GIA ĐÌNH CHUNG THỦY (IIGi 1:1-13)

Các giáo sư giả không những xâm nhập vào Hội Thánh, nhưng họ còn tìm cách ảnh hưởng đến các gia đình con cái Chúa. Tít đối diện với vấn đề này tại đảo Cơ-rết (Tit 1:10-11) và Ti-mô-thê gặp phải khó khăn này tại Ê-phê-sô (IITi 3:6). Từ gia đình đến Hội Thánh rồi dân tộc do đó gia đình là mục tiêu quan trọng của Sa-tan trong cuộc chiến chống lại chân lý.

Bức thư ngắn ngủi này được viết cho người mẹ kính sợ Chúa và con cái bà. Một số nhà giải kinh đưa ra kết luận rằng “bà được chọn” ám chỉ đến một Hội Thánh địa phương và “con cái bà” là những kẻ cùng đức tin trong Hội Thánh. “Chị em được chọn của bà” (IIGi 1:13) nói đến một Hội Thánh anh em gởi lời chào thăm.

Trong khi chúng ta thấy đúng là Giăng gởi bức thư nầy đến một nhóm người (lưu ý số nhiều trong IIGi 1:6,8,10,12), song cũng đúng khi nói ông gởi cho cá nhân (IIGi 1:1,4-5,13). Chúng ta có thể lý giải là Hội Thánh Đấng Christ đang nhóm họp trong nhà này, cùng với gia đình của “bà được chọn”, cho nên Giăng nghĩ đến cả gia đình và Hội Thánh (Ro 16:5 ICo 16:19 Co 4:15 Phil 1:2). Ông quan tâm đến việc người phụ nữ yêu mến Chúa này phải cấm không cho phép bất cứ sự sai lạc nào vào trong gia đình của bà (IIGi 1:10) hoặc trong Hội Thánh.

Tình cảm nổi trội trong thư tín ngắn ngủi này là những xúc cảm về tình bạn và niềm vui mừng, mặc dù những tình cảm này pha trộn với sự lo lắng và lời nhắc nhở.Nếu bạn và tôi phải giữ gia đình mình trung tín với Đấng Christ, chúng ta phải có cùng những đặc tính như gia đình mà Giăng viết ở đây.

1. Chúng ta phải biết chân lý (IIGi 1:1-3)

Giăng dùng chữ chân lý bốn lần trong lời chào thăm, vì vậy đó là từ quan trọng. Về cơ bản, chữ đó có nghĩa “việc có thật” trái với chỉ hình thức bên ngoài, đó là điều làm nền tảng cho tất cả mọi điều chúng ta thấy chung quanh chúng ta. Đức Chúa Giê-xu Christ là “chân lý” (Gi 14:6) và Lời Đức Chúa Trời là “chân lý” (Gi 17:17). Đức Chúa Trời đã bày tỏ chân lý trong nhân tính của Con Ngài và trong lời của Ngài. Ngài đã cho chúng ta “Thần chân lý” để dạy và vùa giúp chúng ta có thể hiểu biết chân lý (Gi 14:16-17 Gi 16:13).

Nhưng chân lý không những là sự bày tỏ khách quan từ Đức Chúa Cha, mà còn là kinh nghiệm chủ quan trong cuộc sống riêng tư. Chúng ta không thể chỉ biết chân lý, nhưng cũng có thể “yêu mến trong chân lý” và sống “vì lợi ích của chân lý”.Chân lý thật “sống trong chúng ta, và sẽ ở với chúng ta đời đời”. Điều này có nghĩa “biết chân lý” tốt hơn nhiều việc tán thành một bộ phận giáo lý suông, mặc dầu điều ấy thật quan trọng. Nó có nghĩa cuộc đời của Cơ Đốc nhân được điều hướng bởi lòng yêu mến chân lý và lòng khát khao tôn vinh chân lý.

Giăng dùng chữ “chân lý” để mở đầu bức thư vì có giáo sư giả ở hải ngoại đang truyền bá sự sai trật. Ông gọi họ là những kẻ dỗ dành và kẻ địch lại Đấng Christ (IIGi 1:7). Giăng không nói rằng tất cả lời dạy dỗ của tôn giáo đều đúng đắn theo cách này hay cách khác, và ông không cho rằng chúng ta không nên phê phán miễn là người ta thành thật. Đối với Giăng, thật ra có sự khác biệt lớn, giữa chân lý và sự gian dối và ông không khoan nhượng sự gian trá.

Vì chân lý sẽ còn mãi với chúng ta, chắc chắn chúng ta phải tiếp cận với lời Chúa ngay bây giờ và học cách yêu mến chân lý. Dĩ nhiên, tất cả chân lý tập trung vào Đức Chúa Giê-xu Christ, Con Đời Đời của Đức Chúa Trời là Đấng chúng ta cùng sống mãi mãi với Ngài (Gi 14:1-6). Thật lạ lùng khi suy ngẫm sự việc chúng ta sẽ sống đời đời với chân lý, lớn lên trong sự hiểu biết chân lý và hầu việc Đức Chúa Trời của chân lý.

“Bà được chọn lựa và con cái bà” hiểu biết chân lý và trở nên con cái Đức Chúa Trời bằng cách nào? Bởi ân điển và sự thương xót của Đức Chúa Trời (IIGi 1:3). Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót và dư dật ân điển (Eph 2:4,7), và Ngài tuôn đổ ân điển cùng sự thương xót của Ngài qua Đức Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta không những được cứu bởi lòng thương yêu của Đức Chúa Trời, nhưng bởi ân điển của Ngài, đó là “tình yêu không đòi giá” (Eph 2:8-9). Đức Chúa Trời yêu toàn nhân loại, tuy nhiên không phải toàn nhân loại đều được cứu. Chỉ những ai nhận lấy ân điển dư dật của Ngài mới kinh nghiệm ơn cứu rỗi thoát khỏi tội lỗi.

Khi bạn nhận lãnh ân điển và sự thương xót từ Đức Chúa Trời, bạn kinh nghiệm được sự bình an của Ngài. “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hoà thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta” (Ro 5:1). Đức Chúa Trời không nghịch lại với tội nhân hư mất song chính tội nhân hư mất thù nghịch cùng Đức Chúa Trời (Ro 5:10 Ro 8:7). Tội nhân đã được hoà thuận với Đức Chúa Trời bởi sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá. Bây giờ tội nhân nên ăn năn và làm hoà với Đức Chúa Trời bởi tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ (IICo 5:14-21).

Thật có ý nghĩa khi Giăng khẳng định thần tính của Đức Chúa Giê-xu Christ ngay đầu bức thư thứ hai của ông. Ông bày tỏ thần tính của Đức Chúa Giê-xu Christ bằng cách kết hợp “Đức Chúa Giê-xu Christ” với “Đức Chúa Cha”. Hãy giả sử đọc câu 3 như sau, “bởi Đức Chúa Trời là Cha, và bởi tiên tri A-mốt”. Bạn sẽ phản ứng lại ngay, “A-mốt không thể kết hợp với danh Đức Chúa Cha theo cách đó! Điều này cho thấy A-mốt ngang bằng Đức Chúa Trời! ”

Nhưng đó là lý do chính xác tại sao Giăng kết hợp Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con lại với nhau: cả hai đều là Đức Chúa Trời! Và sau đó, để cho người đọc không xem nhẹ, Giăng thêm, “là Con của Cha”. Không thể phân rẽ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con riêng biệt được. Nếu Đức Chúa Trời là Cha, thì Ngài phải có Con Đức Chúa Giê-xu Christ là Con đó. “Ai chối Con thì cũng không có Cha: Ai xưng Con thì cũng có Cha nữa” (IGi 2:23).

Nhiều giáo sư giả lý luận, “Nhưng Chúa Giê-xu là 'Con Đức Chúa Trời’ giống như tất cả chúng ta là con Đức Chúa Trời vậy, được tạo nên bởi ảnh tượng Đức Chúa Trời! Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là Con Đức Chúa Trời, nhưng Ngài không thật sự xưng Ngài là Đức Chúa Trời”. Nhưng khi Chúa Giê-xu phán với người Do Thái, “Ta với Cha là một, họ tìm cách ném đá Ngài! Tại sao như vậy? Bởi vì Ngài nói lộng ngôn! “Vì ngươi là người mà tự xưng là Đức Chúa Trời” (Gi 10:30-33). Họ biết Ngài có ý nói gì khi tự xưng là “Con Đức Chúa Trời” và tuyên bố Ngài bằng Đức Chúa Trời.

Đức tin Cơ Đốc đứng hay ngã tuỳ thuộc trên giáo lý thần tính của Đức Chúa Giê-xu Christ. Nếu Ngài chỉ là một con người, Ngài không thể cứu chúng ta, cho dù Ngài có được ơn hoặc đặc biệt như thế nào chăng nữa. Nếu Ngài không là Đức Chúa Trời mang lấy xác thân con người, đức tin Cơ Đốc là sự dối trá - không thật - và sự nhấn mạnh của Giăng trong phần mở đầu bức thư là sai.

Nhà chính khách lỗi lạc người Mỹ Daniel Webster đang ăn tối tại Boston với một nhóm người lỗi lạc, một số có khuynh hướng theo thuyết nhất thể (Thuyết nhất thể bác bỏ Đức Chúa Trời Ba Ngôi và thần tính của Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh). Khi chủ đề tôn giáo được gợi lên nơi bàn ăn, Webster mạnh mẽ khẳng định lòng tin của mình vào thần tính của Đức Chúa Giê-xu Christ và công tác cứu chuộc của Ngài.

Một người nói, “Nhưng thưa ông Webster, ông có thể hiểu làm cách nào Đấng Christ vừa là Đức Chúa Trời lại vừa là người được?”

Webster đáp, “Không thưa ông, tôi không thể hiểu được điều đó. Nếu tôi hiểu được Ngài, Ngài không lớn hơn bản thân tôi chút nào. Tôi cảm nhận rằng tôi cần Đấng Cứu Thế cao trọng hơn con người! ”

Nếu gia đình và Hội Thánh chúng ta phải trung tín với Đấng Christ và chống lại giáo sư giả, chúng ta phải học biết chân lý. Chúng ta học biết chân lý bằng cách nào? Qua việc nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời và để cho Đức Thánh Linh khuyên dạy chúng ta qua việc lắng nghe người khác bày tỏ đúng đức tin và thực hành điều chúng ta học. Chúng ta không chỉ hiểu biết lời Chúa bằng lý trí song cũng phải có lòng yêu mến chân lý và sống cho chân lý. Trọn vẹn con người chúng ta phải tuân phục chân lý.

Cha mẹ dạy cho con cái biết yêu mến chân lý quả là quan trọng biết bao! Trong khi chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời vì các lớp học Trường Chúa Nhật và trong các trường học Cơ Đốc, xét cho cùng chính gia đình phải làm cho con cái thấm nhuần lòng yêu mến chân lý và sự hiểu biết về chân lý của Đức Chúa Trời.

2. Chúng ta phải bước đi trong chân lý (IIGi 1:4-6)

“Bước đi trong chân lý” có nghĩa vâng theo lời Chúa, để cho lời Chúa kiểm soát mọi lĩnh vực trong đời sống chúng ta. Đoạn này bắt đầu và kết thúc bằng sự nhấn mạnh đến sự vâng lời, bước đi theo chân lý. Nghiên cứu về chân lý thậm chí tranh luận về chân lý dễ dàng hơn là làm theo chân lý! Thật ra, đôi khi con cái Chúa nhiệt thành không vâng theo lời Chúa trong chính cách mà họ cố bảo vệ nó.

Khi tôi làm mục sư tại Chicago, một thanh niên lạ mặt thường đứng bên lề đường trước nhà thờ, phân phát truyền đơn tố cáo các nhà lãnh đạo Tin Lành là bạn của tôi. Dĩ nhiên, chúng tôi không thể ngăn anh ta làm điều ấy, vì thế tôi nhắc nhở con cái Chúa trong Hội Thánh lấy những tờ truyền đơn anh ta phát ra càng nhiều càng tốt rồi đem đốt đi!

Một tối nọ một trong những người chúng tôi quyết định “quan sát” chàng thanh niên, ông ấy thấy chàng thanh niên đi đến công viên gần đó, ngồi xuống dưới một cây lớn mồi thuốc hút! Tuy nhiên chỉ vài phút trước đó, chàng thanh niên la lên phía trước nhà thờ, “Tôi là người theo trào lưu chính thống, và tôi không hổ thẹn về đều đó! ” Tôi ước đoán rằng hầu hết những người theo trào lưu chính thống mà tôi biết đều xấu hổ vì anh ta. Anh ta nghĩ rằng mình đang cổ vũ cho chân lý và chống lại sự lầm lạc, tuy nhiên chính anh ta không bước đi trong chân lý. Qua hành vi và thái độ thù hằn, anh ta đang phủ nhận chân lý mà anh ta đang tìm cách bảo vệ.

Niềm Vui Của Vị Sứ Đồ (IIGi 1:4a) đó là con cái bà được chọn bước đi trong chân lý. Giăng không biết tất cả họ, tuy nhiên bản dịch theo nghĩa đen là “một số con cái bà”. Một vài nơi trong các chuyến đi, Giăng đã gặp mặt một ít con cái của bà ấy và biết rằng họ bước đi trong sự vâng phục Chúa.“Tôi nghe con cái tôi làm theo chân lý, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa” (IIIGi 1:4). Chúng ta không có lý do nào tin rằng Giăng đang nói bóng gió về những người con khác đã đi sai lạc theo các giáo sư giả. Nếu Giăng có ý bao gồm các thuộc viên trong “Hội Thánh nhóm trong nhà bà”, có thể một số trong họ đã rời bỏ mối thông công và gia nhập với những người lừa dối.

Chắc chắn Đức Chúa Cha sẽ vô cùng vui mừng khi thấy con cái Ngài vâng theo lời Ngài.Cá nhân tôi kinh nghiệm điều đó có ý nghĩa như thế nào cho vị mục sư khi Hội Thánh vâng phục chân lý và làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Một vài điều làm đau lòng mục sư khi thuộc viên Hội Thánh chống nghịch và không vâng lời, không vâng phục quyền năng của lời Đức Chúa Trời.

Khi nhà truyền đạo nổi tiếng Charles Spurgeon còn là một cậu bé, ông sống với ông nội là mục sư chủ toạ Hội Thánh ở Stambourne, Anh quốc. Một con cái Chúa tên là Roads thường uống bia và hút thuốc trong quán rượu, Điều này làm cho vị mục sư đau đớn vô cùng.

Một ngày kia cậu bé Charles nói với ông nội, “Con sẽ giết ông già Roads, con sẽ! Con sẽ không làm bất cứ điều gì xấu, nhưng con sẽ giết ông Roads, con sẽ! ”

Chàng thanh niên Spurgeon đã làm gì? Ông đối chất với ông Roads bằng những lời lẽ như thế này: “Hỡi Ê-li, ngươi làm gì ở đây? Ngồi với những người không tin kính, và là một thành viên của Hội Thánh ngươi đã làm buồn lòng ông mục sư. Tôi xấu hổ vì cớ ông! Tôi bảo đảm tôi không làm buồn lòng ông mục sư”.

Không lâu trước khi ông già Roads đến nhà vị mục sư xưng tội và xin lỗi mục sư vì cách ăn ở của mình, chàng thanh niên Spurgeon đã thật sự “giết” ông ta!

Lý Lẽ Của Vị Sứ Đồ (IIGi 1:4b) đó là Đức Chúa Trời đã ban điều răn cho chúng ta để bước đi trong chân lý và tình yêu. Chữ điều răn được dùng năm lần trong mấy câu này. Điều răn của Đức Chúa Trời tập trung “chân lý”vào trong các lãnh vực cụ thể của đời sống. “Chân lý” có thể mơ hồ và chung chung nếu chúng ta không cẩn thận, song “các điều răn” làm cho chân lý trở nên cụ thể và gắn bó.

Hãy lưu ý các điều răn Đức Chúa Cha ban cho. Mỗi điều răn là sự bày tỏ về lòng yêu thương chớ không chỉ là luật pháp. Ý muốn của Đức Chúa Trời là bày tỏ tấm lòng của Ngài (Thi 33:11), chớ không chỉ ý tưởng của Ngài mà thôi. Do đó, vâng lời Ngài phải là sự tỏ bày tấm lòng của chúng ta, chớ không phải bày tỏ nỗi sợ hãi.“Vì này là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài.Điều răn Ngài chẳng phải là nặng nề” (IGi 5:3).

Các giáo sư giả cố tìm cách làm cho điều răn của Đức Chúa Trời trở nên khắc nghiệt và khó khăn và họ đưa ra cho những người tin theo họ tự do “thật” (IIPhi 2:19). Nhưng vâng theo ý chỉ trọn vẹn của Đức Chúa Trời là tự do lớn nhất. Chẳng có ai yêu mến Đức Chúa Trời lại xem điều răn của Ngài là nặng nề cực nhọc.

Sứ Đồ Kêu Gọi (IIGi 1:5-6) bà được chọn và con cái bà yêu mến lẫn nhau và lời kêu gọi này cũng dành cho tất cả chúng ta. “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy” (Gi 13:34). Nhưng Giăng viết đó không phải là điều răn mới (IGi 2:7-11). Điều này có mâu thuẫn không?

Điều răn “hãy yêu nhau” chắc chắn không phải mới về thời gian, vì Kinh Thánh Cựu Ước của người Do Thái cũng dạy con người phải yêu thương người lân cận (Le 19:18,34) và những khách lạ (Phu 10:19). Nhưng khi Con Đức Chúa Trời đến thế gian, điều răn này là mới trong sự nhấn mạnh và nêu gương. Đức Chúa Giê-xu Christ đề cao về lòng yêu thương và chính cuộc đời của Ngài nêu gương cho chúng ta về lòng yêu thương ấy. Nó cũng mới mẻ trong kinh nghiệm, vì chúng ta có Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự trong giúp chúng ta có thể vâng lời. “Nhưng trái của Thánh Linh ấy là tình yêu thương” (Ga 5:22 Ro 5:5).

Có thể đòi hỏi tình yêu không? Vâng, khi bạn hiểu thế nào là tình yêu thật trong Đấng Christ. Nhiều người có ý tưởng sai lầm cho rằng tình yêu trong Chúa là một cảm xúc, một loại “tình cảm tôn giáo” đặc biệt khiến chúng ta nghĩ đến và chấp nhận người khác. Hẳn nhiên cần có tình cảm, song về cơ bản, tình yêu Cơ Đốc là hành động của ý chí. Có nghĩa là đối đãi người khác như cách Đức Chúa Trời đối đãi với bạn! Thật ra, tình yêu Cơ Đốc có thể làm chúng ta yêu người chúng ta không “thích”.

Có lẽ chúng ta không thể bắt buộc tình cảm chúng ta luôn luôn, nhưng chúng ta có thể định thái độ và hành động chúng ta. Khi người ta cộc cằn với chúng ta, chúng ta có thể tử tế với họ. Khi người vu cáo chúng ta, chúng ta có thể cầu nguyện cho họ và khi có cơ hội hãy làm điều tốt lành cho họ. Nếu chạy theo tình cảm chúng ta, có lẽ chúng ta sẽ có hành động trả đũa! Nhưng nếu cầu xin Đức Thánh Linh nắm giữ ý chí, chúng ta có thể hành động trong tình yêu Cơ Đốc mà Chúa Giê-xu đã làm.

Giăng tiếp tục giải thích tình yêu thương và sự nghe theo phải đi đôi với nhau (IIGi 1:6). Chia cắt mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời ra khỏi mối tương giao với anh em là điều không thể được. Nếu nói rằng yêu Đức Chúa Trời nhưng ghét anh em, có thể chắc chắn chúng ta không thật sự yêu Đức Chúa Trời (IGi 4:20). Nếu chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời, tình yêu của Ngài sẽ trọn vẹn trong chúng ta, và không sai trật trong tình yêu anh em (IGi 2:3-5).

Khi ôn lại phần này, bạn thấy ba chủ đề trộn lẫn nhau: chân lý, tình yêu thương và sự vâng lời. Bởi tin chân lý - trong Đấng Christ và lời của Ngài - chúng ta được cứu. Bằng chứng của sự cứu rỗi ấy là tình yêu thương và sự vâng lời, song tình yêu và sự vâng lời được mạnh mẽ khi chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết chân lý. Chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật (Eph 4:15) và chúng ta vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời bởi vì chúng ta yêu mến Ngài. Sự vâng lời giúp chúng ta có thể hiểu biết nhiều hơn về chân lý (Gi 7:17), và càng học biết chân lý, chúng ta càng kính mến Đức Chúa Giê-xu Christ là chân lý! .

Thay vì sống trong “vòng xấu xa”, chúng ta sống trong “vòng chiến thắng” của tình yêu, chân lý và vâng lời!

3. Chúng ta phải giữ mình trong chân lý (IIGi 1:7-13)

Từ chỗ cổ vũ cho chân lý, Giăng quay sang chống đối sự sai lạc. Ông kết hợp lời nói của mình với Phi-e-rơ để cảnh cáo rằng có nhiều kẻ dỗ dành trong thế gian.Chữ người dỗ dành ám chỉ đến việc dạy đạo giả và hướng dẫn người ta sống sai.Giăng đã viết rõ ràng chân lý và đời sống phải đi đôi với nhau. Điều chúng ta tin quyết định cách cư xử của chúng ta. Giáo lý sai và cách sống sai thường đi chung với nhau.

Nguồn gốc những giáo sư giả này đến từ đâu? “Trong thế gian đã rải ra nhiều kẻ dỗ dành”. Họ ra từ Hội Thánh! Có lúc, họ đã xưng nhận đức tin “nơi đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (Giu 1:3), nhưng họ quay khỏi đức tin ấy và từ bỏ chân lý cùng Hội Thánh. “Họ ra từ chúng ta song không thuộc về chúng ta” (IGi 2:19). "Lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đệ theo họ” (Cong 20:30).

Phải thường xuyên tỉnh thức về mặt thuộc linh để bảo vệ gia đình và Hội Thánh địa phương thoát khỏi những cuộc tấn công xảo quyệt của các giáo sư giả. Một mục sư rất thành công trong chức vụ nói với tôi, “Nếu tôi rời mắt ra khỏi công việc này hai mươi bốn tiếng đồng hồ và ngưng cầu nguyện, nó sẽ len lỏi vào trước khi chúng ta biết nó.” Ông ta không có ý nhấn mạnh đến tầm quan trọng của riêng mình (Mặc dù các mục sư khả kính thật cần thiết đối với những Hội Thánh có trình độ thuộc linh) nhưng ông muốn coi trọng sự thức canh và dè giữ.

Hãy lưu ý có nhiều kẻ dỗ dành! Tại sao vậy? Câu trả lời trong IIPhi 2:2: “Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông tuồng”. Tôi nghĩ chính Mark Twain người đã nói rằng lời nói dối chạy khắp thế giới trong khi đó chân lý thì mới đi giày vào. Bản ngã con ngươì muốn tin sự dối trá và chống lại chân lý của Đức Chúa Trời. Trong IIPhi 2:1-22, chúng ta biết những phương cách các giáo sư giả dùng để lôi kéo những người không thận trọng và thiếu vững vàng. Họ thành công chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả!

Những người này cũng là “kẻ địch lại Đấng Christ” (IGi 2:18-29). Tiếp đầu ngữ anti trong tiếng Hy Lạp có nghĩa vừa là “thay cho” vừa là “chống lại”. Các giáo sư giả này chống lại Đấng Christ vì họ phủ nhận Ngài quả thật là Đức Chúa Trời đến trong xác thịt (IGi 4:1-6). Họ không chỉ chối bỏ chân lý về Đấng Christ, nhưng còn tạo ra “một Christ giả” cho những kẻ theo họ, không phải là Đấng Christ trong đức tin Cơ Đốc. Câu hỏi đầu tiên bạn muốn nêu ra cho bất kỳ thầy dạy đạo, người giảng đạo hay tác giả nào ấy là, :Bạn nghĩ gì về Đấng Christ? Có phải Ngài là Đức Chúa Trời mang xác thịt loài người không?” Nếu họ lưỡng lự, hoặc phủ nhận rằng Chúa Giê-xu không phải là Đức Chúa Trời trở thành ngừời, bạn có thể chắc chắn bạn gặp phải một giáo sư giả.

Tôi sắp giảng cho Hội Truyền Giáo Carrubers Close tại thành phố Edinburgh xứ Tô Cách Lan, trước khi buổi giảng bắt đầu, một thanh niên đến gặp tôi. Không kịp tự giới thiệu về mình, anh ta nói, “Ông có tin nữ đồng trinh Ma-ri sinh hạ Đức Chúa Giê-xu Christ không?” Tôi trả lời vâng cách mạnh mẽ, và tôi đã rao giảng Đức Chúa Giê-xu Christ là Đức Chúa Trời đến trong xác thịt. Trong khi tôi không thông cảm cho sự dốt nát của anh ta, song tôi hiểu điều anh ta quan tâm về người đàn ông đứng ở toà giảng đang “tuân giữ chân lý”.

Tuân giữ chân lý có nghĩa vẫn trung thành với giáo lý của đức tin Cơ Đốc. Các giáo sư giả đã sai lạc chân lý và xa rời khỏi mối thông công trong Hội Thánh và do đó họ thật nguy hiểm. Giăng chỉ ra ba điều nguy hiểm mà Hội Thánh và con cái Chúa phải đối diện vì các kẻ dỗ dành trong thế gian.

Nguy Cơ Trở Lại Con Đường Cũ (IIGi 1:8). Đây là nguy cơ đánh mất những gì đã có được. Chính các ngươi hãy giữ có nghĩa “Coi chừng! Thận trọng! ” Các giáo sư giả đem đến cho bạn đều gì bạn không có, trong khi thật ra họ lấy mất những gì bạn đang sở hữu!

Sa-tan là kẻ cướp và những kẻ làm việc cho nó cũng như vậy. Giăng muốn độc giả của ông nhận “phần thưởng đầy đủ”, tương đương với ý nghĩa trong IIPhi 1:11, được cho vào cách rộng rãi trong Nước đời đời. Quả thật buồn biết bao khi tôi tớ của Đức Chúa Trời trung tín đổ công sức ra xây dựng Hội Thánh, để rồi công trình của họ bị lời dạy giả dối phá huỷ. Không có gì ngạc nhiên khi Phao-lô viết thư cho Hội Thánh Ga-la-ti, “Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em.” (Ga 4:11)

“Đừng đánh mất những kết quả anh em đã hoàn thành” là cách dịch IIGi 1:8 của dịch giả Kenneth Wuest. Con cái Chúa cần phải kính trọng công tác của các mục sư và thầy dạy đạo tận tuỵ và làm mọi cách để bảo vệ và phát triển công tác ấy. Ngày kia tôi tớ Đức Chúa Trời phải khai trình về công việc của mình, và họ muốn làm công việc ấy “lấy lòng vui lòng không phàn nàn chi” (He 13:17). Khi Hội Thánh sa sút, đánh mất những gì đã đạt được, Hội Thánh cũng mất đi phần thưởng trước Tòa Phán Xét của Đấng Christ. Kiên quyết tin cậy vào chân lý của Lời Đức Chúa Trời là điều thật cần thiết!

Nguy Cơ của sự đi trước (IIGi 1:9). Mối nguy hiểm ở đây là đi vượt ra khỏi giới hạn của lời Đức Chúa Trời cho phép và thêm bớt vào trong lời Ngài. Chữ đi quá giới hạn (vi phạm) có nghĩa ”đi quá xa, vượt khỏi giới hạn đã ấn định. Đó là bước tiến sai lạc! Các giáo sư giả thích làm cho chúng ta tin rằng họ là “người sôi nổi” trong khi Hội Thánh “nhàm chán, buồn tẻ”. Họ mời chúng ta tham gia với họ vì họ có những điều “mới lạ hấp dẫn” muốn chia sẻ với chúng ta. Nhưng họ “tiến bộ” đến mức chối bỏ lời dạy Đức Chúa Giê-xu Christ là Con Đức Chúa Trời trở thành người.

Cách đây năm mươi năm, báo chí Mỹ in đầy dẫy thông tin nói về “cuộc tranh luận giữa những người theo phái chính thống và tân phái”. Những người trung thành với đức tin chống lại chủ nghĩa tân phái tìm cách đem các trường phái và sự lãnh đạo những giáo phái này trở lại với căn nguyên của Cơ Đốc giáo. Nhóm “cấp tiến” tự xưng là “những người theo tân phái”, trong khi thật sự những lời bác bỏ giáo lý của Đấng Christ của họ chẳng có gì “mới mẻ”. Những lời phủ nhận này cũ kỹ như chính Hội Thánh! Một trong những lãnh đạo của họ, Tiến sĩ Harry Emerson Fosdick, nói trong bài giảng của ông, “Chủ nghĩa chính thống vẫn tồn tại với chúng ta nhưng hầu như nằm trong vũng nước đọng.” Nếu còn sống đến ngày hôm nay, ông ta sẽ không nói câu ấy ngày nay các Trường Chúa Nhật, Hội Thánh, chủng viện, và trung tâm truyền giáo lớn nhất đều đặt nền tảng trên giáo lý của Chúa Giê-xu.

Nếu ai không tuân giữ theo chân lý, người ấy không có Đức Chúa Cha cùng Đức Chúa Con. Không thể tôn vinh Đức Chúa Cha lại đồng thời bỏ mặc Đức Chúa Con (hoặc cho Ngài chỉ là một con người). “Đặng ai nấy đều tôn kính Con, cũng như tôn kính Cha vậy. Ai không tôn kính Con, ấy là không tôn kính Cha, là Đấng đã sai Con đến” (Gi 5:23). “Thần học tiến bộ” phủ nhận Đấng Christ nhưng kỳ thực không tiến bộ chút nào cả đó là sự thối lui - toàn bộ trở lại với Sa 3:1: “Mà chi, Đức Chúa Trời há có phán dặn...?”

Tuy nhiên, trong việc đưa ra lời nhắc nhở này, Giăng không lên án “sự tiến bộ” theo đúng nghĩa của nó. “Chúa còn có nhiều chân lý soi rọi trong lời của Ngài”. Đức Chúa Trời ban cho Đức Thánh Linh dạy dỗ chúng ta và dẫn chúng ta vào những chân lý mới mẻ (Gi 16:12-16), chúng ta phải thường xuyên lớn lên (IIPhi 3:18).

Nhưng nếu “việc học biết” dẫn chúng ta đi xa khỏi giáo lý căn bản về đời sống và chức vụ của Đức Chúa Giê-xu Christ, chúng ta đang ở trong sự nguy hiểm.

Nguy Cơ Dự Vào Công Việc Của Đạo Lạc (IIGi 1:10-11). Giăng nhắc nhở gia đình (và Hội Thánh nhóm trong gia đình ấy) không tiếp đón các giáo sư giả khi họ đến thăm, không thông công với họ hoặc có thể không chào hỏi họ. Tiếp rước là công việc rất quan trọng trong đức tin Cơ Đốc thời ấy, vì có rất ít quán trọ cho khách có thể trú lại, nhất là các con cái Chúa muốn tránh xa những ảnh hưởng tội lỗi của thế gian. Cơ Đốc nhân được khuyên dạy mở cửa đón tiếp khách đến thăm nhà mình (Ro 12:13 ITi 3:2 ITi 5:3-10 He 13:2 IPhi 4:8-10).

Thật sự các mục sư và thầy dạy đạo cần có chỗ nghỉ lại trong chuyến đi hầu việc Chúa (IIIGi 1:5-8). Con cái Chúa bày tỏ lòng hiếu khách đối với tôi tớ Đức Chúa Trời là những “người giúp việc cho chân lý”, nhưng người tin Chúa giúp đỡ cho các giáo sư giả thì chỉ dự phần vào công việc ác của họ. Giáo lý của Đức Chúa Giê-xu Christ là sự thử nghiệm của chân lý, nền tảng cho mối thông công, và mối dây liên kết lẫn nhau.

Nguyên tắc này chắc chắn có ích cho ngày hôm nay. Thường thường những người tự nhận là Cơ Đốc nhân đến nhà chúng ta, thích mở băng nhạc cho chúng ta hay trao cho chúng ta những tạp chí hoặc sách báo. Chúng ta phải cảnh giác. Nếu họ không đồng ý với chân lý của Đức Chúa Giê-xu Christ, không những không cho họ vào nhà, chúng ta còn không nên chào “tạm biệt” họ, vì lời chào “good-bye” trong tiếng Anh nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng bạn”.

Tại sao Giăng cương quyết về điều này như vậy? Vì ông không muốn bất kỳ con dân Chúa nào (1) tạo cho giáo sư giả nghĩ rằng người ta có thể chấp nhận tà đạo của họ (2) bị tiêm nhiễm vì kết giao và thân thiện với họ và (3) tiếp nhiên liệu cho các giáo sư giả ở trạm dừng kế tiếp. Nếu tôi tiếp đãi một người thờ tà thần chẳng hạn, anh ta sẽ nói với người chung quanh rằng, “Không có lý do nào bạn không cho tôi vào nhà. Dầu sao, Mục sư Wiersbe đã cho tôi vào và chúng tôi đã chuyện trò thích thú lắm! ”. Sự không vâng lời của tôi có thể dẫn người khác đến sự tàn hại dễ dàng.

Tôi muốn nói rõ Giăng không có ý nói chỉ những người được tái sinh mới được vào nhà chúng ta! “Sự truyền đạo thân mật” quanh bàn ăn là cách tốt lành để chinh phục người khác đến với Đấng Christ. Cơ Đốc nhân cần phải gần gũi và hiếu khách. Sứ đồ khuyên chúng ta không tiếp rước hay cổ vũ cho giáo sư giả đại diện cho những người chống lại Đấng Christ, những người đã bỏ Hội Thánh và bây giờ cố tìm cách lôi kéo người khác cách xa chân lý. Bạn có thể đoan chắc rằng những kẻ bội đạo dùng mọi cơ hội họ có được để buộc chặt sự chấp thuận của những người tin Chúa thật.

Có một truyền thuyết nói về sứ đồ Giăng minh hoạ địa vị của ông quan tâm đến giáo lý sai lạc. Khi ông sống lại Ê-phê-sô, một ngày kia ông đến phòng tắm công cộng, tại đó ông gặp Cerinthus, người lãnh đạo một tà giáo. Giăng vùng chạy ra khỏi tòa nhà vì sợ ngôi nhà đổ sập bởi cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời! Cerinthus dạy rằng Chúa Giê-xu là con của Giô sép và Ma ri, chớ không phải là Đức Chúa Trời trở thành người.

Lời kết thúc của Giăng (IIGi 1:12-13) hầu như giống hệt với lời chúc tạm biệt trong 3 Giăng, những lời này không cần phải giải thích. Tuy nhiên, chúng nói lên tầm quan trọng của mối thông công Cơ Đốc và và sự vui mừng đem đến cho lòng chúng ta (IGi 1:4). Thật tuyệt vời khi nhận thư, nhưng còn tuyệt vời hơn khi đón nhận con dân Đức Chúa Trời vào nhà và vào lòng chúng ta.

Bức thư ngắn ngủi viết cho người mẹ Cơ Đốc và gia đình của bà (có thể cho Hội Thánh nhóm trong nhà của họ), là vật quí giá. Nhưng chúng ta không nên quên trọng tâm chính của bức thư: Hãy tỉnh thức! Có nhiều kẻ dỗ dành trong thế gian!