1. ĐÓ LÀ CHÂN LÝ (IIIGi 1:1-12)

Cuộc chiến đấu cho chân lý và chống lại tà giáo không chỉ xảy ra trong gia đình (IIGi 1:1-13) nhưng đặc biệt tại Hội Thánh địa phương và đó là nơi thư Giăng thứ ba được gởi đến. Bức thư nhỏ này (thư tín ngắn nhất trong Tân Ước viết bằng tiếng Hy Lạp) cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về Hội Thánh đầu tiên, về con cái Chúa và những nan đề của Hội Thánh. Khi đọc bức thư ngắn ngủi này, chính bạn tìm thấy câu nói “Thời thế không thay đổi nhiều lắm! ” Ngày nay chúng ta có cùng những con người và nan đề tương tự!

Một trong những từ quan trọng trong bức thư là làm chứng (IIIGi 1:3,6,12). Nó không có nghĩa là văn tự chúng ta nói nhưng còn là cuộc sống chúng ta sống nữa. Mỗi Cơ Đốc nhân là một lời chứng, lời chứng tốt hoặc xấu. Chúng ta đồng làm việc cho chân lý (IIIGi 1:8) hoặc ngăn trở chân lý.

Bức thư này nói đến Gai-út, một trong những người đứng đầu trong nhà hội. Nhưng Giăng cũng bàn đến hai người khác trong những câu này - Đi-ô-trép và Đê-mê-triu. Bất cứ ở đâu có con người, ở đó phát sinh rắc rối - và có tiềm năng giải quyết vấn đề. Mỗi chúng ta nên thành thật đối diện với câu hỏi, “Tôi có phải là một phần của nan đề hay một phần của lời giải đáp?”

Hãy nghiên cứu ba người được nêu tên trong bức thư và ghi ra họ ở hạng tín đồ nào.

1. Gai-út người nâng đỡ (IIIGi 1:1-8)

Không có nghi ngờ gì khi sứ đồ Giăng yêu mến ông này cách chân thành! Ông gọi ông ta là “người rất yêu dấu” trong lời chào thăm, và “kẻ rất yêu dấu” trong c.5.Không phải đây chỉ là những thuật ngữ trịnh trọng, giống như “Ông Jones kính mến”. (Thậm chí chúng ta không biết rõ về ông Jones! ) c.4 cho thấy Gai-út có thể là tín hữu do Giăng dẫn dắt trở lại đạo và dĩ nhiên những người chúng ta dẫn dắt trở lại tin theo Đấng Christ đều đặc biệt quí giá cho chúng ta. Tuy nhiên, sứ đồ yêu dấu xem tất cả con cái Chúa đều là “con cái bé mọn" (IGi 2:1,12,18), vì vậy chúng ta không nên đưa điều này đi quá xa.

Nếu Gai-út là thuộc viên trong Hội Thánh do tôi làm mục sư, chắc chắn tôi sẽ không gặp rắc rối trong việc yêu mến ông! Hãy xem những đức tính có được trong con người tuyệt vời này.

Thạnh vượng về phần linh hồn (IIIGi 1:2). Ở đây có thể Giăng muốn ám chỉ rằng người bạn yêu dấu của ông không khoẻ và Giăng muốn cầu nguyện xin Chúa phục hồi sức khoẻ cho bạn của mình: “Tôi muốn anh được khoẻ mạnh về phần xác cũng như về phần hồn! ” Nếu điều này đúng như thế, đó là bằng chứng cho thấy có thể khoẻ mạnh thuộc linh và bị bệnh về thể xác. Tuy nhiên, kiểu chào thăm này rất phổ biến trong thời ấy, vì vậy chúng ta không nên dựa nhiều quá vào điều đó.

Dầu vậy, rõ ràng Gai-út là người “thạnh vượng về phần linh hồn” mà ai cũng biết.“Dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới ngày càng hơn” (IICo 4:16). Sức khoẻ phần xác là kết quả của dinh dưỡng, luyện tập, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nghỉ ngơi hợp lý, và có đời sống quân bình kỷ luật. Khoẻ mạnh về phần linh hồn là kết quả do những yếu tố tương tự. Chúng ta phải tự nuôi dưỡng mình bằng Lời Hằng Sống, và “tiêu hoá” chất bổ dưỡng ấy trong sự tập tành tin kính (ITi 4:6-7). Chúng ta phải giữ mình cho thánh sạch (IICo 7:1) và tránh bị nhiễm độc ô uế của thế gian (IIPhi 1:4 Gia 1:27). Trong khi tập tành tin kính và hầu việc là việc thật quan trọng thì chúng ta yên nghỉ trong Chúa để lấy lại sức mới thông qua mối tương giao với Ngài cũng quan trọng (Mat 11:18-30). Một nếp sống quân bình là đời sống khoẻ mạnh và hạnh phúc, cuộc sống tôn vinh Đức Chúa Trời.

Lời chứng tốt (IIIGi 1:3-4) Chúng ta nhận thấy Gai-út là người vâng lời Đức Chúa Trời và “làm theo chân lý” (IIGi 1:4). Một số anh em trong Chúa đến thăm Giăng vài lần, họ vui mừng báo cho Giăng biết Gai-út nêu gương sáng về nếp sống tin kính Chúa. Trong kinh nghiệm hầu việc Chúa, tôi phải thú nhận rằng tôi thường hơi “bối rối” khi có người nói với tôi, “Có phải Bà...là tín đồ trong Hội Thánh của ông không?” Hoặc sợ hơn nữa khi nghe, “Tôi biết khá rõ một trong những tín đồ của ông! ” Giăng không bao giờ phải sợ hãi khi người khác nhắc tên của Gai-út!

Điều gì làm cho Gai-út trở thành lời chứng tốt như vậy? Đó là chân lý của Đức Chúa Trời. Chân lý “ở trong ông ta” và giúp ông ta có thể bước đi trong sự vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Gai-út đọc Lời Kinh Thánh, suy ngẫm, thích thú và làm theo trong nếp sống mỗi ngày (Thi 1:1-3). Thân thể tiêu hoá thức ăn, nhưng linh hồn suy ngẫm lời Hằng sống. Chỉ nghe và đọc lời Chúa thì không đủ. Chúng ta phải “tiêu hoá” vào trong lòng và làm nó trở nên phần của con người bên trong (ITe 2:13).

Rõ ràng cả cuộc đời của Gai-út bao phủ bằng chân lý. Sự sống thật đến bởi chân lý sống. Đức Chúa Giê-xu Christ là chân lý (Gi 14:6), được tỏ bày trong lời Kinh Thánh là chân lý của Đức Chúa Trời (Gi 17:17). Đức Thánh Linh cũng là chân lý (IGi 5:7), và Ngài dạy chân lý cho chúng ta. Thánh Linh Đức Chúa Trời dùng lời Đức Chúa Trời bày tỏ Con của Đức Chúa Trời, và giúp chúng ta có thể vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời và “bước đi trong chân lý”.

Việc làm thực tế (IIIGi 1:4-8). Gai-út cũng là người giúp đỡ cho chân lý (IIIGi 1:8). Bằng cách thực tế, ông giúp đỡ những người đang hầu việc cho chân lý. Chúng ta không có lời chỉ dẫn nào cho biết Gai-út là nhà truyền đạo hoặc người dạy đạo, nhưng ông mở lòng và nhà mình tiếp đón những người làm chức vụ ấy.

Qua bức thư thứ hai của Giăng chúng ta biết tầm quan trọng của sự tiếp đãi trong đức tin Cơ Đốc vào thời ấy. Giăng nhắc nhở “bà được chọn” không tiếp đãi các giáo sư giả (IIGi 1:7-11), nhưng trong thư này ông khen ngợi Gai-út vì đã bày tỏ lòng tiếp đãi những người hầu việc cho chân lý. Gai-út là nguồn nâng đỡ không chỉ cho anh em tín hữu nói chung, nhưng còn đặc biệt dành cho các “khách lạ” đến thông công với Hội Thánh và phục vụ Đức Chúa Trời. (He 13:2).

Trong bối cảnh sợ hãi và khốn khó này, tiếp đón người lạ vào nhà là điều không dễ dàng. Dĩ nhiên, trong Hội Thánh đầu tiên, các đầy tớ Chúa lưu hành mang thư gửi gắm từ Hội Thánh của họ (Ro 16:1) vì vậy chúng ta biết về những người ấy để có kế hoạch tiếp đãi là điều thật quan trọng. Tuy vậy, làm điều đó cần có đức tin và lòng yêu thương. Theo khả năng nhà tôi và tôi có thể tiếp đón tại nhà chúng tôi, chúng tôi phải thừa nhận rằng có nhiều lần khi nói lời chào tạm biệt các vị khách đã mang lại cho chúng tôi cảm giác vui mừng khó tả! Tuy nhiên, hầu hết các vị khách chúng ta tiếp đón thật sự là “những thiên sứ chúng ta không biết”sự hiện diện của họ là một ơn phước cho gia đình chúng ta.

Gai-út không những mở cửa nhà mình, nhưng ông còn mở lòng và bàn tay của mình để giúp đỡ tài chánh cho những vị khách của ông. Thành ngữ giúp đỡ sự đi đường cho các anh em có nghĩa là “giúp đỡ lộ phí cho chuyến đi”. Việc này có thể bao gồm cả việc cung cấp tiền bạc, thức ăn cũng như giặt giũ may vá áo quần (ICo 16:6 Tit 3:13). Dầu sao, chúng ta phải bày tỏ đức tin qua việc làm (Gia 2:14-16), và tình yêu chúng ta phải được diễn đạt bằng hành động chớ không chỉ nói bằng lời (IGi 3:16-18).

Điều gì thôi thúc sự giúp đỡ cho các thánh đồ như vậy? Trước hết, điều đó tôn vinh Đức Chúa Trời. Cụm từ “một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời” trong IIIGi 1:6 có nghĩa “xứng đáng với Đức Chúa Trời, thích hợp với Đức Chúa Trời”. Chúng ta chẳng bao giờ “giống Đức Chúa Trời” hơn khi chúng ta hy sinh phục vụ người khác. “Hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường” (Co 1:10). Vì những người hầu việc Chúa lưu hành đại diện cho danh Đức Chúa Trời, đối với họ bất cứ chức vụ nào cũng đều hầu việc Đức Chúa Giê-xu Christ (Mat 10:40 Mat 25:34-40).

Động cơ thứ hai của việc chu cấp cho tôi tớ Đức Chúa Trời là làm chứng cho người hư mất (IIIGi 1:7). Hãy nhớ rằng trong thời ấy có nhiều thầy dạy đạo đi dông dài, chia sẻ ý tưởng của họ và xin tiền. Trong khi Đức Chúa Giê-xu Christ phán dạy cụ thể rằng tôi tớ Đức Chúa Trời xứng đáng nhận sự chu cấp (Lu 10:7), trong Tân Ước cho biết tiêu chuẩn của việc chu cấp này đến từ con dân Đức Chúa Trời.“Không nhận lãnh vật chi nơi người ngoại hết” có nghĩa các người làm công tác lưu hành không nhờ vả nơi người chưa được cứu. Áp-ra-ham có cùng chủ trương này (Sa 14:21-24), mặc dù ông không buộc những người đi theo ông làm theo chủ trương của mình. Nhiều mục sư khi nhận của dâng hiến nói rõ rằng họ không yêu cầu bất cứ điều gì từ những người chưa tin trong hội chúng.

Khi con dân Đức Chúa Trời chu cấp đầy đủ cho tôi tớ Đức Chúa Trời, đó là lời chứng mạnh mẽ cho người chưa biết Chúa. Nhưng khi những người hầu việc Chúa trong Hội Thánh, và các tổ chức tôn giáo khác đi cổ động nơi những người chưa được cứu và những doanh nghiệp, điều đó làm cho đạo Chúa thành rẻ tiền và đổi chác. Điều này không có nghĩa tôi tớ của Đức Chúa Trời phải từ chối món quà tình nguyện từ người chưa tin đạo, miễn là người đó hiểu rằng món quà sẽ không mua được sự cứu rỗi. Vì vậy, chúng ta phải hết sức thận trọng. Vua Sô-đôm tình nguyện dâng của lễ, nhưng Áp-ra-ham từ chối không nhận! (Sa 14:17-24)

Động cơ thứ ba trong sự hầu việc Chúa là sự vâng lời Đức Chúa Trời. “Chúng ta cũng nên tiếp đãi những người thể ấy” (IIIGi 1:8a). Công việc tiếp khách và chu cấp tiền bạc không những là cơ hội, nhưng còn là bổn phận. Ga 6:6-10 cho biết rõ những người nhận lãnh ơn phước thuộc linh từ người dạy lời Đức Chúa Trời có bổn phận phải chia các của mình có cho người dạy đạo ấy ICo 9:7-11 giải thích rõ hơn nguyên tắc này. Như một chấp sự bày tỏ với tôi trong Hội Thánh tôi làm mục sư đầu tiên, “Bạn trả tiền ăn nơi bạn nhận thức ăn của bạn”. Con cái Chúa trong Hội Thánh gởi phần mười và các của dâng cho khắp thế giới và bỏ mặc không chu cấp cho công việc Chúa của Hội Thánh của họ là điều Thánh Kinh không dạy.

Giăng đưa ra động cơ thứ tư trong IIIGi 1:8: “Hầu cho chúng ta với họ đồng làm việc cho chân lý.” Gai-út không những nhận lãnh chân lý và bước đi trong chân lý, nhưng ông còn là “người đồng công” giúp đỡ phát triển chân lý. Chúng ta không biết ông có những ơn phước thuộc linh nào hoặc ông hầu việc trong Hội Thánh như thế nào, nhưng chúng ta biết rằng Gai-út giúp mở mang và binh vực cho chân lý bằng cách giúp đỡ những người dạy dỗ và rao giảng cho chân lý.

Trong chức vụ lưu hành của tôi, tôi đã lưu lại nhiều gia đình và được nâng đỡ trong chức vụ. Những người chủ nhà có thể không phải là người có ơn đặc biệt, nhưng công việc tiếp đãi của họ giúp tôi có thể thi hành các ân tứ Chúa ban cho tôi trong Hội Thánh. Bất cứ phước hạnh nào trong chức vụ chắc chắn sẽ được kể vào những công khó của họ! (Phi 4:17).

Chống lại kẻ bội đạo và không tiếp đãi các giáo sư giả là một chuyện, nhưng mở cửa (hoặc mở hầu bao) để mở mang Nước Chúa là một chuyện hoàn toàn khác. Chúng ta cần làm cả hai. Chúng ta cần có nhiều người giống như Gai-út thạnh vượng về phần linh hồn, vâng theo lời Đức Chúa Trời và chia sẻ những gì mình có để phát triển chân lý. Nhưng than ôi, không phải mọi người đều giống như Gai-út! Chúng ta quay trở lại với hạng Cơ Đốc nhân hoàn toàn trái ngược.

2. Đi-ô-trép kẻ chuyên quyền (IIIGi 1:9-10)

Dường như nhiều Hội Thánh có các thành viên đòi “đứng đầu” và làm theo cách riêng của họ. Tôi phải thừa nhận rằng thỉnh thoảng chính mục sư cho rằng mình có quyền độc tài và quên rằng chữ chức vụ có nghĩa là “đầy tớ”. Nhưng đôi lúc chính chức viên trong Hội Thánh có lẽ là người lâu năm nghĩ rằng mình có “quyền cao chức trọng”.

Các môn đệ của Chúa thường tranh luận ai trong họ là người lớn hơn hết trong Nước thiên đàng (Mat 18:1). Chúa Giê-xu phải nhắc nhở họ rằng kiểu hầu việc họ phải có không phải giống như giới chức chính quyền La Mã “ra oai” với mọi người, nhưng giống chính Đấng Cứu Thế đến như một tôi tớ khiêm nhường (Phi 2:1). Trong suốt hơn ba mươi năm chức vụ, tôi thấy gương mẫu về chức vụ hầu việc đã thay đổi, và Hội Thánh đang khổ sở vì điều đó. Rõ ràng “sứ giả thành công” ngày nay giống như một nhà tài phiệt ở đại lộ Madison hơn là một tôi tớ dễ bảo. Trong tay ông ta cầm điện thoại di động thay vì chiếc khăn lòng ông ta đầy sự ham muốn vị kỷ, chớ không phải tình yêu thương dành cho tội nhân hư mất và vì chiên của Đức Chúa Trời.

Đi-ô-trép bị thúc đẩy bởi lòng kiêu ngạo. Thay vì dành vị trí trên hết cho Đức Chúa Giê-xu Christ (Co 1:18), ông dành cho chính mình. Ông nắm quyền quyết định cuối cùng mọi việc trong Hội Thánh, và mọi quyết định của ông chỉ bởi một điều:“Việc này sẽ làm gì cho Đi-ô-trép?”. Ông ta không giống Giăng Báp-tít người đã tuyên bố, “Ngài (Đức Chúa Giê-xu Christ) phải được cất lên còn ta phải hạ xuống” (Gi 3:30). Động từ trong Hy văn cho thấy rằng Đi-ô-trép thường xuyên có thái độ muốn đề cao mình.

Bất cứ khi nào Hội Thánh có một kẻ chuyên quyền trong vòng con dân Chúa thì có nhiều rắc rối xảy ra, vì người trưởng thành thuộc linh sẽ không khoan nhượng kiểu lãnh đạo như vậy. Đức Thánh Linh buồn lòng khi các chi thể trong thân không được phép thực hành các ơn của họ vì một thành viên có cách làm riêng của mình. Trước Toà Phán Xét của Đức Chúa Giê-xu Christ, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều tấm lòng bị tan vỡ và nhiều Hội Thánh bị hại vì “chức vụ” kiêu căng của nhiều người giống như Đi-ô-trép. Hãy xem con người này đang làm những gì.

Người không tiếp đón Giăng (IIIGi 1:9). Chắc chắn chúng ta có thể nghĩ rằng người đứng đầu Hội Thánh không có liên hệ gì với một trong những sứ đồ của Chúa! (có lẽ Đi-ô-trép là một trưởng lão). Dầu Đi-ô-trép có thể học được bao nhiêu nơi sứ đồ Giăng! Nhưng Đức Chúa Giê-xu Christ không làm chủ trong đời sống ông ta, vì vậy Đi-ô-trép chỉ có thể đối đãi với vị sứ đồ cao tuổi theo cách ấy.

Tại sao Đi-ô-trép từ chối Giăng? Nguyên do có thể là Giăng phản đối ông ta vì cậy quyền cậy thế trong Hội Thánh, Giăng là mối đe doạ cho ông ta, vì Giăng có thẩm quyền của một sứ đồ. Giăng biết sự thật về Đi-ô-trép và sẵn sàng cho mọi người biết. Sa-tan đã hành động trong Hội Thánh vì Đi-ô-trép đang làm việc trên nền tảng của sự kiêu căng và tìm sự vinh hiển cho riêng mình, đó là hai công cụ chính của ma quỉ. Nếu Giăng xuất hiện, Sa-tan sẽ thua cuộc.

Người nói dối về Giăng (IIIGi 1:10). Nhóm từ “lấy lời luận độc ác mà nghịch cùng chúng ta” có nghĩa là “đem lại những lời buộc tội sai lệch và vô lý chống chúng ta”. Những điều Đi-ô-trép nói về Giăng hoàn toàn vô căn cứ, nhưng có nhiều người thích nghe lời nói như vậy lại còn tin nữa! Hình như Đi-ô-trép đã nói những lời cáo buộc chống đối Giăng tại một trong những buổi nhóm thờ phượng của Hội Thánh lúc Giăng không có mặt để tự binh vực mình. Nhưng Giăng báo rằng có ngày ông sẽ đến vạch trần việc làm chuyên quyền của Đi-ô-trép.

Con cái Chúa nên cẩn thận đừng tin hết mọi điều đọc hay nghe về tôi tớ của Đức Chúa Trời nhất là những tôi tớ có chức vụ rộng lớn và nổi tiếng. Tôi đã thôi không đọc những ấn phẩm vì tất cả những gì in trong ấn phẩm ấy đều là những cáo giác vô căn cứ những tôi tớ Chúa đang được Ngài chúc phước cách đặc biệt. Một ngày nọ tôi đã nói đến một ấn phẩm với một bạn của tôi, ông ta nói, “Vâng, tôi biết rõ về người chủ bút. Ông ta giống như chiếc bàn thấm: Ông ta nhận mọi chuyện vào và nói ngược lại! ” Chúng ta nên sàng lọc những lời tường thuật này qua lăng kính Phi 4:8.

Người Chối Bỏ Những Người Cộng Sự Của Giăng (IIIGi 1:10). Thậm chí Đi-ô-trép không tiếp nhận các anh em khác vì họ có mối tương giao với Giăng! Đó là “tội có quan hệ với”. Thực hành kiểu “chia rẽ” này với bất cứ cách nào đều không thể được, vì chẳng có ai lúc nào cũng biết rằng mình cần phải biết về những gì anh em của mình đang làm! Nếu tôi từ chối không thông công với bạn vì bạn có mối giao hảo với người nào đó tôi không chấp nhận, làm cách nào tôi biết được phạm vi giao tế của bạn? Làm thế nào tôi có thể theo dõi những gì bạn làm? Một người cần một máy vi tính và một toán nhân viên làm việc trọn thời gian nếu anh ta hi vọng có thể giữ được mình trong sạch trong các mối quan hệ!

Thánh Kinh dạy rõ chúng ta không nên giao hảo với kẻ bội đạo (chúng ta đã nghiên cứu vấn đề này trong 2 Phi-e-rơ), và chúng ta phải tránh mang ách chung với kẻ chẳng tin (IICo 6:14). Chúng ta cũng nên tránh những người có quan điểm nghịch lại với Thánh Kinh (Ro 16:17-19). Điều này không có nghĩa chúng ta chỉ cộng tác với những tín hữu hiểu Kinh Thánh cách đúng đắn giống như chúng ta, vì ngay cả những tín hữu tốt và yêu mến Chúa cũng bất đồng một số vấn đề như là giáo quyền hay lời tiên tri. Mọi Cơ Đốc nhân thật đều có thể đồng ý về các giáo lý căn bản của đức tin và tự do không đồng ý về những vấn đề khác trong tình yêu thương.

Tuy nhiên, đối với tôi, vì một nhóm bạn của một anh em mà chúng ta phá vỡ mối quan hệ với người ấy là không hợp lẽ với lời dạy của Kinh Thánh. Đi-ô-trép từ chối Giăng, và từ chối luôn những người cùng làm việc với Giăng! Nhưng ông ta còn đi xa hơn nữa.

Ông ta kỷ luật những người không đồng ý với mình (IIIGi 1:10). Con cái Chúa nào tiếp rước những người cùng làm việc với Giăng đều bị đuổi ra khỏi Hội Thánh! Một lần nữa, đó là tội có quan hệ với. Dầu Đi-ô-trép không có quyền cũng không lời Kinh Thánh nào dạy ông ta đuổi những người ấy ra khỏi Hội Thánh, nhưng ông ta đã làm điều đó. Ngay cả “những người chuyên quyền trong tôn giáo” cũng cẩn thận vì sợ rằng những người chống đối họ trở nên quá mạnh!

Thánh Kinh Tân Ước dạy cho Hội Thánh biết về kỷ cương, và con cái Chúa phải vâng theo những lời chỉ dạy này. Nhưng kỷ cương Hội Thánh không phải là vũ khí cho người độc đoán dùng để bảo vệ mình. Đó là công cụ Hội Thánh dùng thúc giục con cái Chúa giữ mình thánh sạch và làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Đó không phải là mục sư “đặt ra gánh nặng khắp nơi” hay ban chấp hành Hội Thánh hành động giống như trạm cảnh sát. Nhưng đó là Chúa dùng Hội Thánh địa phương để thực thi thẩm quyền thiêng liêng hầu giải cứu và sửa trị con cái Đức Chúa Trời làm điều sai phạm.

“Những kẻ chuyên quyền” trong Hội Thánh là những người nguy hiểm nhưng may thay chúng ta rất dễ phát hiện ra họ. Họ thích nói về chính mình và những gì “đã làm cho Chúa”. Họ cũng có thói quen phê phán và lên án những người bất đồng với họ. Họ là những người chuyên chụp mũ người khác và liệt họ vào những hạng người theo ý muốn của họ. Mối thông công của họ dựa trên những lời chỉ trích cá nhân chớ không dựa trên giáo lý cần thiết cho đức tin. Bi kịch đó là “những kẻ chuyên quyền” này thật sự tin rằng họ đang hầu việc Đức Chúa Trời và ngợi khen Đức Chúa Giê-xu Christ.

Chính kinh nghiệm của tôi cho thấy hầu hết cảnh đau buồn và sự phân hoá trong Hội Thánh đầu tiên, và giữa các Hội Thánh, là kết quả của những lời chỉ trích cá nhân hơn điều nào khác. Giá như chúng ta trở về với nguyên tắc ghi lại trong Tân Ước khiến cuộc đời và chức vụ của Đức Chúa Giê-xu Christ trở thành thước đo cho mối thông công của chúng ta hơn là những liên tưởng và sự lý giải của những giáo lý không cần thiết. Nhưng những người như Đi-ô-trép luôn luôn có nhiều người nhiệt thành đi theo vì nhiều tín hữu khờ dại và không được dạy dỗ thích chạy theo những người như vậy.

3. Đê-mê-triu một gương mẫu (IIIGi 1:11-12)

Theo tự điển, kiểu mẫu là “một khuôn mẫu, một gương mẫu, một gương có giá trị đề bắt chước theo”. Đê-mê-triu thuộc thành phần Cơ Đốc nhân ấy. Giăng nhắc nhở các độc giả của ông không bắt chước Đi-ô-trép. “Nếu bạn muốn noi theo gương sáng nào đó, hãy theo gương Đê-mê-triu! ”.

Nhưng bắt chước những gương lãnh đạo như vậy có đúng không? Vâng, nếu họ đang bắt chước Đức Chúa Giê-xu Christ. “Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi, lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi" (Phi 3:17). “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (ICo 11:1). Bạn và tôi không thể thấy Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta có thể thấy Đức Chúa Trời hành động trong cuộc đời của con cái Ngài. Đời sống kính mến Chúa và tận tâm hầu việc Ngài của con cái Chúa khác luôn l niềm khích lệ và động viên cho tôi.Bởi gương sáng của mình, chúng ta có thể ” coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành” (He 10:24).

Đê-mê-riu là một người đáng cho chúng ta bắt chước vì ông có “lời chứng tốt” từ Hội Thánh. Mọi con cái Chúa trong Hội Thánh đều biết ông, yêu mến ông và cảm tạ Đức Chúa Trời vì cuộc sống và chức vụ trung kiên của ông. Trong khi thật nguy hiểm khi được “mọi người sẽ khen các ngươi” (Lu 6:26), thì thật tuyệt diệu khi tất cả con cái Chúa trong Hội Thánh địa phương đồng lòng khen ngợi nếp sống và lời chứng của bạn. Nếu tất cả mọi người, được cứu cũng như chưa được cứu, kể cả tốt lẫn xấu, khen ngợi chúng ta, có nghĩa chúng ta đang thoả hiệp với họ và lừa bịp.

Nhưng Đê-mê-triu không chỉ được các tín hữu trong Hội Thánh làm chứng tốt, nhưng ông cũng được Lời Đức Chúa Trời (chân lý) làm chứng tốt nữa. Giống như Gai- út, Đê-mê-triu bước đi trong chân lý và vâng theo Lời Đức Chúa Trời. Điều này không có nghĩa họ là người trọn vẹn, nhưng có nghĩa là họ có cuộc sống vững vàng trong đức tin và tìm cách tôn vinh Đức Chúa Trời.

Cả Hội Thánh và Lời Đức Chúa Trời đều làm chứng tốt cho nếp sống đức tin của Đê-mê-triu, và chính sứ đồ cũng làm chứng tốt về người. (Điều này có nghĩa Đê-mê-triu sẽ gặp rắc rối với Đi-ô-trép! ). Vị sứ đồ yêu dấu biết rõ ràng Đê-mê-triu là người của Đức Chúa Trời, và ông không hổ thẹn khi xưng nhận điều đó.

Giăng đã báo ông sẽ đi thăm Hội Thánh và đương đầu với Đi-ô-trép (IIIGi 1:10), và chắc chắn cả Gai-út và Đê-mê-triu cùng đứng với Giăng trong việc chống lại “kẻ độc tài”. Họ là hạng người ủng hộ cho chân lý và thuận phục thẩm quyền thuộc linh đáng tin cậy. Vì họ theo chân lý nên nhiều người khác có thể bắt chước họ.

2. LỜI KẾT LUẬN. (IIIGi 1:13-15)

Lời kết luận của bức thư (IIIGi 1:13-14). Tương tự với lời kết luận trong 2 Giăng, có thể đây là chuẩn mực để kết thúc các bức thư trong thời của Giăng. Sứ đồ có kế hoạch sớm đi thăm Hội Thánh, và chắc chắn là lời báo trước cho Đi-ô-trép và là sự khích lệ cho Gai-út cùng Đê-mê-triu. Vị sứ đồ Giăng khả kính có “nhiều điều” muốn bàn với Hội Thánh và những người lãnh đạo Hội Thánh, những việc ông muốn trực tiếp giải quyết hơn là viết thư.

“Sự bình an ở với anh em” (IIIGi 1:15) chắc hẳn là lời chúc lành khích lệ Gai-út! Rất có thể lòng và tâm trí của ông đau đớn vì Hội Thánh bị phân rẽ và Đi-ô-trép đang ngược đãi con cái Chúa trong Hội Thánh theo cách thế gian. Ông George Morrison ở Glasgow viết, “Bình an là sở hữu nguồn vui trong Đức Chúa Trời”. Con cái Chúa có thể hưởng “bình an của Đức Chúa Trời” vì người có sự giàu có trong Đức Chúa Giê-xu Christ (Phi 4:6-7,13,19).

Giăng cẩn thận chuyển lời chào thăm của các tín hữu trong các Hội Thánh ông đang hầu việc vào thời gian ấy. “Các bạn hữu chào thăm anh! ”. Thật là phước hạnh khi có bạn hữu là người Cơ Đốc! Khi Phao-lô gần đến thành Rô-ma, một số anh em đến thăm ông, “Phao lô thấy anh em thì cảm tạ Đức Chúa Trời và vững chí” (Cong 28:15). Cả Phao-lô và Giăng không chỉ là ngưòi chinh phục linh hồn hư mất, nhưng còn là những người kết bạn. Đi-ô-trép chuyên quyền đến nỗi ông ngày càng ít bạn, nhưng Giăng ngày càng có thêm bạn khi ông chia sẻ tình yêu của Đấng Christ.

“Hãy chào thăm anh em theo đích danh từng người”. Vị sứ đồ cao niên không muốn viết thư dài ngoài ra, ông dự định đến thăm. Thỉnh thoảng Phao-lô kết thúc thư tín của ông bằng cách liệt kê lời chào thăm từng người (Ro 16:1-27), nhưng Giăng không làm điều này, ít nữa là trong thư này. Ông muốn nhờ Gai-út chuyển lời chào thăm đến từng người như thể chính Giăng làm việc ấy. Giăng không chỉ quan tâm đến Hội Thánh, ông còn nghĩ đến từng cá nhân trong Hội Thánh ấy nữa.

Thật thú vị khi đối chiếu hai bức thư ngắn ngủi này và hiểu được sự quân bình của chân lý mà Giăng giới thiệu. Thư Giăng thứ hai được gởi cho một phụ nữ kính mến Chúa nói về gia đình của bà, trong khi thư thứ ba Giăng gởi cho một người đàn ông yêu mến Chúa nói về Hội Thánh nhóm trong nhà ông ấy. Giăng nhắc nhở “bà được chọn” về những giáo sư giả ở bên ngoài Hội Thánh, nhưng ông nhắc nhở Gai-út về những nhà lãnh đạo độc tài bên trong Hội Thánh. Các giáo sư giả trong thư Giăng thứ hai kêu gọi tình yêu thương để họ có thể phủ nhận chân lý, trong khi Đi-ô-trép kêu gọi chân lý khi ông tấn công anh em trong Hội Thánh một cách không thương tiếc.

Bước đi “trong chân lý và yêu thương” (IIGi 1:3) và lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật quan trọng biết bao! (Eph 4:15). Nói yêu chân lý nhưng ghét anh em là không biết gì về nếp sống Cơ Đốc.

Khi con cái Chúa yêu kính Ngài, yêu mến chân lý và yêu thương nhau, thì Thánh Linh của Đức Chúa Trời có thể hành động trong Hội Thánh và làm sáng danh Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhưng khi có bất kỳ ai trong Hội Thánh ấy kể cả mục sư lên mình kiêu ngạo và tìm cách đạt cho được “sự cao trọng”, thì Đức Thánh Linh đau buồn và Ngài không thể ban phước. Nhìn bề ngoài Hội Thánh dường như thành công, nhưng bên trong thiếu sự hiệp một của Thánh Linh làm cho mối thông công thiếu mạnh mẽ.

Chúng ta cần nhiều người như Gai-út, Đê-mê-triu - và càng ít người như Đi-ô- trép!