Phần lớn luận về một vài vụ lộn xộn trong Hội Thánh

Phe đảng. Hành vi trái đạo đức. Kiện cáo. Của cúng thần tượng. Lạm dụng Tiệc Thánh. Các Sứ đồ giả. Vấn đề hôn nhân.Hành vi vô trật tự của hội chúng. Chức phận của phụ nữ trong Hội Thánh. Các tà giáo về sự sống lại.

Thành Cô-rinh-tô (xem bản đồ ở dưới Công vụ các sứ đồ, đoạn 18). Thủ đô thương mại của xứ Hi-lạp;một trong những đô thị lớn nhứt, giàu nhứt và quan trọng nhứt của đế quốc La-mã, dân số 400.000 người, chỉ kém La-mã, A-léc-xăn-đơ-ri, và An-ti-ốt. Tọa lạc tại eo đất Hi-lạp, trên thương lộ chánh yếu của đế quốc; nền thương mại của thế giới chạy qua các hải cảng của nó. Cô-rinh-tô là "một đô thị có danh tiếng và phóng túng, tại đó các thói hư nết xấu của Đông phương và của Tây phương gặp nhau." Phao-lô đã ở đây một năm rưỡi và sáng lập được một Hội Thánh lớn nhứt (xem Công vụ các sứ đồ, đoạn 18).

Cơ hội viết thơ tín nầy. Khoảng 3 năm sau khi Phao-lô đi khỏi Cô-rinh-tô, đang khi ông ở thành Ê-phê-sô,cách đó chừng 200 dặm về phía Đông, ở bên kia biển Egée (xem bản đồ ở dưới Công vụ các sứ đồ, đoạn 18), và đang làm công việc lạ lùng hơn hết trong cả đời sống lạ lùng của ông, thì các thủ lãnh Hội Thánh ở Cô-rinh-tô cử một phái đoàn đến Ê-phê-sô để thỉnh vấn ông về một vài vấn đề nghiêm trọng đã nêu lên và một vài vụ lộn xộn đã xảy ra. Phao-lô bèn viết thơ tín nầy. Ông đã viết một thơ tín trước (5-9), có lẽ là nhiều thơ tín trước. Hai đô thị nầy ở trên thương lộ náo nhiệt,tàu bè chạy qua, chạy lại không dứt.

Niên hiệu. Khoảng năm 57 S.C., trước Lễ Ngũ Tuần. Ông toan định đi đến thành Cô- rinh-tô,do đường Ma-xê-đoan (ICo 16:5-8).

ICo 1:1-31

Bè Đảng Trong Hội Thánh

Tình hình. Tại Cô-rinh-tô, cũng như ở những đô thị khác (trừ Giê-ru-sa-lem), các tín đồ không có một nơi nhóm họp trung ương rộng lớn. Mãi 200 năm sau mới bắt đầu xây cất nhà thờ, tức là lúc cơn bắt bớ đã dịu bớt. Họ nhóm họp ở các tư gia, phòng lớn, hoặc bất cứ nơi nào có thể nhóm họp. Có hàng mấy ngàn tín đồ ở Cô-rinh-tô.Không phải một chi hội lớn, nhưng là hàng mấy chục chi hội nhỏ, mỗi chi hội có các vị thủ lãnh riêng. Các chi hội nầy biến thành những đơn vị đối thủ và tương tranh, chớ không phải là những đơn vị cộng tác vì chánh nghĩa chung của Đấng Christ trong một đô thị tội ác.

Bè đảng. Một vài người Hi-lạp ham chuộng sự suy cứu theo trí năng và kiêu hãnh vì trí thức của mình, đã khoe khoang nhiều về những cách mình giải thích đạo Đấng Christ theo triết lý. Trái lại, những người theo phong tục Do-thái, là kẻ thù thâm căn cố đế của Phao-lô, đã sớm tỏ mặt và nhấn mạnh rằng người Hi-lạp không thể làm tín đồ Đấng Christ mà lại không vâng giữ luật pháp Môi-se. Ngoài sự kết hợp chung quanh giáo lý nầy hoặc giáo lý khác, họ còn nhập đảng ủng hộ thủ lãnh nọ hoặc thủ lãnh kia. Như vậy, Hội Thánh chia làm nhiều bè đảng, mỗi bè đảng cố in nhãn hiệu nhỏ bé của mình trên Đấng Christ; đó là một thói quen tới ngày nay vẫn còn thạnh hành.

ICo 2:1-16

Sự Khôn Ngoan Của Đức Chúa Trời

Phe "Trí thức" đã bị Phao-lô đả kích và quở trách nặng nề. Thành Cô-rinh-tô ở gần thành A-thên, là nơi nhan nhản những kẻ ngu dại đi giễu quanh như các nhà triết lý. Phao-lô ít được thành công tại A-thên. Tin Lành Đấng Christ dành cho thường dân. Bề nào giới trí thức cũng thấy khó có sự khiêm nhường trong trí não để nhìn nhận mình cần Cứu Chúa. Cô-rinh-tô là một đô thị thương mại.Tại đây Tin Lành Đấng Christ được tiếp nhận nồng hậu bội phần hơn là tại trung tâm đại học kia. Nhưng tinh thần của A-thên đã thấm vào Hội Thánh Cô-rinh-tô.Chắc có rất nhiều thủ lãnh nói dông dài về "sự khôn ngoan," và rõ ràng muốn tỏ ra mình xuất sắc trong cuộc tranh luận, cùng giữ một thái độ bề trên, khinh khi đối với những giáo sư thấp kém. Thời ấy cũng như ngày nay, các bậc trí thức (cũng như người thường) dường như thấy khó kiên nhẫn chịu đựng ý kiến của kẻ khác. Cả đến ngày nay vẫn có sự cuồng tín như vậy trong các đại học đường cũng như ở bất cứ nơi nào khác. Nhiều bậc trí thức dầu hay nói đến sự khoan dung tín ngưỡng, song lại ít kể đến những ai không đồng quan điểm với mình. Phao-lô là một người xuất thân ở đại học đường và là nhà học giả xuất sắc đương thời mình, song ông khinh dể sự phô trương học vấn ra vẻ mô phạm. Học vấn rất đáng mong ước và đáng phải khiến ta rộng lượng đối với kẻ ngu dốt, nhưng người có học vấn lại thường hay kiêu hãnh vì tự cho là quan trọng.

ICo 3:1-22

Sự Lớn Lao Của Hội Thánh

Sự tự phụ về triết lý của họ là dấu hiệu tỏ ra họ còn thơ ấu phần thiêng liêng; nó sanh ra bè đảng, có mòi tiêu diệt Hội Thánh (câu 17), và kết quả chẳng làm được điều gì có giá trị trường cửu (câu 12-15). Hội Thánh lớn lao quá, không thể làm cái ổ riêng của một nhóm đảng viên như vậy (câu 21-23). Tại sao không trưởng thành đủ để nhìn thấy sự trạng ấy?

ICo 4:1-21

Phao-lô Tự Bào Chữa

Có một nhóm thủ lãnh đông đúc vốn do Sứ đồ Phao-lô dắt đem trở lại tin Chúa, nhưng đang khi ông vắng mặt, họ đã gây được ảnh hưởng, tự cho là quan trọng, và toan kéo cả Hội Thánh đi theo mình. Họ có thái độ rất ngạo mạn, hách dịch và khoe khoang đối với Phao-lô. Vậy nên ông phải tự bào chữa ở đây.

* * *

I Cô-rinh-tô 2

 

ICo 5:1-13

Tội Loạn Luân

Một người trong vòng họ công khai ăn ở với vợ (bé) của cha mình. Hội Thánh không trừng phạt nhưng lại tự cao vì mình khoan hồng dung nạp một người như vậy. Khúc sách nầy là mạng lịnh trực tiếp của Phao-lô truyền "phải phó một người như thế cho quỉ Sa-tan" (câu 5),nghĩa là chánh thức dứt phép thông công hắn và loại ra ngoài Hội Thánh vì hai mục đích: Dùng làm gương để ngăn cản tệ đoan ấy lan rộng trong Hội Thánh, và hy vọng khiến người phạm tội ăn năn. Trường hợp nầy lại được nhắc đến ở II Cô-rinh-tô,đoạn 2.

ICo 6:1-20

Các Vụ Kiện Cáo Và Hành Vi Trái Đạo Đức

Kiện cáo trước tòa án ngoại đạo (câu 1-8). Những kẻ theo đạo có sự yêu thương anh em mà lại phơi bày các mối bất hòa trước mặt người ngoại đạo, thì rất không thích hợp. Tín đồ Đấng Christ sẽ đồng công với Đức Chúa Trời trong cuộc chung thẩm thế giới, vậy mà họ không thể giàn xếp những vụ tranh chấp riêng của mình (câu 2-7). Tại sao không vui lòng chịu sự trái phép?

Hành vi trái đạo đức(câu 9-20). Vénus là nữ thần chánh yếu của thành Cô-rinh-tô. Miễu thờ nó là một trong những công trình xây cất tuyệt mỹ của thành nầy. Trong miễu thờ nầy có một ngàn nữ tế sư, tức là kỵ nữ, do công chúng đài thọ, luôn luôn sẵn sàng hành lạc để thờ lạy nữ thần. Một số tín đồ Cô-rinh-tô đã quen với một "tôn giáo" khuyến khích sống trái đạo đức, nên thấy hơi khó quen với tôn giáo mới cấm sống trái đạo đức. Khi luận về sự ăn của cúng thần tượng (luận thêm ở ICo 10:14-33), Phao-lô đã nói (có lẽ trong thơ tín được nhắc đến ở ICo 5:9) rằng:"Mọi sự... có phép làm" (câu 12). Rõ ràng lắm, một số người trong vòng họ đã trưng dẫn lời ấy để binh vực sự gian dâm. Phao-lô bèn lặp lại lời ấy và nói rằng không thể ứng dụng nó như vậy. Ông tích cực cấm tín đồ không được phóng túng cách ấy.

ICo 7:1-40

Hôn Nhân

Rõ ràng lắm, họ đã viết thơ hỏi ông rằng tín đồ Đấng Christ thành hôn, thì có chánh đáng chăng? Lạ thật, họ kiêu hãnh về trường hợp loạn luân (ICo 5:2), nhưng lại do dự đối với sự hôn nhân hợp pháp.Phao-lô khuyên nên cưới vợ lấy chồng, trừ ra những người có "ân tứ"(chữ "ban" ở câu 7 nên dịch là "ân tứ" kiềm chế được nhục dục.Chính Phao-lô ở độc thân (câu 8). Có người cho rằng ông góa vợ và vợ ông qua đời lúc ông còn trẻ tuổi, vì hai lý do: Một, ông là nhân viên tòa công luận và có quyền đầu phiếu (ICo 26:10 -- mấy chữ "cũng đồng một ý" có thể dịch là "đầu phiếu"); người ta nói rằng điều kiện cần thiết trước nhứt để đầu phiếu như vậy là phải có vợ. Thứ hai, đoạn nầy dường như được viết ra bởi một người biết ít nhiều những sự mật thiết của đời sống hôn nhân.

ICo 8:1-13

Của Cúng Thần Tượng

Tại Hi-lạp có nhiều thần, và phần nhiều thịt bày bán ở chợ đều đã cúng một thần tượng nào rồi. Vấn đề nêu lên chẳng những gồm sự ăn thịt, song gồm cả sự dự phần giao tế với bạn hữu ngoại đạo hoặc trong miễu thờ ngoại đạo, hoặc trong nhà riêng, -- phần nhiều cuộc giao tế nầy thường có sự phóng túng đáng hổ thẹn kèm theo. Vấn đề nầy được giải luận thêm ở ICo 10:14-33.

ICo 9:1-27

Cung Lương Mục Sư

Trong những điểm mà kẻ chống đối nêu lên nghịch cùng Phao-lô, họ có nói rằng ông không nhận lãnh lương hướng tại Cô-rinh-tô (IICo 12:13), và đối với trí óc tham lam của họ, thì cử chỉ ấy có vẻ khả nghi. Phao-lô giải thích rằng ông có quyền được Hội Thánh trợ cấp (câu 4,5). Chúa đã truyền phán rõ ràng rằng Mục-sư phải được trợ cấp như vậy (câu 4,5). Theo như có chép trong Kinh Thánh, thì Phao-lô không lãnh lương của chi hội nào hết, trừ ra của chi hội Phi-líp. Tại Cô-rinh-tô, Ê-phê-sô, Tê-sa-lô-ni-ca, ông làm nghề riêng để tự nuôi mình. Một phần nguyên tắc của đời ông là hết sức lo sao cho có thể giảng mà không lãnh lương (câu 16-18). Ông được thỏa mãn riêng nhiều lắm vì nghĩ rằng mình làm quá mức Chúa truyền bảo mình làm. Ông cũng không muốn gương tốt của mình bị gièm pha bởi các giáo sư giả chỉ cốt lo lương bổng (IICo 11:9-13).

ICo 10:1-33

Nguy Hiểm Của Sự Sa Ngã. Thịt Cúng

Hãy coi chừng (ICo 10:1-13). Phao-lô vừa nói rằng mình hết sức cố gắng, kẻo đến cuối cùng sẽ bị loại ra. Lời ấy khiến ông nhớ đến nỗi nguy hiểm tương tự cho toàn thể tín đồ Đấng Christ. Họ nên cẩn trọng giữ đạo, thì tốt hơn. Phần nhiều người được giải phóng khỏi Ai-cập đều chết trước khi tới Đất Hứa. Các sự cám dỗ khiến họ ngã chết dọc đường cũng rất giống các sự cám dỗ mà tín đồ Cô-rinh-tô phải đương đầu (câu 7-8), tức là phóng túng theo tư dục. Nếu họ tận tâm và quả quyết chiến đấu để đắc thắng như ông đã làm (ICo 9:25-27), thì lời hứa của Đức Chúa Trời có hiệu lực chống lại bất cứ sự cám dỗ nào (câu 13).

Của cúng thần tượng(câu 14-33), tiếp theo đoạn 8. Ở đoạn 8, ông đã nêu lên nguyên tắc tổng quát kiềm chế hành vi của chúng ta trong những vấn đề như vậy, và nguyên tắc ấy là lòng yêu thương anh em. Có những điều quan trọng hơn sự ăn thịt cúng. Tới đây, ông cấm tín đồ dự phần cúng tế trong các miễu thờ ngoại đạo; nhưng ông giải thích rằng khi mua thịt ngoài chợ, không cần phải hỏi nó đã dâng cho thần tượng chăng (câu 25), hoặc khi dự tiệc trong nhà riêng cũng vậy (câu 27); nhưng nếu có ai bảo mình rằng đó là của cúng thần tượng thì chớ ăn.

I Cô-rinh-tô 3

 

ICo 11:1-34

Chức Phận Của Phụ Nữ Trong Hội Thánh, Tiệc Thánh

Đờn bà trùm đầu lại mà cầu nguyện hoặc giảng đạo (câu 2-16). Trong các đô thị Hi-lạp và Đông phương, phụ nữ có tục lệ trùm đầu lại trước công chúng, trừ ra bọn đờn bà xấu nết. Thành Cô-rinh-tô đầy dẫy bọn "kỵ nữ trong miễu thờ."Một vài nữ tín đồ lợi dụng sự tự do mới tìm được trong Đấng Christ, bèn táo bạo bỏ khăn trùm đầu đang khi nhóm họp ở nhà thờ; đó là điều làm cho những người nhu thuận hơn phải kinh khiếp. Phao-lô bảo họ chớ bất chấp dư luận đối với những cái được coi là hợp với nết đoan trang của phụ nữ. Trước mặt Đức Chúa Trời, đờn ông và đờn bà có giá trị bằng nhau. Nhưng tự nhiên, có một vài điểm phân biệt giữa đờn ông và đờn bà, không có nó, thì xã hội loài người chẳng tồn tại được.Nữ tín đồ sống giữa xã hội ngoại đạo, phải cẩn thận trong sự canh tân, kẻo làm cho đạo Tin Lành bị hổ thẹn. Khi đờn bà hóa ra giống đờn ông nhiều quá, thì thường là hư hại. "Các thiên sứ" thường được miêu tả là đang nhìn xem cuộc thờ phượng của tín đồ Đấng Christ.

Tiệc Thánh (câu 17-34). Dường như sau khi chấm dứt chế độ cộng đồng ẩm thực trong Hội Thánh đầu tiên (Cong 2:44-45), thì các tín đồ giàu có hơn đã đem theo đồ ăn uống tới một vài cuộc nhóm họp để mở "tiệc yêu thương" (Giu 1:12) sau khi dự Tiệc Thánh, và kẻ giàu, người nghèo đều chung bữa tiệc yêu thương ấy. Tại Cô-rinh-tô, bữa tiệc nầy đã hoàn toàn làm lu mờ Tiệc Thánh. Những người đem thực phẩm theo đã ăn riêng với bạn đồng phái, chớ không chờ đợi cả hội chúng họp mặt.Họ bắt chước sự ăn uống say sưa của người ngoại đạo trong miễu thờ thần tượng,và như vậy, đã đổi "tiệc yêu thương" ra cơ hội ăn uống tham lam, làm mất hết cả ý nghĩa của Tiệc Thánh.

ICo 12:1-31

Các Ân Tứ Thiêng Liêng

Đang khi Kinh Thánh Tân Ước được trứ tác lần lần, thì tại một vài nơi và trong một vài cơ hội, Đức Chúa Trời ban sự phát hiện đặc biệt và lạ lùng của Đức Thánh Linh để giúp các chi hội tự hướng dẫn trong lẽ thật. Điều nầy cần thiết, vì các Sứ đồ có ít, các chi hội ở cách xa nhau, phương tiện chuyên chở và giao thông chậm chạp, không có xe lửa và bưu chánh hoặc máy thâu thanh, tư tưởng không thể đi mau hơn người đi đường, các chi hội ở khắp nơi nhan nhản giáo sư giả đang có đủ thứ chủ trương về Đấng Christ, và các chi hội lại không có sách vở gì làm điển cứ cho những thực sự.

Dường như các ân tứ của Đức Thánh Linh mới được biểu dương hiển nhiên tại Cô- rinh-tô. Trong các ân tứ ấy có sự "nói tiếng lạ." Có người cho rằng đó là một cách "nói liếng thoắng trong lúc xuất thần nhập hóa" mà chính người nói hoặc bất cứ người nào khác đều không hiểu được, trừ phi nhờ một ân tứ khác, là sự "thông giải."Ấy là nói ngoại ngữ thì có lẽ đúng hơn, y như các Sứ đồ đã nói trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cong 2:8). Đó là ân tứ mà tín đồ Cô-rinh-tô muốn có. Họ đã nhiệt liệt ham thích ân tứ ấy. Nếu trong cuộc nhóm họp, một anh em có thể đứng dậy nói thứ tiếng mà kẻ ngồi bên biết anh em đó chưa hề học, thì đó là bằng cớ rõ rệt rằng anh em đó ở dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Đức Thánh Linh. Và họ sẽ ngưỡng mộ anh em đó. Thời ấy cũng như ngày nay, một số người đi nhà thờ vì cớ danh vọng mình có thể nhờ đó mà được. Vậy nên, đoạn luận về Lòng Yêu thương đã được đặt vào bài giải luận về giá trị tương đối của các ân tứ thiêng liêng.

ICo 13:1-13

Lòng Yêu Thương

Có người cho rằng một phần đoạn nầy có lẽ vốn là một bản thánh ca của các tín đồ đầu tiên. Đây là một trong những đoạn Kinh Thánh được quí mến hơn hết, vì nó muôn đời bày tỏ giáo lý yêu thương thiên thượng của Đức Chúa Jêsus. Đạo Đấng Christ dạy về lòng yêu thương trước nhứt.Lòng yêu thương có năng lực để gây dựng Hội Thánh hơn hết mọi sự phát hiện lạ lùng của quyền phép Đức Chúa Trời. Sự trợ lực đặc biệt là cần thiết đương thời Hội Thánh còn ấu trĩ. Nhưng nó "sẽ hết,... sẽ thôi" (câu 8), duy lòng yêu thương còn lại đời đời. Yêu thương là bậc hoàn hảo của tâm tánh loài người,là năng lực cuối cùng và mạnh mẽ hơn hết của vũ trụ, là nguyên chất của bổn tánh Đức Chúa Trời. Chúng ta thảy đều có thể có sự yêu thương. Nó là khí giới hữu nghiệm hơn hết, vô địch, bất tử và còn đến đời đời .

ICo 14:1-40

Nói Tiếng Lạ Và Nói Tiên Tri

Giá trị tương đối (câu 1-33). Ở đoạn 12:8-10, Phao-lô đã kê khai những ân tứ khác nhau của Đức Thánh Linh, và giải thích rằng hết thảy ân tứ là cần thiết, mỗi cái ở vị trí riêng của nó. Hội Thánh là một cơ thể phức tạp, cũng như thân thể loài người, đòi hỏi nhiều cơ năng, và mọi phần phải hoạt động hòa hiệp với nhau. Cũng như trong thân thể, một vài phần thấp thỏi hơn và thường không được nói đến, lại thật là cần thiết hơn cả. Đoạn nầy dành riêng giải luận sự "nói tiếng lạ" và "nói tiên tri," có lẽ vì đó là hai ân tứ thạnh hành hơn hết và được người ta tìm kiếm hơn hết. Dầu "nói tiên tri" thường có nghĩa là rao trước những biến cố tương lai, song ở đây dường như có nghĩa là "dạy dỗ" với sự tiếp trợ đặc biệt của Đức Thánh Linh. Nói tiên tri quí hơn "nói tiếng lạ" bội phần, vì mọi người hiểu được, còn "tiếng lạ" thì chỉ có ít người ngoại quốc hiểu được mà thôi.

Sức mạnh của một cuộc thờ phượng điều khiển đúng cách (câu 24-25). Nó khiến người chưa tin Chúa tới dự phải sấp mình xuống mà kêu lên rằng Đức Chúa Trời có ở đó!Ôi ước gì ngày nay có những cuộc thờ phượng như vậy, thay cho một đằng là nghi thức chết ngắt và một đằng là thái độ bất kính, đùa giỡn!

Đờn bà lên tiếng trong nhà thờ (câu 33-40). Ở đây, Phao-lô cấm (câu 34-35)cái điều dường như ông đã cho phép ở ICo 11:5. Chắc đã có một trường hợp địa phương nào mà ta không được biết, khiến cho ông phải truyền những chỉ thị nầy.Có lẽ một vài phụ nữ rất táo bạo, có lẽ họ là kỵ nữ trong miễu thờ trở lại tin Chúa, đã tự nêu tên tuổi lên. Xem thêm ở dưới I Ti-mô-thê, đoạn 2.

* * *

I Cô-rinh-tô 4

 

ICo 15:1-58

Sự Sống Lại

Một vài bậc thủ lãnh tại Hội Thánh Cô-rinh-tô đã chối bỏ, không tin có sự sống lại (câu 12); thực sự ấy tỏ ra tà giáo đã xen vào Hội Thánh tới mực nào. Phao-lô dùng lời lẽ mạnh mẽ hơn hết mà ông có thể dùng để quả quyết rằng nếu không có hy vọng sống lại, thì đạo Đấng Christ chẳng có lý do tồn tại.

Sự sống lại của Đức Chúa Jêsus từ trong kẻ chết là điệp khúc không hề thay đổi của các Sứ đồ. Xem ở dưới  Cong 4:2. Đoạn 15 của thơ I Cô-rinh-tô nầy là bài giải luận sự sống lại đầy đủ hơn hết trong Tân Ước. Đây là đoạn duy nhứt vĩ đại hơn hết trong cả Kinh Thánh.

Sự sống lại là một thực trạng được chứng minh bởi những chứng nhân thật đã thấy Đức Chúa Jêsus sống sau khi Ngài phục sanh. Chính Phao-lô đã được thấy Ngài. Không có cách nào khác để giải thích sự biến chuyển trong đời Phao-lô. Việc xảy ra trên đường đi Đa-mách chẳng phải là ảo giác đâu. Chính Đức Chúa Jêsus có ở đó.

Đức Chúa Jêsus đã hiện ra với các Sứ đồ,hoặc từng người, hoặc từng nhóm; ngoài ra, Ngài còn hiện đến với hơn 500 môn đồ.Việc xảy ra đã 27 năm, và hơn một nửa trong số trên 500 người đó còn sống (câu 6).

Thoạt tiên các môn đồ chậm tin rằng Đức Chúa Jêsus đã sống lại từ trong kẻ chết. Nhưng khi họ, rốt lại, đã tin quyết rằng Ngài thật phá tan xiềng xích của Tử thần, sống đàng hoàng mà bước ra khỏi mồ mả,thì sự trạng ấy đối với họ rất là kỳ lạ và đem một ý nghĩa hết sức mới mẻ vào cuộc đời, đến nỗi dường như không còn chi đáng kể nữa. Rồi họ đi lên, đi xuống trên các đại lộ của đế quốc La-mã, thuật truyện tích Chúa sống lại một cách sốt sắng và thành thực biết bao, đến nỗi muôn ngàn người khác cũng tin, dầu phải chết,cũng vui lòng.

Sự sống lại của Đức Chúa Jêsus từ trong kẻ chết là một thực sự quan trọng và vững vàng hơn hết trong cả lịch sử.

Truyện tích Chúa sống lại đã lưu truyền cho chúng ta trải qua các thế kỷ, làm cho đời sống loài người được đẹp đẽ và vinh hiển vì cớ hào quang của sự bất diệt. Truyện tích ấy khiến chúng ta cảm biết chắc chắn rằng vì Ngài sống lại, nên ta cũng sẽ sống. Truyện tích ấy khiến lòng ta rung động vì nghĩ rằng mình bất diệt; rằng ta đã bắt đầu một cuộc đời không hề chấm dứt; rằng không chi làm hại ta được; rằng sự chết chỉ là một việc xảy ra khi ta từ giai đoạn nầy của cuộc đời bước qua giai đoạn kia; rằng ở đời nầy hoặc ở đời sau, ta vẫn thuộc về Ngài và làm việc Ngài dành cho mình làm; rằng muôn triệu đời sau khi mặt trời đã nguội lạnh, ta vẫn còn thanh xuân trong những nguồn suối đời đời của Đức Chúa Trời.

Điều duy nhứt đáng vui mừng hơn hết trong cả phạm vi từng trải của loài người chính là ý nghĩ rằng chúng ta bất diệt;rằng ta không thể chết; rằng bất luận sự gì có thể xảy đến cho thân thể nầy,chúng ta sẽ cứ sống đời đời mãi mãi. Trong lòng chúng ta cảm biết chắc chắn như vậy, vì Đức Chúa Jêsus đã sống lại từ trong kẻ chết.

Nếu truyện tích nầy của Đức Chúa Jêsus là thật, thì cuộc đời tốt đẹp, vinh hiển, hướng vào một đại lộ vô cùng tận! Nếu truyện tích nầy của Đức Chúa Jêsus chỉ là hoang đường, thì sự mầu nhiệm của đời người sẽ là một câu đố không giải đáp được, và nhân loại không còn chi ngoài ra sự trống rỗng, tối tăm, và tuyệt vọng đời đời.

Nhưng đây là một truyện thật, đúng theo mọi qui luật của chứng cớ lịch sử. Đấng Christ đã có. Đấng Christ hiện có. Ngài là một Đấng sống, ở cùng con cái Ngài, dùng quyền phép để hướng dẫn và che chở họ, đưa dắt họ đến tận ngày chính mình họ được sống lại vinh hiển.

Đời trị vì của Đấng Christ với tư cách Trung bảo (câu 23-28). Đây ta thấy suốt những thời đại tương lai kế tiếp, đến tận chung cuộc vô tận của muôn vật,-- khi ấy công việc của Đấng Christ với tư cách Trung bảo sẽ chấm dứt, và vũ trụ do Đức Chúa Trời dựng nên sẽ bước vào giai đoạn tồn tại sau chót.

"Vì kẻ chết chịu lễ báp-têm"(câu 29). Đây dường như có nghĩa là lễ báp-têm chịu thay người khác, tức là chịu lễ báp-têm vì một bạn hữu đã qua đời. Nhưng Kinh Thánh không còn chỗ nào khác nói đến tục lệ nầy, và cũng không có bằng cớ nào tỏ ra có tục lệ nầy trong Hội Thánh do các Sứ đồ thành lập. Có lẽ dịch là: "Chịu lễ báp-têm với hy vọng được sống lại từ trong kẻ chết," thì đúng hơn.

Sự sống lại của thân thể(câu 35-58). Hy vọng của chúng ta không phải chỉ là thần linh bất diệt, song còn là thân thể thật sống lại. Tân Ước dạy rất rõ về điểm nầy (Ro 8:23  ITe 5:23  IICo 5:4). Không phải là thân thể hay hư nát và thuộc về đất nữa, song là thân thể thiêng liêng, dự phần bổn tánh vinh hiển, thiên thượng của Đức Chúa Trời.

ICo 16:1-24

Những Việc Riêng

Quyên tiền (ICo 1:4). Đây là cuộc lạc quyên giúp các thánh đồ nghèo tại Giê-ru-sa-lem, đã khởi sự từ một năm trước (IICo 8:10).

"Định liệu (1) cho các Hội Thánh xứ Ga-la-ti" (câu 1). Lịnh nầy không có ghi trong thơ Ga-la-ti.Chắc ông đã gởi cho tín đồ Ga-la-ti một thơ khác nữa, nhưng thất truyền."Ngày đầu tuần lễ" (câu 2) là ngày thiết lập cho tín đồ Đấng Christ thờ phượng Chúa (Cong 20:7).

Chương trình của Phao-lô(câu 5-9). Phao-lô viết thơ nầy nhằm mùa xuân, trước Lễ Ngũ Tuần (câu 8). Ông ở xứ Ma-xê-đoan suốt mùa hạ, và tại đó ông viết thơ IICô- rinh-tô. Ông tới thành Cô-rinh-tô nhằm mùa thu, ở đó suốt mùa đông, và viết thơ Rô-ma tại đó. Đến mùa xuân sau, ông đi lên Giê-ru-sa-lem.

A-bô-lô(câu 12). Có lẽ người ta đã mời ông cùng đi đến thành Cô-rinh-tô, nhưng ông chẳng chịu đi ngay lúc đó; chắc vì một số tín đồ Cô-rinh-tô đã quyết định tôn ông làm thủ lãnh một bè đảng.

"Chính tay tôi" (câu 21). Có lẽ Sốt-then đã viết thơ tín nầy theo lời Phao-lô đọc (ICo 1:1). Ông là thuộc viên Hội Thánh Cô-rinh-tô. Chính tay Phao-lô ký thơ nầy và thêm chữ "Ma-ra-na-tha," nghĩa là "Hỡi Chúa, hãy đến!""