1. NGƯỜI CỦA CHÚNG TA TẠI CƠ-RẾT (Tit 1:1-16)

Trong lúc Ti-mô-thê đang hầu việc tại thủ đô Ê-phê-sô, Tít lại đang bận rộn trên đảo Cơ-rết. Tít là một tín đồ Hy Lạp (Ga 2:3) đã phục sự đắc lực cho Phao-lô trong những công tác đặc biệt với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô (IICo 7:13-14 IICo 8:6,16,23 IICo 12:18). Rõ ràng là Tít đã được chinh phục về với Đấng Christ qua chức vụ cá nhân của Phao-lô (Tit 1:4) như Ti-mô-thê vậy (ITi 1:2). Phao-lô đã viết, “Ấy vậy, nói về Tít, thì là bạn bè tôi, và là người cùng làm việc với tôi ở nơi anh em” (IICo 8:23).

Nhưng các tín hữu trên đảo Cơ-rết không phải là những người dễ dàng nhất để làm việc chung, và Tít phần nào đã ngã lòng. Giống như Ti-mô-thê, có lẽ Tít là một thanh niên, Nhưng khác với Ti-mô-thê, ông không có nhút nhát và đau yếu về thuộc thể.Phao-lô đã từng ở với Tít trên đảo Cơ-rết và đã để ông nơi đó để sửa lại những điều sai trật. Vì những người Do Thái ở đảo Cơ-rết có mặt tại lễ Ngũ Tuần (Cong 2:11), có thể là họ đã đem Phúc Âm đến cho xứ sở của mình.

Tít được dự phần trong các nan đề! Các Hội Thánh cần những người lãnh đạo đủ tư cách, và những nhóm tín hữu khác nhau tại các Hội Thánh cần được chăn dắt. Một nhóm giáo sư giả đang cố tìm cách pha trộn luật pháp Do Thái với Phúc Âm ân điển (Tit 1:10,14), trong khi một số tín đồ gốc Dân Ngoại thì đang lạm dụng sứ điệp của ân điển và biến nó trở thành sự phóng túng dâm loạn (Tit 2:11-15). Theo bản tánh tự nhiên, các tín hữu tại Cơ-rết không dễ dàng để làm việc chung (Tit 1:12-13), và Tít cần sự nhịn nhục và tình yêu thương vượt trội hơn. Rất có thể sẽ dễ dàng cho Tít khi đã “nghe tiếng gọi của Đức Chúa Trời đi đến nơi nào khác, ” nhưng ông cứ ở lại đó và làm trọn công việc của mình.

Khi bạn đọc và nghiên cứu bức thư này, bạn sẽ khám phá rằng đây là một bản tường thuật súc tích của bức thư thứ nhất Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê. Trong chương đầu tiên này, Phao-lô nhắc Tít nhớ đến ba trách nhiệm ông phải hoàn thành:

1. Rao giảng Lời Đức Chúa Trời (Tit 1:1-4)

Trong lời chào thăm khá dài này, Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của Lời Đức Chúa Trời. Bốn lần ông dùng giới từ Hy Lạp kata, có nghĩa gốc là “xuống.” Nhưng trong mạch văn này, kata giúp chúng ta nhìn thấy mối tương quan giữa chức vụ với Lời Đức Chúa Trời. Hãy xem xét bốn cụm từ sau:

a.“Theo Đức Tin Của Những Kẻ Được Chọn Của Đức Chúa Trời” (Tit 1:1a).

Chức vụ của Phao-lô được ảnh hưởng bởi Lời của Đức Chúa Trời. Ông là “một tôi tớ của Đức Chúa Trời” (chỗ duy nhất Phao-lô dùng cụm từ này) và là “một sứ đồ của Chúa Giê-xu Christ. Nhưng mục đích của chức vụ ông là chia sẻ đức tin, phần chân lý chứa đựng trong Lời của Đức Chúa Trời. “Những kẻ được chọn của Đức Chúa Trời” là những người đã tin nhận Chúa Giê-xu Christ làm Cứu Chúa mình (Phi 1:1-5 Eph 1:4).

b.“Chân lý Theo Sau Theo Sự Tin Kính” (Tit 1:1b).

“Sự tin kính” là một ý niệm quan trọng trong bức thư này, y như trong ITi-mô-thê, ngay cho dù từ thực tế này chỉ được dùng có một lần. Nhưng sự lặp lại của “những việc lành” nhấn mạnh quan điểm này (Tit 1:16 Tit 2:7,14 Tit 3:1,5,8,14). Lẽ thật của Phúc Âm biến đổi một đời sống từ sự không tin kính (Tit 2:12) đến đời sống thánh khiết. Đáng buồn thay, có những người trong các Hội Thánh trên đảo Cơ-rết, giống như một số thuộc viên trong Hội Thánh ngày nay, xưng mình đã được cứu, nhưng đời sống họ chối bỏ lời tuyên xưng đức tin của mình (Tit 1:12).

Đức tin nơi Chúa Giê-xu Christ này không chỉ cứu chúng ta hôm nay, và khiến đời sống chúng ta tin kính nhưng nó cũng đem đến cho chúng ta sự trông cậy về tương lai (Tit 1:2). Chúng ta có sự đảm bảo chắc chắn cho tương lai vì cớ những lời hứa của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời không thể nào nói dối. (Dan 23:19) Chúng ta được sanh lại “để có một sự trông cậy sống” (IPhi 1:3), vì chúng ta đã tin nơi Đấng Christ hằng sống. Tín đồ chúng ta hiện nay có sự sống đời đời (IGi 5:11-12 Gi 3:16) nhưng khi Chúa Giê-xu Christ trở lại, chúng ta sẽ hưởng sự sống đời đời theo một cách thức còn lớn lao hơn nữa.

c.“Theo Mệnh Lệnh Của Đức Chúa Trời” (Tit 1:3).

Đức Chúa Trời mạc khải sứ điệp của Ngài qua việc rao giảng. Điều này không có nghĩa là hành động công bố Lời Chúa, nhưng đúng hơn là nội dung của sứ điệp ấy. “Ngài hài lòng bởi sự rao giảng rồ dại (sứ điệp của Thập tự giá) để cứu rỗi những kẻ tin” (ICo 1:21). Lời của Phúc Âm này được giao phó cho Phao-lô (ITi 1:11), và ông đã giao phó cho Tít. Chức vụ này là theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời chớ không phải do nơi một người nào (Ga 1:10-12).

Như trong ITi-mô-thê, danh hiệu “Cứu Chúa” thường được lặp lại trong Tít (Tit 1:3-4 Tit 2:10,13 Tit 3:4,6). Lời do Đức Chúa Trời ban bố được viết ra bày tỏ Cứu Chúa này, vì nhu cầu của tội nhân là một Cứu Chúa. Ân điển của Đức Chúa Trời đem đến sự cứu rỗi, chớ không phải sự định tội (Tit 2:11). Chúa Giê-xu đã có thể đến thế gian này như một quan toà, nhưng Ngài lại chọn đến như một Đấng Cứu Thế (Lu 2:10-11).

d.“Theo Đức Tin Chung” (Tit 1:4).

Từ “chung” có nghĩa là “có chung.” Đức tin này thuộc về tất cả dân sự của Đức Chúa Trời chớ không chỉ một ít kẻ được chọn. Cơ Đốc nhân trong các nhóm hệ phái khác nhau có thể mang những danh hiệu khác nhau, nhưng tất cả những người có cùng đức tin cứu rỗi đều hưởng “sự cứu rỗi chung” (Giu 1:3). Có một phần chân lý rõ rệt được giao phó trong Hội Thánh, “đức tin đã truyền cho các thánh một lần đủ cả” (Giu 1:3, bản NIV). Bất cứ điều gì tẻ tách khỏi “đức tin chung” này đều là sự dạy dỗ giả dối và không được khoan nhượng trong Hội Thánh.

Khi ôn lại bốn câu này, bạn có thể thấy là Phao-lô liên hệ tất cả mọi sự trong chức vụ của ông với Lời Đức Chúa Trời. Sự kêu gọi của ông và việc rao giảng của ông tuỳ thuộc vào đức tin nơi Đấng Christ. Ông muốn Tít nắm vững thực tế này và đặt Lời Đức Chúa Trời ưu tiên hàng đầu trong chức vụ mình. Từ đầu đến cuối cả ba Thư tín Giám mục này có sự chú trọng đến việc dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời. Các Hội Thánh địa phương cần phải là “những học viện Thánh Kinh” nơi mà Lời Đức Chúa Trời được dạy dỗ cách có hệ thống và theo một cách thức thực tiễn.

2. Phong chức cho những người lãnh đạo đủ tư cách (Tit 1:5-9)

Một lý do Phao-lô đã để Tít ở lại trên đảo Cơ-rết là để ông có thể tổ chức các hội chúng địa phương và “sắp đặt” những việc còn đang thiếu sót. Cụm từ này là một thuật ngữ y học nó được ứng dụng cho việc sắp xếp một chi trong thân bị cong vẹo. Tít không phải là nhà độc tài thuộc linh của đảo này, nhưng ông là người đại diện chính thức của sứ đồ Phao-lô có thẩm quyền hành động. Cách làm việc của Phao-lô là phong chức cho các trưởng lão trong các Hội Thánh ông đã thiết lập (Cong 14:23), nhưng ông đã không thể ở lại tại Cơ-rết lâu đủ để hoàn thành công tác này.

Một số phẩm chất kể ra ở đây (Tit 1:6-8) đã được thảo luận trong phần nghiên cứu ITi 3:2-3 của chúng ta: “không chỗ trách được, chồng chỉ một vợ . . . có tiết độ, không hung bạo, không ham tiền bạc . . . hay tiếp khách . . . không mê rượu.” Sự kiện những tiêu chuẩn này áp dụng cho các Cơ Đốc nhân trên đảo Cơ-rết cũng như cho những người tại thành Ê-phê-sô chứng tỏ rằng tiêu chuẩn đánh giá của Đức Chúa Trời dành cho những người lãnh đạo không thay đổi bất thường. Một Hội Thánh ở thành phố lớn và một Hội Thánh ở tỉnh nhỏ cả hai đều cần những người tin kính giữ vai trò lãnh đạo.

Giờ thì, hãy xem xét chín phẩm chất phụ thêm:

a.“Có Con Cái Trung Tín” (Tit 1:6b).

“Trung tín” có nghĩa là “có đức tin.” Con cái của người giám mục cần phải tin Chúa.Xét cho cùng, nếu một tôi tớ của Đức Chúa Trời không thể chinh phục con cái riêng của mình cho Đấng Christ, thì người ấy có thể mong đợi sự thành công gì với những người bên ngoài? Đây là nguyên tắc tương tự mà Phao-lô nhấn mạnh với Ti-mô-thê (ITi 3:5) – đời sống Cơ-Đốc và sự hầu việc Chúa phải bắt đầu tại gia đình. Con cái trong gia đình một trưởng lão phải không chỉ được cứu, mà còn phải là những gương mẫu tốt đẹp của sự vâng lời và tận hiến. Việc bị kiện cáo là “buông tuồng” (đời sống phóng túng) hoặc không vâng lời (“ngỗ nghịch, ” không thể khuyên bảo được) sẽ khiến cha chúng không đủ tư cách giữ chức trưởng lão.Điều này, dĩ nhiên, áp dụng cho con cái vẫn còn ở trong gia đình, dưới thẩm quyền của cha mình.

Quá thường xuyên, những người mới tin Chúa cảm thấy một sự kêu gọi vào chức vụ và mong muốn được phong chức trước khi họ có cơ hội xây dựng gia đình mình trong đức tin. Nếu con cái còn nhỏ, vấn đề không quá lớn lao nhưng con cái đã trưởng thành cảm thấy sửng sốt vô cùng khi đột nhiên cả nhà trở nên “ngoan đạo! ” Một người cha khôn ngoan trước hết chinh phục gia đình riêng của mình cho Đấng Christ và tạo cho họ một cơ hội để tăng trưởng trước khi người ấy chuyển chỗ ở và dời đến trường Kinh-Thánh. Chúng ta sẽ gặp ít khó khăn hơn trong chức vụ nếu phương cách này được tuân theo thường xuyên hơn.

b.“Kẻ Quản Lý Của Đức Chúa Trời” (Tit 1:7a).

Một người quản lý không làm chủ nhưng quản lý tất cả những gì chủ đặt trong tay mình. Có lẽ người quản gia nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh là Giô-sép, người có toàn quyền cai quản tất cả mọi việc trong nhà Phô-ti-pha (Sa 39:1-9). Đặc tính quan trọng nhất của một người quản lý là sự trung tín (Co 4:1-2 Mat 25:21). Người ấy phải sử dụng những gì chủ giao cho mình vì lợi ích và vì sự vinh hiển của chủ, chớ không vì bản thân mình cách riêng tư (Lu 16:1-13).

Người trưởng lão không bao giờ được nói, “Đây là của mình! ” Tất cả những gì người ấy có đều đến từ Đức Chúa Trời (Gi 3:27) và phải được dùng cho Đức Chúa Trời. Thời giờ, tài sản, những ước muốn, và khả năng của người ấy tất cả đều do Chúa cho người ấy vay mượn và người ấy phải trung tín sử dụng chúng để tôn cao Đức Chúa Trời và xây dựng Hội Thánh. Dĩ nhiên, tất cả Cơ Đốc nhân cần phải là những người quản lý trung tín, chớ không chỉ các mục sư mà thôi!

c.“Không Cứng Cõi Kiêu Ngạo” (Tit 1:7b).

“Không hống hách” (bản NIV), luôn tự đề cao để làm theo ý riêng mình.Trong khi các thuộc viên Hội Thánh cần phải tôn trọng và tuân theo sự lãnh đạo của các trưởng lão, họ cần phải biết chắc rằng đó là sự lãnh đạo chớ không phải sự chuyên quyền độc tài. Một mục sư cứng cõi thì kiêu ngạo, sẽ không tiếp thu những lời đề nghị và phê bình của tín hữu mình, và chắc chắn người ấy luôn theo đường riêng mình.

d.“Không Nhanh Giận Dữ” (Tit 1:7c).

Người ấy không được nóng tính. Có một sự giận dữ công chính nghịch với tội lỗi (Eph 4:26), nhưng đa số cơn giận của chúng ta là không công bình và nhằm chống trả lại người khác. Tự nó, sự nóng tính là một điều tốt. Một người công bình cần phải giận dữ khi nhìn thấy những điều sai trái. Có người đã nói, “Sự nóng tính là một điều thật tuyệt đến nỗi thật đáng tiếc khi đánh mất nó.” Quả là lời khuyên khôn ngoan vậy.

e.“Yêu Mến Những Người Lành” (Tit 1:8a).

“Một người yêu mến những điều lành” (NIV) là một cách dịch thay thế, và điều này bao gồm những người lành. Nhưng nó cũng bao gồm sách báo hay, âm nhạc hay, những mục đích tốt đẹp, và nhiều điều tốt khác. Một người là một người lành vì người ấy có một tấm lòng lành và sống giữa những điều tốt lành. Thật khó tin được rằng một tôi tớ tận hiến của Đức Chúa Trời sẽ cố tình liên kết với những điều xấu xa cho bản thân và gia đình người ấy.

f.“Công Bình” (Tit 1:8b).

Từ dịch thích hợp là “ngay thẳng.” Người ấy cần phải là một người ngay thẳng luôn trung thành với lời mình nói và thực hành những gì mình rao giảng. Cách cư xử của người ấy là công bình.

g.“Thánh Khiết” (Tit 1:8c).

Từ “không bị hoen ố” nêu lên ý này. “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (IPhi 1:16). Nghĩa gốc của từ “thánh khiết” là “khác biệt.” Cơ Đốc nhân khác biệt với những tội nhân hư mất, vì Cơ Đốc nhân là những người được dựng nên mới bởi ân điển của Đức Chúa Trời (IICo 5:17).

h.“Tiết Độ” (Tit 1:8d).

Nghĩa của từ này là “tự chủ, ” và nó áp dụng cho những ham muốn và hành vi của một người. Từ đồng nghĩa là “được khép vào kỷ luật”. Một vị mục sư phải có kỷ luật trong việc sử dụng thời gian của mình để công việc của ông có thể được hoàn tất. Ông phải đặt những ham muốn của mình vào kỷ luật, đặc biệt khi những thuộc viên có thiện chí cố tìm cách nhồi nhét ông với cà phê và bánh ngọt! Ông phải kiểm soát tâm trí và thân thể mình, khi ông đầu phục Đức Thánh Linh (Ga 5:23, từ “tiết độ” ở đây có nghĩa là “tự chủ”).

i.“Hằng Giữ Lời Thành Tín” (Tit 1:9).

“Thành tín” là một từ Phao-lô ưa thích (ITi 1:15 ITi 4:9 IITi 2:11 Tit 3:8). Lời Đức Chúa Trời là đáng tin cậy, vì Đức Chúa Trời không thể nói dối (Tit 1:2). Bởi vì Lời Chúa là thành tín, nên những ai dạy dỗ và rao giảng Lời Chúa cần phải trung tín. Một lần nữa, Phao-lô dùng cụm từ “đạo lành” mà chúng ta đã gặp trong ITi-mô-thê (Tit 1:10). Nó có nghĩa là “đạo lý lành mạnh” kích thích sự tăng trưởng thuộc linh.

Vì thế các trưởng lão có một chức vụ đối với Lời Chúa bao gồm hai phần: (1) gây dựng Hội Thánh với đạo lý “lành mạnh, ” và (2) bác bẻ các giáo sư giả là kẻ phổ biến đạo lý không lành mạnh. Người tín hữu ngây thơ trong Hội Thánh nói, “Chúng tôi không cần đạo lý! Chỉ cần dạy chúng tôi những tư tưởng sùng kính hữu ích là đủ! ” họ thật sự không hiểu biết điều mình đang nói. Tách rời khỏi chân lý (và từ này hàm ý đạo lý trong Kinh-Thánh) không thể nào có sự giúp đỡ hay sự lành mạnh về thuộc linh.

Việc đề cập đến những người chống đối đạo thật đưa Phao-lô đến chỗ nêu lên trách nhiệm thứ ba mà Tít phải làm trọn.

3. Làm cho các giáo sư giả nín lặng (Tit 1:10-16)

Các giáo sư giả chẳng bao lâu sau đã xuất hiện trong Hội Thánh ban đầu. Bất cứ nơi nào Đức Chúa Trời gieo chân lý, Sa-tan nhanh chóng xuất hiện để gieo những sự giả dối. Tít đối diện một kẻ thù tương tự với kẻ thù được mô tả trong ITi-mô-thê – sự pha trộn của việc tuân giữ luật pháp Do Thái, những truyền thống do con người đặt ra, và chủ nghĩa thần bí. Phao-lô nêu lên ba thực tế về các giáo sư giả này.

a.Bản Chất Của Cá Nhân Họ.

Phao-lô không có điều tốt đẹp nào để nói về họ! Họ sẽ không thuận phục Lời Đức Chúa Trời hay thẩm quyền của tôi tớ Đức Chúa Trời, vì họ ngỗ ngược. Từ dịch thích hợp là “phản loạn.” Hãy cảnh giác trước các giáo sư không tự đặt mình dưới thẩm quyền.

Họ là những kẻ nói suông vô ích. Những gì họ nói gây ấn tượng nơi kẻ khác, nhưng không chứa đựng nội dung hay đại ý gì. Khi bạn “tóm tắt lại, ” nó chỉ là không khí nóng bỏng. Hơn thế nữa, họ trổi vượt trong việc nói, không phải trong việc làm. Họ có thể khuyên người khác phải làm gì, nhưng họ không tự mình làm những điều đó. Xin lưu ý đặc biệt Tit 1:16.

Điều rất đáng buồn là họ lừa dối người khác bởi những đạo lý giả dối của mình. Họ tự nhận là đang dạy dỗ chân lý, nhưng lại là những kẻ kể xấu chuyện người khác.Bởi vì chính mình họ đã bị Sa-tan lừa dối, nên họ lừa dối người khác, “dạy dỗ những điều không nên dạy” (Tit 1:11).

Họ có tánh xác thịt và tinh thần thế gian: là “những kẻ dối trá, là thú dữ, những kẻ ham ăn mà làm biếng” (Tit 1:12). Thật là một bản cáo trạng kinh khiếp! Thay vì sống cho những điều tốt đẹp của đời sống thuộc linh, họ sống cho những ham muốn riêng của mình. Những tính từ Phao-lô dùng thu hút sự chú ý của người đọc.Những người này không chỉ là “thú vật, ” mà là “những thú dữ” họ không chỉ là “những kẻ ham ăn, ” mà là “những kẻ ham ăn biếng nhác.” Họ là những kẻ có danh tiếng, chớ không phải là tôi tớ. Họ “sống bám” vào những kẻ theo họ, và (đúng với bản tánh con người) những kẻ theo họ ưa thích điều đó!

Phao-lô tóm tắt đặc tính của họ trong câu 16. Họ “đáng gớm ghiếc, ” nghĩa là “đáng ghét, đáng ghê tởm.” Cơ Đốc nhân có giác quan thuộc linh tốt đẹp sẽ hoàn toàn phẫn nộ với đặc tính và cách cư xử của những giáo sư này, và sẽ không bao giờ theo họ.“Trái nghịch” có nghĩa là “họ không thể và sẽ không thuyết phục được.” Tâm trí họ đã quyết và họ sẽ không đối diện với chân lý. “Đầy tội lỗi” nghĩa đen là “không thể nào đậu kỳ thi.” Đức Chúa Trời không dùng họ bởi vì họ đã được chứng tỏ là không đủ năng lực. Cùng từ Hy Lạp này được dịch là “kẻ bị bỏ” trong ICo 9:27 và trong ngữ cảnh liên hệ đến điền kinh này nó có nghĩa là “bị loại ra không cho thi.”

Sau khi đã mô tả tính chất của những giáo sư này, Phao-lô kế đó chia sẻ một thực tế thứ hai.

b.Những Điều Họ Đã Làm. Bức tranh thật rõ:

Những giáo sư giả này nói dối từ nhà này sang nhà khác và do đó phá đổ đức tin của các tín hữu. Nhiều gia đình mạnh mẽ bị ảnh hưởng bởi các đạo lý không lành mạnh của họ. Về một mặt, họ đang dạy dỗ việc tuân giữ luật pháp của Do Thái giáo (“những người chịu cắt bì, ” Tit 1:10 Tit 3:9) mà Phao-lô chối bỏ. Họ cũng đang dạy dỗ “những truyện huyễn của người Do Thái” (Tit 1:14), là điều có lẽ mô tả những sự diễn giải không có thật về các gia phổ trong Cựu Ước (ITi 1:4).

Tôi không bao giờ hết ngạc nhiên trước những điều một số người nhận từ Thánh Kinh! Có lần tôi tham dự một chương trình nói chuyện điện thoại trên một đài phát thanh ở Chicago, thảo luận về lời tiên tri trong Kinh-Thánh. Một người gọi điện thoại đến và tìm cách tiếp tục chương trình bằng cách công bố những sự giải nghĩa lạ kỳ của ông ta về những lời tiên tri của Sách Đa-ni-ên. Ông chối bỏ sự giải thích rõ ràng nêu lên trong Kinh-Thánh và rất khó chịu với tôi khi tôi từ chối không đồng ý với những ý nghĩ lạ đời của ông.

Tiến sĩ David Cooper từng nói, “Khi ý nghĩa đơn giản của Thánh Kinh đã rõ ràng dễ hiểu, đừng tìm kiếm ý nghĩa nào khác nữa.” Không cần thiết phải tìm ra “những ý nghĩa sâu xa hơn” cho những sự dạy dỗ đơn giản của Lời Đức Chúa Trời. Một phương pháp học Kinh-Thánh như thế giúp một “học viên” tìm thấy bất cứ điều gì người ấy đang tìm kiếm!

Vì các tín hữu Hội Thánh đầu tiên thường nhóm lại tại nhà riêng, nên dễ dàng hiểu được làm thế nào “cả nhà” (Tit 1:11) lại có thể bị phá đổ bởi các giáo sư giả.Các tín hữu ngày nay đang có các lớp học Kinh-Thánh tại nhà mình phải thận trọng kẻo những khách lạ đến dự mang theo các đạo lý lạ kỳ. Có những giáo phái và tà giáo tìm kiếm những lớp này và gài những tay sai của họ vào chỉ nhằm mục đích giành lấy những người trở lại đạo, vì thế chúng ta phải thận trọng.

c.Vì Sao Họ Làm Điều Đó.

Động cơ chính của họ là để kiếm tiền:”vì mối lợi đáng bỉ” (Tit 1:11). Họ không đang giúp việc cho Hội Thánh họ đang sử dụng tôn giáo để làm đầy túi riêng của mình. Điều này giải thích vì sao Phao-lô nói rằng một trong những điều kiện đối với một trưởng lão là “không được tham lợi bẩn.” Một tôi tớ thật của Đức Chúa Trời không hầu việc vì lợi ích cá nhân người ấy hầu việc để giúp đỡ những người khác lớn lên trong đức tin.

Nhưng đàng sau tính tham lam này là một vấn đề khác: Tâm trí và lương tâm họ đã bị dơ nhớp (Tit 1:15). Đây là điều xảy ra khi một người sống một đời sống hai mặt: Bề ngoài, người ấy khiến chúng ta phải tôn trọng nhưng bề trong, người ấy đang sa sút. Không ai có thể phục vụ hai chủ. Lòng ham mến tiền bạc của những kẻ dối gạt này khiến họ dạy dỗ đạo lý giả dối và sống đời sống giả dối, và kết quả là lương tâm ô uế của họ không cáo trách họ. Đây là một bước gần hơn với “lương tâm chai lì” mà Phao-lô đã đề cập đến (ITi 4:2).

Tit 1:15 là một trong những câu mà một số người không hiểu biết tìm cách sử dụng để bênh vực cho những việc làm không tin kính của họ. “Mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch” được dùng để bào chữa cho đủ mọi thứ tội lỗi. Tôi nhớ đã cảnh cáo một thiếu niên về loại văn chương cậu ta đang đọc, và lời bào chữa của cậu ta là, “Cái đẹp nằm trong mắt của người xem. Tấm lòng ông hẳn là ô uế nếu ông nhìn thấy tội lỗi trong những gì tôi đang đọc. Xét cho cùng, ‘Mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch.’”

Trước tiên, Phao-lô đang bác bẻ sự dạy dỗ giả dối của những kẻ tuân giữ luật pháp này liên quan đến đồ ăn. Họ đang dạy rằng các luật kiêng ăn của người Do Thái vẫn còn ứng dụng cho các tín đồ Cơ-Đốc (ITi 4:3-5). Nếu bạn ăn đồ ăn bị nghiêm cấm, tức bạn khiến chính mình bị ô uế, nhưng nếu bạn từ chối thức ăn ấy, bạn trở nên thánh khiết hơn.

“Vấn đề trái ngược hẳn, ” Phao-lô biện luận. “Những giáo sư này có đầu óc và lương tâm bị ô uế. Do đó, khi họ nhìn vào các thức ăn vô tội vạ này, họ nhìn thấy tội lỗi, vì tội lỗi đã làm ô uế tầm nhìn của họ. Nhưng những ai trong chúng ta có tâm thần và lương tâm trong sạch biết rằng mọi thức ăn đều tinh sạch. Không phải thức ăn đang làm ô uế các giáo sư này mà chính các giáo sư này đang làm ô uế thức ăn vậy! ”

Nhưng nguyên tắc này không được áp dụng cho những điều mà chúng ta biết là xấu. Chẳng hạn như, sự khác biệt giữa Hội hoạ tuyệt vời với sách báo khiêu dâm không chỉ “ở trong mắt của người xem.” Một hoạ sĩ lớn không khai thác thân hình con người cho lợi ích thấp hèn. Đối với một tín đồ việc chìm đắm trong những hành động tình dục tội lỗi, và cho rằng những việc làm đó trong sạch vì lòng người ấy trong sạch, là sử dụng Lời Đức Chúa Trời để bào chữa cho tội lỗi. Sự ứng dụng Phao-lô nêu lên là đối với đồ ăn, và chúng ta phải cẩn thận giữ việc ứng dụng này trong phạm vi đó.

Sau khi đã chia sẻ ba thực tế này về các giáo sư giả này, Phao-lô thêm vào một vấn đề sâu xa hơn.

d.Điều Tít Sẽ Phải Làm.

Ông sẽ không đứng yên một bên và để cho họ tiếp tục! Trước tiên, ông sẽ phải dùng “đạo lành”mà “khuyên dỗ” họ (Tit 1:9). Vũ khí duy nhất chống lại những sự lừa dối của Sa-tan là chân lý của Đức Chúa Trời. “Chúa đã phán vậy! ” là kết thúc của mọi sự tranh luận.

Tít sẽ phải bịt miệng họ lại (Tit 1:10) và ngăn họ không được dạy dỗ và truyền bá các đạo lý giả dối. Ông sẽ phải “quở trách họ nặng nề” (Tit 1:13). Phao-lô gửi đến Ti-mô-thê cùng lời khuyên này trong bức thư cuối của mình: “Hãy đem lòng rất nhịn nhục và dùng đạo lành mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (IITi 4:2).

Mục đích của Phao-lô, dĩ nhiên, là thuyết phục các giáo sư này và khiến họ có “đức tin vẹn lành” (Tit 1:13). Nhưng trong khi đang làm điều này, ông phải bảo vệ Hội Thánh khỏi những sự dạy dỗ giả dối của họ. Đạo giả giống như men: Nó len lỏi vào cách bí mật, nó phát triển nhanh chóng, và nó lan tràn khắp nơi (Ga 5:9). Thời điểm tốt nhất để tấn công đạo giả là ngay lúc bắt đầu, trước khi nó có cơ hội lan tràn ra.

Thái độ của một số thuộc viên Hội Thánh là, “Bạn tin gì, điều đó không quan trọng, miễn bạn tin một điều gì đó là được.” Phao-lô sẽ không tán đồng với triết lý dại dột đó. Việc bạn tin nơi lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời hay tin vào những lời giả dối, điều đó làm cho sự thể thay đổi hoàn toàn giữa sự sống và sự chết.Bạn có thể chọn điều bạn muốn tin, nhưng bạn không thể thay đổi hậu quả của nó.

“Các ngươi sẽ biết chân lý, ” Chúa Giê-xu Christ phán, “và chân lý sẽ buông tha các ngươi” (Gi 8:32).

2. CÁCH THỨC ĐỂ CÓ MỘT HỘI THÁNH MẠNH MẼ (Tit 2:1-3:15)

Trái ngược với các giáo sư giả, Tít có bổn phận “dạy dỗ những điều hiệp với đạo lành” (Tit 2:1). Vi trùng đối với một thân thể vật lý thể nào, thì việc dạy dỗ giả dối đối với một thân thể thuộc linh, tức Hội Thánh, cũng thể ấy. Trong những câu cấu thành phân đoạn này, bạn sẽ thấy một sự hài hoà đẹp đẽ giữa việc dạy đạo và lời khuyên thực tế, vì hai việc này phải đi đôi nhau. Phao-lô bàn luận một số khía cạnh khác nhau của sự hầu việc Chúa tại Hội Thánh địa phương.

1. Các thánh đồ già cả (Tit 2:1-4a)

Một người trẻ tuổi như Tít sẽ dễ hiểu lầm hoặc thậm chí bỏ bê những tín hữu già cả trong hội chúng của mình biết bao.

“Tôi muốn có một Hội Thánh của những người trẻ tuổi! ” một vị mục sư có lần nói với tôi, quên đi rằng một ngày kia chính ông cũng sẽ già đi. Một Hội Thánh cần cả những người già lẫn những người trẻ, và họ cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Ân điển của Đức Chúa Trời khiến chúng ta có thể lấp hố ngăn cách giữa các thế hệ trong Hội Thánh. Một cách thức để thực hiện điều này là đối với tất cả các thành viên, già cũng như trẻ, phải sống đúng theo những tiêu chuẩn Đức Chúa Trời đã đặt ra cho đời sống chúng ta.

Những người già cả phải tiết độ, nghĩa là “phải có chừng mực trong việc dùng rượu.”Những người già với thời giờ nhàn rỗi có thể la cà quá lâu bên chung rượu.

Nghiêm trang có nghĩa là “tỏ ra đàng hoàng, xứng đáng, ” nhưng điều này không ám chỉ một người nghiêm nghị không bao giờ cười. Có một vẻ trang nghiêm đối với tuổi già khiến tạo nên sự kính trọng, và sự kính trọng này đem lại thẩm quyền cho thánh đồ già cả. Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời biết dường nào về các thánh đồ đáng tôn kính đã từng trợ giúp trong chức vụ mục sư của riêng tôi! Khi họ đứng lên dạy dỗ, cả Hội Thánh đều lắng nghe và chú ý đến.

Điều độ mô tả một thái độ của tâm trí đưa đến sự khôn ngoan và tự chủ trong đời sống. Nó là từ trái nghĩa của tính nhẹ dạ và bất cẩn dựa trên sự không hiểu biết. Nó được dịch là “tiết độ” trong Tit 1:8 Tit 2:4,6,12, và “có nết na” trong Tit 2:5. Sự nghiêm trang trong cuộc sống và mục đích rất quan trọng trong đời sống Cơ Đốc nhân, và đặc biệt đối với các thánh đồ già cả không thể đủ điều kiện để lãng phí thời gian, vì thời giờ của họ thật ngắn ngủi.

Đức tin, lòng yêu thương và tánh nhịn nhục vẹn lành thảy đều đi chung với nhau.Những người già cả cần phải biết mình tin gì, và những sự nhận thức về đạo lý của họ cần phải thích hợp với Lời của Đức Chúa Trời. Vì sự hiểu biết đạo lý Kinh-Thánh không thể thay thế cho các đức tính cần thiết khác, chẳng hạn như lòng yêu thương anh em và sự nhịn nhục trong những thử thách của đời sống. Thực ra, một đức tin đúng đắn nơi Lời Đức Chúa Trời cần phải khích lệ một tín đồ trong lòng yêu thương và sự nhẫn nhục.

Có thể là từ “cũng vậy” trong câu 3 có nghĩa là các bà già sẽ phải có cùng những phẩm chất như những ông già, cộng thêm những phẩm chất được kể ra đây. Thái độ (cách cư xử) của các bà già này phải luôn phản chiếu sự thánh khiết. Họ không được là những kẻ vu khống (“kẻ kiện cáo giả dối” – từ Hy Lạp là “ma quỉ” có nghĩa là “những kẻ vu khống”), lượm lặt chuyện ngồi lê đôi mách và rồi đồn đại ra. Họ cũng phải tiết độ trong việc uống rượu.

Khi nói đến các bà già, Phao-lô chú trọng đến việc dạy dỗ: “là những người dạy bảo những điều khôn ngoan.” Những người đờn bà tin kính, từng trải, thường là những giáo sư xuất sắc. Từ “dạy” trong Tit 2:4 có liên hệ với từ được dịch là “tiết độ”trong câu 2, và có lẽ nên được dịch là “hầu cho họ có thể dạy dỗ bởi thái độ trang nghiêm.” Các bà già không chỉ dạy bảo đờn bà trẻ tuổi biết cách trông nom việc nhà, mà họ cũng phải đặt để trong lòng và tâm trí những đờn bà trẻ tuổi những thái độ của tâm thần và tâm linh đúng đắn.

Một trong những lực lượng mạnh mẽ nhất cho chức vụ thuộc linh tại Hội Thánh địa phương thuộc về các tín đồ già cả. Những người đã về hưu có thời gian để hầu việc Chúa. Thật tốt đẹp khi nhìn thấy nhiều Hội Thánh địa phương đã tổ chức và huy động được những người quan trọng này. Trong chức vụ của riêng tôi, tôi đã từng được giúp đỡ thật nhiều bởi các thánh đồ thâm niên biết cách cầu nguyện, dạy dỗ Lời Chúa, thăm viếng, giải quyết nan đề, và giúp đỡ gây dựng Hội Thánh.

2. Các thánh đồ trẻ tuổi (Tit 2:4b-8)

Các bà già tin kính có trách nhiệm dạy dỗ những đờn bà trẻ tuổi cách để trở thành những người vợ, những người mẹ, và những người nội trợ thành công và những đờn bà trẻ tuổi có trách nhiệm lắng nghe và vâng theo. Gia đình Cơ-Đốc là một điều hoàn toàn mới mẻ, và những đờn bà trẻ được cứu ra khỏi ngoại giáo sẽ phải tập quen dần với một loạt những điều ưu tiên và đặc quyền mới mẻ hoàn toàn. Những người có chồng chưa được cứu sẽ cần đến sự khích lệ đặc biệt.

Ưu tiên lớn nhất trong gia đình cần phải là lòng yêu thương. Nếu một người vợ yêu chồng con mình, người ấy đang xây dựng hôn nhân và gia đình mình được thành công tốt đẹp. Trong xã hội Tây phương, một đôi nam nữ yêu nhau và rồi tiến tới hôn nhân nhưng ở Đông phương, hôn nhân không lãng mạn như thế. Thường thì hai người kết hôn và rồi phải học yêu thương nhau. (Eph 5:18-33 có lẽ là khúc Kinh-Thánh thích hợp nhất cho một cặp vợ chồng thật sự mong muốn yêu thương nhau trong ý chỉ của Đức Chúa Trời.)

Hẳn nhiên bà mẹ nào cũng yêu thương con mình! Đúng vậy, đây là một bản năng tự nhiên nhưng bản năng này cần phải được kiểm soát. Có lần tôi được nghe một “bà mẹ hiện đại” nói, “Tôi quá yêu thương con nên không đánh đòn nó được.” Trên thực tế, bà có một tình yêu vị kỷ đối với bản thân mình chớ không thật sự yêu thương con. “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình Nhưng ai thương con ắt cẩn thận sửa trị nó” (Ch 13:24). Trong khi thường thì người cha sửa phạt con cái trong các gia đình Đông phương, người mẹ không thể không dự phần vào việc sửa phạt, nếu không đứa con sẽ chạy đến với người mẹ để được che chở.

“Có nết na” (Tit 2:5) lại là từ “trang nghiêm”quen thuộc của chúng ta (“tiết độ” trong câu 2). Cách nhìn quyết định kết quả và nếu một người không đang suy nghĩ đúng đắn, người ấy sẽ không xử sự cách thích đáng. Một người nữ cần một cách nhìn đúng đắn và có kỷ luật đối với chức vụ mình trong gia đình. “Tự chủ” là ý tưởng chứa đựng trong từ này. Nếu cha mẹ không tự khép mình vào kỷ luật, họ không bao giờ có thể áp dụng kỷ luật đối với con cái mình.

“Trinh chánh” nghĩa là “sự trong sạch của tâm trí và tấm lòng.” Một người vợ Cơ-Đốc phải chân thật với chồng mình trong tâm trí và tấm lòng cũng như trong cách sống.

“Những kẻ canh giữ tại nhà” không hàm ý rằng gia đình bà là một nhà tù nơi bà phải bị giam giữ! ” Ý ở đây là “chăm lo cho gia đình.” Phao-lô đã viết “Hãy cai trị (hướng dẫn) nhà mình” (ITi 5:14). Người chồng khôn ngoan để cho vợ mình quản lý những việc trong nhà, vì đây là chức vụ của bà.

“Ở lành” (Tit 2:5) có thể được dịch là “tử tế, nhơn hậu.” Người vợ không cai trị nhà mình với một bàn tay sắt, nhưng làm theo “phép tắc nhơn từ” (Ch 31:26).

Trong khi người vợ “bận bịu trong gia đình, ” chính người chồng lại là người làm đầu trong gia đình vì thế người vợ phải vâng phục chồng. Nhưng nơi nào có tình yêu thương (Tit 2:4) thì ít gặp nan đề với sự vâng lời. Và nơi nào có sự ước ao tôn vinh Đức Chúa Trời, thì không khó khăn nào mà không vượt qua được.

“Hầu cho đạo Đức Chúa Trời không bị chê bai” là một động cơ cho sự hợp tác và vâng lời trong gia đình. Thật đáng buồn khi nhìn thấy những nan đề trong gia đình, và thậm chí những cuộc ly dị, giữa vòng các Cơ Đốc nhân đã khiến cho những người chưa được cứu nhạo báng Phúc Âm và Kinh-Thánh như thế nào.

Tít sẽ phải hướng dẫn các bà già giúp đỡ những đờn bà trẻ tuổi, kẻo chính mình ông phải lâm vào một tình huống khó khăn. Nhưng ông phải là một gương mẫu đối với những người trẻ tuổi mà ông sẽ dễ dàng đồng cảm với. Sự khuyên nhủ và làm gương sẽ là những công cụ để ông gây dựng họ trong đức tin (Tit 2:6-7). Ông phải khích lệ họ tiết độ, vì có nhiều sự cám dỗ để phạm tội.

Nhưng Phao-lô viết về Tít như một gương mẫu nhiều hơn là viết về Tít như người khuyên bảo! Một mục sư rao giảng hay nhất bằng chính đời sống mình. Ông phải thường xuyên làm gương tốt trong mọi việc. Mục sư muốn Hội Thánh của mình thể nào, thì trước hết chính mình ông phải làm gương thể ấy. “Vì họ nói mà không làm” là lời buộc tội của Chúa chúng ta chống lại những người Pha-ri-si (Mat 23:3). Đây là sự giả hình.

Từ Hy Lạp tupos (“gương mẫu, ” Tit 2:7) cho chúng ta từ Tiếng Anh “type” (kiểu mẫu). Từ này nguyên gốc có nghĩa là “một dấu ấn tạo nên bởi một cái khuôn.” Tít sẽ phải sống thế nào hầu cho đời sống ông sẽ giống như một “khuôn mẫu thuộc linh” tạo dấu ấn nơi những người khác. Điều này bao gồm các việc lành, đạo lành, một thái độ nghiêm trang, và nói năng phải lời để không ai – kể cả kẻ thù – có thể lên án. Dù chúng ta có thích hay không, thì vẫn có những người “ngang ngược” luôn tìm kiếm sự mâu thuẫn. Lời nói của một mục sư cần phải khiến ông đứng vững mà không chỗ trách được.

Chăn dắt một Hội Thánh không phải dễ. Bạn không phải là người bấm giờ thế nhưng lúc nào bạn cũng đang phiên trực. Bạn phải thận trọng thực hành điều mình giảng dạy trên toà giảng hay ra khỏi toà giảng bạn phải luôn giống nhau. Sự giả hình trong lời nói hay trong cách cư xử sẽ huỷ hoại chức vụ một người. Không mục sư nào là hoàn hảo, cũng như không tín hữu nào là hoàn hảo nhưng ông phải nỗ lực tối đa để làm gương mẫu tốt nhất có thể được. Một Hội Thánh sẽ không bao giờ vượt lên cao hơn những người lãnh đạo được.

3. Những người nô lệ tin Chúa (Tit 2:9-15)

Phao-lô thường có một lời nhắn nhủ liên quan đến những người nô lệ (Eph 6:5-9 ITi 6:1-2). Chúng ta vui mừng vì lời nhắn nhủ gửi cho Tít này vì Phao-lô hỗ trợ lời ấy bằng một trong những câu vĩ đại nhất về sự cứu rỗi tìm thấy trong Tân Ước.Phao-lô luôn gắn liền đạo lý với bổn phận.

Phao-lô cảnh cáo những người nô lệ tin Chúa này về ba tội lỗi phổ biến mà họ phải tránh (Tit 2:9-10). Trước hết là sự không vâng lời. Họ có bổn phận phải vâng lời chủ mình và tìm cách làm đẹp lòng họ, điều đó có nghĩa là họ phải đi thêm một dặm đường nữa. Có thể là họ vâng lời, nhưng không “xuất phát từ tấm lòng” (Eph 6:6). Họ có thể làm việc cách miễn cưỡng. Một số người chủ chưa được cứu sẽ không quan tâm và sẽ bắt nô lệ mình làm việc quá sức.

Tội thứ nhì là cãi trả (“trả lời lại, ” Tit 2:9). Trong khi một người nô lệ sẽ không xử sự đến mức này (chủ họ có thể nghiêm khắc sửa trị họ), người này có thể tranh cãi với chủ mình vì người chủ có lẽ không biết rõ về công việc phải làm bằng người nô lệ. Người nô lệ có thể cũng phàn nàn về chủ mình với những người khác đang làm việc. Điều này chắc chắn sẽ là một lời chứng xấu đối với một người nô lệ tin Chúa.

Những người nô lệ tin Chúa cũng phải tránh tội ăn cắp (“ăn trộm”). Đây là tội mà Ô-nê-sim có lẽ đã phạm với Phi-lê-môn (Phil 1:18). Một nô lệ dễ dàng lấy cắp những món nhỏ nhặt và bán đi, rồi báo cáo rằng chúng đã bị bể hoặc thất lạc.

Không có nô lệ trong xã hội chúng ta ngày nay, nhưng có những người làm công. Các công nhân tin Chúa phải vâng theo mệnh lệnh chớ không cãi trả. Họ không được ăn cắp của chủ mình. Nhiều người chủ mỗi năm bị mất hàng triệu đô la vì công nhân lấy cắp của họ, tất cả mọi thứ từ cái kẹp giấy và bút chì đến máy móc văn phòng và xe cộ. “Họ có được cái đó là nhờ tôi! ” không phải là một lý do để bào chữa.Cũng không phải là, “Ồ, tôi đã kiếm được mà! ”

Phao-lô nêu lên một lý do chính đáng vì sao những công nhân Cơ-Đốc cần phải đáng tin cậy (“hằng tỏ lòng trung thành trọn vẹn”): Điều này sẽ “làm tôn quí” Lời của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta phục vụ cách trung tín, chúng ta “tô điểm cho Kinh-Thánh” và khiến cho sứ điệp Cơ-Đốc thu hút đối với những kẻ không tin. Khi Phao-lô viết cho các nô lệ tại Hội Thánh của Ti-mô-thê (ITi 6:1), ông dùng một động cơ tiêu cực: “hầu cho danh hiệu và đạo lý của Đức Chúa Trời khỏi bị làm trò cho người phạm thượng.” Cả hai động cơ tích cực – để khiến cho sứ điệp của Đức Chúa Trời có tính thu hút – và động cơ tiêu cực – để giữ cho lời dạy của Đức Chúa Trời khỏi bị kiện cáo – cần phải điều khiển đời sống chúng ta.

Tại đây (Tit 2:11) Phao-lô khai triển ý nghĩa của từ “Cứu Chúa” (c.10), bằng cách giải thích những điều bao gồm trong sự cứu rỗi mà chúng ta có được qua Chúa Giê-xu Christ này. Điểm nhấn mạnh là ân điển – đặc ân dư dật của Đức Chúa Trời dành cho những tội nhân không xứng đáng. Phao-lô vạch ra ba chức vụ diệu kỳ của ân điển Đức Chúa Trời (Tit 2:11-14).

a.Ân Điển Cứu Chuộc Chúng Ta (Tit 2:11,14a).

Con người không thể tự cứu mình. Ân điển của Đức Chúa Trời đã phải đem sự cứu rỗi đến cho nhân loại hư mất. Sự cứu rỗi này không do tội nhân khám phá ra nó bày tỏ cho họ qua sự sống, sự chết, và sự phục sinh của Chúa Giê-xu Christ. Đức Chúa Trời bởi ân điển Ngài đã sai Con Ngài đến để cứu chuộc những kẻ ở dưới ách của tội lỗi. Sự cứu rỗi này dành cho “tất cả mọi người” nhận lãnh nó (ITi 2:4-6). Có một nhu cầu chung, và Đức Chúa Trời cung cấp một phương thức cứu rỗi chung cho tất cả những kẻ sẽ tin.

Phao-lô giải thích sự cứu rỗi này cặn kẽ hơn (Tit 2:14). Đấng Christ “đã phó Chính mình Ngài cho chúng ta, ” điều này có nghĩa là Ngài trở nên vật thay thế cho chúng ta. “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ” (Phi 2:23). Từ “cứu chuộc” có nghĩa là “trả tự do bằng cách trả một giá.” Chúng ta thảy đều là nô lệ của tội lỗi (Tit 3:3) và không thể nào giải phóng chính mình nhưng Chúa Giê-xu Christ đã phó Chính Ngài làm giá chuộc cho tội lỗi chúng ta. Bởi sự chết của Ngài, Ngài thoả đáng những đòi hỏi công bình của luật pháp thánh khiết của Đức Chúa Trời, hầu cho Đức Chúa Trời bởi ân điển Ngài có thể tha thứ và ban sự tự do cho những ai tin nơi Đấng Christ.

Chúng ta đã được cứu chuộc “khỏi mọi điều gian ác, ” điều đó có nghĩa là tội lỗi sẽ không còn làm chủ đời sống chúng ta nữa. (Xin nhớ rằng bối cảnh của đoạn này là lời khuyên của Phao-lô cho các nô lệ. Họ biết ý nghĩa của sự “cứu chuộc.”)“Điều gian ác” có nghĩa là “tình trạng vô luật pháp.” Trong tình trạng chưa được cứu của mình, chúng ta là những kẻ phản loạn chống lại luật pháp của Đức Chúa Trời nhưng hiện nay tất cả những điều đó đã được đổi thay. Điều này đưa Phao-lô đến chức vụ thứ nhì của ân điển Đức Chúa Trời.

b.Ân Điển Biến Đổi Chúng Ta (Tit 2:12,14b).

Sự cứu rỗi không chỉ là một sự thay đổi về địa vị (được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi) nhưng nó còn là một sự thay đổi về thái độ, ước muốn, khát vọng, và hành vi. Cùng ân điển cứu chuộc chúng ta cũng biến đổi đời sống chúng ta và giúp chúng ta tin kính. “Dạy dỗ” hàm ý “kỹ luật.” Chúng ta được “kỹ luật”bởi ân điển của Đức Chúa Trời, được dạy dỗ trở nên những kẻ mong muốn tôn vinh Ngài.

Đời sống tin kính bao gồm những điều tiêu cực lẫn những điều tích cực. Chúng ta chừa bỏ “sự không tin kính (bất cứ điều gì không giống Đức Chúa Trời) và tình dục thế gian” (Gi 2:15-17). Động từ này có nghĩa là chúng ta làm điều đó một lần đủ cả. Đó là một vấn đề đã được giải quyết. Kế tiếp, chúng ta tiến hành những điều tích cực. “Tiết độ” là từ quen thuộc của chúng ta dành cho sự “tự chủ, khôn ngoan, tự kiềm chế” (Gi 2:2). Điều này nhấn mạnh mối tương quan của người tín đồ với chính mình, trong khi “công bình” đề cập đến mối tương quan của người ấy với những người khác. “Tin kính” nói đến mối tương quan của người ấy với Chúa, mặc dù hai phẩm chất này không được tách rời nhau.

Cơ Đốc nhân sống “ở đời này” (trong thời đại hiện nay, bản NIV), nhưng họ không sống giống như đời này hoặc cho đời này. Đấng Christ đã cứu chuộc chúng ta khỏi thời đại gian ác này (đời ác này) (Ga 1:4), và chúng ta không được đồng hoá với nó (Ro 12:1-2). Chúng ta cũng không nên sống theo những tiêu chuẩn của nó (Eph 2:2). Chúng ta đã nếm trải quyền năng của “đời sau” (‘thời kỳ hầu đến’ – He 6:5, bản NIV), và chúng ta không nên ước ao bồi đắp cho đời này với sự cạn cợt và tình trạng vô thần của nó.

Ân điển biến đổi chúng ta vì Đức Chúa Trời tẩy sạch chúng ta và khiến chúng ta thành vật sở hữu đặc biệt của riêng Ngài (Tit 2:14b). Quá trình thanh tẩy này được gọi là “sự thánh hoá, ” và mục tiêu của nó là khiến cho người tín đồ trở nên giống Chúa Giê-xu Christ hơn (Ro 8:29). Sự thánh hoá không chỉ là sự phân rẽ khỏi tội lỗi, mà còn là sự dâng mình cho Đức Chúa Trời (IICo 6:14-7:1). “Riêng biệt” không có nghĩa là “kỳ quặc” hoặc “lạ thường.” Nó có nghĩa là “một dân đặc biệt thuộc quyền sở hữu riêng của Đức Chúa Trời” (Phu 14:2 Phu 26:18).

c.Ân Điển Ban Thưởng Cho Chúng Ta (Tit 2:13).

Chúng ta đang trông đợi Chúa Giê-xu Christ trở lại đây là sự trông cậy và vinh hiển duy nhất của chúng ta. Câu này dạn dĩ xác quyết rằng Chúa Giê-xu Christ là Đức Chúa Trời, vì chỉ có một mạo từ trong tiếng Hy Lạp: “Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta.” Phao-lô không đi sâu vào chi tiết về các biến cố xoay quanh việc trở lại của Đấng Christ. Tín đồ cần phải luôn trông đợi sự trở lại của Ngài và sống giống như những người sẽ thấy Ngài mặt đối mặt.

4. Những công dân Cơ Đốc (Tit 3:1-8)

Cơ Đốc nhân thường bị nhìn với cặp mắt ngờ vực tại Đế quốc La Mã, vì cách cư xử của họ thật khác biệt và họ gặp nhau trong những buổi nhóm kín đáo để thờ phượng (Phi 2:11-25 Phi 3:13-4:5). Điều quan trọng là họ là những công dân tốt nhưng không thoả hiệp về đức tin. Những người láng giềng ngoại đạo của họ có thể bất tuân luật pháp nhưng Cơ Đốc nhân phải vâng phục những bậc cầm quyền trong nước (Ro 13:1-14). “Sẵn sàng làm mọi việc lành” (Tit 3:1) có nghĩa là “hợp tác trong những vấn đề nào liên quan đến toàn cộng đồng.” Địa vị công dân trên trời của chúng ta (Phi 3:20) không miễn trừ cho chúng ta khỏi những trách nhiệm của công dân trên đất này.

Người tín đồ không nên có một thái độ xấu đối với nhà cầm quyền và bày tỏ ra bằng những lời lên án vu khống và những việc làm gây hấn. Từ “mềm mại” (Tit 3:2) có nghĩa là “một thái độ ôn hoà, một sự biết điều dễ thương.” Người có phẩm chất này không khư khư đòi tính xác đáng của thuật ngữ pháp lý, nhưng sẵn sàng dàn xếp khi không có vấn đề đạo đức nào đang bị đe doạ. “Sự nhu mì” là tính khí làm chủ được năng lực của một người.

Một lần nữa, Phao-lô liên kết bổn phận với đạo lý. “Đừng quá phê phán những người láng giềng ngoại đạo của anh em, ” ông viết. “Chỉ hãy nhớ lại anh em đã thể nào trước khi Đức Chúa Trời cứu chuộc anh em! ” Câu 3 không cần giải thích nhiều chúng ta biết điều này muốn nói gì qua kinh nghiệm riêng của chúng ta.

“Lòng nhơn từ và tình yêu thương của Đức Chúa Trời” (Tit 3:4) là một điều quan trọng biết bao! Nếu bạn muốn có một hình ảnh minh hoạ đẹp đẽ về “lòng nhơn từ của Đức Chúa Trời, ” hãy đọc IISa 9:1-13 và lưu ý cách Đa-vít đối đãi với Mê-phi-bô-sết, một thái tử nhỏ bé què quặt. Vì Mê-phi-bô-sết là một thành viên trong gia đình của Sau-lơ, nên người chắc rằng mình phải bị giết chết. Nhưng Đa-vít, bởi lòng nhơn từ, đã tha cho người và đối đãi với người như một trong các con trai ruột của mình, tại bàn ăn trong cung vua.

Sự cứu rỗi đến không chỉ vì lòng nhơn từ và tình yêu thương của Đức Chúa Trời, mà còn bởi lòng thương xót của Ngài (Tit 3:5). Chúng ta không tự cứu mình được “Ngài đã cứu chúng ta.” Ngài đã làm điều đó như thế nào? Qua phép lạ của sự tái sinh, công tác của Đức Thánh-Linh của Đức Chúa Trời. Tôi không cho rằng “sự rửa” ở đây ám chỉ phép báp-tem, vì trong thời Tân Ước, người ta được báp-tem sau khi họ được cứu, chớ không phải để được cứu (Cong 10:43-48). “Sự rửa” ở đây nghĩa là “được rửa sạch khắp nơi.” Khi một tội nhân tin nhận Đấng Christ, người ấy được tẩy sạch hết mọi tội lỗi mình, và người ấy được biến nên một “người mới” bởi Đức Thánh-Linh đang ngự trị.

Phao-lô liên hệ kinh nghiệm tẩy sạch tương tự này với Lời của Đức Chúa Trời (Eph 5:26). Sự cứu rỗi đến với một tội nhân khi người ấy tin nhận Đấng Christ, khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời dùng Lời của Đức Chúa Trời để đem đến sự tái sinh. Chúng ta được sinh bởi Thánh Linh (Gi 3:5-6, ở đây “nước” ám chỉ sự sinh thuộc thể mà Ni-cô-đem đã đề cập trước đó, c.4), và bởi Lời (IPhi 1:23-25). Từ “mà” trong Tit 3:6 cần phải là “đấng mà”, ám chỉ Đức Thánh-Linh được ban cho chúng ta lúc trở lại tiếp nhận Chúa (Cong 2:38 Ro 8:9 Ro 5:5).

Không những chúng ta, là những Cơ Đốc nhân, đã được rửa sạch và dựng nên mới trong Đấng Christ, mà chúng ta cũng đã được xưng công bình (Tit 3:7). Đạo lý diệu kỳ này được bàn cãi chi tiết trong Ro 3:21-8:39. Sự xưng công bình là việc làm đầy ân điển của Đức Chúa Trời bởi đó Ngài tuyên bố một tội nhân tin nhận Ngài là công bình vì cớ công tác đã hoàn tất của Chúa Giê-xu Christ trên Thập tự giá.Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự công nghĩa của Con Ngài, hầu cho chúng ta không còn có thể bị định tội nữa. Không những Ngài quên tội lỗi của chúng ta, nhưng Ngài cũng quên rằng chúng ta còn là những tội nhân nữa!

Kết quả của lòng nhơn từ, tình yêu thương, sự thương xót, và ân điển này là gì? Sự Hy vọng! Chúng ta là những kẻ kế tự của Đức Chúa Trời! Điều này có nghĩa là ngày nay chúng ta có thể nương nhờ vào sự giàu có của Ngài và khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ san sẻ hạnh phước của Ngài và Nước của Ngài mãi mãi. Sự hy vọng này gắn bó với Tit 2:13, “Đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta.” Nhưng có một điều gì đó hơn thế nữa liên quan đến: Chúng ta cần phải sống đời sống tin kính, và “lo chăm chỉ làm việc lành” (Tit 3:8). Bằng chứng duy nhất những người chưa được cứu biết rằng chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời là đời sống tin kính của chúng ta.

“Những việc lành” không nhất thiết có nghĩa là những việc tôn giáo hay công việc Hội Thánh. Thật tốt khi làm việc tại nhà thờ, hát trong ca đoàn, và giữ một chức vụ nhưng cũng tốt khi hầu việc những người láng giềng chưa được cứu của mình, sẵn sàng giúp đỡ trong cộng đồng mình sống, và có tiếng tốt vì đã cứu giúp những ai đang thiếu thốn. Việc trông coi trẻ để làm nhẹ bớt gánh nặng của một bà mẹ trẻ đầy lo lắng cũng là một việc làm thuộc linh y như việc phát truyền đạo đơn vậy.Phương cách tốt nhất một Hội Thánh địa phương phải làm chứng cho những người hư mất là qua sự phục vụ đầy hy sinh của các thành viên trong Hội Thánh.

5. Những người gây rắc rối (Tit 3:9-11)

Chúng ta ước ao đừng có “những người gây rắc rối” trong Hội Thánh của mình nhưng nơi nào có con người thì đều có thể có rắc rối. Trong trường hợp này, Phao-lô cảnh cáo Tít phải tránh những kẻ ưa thích cãi lẽ về những điều không quan trọng của đức tin. Tôi nhớ có lần sau giờ học Kinh-Thánh có một thanh niên tiến đến gần và nêu lên với tôi đủ loại thắc mắc về đạo lý có tính cách lý thuyết. “Bây giờ, nếu điều này đúng . . . nếu điều kia đúng . . .” là tất cả những gì anh ta có thể nói. Lúc đó tôi còn thiếu kinh nghiệm lắm lẽ ra tôi phải phớt lờ anh ta cách khéo léo. Thực ra, tôi đã bỏ lỡ dịp tiện để nói chuyện với một số người chân thành đang gặp nan đề và cần được giúp đỡ. Tôi học biết được rằng những người tự xưng là Cơ Đốc nhân thích cãi lẽ về Kinh-Thánh thì thường đang che đậy một tội lỗi nào đó trong đời sống họ, đang rất bất an, và thường buồn bả nơi sở làm hoặc tại nhà riêng.

Nhưng có một loại người gây rắc rối khác chúng ta cần phải giải quyết: những người theo “tà giáo.” Từ này có nghĩa là “một người đòi hỏi sự chọn lựa, một người tạo nên những sự chia rẽ.” Đây là một người bướng bỉnh luôn cho là mình đúng, và đi đến người này người khác trong Hội Thánh thúc ép người ta phải chọn lựa.“Anh / Chị ủng hộ tôi hay ủng hộ vị mục sư?” Đây là việc làm của xác thịt (Ga 5:20). Một người như thế cần phải được khuyên bảo ít nhất hai lần, và sau đó phải bị loại trừ.

Chúng ta áp dụng điều này như thế nào trong một Hội Thánh địa phương? Hãy cho phép tôi đề nghị một cách thức. Nếu một thuộc viên trong Hội Thánh đi đây đó cố tìm người ủng hộ mình, và rồi nổi giận và rời bỏ Hội Thánh, hãy cứ để anh ta đi.Nếu anh ta trở lại (có thể là các Hội Thánh khác cũng không muốn có anh ta nữa), và nếu anh ta tỏ thái độ ăn năn, thì hãy tiếp nhận anh ta lại. Nếu anh ta lặp lại thái độ này (và họ thường làm thế), hãy tiếp nhận anh ta trở lại lần thứ hai. Nhưng nếu anh ta làm như vậy lần thứ ba, đừng tiếp nhận anh ta trở lại vào trong cộng đồng tín hữu của Hội Thánh (Tit 3:10). Tại sao vậy? “Một người như thế về tính chất đã bị hư hỏng, cứ phạm tội luôn, và đã tự đoán phạt lấy mình” (Tit 3:11, dịch sát nghĩa đen). Nếu nhiều Hội Thánh tuân theo nguyên tắc này hơn, thì chúng ta sẽ có ít “kẻ lân la trong Hội Thánh, ” là kẻ gây rắc rối tại nhiều Hội Thánh khác nhau, hơn.

6. Kết luận (Tit 3:12-15)

Trong những câu kết thư, Phao-lô gửi đến Tít một số thông tin riêng, và nhắc nhở ông về chủ đề chính của bức thư: Nài khuyên dân sự Đức Chúa Trời phải “học tập chuyên tâm làm việc lành, hầu cho họ có thể chu cấp cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày chớ không sống một đời sống không kết quả” (Tit 3:14, NIV).

Chúng ta không biết gì về A-tê-ma Ty-chi-cơ chúng ta đã gặp trong Cong 20:4. Ông ở với Phao-lô trong lần bị tù đầu tiên tại La Mã, và mang các thư tín từ Phao-lô đến cho các tín hữu ở Ê-phê-sô (Eph 6:21), ở Cô-lô-se (Co 4:7-8), và cho Phi-lê-môn (xin đối chiếu Co 4:7-9 với Phil 1:10). Hoặc A-tê-ma hoặc Ty-chi-cơ sẽ thay thế Tít trên đảo Cơ-rết, và rồi Tít sẽ đến nhập với Phao-lô tại Ni-cô-bô-li.

Có thể là Xê-na và A-bô-lô (Tit 3:13 Cong 18:24) đã mang thư này đến cho Tít.Phao-lô đã cử họ thực hiện một công tác đặc biệt và Tít sẽ phải giúp đỡ họ tối đa.

Phao-lô kết thúc bức thư gửi cho Tít với một chút thay đổi trong lời chúc phước thường khi của ông (IITe 3:17-18): “Nguyền xin ân điển ở với anh em hết thảy.”

Ân điển – các việc lành! Cả hai luôn đi đôi nhau!