CHƯƠNG 1 - LUẬN VỀ SỰ KHẢI THỊ

I. ÐỊNH NGHĨA DANH TỪ KHẢI THỊ 

Danh từ KHẢI THỊ thường dùng theo hai nghĩa đen và bóng, văn khoa dùng theo nghĩa đen, còn thần học dùng theo nghĩa bóng.

1. NGHĨA ĐEN

Danh từ khải thị nghĩa đen nói riêng thì chữ “khải” nghĩa là mở ra. Chữ “thị” nghĩa là đưa cho xem; nói chung thì là mở ra hoặc bày tỏ điều gì kín giấu cho mắt có thể thấy được.

2. NGHĨA BÓNG

Trong thần học danh từ nầy có hai nghĩa là đại khái và đặc biệt. Nghĩa đại khái thường chỉ về sự bày tỏ Đức Chúa Trời ra, hoặc trong cõi thiên nhiên hay là trong Kinh Thánh, đến đỗi nhờ mọi thực sự nơi hai nguồn ấy khiến loài người có thể hiểu về Đức Chúa Trời; ấy gọi là sự khải thị của Đức Chúa Trời. Còn nghĩa đặc biệt là chỉ về các lẽ thật biên tập trong một bộ sách gọi là Kinh Thánh. Chương nầy chú trọng về nghĩa thứ hai, tức là chuyên chú kê cứu sự khải thị của Đức Chúa Trời đã biên tập trong Kinh Thánh vậy.

II. LÝ DO TIN CHẮC CÓ SỰ KHẢI THỊ

Trước khi kê cứu qua mục thần học dạy về vị cách và công vụ của Đức Chúa Trời, thiết tưởng rất quan hệ cho ta phải giải quyết vấn đề nầy đã: Đức Chúa Trời há có ban bố cho nhân loại ta một sự khải thị đặc biệt để giãi bày cho ta hiểu biết Ngài không? Xin đáp: Chắc có. Lại hỏi: Bằng có, do đâu mà tin chắc rằng có sự khải thị ấy? Sau đây xin kể lại những bằng cớ minh chứng rằng Đức Chúa Trời quả đã ban cho ta sự khải thị đặc biệt ấy.

1. BẰNG CỚ VÌ SỰ CẦN YẾU CỦA LOÀI NGƯỜI

Hễ ai chịu ngồi xuống nghiên cứu qua về nhơn loại học một vài, thì rất dễ thấy tánh tình loài người có nhiều điều thiếu thốn bởi sự không hiểu biết Đức Chúa Trời mà ra; chỉ có sự khải thị lẽ đạo chân chánh của Đức Chúa Trời mới mong có thể bổ lại chỗ thiếu thốn đó. Tánh tình và lịch sử của nhơn loại ta đều đồng chứng cho sự cần yếu ấy.

a)Lý tánh tự nhiên không thể hiểu thấu đạo Đức Chúa Trời. – Đạo Đức Chúa Trời vốn rất mầu nhiệm, lý tánh tự nhiên không thể hiểu được. Các vấn đề như Ba Ngôi hiệp một Đức Chúa Trời, sự cứu chuộc, sự tha tội, cách thức phải thờ phượng Đức Chúa Trời, cảnh trạng đời sau, đều là những sự rất quan hệ ta phải hiểu đến. Nhưng mà nếu không có sự khải thị đặc biệt để minh giải cho, thì còn biết lấy đâu mà bổ vào chỗ thiếu thốn ấy?

b)Lý luận loài người hay lầm lạc. – Sự khôn sáng thuộc linh của loài người đã bị tội lỗi che khuất, lý tánh Đức Chúa Trời ban cho đã bị tình dục dỗ dành, nên sự lý do bản năng loài người suy xét, luận giải ra lắm điều rất sai lầm. Ấy vậy, nếu không có đạo khải thị từ trên trời ban xuống để làm nền tảng cho sự tín ngưỡng của họ, thì dầu có bậc thánh triết đến đâu đi nữa ra đời, cũng chẳng có thể biết rõ đầu đuôi gốc ngọn của đạo Đức Chúa Trời được. Thêm nỗi, lẽ thật do lý tánh người ta suy luận ra cũng chẳng ích gì cho tội nhơn, nếu không có thần quyền chứng nghiệm là chơn lý, thì còn biết đâu là chơn lý mà mong tìm vậy ru?

c)Loài người không phương cứu rỗi. – Các đạo thế gian tuy có luận về lẽ cứu rỗi, diệt tội siêu linh nầy nọ, thì cũng tối tăm lộn xộn lắm, chẳng có linh nghiệm gì hòng cứu được một ai cả, dầu có khiến kẻ nghe bùi tai đôi chút đi nữa, thì rốt cuộc cũng chỉ như cho người ta ăn bánh vẽ đó thôi; chớ thực ra không cứu tội siêu linh ai được. Ví bằng chẳng có thần đạo khải thị để chỉ đường dẫn lối cho thế gian biết phương pháp cứu rỗi và chiến thắng tội lỗi, thì tội nhơn yếu đuối kia sẽ nhờ đâu mà mong giải cứu lấy mình được ư?

d)Không có sự khải thị thì loài người chịu tối tăm. – Lịch sử thế gian bày tỏ rõ ràng cái thảm trạng của loài người, đều chứng nhận rằng hoặc dân tộc hay cá nhân nào mà không có, hoặc đã chối bỏ sự khải thị đặc biệt của Đức Chúa Trời, thì hẳn dân tộc hay cá nhân ấy không sao thoát khỏi lâm vào cảnh huống rất đáng thương. Bởi hễ ai không có lẽ đạo khải thị, thì linh trí phải tối tăm, đạo đức phải suy đồi, hành vi phải bại hoại chẳng sai. Còn thêm nỗi, những sự lý do luân lý và tôn giáo mà họ từng nhận biết và bo bo giữ lấy, lại sai lầm càng hóa ra sai lầm, đến đỗi không ai có thể phân biệt phải quấy, thật giả được nữa. Nếu Đức Chúa Trời không ban ơn lớn, lấy đạo cả mà tỏ bày ra cho loài người, thì loài người còn biết đường lối đâu mà bước đi, thấu rõ chơn lý gì mà tin cậy; trọn đời đành ôm lấy cái hận vàng thau lẫn lộn, ngọc đá khôn phân mà không tự giải nổi, đau đớn biết chừng nào!

2. BẰNG CỚ DO VỊ CÁCH VÀ CÔNG VỤ ĐỨC CHÚA TRỜI

Loài người vốn có linh tánh, nên giao thông với Đức Chúa Trời được. Theo một phương diện thì Ngài có tương quan với họ thật như Cha với con vậy. Mà hễ cha thì đâu lại có lẽ không thương yêu con cái, lo dự bị mọi sự cần dùng cho nó sao? Vả, loài người bị đứng trong địa vị rất thiếu thốn, đã đắm chìm trong bể dị đoan mê hoặc, lưu lạc trong rừng tà đạo, đến đỗi thờ hình lạy tượng; cũng chẳng có đấng thánh bậc hiền nào có đủ tư cách chỉ bảo lẽ đạo cần yếu về Đức Chúa Trời cho họ được biết. Vậy, Đức Chúa Trời há cứ làm ngơ mà chẳng đếm xỉa đến họ chút nào sao? Ngài há không lo dự bị cho họ một sự khải thị siêu việt đặng bày tỏ cho họ biết đức tánh, ý chỉ, luật lệ và ơn cứu rỗi của Ngài ư?

Nhờ những điều đã tỏ ra trong cõi thiên nhiên mà ta biết, ta dám quyết rằng theo bản tánh của Đức Chúa Trời, thì chắc chắn không thể nào Ngài bỏ loài người mà không đếm xỉa đến họ được đâu; bèn hẳn phải dự bị những điều mà ngộ tánh và linh nhơn của họ rất cần yếu, tức là một sự khải thị đặc biệt, để chỉ đường dẫn lối trên thần linh giới, làm kim chỉ nam và đèn soi sáng giữa thế gian tối tăm nầy. Ta tin chắc như vậy là tại vì những cớ sau đây:

a)Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời làm chứng. – Đức Chúa Trời ban cho loài người một linh tánh thuộc linh giới, chiếu theo hình tượng của Đức Chúa Trời mà tạo ra. Đại mục đích của linh tánh ấy là sự hiểu biết Đức Chúa Trời và sự giao thông với Ngài cho đến đời đời vô cùng. Vả, loài người tự nhiên không thể biết Đức Chúa Trời, thì hòng giao thông với Ngài sao được? Rất cần phải có chính Đức Chúa Trời bày tỏ mình Ngài ra mới có thể được. Nếu Đức Chúa Trời nhờ sự khôn ngoan toàn vẹn tuyệt đối mà ban cho loài người cái bản năng diệu kỳ như thế, thì sự khôn ngoan đó há lại chẳng sẽ dự bị cho họ cái phương pháp đặng đạt đến mục đích hạnh phước của lương năng ấy sao? Quả quyết Đức Chúa Trời phải dự bị phương pháp ấy cho: bằng chẳng, Đức Chúa Trời không phải là Đấng khôn ngoan trọn vẹn đâu, bởi vì chỉ biết dựng nên loài người làm linh nhơn có mục đích thuộc linh cao thượng, nhưng lại không sao làm cho họ đạt đến mục đích ấy, thì sao được gọi là toàn trí ư?

b)Công việc hoàn toàn của Đức Chúa Trời làm chứng. – Tra cứu trong cõi thiên nhiên thì thấy công việc tạo hóa của Đức Chúa Trời đều hoàn toàn cả, chẳng còn có việc gì phải làm lại nữa, vì đều xong từ ban đầu cả. Tuy rằng Đức Chúa Trời đã khỉ sự bày tỏ mình Ngài ra trong cõi thiên nhiên, nhưng sự khải thị ấy không được trọn vẹn. Dầu đạo Đức Chúa Trời bày tỏ ra trong đó là rộng rãi cao xa sáng suốt, song Chúa chưa thật bày tỏ rõ ràng được trăm phần toàn hảo về những điều mầu nhiệm của thiên đạo, là điều rất cần yếu cho sự cứu rỗi ra. Vậy, công việc mà Đức Chúa Trời đã khỉ sự làm, Ngài há không có thể làm cho hoàn toàn sao? Đức Chúa Trời há chẳng dùng một phương pháp hay nào ở ngoài thiên nhiên thần đạo đặng bày tỏ ý chỉ mầu nhiệm của Ngài cho loài người ư? Xem công việc của Ngài đã khỉ sự làm thì chắc Ngài cũng phải làm cho hoàn toàn mới hữu lý vậy.

c)Lễ cung cầu thích đáng của muôn vật làm chứng. – Chúng ta tra xét muôn vật thì thấy hễ vật gì cần dùng điều nào thì sẵn có điều ấy một cách thích hiệp cả. Đã vậy, há dễ Đức Chúa Trời chẳng biết sắm sẵn sự cần dùng cho linh hồn loài người sao? Kìa, hễ thân thể hoặc tâm tình ta cần dùng và ưa muốn điều nào, thì vẫn có những sự vật sẵn sàng để ứng tiếp ngay cho sự cần dùng ưa muốn ấy. Giả như hình vừa con mắt, tiếng vừa lỗ tai, mùi ngọt vừa lỗ miệng, mùi thơm vừa lỗ mũi, v.v… Còn đến như tâm trí muốn kê cứu sự lý cho rộng rãi, thì chắc có muôn muôn sự lý để ứng hiệp với chỗ muốn ấy. Bởi nếu Đức Chúa Trời đã dự bị mọi sự cần dùng về phương diện vật chất cho ta, thì Ngài há chẳng lo lắng để dự bị gì cho sự cần dùng về phương diện thuộc linh sao? Ngài đã ban phương pháp giúp cho ngộ tánh ta khỏi sự ngu muội về sự lý thiên nhiên, thì há lại không lo cho linh hồn ta được cứu khỏi sự tối tăm thuộc linh ư? Dám quyết rằng Đức Chúa Trời không khi nào dự bị mọi sự cần dùng nhỏ nhặt cho ta mà lại nỡ bỏ qua sự cần dùng lớn lao cho ta bao giờ.

d)Sự thương xót của Đức Chúa Trời làm chứng. – Trong cõi thiên nhiên hễ có sự gì bị hư hoại, thì cũng sẵn có phương pháp để chữa lại. Coi như thân thể loài người hễ có bao nhiêu tật bịnh ắt cũng có bấy nhiêu phương thuốc để điều trị. Ấy chỉn chẳng qua là nhờ sự thương xót của Đức Chúa Trời dự bị cho loài người tìm được các thứ thuốc thích hiệp với mọi chứng bịnh đó thôi. Thế mà, linh hồn loài người bị chứng bịnh nguy hiểm muôn phần hơn bịnh xác thịt; há lại chẳng có sự trông cậy được chữa lành sao? Đức Chúa Trời đã tỏ lòng thương xót mà dự bị đủ phương thuốc chữa mọi sự hư hỏng và tật bịnh trong cõi vật chất, há không cảm thương đến sự hư hoại khốn nạn của linh hồn ta mà ban cho một phương linh dược để chữa lành ư? Ôi, chỉ nhờ thiên nhiên thần học và triết học của các bậc hiền triết đông tay xưa nay, chắc hẳn không thể đủ an ủi lòng tội nhơn và chữa bịnh thuộc linh của họ được phần nào đâu. Nhờ lòng thương xót của Đức Chúa Trời đã tỏ bày sờ sờ trong cõi thiên nhiên, ta dám tin chắc rằng Ngài chẳng đành lòng bỏ loài người ngơ ngẩn, chịu khuất phục dưới quyền tội lỗi mà không lo dự bị phương cứu giải, để họ có thể phục hồi với Ngài như xưa.

e)Lý tánh loài người làm chứng. – Ngoài những bằng chứng kể ra trên đây, còn có một bằng chứng tồi tệ nưa, là lý tánh của loài người. Luận đến vấn đề nầy, thì nó quyết huấn rằng, tín nhận Đức Chúa Trời đã ban sự khải thị đặc biệt là đúng lắm. Lý tánh mà Đức Chúa Trời đã tạo thành cho đó suy luận như vầy:

(1)Đức Chúa Trời có thể ban sự khải thị đặc biệt. – Đức Chúa Trời vốn là Đấng vô sở bất năng, chẳng có việc gì mà Ngài làm không được. Vậy thì lấy làm dễ tin rằng Ngài cũng có thể bày tỏ ý chỉ của Ngài cho loài người hiểu biết được.

(2)Đức Chúa Trời ban sự khải thị đặc biệt có lý lắm. – Đức Chúa Trời chẳng những là vô sở bất năng, lại là Đấng khôn ngoan, nhơn từ, hay thương xót trọn vẹn. Các đức tánh ấy hằng khiến Ngài phải bày tỏ mình ra cho loài người, hầu cho họ có thể hiểu lòng nhơn từ thương xót ấy là kỳ diệu bao nả. Bởi vì đức tánh nhơn từ, thương xót kia nếu không được thực hành thì không đáng kể nữa. Lại từ xưa đến nay nhiều nhà triết học đều tin rằng Đức Chúa Trời ban bố một sự khải thị siêu nhiên là rất có lý, nên chi phần đông trong họ cũng đã tỏ ý trông đợi một sự khải thị như thế. Kìa, Platon có nói: “Loài người không bao giờ có thể biết Đức Chúa Trời, miễn là Đức Chúa Trời lấy hình trạng của người khốn khổ mà tự bày tỏ mình ra”. Lại rằng: “Khi muôn vật sắp bị tiêu diệt, Đức Chúa Trời thấy cái thảm trạng của vũ trụ thì Ngài sẽ nắm lấy tay lái nó mà bẻ lại hầu khiến nó trở về trật tự cũ.” Tin rằng Đức Chúa Trời có làm thỏa lòng mong ước ấy là một sự rất hữu lý, vì Ngài là Đấng nhơn từ thương xót chu toàn.

(3)Đức Chúa Trời ban sự khải thị đặc biệt là đáng tin lắm. – Nếu chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời có thể ban sự khải thị cho, lại công nhận sự ấy là có lý nữa, thì tự nhiên lấy làm dễ tin rằng Ngài đã ban sự khải thị ấy rồi. Bổn tánh loài người xưa nay thường tin nhận những sự khải thị giải dối rất dễ dàng. Kìa, sự lưu thông các kinh kệ của Phương Đông, kinh Cô-ran của Hồi Giáo, và nhiều sách truyện khác, như phong thần chẳng hạn, đều minh chứng cho thực sự ấy.

Thế thì, nói tóm lại, nếu quả loài người rất cần dùng một sự khải thị siêu nhiên, mà Đức Chúa Trời thật có quyền năng ban bố sự ấy, lại có lòng muốn ban cho nữa, thì há còn chi hữu lý hơn là tin rằng Ngài chắc đã ban cho một sự khải thị như thế ư? Mà sự khải thị đó là Kinh Thánh, hẳn đã có nhiều bằng cớ minh chứng rằng quả là sự khải thị chơn chánh của Đức Chúa Trời. Trong các bằng cớ ấy có phép lạ được ứng nghiệm và lời tiên tri được ứng nghiệm, là hai cái bằng chứng mạnh hơn hết, quyết rằng sự khải thị ấy là chơn chánh lắm vậy.

 

CHƯƠNG 2 - LUẬN VỀ KINH ÐIỂN

I. ÐỊNH NGHĨA "KINH ÐIỂN"

1. Nghĩa đen. – Chữ kinh là sách; chữ điển là luật lệ, thước mực. Mà hai chữ kinh điển ghép lại thì có nghĩa là luật lệ hay mực thước của sách vở. Mỗi nhà bình phẩm văn chương thi phú đều giải theo một điển pháp, một mực thước mà phê phán mới đúng đắn. Điển pháp ấy thường gọi là kinh điển vậy.

2. Nghĩa đặc biệt. – Trong thần học, danh từ nầy có ba nghĩa đặc biệt, tức là: a) Nghĩa thứ nhứt giống như nghĩa đen, chỉ về điển pháp, thước mực phải dùng trong khi bình phẩm các sách về lẽ đạo lưu truyền lại từ đời các sứ đồ đặng thí nghiệm quyển nào có thể thuộc trong bộ Kinh Thánh, quyển nào không. b) Nghĩa thứ hai là một bộ sách chứa nhiều quyển đã được điển pháp thí nghiệm và nhận định rằng có phép thuộc trong bộ sách ấy. Từ đời các sứ đồ trải suốt các thế kỷ, Giáo hội đã nhờ những nội chứng và ngoại chứng của các quyển Kinh Thánh làm điển pháp để tra xét, thí nghiệm, đến đỗi phải quyết rằng các quyển ấy thuận hiệp với kinh điển (điển pháp), nên có phép thuộc trong Kinh Thánh. c) Nghĩa thứ ba chỉ về bộ Kinh Tân Cựu Ước gồm lại 66 quyển, vì thuận hiệp với điển pháp thí nghiệm nên cũng có khi được gọi là kinh điển. Danh từ ấy ám chỉ rằng bộ Kinh đó có thần quyền vì là lời Đức Chúa Trời, được Thánh Linh hà hơi vào, để làm khuôn vàng thước ngọc không sai lầm, không dời đổi cho sự tín ngưỡng và hành vi của Giáo hội và cá nhơn tín đồ.

II. VỀ ÐIỂN PHÁP CỦA CỰU ƯỚC

1. VỀ PHÉP THUỘC TRONG KINH THÁNH

Một quyển có phép thuộc trong Kinh Thánh chỉ khi nào Giáo-hội phổ thông đã dùng điển pháp của Kinh Thánh mà thí nghiệm quyển ấy, để coi thử nội dung của nó thật có xứng hiệp với điển pháp ấy hay chăng, rồi mới tín nhận được. Các quyển sách được công nhận như thế gọi là hợp kinh điển, có thần quyền dạy bảo về lẽ đạo Đức Chúa Trời, làm thước mực có một không hai về sự tín ngưỡng và hành vi của tín đồ.

2. VỀ ĐIỂN PHÁP DÙNG ĐỂ THÍ NGHIỆM CÁC QUYỂN KINH THÁNH

Hễ quyển sách nào được sưu tập liệt vào Kinh Thánh thì phải chịu thí nghiệm theo năm cách nầy:

a)Thần trước thuật. – Quyển nầy có phải chính Đức Chúa Trời trước thuật chăng? Quả Thánh Linh có dùng người ta biên chép lại ý chỉ của Ngài trong sách nầy hay không? Chắc được Đức Chúa Trời hà hơi vào làm cho người vô ngộ chăng? Hay là sách nầy chỉ bởi người ta biên tập như thói thường thôi ư?

b)Nhơn trước thuật. – Quyển sách nầy có phải chơn chánh được chép hoặc được phê chuẩn bởi một tiên tri, sứ đồ hay là một người nào thay thế cho Đức Chúa Trời mà phán dạy chăng?

c)Sự chơn chánh. – Quyển sách nầy chơn chánh không? Nghĩa là có bằng cớ minh chứng rằng trước giả của nó thực có phải là người đã được ghi tên trên nhấn đề của nó đó chăng? Có thể quả quyết rằng nó được trước thuật nhằm chính sanh thời của người ấy chăng? Hoặc nếu không thể nhận đích danh của trước giả, thì có bằng chứng gì tỏ chắc chắn cái nội dung hiện có của sách nầy chính là nội dung của nó khi mới biên tập, không ai sửa đổi hoặc thêm bớt gì không?

d)Sự đích thực. – Sách nầy há có sự đích thực không? Các sự tích, biến động và thực sự biên chép trong đó, há quả là xác thực không sai chuyển chút nào chăng?

e)Sự chứng nghiệm. – Hội Giu-đa, Giáo hội đầu tiên, các Công giáo nghị hội, và các cổ bản Kinh Thánh, há đồng thinh chứng nghiệm cho sách nầy đặng thuộc trong Kinh Thánh chăng? (Cách thứ năm nầy Giáo hội hiện thời thường dùng hơn đời xưa).

Vả, tuy năm cách thí nghiệm nầy đều rất quan hệ cả; nhưng nói chung cho đúng thì nội hai cái thứ nhứt và thứ hai cũng đủ năng lực giải quyết hoặc sách nầy hoặc sách kia đáng thuộc trong Kinh Thánh hay không rồi. Bởi vì nếu có đủ bằng cớ chứng rằng Đức Chúa Trời là trước giả của sách nào, đã nhờ Thánh Linh mặc cảm người nào biên thuật đó, thì đã quyết định sách ấy có thần quyền, đặng thuộc về Kinh Thánh. Về sau ta sẽ kê cứu qua năm cách thí nghiệm trên đây cho tường tận hơn.

3. KINH ĐIỂN KINH THÁNH RẤT CẦN YẾU

Kinh điển của Kinh Thánh rất cần yếu vì những cớ sau đây:

a)Để cho loài người được sự khải thị trọn vẹn của Đức Chúa Trời. – Kinh điển Kinh Thánh tuy có nhiều quyển khác nhau nhưng chẳng qua chỉ là một sách, có một trước giả là Thánh Linh, luận về một đề mục là sự Cứu rỗi. Đề mục ấy thấu suốt cả sách, bày tỏ ra mọi sự ta cần biết để được toàn cứu. Nhưng mà cái đề mục ấy chỉ được trọn vẹn là khi hết thảy các sách của cả Tân Cựu Ước đều được sưu tập thành toàn một thể, một sự khải thị trọn vẹn của Đức Chúa Trời ban xuống vậy. Vả ấy là nhờ sự thí nghiệm theo kinh điển kia mà biết các sách trong Kinh Thánh được tin nhận và tập thành là như thế.

b)Để cho loài người có thể giữ lấy lời Đức Chúa Trời trong một bộ sách. – Đương thuở các tiên tri và các sứ đồ còn sống thì không cần sưu tập các thánh thơ xác thực hiệp thành một bộ sách làm chi; bởi vì Đức Chúa Trời vẫn còn hà hơi vào họ, thì thật lấy làm dễ phân biệt thơ nào được Thánh Linh mặc cảm, thơ nào không. Nhưng sau khi các bậc thánh ấy đã qua đời rồi, thì lại lấy làm cần yếu cho dân Đức Chúa Trời sưu tập các thơ của họ vào một bộ sách để bảo tồn cho các đời về sau.

c)Để bảo thủ các thánh thơ khỏi bị giả mạo hoặc sai lạc. – Nhằm đời kế tiếp các sứ đồ Giáo hội đã biết lẽ cần và đã lo bảo thủ các thánh thơ cho khỏi bị ai giả mạo hoặc làm sai lạc. Nhưng hại thay! Vào thời kỳ đầu tiên, đạo Christ đã bị các bậc cầm quyền của đời tìm trăm mưu ngàn kế để phá hủy các văn tự ấy. Như nhằm đời hoàng đế Dioclétien đã ra sắc lịnh, bảo phải thiêu hủy hết cả bao nhiêu sách thánh của tín đồ Đấng Christ đi. Thành thử, tín đồ cần phải biết trong số các sách còn lại đó thì sách nào là thánh, đặng binh vực và bảo thủ cho khỏi bị giả mạo hoặc sai dịch.

d)Để người ta có thể biết cái hạn chế về thánh thơ được Thánh Linh hà hơi vào. – Nhằm thời kỳ Giáo hội đầu tiên có một đống nguyên cảo và ngụy thơ đồ sộ, đều tự xưng là thánh thơ xác thực, đáng thuộc trong kinh điển Tân Cựu Ước cả. Vì vậy cho nên rất cần yếu cho Giáo hội được biết sách nào là chân trước, sách nào là ngụy tạo, thơ nào chánh thị thần quyền, thơ nào chỉ là nhơn tác phẩm mà thôi. Giả như nhằm năm 330 S.C. Constantin đại đế ra lịnh phải sao lại 50 bộ Kinh Thánh đặng dùng trong các giáo đường tại Constantinople. Nếu lúc ấy không có điển pháp nào để thí nghiệm sự xác thực, chơn chánh của các quyển Kinh Thánh, thì ai biết thơ nào là Kinh Thánh mà sao lại?

4. KINH ĐIỂN CỰU ƯỚC

Cái điển pháp quan hệ hơn hết để thí nghiệm các sách trong Cựu Ước là như vầy: hễ quyển nào được phép liệt vào Kinh điển Cựu Ước, buộc phải do một Đấng tiên tri nào trước thuật hoặc chấn chỉnh, hoặc chứng thực mới được. Có đủ bằng cớ chứng rằng các trước thuật của Cựu Ước phần nhiều đều là tiên tri, được Đức Chúa Trời sai khiến cả. Ngoài ra lại có những bằng cớ kể sau đây nữa.

a)Christ chứng thưïc. – Christ là tiên tri lớn hơn hết, xem Phục 18:15, lắm phen đã chứng thực cho Cựu Ước, biểu quyết rằng các quyển của bộ ấy quả là thánh văn xác thực, được phép thuộc trong Kinh điển ấy. Ngài chứng rằng: Xem Lu-ca 24:27, 44. Xem Giăng 5:39.

Vả dân Giu-đa thường hay chia Cựu Ước ra làm ba phần lớn, tức là Luật pháp, Các Tiên tri và Thi-thiên. Chúa Jesus đều chứng thực cho cả ba phần ấy.

b)Tân Ước cũng làm chứng. – Tân Ước trực tiếp viện dẫn ước chừng 324 câu của Cựu Ước, và ám chỉ đến tư tưởng do bộ Cựu Ước mà ra có đến chừng 660 lần. Tân Ước lại nói đến đích danh các sác Cựu Ước, trừ ra 6 quyển là Quan-xét, Truyền-đạo, Nhã-ca, Ê-xơ-tê, E-xơ-ra và Nê-hê-mi mà thôi. Dầu vậy, mà vẫn có đủ bằng cớ khác minh chứng cho 6 sách ấy đều là chơn chánh và đích thực chẳng ngoa.

c)Dân Do Thái chứng thực. – Phần Cựu Ước mà chúng ta hiện có vốn là Kinh Thánh của dân Do Thái xưa, chẳng có sự sửa đổi hoặc thêm bớt chỗ nào hết. Chính dân Giu-đa đều chứng thực cho sự ấy. Hai phái thần đạo Do Thái, tức là Ba-by-lôn và phái Giê-ru-sa-lem, đều đồng ý công nhận các sách Cựu Ước mà ta hiện có, đều là Kinh Thánh của dân Hê-bơ-rơ. Sử thần Josèphe và nhà triết lý Philon cũng đều chứng thực cho Cựu Ước, có soạn bản thống kê đủ tên các sách, không sót một sách nào cả, chỉ sắp đặt thứ tự khác mà thôi. Các nhà sưu tập bộ Talmud từ thế kỷ II đến thế kỷ VI S.C. cũng đều công nhận cả 39 quyển Cựu Ước là sự khải thị siêu nhiên của Đức Chúa Trời ban cho dân Do Thái vậy.

d)Giáo hội đầu tiên chứng thực. – Những thánh văn mà dân Do Thái đã công nhân là sự khải thị của Đức Chúa Trời, Giáo hội đầu tiên cũng chứng thực cho là lời của Đức Chúa Trời, có phép liệt vào Kinh điển Cựu Ước. Giáo phụ đầu tiên Mélito (179 S.C.) kể lại danh hiệu của các sách Cựu Ước trong tác phẩm của ông, chỉ trừ ra sách Ê-xơ-tê mà thôi. Giáo phụ Origène cũng nói đến tên các sách Cựu Ước, trừ các sách tiên tri nhỏ. Giáo phụ Jérôme, nhà phiên dịch Kinh Thánh ra tiếng La-tinh, cũng công nhận cả Cựu Ước của ta. Ông Augustin cũng vậy, chỉ loại ra các sách ngụy tác (apoeryphes) mà thôi.

5. CÁC NGỤY THƠ

Trong bản Septante (Bản LXX) và trong bản Vulgate (bản bằng chữ La-tinh của Giáo hội La-mã) có xen lẫn mấy sách khác vào chánh kinh Cựu Ước, mà chính nguyên bản Hê-bơ-rơ không có. Những quyển ấy gọi là bộ Apocryphes (ngụy thơ), được chép vào lối khoảng giữa đời Ma-la-chi và đời Christ. Các nhà trước thuật đều là người đạo đức, biên thuật sự từng trải khốn khổ của dân Giu-đa bị các vua Séleucides (trong vòng họ có Antiochus Epiphane) áp chế và bắt bớ dữ tợn. Bộ ngụy thơ nầy không hề có trong Kinh điển Hê-bơ-rơ; các sách Targums (giải nghĩa Kinh Thánh và đạo Do Thái) chẳng hề nói đến. Các Giáo phụ Jérôme, Mélito, Origène, Athanase, Hilair, Cyril de Jerusalem, và nhiều ông khác không công nhận ngụy thơ nầy có phép liệt vào Kinh Cựu Ước. Các quyển ấy không được Đức Chúa Trời hà hơi vào, vì chỉ là thuật lại một đoạn lịch sử của dân Giu-đa đó thôi. Giáo hội La-mã công nhận ngụy thơ ấy có thần quyền bằng những sách thuộc Kinh điển Cựu Ước. Còn Giáo hội Cải chánh chẳng bao giờ thừa nhận nó là sự khải thị của Đức Chúa Trời đâu, nên cũng không liệt kê vào Kinh Thánh.

6. KINH ĐIỂN TÂN ƯỚC

Hễ sách nào được liệt kê vào Kinh điển Tân Ước thì phải được trước thuật bởi một sứ đồ nào, hoặc được một sứ đồ nào chứng thực cho sự chơn chánh và sự đích thực của nó; hoặc phải được Giáo hội trong đời các sứ đồ công nhận là thánh văn, có thần quyền làm khuôn vàng thước ngọc cho sự tín ngưỡng của Giáo hội. Vả, lịch sử Giáo hội bày tỏ rõ ràng lắm rằng phần nhiều quyển của Tân Ước đã được Giáo hội công nhận vào lối thế kỷ thứ nhứt. (Cũng xem ITê 5:27; Cô-lô-se 4:16; IIPhi-e-rơ 3:15, 16; IITê 2:2). Khi Công Giáo nghị hội Ê-phê-sô nhóm lại năm 363 S.C., thì Kinh điển Tân Ước đã được sưu tập xong rồi; nghị hội ấy chứng thực và biểu quyết thừa nhận Kinh điển ấy là lời lẽ chơn thật của Đức Chúa Trời.

 

CHƯƠNG 3 - LUẬN VỀ SỰ CHƠN CHÁNH CỦA KINH THÁNH

I. ÐỊNH NGHĨA DANH TỪ CHƠN CHÁNH

Chương nầy luận về trước thuật và niên hiệu của các sách trong Kinh Thánh, cốt ý để biết hoặc các sách ấy có phải do chính những người đã được ghi tên làm nhan đề đó trước thuật hay chăng; hoặc có được chép vào chính sanh thời của mấy người ấy hay không. Nhờ sự giải quyết hai vấn đề ấy, mới có thể chứng cho sự chơn chánh của Kinh Thánh được.

II. SỰ CHƠN CHÁNH CỦA CỰU ƯỚC

Những bằng cớ kể ra sau đây minh chứng cho sự chơn chánh của các sách Cựu Ước.

1. TÂN ƯỚC LÀM CHỨNG

Tân Ước viện dẫn hoặc ám chỉ đến mỗi sách trong Cựu Ước trừ ra 6 quyển mà thôi (xem chương luận về Kinh điển Cựu Ước). Sự thực ấy chứng quyết rằng dân Do Thái, tín đồ của đạo Đức Chúa Trời trong đời Christ, và các sứ đồ đều công nhận Cựu Ước là chơn chánh cả.

2. CÁC NHÀ HIỀN TRIẾT DO THÁI LÀM CHỨNG

Các nhà hiền triết Do Thái xưa nay đều chứng quyết rằng các sách hiện có liệt trong bộ Cứu Ước của Kinh Thánh ta vốn là các sách thánh của dân Do Thái trải qua các đời đã công nhận là sự khải thị siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Ông Josèphe, sử thần trứ danh của dân Do Thái, kể lại danh hiệu các sách Cựu Ước, chứng rằng trong lúc sanh tiền của ông(27-95 S.C.) dân Do Thái tín nhận các sách ấy là Kinh Thánh của họ. Nhà triết học Philton (sanh 30 T.C.) viện dẫn nhiều khúc trong 39 quyển của Cựu Ước; nhưng ông chẳng viện dẫn một câu nào trong các ngụy thơ kia cả. Dân Do Thái công nhận cả các sách Cựu Ước một cách lần lần; trước hết họ công nhận các sách luật pháp, rồi đến các văn thơ và tiên tri. Cho nên khi Đức Chúa Jesus viện dẫn khúc sách nào của Cựu Ước, thì Ngài thường nói đến ba phần đó, tức Luật pháp, Tiên tri và Thi-thiên vậy.

3. BẢN LXX (SEPTANTE -70) LÀM CHỨNG

Kinh Thánh Cựu Ước bằng nguyên văn Hê-bơ-rơ được dịch ra chữ Hi-lạp vào lối năm 280-180 T.C. Cuộc phiên dịch nầy là lần thứ nhứt Kinh Thánh Hê-bơ-rơ được dịch ra chữ ngoại bang. Theo lời truyền khẩu, bản LXX được dịch ra tại thành Alexandrie, xứ Ai-cập, bởi 70 nhà hiền triết Do Thái kiều cư tại xứ ấy. Lời truyền khẩu ấy hoặc thực hay hư, chẳng ai giải quyết được. Nhưng có một thực sự rất rõ ràng là Kinh Thánh Cựu Ước đã được dịch ra văn Hi-lạp ước vào năm 280 T.C. nhằm đời trị vì Ptolémée Philadelphe (285-247 T.C.). Bấy giờ sách Ngũ-kinh được dịch ra trước hết, rồi sau lần lần đến mấy sách kia. Việc phiên dịch đó chắc hẳn là một công trình phải trải qua nhiều người nhiều năm cho đến ước vào năm 180 T.C. mới hoàn thành. Bản LXX là bằng cớ trước nhứt về Cựu Ước bằng nguyên văn Hê-bơ-rơ, chứng thực rằng 300 T.C. giáng sanh dân Do Thái rất kính trọng thánh văn của họ (là Cựu Ước của ta), công nhận là Kinh điển thánh, đáng nên phiên dịch cho dân ngoại bang có thể biết đến sự khải thị của Đức Chúa Trời chép để trong đó. Bản LXX gồm đủ 39 quyển như vẫn có trong Cựu Ước ta, nay nhờ đó chứng nghiệm cho sự chơn chánh và sự đích thực của các sách ấy đến đỗi khó cho ai đem lòng hoài nghi nào được nữa.

4. NGŨ KINH SA-MA-RI LÀM CHỨNG

Ngũ kinh của dân Sa-ma-ri chứng thực cho năm sách của Môi-se. Cổ quyển ấy được lưu truyền từ năm 432 T.C. Lúc dân Do Thái ở Ba-by-lôn mới về, đương lo xây cất đền thờ tại thành Giê-ru-sa-lem. Dân Sa-ma-ri tỏ ý muốn hiệp tác với họ, nhưng dân Do Thái không chịu; nên họ hằng tìm thế ngăn trở việc ấy (E-xơ-ra 4:1:16). Về sau, khi Nê-hê-mi thực hành sự cải chánh, thì có thầy tế lễ Ma-na-se cưới vợ ngoại bang, nên bị cách chức (Nê-hê-mi 13:28-30). Người ấy trốn qua trấn thủ San-ba-lát, nhờ ông bảo vệ, lập đền thờ tại Sa-ma-ri, phản đối với cuộc thờ phượng tại Giê-ru-sa-lem. Chính lúc đó dân Sa-ma-ri bị diệt khỏi dân Do Thái, đem theo họ cổ bản Ngũ kinh; còn những bản khác của Kinh Thánh Hê-bơ-rơ, thì họ lại bỏ qua, vì trong đó dạy rằng Giê-ru-sa-lem là nơi phải thờ Đức Chúa Trời; còn dân Sa-ma-ri quyết rằng là tại trên núi Sa-ma-ri (Giăng 4:20, 21). Bởi Ngũ kinh Môi-se được chép trước khi dân Y-sơ-ra-ên chưa vào xứ Ca-na-an, nên không nói gì đến thành Giê-ru-sa-lem. Dường ấy, cổ quyển Sa-ma-ri trực tiếp chứng thực cho sự chơn chánh và đích thực của Ngũ kinh Môi-se, quyết rằng nó đã có trước năm 432 T.C. Cũng gián tiếp chứng cho những quyển kia quả cũng đã có từ trước năm 432 T.C. kia nữa; bằng chẳng vậy, thì dân Sa-ma-ri từ chối là từ chối cái gì?

5. CHRIST LÀM CHỨNG

Chứng cớ có quyền hơn hết là chứng cớ của Christ. Ngài chứng cho sự chơn chánh và đích thực của cả Kinh điển Cựu Ước. Trong Lu-ca 24:44 Ngài công nhận cả ba phần của Cựu Ước, là Luật pháp Môi-se, các sách Tiên tri, và các Thi-thiên đều có thần quyền và dự ngôn về Ngài. Trong Tin Lành Ma-thi-ơ Ngài làm chứng thực cho tiên tri Giô-na, xem Ma-thi-ơ 12:39, 40. Trong Ma-thi-ơ 8:17 và Lu-ca 4:17, 18, Ngài lại đóng ấn cho sự chơn chánh của tiên tri Ê-sai, xem Ma-thi-ơ 8:17. Bằng chứng của Ngài đủ quyền quyết định một lần đủ cả về sự chơn thực của Kinh điển Cựu Ước vậy.

III. SỰ CHƠN CHÁNH CỦA TÂN ƯỚC

Có hai thứ bằng cớ chứng thực cho sự chơn chánh và đích thực của Kinh điển Tân Ước, tức ngoại chứng và nội chứng. Bài nầy chỉ luận đến ngoại chứng mà thôi.

Hiện nay có bằng cớ xác thực minh chứng rằng Kinh điển Tân Ước đã được Giáo hội phổ thông tin nhận vào lối cuối thế kỷ thứ hai. Vả, ví bằng Giáo hội đã tín nhận các sách Tân Ước năm 200 S.C., thì lấy làm rõ lắm rằng các sách ấy đã được biên thuật trước niên hiệu ấy khá lâu rồi. Bởi vì không lẽ nào Giáo hội công nhận những sách mới trước thuật là do Đức Chúa Trời ban cho đâu. Tất nhiên Giáo hội phải trải một thời gian khá lâu mới có thể kê cứu những sách tự xưng là có thần quyền, để thí nghiệm cho biết ý nghĩa và tôn chỉ của nó mới được. Huống hựu trong thời kỳ ấy việc lưu thông Tân Ước khắp gần xa rất là chậm chạp, vì nghề ấn loát chưa phát minh, nên buộc phải dùng bút lông chim và mực mà sao lại từng quyển một. Các cớ ấy khiến cho ta phải đoán định rằng Kinh điển Tân Ước được xong dầu trễ đến đâu cũng chỉ vào lối đầu thế kỷ thứ hai, hay là ở về cuối thế kỷ thứ nhứt có lẽ đúng hơn. Ngoại chứng nầy có ba đoạn như sau đây.

1. BẰNG CHỨNG DO CÁC GIÁO PHỤ ĐẦU TIÊN

Bằng chứng thứ nhứt là cái chứng nghiệm do các Giáo phụ của Giáo hội đầu tiên. Những nhà nầy vốn những trước giả của Giáo hội ở vào lối thế kỷ trước nhứt, có tài cao học rộng, mượn ngòi bút tuyệt diệu phô bày lẽ thật của thần đạo, khải thị trong Kinh Thánh. Họ được gọi là Giáo phụ vì họ vốn là giáo sư của Giáo hội, có tương quan với tín đồ như nghĩa thầy trò. Mà thật cái mối tương quan ấy bây giờ lại coi chẳng khác gì tình cha con vậy. Mấy ông nầy trước đã học trong các trường đại học của đời bấy giờ, rồi sau khi tin nhận Christ, bèn đem hết tài trí thông tuệ của mình mà dâng dùng vào Giáo hội, để dạy dỗ, binh vực và dẫn dắt hội ấy, cũng làm sáng danh Đức Chúa Trời, khiến cho đạo Ngài càng bành trướng thêm mãi.

Các ông nầy ở rải rác khắp các miền tây bộ Asi, bắc bộ Phi Châu và nam bộ Âu Châu. Họ nói và trước thuật bằng văn Syriaque (Aramé), Hy-lạp và La-tinh. Trong vòng họ cũng có nhiều kẻ đành chịu biết bao khổ hình, bị cắt tay hay chặt chơn, khoét mắt hoặc hớt tai; người lại bị bắt bớ dữ tợn đến kết cuộc còn phải đành cam tuận đạo chẳng nao. Các ông nầy trước thuật lắm sách, phần nhiều để hoặc giải nghĩa hoặc thân oan đạo; thường hay viện dẫn nhiều câu trọn cả hai Kinh điển Tân Cựu Ước. Có người nói rằng có thể nhờ cả những câu của các Giáo phụ đầu tiên viện dẫn mà sưu tập lại cả Tân Cựu Ước được. Ông chủ nhiệm Burgon chép rằng bảy Giáo phụ quan trọng hơn hết đề có viện dẫn 36.289 câu trong Tân Ước.

Vả, lời làm chứng của mấy ông ấy bắt đầu từ cuối đời các sứ đồ, trải suốt ba thế kỷ đầu tiên cho đến Công giáo nghị hội Nicée (325), nên rất có giá trị để chứng thực cho sự chơn chánh và đích thực của các sách Tân Ước; vì mỗi khi họ trưng dẫn một câu của Tân Ước, là mỗi lần minh chứng rằng các sách Tân Ước vốn thực hữu được Giáo hội tôn kính, dùng làm tiêu chuẩn và thước mực có một không hai của lẽ đạo mà giáo đồ phải tín nhận. Bằng chẳng có các sách ấy từ lúc bấy giờ, thì làm sao ai lại có thể căn cứ vào nó mà viện dẫn câu gì ra được. Sau đây kể lại từng một phương danh của các nhà ấy, cũng xét qua bằng chứng của họ.

a)Clément ở thành La-mã (30-102 S.C.). – Giáo phụ Clément làm giám mục ở thành La-mã từ năm 92-102 S.C. Ông có chép một thơ đạt cho Giáo hội Cô-rinh-tô, ước vào năm 96 S.C. Trong thơ đó có trưng dẫn thơ của Phao-lô gởi cho Giáo hội ấy. Cũng ngụ ý nói đến sách Tin Lành Ma-thi-ơ và Lu-ca, Công-vụ, các thơ Rô-ma, IICô-rinh-tô, Ê-phê-sô, Tê-sa-lô-ni-ca I và II, ITi-mô-thê, Tít, Hê-bơ-rơ, Gia-cơ và IPhi-e-rơ. Bằng chứng nầy mạnh, bởi vì do đó nó có thể minh giải rằng ở vào lối cuối thế kỷ thứ nhứt đã có phần nhiều sách trong Tân Ước mà Giáo hội đã công nhận là có thần quyền, đáng trưng dẫn để giải chứng lẽ đạo Đức Chúa Trời.

b)Giáo phụ Ignace (30-116 S.C.). – Giáo phụ Ignace làm giám mục tại thành Antioche, tuận đạo vào lối năm 116 S.C. (có kẻ nói: 107 S.C.). Ông có trước thuật bảy bức thơ đạt cho Giáo phụ Polycarpe, cho các Giáo hội Ê-phê-sô, Magnésie, Tralles, La-mã, Philadelphie và Smyrne. Ông từng viện dẫn nhiều câu ở trong cả 13 thơ tín của Phao-lô; cũng ngụ ý nói đến Tin Lành Ma-thi-ơ, Lu-ca, Giăng và thơ IPhi-e-rơ.

c)Giáo phụ Polycarpe (69-155 S.C.). - Giáo phụ Polycarpe là bạn hữu của Ignace, môn đệ của sứ đồ Giăng, và giáo sư của Irénée. Như thế ông là một cái “vòng” nối lại đời các sứ đồ và đời Giáo phụ Irénée. Ông làm giám mục tại thành Smyrne, tuận đạo vào năm 155. Ông có chép thơ đạt cho Giáo hội Phi-líp, viện dẫn nhiều câu Tân Ước, như trong Tin Lành Ma-thi-ơ, Lu-ca, Giăng, Công-vụ, và thơ IPhi-e-rơ. Cũng trưng dẫn nhiều câu ở trong 10 thơ tín của Phao-lô, thừa nhận cả thảy là chơn chánh, được Đức Chúa Trời hà hơi vào. Bức thơ của Polycarpe vốn một bằng cớ đích xác minh chứng rằng nhằm lúc sanh tiền của ông, Kinh điển Tân Ước đã được sưu tập xong rồi.

d)Giáo phụ Justin-Martyr (100-165 S.C.). – Justin vốn nhà triết học trứ danh, hằng tìm tòi lẽ thật, nhưng không được thỏa mãn cho đến khi gặp đạo Christ, mới nhận biết được sự bình an lạ lùng. Ông bèn khởi sự giảng đạo Chúa, đi khắp mọi nơi làm chứng cho Christ là Đấng đã làm thỏa lòng phỉ chí mình. Rốt lại ông phải lấy huyết đóng ấn cho sự tín ngưỡng mình tại thành La-mã năm 165 S.C. Ông có trước thuật hai thơ thân oan, gởi cho hoàng đế Antoine le Pieu (138-161). Cũng chép một sách nhan đề là Biện luận với Tryphon, người Do Thái, cốt để binh vực đạo Christ đối với người Do Thái. Ông trưng dẫn nhiều khúc trong Cựu Ước; cũng ám dẫn nhiều câu trong Tân Ước, nhứt là trong Tin Lành Ma-thi-ơ, Lu-ca và Giăng. Tuy ông không nói đến đích danh Phao-lô, thì cũng ám dẫn mấy câu trong thơ Rô-ma, ICô-rinh-tô, Ê-phê-sô và Cô-lô-se. Cũng nói đến Khải-huyền của sứ đồ Giăng.

e)Giáo phụ Irénée (120-192 S.C.). – Irénée vốn một môn đệ của Polycarpe. Polycarpe là môn đệ của sứ đồ Giăng. Vì cớ ấy lời chứng của Irénée có giá trị lớn lắm. Ông đi giảng đạo tại xứ Gaule (Pháp), kế vị Pothin làm giám mục tại Lyon (Pháp) năm 178. Irénée trước thuật nhiều sách, nhưng phần nhiều bị lạc mất, chỉ lưu lại được một quyển nhan đề là “Bài bác tri thức giả dối”, cốt ý là bài xích tà thuyết ngộ đạo. Ông lợi dụng Kinh Thánh hơn các Giáo phụ trước để chứng cho lẽ đạo Christ, đến đỗi viện dẫn ước chừng 1800 câu trong cả Tân Cựu Ước. Ông chứng quyết rằng nhằm đời ấy cả hai Kinh điển Tân Cựu Ước đều được tập thành y như chúng ta vẫn có ngày nay.

f)Giáo phụ Clément ở Alexandrie (150-217 S.C.). – Clément cũng một nhà triết học, khi tín nhận đạo Christ bèn trở nên người rất sốt sắng làm chứng cho đạo ấy. Ông qua đời vào lối 217 S.C. Clément có trước thuật nhiều sách phần nhiều luận về đạo Christ và rất có giá trị. Ông lợi dụng cả hai Tân Cựu Ước để giải nghĩa các vấn đề về lẽ đạo, viện dẫn hơn 2400 câu của Tân Ước, ám dẫn cả các quyển trong Tân Ước trừ ra thơ Phi-lê-môn, Gia-cơ và IIPhi-e-rơ.

g)Giáo phụ Tertullien (160-220). – Tertullien vốn nhà trạng sư, sanh tại bắc bộ Phi Châu, tin Chúa khi vừa được 40 tuổi. Ngay lúc ấy ông đem dâng cho Chúa cả tài năng học lực uyên tâm của mình mà truyền bá Tin Lành. Ông qua đời vào lối năm 220 S.C. tại Carthage, bắc bộ Phi Châu. Ông trước thuật nhiều sách, hay trưng dẫn rất nhiều câu trong cả Kinh Thánh, riêng về Tân Ước ông viện dẫn hơn 7200 câu, chẳng có sách nào mà ông không ám dẫn đến. Ông Tertullien là người trước nhứt dùng danh từ Tân Ước.

2. BẰNG CHỨNG DO CÁC BẢN PHIÊN DỊCH TRƯỚC NHỨT

Nhằm các thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên ta, đạo Christ bành trướng rất mau, có nhiều người trong các dân các nước đều tin nhận. Các tín đồ ấy rất muốn có thể đọc lời của Chúa bằng quốc văn của họ. Vả, Kinh Thánh nguyên trước bằng chữ Hê-bơ-rơ và chữ Hy-lạp, phần nhiều tín đồ không hiểu được. Vì cớ ấy có nhiều nhà hiền triết đạo đức lo phiên dịch Kinh Thánh ra các thứ chữ khác, để giúp cho các tín đồ của bất luận là dân tộc nào cũng có thể đọc và hiểu được. Những bản phiên dịch trước nhứt đó có giá trị rất lớn để chứng thực cho sự chơn chánh và đích thực của Tân Ước. Sau đây xin kể lại những bản quan hệ hơn hết.

a)Diatessaron của Tatian (170 S.C.). – Tatian là môn đệ của Justin Martyr, có trước thuật nhiều sách. Ông thông biết Tân Ước, nhứt là bốn sách Tin Lành, vì ông có tham hiệp bốn sách ấy lại mà soạn thành một quyển nhan đề là Diatessaron (nghĩa đen: do bốn, có bốn mặt), cốt ý để thuật lại rõ ràng lịch sử của Christ theo bốn sách Tin Lành. Ông chỉ lợi dụng từ liệu trong bốn sách ấy, chẳng thêm tài liệu riêng gì cả. Ông trước thuật bằng chữ Syriaque. Đến năm 373 S.C. cũng có Ephraem, đã chứng thực cho sự chơn chánh của bốn sách Tin Lành, quyết rằng nhằm cuối thế kỷ thứ II người ta vẫn quen biết và công nhận bốn sách ấy từ lâu rồi.

b)Bản Syriaque, cũng gọi là Peshito. – Tân Ước được phiên dịch ra chữ Syriaque ước chừng năm 150 S.C. Bản nầy gồm gần đủ các quyển thuộc Tân Ước, trừ ra thơ IIPhi-e-rơ, Giăng II và III, Giu-đe và Khải-huyền. Nguyên vì Giáo hội công nhận những thơ ấy hơi trễ về các năm sau hết, nên sự chưa nói đến những thơ ấy trong lúc nầy vốn là một bằng cớ chứng quyết bản Syriaque được dịch ra rất sớm chắc vào lối đầu thế kỷ thứ hai vậy.

c)Cựu bản La-tinh. – Tân Ước được dịch ra chữ La-tinh rất sớm. Không thể nói chắc được vào năm nào, nhưng nhờ Tertulien vào lối năm 190-200 S.C. thường trưng dẫn rất nhiều câu ở trong bản nầy. Ông Cyprien (250 S.C.) cũng viện dẫn nhiều câu đoạn của bản ấy. Nhơn đó ta dám quyết rằng bản nầy thật được phiên dịch rất sớm vậy. Cựu bản La-tinh chắc được phiên dịch ở bắc bộ Phi Châu, nhưng không ai được biết dịch giả là ai. Lối dịch đúng với nguyên văn và rõ ràng, minh chứng cho sự chơn chánh và đích thực của văn tự nguyên bản Tân Ước vậy.

d)Bản Vulgate. – Bản nầy gồm đủ cả Tân Cựu Ước, được dịch bởi Jérome năm 383-405 S.C. (Tân Ước 383-84, Cựu Ước 390-405). Các sách của hai bản đó đều có đủ trong bản Vulgate, minh chứng rằng trải lâu năm từ trước thế kỷ thứ IV, Giáo hội phổ thông đã công nhận sách ấy là chơn chánh, có thần quyền. Trải ngót 1000 năm Giáo hội chỉ biết có bản ấy. Cho đến bây giờ Giáo hội La-mã cũng chỉ công nhận bản nầy là chánh thức.

3. BẰNG CHỨNG CỦA CÁC BẢN CỔ SAO

Nguyên các sách Tân Ước đều được chép bằng cổ tự Hi-lạp hoặc chính tay các trước giả viết ra hay nhờ các thơ ký chép cho. Các nguyên bản thủ thơ ấy đều đã mất hết. Sự mất ấy tuy là đáng tiếc lắm, mà một mặt cũng có phước. Phước là vì nếu bản thủ thơ nào của Tân Ước còn lại, chắc lòng thiên nhiên tối tăm của loài người khiến họ tôn các thơ ấy lên quá cao, đến đỗi thờ lạy nó cũng nên. Thử xem như người ta đã thờ hài cốt của các thánh, tro của kẻ tuận đạo, mảnh gỗ thập tự giá của Chúa, miếng vải áo của bà Ma-ri, v.v. Thực ra những vật ấy đều là giả cả mà người ta còn thờ lạy, huống chi bản thủ thơ của các sứ đồ. Nên chắc Đức Chúa Trời dành để cho những thơ ấy mất đi, hầu ngăn ngừa lòng người quá ư mê hoặc mà nhiệt cuồng tôn sùng di vật về sau vậy.

Dường ấy thì những bản thủ thơ của các sứ đồ hẳn đã bị mất đi rồi, vậy còn lấy đâu mà gọi được là nguyên văn của Kinh điển Tân Ước? Song cám ơn Chúa! Ngài đã bảo tồn lời phán của Ngài, chẳng để bị tuyệt diệt đâu. Trải suốt các đời đầu tiên của Giáo hội đã có người vì quá hâm mộ lời Chúa, nên chẳng nệ công phu khó nhọc, đã gia tâm sao lại các thủ thơ ấy để giữ làm của báu riêng, hay là để lưu thông khắp mọi nơi đã có tín đồ và đã lập thành Giáo hội của Chúa. Thành thử, tuy nguyên thủ thơ của các trước thuật Tân Ước đã bị mất, thì chúng ta vẫn còn có những bản cổ sao cũng bằng cổ văn Hi-lạp được sao lại từ chính các nguyên thủ thơ ấy. Trong số các bản cổ sao ấy tuy cũng có nhiều bản đã bị mất rồi, nhưng hiện còn lưu lại cho ta chừng 4000 quyển mà các nhà cổ văn học đã tra xét và đem vào bản liệt kê rồi. Các quyển ấy có quyền trọn vẹn, gồm đủ cả các sách thuộc Tân Ước, có quyển vì cớ bị hư rách hoặc mòn đứt mà phải thiếu mất ít nhiều trương. Trong bài nầy xin chỉ nói đến năm bản nguyên cổ sao quan hệ nhứt.

a)Bản Cổ sao Si-na-i (Codez Sinaiticuc). – Theo sự đoán định của nhà cổ văn học, cổ thơ Si-na-i được sao lại vào lối năm 340 S.C. bằng cổ văn Hi-lạp, gồm cả Cựu Ước (bản LXX) và Tân Ước toàn thơ. Constantin Tischendorf, một nhà Thánh Kinh học Đức, tìm được cổ thơ nầy tại tu viện Saint Cathérine trên núi Si-na-i năm 1844. Hoàng đế Nga đem về Saint Petersburg (bây giờ là Lenigrad) để vào viện bảo tàng tại thành ấy. Mấy năm trước đây chánh phủ Sô-viết bán cổ bản nầy lại cho chánh phủ Anh, để vào viện bảo tàng Anh tại Londres.

b)Bản cổ sao Vatican (Codex Vaticanus). – Cổ thơ Vatican hiện thuộc về Giáo hội La-mã, từ năm 1475 đến nay được để tại thơ viện Vatican ở thành La-mã. Theo sự luận đoán của các nhà cổ văn học, thì cổ bản nầy được sao lại vào lối năm 350 S.C. (hoặc là sớm hơn nữa), gồm cả Cựu Ước (bản LXX) và Tân Ước như chúng ta hiện có bây giờ.

c)Bản Cổ sao Alexandrie (Codex Alexandrinus). – Cổ bản nầy cũng chép bằng cổ tự Hi-lạp, được sao lại vào lối giữa thế kỷ thứ V (năm 450 S.C.), có lẽ sớm hơn nữa, có đủ cả Cựu Ước (bản LXX) và Tân Ước toàn thơ. Cổ bản nầy chắc được sao lại tại Alexandria. Đến năm 1621, Cyril Lucar đem theo về Constantinople khi người được chức giáo trưởng tại đó. Qua năm 1624 ông lại biếu cho Sir Thomas Roe, khâm sai nước Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ, để ông ấy đem về tặng cho vua nước Anh. Hiện nay vẫn còn thuộc về nước Anh, nằm trong viện bảo tàng Anh tại Londres.

d)Bản Cổ sao Ephraem (Codex Ephraem). – Cổ bản Ephraem được sao lại ước chừng năm 450 S.C. bằng cổ văn Hi-lạp, gồm cả Cựu Ước và Tân Ước, nhưng không được trọn vẹn vì bị thiếu mất nhiều trương. Năm 1553 có người đem biếu cho Cathérine de Médici, hoàng hậu Pháp. Sau khi bà ấy băng hà, vua Pháp đem để vào Pháp quốc thơ viện (Bibliothèque Nationale) ở Paris. Ngày nay vẫn còn tại đó và thuộc về chánh phủ Pháp. Cổ bản nầy sở dĩ gọi là Ephraem, vì vào thời trung cổ có nhà tu sĩ đã dụng tâm xóa lấp nguyên văn, rồi chép lại những bài giảng của Giáo phụ Ephraem ở xứ Syrie (299-378 S.C.) lên trên, để thay cho nguyên văn ấy. Đến thế kỷ thứ XVII có một học sanh đương kê cứu các bài giảng của Ephraem, thoáng thấy dường như ở dưới lớp chữ đen kia có dạng chữ khác, nhưng rất lu lờ khó nhận. Kế đó nhà cổ văn học tra cứu thì thấy thực có như học sanh kia nói, mà hẳn lại là một cổ bản của Kinh Thánh bằng cổ văn Hi-lạp. Đến năm 1834 nhờ dùng một thứ thuốc, khiến cho nguyên tự dạng đều lộ ra rõ ràng, đến đỗi có thể đọc được.

e)Bản Cổ sao Béza (Codex Bezae). – Cổ bản Béza được sao lại chừng năm 550 S.C. bằng cổ tự Hi-lạp và chữ La-tinh, chỉ gồm có bốn sách Tin Lành, Công-vụ, và IIIGiăng 1:11-15 mà thôi. Còn những sách khác đã mất rồi. Hiện nay thuộc về Đại học viện Cambridge, nước Anh, để vào thơ viện trường ấy.

TỔNG LUẬN

Hết thảy những bằng cớ kể ra trên đây đều đồng thinh chứng quyết rằng cả Giáo hội từ đầu thế kỷ thứ II trở lên đều đã có Kinh điển Tân Ước, đã công nhận các sách sưu tập trong đó đều là chơn chánh và đích thực, có thần quyền để làm thước mực khuôn mẫu có một không hai cho sự tín ngưỡng và hành vi của tín đồ. Sự viện dẫn Tân Ước bởi các Giáo phụ, sự phiên dịch Kinh Thánh ra các thứ tiếng, bằng sự sao lại bằng cổ tự của chính các nguyên thủ thơ, mà ngày nay vẫn còn lưu lại cho ta được đến hơn 4000 cổ bản như thế, thật là một bằng chứng rất mạnh, khiến cho ta cũng phải công nhận rằng cả Tân Ước quả là chơn chánh và xác thực vậy.

 

CHƯƠNG 4 - LUẬN VỀ SỰ ÐÁNG TIN KINH THÁNH

I. ÐỊNH NGHĨA CHỮ ÐÁNG TIN

Chương nầy luận về sự đáng tin Kinh Thánh; nghĩa là chúng ta có đáng tín nhận các biến động, sự tích, và lời lẽ biên chép trong đó đều là chơn thật cả chăng? Những chuyện siêu việt các trước giả biên chép lại đó há có phải thực được xảy ra như thế không? Bằng quả là chơn thật cả, mới đáng đem lòng tin. Trong chương nầy chỉ đem bằng cớ chứng cho sự đáng tin Tân Ước mà thôi, bởi vì nếu các nhà trước thuật Tân Ước là đáng tin, thì Cựu Ước cũng được như vậy, vì các nhà trước thuật ấy đều chứng thực cho sự ứng nghiêäm Cựu Ước cả.

II. SỰ ÐÁNG TIN CỦA TÂN ƯỚC

Xét qua một bộ gọi là bốn sách Tin Lành, thấy những trước giả đều là người có tài trí, am tường việc họ biên thuật, có lòng thành thực, làm chứng cho đạo Christ, chỉ mong ích lợi cho kẻ khác mà thôi. Xin lần lượt kê cứu như sau đây.

1.Các nhà trước thuật đều có tài trí. – Hễ ai nghiên cứu Tân Ước cách chín chắn, không sao không thấy rõ ràng rằng các trước giả đều là người không những là chỉ có tài trí tầm thường mà thôi, lại có tài trí thông minh trổi chúng nữa. Bằng chẳng, đâu hay có thể trước thuật những thơ như hiện có trong bộ Tân Ước?

2.Các nhà trước thuật vẫn am tường việc họ biên thuật. – Người làm chứng đáng tin phải là người am tường việc mình làm chứng cho đó mới được. Bằng chẳng, lời chứng của họ không khi nào được tòa án nhận. Các trước giả Tân Ước đều làm chứng cho đạo Christ rất đáng tin, vì họ vốn thông thạo mọi sự tích, biến động và địa phương can thiệp đến sự sáng lập đạo ấy. Chẳng phải họ nhiệt cuồng, mê hoảng mà ký thuật những chuyện hoang đàng như thần thoại thuộc trong cõi ảo tưởng đâu, bèn là người đoan nghiêm, trung chính, và viết ra một cách rất giản dị thành thật; điều gì họ đã thấy và nghe thể nào, thì cứ thuật lại rất chơn thật ngay thẳng thể ấy, không hề thêm bớt hoặc giả mạo điều gì (IGiăng 1:1), cũng không hề tự dối mình, hoặc bị ai lừa gạt chi. Họ vẫn có dịp tiện nghe và thấy mọi điều họ ký thuật, vì họ vốn sanh trưởng ở xứ Palestine, là nơi phần nhiều sự tích và biến động biên thuật trong bộ Tân Ước đã xảy ra. Còn nếu có điều gì họ không được mười phần rõ biết, thì cũng có đủ phương tiện tra hỏi tìm tòi nơi những kẻ chứng kiến đích xác để biết chắc chắn các thực sự ấy. Vả lại, các sự tích và biến động mà họ thuật lại đó đều xảy ra cách phi thường, đến đỗi ấn tượng rất sâu trong tâm trí của họ không khi nào phai lạt được, khiến cho họ nên những bậc chứng kiến rất đáng tin cậy.

3.Các nhà trước thuật đều là người thành thật. – Kê cứu qua lịch sử của các nhà trước thuật Tân Ước, thì thấy họ là người rất thành thực ngay thẳng, chẳng có ý gì phỉnh gạt lừa dối ai cả. Có ba điều minh chứng cho:

a)Họ hy sinh quyết chứng. – Sự làm chứng về đạo Christ lúc bấy giờ rất nguy hiểm đến tánh mạng họ, chỉ đưa đến sự hoạn nạn, khốn khổ, bắt bớ, thậm chí đến chết nữa đó thôi. Họ cũng biết nếu cứ làm thinh thì hẳn được an nhiên vô sự như ai; còn cố ý tuyên bố Tin Lành của Christ ra, ắt không sao thoát khỏi sự thiệt hại lớn. Thế nhưng họ cứ ứng dụng truyền giảng như không thấy có trở lực gì cả. Ấy vậy, ta dám quyết rằng các trước giả không khi nào lừa dối ai, chỉ làm người chứng kiến chơn thực thôi; bởi vì theo lẽ tự nhiên chẳng ai vui lòng chịu chết vì sự dối trá đâu bao giờ.

b)Các sách họ chép có trình độ đạo đức rất cao. – Trình độ đạo đức của các sách Tân Ước thật cao thượng vô song. Hầu hết các trước giả đời nay đều theo lối văn hoa hài hước để mua vui giải trí cho độc giả. Song các trước giả Tân Ước khác hẳn, toàn dùng lời văn giản dị mà mạnh mẽ và nghiêm trang, diễn giải luân lý tuy diệu kỳ mà dễ hiểu, chủ trương lẽ đạo thuộc linh có ích cho sự cứu rỗi linh hồn loài người. Các trước giả cũng rất kính trọng lẽ thật, hằng chuyên tâm dạy người ta phải vâng phục nó, chẳng có ý dám lừa gạt quyến dụ ai theo sự dối trá bao giờ.

c)Họ không hề chữa lỗi che lầm. – Hễ ai cố ý lừa gạt người ta, dụ hoặc thiên hạ tín nhận chứng cớ mình là chơn thật, thì thường chữa chối hoặc che đậy tội lỗi, bao giờ cũng tỏ mình là trọn vẹn mà thôi. Các trước giả Tân Ước chẳng như vậy đâu, không hề tìm cách chữa chối tội phạm hay che đậy những khuyết điểm của họ, trái lại còn thuật rõ cho thiên hạ đều biết. Khi họ hoặc tả vẽ tội của Phi-lát hay là tội của Phi-e-rơ cũng cứ theo đúng luật kinh tế cả, không nói quá hoặc bên nầy, cũng chẳng che đậy bên kia, chỉ một mực đúng thực sự thôi. Lý do ấy buộc ta phải đoán rằng sự làm chứng của họ quả đáng tin lắm, bởi vì họ vốn là người thành thật mọi đàng.

4.Các trước giả của bốn sách Tin Lành đều chứng thực lẫn nhau. – Tuy bốn trước giả của bốn sách Tin Lành đều độc lập ký thuật các sự tích, thì chẳng có sự phản đối nhau trái lại cả bốn người đều chứng thực cho nhau cả, chứng kiến của kẻ nầy tương hiệp với chứng kiến của người kia cách rập ràng. Vả, nếu chỉ có một người làm chứng cho một biến động quan hệ nào, thì có lẽ có thể sanh sự nghi hoặc. Nhưng nếu có bốn người thành thực, đạo đức đều độc lập, mà đồng thinh làm chứng cho cùng một biến động ấy cách rập ràng không phản đối gì nhau cả, thì không ai còn có thể hoài nghi chi nữa. Dám quyết rằng trong cõi lịch sử chẳng có thực sự nào có bằng cớ mạnh mẽ và rõ ràng để chứng thực cho nó bằng các thực sự của bốn sách Tin Lành. Nên chi ta đem lòng tin nhận bốn chứng kiến ấy đến mực nào cũng chẳng phải là quá đáng đâu.

TỔNG LUẬN

Các bằng cớ vừa kể ra trên đây minh chứng rằng các trước giả của bốn sách Tin Lành đều là những nhà chứng kiến thành thực, đáng tin lắm. Vậy, nhìn thực sự ấy ta cũng buộc phải công nhận rằng sự trước thuật của họ, nào các phép lạ, nào lời tiên tri của Christ và các sứ đồ đều là chân thật cả. Vả, Đức Chúa Trời có khi nào thi hành phép lạ hoặc tỏ bảo cuộc tương lai để chứng thực cho những giáo sư giả sao? Chẳng hề bao giờ! Sự tự xưng của Christ và các sứ đồ chắc là chân thật, họ quả là các giáo sư từ Đức Chúa Trời mà đến; còn lẽ đạo họ truyền dạy đó chắc là sự khải thị của Đức Chúa Trời ban bố cho loài người như họ đã quả quyết vậy.

 

CHƯƠNG 5 - LUẬN VỀ THẦN QUYỀN CỦA KINH THÁNH

I. THÍCH NGHĨA DANH TỪ THẦN QUYỀN

Trong thần học danh từ thần quyền chỉ về quyền năng của Đức Chúa Trời thi thố điều gì vậy. Trong Thánh Kinh học thì chỉ về Kinh Thánh có quyền của Đức Chúa Trời, lời trong Kinh Thánh là lời của chính Ngài phán cho loài người để dạy bảo họ các lẽ đạo về sự cứu rỗi, về phận sự của tín đồ, về Giáo hội, về tương lai. Thế thì, lời Kinh Thánh là thước mực của lẽ đạo, tiêu chuẩn của đời sống tín đồ, và điển pháp mà Giáo hội phải vâng theo.

II. LÝ DO TIN KINH THÁNH CÓ THẦN QUYỀN

1. VỀ CỰU ƯỚC

Về bộ Cựu Ước, chúng ta nhờ lời chứng của Chúa Jesus mà biết chắc chắn kinh điển ấy có thần quyền. Xem Lu-ca 24:27, 44.

Lại mỗi khi Chúa hoặc các sứ đồ phán dạy gì thì thường trưng dẫn kinh văn Cựu Ước, để chứng thực cho, chớ chẳng hề vin nơi quyền bính nào khác để chứng nghiệm lẽ đạo nào hết. Xem Lu-ca 10:26; 16:29; Giăng 5:39; Rô-ma 4:3; IITi 3:15.

Phao-lô cũng khen tín đồ ở Bê-rê vì “họ đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công 17:11).

Đấng Christ từng trách bọn Pha-ri-si vì họ thêm bớt lời Kinh Thánh, giả mạo lời phán của Đức Chúa Trời.

Xem Ma-thi-ơ 15:7-9. – Cũng xem Mác 7:5-8; Khải 22:18, 19 và Phục 4:2; 12:32; Giô 1:7.

Nhờ những cớ kể trên ta có thể quyết định rằng bộ Cựu Ước quả có thần quyền.

2. VỀ TÂN ƯỚC

Chúng ta cũng nhờ lời chứng của Christ mà biết rằng Tân Ước cũng có thần quyền. Xin kê cứu qua những bằng cớ sau đây thì sẽ rõ.

a)Chính Christ phán cho môn đồ biết rằng Ngài sẽ trở lên trời trước khi sự khải thị được hoàn toàn. Xem Giăng 16:12.

b)Cũng có hứa rằng khi Ngài đã trở lên trời rồi, thì Thánh Linh trong họ sẽ làm hoàn toàn sự khải thị của Ngài. Xem Giăng 16:13.

c)Khi Đấng Christ đã thăng thiên rồi, bèn làm cho ứng nghiệm lời hứa của Ngài, mà ban Thánh Linh cho các sứ đồ. Nhờ sự mặc cảm của Ngài mà họ thuật lại và biên chép mọi sự họ đã nghe và thấy ở nơi Chúa, vâng mạng Ngài mà làm chứng về đời sống, sự chết, và sự sống lại của Ngài, họ dùng môi miệng và văn tự của lẽ thật bởi Thánh Linh trực tiếp và gián tiếp khải thị cho mà khuyên dạy. Xem Giăng 15:27; Giăng 16:13; Công 1:8. – Cũng xem Ma-thi-ơ 28:19-20; Công 9:15,17.

d)Vả, Đấng Christ vốn biết trước những lời các sứ đồ sẽ nhờ Thánh Linh mặc cảm mà biên chép lại, cho nên khi Ngài chọn lập họ, thì Ngài đã hứa sẽ ban cho họ biết mọi lẽ thật còn thiếu. Mà nếu quả Ngài đã ban cho điều ấy thì ắt cũng ban luôn cho lời họ phải biên thuật ra đó có thần quyền bằng chính lời Ngài đã phán vậy. Ma-thi-ơ 10:14, 15; Lu-ca 10:16; Giăng 13:20Giăng 17:20

TỔNG LUẬN

Ấy vậy, nhờ các bằng chứng kể ra trên đây ta dám quả quyết rằng cả bộ Tân Ước có thần quyền, và là khuôn vàng thước ngọc có một không hai, dạy bảo về lẽ đạo Giáo hội phải tín ngưỡng, về cách phải thờ phượng, và về hành vi cử chỉ trọn vẹn của cá nhân tín đồ là thế nào. Ở ngoài Kinh Thánh quả chẳng có quyền bính nào khác, hoặc do lời người nào hay do sách vở gì có thể tự xưng có thần quyền để dạy bảo về những sự quan hệ ấy được.

 

CHƯƠNG 6 - LUẬN VỀ SỰ ÐỨC CHÚA TRỜI HÀ HƠI VÀO KINH THÁNH 

I. ÐỊNH NGHĨA DANH TỪ HÀ HƠI VÀO

1. NGHĨA CHỮ HÀ HƠI VÀO

Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi vào có nghĩa gì? Đáp: Các nhà trước thuật Kinh Thánh đều được Thánh Linh mặc cảm để nhận lãnh và ký thuật sự khải thị của Đức Chúa Trời, đến đỗi lời họ ký thuật đó đều là vô ngộ, có đủ quyền làm khuôn phép thước mực có một không hai cho sự tín ngưỡng và hành vi của tín đồ. Nói cho rõ hơn, Thánh Linh của Đức Chúa Trời cảm động các thánh đời xưa, khiến họ biết rõ ý mầu nhiệm của thánh đạo Đức Chúa Trời, nhờ Thánh Linh mà nói ra, cảm bởi Thánh Linh mà chép thành, đến đỗi những sách họ trước thuật đều chẳng có chút nào sai lầm. Vả, ý hà hơi vào cũng bao hàm cả hai bên Đức Chúa Trời và loài người, đến đỗi có thể nói rằng Kinh Thánh chẳng khác gì Chúa Jesus Christ, gồm có cả hai thần tánh và nhơn tánh. Cho nên Kinh Thánh vẫn là chiếu thơ của Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh khải thị cho các đầy tớ Ngài. Xem trong Kinh Thánh thường có những câu rằng: “Giê-hô-va phán”, “Chúa phán”, “Đức Chúa Trời phán”, “Thánh Linh phán”. Đó chứng cho thần của Kinh Thánh. Ngoại giả, Thánh Linh còn lợi dụng tâm trí và sự từng trải của trước giả mà chép ra nữa. Như Môi-se vì có học thức theo giáo dục Ai-cập, nên lời nói của ông có khí vị văn chương. Còn như A-mốt là tay chăn chiên, nên lời nói của ông không thể thoát khỏi giọng điệu của kẻ chăn chiên. Lu-ca vốn làm thầy thuốc, thành thử văn liệu của ông vẫn biểu lộ những lời ý của các nhà y học lão luyện. Các sách của Phi-e-rơ, Giăng, Phao-lô, thảy đều tỏ cốt cách mường tượng như bình sanh của họ vậy. Bao nhiêu thực sự ấy đều chứng quyết cho nhơn tánh của Kinh Thánh một cách rất đích thực.

Thế thì, danh từ hà hơi vào có hai mặt, một là mặt hướng cùng Đức Chúa Trời gọi là hà hơi, tức là chính Đức Chúa Trời hà hơi. Còn mặt kia là chữ vào, can thiệp đến loài người. Đức Chúa Trời hà hơi vào trước giả Kinh Thánh, ban cho họ ơn vâng theo ý chỉ Ngài, làm đồ dùng cho Thánh Linh để nhận lãnh sự khải thị của Đức Chúa Trời, và biên chép lại trong bộ sách không sai lầm. Tuy lẽ thật của sự khải thị ấy, chỗ linh nghiệm và thần quyền của nó đều là do Đức Chúa Trời ban cho, thì công phu bày ra bằng tiếng và chữ của loài người là do trước giả, nhờ sự mặc cảm của Thánh Linh giữ gìn, khiến cho hoặc nói ra hoặc chép lại đều không sai lầm chút nào.

2. SO SÁNH HAI DANH TỪ KHẢI THỊ VÀ SOI SÁNG VỚI DANH TỪ HÀ HƠI VÀO

Có hai danh từ khác, lắm khi người ta hiểu lộn với danh từ hà hơi vào, tức là khải thị và soi sáng.

a)Khải thị. – Khải thị chẳng phải đồng nghĩa ngữ với hà hơi vào đâu. Nghĩa đen chữ ấy như ta đã thấy là Đức Chúa Trời thông bảo lẽ thật cho tài trí loài người có thể hiểu thấu được, là lẽ thật loài người tự nhiên vốn chẳng có thể tìm kiếm hoặc thấu hiểu nổi.

b)Soi sáng. – Đức Chúa Trời hay soi sáng trí não loài người để giúp họ hiểu thấu ý nghĩa chánh đáng của lẽ thật mà Ngài đã khải thị rồi. Ấy vậy, sự soi sáng chẳng bao giờ bày ra lẽ thật mới nào cả, chỉ giúp đỡ cho kẻ kê cứu có đủ sự sáng sủa thuộc linh để hiểu lẽ thật đã bày ra rồi đó thôi. Xem Lu-ca 24:32, 45.

Đem ba danh từ khải thị, soi sáng và hà hơi vào mà so sánh với nhau, thì có thể đoán rằng, mọi lời chép trong Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi vào, nhưng mà mọi lời ấy chẳng phải đều là khải thị cả đâu; bởi vì nhiều thực sự chép trong Kinh Thánh loài người tự nhiên có thể biết được. Mọi lời Kinh Thánh nhờ sự mặc cảm của Thánh Linh mà chép lại; nhưng các trước giả có lẽ không phải đều toàn được soi sáng để thấu hiểu ý nghĩa chánh đáng của lời họ chép đó. Thí dụ:

(1)Trong Lu-ca và Công-vụ có sự hà hơi vào, song chẳng có sự khải thị. Bởi vì điều Lu-ca tự thuật là điều mà mắt ông đã thấy và tai ông đã nghe. Thánh Linh đã mặc cảm tâm trí, cai trị ngòi bút của ông đến đỗi mọi lời ông biên chép đều là chơn thật cả. Xem Lu-ca 1:1-4.

(2)Trong Khải-huyền có sự hà hơi vào, mà cũng có sự khải thị nữa; bởi vì phần lớn của sách Khải-huyền đều là lẽ thật mới, lý tánh tự nhiên không sao tìm ra đặng. Xem Khải 1:10, 11.

(3)Trong các sách tiên tri đều có sự hà hơi vào, nhưng lắm khi trước giả thiếu sự soi sáng, nên không hiểu được ý nghĩa của lời mình đương chép đó là gì cả. Xem IPhi 1:10, 11.

(4)Còn trong thơ tín của Phao-lô có sự hà hơi vào, có sự khải thị, mà cũng có sự soi sáng nữa; bởi vì Phao-lô hiểu thấu ý nghĩa lời Thánh Linh mặc cảm cho ông chép ra vậy. Xem ICô 2:12.

II. BẰNG CHỨNG VỀ SỰ HÀ HƠI VÀO

Chúng ta nhận thấy Đức Chúa Trời đã ban cho loài người sự khải thị đặc biệt rồi. Thế nhưng Ngài há có giao sự khải thị ấy cho họ một cách thờ ơ lơ lửng chăng? Có đành để cho họ dùng ký ức bất toàn mình mà truyền thuật lại cho hậu sinh ta ư? Dám quả quyết rằng Đức Chúa Trời không nỡ nào làm như vậy! Đấng Toàn năng đã tìm phương pháp khôn ngoan để bày tỏ mình ra thì chắc cũng phải tìm phương thế để truyền sự khải thị ấy lại một cách không sai lầm, hầu cho loài người có thể đem lòng tin cậy đến và được cứu rỗi, cảm tạ Đức Chúa Trời! Thánh Linh không những là lo khải thị Đức Chúa Trời cho loài người chúng ta mà thôi, lại cũng lo mặc cảm các nhà nhận lãnh sự khải thị ấy, khiến họ đủ ơn biên thuật lại trong một bộ sách gọi là Kinh Thánh, đến đỗi các sự tích, biến động và lẽ đạo trong bộ ấy không sai lầm chút nào.

Sau đây xin kể lược những bằng chứng về sự Đức Chúa Trời hà hơi vào Kinh Thánh. Có hai thứ bằng chứng là nội chứng và ngoại chứng.

1. NỘI CHỨNG

A) Nội chứng trực tiếp

  1. Về Cựu Ước – Christ làm chứng. – Chúa Jesus Christ vốn chứng giả rất đáng tin, lại là Sứ giả đến từ Đức Chúa Trời. Ngài chứng thực cho sự hà hơi vào Cựu Ước, quyết rằng cả kinh văn ấy là chính lời của Đức Chúa Trời. Ngài thường trưng dẫn lời ấy bắt đầu bằng câu “có chép rằng”. Vả, hễ người Do Thái nào nghe ai dùng lời ấy thì hiểu ngay rằng lời trưng dẫn đó là lời Kinh Thánh, có thần quyền, bởi chính Đức Chúa Trời ban bố cho. Christ lại gọi Kinh Thánh là “lời Đức Chúa Trời phán” (Giăng 10:35), quyết rằng “Kinh Thánh không thể bãi bỏ được” đến đỗi dầu “một chấm một nét trong luật pháp không qua đi được” (Ma-thi-ơ 5:18); (Cũng xem Ma-thi-ơ 4:4, 6, 7; 11:10; Mác 14:27; Lu-ca 4:2-4). Thế thì, lấy làm rõ ràng lắm, Kinh Cựu Ước là lẽ thật đích xác của Đức Chúa Trời, không chỗ nào sai lầm cả.
  2. Về Tân Ước. – Có ba bằng cớ minh chứng cho sự hà hơi vào Kinh Tân Ước như sau nầy:

a)Chúa Jesus làm chứng. – Chúa Jesus lập các sứ đồ, ủy nhiệm chức giáo sư cho họ, hứa rằng Thánh Linh sẽ giúp đỡ họ cách siêu việt về công việc dạy dỗ, cũng như Đức Chúa Trời đã giúp đỡ các tiên tri xưa vậy.

Trong Ma-thi-ơ 28:19, 20 Chúa bảo các sứ đồ hãy đi truyền Tin Lành ra, và hứa rằng sẽ thường ở với họ cho đến tận thế. Trong Công 1:8 Ngài lại hứa ban Thánh Linh cho họ để họ làm chứng về Ngài cho đến cùng trái đất. Nếu đem các câu ấy so sánh với các lời hứa cho Môi-se (Xuất 3:12), cho Giê-rê-mi (Giê 1:5-8), cho Ê-xê-chi-ên (Êxê 2 và 3), và cho các tiên tri khác, thì rõ ràng lắm, Chúa kể lời của các sứ đồ có quyền bằng lời của các tiên tri xưa vậy. Xem Ma-thi-ơ 28:18, 20.

Xuất 4:12; Giê 1:7-8; Êxê 2:3; Êxê 3:4; Ês 44:3; Giô-ên 2:28; Giăng 14:26; Giăng 15:26, 27; Giăng 16:13

Thế thì, nhờ lý cớ nầy ta đoán rằng lời của các sứ đồ cũng có sự hà hơi vào bằng lời của các tiên tri trong Cựu Ước vậy.

b)Các sứ đồ làm chứng. – Các sứ đồ đều quả quyết rằng họ đã nhận lãnh Thánh Linh mà Chúa Jesus đã hứa. Nhờ Ngài mặc cảm, họ giảng dạy và trước thuật các có thần quyền, đến đỗi lời họ ký thuật đều có cùng một giá trị và linh nghiệm bằng lời trong Kinh Cựu Ước. Không những là các sứ đồ trực tiếp tự quyết nhận có thần quyền, hoàn toàn nhờ Thánh Linh soi dẫn lời và chữ họ chép mà thôi, lại còn nhờ ở cái giọng đoan nghiệm và cách cao thượng trải suốt các sách của họ chép đó, hẳn đều đồng thinh minh chứng cho sự thần quyền của họ nữa. Những câu viện dẫn sau đây chứng rằng các sứ đồ nhờ sự mặc cảm trực tiếp của Thánh Linh mà dạy bảo. ICô 2:10,13; ICô 11:23; ICô 12:8, 28; ICô 14:37, 38; Ga-la-ti 1:12; ITê 4:2, 8

Còn những câu trưng dẫn sau đây nữa thì lại chứng rằng sự dạy dỗ của sứ sồ đều có thần quyền bằng sự dạy dỗ của bộ Cựu Ước. IPhi 1:11, 12; IIPhi 1:21; IIPhi 3:2, 16

Phao-lô quyết rằng cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời hà hơi vào. Phi-e-rơ cũng dạy rằng các thơ tín của Phao-lô có thần quyền bằng Kinh Cựu Ước. Nhiều câu trong Kinh Tân Ước chú trọng về thần quyền, quyết rằng hễ ai không tín nhận sự tự thuật trong đó thì mắc tội nặng. IITi-mô-thê 3:16; IIPhi-e-rơ 3:16; Ga-la-ti 1:1, 2; IGiăng 5:10, 11; Giu-đe 1:3

Vả, các câu viện dẫn trên đều minh chứng rằng những trước giả của Tân Ước phân biệt sự hà hơi vào với sự tư tưởng riêng. Cũng quả quyết rằng họ được hà hơi vào cũng như các tiên tri xưa vậy (Khải 22:6). Về Cựu Ước thì sự hà hơi vào do Christ chưa giáng sanh mà ra. Còn sự hà hơi vào của Tân Ước lại do Christ thăng thiên bởi cơ quan Thánh Linh mà được nên.

c)Phép lạ và lời tiên tri làm chứng. – Các nhà trước thuật Tân Ước đều làm phép lạ và nói tiên tri đặng chứng quyết rằng họ được Đức Chúa Trời hà hơi vào. Về thực sự ấy họ rất khác với các nhà hiền triết và văn hào trong bái vật giáo, vì họ thường tự xưng được Trời mặc cảm để dạy bảo. Ma-thi-ơ 10:1; IICô 12:12

Còn về các quyển do những người không hành chức sứ đồ chép ra, như sách Tin Lành Mác, Lu-ca, thơ Hê-bơ-rơ, Gia-cơ và Giu-đe, thì có bằng cớ chứng rằng các sứ đồ gởi gắm những thơ ấy cho các Giáo hội, công nhận là được hà hơi vào và có thần quyền như các thơ của chính sứ đồ vậy.

B. Nội chứng gián tiếp

Cũng có những nội chứng gián tiếp làm chứng Kinh Thánh được hà hơi vào. Đây xin lược kể lại vài ba chứng ấy:

1)Đặc tánh siêu nhiên của Kinh Thánh làm chứng. – Kê cứu qua Kinh Thánh, rất dễ thấy bộ sách nầy khác hẳn với mọi sách khác. Kinh Thánh am hiểu tâm linh loài người, xét đoán linh hồn, phản đối tình dục, phơi tội lỗi ra và hạ sự kiêu căng xuống. Lại bổ chỗ khuy khuyết của lòng, giải quyết vấn đề khó hiểu, bày tỏ bản tánh Đức Chúa Trời, chỉ dạy sự tha tội, dẫn đường đến thiên đàng, an ủi khi hoạn nạn, giúp đỡ lúc yếu đuối, giải cứu phút hấp hối. Cả Kinh Thánh đầy ý nghĩa cao xa mầu nhiệm, không ai hiểu thấu hết, càng kê cứu bao nhiêu, lại càng gặp sự hay mới bấy nhiêu. Nói cho đúng, sách nầy khác hẳn với các sách khác, khiến cho ta phải thán phục mà nhận là do Đức Chúa Trời ban xuống cho chúng ta bởi sự hà hơi vào vậy.

2)Bản tánh siêu việt của Christ làm chứng. – Tân Ước tả ra Christ rất khác với mọi người không cứ là ai, vì Ngài có bản tánh toàn vẹn vô cùng, không tội lỗi, không khuyết điểm gì cả, mọi phương diện của bản ngã Ngài cũng đều đặn, thánh khiết rất mực cả, đến đỗi bạn hữu hay thù nghịch cũng đều đồng thinh chứng rằng: “Chẳng có ai giống như Ngài bao giờ.” Christ là trung tâm điểm và tôn chỉ của cả Kinh Thánh, bản tánh siêu nhiên Ngài chạy suốt qua mọi câu, mọi đoạn, mọi sách trong Kinh Thánh làm cho cả văn tự đều đồng hưởng được đặc tánh siêu nhiên ấy.

3)Sự hiệp nhứt của Kinh Thánh làm chứng. – Kinh Thánh tuy có nhiều người chép mà thực chỉ có một tâm trí trước thuật mà thôi. Nội dung Kinh Thánh tuy gồm 66 quyển , có chừng 36 nhà trước thuật, sống vào các thời đại rất xa cách nhau, trình độ tài học cũng khác nhau. Dầu vậy, 66 quyển ấy đều chỉ có một đề mục, một tinh thần, một mục đích, một tôn chỉ suốt qua hết thảy. Trong vòng các trước giả ấy ra thấy rõ người sau chót chẳng chép điều gì có thể gọi là hơi hơi phản đối với kẻ đầu tiên, nhưng cả lời chép của họ đều đồng một ý với nhau, sự dạy dỗ và sự biên thuật của họ trở nên một thống hệ thần đạo trọn vẹn vô song. Tại cớ sao Kinh Thánh có sự hiệp nhứt như thế? há chẳng phải vì chỉ có một Đại Tác giả là chính Đức Chúa Trời đấy ư?

2. NGOẠI CHỨNG

Có mấy bằng chứng ở ngoài Kinh Thánh gọi là ngoại chứng. Tuy các bằng cớ nầy ở ngoài Kinh Thánh, nhưng rất can thiệp đến sự dạy dỗ của Kinh Thánh, minh giải rằng văn tự của cả Kinh Tân Cựu Ước đều được Đức Chúa Trời hà hơi vào. Xin kể lược dưới đây:

a)Các phép lạ làm chứng. – Các trước giả Kinh Thánh đều thuật lại nhiều phép lạ, hoặc bởi nhà tiên tri, hoặc bởi Christ hay là bởi các sứ đồ làm ra. Vả, phép lạ tức là một công việc, hoặc một biến động xảy ra quá trí hiểu và năng lực của loài người. Ở ngoài các phép lạ mà Môi-se làm ra trong xứ Ai-cập, Cựu Ước lại còn có những phép lạ cũng rất quan hệ như:

(1)Sự tuyệt diệt bọn Cô-rê, Dân 16; (2) Sự đi qua Giô-đanh, Giô 3:14-17; (3) Sự đánh đổ thành Giê-ri-cô, Giô 6:6-20; (4) Ê-li dâng hi sinh trên núi Cạt-mên, ICác 18:17-40; (5) Sự chữa bịnh phung cho Na-a-man, IICác 5:10-27; (6) Sự phá hủy đạo quân A-si-ri, IICác 19:35; (7) Bóng lui mười độ trên trắc ảnh độ, IICác 20:8-10; (8) Ba bạn Hê-bơ-rơ trong lò lửa, Đa-ni-ên 3:20-27.

Trong Tân Ước có chép lại nhiều phép lạ của Christ và các sứ đồ làm ra. Các phép lạ của Christ can thiệp đến hết cõi thiên nhiên và cõi siêu nhiên, có ảnh hưởng trên cả phần thuộc linh và thuộc thể của loài người. Ngài làm cho gió yên lặng, khiến nước hóa ra rượu, làm cho năm ổ bánnh và hai con cá hóa ra nhiều, đuổi quỷ, chữa bịnh, kêu kẻ chết sống lại. Các trước thuật của Kinh Thánh đều lợi dụng các phép lạ, mà chứng quyết cho quyền năng và sứ mạng mình đều do Đức Chúa Trời ban cho. Chính Jesus Christ cũng làm như vậy khi môn đồ Giăng đến hỏi thăm Ngài có phải là Mê-si hay không, thì Ngài đáp, - xem Ma-thi-ơ 11:3-5.

Thế thì các phép lạ đều là bằng cớ đích xác chứng rằng sứ mạng của Kinh Thánh và trách nhiệm của các trước giả đều là siêu việt, do chính Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh mặc cảm mà có vậy. Xem Ma-thi-ơ 8:3; Mác 1:34, 41, 42.; Mác 6:56; Mác 8:7-9; Lu-ca 5:24, 25; Lu-ca 8:54, 55; Lu-ca 18:42, 43; Giăng 5:8, 9; Công 3:6-8

b)Lời tiên tri làm chứng. – Một bằng cớ rất mạnh làm chứng rằng Đức Chúa Trời quả có hà hơi vào cả lời lẽ trong Tân Cựu Ước ấy là lời tiên tri được ứng nghiệm. Trải qua các đời trước có nhiều đầy tớ của Đức Chúa Trời tự xưng mình đã lãnh được sứ mạng của Ngài để dự cáo về cuộc tương lai. Một phần lớn của những sự dự cáo ấy được ứng nghiệm như lời. Đây xin kể lại những điều quan hệ hơn mà thôi.

(1)Cựu Ước. – Cựu Ước có nhiều lời tiên tri can thiệp đến nào là dân Y-sơ-ra-ên, nào là các dân ngoại bang và Đấng Christ. Các tiên tri đều dự cáo về sự đánh đổ và tuyệt diệt nước A-si-ri và Ba-by-lôn trong lúc hai nước ấy vẫn còn phú cường cực điểm, chẳng có một dấu hiệu tự nhiên gì có thể ám chỉ cho các Đấng ấy biết trước về hai nước đó mà hòng tiên đoán cái biến động bi kịch kia được. Tuy vậy, lời dự cáo ấy được ứng nghiệm trọn cả. Xem Ê-sai 13:19-22.; Ê-sai 14:22, 23; Giê 50:13, 39, 40; Na-hum 3:7; Sô-phô-ni 2:13, 14

Cựu Ước cũng dự ngôn về nước Ai-cập, vẻ ra tương lai nước ấy cách tường tận. Quả nước nầy không bị tuyệt diệt như A-si-ri và Ba-by-lôn, nhưng bị suy nhược, phải đầu phục các cường quốc khác, cũng như tiên tri Ê-xê-chi-ên đã dự cáo vậy. Xem Êxê 29:15.

Trong Phục 28:, Môi-se vẽ ra tương lai của dân Do Thái, dự cáo rằng họ sẽ không vâng phục Đức Chúa Trời, nhưng sẽ phạm tội và bị tan tác khắp thế gian. Lời nầy đã được ứng nghiệm đầy đủ, chẳng sai chạy một chữ nào. Trải qua 19 thế kỷ, dân Do Thái bị tan tác khắp địa cầu, đến ngày nay lời tiên tri của Môi-se vẫn còn được ứng nghiệm ở trước mặt ta. Xem Phục 4:27.; Nê-hê-mi 1:8.; Giê 9:16; A-mốt 9:9

Những lời tiên tri về các điều khác như là,

(a)Sự đền thờ bị phá hủy, được lập lại và lại bị phá hủy lần chót nữa. Xem Giê 26:9.; Ê-sai 44:28; Đa-ni-ên 9:26

(b)Bàn thờ tại Bê-tên bị vua Giô-si-a phá đổ: ICác 13:2; IICác 3:15, 16

(c)Thành Giê-ru-sa-lem bị dân Ba-by-lôn triệt hạ: Xem IICác 20:17.

(d)Dân Do Thái bị làm phu tù 70 năm tại Ba-by-lôn. Xem Giê 29:10.

(e)Dân Do Thái trở lại tổ quốc và được vua Si-ru ra chỉ dụ cho phép họ trở về. Xem Ê-sai 44:28.

(f)Các chiến tranh giữa nước Sy-ri và Ai-cập (Xem Đa-ni-ên 11:2-35).

Đền thờ bị quân đội Ba-by-lôn phá hủy năm 586 T.C. (IICác 25:13-16), được lập lại bởi Xô-ru-ba-bên năm 516 T.C. (E-xơ-ra 5 và 6). Vua Hê-rốt dỡ cái đền nầy mà xây cất một đền mới nguy nga đẹp đẽ hơn cái cũ (20-19 T.C.). Đền thờ ấy lại bị quân đội La-mã phá hủy năm 70 S.C. Bàn thờ tại Bê-tên (nước Y-sơ-ra-ên), thật bị vua Giô-si-a phá đổ như tiên tri đã nói (IICác 23:15, 16). Còn thành Giê-ru-sa-lem bị vua Nê-bu-cát-nết-sa đánh hạ năm 586 T.C. Từ năm 604 đến năm 586 T.C. thì dân Do Thái lần lần bị đem qua Ba-by-lôn và làm phu tù tại đó trọn 70 năm như Giê-rê-mi đã dự ngôn. Đến năm 534 T.C. nhằm đời Si-ru, thì dân Do Thái được phép trở về cố quốc, lập lại đền thờ cũng như Ê-sai đã nói trước (Ê-sai 44:28; Đa-ni-ên 9:1, 2; IISử-ký 36:22, 23; E-xơ-ra 1:1-11). Còn các trận chiến tranh giữa nước Sy-ri và Ai-cập thì đã thật được xảy ra hệt như tiên tri Đa-ni-ên đã nói trước trong sách của ông (Đa-ni-ên 11:2-35). Thế thì, ta có thể quả quyết rằng lịch sử thế giới đã minh chứng rằng những lời dự cáo kể trên đây và nhiều lời khác đều được ứng nghiệm hết, chẳng một lời nào sót cả. Thực sự ấy vốn một bằng cớ mạnh chứng rằng Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi vào.

(2)Sự dự ngôn về Christ. – Từ thời thượng cổ trải qua nhiều thế kỷ trước Chúa giáng sanh, có nhiều lời dự cáo về một Đấng do dân Do Thái sẽ ra đời trở nên nguồn phước cho cả thiên hạ. Kinh Thánh chép rằng Đức Chúa Trời ban lời hứa ấy cho A-đam, cho Áp-ra-ham, cho Y-sác, và cho Gia-cốp ít nữa là hai ngàn năm trước khi Chúa giáng sanh. Huống lại, khoảng thời gian từ Áp-ra-ham cho đến chừng 500 năm trước kỷ nguyên ta có nhiều nhà tiên tri dấy lên tái tam dự quyết về Đấng ấy, dự cáo thêm về dòng dõi và họ hàng Người, về chỗ và niên hiệu phải giáng sanh; về đời sống, công việc, sự chết, sự chôn, sự sống lại, và sự thăng thiên của Người. Xem Sáng 3:15; Sáng 22:18; Sáng 26:4; Sáng 28:14; Ê-sai 53:2, 3, 5, 9; Thi 22:1, Thi 22:14, Thi 22:17, Thi 22:18, Thi 22:22

Kê cứu qua Tân Ước, thì thấy mọi lời dự ngôn ấy đều được ứng nghiệm đầy trọn ở nơi Chúa Jesus Christ, y như đã dự cáo, dầu nửa lời cũng chẳng hề sai chạy.

c)Đạo Tin Lành bành trướng cách mau chóng cũng làm chứng. – Nghiên cứu lịch sử Hội Thánh, thì thấy đạo Christ mới chỉ trong hai ba thế kỷ mà đã dấy lên, lan tràn và toàn thắng thế giới văn minh một cách lạ lùng. Suy nghĩ về thật sự ấy lại nảy thêm một vấn đề nầy: Cớ sao hôm nay muôn muôn triệu triệu người đều sùng bái phục sự một Người ra từ dân Do Thái đê hèn, lại bị nhục hình thập tự như một thủ phạm kia? Tại sao trong các dân các nước có người đành lòng liều mình đặng truyền bá về đời sống của một Người dường ấy, lại vui chịu mọi sự khốn khổ thậm chí bị giết chết cũng cam, miễn được dịp tiện thuật chứng cho thiên hạ nghe về sự sống, sự chết và sự sống lại của Người ấy? Cớ sao do sự giảng dạy làm chứng của 12 môn đồ rất tầm thường kia mà chỉ trong khoảng ba trăm năm cả La-mã đế quốc kiêu căng kia phải cúi phục dưới chơn Đấng bị đóng đinh ấy? Há chẳng phải vì Đấng ấy vốn Con Đức Chúa Trời hiện ra trong xác thịt đó ư? Há chẳng phải sứ mạng của các môn đồ Ngài báo cáo đó là do Đức Chúa Trời ban xuống, nhờ sự mặc cảm của Thánh Linh mà được giảng dạy biên chép cách mau chóng đó minh chứng rằng Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi vào vậy. Bằng chẳng, thử hỏi, vin vào lý do gì mà cắt nghĩa nổi cái cớ mà Tin Lành bành trướng ra mau chóng lạ lùng dường ấy được ư?

Vả, loài người tự nhiên còn lấy làm khó biết được cả việc hiển hiện trước mắt, huống chi những việc cao xa, mầu nhiệm thuộc về cuộc tương lai thì làm sao thấu rõ nổi? Nếu không có Đấng Vô sở bất tri khải thị những việc vừa kể ra trên đây, thì chẳng có người nào hiểu thấu mà dự cáo gì được. Thành thử phải đoán rằng các trước giả Kinh Thánh đều được Thánh Linh mặc cảm mà nói trước các việc phải xảy ra về sau, còn chính điều ấy chứng thực cho sự Đức Chúa Trời hà hơi vào Kinh Thánh vậy.

d)Sự thực hữu của Hội Thánh làm chứng. – Rải rác khắp trên mặt đất nầy có một hội gọi là Giáo hội hay là Hội Thánh của Christ (Eglise Chrétienne). Thuộc viên của hội ấy vốn đủ sắc người trong các nước, các dân, thuộc trong các dòng giống trong mọi thứ tiếng nói, và mọi tập tục phong hóa khác nhau; nhưng hết thảy đều đồng tâm hiệp ý tôn sùng bái phục Chúa Jesus Christ, xưng hô Ngài là Con Đức Chúa Trời. Cứu Chúa của thế gian. Xin hỏi, cái căn nguyên của Hội Thánh ấy ở đâu? Đáp: Hội Thánh là sự kết quả của lẽ đạo khải thị biên tập trong Kinh Thánh, là thực nghiệm của cả sự dạy dỗ của kinh ấy, hưởng được bản tánh siêu việt của thánh văn đó, đến đỗi tuy bị muôn trùng thù nghịch hằng lập đủ gian mưu quỉ kế phá hoại, thì Hội Thánh vẫn đứng vững, chứng quyết cho Christ, xem Công 4:12. Thế thì, nếu không có Kinh Thánh, ắt cũng không có Hội Thánh. Vậy Hội Thánh minh chứng cho căn nguyên siêu việt của Kinh Thánh, quả quyết rằng vốn bởi Thánh Linh mặc cảm trước giả mà ban bố cho ta vậy.

e)Sự từng trải của tín đồ làm chứng. – Mọi tín đồ vốn là kẻ có tội, đứng trong địa vị tối tăm, buồn bã, chỉ đầy lòng sợ hãi về khổ cảnh tương lai ở trong địa ngục. Nhưng may thay! Khi gặp Tin Lành củaChrist, đọc được sứ mạng của Kinh Thánh, rồi đem lòng tin nhận, thì được tha tội, được dời khỏi chốn tối tăm qua nơi sáng láng của Christ, được đầy dẫy sự vui mừng, cũng được hi vọng vinh hiển về đời sau. Các tín đồ từng trải các phước hạnh như thế, đều đồng thinh chứng rằng Kinh Thánh quả được Đức Chúa Trời hà hơi vào, có thần quyền, vì nhờ thần từ của sách đó mà mình hưởng được đặc ân phước lớn dường ấy. Quả như Phi-e-rơ chép, xem IPhi-e-rơ 1:23, 24.

Lại Kinh Thánh chẳng khác gì cái gương soi, hễ ai nhìn vào thì hẳn đương thấy rõ chơn tướng của mình là thế nào, chẳng khác bức tranh tả thực trăm phần đầy đủ, đến đỗi lẽ thật của Kinh Thánh có quyền bày tỏ ra sự tín nhiệm hơn hết của lòng, khen điều phải, trách điều quấy, chẳng hề tây vị ai cả. Suy nghĩ về thực sự nầy, rất dễ nhận biết rằng ngoài Kinh Thánh chẳng có sách nào khác có quyền siêu việt như thế. Còn quyền ấy há chẳng phải do Đức Chúa Trời hà hơi vào bộ sách kia mà có đấy ư?

f)Sự bảo tồn Kinh Thánh làm chứng. – Đến chúng ta ngày nay mà còn được cầm Kinh Thánh trong tay, hẳn cũng là một phép lạ không gì bằng. Từ xưa đến nay có vô số thù nghịch đồng tâm hiệp lực dùng đủ trăm mưu ngàn kế, quyết tuyệt diệt Kinh Thánh cho khỏi mặt đất. Nào là các hoàng đế La-mã, nào là các giáo chủ bái vật giáo, nào là các giáo hoàng, nào các nhà bác học của đời, nào sự ngu muội của bọn vô thần đảng, hết thảy đều đã rán công ra sức lo đánh đổ Kinh Thánh. Mà lạ thay! Mặc dầu đã gặp vô số hiểm tượng dường ấy mà Kinh Thánh vẫn cứ còn, cứ được phiên dịch, cứ ấn loát, cứ tái bản, và cứ lưu thông; lại nữa, chẳng có khi nào mà người ta mua và xem Kinh Thánh nhiều như hiện nay. Có người nói Kinh Thánh như một hòn đá vuông, dầu xô lật bên nào, cũng vẫn thấy cao và vững một mực như thế thôi. Cớ sao vậy? Há chẳng phải vì Kinh Thánh vốn một cách siêu nhiên được Đức Chúa Trời bảo tồn đến ngày nay đấy ư? Chính thực sự ấy cũng quyết chứng cho nội dung của Kinh Thánh hoàn toàn được Đức Chúa Trời hà hơi vào vậy.

III. PHƯƠNG THỨC HÀ HƠI VÀO

1. CÓ BA PHƯƠNG THỨC

Sự hà hơi vào Kinh Thánh có lẽ có nhiều phương thức, lấy làm khó cho lý tánh hiểu thấu cả được. Song nghiên cứu qua cho kỹ có thể nói Đức Chúa Trời hà hơi vào Kinh Thánh theo ba cách nầy:

a)Mặc thị, thức là các trước giả Kinh Thánh đã chép những sự mà trí não bình sanh họ không thể biết được, có lẽ cũng không hiểu ý được nữa. Xem IPhi-e-rơ 1:10-12.

b)Hiển thị, tức là trước giả bỗng chúc được biết một sự mà bình sanh họ không thể biết đến hoặc hiểu ý nghĩa được. Xem Đa-ni-ên 12:8.

c)Mặc cảm, tức là Thánh Linh cảm thông lòng trước giả, khiến cho người chép theo lời Chúa, xác hiệp ý Chúa không sai suyển điều nào cả. Đức Chúa Trời không những khải thị cho lòng trước giả rõ những điều chưa rõ, biết các lẽ chưa biết; nhưng cũng hà hơi vào lòng người để biên tập lại mỗi đều thuận hiệp lẽ thật, chẳng xen lộn ý nào của người nào cả. Xem Giăng 16:12-15.

2. HAI CÂU KINH THÁNH VẼ PHƯƠNG THỨC HÀ HƠI VÀO KINH THÁNH

Có hai câu Kinh Thánh vẽ ra phương thức Đức Chúa Trời dùng mà hà hơi vào Kinh Thánh.

a)Câu thứ nhứt là IITi-mô-thê 3:16. Từ liệu “được Đức Chúa Trời hà hơi vào”, nguyên văn Hi-lạp là théopneustos, nghĩa đen là “được Đức Chúa Trời hà hơi vào.” Thế thì, theo sự dạy dỗ của chính Kinh Thánh, Đức Chúa Trời dùng hơi sống của Ngài mà hà vào các lời lẽ của kinh ấy, đến đỗi tuy lời lẽ đó vốn thuộc về tiếng nói của loài người đi nữa, thì cũng chẳng có lời lẽ nào sai lầm cả; hết thảy đều là lời hằng sống của Đức Chúa Trời có đủ thần quyền dạy dỗ loài người biết chánh đạo để cho được cứu rỗi trọn vẹn.

b)Câu thứ hai là IIPhi-e-rơ 1:21. – Hai chữ “cảm thúc”, nguyên văn là phéroménoi, nghĩa đen là “thúc giục”, “đưa tới”, “lay động”, “cảm động”. Vậy Đức Chúa Trời cảm động và thúc giục các trước giả của Kinh Thánh phải nói và chép theo ý chỉ của Ngài. Sự thúc giục ấy không phá hủy sự tự chủ của họ đâu, nhưng làm cho ý chỉ họ đồng hóa với ý chỉ của Đức Chúa Trời, đến nỗi sự muốn của Ngài trở nên sự muốn của họ vậy.

VI. PHẠM VI CỦA SỰ HÀ HƠI VÀO

Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi vào đến chừng mực nào? Có phải phạm vi của sự hà hơi vào chỉ là hà hơi vào ý nghĩa của văn tự mà thôi, hay là đến cả chính văn tự ấy cũng được hà hơi vào nữa không? Phải nói rằng, Kinh Thánh có lời Đức Chúa Trời, hay là nói, Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời, câu nào là lẽ thật? Nếu nói theo câu thứ nhứt, thì ai biết phân biệt lời nào là lời của Đức Chúa Trời, lời nào là không? Cả Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời, được hà hơi vào, không những là ý nghĩa của văn tự, lại chính cả văn tự mà trước giả dùng đặng chép cũng được hà hơi vào nữa vậy. Lẽ tất nhiên Đức Chúa Trời không thể nào bày tỏ ý tưởng của Ngài cho loài người miễn là phải lợi dụng tiếng và chữ của họ mới được. Cho nên nếu tư tưởng trong Kinh Thánh được hà hơi vào, thì văn tự cũng phải được hà hơi vào nữa vậy. Sự hà hơi vào nầy thần học gọi là sự hà hơi vào sau từng chữ (Inspiration verbatum). Những câu viện dẫn sau đây làm chứng cho phạm vi của sự hà hơi vào cả Tân Cựu Ước.

1. CHỨNG CHO CỰU ƯỚC

a)Ba-la-am: Dân 22:38; Dân 23:12.

b)Môi-se: Xem Xuất 4:10-12; Dân 17:1, 2; Phục 4:2; Phục 6:1; Phục 29:1;

c)Giô-suê: Giô 1:1, Giô 1:5, Giô 1:8

d)Đa-vít: IISa-mu-ên 23:2.

e)Sa-lô-môn: Châm 30:5, 6.

f)Ê-sai: Ê-sai 5:24; Ê-sai 8:1.

g)Giê-rê-mi: Giê 1:7-9; Giê 7:27; Giê 13:12; Giê 30:1, 2; Giê 36:1, Giê 36:2, Giê 36:4, Giê 36:11, Giê 36:27-29.

h)Ê-xê-chi-ên: Êxê 2:7; Êxê 3:10,11; Êxê 24:2.

i)Đa-ni-ên: Đa-ni-ên 12:8, 9.

j)Mi-chê: Mi-chê 3:8

k)Ha-ba-cúc: Ha-ba-cúc 2:2.

l)Xa-cha-ri: Xa-cha-ri 7:8-12.

2. CHỨNG CHO TÂN ƯỚC

a)Phao-lô: ICô 2:13; 14:37; ITê 2:13.

b)Phi-e-rơ: IPhi-e-rơ 1:10, 11; IIPhi-e-rơ 1:20, 21; 3:1-2.

c)Chúa Jesus Christ: Ma-thi-ơ 10:20; Mác 13:11; Lu-ca 12:12; 21:14, 15.

d)Chứng khác: Công 2:4; 4:31; Giu-đe 1:17; Khải 2:7.

V. CÁC LÝ THUYẾT VỀ SỰ HÀ HƠI VÀO

Trong vòng các nhà thần đạo có bốn ý kiến khác nhau về lẽ đạo Đức Chúa Trời hà hơi vào Kinh Thánh. Nay xin lược khảo như sau đây.

1. TRỰC GIÁC PHÁT TRIỂN THUYẾT

a)Phát huy lý thuyết. – Thuyết nầy chủ trương rằng Đức Chúa Trời hà hơi vào Kinh Thánh chẳng phải là một việc siêu nhiên đâu, chỉ là do ngộ tài tự nhiên hiểu thấy lẽ thật đó thôi. Tài hiểu ấy vốn một nguyên tài mà mọi người đều đã có, nhưng người nào tài nấy, hơn kém khác nhau, kẻ hiểu nhiều, người hiểu ít. Thuyết nầy lại dạy rằng các trước giả Kinh Thánh đều là các tay tài giỏi, thông hiểu tôn giáo và luân lý hơn chúng, đến đỗi có đủ nghị lực chép sách vở đạo giáo gọi là Kinh Thánh. Họ thông hiểu đạo giáo và luân lý chẳng khác gì các nhà bác học thông hiểu khoa học thiên nhiên, nên mới có đủ nghị lực trước thuật sách vở tả vẽ các thực sự về khoa học ấy. Cái thuyết nầy thuộc về lý tánh luận, kể chính loài người là nguồn gốc của mọi thứ tri thức, bất luận là thuộc về cõi thiên nhiên hay cõi thuộc linh cũng vậy. Giáo hội Unitaire (Thần nhứt vi hội) tín ngưỡng theo cái thuyết nầy.

b)Chỗ sai lầm của thuyết nầy. – Thuyết nầy có những chỗ sai lầm như sau đây:

(1)Tuy loài người có thể hiểu lẽ thật của cõi thiên nhiên, thì tài ấy chẳng đủ hiểu thấu lẽ thật thuộc linh đâu, bởi vì nó đã bị tội làm cho hư hoại, thường hiểu sai lầm những lẽ thật thuộc về đạo giáo và luân lý chơn thật. Bằng chẳng có Đấng Toàn năng giúp đỡ, mặc cảm tâm trí loài người, ban bố cho họ lẽ thật cách siêu nhiên, chắc không sao tránh khỏi phải sa vào hầm sai lạc được. Xem ICô 2:14, 10.

(2)Nếu ngộ tánh là nguồn có một không hai của lẽ thật về đạo giáo và luân lý chơn thật, thì chắc phải sanh sự lộn xộn trong tôn giáo giới không xiết kể, khiến thuyết nầy phản đối với thuyết kia, đến đỗi không còn ai biết đâu mà phân biệt phải quấy được nữa. Giả như thuyết nầy là đúng, thì Ma-hô-mết là tiên tri Ngài. Trước giả kinh Védas bên Ấn-độ thì được mặc cảm để chứng quyết rằng chơn thần là Vishnu, một vị thần gian dâm ô uế cực điểm. Còn các trước giả Kinh Thánh đều phản đối cả hai nhà kia mà quyết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời và Chúa Jesus là Con Ngài. Kinh Védas cho phép ăn trộm cướp, phạm tội tà dâm. Kinh Cô-ran quyết rằng phải ra công rán sức mới được cứu. Còn Kinh Thánh lại phả đối hẳn với cả hai chủ nghĩa đó. Thành thử, rất vô lý mà nói rằng cả ba đều được hà hơi vào, hẳn phải có hai trong ba ấy là giả dối mới hữu lý vậy.

(3)Thuyết nầy lẫn lộn lẽ thật của đạo với ý kiến riêng của người ta, đến đỗi có bao nhiêu ý kiến tức là bấy nhiêu lẽ thật khiến cho ta không còn thể nào mà biết được sự thật giả trong đạo giáo là gì nữa, vì mỗi người mỗi lẽ thật, mỗi người mỗi tôn giáo vậy. Thành thử, có sự lộn xộn, không ai có thể giải quyết chi được cả.

(4)Thuyết nầy nếu luận ra cho ráo lý, thì thấy nó không phải dạy lẽ thật đâu, trái lại, nó chối lẽ thật thì có. Còn chối lẽ thật, tức là chối chính Đức Chúa Trời là nguyên lý và căn bản của lẽ thật. Bởi vì hễ quyết rằng cái bản năng trực giác (hoặc ngộ tánh) của loài người phát triển mọi lẽ thật, cố nhiên nhắc loài người lên bực tối cao trong linh giới, khiến họ soán vị Đức Chúa Trời đó vậy.

(5)Thuyết nầy thực ra không giải nghĩa lẽ đạo về Đức Chúa Trời hà hơi vào Kinh Thánh đâu, chỉ chối đi thì có. Bởi vì nếu không có Đức Chúa Trời, thì thế nào có Ngài hà hơi vào cái gì? Dường ấy, đạo hà hơi vào không còn có nghĩa lý gì nữa, chỉ trở nên một từ liệu người ta dùng để tả vẽ tài trí giỏi giang của mình đó thôi.

2. CHIẾU MINH THUYẾT

a)Phát huy lý thuyết. – Chiếu minh thuyết dạy rằng từ liệu “Đức Chúa Trời hà hơi vào Kinh Thánh” có nghĩa là Đức Chúa Trời soi sáng vào lòng dạ và tài trí các trước giả, ban cho họ có sự sáng sủa để hiểu thấu lẽ đạo thuộc linh hơn. Còn sự soi sáng ấy chẳng khác gì sự soi sáng Ngài từng ban cho tín đồ thường. Lại quyết rằng Kinh Thánh có lời của Đức Chúa Trời nhưng không đáng gọi cả Kinh Thánh đều là chính lời ấy; các trước giả được Đức Chúa Trời hà hơi vào là chỉ có cái quan niệm về ý nghĩa đó thôi, chớ văn tự của họ chép thì vẫn là không có. Cũng thêm rằng sự soi sáng nầy chỉ tài bồi cho những bản năng của các trước giả Kinh Thánh, nhưng không ban cho họ hiểu biết lẽ thật mới mà bản năng họ không thể tự nhiên hiểu thấu được đâu.

b)Chỗ sai lầm của thuyết nầy. – Thuyết nầy cũng rất sai lầm. Sau đây xin chỉ tỏ mấy ngộ điểm:

(1)Sự soi sáng của Thánh Linh không hề khải thị lẽ thật mới, chỉ soi sáng cho ta có thể hiểu rõ hơn về lẽ thật đã được khải thị ra rồi đó thôi. Khi Thánh Linh muốn ban lẽ thật mới, thì phải dùng sự hà hơi vào, dùng cách siêu nhiên mà khải phát lẽ thật ấy; còn nếu muốn cho ta hiểu đúng nghĩa lẽ thật ấy, thì chỉ soi sáng cho là đủ, chớ không cần hà hơi vào ai nữa.

Giả như chúng ta ở trong một cái buồng tối kia, nếu có thắp đèn sáng đến đâu đi nữa, thì cũng chỉ có thể thấy rõ mọi vật ở trong buồng ấy mà thôi. Chớ còn cái buồng khác ở một bên hoặc là ở phía sau kia bị khóa cửa kỹ, không ai trong buồng ta đứng có thể qua đó được, mà cũng không thể mở cửa buồng ấy, vì người ở trong buồng đó giữ chìa khóa; cũng chẳng ai có nhãn quang có thể ngó suốt ngang qua cửa kia, mà thấy những vật trong buồng ấy được; dầu có thắp đèn soi sáng cho đến bực nào cũng chẳng thấy gì được. Nếu muốn thấy trong buồng khóa cửa ấy thì phải làm sao? Phải thắp đèn tỏ hơn không? Hoặc cần khêu tim đèn cho sáng hơn chăng? Không thể được, thảy vô ích đó thôi. Cần phải có người ở trong buồng kín ấy lấy chìa khóa mở cửa cho chúng ta vào, thì mới thấy rõ mọi sự vật được. Cũng một thể ấy, lẽ thật chánh giáo vốn kín giấu ở nơi Đức Chúa Trời. Ngài phải hà hơi vào các trước giả Kinh Thánh, khải thị cho họ nhận lãnh những lẽ thật ấy, mở cửa kho tàng chứa các lẽ đạo quý báu của Ngài ra, để cho các đầy tớ Ngài xem biết. Rồi nếu muốn để cho họ và chúng ta đều có thể hiểu rõ ý nghĩa đúng của các lẽ đạo ấy, thì Thánh Linh phải soi sáng cho ta trong lúc kê cứu đến vậy.

(2)Nếu lý thuyết nầy đúng, thì tín đồ nào cũng có thể cầm bút trước thuật Kinh Thánh mới, hoặc là thêm sách mới gì vào bộ Kinh điển đã tập thành rồi cũng được cả.

(3)Theo thuyết nầy thì hẳn chưa có điển pháp nào để đoán định lẽ nào là thật, lẽ nào là giả; dường ấy rất cần phải có một sự khải thị mới nữa, đặng giải quyết về sự khải thị ta đã nhận lãnh rồi đó, để biết phần nào là chơn chánh cần phải theo, phần nào là giả ngụy đáng phải bỏ.

(4)Vả, nếu loài người chưa nhận lãnh sự khải thị thứ hai đó để phân biệt lẽ thật giả trong Kinh Thánh, thì theo thuyết nầy người ta phải nhờ lý tánh sáng suốt để quyết đoán về Kinh Thánh hầu định lẽ nào phải công nhận, lẽ nào phải chối bỏ. Như thế, Kinh Thánh không còn là nguồn duy nhứt của lẽ đạo và luân lý chơn chánh nữa, bèn là lý tánh chiếm quyền cao cả trong công việc giải quyết mọi sự thuộc về đạo giáo và tín ngưỡng của ta. Thành thử, chiếu minh thuyết nầy kết cuộc chỉ đưa đến sự chối bỏ đạo chánh đó thôi.

3. KHẨU THỤ THUYẾT

a)Phát huy lý thuyết. – Thuyết nầy xướng rằng các trước giả của Kinh Thánh đều chỉ là những thơ ký của Đức Chúa Trời, những bộ máy thọ động, mà Ngài lợi dụng để biên lại các chữ và tiếng mà Ngài phán truyền cho, đến đỗi trong khi chịu mặc cảm để nhận lãnh sự khải thị của Đức Chúa Trời đó, thì họ mất cả sự tự do, chẳng được dùng đến bản năng tài trí mình nữa, chỉ viết theo sự khẩu thụ của Thánh Linh, làm việc chẳng khác gì máy viết kia, nếu đánh chữ a, nó liền in chữ a vậy. Theo thuyết nầy, họ đều là những bộ máy vô tri cả, còn lời họ chép đó bất quá là bài ám tả của Đức Chúa Trời đọc cho đó thôi.

b)Chỗ sai lầm của thuyết nầy. – Thuyết nầy cũng chẳng đúng, có những ngộ điểm sau đây:

(1)Kinh Thánh tỏ ra có khi Đức Chúa Trời dùng lời và tiếng loài người phán cho các trước giả Kinh Thánh, bảo phải chép vào sách. (Xem Dân 7:89; 8:1; Đa-ni-ên 1:10, 11). Dầu vậy, chẳng có bằng cớ gì chứng rằng Đức Chúa Trời chỉ lợi dụng phương thức đó mà truyền bảo ý chỉ Ngài cho họ mãi thế đâu, nhưng vẫn còn dùng nhiều cách khác hơn rất thích hiệp vơi bản năng tự do của trước giả nữa vậy.

(2)Thuyết nầy chẳng kể đến cái “nhơn tánh” tỏ ra trong Kinh Thánh, cũng không giải quyết được tại sao lối văn và kiểu viết của trước giả nầy khác với lối văn và kiểu viết của trước giả kia. Ví bằng họ viết theo sự khẩu thụ, thì tại sao không đồng một lối văn, rập khuôn kiểu viết?

Nội dung của các văn thể Kinh Thánh đều chứng rằng các trước giả đều là người có tài trí thông minh, tự do trước thuật, chớ không phải làm việc một cách vô cảm giác, chỉ thụ động như mấy móc kia đâu bao giờ. Thánh Linh cảm động các lương năng thiên nhiên của họ, lợi dụng tài trí vốn có của họ đó mà ban bố cho ta sự khải thị của Ngài, chớ không hề phá hủy sự tự do của họ. Kìa, cách bốn trước giả bốn sách Tin Lành biên thuật về những chữ để bảng treo trên đầu thập tự giá của Chúa cũng đủ minh chứng cho thực sự nầy rồi.

Ma-thi-ơ chép: “Đây là Jesus vua dân Do Thái” (Ma-thi-ơ 27:37).

Mác chép: “Vua dân Do Thái” (Mác 15:26).

Lu-ca chép: “Đây là vua dân Do Thái” (Lu-ca 23:38).

Giăng chép: “Jesus, Người Na-xa-rét, vua dân Do Thái” (Giăng 19:19).

Đây ta thấy bốn ông ấy tuy biên thuật một việc đến bốn cách như thế mặc dầu, mà không hề phản đối nhau, dầu chắc quan Phi-lát đề những chữ trên bảng kia chỉ một cách mà thôi. Vậy tại sao sự biên thuật của bốn trước giả ấy đều khác nhau như thế? Ấy chính chẳng qua vì họ cũng là người, nên việc biên thuật đó kẻ theo lối nầy, người theo lối khác, song cả bốn đều thuật lại đúng theo chỉ một thực sự mà họ đã xem thấy và ghi nhớ đó thôi. Còn Thánh Linh hà hơi vào sự biên thuật ấy hầu cho khỏi bị thất thật, nhưng không nghiêm cấm họ biên thuật theo lối riêng của bản tánh cá nhơn họ vậy.

4. THẦN ĐỘNG LỰC THUYẾT

Thuyết nầy thích hiệp với Kinh Thánh, dạy rằng sự Đức Chúa Trời hà hơi vào Kinh Thánh chẳng phải là việc do tài trí thiên nhiên mà ra, như thuyết trực giác phát triển đã dạy trên kia; bèn là công việc siêu nhiên bởi quyền phép Thánh Linh trực tiếp cảm động tâm trí các trước giả Kinh Thánh, thúc giục họ theo ý chỉ Ngài mà biên thuật, nhưng chẳng hề phá hủy sự tự chủ của họ.

Thần động lực thuyết cũng phản đối với chiếu minh thuyết mà dạy rằng Đức Chúa Trời hà hơi vào Kinh Thánh không phải là soi sáng tài trí các trước giả hầu cho các lương năng của họ có thể hiểu rõ hơn lẽ đạo tôn giáo đâu, bèn là thần quyền hành động cả bản ngã và lòng đạo đức của trước giả, khiến họ có thể nhận lãnh và biên lại lẽ thật cách không sai lầm. Thuyết nầy cũng quyết rằng Đức Chúa Trời không những là hà hơi vào trước giả mà lại còn hà hơi vào văn tự họ biên thuật nữa, đến đỗi cả hai đều được thần lực toàn cảm, tập thành một bộ sách gồm cả khải thị của Đức Chúa Trời rất đáng tín nhận vậy.

Thuyết nầy cũng phản đối thuyết khẩu thụ kia nữa, quyết rằng Kinh văn cũng như Đấng Christ, gồm có thần nhơn hai tánh, có hai yếu tố, cái này đến từ Đức Chúa Trời, cái kia ra bởi loài người. Tuy Kinh Thánh vốn một toàn thơ gồm cả lẽ thật khải thị của Đức Chúa Trời, thì cũng vẫn được chép theo văn thể của loài người, rất xứng hiệp với tài trí hiểu biết thiên nhiên của họ. Các trước giả Kinh Thánh thật chẳng phải là những bộ máy thọ động đâu, bèn được Thánh Linh lợi dụng làm khí giới tự động, mượn bổn tánh, tài năng, trí hiểu của họ mà làm cái ống thông dẫn để đổ phước hạnh của lẽ thật Ngài cho loài người vậy.

 

CHƯƠNG 7 - LUẬN VỀ QUYỀN TUYỆT ÐỐI CỦA KINH THÁNH 

Trong vòng những kẻ xưng mình là tín giáo của Christ có ba ý kiến khác nhau về cái quyền tuyệt đối của đạo ấy. Ba ý kiến ấy là: 1. Giáo hội cầm quyền ấy; 2. Lý tánh cầm quyền ấy; 3. Kinh Thánh là nguồn của quyền ấy.

I. GIÁO HỘI CẦM QUYỀN TUYỆT ÐỐI TRONG TÔN GIÁO

Giáo hội La-mã đề xướng cái ý kiến ấy, quả quyết rằng sự chủ trị lòng tín ngưỡng và cách hành vi của tín giáo đều do một quyền cao cả là Giáo hội. Hễ ai muốn được cứu rỗi rất cần phải vâng phục các mạng lịnh của Giáo hội và phẩm trật của hội ấy mới được. (Xem Quyển I luận về những nguồn lầm lạc của thần học sẽ rõ thêm).

II. LÝ TÁNH CẦM QUYỀN TUYỆT ÐỐI TRONG TÔN GIÁO

Lý tánh phái đề xướng ý kiến nầy, quyết rằng mọi điều gì trong Kinh Thánh và cõi thiên nhiên mà lý tánh hiểu thấu mười phần trọn vẹn, thì những điều đó mới đủ quyền cho ta tín nhận tuân theo. Còn điều gì lý tánh không thể rõ được, thì chẳng có giá trị gì, chẳng buộc ai phải tín nhận, bỏ đi cũng không phải là uổng. Thành thử, phái nầy tôn lý tánh lên làm quan xét cho Kinh Thánh và Đức Chúa Trời là Đại Trước giả của bộ sách ấy nữa. Nhưng khá biết rằng bao giờ quyền bính Kinh Thánh cũng vẫn cao hơn lý tánh, bày tỏ nguyên trạng của loài người vốn toàn vẹn, rồi sau bị sa ngã. Về tương lai sẽ được hạnh phước ở trên trời hay là phải bị khổ sở ở dưới địa ngục, tùy điều họ công nhận hay là chối bỏ lời của Đức Chúa Trời vậy. Kỳ thực, loài người chẳng phải là quan xét của Kinh Thánh đâu, bèn là Kinh Thánh sẽ xét đoán họ ở ngày sau rốt vậy. Xem Hê-bơ-rơ 4:12, 13.

Lý tánh ở ngoài Đức Chúa Trời không thể nào cầm quyền quyệt đối trong sự giải quyết đạo lý, bởi vì không thể nhận được những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Xem ICô 2:14.

Mà dầu cho đến lý tánh đạo đức được Thánh Linh soi sáng đi nữa cũng chẳng dám gọi là vô ngộ đâu, vì theo lẽ tự nhiên, người nào tánh nấy, chắc không bao giờ có thể làm nguồn về quyền tuyệt đối trong tôn giáo được; trái lại chỉ sẽ gây nên phe nầy đảng kia lộn xộn đó thôi. Cần phải có một quyền bính khác chắc chắn không hề thay đổi, để dạy bảo ta về lẽ đạo phải tín ngưỡng, về đường lối phải noi theo. Còn quyền bính tuyệt đối ấy chính là Kinh Thánh đó vậy.

III. KINH THÁNH CẦM QUYỀN TUYỆT ÐỐI TRONG TÔN GIÁO

Giáo hội Cải chánh công nhận rằng chỉ có một nơi cầm quyền tuyệt đối trong đạo giáo, ấy là Kinh Thánh. Bộ sách ấy dạy một cách có thần quyền và về lẽ đạo Giáo hội phải tín ngưỡng, bày ra mô phạm và tiêu chuẩn cá nhơn tín đồ phải tuân phục. Nếu trong Giáo hội có sự tranh biện về vô luận là vấn đề gì can thiệp đến đạo giáo, tín ngưỡng, hành vi, thì chỉ phải dùng lời Kinh Thánh để thí nghiệm và giải quyết vấn đề ấy mới hợp nghi. Hễ xét thấy sự dạy dỗ của Kinh Thánh phán đoán thế nào, thì tín đồ phải công nhận làm theo thể ấy. Vì Kinh Thánh có thần quyền để giải quyết và đoán định mọi sự thuộc về đạo giáo, tín ngưỡng và hành vi vậy. (Về sự dùng lý tánh đúng trong đạo giáo, hãy xem Quyển I, luận về những nguồn lầm lạc của thần đạo.)