- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Quyển I - THÁNH KINH HỌC
107. Trên thế giới có đang giữ được hai bảng đá chép Mười Điều Răn hay nguyên bản Kinh Thánh không?
Không! Không còn bất cứ một nguyên bản Kinh Thánh, hay một phần nguyên bản, dầu bằng đá, bằng đất sét nung, bằng da, hay bằng giấy chỉ thảo nào cả. Hiện nay trên thế giới, các bảo tàng viện lớn chỉ còn giữ lại được một số những bản sao chép tay lâu đời của Kinh Thánh, gọi là các “thủ-bản cổ sao” của Kinh Thánh.
108. Tại sao không giữ được nguyên bản Kinh Thánh, trong khi cả Do thái giáo và Cơ đốc giáo đều yêu mến Lời của Đức Chúa Trời?
Chắc chắn đã có những cố gắng lớn lao để giữ gìn một bảo vật vô giá như vậy. Tuy nhiên, mọi cố gắng lâu dài trải qua nhiều thế hệ đều hoàn toàn thất bại.
Vì sao? Câu trả lời bình thường có lẽ vì cả Do thái giáo lẫn Cơ-đốc giáo đều đã trải qua những thời kỳ tan lạc lớn.
Tuy nhiên, sự không giữ được bất cứ một nguyên bản nào mang một lý giải thuộc linh: Chính Đức Chúa Trời đã không cho phép giữ lại, e rằng những nguyên bản nầy sẽ trở thành một cái bẫy cho tội thờ hình tượng. Đây là tội khó tránh nhất trong Cơ đốc giáo.
Stanisław Jerzy Lec (1909-1966), một luật gia, và là nhà thơ Ba Lan gốc Do Thái đã viết:
“Khi đập phá hình tượng nhớ giữ lại cái bệ. Cái bệ bao giờ cũng cần đến” (When smashing monuments, save the pedestals—they always come in handy). Hình tượng mà Stanisław nói đến ở đây là hình tượng chính trị, nhưng câu nói nầy vẫn luôn luôn đúng cho tất cả mọi thứ hình tượng.
Tại sao khi hạ bệ một hình tượng lại cần giữ cái bệ? Bởi vì cái bệ thì thời nào, và ở đâu cũng đều luôn luôn cần. Tại sao luôn cần đến nó? Bởi vì trong bản chất con người, sau khi sa ngã tại Vườn Ê-đen, là say mê hình tượng. Hễ phá đổ một tượng cũ khỏi bệ, họ liền phải kiếm một hình tượng mới để đặt lên. Khi phá đổ hình tượng nầy xuống, họ phải kiếm một cái khác để đặt lên trên bệ.
Từ khi lìa bỏ Đức Chúa Trời, là chân thần, con người luôn có khuynh hướng tôn thờ các thần khác. Do vậy, lãnh vực nào của đời sống con người cũng có các hình tượng, và đâu đâu cũng có sự tôn thờ thần tượng. Trong mọi thời đại, mọi nền văn minh, mọi xã hội, nhân loại sa ngã luôn luôn tôn thờ một số vị thần nào đó. Trong chính trị, người ta tôn thờ lãnh tụ. Trong văn hóa, người ta tôn thờ các thiên tài. Trong tôn giáo, lại càng có nhiều thần thánh, nhiều hình tượng để thờ. Khi bước vào căn lều của một người nghèo nhất trong bất cứ xã hội nào, người ta cần phải cẩn thận. Cẩn thận không phải vì sợ va vấp hũ gạo hay bồ khoai, mà cẩn thận vì sợ vấp phải các hình tượng.
Ngay cả trong Đạo Chúa cũng vậy. Lịch sử của Tuyển dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu Ước, cũng như lịch sử Hội Thánh thời Tân Ước là một điệp khúc về sự thờ lạy hình tượng. Trong thời Cựu Ước, sau khi Ghê-đê-ôn phá dỡ bàn thờ thần Ba-anh, đánh hạ hình tượng A-sê-ra của dân Ca-na-an tại Óp-ra, thì cả dân Y-sơ-ra-ên cùng nhà Ghê-đê-ôn lại cúng thờ cái ê-phót do Ghê-đê-ôn làm ra, cũng ngay tại Óp-ra (Quan 6:25;8:27). Vua Sau-lơ đã từng hăng hái tảo thanh khỏi xứ những đồng cốt, các thầy tà thuật, để rồi cuối đời, chính vua lại thân hành đi tìm một người cầu vong (ISa-mu-ên 28:7-10). Khi vừa lên ngôi, vua Sa-lô-môn sốt sắng xây đền thờ và long trọng dâng của lễ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Nhưng trong buổi về già, vị vua lừng danh khôn ngoan nầy lại cùng các Hoàng Hậu thờ lạy thần Minh-côm đáng gớm ghiếc của dân Am-môn. Ngay cả con rắn bằng đồng Môi-se làm ra trong sa mạc theo lệnh của Chúa, để cứu dân sự khi bị rắn lửa cắn. Mấy trăm năm sau cũng trở thành một thánh vật để tôn thờ [Dân 21:9, 2Các 18:4]. Đấng tiên tri Giê-rê-mi từng than thở: “Hỡi Giu-đa, ngươi có bao nhiêu thành, có bấy nhiêu thần; Giê-ru-sa-lem có bao nhiêu đường phố, các ngươi cũng lập bấy nhiêu bàn thờ cho vật xấu hổ,… tự làm cho mình những thần không phải là thần, thề bởi những thần không phải là thần [Giê-rê-mi 11:13;16:20;5:7].
Trong bốn mươi ba ông vua và một bà hoàng đã từng cai trị trên đất nước Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời, đã có ba mươi bốn người là thờ lạy hình tượng.
Hội Thánh Tân Ước, ngay trong Giáo Hội nghị đầu tiên, đã ra nghị quyết “kiêng giữ cho khỏi sự ô uế của thần tượng” [Công-vụ 15:20]. Nhưng chỉ ít lâu sau, khi Đạo Chúa được vững lập trong thế gian, thì hình tượng cũng bắt đầu có chỗ đứng trong Hội thánh. Suốt cả thời kỳ Trung cổ, thời kỳ Cận đại, mãi cho đến ngày nay, trong Cơ đốc giáo, ngoại trừ Hội thánh Cải chánh và Hội thánh Tin lành, sự thờ hình tượng cứ càng ngày càng phát triển thêm, chớ chưa bao giờ giảm bớt. Chánh thống giáo thì thờ hình, còn Công giáo thì lạy tượng.
Bên Công giáo La-mã, Cộng đồng Trent năm 1563 chính thức cho phép đem tượng Bà Ma-ri cùng vô số các thánh vào đền thờ. Cả giới tăng lữ và giáo dân đều cầu nguyện với các thánh. Họ tôn kính, đúng ra, tôn thờ các thánh tích cũng như thánh vật (relics), bất chấp sự răn cấm của Đức Chúa Chúa Trời [Xuất 20:3-6]. Mọi điều nầy chẳng những làm Chúa buồn lòng, mà thậm chí những người Cơ đốc nhân xưa nay vẫn gọi là “dân ngoại”, là “dị giáo”, hết sức kinh ngạc.
Một trong những khẩu hiệu và sứ mạng lớn lao của người Hồi giáo vào thời Trung cổ, khiến họ sốt sắng kéo quân chinh phạt các vùng đất Cơ đốc giáo như vũ bão, ấy là để “quét sạch mọi hình tượng ô uế khỏi nhà của Đấng Allah vĩ đại”.
Chúng ta có thể dễ dàng thấy được tại sao Đức Chúa Trời đã không cho biết đích xác các “chốn thiêng liêng”. Chẳng hạn như, vùng Biển Đỏ nơi nước đã rẽ ra cho dân Y-sơ-ra-ên đi qua, là nơi nào. Đích xác hòn núi Si-nai, trong xứ A-ra-bi [Ga-la-ti 4:25], nơi Mười Điều Răn đã được ban hành, là ở đâu.
Hay là Ngài cũng không để cho các đồ vật của Đền tạm và Đền thờ, thậm chí những vật đáng bảo vệ, như Hòm Giao Ước bọc vàng, cái Bình vàng đựng ma-na, cây Gậy trổ hoa của A-rôn, hai Bảng giao ước,…được lưu lại cho chúng ta…
Thậm chí những nơi chốn cụ thể mà các trước giả đã từng ngồi xuống để viết các bản Thánh văn cho 66 Sách của Kinh Thánh, ngày nay cũng không một ai biết chắc, bất cứ một nơi nào.
Đức Chúa Trời cũng không cho các vật dụng của Đức Chúa Jesus từng sử dụng, được lưu lại cho chúng ta, kể cả vật rất quan trọng, là cây thập tự mà Ngài bị đóng đinh trên đó, để chuộc tội cho cả nhân loại**…
Có vẻ như là Đức Chúa Trời đã cất giấu mọi vật đó khỏi tầm mắt và tầm tay chúng ta.
Tại sao Ngài lại giấu? Ấy là vì Ngài biết chúng ta sẽ tôn thờ những nơi ấy, hoặc những vật ấy cách sai lầm và nguy hiểm. Sai lầm vì hành động trái nghịch với Mười Điều Răn và các giới mạng của Kinh Thánh. Nguy hiểm vì trực tiếp xúc phạm đến chính bản tánh kỵ tà của Đức Chúa Trời.
Đặc biệt là nguyên bản của Kinh Thánh. Nếu con rắn bằng đồng do tay loài người làm ra mà người ta còn thờ lạy thay, huống chi hai bảng luật pháp chép Mười Điều Răn do chính ngón tay Ngài viết ra, và nguyên bản của các Sách thánh trong Kinh Thánh.” *
* Kim Đức: Quyển Sách Của Đức Chúa Trời, Care for Souls Ministry, Roseville, 2018, pp16-21.
** Ngày nay có khá nhiều giáo đường trên thế giới hãnh diện tuyên bố rằng giáo đường của họ đang lưu giữ một phần, hoặc toàn thể, cây thập tự nguyên bản (original cross) của Đức Chúa Jesus, như là một thánh-tích (relic) cho giáo dân chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, để đánh giá mức độ khả tín của “nguyên bản”, chúng ta có thể nhớ lại lời bình-luận của Erasmus (1466-1536) nhà Nhân văn học người Hòa Lan, đã nói cách đây gần 5 thế kỷ rằng: “Nếu thu thập tất cả các mảnh cây thập tự (nguyên bản) của Đức Chúa Jesus, đang được trưng bày tại các địa điểm công cộng hoặc riêng tư khắp trên thế giới, phải cần đến một tàu buôn lớn mới chất hết số gỗ đó…”.
109. Làm sao biết chắc quyển Kinh Thánh chúng ta đang đọc hôm nay chính là quyển Kinh Thánh Đức Chúa Trời đã từng ban cho nhân loại?
Đây là một câu hỏi rất quan trọng và thiết thực mà mỗi Cơ-đốc nhân một lần trong đời cũng phải đặt ra.
Câu hỏi đó có thể như trên, hoặc như dưới đây:
Quyển Kinh Thánh, Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ và Tân Ước tiếng Hy lạp mà Hội Thánh Tin Lành có trong tay hôm nay, có hoàn toàn giống với bản văn nguyên-thủy của Lời Đức Chúa Trời, chớ không phải các bản văn sao chép từ nó? Bởi vì khi sao chép, làm sao tránh được tình trạng “tam sao thất bản”?
Chúng ta có thể xác định là bản Kinh Thánh (nguyên văn tiếng Hy Bá Lai, tiếng A-ram và tiếng Hi-lạp, chớ không phải bản dịch) mà Hội Thánh Tin Lành hiện đang có trong tay là hoàn toàn chính xác, 99.999%, so với bản Kinh Thánh nguyên thủy. Tại sao được như vậy?
Được như thế là nhờ vào kỷ luật sao chép cần mẫn và nghiêm túc của các thầy ký lục (scribes) đối với bản văn Kinh Thánh Cựu Ước. Đối với bản văn Tân Ước, nhờ thành quả của các nhà “Khôi phục bản văn” trong Hội Thánh Chúa trải qua các đời.
110. Việc sao chép bản văn Kinh Thánh Cựu Ước đã được thực hiện như thế nào?
Việc sao chép bản văn Kinh Thánh Cựu Ước đã được thực hiện một cách vô cùng cung kính, long trọng và cẩn thận. Sự khôi phục bản văn Kinh Thánh trong nhiều thế kỷ về sau chứng minh không hề có sự sai trật trong những bản sao chép. Có một số điểm sai biệt rất nhỏ nhặt, không đáng kể. Tuyệt nhiên, không có sự sai biệt nào ảnh hưởng đến tín lý, hay làm thay đổi nội dung của các sự kiện và chuyện tích trong Kinh Thánh.
Được vậy, nhờ những người sao chép Kinh Thánh, tức là các thầy ký lục (scribes) đã rất kính sợ Đức Chúa Trời và hết lòng tôn kính Lời Ngài. Họ đã biệt riêng và tận hiến cuộc đời cho thiên chức sao chép Kinh Thánh.
Lòng kính sợ Đức Chúa Trời, và tinh thần cung kính cần mẫn trong thiên chức sao chép Kinh Thánh của các thầy được thể hiện qua các kỷ luật: (1) Phải dọn mình thánh sạch trước khi sao chép. (2) Chỉ sao chép vào buổi sáng, lúc tâm trí còn rất minh mẫn. (3) Tuân thủ những quy luật nghiêm nhặt của công tác sao chép, chẳng hạn tuân hành tuyệt đối 10 qui định về công tác sao chép Kinh Thánh như dưới đây:
- Chỉ được sử dụng da của thú vật thanh sạch, thường là da chiên hay da bò non, để làm giấy. Cả đến sợi dây dùng để khâu gáy giữa hai trang sách, tức giữa hai tấm da lại với nhau, cũng phải dùng da của thú vật thanh sạch.
- Mỗi cột (column) của văn bản không được ít hơn 48 dòng và không nhiều hơn 60 dòng.
- Mực phải có màu đen đậm và được pha chế đúng theo quy định.
- Phải đọc to lên mỗi chữ họ viết.
- Phải đi tắm, và rửa sạch sẽ cây viết (hay dùi để viết trên da) trước khi viết đến danh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
- Trong vòng 30 ngày, phải dò kỹ lại phần đã viết. Nếu phát hiện ra trong đó có đến 03 trang có lỗi cần sửa, phải bỏ toàn bộ bản văn đã chép, và chép lại từ đầu.
- Những chữ, mẫu tự phải được đếm. Nếu có hai chữ dính gần sát nhau, trang sách phải bị bỏ. Cách bố trí mẫu tự, chữ và câu, cùng cột phải giống hệt với nguyên bản.
- Bản thánh văn phải được lưu giữ ở những nơi thánh, như đền thờ và nhà hội (synagogue).
- Bản thánh văn phải được bảo quản tại một nơi an toàn, ngoài tầm tay của bất cứ một kẻ phá hoại nào.
- Khi một bản văn bị rách nát, nếu phải chôn nó, phải chôn theo một thể thức đặc biệt, long trọng và cẩn thận.
Xem như thế thì việc “tam sao thất bổn” rất khó có thể xảy ra.
Từ thời Môi-se cho đến thời của Đức Chúa Jesus, bản văn Kinh Thánh Cựu Ước vẫn giữ nguyên mức chuẩn xác. Bằng chứng là khi Đấng Christ còn ở trong thế gian, Ngài đã sử dụng Lời của Ngài được người ta sao chép lại một cách hết sức tự nhiên, đầy tin cậy, và chưa hề bao giờ tỏ ra chút phiền trách hay nghi ngờ về bản văn. Điều Ngài thường xuyên lên tiếng là sự thiếu hiểu biết ý nghĩa tinh túy của bản văn, và không thực hành nội dung thiêng liêng của Kinh Thánh, mà thôi.
Rồi gần hai ngàn năm qua, kể từ thời của Đấng Christ cho đến hôm nay. Trong khi thế giới trải qua nhiều biến đổi, thì bản Kinh Thánh Cựu Ước vẫn tiếp tục giữ được mức chuẩn xác hoàn hảo nhờ mọi cố gắng bảo tồn Lời Ngài của Do Thái giáo lẫn của Cơ-đốc giáo.
111. Có bằng chứng nào cụ thể cho thấy bản văn Kinh Thánh Cựu Ước (Hebrew) Hội Thánh có rất sát với nguyên bản?
Thưa có, có rất nhiều. Một trong những bằng chứng sống động, đầy ý nghĩa là sự khám phá ra “Các Cuộn Biển Chết” (The Dead Sea Scrolls). Câu chuyện xảy ra cách đây hơn bảy mươi năm, vào tháng 3 năm 1948. Mấy năm sau đó, người ta đã tìm thấy những bản văn Kinh Thánh cổ, có niên hiệu trước cả thời Đức Chúa Jesus khoảng 200 năm. Các bản văn được đặt tên là “The Dead Sea Scrolls”, hay còn gọi là “Qumran Caves Scrolls”, vì được giấu trong các hang động tại Qumran, một vùng nằm trong sa mạc xứ Judea, về phía bắc của Biển Chết. Khi đọc và đối chiếu những bản văn nầy với Kinh Thánh tiếng Hebrew đang có hiện nay, người ta vừa sung sướng vừa kinh sợ, vì thấy rằng dân sự Đức Chúa Trời ngày nay thật đang đọc quyển Kinh Thánh mà mọi lời đều giống y như quyển Kinh Thánh mà người Israel và Đức Chúa Jesus đã đọc trong thời Cựu Ước.
112. Bản văn Kinh Thánh Cựu Ước chuẩn xác như vậy, còn bản văn Kinh Thánh Tân Ước thì sao?
Cảm ơn Chúa, bản văn Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp mà Hội Thánh có hai ngàn năm qua, vốn giống y hệt nguyên bản, 99.99%. Trong thời đại chúng ta lại càng chuẩn xác, vì đã loại bỏ hầu như hoàn toàn những sai lầm nhỏ do con người gây ra (human error) trong khi sao chép. Ấy là nhờ vào công tác khôi phục nguyên bản của các nhà học giả Kinh Thánh.
113. Công tác khôi phục bản văn Kinh Thánh Tân Ước đã được thực hiện cụ thể như thế nào?
Trong các thư viện nổi tiếng thế giới ngày nay, đang lưu giữ rất nhiều các bản cổ sao Kinh Thánh. Trong đó nhiều bản rất cổ và rất nổi tiếng như Bản Sinaitic, Bản Alexandrie, Bản Vatican, Bản Ephraem, Bản Codex Bezae, cùng một số bản dịch rất cổ bằng tiếng La Tinh, tiếng Syriac, tiếng Slavic,…. Các bản cổ sao nầy gọi là Thủ bản cổ sao, tức bản sao chép tay rất xưa, tiếng Anh gọi là manuscripts. (Chữ manuscript, đến từ chữ La Tinh “manus”, hay chữ Pháp “main”, nghĩa là bàn tay).
Trên thế giới hiện nay, Kinh Thánh Tân Ước lưu giữ được nhiều bản cổ sao hơn bất kỳ một tác phẩm văn học, hay kinh sách tôn giáo cổ đại nào khác. Với hơn 5.800 bản cổ sao Hy Lạp toàn thể, hoặc một phần, hoặc một số mảnh, bằng giấy da hoặc giấy chỉ thảo Kinh Thánh Tân Ước.
Bên cạnh đó còn có hơn 10.000 bản cổ sao Kinh Thánh Tân Ước đã được dịch sang tiếng La tinh, và hơn 9.000 bản cổ sao của các ngôn ngữ khác như tiếng Syriac, tiếng Slavic…
Cùng với khối lượng các bản cổ sao đồ sộ đó, Cơ-Đốc giáo cũng đang sở hữu một số lượng rất lớn các tác phẩm của các Giáo phụ trong những thế kỷ đầu tiên. Các tác phẩm nầy cực kỳ quý báu. Quý báu không chỉ vì là những tài liệu Thần học và Sử học quan trọng, mà còn vì trong những tác phẩm nầy, các Giáo phụ còn trích dẫn rất nhiều những câu, những khúc, những phần Kinh Thánh từ những thủ bản cổ sao đầu tiên, thậm chí cũng có thể từ Kinh Thánh nguyên bản.
Chính vì thế, có thể nói rằng phương tiện để phục hồi nguyên bản Kinh Thánh các học giả đã có trong tay, là quá dồi dào vượt hơn mức cần thiết.
Ngoài ra, mặc dầu công tác khôi phục bản văn là lớn lao và long trọng, tuy thế, nó lại khá giản dị, thậm chí có thể nói dễ dàng là khác. Công tác đó là như thế nầy:
Các nhà khôi phục bản văn dùng các bản cổ sao tốt nhứt, cùng các tài liệu mà các Giáo phụ để lại, đối chiếu với nhau cẩn thận từng chấm từng nét. Hễ thấy có một lỗi lầm trong bất cứ thủ bản nào, chỗ đó phải được sửa lại y theo tất cả các bản khác kia. Bởi vì mỗi bản đều có thể mắc lỗi lầm do sự bất toàn của viên ký lục. Nhưng không thể nào có nhiều viên ký lục, hoàn toàn không biết nhau, sống ở những địa điểm xa cách nhau, vào những thời điểm khác nhau, lại cùng có chung một sự sai sót y như nhau, trong khi sao chép.
Với cách đó, người ta đã sửa chữa được mọi chỗ sai sót, để có một bản văn đúng y như với nguyên bản.
Để kết luận, chúng ta có thể trích dẫn lời của Huân tước Frederic George Kenyon (1863-1952), Giám đốc Bảo tàng viện Luân đôn, người được giới học giả thế giới kính trọng về sự uyên bác, chân thành, cũng như về đạo đức, đã từng tuyên bố về sự chuẩn xác của Kinh Thánh như sau:
Bản văn Kinh Thánh Tân Ước ngày nay là bản văn đã được phục hồi từ ba nguồn chứng cớ độc lập: Các thủ bản cổ sao, các bản dịch cổ, và những trích dẫn Kinh Thánh từ các tác phẩm của các Cơ-đốc nhân đầu tiên, là các Giáo phụ... Ngày nay, tín đồ Đấng Christ có thể cầm quyển Kinh Thánh trên tay và tuyên bố không chút sợ hãi hay là do dự rằng, đây thật là Lời của Đức Chúa Trời, là lời đã được lưu truyền từ đời nầy qua đời khác, từ thế hệ nọ đến thế hệ kia, trải qua mấy mươi thế kỷ, không hề mất mát hay sai sót bất cứ một chi tiết quan trọng nào”.*
*Neil R. Lightfoot: How We Got The BiBle, Baker Books, Grand Rapids, Michigan, p.112