần quan trọng chính là những phần làm chứng về Đấng Christ. Dầu vậy, những phần như thế tuy quan trọng, nhưng không nhất thiết là chính xác. Thực ra, phái của Barth giữ theo các kết luận của thần học tự do đối với các sách Tin Lành, là những kết luận dạy rằng có nhiều lỗi sai trong các bản ký thuật đó.

Phái của Barth lên án người Tin Lành thuần túy đã giữ quan điểm sự soi dẫn đọc cho viết. Các trước giả Kinh Thánh là những chiếc máy chữ để Đức Chúa Trời đánh máy ra sứ điệp của Ngài. Đương nhiên, đây không phải quan điểm chánh thống về sự soi dẫn.

Để giải thích ý nghĩa của IITi 3:14-17 và IIPhi 1:21, Barth nhấn mạnh cả hai phân đoạn đều không tạo cơ hội nào để cho rằng các trước giả đã có những từng trải đặc biệt. Ông cho rằng phải hiểu sự soi dẫn là “hành động của sự khải thị để nhờ đó các tiên tri và các sứ đồ hồi ấy trong con người phàm nhân của họ đã trở thành người như vậy, và duy chỉ trong hành động khải thị đó, thì hiện nay họ trong con người phàm nhân của họ cũng có thể trở thành người như vậy cho chúng ta.” (Church Dogmatics, I, 2,563). Bất luận lời tuyên bố như thế mang ý nghĩa gì đi nữa, thì rõ ràng cũng thực sự nói rằng bản văn Kinh Thánh là sản phẩm của con người đầy dẫy những lỗi sai, nhưng sản phẩm đó có thể thành Lời Đức Chúa Trời khi nó chế ngự chúng ta.

Cụm từ “khi nó chế ngự chúng ta” nhắc chúng ta nhớ đến phương diện hiện sinh trong khái niệm của Barth về sự soi dẫn. Kinh Thánh trở thành Lời Đức Chúa Trời khi Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, tức Đấng Christ, phán với chúng ta qua các trang Kinh Thánh. Giống như sự khải thị, sự soi dẫn nhấn mạnh đến sự gặp gỡ chủ quan và hiện sinh. (Xem Dewey M. Beegle,The Inspiration of Scripture [Philadelphia: Westminster Press, 1963], trang 126-131.)

Liệu một cuốn Kinh Thánh như thế có được thẩm quyền nào không? Phái của Barth tuyên bố là có. Thẩm quyền của nó nằm ở trong sự gặp gỡ của đức tin với Đấng Christ của Kinh Thánh. Vì Kinh Thánh chỉ đến Đấng Christ, nên Kinh Thánh có thẩm quyền mang tính phương tiện, chứ không phải có thẩm quyền cố hữu. Và những phần Kinh Thánh nào nói đến Đấng Christ thì có thẩm quyền nhiều hơn những phần không nói đến Đấng Christ. Tuy nhiên tất cả các phần nầy đều có lỗi sai.

Tóm tắt: Thuyết của Barth dạy rằng Kinh Thánh chỉ hướng đến Đấng Christ là Ngôi Lời. Nhưng trong thực tế, chúng ta không biết chút gì về Đấng Christ nếu không có Kinh Thánh. Không phải là chúng ta đã có khái niệm rõ ràng về Đấng Christ trước rồi, để bởi đó có thể kiểm nghiệm tính chính xác của Kinh Thánh, là bảng chỉ đường. Kinh Thánh thực sự là người họa sĩ vẽ về Đấng Christ; nói vậy có nghĩa là những gì chúng ta biết gì về Đấng Christ thì đều ra từ Kinh Thánh. Vì thế, nếu Kinh Thánh có lỗi sai trong đó thì bức chân dung của Đấng Christ chắc chắn có lỗi sai. Và rõ ràng như vậy thì Kinh Thánh của Barth có lỗi sai trong đó.

Những điểm tinh tế của rất nhiều thể loại sự lìa bỏ khác nhau nầy khiến bắt buộc phải nghe và đọc cẩn thận điều người ta nói và viết về sự soi dẫn. Từ ngữ có thể mang vẻ chánh thống, nhưng có thể chúng chỉ là lớp vỏ che đậy quan điểm rất khiếm khuyết về sự soi dẫn. Dữ liệu của Kinh Thánh đem đến cho chúng ta giáo lý đúng. Mọi sự đều phải được kiểm nghiệm theo những dữ liệu nầy.