Dạy dỗ thêm về sự tái lâm của Chúa

Thơ tín nầy có lẽ viết vào khoảng 52 S.C., cách thơ tín thứ nhứt mấy tuần lễ hoặc mấy tháng. Trong thơ tín thứ nhứt,Phao-lô luận về Chúa tái lâm thình lình và bất ngờ. Trong thơ tín nầy, ông giải thích rằng sự tái lâm của Chúa chỉ xảy ra sau khi có sự bội đạo.

IITe 1:1-12

 Ngày Của Chúa

Trong đoạn nầy, Phao-lô nhấn mạnh vào một đặc điểm của ngày Chúa tái lâm, ấy là ngày đó sẽ đem sự khủng khiếp cho những kẻ chẳng vâng phục Chúa.

Ở I Tê-sa-lô-ni-ca, đoạn 4, Phao-lô đã nói rằng Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và khi có tiếng kêu của thiên sứ trưởng,thì Hội Thánh sẽ được cất lên để "ở cùng Chúa luôn luôn."

Đây, ông thêm rằng Chúa sẽ đem theo "các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng" (câu 10) để báo thù những kẻ chẳng vâng phục Ngài. Đức Chúa Jêsus đã phán về "lửa đời đời" (Mat 25:41) và "lửa chẳng hề tắt" (Mac 9:23). Trong thơ  He 10:27, "lửa hừng" liên quan với ngày "phán xét" . Thơ IIPhi 3:7,10 có tuyên bố rằng "trái đất sẽ bị đốt cháy cả" (xem lời chú giải khúc sách đó).

IITe 2:1-17

 Sự Bội Đạo

Mục đích minh bạch của thơ tín nầy là cảnh cáo tín đồ Tê-sa-lô-ni-ca rằng sự tái lâm của Chúa không xảy ra ngay lập tức đâu, vì phải có sự bội đạo trước đã.

Sự bội đạo là gì?Ấy là tình trạng "sa ngã" (bản tiếng Việt-Nam dịch là "bỏ đạo")trong đó, một nhân vật gọi là "người tội ác" sẽ ngồi trong Đền thờ Đức Chúa Trời, tự xưng là Đức Chúa Trời và tự dấy lên nghịch cùng Đức Chúa Trời (câu 3, 4). Ấy là một Hội Thánh giả mạo do một tên phỉnh gạt cầm đầu.

Toàn thể các Giáo phụ Hội Thánh đầu tiên trông tìm một Antichrist có cá tánh hiện ra sau khi đế quốc La-mã suy sụp.

Các nhà Cải chánh Tin Lành trực tiếp đụng chạm với sự bại hoại kinh khủng của Giáo hội thời Trung cổ, nên tin rằng chế độ Thủ lãnh kia (tức là chế độ do một người cầm đầu, cướp lấy quyền hành vốn chỉ thuộc về Đấng Christ, và phải chịu trách nhiệm về sự bại hoại lan tràn) chính là sự xuất hiện của người tội ác.

Đương thời chúng ta, sau gần 2000 năm lịch sử Hội Thánh, ý kiến vẫn còn bất đồng nhiều lắm. Có nhiều người nghĩ rằng nó chỉ về một thời kỳ ngay trước khi Chúa tái lâm.

Tinh thần bội đạo đã hành động đương thời Phao-lô (câu 7). Về toàn thể, cho tới ngày nay, lịch sử Hội Thánh vẫn là một bức tranh buồn thảm. Nhìn Hội Thánh hữu hình một cách tổng quát từ khi thành lập vào thế kỷ thứ nhứt cho đến thời nay, thì gọi nó là Hội Thánh bội đạo cũng chẳng phải là không đúng. Cho tới ngày nay, chế độ thủ lãnh kia là sự biểu thị tệ hại nhứt của Hội Thánh bội đạo. Ta còn phải chờ xem cực điểm chung kết của sự bội đạo nầy sẽ là thể nào.

"Điều làm ngăn trở" (câu 6).Các Giáo phụ Hội Thánh đầu tiên thường hiểu rằng đó là đế quốc La-mã. Lại có người cho đó có nghĩa chỉ về Đức Thánh Linh.

 

Ý tưởng của Phao-lô đối với sự tái lâm của Chúa

Có một phái phê bình thường hay nói rằng Phao-lô "phải xây dựng lại ý tưởng của ông đối với sự tái lâm của Chúa;" rằng "ý niệm thô sơ lúc đầu của ông" mâu thuẫn với ý niệm lúc sau. Lời phê bình nầy tuyệt đối không đúng. Ý niệm của Phao-lô lúc đầu là ý niệm duy nhứt, thứ nhứt, sau cùng và luôn luôn của ông. Hai thơ Tê-sa-lô-ni-ca là tác phẩm đầu tiên của ông còn lại. Trong hai thơ nầy, ông đặc biệt tuyên bố rằng ông KHÔNG trông mong Chúa hiện ra ngay lập tức; rằng Ngài không hiện ra trước khi có sự bội đạo, là tình trạng chỉ mới bắt đầu xuất hiện đương thời ông. Có lẽ Phao-lô không được Chúa khải thị cho biết sự bội đạo sẽ là thể nào.Nhưng bất cứ ý niệm ông về sự tái lâm của Chúa là thể nào, nó cũng không loại bỏ khả năng Chúa ngự đến đang lúc ông còn sống; điều nầy được chứng minh bởi phần câu: "Chúng ta là kẻ sống" (ITe 4:15  ICo 15:52). Từ đầu đến cuối,Phao-lô vẫn trông chờ sự tái lâm của Chúa như một chung cuộc vinh hiển, nhưng đồng thời ông cũng dự liệu sự chết bất thần, do đó mình được "đi ở với Đấng Christ" (Phi 1:23). Hoặc ông ở trong thân thể, hoặc ông ở ngoài thân thể lúc Chúa tái lâm, thì chẳng phải là điều hệ trọng. Trong lời cuối cùng của ông viết (IITi 4:6-8) nhằm lúc gần "đi" tâm trí ông vẫn còn chuyên chú vào "sự hiện đến" của Chúa.

IITe 3:1-18

 Những Kẻ Bừa Bãi

"Hãy cầu nguyện cho chúng tôi"(câu 1-2) "hầu cho chúng tôi được giải thoát khỏi kẻ vô lý và người ác." Chính lúc đó, Phao-lô đang bị rắc rối ở Cô-rinh-tô; lời cầu nguyện của họ đã được Chúa đáp lại (Cong 18:9,10).

Những kẻ bừa bãi(câu 6-15) tức là những kẻ biếng nhác lợi dụng tâm tình từ thiện của Hội Thánh (ITe 4:9-10), dựa vào sự trông mong Chúa hiện ra ngay lập tức để bào chữa lỗi bỏ bê công việc thường xuyên, và đòi quyền được các anh em sung túc cứu trợ.

Dầu Phao-lô sốt sắng cổ võ lòng từ thiện đối với những người thật thiếu thốn, dầu ông để nhiều thì giờ quyên tiền giúp kẻ nghèo túng, nhưng ông chẳng tiếc lời lên án kẻ có thân thể cường tráng, có thể làm việc, mà lại chẳng muốn làm việc. Trong mấy câu nầy, ông nghiêm cấm anh em không được cứu trợ bọn người ấy; thậm chí ông truyền lịnh cho Hội Thánh không được thông công với họ.

Trong sự dạy dỗ của Phao-lô, hoặc của Đấng Christ, hoặc ở bất cứ sách nào trong Kinh Thánh, đều không có chi khuyến khích bố thí cho kẻ có thân thể cường tráng song biếng nhác, làm nghề hành khất."