Chung kết vĩ đại của truyện tích Kinh Thánh

Một khúc ca khải hoàn

Sự đắc thắng tối hậu của Đấng Christ

Các từng trời mới và trái đất mới

Sách Khải Huyền căn cứ trên bài giảng của Đấng Christ về những việc tương lai, có chép ở Mat 24:1-51 Mac 13:1-37 và Lu 21:1-38 hoặc nói rằng nó giải thích bài giảng ấy một cách tường tận hơn.Sách Khải Huyền chứa rất nhiều thành ngữ mà Đức Chúa Jêsus đã dùng. Một vài hình bóng của nó dường như lấy từ sách Ê-xê-chi-ên và sách Đa-ni-ên.

 

Tác giả

Là chính Đức Chúa Trời. Đó là lời quả quyết đầu tiên trong sách nầy. Chính Đức Chúa Trời đọc sách nầy qua Đấng Christ, bởi một thiên sứ, cho Giăng chép lại và gởi sách toàn vẹn cho Bảy Hội Thánh (Kh 1:1).

Một vài nhà phê bình duy lý kim thời thấy trong sách Khải Huyền chẳng có lời tiên tri được soi dẫn chi hết, nhưng chỉ có "sự tưởng tượng của tôn giáo được phô bày không hạn chế, và mặc lấy hình thức tưởng là sự hiện thấy, song chẳng thật có như vậy." Chúng tôi chán ghét một ý kiến như vậy.

Chúng tôi tuyệt đối tin rằng sách nầy tự nhận là cái gì, thì nó chính là cái đó; rằng nó mang ấn tín của Tác giả nó;rằng một vài đoạn của nó là kỳ diệu và quí báu hơn hết trong cả Kinh Thánh;rằng sự vĩ đại tuyệt vời của nó thành ra phần kết thích hợp hơn hết của cả truyện tích Kinh Thánh; rằng những sự hiện thấy vinh hiển của nó về công ơn cứu chuộc hoàn thành của Đấng Christ khiến nó thành ra con đường chân chánh của Đức Chúa Trời đi thấu vào linh hồn người ta.

 

Người được dùng làm tác giả

Do truyền thoại rất vững chắc, ngay từ đời các Giáo phụ Hội Thánh, và theo sự phán đoán của đại đoàn thể tín đồ Đấng Christ, thì Sứ đồ Giăng, "môn đồ yêu quí," bạn thân thiết nhứt của Đức Chúa Jêsus ở trần gian nầy, tác giả sách Tin Lành Giăng, cũng chính là tác giả của sách Khải Huyền (Kh 1:1,4,9 Kh 22:8 Gi Kh 21:20,24). Rõ ràng lắm, do lòng muốn làm mất giá trị của sách nầy, có người nêu ý kiến rằng ấy là một Giăng khác;song ý kiến nầy chẳng có căn cứ chi hết.

 

Niên hiệu

Giăng đã bị đày ra đảo Bát-mô (Kh 1:9).Theo truyền thoại về các Sứ đồ, thì việc nầy xảy ra trong cơn bắt bớ của Domitien,khoảng năm 95 S.C.. Năm sau (96 S.C.), là năm đầu đời trị vì của Nerva,Giăng được thả ra và được phép trở về thành Ê-phê-sô.

Sự dùng quá khứ ở đây ("đã ở trong đảo gọi là Bát-mô" -- Kh 1:9) dường như tỏ ra rằng dầu ông được các sự hiện thấy tại đảo Bát-mô, nhưng sau khi được thả ra và trở về thành Ê-phê-sô, ông mới viết thành sách (khoảng năm 96 S.C.).

 

Những sách vở luận về sách Khải Huyền

Người nào nghiên cứu những án văn phong phú luận về sách Khải Huyền, thì sẽ chú ý tới điểm nầy: Một cách Hoàn Toàn Độc Đoán, nhiều người đã nêu lên ý kiến (họ không kể là ý kiến, song kể là lời quả quyết tuyệt đối) về nghĩa của cả những đoạn mầu nhiệm hơn hết, dường như họ hiểu biết hết cả, và lời tuyên bố của họ giải quyết được vấn đề. Chúng tôi tưởng rằng những ai muốn giải thích một sách như sách Khải Huyền nầy, thì tốt hơn nên có tinh thần khiêm cung và thành thực.

 

Những cách giải thích

Có nhiều cách giải thích sách Khải Huyền. Cách giải thích nào cũng mắc phải những sự khó khăn riêng. Bất cứ bản giải thích nào được thừa nhận, cũng còn những chi tiết cần phải gò bó đề được thích hợp với bản giải thích ấy.

Nói sơ qua, thì có bốn loại hoặc phái giải thích, loại hoặc phái nầy khác với loại hoặc phái kia nhiều lắm. Họ thường được gọi là "phái Quá khứ," "phái Lịch sử," "phái Tương lai" và phái Duy linh."

Phái giải thích "Quá khứ" cho rằng sách Khải Huyền liên quan đến thời kỳ trứ tác nó, tức là lúc Hội Thánh đấu tranh với đế quốc La-mã.

Phái giải thích "Lịch sử" nói là sách Khải Huyền cốt để dự ngôn tình hình tổng quát của cả thời kỳ Lịch sử Hội Thánh, từ thời Giăng cho tới khi tận thế. Đó là một cảnh trạng, một loạt bức tranh phác họa các giai đoạn kế tiếp nhau và các đặc điểm trong cuộc đấu tranh của Hội Thánh cho tới khi đắc thắng chung kết. Đó là "Sự hiện thấy về các thời đại" hoặc là "Các bức tranh diễn tả những thời kỳ và biến chuyển trọng đại của Hội Thánh."

Phái giải thích "Tương lai"cho rằng phần lớn sách Khải Huyền chú trọng vào lúc Chúa tái lâm và lúc tận thế.

Phái giải thích "Duy linh"hoàn toàn cho rằng các hình bóng trong sách Khải Huyền không chỉ về bất cứ biến cố nào trong lịch sử, -- hoặc các biến cố đương thời Giăng, hoặc các biến cố lúc tận thế, hoặc các biến cố giữa hai khoảng đó. Trái lại, họ cho đó là một cách dùng tranh và lời lẽ đầy nghĩa bóng để hình dung các nguyên tắc trọng đại trong nền cai trị của Đức Chúa Trời áp dụng cho mọi thời đại.

Cứ xét theo ý nghĩa hiển nhiên hơn hết của lời lẽ trong sách Khải Huyền, thì chúng tôi tưởng rằng cách giải thích giản dị, rõ ràng, tự nhiên, và hợp lý hơn hết chính là dung hòa phái "Lịch sử" với phái "Tương lai." Có sự hiện thấy mô tả những biến cố trọng đại và đặc điểm của lịch sử Hội Thánh; có sự hiện thấy dự ngôn những biến chuyển trọng đại của ngày sau rốt; có sự hiện thấy có lẽ liên quan đến cả hai,-- cái thứ nhứt có lẽ làm hình bóng và dự ngôn về cái thứ hai.

Các hình bóng của sách Khải Huyền và dòng Lịch sử Hội Thánh tương đồng lạ lùng đến nỗi một trong những mục đích của sách nầy chắc là để dự ngôn Lịch sử Hội Thánh.

Lại nữa, trong sách Khải Huyền nầy có rất nhiều điều liên quan đến kỳ sau rốt, nên bất cứ bản giải thích nào cũng phải kể đến kỳ sau rốt.

Sách chia làm hai phần

Kh 1-1:3:22 "Những việc nay hiện có" (Kh 1:19), tức là những việc xảy ra đương thời Giăng. Bảy bức thơ gởi cho Bảy Hội Thánh luận về tình hình đương lúc ấy. Theo một phương diện, đó là phần mở đầu cho phần chính của sách theo sau, tức là:

Kh 4:1-22:21: "Những việc sau sẽ đến" (Kh 1:1,19 Kh 4:1), gồm thời gian từ lúc ấy cho tới ngày sau rốt.

Kh 1:1-3

"Sự mặc thị" những điều sẽ xảy đến

Đó là tên sách nầy tự đặc cho nó: Một sự khải thị, hoặc lộ thiên cơ, hoặc cho biết những việc tương lai (Kh 1:1,19 Kh 4:1).Như vậy, ngay trong lời đầu tiên, sách Khải Huyền đã hiển nhiên có tánh cách dự ngôn. Nó viết ra cốt để bày tỏ tương lai, và phác họa dòng lịch sử cùng số phận của Hội Thánh.

 

Đây là một sách rất thực tế

Dầu là một sách rất mầu nhiệm, chứa nhiều điều chúng ta không hiểu, song nó cũng chứa nhiều điều mà chúng ta thật hiểu rõ.

Gắn vào các hình bóng mầu nhiệm của sách Khải Huyền, chúng ta thấy một vài lời cảnh cáo bổ ích hơn hết và một vài lời hứa quí báu hơn hết trong cả Kinh Thánh.

Chắc hẳn Giăng cũng không hiểu một vài điều ông đã thấy và viết. Chắc Đức Chúa Trời nhứt định rằng một vài sự hiện thấy chỉ được rõ nghĩa khi lịch sử vén màn trải qua các thời đại. Tuy nhiên,linh hồn của Giăng rung động, và ông vui mừng, hớn hở khôn xiết khi mải nghĩ về những cảnh trạng mình đã thấy.

Khi thì bày tỏ chân lý giản dị hơn hết,khi thì dùng những hình bóng thần bí hơn hết, sách Khải Huyền chứa sự lạc quan thuần túy cho con cái Đức Chúa Trời, nhiều lần quả quyết với chúng ta rằng ta được Ngài che chở, và bất cứ điều gì xảy ra, ta cũng có sự sống hạnh phước vô tận đang đợi chờ mình.

Khi thì trình bày cảnh tượng ở dưới đất, khi thì trình bày cảnh tượng ở trên trời, Khải Huyền cũng là sách nói về "cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời," thỉnh thoảng đối chiếu sự hỉ lạc của người được cứu chuộc với sự thống khổ của kẻ bị hư mất. Ôi! Trong thế hệ hờ hững và không kính thờ Đức Chúa Trời nầy, chúng ta cần được nhắc cho nhớ hai tình trạng khác nhau đó là dường nào!

 

Thái độ đối với sách Khải Huyền

Nhiều nhà văn, hoặc nhà Truyền đạo,hoặc người khác, sử dụng sách Khải Huyền hoặc những ý tưởng đặc biệt của họ về sách Khải Huyền một cách thái quá. Vì cớ đó, ít ra là một phần nào, lại có người hoàn toàn không đụng tới sách Khải Huyền. Cả hai thái độ nầy sai lạc.Không nên xao lãng sách Khải Huyền, và cũng không nên tôn nó quá cao hơn các quyển khác trong Kinh Thánh. Nhưng chắc rằng sách Khải Huyền đáng chiếm được một phần khả quan trong sự học hỏi và tôn sùng của tín đồ Đấng Christ; nó sẽ ban thưởng lớn lao cho tín đồ nào làm như vậy.

 

Bối cảnh của sách Khải Huyền

Những sự hiện thấy đã được ban cho và sách đã được viết ra trong ánh lửa đỏ thiêu các thánh tuận đạo. Hội Thánh đã được 66 tuổi, đã lớn lên phi thường, đã và đang trải qua những cơn bắt bớ khủng khiếp.

30 năm trước khi Giăng viết sách Khải Huyền, tín đồ đã bị bắt bớ lần đầu tiên, do tay Hoàng đế Néron (64-67 S.C.). Trong cơn bắt bớ nầy, vô số tín đồ đã bị đóng đinh vào thập tự giá, hoặc bị quăng cho thú dữ cắn xé, hoặc bị tẩm nhiên liệu vào áo xống mà thiêu cho đến chết, trong khi Néron cười ha hả trước tiếng kêu thương quằn quại của những người đờn ông, đờn bà đang bốc cháy. Trong cơn bắt bớ của Néron,Phao-lô và Phi-e-rơ đã bỏ mình vì Chúa.

Cuộc bắt bớ thứ hai do Hoàng đế Domitien (95-96 S.C.). Nó ngắn ngủi, nhưng ác liệt vô cùng. Trên 40 ngàn tín đồ đã bị tra khảo và giết chết. Trong cơn bắt bớ nầy, Giăng bị đày ra đảo Bát-mô (Kh 1:9).Khi Đức Chúa Trời ban những sự hiện thấy trong sách Khải Huyền, thì cơn bắt bớ nầy đang diễn ra.

Cơn bắt bớ thứ ba theo gần liền sau đó,và do tay Hoàng đế Trajan (năm 98 S.C.). Giăng đã sống sót trong hai cơn bắt bớ trước, và bây giờ sắp trải qua cơn bắt bớ thứ ba của đế quốc La-mã đang cố gắng tiêu trừ đạo Đấng Christ. Đó là những ngày tối tăm của Hội Thánh. Nhưng sẽ còn những ngày tối tăm hơn nữa.

Chẳng những có sự bắt bớ từ bên ngoài,song chính ở nội bộ, Hội Thánh cũng bắt đầu có những dấu hiệu hư hoại và bội đạo.

Rõ ràng lắm, Đức Chúa Trời ban những sự hiện thấy nầy để làm cho Hội Thánh vững vàng, ngõ hầu đối phó với những ngày khủng khiếp gần xảy đến.

"Phước cho kẻ đọc" (Kh 1:3)

Cùng kẻ nghe và giữ theo những lời trong sách nầy! Sách nầy mở đầu như vậy đó, và nó cũng kết thúc như vậy đó (Kh 22:7).Chính Đức Chúa Trời đã phán lời nầy. Lời hứa nầy dành cho sự đọc riêng một mình và sự nghe đọc trước hội chúng trong nhà thờ. Đương thời ấy, các sách phải chép bằng tay, rất hiếm và rất mắc tiền. Để hiểu biết Kinh Thánh, phần lớn người ta phải nhờ nghe đọc và nghe giảng dạy trong nhà thờ. Sự phát minh máy in ngày nay và sự phân phát Kinh Thánh chữ in cho rất nhiều người, thì chẳng làm tiêu mất nhu cầu và giá trị của sự thường xuyên bày giải Lời Đức Chúa Trời trong các cuộc nhóm họp ở nhà thờ.

Đức Chúa Trời định rằng Lời Ngài phải chiếm địa vị trọng yếu trong các cuộc nhóm họp ở nhà thờ khi ấy, ngày nay và luôn mãi. Kinh Thánh là phương tiện duy nhứt mà Đức Chúa Trời tuyển định để giữ cho Hội Thánh trung thành với sứ mạng của mình.

Nếu ngay từ ban đầu, các thủ lãnh Hội Thánh chú ý đến lời cảnh cáo nguyên thủy nầy, thì Hội Thánh có lẽ đã được cứu khỏi sự hư hoại khủng khiếp mà mình phải chuốc lấy trải qua các thời đại. Chúng tôi chẳng bao giờ hết ngạc nhiên vì giới lãnh đạo Hội Thánh ngày nay chỉ thừa nhận Lời Đức Chúa Trời một cách hữu danh vô thực trong các cuộc nhóm họp ở nhà thờ. Thật ra Lời Đức Chúa Trời đáng phải là chính trái tim của các cuộc nhóm họp ấy.

Kh 1:4-8

Lời chào thăm Bảy Hội Thánh

Tại Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm,Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi, và Lao-đi-xê.

Bảy đô thị nầy nối liền nhau bởi một đại lộ hình tam giác, và được nêu tên theo thứ tự địa dư, bắt đầu từ Ê-phê-sô,đi chừng 100 dặm về phía Bắc tới Bẹt-găm, rồi lại đi về phía Đông-nam tới Lao-đi-xê, cách Ê-phê-sô chừng 100 dặm về phía Đông.

"Xứ A-si" (Kh 1:4) là một tỉnh La-mã ở miền Tây của Tiểu-Á-tế-á, và ngày nay thuộc lãnh thổ Thổ-nhĩ-kỳ.Ê-phê-sô là đô thị trọng yếu nhứt, còn Bẹt-găm là thủ đô chánh trị.

Có nhiều chi hội ở "xứ A-si".Những chi hội gọi là "Bảy Hội Thánh" đây chắc là mấy trung tâm trọng yếu trong các địa hạt liên hệ, là những đô thị then chốt cho chức vụ Mục sư của Giăng ở cả vùng nầy.

Chỉ thành Ê-phê-sô được nêu tên ở chỗ khác trong lịch sử Tân Ước. Thi-a-ti-rơ được nói đến là quê hương của Ly-đi (Cong 16:14); Lao-đi-xê đã nhận một bức thơ của Phao-lô (Co 4:13-16), nhưng thơ nầy nay đã thất lạc. Còn 4 chi hội kia không được ghi nhắc ở chỗ nào khác trong Tân Ước, chắc là Hội nhánh do chức vụ của Phao-lô tại thành Ê-phê-sô.

 

059

Bản đồ số 59

 

Con số "Bảy"

Sách Khải Huyền được cấu tạo chung quanh một hệ thống số "bảy". Bảy bức thơ gởi cho Bảy Hội Thánh (đoạn 1-3) bảy cái ấn và bảy ống loa (đoạn Kh 4:11) bảy bát (đoạn 15, 16) bảy chơn đèn (Kh 1:12,20) bảy ngôi sao (Kh 1:16,20) bảy vị thiên sứ (Kh 1:20) bảy vị thần (Kh 1:4) Chiên Con có bảy sừng và bảy mắt (Kh 5:6) bảy ngọn đèn (Kh 4:5) bảy tiếng sấm (Kh 10:3-4)con rồng sắc đỏ có bảy đầu và bảy mũ triều thiên (Kh 12:1) con thú giống như con beo có bảy đầu (Kh 13:1) con thú sắc đỏ sậm có bảy đầu (Kh 17:3,7) bảy hòn núi (Kh 17:9)bảy vua (Kh 17:10).

Suốt cả Kinh Thánh, con số "bảy" hoàn toàn dễ thấy. Ngày Sa-bát là ngày thứ bảy. Chế độ Lê-vi của Cựu Ước được xây dựng trên một chu kỷ (cycle) những con số "bảy."

Giê-ri-cô sụp đổ sau khi bảy thầy tế lễ cầm bảy cây kèn, đi vòng quanh vách thành trong bảy ngày, và đến ngày thứ bảy,thì đi vòng quanh bảy lần. Na-a-man dầm mình bảy lần dưới sông Giô-đanh.

Kinh Thánh bắt đầu với bảy ngày sáng tạo và chấm dứt với một sách gồm những số "bảy" liên quan đến số phận chung cuộc của muôn vật thọ tạo.

Số "bảy" được Đức Chúa Trời ưa thích lắm. Có bảy ngày trong một tuần lễ. Âm nhạc có bảy cung. Cái mống có bảy màu sắc.

Vì số "bảy" thường được dùng và theo cách dùng số "bảy," ta chắc rằng nó có một ý nghĩa cao hơn giá trị của nó như một con số. Về hình bóng, người ta cho rằng nó tượng trưng cho ý niệm về sự toàn vẹn, một đơn vị, sự đầu dẫy, toàn bộ.

 

Bảy "phước" của sách Khải Huyền

Trong sách nầy có bảy lần chép:"Phước cho...!" Chúng ta không biết con số nầy do định ý hay là do tình cờ.

"Phước cho kẻ đọc lời tiên tri nầy!"

"Phước cho những người chết, là người chết trong Chúa!" (Kh 14:13).

"Phước cho kẻ tỉnh thức" (chờ Chúa tái lâm)! (Kh 16:15).

"Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!" (Kh 19:9)

"Phước thay và thánh thay, những kẻ được dự phần về sự sống lại thứ nhứt!" (Kh 20:6).

"Phước thay cho kẻ nào giữ những lời tiên tri trong sách nầy!" (Kh 22:7).

Phước thay cho những kẻ giặt áo mình!" (Kh 22:14).

 

Ý nghĩa của những con số khác

Có những con số khác được dùng một cách khiến ta nghĩ rằng chính nó là một lời nói có ý nghĩa vượt quá giá trị của nó như một con số. Đây là một vài con số ấy:

3: Dấu hiệu đặc biệt của Đức Chúa Trời bằng con số.

4: Dấu hiệu đặc biệt của cõi thiên nhiên, của muôn loài thọ tạo bằng con số.

7:3 cộng với 4: Dấu hiệu đặc biệt chỉ về toàn bộ.

12:3 lần 4: Dấu hiệu đặc biệt của dân Đức Chúa Trời.

10: Dấu hiệu đặc biệt của quyền lực trần gian.

 

"Đấng hiện có, đã có và còn đến" (Kh 1:4)

Bổn tánh của Đức Chúa Trời còn đến đời đời: Đó là một trong những điểm mà sách nầy nhấn mạnh.

"Đấng hằng sống đời đời " (Kh 4:10).

"Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, trước đã có, nay hiện có, sau còn đến" (Kh 4:8).

"Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là thứ nhứt và là sau chót, là đầu và là rốt" (Kh 21:6 Kh 22:13).

"Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng hiện có, đã có và còn đến, là Đấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga" (Kh 1:8).

Ta là Đấng trước hết, và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ" (Kh 1:17,18).

Trong một thế giới mà các đế quốc dấy lên và sụp đổ, mọi vật chết và qua đi, chúng ta được nhắc nhở rằng Đức Chúa Trời không có sự thay đổi, không có thời gian, và hằng có đời đời. Ngài hứa rằng bổn tánh Ngài có thể được truyền cho chúng ta; rằng cũng như Ngài và bởi ân điển Ngài, chúng ta không bị Tử thần làm hại, song có thể cứ sống mãi mãi.Ta sống đời đời, hưởng tuổi thanh niên bất diệt. Thực sự nầy cho đời ta có ý nghĩa quí báu biết bao! Các thánh đồ đương thời ấy phải tuận đạo đã được yên ủi biết bao!

 

"Đức Chúa Jêsus Christ... làm Chúa của các vua" (Kh 1:5)

Lời nầy chứng quyết rằng Ngài là Bá chủ không hạn chế của thế giới. Không phải dường là như vậy luôn luôn. Nhiều vua đã đố thách và còn cứ đố thách Đấng Christ một cách táo tợn, om sòm, vô liêm sỉ.Cả đến ngày nay, nhiều quỉ sứ của địa ngục còn đi dọc ngang trên mặt đất, cai trị loài người. Nhưng chắc chắn chúng sẽ bị đoán phạt.

Nước mà xưa kia Sa-tan cống hiến và Đấng Christ từ chối, thì Ngài vẫn chiếm được, nhưng theo phương pháp của Ngài,chớ không theo phương pháp của Sa-tan. Những người được cứu chuộc trong mọi thời đại, tức là các linh hồn ở Ba-ra-đi và các thánh nay còn sống, đang móng chờ ngày vui sướng ấy. Nó sẽ đến chắc chắn như buổi sáng vậy. Đấng Christ ngự trên ngôi, cả khi tình hình dường như tối tăm hơn hết. Chúng ta chớ bao giờ quên điều đó.

 

"Đã lấy Huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta" (Kh 1:16)

Chúng ta được cứu bởi Huyết Đấng Christ: đó lại là một điểm khác mà sách nầy nhấn mạnh.

"Ngài đã lấy Huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chiphái... " (Kh 5:9).

"Chúng đã thắng nó (Sa-tan) bởi Huyết Chiên Con" (Kh 12:11).

"Đó là những kẻ... đã giặt và phiếu trắng áo mình trong Huyết Chiên Con" (Kh 7:14).

"Phước thay cho những kẻ giặt áo mình đặng có phép đến nơi "Cây Sự Sống!" (Kh 22:14).

Có những nhà trí thức khô khan chống lại tư tưởng đó. Nhưng đó là một sự dạy dỗ liên tiếp của Kinh Thánh, được Tân Ước nhấn mạnh nhiều lần. Nó cảm động lòng chúng ta biết bao! Vì cớ nó, chúng ta sẽ kính mến và thờ lạy Ngài là dường nào trải qua các thời đại vô tận của cõi đời đời!

 

Ngài"đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng" (Kh 1:6)

Sách nầy đầy dẫy những lời ca tụng,ngợi khen Đức Chúa Trời.

"Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực" (Kh 4:11).

"Sự ngợi khen, vinh hiển, khôn ngoan, chúc tạ, tôn quí, quyền phép và sức mạnh đều thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con đời đời vô cùng!" (Kh 5:13 Kh 7:10,12).

"Hỡi Chúa là Đức Chúa Trời Toàn năng, công việc Chúa lớn lao và lạ lùng thay! Hỡi Vua của muôn đời,đường lối Ngài là công bình và chơn thật!" (Kh 15:3).

"Ha-lê-lu-gia! Sự cứu chuộc, vinh hiển, quyền phép đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta...Ha-lê-lu-gia!... Ha-lê-lu-gia!... Ha-lê-lu-gia! Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta,là Đấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị. Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài" (Kh 19:1-7).

Bốn con sanh vật, 24 trưởng lão, muôn triệu thiên sứ và vô vàn người được cứu chuộc từ mọi dân tộc, cất tiếng như đại dương gầm thét, làm cho Thiên đàng vang lừng khúc ca ngợi khen Đức Chúa Trời.Tại sao trong các nhà thờ chúng ta không có như vậy? Tại sao không để cho tín đồ hátthánh ca?

 

"Kìa, Ngài đến giữa những đám mây!" (Kh 1:7)

Sự tái lâm của Chúa cũng lại là một đề mục chánh yếu của sách nầy.

"Mọi mắt sẽ thấy Ngài,cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trông thấy" (Kh 1:7).

"Các ngươi khá bền giữ... cho tới chừng Ta đến" (Kh 2:25).

"Ta sẽ đến như kẻ trộm" (Kh 3:3).

"Ta đến mau kíp; hãy giữ lấy điều ngươi có" (Kh 3:11).

"Kìa, Ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh thức!" (Kh 16:15).

"Kìa, Ta đến mau chóng" (Kh 22:7).

"Nầy, Ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với Ta" (Kh 22:12).

"Phải, Ta đến mau chóng" (Kh 22:20).

Sự tái lâm của Chúa là một trong những lời đầu tiên của sách nầy. Và là lời cuối cùng của sách nầy lời Giăng cầu xin Ngài "Hãy đến."

Đấng Christ sắp tái lâm. Sự tái lâm của Ngài là kết cuộc vĩ đại của lịch sử loài người. Ngài sẽ ngự đến trên đám mây,có quyền năng và vinh hiển. Cả thế giới sẽ thấy Ngài. Một ngày sầu thảm, kinh khiếp cho mọi người đã chối bỏ Ngài. Một ngày vui mừng khôn xiết cho những kẻ thuộc về Ngài.

Chính Đức Chúa Jêsus cũng đã phán những điều đó nhiều lần (Mat 13:42,50 Mat 24:30,51 Mat 25:30 Mat 26:64 Lu 21:25-28). Sách Cong 1:9,11 chép rằng Đức Chúa Jêsus ngự lên trời trong một đám mây, và "cũng sẽ trở lại như cách... Ngài lên trời vậy."

Gần 2000 năm đã trôi qua, mà Ngài vẫn chưa tái lâm. Nhưng đối với bối cảnh của cõi đời đời, thì 1000 năm chỉ như một ngày. Một ngày kia, Ngài sẽ ngự đến thình lình. Đức Chúa Jêsus ngự đến lần thứ nhứt nhằm thì giờ chỉ định. Và Ngài sẽ tái lâm nhằm thì giờ đã định trong chương trình của Ngài.

"Thì giờ đã gần rồi" (Kh 1:3). Sách Khải Huyền mở đầu như vậy đó. Và nó cũng kết thúc như vậy đó (Kh 22:10).Có thể gần hơn là chúng ta vẫn suy nghĩ.

Kh 1:9-20

Đấng CHRIST ở Giữa Hội Thánh

"Bát-mô" (Kh 1:9) là đảo mà Giăng bị đày tới trong cơn bắt bớ do tay Hoàng đế Domitien, và là nơi Giăng nhận được những sự hiện thấy nầy. Nó ở biển Égée, cách thành Ê-phê-sô chừng 60 dặm về phía Tây-nam, và cách thành A-thên chừng 150 dặm về phía Đông. Nó dài 10 dặm và rộng 6 dặm, có nhiều đá và không có cây cối.

"Ngày của Chúa" (Kh 1:10;), rõ ràng là "ngày thứ nhứt trong tuần lễ" (Cong 20:7 ICo 16:2), là ngày các tín đồ nhóm họp để thờ phượng Chúa và kỷ niệm sự sống lại của Chúa. Ngày thứ bảy được giữ để kỷ niệm công cuộc sáng tạo thể nào, thì cũng một thể ấy,ngày thứ nhứt được biệt riêng để khiến trí óc loài người đời đời nhớ truyện tích Đức Chúa Jêsus sống lại từ trong kẻ chết, nhớ ngày quan trọng hơn hết trong cả lịch sử, nhớ biến cố duy nhứt làm cho đời người có ý nghĩa.

"Được Đức Thánh Linh cảm hóa" (Kh 1:10 Kh 4:2 Kh 17:3 Kh 21:10); đây dường như có nghĩa là các quan năng của ông đã hoàn toàn bị Thánh Linh Đức Chúa Trời chiếm lấy.

 

"Hãy chép" (Kh 1:11)

Đó là lịnh của tiếng từ trời truyền xuống.

"Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách" (Kh 1:11).

"Hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy" (Kh 1:19).

Hãy viết cho... Ê-phê-sô.""Hãy viết cho... Si-mẹc-nơ." "Hãy viết cho... Bẹt-găm.""Hãy viết cho... Thi-a-ti-rơ" "Hãy viết cho ... Sạt-đe""Hãy viết cho... Phi-la-đen-phi." "Hãy viết cho...Lao-đi-xê" (Kh 2:1,8,12,18 Kh 13:1,7,14).

"Hãy viết lấy: Từ rày, phước thay cho những người chết trong Chúa!" (Kh 14:13).

"Hãy chép: Phước thay cho những người được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!" (Kh 19:9).

Như vậy, đã nhiều lần được nhấn mạnh mẽ hết sức rằng chính Đức Chúa Trời truyền lịnh chép sách Khải Huyền nầy, và chính Ngài bảo cho Giăng biết đúng phải chép những gì.

 

Sự hiện thấy về Đấng Christ (Kh 1:13-18)

Cầm thiên sứ của các Hội Thánh trong tay Ngài.

Tóc Ngài trắng như tuyết. Mắt Ngài như ngọn lửa.

Mặt Ngài như mặt trời. Chơn Ngài như đồng đánh bóng.

Tiếng Ngài phán như tiếng nước lớn.

Miệng Ngài thò ra thanh gươm bén hai lưỡi.

Cứu Chúa nhu mì của các sách Tin Lành bây giờ hiện ra với Hội Thánh Ngài dưới hình trạng đó; và cùng với Hội Thánh,Ngài đã thắt lưng để giao tranh. Ngài là một Chiến sĩ, một Đấng Toàn thắng, đối địch với những quân thù chí tử và hùng mạnh. Hình trạng Ngài khuyến khích Hội Thánh hãy tin cậy tài lãnh đạo của Ngài. Đó cũng là một lời nghiệm khắc và nhiệt thành cảnh cáo Hội Thánh Ngài (đang có dấu hiệu hư hoại và bội đạo càng ngày càng hơn) rằng Ngài sẽ chẳng dung thứ sự phân tâm hoặc bất trung.

 

Các thiên sứ (Kh 1:20)

Các thiên sứ dự phần quan trọng trong sự trình diễn cảnh trạng của những sự hiện thấy và trong sự chép sách nầy.

Một thiên sứ đọc sách nầy cho Giăng chép (Kh 1:2 Kh 22:16).

Trong số Bảy Hội Thánh, thì mỗi Hội Thánh có một thiên sứ (Kh 1:20 Kh 2:1; v.v...).

Một thiên sứ chú ý đến quyển sách đóng ấn (Kh 5:2).

Muôn vàn thiên sứ hát khen ngợi Chiên Con (Kh 5:11).

Bốn thiên sứ được ban cho quyền phép để làm hại trái đất (Kh 7:1-4).

Một thiên sứ đóng ấn cho những người được chọn (Kh 7:1-4).

Các thiên sứ sắp mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời (Kh 7:11).

Một thiên sứ được dùng trong sự đáp lại lời cầu nguyện của các thánh đồ (Kh 8:3-5).

Bảy thiên sứ thổi bảy ống loa (Kh 8:6,7 v.v...).

Một thiên sứ của vực sâu làm vua của đạo quân châu chấu (Kh 9:11).

Bốn thiên sứ được cởi trói cùng 200 triệu lính mã kỵ ở bờ sông Ơ-phơ-rát (Kh 9:15,16).

Một thiên sứ cầm quyền sách mở ra và báo cáo kỳ sau rốt (Kh 10:1,2,6).

Mi-chên cùng các thiên sứ trực thuộc giao chiến với con rồng và các thiên sứ của nó (Kh 12:7).

Một thiên sứ bay đi rao báo Tin Lành cho các nước (Kh 14:6).

Một thiên sứ khác bay đi rao báo sự suy sụp của Ba-by-lôn (Kh 14:8).

Một thiên sứ tuyên án phạt những kẻ theo Con Thú (Kh 14:9,10).

Một thiên sứ rao báo mùa gặt của trái đất (Kh 14:15).

Một thiên sứ rao báo mùa hái nho của trái đất (Kh 14:18,19).

Bảy thiên sứ cầm bảy tai vạ sau cùng (Kh 15:1). Một thiên sứ rao báo sự đoán phạt Ba-by-lôn (Kh 17:1,5).

Một thiên sứ lại rao báo sự suy sụp của Ba-by-lôn (Kh 18:2).

Một thiên sứ dự phần đánh cho Ba-by-lôn một đòn chí tử (Kh 18:21).

Một thiên sứ cầm đầu sự hủy diệt Ba-by-lôn (Kh 19:17).

Một thiên sứ xiềng xích Sa-tan lại (Kh 20:1,2).

Một thiên sứ chỉ cho Giăng thấy thành Giê-ru-sa-lem mới (Kh 21:9).

12 thiên sứ gác 12 cổng thành Giê-ru-sa-lem mới (Kh 21:19).

Một thiên sứ cấm Giăng thờ lạy mình (Kh 22:9).

Như vậy, trong sách Khải Huyền nầy, có 27 lần nói đến sự hoạt động của các thiên sứ. Trong nguyên văn, chữ "thiên sứ" nghĩa là "sứ giả." Theo như Kinh Thánh đã dùng, thì chữ nầy phần nhiều ứng dụng cho các thân vị siêu nhiên của thế giới vô hình, dùng làm sứ giả hầu việc Đức Chúa Trời hoặc quỉ Sa-tan.

Các thiên sứ xuất hiện rất nhiều trong cuộc đời Đức Chúa Jêsus. Suốt cả Kinh Thánh có nói nhiều về các thiên sứ.

Một số người cho rằng "thiên sứ" của các Hội Thánh (Kh 2:1, v.v...) là những sứ giả do các Hội Thánh gởi tới thăm Sứ đồ Giăng ở đảo Bát-mô, hoặc là Mục sư của các Hội Thánh ấy, hoặc là thiên sứ bảo vệ các Hội Thánh ấy, hoặc là đại diện thiên thượng của các Hội Thánh ấy.

Do sự dắt dẫn của Đức Chúa Trời, trong bảy bức thơ nầy, Giăng diễn tả Thiên đàng nhận xét giá trị của các Hội Thánh trên mặt đất thể nào.

Kh 2:1-3:22

Thơ gởi cho bảy Hội Thánh

Mỗi thơ gồm cả sách Khải Huyền, và có một sứ điệp ngắn ngủi đặc biệt cho mỗi Hội Thánh. Chúng tôi đoán rằng sách Khải Huyền đã chép thành bảy bản, và gởi tới mỗi thành một bản. Như vậy, mỗi Hội Thánh chẳng những có thể đọc biết Chúa đánh giá chính mình, song còn có thể đọc biết Chúa đánh giá các Hội Thánh khác nữa. Cả đến ngày nay, các chi hội cũng có thể nhờ những bức thơ nầy mà tự đánh giá mình.

 

Tánh chất của các Hội Thánh

Hai Hội Thánh rất tốt: Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi.

Hai Hội Thánh rất xấu: Sạt-đe và Lao-đi-xê.

Ba Hội Thánh vừa tốt, vừa xấu:Ê-phê-sô, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ.

Hai Hội Thánh tốt, là Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi, gồm những người thuộc giai cấp thấp thỏi và đang chịu bắt bớ.

Hai Hội Thánh xấu, là Sạt-đe và Lao-đi-xê, gồm những người thuộc giai cấp cầm quyền; họ có tiếng là tín đồ Đấng Christ, nhưng sống như người ngoại đạo.

Hội Thánh Ê-phê-sô dạy đạo chánh thống,nhưng đã mất lòng kính mến ban đầu.

Hội Thánh Bẹt-găm theo tà giáo, nhưng vẫn trung thành với Danh Đấng Christ.

Hội Thánh Thi-a-ti-rơ theo tà giáo,dung thứ Giê-sa-bên, nhưng có thêm lòng sốt sắng.

 

Tà giáo

Nó liên quan đến tội "tà dâm"và tội "ăn thịt cúng thần tượng" (Kh 2:20). Dâm dục thật là một phần trong sự thờ lạy thần tượng, và được nhìn nhận là thích hợp với những buổi lễ ngoại đạo. Bọn tăng nữ của tà thần Đi-anh và của những tà thần giống như vậy đều là kỵ nữ.

Đó là một vấn đề rắc rối cho Hội Thánh dân ngoại từ lúc ban đầu. Bức thông điệp của các Sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem gởi cho Hội Thánh dân ngoại gần 50 năm trước (Công vụ các sứ đồ, đoạn 15), dầu có tánh chất khoan hồng, song cũng dứt khoát nhấn mạnh rằng tín đồ phải tránh xa những hành động phóng túng liên quan đến sự thờ lạy thần tượng.

Trong thời gian ấy, vô số người ngoại đạo đã trở thành môn đồ Đấng Christ và đã đem một số ý niệm cũ của mình vào trong đạo mới.

Sự quyến rũ theo nhục dục trong cuộc thờ lạy nữ thần Đi-anh đã đánh mạnh vào bổn tánh loài người; những kẻ quen với sự quyến rũ ấy chẳng dễ từ bỏ nó đâu. Lẽ tự nhiên, họ tìm đủ cách để dung hòa những thói tục ngoại đạo đó với đạo Đấng Christ. Nhiều kẻ tự nhận là giáo sư đạo Đấng Christ, tự coi là được Đức Chúa Trời soi dẫn, song lại binh vực quyền tự do dự phần những thói tục hủ hoại của đạo thờ thần tượng.

Tại Ê-phê-sô, toàn thể các Mục sư Cơ-đốc-giáo loại trừ bọn giáo sư đó. Nhưng tại Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ, dầu chúng tôi chẳng nghĩ rằng phần đông Mục sư giảng dạy như vậy, song họ dung thứ bọn giảng dạy như vậy trong hàng ngũ của mình.

Bảy thơ nầy rập theo một mẫu:

Mở đầu: "Nầy là lời phán của Đấng..." và "Ta biết công việc ngươi..."

Kết thúc: "Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh..." và "Kẻ nào thắng..."

 

"Nầy là lời phán của Đấng..."

Tỏ ra một phương diện của bổn tánh Ngài có liên quan đến mỗi Hội Thánh.

Với Hội Thánh Ê-phê-sô lớn lao và mạnh mẽ, song đã mất lòng sốt sắng:

"Nầy là lời phán của Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu..."

Với Hội Thánh Si-miệc-nơ nghèo nàn,đang chịu đau đớn và bắt bớ:

"Nầy là lời phán của Đấng chết rồi mà đã sống lại..."

Với Hội Thánh Bẹt-găm đang dung thứ bọn giáo sư dạy sự hủ hoại:

"Nầy là lời phán của Đấng có thanh gươm nhọn hai lưỡi..."

Với Hội Thánh Thi-a-ti-rơ đang thêm lòng sốt sắng, nhưng dung thứ Giê-sa-bên:

"Nầy là lời phán của Con Đức Chúa Trời, là Đấng mắt như ngọn lửa..."

Với Hội Thánh Sạt-đe có tiếng là sống,mà thật là chết:

"Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời..."

Với Hội Thánh Phi-la-đen-phi không có tên tuổi trong đô thị, nhưng trung tín:

"Nầy là lời phán của Đấng... mở thì không ai đóng được..."

Với Hội Thánh Lao-đi-xê đang hâm hẩm:

"Nầy là lời phán của Đấng làm chứng thành tín, chơn thật..."

 

"Ta biết công việc ngươi"

Với Hội Thánh Ê-phê-sô: "Ta biết công việc ngươi, sự khó nhọc ngươi, sự nhịn nhục ngươi."

Với Hội Thánh Si-miệc-nơ: "Ta biết sự khốn khó, nghèo khổ của ngươi."

Với Hội Thánh Bẹt-găm: "Ta biết nơi ngươi ở, đó là ngôi của quỉ Sa-tan."

Với Hội Thánh Thi-a-ti-rơ: "Ta biết công việc ngươi, lòng yêu thương ngươi, đức tin ngươi,... lòng nhịn nhục ngươi."

Với Hội Thánh Sạt-đe: "Ta biết công việc ngươi ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết."

Với Hội Thánh Phi-la-đen-phi: "Ta biết công việc ngươi... ngươi... đã giữ đạo Ta."

Với Hội Thánh Lao-đi-xê: "Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh, cũng không nóng."

 

"Kẻ nào thắng..."

Tại Ê-phê-sô: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho ăn trái cây sự sống."

Tại Si-miệc-nơ: "Kẻ nào thắng, sẽ chẳng bị hại gì về lần chết thứ hai."

Tại Bẹt-găm: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ ban cho ma-na đương giấu kín."

Tại Thi-a-ti-rơ: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ ban cho kẻ ấy ngôi sao mai."

Tại Sạt-đe: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ không xóa tên người khỏi sách sự sống."

Tại Phi-la-đen-phi: "Kẻ nào thắng,Ta sẽ cho làm trụ trong Đền Đức Chúa Trời Ta."

Tại Lao-đi-xê: "Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho ngồi với Ta trên ngôi Ta."

 

"Ai có tai, hãy nghe"

Bức thơ nào cũng kết thúc như vậy,dường như Chúa cảnh cáo các Hội Thánh rằng họ thận trọng về lời Ngài phán với mình đó, thì tốt hơn.

Kh 2:1-7

Thơ gởi cho Hội Thánh Ê-phê-sô

Ê-phê-sô, mẫu hội của các chi hội xứ A-si, dân số 225.000 người, là thủ đô và trung tâm thương mại của xứ A-si. Miễu thờ nữ thần Đi-anh tại đó là một trong bảy kỳ quan của thế giới.

Tại đó, 40 năm trước, Phao-lô đã làm việc được thành công hơn hết (54-57 S.C.); có vô số người trở lại tin theo Đấng Christ đến nỗi sau thời gian rất ngắn, Hội Thánh đã trở nên một ảnh hưởng mạnh nhứt trong đô thị, và một Hội Thánh có danh tiếng nhứt trên thế giới.

Người ta nói rằng sau khi Phao-lô qua đời, thì Ti-mô-thê để hầu hết thì giờ ở tại Ê-phê-sô, và tuận đạo tại đó trong cơn bắt bớ của Domitien, tức là cơn bắt bớ đã khiến cho Sứ đồ Giăng bị đày ra đảo Bát-mô.

Lúc cao tuổi, Sứ đồ Giăng ở tại Ê-phê-sô. Nếu ông không tích cực hành chức Mục sư, thì vì cớ tuổi tác và rốt lại, vì là Sứ đồ của Đấng Christ còn sống sót, chắc ông cũng có ảnh hưởng