Xứ Ca-na-an, Nơi Diễn Ra Truyện Tích KINH THÁNH

Xứ Ca-na-an là nửa phía Nam của bờ phía Đông Địa-trung-hải. Dài chừng 240 cây số, từ Bắc tới Nam; rộng trung bình từ Đông tới Tây chừng 80 cây số. Đây là một khoảng đất phì nhiêu giữa sa mạc Ả-rập và biển.

Song song với bờ phía Đông của Địa-trung-hải có hai dãy núi cao với một thung lũng chen vào giữa. Mưa và sông ngòi phát sanh từ hai dãy núi nầy đã tạo nên khoảng đất phì nhiêu giữa sa mạc và biển.

Các núi Li-ban đối diện với thành Ty-rơ và thành Si-đôn, là trung tâm và tuyệt điểm của hai dãy núi nầy. Từ những đỉnh phủ tuyết của chúng, nước nguồn chảy tràn ra bốn phía.

Sông Orontes chảy về phía Bắc, tạo nên thành An-ti-ốt. Sông A-ba-na (IIVua 5:12) chảy về phía Đông, tạo nên thành Đa-mách. Sông Leonles (Litany) chảy về phía Tây, tạo nên thành Ty-rơ và thành Si-đôn. Còn sông Giô-đanh chảy về phía Nam, tạo nên xứ Ca-na-an, là miền "đượm sữa và mật" (Xu 3:8).

005

Bản đồ số 5 -- Vị trí xứ Pa-lét-tin

Xứ Ca-na-an là con đường chính giữa lưu vực Ơ-phơ-rát và Ai-cập, là hai trung tâm cư dân quan trọng của thế giới thượng cổ. Nó là trung tâm địa dư và nơi gặp gỡ của văn hóa các nước Ai-cập,Ba-by-lôn, A-si-ri, Ba-tư, Hy-lạp và La-mã; là một vị trí chiến lược được bảo vệ trong cuộc va chạm của những nền văn minh hùng mạnh đã tạo nên lịch sử thượng cổ đó. Dân Y-sơ-ra-ên được "trồng" ở đây để đại diện Đức Chúa Trời giữa các nước.

Lưu vực Ơ-phơ-rát

Là nơi nguyên thủy của loài người, và là trung tâm của ba cường quốc cai trị thế giới:

A-si-ri: chiếm miền Bắc của lưu vực .

Ba-by-lôn: chiếm miền Nam của lưu vực.

Ba-tư: ở phía Đông của lưu vực.

Ai-cập: là một cường quốc cai trị thế giới từ 1600 đến 1200 T.C..

A-si-ri: là một cường quốc cai trị thế giới từ 900 đến 607 T.C..

Ba-by-lôn: là một cường quốc cai trị thế giới từ 606 đến 536 T.C..

Ba-tư: là một cường quốc cai trị thế giới từ 536 đến 330 T.C..

Nước Y-sơ-ra-ên

Đã được trưởng dưỡng tại Ai-cập đương thời Ai-cập hùng mạnh.

Bị A-si-ri và Ba-by-lôn tiêu diệt đương thời hai đế quốc nầy hùng mạnh.

Được khôi phục bởi Ba-tư đương thời Ba-tư hùng mạnh.

006

Bản đồ số 6 -- Địa hình xứ Pa-lét-tin

Giê-ru-sa-lem, Đô Thị Trung Tâm Của Truyện Tích KINH THÁNH

Dường như Giê-ru-sa-lem đã được Đức Chúa Trời lựa chọn, ngay từ trước đời Áp-ra-ham nữa, để làm tổng hành dinh trần gian cho công việc của Ngài ở giữa loài người; ấy vì Mên-chi-xê-đéc, thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí cao, đã ở đó (Sa 14:18).

Nếu theo truyền thoại Hê-bơ-rơ,Mên-chi-xê-đéc chính là Sem, người sống sót của thế giới trước nước lụt, người cao tuổi nhứt thời ấy và làm thầy tế lễ của toàn dân trên trái đất, thì ít lâu trước khi Áp-ra-ham đến, Mên-chi-xê-đéc cũng đã đến từ xứ Ba-by-lôn, trong một cuộc di cư sớm hơn, để nhơn danh Đức Chúa Trời mà chiếm cứ khu vực đặc biệt nầy.

Có thể rằng Mên-chi-xê-đéc đã quen biết Áp-ra-ham tại U-rơ, lúc Áp-ra-ham còn thiếu niên; có thể rằng ông đã liên quan với sự kêu gọi Áp-ra-ham đến Đất Hứa nầy mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn để thực hiện công ơn cứu chuộc loài người.

Vị trí thành Giê-ru-sa-lem ở trung tâm miền Nam xứ Ca-na-an, trên chót đường phân chia lưu vực giữa sông Giô-đanh và Địa-trung-hải, cách sông Giô-đanh chừng 32 cây số và Địa-trung-hải chừng 64 cây số. Giê-ru-sa-lem thuộc một miền dược che chở bởi núi non ở phía Tây, sa mạc ở phía Nam, và lưu vực sông Giô-đanh ở phía Đông.

007

Bản đồ số 7 -- Hình chụp chỏm núi Giê-ru-sa-lem, từ trên phi cơ, phía Tây Bắc.

Giê-ru-sa-lem được xây dựng trên một chỏm núi, có những thung lũng sâu bao bọc ở phía Đông, Nam và Tây. Chỏm nầy gồm hai cái đồi, giữa có thung lũng. Đồi phía Đông lại gồm ba cái đồi nhỏ hơn, gọi là đồi Đông nam, đồi Đông trung và đồi Đông bắc. Đồi phía Tây lại gồm hai cái đồi nhỏ hơn, gọi là đồi Tây nam và đồi Tây bắc. Vì thành Giê-ru-sa-lem đối ngang với đại lộ dọc theo bờ biển, là nơi các nền văn minh thế giới gặp nhau và hòa lẫn, nên rất thích đáng làm trung tâm của công việc Đức Chúa Trời giữa các nước.

008

Bản đồ số 8.

Nguyên thủy thành Giê-ru-sa-lem ở trên đồi Đông nam. Nó là địa điểm thiên nhiên bất khả chiếm cứ, lại thêm suối nước Ghi-hôn ở chơn đồi, nên trở thành vị trí tối hảo để xây cất một đô thị có tường lũy bao quanh.

Trên đồi Đông nam có thành Mên-chi-xê-đéc. Người ta cho rằng Y-sác đã được dâng làm tế lễ trên đồi Đông trung, cũng gọi là Mô-ri-a. Một ngàn năm sau Sa-lô-môn xây cất Đền thờ trên đó.Lại một ngàn năm sau nữa Đức Chúa Jêsus đã bị đóng đinh vào Thập tự giá trên đồi Đông bắc.

Trên bản đồ số 8, những nét đậm liền nhau chỉ tỏ thành của Mên-chi-xê-đéc và Áp-ra-ham. Những dòng chấm đậm ở ngay trên chỉ tỏ thành của Đa-vít và Sa-lô-môn rộng lớn hơn. Còn những dòng chấm nhỏ hơn ở trên nữa chỉ tỏ thành rộng lớn hơn nữa đương thời Đức Chúa Jêsus.

Thành Giê-ru-sa-lem cách Ai-cập chừng 480 cây số về phía Tây nam; cách A-si-ri 1120 cây số về phía Đông bắc; cách Ba-by-lôn 1120 cây số phía Đông; cách Ba-tư 1600 cây số về phía Đông; cách Hi-lạp 1280 cây số về phía Tây bắc và cách La-mã 2400 cây số về phía Tây bắc.

Năm 1000 T.C., Đa-vít đặt Giê-ru-sa-lem làm thủ đô nước Y-sơ-ra-ên, tức là một đô thị tráng lệ. Năm 586 T.C.,Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lôn phá hủy. Đến thời Đấng Christ, nó lại là một đô thị tráng lệ. Nhưng dân Giê-ru-sa-lem GIẾT Ngài, là Đấng mà thành ấy đã được tạo lập làm nơi Ngài phát xuất.

***