Một truyền thống khá dễ thương trong dịp Lễ Tạ ơn của nước Mỹ là việc tổng thống ân xá cho con gà tây. Mỗi năm vào dịp Lễ Tạ ơn, người Mỹ ngốn hết hơn 50 triệu con gà tây, và cũng cứ mỗi năm vào dịp này, tổng thống Mỹ lại ân xá cho ít nhất một con gà tây, ra tay cứu độ để nó không bị đầy ải vào trong lò nướng của một căn bếp nào đó.

Thông thường cứ mỗi năm vào dịp lễ thì một trại nuôi gà nào đó gửi tới Toà Bạch Ốc hai con gà tây thật đẹp để mừng lễ. Nhưng vào ngày 17 Tháng 11 năm 1989 – đúng 200 năm sau ngày George Washington đưa ra tuyên cáo về ngày Lễ Tạ ơn – Tổng thống George H.W. Bush đã chính thức hoá truyền thống tốt đẹp này khi ông ân xá cho con gà tây nặng 22 ký trong khu vườn hồng của Toà Bạch Ốc trước sự hiện diện của 30 em nhỏ. Ông Bush đã nói với các em: “Tôi bảo đảm với các bạn chú gà tây tốt mã này sẽ không phải nằm trên bàn ăn của bất cứ ai, không phải anh chàng này. Ngay lúc này đây hắn đã nhận được ân xá của tổng thống.”

Việc ân xá gà tây của tổng thống cho đến nay vẫn còn được tổ chức như một nghi thức hàng năm trong dịp Lễ Tạ ơn tại Toà Bạch Ốc.

Một truyền thống nữa trong ngày Lễ Tạ ơn ở Mỹ là xem đấu bóng bầu dục. Năm 1934, sân vận động của Đại học Detroit tổ chức trận đấu bóng bầu dục đầu tiên trong ngày Lễ Tạ ơn giữa hai đội Detroit Lions và Chicago Bears.

Trận đấu này là ý kiến của ông G.A. Richards, chủ nhân đầu tiên của đội Detroit Lions. Ông muốn quảng bá đội bóng mới thành lập của ông trong một thành phố chỉ biết mê môn bóng chày, do đó ông đã đến gặp đài NBC để nhờ họ phát sóng trận đấu này qua hệ thống phát thanh toàn quốc của họ. NBC đồng ý và trận đấu trở thành trận đấu thể thao đầu tiên hết được phát sóng của hệ thống NBC.

Trận đấu được rất nhiều người theo dõi và trở thành một truyền thống ở Mỹ và nay bóng bầu dục là một phần sinh hoạt quan trọng của ngày lễ.

Kể từ đó đội Detroit Lions mỗi năm đều chơi một trận trong ngày Lễ Tạ ơn, chỉ tạm gián đoạn vì Thế chiến II. Đội Dallas Cowboys kể từ năm 1966 cũng mỗi năm chơi một trận trong ngày Lễ Tạ ơn, và chỉ vắng mặt trong hai năm 1975 và 1977. Đến nay người ta đã cho tăng lên thành ba trận đấu trong ngày lễ: trưa, chiều và tối. Trong ngày này, nếu người Mỹ không phải đi ra ngoài thì chỉ còn một việc là ăn nhậu và coi bóng bầu dục trong nhà.

Một truyền thống đáng yêu khác của Lễ Tạ ơn ở Mỹ là cuộc diễn hành tại thành phố New York do hệ thống bán lẻ Macy’s tổ chức – cuộc diễn hành hàng năm này có rước xe hoa, có những đoàn cổ vũ, những ban nhạc diễn hành và những trái bóng khổng lồ được treo ở trên cao.

Cuộc diễn hành này được bắt đầu từ những năm của thập niên 1920 khi nhiều nhân viên của Macy’s là di dân và họ muốn mừng ngày lễ của người Mỹ với kiểu lễ hội mà cha mẹ họ đã từng tổ chức ở Âu châu.

Cuộc diễn hành đầu tiên bắt đầu từ đường 145 trong khu Harlem và kết thúc ở công trường Herald, là tuyến đường dài gần 10 cây số.

Trong một ý nghĩa nào đó, có thể nói Lễ Tạ ơn đến nay đã xâm nhập vào một số quốc gia trên thế giới. Tuy người dân ở những nước này không mừng Lễ Tạ ơn như người Mỹ nhưng cứ đến dịp này hàng năm người dân ở một số nước Âu châu lại mong ngóng đến ngày Thứ Sáu đen để đi mua sắm với nhiều mặt hàng có giá hời. Thứ Sáu đen là ngày sau Lễ Tạ ơn và nhiều cửa hàng đại hạ giá nhiều mặt hàng để câu khách.

Cách đây năm năm, công ty Amazon đã thử thời vận mang kiểu mua sắm của người Mỹ tới một thị trường mới. Nay thì không chỉ công ty Amazon mà còn rất nhiều cửa hàng bán lẻ nội địa khác cũng đã nhảy vào để cạnh tranh. Lẽ đương nhiên là người tiêu thụ được lợi vì có được nhiều lựa chọn các mặt hàng mà giá cả lại rẻ hơn những lúc bình thường khác.

Trải qua nhiều trăm năm, mặc dù về hình thức, Lễ Tạ ơn ở Mỹ đã có một vài thay đổi nhưng về ý nghĩa thì vẫn giữ nguyên như ngày Lễ Tạ ơn trong năm 1621, nghĩa là tỏ lòng biết ơn và cảm tạ Đức Chúa Trời đã dắt đưa 102 thuyền nhân Tin Lành đầu tiên từ Anh Quốc sang "bờ tự do" để tìm tự do, nơi đó họ thoát khỏi cái chết của nạn đói, được thổ dân giúp đỡ và tất cả đều biết rằng bởi Đức Chúa Trời yêu thương, chăm sóc và bảo vệ nên cứ hàng năm vào dịp này thì nhớ lại công ơn Chúa làm mà cảm tạ Chúa.

Lễ Tạ Ơn này cũng nhắc nhở chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn với những người đã từng giúp đỡ chúng ta trong suốt hành trình của cuộc sống, cho dù là thân hay sơ. Kể cả những người lạ mặt ta gặp trên đường đã tránh lối cho ta bước đi, hay ở một hành lang nào đó đã mở dùm ta cánh cửa. Và vì vậy, Lễ Tạ ơn có thể được xem là ngày lễ ý nghĩa nhất của người Mỹ và tất cả những ai có niềm tin nơi Đức Chúa Jesus - niềm tin mà những người di dân đầu tiên đến vùng đất tự do này đã mang theo hành trình là quyển Kinh Thánh quý giá theo họ và giữ vững cho đến ngày nay.