Dầu nhiều người theo nhiều quan điểm thần học khác nhau sẽ sẵn sàng nói Kinh Thánh được soi dẫn (hay còn gọi là sự linh cảm, sự hà hơi), nhưng người ta thấy ít có sự đồng nhất về điều được gọi là sự soi dẫn. Có người tập trung sự soi dẫn vào cho những trước giả; người khác tập trung vào các tác phẩm; lại có người khác qui cho người đọc. Có người liên hệ sự soi dẫn với sứ điệp tổng quát của Thánh Kinh; một số khác thì liên hệ với các tư tưởng; lại có người khác nữa liên hệ đến những từ ngữ. Một số bao gồm cả tính không sai lầm, nhiều người khác lại không.

Những sự khác biệt nầy đòi phải có tính chính xác khi phát biểu giáo lý Thánh Kinh. Trước đây, toàn bộ điều cần thiết để xác nhận niềm tin nơi sự soi dẫn trọn vẹn là câu tuyên bố: “Tôi tin nơi sự soi dẫn Kinh Thánh.” Nhưng khi một số người không mở rộng sự soi dẫn đến những từ ngữ trong bản văn Kinh Thánh, thì câu tuyên bố đó cần phải phát biểu: “Tôi tin nơi sự soi dẫn theo từng lời của Kinh Thánh.” Để đối phó sự dạy dỗ cho rằng không phải mọi phần của Thánh Kinh đều được thần cảm, người ta phải nói: “Tôi tin nơi sự soi dẫn từng lời và toàn phần của Kinh Thánh.” Sau đó vì có người không muốn kể Kinh Thánh là chính xác hoàn toàn, nên cần phải nói: “Tôi tin nơi sự soi dẫn từng chữ, toàn thể, chính xác, không sai lầm của Kinh Thánh.” Nhưng rồi “vô ngộ” và “không sai lầm” bắt đầu bị giới hạn vào chỉ những vấn đề đức tin thôi chứ không phải bao gồm tất cả mọi điều Kinh Thánh ghi lại (gồm có những sự kiện lịch sử, các bảng gia phổ, những phần ký thuật về Cuộc Sáng Thế,v.v...), nên cần phải thêm khái niệm về “tính không sai lạc vô giới hạn.” Mỗi sự bổ sung thêm vào câu tuyên bố căn bản đều là do đã có một sự dạy dỗ sai lầm.

I. NHỮNG DỮ LIỆU THÁNH KINH VỀ SỰ SOI DẪN

Giáo lý về sự soi dẫn không phải do các nhà thần học áp đặt cho Kinh Thánh. Trái lại, đây là sự dạy dỗ của chính Thánh Kinh, một kết luận ra từ những dữ liệu trong Kinh Thánh. Và dẫu người ta có nghĩ gì về Kinh Thánh đi nữa, thì Kinh Thánh - cũng giống như mọi nhân chứng khác - có quyền tự làm chứng cho chính mình. Có người phản đối giá trị hiệu lực của chứng cứ như thế dựa trên cơ sở đấy là lời tự làm chứng nên do đó có thể không đúng. Đương nhiên, lời tự làm chứng có thể đúng cũng có thể không đúng,nhưng cần lắng nghe lời tự làm chứng ấy trước đã.

Đây là những dữ liệu thích ứng do Kinh Thánh trình bày và buộc chúng ta phải đối diện.

A. IITi-mô-thê 3:16

Trong câu Kinh Thánh nầy Sứ đồ Phaolô tuyên bố cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn và có ích cho thật nhiều điều. Lưu ý ba lời xác nhận quan trọng trong câu nói nầy.

1. Cả Kinh Thánh, tức toàn bộ Kinh Thánh, đều được soi dẫn và có ích.

Đây là phạm vi của sự soi dẫn. Kinh Thánh Tân Ước dùng từ ngữ “Kinh Thánh” nầy 51 lần và luôn luôn nói đến một phần nào đó của Kinh Thánh. Đôi khi nói đến toàn bộ Cựu Ước (Lu 24:45; Gi 10:35); đôi khi nói đến một khúc Kinh Thánh Cựu Ước nào đó (Lu 4:21); đôi khi nói đến một phân đoạn lớn Tân Ước nào đó (ITi 5:18); và đôi khi nói đến một phần lớn hơn thuộc Tân Ước (IIPhi 3:16, nhắc đến những bài viết của Sứ đồ Phaolô).

Hai phần Kinh Thánh sau cùng nầy, là ITi 5:18 và IIPhi 3:16, hết sức quan trọng. Trong ITi 5:18, Phaolô kết hợp một phần Cựu Ước và Tân Ước rồi gọi cả hai phần là Kinh Thánh. Phần trích Cựu Ước là ở Phu 25:4 và phần trích Tân Ước là ở Lu 10:7 (dầu ý đó được tìm thấy ở Le 19:13 và Phu 24:15, nhưng rõ ràng Luca không trích câu nào; thật ra, điều nhấn mạnh trong Lêvi Ký 19 và Phục Truyền 24 chính là không giữ lại tiền công qua đêm). Nối kết một phần trích trong Luca với một phần trích trong Cựu Ước kinh điển là việc làm rất có ý nghĩa. Cũng nên nhớ có lẽ chỉ mới trải qua năm hay sáu năm giữa lúc viết sách Luca và thư ITimôthê.

Trong IIPhi 3:16, Phierơ gọi những thư tín của Phaolô là Kinh Thánh, cho thấy chúng và thẩm quyền của chúng được công nhận từ sớm. Dầu đúng là không phải toàn bộ Tân Ước đã viết xong khi Phaolô viết IITi 3:16 (IIPhierơ, Hêbơrơ., Giuđe và toàn bộ tác phẩm của Giăng vẫn chưa được viết ra), tuy nhiên, vì cuối cùng những sách đó đã được công nhận là thuộc về bộ kinh điển Thánh Kinh, nên chúng ta có thể kết luận IITi 3:16 bao gồm tất cả sáu mươi sáu sách như chúng ta biết ngày nay. Không có sách nào hay phần nào bị loại trừ; cả Kinh Thánh đều được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời.

Hầu hết mọi người không phủ nhận IITi 3:16 bao gồm tất cả các sách thuộc kinh điển. Những người muốn cố giảm lượng Thánh Kinh được đưa vào trong câu Kinh Thánh nầy thì họ giảm bằng cách dịch câu nầy như sau: “Toàn bộ phần Thánh Kinh nào được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời thì cũng có ích” (thay vì nói “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho..."). Nói cách khác, bất cứ phần Kinh Thánh nào được soi dẫn thì đều có ích, nhưng những phần còn lại không được soi dẫn thì chúng không có ích.Cách dịch đó nói lên rằng chỉ có một phần Kinh Thánh được soi dẫn.

Có thể dịch như thế, nhưng không bắt buộc phải dịch như vậy. Thực ra lối dịch nào cũng có thể tuyên bố là mình dịch chính xác. Cả hai cách dịch (trong bản Anh Ngữ) đều phải thêm chữ “is” bởi vì nó không xuất hiện trong nguyên ngữ. Vấn đề trở thành câu hỏi: thêm chữ “is” chỉ một lần hay hai lần ("Every Scripture inspired by God is also profitable - Mỗi câu Kinh Thánh nào do Đức Chúa Trời soi dẫn thì cũng có ích” hoặc “All scriptures is inspired by God and is profitable" - “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn và (cả Kinh Thánh có ích”). Phần được ưa thích hơn là lối dịch thứ hai vì ba lý do. Trước hết, bằng cách thêm hai lần chữ “is,” cả hai tính từ ("soi dẫn” và “có ích") đều được hiểu theo cùng một cách, như những tính từ vị ngữ, và như vậy tự nhiên hơn. Thứ nhì, dù từ nối có thể được dịch là “cũng” nhưng thường xuyên hơn được hiểu là “và.” Thứ ba, một cấu trúc tương tự xuất hiện trong ITi 4:4, nơi mà cả hai tính từ đều rõ ràng là tính từ vị ngữ.Như vậy, lối dịch được ưa thích hơn này đã làm sáng tỏ rất rõ là toàn bộ Kinh Thánh đều được soi dẫn.

2. Toàn bộ Thánh Kinh đều được Đức Chúa Trời Hà Hơi.

Lời tuyên bố nầy diễn tả phương tiện của sự soi dẫn. Thể văn ở đây là thể thụ động, có nghĩa Kinh Thánh là kết quả hơi thở của Đức Chúa Trời. Ngược lại, nếu văn thể là chủ động, thì nó sẽ có nghĩa là Thánh Kinh toát ra hoặc nói về Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, điều đó đúng nhưng không phải là điều Phaolô nói trong câu nầy. Từ “soi dẫn” trong Anh ngữ chúng ta (“inspire”) mang ý nghĩa thổi hơi thở vào một cái gì. Nhưng từ nầy nói cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời thở ra điều gì đó, tức là Kinh Thánh. Thật vậy, những trước giả loài người viết các bản văn, nhưng Thánh Kinh được hình thành như một hành động của Đức Chúa Trời là Đấng đã thở nó ra.

3. Toàn bộ Thánh Kinh đều có ích.

Lời tuyên bố nầy bày tỏ mục đích của sự soi dẫn. Lợi ích của Kinh Thánh cốt ở trong sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, phục hồi và huấn luyện trong sự công chính, hầu cho tín hữu có thể được làm cho thích hợp, có khả năng hoặc thành thạo và được trang bị hoàn hảo trong mọi lãnh vực của bản thể người ấy. Kinh Thánh không phải dành để trưng bày trong viện bảo tàng cho người ta chiêm ngưỡng; trái lại, Kinh Thánh phải được dùng trong cuộc sống của chúng ta.

Tóm lại, gộp chung ba ý tưởng của IITi 3:16 lại với nhau, câu Kinh Thánh nầy dạy rằng toàn thể Kinh Thánh đã đến từ Đức Chúa Trời để chỉ cho chúng ta cách sống.

B. IIPhi 1:21

Nội một câu Kinh Thánh nầy thôi đã cho chúng ta biết bao nhiêu điều về cách Đức Chúa Trời dùng những trước giả con người để viết ra Kinh Thánh. Đức Thánh Linh đã di chuyển họ hoặc mang họ đi theo. Việc dùng cùng một động từ trong Cong 27:15 soi sáng cho chúng hiểu ý nghĩa của việc “mang đi” hoặc “di chuyển” những người viết Kinh Thánh. Ngay trước khi con thuyền đưa Phaolô đến Rôma bị đắm ở đảo Mantơ, thì nó bị mắc vào trận bão dữ dội. Dù dày dạn kinh nghiệm, các thủy thủ vẫn không thể điều khiển con thuyền, nên cuối cùng họ đành để gió muốn thổi thuyền đi đâu thì thổi. Theo cùng một cách như con thuyền đã bị cuốn đi, bị dẫn đi, hoặc bị gió mang đi, Đức Chúa Trời dẫn và di chuyển các trước giả đã được Ngài dùng để viết nên các sách trong Kinh Thánh. Dù gió là một sức lực mạnh mẽ đưa con thuyền đi, các thủy thủ đã không buồn ngủ và bất động. Tương tự như vậy, Đức Thánh Linh đã là sức mạnh dẫn đường để chỉ phương hướng cho những người viết Kinh Thánh, tuy vậy họ vẫn đóng vai trò chủ động của mình trong việc viết Kinh Thánh.

Nhưng câu Kinh Thánh nầy cũng nêu lên một điểm quan trọng khác. Nó tuyên bố rằng ý chí của con người đã không điều khiển việc viết Kinh Thánh. Cùng một động từ này, “di chuyển” hay “mang đi” cũng xuất hiện ở phần cuối câu. Vậy, lời tiên tri đã không được mang đi bởi ý người. Đức Thánh Linh đã thực sự mang đi, chứ không phải ý người ta. Lời tuyên bố này có ảnh hưởng quan trọng đến tính không sai lạc của Kinh Thánh. Ý của con người, gồm cả ý muốn phạm lỗi sai, đã không đem Thánh Kinh đi. Hơn nữa, Đức Thánh Linh - Đấng không thể sai lầm - chính là Đấng đã đem Thánh Kinh đến cho chúng ta. Thật vậy, các trước giả đã chủ động khi viết, nhưng điều họ viết ra đã được hướng dẫn, không bởi ý riêng của họ với khả năng có thể mắc sai lầm, mà là bởi Đức Thánh Linh, Đấng chân thật và không thể sai lầm.

Khi giải nghĩa IIPhi 1:21, B. B. Warfield nhấn mạnh điểm nầy: “Trong câu nói chính xác và hàm súc phi thường nầy, có rất nhiều điều phải được xem xét cẩn thận. Trước hết, có sự phủ nhận dứt khoát rằng lời tiên tri - tức là Kinh Thánh trong giả thuyết chúng ta đang xem xét - bắt nguồn từ sáng kiến con người: 'Chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra' - bản English Version dịch là 'mà đến,’ còn bản Revised Version dịch là 'mà được mang đến.’ Như vậy, có lời khẳng định mạnh mẽ y như vậy rằng nguồn gốc lời tiên tri ấy ở nơi Đức Chúa Trời: lời tiên tri được người ta nói ra, thật vậy, nhưng những người nói ra là 'đã nói bởi Đức Chúa Trời.’ Và một mệnh đề đáng chú ý được thêm vào đây, và đặt ở phần trước câu để điểm nhấn mạnh sẽ rơi vào đúng chỗ nó, cho chúng ta biết làm cách nào mà những con người khi nói ra thì phải nói không ra từ chính mình, nhưng phải nói ra bởi Đức Chúa Trời: điều đó đã 'được mang đi’ - cũng chính là chữ 'mà được mang đến’ đã nói ở trên, và có lẽ được dịch là 'mang đến’ ở đây - bởi Đức Thánh Linh để họ nói ra. Khi nói ra như vậy dưới ảnh hưởng quyết định của Thánh Linh, những điều họ nói đã không ra từ chính họ, mà đến từ Đức Chúa Trời” (Sự Soi Dẫn Và Thẩm Quyền Của Kinh Thánh (Philadelphia:Presbyterian and Reformed, 1948, trang 136).

Tóm lại: IIPhi 1:21 nói rằng Đức Chúa Trời đã sử dụng con người và đã ban cho chúng ta một cuốn Kinh Thánh hoàn toàn đúng.

C. ICor 2:13

Ở đây Phaolô nói rõ sự mặc khải của Đức Chúa Trời đã đến với chúng ta bằng từ ngữ. Điều nầy ngược lại với luận điểm của một số người cho rằng sự soi dẫn chỉ liên hệ đến những tư tưởng mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết, chứ không liên quan đến những từ ngữ dùng để diễn tả những tư tưởng nầy. Giữ một quan điểm như thế giúp người ta khỏi phải tin vào tính không sai lầm của bản văn, vì cho rằng mình có thể có những ý tưởng chính xác (của Đức Chúa Trời) được truyền đạt qua những từ ngữ sai lầm (của con người). Nhưng Phaolô nhấn mạnh rằng sứ điệp của Đức Chúa Trời đến trong từ ngữ của bản văn Kinh Thánh.

Sự kiện Phaolô nói ông đã nói bằng lời không có nghĩa ông không đang nói đến các tác phẩm mình viết. Lưu ý Phierơ bảo rằng Phaolô “nói” trong những thư tín của ông (IIPhi 3:16). Cho nên “nói bằng lời nói” đương nhiên có thể chỉ về những thư tín của Phaolô viết ra.

Tóm lại: câu nầy dạy rằng những từ ngữ thực sự của Thánh Kinh đều được soi dẫn.

D. Nhóm Dữ Liệu

Những dữ liệu nầy chỉ ra một số tư liệu đa dạng mà Đức Chúa Trời đã cảm động người viết đưa vào trong Kinh Thánh.

1. Tư liệu đã đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời.

Hai bảng đá viết Mười Điều Răn trên đó đã đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời (Phu 9:10).

2. Tư liệu do nghiên cứu.

Dầu một số phần của Kinh Thánh được viết trực tiếp (như một số thư của Phaolô), có phần đã được nghiên cứu trước khi viết ra. Phúc âm Luca là ví dụ điển hình (Lu 1:1-4). Luca không phải là người tận mắt chứng kiến các sự việc trong cuộc đời Đấng Christ. Vì vậy, hoặc lẽ Đức Chúa Trời phải ban mặc khải trực tiếp về những sự kiện nầy để Luca viết Phúc âm của ông, hoặc Luca hẳn phải khám phá chúng nhờ nghiên cứu. Trong lời mở đầu, Luca cho chúng ta biết (a) ông đã hỏi ý những người tận mắt chứng kiến cuộc đời và chức vụ của Đấng Christ; (b) ông dùng những bản ký thuật có sẵn về những phần trong chức vụ Ngài; (c) ông cẩn thận tra cứu và chọn lọc thông qua mọi nguồn tài liệu đó; (d) ông lập ra cách sắp xếp có thứ tự cho những tư liệu của mình; và (e) Đức Thánh Linh cảm động và mang ông theo khi thực sự viết xuống, hầu cho mọi điều ông viết ra đều chính xác và trung thực.

3. Tư liệu tiên tri.

Gần một phần tư Kinh Thánh là lời tiên tri khi chúng được viết ra (dầu vậy, dĩ nhiên một số tư liệu đó đã được ứng nghiệm). Lời tiên tri chân thật chỉ có thể đến từ Đức Chúa Trời toàn tri, chân thật. Không tác giả loài người nào có thể nghĩ ra lời tiên tri đúng 100 phần trăm được.

4. Tư liệu lịch sư.

Nhiều phần Kinh Thánh ghi lại lịch sử và ghi cách chính xác. Hầu hết những phần có tính lịch sử đã được viết bởi những người đã đích thân sống qua những biến cố (ví dụ như Luca đã từng là bạn đồng hành trong rất nhiều hành trình của Phaolô, Cong 16:10-13;20:5-21;27:1-28:6, hoặc Giôsuê đã từng trải và rồi viết về cuộc Chinh Phục Canaan trong sách Giôsuê). Một số sự việc như lịch sử Sáng Tạo dĩ nhiên phải do Đức Chúa Trời mặc khải cho Môise, vì không ai tận mắt chứng kiến, và Môise đã viết về việc đó rất lâu sau khi nó diễn ra.

5. Tư liệu khác.

Kinh Thánh cũng có ghi lại những việc không đúng, như những lời nói dối của Satan (Sa 3:4-5), nhưng Kinh Thánh ghi chúng thật chính xác. Kinh Thánh cũng có một số câu trích những tác phẩm của người chưa được cứu (Tit 1:12). Cũng có một số phân đoạn đầy tình cảm riêng tư sống động và mạnh mẽ (Ro 9:1-3). Nhưng tư liệu đa dạng nầy được ghi lại thật chính xác.

Tóm lại: Tư liệu đa dạng nầy nói lên Đức Chúa Trời đôi khi bày tỏ sự việc một cách siêu nhiên và trực tiếp; đôi khi Ngài cho phép những người viết soạn sứ điệp của Ngài bằng cách dùng quyền tự do diễn tả của họ. Nhưng Ngài hà hơi ra toàn bộ tác phẩm, mang tác giả đi theo bằng nhiều cách khác nhau, để ban cho chúng ta sứ điệp của Ngài qua từ ngữ của Thánh Kinh.

II. ĐỊNH NGHĨA SỰ SOI DẪN

Dĩ nhiên, định nghĩa đúng đắn phải được hình thành trên căn bản dữ liệu Kinh Thánh về đề tài đã khảo sát ở trên. Phần “khung xương” của định nghĩa là thế nầy: Đức Chúa Trời đã mang con người đi theo để họ viết ra sứ điệp của Ngài trong Thánh Kinh.

Lấp thêm thịt trên những khung xương ấy sẽ đưa đến định nghĩa thế nầy: Đức Chúa Trời đã giám sát các trước giả Thánh Kinh để họ soạn thảo và ghi lại không sai lầm sứ điệp của Ngài cho nhân loại bằng từ ngữ trong những tác phẩm nguyên thủy của họ.

Hãy chú ý cẩn thận một vài chữ chìa khóa trong định nghĩa đó.

(1) Từ ngữ “giám sát” tính đến tầm rộng của những mối quan hệ Đức Chúa Trời đã có với những trước giả và sự đa dạng của tư liệu. Sự giám sát của Chúa đôi khi rất trực tiếp và đôi khi ít trực tiếp hơn, nhưng luôn luôn bao gồm việc canh giữ trước giả để họ viết cách chính xác.

(2) Từ ngữ “soạn thảo” cho thấy các trước giả đã không phải là những tốc ký viên thụ động để Đức Chúa Trời đọc cho họ chép các tư liệu, mà họ là những người viết chủ động.

(3) “Không sai lầm” diễn tả Lời Kinh Thánh tự tuyên bố là chân lý (Gi 17:17).

(4) Chỉ có được sự soi dẫn trên bản văn nguyên thủy, chứ không dành cho những bản sao hay bản phiên dịch, bất luận chúng có thể chính xác đến đâu đi nữa.

Quan sát: Thủ tục được dùng trong chương nầy là xem xét những dữ liệu Thánh Kinh liên quan đến sự soi dẫn rồi phát biểu một định nghĩa kết hợp chặt chẽ những dữ liệu đó. Rồi kế đến, định nghĩa nầy cố gắng trở thành câu phát biểu những tuyên bố của riêng Kinh Thánh về chính nó. Chúng ta đã không bắt đầu bằng một định nghĩa và rồi áp đặt định nghĩa đó trên dữ liệu, để rồi trong tiến trình ấy ép buộc hoặc chọn lựa chỉ dữ liệu nào phù hợp với nó.

Cuối cùng, chúng ta không bao giờ được quên những lời tuyên bố phi thường của Kinh Thánh về chính Kinh Thánh trong chủ đề sự soi dẫn nầy. Không sách nào sánh được với Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã hà hơi Kinh Thánh; người ta đã viết; và chúng ta có Kinh Thánh.