- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Giải Nghĩa Kinh Thánh của Warren W. Wiersbe
1. KIÊN TRÌ VÀ THA THỨ (Gion 1:1-2:11)
Hầu hết mọi người đều quá quen thuộc câu chuyện về Giô-na, nên câu chuyện không làm họ ngạc nhiên nữa, kể cả việc câu chuyện bắt đầu bằng từ “and” (bản NIV & NASB bỏ từ đó). Nếu tôi mở đầu một trong các sách của mình bằng từ “and”, nhà xuất bản chắc sẽ phân vân cho rằng thiếu một phần nào đó, hoặc nghi ngờ khả năng sử dụng tiếng Anh của tôi.
Sách Giô-na là một trong 14 sách của Cựu Ước mở đầu bằng từ “and”. Những sách này nhắc chúng ta câu chuyện của Đức Chúa Trời về ơn lành và lòng nhân từ. Dù được cấu thành từ 66 sách khác nhau, nhưng Kinh Thánh chỉ nói về một chuyện duy nhất, và Đức Chúa Trời vẫn truyền sứ điệp đó đến chúng ta, mặc dù chúng ta thường không để tâm lắng nghe. Ngài phải nhẫn nhục vì chúng ta cho đến bao giờ! ?
Sách Giô-na viết về những gì? Nó không chỉ chép về con cá lớn (đề cập 4 lần), hoặc về thành lớn (nhắc đến 9 lần) hoặc về một tiên tri không vâng lời (đề cập 18 lần) mà chính là viết về Đức Chúa Trời! Đức Giê-hô-va được đề cập 38 lần trong 4 chương ngắn ngủi đó, và nếu bạn loại bỏ Ngài ra khỏi sách Giô-na, thì câu chuyện sẽ không còn ý nghĩa. Sách Giô-na viết về ý chỉ của Đức Chúa Trời và cách chúng ta đáp lại ý chỉ đó. Nó cũng nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời và cách chúng ta chia sẻ tình yêu thương đó với người khác.
Trong hai đoạn đầu, Giô-na có ba kinh nghiệm:
1. Chống đối (Gion 1:1-16)
Giô-na chắc hẳn là một người nổi tiếng trong dân Y-sơ-ra-ên, vì lời tiên tri của ông đã được ứng nghiệm đó là dân sự sẽ lấy lại được vùng lãnh thổ bị mất từ tay kẻ thù nghịch (IIVua 14:25). Đó là những ngày hòa bình và thịnh vượng trong nước Y-sơ-ra-ên, nhưng chúng chỉ là những ngày mùa thu đến trước mùa đông kinh khiếp của sự đoán phạt.
Giô-na, một tiên tri không vâng lời kêu gọi của Đức Chúa Trời (Gion 1:1-3). Giô-na gặp khó khăn vì thái độ sai trái của mình. Đầu tiên, ông phản ứng trước ý muốn của Đức Chúa Trời. Việc vâng theo ý chỉ Đức Chúa Trời là rất quan trọng đối với tôi tớ Ngài, dân sự Ngài. Trong sự vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta tìm được sự nuôi dưỡng tâm linh (Gi 4:34), sự thông sáng (Gi 7:17) và sự dạy dỗ (He 13:21). Đối với Chúa Giê-xu, ý chỉ Đức Chúa Trời là thức ăn làm thỏa lòng Ngài; đối với Giô-na, ý chỉ Đức Chúa Trời là thứ thuốc làm ông nghẹt thở.
Thái độ sai trật của Giô-na đối với ý muốn của Đức Chúa Trời phát sinh từ suy nghĩ rằng Đức Giê-hô-va buộc ông phải làm điều không thể làm được. Đức Chúa Trời sai tiên tri Giô-na đi đến gặp kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên, là dân A-sy-ri, và cho thành Ni-ni-ve cơ hội để ăn năn, còn Giô-na chỉ muốn thành ấy bị tiêu diệt. Dân A-sy-ri là dân rất độc ác, thường ngược đãi dân Y-sơ-ra-ên và l2ong yêu nước hẹp hòi của Giô-na lấn át ý nghĩa thần học (2). Giô-na quên rằng ý muốn của Đức Chúa Trời là thể hiện tình yêu thương của Ngài (Thi 33:11) và việc Đức Chúa Trời kêu gọi ông đến Ni-ni-ve vì Ngài yêu thương cả Giô-na và dân thành Ni-ni-ve.
Giô-na cũng có thái độ sai trật đối với Lời Đức Chúa Trời. Khi Lời Chúa đến với ông, Giô-na nghĩ ông có thể “nghe theo hoặc khước từ”. Nhưng khi Lời Chúa phán cùng chúng ta, chúng ta phải nghe và vâng phục. Sự không vâng phục không có chỗ trong việc chọn lựa của chúng ta. “Sao các ngươi gọi ta Chúa, Chúa, mà không làm theo lời ta phán” (Lu 6:46).
Giô-na quên rằng làm tiên tri là một đặc ân lớn để được nghe lời Đức Chúa Trời, và biết ý chỉ Ngài. Đó là lý do ông từ bỏ trách nhiệm của nhà tiên tri và chạy trốn khỏi Ni-ni-ve mà đi theo hướng ngược lại. (3). Giô-na biết rằng ông không thể trốn khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời (Thi 139:7-12), nhưng ông nghĩ mình có quyền từ bỏ sứ mạng Chúa giao phó. Ông quên rằng “sự ban cho và sự kêu gọi của Đức Chúa Trời chẳng hề đổi lại được bao giờ” (Ro 11:29). Một vài lần trong khi thi hành chức vụ, Môi-se, Ê-li và Giê-rê-mi muốn từ bỏ trách nhiệm nhưng Đức Chúa Trời không cho phép. Giô-na cần Ni-ni-ve giống như Ni-ni-ve cần Giô-na. Làm trọn ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta được tăng trưởng trong ơn lành và trở nên càng giống Cứu Chúa hơn.
Giô-na có thái độ sai đối với hoàn cảnh, ông nghĩ hoàn cảnh ủng hộ ông, trong khi thật ra nó đang chống lại ông. Giô-na trốn đến Giốp-pha (4) và thấy con tàu đang đợi ông ở đó! Ông có đủ tiền trả cho một chuyến đi, có thể bước xuống tàu nằm ngủ mê man đến nỗi không hay biết cơn bão đang dữ dội bên ngoài. Có thể trốn tránh ý muốn Đức Chúa Trời mà vẫn gặp những hoàn cảnh thuận lợi. Bạn có thể chống lại Đức Chúa Trời và gặp những hoàn cảnh an toàn giả tạo trước mắt, kể cả một giấc ngủ ngon lành. Trong ý muốn Đức Chúa Trời, Ngài đang chuẩn bị sẵn sự thất bại cho Giô-na.
Cuối cùng, Giô-na có thái độ sai đối với dân ngoại bang. Thay vì giúp đỡ họ tìm kiếm Đức Chúa Trời chân thật và Hằng sống, ông lại muốn bỏ mặc họ trong sự tối tăm và sự chết thuộc linh. Ông không chỉ ghét tội lỗi họ, và dân A-sy-ri là kẻ thù tàn ác, ông còn ghét những tội nhân. Thành Ni-ni-ve nên bị tiêu diệt tốt hơn là để dân A-sy-ri sống và tấn công Y-sơ-ra-ên.
Giô-na, người Do Thái trở nên lời rủa sả thay cho nguồn ơn phước (Gion 1:4-10). Đức Chúa Trời muốn dân Do Thái nên nguồn phước cho tất cả các dân trên đất (Sa 12:1-3) nhưng khi dân Do Thái trốn tránh ý chỉ của Đức Chúa Trời, họ đã đem lại khó khăn thay vì ơn phước (5). Áp-ra-ham đã hai lần gây ra khó khăn cho dân sự vì ông nói dối (c.10-20 Sa 20:1-18). A-can đem lại khó khăn cho đội quân Y-sơ-ra-ên vì ăn cắp của Đức Chúa Trời (Gios 7:1-14) và Giô-na đem khó khăn đến cho các thủy thủ người ngoại bang trên tàu vì ông chạy trốn Đức Chúa Trời. Xem xét tất cả những điều Giô-na đánh mất vì ông không phải là nguồn phước cho người khác.
Trước hết ông không còn nghe tiếng của Đức Chúa Trời (Gion 1:4). Chúng ta không đọc rằng “lời của Đức Chúa Trời phán cùng Giô-na” nhưng lại là cơn bão lớn đang gầm rú. Đức Chúa Trời không phán với Giô-na bằng lời êm dịu của Ngài nữa, Ngài đang phán với ông qua việc làm: biển, gió, mưa, sấm và con cá lớn. Mọi vật trong thiên nhiên đều vâng phục Đức Chúa Trời, chỉ có tôi tớ Ngài thì không! Đức Chúa Trời vẫn còn phán với Giô-na qua các thủy thủ ngoại đạo (c.6,8,10), những người không biết Đức Giê-hô-va. Thật đáng buồn khi một tôi tớ của Đức Chúa Trời bị người ngoại bang quở trách.
Giô-na còn đánh mất năng lực thuộc linh (c.5b). Ông ngủ say trong khi cơn bão diễn ra dữ dội và hoàn toàn không quan tâm đến sự an nguy của người khác. Các thủy thủ phải ném hàng hóa khỏi tàu, và Giô-na sắp phải mất tất cả nhưng vẫn còn mê ngủ. “Ngủ một chút, chợp mắt một chút. Khoanh tay ngủ một chút, thì sự nghèo của con sẽ đến như một kẻ đi dạo, và sự thiếu thốn của con áp tới như một kẻ cầm binh khí” (Ch 24:33-34).
Giô-na mất quyền năng trong lời cầu nguyện (Gion 1:5-6). Các thủy thủ ngoại đạo đang kêu cầu các thần của họ giúp đỡ trong khi Giô-na vẫn ngủ suốt giờ nhóm cầu nguyện, ông là người duy nhất trên tàu biết Đức Chúa Trời Chân Thần và có thể cầu nguyện với Ngài. Dĩ nhiên, Giô-na trước hết phải xưng tội của mình và quyết tâm vâng phục Đức Chúa Trời, có điều gì đó làm ông không sẵn lòng. “Nếu lòng tôi có chú về tội ác, ắt Chúa chẳng nghe tôi” (Thi 66:18) (6). Nếu Giô-na cầu nguyện, lời cầu xin của ông sẽ không được nhậm. Mất quyền năng trong lời cầu nguyện là một trong những dấu hiệu đầu tiên rằng chúng ta đang xa cách Đức Chúa Trời và cần cư xử phải lẽ với Ngài.
Đáng buồn khi nói rằng Giô-na đánh mất sự làm chứng của ông (Gion 1:7-10). Giô-na thật đã không cư xử xứng với tên gọi của ông (7), vì Giô-na nghĩa là “chim bồ câu” và chim bồ câu là biểu tượng cho hòa bình. Cha của Giô-na có tên A-mi-tai, nghĩa là “trung tín, thành thật”, điều mà Giô-na không có. Chúng ta đã thấy ông sống không xứng với địa vị của một người Do Thái, vì ông không đem lại cho mọi người ơn lành, nhưng chỉ là những khó khăn. Ông cũng sống không xứng với địa vị một tiên tri vì ông không đem đến cho mọi người sứ điệp từ Đức Chúa Trời. Khi bốc thăm trúng Giô-na là người có lỗi, ông không còn tránh khỏi sự quyết định nữa.
Giô-na đã kể với thủy thủ đoàn rằng mình đang chạy trốn Đức Chúa Trời, nhưng bây giờ ông nói cho họ biết, ông là tiên tri của Ngài, Đấng đã tạo dựng nên trời, đất và biển. Lời nói này làm cho các thủy thủ càng thêm sợ hãi. Đức Chúa Trời tạo dựng nên biển đó đang trừng phạt tôi tớ Ngài, đó là lý do họ đang gặp nguy hiểm!
Giô-na, kẻ chống đối chịu đau khổ vì tội lỗi mình (Gion 1:11-17). Charles Spurgeon nói rằng Đức Chúa Trời không bao giờ cho phép con cái Ngài phạm tội cách hoàn toàn, và Giô-na là cội rễ chân lý của câu nói đó, “vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt” (He 12:6).
Chúng ta sẽ sai lầm khi gọi Giô-na là người tuận đạo, vì ông không xứng đáng được gọi như vậy. Người tuận đạo chết vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, nhưng Giô-na muốn chết vì thà chịu chết một cách ích kỷ còn hơn vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời! (8) Ông không đáng được ngang hàng với Môi-se (Xu 32:30-35), Ê-xơ-tê (Et 4:13-17) và Phao-lô (Ro 9:1-3), những người này sẵn sàng giao phó đời sống mình cho Đức Chúa Trời để cứu người khác. Giô-na chỉ lãnh nhiệm mạng rao giảng chân lý, không phải giao đời sống ông trong chính đôi tay ông (?). Giô-na nên đầu phục Đức Chúa Trời và xin Ngài ban mạng lệnh cho ông. Nếu Giô-na quì gối xưng nhận tội lỗi mình với Đức Chúa Trời, ông chắc đã nhìn thấy cơn bão dừng lại, và đó là cơ hội rất tốt cho ông có thể làm chứng trên tàu.
Điều thật ý nghĩa ở đây là các thủy thủ ngoại đạo lúc đầu không làm theo lời Giô-na yêu cầu mà cố hết sức cứu con tàu. Họ đã vì Giô-na hơn Giô-na sẵn lòng vì họ. Khi họ thấy tình trạng trở nên tuyệt vọng, họ cầu xin Đức Chúa Trời của Giô-na tha thứ cho họ vì phải ném Giô-na xuống biển trong cơn bão dữ dội đó. Đôi lúc, những người chưa được cứu đã làm cho các tín đồ phải hổ thẹn vì sự chân thành, thông cảm và hy sinh của họ.
Tuy nhiên, các thủy thủ ngoại đạo này có biết một số giáo lý thần học cơ bản như: sự hiện diện của Đức Chúa Trời qua Giô-na, sự đoán phạt của Ngài vì tội lỗi, tội lỗi của họ trước mặt Ngài, quyền năng tối cao của Ngài trên vật thọ tạo. Họ xưng nhận “Hỡi Đức Giê-hô-va, vì chính Ngài là Đấng đã làm điều mình muốn” (Gion 1:14). Tuy vậy, không có bằng chứng nào cho thấy họ sẽ từ bỏ các thần của họ, họ chỉ thờ lạy Đức Giê-hô-va chung với “các thần” riêng của họ. Họ nương dựa vào ơn thương xót của Đức Chúa Trời và ném Giô-na xuống biển đang nổi cơn thịnh nộ, và Đức Chúa Trời khiến cơn bão dừng lại.
Khi cơn bão tan đi, các thủy thủ kính sợ Đức Chúa Trời và hứa nguyện cùng Ngài. Chúng ta phân vân không biết họ làm cách nào để dâng của lễ cho Đức Chúa Trời trên con tàu đó, nhất là vì hàng hóa đã bị vứt ra khỏi tàu, nhưng sau đó chúng ta cũng không biết của lễ đó là gì và họ dâng nó thể nào. Có lẽ hình ảnh của câu 16 là họ dâng sinh vật cho Đức Giê-hô-va và hứa sẽ dâng của lễ đó cho Ngài một khi họ được lên bờ an toàn.
Một nhà truyền giáo người Anh ở thế kỷ 17, Jeremy Taylor đã nói “Đức Chúa Trời đe dọa những điều khủng khiếp nếu chúng ta không vui mừng” (???). Dĩ nhiên ông đang ám chỉ sự vui mừng với ý muốn Đức Chúa Trời cho đời sống chúng ta. Vì chúng ta nghịch cùng Ngài như Giô-na đã làm, là khiêu khích bàn tay tể trị của Ngài. Đó là lý do Westminster Catechism nói rằng “kết thúc trọng yếu của con gười là làm vinh hiển Đức Chúa Trời và vui mừng trong Ngài mãi mãi.” Chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời bằng cách vui nhận ý muốn của Ngài và làm theo bằng cả tấm lòng (Eph 6:6) và ở điểm này Giô-na đã thất bại.
Giô-na có thể nói với tác giả Thi 118:18 “Đức Giê-hô-va đã sửa phạt tôi cách nghiêm trang, nhưng không phó tôi vào sự chết.” Đức Chúa Trời dành sẵn một con cá lớn nuốt Giô-na, và bảo vệ cuộc sống ông trong ba ngày ba đêm (9). Chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa của phân đoạn này sau.
2. Ăn năn (Gion 2:1-9)
Từ trải nghiệm sự chống đối và sự sửa phạt Giô-na quay sang trải nghiệm về sự ăn năn và dâng hiến, Đức Chúa Trời nhân từ ban cho ông sự bắt đầu mới. Giô-na nghĩ rằng mình chắc phải chết dưới biển (10), nhưng khi tỉnh dậy trong bụng cá, ông nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã cứu ông. Giô-na rất tương đồng với đứa con hoang đàng trong Lu 15:11-24.Chính sự ngay lành của Đức Chúa Trời khiến ông ăn năn (Ro 2:4). Chú ý những giai đoạn trong từng trải thuộc linh của Giô-na như được mô tả trong bài cầu nguyện của ông.
Giô-na cầu xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời (Gion 2:1-2). “Giô-na từ trong bụng cá cầu nguyện” (Gion 2:1) gợi ý rằng lúc đó đã ba ngày ba đêm rồi Giô-na mới cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ, nhưng chúng ta có lẽ không nên nhấn mạnh từ “then” nhiều. Chắc chắn Giô-na đã cầu nguyện khi ông ở dưới biển sâu, chắc rằng ông sẽ chết ngạt. Đó sẽ là chuyện thường đối với mọi người và đó là hình ảnh chúng ta thấy được qua câu 5,7.
Lời cầu nguyện của Giô-na xuất phát từ nỗi đau thể xác, không phải từ thiện chí. Ông khóc với Đức Chúa Trời vì ông đang gặp nguy hiểm, không phải vì ông được vui sướng trong Ngài. Nhưng dù sao, cầu nguyện vì bị bắt buộc còn hơn không cầu nguyện. Chắc chắn dù thế nào thì tất cả các tín đồ luôn cầu nguyện với những động cơ trong sáng và thánh khiết, vì ý muốn của chúng ta và sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời đôi lúc mâu thuẫn với nhau.
Tuy nhiên, dù thật sự Giô-na đã cầu nguyện nhưng ông vẫn không vui với ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong chương 1. ông e ngại ý muốn của Chúa và chống nghịch lại ý muốn đó, nhưng bây giờ ông chấp nhận chỉ vì đó là con đường duy nhất để ông thoát hiểm. Giống như nhiều người ngày nay, Giô-na xem ý muốn của Đức Chúa Trời như một phương tiện nào đó để quay đầu lại trong tình trạng khẩn cấp, không phải là điều để sống cho cuộc sống mỗi ngày.
Giô-na bấy giờ đang trải nghiệm những điều các thủy thủ đã trải nghiệm trong cơn bão: ông nghĩ mình chắc sẽ chết (Gion 1:6,14). Rất cần thiết cho dân sự Đức Chúa Trời và đặc biệt cho các thầy tế lễ khi nhớ lại những điều như vô vọng và lạc mất. Chúng ta rất dễ cứng lòng với tội nhân và không yêu thương kẻ hư mất. Khi Đức Chúa Trời ném Giô-na xuống biển sâu, Ngài đang nhắc ông nhớ lại điều mà dân Ni-ni-ve sẽ gặp phải vì tình trạng tội lỗi của họ: họ rất tuyệt vọng và không được giúp đỡ.
Đức Chúa Trời nghe tiếng kêu cứu của Giô-na. Lời cầu nguyện là một trong những phép lạ xuất hiện thường xuyên trong đời sống Cơ-đốc. Hãy nghĩ rằng Đức Chúa Trời của chúng ta rất vĩ đại. Ngài có thể nghe lời kêu nài của hàng triệu người cùng một lúc và đáp ứng nhu cầu cho từng người. Bố hoặc mẹ có từ 2-3 con thường không thể đáp ứng hết nhu cầu của chúng cùng lúc, nhưng Đức Chúa Trời có khả năng chu cấp cho tất cả con cái Ngài, dù họ đang ở đâu hoặc nhu cầu của họ là gì. William Law đã nói rằng “Ngài là Đấng biết cầu nguyện, biết cả bí mật sâu kín nhất của một đời sống thiêng liêng và hạnh phúc” (???).
Giô-na chấp nhận sự sửa phạt của Đức Chúa Trời (Gion 2:4). Không phải các thủy thủ ném Giô-na xuống biển nhưng chính là Đức Chúa Trời “Ngài đã quăng tôi trong vực sâu…Hết thảy những lượn sóng và ba đào của Ngài đều trải qua trên tôi” (c.4). Khi nói những lời này, Giô-na nhận thức rằng Đức Chúa Trời đang sửa phạt mình và cũng biết đó là hình phạt xứng đáng cho ông.
Chúng ta phản ứng lại thế nào với những quyết định kỷ luật, chúng ta nhận được ích lợi thế nào qua nó. Theo He 12:5-11 chúng ta có nhiều sự lựa chọn: chúng ta có thể xem thường sự sửa phạt của Chúa (c.5), chúng ta có thể chống cự lại sự sửa phạt và chịu hình phạt nặng hơn, có thể là sự chết (c.11), hoặc chúng ta có thể chịu đầu phục Cha chúng ta là Đức Chúa Trời và trưởng thành trong đức tin và tình yêu thương (c.7). Đối với Cơ-đốc nhân, sự sửa phạt giống như bài tập rèn luyện dành cho các lực sĩ (c.11); chúng ta có thể chạy trong cuộc chạy đua với lòng nhịn nhục và đạt đến mục đích được đặt trước (c.1-2).
Việc Đức Chúa Trời sửa phạt Giô-na là bằng chứng cho thấy Giô-na thực sự là con cái Ngài, vì Đức Chúa Trời chỉ sửa trị con cái Ngài mà thôi, “nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình chứ không phải con thật” (He 12:8). Và Cha Trên Trời sửa trị chúng ta trong tình yêu thương để “về sau” chúng ta có thể sanh ra bông trái công bình và bình an (He 12:11).
Giô-na tin cậy lời hứa của Đức Chúa Trời (Gion 2:5-8). Giô-na đang đi theo một hướng duy nhất đi xuống. Quả thật, ông đã đi theo hướng đó từ lúc bắt đầu chống lại hoạch định của Đức Chúa Trời cho đời sống ông. Ông “đi xuống đến Gia-phô” và “xuống dưới lòng tàu” (Gion 1:3-5). Bây giờ ông lại đang “xuống đến chân nền các núi” (Gion 2:7), và ở nơi nào đó, một con cá lớn nhìn thấy ông, và ông đi xuống tận trong bụng cá (Gion 2:1). Khi bạn quay lưng lại với Đức Chúa Trời, hướng duy nhất cho bạn chỉ là đi xuống.
Điều gì đã cứu Giô-na? Đó là đức tin của ông đặt vào lời hứa của Đức Chúa Trời. Lời hứa nào? Chính là lời hứa có liên quan đến “nhìn lên đền thánh của Ngài” (Gion 2:5,8). Khi vua Sa-lô-môn dâng hiến đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, ông cầu xin Đức Chúa Trời ban cho ân huệ này (IVua 8:38-40): “Nếu có một người nào hoặc cả dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, ai nấy đã nhận biết tai họa của lòng mình, mà giơ tay ra hướng về đền này và cầu nguyện khẩn xin vô luận điều gì, thì xin Chúa ở trên trời là nơi Chúa ngự, dủ nghe, và tha thứ cho, đối đãi báo ứng mỗi người tùy theo công việc họ, vì Chúa thông biết lòng của họ… để khiến họ kính sợ Chúa trọn đời họ sống ở trên đất mà Chúa đã ban cho tổ phụ chúng tôi”
Giô-na kêu cầu đến lời hứa đó. Bởi đức tin, ông nhìn lên đền của Đức Chúa Trời (con đường duy nhất là phải nhìn lên! ) và cầu xin Đức Chúa Trời cứu vớt ông; và Ngài đã giữ lời hứa mình mà nhậm lời kêu cầu của ông. “Tôi nhớ đến Đức Giê-hô-va” (Gion 2:7) có nghĩa tôi hành động dựa trên nền tảng của giao ước Ngài với tôi. Giô-na biết lời hứa trong giao ước của Đức Chúa Trời và ông yêu cầu theo quyền trên lời hứa đó.
Giô-na đầu phục ý muốn Đức Chúa Trời (Gion 2:9-10). Giờ đây Giô-na xưng nhận có các thần khác trong đời sống mình đã cướp đi của ông ơn phước từ Đức Chúa Trời. Thần tượng là điều gì đó lấy khỏi Đức Chúa Trời sự ảnh hưởng và sự vâng phục mà chỉ xứng đáng thuộc về Ngài. Thần tượng này là lòng yêu nước mãnh liệt của Giô-na. Ông quá quan tâm đến sự an nguy và tài sản của đất nước đến nỗi từ bỏ chức vụ làm sứ giả của Đức Chúa Trời cho kẻ thù của dân tộc ông là người A-sy-ri. Chúng ta sẽ học được Giô-na cũng là người bảo vệ danh tiếng của riêng ông trong chương 4 (Gion 4:2), vì nếu Đức Chúa Trời gìn giữ Ni-ni-ve, thì Giô-na bị cho là một tiên tri giả, lời ông không được ứng nghiệm. Vì có một số người được nổi tiếng nhờ thi hành chức vụ tiên tri (IIVua 14:25), điều này sẽ là nguyên nhân gây ra sự hủy diệt lớn.
Cuối lời cầu nguyện, Giô-na hứa nguyện trang trọng cùng Đức Giê-hô-va, những lời hứa nguyện này ông thật có ý định muốn giữ lời. Giống như tác giả Thi thiên, ông nói “Tôi sẽ lấy của lễ thiêu mà vào trong nhà Chúa, trả xong cho Chúa các sự hứa nguyện tôi, mà môi tôi đã hứa, và miệng tôi đã nói ra trong khi bị gian truân” (Thi 66:13-14). Giô-na hứa sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời trong đền thờ Ngài với của lễ và những bài hát tạ ơn. Ông không cho chúng ta biết các lời hứa khác của ông, nhưng chắc chắn ông có hứa một điều rằng “Nếu Ngài cho tôi cơ hội khác, tôi sẽ đến Ni-ni-ve và rao truyền sứ điệp của Ngài.”
Giô-na không thể tự cứu lấy mình, và không ai trên đất này có thể tự cứu lấy mình, nhưng Đức Giê-hô-va có thể, vì “sự cứu đến từ Đức Giê-hô-va” (Gion 2:10b). Đây là lời trích từ Thi 3:8 Thi 37:9 và là lời tuyên bố chính trong sách đó. Nó cũng là chủ đề của Kinh Thánh. Giô-na rất khôn ngoan vì nhớ Lời Chúa, trích dẫn được Kinh Thánh, nhất là sách Thi thiên, đã cho ông thấy được ánh sáng trong nơi tối tăm và cho ông niềm hy vọng trong hoàn cảnh hầu như hoàn toàn tuyệt vọng của mình.
3. Sự cứu chuộc (Gion 2:10)
“Và con cá mửa Giô-na trên đất khô”. Một tiên tri nổi tiếng lên được bờ bằng một con đường hết sức nhục nhã! Trong chương 1, các thủy thủ đối đãi với Giô-na như một thứ hàng hóa nguy hại cần phải ném ra khỏi tàu, và bây giờ ông bị đối xử như một vật khó tiêu nôn ra từ bụng cá. Nhưng khi Giô-na không còn là một tiên tri vâng lời Chúa, ông đã tự làm mất giá trị của mình và nên một người đáng trách. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Giô-na hẳn phải hạ mình khi một lần nữa ông được đứng trên đất khô.
Phép lạ Đây là một trong số rất ít phép lạ trong Kinh Thánh bị công kích nhiều.Các học giả Kinh Thánh đã tập hợp nhiều bằng chứng khác nhau để chứng minh điều đó có thể xảy ra. Vì Kinh Thánh không cho chúng ta biết con cá đã nuốt Giô-na thuộc loại nào, chúng ta không thể đo kích cỡ con cá mập, cá voi, hoặc lùng sục lại lịch sử đề tìm kiếm những tình tiết tương tự. Nó là một con cá được “sắm sửa” trước (Gion 2:1), do Đức Chúa Trời định kích thước để dùng trong ý định đặc biệt của Ngài, vì thế nó đủ tiêu chuẩn đảm nhiệm công việc của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu đã không thắc mắc sự thật lịch sử của phép lạ đó, thế tại sao chúng ta lại thắc mắc?
Dấu lạ (Mat 12:39 Mat 16:4 Lu 11:29). “Dấu lạ của Giô-na” được xem như sự trải nghiệm của sự chết, chôn và sống lại sau ba ngày, và nó là dấu lạ duy nhất mà Chúa Giê-xu cho dân Y-sơ-ra-ên. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ rao giảng sự phục sinh (Cong 2:22-26) và Phao-lô cũng giảng về điều đó cho dân Do Thái ở các nước khác (Cong 13:26-37). Quả thật, sách Công Vụ nhấn mạnh về sự Phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, vì các sứ đồ là “chứng nhân của sự sống lại” (Cong 2:32 Cong 3:15 Cong 5:32 Cong 10:39).
Một số học viên gặp trở ngại vì câu (ba ngày ba đêm”, nhất là vì cả Kinh Thánh và lời truyền khẩu đều cho rằng Chúa Giê-xu bị đóng đinh vào ngày thứ sáu. Để bảo vệ tính xác thực của Kinh Thánh, một vài người cho rằng sự đóng đinh lùi lại vào thứ năm, hoặc thậm chí vào ngày thứ tư.Nhưng đối với người Do Thái bất cứ giờ nào trong ngày đều được kể là một ngày, nên chúng ta không cần tính chính xác “ba ngày ba đêm” bằng 72 giờ. Vì điều đó, chúng ta cũng không thể chứng minh Giô-na đã ở trong bụng cá đúng 72 giờ. Điều quan trọng xảy ra sau biến cố đó vài thế kỷ, Giô-na trở thành một “dấu lạ” cho người Do Thái và chỉ họ đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Giờ đây, Giô-na từ mình vâng phục Đức Chúa Trời và rao giảng sứ điệp của Ngài cho người ở Ni-ni-ve, nhưng ông còn phải học thêm nhiều điều.
2. TRUYỀN GIẢNG VÀ BỰC MÌNH (Gion 3:1-4:11)
Trong các lớp học Kinh Thánh Cựu Ước, câu hỏi sau đây thường được đưa ra “con cá lớn nhả Giô-na ra hay Giô-na tự chui ra từ bụng cá?” Có lẽ điều đó có liên quan qua lại với nhau. Dù thế nào, chúng ta hy vọng rằng Giô-na cũng dâng lời cảm tạ ơn Đức Chúa Trời đã dùng con cá lớn đó cứu ông thoát chết. Trong hai chương này, chúng ta bắt gặp bốn điều kỳ diệu mà chúng ta thật không dám tin.
1. Sự diệu kỳ của đại mạng lệnh (Gion 3:1-2)
Có ai nhìn thấy Giô-na nổi lên khi con cá lớn mửa ông trên đất khô? Nếu có, chắc sự việc đó được đồn ra rất nhanh và có lẽ tin đồn đến tận Ni-ni-ve trước cả Giô-na, và điều đó có thể giải thích cho sự tiếp đón mà thành này dành cho ông. Liệu Giô-na có bị tẩy trắng do dịch vị trong bụng cá? Ông trông có kỳ lạ đến mức không ai không biết ông là ai và những chuyện xảy ra với ông? Vì Giô-na là “dấu lạ” cho dân thành Ni-ni-ve (Mat 12:38-41), có lẽ cũng vì bộ dạng của ông.
Điều người ta thấy và nghĩ thật không quan trọng. Điều quan trọng là Đức Chúa Trời nghĩ gì và Ngài sẽ làm gì đối với một tiên tri đã ăn năn tội lỗi.Charles Spurgeon nói “Cuộc đời của Giô-na không thể được chép lại nếu không có Đức Chúa Trời; bỏ Đức Chúa Trời ra ngoài câu chuyện về cuộc đời của tiên tri này, thì không có chuyện gì để viết.” (Charles Spurgeon, Metropolitan Tabernacle Pulpit, vol 43,73).
Đức Chúa Trời gặp Giô-na. Chúng ta không biết con cá lớn đó đã mửa Giô-na ở đâu, nhưng có điều chúng ta biết chắc rằng bất kể Giô-na ở đâu thì Đức Chúa Trời sẽ ở đó. Lưu ý, Đức Chúa Trời quan tâm đến tôi tớ Ngài hơn là việc làm của họ, vì nếu người làm thế nào thì công việc của họ thế ấy. Suốt thời gian Giô-na chống nghịch Đức Chúa Trời, Ngài không hài lòng về tôi tớ mình, nhưng không khi nào Ngài lìa bỏ ông. Chính Đức Chúa Trời ra lệnh cho bão, sắm sẵn con cá lớn và giải cứu Giô-na khỏi biển sâu. Ngài hứa “Ta sẽ chẳng lìa ngươi, chẳng bỏ ngươi đâu” (He 13:5 Gios 1:5). “Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ỡ cùng” (Es 43:2).
Đức Chúa Trời phán cùng Giô-na. Trước thái độ cứng lòng không vâng theo tiếng Đức Chúa Trời của Giô-na, có một điều lạ lùng là Đức Chúa Trời chỉ phán với Giô-na. Giô-na quay lưng lại với Lời Đức Chúa Trời, nên Ngài buộc lòng phải phán cùng ông qua sấm chớp, mưa bão trên biển. Nhưng bây giờ, Giô-na đã xưng nhận tội lỗi và quay về cùng Chúa, một lần nữa Ngài có thể phán cùng ông bằng lời Ngài. Một trong những cách đánh giá mức độ mối tương giao chúng ta với Đức Chúa Trời là “Đức Chúa Trời có phán cùng tôi khi tôi đọc và suy gẫm lời Ngài không?”. Nếu chúng ta không nghe được tiếng Chúa phán trong lòng mình, có lẽ chúng ta chưa làm trọn việc gì đó mà chúng ta phải làm đối với Ngài.
Đức Chúa Trời truyền mạng lệnh cho Giô-na. Theo George H.Morrison đã nói “một đời sống Cơ-đốc đắc thắng là một chuỗi của sự bắt đầu mới.” Khi chúng ta vấp ngã, kẻ thù nghịch muốn chúng ta tin rằng chức vụ của chúng ta cũng kết thúc và không còn hy vọng khôi phục, nhưng Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của cơ hội thứ hai “Lại có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-na lần thứ hai” (Gion 3:1). “Hỡi kẻ thù ta, chớ vui mừng vì cớ ta. Ta dầu bị ngã, sẽ lại dậy dầu ngồi trong nơi tối tăm, Đức Giê-hô-va sẽ làm sự sáng cho ta” (Mi 7:8).
Bạn không cần đọc nhiều trong Kinh Thánh, cũng phát hiện được rằng Đức Chúa Trời luôn tha thứ tôi tớ Ngài và phục hồi chức vụ cho họ. Áp-ra-ham trốn qua Ai Cập, ở đó ông nói dối về vợ mình, nhưng Đức Chúa Trời ban cho ông một cơ hội khác (Sa 12:10-13:4). Gia-cốp dối Y-sác, cha mình, nhưng Đức Chúa Trời phục hồi địa vị cho ông, dùng ông để lập nên dân Y-sơ-ra-ên. Môi-se phạm tội giết người (có thể vì tự vệ) và rời bỏ Ai Cập, nhưng Đức Chúa Trời kêu gọi ông trở nên một vị lãnh đạo cho dân sự Ngài.Phi-e-rơ chối Chúa ba lần, nhưng Chúa Giê-xu đã tha thứ cho ông, phán cùng ông rằng “Hãy theo ta” (Gi 21:19).
Tuy những ví dụ trên có thể mang tính khích lệ, nhưng chúng không được kể là lời bào chữa cho tội lỗi. Người nào nói rằng “tôi cứ phạm tội vì tôi biết Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho tôi” là những người không biết sự xấu xa của tội lỗi cũng chẳng biết sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. “Nhưng Chúa có lòng tha thứ cho, để người ta kính sợ Chúa” (Thi 130:4). Trong ơn nhân từ của Ngài, Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta, nhưng trong quyền tể trị của Ngài thì Đức Chúa Trời xác định rằng chúng ta sẽ gặt những gì chúng ta đã gieo, và mùa gặt có thể là một giá rất đắt. Giô-na đã trả giá đắt vì sự chống nghịch với Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời thử thách Giô-na. Trong sách này, có bốn lần Ni-ni-ve được gọi là “thành lớn” (Gion 1:2 Gion 3:2-3 Gion 4:11). “Lớn” là một trong những từ quan trọng trong sách Giô-na.Bên cạnh “thành lớn”, sách Giô-na còn đề cập đến trận bão lớn (Gion 1:4,12) con cá lớn (Gion 2:1) những người rất lớn (Gion 3:5,7) và từ đó cũng diễn tả sự không hài lòng, sự vui mừng của Giô-na, (Gion 4:1,6). Các nhà khảo cổ học cho biết rằng tĩnh từ này được dùng rất xứng hợp. Thành Ni-ni-ve rất lớn trong lịch sử, được tìm thấy trong thời cổ bởi Nim-rốt, chắt của Nô-ê (Sa 10:8-10 thành Ni-ni-ve được tìm thấy vào khoảng 4500 TC). Nó cũng là một thành có diện tích rất rộng. Chu vi của thành và những vùng phụ cận khoảng 60 dặm, và từ lời phán của Đức Chúa Trời trong Gion 4:11, chúng ta có thể suy ra được dân số trong thành lúc đó lên đến 600.000 người. Một bức tường thành có chu vi 8 dặm và 1500 pháo đài là niềm tự hào của thành nầy.
Thành Ni-ni-ve to lớn vì sự tráng lệ và ảnh hưởng của nó, là một trong những thành phố hàng đầu của đế quốc A-sy-ri hùng mạnh. Nó được xây dựng gần dòng sông Tigris, sông Khoser thì chảy ngang qua thành ấy (điều này cho thấy sự quan trọng khi chúng ta học sách Na-hum). Các thương buôn đi qua nước A-sy-ri và đem lại sự giàu có, trù phú cho thành Ni-ni-ve và khắp nơi đều sợ hãi đội quân A-si-ri.
Ni-ni-ve tràn ngập tội lỗi, vì dân A-sy-ri được biết đến nhiều cũng vì tính bạo lực của họ, họ không có một chút lòng thương xót đối với kẻ thù mình. Họ dùng một cây cọc đâm xuyên qua người các nạn nhân còn sống, phơi nắng cho đến chết; họ chém đầu hàng ngàn người, chất đầu người thành từng đống lớn ngoài cổng thành, thậm chí họ còn lột da những người đang còn sống. Họ chẳng tôn trọng tuổi tác hay giới tính, theo chính sách giết trẻ em nên họ không cần quan tâm đến con trẻ (Na 3:10).
Dân thành lớn này dã man đến nỗi Đức Chúa Trời sai Giô-na, tôi tớ Ngài, đến với họ. Ngài chắc chắn với ông rằng Ngài sẽ dạy ông nói gì với họ. Sau khi chuẩn bị mọi thứ cần thiết, Giô-na phải mất ít nhất một tháng để đi đến thành Ni-ni-ve, và trong suốt hành trình đó, ông có rất nhiều thời giờ để suy gẫm điều Đức Chúa Trời dạy ông.
Ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ cho bạn biết nơi đâu ơn phước của Đức Chúa Trời không thể gìn giữ bạn và nơi nào quyền năng của Ngài không thể sử dụng bạn. “Ai xứng đáng cho những sự nầy?…Tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời” (IICo 2:16 IICo 3:5).
2. Điều kỳ diệu trong tỉnh thức (Gion 3:3-10)
Theo suy diễn của con người, thì việc làm khó khăn này có vẻ gì đó thật vô lý. Làm sao một người lớn tuổi, xưng là tiên tri của Đức Chúa Trời, có thể đối mặt với hàng ngàn người và rao truyền thông điệp xa lạ, nhất là thông điệp về sự phán xét? Làm sao một người Do Thái, người thờ lạy Đức Chúa Trời Chân Thần có thể làm cho những người ngoại bang thờ thần tượng, tin điều ông rao giảng? Vì ông biết rõ điều đó, ông nghĩ sẽ kết thúc cuộc đời cách bi thảm bởi bị đóng cọc phơi nắng hoặc chịu lột da! Nhưng vâng phục Đức Chúa Trời, Giô-na đã đi đến Ni-ni-ve.
Sứ điệp của Giô-na đối với thành Ni-ni-ve: (Gion 3:3-4). “Đi mất ba ngày đường” có nghĩa mất ba ngày để đi qua thành và các vùng ngoại ô của nó, hoặc có nghĩa mất ba ngày để đi vòng quanh thành. Theo bản dịch NIV, câu ba này cho thấy rằng sẽ mất ba ngày để đến thăm tất cả các vùng của thành nầy. Theo Sa 10:11-12, bốn thành có liên quan trong hệ thống thành Ni-ni-ve: Ni-ni-ve, Rê-hô-bô-ti, Ca-lách, Rê-sên. Tuy nhiên bạn có thể giải thích “ba ngày đường” một cách rõ ràng rằng: Ni-ni-ve là một nơi quan trọng.
Ngày đầu tiên đến thành, Giô-na bắt đầu rao giảng sứ điệp “còn 40 ngày nữa thành Ni-ni-ve sẽ đổ xuống.” Trong suốt Kinh Thánh, con số 40 gắn liền với sự thử thách hoặc phán xét. Trong thời Nô-ê, mưa 40 ngày và 40 đêm (Sa 7:4,12,17), những người Do Thái đi do thám xứ Ca-na-an 40 ngày (Dan 14:34), dân Y-sơ-ra-ên bị thử thách trong đồng vắng 40 năm (Phu 2:7), Gô-li-át trêu tức đội quân Y-sơ-ra-ên 40 ngày (ISa 17:16) và Đức Chúa Trời cho dân thành Ni-ni-ve 40 ngày để họ ăn năn và từ bỏ sự xấu xa gian ác mình.
Ở điểm này, chúng ta phải thừa nhận rằng mình muốn biết nhiều hơn về chức vụ của Giô-na ở Ni-ni-ve. Có phải đây là sứ điệp duy nhất Giô-na rao giảng? Chắc chắn ông đã dành thời gian nói về Đức Chúa Trời Chân Thần và hằng sống, vì chúng ta biết được “dân thành Ni-ni-ve tin Đức Chúa Trời” (Gion 3:5). Họ chắc hẳn đã biết một vài điều về Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên để có thể thực hành, một niềm tin chân thật (Cong 17:22). Giô-na có vạch trần sự rỗng tuếch và ngu xuẩn của các thần tượng mà dân Ni-ni-ve đang thờ lạy không? Ông có kể lại những kinh nghiệm của chính ông để cho họ thấy được Đức Chúa Trời của ông là Đấng quyền năng tối thượng không? Chúng ta không biết gì, nhưng điều quan trọng là Giô-na đã vâng phục Đức Chúa Trời, đã đến Ni-ni-ve và rao truyền sứ điệp Đức Chúa Trời ban cho ông. Phần còn lại do Đức Chúa Trời làm việc.
Sứ điệp của Giô-na đối với Đức Chúa Trời: (Gion 3:5-9). Trong nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ, sứ điệp của Giô-na chỉ có 5 từ, nhưng Đức Chúa Trời đã dùng 5 từ đó làm tan nát lòng toàn dân thành Ni-ni-ve, từ vua trên ngai đến các thú vật thấp hèn nhất ngoài đồng. Đức Chúa Trời kỳ hẹn cho họ 40 ngày đặc ân, nhưng họ không cần lâu như vậy. Chúng ta rất ấn tượng vì từ lần đầu tiên dân Ni-ni-ve nhìn thấy Giô-na và nghe lời cảnh báo của ông, họ rất quan tâm đến sứ điệp ông rao giảng. Lời đồn nhanh chóng lan ra khắp vùng và dân chúng tự hạ mình bằng cách kiêng ăn và mặc bao gai.
Khi sứ điệp đến tai vua, ông cũng quấn bao gai, ngồi trong tro. Và còn truyền lệnh kiêng ăn cho dân chúng để họ cũng hạ mình, khóc lóc cùng Đức Chúa Trời và xây bỏ con đường xấu xa tội lỗi. Tinh thần đó cũng bao trùm lên cả súc vật nữa, chúng cũng phải quấn bao gai và không ăn uống gì cả. Dân chúng “ra sức” kêu van cùng Đức Chúa Trời vì đây là vấn đề sống còn của họ.
Trong cơn hoạn nạn kinh khiếp, Giô-na nhớ lại lời hứa liên quan đến đền thánh của Đức Chúa Trời do Sa-lô-môn xây cất (Gion 2:5,7 IVua 8:38-39 IISu 6:36-39), ông đã nhìn lên đền thánh và cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Lời cầu nguyện của Sa-lô-môn là lời hứa dành cho cả những dân ngoại, và cũng dành cho dân Ni-ni-ve, “vả lại, về người ngoại bang là người chẳng thuộc về dân Y-sơ-ra-ên của Chúa…họ sẽ từ xứ xa đi đến hướng về đền này mà cầu nguyện, thì xin Chúa từ trên trời, là nơi ngự của Chúa, hãy dủ nghe, và làm mọi điều người ngoại bang ấy cầu xin Chúa hầu cho muôn dân trên đất nhận biết danh Chúa, kính sợ Ngài như dân Y-sơ-ra-ên của Chúa” (IISu 6:32-33). Chắc chắn Giô-na biết lời giao ước này, và có lẽ nó là căn nguyên cho sự tỉnh thức hoàn toàn.
Giống như các thủy thủ trong cơn bão lớn, dân Ni-ni-ve không muốn sự chết đến với mình (Gion 3:9 Gion 1:6,14), thế nên tất cả lời làm chứng đều quy về “hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Gi 3:16). Sự kiêng ăn, cầu nguyện và hạ mình của dân Ni-ni-ve như một thông điệp được gửi lên cho Đức Chúa Trời, nhưng họ không được đảm bảo sẽ được cứu. Họ hy vọng lòng nhân từ yêu thương vô bờ của Đức Chúa Trời sẽ làm Ngài thay đổi ý định và giải cứu thành của họ. Một lần nữa, họ biết thế nào về Đức Chúa Trời của người Hê-bơ-rơ: Đấng nhân từ thương xót! Chắc chắn Giô-na đã nói cho họ biết vì đây là điều chính ông đã tin nhận (Gion 4:2).
Sứ điệp của Đức Chúa Trời cho thành Ni-ni-ve: (Gion 3:10). Ở một số điểm, Đức Chúa Trời phán với Giô-na rằng Ngài đã nhậm lời ăn năn của dân sự và không hủy diệt thành Ni-ni-ve. Cụm từ “Đức Chúa Trời ăn năn” nên dịch rõ là “Đức Chúa Trời đổi ý” thì đúng hơn, Ngài đã thay đổi ý định. Theo quan điểm của con người, nó có vẻ giống như sự ăn năn, nhưng theo ý nghĩa thiêng liêng nó đơn giản là sự đáp lời của Đức Chúa Trời dành cho sự thay đổi tấm lòng của con người. Đức Chúa Trời hoàn toàn kiên định với chính Ngài, Kinh Thánh thường phải dùng ngôn ngữ loài người để mô tả hành động của Đức Chúa Trời (Gie 18:1-10)
Kinh nghiệm thuộc linh của dân Ni-ni-ve sâu sắc thế nào? Nếu sự ăn năn và đức tin là điều kiện chủ yếu cho sự cứu rỗi (Cong 20:21), thì chúng ta có lý do để tin rằng họ được Đức Chúa Trời chấp nhận, vì dân Ni-ni-ve ăn năn và có đức tin nơi Đức Chúa Trời (Gion 3:5). Sự kiện Đức Chúa Trời dùng thành Ni-ni-ve làm hổ thẹn dân Do Thái không tin nhận Chúa trong thời kỳ Chúa Giê-xu trên đất là minh chứng rõ nét rằng sự đáp ứng của dân thành Ni-ni-ve đối với sứ điệp của Giô-na là điều có thật (Mat 12:38-41).
3. Sự lạ lùng của một tôi tớ không vui mừng (Gion 4:1-11)
Nếu sách này kết thúc ở chương 3, thì hình ảnh Giô-na được khắc họa như một tiên tri vĩ đại nhất. Dù sao, rao giảng một sứ điệp đã thúc đẩy hàng ngàn người ăn năn và trở lại với Đức Chúa Trời cũng không có nghĩa hoàn tất nhiệm mạng cách trọn vẹn. Nhưng Đức Chúa Trời không nhìn bộ dạng bên ngoài, mà Ngài nhìn thấy trong lòng (ISa 16:7) và đánh giá động cơ hành động (ICo 4:5). Đó là lý do sách Giô-na có thêm chương 4, vì nó bày tỏ “suy nghĩ và ý định” của lòng Giô-na và phơi bày tội lỗi của ông.
Trong chương 1, Giô-na giống như người con trai hoang đàng, cương quyết làm theo ý mình và đi theo con đường riêng của mình (Lu 15:11-32), rồi trong chương 4, ông lại giống người anh trai cả, chỉ trích, ích kỷ, buồn bực, giận dữ và không vui mừng với những điều đang diễn ra. Tôi tớ Đức Chúa Trời chỉ làm theo ý muốn chủ mình thôi chưa đủ, họ phải “lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời” (Eph 6:6). Trọng tâm của mọi vấn đề nằm nơi tấm lòng và đó là nơi những vấn đề của Giô-na được tìm thấy. “Bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng và giận dữ” (Gion 4:1).
Điều đáng nói ở đây là Đức Chúa Trời đã dịu dàng nâng đỡ tôi tớ đang hờn giận của Ngài và tìm kiếm đem tôi tớ Ngài về nơi tràn ngập niềm vui thỏa, thân ái.
Đức Chúa Trời lắng nghe Giô-na (Gion 4:1-4). Đây là lần thứ hai trong sách này nói Giô-na cầu nguyện, nhưng lần cầu nguyện thứ hai này khác nhiều trong ý định cũng như sự thỏa lòng. Ông cầu xin lời tốt đẹp nhất trong nơi khốn khó nhất, trong bụng cá, và cầu nguyện lời tệ hại nhất trong nơi tốt đẹp nhất, ở thành Ni-ni-ve là nơi Đức Chúa Trời đang hành động. Lời cầu nguyện đầu tiên xuất phát từ tấm lòng tan vỡ, nhưng lời cầu nguyện thứ hai xuất phát từ lòng giận dữ. Trong lời cầu nguyện đầu, ông xin Đức Chúa Trời giải cứu ông, nhưng lần thứ hai, ông xin Đức Chúa Trời cất đi sự sống ông! Một lần nữa, Giô-na thà chịu chết còn hơn không được đi theo ý riêng mình.
Lời cầu nguyện nóng giận này cho chúng ta biết nguyên nhân sâu kín của Giô-na khi ông trốn chạy ơ nơi đầu tiên. Là một nhà thần học có tiếng tốt, Giô-na biết bản tánh của Đức Chúa Trời, “Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn và đổi ý không xuống tai vạ” (Gion 4:2). Biết như vậy, nên Giô-na tin rằng nếu ông rao truyền sự phán xét cho thành Ni-ni-ve và họ ăn năn, Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho họ và không giáng sự xét đoán của Ngài xuống, thì ông sẽ bị xem là tiên tri giả! Lưuý, sứ điệp của Giô-na chỉ loan báo sự phán xét hầu đến; mà không đưa ra tiêu chuẩn cho sự cứu rỗi.
Giô-na quan tâm đến danh tiếng của riêng mình, không chỉ trước dân Ni-ni-ve, mà còn trước dân Do Thái ở quê nhà. Các bạn người Do Thái của ông luôn mong nhìn thấy tất cả dân A-sy-ri bị tiêu diệt, chứ không riêng gì dân thành Ni-ni-ve. Khi các bạn ông biết Giô-na đã giúp giải cứu dân thành Ni-ni-ve khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, họ chắc sẽ xem ông như một kẻ phản bội chính sách của người Do Thái. Giô-na là người yêu nước, nhưng có tấm lòng hẹp hòi, ông nhận thấy A-sy-ri chỉ là kẻ thù nguy hiểm đáng bị tiêu diệt mà không phải là tội nhân đã ăn năn cần được dẫn dắt đến với Đức Chúa Trời.
Khi danh tiếng quan trọng hơn tính cách, làm vừa lòng chính bản thân và bạn bè quan trọng hơn việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì chúng ta có nguy cơ giống Giô-na và sống để khư khư giữ lấy định kiến của mình hơn là làm trọn trách nhiệm thuộc linh (Hội thánh đầu tiên đã gặp nan đề này khi Phi-e-rơ đem Tin Lành đến dân ngoại bang , Cong 10:1-11:18 15:1-33 theo Do Thái giáo, người ngoại bang phải trở thành người Do Thái (chịu cắt bì và giữ luật pháp Môi-se) trước khi trở thành Cơ-đốc nhân, nhưng như Cọt-nây và những người thân thuộc ông đã được cứu chỉ bằng cách tin nhận Chúa Giê-xu Christ. Khi Phi-e-rơ nói “hễ ai tin Ngài thì được tha tội” thì những người có mặt đã tin lời hứa đó, Đức Thánh Linh đổ xuống trên họ. Phi-e-rơ vẫn tiếp tục bài giảng của mình (Cong 10:43-48). Những người Do Thái còn tuân giữ luật pháp Môi-se ở Giê-ru-sa-lem sau đó tranh luận rằng dân ngoại bang không thể được cứu nếu không giữ luật pháp Môi-se, và Phao-lô phải công khai thảo luận với họ để bảo vệ chân lý của Phúc Âm (Côngvụ chương 15, Ga-la-ti chương 1). Giô-na chắc hẳn ở về phe những người theo luật pháp đó). Thật Giô-na là một nhà thần học rất giỏi, nhưng ông dựa vào trí tuệ của mình mà không dựa vào tấm lòng, và ông cuồng trí đến nỗi muốn chết như thế. Cả Môi-se (Dân số ký chương 11) và Ê-li (IVua chương 19) cũng đã quẩn trí như Giô-na. Chúng ta đánh mất lý trí khi chỉ tập trung vào chính mình và không dùng đức tin nhìn xem Đức Chúa Trời (He 12:1-2). Và Đức Chúa Trời nhẹ nhàng dạy Giô-na xét lại lòng mình, tìm xem nguyên do nào ông giận như vậy.
Đức Chúa Trời an ủi Giô-na (Gion 4:5-8). Trong sách này nhắc đến lần thứ hai Giô-na từ bỏ chức vụ của mình, ra khỏi thành và ngồi ở phía đông thành ấy, ở đó ông có thể quan sát mọi việc xảy ra. Giống như người anh cả trong Lu 15:28 không tham dự buổi tiệc, Giô-na có lẽ giảng dạy cho thành Ni-ni-ve rất nhiều về một Đức Chúa Trời Chân Thần của dân Y-sơ-ra-ên, nhưng ông vẫn thích đi theo lối riêng hơn. Thật tai họa cho những tôi tớ Đức Chúa Trời chỉ làm phương tiện đem ơn phước cho người khác mà mất đi ơn phước cho chính mình!
Đức Chúa Trời biết Giô-na rất khốn khổ khi ngồi trong căn chòi đó, nên Ngài ban ơn cho ông bằng cách khiến một dây dưa mọc cao, lá nó có thể che nắng cho ông. Điều này làm Giô-na vui mừng lắm, nhưng hôm sau, Đức Chúa Trời lại cho con sâu đến phá chết dây dưa đó. Giô-na buồn bực, cái nắng cháy da và cơn gió sa mạc nóng bức làm Giô-na muốn chết hơn là sống. Khi Đức Chúa Trời giúp Giô-na từ biển sâu, Ngài đang nhắc Giô-na về sự hư mất, vô ích, tuyệt vọng và khốn khổ. Giô-na đang trải nghiệm mùi vị của địa ngục khi ngồi quan sát thành Ni-ni-ve.
Một cách trắc nghiệm đơn giản tính cách là hỏi xem “Điều gì làm tôi vui? Điều gì làm tôi giận? Điều gì làm tôi muốn từ bỏ?”. Giô-na là “người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định” (Gia 1:8). Lúc này ông rao giảng Lời Chúa, nhưng lúc khác ông lại không vâng phục lời Ngài và trốn tránh trách nhiệm. Khi ở trong bụng cá, ông cầu xin sự giải cứu, nhưng bây giờ ông lại xin Đức Chúa Trời cho ông chết. Ông kêu gọi dân thành Ni-ni-ve ăn năn nhưng chính ông không ăn năn! Ông quan tâm về của cải tiện nghi hơn quan tâm việc vượt qua sự chết. Thành Ni-ni-ve, dây dưa, con sâu và cơn gió đều vâng phục Đức Chúa Trời, nhưng Giô-na vẫn không vâng phục Ngài, và ông chỉ quan tâm điều ích lợi cho bản thân ông.
Đức Chúa Trời chỉ dạy Giô-na (Gion 4:9-11). Đức Chúa Trời vẫn phán dạy Giô-na và Giô-na vẫn còn lắng nghe và đáp lời Ngài, dù ông không đáp bằng lời phải lẽ. Sự nóng giận, không ngay lành, nuôi dưỡng cái tôi và sản sinh ra chất độc hại ích kỷ trong lòng. Giô-na vẫn còn có nan đề với ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong chương 1, tâm trí ông thông hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời, nhưng không vâng theo và để xác thịt đi theo con đường đối nghịch. Trong chương 2, ông kêu khóc xin giúp đỡ, Đức Chúa Trời giải cứu ông, ông đem thân thể mình trở về với Đức Chúa Trời. Trong chương 3, ông đầu phục ý muốn của mình dưới chân Chúa và đi đến Ni-ni-ve rao giảng. Nhưng tấm lòng ông chưa đầu phục Đức Chúa Trời, ông làm theo sự phán dạy của Đức Chúa Trời nhưng trong lòng ông không vâng phục Ngài.
Giô-na còn học thêm một bài học nữa, có lẽ đây là bài học quan trọng nhất. Trong chương 1, ông học về mạng lệnh và sự nhẫn nhục của Đức Chúa Trời: đó là bạn không thể trốn khỏi Đức Chúa Trời. Trong chương 2, ông học về sự tha thứ của Đức Chúa Trời, Ngài tha thứ cho những ai kêu cầu Ngài. Trong chương 3, ông học về quyền năng của Đức Chúa Trời khi ông thấy toàn thể thành Ni-ni-ve hạ mình trước Đức Chúa Trời. Giờ đây ông học về lòng thương xót của Đức Chúa Trời, Ngài thương xót những tội nhân hư mất như dân thành Ni-ni-ve, và các tôi tớ của Ngài cũng phải có lòng nhân từ thương xót như vậy, (cụm từ “một số thú vật rất nhiều trong Gion 4:11 nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến cả loài vật. Đức Chúa Trời gìn giữ loài người và súc vật (Thi 36:6), các loài vật nhìn xem Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài (Thi 104:10-30). Đức Chúa Trời lập giao ước với vật Ngài tạo dựng nên (Sa 9:1-17) và ngay trong luật pháp Môi-se, Ngài cũng tỏ ra sự quan tâm đến vật thọ tạo của Ngài (Phu 22:6-7 Le 22:26-28). Thông hiểu về Đức Chúa Trời là nền tảng cho sinh thái học chân chính).
Nghe có vẻ khó tin, nhưng Giô-na đã đưa toàn bộ thành Ni-ni-ve về tin nhận Đức Chúa Trời, tuy vậy ông không yêu thương những người ông đang rao giảng cho.
Những người không biết “phân biệt tay hữu và tay tả” (Gion 4:11) là con trẻ chưa trưởng thành (Phu 1:39) và nếu có 120.000 dân trong thành Ni-ni-ve và các vùng ngoại ô, thì dân số quả không nhỏ.Đức Chúa Trời thật có sự quan tâm đặc biệt dành cho trẻ em (Mac 10:13-16), nhưng dù trẻ em hay người lớn, dân A-sy-ri đều cần phải nhận biết Đức Chúa Trời. Giô-na thương xót vì dây dưa chết, nhưng ông không thương xót những người sẽ chết và sống xa cách Đức Chúa Trời đời đời.
Giê-rê-mi và Chúa Giê-xu nhìn thành Giê-ru-sa-lem và khóc (Gie 9:1,10 Gie 23:9 Lu 19:41), Phao-lô thấy thành A-thên và “động lòng tức giận” (Cong 17:16) nhưng Giô-na thấy thành Ni-ni-ve thì nổi cơn giận dữ. Ông cần học bài học về ơn thương xót của Đức Chúa Trời và cần có một tấm lòng nhân từ đối với những linh hồn hư mất.
4. Sự kỳ diệu của một câu hỏi (Gion 4:11)
Trong Kinh Thánh chỉ có sách Giô-na và Na-hum kết thúc bằng một câu hỏi, cả hai sách này đều nói đến thành Ni-ni-ve. Na-hum kết thúc bằng câu hỏi về sự sửa phạt của Đức Chúa Trời đối với thành Ni-ni-ve (Na 3:19), còn Giô-na kết thúc bằng câu hỏi về lòng thương xót của Đức Chúa Trời dành cho thành Ni-ni-ve.
Một sách đầy kịch tính như sách Giô-na có thể kết thúc như vậy thật rất lạ. Đức Chúa Trời có lời phán lúc đầu tiên (Gion 1:1-2) và lúc kết thúc (Gion 4:11) và điều đó như việc tất nhiên, nhưng chúng ta không biết Giô-na trả lời câu hỏi cuối cùng của Đức Chúa Trời thế nào. Nó giống kết thúc của một câu chuyện ngắn nổi tiếng của Frank Stockton “Công nương hay mãnh hổ”. Khi chàng thành niên mở cánh cửa, ai đã xuất hiện? Nàng công chúa xinh đẹp hay một con cọp ăn thịt người?
Chúng ta thật lòng hy vọng rằng Giô-na đầu phục trước lòng nhẫn nhục yêu thương của Đức Chúa Trời và noi gương dân thành Ni-ni-ve ăn năn và tìm kiếm Đức Chúa Trời. Nhà truyền giáo Alexander Whyte cho rằng Giô-na đã trải nghiệm sự thay đổi tấm lòng. Ông viết “Nhưng Giô-na một lần nữa nhìn lại chính mình trong suốt những ngày từ cổng phía đông thành Ni-ni-ve trở về Gát-hê-phe, nhà cha mình”, (Alexander Whyte, “Những nhân vật Kinh Thánh trong Cựu và Tân Ước”, Grand Rapid, nhà xuất bản Kregel,1990, 387). Spurgeon đã nói “Chúng ta hãy hy vọng rằng trong suốt quảng đời còn lại, Giô-na sẽ sống vui vẻ trong ơn thương xót mà Đức Chúa Trời dành cho ông.” Dù thế nào thì chẳng phải Giô-na được chọn vì lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đó sao?
Đức Chúa Trời cứu dân thành Ni-ni-ve cũng như những người nào ăn năn tội lỗi mình, Ngài đã không tiếc chính Con Độc sanh của Ngài, “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Ro 8:32). Chúa Giê-xu dùng chức vụ của Giô-na ở Ni-ni-ve để chỉ cho dân Do Thái thấy được lỗi lầm của họ khi từ chối ân điển Ngài, “đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với lòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn, mà đây nầym có một người tôn trọng hơn Giô-na” (Mat 12:41).
Chúa Giê-xu được tôn trọng hơn Giô-na thế nào? Quả thật, Chúa Giê-xu được tôn trọng hơn Giô-na trong chính thân vị của Ngài, cả hai đều là người Do Thái, đều là tiên tri, nhưng Chúa Giê-xu còn là Con Đức Chúa Trời. Ngài được tôn trọng hơn trong sứ điệp của Ngài, vì Giô-na rao giảng sứ điệp về sự phán xét, nhưng Chúa Giê-xu rao giảng sứ điệp về lòng nhân từ và sự cứu rỗi (Gi 3:16-17). Giô-na chết vì tội lỗi của chính ông, nhưng Chúa Giê-xu sẵn lòng chịu chết vì tội lỗi của toàn thể nhân loại (IGi 2:2).
Chức vụ của Giô-na chỉ cho một thành phố, nhưng Chúa Giê-xu là “Cứu Chúa của thế gian” (Gi 4:42 IGi 4:14). Sự vâng phục của Giô-na không xuất phát từ tấm lòng, nhưng Chúa Giê-xu luôn làm đẹp lòng Cha Trên Trời của Ngài (Gi 8:29). Giô-na không yêu thương những người mà ông được sai đến để cứu giúp, nhưng Chúa Giê-xu đã thương xót tội nhân và bày tỏ tình yêu đó bằng cách chịu chết thay họ trên thập tự (Ro 5:6-8). Trên thập tự, bên ngoài thành, Chúa Giê-xu cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ tội cho những người giết Ngài (Lu 23:34), nhưng Giô-na chờ đợi bên ngoài thành để xem Đức Chúa Trời có giết những người ông không thể tha thứ hay không!
Vâng, Chúa Giê-xu được tôn trọng hơn Giô-na, vì Ngài vốn được tôn trọng, chúng ta phải lưu tâm nhiều hơn đến Lời Ngài phán với chúng ta. Những ai từ chối Ngài sẽ phải gánh lấy sự đoán phạt nặng nề vì đặc ân càng lớn thì trách nhiệm càng cao.
Nhưng vấn đề thật không phải là Giô-na trả lời Chúa thể nào mà bạn và tôi trả lời cho Chúa thể nào. Chúng ta có đồng ý với Đức Chúa Trời rằng người nào không có Chúa Cứu Thế Giê-xu thì sẽ bị hư mất không? Giống như Đức Chúa Trời, chúng ta có tỏ lòng thương xót đối với những người hư mất không? Chúng ta bày tỏ lòng thương xót đó thế nào? Chúng ta có quan tâm đến những người trong thành phố rộng lớn của chúng ta, nơi đang có nhiều tội lỗi lan tràn nhưng rất ít chứng nhân? Chúng ta có cầu nguyện cho Tin Lành được đến với mọi người trên đất không? Và chúng ta có đang góp phần đem Tin Lành đến cho mọi người không? Chúng ta có vui mừng không khi nhiều tội nhân ăn năn, tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu?
Tất cả những câu hỏi trên và còn nhiều câu hỏi nữa xoay quanh những vấn đề mà Đức Chúa Trời đã hỏi Giô-na.
Chúng ta không thể trả lời thay cho Giô-na, nhưng chúng ta có thể trả lời cho chính mình. Chúng ta hãy dâng lên Đức Chúa Trời câu trả lời phải lẽ.