- Được viết bởi: Nguyễn Thiên Ý
- Chuyên mục: Quyển I - THÁNH KINH HỌC
82. Vô ngộ là gì? Khi tuyên bố Kinh Thánh là Lời Vô Ngộ, thì điều đó có nghĩa gì?
Trong tiếng Hán Việt, chữ “ngộ” là sai lầm. Vô ngộ là không có sai lầm. Khi tuyên bố Kinh Thánh là Lời Vô Ngộ, thì điều đó có nghĩa là:
“Những khẳng định của Kinh Thánh đều hoàn toàn đúng khi xét theo mục đích những lời ấy được viết ra”*
*Trích dẫn Millard J Erickson, từ tập tài liệu Thần học I, của Thánh Kinh Thần Học Viện, Anaheim, California, trang 2-53
83. Lẽ đạo “Sự Vô ngộ của Kinh Thánh” căn cứ vào đâu?
Lẽ đạo “Sự Vô ngộ của Kinh Thánh” căn cứ trên:
(1) Sự tuyên bố của chính Kinh Thánh:
Kinh Thánh tuyên bố rằng Kinh Thánh là lẽ thật:
“Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật” [Giăng 17:17].
“Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” [IITi 2:15].
Lẽ thật, hay chân lý, luôn trái với sai lầm, và không chứa đựng sự sai lầm. Khi Kinh Thánh không có sự sai lầm, có nghĩa là Kinh Thánh vô ngộ.
(2) Từ khoa Luận lý học (Tam đoạn luận):
Đức Chúa Trời chân-thật, Đức Chúa Jesus chân-thật [Giăng 14:6,17:3, Rô 3:4].
Vì Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, nên Kinh Thánh phải thật, phải đúng, không thể chứa đựng điều gì sai lầm, nghĩa là Kinh Thánh vô ngộ.
(3) Từ khoa Thần học:
Thần học đối chiếu sự vô ngộ của Kinh Thánh với sự vô tội của Đức Chúa Jesus Christ, và dẫn ra sự tương đồng như sau:
Theo Thần học, Đức Chúa Jesus là Ngôi Lời. Khi nhập thể để trở nên Ngôi Lời nhập thể, Ngài được sinh ra bởi một người nữ, là Bà Ma-ri.
Kinh Thánh cho biết:
“Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” [Lu 1:35].
Nhờ Đức Thánh Linh đã đến trên mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus, và quyền phép Đấng Rất Cao đã che phủ bà dưới bóng mình, cho nên Đức Chúa Jesus Christ khi sinh ra là Đấng Thánh, là Con Đức Chúa Trời, và là Đấng vô tội.*
Thì cũng y như vậy:
Theo Thần học thì Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, được vững lập đời đời trên trời [Thi 119:89]. Khi Lời đó được ban xuống thế gian, thì Lời phải được viết ra bởi các trước giả Kinh Thánh. (Dầu các trước giả là những người đạo hạnh, tin kính, họ vẫn là con người có những yếu tính bất toàn).
Nhưng Kinh Thánh chép:
Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn (hà hơi vào), có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình [2Ti 3:16]
Như vậy, vì Đức Chúa Trời đã đến trên các trước giả, hà hơi vào mọi lời các trước giả viết ra. Cho nên Kinh Thánh, là Lời thánh [Thi 105:42], là Lời của Đức Chúa Trời, tinh sạch [Thi 119:140], và trọn vẹn [Thi 19:7], nghĩa là vô ngộ.*
*Nghĩa là nhờ có Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Jesus vô tội và Kinh Thánh vô ngộ.
84. Nếu Kinh Thánh là Lời Vô Ngộ, mọi câu mọi chữ được chép trong Kinh Thánh đều đúng, đều là chân lý?
Vâng. Nhưng phải nhớ rằng mọi câu mọi chữ được chép trong Kinh Thánh đều là đúng, đều là chân lý, theo ý nghĩa “những khẳng định của Kinh Thánh đều hoàn toàn đúng khi xét theo mục đích những lời ấy được viết ra”.
Ví dụ như trong Kinh Thánh có chép những câu do Sa-tan nói, những câu do người ác nói, những câu do người ngu dại nói. Những câu ấy nếu xét theo nghĩa trực tiếp thì sai, nhưng “xét theo mục đích những lời ấy được viết ra” thì hoàn toàn đúng. Lý do, khi những lời ấy được viết ra, là viết với mục đích dạy cho người đọc biết rằng đó là lời của Sa-tan, đừng nên tin theo; đó là lời của người ác, đừng nên nghe theo; đó là lời của người ngu dại, đừng nên làm theo.
85. Nếu Kinh Thánh là Lời Vô Ngộ, được soi dẫn hà hơi từng lời và toàn thể, vậy thì mọi điều được chép trong Kinh Thánh, kể cả những đều liên quan đến khoa học vật lý, lịch sử, địa lý, địa chất, hay toán học… đều là đúng?
Vâng. Kinh Thánh được ban cho con người để con người nhờ đó được “khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ”…. và “có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” [IITi 3:15-17]. Tuy nhiên, Kinh Thánh là một quyển sách thuộc lãnh vực Thần học và Đạo đức học, không thuộc lãnh vực khoa học thiên nhiên, khoa lịch sử, khoa địa lý, hay khoa địa chất. Nhưng khi Kinh Thánh đề cập đến bất kỳ một vấn đề nào trong những lãnh vực vừa kể, thì Kinh Thánh vẫn luôn luôn đúng.
86. Nếu Kinh Thánh đúng khoa học, tại sao trong hơn 200 năm qua, rất nhiều nhà Thần học đã né tránh khoa học, hoặc dạy rằng câu chuyện sáng tạo, hay các phép lạ trong Kinh Thánh đều mang ý nghĩa hình bóng, hoặc biện hộ rằng Kinh Thánh là quyển sách đạo lý và luân lý nên không cần phải đúng khoa học?
Quả thật, có một thời gian sau sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Khoa học (Scientific revolution) bắt đầu từ Thế kỷ 17, nhiều nhà Thần học đã bị bối rối, thậm chí mất đức tin và sợ hãi trước một thế giới đang quỳ mọp dưới tượng “Con bò vàng khoa học”, nhưng ngày nay thì hết rồi.
Trước hết, khoa học càng phát triển, thì hiện tượng bất ổn càng xảy ra. Những lời tuyên bố của khoa học cứ thay đổi luôn. Những khám phá sau thường chứng minh sự sai trật của những lý thuyết trước. Trong khi đó, những bày tỏ của Kinh Thánh liên quan đến phạm vi khoa học, càng ngày càng được xác nhận bởi những hiểu biết mới hơn của khoa học. Đặc biệt những hiểu biết mới của các khoa Thiên văn, Địa chất, Điện từ, Hóa học và Khảo cổ.
Thật ra Thần học không bao giờ nên thả neo vào một rặng san hô đang di chuyển là khoa học. Thần học đã có một chỗ để thả neo là “chính Đức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời đại” [Ês 26:4]. “Lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” [IPhi 1:23] là lời “được vững lập đời đời trên trời” [Thi 119:89]. Tuy nhiên, sự kiện khoa học đang tiến gần hơn về phía Thần học là một dấu hiệu đáng vui.
87. Nếu Kinh Thánh vô ngộ, chúng ta sẽ giải thích thế nào về những ký thuật khó hiểu, hoặc mâu thuẩn về cùng một sự kiện?
Trước hết chúng ta phải nhận rằng trong Kinh Thánh có một vài chỗ khó hiểu, như ITi 2:15, và một số chỗ dường như mâu thuẩn. Nhưng điều nầy đã được giảm thiểu nhanh chóng trong thế kỷ XX, sau khi các ngành Khảo cổ học, Sử học và Ngôn ngữ học đã cung cung cấp cho nhân lọai những ánh sáng và những sự hiểu biết mới. Điều đó cho chúng ta một sự lạc quan tin tưởng rằng rồi đây chẳng bao lâu nữa, khi có nhiều hiểu biết hơn, nhiều thông tin hơn, chúng ta sẽ giải đáp hầu hết những chỗ mà hiện nay chúng ta chưa giải đáp được.
Xin đơn cử một vài thí dụ:
(1) Trong Sáng-thế ký 11:26 chép:
“Còn Tha-rê được bảy mươi tuổi, sanh Áp-ram, Na-cô và Ha-ran”.
Theo câu nầy, Áp-ram có vẻ như là con cả của Tha-rê. Khi Tha-rê qua đời ở tuổi 205, thì Áp-ram phải được một trăm ba mươi lăm tuổi.
Nhưng trong Công-vụ các Sứ-đồ 7:4 lại chép: “Bấy giờ người ra khỏi xứ Canh-đê, rồi đến thành Cha-ran. Từ đó, lúc cha người qua đời rồi, Đức Chúa Trời khiến người từ nơi đó qua xứ các ông hiện đang ở;…”
Theo Sáng 12:4, khi Áp-ram qua xứ Ca-na-an, lúc Tha-rê đã qua đời rồi, tuổi ông mới được bảy mươi lăm.
Đây là điều khiến một vài người có thể thắc mắc. Tuy nhiên, người Do thái có phong tục kể tên người theo thứ tự quan trọng của người đó trong câu chuyện, chớ không phải theo tuổi tác. Việc Áp-ram được đặt đứng đầu tiên trong các con của Tha-rê, không phải vì ông là anh cả, nhưng vì ông là tổ phụ của Dân Israel, và là nhân vật chính trong suốt phần còn lại của lịch sử Tuyển dân và của Kinh Thánh. Điều nầy cũng giống như vua Đa-vít được đặt trước Áp-ra-ham trong Ma-thi-ơ 1:1, không phải vì Đa-vít có trước Áp-ra-ham, nhưng vì Sứ đồ Ma-thi-ơ đương viết gia phổ của Đức Chúa Jesus Christ, là “con Vua Đa-vít”, một vị Vua của muôn vua.
(2) Vào đầu thế kỷ thứ 19, có một vài nhà phê bình bản văn Kinh thánh cho rằng Môi-se không thể là trước giả của năm sách đầu tiên, từ Sáng Thế ký cho đến Phục truyền, bởi vì vào thời Môi-se chưa có chữ viết. Nhưng về sau, Khảo cổ học đã đào bới tại vùng Lưỡng hà, quê hương của Áp-ra-ham, hàng ngàn bản văn viết trên bảng đất sét nung. Trên một số bảng đá có khắc niên đại trước thời Áp-ra-ham cả 400 năm, nghĩa là khoảng mười một thế kỷ trước thời của Môi-se.
(3) Theo Mat 20:29-34, Đức Chúa Jesus chữa lành hai người mù khi Ngài ra khỏi thành Giê-ri-cô. Còn theo Mác 10:46-52 và Lu-ca 18:35-43 thì Đức Chúa Jesus đã chữa lành một người mù khi Ngài vào Giê-ri-cô. Đây có vẻ là vừa khác biệt, vừa là mâu thuẩn.
Thật ra, khi Mác và Lu-ca đề cập đến một người, lại nêu tên người đó là Ba-ti-mê, con trai của Ti-mê. Có lẽ vì Mác biết rõ người nầy, và nhắm vào câu chuyện của người nầy; chớ Mác và cả Lu-ca nữa, không hề nói chỉ có một người mù mà thôi.
Còn về việc Đức Chúa Jesus “ra khỏi” thành Giê-ri-cô, với việc “đến” thành Giê-ri-cô sẽ không có mâu thuẩn gì, nếu như chúng ta biết rằng vào thời kỳ của Đức Chúa Jesus, tại xứ Palestin có hai thành Giê-ri-cô, một cái thành mới và một cái thành cũ gần nhau.
Như thế, việc Đức Chúa Jesus “ra khỏi” thành Giê-ri-cô, với việc “đến” thành Giê-ri-cô, chỉ là việc Ngài có thể đã “ra khỏi” thành Giê-ri-cô cũ, và “đến” thành Giê-ri-cô mới. Giống như một người đi chợ tại Việt nam, trong một ngày nào đó đã ra khỏi “Chợ lớn cũ” và đi đến “Chợ lớn mới” vậy.
(4) Trong Giăng 5:4 có chép: “[…vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động; lúc nước đã động rồi, ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bịnh gì, cũng được lành] [Giăng 5:4]. Câu nầy rõ ràng là không phù hợp với giáo lý Cơ-đốc, và không thể là lời vô ngộ của Chúa. Nhưng đây là niềm tin của dân chúng thời đó, và cũng có thể là niềm tin của người sao chép bản văn sau nầy, vì Kinh Thánh có lời chú thích (a) rằng có những bản cổ sao đã không có câu ấy.
(5) Việc Kinh Thánh gọi mặt trời “mọc” hay mặt trời “lặn”, không thể gọi là sai khoa học. Kinh Thánh đã sử dụng ngôn ngữ tiền khoa học, để những từ liệu đó có thể đúng được với mọi thời đại. Thật ra, ngày nay các nhà thiên văn và dự báo thời tiết vẫn dùng những chữ như “mặt trời mọc”, “mặt trời lặn” trong các bản tin, hay trong mọi câu chuyện thường ngày, mà không ai nói là sai khoa học.
Hay những chữ như “từ bốn góc đất” [Ês 11:12], có vẻ như không đúng với khoa địa lý, vì trái đất tròn. Nhưng người Việt vẫn dùng để chỉ khắp nơi, như một nhà xuất bản lớn ở Sài gòn trước năm 1975 đã nêu câu khẩu hiệu “Kết tụ tự bốn phương, gieo ra khắp bốn phương”, (có lẽ bắt chước câu khẩu hiệu của Nhà Xuất bản Larousse bên Pháp: “Je sème à tout vent"). Những chữ “Gan ta đổ trên đất” [Ca 2:11], “Ngài đã khiến tên trong bao Ngài vào trái cật ta” [Ca 3:13], chỉ dùng để diển tả cường độ cảm xúc. Không ai cố chấp dùng nghĩa y khoa để đánh giá và cho rằng Kinh Thánh là sai y-học. (Dầu người Trung hoa thời Cổ đại tin như thế, vì trong chữ “can đảm”, chữ “can” có nghĩa là gan, và chữ “đảm” là mật, do gan tiết ra).
(6) Có những con số trong Kinh Thánh không hoàn toàn chính xác theo kế toán, nhưng nó hoàn toàn đúng trong Kinh Thánh, trong Sử học, hay trong văn học. Ví dụ trong ISa 4:10 chép: “Ấy là một sự bại trận lớn lắm; ba vạn lính bộ trong Y-sơ-ra-ên bị ngã chết”. Chắc chắn con số không thể chính xác là 30.000 như khi ta ký một tấm chi-phiếu 30.000 đô-la, nhưng đó vẫn là số đúng. Ngày nay người ta vẫn nói “75 triệu người đã chết trong Thế chiến hai” hay “2 triệu rưỡi người đã chết vì Kmer đỏ”. Dầu chắc chắn hai con số đó không thể nào tròn trịa như vậy được, nhưng không thể gọi là sai, vì hai số đó là ngôn ngữ thống kê chớ không phải là ngôn ngữ kế toán.
(7) Hay có những con số không bao giờ chính xác được dù chỉ trong một ngày. Ví dụ: Gióp có “bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái”… [Gióp 1:3]. Ai chăn nuôi vịt bầy đẻ trứng hẳn đều biết không thể nào nói chính xác bầy vịt đẻ được bao nhiêu trứng trong một ngày. Cũng vậy, bảy ngàn con chiên của Gióp chẳng bao giờ chính xác là 7,000 con, dù chỉ trong một ngày. Mỗi ngày đều có những con mới được đẻ ra, buổi sáng với buổi chiều con số đã khác. Cho nên, tuy bản kê khai tài-sản của Gióp chỉ toàn là số tròn, vẫn được kể là chính xác một trăm phần trăm, đúng theo ngôn ngữ thống kê hay ngôn ngữ trần thuật.
88. Còn những chỗ khó hiểu trong Kinh Thánh thì sao?
Kinh Thánh không phải là “bí hiểm”, nhưng Kinh Thánh có những chỗ khó hiểu.
Trước hết chúng ta phải nhận thức rằng Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, Đấng thông minh và khôn ngoan vô hạn. “Tư tưởng Ngài rất sâu sắc” [Thi 92:5]. Lời Ngài tuy minh bạch, nhưng nhiều chỗ rất cao xa, thâm thúy. Vì vậy người đọc Kinh Thánh cần phải dụng tâm suy gẫm, dụng công nghiên cứu. Lời Chúa không thể sơ sài nôm na như văn của quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư của Cụ Trần Trọng Kim soạn cho lớp Đồng ấu ngày xưa.
Đức Chúa Trời đã khải thị cho loài người qua văn hóa và ngôn ngữ của một thời đại nhứt định. Ngày nay, sau hàng ngàn năm, văn hóa, ngôn ngữ đã thay đổi nhiều. Trên thế giới mỗi miền đất, mỗi dân tộc lại có một văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng. Kinh Thánh lại phải được dịch sang ngôn ngữ bản địa, và bản dịch có khi cũng không được hoàn hảo. Mọi yếu tố đó góp phần làm cho Kinh Thánh trở nên khó hiểu. Vì vậy, xin phép nhắc lại rằng cả người đọc và người học Kinh Thánh đều cần phải dụng tâm suy gẫm, và dụng công nghiên cứu. Điều quan trọng nhất là phải cầu xin Đức Chúa Trời “mở mắt” [Thi 119:18], “mở trí” [Lu 24:45], và “phải xem xét cách thiêng liêng” [ICô 2:14].
Cuối cùng, chúng ta phải nhận thức rằng, do Thiên ý muốn gìn giữ chúng ta trong sự khiêm nhường, có lẽ sẽ tồn tại mãi mãi một vài chi tiết trong Kinh Thánh mà chúng ta chẳng bao giờ có thể hiểu rõ hay giải thích một cách thỏa đáng được, trước khi bước vào Thiên đàng. Tuy nhiên, cần biết rằng sở dĩ có điều đó, chỉ vì sự hiểu biết của chúng ta chưa được đầy đủ, chớ không phải tại Kinh Thánh không vô ngộ hay sai lầm.