NHỮNG GỢI Ý:

 

Đoạn 11-12, có tựa đề KẺ THÙ CỦA NƯỚC TRỜI.

Trong chức vụ của Chúa Jêsus, Ngài có dụng ý vi phạm các phép tắc ngày Sa-bát một đôi lần. Ngài dạy dân chúng rằng luật pháp bề ngoài không bao giờ cứu họ và khiến họ nên thánh được. Sự công bình thật phải ra từ tấm lòng. Nguyên ngữ Sa-bát theo tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “nằm nghỉ hay nghỉ ngơi”, điều này giải thích tại sao Ma-thi-ơ đưa ra những mâu thuẫn về Ngày Sa-bát ở tại đây. Chúa Jêsus ban sự yên nghỉ cho tất cả người sẽ tìm đến với Ngài (Ma-thi-ơ 11:28), không hề có sự yên nghỉ nào trong việc tuân thủ các lễ nghi tôn giáo hay nhờ làm theo Luật pháp.

Trong đoạn 12, Chúa Jêsus muốn dạy rằng luật Sa-bát được ban bố cho dân Y-sơ-ra-ên làm dấu chứng về mối tương giao của dân sự với Đức Chúa Trời. Nhưng điều luật ấy cũng là hành động nhân từ dành cho cả người lẫn súc vật, cho họ và súc vật được nghỉ ngơi mỗi tuần. Bất kỳ giáo luật nào đi ngược lại với ân sủng và sự chăm sóc của Thiên Chúa cũng rất đáng nghi ngờ. Đức Chúa Trời muốn có lòng nhân từ, chớ không muốn của lễ tôn giáo. Ngài muốn có lòng yêu thương chớ không muốn chủ nghĩa luật pháp. Người Pha-ri-si nghĩ rằng họ hy sinh vâng giữ luật Sa-bát nghĩa là họ đang hầu việc Đức Chúa Trời. Khi lên án Chúa Jêsus cùng các môn đệ Ngài, họ nghĩ rằng họ đang bênh vực cho Đức Chúa Trời.

Trong lời tuyên bố chính Ngài là “Chúa ngày Sa-bát”, Chúa Jêsus thực sự khẳng định sự đồng đẳng với Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời đã thiết lập ngày Sa-bát (Sáng 2:1-3).

Chúng ta thường mắc lỗi giống như người Pha-ri-si, lên án người khác về nhiều việc, cũng vi phạm nhiều về lời nói của mình. Chúa Jêsus cảnh báo trong ngày phán xét, mọi lời chúng ta nói đều sẽ bị khai trình trước mặt Chúa. Vậy hãy cẩn thận!

 

Câu Kinh Thánh ghi nhớ Ma-thi-ơ 12:36 (BDHD): 

Nhưng Ta bảo các ngươi, trong ngày phán xét, người ta sẽ khai trình mọi lời vô ích mình đã nói.

 

Các nhân vật:

  • Đa-vít: là vị vua thứ hai của dân Y-sơ-ra-ên (khoảng 1.000 T.C.), ông là con thứ 8 trong gia đình của cha mình là Y-sai. Từ nhỏ ông làm nghề chăn chiên, nhưng Đức Chúa Trời đẹp lòng vì sự kính sợ Chúa của ông, đã chọn và xức dầu cho ông làm vua dân Y-sơ-ra-ên từ khi ông còn là một cậu thiếu niên. Nhưng sau khi vị vua Sau-lơ qua đời ông mới lên ngôi cai trị nhà Y-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời hứa rằng từ dòng dõi ông sẽ ra Đấng Mê-si-a, cai trị đến đời đời. Vua Đa-vít là tác giả phần lớn của sách Thi Thiên. Cuộc đời của ông được ghi chép rất chi tiết trong Cựu ước (xin xem 1Sa-mu-ên, 2Sa-mu-ên và 1Sử-ký).

  • Tiên tri Ê-sai: sống trong khoảng 700 T.C. Ông là tác giả của sách tiên tri Ê-sai, là một trong các tiên tri được Đức Chúa Trời bày tỏ cho biết rất nhiều về Đấng Mê-si-a. Trong sách Ma-thi-ơ nhiều lần trích dẫn những điều tiên tri Ê-sai đã nói được ứng nghiệm hoàn toàn trên Chúa Jêsus.

  • Giô-na: Câu 41-42 - Trong thời của Giô-na, Ni-ni-ve là kinh đô của đế quốc A-sy-ri, và nó vừa hùng cường vừa gian ác (Giô-na 1:2). Nhưng cả kinh đô đã ăn năn khi nghe tiên tri Giô-na giảng đạo.

  • Sa-lô-môn: là vị vua thứ ba của dân Y-sơ-ra-ên (khoảng 971-931 T.C.), con trai của Đa-vít và Bát-sê-ba (2Sa-mu-ên 12:24); Sa-lô-môn là vị vua được Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan không ai sánh bằng. Vua Sa-lô-môn cũng là tác giả viết sách Truyền đạo, Nhã-ca và phần lớn sách Châm Ngôn. Ngoài ra trong sách Thi Thiên có hai bài ca của ông là Thi Thiên 72 và 127.

  • Nữ Hoàng Nam Phương: còn gọi là Nữ hoàng Sê-ba, người đã thực hiện một chuyến du hành thật xa để đến gặp Sa-lô-môn, vua Y-sơ-ra-ên, để được nghe về sự khôn ngoan của vua ấy (1Các-vua 10:1-10). Những người ngoại quốc này đã nhận ra chân lý về Đức Chúa Trời khi chân lý ấy được trình bày cho họ, khác với các lãnh tụ tôn giáo trong thời Chúa Jêsus chẳng biết được chân lý ấy, cả khi nó được đặt ngay trước mặt họ.

 

Giải thích những sự kiện Chúa Jêsus bị chống đối :

  • Trồng lúa mì tại Do Thái: đó là một thứ ngũ cốc rất có giá trị ai cũng biết, từ thời thái cổ đã trồng; lần đầu tiên Kinh Thánh nói đến trong Sáng 30:14 khi Gia-cốp trú ngụ tại nhà La-ban trong xứ Mê-sô-bô-ta-mi. Dường như có hai hay ba loại lúa mì mọc tại xứ Pa-lét-tin.

  • Ngày Sa-bát: tên này dùng để chỉ mấy lễ trọng thể, nhưng thường dùng đặc biệt cho ngày thứ bảy trong tuần lễ, và sự bắt buộc giữ ngày đó cách nghiêm nhặt không phải chỉ ở trong bộ luật lệ chung của Môi-se, nhưng cũng trong chính Mười Điều Răn nữa. Sự lập ngày Sa-bát nên ngày thánh là cùng một lúc với cuộc sáng tạo.

    Những người dòng Pha-ri-si đã quy định 39 loại hành động bị cấm trong ngày Sa-bát, dựa vào cách lý giải luật pháp của Đức Chúa Trời và phong tục tập quán của dân Do Thái. Gặt lúa là một trong số các hành động bị cấm đó. Bằng việc bứt bông lúa mì và vò trong tay, về phương diện kỹ thuật mà nói, thì các môn đệ Chúa đang gặt lúa - theo cách hiểu của các lãnh tụ tôn giáo. Sở dĩ Chúa Jêsus và các môn đệ Ngài phải bứt bông lúa là vì họ đang đói, chứ không phải vì muốn gặt lúa để thu lợi. Không phải là họ đã làm việc trong ngày Sa-bát. Tuy nhiên, những người Pha-ri-si không muốn thấy gì ngoài ra tính kỹ thuât của luật pháp theo cách lý giải riêng của họ. Lòng họ vốn chẳng có chỗ nào dành cho nhân từ thương xót cả, nên quyết định tố cáo Chúa Jêsus và các môn đồ Ngài đã hành động sai lầm.

  • Việc Đa-vít vào nhà Đức Chúa Trời ăn bánh của thầy tế lễ: Ma-thi-ơ 12:4 - Câu chuyện này đã được ký thuật trong 1Sa-mu-ên 21:1-6. Bánh trần thiết vốn được thay thế hằng tuần, và các ổ bánh cũ là khẩu phần của các thầy tế lễ. Những ổ bánh đã được cấp cho Đa-vít là những ổ bánh cũ vừa được thay thế bằng những ổ bánh mới. Tuy chỉ có các thầy tế lễ mới là những người duy nhất được phép ăn loại bánh này, Đức Chúa Trời đã không trừng phạt Đa-vít, vì nhu cầu về lương thực của Đa-vít quan trọng hơn các quy tắc của các thầy tế lễ. Chúa Jêsus ngụ ý dạy rằng: “Nếu các ông lên án tôi, thì các ông cũng phải lên án vua Đa-vít nữa”, một điều mà các lãnh tụ tôn giáo chẳng bao giờ dám làm, vì sẽ khiến cho dân chúng nổi lên chống lại họ; không phải là Chúa Jêsus làm ngơ đối với người bất tuân luật pháp Đức Chúa Trời. Trái lại, Ngài nhấn mạnh là phải biết biện biệt và có lòng nhân từ thương xót khi áp dụng các luật ấy.

 


Nội dung Ma-thi-ơ

Làm việc trong ngày sa-bát

1 Lúc ấy, vào ngày sa-bát, Đức Chúa Jêsus đi ngang qua cánh đồng lúa mì, các môn đồ Ngài đói nên bắt đầu ngắt bông lúa mà ăn. 2 Những người Pha-ri-si thấy vậy, nói với Ngài: “Xem kìa, các môn đồ Thầy làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát.” 3 Nhưng Ngài đáp: “Các ngươi chưa đọc về việc Đa-vít đã làm, khi người cùng những người đi theo bị đói sao? 4 Người đã vào nhà Đức Chúa Trời ăn bánh cung hiến, loại bánh mà người và những kẻ đi theo không được phép ăn, chỉ dành riêng cho các thầy tế lễ. 5 Hay là các ngươi chưa đọc trong sách luật rằng, vào ngày sa-bát, các thầy tế lễ trong đền thờ vi phạm luật ngày sa-bát mà vẫn không mắc tội đó sao? 6 Nhưng Ta nói với các ngươi, tại đây, có một Đấng cao trọng hơn cả đền thờ. 7 Nếu các ngươi hiểu được ý nghĩa của câu nầy: 'Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải sinh tế’ thì các ngươi đã không lên án người vô tội; 8 vì Con Người là Chúa của ngày sa-bát.”

Đức Chúa Jêsus chữa bệnh trong ngày sa-bát

9 Đức Chúa Jêsus rời nơi đó, đi vào nhà hội. 10 Tại đó, có người teo một bàn tay. Họ hỏi Ngài rằng: “Trong ngày sa-bát có được phép chữa bệnh không?” Họ hỏi thế, để có thể tố cáo Ngài. 11 Ngài phán với họ: “Ai trong các ngươi có một con chiên bị ngã xuống hố trong ngày sa-bát mà lại không kéo nó lên sao? 12 Huống chi con người còn quý hơn chiên biết chừng nào! Vậy, trong ngày sa-bát được phép làm điều lành.” 13 Rồi Ngài phán với người teo tay: “Hãy giơ tay ra!” Người ấy giơ tay ra, thì tay được lành như tay kia. 14 Những người Pha-ri-si đi ra, bàn mưu chống Ngài và tìm cách giết Ngài.

15 Nhưng Đức Chúa Jêsus biết điều ấy, nên lánh khỏi chỗ đó. Có nhiều người theo Ngài, và Ngài chữa lành tất cả. 16 Ngài truyền dặn họ đừng tiết lộ cho ai biết Ngài. 17 Như vậy, để lời nhà tiên tri Ê-sai đã nói được ứng nghiệm:

18 “Nầy là đầy tớ Ta đã chọn,

Người mà Ta yêu quý, đẹp lòng Ta hoàn toàn.

Ta sẽ ban Thánh Linh Ta ngự trên Người,

Người sẽ rao truyền công lý cho dân ngoại.

19 Người sẽ không cãi vã, chẳng gào la,

Không ai nghe tiếng người ngoài phố.

20 Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập,

Không tắt ngọn đèn gần tàn.

Cho đến chừng Người đưa công lý đến chiến thắng

21 Và các dân ngoại đặt hi vọng nơi danh Người.”

Đức Chúa Jêsus chữa người bị quỷ ám. – Tội phạm đến Đức Thánh Linh. – Cây và quả

22 Bấy giờ, người ta đem đến cho Đức Chúa Jêsus một người bị quỷ ám, mù và câm; Ngài chữa lành, khiến người ấy nói và thấy được. 23 Tất cả dân chúng đều kinh ngạc, nói rằng: “Phải chăng người nầy là con vua Đa-vít?” 24 Nhưng khi nghe vậy những người Pha-ri-si lại bảo: “Người nầy không thể nào đuổi được quỷ, nếu không nhờ quỷ vương Bê-ên-xê-bun.” 25 Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng của họ nên phán: “Vương quốc nào tự chia rẽ sẽ bị sụp đổ, một thành hay một nhà nào tự chia rẽ sẽ không đứng vững. 26 Nếu Sa-tan đuổi Sa-tan, ấy là tự nó chia rẽ; vương quốc nó làm sao đứng vững được? 27 Nếu Ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà đuổi quỷ, thế thì con cái các ngươi nhờ ai mà đuổi quỷ? Do đó, chính chúng nó sẽ là người xét xử các ngươi. 28 Còn nếu Ta nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời mà đuổi quỷ, thì vương quốc Đức Chúa Trời đã đến với các ngươi rồi. 29 Hay là, làm thế nào người ta có thể vào nhà một người có sức mạnh để cướp tài sản nếu trước hết không trói người ấy lại? Phải trói người ấy lại rồi mới cướp nhà người được. 30 Ai không ở với Ta là chống lại Ta; ai không liên kết với Ta thì tan tác. 31 Vì vậy, Ta nói với các ngươi: Mọi tội lỗi và lời phạm thượng đều được tha cho loài người; nhưng phạm thượng đến Thánh Linh sẽ chẳng được tha đâu. 32 Ai nói nghịch với Con Người thì sẽ được tha; nhưng ai nói nghịch với Đức Thánh Linh thì dù đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.

33 Nếu là cây lành thì quả cũng lành, nếu là cây độc thì quả cũng độc; vì xem quả thì biết cây. 34 Hỡi dòng dõi rắn độc kia! Các ngươi vốn là xấu, làm sao nói được điều tốt? Vì có đầy dẫy trong lòng thì miệng mới nói ra. 35 Người tốt do tích lũy điều thiện nên sản sinh điều thiện; còn kẻ xấu do tích tụ điều ác nên sản sinh điều ác. 36 Nhưng Ta bảo các ngươi, trong ngày phán xét, người ta sẽ khai trình mọi lời vô ích mình đã nói. 37 Vì bởi lời nói, ngươi sẽ được xưng công chính; cũng bởi lời nói, ngươi sẽ bị định tội.”

Dấu lạ của Giô-na

38 Bấy giờ có mấy thầy thông giáo và người Pha-ri-si nói với Ngài rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn xem Thầy làm một dấu lạ.” 39 Ngài đáp: “Thế hệ gian ác, dâm loạn nầy tìm kiếm một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng nhận được một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ của nhà tiên tri Giô-na. 40 Vì như Giô-na ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng vậy, Con Người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm. 41 Trong ngày phán xét, người Ni-ni-ve sẽ trỗi dậy cùng thế hệ nầy và kết án nó, vì dân ấy đã nghe lời rao giảng của Giô-na và ăn năn, nhưng tại đây có một người còn cao trọng hơn Giô-na! 42 Trong ngày phán xét, nữ hoàng nam phương sẽ trỗi dậy cùng thế hệ nầy mà lên án nó, vì bà từ đầu cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; nhưng tại đây có người còn cao trọng hơn Sa-lô-môn!

43 Khi uế linh ra khỏi một người, nó đi qua những nơi khô cằn, tìm chỗ nghỉ, nhưng không tìm được. 44 Rồi nó nói: 'Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta vừa ra khỏi.’ Khi về đến, thấy nhà trống, quét dọn sạch, sắp đặt ngăn nắp, 45 nó liền đi và đem về bảy quỷ khác dữ hơn, cùng vào ở đó. Như vậy, tình trạng sau của người ấy còn tệ hại hơn trước. Thế hệ gian ác nầy cũng sẽ như vậy.”

Mẹ và các em của Đức Chúa Jêsus

46 Khi Đức Chúa Jêsus còn đang nói với đoàn dân thì mẹ và các em Ngài đến, đứng ở ngoài và tìm cách nói chuyện với Ngài. 47 Có người thưa với Ngài rằng: “Kìa mẹ và các anh em Thầy đang đứng ở ngoài, muốn nói chuyện với Thầy.” 48 Ngài đáp: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?” 49 Rồi Ngài chỉ tay về phía các môn đồ và nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta! 50 Vì hễ ai làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời, người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy.”