Một trong những câu hỏi thường đặt ra cho mỗi Cơ đốc nhân là Kinh thánh có phù hợp với khoa học không? Từ khi thuyết tiến hóa của Darwin ra đời cho đến nay, nhiều người quan niệm rằng niềm tin Cơ đốc không có chỗ dựa trong khoa học. Những người chống đối niềm tin Cơ đốc thường đưa ra lập luận cho rằng các dữ kiện khoa học trong ngành thiên văn (astronomy), địa chất học (geology), và sinh vật học (biology) đi ngược với những điều ghi chép lại trong Thánh kinh. Ngay cả trong vòng Cơ đốc nhân cũng có người tin rằng khoa học và Kinh thánh không thể dung hòa nhau được (irreconcilable). Họ trưng dẫn Sáng thế ký đoạn một, cho rằng trình tự và thời gian của công cuộc sáng tạo không phù hợp với khoa học. Chẳng hạn như, mãi đến ngày thứ tư, mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao mới đươc dựng nên, sau khi các loài thảo mộc xuất hiện, như vậy đi ngược lại tiến trình quang hợp (photosynthesis) cần thiết cho sự sống của các loài thực vật cỏ cây được dựng nên trước đó. Một trường hợp khác là các loài cá và chim được dựng nên trong ngày thứ năm, trước khi các loài động vật trên đất xuất hiện (ngày thứ sáu); trong khi đó, di tích hóa thạch cho biết động vật biển có sau động vật đầu tiên trên đất liền. Điểm chống đối nhiều nhất là thời gian dựng nên vũ trụ và muôn loài theo Kinh thánh chỉ có bảy ngày, trong khi đó theo khoa học, các sinh vật sống khởi xuất hiện cách đây cả hàng triệu năm, tiến hóa từ đơn bào cho đến con người ngày nay. Như vậy Kinh thánh và khoa học thật sự có mâu thuẫn nhau không? Nếu như Kinh thánh là lời hằng sống của Thượng đế mặc khải cho con người, thì tại sao lại có những mâu thuẫn như kể trên?

Để trả lời câu hỏi này, điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý là, mặc dù khoa học là một bộ môn thực nghiệm khá chính xác, được kiểm chứng và thử nghiệm nhiều lần theo thời gian, nhưng không phải là một bộ môn bất di bất dịch. Có nhiều lý thuyết khoa học được coi là chân lý trong một thời gian dài, nhưng sau khi các dữ kiện khoa học được thu thập đầy đủ hơn, các lý thuyết này có thể trở nên lỗi thời, thay vào đó bằng những lý thuyết mới phù hợp và chính xác hơn với những khám phá mới. Do đó phải hết sức thận trọng khi so sánh chân lý của Thánh kinh với sự hiểu biết của nền khoa học đương thời, bởi vì một khi lý thuyết khoa học bị lỗi thời, giá trị của Thánh kinh cũng sẽ bị suy giảm. Điều kế tiếp là sự hiểu biết chân lý và ứng dụng của Thánh kinh tùy thuộc vào người đọc, do Thánh Linh của Đức Chúa Trời soi dẫn. Tuy nhiên để hiểu chính xác những khái niệm trong Thánh kinh có liên quan đến khoa học, chẳng hạn như trong Sáng thế ký đoạn một, người đọc cần phải trở về với nguyên bản, tức bản gốc bằng tiếng Hy bá lai (Hebrew). Có những câu hoặc chữ trong Kinh thánh sau khi được dịch ra một thứ tiếng khác, đã mất đi ý nghĩa nguyên thủy. Cuối cùng, mặc dù Thánh kinh được viết ra với mục đích chính là mặc khải chân lý cứu rỗi của Thượng đế, qua thân vị của Chúa Cứu thế Giê xu, nhưng khi đề cập đến những khái niệm có tính cách khoa học có thể kiểm chứng được, Kinh thánh cũng được viết lại một cách rất chi tiết, rõ ràng.

Đoạn một của Sáng thế ký bắt đầu bằng lời khẳng định:"Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất." Chữ 'dựng nên' trong nguyên bản tiếng Hy bá lai là chữ 'bara', có nghĩa là sáng tạo nên một thực thể hoàn toàn mới, chưa hề có từ trước. Chữ 'trời đất' khi viết liền nhau, 'shamayim erets', có nghĩa bao gồm cả vũ trụ. Như vậy Kinh thánh khẳng định vũ trụ có một buổi ban đầu, do Thượng đế siêu việt bên ngoài không gian và thời gian (transcendent God) dựng nên. Điều này hoàn toàn phù hợp với những khám phá trong ngành thiên văn của thế kỷ hai mươi. Từ nhiều dữ kiện thu thập được trên vệ tinh nhân tạo satellite COBE trong không gian đến hình ảnh các thiên hà xa xăm ghi nhận được nhờ những viễn vọng kính tối tân nhất trên bề mặt khí quyển địa cầu như Hubble Space telescope, tất cả đều ám chỉ thế giới chúng ta đang sống có khởi nguyên, bắt đầu chỉ trong khoảng vài tỉ năm gần đây. (Xin đọc thêm 'Ngẫu nhiên và hoạch định' trong loạt bài khoa học kỳ trước). Thế giới chúng ta không phải chuyển biến từ một thế giới khác, nhưng được hình thành từ hư vô (creation ex nihilo). Khối năng lượng khồng lồ tạo nên thế giới vĩ đại đến từ không ai khác hơn là Đức Chúa Trời toàn năng. Chính Ngài đã sắp đặt những định luật vật lý để từ đó tạo nên vật chất bền vững, thích hợp cho sự sống của muôn loài vạn vật trong đó có con người. Chỉ cần các định luật vật lý dê dịch một chút, cả thế giới hùng vĩ sẽ không thể tồn tại được cho đến ngày nay.

Câu thứ hai của Sáng thế ký đoạn một rất quan trọng cho những câu còn lại của đoạn, vì là câu duy nhất nói lên vị trí của quan sát viên (observer's point of reference), dựa vào đó các hoạt động kế tiếp được mô tả. "Vả đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước." Câu này cho thấy quan sát viên đang ở bên trên mặt đại dương nhìn lên bầu khí quyển của trái đất, diễn tả bối cảnh của măt địa cầu lúc bấy giờ và hoạt động siêu nhiên của Đức Thánh Linh trên bề mặt trái đất. Trước khi phép lạ siêu nhiên xảy ra, bề mặt trái đất hoàn toàn mờ tối, không hề có ánh sáng xuyên tới bởi vì lớp khí quyển phần lớn là ammonia và methane (primordial atmosphere) dày đặc đang bao trùm địa cầu cũng như những hành tinh khác trong thái dương hệ (interplanetary debris), làm cho sự sống không thể phát sinh hoặc duy trì. Chữ 'vô hình' (tohuw) và 'trống không' (bohuw) nói lên tình trạng hoang phế (desolated) và trơ trọi (devoid of existence) của địa cầu, không thích hợp cho sự sống. Tình trạng trống vắng và mờ tối vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay trên bề mặt của một số hành tinh khác, điển hình là Jupiter. Nếu như không có sự biến đổi siêu nhiên trên bề mặt trái đất qua sự làm việc của Đức Thánh Linh, địa cầu ngày nay cũng hoàn toàn trơ trọi như bao hành tinh khác.

Câu kế tiếp mô tả quang cảnh ngày thứ nhất trên bề mặt địa cầu: "Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng, thì có sự sáng." Chữ 'phải có' trong nguyên văn Hy bá lai, 'hayah', (let appear), khác với chữ 'bara', không bao hàm ý nghĩa sáng tạo đặc biệt, nhưng ám chỉ một diễn tiến đang xảy ra, hoặc một quá trình mới được hình thành. Câu này diễn tả hình ảnh ánh sáng thấm (diffuse) xuyên qua lớp khí quyển, chạm đến mặt nước của bề mặt địa cầu, là nơi quan sát viên của sách Sáng thế ký ghi nhận mọi diễn tiến. Mặt trời, trăng sao có lẽ đã được hình thành từ lúc ban đầu nhưng chưa lộ dạng, bởi vì ánh sáng chưa xuyên tới mặt đất cho đến khi có sự làm việc của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên trong ngày thứ nhất, trên bề mặt địa cầu chỉ mới xuất hiện ánh sáng mờ (translucent), không đủ để nhận dạng các thiên thể là nguồn sáng trên bầu trời bên ngoài lớp khí quyển. Mãi cho đến ngày thứ tư, khi bầu khí quyển trở nên trong suốt hơn, các thiên thể này mới xuất hiện một cách rõ rệt trên bầu trời.

Qua ngày thứ hai, Thiên Chúa thiết lập lớp hơi nước trên bầu khí quyển cách biệt với lớp nước của đại dương, tạo nên một chu kỳ tuần hoàn bền vững cho nước bốc hơi, ngưng tụ rơi xuống thành mưa. Với kích thước đặc biệt của trái đất, lượng hơi nước được giữ lại dưới bầu khí quyển để điều hòa nhiệt độ, tạo nên độ ẩm cần thiết và chu kỳ mưa đều đặn, khoảng 5 inch một năm, cần thiết cho sự phát triển của các loài thảo mộc dựng nên trong ngày kế tiếp. Đến ngày thứ ba, mặt đất được phân rẽ khỏi mặt nước; biển, sông ngòi, và đại dương được hình thành. Các loài thực vật cũng được dựng nên và sinh sôi nảy nở trên mặt đất nhờ có ánh sáng trong mờ từ ngày thứ nhất và hơi nước trong ngày thứ hai. Những chữ 'cây cỏ, hột giống, cây trái' trong nguyên văn, 'zera, ets, periy', là những danh từ chung tổng quát, có thể ám chỉ những loài thực vật đơn giản có từ buổi sơ khai khi sự sống trên địa cầu mới phát sinh. Sự sống đơn giản nhất có lẽ bắt đầu trong lòng đại dương, sau khi Đức Thánh Linh vận hành trên mặt nước.

Vào ngày thứ tư, bầu khí quyển trở nên trong sáng hơn nhờ có sự hô hấp thán khí (carbonic) của các loài thực vật trong ngày thứ ba. Sự chuyển biến của bầu khí quyển (atmospheric transformation) từ trong mờ (translucent) đến trong suốt (transparent) khiến cho mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao được hiện ra rõ ràng (clearly visible). Trong câu 16, "Đức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn", chữ 'làm' được viết trong thể quá khứ, nguyên văn là 'asah', có nghĩa 'đã khuôn đúc nên' (manufactured). Như vậy mặt trời, mặt trăng, và các hành tinh của thái dương hệ có lẽ đã được dựng nên một cách đặc biệt trong những ngày trước đó, nay chỉ xuất hiện rõ ràng trên bầu trời để đem lại sự sống phong phú hơn cho những động vật khác được tạo dựng sau này trong ngày thứ năm và thứ sáu. Đó là những sinh vật với cấu trúc phức tạp, cần có dưỡng khí (oxigen) và ánh sáng mặt trời để hô hấp và bài tiết theo chu kỳ tuần hoàn. Đồng thời với dưỡng khí, một lớp ozone (O3) cũng được hình thành ngoài thượng tần khí quyển, ngăn chận những tia sáng tử ngoại (ultraviolet light) có hại cho sự sống của những sinh vật sống cao cấp về sau.

Ngày thứ năm, Thiên Chúa dựng nên ('barah') các loài cá lớn dưới nước, chim trên trời, và ngày thứ sáu các loài vật được dựng nên ('barah'). Những chữ 'súc vật, côn trùng, thú rừng' trong nguyên văn là những chữ 'chayyah, behemah, remes', ám chỉ những súc vật bốn chân (quadrupet) có cấu trúc phức tạp, là những động vật có lý trí, tình cảm và ý chí. Di tích hóa thạch còn lại cho thấy những động vật cao cấp này xuất hiện sau khi loài cá và chim xuất hiện. Những giống cá, chim, và súc vật được sáng tạo ra một cách đặc biệt trong hai ngày thứ năm và sáu là những loài vật có hồn (nephesh, soulish creatures), có thể liên hệ được với con người. Cuối cùng trong ngày thứ sáu Thiên Chúa dựng nên (barah) con người theo ảnh tượng Ngài. Chỉ có con người mới có linh tánh của Thiên Chúa và có thể thông công được với Ngài. Chỉ có con người mới có khả năng quản trị và bắt phục muôn vật theo sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho (câu 26-31). Như vậy con người là tạo vật cuối cùng và đặc biệt nhất trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa.

Những chữ 'ngày' từ thứ nhất đến thứ sáu trong nguyên văn là chữ 'yowm', có thể dịch là một giai đoạn (period) không nhất thiết phải liên hệ đến quỹ đạo và thời gian của thái dương hệ. Chữ ngày ('bocer') và đêm ('ereb') trong mỗi giai đoạn nói đến điểm khởi đầu và kết thúc của giai đoạn đó. Sáu ngày của Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài vạn vật nói lên sáu giai đoạn khác nhau của công cuộc sáng tạo. Đó là giai đoạn các sinh vật sống với cấu trúc hoàn toàn mới mẻ và khác nhau được tạo thành, sinh sôi, và phát triển. Mỗi giai đoạn này có lẽ kéo dài hàng triệu năm, theo như di tích hóa thạch cho biết. Qua ngày thứ bảy, là ngày nghỉ của Thiên Chúa, không còn loài nào mới được tạo dựng nên sau con người. Điều này cũng phù hợp với di tích hóa thạch cho thấy trong suốt giai đoạn hóa thạch từ sơ khai đến phức tạp, nhiều loài mới liên tục được tạo ra, đồng thời có những loài bị tuyệt chủng. Tuy nhiên trong lịch sử của loài người, tốc độ tuyệt chủng của các loài gia tăng, nhưng hầu như không có loài mới nào xuất hiện. Thánh kinh không đề cập đến ngày và đêm trong ngày thứ bảy, ám chỉ rằng ngày này vẫn còn đang tiếp diễn. Điều đó cho thấy Thiên Chúa đã ngưng hoạt động sáng tạo đặc biệt của Ngài sau khi dựng nên loài người, có lẽ để bảo tồn sự phát triển của xã hội loài người, là sinh vật sống với trình độ trí tuệ cao hơn hết trong các loài sống và là loài duy nhất có khả năng tâm linh, có thể giao thông được với Thượng đế.

Thuyết tiến hóa của Darwin ra đời vào cuối thế kỷ 19 cho rằng loài người và các loài sống phức tạp đến từ các hợp chất vô cơ đơn giản qua quá trình tiến hóa trong mấy tỉ năm. Tuy nhiên sau hơn một thế kỷ tìm hiểu cơ chế hoạt động của tế bào sống, tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng sự sống của những tế bào bé nhỏ nhất cũng vô cùng phức tạp và tràn đầy bí ẩn. Những khám phá trong ngành sinh vật học và di truyền học trong những thập niên cuối của thế kỷ hai mươi cho biết sự khác biệt vô cùng to lớn giữa tế bào sống đơn giản nhất và những hợp chất vô cơ có mặt trong thời kỳ sơ khai của trái đất. Theo nhà sinh vật học Harold Morowitz, trong điều kiện thuận lợi nhất, xác suất để những hợp chất vô cơ kết tụ thành đơn bào được ước tính là 1/10100,000,000,000. Nếu đem so sánh thời gian chỉ vài tỉ năm của vũ trụ với thời gian cần có để các hợp chất hữu cơ tình cờ kết hợp tạo nên sự sống đầu tiên trên mặt đất, thì tuổi của vũ trụ không thấm vào đâu so với thời gian cần thiết để hình thành sinh vật sống. Điều lạ lùng hơn nữa là theo ước tính của các nhà khoa học, chỉ trong vòng nửa tỉ năm sau khi trái đất hình thành, sự sống đã xuất hiện trong lòng đại dương với cấu trúc tế bào hoàn chỉnh. Như đã đề cập ở phần trên, nếu như không có sự vận hành của Đức Thánh Linh, với điều kiện ban đầu của trái đất - trơ trọi và tối tăm - những nhân tố căn bản của sự sống như DNA và RNA không thể hình thành và tồn tại được.

Như vậy Kinh thánh Sáng thế ký đoạn một hoàn toàn phù hợp với nền khoa học hiện đại. Điều vượt ngoài sự hiểu biết của khoa học là tính cách đặc biệt trong thành phần cấu tạo và thứ tự hình thành của muôn loài. Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên các thiên hà, ngân hà, và thái dương hệ, đã sắp đặt một cách tinh vi mọi chi tiết cần thiết để tạo ra một môi trường thuận lợi trên mặt đất hầu duy trì sự sống mà Ngài đã thiết lập một cách siêu nhiên từ ban đầu. Sự quan tâm của Đấng sáng tạo đối với vật thọ tạo - cỏ cây, chim, cá, côn trùng, súc vật, và loài người - được thể hiện qua sự kết hợp hài hòa của thiên nhiên và sự sống phong phú, lành mạnh của vạn vật. Mỗi giai đoạn trong công cuộc sáng tạo là một sự chuẩn bị quan trọng cho sự ra đời của một loài mới phức tạp tinh vi hơn. Loài người là loài cuối cùng được tạo dựng một cách siêu nhiên, cũng là tột đỉnh của công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời. Trong các loài sinh vật được dựng nên chỉ có con người mới có phần tâm linh (spirit) ngoài phần tâm hồn (soulish, nephesh) và thể xác (body). Nhờ vậy loài người đầu tiên (Adam) mới có thể thông công trực tiếp với Thiên Chúa là Đấng Thần Linh. Đáng tiếc thay con người sau đó đã sa ngã, sống theo ý riêng, xa rời Thượng đế, đánh mất đi khả năng thiêng liêng và sự giao thông với Thượng đế. Tuy nhiên vì tình thương Thiên Chúa đã sắm sẵn ơn cứu rỗi cho loài người qua sự chết đền tội của Ngôi Hai Thiên Chúa, hầu khôi phục lại địa vị, giá trị, và chức năng của con người mà Ngài đã đặt để từ buổi ban đầu. Điều duy nhất con người có thể làm để đền đáp ơn yêu thương của Thiên Chúa là chấp nhận chương trình cứu chuộc của Ngài và phục hòa với Thượng đế là nguồn cội và căn nguyên sự sống phong phú của con người.