Học Thần học, khi luận đến Sự Vô ngộ của Kinh Thánh, Sự Sáng tạo, và Các phép lạ mà không nhắc đến một vài thuyết khoa học liên quan như thuyết Big Bang và thuyết Tiến hóa chẳng hạn, thì bị kể là rất thiếu sót, và e rằng anh em chúng ta có thể bị xem như là những con đà điểu muốn trốn chạy khỏi sự thật nên cố gắng vùi đầu vào trong đống cát.

Nhứt là e rằng các Quý Học viên sẽ hiểu lầm rằng Kinh Thánh và Thần học rất trái với khoa học.

Thật ra, Thần học không trái khoa học. Chỉ có điều Thần học xây dựng trên Kinh Thánh, là Lời Đức Chúa Trời, chớ không xây dựng trên khoa học, dù khoa học vật lý hay khoa học xã hội.

Ngoài ra, Thần học cũng không tìm kiếm sự đồng ý của khoa học. Lý do vì các tuyên bố của các nhà khoa học cứ thay đổi luôn luôn. Hôm nay, ngày 20 tháng 6, 2020, đang khi sửa soạn bài về Thuyết Big Bang, lại cũng nhơn trong mùa đại dịch Covid-19, tôi xin phép dùng một thí dụ gần gũi, để cho thấy những tuyên bố của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới mau thay đổi là dường nào:

Vào khoảng tháng hai, khi đại dịch Covid-19 vừa nổ ra tại Mỹ, khi Nhà nước Mỹ cử Phó Tổng thống Mike Pence làm Tổng giám đốc chiến dịch chống Covid-19, một nữ Dân biểu bấy giờ định ra tranh cử Tổng thống, Bà Alexandria Ocasio-Cortez, liền lập tức mạnh mẽ chỉ trích, cho rằng Ông Mike Pence không xứng lãnh đạo cơ quan nầy vì ông không tin vào khoa học. Ngày 26 tháng 2, Bà tweeted: “Mike Pence literally does not believe in science”.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người cũng định ra tranh cử Tổng thống, vào cuối tháng ba tuyên bố rằng Tòa Bạch ốc “has shown the world that it does not believe in science”.

Bà Chủ tịch Quốc hội Nancy Pelosi thì nói về Đảng Cộng hòa, trong một cuộc họp báo hôm tháng tư: "If you don't believe in science and you don't believe in governance, that is their approach."

Ứng viên Tổng thống Joe Biden cách đây một tháng, ngày 19 tháng 5, cũng tweeted: "We need a president who believes in science”.

Như vậy, theo các vị nầy, hễ người nào không mê tín vào khoa học như họ cũng đều là kém cỏi và thậm chí có tội, dầu cho người đó một thành tích lãnh đạo thành công và một đời sống đạo đức vượt trội như Phó Tổng thống Mike Pence, chẳng hạn.

Nhưng khoa học đáng tin đến đâu? Xin hãy lấy Dịch Covid-19 ra làm thí dụ.

Vào khoảng tháng 3, một nhà khoa học hàng đầu của Nước Mỹ, Robert Redfield, ra tuyên bố: “There is no role for these masks in the community”. Một nhà khoa học khác, U.S. Surgeon General, Jerome Adams, cũng tweeted: “STOP BUYING MASKS! They are NOT effective in preventing the general public from catching coronavirus”.

Dân chúng rất tin tưởng. Ra đường không ai mang khẩu trang. Gia đình tôi thấy rằng dầu sao mang khẩu trang vẫn hơn. Chúng tôi mang khẩu trang trước những cái nhìn thương hại lẫn ái ngại của nhiều người Mỹ.

Thế mà chưa hết. Các nhà khoa học vào lúc đó còn cho biết rằng con vi-rút Covid-19 chủ-yếu lây lan khi thân thể chúng ta chạm phải những vật thể có con vi-rút có nằm trên đó. Họ đưa ra một danh sách về số ngày các con vi-rút sống trên những vật thể đó, ví dụ như: Coronavirus có thể sống trên mặt kính, trên gỗ, trên kim loại inox, trên vải, trên nhựa, trên thủy tinh, và cố nhiên là trên đất, từ vài giờ cho đến mấy ngày. Trong điều kiện thích hợp, chúng có thể sống lâu trên các bề mặt đến 28 ngày. Than ôi, quả thật giống vi rút nầy “tuy nhỏ, mà có võ”!

Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng đồng một quan điểm trên. Họ lên tiếng mạnh mẽ rằng rửa tay và làm sạch các bề mặt chúng ta thường va chạm vào, là “chìa khóa” để ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Cái nầy mới là khổ. Mỗi lần đi chợ về, chúng tôi phải sát trùng giày dép, giặt quần áo, tắm rửa, sát trùng túi xách, dây nịt, thậm chí cả …tiền bạc, vì sợ vi-rút bám vào trong đó. Có lần mỏi mệt quá, tôi nói với vợ tôi: “Anh nghĩ trên mặt đường đi thì còn có thể, chớ trên mặt kính với mặt inox có gì ăn đâu mà vi-rút có thể sống lâu dữ như vậy”.

Tuy than phiền, nhưng chúng tôi vẫn phải sát trùng thường xuyên, vì không dám cãi các nhà khoa học.

Thế rồi, đùng một cái vào đầu tháng tư, các nhà khoa học lại đổi ý 180 độ, tuyên bố rằng mang khẩu trang mới là quan trọng và rất quan trọng. Thậm chí mang một tấm vải đơn giản che mặt cũng sẽ giảm thiểu được sự lây lan của vi rút Covid-19. May phước cho gia đình tôi, vì không “tuyệt đối tin tưởng” vào các nhà khoa học và còn tin vào “common sense”, nên đã mang khẩu trang ngay từ ban đầu. Nếu không, lúc đó lỡ bị Covid-19, thì chẳng biết bắt thường ai!

Các nhà khoa học còn nói thêm một câu rất quan trọng và tiết kiệm được nhiều tiền cho dân chúng: “Vi-rút Covid-19 chủ yếu lây lan trực tiếp từ người sang người mà thôi”.

Tuy nhiên, gia đình chúng tôi đã bắt đầu nghi ngờ ý kiến của các nhà khoa học, nên tiếp tục sát trùng các bề mặt như cũ. Cẩn thận vẫn là hơn. 

Nhưng chúng tôi thì chưa thấm gì. Tội nghiệp cho ông Tổng thống: Hôm đầu tháng 6 vừa qua, Ứng cử viên Joe Biden tuyên bố một lời thật nặng nề về Tổng thống Trump: “an absolute fool”. Lý do vì tại Lễ Memorial Day, Tổng thống đã không mang khẩu trang.

Hóa ra những ai quá tin lời các nhà khoa học hôm tháng ba, lại bị kể là ngu dại trong tháng 5.

Vậy là khoa học đã thay đổi ý kiến chỉ sau hai tháng, mau thật!!!

Đã mấy trăm năm qua, khoa học cứ đổi ý kiến hoài và sai hoài (vì sai nên mới đổi ý kiến), bắt mọi người phải tin vào khoa học đến mức độ cuồng tín. Ai không tin thì phải tội.

 

Nước Mỹ thật là đáng thương trong lúc nầy. Phải tin vào các nhà khoa học thì mới là người tốt, dầu các nhà khoa học chẳng đưa ra được bất kỳ một phương thuốc nào cho bệnh nhân Covid-19. Chết mà không uống được một viên thuốc. Còn thua cả người Việt nam ở miền quê, nghèo lắm cũng được một nồi thuốc lá cây. Các nhà khoa học thì kỹ quá, thà để dân chết vì Covid-19, còn hơn để dân gặp phản ứng phụ khi dùng thuốc chưa được nghiên cứu kỹ. Tổng thống Trump có lẽ vì quá mệt mỏi cho các nhà khoa học, kể cả ông Cố vấn trưởng Anthony Fauci, và quá khổ sở trước tình cảnh của dân sự, nên có lần tuyên bố: Ông tin vào các kết quả điều trị tại Pháp, và cũng tin vào  “common sense”, nên nêu lên việc sử dụng Chloroquine cho Covid-19. Ý kiến của ông bị các nhà khoa học cho là bất cẩn, và báo chí phê phán không tiếc lời.

Nhưng đây chỉ là một mảnh nhỏ của câu chuyện khoa học. Nếu đọc lịch sử về mọi ngành khoa học từ Thời đại Ánh sáng và Cách mạng Khoa học cho đến hôm nay, đã không biết bao nhiêu những lời tuyên bố khoa học cái sau cãi lại cái trước.

Vậy nên, nếu Thần Học đồng hành cùng khoa học, ắt sẽ chóng mặt. Hơn 200 năm qua, chính vì sợ Cơ-đốc giáo phản khoa học mà hầu hết các Chủng viện Thần học nổi tiếng của Âu châu, Úc châu, và Bắc Mỹ đã suy tàn vì Chủ nghĩa Tự do, Tân phái, và Tân Chánh thống. Trong gần 200 năm qua, hơi thở của “con bò vàng khoa học” thổi ra như giông bão, khiến cho các sách Thần học, đặc biệt ba chủ đề: Sự Vô ngộ của Kinh Thánh, Sự Sáng tạo, và Các phép lạ,- đặc biệt hai phép vĩ đại là Sự Giáng sinh và Sự Phục sinh của Chúa Cứu Thế, đều bị lý giải làm sao để Cơ-đốc giáo không bị xem là mê tín. Ở Hoa kỳ, các trường đại học danh tiếng Harvard, Yale, Princeton*,…ngày xưa đều bắt đầu bằng Trường Thần học, với mục đích “đào tạo các tôi tớ Đức Chúa Trời và các nhà lãnh đạo đầy đủ năng lực để dẫn dắt dân sự”.  Từ các Trường nầy, đã có biết bao những nhà Thần học, giáo sĩ, và sứ giả phục hưng nổi tiếng đã từng được đào tạo. Ngày nay, các phân-khoa Thần học ở đó đều có khuynh hướng tự do.

Nói tóm lại, Thần học chỉ nên xây dựng trên Kinh Thánh và đi theo Kinh Thánh, là Lời Hằng Sống và Bền Vững của Đức Chúa Trời, vì IPhi 1:24-25 chép:

“Mọi xác thịt giống như cỏ, nhan sắc nó như hoa ngoài đồng.

Cỏ khô, hoa rụng, vì hơi Đức Giê-hô-va thổi qua.

Phải, dân nầy khác nào cỏ ấy:

Cỏ khô, hoa rụng;

Nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!”

 

Bài viết của Mục sư Joseph Duong

 

 


*Đại học Harvard được thành lập năm 1636, bởi những người Thanh giáo nổi tiếng tin kính và thánh khiết, với mục đích ban đầu là để đào tạo mục sư, nhưng không đầy 200 năm sau, đã ngả theo khuynh hướng Phổ thế (Unitarianism), và ngày nay Harvard Divinity School đã trở thành một trung tâm nghiên cứu tôn giáo đang đào tạo những nhà lãnh đạo cho Ấn độ giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, và đạo Sikh.

*Đại học Yale, tên ban đầu là Collegiate School, được thành lập năm 1701, để “nhờ sự ban phước của Đức Chúa Trời Toàn Năng mà đào tạo các thanh niên trở thành các mục sư và những nhà lãnh đạo dân sự”, nhưng về sau bị không khí tôn sùng khoa học lấn áp nên cũng ngã theo khuynh hướng Phổ thế như Harvard. Ngày nay Thần học tại Yale Divinity School là Thần học Hậu tự do (Postliberal theology) một loại Thần học pha trộn giữa quan điểm của Karl Barth (Tân chánh thống), Henri de Lubac (Công giáo), cùng Xã hội học của Clifford Geertz, và Triết lý khoa học của Thomas Kuhn.

*Chủng viện Princeton, nổi tiếng bảo thủ khi thành lập, 1812, với những giáo sư đầy tin kính như Archibald Alexander (1812–1850), Charles Hodge (1851–1878) Archibald Alexander Hodge (1878–1886), B. B. Warfield (1887–1902)… nhưng chỉ hơn một trăm năm sau thì đã trở thành tự do, tự do cho đến nỗi vào năm 1929, những nhân vật bảo thủ còn lại đã phải lìa bỏ trường nầy và bước theo chân Giáo sư John Gresham Machen để ra đi, và mở Westminster Theological Seminary tại Glenside, Pennsylvania.