1. SỰ ĐOÁN PHẠT ĐẾN GẦN! (Mi 1:1-2:13)

Vua Đa-vít có rất nhiều người tài giỏi trong lực lượng quân sự của mình, nhưng những người quan trọng nhất có lẽ là con cháu Y-sa-ca, là những người “hiểu biết thì giờ, và việc dân Y-sơ-ra-ên nên làm” (ISu 12:32). Vì họ biết thời thế, những con cháu Y-sa-ca nầy đã từ bỏ nhà Sau-lơ xấu số để gia nhập đội quân của Đa-vít, vua được chọn của Đức Chúa Trời. Họ nhìn thấy cánh tay Đức Chúa Trời đang hành động theo hướng nào, và họ ngoan ngoãn đi theo chiều hướng đó.

Mi-chê, người Mô-rê-sết, là người có sự sáng suốt đó vì Đức Chúa Trời đã ban cho ông sự thông sáng để hiểu rõ những thay đổi đang xảy ra trong đất nước và trên thế giới. Mi-chê nhận ba sứ điệp từ Đức Chúa Trời để truyền đạt cho dân sự với hy vọng họ sẽ từ bỏ thói thờ lạy thần tượng và quay lại tin cậy Đức Chúa Trời. (Về ba sứ điệp nầy, hãy xem phần bố cục gợi ý của sách Mi-chê.)

Sứ điệp đầu tiên (Mi 1:1-2:13) là một lời cảnh báo rằng sự đoán phạt thánh sắp giáng trên cả Giu-đa và Y-sơ-ra-ên (Sa-ma-ri). Sứ điệp nầy được ứng nghiệm năm 722 T.C khi A-si-ri đánh bại Y-sơ-ra-ên, và năm 606-586 khi Ba-by-lôn xâm lược Giu-đa, phá huỷ Giê-ru-sa-lem và đền thờ, và bắt hàng ngàn người lưu đày sang Ba-by-lôn. Khi tôi tớ Đức Chúa Trời nói, thì cần phải lắng nghe!

1. Lời công bố: Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đến gần (Mi 1:1-5)

Khi tiên tri A-mốt chuẩn bị lên án Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, ông bắt đầu buộc tội các nhân vật ngoại bang xung quanh họ (Am 1:2:16)nhưng tiên tri Mi-chê không làm như vậy. Không có bất kỳ lời mở đầu theo lệ thường, ông nói thẳng vào sứ diệp của mình và lên tiếng báo động ngay.

Toà án được mở (Mi 1:2). Hình ảnh trong câu 2-5 là hình ảnh về một tòa án, với Đức Chúa Trời là Quan Án và dân Giu-đa và Sa-ma-ri là bị cáo. Mi-chê gọi hết thảy các dân trên đất vì Đức Chúa Trời là Chúa của cả trái đất (Mi 4:23) và tất cả các nước phải có trách nhiệm giải trình trước Ngài. Đức Chúa Trời vửa là quan xét vừa là nhân chứng Ngài chứng kíến từ đền thánh của Ngài nơi mà Luật Pháp của Ngài được cất giữ trong hòm giao ước. Một Đức Chúa Trời thánh khiết phải hành động ngay thẳng và trừng trị tội lỗi.

Quan Án đến (Mi 1:3-4). Ngày nay khi quan toà bước vào phòng xử án, mọi người phải đứng lên chào một hành động tôn trọng mà chúng ta dành cho vị quan án ấy và những luật pháp mà ông ta công bố. Nhưng không có vị quan án nào đến toà án mà Mi-chê mô tả! Động từ “xuống” có nghĩa là “gây chiến”. Đức Chúa Trời mở phiên toà và tuyên chiến!

Một quan án xuất hiện ờ một phiên toà để xem nó có được xét xử công bằng hay không và ông ta không được phép thiên vị. Nhưng khi Đức Chúa Trời đến để đoán xét các nước, Ngài có tất cả những bằng chứng cần thiết và không cần phải gọi nhân chứng nào nữa. Đức Chúa Trời nổi giận với dân sự Ngài vì cớ tội lỗi của họ. Đó là lý do tại sao sự đến của Ngài làm đất nứt ra và núi tan chảy và đá xẻ tuôn chảy như sáp trong lửa hoặc như một dòng suối.1

Quan Án gọi tên các bị cáo (Mi 1:5). Đức Chúa Trời chỉ tay Ngài trên dân Ngài - Y-sơ-ra-ên và Giu-đa - mà tố cáo từng thủ đô của họ, Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem. Sau khi thấy những việc A-si-ri làm cho Y-sơ-ra-ên năm 722 T.C, các lãnh đạo của Giu-đa phải ăn năn và quay về cùng Đức Chúa Trời, nhưng họ đã không. Thực tế, trong suốt thời trị vì của Ê-xê-chia, quân A-si-ri đã đánh Giu-đa và có thể chiếm được thành Giê-ru-sa-lem nếu Đức Chúa Trời không can thiệp cách lạ lùng (Es 36:37:38).

Cả Giu-đa và Y-sơ-ra-ên đều phạm tội thờ lạy thần tượng, đây thật sự là tội chống nghịch Đức Chúa Trời. Khi đất nước bị chia cắt sau Sa-lô-môn băng hà, Vương Quốc Phía Bắc đã lập một hệ thống tôn giáo riêng cho mình để cạnh tranh với sự thờ phượng theo luật pháp Môi-se ở trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nhưng dân Giu-đa đã lén lút thờ lạy các thần tượng của người Ca-na-an và lòng của họ không trung thành với Đức Giê-hô-va, thậm chí khi họ đứng trong sân đền thờ và dâng của lễ mình (Es 1:1-31). Đối với Đức Chúa Trời, đền thờ đã trở thành một trong những “nơi cao” xung quanh Giê-ru-sa-lem, nơi dân Do Thái lén thờ các thần tượng và dâng của lễ.

2. Lời than khóc: các thành sẽ bị phá hủy (Mi 1:6-16)

Tiên tri Mi-chê đáp lại sứ điệp của Đức Chúa Trời bằng hành động của một người than khóc ở đám tang (c.8 IISa 15:30). Ông thật sự nặng lòng vì những việc sẽ xảy ra cho dân tộc ông nếu họ không lưu ý Lời Đức Chúa Trời và xây bỏ tội lỗi mình.

Sự sụp đổ của Sa-ma-ri (Mi 1:6-9). Thủ đô của Vương Quốc Phía Bắc toạ lạc trên một ngọn đồi nhìn xuống một vùng trũng màu mỡ. Tiên tri Ê-sai gọi thành nầy là “mão triều thiên kiêu ngạo” và “đồ trang sức đẹp nhất” (Es 28:1) và tiên báo rằng sự đoán phạt của Đức Chúa Trời sẽ tiêu huỷ thành ấy (c.2-4). Dân A-si-ri sẽ biến thành phố đẹp đẽ ấy ra một đống gạch vụn, và những thần tượng của nó không thể nào bảo vệ thành nó khỏi tay các kẻ thù.

Đức Chúa Trời hủy diệt thành và nước Sa-ma-ri vì dân nó chống nghịch Lời Ngài, và Ngài phá huỷ đền thờ của người Sa-ma-ri vì nó là nhà của một tôn giáo giả mạo, không là gì khác hơn một ổ mại dâm. (Trong suốt thời Cựu Ước, thờ thần tượng được so sánh với tội gian dâm.) Nhưng Đức Chúa Trời phá huỷ đền thờ Giê-ru-sa-lem vì các lãnh đạo của nó đã biến tôn giáo chân chính thành sự thờ phượng giả tạo dâng lên cho Đức Giê-hô-va cùng với các thần của các nước khác. Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ghen tương, Ngài không muốn chia sẻ sự thờ phượng và vinh quang của Ngài cho bất kỳ thần nào khác (Xu 20:5 Xu 34:14 Phu 4:24 Phu 5:9 Phu 6:15). Giao ước Đức Chúa Trời lập với dân sự Ngài tại Si-na-i giống như một cam kết trong hôn nhân, và vi phạm giao ước đó giống như phạm tội ngoại tình hoặc gian dâm.2

Sự phá hủy thành của người Sa-ma-ri bắt đầu xảy ra năm 722 T.C dưới thời trị vì của Sa-gôn đệ II, vua của A-si-ri, ông ta đã ra lệnh bắt rất nhiều cư dân đi lưu đày hoặc giết chết. Sau đó ông cho nhiều dân tộc khác mà ông đã chinh phục được vào định cư trong xứ và khi dân Do Thái kết hôn với dân ngoại bang, kết quả là một chủng tộc hỗn tạp ra đời, và dân Do Thái chính thống rất khinh dễ dân tộc hỗn tạp nầy. Ngay cả trong thời Chúa Giê-xu, dân Do Thái vẫn không giao thiệp với người Sa-ma-ri (Gi 4:1-9).

Sự sụp đổ của Giu-đa (Mi 1:9-16). Vấn đề với Sa-ma-ri như một chất độc hại lan toả đến Giu-đa.Tiên tri đã khóc vì xứ sở của mình, giống như bạn khóc than cho một người thân mang căn bệnh bất trị đang nằm trong bệnh viện (c.9). Ê-sai đã dùng hình ảnh tương tự để mô tả cảnh ngộ khó khăn của Giu-đa (Es 1:5-6), và Giê-rê-mi đã khóc vì các lãnh đạo thuộc linh trong thời của ông không thẳng tay xử lý tội lỗi của dân sự (Gie 6:14 Gie 7:8 Gie 8:11).

Mi-chê mô tả sự sụp đổ của niềm Nam Giu-đa do bị quân A-si-ri xâm hiếm năm 701 T.C. (Mi 1:10-16 IIVua 18:7). 3 Họ càn quét qua xứ và chiếm bốn mươi sáu thành, nhưng họ không chiếm Giê-ru-sa-lem vì Đức Chúa Trời gìn giữ nó. Mi-chê đã dùng hàng loạt phép chơi chữ dựa theo những cái tên của các thành và sự tương đồng của nó trong cách đọc với những từ trong tiếng Hy-bá-lai. Ví dụ, “Gát” tương tự với một từ có nghĩa là “nói hoặc rao ra”. Và ông viết, “Chớ rao tai nạn nầy ra trong Gát.” Bết-lê-áp-ra có nghĩa là “nhà bụi đất”. Và ông viết, “lăn lóc trong bụi đất”. Dân Sa-phi-rơ (“dễ thương, xinh đẹp”) sẽ trông không xinh đẹp và dễ thương khi họ bị lột trần truồng vì bị bắt làm tù binh chiến tranh.

Danh sách các thành bị gọi tên không dừng lại ở đó. Dân cư của thành Xa-a-nan (“bước ra”) sẽ không thể bước ra vì nguy hiểm. Bết-hê-xen có nghĩa là “nhà dừng chân” và thành đó sẽ không còn chỗ trú chân. Ma-rốt có quan hệ với từ “mara/marrh” và có nghĩa là “đắng” và thành ấy sẽ kinh nghiệm tai hoạ đắng cay. Vì La-ki có âm giống vời một từ Hý-ba-lai có nghĩa là “một đội ngựa chiến”, ông đã cảnh báo họ hãy thắng ngựa vào xe và cố mà chạy thoát.4

Mi-chê nói đến thành của chính mình, Mô-rê-sết, từ nầy đọc giống một từ Hy-bá-lai có nghĩa là “hứa hôn”, và cô dâu được tặng quà từ biệt.Nói một cách khác, thành nầy sẽ không còn thuộc về Giu-đa nhưng sẽ “rời bỏ nhà mình” đi làm dâu cho kẻ xâm lược. Vì Ạc-xíp có nghĩa là “lừa dối”, nên sự liên quan đã rõ ràng, và Ma-rê-sa đồng âm với từ có nghĩa là “kẻ chinh phục”, và thành đó sẽ bị kẻ thù chinh phục.

Thảm kịch của sự xâm chiếm thành công nầy là nó đáng lẽ không nên xảy ra. Nếu dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa ăn năn trở về cùng Chúa và tin cậy Ngài, Ngài sẽ ban cho họ một chiến thắng vẽ vang. Nhưng họ đã tin nơi các tiên tri giả, kiêng ăn cho các thần giả của họ, và tội lỗi của họ đã dẫn họ vào chỗ thất bại. Thật đáng buồn mà nói rằng cả những đứa con nít cũng phải chịu khốn khổ và bị bắt đi lưu đày (Mi 1:16), tất cả cũng vì tội lỗi của cha mẹ chúng.

3. Lời cáo buộc: những tội lỗi của dân sự (Mi 2:1-11)

Làm sao Đức Giê-hô-va cho phép sự khốn khổ và tủi nhục đó xảy ra trên dân giao ước của Ngài? Có phải họ không phải là tuyển dâng của Ngài? Xứ xở ấy không phải là món quà mà bởi tình yêu thương Ngài ban cho họ sao?Đó là lý do Ngài đang trừng phạt họ! “Ta đã biết chỉ một mình các ngươi trong mọi họ hàng trên đất vậy nên ta sẽ thăm phạt các ngươi vì mọi sự gian ác các ngươi” (Am 3:2). Đặc ân kéo theo bổn phận, và bổn phận kéo theo trách nhiệm giải trình. Tiên tri Mi-chê bắt họ phải có trách nhiệm giải trình hai tội lỗi đặc biệt: tham lam (Mi 2:1-5) và nghe theo các tiên tri giả (c.6-11).

Tham lam (Mi 2:1-5). Luật pháp Môi-se qui định rằng đất phải được giữ nguyên cho họ tộc và trong các chi phái. Đất ấy thật ra thuộc về Đức Chúa Trời (Le 25:2,23,38), và Ngài “giao” nó cho dân sự đổi lại họ phải vâng giữ Luật Pháp của Ngài. Nếu họ không vâng lời Ngài, họ làm đất ô uế và khiến Ngài nổi giận (Le 18:24-30 Dan 35:33-34). Nếu bất kỳ người nào bán tài sàn của họ tộc, thì chỉ cho đến Năm Hân Hỉ, tất cả đất sẽ được trao trả lại cho chủ cũ (Le 25:13-17). Qui định nầy nhằm không để cho người giàu chiếm đất của người nghèo và giúp ổn định kinh tế.

Nhung những “nhà đại tư sản bóc lột” giàu có trong thời của Mi-chê muốn đất đai mình không ngừng nở nang và kéo theo đó họ có thể bắt người nghèo làm nô lệ và như vậy có thể bỏ con tép bắt được con tôm. Với ý định làm giàu như vậy, ban đêm họ lên kế hoạch và sáng hôm sau họ thực hiện.Bởi sự giàu có và uy quyền của họ trong xứ, những người nầy có thể chi phối cả toà án và các hội nghị ở cổng thành. Như vậy họ có được những gì họ mong muốn.

Cướp đất bất hợp pháp và nhẫn tâm đuổi nhiều gia đình ra khỏi quê hương không là vấn đề gì đối với những người kiêu ngạo nầy. Họ làm theo Luật Vàng của thế gian: “Ai có vàng thì có quyền.” Họ quên rằng Đức Chúa Trời là chủ của đất nầy, Đức Chúa Trời đã lập pháp, và Đức Chúa Trời thương xót người nghèo và kẻ bị áp bức (Xu 23:11 Le 25:25 Thi 82:3 Ch 21:13 Gie 22:16). Nhưng dù là người kẻ cướp nầy không kính sợ Đức Chúa Trời, thì họ nên có sự quan tâm đến những con người xung quanh mình và đối xử với những những người ấy như những con người được tạo dựng theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời.

Tên của tội lỗi nầy là “quá xem trọng vật chất” và những người tham lam và luôn muốn giàu có ngày càng hơn là những người mắc phải tội nầy. Nhưng những “nhà đại tư sản bóc lột” nầy không phải là những người duy nhất phạm tội nầy. Những người cha người mẹ tước đoạt của con cái mình thời gian và các mối quan hệ khi bắt chúng làm việc cực nhọc để kiếm tiền cho họ hưởng thụ. Những người cướp của Đức Chúa Trời phần mười và những của dâng mà đúng ra là thuộc về Ngài để họ có thể hưởng “một cuộc sống sung sướng” (Ma 3:7-12). Những người quên câu Kinh Thánh Mat 6:33 và đặt mọi thứ khác lên trên Nước Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, cuối cùng những kẻ tham lam mà Mi-chê nói đến sẽ gặt lấy những gì họ đã gieo và gặt khó khăn vì tội lỗi họ sẽ đến một ngày không xa (Mi 2:3-5). Sự tự tin ngạo mạn của họ sẽ không còn, uy quyền của họ sẽ qua đi, những kẻ khom lưng đồng lõa với họ sẽ quay lại nghịch cùng họ và cười nhạo họ, và ruộng đất rộng lớn của họ sẽ vuột khỏi tay họ. Họ sẽ thấy mọi thứ họ sống cho và phạm tội để có sẽ bị kẻ thù tước đi và trở nên vô giá trị. Nhiều người trong số họ sẽ bị bắt đi lưu đày và chết ở một nơi xa xôi ngoài miếng đất mà họ tham lam và cướp đoạt của những người vô tội.

Các tiên tri giả (Mi 2:6-11). Các tiên tri giả đã tấn công Giê-rê-mi (Mi 5:31) và A-mốt (Mi 7:10-17) vì rao giảng lẽ thật của Đức Chúa Trời thể nào, thì các tiên tri giả cũng tấn công Mi-chê vì công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời y như vậy. Những người nầy tán thành một học thuyết nông cạn trong đó không có chỗ cho tội lỗi hay sự ăn năn. Họ biện luận, “Chúng ta là tuyển dân của Đức Chúa Trời, và Ngài không bao giờ cho phép sự đoán phạt xảy ra rên đất nầy.” Bao lâu con người dự phần trong các công việc tôn giáo, họ sẽ không bao giờ gánh chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, ngay cả khi họ không thờ phượng thật lòng. Người Do Thái là con cháu Áp-ra-ham, và Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ vi phạm lời hứa mà Ngài đã lập với Áp-ra-ham. Những lời nầy là tiền đề giả dối của họ.

Những điều mà các lãnh đạo tôn giáo giả mạo nầy quên là những giao ước của Đức Chúa Trời bao gồm cả giới luật và lới hứa, bổn phận và ơn phước. Chỉ làm theo những điều khoản tôn giáo một cách máy móc không phải là sự thờ phương Đức Chúa Trời “bằng tâm thần và lẽ thật” (Gi 4:23). Bất kể ai cũng có thể hùa theo số đông và gia nhập vào một hoạt động tôn giáo được ưa chuộng nào đó, nhưng cần phải có sự tận hiến, cầu nguyện, sự vâng lời và đầu phục mới có thể thờ phượng Đức Chúa Trời với “lòng kính sợ” (He 12:28). “Tôn giáo được ưa chuộng” luôn là tôn giáo giả mạo, vì con đường sự sống là con đường hẹp và vắng vẻ (Mat 7:13-20) và những người đi trên đó không tránh khỏi bị bắt bớ (IITi 3:12).

Chính Đức Chúa Trời phán trong Mi 2:7-13 khi Ngài bảo vệ đầy tớ trung thành của Ngài.Việc những lãnh đạo tôn giáo nầy khước từ sứ điệp của Mi-chê không có nghĩa là sứ điệp ấy sai nó có nghĩa là người nghe đã sai lầm. Cách chúng ta đáp ứng Lời Đức Chúa Trời minh chứng cho mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. “Ai ra bởi Đức Chúa Trời, thì nghe lời Đức Chúa Trời cho nên các ngươi chẳng nghe, tại các ngươi không thuộc về Đức Chúa Trời” (Gi 8:47).

Những tiên tri giả nầy đang lừa gạt và cướp bóc dân sự bằng cách cho họ một đảm bảo giả tạo rằng mọi điều trong xứ đều tốt đẹp. Đức Chúa Trời minh hoạ những việc làm tội lỗi của họ bằng cách mô tả hai người đang thảnh thơi một người đang tự tin bước xuống đường và một người lính chiến thắng trở về nhà với chiến lợi phẩm trong tay và cả hai người đều bị cướp! Vì những lãnh đạo giàu có và gian ác, người mẹ tự tin và gia đình bà thấy mình bị đuổi ra khỏi quê hương và bị cướp ruộng đất.

Ban đầu Đức Chúa Trời ban cho dân Do Thái xứ Ca-na-an để họ được “yên nghỉ” sau những gian khó mà họ trải qua trong đồng vắng (Phu 12:9-10 Gios 22:4 Gios 23:1). Sau khi họ chinh phục xứ Ca-na-an và nhận được phần đất của mình, họ sẽ được hưởng sự yên nghỉ và những ơn lành trong xứ đó, nhưng họ lại xây sang thờ lạy các thần tượng của các nước xung quanh và chống nghịch Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã trừng phạt họ trong xứ của họ bằng cách sai các nước khác đến cướp bóc và bắt dân chúng làm nô lệ (xem sách Các Quan Xét). Nhưng dân sự không những nhận được bài học nào từ lịch sử của họ, họ lại phạm những tỗi mà các tổ phụ họ đã phạm nhưng dù họ sẽ tránh được những hậu quả tương tự.Vì họ đã làm ô uế xứ, Đức Chúa Trời đã đem họ ra khỏi xứ.

Mi-chê khuyên dân sự ra khỏi xứ vì ở đó không còn là nơi yên nghỉ nữa, bất kể những gì các tiên tri giả hứa hẹn. Những tiên tri giả nầy sẽ rao ra những sứ điệp mà dân chúng muốn nghe chỉ vì lợi ích riêng. Họ lợi dụng tôn giáo để kiếm tiền và hưởng thụ, và họ không quan tâm gì đến tương lai của đất nước.

4. Lời yên ủi: hy vọng cho tương lai (Mi 2:12-13)

Vi tiên tri trung tín nầy phải vạch trần tội lỗi và công bố sự đoán phạt, nhưng ông cũng phải nói lời yên ủi và đem hy vọng cho những người tiếp nhận sứ điệp của ông và trở về cùng Đức Chúa Trời. Sự yên ủi mà không có sự ăn năn chỉ đem lại sự hy vọng giả tạo có nghĩa là nói “bình an, bình an! ”trong khi chẳng có sự bình an nào. Nhưng sự lên án mà không có hy vọng nào chỉ sinh ra tuyệt vọng, giống như giải phẩu mà không đem lại sự chữa lành.

Dường như ở đây Đức Chúa Trời phán với cả dân sự, (“Hỡi Gia-cốp! … cả ngươi lại. … Y-sơ-ra-ên”) và lời hứa của Ngài sẽ còn lại đến cuối cùng khi Y-sơ-ra-ên và Giu-đa sẽ hiệp nhất và Vua Mê-si-a của họ sẽ cai trị trên họ. Mi-chê mô tả đoàn quân chiến thắng tiến vào xứ, với Vua Mê-si-a dẫn đầu và Chúa dẫn dắt dân sự như Ngài đã dẫn họ khi họ rời Ai-cập (c.13).

Tuy nhiên, cho đến ngày vinh quang đó, Đức Chúa Trời sẽ giải quyết “dân sót” của dân sự Ngài. “Dân sót” là một học thuyết rất quan trọng trong các sách tiên tri, và có nhiều ngụ ý về nó.5 Dù dân Y-sơ-ra-ên chống nghịch Đức Chúa Trời, vẫn luôn có số dân sót trung tín tin cậy Ngài và tìm kiếm ý muốn của Ngài và Đức Chúa Trời sẽ hành động vì đức tin của số dân sót nầy. (Điều nầy cũng đúng với Hội Thánh tự xưng). Hy vọng của đất nước nằm trong số dân sót nầy.

Một đám dân sót yếu ớt và mệt mỏi đã trở về Giu-đa sau cuộc Lưu Đày sang Ba-by-lôn, nhưng họ không bao giờ trở thành một dân lớn mạnh mà các tiên tri hứa hẹn. Điều đó sẽ thành tựu khi Chúa trở lại, xác nhận tuyển dân của Ngài, và lập Vương Quốc của Ngài. Đấng Mê-si-a được mô tả trong câu 13 là “Kẻ mở đường lên trước chúng nó”, đó là Đấng mở cánh cửa mà giam hãm dân Do Thái trong các nước khác để Ngài có thể đem họ trở về xứ mình. Đức Chúa Trời chắc chắn thực hiện điều nầy khi dân lưu đày rời Ba-by-lôn, nhưng lời hứa ở đây dành cho ngày sau rốt khi Đấng Mê-si-a sẽ đến để đánh bại các kẻ thù Ngài và giải cứu tuyển dân của Ngài.

Sứ điệp đầu tiên của Mi-chê kêu gọi dân chúng chống lại các tiên tri giả, nhưng nó không thay đổi được tấm lòng của dân sự. Vì vậy ông rao ra sứ điệp thứ hai, với lời công bố rằng “Đấng Giải Cứu sẽ đến.”

Nhưng ngày nay chúng ta cần giải quyết những tội lỗi mình như tham lam, ích kỷ, sự dễ tin nơi “những lời dối trá mang tính tôn giáo”. Chúng ta phải từ bỏ thứ “tôn giáo uỷ mị” mà nuông chìu tính kiêu căng của chúng ta và dễ khiến chúng ta phạm tội. Tại sao? Vì “Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt” (He 12:29), và “Chúa sẽ xét đoán dân mình” (He 10:30). Hãy nhớ, sự đoán phạt bắt đầu từ nhà Đức Chúa Trời (IPhi 4:17).

2. MỘT VUA SẼ ĐẾN! (Mi 3:1-5:14)

Sứ điệp thứ hai của của Mi-chê là tâm điểm của sách nầy và tập trung nói về tương lai của Y-sơ-ra-ên. Trước nhất, Mi-chê quở trách những lãnh đạo đất nước vì nếp sống tội lỗi của họ, mà Đức Chúa Trời sẽ trừng phạt (Mi 3:1-12), và sau đó ông tóm lược những biến cố sẽ báo hiệu vương quốc như đã hứa (Mi 4:1-5:15). Biết rằng Đức Chúa Trời hoạch định một tương lai rực rỡ cho đất nước của họ, các lãnh đạo tôn giáo lẽ ra phải được thúc đẩy để xây bỏ tội lỗi họ và vâng phục Đức Chúa Trời. “Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch” (IGi 3:3). Đáng tiếc họ đã không hề quan tâm đến bài giảng nầy!

1. Sự quở trách: những tội lỗi của các lãnh đạo (Mi 3:1-12)

Giống như với hai sứ điệp kia, sứ điệp thứ hai của Mi-chê mở đầu bằng lới kêu gọi dân sự “nghe” lời Đức Chúa Trời phán qua tôi tớ Ngài (Mi 1:2 Mi 6:1). Như thể Mi-chê muốn la lên, “Hãy lắng nghe đây, Đức Chúa Trời đang phán! Điều nầy hết sức quan trọng! ” Câu nầy nhắc chúng ta nhớ sự khuyên răn lập đi lập lại của Chúa, “Ai có tai mà nghe, hãy nghe! ” hoặc lời cảnh cáo trong He 12:25: “Anh em hãy giữ, chớ từ chối Đấng phán cùng mình”.

Thật nguy hiểm khi bịt tai trước tiếng phán của Đức Chúa Trời khi Ngài phán qua Lời Ngài. ” Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng, như lúc nổi loạn” (Mi 3:7-8). Mọi tạo vật đếu đáp lại tiếng Đức Chúa Trời và vui vẻ vâng theo ý muốn của Ngài ngoại trừ loài người được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời! Tuy nhiên, Đức Chúa Cha dịu dàng nói với chúng ta. “Vậy bây giờ, hỡi con, hãy nghe ta, khá chăm chỉ về các lời của miệng ta” (Ch 7:24).

Mi-chê mở đầu sứ điệp của mình bằng lời quở trách những lãnh đạo dân sự trong xứ (Mi 3:1-4), là những kẻ không chỉ cho phép người giàu bóc lột người nghèo, mà chính họ còn làm điều đó! Những lãnh đạo phải là những người yêu cái tốt và ghét cái xấu, những người ầy làm điều ngược lại: “các ngươi ghét điều lành, ưa điều dữ” (c.2). Những lãnh đạo lý tưởng được mô tả là “người tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chân thật, ghét sự tham lợi” (Xu 18:21). Tiên tri A-mốt, một người bạn của Mi-chê, đã viết, “tìm điều lành và đừng tìm điều dữ, hầu cho các ngươi được sống … ghét điều dữ mà ưa điều lành hãy lập sự công bình nơi cửa thành” (Am 5:14-15 Ch 8:13). Cổng thành dĩ nhiên là nơi các trưởng lão tập trung lại để giải quyết những tranh chấp và đưa ra những quyết định chính thức (Ru 4:1). Nếu không có sự công bình trong các thành, thì không thể nào có sự công bình trong cả xứ.

Sự mô tả những hành động của các vị lãnh đạo nầy khiến chúng ta nghĩ đến những con thú tham ăn hơn là những con người. Họ không làm những người chăn hiền lành, ngay thẳng lo lắng cho bầy chiên mình (Mi 2:12 Mi 7:14), họ lại tấn công chiên, lột da khi chúng còn sống, mổ thịt chúng, băm chúng ra và đem đi hầm chín! Nhưng đến một ngày những con cáo đội lốt chiên nầy sẽ kêu khóc xin Đức Chúa Trời thương xót, nhưng không được thương xót. “Trong ngày ấy, cơn thạnh nộ ta sẽ phừng lên cùng họ, ta sẽ bỏ họ, giấu mặt ta đi, khiến cho họ bị tiêu nuốt nhiều sự tai vạ và buồn thảm sẽ xông hãm vào họ” (Phu 31:17).

Rồi Mi-chê quay sang quở trách những tiên tri giả (Mi 3:5-8), những lời dối trá của họ dễ dàng thúc đẩy những quan chức thối nát thực hiện những việc làm xấu xa của họ. “Trong đất nầy đã xảy ra sự lạ lùng đáng gớm. Những kẻ tiên tri nói tiên tri dối, các thầy tế lễ bởi đó mà cầm quyền! Dân ta đều lấy làm ưa thích” (Gie 5:30-31). Khi Đức Chúa Trời rời khỏi bộ máy chính quyền của loài người, thì các quan chức rất dễ lợi dụng quyền hạn của mình một các ích kỷ để bóc lột dân chúng.

Miễn chúng ta cho họ cái gì đó để ăn và uống (Mi 2:11), các tiên tri nầy sẽ rao ra điều mà chúng ta muốn nghe. Giống các tiên tri giả trong thời Giê-rê-mi, họ loan báo sự hoà bình trong khi chiến tranh và sự huỷ diệt sắp tới gần (Gie 6:13-14 Gie 8:10-11). Nhưng sẽ đến lúc những người tự cho rằng mình thấy sự sáng nầy sẽ bị bao phủ trong sự tối tăm, và mọi người sẽ biết rằng họ là những kẻ giả mạo. Họ sẽ khóc lóc van xin Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không đáp lời.

Tiên tri thật của Đức Chúa Trời được mô tả trong Mi 3:8 Tiên tri nầy được đầy dẫy Đức Thánh Linh, trung tín rao ra sứ điệp của Đức Chúa Trời và không lo sợ những gì người ta nói hoặc làm. Mi-chê dạn dĩ nói với dân sự về tội lỗi của họ và cảnh báo rằng sự đoán phạt sắp đến nơi, trong khi các tiên tri giả nói những lời êm tai dân sự và rao ra những gì dân sự muốn nghe.

Một số người thật đáng thương khi nhận mình được Đức Chúa Trời kêu gọi nhưng vặn vẹo những bài giảng của mình cho hợp ý con người. Qui tắc đầu tiên của họ là, “Don’t rock the boat”, và qui tắc thứ hai là “Nói những gì dân chúng muốn nghe”. Nhưng một đầy tớ thật của Đức Chúa Trời phải công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời bất chấp dân chúng có thích nó hay không. Anh ta là sứ giả hoà bình, nhưng đôi khi anh ta phải làm một người gây rối. Không ngạc nhiên khi Giê-rê-mi than, “Hỡi mẹ tôi ơi, khốn nạn cho tôi! Mẹ đã sanh ra tôi làm người mắc phải sự tranh đua cãi lẫy trong cả đất! Tôi vốn không cho ai vay mượn, cũng chẳng vay mượn ai dầu vậy, mọi người nguyền rủa tôi” (Gie 15:10)

Mi-chê cũng nói đến tất cả những lãnh đạo trong xứ (Mi 3:9-12) - nhữnglãnh đạo, những thầy tế lễ, và các tiên tri - và lên án họ với nhiều tội trạng:bất công, bóp mép lẽ thật, giết người vô tội, nhận của hối lộ, và trong khi làm những việc gian ác nầy họ lại xưng rằng mình đang hầu việc Đức Chúa Trời! Họ nó rằng chúng ta “nương cậy Đức Giê-hô-va … Đức Giê-hô-va há chẳng ở giữa chúng ta sao? Tai vạ sẽ chẳng đến trên chúng ta! ” Không có sự giả hình nào xấu xa hơn nữa.

Bởi họ không biết bản tánh Đức Chúa Trời và những điều khoản trong giao ước của Ngài nên họ mới có sự tự tin hão như vậy. Họ lập luận, “Vì chúng ta là người Do Thái, là tuyển dân của Đức Chúa Trời và được hưởng giao ước của Ngài, Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ để sự xấu xa naò xảy ra cho chúng ta. Thậm chí nếu chúng ta phạm tội, Ngài cũng không bao giờ phó chúng ta vào tay kẻ thù.” Suy nghĩ của họ không giống những người ngày nay, “xưng mình biết Đức Chúa Trời, nhưng theo những việc làm thì đều từ chối Ngài” (Tit 1:16).

Bất cứ học thuyết nào khiến chúng ta dễ phạn tội thì không phải là học thuyết hợp Kinh Thánh. Nếu những người lãnh đạo, các tiên tri, và thầy tế lễ đọc và suy gẫm Le 26:1-46 và Phu 28:1-30:19, họ sẽ nhận biết Đức Chúa Trời của giao ước lả Đức Chúa Trời thành khiết, Ngài sẽ không chấp nhận tội kiêu căng. Họ cũng sẽ biết rằng những ơn phước của giao ước tuỳ thuộc vào sự vâng giữ của họ đối với những điểu khoản của giao ước, và rằng Đức Chúa Trời luôn trừng phạt dân sự Ngài khi họ không vâng lời.

Sự xem thường luật pháp Đức Chúa Trời của những người lãnh đạo nầy sẽ có hậu quả gì? Thành thánh và đền thờ của họ sẽ bị phá huỷ, và hàng ngàn người Do Thái sẽ bị lưu đày sang Ba-by-lôn (Mi 4:10). Đức Chúa Trời thà huỷ diệt thành phố và đền thờ đẹp đẽ nầy còn hơn cho phép dân sư làm ô uế tài sản của Ngài bằng những tội lỗi của họ. Sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem năm 606-586 là lời nhắc nhở dân sự Đức Chúa Trời rằng khi Đức Chúa Trời nói, “Hãy nên thánh, vì ta vốn là thánh”, Ngài thật muốn nói đúng như vậy!

“Ấy là vì cớ tội lỗi của các tiên tri nó, và sự gian ác của các thầy tế lễ nó” (Ca 4:13) đấtnước bị đánh bại, thánh và đền thờ bị phá huỷ. Đó là lý do tiên tri Mi-chê mở đầu sứ điệp của ông bằng lời quở trách những lãnh đạo thuộc linh trong xứ, không phải những người chưa tin. Nếu Mi-chê đang hầu việc Chúa trong thời đại chúng ta ngày nay, có thể ông sẽ đến trụ sở của các giáo phái, các buổi họp của quý mục sư, và các trường Kinh Thánh để cảnh cáo các lãnh đạo Cơ Đốc rằng đặc ân kéo theo bổn phận và bổn phận kéo theo trách nhiệm giải trình.

2. Niềm hy vọng: Những lời hứa của Đức Chúa Trời (Mi 3:1-12) (Mi 4:1-5:5)

Mi-chê đi từ sự sụp đổ Giê-ru-sa-lem (606-586) đến “những ngày sau rốt” khi ấy sẽ có một Giê-ru-sa-lem mới và đền thờ được tái thiết tại trung tâm của vương quốc công bình của Đấng Mê-si-a. Giai đoạn nầy được biết là “những ngày sau rốt”, và bắt đầu là chức vụ của Chúa Cứu Thế (He 1:1-2)và đỉnh điểm là sự trở lại của Ngài để lập Nước của Ngài trên đất. Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài bốn lời hứa tuyệt vời.

Một vương quốc được hứa (Mi 4:1-8). Khi Mi-chê rao sứ điệp nầy, đất nước Do Thái bị chia đôi trong tình trạng tuyệt vọng. A-si-ri sắp tấn công và chiếm lấy đất nước, và sau đó quân A-si-ri tàn phá Giu-đa và gần như chiếm trọn Giê-ru-sa-lem. Khi hoàn cảnh khắc nghiệt, hãy cố nhìn lên. Vì vậy tiên tri Mi-chê khích lệ dân sự ngước nhìn những việc Đức Chúa Trời đã hứa cho tuyển dân của Ngài.

Đức Chúa Trời hứa rằng đất nước sẽ được thống nhất và dân sự được trở về quê nhà. Giê-ru-sa-lem sẽ trở nên một thành phố quan trọng nhất trên thế giới, đền thờ sẽ được xây lại, và sự thờ phượng chân thật dành cho Đức Chúa Trời sẽ được phục hồi4 (Exe 40:1-48:35). Dân ngoại bang thay vì đánh chiếm Do Thái, họ sẽ “tràn vào” Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Chúa Trời và nghe Lời Ngài. Sẽ có hoà bình giữa các nước vì họ sẽ vâng theo lẽ thật của Đức Chúa Trời, đầu phục luật lệ của Chúa Cứu Thế và tiêu huỷ những vũ khí chiến tranh.5

Mọi gia đình Do Thái đều muốn có được những gì Mi-chê mô tả trong Exe 4:4 một gia đình vui vẻ với một mãnh vườn say quả trong một xứ sở yên bình (IVua 4:25 Es 36:16). Nhưng hơn cả hoà bình và sự ổn định kinh tế là ơn phước được nhận biết Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài (Mi 4:5). Câu Kinh Thánh nầy không chỉ về tương lai, vì suốt trong Thời Đại của Vương Quốc Đức Chúa Trời, mọi dân tộc sẽ thờ phượng Đức Giê-hô-va. Đó là một sự khẳng định của đức tin trong lòng của các tín đồ thật, dân sót trong xứ: “Ngày nay các dân khác có thể đang thờ lạy các thần của họ, các thần giả của đất nước họ nhưng họ sẽ bước đi trong danh Giê-hô-va, Đức Chúa Trời chân thật, và chỉ vâng phục một mình Ngài”.

Dù dân sót của Do Thái không nhiều, yếu đuối, và kiệt sức, Đức Chúa Trời sẽ tập trung họ từ khắp nơi trên thế giới và lập thành một đội quân hùng mạnh (c.6-7a). Đấng Mê-si-a sẽ cai trị họ, và Giê-ru-sa-lem sẽ trờ thành một thành phố vinh quang cho Vương Quốc đó. Giê-ru-sa-lem từng là thủ đô của Đa-vít, vị vua chăn dắt dân sự như người chiên chăm lo cho bầy mình (Thi 78:67-72), nhưng sau khi Giô-sia băng, không có ai trong bốn người kế vị ông tin kính Chúa. Đấng Mê-si-a, Con Cháu Đa-vít, rồi sẽ lên ngôi ở Giê-ru-sa-lem và chăn dắt bầy của Ngài như một Vị Vua và Người Chăn thành tín.

Sự giải cứu được Chúa (Mi 4:9-10). Thành Giê-ru-sa-lem được gọi là “con gái Si-ôn” (các thành phố luôn được xếp vào giống cái), một từ nói lên sự quý mến, và nó đảm bảo cho dân sự rằng Đức Chúa Trời luôn chăm sóc họ dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Nhưng thành nầy đang gặp khó khăn, giống như người đàn bà trong lúc sinh nở, vì kẻ thù đã đến và đang bắt dân sự đưa sang Ba-by-lôn. Tuy nhiên, bị lưu đày không phài là kết thúc vì Đức Chúa Trời sẽ cứu dân sót và đem họ trở về xứ.

Nếu các lãnh đạo nghe theo tiên tri Giê-rê-mi và bình tĩnh qui hành quân Ba-by-lôn, họ sẽ cứu được thành và cà đền thờ, nhưng họ khăng khăng chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời, thành và đền thờ của họ bị phá hủy.Tuy nhiên, Giê-rê-mi hứa rằng cuộc lưu đày chỉ kéo dài bảy mươi năm, và sau đó dân sót có thể trở về và xây lại thành và đền thờ.

Sự xâm chiếm được hứa (Mi 4:11-13). Một lần nữa, tiên tri nhìn thấy dân sự ông bị các nước ngoại bang tấn công, tất cả các nước ấy hả hê vì họ chắc rằng sẽ đánh bại dân Do Thái (Xa 12:1-9 Xa 14:1-1:1). Các nước nầy chắc chắn như vây, vì họ không biết Kinh Thánh và không biết những hoạch định của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài (Gie 29:11).

Người ta sẽ thấy một Y-sơ-ra-ên yếu ớt và không ai bảo vệ, nhưng Đức Chúa Trời sẽ mài lưỡi hái cho họ để “gặt” các nước khác (Kh 14:14-20). Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ “sừng” (biểu tượng của sức mạnh) và “vó” để họ vừa có sức vừa có tốc độ khi tấn công kẻ thù. Trận chiến lớn nầy được gọi là “trận chiến Ha-ma-ghê-đôn”, dù cụm từ nầy không có trong Kinh Thánh (Kh 16:16 Kh 19:17-21). Khi trận chiến nầy kết thúc, đoàn quân chiến thắng Do Thái sẽ dâng tất cả chiến lợi phẩm để phục vụ Đức Chúa Trời.

Vua được hứa (Mi 5:1-5). Lúc nầy Mi-chê nhìn thấy trước việc Ba-by-lôn bao vây Giê-ru-sa-lem. Rất nhiều binh lính đóng trại xung quanh Giê-ru-sa-lem mà Mi-chê gọi là “thành (con gái) của các đạo quân”. Khi vua Sê-đê-kia và các quan thần của ông thấy tình hình hết hy vọng, họ tìm đường chạy trốn, nhưng quân Ba-by-lôn đã đuổi theo và bắt được họ (IIVua 25:1-7). Dĩ nhiên, họ đã dùng roi đánh ngang mặt vua để sỉ nhục vua. Sau đó, họ giết các con trai ông, móc mắt ông, và dẫn ông qua Ba-by-lôn.

Trong bản tiếng Anh, Mi-chê đoạn 5 có một câu mở đầu nữa, câu nầy trái ngược với câu tiếp theo (tức câu 1 trong bảng tiếng việt)là đó là bằng chứng cho thấy câu mở đầu đó không phải nói về Đấng Mê-si-a. Mi 2:1-5:14 (trong bản tiếng Anh, Mi 1:1-5:14 trong bảng tiếng Việt) rõ ràng chỉ về Đấng Mê-si-a. Đức Chúa Trời đã chọn “ngôi làng nhỏ Bế-lê-hem” làm nơi cho Vua Do Thái ra đời. Các thầy tế lễ đã nói lời tiên tri nầy cho các bác sĩ đến Giê-ru-sa-lem tìm Vua Giê-xu (Mat 2:1-12).

Bết-lê-hem (“nhà bánh mì”) có một lịch sử đáng quan tâm. Vợ yêu quí của Gia-cốp, là Ra-chên, đã qua đời gần Bết-lê-hen khi bà sinh Bên-gia-min, và bà đã được chôn gần đó (Sa 35:16-20). Ma-thi-ơ đã trích lời tiên tri nầy khi ông thuật lại việc sát hại con trẻ vô tội mà Hê-rốt ra lệnh (Mat 2:16-18 Gie 31:15). Trong sự đau đớn mình, Ra-chên đã đặt tên con là Ben-omi, có nghĩa là “con trai của sự đau đớn”, nhưng Gia-cốp đã đổi tên con trai đó thành Bên-gia-min, “con trai của tay hữu”. Hai cái tên nầy nhắn chúng ta về sự thương khó và sự vinh hiển của Chúa Cứu Thế, thập tự giá và ngôi bân tay hữu của Đức Chúa Trời.

Ru-tơ và Na-ô-mi đến Bết-lê-hem, và ở đó Bô-ô đem lòng thương mến Ru-tơ và cưới nàng làm vợ. Ru-tơ là tổ mẫu của Đấng Mê-si-a (Mat 1:3). Dĩ nhiên Đa-vít là người con vĩ đại của Bết-lê-hem và chính qua dòng dõi Đa-vít mà Đấng Mê-si-a như được hứa sẽ ra đời (IISa 7:1-29 Mat 1:1 Lu 1:26-27 Ro 1:3). Dân Do Thái biết rằng Đấng Mê-si-a sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem (Gi 7:42).

Trong lời tiên tri nầy, Mi-chê tiết lộ nhiều sự kiện quan trọng về Đấng Mê-si-a. Bắt đầu là việc Ngài là Đức Chúa Trời đời đời, vì “gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng”. Chúa Giê-xu bước ra từ chỗ đời đời để đi vào lịch sử nhân loại, theo mạng lệnh của Đức Chúa Cha để chết vì tội lỗi của thế gian (IGi 4:14). Nhưng Ngài cũng là một con người bằng xương bằng thịt, vì Ngài được sinh ra với hình hài một bé trai. Chúng ta có ở đây hình ảnh của Sự Hiện Thân (IGi 1:14).

Bạn sẽ nghĩ rằng Con Đức Chúa Trời phải đến trong một thành phố lớn như Athen hoặc Giê-ru-sa-lem, nhưng Ngài chọn chuồng chiên (hang đá) thấp hèn ở Bết-lê-hem. Nhưng sẽ có một ngày Ngài sẽ được vinh hiển và ngồi trên ngôi ở thiên đàng, đến một ngày, Ngài sẽ trở lại để Làm Vua cai trị dân sự Ngài.

Nhưng trước khi Ngài có thể đứng lên như một Người Chăn và chăm sóc bầy của mình, dân sự người phải từ chối Ngài. Giữa thập tự giá Thời Đại của Vương Quốc Đức Chúa Trời, Y-sơ-ra-ên sẽ bị Đức Chúa Trời “từ bỏ”cho đến khi Chúa Giê-xu trở lại và một nước sẽ được “sanh ra”, đó là nước của họ (Es 66:8). Vua nầy sẽ cai trị khắp thế gian và sẽ đem lại hòa bình cho mọi dân tộc. Dĩ nhiên, hôm nay Chúa Cứu Thế ban bình an cho tất cả những ai lấy đức tin tiếp nhận Ngài (Mat 11:28-30 Ro 5:1).

Mi-chê đã trình bày một viễn cảnh rất đáng khích lệ cho dân sự, nhưng họ dường như không hiểu ý nghĩa của nó vì nếu họ hiểu, họ hẳn đã trở về cùng Chúa với lòng biết ơn và ăn năn. Bất cứ điều gì một tiên tri báo trước về một tương lai, nó nhằm mục đích cảnh tỉnh dân sự để họ biết trách nhiệm của mình. Lời tiên tri trong Kinh Thánh không phải là trò giải trí cho người tò mò nó là lời khích lệ cho người nghiêm túc.

Mi 4:1-14 xem giải nghĩa Mi 3:1-12

Mi 5:1-4 xem giải nghĩa Mi 3:1-12

3. Chiến thắng: Sự thanh tẩy đất nước (Mi 5:5-14)

Khi ông tiếp tục nhìn thấy những viễn cảnh tương lai, Mi-chê công bố rằng những kẻ thù tương lai của Y-sơ-ra-ên sẽ bị đánh bại (c.5b-6), dân sót lại của Do Thái sẽ được ban phước (c.7-9) và đất nước sẽ được thanh tẩy tội lỗi của nó (c.10-15).

Kẻ thù thất bại (Mi 5:5-6). “Người A-si-ri” được nêu tên trong câu 5 không phải là đội quân A-si-ri trong thời Mi-chê, vì dân Do Thái trong thời đó chắc chắn không thể đánh bại A-si-ri và giành quyền cai trị xứ mình. Người A-si-ri đã hoàn toàn đánh bại Y-sơ-ra-ên, và xứ sở Y-sơ-ra-ên đã đổ nát. “Người A-si-ri” là một cách nói khác chỉ về “kẻ thù”, và ở đây nó chỉ những kẻ thù của Y-sơ-ra-ên trong ngày sau rốt khi tất cả các nước sẽ hiệp lại chống nghịch nó (Xa 10:10-11 Xa 12:9 Xa 14:1-3).

Cụm từ “bảy kẻ chăn và tám quan trưởng” là cách nói “nhiều kẻ chăn và nhiều quan trưởng” và đồng nghĩa với câu nói được lặp đi lặp lại của A-mốt “gấp ba gấp bốn lần” (Am 1:3,6,9). Khi kẻ thù thất công trong những ngày sau rốt, Đức Chúa Trời sẽ dấy lên các lãnh đạo để đương đầu với kẻ thù, như Ngài đã dấy lên các quan xét và những anh hùng như Đa-vít. Nhưng Mi-chê nói rõ rằng Đức Chúa Trời là Đấng Giải Cứu, Ngài sẽ giúp Y-sơ-ra-ên đánh thắng các kẻ thù và nắm quyền cai trị xứ mình. Từ “con trai loài người” trong Mi 5:6 là “Đấng cai trị” của câu 1 (bản tiếng Việt, câu 2 trong bản tiếng Anh).

Dân sót được ban phước (Mi 5:7-9). Dù có số lượng ít, dân sót của Do Thái trong những ngày sau rốt sẽ kinh nghiệm sự giúp đỡ lớn lao từ Đức Chúa Trời khi họ đối diện với kẻ thù. Mi-chê dùng hai phép so sánh để minh hoạ ơn phước nầy:giọt sương mai từ thiên đàng và sức mạnh chinh phục của sư tử. Đức Chúa Trời sẽ giúp dân sự Ngài có sức mạnh như sư tử và đem lại nguồn phước cho thế gian giống như sương móc tưới ướt các cánh đồng của Y-sơ-ra-ên (Thi 133:3). Y-sơ-ra-ên sẽ đánh thắng các kẻ thù của họ nhờ sức của Đức Chúa Trời.

Đất nước được thanh tẩy (Mi 5:10-14). Trong thời của Mi-chê, cả Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đều phạm tội chống lại luật pháp của Đức Chúa Trời và làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Hết lần nầy đến lần khác, Đức Chúa Trời đã sai sứ giả Ngài đến với dân sự để lên án tội lỗi của họ cà cảnh báo về sự đoán phạt đến gần, nhưng dân sự không lắng nghe (IISu 36:14-21). Trong những ngày sau rốt. Y-sơ-ra-ên sẽ trở về xứ với lòng vô tín và tiếp tục phạm tội như trước. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ thanh tẩy xứ và chuẩn bị họ cho một cuộc sống mới trong vương quốc mới. Họ sẽ thấy Đấng Mê-si-a của họ, tin cậy Ngài, và được cứu rỗi (Xa 12:10-13:1).

Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt tất cả những đồn luỹ quân sự của họ, tất cả những thứ mà họ tin cậy vào, thay vì tin cậy Đức Chúa Trời. Ngài sẽ chấm dứt những giao du của họ với quyền lực của ma quỉ và thanh trừ tất cả những thần tượng khỏi xứ (Xa 13:2). Y-sơ-ra-ên giờ sẽ tìm cách làm vui lòng Đức Chúa Trời và vâng phục luật pháp của Ngài và không bắt chước những tội lỗi của các người mà Đức Chúa Trời sẽ “báo thù”.

Đức Chúa Trời không từ bỏ dân sự Ngài (Ro 11:1) vì hôm ngay. Có một dân sót Do Thái tin kính Chúa trong Hội Thánh. Đến một ngày Đức Chúa Trời sẽ tập trung dân Do Thái vô tín về xứ của họ, cho họ kinh nghiệm sự đau khổ cùng cực, và sau đó mặc khải chính Ngài cho họ và khai sinh một nước mới. Các tiên tri đã thấy ngày đó và cố truyền đạt sứ điệp ấy cho dân sự trong thời của họ, nhưng họ không nghe.

Cơ Đốc nhân ngày nay trông đợi Chúa Giê-xu trở lại triệu tập dân Ngài (ITe 4:13-18) và sau đó thiết lập vương quốc công bình của Ngài. Phi-e-rơ đảm bảo cho chúng ta rằng, “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm” và rồi, trong ánh sáng của sự kiện nầy, ông hỏi, “Vậy … anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào?” (IIPhi 3:10-11). Hy vọng trong tương lai phải thúc đẩy đời sống thánh khiết trong hiện tại.

Chúng ta sẵn sàng cho sự trở lại của Ngài không?

3. “NƯỚC CHA ĐƯỢC ĐẾN” (Mi 6:1-7:20)

Tiên tri đã rao hai trong ba sứ điệp: một sứ điệp cảnh báo (1-2) và một lời hứa hẹn (3-5). Sứ điệp thứ ba là một thách thức cho họ tin cậy Đức Chúa Trời và vâng theo ý muốn của Ngài, vì chỉ sau đó đất nước mới có thể thoát khỏi hình phạt khủng khiếp và làm trọn mục đích của Đức Chúa Trời trong thế gian nầy.

Và khi bạn đọc lịch sử và những lời tiên tri trong Cựu Ước, hãy nhớ rằng việc dân Y-sơ-ra-ên phải vâng lời Đức Chúa Trời là quan trọng như thế nào. Đức Chúa Trời đã dấy lên một nước để đem ơn phước cho cả thế gian (Sa 12:1-3), vì chính qua Y-sơ-ra-ên, Chúa Cứu Thế sẽ đến. “sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến” (Gi 4:22). Khi dân Do Thái bắt đầu chấp nhận những tập tục của các nước không tin kính Đức Chúa Trời xung quanh họ, họ đã bị ô uế và không thể làm những công việc mà Đức Chúa Trời kêu gọi họ làm. Chính bởi họ khinh dễ sự kêu gọi cao cả và thánh khiết mà đất được bị trừng trị nghiêm khắc.

Sứ điệp thứ nhất cùa Mi-chê được rao ra như một vở kịch trong phòng xử án, và sứ điệp thứ ba cũng vậy. Quan án đọc bản cáo trạng (Mi 6:1-8), tuyên án (Mi 6:9-7:6), và sau đó hứa dành cho họ sự nhân từ thương xót (Mi 7:7-20)! Mi-chê dùng ba yếu tố - tội lỗi, hình phạt, và lòng nhân từ - như những lý lẽ để mài xin dân sự ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời. “Tin cậy Đức Chúa Trời, không phải bất chấp những điều nầy nhưng vì những điều nầy! ” là sứ điệp kết thúc của ông, và nó cũng là sứ điệp mà ngày nay chúng ta cần nghe.

1. Vì tội lỗi rất lớn, hãy tin cậy Đức Chúa Trời (Mi 6:1-8)

Tội lỗi của dân sự được che chắn đằng sau lớp áo được dệt bằng những hoạt động tôn giáo – sự thờ phượng theo thói quen không xuất phát từ tấm lòng. Một tiên tri đồng thời với Mi-chê, tiên tri Ê-sai, nói với dân sự rằng đất nước bị bệnh hoạn từ đầu đến chân (Es 1:5-6) nhưng không chấp nhận sự thật nầy, và rằng “sự thờ phượng” của họ không khác gì hơn “giày đạp” sân đền thờ (c.12). Họ giống như một bệnh nhân yêu cầu bác sĩ sửa lại kết quả chụp X quang để anh ta khỏi phải lên bàn mổ! Sự lừa đối đó không chữa lành cho anh nó khiến anh ta càng bệnh nặng thêm.

Trong phòng xử án, Đức Chúa Trời gọi nhân chứng (Mi 6:1-2) và nói với dân sự chuẩn bị biện hộ cho vụ việc của mình. Đức Chúa Trời đã mở những phiên toà bằng cách gọi phe Ngài ra tranh luận, nhấn mạnh cách đối đãi nhân từ của Ngài với dân sự từ buổi ban đầu.Ngài cứu họ ra khỏi tình cảnh nô lệ ở Ai Cập Ngài ban họ những lãnh đạo, là những người dẫn dắt họ qua đồng vắng trong sự giúp đỡ của Ngài và Ngài dẫn họ vào sản nghiệp như được hứa cho họ. Dĩ nhiên, qua hành trình nầy, Đức Chúa Trời đã kiên nhẫn chịu đựng sự vô tín, bất tuân, và sự phàn nàn của họ (Thi 106:1-48).

Có đến 3 lần, Ba-lác, vua Mô-áp, đã ra lệnh cho Ba-la-am rủa sả Y-sơ-ra-ên, nhưng Đức Chúa Trời biến sự rủa sả đó thành ơn phước (Dan 22:1-24:25 Phu 23:5 Ne 13:2). Y-sơ-ra-ên thậm chí không biết rằng trận chiến thuộc linh nầy vẫn tiếp tục tuy nhiên Đức Chúa Trời đã bảo vệ dân sự Ngài. Dân Do Thái đã làm gì đáp trả? Họ trở nên thân thiết với dân Mô-áp, tham dự những nghi lễ tôn giáo thờ thần tượng của người Mô-áp, và phạm tội thông dâm với đàn bà Mô-áp! (Dan 25:1-18). Những gì Ba-la-am không thể làm được qua sự rủa sả của mình, chính dân Do Thái đã làm vì tính dâm dục của họ.

Cụm từ “từ Si-tim đến Ghinh-ganh” (Mi 6:5) nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ sự kiện vượt qua sông Giô-đanh và bước vào Đất Hứa (Gios 3:1-4:24). Chính Đức Chúa Trời mở và đóng Biển Đỏ, cũng mở và đóng Sông Giô-đanh để dân sự Ngài có thể hưởng được sản nghiệp mình cho họ những điều mà họ không thể làm cho mình, nhưng họ không nhớ.

Dân sự Đức Chúa Trời nên biết quá khứ và ghi nhớ với lòng biết ơn vì tất cả những gì Đức Chúa Trời làm cho họ. Từ “nhớ lại” được tìm thấy ít nhất mười bốn lần trong sách Phục truyền, và dân Do Thái thường được nhắc phải dạy cho con cái họ những việc quyền năng của Đức Chúa Trời (Xu 10:2 Xu 13:8 14 Phu 6:20 Gios 22:24 Thi 78:1-8).

Trong khi chúng ta không nên sống trong quá khứ, chúng ta phải rút ra bài học từ quá khứ, nếu không chúng ta lại phạm vào chính những tội của quá khứ. Như triết gia Goerge Santayana đã viết, “Người nào không thể nhớ quá khứ thì buộc phải lặp lại quá khứ.” Vì Y-sơ-ra-ên không nhớ sự nhân từ của Đức Chúa Trời (Thi 106:7), họ cũng quên những mạng lệnh của Ngài. Kết quả là tấm lòng họ cứng cỏi, họ cố tình chống nghịch ý muốn Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có quyền hỏi họ, “Ta đã làm gì cho ngươi mà ngươi đối cùng Ta như vậy?

Giờ đây dân sự trả lời Đức Chúa Trời (Mi 6:6-7). Thay vì xưng những tội lỗi mình hoặc đừng nín lặng vì ý thức được tội lỗi mình (Ro 3:19), họ muốn biết họ có thể làm gì để chạy tội. Yêu cầu của họ cho thấy đời sống thuộc linh của họ nông cạn như thế nào và họ không biết gì về sự gián ác của mình và giá cao của sự tha thứ.Họ giống như người trai trẻ giau có thật sự không biết mình là một tội nhân bị kết án trước mặt Đức Chúa Trời (Mac 10:17-27), nhưng họ không giống như những người trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, là những người tan vỡ và khóc lóc mà rằng, “chúng ta phải làm chi?” (Cong 2:37)

Chúng ta nghĩ rằng những người hỏi câu nầy quan tâm mặc cả với Đức Chúa Trời và “đút lót” Ngài, vì họ đang ra giá. “Có phải chúng tôi nên dâng một vài của lễ thiêu?Nếu như vậy chưa đủ, có lẽ chúng tôi phải dâng hàng ngàn của lễ, như Sa-lô-môn đã dâng (IVua 3:4 IVua 8:63)? Các dòng sông dầu có làm Ngài vui lòng không? Còn về của lễ cuối cùng: chính thể xác và huyết của chúng ta dâng trên bàn thờ như Áp-ra-ham đã dâng Y-sác thế nào? Nhưng Đức Chúa Trời không trả giá với các tội nhân, và không có của lễ nào của họ có thể tẩy sạch những tội lỗi họ.

“Ăn năn” mà không thật lòng và không tin nơi sự nhân từ của Đức Chúa Trời chỉ làm tội tỗi tăng thêm và lương tâm lu mờ hơn. Nghĩ rằng mình đã đủ tốt để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, dân sự đã hỏi Chúa Giê-xu, “Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc Đức Chúa Trời? Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Các ngươi tin Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài” (Gi 6:28-29). Đức tin thật đến từ tấm lòng tan vỡ trong sự ăn năn và nhận biết bằng không có việc lành nào có thể chuộc được tội lỗi (Cong 20:21 Cong 26:20 Eph 2:8-9).

Tiên tri nói với dân sự (Mi 6:8) và cho họ biết chính xác những điều Đức Chúa Trời mong muốn mỗi người trong họ làm. Đó là vấn đề riêng tư mà mỗi cá nhân phải nhận biết. Câu trả lời của ông nhấn mạnh đến nếp sống đạo đức và luân lý, không phải những nghi lễ tôn giáo.1 Dĩ nhiên chúng ta không thể “làm sự công bình” nếu chúng ta không được xưng công bình bởi đức tin và nên ngay thẳng đối với Đức Chúa Trời (Thi 32:1-2 Ro 4:1-8). Và làm thế nào chúng ta có thể “ưa sự nhân từ” nếu chúng ta không có kinh nghiệm cá nhân về sự nhân từ của Đức Chúa Trời? (Eph 2:4 Tit 3:5). Nếu chúng ta muốn “bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời”, trước hết chúng ta phải hạ mình phủ phục trước Ngài, xưng tội lỗi mình, và cầu xin sự tha thứ của Ngài (Lu 14:11 Gia 4:10).

Thí dụ của Chúa Giê-xu về người Pha-ri-si và người thâu thuế trong đền thờ (Lu 18:9-1:4) minh hoạ ba ý. Người thâu thuế được xưng công bình bởi đức tin, không phải bởi những việc lành mà người Pha-ri-si khoe khoang. Vì người thâu thuế nương cậy nơi sự nhân từ của Đức Chúa Trời để cứu mình, ông hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời. Mặt khác, người Pha-ri-si báo với Đức Chúa Trời (và những người đang có mặt trong đền thờ) ông ta tốt như thế nào và vì vậy ông xứng đáng được sự sống đời đời thế nào.

Nói rằng Mi 6:8 là câu Kinh Thánh ngụ ý về sự cứu rỗi là hiểu sai những gì tiên tri đang nói với dân sự bất tuân của Đức Chúa Trời. Không ai trong chúng ta có thể làm được những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi cho đến khi chúng ta đến với Ngài như những tội nhân tan vỡ cần được tha thứ. Những người không được cứu, là những người nghĩ rằng họ đang làm sự công bình, yêu mến sự nhân từ, và bước đi khiêm nhường với Đức Chúa Trời, chỉ là những người đang tự lừa dối mình, bất kể đời sống họ có tỏ ra đạo đức thế nào đi nữa. “Không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài” (Tit 3:5).

Dân sự mà Mi-chê đang chăn dắt không hiểu được ý nghĩa nầy trong các sứ điệp của ông. Chính cái sự thật là họ phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời nên là động lực để họ xoay bỏ tôn giáo nông cạn của họ mà khiêm nhường và tìm kiếm sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Những người Đức Chúa Trời có thể cứu là những người hư mất những người Đức Chúa Trời có thể cứu là những người phạm tội. Nếu chúng ta thấy mình như Đức Chúa Trời thấy chúng ta, thì chúng ta có thể bởi đức tin trở nên người mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta trở nên.

2. Vì sự đoán phạt gần kề, hãy tin cậy Đức Chúa Trời (Mi 6:1-8) (Mi 6:9-7:7)

Lần thứ hai trong sứ điệp nầy, Mi-chê hét lên với dân sự , “Hãy nghe! ” (c.1,9) Giống những đám đông mà Chúa Giê-xu giảng dạy, những người Do Thái nầy có tai để nghe Lời Ngài, nhưng họ không thể nghe lẽ thật của Đức Chúa Trời trong những lời ấy (Mat 13:9,43). Họ thiếu nhận thức thuộc linh.

Đức Chúa Trời nói về tội lỗi và những hậu quả của nó (Mi 6:9-16). Đức Chúa Trời kêu gọi dân thành Giê-ru-sa-lem hãy kính sợ danh Ngài và lưu ý những gì Ngài phán bảo vì nếu không kính sợ Đức Chúa Trời, họ không thể hiểu biết và khôn ngoan (Ch 1:7). Đức Chúa Trời đặc biệt lên án những thương buôn vì sự gian lận của họ (Mi 6:10-12). Họ dùng cân và thước non để bán hàng (Le 19:35-36 Phu 25:13-16).

Tại sao tội nầy làm buồn lòng Đức Chúa Trời nhiều như vậy?Vì khi gian lận, những nhà buôn nầy đang bóc lột và lợi dụng người nghèo khó trong xứ, là những người được Đức Chúa Trời quan tâm (Am 8:4-10). Luật lệ kinh tế theo Môi-se dành sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo, nhưng những nhà buôn giàu có trong thời Mi-chê đã bỏ qua luật lệ nầy. Họ đã cướp của người nghèo cả sự công bằng và những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, tội nầy Đức Chúa Trời không thể bỏ qua.

Hơn nữa, ngoài việc làm cân giả và hối lộ toà án, những người giàu đã công khai dùng bạo lực (Mi 6:12 Mi 2:2 Mi 3:1-3). Họ dùng vũ lực ép người khác ra khỏi nhà và xứ và bỏ mặc người ta trong cảnh không nhà, không tiền, không ai giúp đỡ. Khi người nghèo cố nhờ tòa án bảo vệ mình, thì người giàu đã nói dối và thuyết phục các quan chức rằng những việc làm của mình không sai trái.

Nhưng Đức Chúa Trời qui định con người sẽ gặt những gì mình đã gieo, hoặc tốt hay xấu (Os 8:7 Ga 6:7-8). Vì vậy, sự đoán phạt phải giáng trên “những nhà tư bản bóc lột” trong xứ. Thật vậy, Đức Chúa Trời đả cảnh báo về hai sự đoán phạt khác nhau (Mi 6:14-16). Sự đoán phạt thứ nhất (c.13-15) đang trên tiến trình của nó cách từ từ và bí mật, nhưng rất triệt để. “Vậy nên ta đánh ngươi, làm cho ngươi bị thương nặng, và khiến ngươi hoang vu vì cớ tội lỗi ngươi” (c.13). Sự đoán phạt nầy là sự suy thoái hệ thống kinh tế của họ, bao gồm các mùa màng của họ và những vụ đầu tư của họ, và cả những gì họ đã thâu trữ. Mọi thứ mà những nhà buôn nầy tích góp để làm mình vui lòng sẽ biến mất, và bất cứ thứ gì họ cố gắng đề có được sẽ không đem lại cho họ niềm vui nào. (Xem những lời cảnh báo của Đức Chúa Trời trong Phu 28:15).

Sự đoán phạt thứ hai (Mi 6:16) sẽ đến thình lình và công khai: toàn bộ đất nước sẽ sụp đổ dưới tay của Ba-by-lôn. Việc Mi-chê nói về Ba-by-lôn như kẻ xâm lược (Mi 4:10)đáng quan tâm, vì Ba-by-lôn không phải là nước mạnh và có ảnh hưởng trên thế giới lúc bấy giờ. Người ta khiếp sợ A-si-ri, và A-si-ri đã phá huỷ Vương Quốc Phía Bắc vào năm 722 và gây thiệt hại lớn cho Giu-đa năm 702. Nhưng vào khoảng thời gian Ba-by-lôn chấm dứt mọi quan hệ với Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, đất nước nầy bị tan rã và dân chúng bị chế nhạo. Tội lỗi của dân sự đã vạch trần họ.

Đức Chúa Trời muốn dùng sự đoán phạt ở Vương Quốc Phía Bắc để cảnh tỉnh và cảnh cáo dân Giu-đa, Vương Quốc Phía Nam, nhưng họ không nghe. Lời chống chế của họ là, “Điều ấy không thể xảy ra ở đây đâu. Chúng ta có đền thờ ở đây! ” Nhưng họ không vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời cũng không tôn trọng nhà của Ngài. Thay vì vậy, họ đang bắt chước theo sự bất kính của hai vua Y-sơ-ra-ên, Om-ri và A-háp, cả hai người nầy “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, ăn ở tệ hơn các người tiền bối người” (IVua 16:25,30). Họ nên sống theo nếp sống tin kính của Vua Đa-vít, bởi chính vì cớ Đa-vít mà Đức Chúa Trời đã kiềm giữ sự đoán phạt khá lâu (IVua 11:13,32,34,36 IVua 15:4).

Tiên tri nói về sự khốn nạn của mình (Mi 7:1-7). Tiên tri không chỉ rao truyền sứ điệp của Đức Chúa Trời bằng môi miệng mình, họ còn cảm nhận gánh nặng dân sự trong lòng họ. Giê-rê-mi đã khóc vì tội lỗi của đất nước trong thời của ông và ao ước mình có thể khóc được nhiều hơn nữa (Gie 9:1), và Mi-chê than khóc vì không còn người tin kính nào trong xứ. Tìm kiếm một người tin kính khó như tìm trái cây mùa hạ sau khi người ta đã thu hoạch.3

Mi-chê so sánh những quan chức gian ác với những tay thợ săn, họ đan lưới và quăng bắt những người ngheo khó. Những quan chức và các quan xét nầy có tài đan lưới (bóp méo luật pháp để họ có thể cướp bóc của người không cảnh giác), nhưng họ không giỏi trong việc vâng phục những luật lệ của Đức Chúa Trời. Họ giống như cây thạch nam và gai nhọn làm đau dân sự, trong khi họ phải giống những người chăn biết quan tâm để chăm lo cho dân sự.

“Ngày của kẻ canh giữ ngươi” chỉ về ngày đoán phạt khi những kẻ canh giữ trên các vách thành nhìn thấy kẻ thù kéo đến và báo hiệu cho dân chúng. Những tiên tri của Đức Chúa Trời là những người canh giữ của Ngài (Exe 3:18-21) liên tục cảnh báo dân sự, nhưng các lãnh đạo sẽ không nghe. Họ thích lời nói dối hơn lẽ thật và điều đó gây ra “ngày … bối rối” (Mi 7:4).

Sự bối rối nầy đến với từng giai cấp trong xã hội. Mi-chê không chỉ đau lòng vì sự thối nát của các quan chức, ông còn buốn vì sự bất trung của dân thường trong xứ (câu 5-6). Bạn không thể tin bất cứ người nào! Khi lẽ thật không còn là tiêu chuẩn cho xã hội, thì mọi thứ bắt đầu sụp đổ vì đối với thế giới của chúng ta, sự trung thành là chất hàn gắn để giữ cho xã hội liên kết với nhau. Nó đã đi đến chỗ người láng giềng không thể tin nhau, bạn bè không thể tin nhau, và thậm chí chồng vợ cũng không thể tin tưởng nhau. Đơn vị cơ bản của xã hội Do Thái, gia đình, đang nhanh chóng tan rã. (Chúa Giê-xu đã trích Mi 7:6 trong Mat 10:36).

Trong tình trạng kinh khủng của đất nước và sự đoán phạt đang đến gần, chẳng phải là khôn ngoan khi từ bỏ tội lỗi để trở về cùng Đức Chúa Trời sao? Chẳng phải là khôn ngoan khi tin vào IISu 7:14 và tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời đề Ngài hàn gắn đất nước sao? Nhưng những tội nhân không làm những việc khôn ngoan đó, vì mắt của họ đã mù khi họ đi trong sự tối tăm (Gi 3:19-21).

Mi 6:9-10 xem giải nghĩa Mi 6:1-8

Mi 7:1-6 xem giải nghĩa Mi 6:1-8

3. Vì sự nhân từ cả thể của Đức Chúa Trời, hãy tin cậy Ngài (Mi 7:7-20)

Tiên tri đi đến một bước ngoặc khi ông không nhìn vào tội lỗi dân sự nữa nhưng suy gẫm sự thành tín của Đức Chúa Trời. “Nhưng ta, ta sẽ nhìn xem Đức Giê-hô-va, chờ đợi Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi ta Đức Chúa Trời ta sẽ nghe ta’ (c.7). Ông “thức canh và cầu nguyện” và chỉ tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Câu Kinh Thánh nầy là “cầu nối” giữa những phần nói về tội lỗi và sự đoán phạt với phần kết nói về niềm hy vọng.

Trong phần kết của sứ điệp thứ ba của Mi-chê, chúng ta phải phân biệt những tiếng nói của: dân sự (c.8-10), tiên tri (11-13), Đức Chúa Trời (14-15) và của tiên tri một lần nữa (16-20). Chúng ta cũng phải nhận ra rằng Mi-chê đang nhìn lại hàng thế kỷ với sự hiện thấy của tiên tri cho đến thời Y-sơ-ra-ên đối diện sự khốn khổ lớn và bước vào vương quốc đã được hứa.Những cuộc đánh chiếm của dân A-si-ri và Ba-by-lôn chỉ là sự tiên báo cho kỳ khốn khổ hầu đến. Nhưng tương lai sẽ đem lại chiến thắng cho dân sự Đức Chúa Trời, không phải là thất bại, khi Đức Chúa Trời làm trọn những lời hứa của Ngài và thiết lập vương quốc.

Tiếng của dân sự (Mi 7:8-10). Có lẽ tiên tri đang nói thay cho dân sót khi ông mô tả đức tin và sự can đảm của họ. Kẻ thù hả hê vì sự thất bại của dân Do Thái và buông lới chế giễu, “Chớ nào Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ở đâu?” (c.10 Thi 42:3,10 Thi 79:10 Thi 115:2)4Nhưng những người nầy tin cậy Đức Chúa Trời và tin chắc rằng, dù họ đã thất bại nhưng họ sẽ đứng lên, dù họ đang ở trong tăm tối nhưng rồi họ sẽ đánh bại các kẻ thù và giày đạp họ như bùn trên đường.

Vì những sự kiện nầy không xảy ra sau những cuộc xâm chiếm của A-si-ri và Ba-by-lôn, chúng được định cho tương lai. Theo Chúa Giê-xu, dân Do Thái sẽ trải qua một cơn khốn nạn lớn và trở thành mục tiêu cho tất cả các dân ngoại bang trong thời sau rốt (Mat 24:15-31). Nhưng cuối cùng, Đấng Christ sẽ trở lại và ban cho dân sự Ngài một chiến thắng khải hoàn.

Tiếng của tiên tri (Mi 7:11-14). Mi-chê nói với thành Giê-ru-sa-lem và bảo đảm với nó rằng, dù nó bị tấn công và phá huỷ, nhưng sẽ có một ngày nó được xây dựng lại. Các tiên tri dùng những từ sinh động để nói về việc Y-sơ-ra-ên sẽ có một thành và đền thờ mới (Es 2:1-5 Exe 40:1-48:35). Không chỉ có vậy, các biên giới của đất nước sẽ được mở rộng hơn lãnh thổ nó có trước đây.

Trong ánh sáng của lời hứa vĩ đại nầy, tiên tri hướng lòng mình lên Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện (Mi 7:14) và cầu xin Ngài làm Người Chăn thành tín của Y-sơ-ra-ên và chăn dắt dân sự Ngài xem Mi 5:4 Es 40:11 Thi 80:1). Mi-chê ao ước về “những ngày xưa” khi xứ sở yên bình và màu mở và dân sự như bầy chiên ngoan ngoãn đi theo Người Chăn của họ.

Tiếng của Đức Chúa Trời (Mi 7:15). Đức Chúa Trời đáp lời cho người đầy tớ trung thành của Ngài và bảo đảm với ông rằng Ngài sẽ quan tâm và săn sóc bầy của Ngài như trước đây khi họ vừa ra khỏi Ai-cập. Hình ảnh về “Sự ra khỏi Ai-cập” đôi khi được dùng trong Kinh Thánh để chỉ về sự kiện dân Do Thái được “ra khỏi” các nước thế gian để về xứ mình (Es 11:15-12:6 35:8-10 Es 43:14-20 Es 51:9-11). Đức Chúa Trời sẽ thực hiện những việc lớn lạ cho dân sự Ngài váo một thời điểm trong lịch sử khi các nước khác hiệp lại chống nghịch họ.

Tiếng của tiên tri (Mi 7:16-20). Khi Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập và Đức Chúa Trời mở biển, các nước khác nghe về việc đó và kinh hãi (Xu 15:14-16 Gios 2:8-11). Nhưng những phép lạ mà Đức Chúa Trời sẽ làm cho dân Y-sơ-ra-ên trong kỳ sau rốt sẽ làm các nước giật mình càng hơn. Các dân ngoại bang sẽ thấy quyền năng của Đức Chúa Trời và xấu hổ cúi mặt và không thể làm gì hơn. Họ sẽ “sấp mình xuống đất” như những con rắn và chịu nhục nhã. Họ sẽ bước ra khỏi chỗ núp để đầu phục Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là một chiến thắng hoàn toàn cho Y-sơ-ra-ên.

Nhưng sự kiện quan trọng nhất không phải là sự chiến thắng của Y-sơ-ra-ên trên các kẻ thù nhưng là sự chiến thắng của Đức Chúa Trời trên Y-sơ-ra-ên. Các tiên tri tin nơi bản tính không hề thay đổi của Đức Chúa Trời. “Ai là Đức Chúa Trời giống như Ngài?” (Mi 7:18) nhắc chúng ta nhớ nghĩa của tên Mi-chê, “Ai giống như Đức Giê-hô-va?” Ngài là Đức Chúa Trời xá tội, tha thứ những sự vi phạm và thích tỏ lòng nhân từ. Ngài thương xót dân sự Ngài và giải quyết tội lỗi họ bằng một hành động cuối cùng. Một số học giả thấy sự ra khỏi Ai Cập của dân Y-sơ-ra-ên được minh hoạ trong câu 19. Quân Ai Cập bị vùi lấp dưới đáy biển Đỏ và chết trong vũng lầy.

Mi-chê biết rằng Đức Chúa Trời sẽ không rút lại những lời hứa của Ngài hoặc những giao ước Ngài lập với dân sự Ngài. Dân sự không luôn luôn trung thành với Đức Giê-hô-va, nhưng Ngài sẽ trung tín với họ (IITi 2:12-13). Những gì Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, cha của dân tộc, Ngài sẽ thực hiện trong các con cháu của ông ta, Mi-chê có thể đã hát:

Đức Chúa Trời, nền đá muôn đời. Con mãi tin cậy nơi Lời Ngài.

Trong sự giáng sinh của Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời đã làm trọn một vài lời hứa mà Ngài đã lập với dân Do Thái (Lu 1:72-73), và Ngài cũng sẽ thực hiện những lời hứa còn lại. “Vì chưng cũng như các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong Ngài cả, ấy cũng bởi Ngài mà chúng tôi nói "A-men, " làm sáng danh Đức Chúa Trời” (IICo 1:20).

Một vài phân đoạn Kinh Thánh có chứa thuyết thần học như Mi 7:18-20. Chúng ta thấy trong chúng một sự phản ánh về những điều Đức Chúa Trời phán với Môi-se trên núi (Xu 34:5-7). Chúng ta càng biết nhiều về bản tánh của Đức Chúa Trời, chúng ta càng có thể tin cậy Ngài hơn. Chúng ta càng biết nhiều về những lời hứa và giao ước của Đức Chúa Trời, chúng ta càng được bình an trong tâm hồn mình khi mọi thứ xung quanh chúng ta sụp đổ. Khi Mi-chê viết lời tuyên xưng đức tin của ông, tương lai dường như mờ mịt, nhưng ông có hy vọng vì ông biết Đức Chúa Trời và hoàn toàn tin cậy Ngài.

Dù ngày có tăm tối thế nào, ánh sáng từ những lời hứa của Đức Chúa Trời vẫn đang chiếu rọi. Dù hoàn cảnh của chúng ta khó khăn và kinh khủng thế nào, bản tánh của Đức Chúa Trời vẫn y nguyên.

Bạn có mọi lý do để tin cậy Ngài!