NHỮNG GỢI Ý:

Chúng ta đã đọc gần xong sách Phúc âm Mác. Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời, được Mác mô tả như một Đầy Tớ trọn vẹn của Cha sai đến thế gian để làm nhiệm vụ cứu chuộc nhân loại ra khỏi sự chết đời đời. Chúa Jêsus đã vâng phục Cha mình trọn vẹn cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự giá.

Nhưng nếu Sách Mác kết thúc tại đoạn 15 thì đức tin của chúng ta cũng vô ích, Chúa Jêsus cũng giống như bao nhiêu giáo chủ khác lập tôn giáo của mình, có kinh kệ, có môn đệ đi theo nhưng cuối cùng cũng chết mất và thân xác bị giam cầm trong mồ mả. Nhưng Chúa Jêsus thì khác, Ngài là Con Đức Chúa Trời. Sách Mác còn một đoạn nữa đầy vinh quang khi Ngài từ cõi chết sống lại.

Nhưng nếu Chúa Jêsus cần phải chịu đóng đinh và chết thì Ngài mới trả một giá để cứu nhân loại, giá trả đó bằng chính mạng sống Ngài. Ngài là hình ảnh của Chiên Con bị giết làm sinh tế trong kỳ Lễ Vượt Qua.

Tại sao các lãnh tụ Do Thái không tự quyền giết Chúa Jêsus mà lại giải Chúa Jêsus đến cho Phi-lát, là quan Tổng trấn La Mã? Người La Mã đã truất quyền kết án tử hình của người Do Thái; vì thế để Chúa Jêsus bị kết tội tử hình, Ngài phải bị một lãnh tụ La Mã kết án. Các lãnh tụ người Do Thái muốn hành quyết Chúa Jêsus trên thập tự giá, một cách thức xử tử mà họ tin là sẽ đem đến cho phạm nhân một sự rủa sả từ Đức Chúa Trời (xem Phục 21:23). Họ mong có thể thuyết phục dân chúng rằng Chúa Jêsus đã bị Đức Chúa Trời rủa sả, chớ không phải là chúc phước cho.

Vì vậy, trong thời Chúa Jêsus có hai loại tòa án: thứ nhất là tòa án tôn giáo của các nhà lãnh đạo Do Thái giáo được gọi là Tòa Công Luận. Tòa án thứ hai là tòa án dân sự của chính quyền La Mã.

Chúa Jêsus đã có thể tự cứu lấy mình, nhưng sở dĩ Ngài chịu đựng nỗi đau khổ này là vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài đã có thể chọn không nhận lấy nỗi đau khổ nhục nhã này; Ngài đã có thể tiêu diệt những kẻ chế nhạo Ngài - nhưng Ngài lại chịu đựng tất cả những điều đó, vì Ngài yêu thương cả đến những kẻ thù Ngài. Chúng ta cũng tham dự một phần quan trọng vào tấn thảm kịch của buồi xế chiều hôm ấy, bởi vì tội lỗi của chúng ta cũng chất trên thập tự giá nữa. Chúa Jêsus đã chịu chết trên thập tự giá ấy vì chúng ta, và sự hình phạt dành cho tội lỗi chúng ta đã được trả bởi sự chết của Ngài rồi. Cách đáp ứng đầy đủ duy nhất mà chúng ta có thể làm là xưng tội của mình và tự do tiếp nhận sự kiện Chúa Jêsus đã trả giá cho hình phạt của chúng ta vì thế chúng ta sẽ không phải trả nữa. Đừng xúc phạm Đức Chúa Trời bằng thái độ dửng dưng đối với hành động vĩ đại nhất của tình yêu chân chính trong lịch sử ấy.

Một điều đã xảy ra khi Chúa Jêsus bị chết là bức màn dày được treo phía trước căn phòng trong đền thờ gọi là Nơi Chí Thánh, một chỗ được Đức Chúa Trời dành riêng cho chính mình Ngài. Theo ý nghĩa biểu tượng, bức màn ấy phân cách Đức Chúa Trời thánh khiết với dân sự đầy tội lỗi. Thầy tế lễ thượng phẩm chỉ được vào đó mỗi năm một lần vào Ngày Đại lễ Chuộc Tội, khi dâng một sinh tế để tội lỗi của toàn thể dân sự được tha thứ. Lúc Chúa Jêsus chết, bức màn ấy đã bị xé làm đôi, chứng tỏ sự chết của Ngài vì tội lỗi của chúng ta đã mở đường cho chúng ta đến gần Đức Chúa Trời thánh khiết của mình. Và nó đã bị xé toạc từ trên xuống dưới, chứng tỏ chính Đức Chúa Trời đã mở con đường ấy. Hãy đọc Hê-bơ-rơ 9:1-28 để có lời giải thích đầy đủ.

Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá vào sáng thứ Sáu. Ngày Sa-bát bắt đầu lúc mặt trời lặn ngày thứ Sáu và kết thúc khi mặt trời lặn ngày thứ Bảy. Chúa Jêsus đã chết chỉ vài giờ trước lúc mặt trời lặn ngày thứ Sáu. Lao động chân tay hoặc di chuyển trong ngày Sa-bát là phạm luật của dân Do Thái. Mà để cho một thi thể bị phơi ra qua đêm cũng phạm luật (Phục 21:23). Giô-sép đã đến để lo việc chôn xác Chúa Jêsus trước khi ngày Sa-bát bắt đầu. Nếu Chúa Jêsus chết nhằm ngày Sa-bát, khi không có mặt Giô-sép, thi thể Chúa rất có thể đã bị người La Mã hạ xuống. Giả sử người La-ma đã lấy xác Chúa Jêsus, chắc đã chẳng có người Do Thái nào có thể xác nhận sự chết của Ngài, và những người chống đối chắc đã có cớ để tranh cãi về sự sống lại của Ngài.

Sau khi Chúa Jêsus chết trên thập tự giá, Giô-sép người A-ri-ma-thê đã xin xác Ngài và rồi giữ kín xác ấy trong một ngôi mộ mới. Mặc dầu là một thành viên đáng kính của Tòa Công Luận, Giô-sép là một môn đệ kín giấu của Chúa Jêsus. Không phải tất cả những người lãnh đạo Do Thái đều thù ghét Chúa Jêsus. Giô-sép có nguy cơ phải mất thanh danh khi đứng ra lo chôn cất Chúa mình thật chu đáo. Thật khủng khiếp khi phải liều mất danh tiếng của mình dù là vì một việc phải. Nếu lời làm chứng (đạo) của bạn với tư cách Cơ Đốc nhân có đe dọa làm mất thanh danh của bạn, hãy nhớ đến Giô-sép.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Mác 15:39  (BDHD): 

Viên đội trưởng đứng đối diện, thấy Ngài trút hơi thở cuối cùng như vậy thì nói: “Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời!”

 

Giải thích:

  • Tại sao Chúa Jêsus không uống rượu pha với mộc dược? Mộc dược là một loại thuốc phiện làm giảm đau và đó là thông lệ mà người ta cho người phạm nhân uống trước khi bị đóng đinh. Nhưng Chúa Jêsus từ chối loại thức uống này, bởi vì Ngài quyết định trải qua toàn bộ sự đau đớn của thập tự giá mà không có sự giúp đỡ của loại thuốc nào.

  • Đóng đinh vào thập tự giá là hình phạt của người La Mã đối với tội phản loạn. Chỉ có các nô lệ hoặc những người không phải công dân La Mã mới có thể bị đóng đinh vào thập tự giá. Nếu Chúa Jêsus chịu chết bằng cực hình đóng đinh vào thập tự giá, là Ngài chịu chết như một kẻ phản loạn và một tên nô lệ, chớ không phải với tư cách một vị vua như Ngài đã tự xưng. Đây chính là điều mà các lãnh tụ tôn giáo Do Thái mong muốn, và là lý do để họ sách động đám quần chúng đến mức trở thành điên cuồng. Thêm vào đó, đóng đinh vào thập tự giá sẽ đặt trách nhiệm giết Chúa Jêsus trên người La Mã, và do đó đám quần chúng sẽ không thể trách cứ những người lãnh đạo tôn giáo.

  • Đánh đòn: Người La Mã dùng một cây roi gồm nhiều đốt bằng da có gắn nhiều cục xương và chì (gần phần mút đầu roi). Người Do Thái qui định số roi đánh đến mức tối đa là 40 (trong thực tế là 39 để trừ hao việc có thể đếm nhầm), nhưng người La Mã thì không thừa nhận việc hạn chế như vậy, nên thường thường, các nạn nhân bị người La Mã phạt roi ít khi sống sót được.

  • Si-môn: Có lẽ là một người Do thái, ông đến Giê-ru-sa-lem để giữ lễ Vượt Qua.

  • A-léc-xan-đơ và Ru-phu: Chỉ thấy ghi trong sách Mác, nhưng được đề cập dường như gợi ý rằng số độc giả được Mác viết sách này cho vốn rất quen biết họ. Ru-phu có thể chính là người đã được nói đến trong Rô-ma 16:13.

  • Vác cây thập tự: Kẻ bị án tử hình thường bị bắt buộc phải vác cây thập tự bằng gỗ, nặng khoảng 15-20kg đến nơi hành quyết. Thoạt đầu thì chính Chúa Jêsus đã phải vác nó (xem Giăng 19:17), nhưng vì Ngài đã kiệt sức vì bị đánh đòn, nên Si-môn bị ép buộc làm công việc đó.

  • Ba-ra-ba: Ba-na-ba đã bị bắt vì tham gia một cuộc nổi dậy chống chính quyền La Mã, và tuy đã phạm tội sát nhân, có lẽ anh ta vốn là một vị anh hùng của dân Do Thái. Những người Do Thái có tinh thần độc lập cuồng nhiệt đều oán ghét việc bị người La Mã ngoại đạo cai trị. Họ oán hận việc phải nộp thuế để ủng hộ cho một chính quyền bị khinh dễ và các thần của nó. Ngược lại, phần lớn các nhà cầm quyền La Mã có nhiệm vụ dàn xếp các vụ tranh chấp của người Do Thái cũng ghen ghét họ. Thì giờ đã chín muồi cho việc nổi dậy.

Địa danh:

  • Thành Sy-ren: Một thành phố lớn của xứ Ly-bi ở Bắc Phi có đông dân Do Thái.

  • Gô-gô-tha hay Đồi Sọ: Ngọn đồi nhỏ nằm ngoài thành Giê-ru-sa-lem.

 


Nội dung

Đức Chúa Jêsus trước mặt Phi-lát

(Mat 27:1,2,11-31; Lu 23:1-5,13-25; Gi 18:28-19:16)

1 Vừa tảng sáng, các thầy tế lễ cả họp bàn với các trưởng lão, các thầy thông giáo và cả Hội đồng Công luận; họ trói Đức Chúa Jêsus rồi giải nộp cho Phi-lát. 2 Phi-lát hỏi Ngài: “Ngươi có phải là Vua dân Do Thái không?” Đức Chúa Jêsus đáp: “Chính ngươi đã nói thế.” 3 Các thầy tế lễ cả cáo buộc Ngài nhiều điều. 4 Phi-lát lại hỏi Ngài: “Ngươi không đối đáp gì sao? Hãy xem, họ tố cáo ngươi nhiều quá!” 5 Nhưng Đức Chúa Jêsus không trả lời gì thêm, đến nỗi Phi-lát phải ngạc nhiên.

6 Vào dịp lễ, Phi-lát thường trả tự do cho một tù nhân mà dân chúng yêu cầu. 7 Bấy giờ có một người tên là Ba-ra-ba bị tù chung với những tên phiến loạn, là những kẻ đã can tội giết người trong lúc nổi dậy. 8 Dân chúng đã kéo đến và xin Phi-lát thực hiện điều ông thường làm cho họ. 9 Phi-lát hỏi: “Các ngươi có muốn ta tha Vua dân Do Thái cho các ngươi không?” 10 Vì ông biết rõ các thầy tế lễ cả đã nộp Ngài do lòng ghen ghét. 11 Nhưng các thầy tế lễ cả lại xúi giục dân chúng xin Phi-lát tha Ba-ra-ba. 12 Phi-lát hỏi tiếp: “Vậy thì các ngươi muốn ta xử thế nào với người mà các ngươi gọi là Vua dân Do Thái?” 13 Họ lại la lên: “Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự!” 14 Phi-lát hỏi họ: “Nhưng người nầy đã làm điều ác gì?” Họ càng hét lớn hơn: “Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự!” 15 Vì muốn làm vừa lòng dân chúng, Phi-lát đã tha Ba-ra-ba. Sau khi đánh đòn Đức Chúa Jêsus, Phi-lát giao Ngài cho chúng đem đi đóng đinh vào thập tự giá.

16 Quân lính giải Đức Chúa Jêsus vào trong dinh tổng đốc; cả đội binh đều được huy động về đó. 17 Họ khoác cho Ngài một chiếc áo điều và đội cho Ngài một mão gai đan sẵn, 18 rồi chào Ngài: “Lạy Vua dân Do Thái!” 19 Họ cũng lấy cây sậy đánh vào đầu Ngài, khạc nhổ lên Ngài, rồi quỳ lạy Ngài. 20 Sau khi đã chế nhạo Ngài, quân lính lột chiếc áo điều ra, mặc áo của Ngài vào và dẫn ra ngoài để đóng đinh vào thập tự giá.

Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh

(Mat 27:32-44; Lu 23:26-43; Gi 19:17-27)

21 Họ bắt một người qua đường vác thập tự giá của Ngài. Người nầy tên là Si-môn, người Sy-ren, là cha của A-léc-xan-đơ và Ru-phu, vừa từ miền quê lên. 22 Họ đem Đức Chúa Jêsus đến một nơi gọi là Gô-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ. 23 Họ cho Ngài uống rượu pha với mộc dược, nhưng Ngài không uống. 24 Khi đã đóng đinh Ngài vào thập tự giá rồi, họ chia nhau y phục của Ngài, bắt thăm để xem ai được phần nào. 25 Lúc họ đóng đinh Ngài vào khoảng chín giờ sáng. 26 Án Ngài được ghi trên bảng là: “VUA DÂN DO THÁI.” 27 Cùng với Ngài, họ cũng đóng đinh hai tên cướp: một tên bên phải, một tên bên trái.

29 Những kẻ đi qua đó đều chế giễu, lắc đầu và nói: “Ê! Ngươi là người có thể phá hủy đền thờ và xây lại trong ba ngày, 30 hãy tự cứu lấy mình và xuống khỏi thập tự giá đi!” 31 Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo cũng chế nhạo Ngài như vậy. Họ nói với nhau: “Nó đã cứu người khác mà không thể tự cứu mình! 32 Hỡi Đấng Christ, Vua Y-sơ-ra-ên, bây giờ hãy xuống khỏi thập tự giá đi để chúng tôi thấy và tin!” Hai tên cướp cùng bị đóng đinh với Ngài cũng mắng nhiếc Ngài nữa.

Sự chết của Đức Chúa Jêsus

(Mat 27:45-56; Lu 23:44-49; Gi 19:28-30)

33 Khoảng giữa trưa, bóng tối đã bao trùm khắp đất cho đến ba giờ chiều. 34 Đến ba giờ chiều, Đức Chúa Jêsus kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: “Đức Chúa Trời của Con, Đức Chúa Trời của Con, sao Ngài lìa bỏ Con?” 35 Nghe vậy vài người đứng gần nói rằng: “Xem kìa, nó gọi Ê-li.” 36 Một người chạy đi lấy miếng bọt biển thấm đầy giấm, gắn trên đầu cây sậy, đưa cho Ngài uống và nói: “Hãy đợi xem Ê-li có đến đem nó xuống không.” 37 Nhưng Đức Chúa Jêsus kêu lên một tiếng lớn, rồi trút hơi thở cuối cùng.

38 Bức màn trong đền thờ bị xé làm đôi từ trên xuống dưới. 39 Viên đội trưởng đứng đối diện, thấy Ngài trút hơi thở cuối cùng như vậy thì nói: “Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời!” 40 Cũng có những phụ nữ đứng nhìn từ xa; trong số nầy có Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri mẹ của Gia-cơ nhỏ và Giô-sép, cùng Sa-lô-mê, 41 là những người đã theo và phục vụ Đức Chúa Jêsus khi Ngài còn ở Ga-li-lê; cũng có nhiều phụ nữ khác, là những người đã cùng lên Giê-ru-sa-lem với Ngài.

Sự an táng Đức Chúa Jêsus

(Mat 27:57-61; Lu 23:50-56; Gi 19:38-42)

42 Trời đã gần tối, mà hôm ấy lại là ngày Chuẩn Bị, tức là ngày trước ngày sa-bát, 43 nên Giô-sép, người A-ri-ma-thê, một nghị viên khả kính của Hội đồng Công luận, người hằng trông đợi vương quốc Đức Chúa Trời, đã mạnh dạn đến chỗ Phi-lát xin thi hài của Đức Chúa Jêsus. 44 Phi-lát ngạc nhiên là Ngài đã chết, nên gọi viên đội trưởng đến để hỏi xem Ngài đã chết thật chưa. 45 Khi đã nghe viên đội trưởng tường trình, Phi-lát giao thi hài cho Giô-sép. 46 Ông mua một tấm vải gai rồi đem Ngài xuống, dùng vải khâm liệm Ngài và đặt vào một mộ phần đã được đục sẵn trong đá. Rồi ông lăn một tảng đá chặn cửa mộ lại. 47 Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri mẹ Giô-sép đều thấy nơi an táng Ngài.