- Chuyên mục: Thánh Kinh Lược Khảo
Coi chừng các giáo sư giả
"Trưởng lão" (câu 1).Các Sứ đồ khác đều đã qua đời từ lâu năm rồi. Chỉ một mình Giăng còn sống; ông là Tổng chủ giáo của cả Hội Thánh Đấng Christ, đã cao tuổi lắm, và là đồng bạn sau chót của Đức Chúa Jêsus còn sống sót. Như vậy, tước hiệu "Trưởng lão" thật xứng hợp biết bao!
"Bà được chọn" (câu 1). Chúng ta không có cách nào mà biết chữ "Cyria," dịch là "bà," chỉ về một người hay là một Hội Thánh gọi tượng trưng bằng tên bà ấy. Nếu là một Hội Thánh, thì "con cái bà" tức là thuộc viên của Hội Thánh ấy. Nếu là một người, thì chắc là một bậc phụ nữ có danh tiếng và cao sang, ở một nơi nào gần thành Ê-phê-sô, và có một chi hội nhóm họp trong nhà bà. "Chị em bà" là chi hội mà Sứ đồ Giăng đang cư trú, hoặc một bậc phụ nữ cao sang nào khác. Có người đoán rằng đây có thể là vợ của Giăng.
Các giáo sư giả (câu 7-11). Đây là cùng một bọn người đã nói đến ở IGi 2:18-29. Bắt chước các viên Truyền đạo ở dưới quyền Sứ đồ Giăng (xem lời chú giải thơ IIIGi 1:3-8), bọn chúng đi từ chỗ nầy đến chỗ kia, xông vào các chi hội như săn mồi, nhơn Danh Đấng Christ mà dạy các lẽ đạo hoàn toàn chống đối Tin Lành. Thơ nầy viết để cảnh cáo "bà được chọn" chớ tiếp đãi bọn giáo sư ấy. Trước lời cảnh cáo, có lời khuyên bảo "phải yêu thương nhau" (câu 5-6), dường như để tỏ ra rằng sự thực hành lòng yêu thương trong Đấng Christ chẳng có nghĩa là chúng ta phải khuyến khích bọn nghịch thù chân lý.
Những thơ khác.Giăng còn viết những thơ khác (IGi 2:13-14 IIIGi 1:9), có lẽ là nhiều. Thơ II và III Giăng gởi cho các bạn hữu mà ông trông mong chẳng bao lâu sẽ có dịp thăm viếng; đây là những bức thơ riêng. Những bức thơ riêng như loại nầy, không có cơ hội lưu hành rộng rãi như các thơ gởi chung cho Hội Thánh. Vì những thơ nầy ngắn ngủi và có tánh cách riêng, nên ít được đọc giữa hội chúng và cũng ít được các Giáo phụ Hội Thánh trưng dẫn, bởi vì nó chỉ được ít người biết đến. Do Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, hai thơ nầy không bị lãng quên, song được bảo tồn cho Hội Thánh, có lẽ vì nó đã được để chung với thơ I Giăng trong chi hội hoặc những chi hội đã tiếp nhận. Hai thơ nầy được Hội Thánh chung thừa nhận rất chậm, nhưng rốt lại, đã được Hội Thánh tiếp nhận (xem lời chú giải ở mục:"Kinh điển Tân Ước" trong quyển sách nầy).
"Lẽ thật" (câu 4) cũng là một chữ mà Giăng ưa dùng. Đức Chúa Jêsus đã dùng chữ nầy rất nhiều. Ngài phán: "Ta là Lẽ Thật" (Gi 14:6); "Lẽ thật sẽ buông tha các ngươi" (Gi 8:32). Vì Giăng dùng chữ nầy theo nghĩa trừu tượng, nên chắc ông nghĩ đến toàn thể lẽ thật khải thị chứa trong Kinh Thánh; lúc đó, Kinh Thánh đã gần toàn vẹn, mỗi trung tâm chánh yếu của Hội Thánh đều có một bản."