than hoc van dap

94. Nói đến thẩm quyền của Kinh Thánh, là nói đến điều gì?

“Khi nói đến thẩm quyền, chúng ta ngụ ý quyền truyền lịnh phải tin và phải hành động.

…Trong đề tài thẩm quyền tôn giáo, vấn đề quan trọng là: Có người nào, cơ chế nào, hoặc tài liệu nào có quyền chỉ định niềm tin cùng hành động trong vấn đề tôn giáo hay không? Theo nghĩa cơ bản, nếu có một Hữu thể Tối thượng cao hơn con người cùng mọi thứ khác trong trật tự đã được tạo nên, thì Đấng đó có quyền quyết định điều chúng ta phải tin và cách chúng ta phải sống… Ngài vừa có quyền, vừa do bản chất lẫn do những việc Ngài đã làm, đặt ra tiêu chuẩn cho niềm tin cùng hành động. Tuy nhiên, đối với những vấn đề quan trọng, Ngài không nắm quyền cách trực tiếp. Đúng hơn, Ngài đã chuyển giao quyền đó bằng cách làm ra một cuốn sách, tức Kinh Thánh. Vì truyền đạt sứ điệp của Ngài, nên Kinh Thánh cũng có giá trị như chính Đức Chúa Trời truyền lịnh nếu Ngài trực tiếp phán với cá nhân chúng ta.

Vì nói lên ý muốn của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh có quyền xác định điều chúng ta phải tin trong những vấn đề tôn giáo và cách chúng ta cư xử.”*

*Millard J Erickson: Thần Học I,II,III, Thánh Kinh Thần Học Viện, Anaheim, California, p.2-61

95. Phải chăng Kinh Thánh luôn có thẩm quyền tối thượng trong Cơ-đốc giáo?

Rất tiếc là không. Không, bởi vì Cơ-đốc giáo có nhiều hệ-phái. Quan điểm của Công giáo khác với quan điểm Tin lành. Ngay trong Tin lành cũng có một số quan điểm khác nhau. Chẳng hạn như quan điểm về Thẩm quyền Kinh Thánh của Tân Chính thống, của Thần học Tự do, của Tin lành Bảo thủ, và của một số nhóm Ân tứ Cực đoan, cũng rất khác nhau.

96. Về thẩm quyền Kinh Thánh, quan điểm của Giáo hội Công giáo như thế nào?

Giáo hội Công giáo không xem Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng và duy nhất. Công giáo có các cơ sở hình thành thẩm quyền của Giáo hội như sau:

(1) Thẩm quyền của Kinh Thánh: Giáo hội Công giáo công nhận Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, nhưng Kinh Thánh Công giáo có thêm những sách mà Do thái giáo và Tin lành không công nhận, gọi là Ngụy kinh (Apocrypha).

(2) Thẩm quyền của Thánh truyền (Sacred Tradition, hay Holy Tradition): Thánh truyền bao gồm những lời giảng dạy, những gương sáng của các Sứ đồ, các Giáo phụ, các Giáo hoàng trải qua các đời, cùng các thể chế, phong tục mà các vị ấy lập nên. Ví dụ: Chế độ Giáo hoàng, mà Phi-e-rơ là Giáo hoàng thứ nhứt. Bà Maria đồng trinh trọn đời, và thăng thiên cả hồn lẫn xác lên trời. Sự cầu bầu của Bà Maria. Ngục luyện tội. Bùa Xá tội. Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, ở Lourdes. Sự phong thánh. Bàn thờ, Dấu Thánh giá, Tràng hạt Mân côi, Nước thánh, Hương thánh, các Thánh vật, v.v…

(3) Thẩm quyền của các Cộng đồng Giáo hội (Ecumenical Council):

Cộng đồng Giáo hội là một hội nghị lớn của các chức sắc và các chuyên gia Thần học của Giáo hội Công giáo toàn cầu, nhằm thảo luận và biểu quyết các vấn đề về giáo lý và đức tin của Giáo hội Công giáo, như Cộng đồng Vatican II, năm 1962-1965 chẳng hạn.

Những nghị định của Cộng đồng về đức tin và tín lý như thế, được giáo hội xem như kinh điển, vô ngộ (không sai lầm), có thẩm quyền bắt buộc trên Giáo hội và giáo dân toàn cầu.

Giáo hội Công giáo xem Kinh Thánh, các Truyền thống, và các Cộng đồng đều đến từ Giáo hội. Mặc dầu có 3 thẩm quyền trên, thực chất quyền của Giáo hội bao trùm trên cả 3 quyền ấy. Như vậy, Giáo hội Công giáo không xem Kinh Thánh có thẩm quyền duy nhất, tuyệt đối và tối thượng. Về điều nầy Giáo sĩ John Drange Olsen, trong quyển Thần Đạo Học có viết như sau:

“Giáo hội La-mã đề xướng cái ý kiến ấy, quả quyết rằng sự chủ trị lòng tín ngưỡng và cách hành vi của tín giáo đều do một quyền cao cả là Giáo hội. Hễ ai muốn được cứu rỗi rất cần phải vâng phục các mạng lịnh của Giáo hội và phẩm trật của hội ấy mới được.” 

“Giáo hội La mã… chẳng nhận Đấng Christ là nguồn có một không hai của thần đạo, cũng không lấy Kinh Thánh làm tiêu chuẩn của sự tín ngưỡng, dám cả gan tự xưng Giáo hội là nguồn, và giáo hoàng là tiêu chuẩn của thần đạo. Tuy hội ấy công nhận Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời, thì cũng quyết rằng từng hồi từng lúc Đức Chúa Trời vẫn còn phải nhờ giáo hoàng và những Công nghị hội mà ban bố thêm cho Giáo hội những sự khải thị mới. Thế thì, Giáo hội La mã coi cái nguồn của thần đạo không những là chỉ ở nơi Kinh Thánh, mà cũng còn do lời truyền khẩu của giáo hội và các chỉ dụ của giáo hoàng nữa kia.

Tại sao họ chủ trương lý thuyết sai lầm đó? Vì Giáo hội La mã quyết rằng Hội Thánh sanh ra Kinh Thánh, chớ chẳng phải Kinh Thánh sanh ra Hội Thánh. Trước khi chưa có Kinh Thánh đã có Hội Thánh rồi, nên Hội thánh cũng có quyền thêm những lẽ thật cho thần đạo. Thế thì Giáo hội La mã sai lầm lắm, bởi Kinh Thánh tuy có sau Hội Thánh, mà lẽ thật của Kinh Thánh vẫn có trước muôn đời ở nơi chính Đức Chúa Trời. Hội Thánh nhờ lẽ thật ấy bày tỏ ra mà được gây dựng. Câu Giáo hội La mã hay viện chứng cho ý kiến của mình là "Hội Thánh... trụ và nền của lẽ thật" (1Ti 3:15). Nhưng Giáo hội La mã giải nghĩa câu ấy rất sai lầm. Theo nguyên ý của cả Kinh Thánh, thì Đức Chúa Trời dùng lẽ thật để gây dựng Hội Thánh, chớ chẳng phải là Hội Thánh gây dựng lẽ thật bao giờ. Vậy, nếu nói, Hội Thánh giữ gìn và nâng đỡ lẽ thật ở trong thế gian như cây trụ chống đỡ cái nhà kia thì đúng; còn nếu nói rằng Hội Thánh gây dựng lẽ thật thì sai lầm lắm; bởi vì nguồn gốc của lẽ thật chỉ ở nơi Đấng Christ mà thôi”.*

*John Drange Olsen: Thần Đạo Học, Sài gòn, Nhà In Tin Lành, 1958, trang 77; trang 10.

 

97. Quan điểm về thẩm quyền Kinh Thánh của Giáo hội Công giáo đã đem lại những hậu quả nào?

Việc Giáo Hội Công Giáo không xem Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhất và tối thượng, đã đưa đến những hậu quả không thể đo lường nỗi.

Nó đã làm cho đức tin, cách sống đạo, cùng mọi sinh hoạt xã hội của tín đồ khác xa sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Nó làm cho Giáo hội trở nên băng hoại, không còn là Hội Thánh của Đấng Christ như đã được Kinh Thánh dạy dỗ. Nó làm cho cả thế giới qua bao ngàn năm hiểu sai về Đạo Chúa, thù ghét Đạo Chúa. Sự lạm quyền của Giáo Hội đã sản sinh vô vàn bất công và nghèo đói trong xã hội; làm nảy nở các tư tưởng chống nghịch Cơ-đốc giáo; gây nên vô số cuộc cách mạng, xung đột và chiến tranh. Nó đã định hình lịch sử thế giới suốt 1500 năm qua, và đang góp phần quan trọng trong việc hình thành một thế giới đầy dẫy sự bạo loạn và thù ghét như đang có hôm nay.

Vì không xem Kinh Thánh là thẩm quyền duy nhứt, cao nhứt, Giáo hội Công giáo tự cho mình là tiếng nói tối thượng trên niềm tin, trên mọi hành vi và sinh hoạt cá nhân, gia đình, cộng đồng, thậm chí trên cả quốc gia, tại những nước do Giáo hội cầm quyền. Giáo hội đã đưa cả Âu châu vào hàng ngàn năm tăm tối về đạo đức, chính trị, cũng như trong mọi sinh hoạt xã hội. Thời kỳ tăm tối đó, lịch sử gọi là Thời đại Ám-thế (Dark Ages), từ khoảng 500SC cho đến 1517SC, tức thời điểm Martin Luther bắt đầu công cuộc Cải chánh Giáo hội. Tuy vậy, tại những nơi Giáo hội còn tiếp tục cầm quyền về thế tục (thông qua các hoàng đế do Giáo hội tấn phong), như tại Pháp, Ý, Tây ban nha... Tình trạng nầy kéo dài cho đến khi sự bất mãn trong lòng người dâng cao. Nhiều trào lưu tư tưởng vô thần và chống tôn giáo nở rộ. Cuối cùng, đưa đến cao điểm là cuộc Cách mạng Pháp đẫm máu năm 1789.

Từ thái cực sai lầm nầy chuyển sang một thái cực sai lầm khác. Cách mạng 1789, là một cuộc cách mạng xã hội chống tôn giáo. Cuộc cách mạng nầy đã lật đổ nền Quân chủ Pháp, chuyển đổi Nước Pháp từ ý-thức-hệ Cơ-đốc giáo (Công giáo) sang tinh thần thế tục, mà thực chất là ý-thức-hệ Vô thần. Cho nên, trong cuộc Cách mạng, không chỉ Hoàng gia Pháp lên đoạn đầu đài, mà cả giới tăng lữ cũng đã bị xử tử hay bắt bớ dữ tợn. Đã từng có giai-đoạn, Công giáo tại Pháp bị thay thế bằng Đạo Lý trí (Culte de la Raison). Hầu hết các Đại Thánh Đường tại Pháp được đổi thành Đền thờ Lý trí và Triết lý (Temple de la Raison - et de la Philosophie). Tượng Bà Maria được thay thế bằng tượng của “Nữ thần Lý trí”, một hình thức nhân cách hóa Lý trí con người.

98. Quan điểm của Tin lành Tự do đối với thẩm quyền của Kinh Thánh như thế nào?

Thần học Tự do xem Kinh Thánh là phản ảnh niềm tin và sự nhận thức của người đời xưa về Đức Chúa Trời và về thế giới. Đối với họ, Kinh Thánh là một tác phẩm đạo đức có giá trị tương đối, có chỗ đúng, mà cũng có chỗ sai.

Giống như người Vô thần, người theo Thần học Tự do hoặc lấy lý trí, hoặc lương tâm, hay cảm xúc (tùy theo trường phái), chứ không phải lấy Kinh Thánh làm tiêu chuẩn của đời sống đạo đức, nên Kinh Thánh không có thẩm quyền tối thượng trong đời sống của những người theo trường phái nầy.

99. Quan điểm về thẩm quyền Kinh Thánh của Thần học Tự do đã đem lại những hậu quả nào?

Vắn tắt một lời, nếu bệnh đậu mùa đã từng cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người trong lịch sử, thì quan điểm về thẩm quyền Kinh Thánh của Thần học Tự do là một thứ bệnh dịch đã cướp đi linh hồn của hàng triệu triệu tín đồ Cơ-đốc giáo, và tàn phá Hội thánh cho đến tận ngày nay. Đã có nhiều học-giả Tin Lành gọi các nhà Thần học Tự do là “muông sói giữa bầy chiên”.

100. Quan điểm Tân Chánh thống đối với thẩm quyền của Kinh Thánh như thế nào?

Không Công giáo, không Tự do, cũng không Bảo thủ, đó là Tân Chánh thống.

(1) Tân Chánh thống khác với Công giáo vì Tân Chánh thống đề cao Lời Chúa và bác bỏ Thần học Thiên nhiên: Công giáo La-mã tuy coi trọng Kinh Thánh, song cũng đề cao Thần học Thiên nhiên, (toàn bộ hệ thống Thần học Công giáo đều chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm của Thomas Aquinas (1225-1274), một nhà Thần học nổi tiếng thời Trung cổ, cha đẻ của Thần học Thiên nhiên). Tân Chánh thống bác bỏ Thần học Thiên nhiên, và cho rằng chỉ có Lời Chúa mới khải thị rõ ràng về Đức Chúa Trời và mọi chân lý khác của Ngài.

(2) Khác với Thần học Tự do vì Thần học Tự do hoàn toàn phế bỏ giá trị của Kinh Thánh, trong lúc Tân Chánh thống cho rằng Kinh Thánh là một dụng cụ quan trọng để giao tiếp với Lời Chúa, tức giao tiếp với Đấng Christ.

(3) Nhưng Tân Chánh thống cũng khác với Tin lành Chánh thống, vì Tin lành Chánh thống xem Kinh Thánh là Lời Chúa, trong lúc Tân Chánh thống không xem Kinh Thánh là Lời Chúa, mà chỉ là công cụ để con người sử dụng hầu tương giao với Lời Chúa, là Đấng Christ.

Về mặt lịch sử, Tân Chánh thống là một nỗ lực ra đời nhằm cứu Tin lành khỏi Thần học Tự do, là phong trào Thần học bác bỏ Kinh Thánh, đang tàn phá đức tin Cơ-đốc vào thời đó. Nhưng Tân Chánh thống cũng không thoát khỏi bóng ma Duy lý và tinh thần sùng bái Khoa học của thời đại. (Trong thời điểm đó, nhiều nhà Thần học và nhiều mục sư ngày đêm cứ nơm nớp lo Kinh Thánh có vẻ như sai khoa học, và không biết làm sao để “bênh vực” cho Chúa và cho Kinh Thánh). Tân Chánh thống cũng vậy. Vì cảm thấy Kinh Thánh có nhiều chỗ “sai khoa học”, nên Tân Chánh thống không dám tuyên bố Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời.

Tuy bác bỏ vai trò của Thần học Thiên nhiên, của Lương tâm và của Lý trí, và đề cao Lời Chúa, nhưng Lời Chúa ở đây, theo Tân Chánh thống, không phải là Kinh Thánh mà chính là Đấng Christ. Còn Kinh Thánh, theo Tân chánh thống, chỉ là một tuyển tập ghi lại những lời chứng của con người về Đấng Christ, và chỉ là sự diễn đạt lại những kinh nghiệm của con người về Ngài, cho nên Kinh Thánh vẫn có thể mắc phải các sai lầm của con người, và do đó, Kinh Thánh không phải là Lời Chúa theo ý nghĩa khách quan.

101. Quan điểm của Tin lành Chánh thống đối với thẩm quyền của Kinh Thánh như thế nào? 

“Giáo hội Cải chánh công nhận rằng chỉ có một nơi cầm quyền tuyệt đối trong đạo giáo, ấy là Kinh Thánh. Bộ sách ấy dạy một cách có thần quyền về lẽ đạo Giáo hội phải tín ngưỡng, bày ra mô phạm và tiêu chuẩn cá nhân tín đồ phải tuân phục. Nếu trong Giáo hội có sự tranh biện vô luận vấn đề gì liên quan đến đạo giáo, tín ngưỡng, hành vi, thì chỉ phải dùng lời Kinh Thánh để thí nghiệm và giải quyết vấn đề ấy mới hợp nghi. Hễ xét thấy sự dạy dỗ của Kinh Thánh phán đoán thế nào, thì tín đồ phải công nhận làm theo thể ấy. Vì Kinh Thánh có thần quyền để giải quyết và đoán định mọi sự thuộc về đạo giáo, tín ngưỡng và hành vi vậy.”*

*John Drange Olsen: Thần Đạo Học, Sài gòn, Nhà In Tin Lành, 1958, trang 78

102. Quan điểm của một số nhóm Ân tứ Cực đoan đối với thẩm quyền của Kinh Thánh như thế nào? 

Có một số nhóm Ân tứ Cực đoan, tuy rất yêu mến và tin cậy lời Kinh Thánh, nhưng cũng đề cao kinh nghiệm cá nhân về việc được Chúa phán trực tiếp. Thường thường, những người nầy sẽ đi xa đến mức xem những lời phán trực tiếp đó là có thẩm quyền, trên thực tế, ngang bằng với Lời Kinh Thánh.

Dầu rằng không ghi thành tín điều, nhưng những người Ân tứ Cực đoan thường rất chú tâm và đề cao vai trò “Lời của Cha” mà họ nghe được 24/24, mỗi ngày. Họ xem đó là lời Rhéma (Lời đang phán) của Đức Chúa Trời. Đặc biệt có một nhóm Ân tứ Cực đoan gọi là "The Word of Faith", chính thức xem những “Lời của Đức tin” có giá trị ngang như Lời Kinh Thánh trong sự dạy dỗ và hướng dẫn hành vi.

Do niềm tin trên, các sứ giả của Ân tứ Cực đoan thường hay công bố: “Tôi được Chúa phán là tôi phải làm việc nầy, phải làm việc kia, phải đi nơi nầy, phải đi nơi kia”. Hay là: “Chúa phán với tôi rằng anh hãy làm cái nầy, chị hãy làm việc kia”. Thậm chí có khi họ cũng tuyên bố: “Chúa phán với tôi rằng anh mắc tội nầy, chị mắc tội kia”.v.v...

Có 2 vấn đề đối với quan điểm nầy:

(1) Ân tứ Cực đoan hiểu sai về “Lời đang phán” (Rhéma). Lời đang phán (hay Rhéma), không phải là những lời tự đến trong trí tưởng con người, mà phải là Lời đến từ Lời đã phán trong Kinh Thánh (Logos), một người nhận được đang khi suy-gẫm Kinh Thánh. Điều quan trọng là Lời ấy phải hoàn toàn phù hợp với Lời Logos.

(2) Ân tứ Cực đoan không có một tiêu chuẩn tối thượng khách quan. Kinh nghiệm cá nhân trong sự tương giao với Đức Chúa Trời là quý báu. Nhưng nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân để làm tiêu chuẩn sống và nguyên tắc hướng dẫn hành vi, thiếu sự thẩm định tối thượng của Kinh Thánh, sẽ dễ trở thành lệch lạc. Kinh Thánh luôn luôn có thẩm quyền tuyệt đối và khách quan trên mọi kinh nghiệm, kể cả “dấu kỳ phép lạ”, để xác định điều nào thật sự đến từ Chúa, điều nào chỉ là kinh nghiệm chủ quan.

104. Tóm lại, từ Công giáo La-mã,… cho đến Ân tứ Cực đoan đều không xem Kinh Thánh là Thẩm quyền tối thượng khách quan? 

Đúng vậy, bởi vì:

(1) Công Giáo La mã không xem Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng khách quan, vì ngoài Kinh Thánh Giáo Hội còn có hai nguồn thẩm quyền khác là Truyền thống Giáo hội và Nghị quyết của các Cộng đồng. Quyền của Giáo hội lại bao trùm trên cả ba thẩm quyền đó.

(2) Thần học Tự do không xem Kinh Thánh là Thẩm quyền tối thượng khách quan, vì lấy Lý trí hay Lương tâm làm tiêu chuẩn thẩm quyền. Lương tâm và lý trí thì tùy thuộc chủ quan của từng cá nhân.

(3) Tân Chánh thống không xem Kinh Thánh là Thẩm quyền tối thượng khách quan, vì lấy những chân lý nhận được qua Kinh nghiệm cá nhân trong khi tương giao với Chúa (bằng Kinh Thánh), để làm thẩm quyền tối cao, chớ không phải lấy chính Kinh Thánh, làm tiêu chuẩn thẩm quyền.

(4) Ân tứ Cực đoan không xem Kinh Thánh là Thẩm quyền tối thượng khách quan (duy nhất), vì xem Lời phán qua kinh nghiệm cá nhân trong khi tương giao với Chúa có giá trị ngang bằng với lời Kinh Thánh.

105. Điều gì sẽ xảy ra nếu Hội thánh của Đức Chúa Trời không có được một Thẩm quyền tối thượng khách quan? 

(1) Khi không có một Thẩm quyền tối thượng khách quan, Hội thánh sẽ thường gặp khó khăn trong vấn đề “ý Chúa” khi điều hành, hướng dẫn các hoạt động và sinh hoạt Hội thánh.

Khi Hội thánh đối diện với một vấn đề quan trọng cần phải quyết định, một số thành viên sẽ đưa ra các “ý Chúa” mà cá nhân họ đã nhận được, qua Lời phán trực tiếp của Chúa, hay qua kinh nghiệm gặp gỡ riêng tư với Chúa.

Trong trường hợp các “ý Chúa” trái ngược nhau, vấn đề sẽ trở nên nan giải. Nếu đó là quan điểm cá nhân, thì có thể khoan nhượng nhau hoặc thay đổi. Nhưng khi đã tuyên bố là “ý Chúa” không một ai dám thay đổi, hoặc bắt người khác thay đổi được. Hội thánh sẽ dễ bị đưa đến chia rẽ, hoặc đổ vỡ.

(2) Hội Thánh không có một tiêu chuẩn tối thượng khách quan, cũng như một dân một nước không có lãnh đạo, không có tòa án. Trong thời đại Các Quan Xét, “Đang lúc đó, không có vua trong Y-sơ-ra-ên; ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải” [Quan 21:25].

106. Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi con người và mỗi hành động cá nhân không có một Thẩm quyền tối thượng khách quan? 

Đây là một câu hỏi cực kỳ quan trọng cho mỗi đời sống, cả về mặt tư duy lẫn thực hành. Trả lời rõ ràng câu hỏi nầy sẽ can thiệp sâu rộng đến mục đích của đời sống cũng như mọi hành động trong đời người. Câu hỏi tối hệ nầy sẽ được trình bày kỹ lưỡng trong một, hoặc hai bài học riêng của phần Nhân Loại Học Cơ Đốc. Thánh Kinh Học và Nhân Loại Học Cơ Đốc sẽ được kết hợp lại để đưa ra câu trả lời chính xác và hoàn toàn đáng tin cậy.

107. Nếu cần một sự nhắc nhở chung trong môn Thánh Kinh Học và Thần học thì sự nhắc nhở đó là gì?

Sự hiểu biết về Thánh Kinh Học và Thần học có một tầm ảnh hưởng sống chết trên linh hồn tín đồ và tương lai Hội Thánh. Vì mặc dầu như Millard J Erickson đã nói, “Một đặc điểm của thời đại chúng ta là tuổi sống tương đối ngắn của Thần học. Trên một phương diện, sự tổng hợp Thần học lớn lao của Augustine tồn tại gần tám thế kỷ…. Thần học của John Calvin chiếm lĩnh gần ba thế kỷ. Tuy nhiên, tới Friedrich Schleiermacher, chúng ta thấy thuyết tự do được ông chủ xướng, kéo dài chỉ hơn một thế kỷ… Thần học của Karl Barth giữ uy thế chỉ hơn hai mươi lăm năm, và sự giải tỏa thần thoại của Rudolf Bultmann chỉ khoảng mười hai năm… Đồng thời sự kiện những thiên tài thần học hiện nay đã rời khỏi sân khấu. Đầu thế kỷ hai mươi nổi bật tư tưởng của Karl Barth, Paul Tillich và Reinhold Niebuh. Thế nhưng gần đây ít có ai sánh kịp tư tưởng của họ, và chẳng có ai qui tụ được một số đồ đệ như họ.”*

*Millard J Erickson: Thần Học I,II,III, Thánh Kinh Thần Học Viện, Anaheim, California, p 1-21

Điều rất đáng buồn, và đáng lo nơi đây là những “thiên tài” Thần học thuộc loại nầy tuy đã chết, nhưng ảnh hưởng vô tín đầy chết chóc của các vị ấy vẫn còn mạnh, và đang đem lại sự chết chóc cho Hội thánh hoàn vũ. Vì vậy, ước mong rằng mỗi Tôi Con Chúa và mỗi Hội Thánh, xin hãy khích lệ nhau học Thần học. Học Thần học là yêu Chúa, yêu chính mình, yêu Gia đình mình, yêu Hội thánh, và yêu Đất nước.