NHỮNG GỢI Ý:

Sách Mác do Giăng Mác viết và được cho là sách Phúc âm được viết sớm nhất, trước cả sách Ma-thi-ơ. Mác viết Phúc âm này vào khoảng năm 55-65 S.C. Tức là khoảng 30 năm sau khi Chúa Jêsus chịu chết và sống lại. Hầu hết những câu chuyện trong Phúc âm Mác đều có chép trong sách Ma-thi-ơ và Lu-ca. Đó là các sách Tin Lành Cộng Quan.

Trong Phúc âm Mác, tại sao Chúa Jêsus thường xuyên dặn người khác đừng nói cho ai biết về những việc Ngài làm?

Có lẽ vì nhiều lý do: (1) Chúa Jêsus không muốn được xem như chỉ là một người làm phép lạ mà thôi. Nhiều người trong số đám đông theo Chúa chỉ vì phép lạ nhưng không nhận biết Chúa là Đấng Mê-si-a. (2) Ngài không muốn cho sự chết của Ngài đến quá sớm trước kỳ định bởi những người chống đối Chúa - nghĩa là trước khi Ngài hoàn tất chức vụ. Riêng trong sách Mác, Chúa Jêsus được mô tả như một người đầy tớ, việc Ngài cấm người khác nói về Ngài để lại tấm gương không khoe khoang, phô trương. Ngài chữa lành, cứu giúp vì tình yêu thương, vì động lòng thương xót.

Mác kể lại nhiều việc Chúa Jêsus làm trong ngày Sa-bát, tại sao? Đối với người Do Thái, ngày Sa-bát là ngày yên nghỉ. Đối với người Pha-ri-si là những người chẳng những giữ Luật pháp Môi-se mà còn giữ thêm nhiều lời truyền khẩu dạy về luật ngày Sa-bát đã khiến cho con người thay vì có một ngày yên nghỉ phước hạnh, thì lại là ngày để bắt lỗi, theo dõi những ai là kẻ phạm ngày Sa-bát để lên án. Đó không phải là tinh thần giữ ngày yên nghỉ.

Lần đầu tiên, việc thiết lập ngày Sa-bát rất minh bạch là trong Xuất 16:23-29 lập cho dân Y-sơ-ra-ên để họ giữ theo. Ít lâu sau lại được chép trong điều răn thứ tư. Theo gương lập ngày Sa-bát, cũng lập tháng thứ bảy, năm thứ bảy và năm hân hỉ. Như một ngày thứ bảy là ngày thánh, thì mỗi tháng thứ bảy và mỗi năm thứ bảy cũng vậy.

Tháng thứ bảy là tháng mở đầu với lễ thổi kèn, và trong lễ đó có ngày chuộc tội và lễ Lều Tạm, ngày lễ chót này là ngày vui nhất trong các lễ của người Hê-bơ-rơ. Trung tâm điểm tháng đó là lễ Lều Tạm, hoặc Thâu trữ mùa, vì năm và công việc năm đó đã xong, và sản xuất hoa màu.

Luật lệ về năm Sa-bát thật rõ rệt. Như cấm làm việc trong ngày thứ bảy, đất cũng phải được nghỉ trong năm thứ bảy. Cứ bốn mươi chín năm thì tận cùng với bảy tuần năm, bởi thế được gọi là “năm hân hỉ”. Trong Xuất 23:10,11, ta thấy năm Sa-bát có liên hệ chặt chẽ với ngày Sa-bát, và lời dạy về năm Sa-bát cũng giống điều răn thứ tư.

Mục đích hai sự thiết lập đó thật là rất nhân đức: tức ban quyền lợi cho những hạng người như tôi trai, tớ gái, cũng cho cả thú vật ngoài đồng, “Khách ngoại bang” cũng được hưởng quyền lợi đó nữa.

Tính cách nhân đức của điều răn thứ tư được trình bày rõ trong Phục 5:12-15. Tinh thần ngày Sa-bát là vui vẻ, tươi mới, và thương xót, khởi sự từ nhân từ của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và Đấng giải cứu khỏi làm nô lệ. Kế đó, đã thấy tuyển dân có một mạng lịnh, bởi đó thì giờ và sản nghiệp không được kể là thuộc riêng của người (Lê 25:2-7), vì ngày thứ bảy trong mỗi tuần là riêng biệt ra thánh cho Đức Chúa Trời để người nghỉ theo gương mẫu của sự yên nghỉ Ngài, và để cho mọi người có quyền lợi ngang nhau.

Chúa Jêsus đã dùng ngày Sa-bát để đến nhà hội thờ phượng Chúa, đuổi quỷ, chữa lành bệnh tật và làm những việc nhân đức, đem hạnh phước đến cho mọi người. Ngài là Chúa của ngày Sa-bát, Ngài muốn con người hưởng những phước hạnh từ nơi Chúa trong ngày nghỉ chứ không phải khoe mình hoặc lên án người khác về việc giữ ngày yên nghỉ.

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Mác 2:27-28  (BDHD): 

Rồi Ngài phán: “Ngày sa-bát được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày sa-bát. Vậy Con Người cũng là Chúa của ngày sa-bát.”

 

Bản Đồ Thời Chúa Jêsus:

Map 02 name

 

Địa danh:

  • Biển Ga-li-lê: còn có tên là Ti-bê-ri-át, Ki-nê-rết, Ghê-nê-xa-rết. Gọi là biển nhưng đây là một hồ nước ngọt có chu vi 53km, chiều dài khoảng 21km và chiều rộng khoảng 13km. Chỗ sâu nhất gần 43m. Mực nước của hồ thấp hơn mặt nước biển là 209m, là hồ nước ngọt thấp nhất trên thế giới.

 

Hình chụp Biển hồ Ga-li-lê từ vệ tinh ngày nay 


Bien Galile ngay nay 02

Hình ảnh chụp một phần Biển Ga-li-lê ngày nay.

Bien Galile ngay nay 01

 

 

  • Nhà hội ở Ca-bê-na-um

Hình ảnh di tích nhà hội Ca-bê-na-um và nhà thờ Franciscan xây trên nền nhà của sứ đồ Phi-e-rơ

Capernaum Aerial view

Capernaum Aerial note

 

Hình ảnh nhà thờ Franciscan ngày nay xây trên di tích nhà của Sứ đồ Phi-e-rơ

Ngoi nha tho tren nha cu cua Su do Phiero

 

 

 


Nội dung

Chúa chữa bệnh bại liệt

(Mat 9:1-8; Lu 5:17-26)

1 Vài ngày sau, Đức Chúa Jêsus trở lại thành Ca-bê-na-um, dân chúng nghe tin Ngài ở trong nhà 2 nên tụ họp lại rất đông, đến nỗi ngay trước cửa cũng không còn chỗ trống. Ngài giảng đạo cho họ. 3 Bấy giờ có bốn người khiêng đến Ngài một người bại liệt. 4 Vì đám đông, họ không thể đem người ấy đến gần Ngài được nên đã dỡ mái nhà ngay trên chỗ Ngài đang ngồi; rồi từ lỗ trống đó họ dòng giường người bại xuống. 5 Thấy đức tin của họ, Đức Chúa Jêsus phán với người bại: “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha.” 6 Nhưng có mấy thầy thông giáo ngồi đó thắc mắc trong lòng rằng: 7 “Sao người nầy nói như vậy? Thật là phạm thượng! Ngoài Đức Chúa Trời, còn ai có thể tha tội được?” 8 Tâm trí Đức Chúa Jêsus đã nhận biết ngay những gì họ đang nói với nhau nên phán: “Tại sao trong lòng các ngươi lại thắc mắc như vậy? 9 Theo các ngươi, giữa việc bảo người bại liệt rằng: 'Tội con đã được tha,’ và việc bảo: 'Hãy đứng dậy vác giường mình mà đi’ thì việc nào dễ hơn? 10 Nhưng, để các ngươi biết rằng Con Người ở thế gian có thẩm quyền tha tội”. Ngài phán với người bại liệt: 11 “Ta bảo con, hãy đứng dậy, vác giường và đi về nhà!” 12 Người bại liệt đứng dậy, lập tức vác giường đi ra trước mặt mọi người đến nỗi ai nấy đều kinh ngạc và tôn vinh Đức Chúa Trời rằng: “Chúng ta chưa từng thấy việc như vậy bao giờ!”

Đức Chúa Jêsus gọi Lê-vi – Sự kiêng ăn

(Mat 9:9-17; Lu 5:27-39)

13 Đức Chúa Jêsus lại đi về phía biển; cả đám đông đến với Ngài, và Ngài dạy dỗ họ. 14 Trên đường đi, Ngài thấy Lê-vi, con A-phê, đang ngồi tại phòng thuế thì phán với ông: “Hãy theo Ta.” Lê-vi đứng dậy đi theo Ngài. 15 Đang khi Đức Chúa Jêsus ngồi ăn tại nhà Lê-vi, có nhiều người thu thuế và kẻ có tội ngồi cùng bàn với Ngài và các môn đồ Ngài, vì trong số đó có nhiều người đã theo Ngài. 16 Các thầy thông giáo thuộc phái Pha-ri-si thấy Ngài ăn chung với những kẻ có tội và người thu thuế thì nói với các môn đồ Ngài rằng: “Tại sao Ngài lại ăn chung với phường thu thuế và bọn người tội lỗi?” 17 Nghe vậy, Đức Chúa Jêsus nói: “Người mạnh khỏe không cần đến thầy thuốc đâu, nhưng là người đau ốm. Ta đến không phải để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội.”

18 Bấy giờ các môn đồ của Giăng và người Pha-ri-si đều kiêng ăn, có người đến thưa với Đức Chúa Jêsus rằng: “Tại sao các môn đồ của Giăng và môn đồ của phái Pha-ri-si đều kiêng ăn, còn các môn đồ của Thầy lại không kiêng ăn?” 19 Đức Chúa Jêsus trả lời: “Có thể nào khách dự tiệc cưới lại kiêng ăn khi chàng rể còn ở với họ? Chừng nào chàng rể còn ở với họ, thì họ không thể kiêng ăn được. 20 Nhưng đến khi chàng rể được đem đi khỏi họ thì trong ngày ấy họ sẽ kiêng ăn. 21 Không ai vá miếng vải mới vào áo cũ; nếu làm vậy thì miếng vá sẽ chằng rách áo cũ, và chỗ rách sẽ càng tệ hơn. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, rượu mất mà bầu cũng chẳng còn; nhưng rượu mới phải đựng trong bầu da mới.”

Làm việc trong ngày sa-bát

(Mat 12:1-8; Lu 6:1-5)

23 Vào ngày sa-bát Đức Chúa Jêsus đi ngang qua cánh đồng lúa mì. Khi đang đi, các môn đồ Ngài bắt đầu ngắt mấy bông lúa. 24 Những người Pha-ri-si nói với Ngài: “Kìa, tại sao môn đồ của Thầy làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát?” 25 Ngài đáp: “Các ngươi chưa từng đọc về chuyện Đa-vít đã làm khi người cùng những người đi theo lâm vào cảnh túng đói sao? 26 Trong thời A-bia-tha làm thầy tế lễ thượng phẩm, Đa-vít đã vào nhà Đức Chúa Trời ăn bánh cung hiến và cho những người đi theo ăn nữa, dù bánh ấy chỉ có những thầy tế lễ mới được phép ăn.” 27 Rồi Ngài phán: “Ngày sa-bát được tạo nên vì loài người, chứ không phải loài người được tạo nên vì ngày sa-bát. 28 Vậy Con Người cũng là Chúa của ngày sa-bát.”