1. KHÔNG CÓ SỰ YÊN NGHĨ CHO KẺ ÁC (IITe 1:1-12)

Các Cơ Đốc nhân ở Tê-sa-lô-ni-ca biết ơn Đức Chúa Trời về bức thư của Phao-lô nhưng thư ấy không giải quyết ngay mọi vấn đề của họ. Thật ra, cơn bắt bớ đã trở nên tệ hại hơn và một số tín đồ nghĩ mình đang sống trong thời kỳ Đại nạn. Thế rồi một bức thư cho là từ Phao-lô đã đến, tuyên bố rằng Ngày của Chúa thật sự đến gần. Không cần phải nói, hội chúng đã bối rối và sợ hãi bởi viễn cảnh này.

Một số tín hữu kết luận rằng ngày Chúa đến rất gần, họ phải từ bỏ những công việc mình và dành thời gian chờ đợi Ngài. Điều này có nghĩa là các thuộc viên khác lại phải mang thêm gánh nặng chu cấp cho họ. Sa-tan gia tăng giờ hoạt động, như sư tử, nó tìm cách cắn xé (IPhi 5:7-8) và như rắn, nó tìm cách lừa dối.

Chính vì để đáp ứng những nhu cầu này mà Phao-lô đã viết bức thư thứ hai. Ông bắt đầu bằng nhu cầu cáp bách nhất của họ, sự bắt bớ họ đang trải qua vì cớ đức tin mình. Trong chương 1, Phao-lô chia sẻ 3 điều khích lệ với những người bạn chịu khổ của ông.

1. Điều khích lệ về sự ngợi khen (IITe 1:1-4)

Sau khi chào hỏi các bạn mình, Phao-lô đi ngay vào một lời ngợi khen Đức Chúa Trời về điều Ngài đã thực hiện trong đời sống họ. Phao-lô thực hiện lời khuyên của riêng ông: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa” (ITe 5:8). Bạn không thể không để ý những lời tạ ơn được lặp lại của Phao-lô trong hai bức thư này (ITe 1:2 ITe 2:13 ITe 3:9 IITe 1:3 IITe 2:13). Không chỉ có sự cầu nguyện làm thay đổi con người và hoàn cảnh, mà sự ngợi khen cũng vậy.

Có lần tôi đã giảng dạy một loạt bài học trong một Hội Thánh về những công cụ của Sa-tan để đánh bại Cơ Đốc nhân. Một trong những công cụ này là hoạn nạn, như trong trường hợp của Gióp. Nếu Sa-tan có thể đặt chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn, nó có thể làm suy yếu đức tin chúng ta.

Tôi đã nói với lớp học buổi sáng của tôi “Một trong những vũ khí tốt nhất để chiến đấu với Sa-tan là sự ngợi khen. Mặc cho sự đau đớn, Gióp đã có thể nói: ‘Đáng chúc phước thay danh của Chúa! ’ vậy sau này mọi sự trở nên bất ổn và bạn bị cám dỗ mất kiên nhẫn, hãy đến với Đức Chúa Trời và dâng lời tạ ơn.”

Tối hôm ấy, ngay trước khi lớp học bắt đầu, một phụ nữ chạy ào đến tôi và nói “Có kết quả rồi! Có kết quả rồi! ” Và rồi bà kể cho tôi về buổi chiều của bà và mọi việc đã xảy ra. Câu chuyện của bà khó tin đến nỗi tôi có thể nghi ngờ nếu tôi đã không biết tính cách của bà. Bà nói với tôi: “Nhưng trong mọi điều đó tôi đã dâng lời cảm tạ, và Đức Chúa Trời đã ban cho tôi ơn và sức mạnh tôi cần. Điều đó đã có kết quả. Sự ngợi khen có kết quả! ”

Rõ ràng các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đã không xem mình quá thuộc linh khi họ chịu khổ, nhưng Phao-lô phát hiện ra điều Đức Chúa Trời làm giữa họ. Bạn và tôi là những người tệ nhất khi đánh giá đời sống của riêng mình. Nhiều lần người khác có thể nhìn thấy sự tiến bộ về thuộc linh trong khi bạn và tôi thiếu nó hoàn toàn. Vì những phước hạnh nào Phao-lô đã dâng lời tạ ơn và do đó khích lệ được các bạn ông?

1.Đức tin họ đang tăng trưởng (IITe 1:3a).

Một đức tin không chịu thử nghiệm thì không thể được tin cậy. Những tân tín hữu phải trông mong đức tin mình được thử thách, vì đây là cách Đức Chúa Trời xem xét quyết định của họ có thành thật hay không. Đức tin, giống như một cơ bắp, phải được vận động để trở nên mạnh mẽ hơn. Hoạn nạn và sự bắt bớ là những cách của Đức Chúa Trời để củng cố đức tin chúng ta.

Một trong những cuốn sách tôi ưa thích là cuốn “Bí quyết thuộc linh của Hudson Taylor” của tiến sĩ và bà Howard Taylor. Trong cuốn sách đó bạn đọc được cách đức tin của Hudson Taylor nơi Đức Chúa Trời tăng trưởng từ ngày đầu tiên đó mà ông quyết định sống chỉ bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời. Ông học cách tin cậy Đức Chúa Trời về những nhu cầu hằng ngày và vì đức tin của ông đã được thử nghiệm, ông đã tăng trưởng trong đức tin và có thể tin cậy Đức Chúa Trời về sự chu cấp của Ngài đối với cả một tổ chức truyền giáo. Đôi khi dường như Đức Chúa Trời đã lãng quên, nhưng Taylor tiếp tục cầu nguyện và tin cậy, và Đức Chúa Trời đã đáp lời.

Một đời sống dễ chịu có thể dẫn đến một đức tin nông cạn. Những người đàn ông và phụ nữ cao trọng của đức tin trong He 11:1-40 đều chịu khổ cách này hay cách khác, hoặc đã đối diện với những trở lực lớn, vì vậy đức tin của họ có thể tăng trưởng, Phao-lô đã cầu nguyện cho các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca, để đức tin họ có thể được trọn vẹn (ITe 3:10), và giờ đây ông cảm tạ Đức Chúa Trời về lời cầu nguyện đã được nhậm.

2.Tình yêu của họ càng thêm lên (IITe 1:3b).

Một lần nữa đây là một sự đáp lời cầu xin trước đây của Phao-lô (ITe 3:12). Sự chịu khổ có thể làm cho chúng ta trở nên vị kỷ, nhưng khi sự chịu khổ được hoà lẫn với ân điển và đức tin, nó sản sinh ra tình yêu. Đó là “đức tin hành động bởi tình yêu” (Ga 5:6). Khi Cơ Đốc nhân chịu khổ, đức tin họ thấu đến Đức Chúa Trời và tình yêu của họ lan ra đến các tín hữu của họ.

Thoreau có lần đã mô tả một thành phố như một nơi mà nhiều người “cùng cô đơn”. Những cư dân của một khu nhà cao tầng có thể đang chịu khổ nhiều và những người ở căn hộ kế cận không biết gì cả. Thế giới hiện đại của chúng ta có thể đề cao sự biệt riêng và cách ly về mặt thuộc linh và cảm xúc thậm chí đến độ chúng ta nhìn xem những người khác chịu khổ mà không thật sự quan tâm.

Nhưng đối với Cơ Đốc nhân, hoạn nạn có thể giúp sản sinh tình yêu dư dật. “Hãy xem cách họ yêu thương nhau! ” là lời thú nhận của thế gian vô thần khi họ nhìn xem sự mầu nhiệm của mối thông công Cơ Đốc – Các tín hữu đầu tiên chỉ vâng theo điều răn của Chúa “Hãy yêu thương nhau”. Hoạn nạn của riêng họ đã không cản trở được họ chia sẻ tình yêu với người khác là những người đang chịu khổ.

3.Sự nhịn nhục của họ đang gia tăng (IITe 1:4).

Có lẽ “sự kiên trì” sẽ là cách dịch tốt nhất của từ Hy Lạp này.“Hoạn nạn sinh sự chịu đựng” (Ro 5:3 bản dịch nguyên văn). Bạn không trở nên nhịn nhục và kiên trì bằng cách đọc một cuốn sách (thậm chí sách này) hay lắng nghe một bài thuyết giảng. Bạn phải chịu khổ.

Những tín hữu này chịu đựng điều gì? Phao-lô đã sử dụng nhiều từ để mô tả hoàn cảnh của họ: sự bắt bớ, có nghĩa là “những sự tấn công từ bên ngoài” hay “những thử thách”, những hoạn nạn, theo nghĩa đen là “những áp lực” hay những nỗi ưu phiền là kết quả từ những thử thách, và sự khó khăn (c.7) nghĩa là “bị ép vào một chỗ hẹp”. Cho dù chúng ta nhìn xem hoàn cảnh ấy cách ra sao, các Cơ Đốc nhân Tê-sa-lô-ni-ca đã không có một thời kỳ dễ chịu.

Nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ để sự chịu khổ bị vô ích. Thử thách có lợi cho chúng ta chớ không nghịch lại chúng ta (Gia 1:1-5 IICo 4:15-18). Nếu chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời và đầu phục Ngài, vậy thử thách sẽ sinh ra sự nhịn nhục và sự trưởng thành trong đời sống chúng ta. Nếu chúng ta phản đối và chống lại hoàn cảnh của mình, vậy chúng ta sẽ vẫn không trưởng thành và thiếu nhịn nhục. Đức Chúa Trời cho phép thử thách để Ngài có thể gây dựng tính cách trong đời sống chúng ta. Ngài có thể khiến một cái nấm mọc lên qua đêm, nhưng phải mất nhiều năm – và nhiều bão tố– để tạo nên một cây sồi to lớn.

4.Lời chứng của họ giúp ích những người khác (IITe 1:4a).

“Vì vậy, giữa các Hội Thánh của Đức Chúa Trời, chúng tôi khoe về lòng nhịn nhục và đức tin anh em” (IITe 1:4). Hoạn nạn không chỉ có thể giúp chúng ta tăng trưởng, nhưng sau đó chúng ta có thể giúp những người khác tăng trưởng.Đức Chúa Trời khích lệ chúng ta để chúng ta có thể khích lệ người khác (IICo 1:4-5). Chúng ta không phải là những bể chứa để nhận lấy và giữ lại, nhưng là những con kênh tiếp nhận và hương dẫn dòng chảy.

Từ được dịch là “đức tin” trong câu 3,4 có thể được dịch là “sự trung tín”. Thật ra, cả hai đi đôi nhau chúng ta bày tỏ đức tin nơi Đức Chúa Trời bằng sự trung tín của đời sống mình. Các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đã trung tín với Chúa và với nhau, dù họ chịu đựng những khó khăn, khi một người ở trong sự khó khăn từ bỏ Chúa và Hội Thánh, người đó chứng tỏ mình chưa bao giờ được tái sinh hoặc đời sống thuộc linh rất yếu đuối. Một Cơ Đốc nhân thật đang tăng trưởng sẽ trung tín, hành động những gì có thể.

Suốt Đệ nhị thế chiến, khi các địch quân xâm chiếm Bắc Phi, các giáo sĩ đã phải chạy trốn và có một sự quan tâm lớn đối với các Hội Thánh còn ở lại phía sau. Nhưng khi chiến tranh kết thúc và các giáo sĩ trở về, họ khám phá những Hội Thánh mạnh mẽ, phát triển. Những hoạn nạn trong chiến tranh đã khiến Hội Thánh tinh luyện, và giúp củng cố đức tin của những tín đồ thật. Đây thật là một sự khích lệ đối với các Hội Thánh thuộc thế giới tự do.

Phao-lô có mọi lý do để ngợi khen Đức Chúa Trời và dâng lời tạ ơn về điều Đức Chúa Trời đang thực hiện trong đời sống của những Cơ Đốc nhân non trẻ này. Nhưng bạn có để ý rằng một yếu tố đang thiếu – đó là hy vọng? “Đức tin, hy vọng và tình yêu”đã tạo tính cách cho các tín hữu này từ ban đầu (ITe 1:3), nhưng Phao-lô chỉ dâng lời tạ ơn về đức tin và tình yêu của họ. Điều này dẫn chúng ta đến sự khích lệ thứ hai.

2. Điều khích lệ về lời hứa (IITe 1:5-10)

Cho dù những hoàn cảnh hiện tại của họ có thể khó khăn ra sao đi nữa, các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca đã có một tương lai bảo đảm và xán lạn. Thật ra, những hoạn nạn của họ là bằng cớ, “một bằng chứng rõ ràng”, rằng Đức Chúa Trời là công bình, đang thực hiện kế hoạch vĩ đại của Ngài cho họ. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng hoạn nạn chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời không quan tâm, khi mà điều ngược lại mới là đúng. Hơn nữa, cách chúng ta hành động trong kỳ thử thách chứng tỏ với người khác rằng Đức Chúa Trời đang hành động (xem Phi 1:28-30 để có ví dụ khác về nguyên tắc này).

Ba kinh nghiệm có liên quan đến những lời hứa của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài.

1.Phần thưởng (IITe 1:5)

“Anh em sẽ được kể là xứng đáng cho Nước Ngài, là vì Nước đó mà anh em chịu khổ” (IITe 1:5). Đây là một trong những mục đích của Đức Chúa Trời khi cho phép hoạn nạn của họ xảy ra. Điều đó không có ý cho rằng hoạn nạn giành cho họ cái quyền đến thiên đàng, vì chúng ta biết rằng họ được cứu nhờ đức tin trong Đấng Christ (ITe 1:1-10. Từ ngắn “cũng” cho thấy sự xứng đáng này liên hệ từng trải hiện tại của họ với lối đi tương lai của họ vào trong Nước vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bạn tìm thấy ý nghĩa tương tự trong IPhi 1:3-9.

Một ngày nào đó Chúa Giê-xu sẽ đảo ngược tình thế và những kẻ ác sẽ chịu khổ trong khi các Cơ Đốc nhân được ban thưởng. Chúa chúng ta chưa bao giờ hứa với chúng ta rằng đời sống nơi đây sẽ dễ chịu thật ra, Ngài dạy rằng chúng ta sẽ phải đối diện những hó khăn và chống chọi với những cuộc chiến. Nhưng Ngài cũng hứa một phần thưởng trong tương lai cho mọi kẻ trung tín với Ngài (Mat 5:10-12).

2.Sự báo trả (IITe 1:6-10)

Đức Chúa Trời sẽ báo trả tai hoạ cho kẻ hư mất, nhưng sự yên nghỉ cho người được cứu. “Báo trả” có nghĩa là “trả lại”. Chắc chắn, kẻ ác là những người bắt bớ những người tin kính luôn luôn không nhận sự báo trả của chính họ trong đời này. Thật ra sự thịnh vượng rõ ràng của kẻ ác và sự khó khăn của người tin kính đã đặt ra một vấn đề đối với nhiều người trong dân sự Đức Chúa Trời. (Thi 73:1-28 Ha 1:1-17 Gie 12:1). Tại sao lại phải sống một đời sống tin kính nếu cuộc đời bạn chỉ kinh nghiệm sự đau khổ?

Là Cơ Đốc nhân chúng ta phải sống vì sự vĩnh cửu chớ không phải chỉ vì hiện tại.Thật ra, sống “bằng những giá trị của sự vĩnh cửu trong tầm mắt” là điều khiến đời sống Cơ Đốc của chúng ta trở nên ý nghĩa hôm nay. Chúng ta bước đi bằng đức tin, chớ không phải bởi mắt thấy.

Điều này nhắc nhở câu chuyện về hai nông dân, một người là Cơ Đốc nhân và người kia là kẻ vô thần. Khi mùa gặt đến, kẻ vô thần chế nhạo người láng giềng tin kính vì rõ ràng Đức Chúa Trời đã không ban phước nhiều cho người ấy. Gia đình người vô thần không bị bệnh hoạn, các đồng ruộng của anh ta được một mùa gặt bội thu, và anh ta chắc chắn kiếm được nhiều tiền.

Kẻ vô thần nói: “Tôi nghĩ anh đã nói tin nơi Đức Chúa Trời và làm một Cơ Đốc nhân thì có lợi.”

Người tin Chúa đáp: “Thật sự có lợi. Nhưng Đức Chúa Trời không làm lợi cho dân Ngài vào tháng 9.”

Kẻ vô tín này đối diện với một tương lai nào? Hãy xem những lời bi thảm Phao-lô sử dụng để mô tả nó: tai hoạ, sự báo thù, lửa hừng, hình phạt và sự huỷ diệt đời đời. Thế gian chối bỏ Đấng Christ sẽ nhận từ Đức Chúa Trời đúng những gì họ đã dành cho dân sự Đức Chúa Trời! Khi Đức Chúa Trời báo trả, Ngài trả theo điều tương tự vì có một luật về sự báo trả hoạt động trong lịch sử nhân loại.

Pha-ra-ôn đã tìm cách dìm chết mọi bé trai Do Thái mới sinh ra, và chính đội quân của ông bị nhận chìm trong Hồng hải. Ha-man lập kế diệt chủng dân Do Thái, thì ông và những con trai của ông đã bị tuyệt diệt. Các mưu sĩ của vua Đa-ri-út buộc vua phải bắt giam Đa-ni-ên và ném ông vào hang sư tử, nhưng sau đó chính họ đã bị ném cho sư tử. Những lãnh đạo Do Thái vô tín là những người hy sinh Đấng Christ để cứu dân tộc (Gi 11:49-53) trong một vài năm đã nhìn thấy thành phố mình bị tàn phá và dân tộc mình bị tản lạc.

Thật là điều công bình khi Đức Chúa Trời xét đoán tội lỗi và kết án tội nhân. Một Đức Chúa Trời thánh khiết không thể để tội lỗi bất trị. Những người nói “Tôi không thể tin rằng một Đức Chúa Trời yêu thương lại xét đoán tội nhân và đưa con người vào địa ngục” không hiểu sự thánh khiết của Đức Chúa Trời cũng không hiểu sự gớm ghiếc của tội lỗi. Mặc dù đúng là “Đức Chúa Trời là sự yêu thương (IGi 4:8), nhưng cũng đúng là “Đức Chúa Trời là sự sáng” (IGi 1:5), và trong sự thánh khiết Ngài phải đối phó với tội lỗi.

Một bác sĩ Cơ Đốc đã cố gắng làm chứng cho một phụ nữ rất đạo đức là người thuộc một Hội Thánh đã phủ nhận nhu cầu về sự cứu rỗi và sự thật về sự phán xét trong tương lai. Bệnh nhân này đã đáp: “Đức Chúa Trời yêu tôi rất nhiều nên không thể kết án tôi. Tôi không thể tin rằng Đức Chúa Trời sẽ tạo ra một nơi như một hồ lửa như vậy.”

Người phụ nữ này trở bệnh và sự chẩn đoán là bệnh ung thư. Một cuộc phẫu thuật rất cần thiết. Bác sĩ nói với bà trong phòng bệnh của bà “Tôi không biết liệu tôi có thật sự phải phẫu thuật hay không. Tôi thật sự rất yêu bà nên không thể mổ xẻ bà và làm bà đau đớn.”

Bệnh nhân nói “Bác sĩ ơi, nếu ông thật sự yêu mến tôi, ông sẽ làm mọi điều có thể để cứu tôi. Làm sao ông có thể để cho vật khủng khiếp này cứ ở trong thân thể tôi chớ?”

Lúc ấy thật dễ dàng để ông ấy giải thích rằng những gì bệnh ung thư hành động cho thân thể, thì tội lỗi hành động đối với thế gian và cả hai phải được giải quyết từ gốc và triệt để. Giống như một thầy thuốc không thể yêu quí sức khoẻ mà lại không ghét bệnh tật và đối phó với nó, thì Đức Chúa Trời cũng không thể yêu quí sự công bình mà không ghét tội lỗi và đoán phạt nó.

Từ “báo thù” không nên bị nhầm lẫn với “trả thù”. Mục đích của sự báo thù là để thoả đáp thánh luật của Đức Chúa Trời mục đích của sự trả thù là để làm nguôi sự thù hằn cá nhân. Đức Chúa Trời không để cho một sự trả thù chống lại tội nhân hư mất. Hoàn toàn ngược lại, Ngài sai Con Ngài chết thay họ, và Ngài kêu gọi họ trở lại với Ngài. Nhưng nếu tội nhân chọn lựa “không nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Phúc Âm” (c.8), không còn gì để Đức Chúa Trời làm ngoài việc đoán phạt họ.

Sự đoán phạt này sẽ xảy ra khi Chúa Giê-xu tái lâm trên đất cùng với Hội Thánh Ngài và các thiên sứ Ngài (IITe 1:7). Đây không phải là sự kiện tương tự được Phao-lô mô tả trong ITe 4:13-18. Chúng ta có thể đối chiếu hai sự kiện này:

ITe 4:13-18

-Đấng Christ tái lâm giữa không trung

-Ngài đến cách ẩn nhiên để tiếp rước Hội Thánh Ngài

-Cơ Đốc nhân thoát khỏi hoạn nạn

-Xảy ra tại một thời điểm được giấu kín

IITe 1:1-12

-Đấng Christ tái lâm trên đất

-Ngài đến hiển nhiên cùng với Hội Thánh

-Kẻ vô tín trải qua hoạn nạn. Sự đoán phạt

-Xảy ra cuối thời kỳ Đại nạn, Ngày của Chúa

3.Sự yên nghỉ (IITe 1:7a,10).

Đức Chúa Trời sẽ báo trả hoạn nạn cho kẻ hư mất, nhưng sự yên nghỉ cho người được cứu. Tôi tin rằng nhóm từ đầu tiên trong c.7 phải được lý giải như một dấu ngoặc đơn:“để báo trả hoạn nạn cho những kẻ làm khổ anh em (và cho anh em, là kẻ chịu khổ, được nghỉ ngơi với chúng tôi) khi Chúa Giê-xu sẽ hiện ra”.

Các thánh đồ được sự yên nghỉ khi Chúa tái lâm giữa không trung và cất chúng ta lên để ở cùng Ngài.

Từ ”yên nghỉ” có nghĩa là “sự khuây khoả, nới lỏng không ở dưới áp lực”. Nó đối lập với “hoạn nạn”. Từ này mô tả sự nới lỏng của dây cung. Trong đời này, dân Đức Chúa Trời bị “đè nén quá chừng” (IICo 1:8), và ở dưới gánh nặng của thử thách và sự bắt bớ. Chúng ta không cần phải sợ cơn thạnh nộ và sự đoán phạt khủng khiếp (ITe 1:10 ITe 5:9, vì Đức Chúa Trời đã đoán phạt tội lỗi tại đồi Gô-gô-tha.

Có tương lai nào dành cho kẻ hư mất? Họ đối diện với sự đoán phạt và sự xét đoán đời đời (ITe 1:9), trong khi những người được cứu sẽ vui hưởng sự yên nghỉ và vinh hiển của thiên đàng. Kẻ hư mất sẽ bị phân cách khỏi Đức Chúa Trời, trong khi người được cứu “sẽ được thấy mặt Chúa” (Kh 22:4). Một số giáo phái đã cố gắng giảm nhẹ ý nghĩa của “sự huỷ diệt đời đời”, nói rằng nó có nghĩa là hoạn nạn tạm thời hoặc sự tiêu diệt hoàn toàn nhưng cả hai ý niệm đều sai. Nhóm từ này nghĩa là “sự đoán phạt đời đời”, cho dù con người có cố gắng bóp méo nó hay lẩn tránh nó thế nào đi nữa (Mat 25:41).

Phao-lô khích lệ các bạn ông bằng sự ngợi khen và lời hứa, và ông có một điều khích lệ thứ ba.

3. Điều khích lệ về sự cầu nguyện (IITe 1:11-12)

Phao-lô đã cầu nguyện cho những người qui đạo của ông (ITe 1:2 ITe 3:10). “Cho nên”của ông trong câu 11 nghĩa là “Và vì tất cả mọi điều tôi vừa nói” – sự tái lâm của Đấng Christ để được vinh hiển giữa các thánh đồ, và để đoán phạt kẻ hư mất.Viễn cảnh tương lai về sự vinh hiển thúc giục vị sứ đồ cầu nguyện cho các thánh đồ. Chúng ta đừng bao giờ xao lãng một trách nhiệm nào trong hiện tại vì có một hy vọng về tương lai. Ngược lại, hy vọng về tương lai phải khích lệ chúng ta trung tín hôm nay.

Có 4 mối quan tâm trong lời cầu nguyện của Phao-lô.

1.Sự xứng đáng của họ (ITe 1:11a).

Trong câu 5, Phao-lô xác định rằng ông muốn họ xứng đáng cho Nước Ngài khi họ bước vào sự vinh hiển trong tương lai. Nhưng ở đây ông nhấn mạnh hiện trạng của họ.Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời thuộc ân điển và tình yêu, và Phao-lô ao ước rằng họ có thể sống theo sự kêu gọi đó (IITe 2:13-14).

Những thử thách không tạo nên một con người chúng bày tỏ một người được dựng nên từ những gì. Khi đức tin chúng ta bị thử thách, chúng ta đang bày tỏ giá trị của mình (IPhi 1:6-9). Đức Chúa Trời chắc chắn biết lòng chúng ta ngay cả trước khi chúng ta bị thử thách, nhưng chúng ta không biết lòng mình. Và những người khác không biết giá trị của chúng ta. Chúng ta cần cầu nguyện để Đức Chúa Trời sẽ gây dựng giá trị của chúng ta và khiến chúng ta trở nên những Cơ Đốc nhân có giá trị hơn nhờ những thử thách mình đã chịu.

2.Sự bước đi của họ (IPhi 1:11b)

“Hầu cho Ngài lấy quyền phép có thể làm trọn mọi mục đích tốt lành của anh em và mọi việc được thúc đẩy bởi đức tin anh em”. Tính cách phải dẫn đến hạnh kiểm.Phao-lô cầu nguyện cho họ có thể có một ý chí cương quyết, được Đức Chúa Trời ban quyền năng, để làm điều Ngài muốn họ làm. Sự vâng lời và sự hầu việc không xuất phát từ những tài năng và nỗ lực của con người, nhưng từ quyền năng của Đức Chúa Trời khi chúng ta tin cậy Ngài.

Phao-lô đã gắn liền đức tin với tình yêu (IITe 1:3) và sự chịu đựng (IITe 1:4), và ở đây ông gắn đức tin với quyền năng. Nếu chúng ta tin Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nhận được quyền năng của Ngài trong đời sống mình. Chúng ta không thể chiến thắng trong mọi hoạn nạn nếu chúng ta chỉ cậy bản thân mình, nhưng chúng ta có thể chiến thắng nhờ tin cậy Ngài.

Khi tôi du lịch, tôi mang theo một dao cạo điện có tích trữ năng lượng có thể hoạt động 2 giờ đồng hồ không có nguồn điện nào bên ngoài. Dao cạo này đặc biệt hữu ích khi tôi thăm những khu vực truyền giáo.

Trong thời gian giảng đạo một tuần tại một hội nghị mùa hè, tôi để ý thấy dao cạo của mình mất điện. Thật ra, một buổi sáng nọ nó đã hoạt động rất chậm đến nỗi tôi tưởng nó bị hư. Sau đó vào buổi tối, nó đã lấy lại tốc độ. Sau vài phút xem xét tôi đã thấy vấn đề: Tôi đã cắm dao cạo vào một ổ điện được điều khiển bởi một công tắc trên tường. Khi vợ tôi mở đèn bàn lên, dao cạo của tôi tích điện khi đèn tắt, dao cạo không nhận được điện.

Việc xảy ra đó dạy tôi một bài học thuộc linh. Thật dễ dàng (bởi ảnh hưởng của thói quen) tin cậy một nguồn điện mà không kiểm tra xem công tắc có mở lên hay không. Phao-lô cầu nguyện để các bạn ông có thể “mở công tắc” và bởi đức tin, họ nhận được quyền năng cần thiết để chịu khổ và làm vinh hiển Đức Chúa Trời.

3.Sự làm chứng (IITe 1:12).

Chúa Giê-xu sẽ được sáng danh trong các thánh đồ khi họ trở lại với Ngài (IITe 1:10), nhưng Ngài cũng phải được sáng danh trong đời sống chúng ta hôm nay. Những kẻ vô tín báng bổ danh Ngài (IPhi 4:12), nhưng các Cơ Đốc nhân chúc tụng danh Ngài và tìm cách làm vinh hiển danh Ngài. Điều kỳ diệu đó là Cơ Đốc nhân làm vinh hiển Đấng Christ thì cũng được vinh hiển trong Đấng Christ, “được sáng danh trong anh em, và anh em trong Ngài”.

Điều này có thể được thực hiện ra sao? “Tuỳ theo ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta và của Đức Chúa Giê-xu” (IPhi 1:12). Ân điển và vinh hiển đi đôi với nhau, giống như hoạn nạn và vinh hiển (Thi 84:11 IPhi 5:10 Thi 45:2-3 Ro 5:2 IICo 8:19). Khi chúng ta nhận ân điển Ngài, chúng ta bày tỏ vinh hiển Ngài.

Chúa đã phán “Không có sự bình an cho những kẻ ác” (Es 48:22). Không có sự yên nghỉ cho kẻ ác! Nhưng có sự yên nghỉ cho những ai tin cậy Đấng Christ và tìm cách sống vì vinh hiển Ngài. Đối với Cơ Đốc nhân, điều tốt đẹp nhất vẫn chưa đến.Chúng ta đã biết rằng “những hoạn nạn trong hiện tại này không đáng so sánh với sự vinh hiển sẽ được bày tỏ trong chúng ta” (Ro 8:18).

2. THỜI GIAN BIỂU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (IITE Ro 2:1-12)

Mục đích của lời tiên tri trong Kinh Thánh không phải để chúng ta làm lịch, nhưng để gây dựng tính cách. Phao-lô nhấn mạnh sự việc này ở cả hai bức thư Tê-sa-lô-ni-ca của ông, và Chúa chúng ta đã cảnh cáo chúng ta đừng định ngày tháng cho sự đến của Ngài (Mat 24:36,42). Những người định ngày tháng thường là những kẻ gây rối, và đó chính xác là điều đã xảy ra trong hội chúng Tê-sa-lô-ni-ca.

Có ai đó đã dụ các tín hữu nghĩ rằng họ đang sống trong Ngày của Chúa. Sự dạy dỗ có lẽ trước tiên đến từ một “lời tiên tri” ở một trong những buổi nhóm của họ, và rồi nó được nâng cao hơn bởi một bức thư nào đó tuyên bố đến từ Phao-lô. Các tín hữu bị lay động ngay sự dạy dỗ này, và tiếp tục lo lắng nhiều. Phải chăng Đức Chúa Trời đã thay đổi chương trình Ngài? Phao-lô đã không hứa với họ sự giải cứu khỏi Đại nạn chăng? (ITe 1:10 ITe 5:9).

Để trấn an lòng họ và giữ vững đức tin họ, Phao-lô đã giải thích rằng họ không ở trong Ngày của Chúa. Lý do đơn giản: Ngày đó có thể không đến cho tới khi những sự kiện chắc chắn khác xảy ra. Rồi Phao-lô khẳng định với họ những biến cố tiên tri tạo nên thời gian biểu của Đức Chúa Trời.

1. Sự cất lên của Hội Thánh (IITe 2:1,6-7)

Phao-lô nài xin họ “trấn tĩnh lại” trên nền tảng của chân lý, ông đã dạy họ trong bức thư thứ nhất: Chúa sẽ tái lâm và cất những người thuộc về Ngài lên để gặp Ngài giữa không trung (ITe 4:13-18). Đây là “sự đến của Chúa Giê-xu chúng ta và về sự chúng ta hội hiệp cùng Ngài” (c.1). Không phải hai sự kiện rời rạc, nhưng là một sự kiện lớn sẽ xảy ra bất ngờ và không có sự báo trước.

Một khi Hội Thánh ra khỏi thế gian, Sa-tan và các thế lực của nó sẽ bày tỏ chương trình của chúng. Ngày của Chúa là thời kỳ theo sau sự cất lên của Hội Thánh. Đó sẽ là một kỳ hoạn nạn cho người trên đất: Sa-tan cùng đội quân nó sẽ hành động trên đất, và Đức Chúa Trời sẽ giáng những sự đoán phạt công bình từ thiên đàng Kh 6:1-19:21 mô tả thời kỳ này cho chúng ta.

Tại sao Sa-tan không thể bộc lộ “con người tội lỗi” của nó sớm hơn? Vì Đức Chúa Trời đang ngăn trở những thế lực của điều ác trong thế giới chúng ta hôm nay.Sa-tan không thể làm bất cứ điều gì nó muốn, bất cứ khi nào nó ưng ý. Chúa tối cao của chúng ta có thể khiến cả sự giận dữ của loài người để ngợi khen Ngài, và “còn sự giận dư lại, Chúa sẽ ngăn trở” (Thi 76:10). Trong câu 6 và 7, Phao-lô đề cập đến một trở lực mà thậm chí hôm nay vẫn đang giúp giữ cho mọi sự đúng giờ giấc.

Ai hoặc điều gì là tác nhân ngăn trở này? Phao-lô đã cho các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca biết khi ông dạy dỗ họ cách riêng tư, nhưng ông đã không đưa thông tin này ra trong hai bức thư của mình. Tác nhân ngăn trở này giờ đây đang hành động giữa thế gian và sẽ tiếp tục hành động đến khi nó (hay tác nhân ấy) “bị cất đi” (lối dịch nguyên văn của c.7b).

Hãy để ý trong c.6 Phao-lô đề cập đến tác nhân ngăn trở này bằng từ “trung tín” (“điều làm ngăn trở”), trong khi ở c.7, ông sử dụng giống đực (“người hiện còn ngăn trở”). Tác nhân ngăn trở là một người mà hôm nay đang “ở giữa” nhưng ngày nào đó sẽ “bị cất đi”.

Nhiều người nghiên cứu Kinh thánh xem tác nhân ngăn trở này như Thánh Linh Đức Chúa trời. Chắc chắn, Ngài “ở giữa” chương trình của Đức Chúa Trời hôm nay, đang hành động qua Hội Thánh để thực hiện những mục đích của Đức Chúa Trời. Khi Hội Thánh được cất lên, Thánh Linh sẽ không bị cất khỏi thế gian (nếu không, không ai có thể được cứu suốt kỳ Đại nạn). Nhưng Ngài sẽ được cất khỏi thế gian để cho phép Sa-tan cùng các thế lực nó hành động. Đức Thánh Linh chắc chắn sẽ hiện diện trên đất suốt Ngày của Chúa, nhưng Ngài sẽ không ngăn trở các thế lực của ma quỉ như Ngài đang làm hôm nay.

Dù có sự yếu đuối và dường như thất bại, đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của Hội Thánh trong thế gian. Những người chỉ trích Hội Thánh không nhận biết rằng sự hiện diện của dân sự Đức Chúa Trời trong thế gian cho người chưa được cứu cơ hội được cứu. Sự hiện diện của Hội Thánh đang làm trì hoãn kỳ đến của sự đoán phạt. Lót đã không phải là một người tận tuỵ, nhưng sự hiện diện của ông tại Sô-đôm đã ngăn trở cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời (Sa 19:12-29).

Có hai chương trình đang hành động giữa thế gian hôm nay chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và chương trình tội lỗi của Sa-tan, “sự bí ẩn của tội lỗi”. Đức Chúa Trời có một thời gian hiểu cho chương trình Ngài, và Sa-tan không thể làm gì để có thể thay đổi thời gian biểu đó. Giống như có một “kỳ hạn được trọn”đối với sự đến của Đấng Christ (Ga 4:4), thì cũng có một ”kỳ hạn được trọn” đối với sự xuất hiện của Anti-christ và không điều gì sẽ sai giờ giấc. Một khi chức vụ ngăn trở của Thánh Linh Đức Chúa Trời đã chấm dứt, sự kiện tiếp theo có thể xảy ra.

2. Sự mạc khải về Anti-christ (IITe 2:3-5,8a)

Phao-lô đã không sử dụng thuật ngữ “Anti-christ” trong thư của ông. Thuật ngữ này chỉ được Giăng sử dụng trong Kinh Thánh Tân Ước (IGi 2:18,22 IGi 4:3 IIGi 1:7). Nhưng đây là tên chúng ta sử dụng để nhận biết kẻ độc tài lớn sau cùng của thế giới, là kẻ mà Phao-lô mệnh danh như “người tội ác”, “con của sự hư mất” (c.3) và “kẻ vô luật pháp” (c.8, nguyên văn).

Sa-tan đã tham chiến với Đức Chúa Trời suốt từ khi nó là Lu-ci-phe, đã chống nghịch Đức Chúa Trời và tìm cách chiếm lấy ngôi vị Đức Chúa Trời (Es 14:12-15). Nó đã cám dỗ Ê-va trong vườn, và qua bà, nó đã khiến A-đam sa ngã (Sa 3:1-24). Trong Sa 3:15 Đức Chúa Trời đã tuyên chiến với Sa-tan và gia đình nó, “dòng dõi” và lời hứa về sự đến của Đấng Cứu Chuộc là Đấng cuối cùng sẽ đánh bại Sa-tan hoàn toàn.

Tiếp đầu ngữ Hy văn “anti” có hai ý nghĩa: “chống lại” và “thay vì”. Sa-tan không những chống nghịch với Đấng Christ, nó còn muốn được thờ phượng và được vâng phục thay vì Đấng Christ. Sa-tan luôn luôn muốn được thờ phượng và hầu việc như Đức Chúa Trời (Es 14:14 Lu 4:5-8). Một ngày kia nó tạo ra kiệt tác của mình, Anti-christ là kẻ sẽ khiến thế gian thờ phượng Sa-tan và tin những sự giả dối của Sa-tan.

Phao-lô đã giải thích mọi điều này cho các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca và chắc chắn chỉ cho họ những lời Kinh Thánh thích hợp trong sách Cựu Ước. Chúng ta may mắn có Kinh Thánh trọn bộ để nghiên cứu, vì vậy chúng ta có thể hình dung hoàn toàn về Anti-christ và công việc của nó. Những người nghiên cứu lời tiên tri có thể không đồng ý mọi chi tiết, nhưng những sự kiện chính, khi chúng được thuật lại, cho chúng ta sự mô tả sau đây về Anti-christ trong những ngày sau rốt.

1.Người giải hoà (Kh 6:1-2).

Chắc chắn, người này sẽ xuất hiện trước kỳ cất lên của Hội Thánh. Người đó sẽ là một lãnh tụ chính trị yêu chuộng hoà bình, người hiệp 10 quốc gia thuộc Châu âu thành một khối sức mạnh (Kh 17:12-13). Người cưỡi trên con ngựa bạch giả mạo Đấng Christ (Kh 19:11). Nó tiến tới để chinh phục trong hoà bình: nó có một cái cung nhưng không có mũi tên nào. Nó sẽ đem đến một thời kỳ hoà bình ngắn ngủi cho thế gian (ITe 5:1-3) trước khi cơn sóng gió về Ngày của Chúa bộc phát.

2. Người bảo vệ (Da 9:24-27).

Chúng ta không thể xem xét những chi tiết lý thú của lời tiên tri này, nhưng thật quan trọng để ghi nhận vài sự kiện. Trước hết, lời tiên tri này áp dụng cho Y-sơ-ra-ên, Giê-ru-sa-lem và đền thờ, chớ không phải Hội Thánh. Thứ hai, lời ấy rao ra thời kỳ khi Đấng Mê-si-a sẽ đến và thực hiện những mục đích nào đó cho dân Do Thái.Từ “tuần lễ” chỉ về một khoảng thời gian 7 năm 70 tuần lễ tương đương với 490 năm. Hãy để ý rằng 490 năm này được chia ra thành 3 phân: 7 tuần lễ hay 49 năm, suốt thời gian đó thành sẽ được xây dựng lại 62 tuần lễ hay 434 năm, cuối thời kỳ này Đấng Mê-si-a sẽ đến và bị trừ đi 1 tuần hay 7 năm, suốt thời gian này một “vua” sẽ có một giao ước với Y-sơ-ra-ên.

Hãy để ý rằng hai vua có liên quan trong lời tiên tri này: Đấng Christ, Đấng Mê-si-a là Vua (c.25) và Anti-christ “vua hầu đến” (c.26). “Dân của vua hầu đến” là dân La Mã vì chính họ đã huỷ phá thành và đền thờ năm 70 SC.Anti-christ hầu đến sẽ thuộc về một quốc gia là một phần của đế chế La Mã cũ.

Cuối cùng, hãy để ý rằng có một dấu ngoặt đơn giữa tuần lễ thứ 69 và 70. Chúng ta hiện đang sống trong dấu ngoặc đó. Tuần lễ thứ 69 đã chấm dứt cùng với chức vụ của Đấng Christ. Tuần lễ thứ 70 sẽ bắt đầu với sự đến của Anti-christ. Nó sẽ lập một giao ước với Y-sơ-ra-ên để bảo vệ dân tộc này và cho phép họ xây lại đền thờ. Giao ước này sẽ kéo dài được 7 năm. Nó sẽ tạm thời giải quyết cuộc khủng hoảng Trung Đông. Y-sơ-ra-ên sẽ xây dựng lại đền thờ của mình trong thời kỳ thái bình. Chính sự ký kết về giao ước này, chớ không phải sự cất lên của Hội Thánh, báo hiệu sự khởi đầu tuần lễ thứ 70 của Đa-ni-ên, thời gian 7 năm đó được biết như Ngày của Chúa.

3. Kẻ phá vỡ hoà ước (Da 9:27).

Sau 3 năm rưỡi, Anti-christ sẽ phá vỡ giao ước của nó với dân Do Thái và chiếm lấy đền thờ họ.Đây là điều Phao-lô gọi là “sự bỏ đạo” IITe 2:3b). Có thể dịch là”nổi loạn”, ”bội đạo” thì tốt hơn. Không đơn giản là một sự nổi loạn nào đó, nhưng là một sự nổi loạn rõ ràng. Về điểm này, Anti-christ đã là một kẻ lãnh đạo hoà giải 10 quốc gia Châu âu, buộc phải bảo vệ Y-sơ-ra-ên. Nhưng giờ đây nó lộ ra bản chất thật bằng cách chiếm lấy đền thờ Do Thái và đòi hỏi thế giới thờ phượng nó (Kh 13:1-18).

Vì Anti-christ sẽ được Sa-tan ban sức mạnh, không có gì ngạc nhiên khi nó sẽ tìm kiếm sự thờ phượng, vì Sa-tan luôn muốn có sự thờ phượng của thế gian. Đã có những “sự bội đạo” khác nhau trong lịch sử Hội Thánh, khi có những nhóm người đã từ bỏ chân lý của Đức Chúa Trời nhưng sự chống nghịch sau cùng này sẽ lớn hơn hết. Người của tội lỗi sẽ chống lại mọi điều thuộc bất cứ tôn giáo nào khác, thật hay giả. Nó sẽ thành lập một Hội Thánh thế giới mà sẽ thờ phượng Sa-tan, bằng cách thờ phượng nó.

Chúa chúng ta đã tiên đoán về sự bội đạo này Ngài gọi nó là “sự gớm ghiếc tàn nát” (Mat 24:15), một sự đề cập rõ ràng về Da 9:27. Thế gian sẽ ngạc nhiên về vị lãnh đạo vĩ đại này, là kẻ bằng quyền lực của Sa-tan sẽ thực hiện những dấu hiệu cùng những điều kỳ diệu và lừa dối các nước.

4.Kẻ bắt bớ (Kh 13:15-17).

Đa số những người nghiên cứu về tiên tri đống ý rằng sự gớm ghiếc tàn nát sẽ xảy ra 3 năm rưỡi sau khi Anti-christ lập giao ước với dân Do Thái (Da 9:27) “đến giữa tuần ấy” hay 3 năm rưỡi. Điều này sẽ mở ra một thời kỳ bắt bớ và hoạn nạn gay gắt.Chúa Giê-xu đã phán “vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn” (Mat 24:21). Sa-tan sẽ trút cơn giận của nó nghịch cùng Y-sơ-ra-ên. Nó sẽ điều khiển hệ thống kinh tế của thế giới đến nỗi người dân phải mang “dấu của con thú” để có thể mua và bán (Kh 13:16-17).

Người ta thường hỏi: “Liệu có ai được cứu suốt thời kỳ 7 năm không?” Câu trả lời là “Có! ” Kh 7:1-8 xác định rằng 144.000 người Do Thái sẽ được cứu (có thể giống như sứ đồ Phao-lô, bởi một khải tượng đặc biệt của Đấng Christ) và sẽ đem Phúc Âm đến các quốc gia. Sứ đồ Giăng đã mô tả một đoàn dân ngoại đông vô số sẽ ra khỏi cơn đại nạn (Kh 7:9-17) như những người qui đạo. Dù Đức Thánh Linh sẽ “không ở giữa” như trở lực, Ngài vẫn sẽ hành động bằng quyền năng cứu chuộc.

Tuy nhiên, sẽ phải trả giá đắt để tin cậy Đấng Christ và sống cho Ngài suốt thời kỳ đó. Những Cơ Đốc nhân sẽ từ chối quỳ trước hình tượng con thú và sẽ bị giết. Họ sẽ từ chối mang dấu của nó và do đó không thể kiếm được việc làm hay mua bán.Thật hoàn toàn trái ngược với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta khi cả những người nổi tiếng cũng thừa nhận rằng họ được tái sinh.

5.Kẻ bị bắt giam (Kh 19:11-21).

Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời có một thời gian biểu. Sa-tan sẽ không được phép điều khiển thế gian mãi mãi. Chúa Giê-xu sẽ tái lâm “trong quyền năng và đại vinh” để bắt giam Anti-christ cùng những kẻ liên kết với nó – cũng bắt Sa-tan và quăng chúng xuống vực sâu (Kh 20:1-3). Đây sẽ là đỉnh điểm của đại chiến Ha-ma-ghê-đôn (Kh 16:16) mà suốt cuộc chiến đó các nước trên thế gian kết hiệp với Sa-tan để chống lại Chúa Giê-xu. Điều này dẫn đến sự kiện kế tiếp của chúng ta.

3. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu (IITe 2:8-12)

Đây là sự tái lâm của Ngài trên đất trong vinh hiển và sự đoán xét, biến cố được mô tả trong IITe 1:5-10 và Kh 19:11. Biến cố đó sẽ xảy ra vào cuối thời kỳ Đại nạn 7 năm khi “bí ẩn của tội lỗi” (chương trình xấu xa của Sa-tan) sẽ chấm dứt bằng cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn. Quan trọng là chúng ta phân biệt việc Chúa cất Hội Thánh lên với sự tái lâm của Ngài trên đất. Sự kiện thứ nhất mang tính bí mật, khi Hội Thánh được cất lên để gặp Ngài giữa không trung. Sự kiện thứ hay mang tính công khai, khi Hội Thánh cùng Ngài trở lại để đánh bại Sa-tan và quân đội nó.

1.Sự đoán phạt của Chúa đối với Anti-christ (IITe 2:8-9).

Không ai trên đất sẽ có thể thắng Anti-christ cùng các thế lực của nó, vì nó được Sa-tan ban năng lực “Ai sánh được với con thú? Ai giao chiến cùng nó được?” (Kh 13:4). Sa-tan sẽ khiến đấng mê-si-a giả của nó có thể thực hiện “quyền phép cùng dấu dị và việc kỳ dối giả” (IITe 2:9). Dĩ nhiên, điều này thuộc về sự bắt chước theo Chúa Giê-xu là Đấng đã thực hiện “phép lạ, sự lạ và dấu lạ” (Cong 2:22).

Sa-tan luôn là một kẻ bắt chước. Có những Cơ Đốc nhân giả hiệu trong thế gian mà họ thật sự là con cái ma quỉ (Mat 13:38 IICo 11:26). Nó có những kẻ giúp việc giả dối (IICo 11:13) rao giảng một phúc âm giả dối (Ga 1:6-9). Thậm chí có một “nhà hội của Sa-tan” (Kh 2:9), nghĩa là một tập hợp những con người nghĩ mình đang thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng thật ra đang thờ phượng ma quỉ (ICo 10:19-21). Những Cơ Đốc nhân giả hiệu này có một sự công bình giả mạo mà không phải là sự công bình cứu rỗi của Đấng Christ (Ro 10:1-3 Phi 3:4-10). Họ có một sự đảm bảo giả dối về sự cứu rỗi là điều sẽ trở nên vô ích khi họ đối diện với sự xét đoán (Mat 7:15-29). Trong thời các sứ đồ, các phép lạ được ban cho để minh xác sứ điệp (He 2:1-4). Các sứ đồ được chọn của Đức Chúa Trời dùng các phép lạ như là thư uỷ nhiệm để chứng tỏ rằng họ đã được Đức Chúa Trời sai phái (ICo 12:12). Tuy nhiên chỉ phép lạ thôi thì không bao giờ có thể minh chứng được ai đó đã được Đức Chúa Trời sai phái: sứ điệp và bản tính của người ấy cũng phải được xem xét đến. Giăng Báp-tít là một người được Đức Chúa Trời sai đến (Gi 1:6), tuy nhiên Giăng không làm phép lạ (Gi 10:41).

Sa-tan có thể thực hiện những phép lạ dường như để cạnh tranh với những phép lạ của Chúa. Đây là cách nó đối địch với Môi-se trong triều Pha-ra-ôn (Xu 7:8-12,20-22 Xu 8:5-7). Trong kỳ phán xét cuối cùng, một số người đã làm phép lạ nhân danh Chúa Giê-xu sẽ bị Chúa chối từ vì họ chưa bao giờ được cứu (Mat 7:21-23). Giu-đa đã làm những phép lạ, nhưng ông ta chưa bao giờ được tái sinh (Gi 6:66-71 Gi 13:11,18).

Mục đích về những phép lạ của Đức Chúa Trời là để dẫn con người đến chân lý mục đích những phép lạ của Anti-christ sẽ nhằm khiến con người tin những sự dối trá của Sa-tan. Phao-lô gọi những phép lạ đó là “việc kỳ dối giả” (c.9), không phải vì những phép lạ đó không có thật, nhưng vì chúng lôi kéo con người tin vào sự dối trá của Sa-tan. Thế gian không lâu sẽ chạy theo một lãnh đạo là kẻ thực hiện trò lừa dối rẻ tiền (Kh 13:13-14).

Khi Chúa Giê-xu tái lâm, Ngài sẽ đoán phạt Anti-christ bằng “hơi miệng Ngài... và sự chói sáng của sự Ngài đến” (c.8). Những động từ “thiêu đốt” và “huỷ phá”không có nghĩa là huỷ diệt vì Kh 20:10 cho thấy Sa-tan cùng các cộng sự nó sẽ chịu khổ trong hồ lửa đời đời. Bạn có thể dịch câu này: “Chúa Giê-xu sẽ đánh bại nó bằng hơi miệng Ngài, và chấm dứt những hoạt động của nó bằng sự chói sáng của sự hiện diện Ngài”.

Khi kỳ đến của Chúa để tiếp Hội Thánh Ngài tới gần, những hoạt động của Sa-tan trong thế gian này sẽ tăng cao (Hãy đọc ITi 4:1-16 và IITi 3:17). Vì Sa-tan là kẻ nói dối, chúng ta phải chống lại nó nhờ chân lý của Lời Đức Chúa Trời (Eph 6:17). Chính gươm này Chúa chúng ta đã sử dụng khi Ngài đánh bại Sa-tan trong đồng vắng (Mat 4:1-11). Sa-tan là kẻ nói dối và kẻ giết người (Gi 8:44). Đức Chúa Trời ban sự sống qua chân lý của Ngài, Sa-tan giết người bằng những sự dối trá của nó. Chúng ta được yên ủi khi biết rằng một ngày kia Chúa Giê-xu sẽ đánh bại hoàn toàn Sa-tan và hệ thống của nó.

2.Sự đoán phạt của Ngài đối với những kẻ không được cứu (IITe 2:10-12).

Chúng ta đã để ý rằng một số lớn người Do Thái và người ngoại sẽ được cứu suốt kỳ Đại nạn 7 năm. Nhưng vô số cư dân trên thế giới sẽ bị hư mất. Nhiều người sẽ chết trong những sự đoán phạt khủng khiếp mà Đức Chúa Trời sẽ giáng trên đất (Kh 6:7-8 Kh 8:11 Kh 9:18 Kh 11:13). Những người khác sẽ chết trong sự đoán phạt khi Chúa Giê-xu tái lâm và phân cách những người được cứu khỏi những kẻ hư mất (Mat 25:31-46).

Thật quan trọng để chú ý rằng những người này đã có cơ hội tin nhận và được cứu. Đức Chúa Trời không vui thích gì khi đoán phạt kẻ hư mất (Exe 33:11). Đức Chúa Trời “không muốn cho một người nào chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn” (IIPhi 3:9). Những người này sẽ bị đoán phạt và chịu khổ đời đời bởi họ không muốn tiếp nhận và tin chân lý. Thật ra lòng họ sẽ xấu xa đến nỗi thậm chí họ cũng không có tình yêu nào đối với chân lý. Những ai yêu sự giả dối và làm những điều giả dối sẽ không được vào thiên thành (Kh 22:15) và bị quăng vào hồ lửa.

Trong đoạn này, Phao-lô đã dạy một chân lý giúp cảnh tỉnh: một người có thể chống lại chân lý đến nỗi người ấy cuối cùng trở nên bị đánh lừa và phải tin một sự dối trá. Không thể có lý lẽ trung lập: hoặc chúng ta tin chân lý hoặc chúng ta tin một sự dối trá. Chối bỏ chân lý nghĩa là tiếp nhận sự dối trá.

Phải chăng điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời bị quy trách nhiệm về một sự chối bỏ Đấng Christ của con người? Không thể quy trách nhiệm cho Đức Chúa Trời về tình trạng thuộc linh của Pha-ra-ôn khi Môi-se đem các tai hoạ đến trên Ai Cập.Pha-ra-ôn nghe Lời Đức Chúa Trời và đã thấy những điều kỳ diệu của Đức Chúa Trời, nhưng ông đã không chịu qui phục ý muốn Đức Chúa Trời. Pha-ra-ôn thỉnh thoảng mủi lòng và bày tỏ sự hầu việc theo ý muốn Đức Chúa Trời trên môi miệng, nhưng ông luôn chống lại vào lúc sau cùng và từ chối vâng lời Đức Chúa Trời.Ông đã khiến lòng mình cứng cỏi đến nỗi ông không thể tin chân lý, và điều này dẫn đến sự đoán phạt sau cùng của Đức Chúa Trời trên đất Ai Cập.

Câu 11 đọc theo nguyên văn “để chúng phải tin điều giả dối”. “Điều giả dối” là gì?Sa-tan là kẻ nói dối và đã lén lút đưa nhiều sự lừa dối vào dòng dõi loài người. Nhưng ngay từ ban đầu có một sự “giả dối” đã dẫn con người đi lầm lạc.Sa-tan trước tiên nói điều đó với Ê-va, “ngươi sẽ như Đức Chúa Trời! ”. Sự giả dối là ý niệm cho rằng loài người là Đức Chúa Trời của chính mình và do đó có thể làm bất cứ điều gì mình ưng ý và làm bản thân tốt hơn bằng những nỗ lực riêng của con người, tiến trình này được mô tả trong Ro 1:18. Hãy đặc biệt chú ý c.Ro 25: “họ đã đổi chân lý Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, thờ phượng và hầu việc loài thọ tạo thế cho Đấng tạo hoá” (nguyên văn).

Tất cả những điều này có nghĩa là Sa-tan kêu gọi sự kiêu ngạo của con người. Chính sự kiêu ngạo đã biến Lu-ci-phe trở thành Sa-tan (Es 14:12-15 Exe 28:11-18). Chính sự kiêu ngạo bẫy con người vào việc thực hiện ý muốn của Sa-tan trong thế gian này (IITi 2:24-26).

Một người bạn đã cho tôi biết về một nghị viên Hội Thánh thuộc khu vực truyền giáo là người đang gây ra những vấn đề lớn trong Hội Thánh. Mỗi khi nhà truyền giáo có mặt trong làng, vị nghị viên này sống một đời sống tin kính nhưng không bao lâu nhà truyền đạo ra đi thì người này bắt đầu cư xử như thể bị Sa-tan điều khiển. Cuối cùng vị truyền giáo và nhiều lãnh đạo Hội Thánh đã đối chất người này trong danh Chúa Giê-xu, và họ khám phá ra sự thật: Sa-tan đang lợi dụng sự kiêu ngạo để điều khiển đời sống của nghị viên này.

Người đàn ông này giải thích: “Khi tôi được phong làm trưởng lão, tôi nghe một tiếng nói với mình: ‘Giờ đây ngươi là người quan trọng! ’ Tôi đã đầu phục tiếng nói ấy, và Sa-tan đã chiếm lĩnh trong đời sống tôi”. Anh ta xưng nhận tội lỗi, Hội Thánh cầu nguyện, và Đức Chúa Trời đã giải cứu anh.

“Bây giờ ngươi là người quan trọng! ” “Hãy thờ phượng và hầu việc loài thọ tạo thế cho Đấng Tạo Hoá! ” Đây là sự dối trá của Sa-tan, và tôi sợ đó là điều cai trị thế giới hôm nay. Đức Chúa Trời vốn đã dựng nên loài người theo hình ảnh của chính Ngài. Hôm nay con người đang tạo ra Đức Chúa Trời theo hình ảnh của riêng mình.

Những người mà Đấng Christ sẽ đoán phạt không những không yêu chân lý mà họ còn có “điều vui thích trong sự không công bình” (c.2). Hãy đọc Thi 50:16-21 để có một mô tả về loại người này, và cũng đọc Thi 52:1-9. Các thầy tế lễ cả thật sự “vui lòng” khi Giu-đa hứa giúp họ giết Đấng Christ (Mac 14:10-11). Tôi đã đề cập trước đây rằng tiến trình tin sự giả dối này được mô tả trong Ro 1:1-32. Câu cuối của đoạn đó (Ro 1:32) tuyên bố chân lý này cách rõ ràng: “Họ biết sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, rằng những người phạm các việc dường ấy là đáng chết, không những làm vậy, lại còn vui thích khi kẻ khác phạm các điều ấy nữa.”

Phải chăng điều này có nghĩa là những ai đã nghe Phúc Âm trước kỳ cất lên của Hội Thánh không thể được cứu sau sự cất lên này? Không nhất thiết là vậy. Nếu điều đó đúng, vậy sự làm chứng của chúng ta cho kẻ hư mất sẽ kết án họ, Đấng Christ phải tái lâm. Tuy nhiên, điều đó thật có nghĩa là không tội nhân hư mất nào có thể xem xét chân lý của Đức Chúa Trời một cách bất cẩn hoặc chối bỏ Con Đức Chúa Trời nhiều lần. Lòng người trở nên cứng cỏi hơn mỗi khi tội nhân chối bỏ chân lý của Đức Chúa Trời, và điều này khiến cho việc tin những điều giả dối của Sa-tan trở nên dễ dàng hơn.

Thật tốt đẹp hơn biết bao để noi theo gương của các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca những người đã tiếp nhận Lời Đức Chúa Trời “không như lời của loài người, nhưng coi như Lời của Đức Chúa Trời” (ITe 2:13). Họ đã nhận chân lý và được cứu.

Bạn đã tiếp nhận chân lý chưa?

3. KHÔNG ĐIỀU GÌ NGOÀI CHÂN LÝ (IITe 2:13-3:5)

Phao-lô là một Cơ Đốc nhân quân bình người có một chức vụ quân bình và chúng ta xem bằng chứng về điều này khi ông kết thúc bức thư của mình. Ông đã đi từ lời tiên tri đến đời sống Cơ Đốc thực tiễn. Ông chuyển từ những điều tiêu cực (những sự dối trá của Sa-tan) sang những điều tích cực (chân lý của Đức Chúa Trời, và từ sự cảnh cáo đến sự tạ ơn và cầu nguyện.

Chúng ta hết sức cần những chức vụ quân bình hôm nay. Tôi đã tham dự những hội nghị Kinh Thánh nơi mà sự nhấn mạnh duy nhất là về điều Đấng Christ sẽ làm đối với dân Do Thái trong tương lai, đối với sự lãng quên hoàn toàn về những điều Ngài muốn làm cùng với Hội Thánh trong hiện tại. Chúng ta đừng bao giờ cho phép sự nghiên cứu về lời tiên tri trở nên một sự trốn chạy khỏi trách nhiệm hôm nay.

Sự nhấn mạnh của Phao-lô là về chân lý của Lời Đức Chúa Trời, trái ngược với sự dối trá lớn của Sa-tan mà Phao-lô đã luận đến trong phân đoạn trước. Mỗi Cơ Đốc nhân có 4 trách nhiệm đối với chân lý của Đức Chúa Trời.

1. Tin chân lý (IITe 2:13-14)

Chúng ta đã để ý lời tạ ơn của Phao-lô được lặp đi lặp lại trong những bức thư ông gửi cho Hội Thánh này (ITe 1:2 ITe 2:13 ITe 3:9 IITe 1:3 IITe 2:13). Ông dâng lời tạ ơn về cách họ đã đáp ứng với công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống mình. Trong hai câu này, Phao-lô nhìn lại những giai đoạn trong từng trải về sự cứu rỗi của họ.

1. Đức Chúa Trời yêu họ (IITe 2:13a).

Bất cứ điều gì Đức Chúa Trời làm cho thế gian hư mất đều xuất phát từ tình yêu đời đời của Ngài. Chúng ta đừng bao giờ quan niệm về kế hoạch cứu rỗi vĩ đại của Ngài được bén rễ và đặt nền tảng trong tình yêu Ngài (Gi 3:16). Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu này tại thập tự giá nơi Chúa Giê-xu chết thay tội lỗi của thế gian (Ro 5:8).

2.Đức Chúa Trời chọn họ (IITe 2:13b).

Không phải chỉ có tình yêu cứu chúng ta, vì Đức Chúa Trời yêu cả thế gian, tuy nhiên không phải cả thế gian đều được cứu. Tình yêu tự bày tỏ chính nó trong ân điển và sự thương xót. Trong ân điển Đức Chúa Trời ban cho chúng ta qua Đấng Christ điều chúng ta không đáng được, và trong sự thương xót Đức Chúa Trời không ban cho điều chúng ta đáng được, nhưng Ngài đã ban điều ấy cho Đấng Christ. Chúng ta không dám thanh minh sự chọn lựa của Đức Chúa Trời đối với tội nhân (ITe 1:4 Eph 1:4 IPhi 1:2).

3.Đức Chúa Trời biệt riêng họ (IITe 2:13c).

Từ “thánh hoá” nghĩa là “biệt riêng”. Có một sự thánh hoá phát triển không ngừng khiến chúng ta trở nên giống Chúa Giê-xu hơn (ITe 5:23). Nhưng sự thánh hoá Phao-lô đề cập ở đây chỉ về công việc của Thánh Linh trong sự dẫn dắt người không tin đến với đức tin nơi Đấng Christ. “...những người được chọn, theo sự biết trước của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, bởi sự thánh hoá của Đức Thánh Linh” (IPhi 1:2) Chính công việc của Đức Thánh Linh thuyết phục được tội nhân (Gi 16:7-11). Dù tôi đã không nhận biết điều đó lúc bấy giờ, khi tôi nhìn lại, tôi có thể hiểu cách Đức Thánh Linh dẫn dắt trong việc đem tôi đến với đức tin nơi Đấng Christ, và đây là kinh nghiệm của mỗi tín hữu.

4.Đức Chúa Trời gọi họ (IITe 2:14).

Chính Đức Chúa Trời đã định sự cuối cùng (sự cứu rỗi) cũng định phương tiện cho sự cuối cùng (“sự tin nơi chân lý”). Người nói “Đức Chúa Trời đã sẵn có những người được Ngài lựa chọn, vậy không cần để chúng ta cầu nguyện, làm chứng và phái các nhà truyền giáo không hiểu sự chọn lựa thiên thượng. Niềm khích lệ lớn nhất đối với việc truyền giảng Phúc Âm là sự hiểu biết răng Đức Chúa Trời có những người của Ngài đã được chuẩn bị để đáp ứng với Lời Ngài (Cong 18:1-11).

Để Đức Chúa Trời hoàn thành kế hoạch đời đời của Ngài, Ngài đã sai Phao-lô, Si-la và Ti-mô-thê đến Tê-sa-lô-ni-ca rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Điều đã được định trong sự vĩnh cửu đã được hoàn thành đúng lúc. Đức Chúa Trời đã sử dụng những công cụ của con người để đem Phúc Âm đến cho kẻ hư mất, và bằng cách tin nhận Đấng Christ, những người này đã bày tỏ “sự chọn lựa của Đức Chúa Trời” (ITe 1:4). Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời lan ra cả thành phố, nhưng nó chỉ có tác động trong những ai đã tin chân lý và tin nhận Đấng Christ.

Thật nguy hiểm để tham gia vào việc nghiên cứu vu vơ về quyền tể trị thiên thượng và trách nhiệm con người. Cả hai được dạy trong Kinh Thánh. Chúng ta biết rằng “sự cứu rỗi thuộc về Chúa” (Gion 2:9) và biết rằng tội nhân hư mất không bao giờ có thể tự cứu mình. Chúng ta phải thừa nhận rằng có những điều bí ẩn về sự cứu rỗi nhưng chúng ta có thể vui mừng rằng có những điều chắc chắn mà chúng ta có thể yên nghỉ trên đó. Chúng ta đừng sử dụng lý thuyết về sự lựa chọn để chia rẽ Hội Thánh hay làm bối rối những người yếu đuối, nhưng để làm vinh hiển Đức Chúa Trời.

5.Đức Chúa Trời ban cho họ sự vinh hiển (IITe 2:14b).

Điều đã khởi đầu trong quá khứ vĩnh cửu đạt đến đỉnh điểm của nó trong tương lai vĩnh cửu: chúng ta dự phần vinh hiển của Đức Chúa Trời (Ro 8:29-30 Gi 17:24). Điều gì bắt đầu bằng ân điển luôn dẫn đến vinh hiển?Đây hoàn toàn là sự tương phản với tương lai đã định cho kẻ hư mất (IITe 1:8-10). Cơ Đốc nhân luôn có sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ở trong (Gi 17:22 chú ý thì quá khứ ở Ro 8:30 - “đã làm cho vinh hiển”) Chúng ta đang chờ đợi sự tái lâm của Đấng Christ, và rồi sự vinh hiển sẽ được bày tỏ ra (IITe 1:10 Ro 8:17-19).

Khi tội nhân tin chân lý của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời cứu họ. Khi họ tin sự dối trá của Sa-tan, và chối bỏ sự yêu thương của chân lý, họ không thể được cứu (IITe 2:10-12). Trung lập về chân lý của Đức Chúa Trời là điều nguy hiểm. Nó có những hậu quả đời đời bi thảm.

2. Gìn giữ chân lý (IITe 2:15)

Phao-lô đã cho họ biết về sự chống nghịch chân lý trong tương lai (IITe 2:3) sự bội đạo lớn do Anti-christ đứng đầu. Nhưng ông cũng cảnh cáo trong các bức thư rằng có một nguy cơ trong hiện tại, và Hội Thánh phải bảo vệ chân lý của Đức Chúa Trời chớ không phải chối bỏ chân lý. Có những lời cảnh cáo được lặp lại về điều này trong Kinh Thánh Tân Ước: IGi 2:18-24 IGi 4:1-3 IIPhi 2:1-22 ITi 4:1-16 IITi 3:1-17 chỉ kể ra một số ít.

Đức Chúa Trời hành động giữa thế gian qua chân lý của Lời Ngài, và Sa-tan chống đối chân lý này bằng cách thay thế những sự dối trá của nó. Bản chất con người có xu hướng tin một sự dối trá và chống lại chân lý. Sa-tan hoàn thành công việc tốt nhất của nó qua những con người trong những tổ chức gọi là Cơ Đốc (Hội Thánh, trường học, vv....) mà họ không tin nơi chân lý của Đức Chúa Trời. Họ có “một hình thức tin kính” nhưng không bao giờ kinh nghiệm quyền năng chân lý cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Khi Phao-lô sử dụng từ “truyền thống”, ông không ám chỉ những ý niệm tôn giáo do con người lập ra không dựa trên lời Đức Chúa Trời. Chúa chúng ta đã không chấp nhận những truyền thống tôn giáo của con người (Mac 7:1-13). Phao-lô đã cảnh cáo chống lại những truyền thống đó trong Co 2:8. Đáng buồn khi thấy những người sùng đạo tranh cãi về những truyền thống của loài người và đồng thời chối bỏ chân lý đơn giản của Lời Đức Chúa Trời.

Từ “truyền thống” đơn giản nghĩa là “điều được lưu truyền từ người này sang người khác”. Chân lý của Phúc Âm đã khởi đầu như một sứ điệp bằng lời nói được Đấng Christ và các sứ đồ rao ra. Sau đó, chân lý này đã được viết ra bởi sự hà hơi của Đức Thánh Linh và trở thành Kinh thánh (IITi 3:12-17 IIPhi 2:16-21). Chân lý của Đức Chúa Trời không do con người phát minh: nó được lưu truyền từ Đức Chúa Trời đến loài người (Ga 1:11-12 ICo 15:1-6) và mỗi thế hệ các tín đồ đã gìn giữ chân lý này và rao ra lẽ thật cho những người khác (IITi 2:2).

Phao-lô định rõ trách nhiệm hai mặt của các tín hữu trong việc gìn giữ chân lý “hãy đứng vững, và hãy giữ những truyền thống” (IITe 2:15). “Đứng vững” nghĩa là “đừng dời khỏi chân lý của Phúc Âm” (ICo 16:13 Co 1:23). Khi vợ tôi cùng tôi tham quan tháp Luân đôn và xem báu vật của hoàng gia, chúng tôi để ý rằng đám đông cứ di chuyển, nhưng các bảo vệ vẫn đứng yên. Họ luôn theo dõi những khách tham quan và không điều gì có thể khiến họ dời khỏi nơi qui định của mình. Bạn cùng tôi đang giúp gìn giữ “đức tin quý báu” và chúng ta đừng bị đổi dời bởi những mưu kế của Sa-tan hay những sự tán dương của loài người.

Nếu chúng ta đứng, vậy chúng ta có thể giữ chắc. Từ này có nghĩa là “vững vàng, kiên quyết”. Nó có liên quan với một từ Hy Lạp có nghĩa là “sức bền, sức mạnh, năng lực”. Chúng ta không được nắm giữ chân lý của Đức Chúa Trời cách bất cẩn, nhưng hãy nắm chặt chân lý bằng năng lực và đừng bao giờ để chân lý vượt khỏi chúng ta. Mỗi thế hệ Cơ Đốc nhân phải tiếp nhận chân lý từ người khác, gìn giữ nó và bảo đảm chân lý được giữ nguyên vẹn cho thế hệ tiếp nối.

Thật không dễ đứng và giữ chắc, vì các thế lực quanh ta muốn dời đổi chúng ta khỏi đức tin. Sa-tan biết cách sử dụng những sự giả dối để chống lại chân lý của Đức Chúa Trời, và nó tìm cách làm điều này trong sự thông công (Cong 20:28-32). Đôi khi các Cơ Đốc nhân trung tín phải chối từ sự thông công của những người chối bỏ đức tin (Ro 16:17-20 IICo 6:14-7:1 IIGi 1:7-10 ITi 6:3-5).

Hãy để tôi tóm tắt điều này bằng hai từ về sự thận trọng. Trước tiên, “đức tin” mà đã được truyền cho chúng ta không nên bị lầm lẫn với những sự giải nghĩa và ý niệm của loài người. Người Pha-ri-si đã làm cho những lời giải nghĩa của họ trở thành thiêng liêng như lời Đức Chúa Trời (Mac 7:7-9). Những giáo lý cơ bản của Lời Đức Chúa Trời được gìn giữ bởi mọi tín đồ rao giảng Phúc Âm, nhưng không phải mọi tín đồ đều nhất trí về những chi tiết của sự giải nghĩa (đặc biệt trong lãnh vực lời tiên tri) hoặc những vấn đề về trật tự Hội Thánh. Thật nguy hiểm để khiến những ý niệm của con người trở nên một sự thử nghiệm về mối thông công hay tính chất thuộc linh.

Thứ hai, chúng ta không nên ướp hương cho chân lý đến nỗi chân lý mất sự sống và quyền năng của nó. Chúng ta phải giống những quản gia trung tín đem ra khỏi kho chân lý của Đức Chúa Trời “những vật mới và cũ” (Mat 13:52). Vẫn có chân lý khác được tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời, và chúng ta không nên cho rằng mình biết tất cả chân lý. Lời Chúa giống như hạt giống (Lu 8:11), và khi hạt giống được gieo, nó sinh ra cây, quả và nhiều hạt. Mặc dù “kể chuyện cũ” là điều tốt, nhưng cũng tốt khi để Thánh Linh dạy dỗ chúng ta những chân lý mới mẻ từ Lời Chúa, và tạo nên những ứng dụng mới từ những chân lý cũ.

3. Thực hành chân lý (IITe 2:16-17)

Tin chân lý và gìn giữ nó thì chưa đủ, chúng ta còn phải thực hành chân lý. Nếu chúng ta nghe Lời Chúa, nhưng không vâng theo, chúng ta chỉ đang tự lừa dối mình (Gia 1:22-25).

Hai câu này ghi lại ước muốn và lời cầu nguyện của Phao-lô cho các bạn ông: ông muốn Đức Chúa Trời khích lệ họ (“hãy yên ủi lòng anh em”) và gây dựng họ (“hãy làm cho anh em được bền vững”) “trong mọi việc lành cùng mọi lời nói lành”. Cả hai từ này nổi bật trong hai bức thư Tê-sa-lô-ni-ca.

Khi Phao-lô ở cùng họ, ông đã khích lệ họ cách cá nhân như một người cha khích lệ các con mình (ITe 2:11). Ông đã cử Ti-mô-thê đến khích lệ họ (ITe 3:2), và chính Phao-lô đã được khích lệ nhiều bởi sự tường thuật của Ti-mô-thê về sự trung tín của họ (ITe 3:7).

Phao-lô đã khích lệ họ bước đi để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (ITe 4:1) và để tăng trưởng trong tình yêu thương của họ đối với người khác (ITe 4:10). Ông đã dạy dỗ họ về sự cất lên của Hội Thánh hầu cho họ có thể khích lệ nhau (ITe 4:18). Để trấn an những nỗi sợ hại của họ, ông đã giải thích cho họ Ngày của Chúa (ITe 5:11). Thêm vào sự dạy dỗ của mình, ông thúc giục họ chăm sóc nhau (ITe 5:18).

Sự gây dựng trong Chúa cũng là một chủ đề quan trọng. Phao-lô đã phái Ti-mô-thê trở lại Tê-sa-lô-ni-ca để có thể gây dựng họ trong đức tin (ITe 3:2) và Phao-lô đã cầu nguyện để Đức Chúa Trời có thể gây dựng họ (ITe 3:13). Con trẻ phải được dạy cách đứng trước khi nó có thể học bước đi hoặc chạy.

Chính Đức Chúa Trời là Đấng gây dựng nhưng Ngài sử dụng con người để hoàn thành công việc Ngài. Một nhu cầu lớn trong các Hội Thánh của chúng ta là dành cho các Cơ Đốc nhân những người sẽ mất thời gian để gây dựng những tín đồ non trẻ hơn.Những buổi học Kinh Thánh nhóm rất giá trị, cũng như những buổi nhóm chung của Hội Thánh, nhưng việc kỷ luật cá nhân cũng quan trọng. Phao-lô đã khích lệ các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca dựa trên một cơ sở người này truyền cho người khác, và chúng ta phải noi gương ông.

Phao-lô quan tâm về hai khía cạnh thuộc đời sống Cơ Đốc của họ. Lời nói và việc làm của họ, việc họ nói và việc họ làm. Nếu sự bước đi của chúng ta mâu thuẫn với lời nói của chúng ta, chúng ta đánh mất lời chứng của mình. “Bước đi” và “cách nói” của chúng ta phải phù hợp, việc lành và lời lành phải đến từ cùng một tấm lòng đầu phục.

Chúng ta không được cứu bởi việc lành (Tit 3:3-7 Eph 2:8-10). Nhưng việc lành là chứng cứ của sự cứu rỗi (Tit 2:11-15). Cậy nơi việc lành thì chưa đủ, lời nói phải được hỗ trợ bởi việc làm (IGi 3:18). Đó phải là một sự thực hành đều đặn, không phải một sự thực hành tuỳ dịp: Chúng ta phải được gây dựng trong lời nói và việc làm của mình.

Điều này có thể thực hiện ra sao? Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể làm được điều ấy bởi ân điển Ngài và đây là điều Phao-lô ao ước đối với các bạn mình, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta niềm khích lệ đời đời và hy vọng tốt đẹp qua ân điển Ngài.Hãy để ý rằng những lời nói của Phao-lô đã hiệp Chúa Giê-xu và Đức Chúa Cha theo một cách mà ông khẳng định thần tính của Đấng Christ. Hai danh xưng dành cho Đức Chúa Trời trong c.16 được chi phối bởi một động từ số ít, không phải số nhiều, có nghĩa là hai danh xưng ấy bình đẳng nhau. Ông sử dụng cùng một cấu trúc trong ITe 3:11 một lần nữa khẳng định sự đồng đẳng của Con với Cha.

Quá nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay nhấn mạnh việc gìn giữ chân lý, nhưng làm giảm nhẹ việc sống theo chân lý. Một trong những cách tốt nhất để gìn giữ chân lý là đưa chân lý vào thực tiễn. Thật tốt để làm những người bảo vệ đức tin, nhưng chúng ta không nên quên làm những người bày tỏ đức tin. La-xa-rơ đã không đưa ra những bài thuyết trình về sự sống lại. Người ta chỉ phải nhìn vào ông và họ tin (Gi 2:9-11).

4. Chia sẻ chân lý (IITe 3:1-5)

Những trách nhiệm tiếp nối nhau là điều hợp lý. Học và sống phải đi đôi nhau. Nếu chúng ta tin chân lý, chân lý thay đổi đời sống chúng ta. Chúng ta gìn giữ chân lý và thực hành nó để có thể chia sẻ chân lý với người khác. Chúng ta không thể chia sẻ điều mà chúng ta không tin (trừ khi chúng ta muốn làm những kẻ giả hình) và chúng ta có thể chia sẻ tốt nhất điều mà chúng ta đã tự thực hành.

Lời Đức Chúa Trời là sống (He 4:12)

chúng ta phải để Lời Ngài tự do hành động.Phao-lô ở đây ám chỉ về Thi 147:15 “Ngài ra lệnh mình trên đất: Lời của Ngài chạy rất mau”. Tôi tớ Đức Chúa Trời có thể bị trói buộc nhưng Lời Đức Chúa Trời không thể bị trói buộc (IITi 2:9). Khi chúng ta thực hành chân lý và cầu nguyện cho chức vụ rao truyền chân lý, Lời Đức Chúa Trời sẽ có sự tự do để vận hành và hoàn thành những mục đích của Đức Chúa Trời trong thế gian.

Lời Đức Chúa Trời được vinh hiển trong đời sống của những ai chia sẻ nó và những ai tiếp nhận nó. Đây là kinh nghiệm của Phao-lô ở thành An-ti-ốt thuộc xứ Bi-si-đi: “và khi những người ngoại nghe điều này (rằng họ có thể được cứu), họ vui mừng, và ngợi khen Đạo Chúa, và phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời đều tin theo. Đạo Chúa được công bố (lan ra) khắp xứ đó” (Cong 13:48-49).

Quá nhiều công việc Cơ Đốc thời nay được hoàn thành bởi những kế hoạch và sự đề xướng của con người, chớ không bởi Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cậy chương trình của mình và không rao ra Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta rao ra những chương trình của mình và cũng không nhờ cậy Lời Đức Chúa Trời. Vũ trụ đã được tạo dựng và được duy trì bởi Lời Đức Chúa Trời (He 11:3). Chắc chắn Lời Ngài có thể hoàn thành công việc Ngài trong thế gian này. Nhưng việc rao giảng Lời Chúa trên toà giảng đã thường được thay thế bởi sự tiêu khiển của thế gian trên diễn đàn. Tấn sĩ Donald Coggan, tổng giám mục ở Canterbury, đã nói về những mục sư Cơ Đốc:“Đó là nhiệm vụ của họ là nuôi đàn chiên – không phải để giúp vui cho những con dê.”

Đó từng là kinh nghiệm của tôi trong 3 Hội Thánh: “Lời Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành công việc Ngài. Khi bầy chiên được nuôi nấng, chúng sẽ quây quần với nhau trong tình yêu, sinh sản, đi theo người chăn – và chúng có thể được “hớt lông” và sẽ yêu thích điều đó. Chính khi đàn chiên đói thì chúng bắt đầu cắn nhau, trở nên bệnh hoạn, và đi thơ thẩn. Khi Lời Đức Chúa Trời hành động, lúc ấy Đức Chúa Trời được vinh hiển. Người bạn tốt của tôi là tấn sĩ Bob Cook thường nhắc nhở chúng tôi: “Nếu bạn có thể giải thích điều gì đang diễn tiến, vậy Đức Chúa Trời hiện không làm điều đó.”

Dĩ nhiên, luôn có sự chống đối với Lời Đức Chúa Trời và công việc Đức Chúa Trời.Phao-lô đã yêu cầu các bạn ông cầu nguyện để ông có thể được giải cứu khỏi những người không tin là kẻ xấu xa độc ác. Như Thánh Linh sử dụng những người tận tuỵ để chia sẻ Lời Ngài, Sa-tan sử dụng những kẻ ác để chống lại Lời Ngài.Kẻ ác thích lợi dụng những tín đồ Cơ Đốc để chống lại công việc Đức Chúa Trời.Nó đã nói qua Phi-e-rơ (Mat 16:21-23) và đã hành động qua A-na-nia và Sa-phi-ra (Cong 5:1-11).

Phao-lô có sự tin quyết rằng các độc giả của ông sẽ không đầu hàng Sa-tan, nhưng sẽ để Chúa thành tín gây dựng họ và bảo vệ họ khỏi kẻ ác (nghĩa đen của Cong 3:3) Chúng ta không thể có sự tin quyết nơi bản thân mình, nhưng chúng ta có thể có sự tin quyết nơi Đức Chúa Trời cho bản thân mình và người khác.

Mục sư hay các nghị viên Hội Thánh một mình chia sẻ Lời Chúa thì chưa đủ mỗi Cơ Đốc nhân phải là một phần của chức vụ quan trọng này. Từ “ra lệnh” mà Phao-lô sử dụng trong Cong 3:4 nghĩa là “một mệnh lệnh quân đội được truyền xuống từ “một sĩ quan cao cấp”. Ông sử dụng từ này trong ITe 4:2 và ông lặp lại từ đó trong chương này ở những câu 4, 6, 10, 12. Đấng Christ là Viên chỉ huy về sự cứu rỗi của chúng ta chúng ta là các quân nhân của Ngài (IITi 2:3-4). Trong một cuộc chiến, chỉ có những sĩ quan chiến đấu thì chưa đủ, mọi người phải làm nhiệm vụ này. Điều này cũng đúng trong công việc của Hội Thánh địa phương.

Việc điều hành quân đội sẽ ra sao nếu thiếu vâng phục, trật tự và kỷ luật mà chúng ta thường thấy trong Hội Thánh địa phương? Quân đội đó sẽ không bao giờ thắng trận. Nếu các quân nhân tham gia tập luyện khi nào họ cảm thấy thích, họ sẽ không bao giờ được trang bị để đối đầu với kẻ thù. Nếu những lính mới không phục tùng mệnh lệnh của chỉ huy mình theo cách vài thuộc viên Hội Thánh bất tuân Lời Đức Chúa Trời, họ sẽ bị xét xử tại toà án quân sự.

Một quân nhân chủ yếu phục tùng vì lòng trung thành và sự sợ hãi. Nhưng một Cơ Đốc nhân có những động cơ cao hơn đối với sự vâng phục: Tình yêu của Đức Chúa Trời và sự tái lâm của Đấng Christ (c.5). “Nếu các ngươi yêu mến ta thì giữ gìn các điều răn ta” (Gi 14:15). Một viên chỉ huy không đòi hỏi người ta yêu mến mình nhưng nếu họ yêu mến người, họ sẽ kính trọng và vâng phục người bằng sự chuyên tâm nhiều hơn. Lịch sử chiến tranh ghi lại những chiến công anh hùng được thực hiện bởi những người yêu mến viên chỉ huy mình và sẵn sàng chết cho họ. Cứu Chúa của chúng ta đã yêu thương chúng ta và chết thay chúng ta. Chúng ta không thể vâng lời Ngài sao?

Ngài sắp đến vì chúng ta. Đây là chủ đề trong những bức thư của Phao-lô gởi cho các tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca, và ông đã liên hệ chân lý này với đời sống thực tiễn hằng ngày. Là quân nhân của Đức Chúa Trời, chúng ta phải chia sẻ Lời Ngài, vì Ngài sẽ tái lâm một ngày nào đó và yêu cầu một sự tính sổ về đời sống chúng ta.Chúng ta có “yêu mến sự hiện đến của Ngài” không? (IITi 4:8). Liệu chúng ta có “bị hổ thẹn trước mặt Ngài trong kỳ Ngài ngự đến”? (IGi 2:28)

Ở đây có 4 nhiệm vụ lớn để chúng ta thực hiện: tin chân lý, gìn giữ chân lý, thực hành chân lý, và chia sẻ chân lý. Nếu chúng ta thực hiện những nhiệm vụ này, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự vui mừng và quyền năng trong đời sống mình, trong sự tăng trưởng và phước hạnh tại Hội Thánh mình.

4. TRẬT TỰ TRONG HỘI THÁNH (IITe 3:6-18)

Khi những vấn đề không được giải quyết, chúng phát triển và trở nên tệ hại hơn. Một cái giằm nhỏ còn lại trong ngón tay có thể bị nhiễm trùng và làm độc nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật. Nếu bạn cho bác sĩ biết rằng bạn đã đạp lên một cây đinh rỉ sét, lập tức ông ta sẽ tiêm cho bạn một mũi thuốc uốn ván, cho dù vết thương có thể dường như không quan trọng đối với bạn.

Những vấn đề của Hội Thánh giống như những vấn đề thuộc thể, nếu không được giải quyết, chúng phát triển và trở nên tệ hại hơn, và chúng lây nhiễm cho nhiều người. Hội Thánh địa phương là một thân thể và điều mà những mầm bệnh dành cho thân thể hữu hình, thì tội lỗi dành cho thân thể thuộc linh. Khi Phao-lô viết bức thư thứ nhất gởi cho Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca, ông răn bảo cho những người bao biện lười nhác phải khởi sự làm việc (ITe 4:11). Ông khuyên các lãnh đạo Hội Thánh “răn bảo những kẻ ngỗ ngược” (ITe 5:14). Từ “ngỗ ngược” nghĩa là “một quân nhân ra khỏi hàng ngũ”. Rõ ràng Phao-lô đã dành phần còn lại của bức thư thứ hai cho vấn đề này.

Vấn đề này là gì? Một số thuộc viên của hội chúng đã cắt nghĩa sai những sự dạy dỗ của Phao-lô về sự tái lâm của Đấng Christ từ bỏ công việc mình, và sống bất xứng với sự rời rộng của Hội Thánh. Họ lười nhác trong khi người khác đang làm việc. Vậy mà họ mong chờ Hội Thánh hỗ trợ mình. Có thể là nhóm thánh đồ lười biếng này là nguồn của sự dạy dỗ sai lạc mà Phao-lô đã đề cập trong IITe 2:2). Họ cũng ba hoa chuyện ngồi lê đôi mách về những người trong Hội Thánh. Họ có thời gian trên đôi tay và chuyên ngồi lê đôi mách trên môi, nhưng họ bào chữa bản thân bằng cách lý luận: “Chúa sẽ chóng đến! ”

Những sự cắt nghĩa sai và ứng dụng sai về những chân lý của Lời Đức Chúa Trời có thể gây ra rắc rối triền miên. Lịch sử ghi lại sự dại dột của những người định ngày tháng, bán đi của cải mình, và ngồi trên núi chờ đợi Chúa tái lâm. Bất cứ sự dạy dỗ nào khuyến khích chúng ta bất tuân sự dạy dỗ thiên thượng khác đều không phải là sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

Người Pha-ri-si đã tính toán ra một cách cướp bóc cha mẹ mình và vẫn vâng theo điều răn thứ 5

Và Ngài (Chúa Giê-xu) đã phán với họ: “Ê-sai đã nói tiên tri thật đúng về các ngươi những kẻ giả hình, như có chép rằng: “Dân này lấy môi miếng tôn kính ta, nhưng lòng chúng nó cách xa ta lắm. Nhưng sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, chúng nó dạy theo những điều răn của loài người. Bỏ điều răn của Đức Chúa Trời, các ngươi đã giữ lời truyền khẩu của loài người.” Ngài cũng phán với họ:“Các ngươi bỏ hẳn điều răn của Đức Chúa Trời đặng giữ lời truyền khẩu của mình.Vì Môi-se có nói: Hãy tôn kính cha mẹ ngươi và ai rủa sả cha mẹ, thì phải bị giết, nhưng các ngươi nói nếu một người nói với cha mẹ mình rằng: mọi điều thuộc về tôi mà cha mẹ có thể được giúp là Co-ban (nghĩa là được dâng cho Đức Chúa Trời) các ngươi không còn để người ấy làm bất cứ điều gì cho cha hoặc mẹ người ấy nữa như vậy các ngươi đang làm mất hiệu lực Lời Đức Chúa Trời bằng lời truyền khẩu do mình lập ra, và các ngươi làm nhiều việc giống như vậy” (Mac 7:6-13).

Phao-lô mong cả Hội Thánh đồng công nhau trong việc giải quyết vấn đề này. Hội Thánh phải cư xử với các thuộc viên trong tình yêu và tìm cách giúp mỗi người vâng lời Đức Chúa Trời. Để giúp đỡ họ trong nhiệm vụ này, Phao-lô đưa ra 4 động cơ khích lệ những tín hữu bất cẩn từ bỏ tội lỗi mình và bắt đầu tự mưu sinh.

1. Sự thúc giục của Lời Chúa (IITe 3:6)

Phao-lô đã sử dụng từ “truyền, dặn bảo” mạnh mẽ này trong thư (ITe 4:2,11) và chúng ta đã gặp nó trước trong chương này (c.4). Ông sử dụng từ ấy lần nữa trong c.10 và 12. Từ này nghĩa là “một mệnh lệnh quân sự được truyền xuống từ một viên chức cao cấp”. Phao-lô xem Hội Thánh giống như một quân đội, và nếu quân đội không vâng theo các mệnh lệnh, có thể không còn mệnh lệnh nào nữa. Tiếc thay, một số thánh đồ “ra khỏi hàng ngũ” (“ngỗ ngược” trong ITe 5:14 và “mất trật tự” trong IITe 3:6,7,11).

Phao-lô có quyền hạn gì để đưa ra mệnh lệnh này: “Nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa”? (c.10 nguyên văn). Ông có quyền hạn của danh Chúa Giê-xu Christ. Ít nhất 20 lần trong hai bức thư Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô đã sử dụng danh trọn vẹn này của Chúa Cứu Thế. “Giê-xu” nghĩa là “Chúa Cứu Thế” và là tên loài người của Ngài (Mat 1:21). Christ là danh hiệu thiêng liêng của Ngài, có nghĩa là “Đấng Mê-si-a, Đấng được xức dầu”. Những người khác có thể sử dụng tên Giê-xu (dạng ngôn ngữ Hê-bơ-rơ là “Joshua”) và những người khác có thể tuyên bố mình được xức dầu, như các tiên tri, thầy tế lễ và các vua. Nhưng hai danh xưng này, Giê-xu Christ được định nghĩa xa hơn bởi danh CHÚA, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời”.

Trong 4 sách Phúc Âm và sách Công vụ, Chúa chúng ta thường được gọi là Giê-xu, nhưng tên đơn độc này ít được sử dụng trong các sách còn lại của Tân Ước. Tên thỉnh thoảng được sử dụng sẽ ngăn chúng ta không chỉ trích những người gọi Chúa Cứu Thế của mình là “Giê-xu”, nhưng danh này chủ yếu được dùng trong suốt chức vụ của Ngài trên đất sẽ khích lệ chúng ta xưng hô Ngài và nói về Ngài bằng danh tôn quí của Ngài. Đức Chúa Giê-xu Christ (Phi 2:11). Chúng ta không còn biết “Đấng Christ theo xác thịt” (IICo 5:16), nhưng như Con tôn quí của Đức Chúa Trời và “Đầu hết mọi sự đối với Hội Thánh”. Quyền tể trị của Ngài bao gồm công việc và sự quản lý tiền bạc của chúng ta.

Kinh Thánh dạy điều gì về sự lao động chân tay (hoặc trí óc)? Trước hết, lao động đã là một phần của đời sống con người trước khi tội lỗi xuất hiện. Đức Chúa Trời đã ban cho A-đam công việc trồng và giữ vườn (Sa 2:15). Mặc dù tội lỗi đã biến sự lao động thành gần như sự khó nhọc vô vọng (Sa 3:17-19), nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng tính cần thiết đối với công việc là một kết quả của tội lỗi. Con người cần công việc vì sự phát triển của chính mình. Đức Chúa Trời đã tạo dựng con người để làm việc.

Bạn có để ý rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi những người bận rộn với công việc? Môi-se đang chăm sóc bầy chiên (Xu 3:1-22). Giô-suê là tôi tớ của Môi-se trước khi trở thành người thay thế Môi-se (Xu 33:11), Ghê-đê-ôn đang đập lúa thì Đức Chúa Trời gọi ông (Cac 6:11), và Đa-vít đang chăn bầy chiên của cha mình (ISa 16:11). Chúa chúng ta đã gọi 4 người đánh cá để hầu việc như những môn đệ Ngài, và chính Ngài đã làm việc như một thợ mộc. Phao-lô là một người may trại (Cong 18:1-3) và đã dùng nghề của mình để hỗ trợ chức vụ của riêng ông.

Người Do Thái tôn trọng sự lao động lương thiện và đã đòi hỏi mọi ra-bi của họ phải có một nghề. Nhưng người Hy Lạp khinh thường sự lao động chân tay và dành công việc ấy cho những nô lệ của họ. Ảnh hưởng Hy Lạp này cộng với những ý niệm sai lầm của họ về giáo lý sự tái lâm của Chúa đã dẫn những tín hữu này vào lối sống phi Cơ Đốc.

Phao-lô nhận ra sự kiện một số người không thể làm việc, có lẽ do những tật nguyền thuộc thể hoặc những trách nhiệm gia đình. Đây là lý do ông diễn đạt câu nóinày như vậy: “Nếu ai không khứng làm việc”. Đó không phải là một vấn đề về khả năng nhưng về sự sẵn sàng. Khi một tín đồ không thể làm việc và ở trong sự túng ngặt, thì giúp đỡ người ấy là đặc quyền và trách nhiệm của Hội Thánh (Gia 2:14-17 IGi 3:16-18).

Sự thúc giục về Lời Chúa có lẽ sẽ thúc đẩy những tín đồ lười biếng này làm việc nhưng Phao-lô thêm vào một sự thúc đẩy thứ hai.

2. Gương mẫu của vị sứ đồ này (IITe 3:7-10)

Là một sứ đồ, Phao-lô có quyền mong đợi sự hỗ trợ về tài chính nhưng ông cố ý từ bỏ quyền này hầu có thể làm một gương mẫu cho các tín đồ non trẻ (xem ICo 9:6-14). Trong thái độ này, Phao-lô đã tự chứng tỏ mình là một lãnh đạo Cơ Đốc trưởng thành. Những lãnh đạo vị kỷ lợi dụng con người để tăng cường sự ủng hộ của họ, và luôn tuyên bố những quyền lợi của mình. Một lãnh đạo thật sự tận tuỵ sẽ sử dụng những quyền của mình để gây dựng dân sự, và sẽ bỏ qua một bên những quyền và đặc lợi của mình vì cớ kẻ khác.

Ông đã đề cập đến gương mẫu của mình trong sự lao động ở bức thư trước (ITe 2:9). Các độc giả của ông đã biết rằng Phao-lô và các cộng sự của ông không nhận bất cứ sự hỗ trợ nào từ Hội Thánh sơ khai này. Ngược lại, họ đã nêu gương về việc đáp ứng những nhu cầu riêng của mình và cũng giúp đáp ứng nhu cầu kẻ khác. Ông khuyên độc giả của mình: “Anh em phải bắt chước chúng tôi”.

Ảnh hưởng lớn nhất là ảnh hưởng của đời sống tin kính và sự hy sinh. Một lãnh đạo Cơ Đốc có thể kêu gọi thẩm quyền của Lời Chúa, nhưng nếu người ấy cũng không thể đưa ra mẫu mực về sự vâng phục của mình, dân sự người sẽ không lắng nghe.Đây là sự khác nhau giữa quyền hạn và uy tín. Một lãnh đạo giành được uy tín khi người ấy vâng phục Lời Chúa và phục vụ dân sự Đức Chúa Trời trong ý Ngài.Quyền hạn đến từ địa vị, uy tín đến từ thực tiễn và mẫu mực. Uy tín đem lại cho người lãnh đạo quyền thực hành quyền hạn.

Mỗi cộng sự Cơ Đốc đều có quyền lợi đối với sự hỗ trợ từ Hội Thánh khi người ấy hầu việc Chúa (Lu 10:7 Ga 6:6 ITi 5:17-18). Chúng ta đừng sử dụng mẫu mực của Phao-lô tìm một cái cớ để không hỗ trợ các tôi tớ của Đức Chúa Trời.Nhưng bất kỳ tôi tớ nào của Đức Chúa Trời đều có đặc quyền từ bỏ quyền lợi ấy vì vinh hiển của Đức Chúa Trời. Phao-lô đã làm điều này hầu ông có thể làm một gương mẫu cho những tín hữu non trẻ ở Tê-sa-lô-ni-ca.

Cách sử dự của Phao-lô không những đã khích lệ các tân tín hữu mà còn làm câm lặng những kẻ vu cáo. Trong mỗi thành phố đều có các giáo sư lưu hành là những người “rao bán hàng hoá của họ” vì những gì họ có thể kiếm được. Phao-lô không muốn bị xếp loại cùng với họ. Ông cũng không muốn bất cứ người không được cứu nào nói rằng “Phao-lô giảng đạo chỉ vì tiền”. Như ông đã nói trong ICo 9:1-27, Phao-lô muốn khiến cho Phúc Âm trở nên “không mất tiền”, ông không để cho tiền bạc ngăn trở việc thu phục những linh hồn hư mất.

3. Sự khích lệ của Hội Thánh (IITe 3:11-15)

Câu 13 là chìa khoá: “Hỡi anh em, phần anh em đừng nản lòng làm sự lành” (nghĩa đen). Những Cơ Đốc nhân trung tín đã bị ngã lòng bởi những thánh đồ bất cẩn là những người chối từ làm việc. “Nếu họ không làm việc, tại sao chúng tôi phải làm việc?” Là lý luận của họ và Phao-lô đã dập tắt lý luận đó từ khi mới chớm nở.

Tội lỗi trong đời sống của một Cơ Đốc nhân luôn ảnh hưởng những người khác trong Hội Thánh. Là những chi thể của thân Chúa, chúng ta thuộc về nhau và chúng ta ảnh hưởng đến nhau. Gương xấu của một số thánh đồ có thể huỷ hoại sự tận tuỵ, và ngăn trở sự hầu việc của những người khác trong Hội Thánh.

Phao-lô đã định danh những tội lỗi của nhóm người này. Trước hết họ “mất trật tự”, hoặc không đúng nội quy, ra khỏi hàng ngũ. Họ không phục tùng mệnh lệnh và điều này đem đến sự lộn xộn và chia rẽ trong Hội Thánh. Hơn thế, họ là “những người lăng xăng”, nghĩa đen là “đang vòng vòng” đó là, bận rộn nhưng “làm chuyện vớ vẩn”và không hoàn thành việc gì cả. ITi 5:13 cho biết rằng những người lăng xăng xen vào những vấn đề không là việc của mình.

Hầu như mọi nền văn hoá đều có câu nói của nó về sự ăn không ngồi rồi.Người La Mã nói: “Bởi không làm gì cả con người học làm ác.” Isaac Watts đã viết “Vì Sa-tan vẫn tìm thấy điều ác nào đó, cho những bàn tay nhàn rỗi thực hiện.” Các Ra-bi Do Thái đã dạy: “Ai không dạy con trai mình một nghề, là người dạy nó làm một kẻ cắp.”

Thay vì chạy quanh ồn ào, những người này phải “yên lặng mà làm việc, và ăn bánh của chính mình”. Những quan điểm sai lầm của họ về sự tái lâm của Đấng Christ đã khiến họ trở thành một lời rao hàng náo động. Phao-lô cảnh cáo “Thái độ quá khích của anh em là sai lầm. Hãy bình tĩnh và bắt đầu làm việc.” Sự làm việc là một liều thuốc giải độc tuyệt vời đối với sự suy đoán mất quân bình và hành động thiếu suy nghĩ.

Nhưng giả như các thánh đồ này không vâng lời Đức Chúa Trời và không làm việc? Vậy Hội Thánh phải làm gì? Phao-lô đã đi đến bước đầu tiên khi ông thúc giục họ trong bức thư thứ nhất (ITe 5:14) và cảnh cáo họ rằng họ đã sai lầm. Nhưng họ vẫn cố chấp trong hành vi ngỗ ngược của mình. Giờ đây ông cảnh cáo họ lần nữa trong bức thư thứ hai và rồi thêm vào một bước nữa: nếu những tín đồ này không vâng lời, các thuộc viên Hội Thánh phải kỷ luật cá nhân họ.

Chủ đề về kỷ luật Hội Thánh không được bàn luận nhiều ngày nay. Trong nhiều Hội Thánh, khi một người được báp-tem và trở nên một thành viên của Hội Thánh địa phương, người ấy thường bị phó mặc cho chính mình. Nếu người ấy phạm tội trọng công khai, người ấy có lẽ sẽ bị xử lý bởi mục sư hay ban trị sự. Nhưng cả gia đình Hội Thánh sẽ không bắt đầu chăm sóc người ấy hay thực hiện kỷ luật trên người ấy.

Kỷ luật Hội Thánh là gì? Trước hết, không phải mục sư hay ban trị sự hành động như cảnh sát Phúc Âm bắt một thánh đồ phạm tội và đuổi người ấy ra khỏi nhà thờ. Rõ ràng có những Hội Thánh có các lãnh đạo chuyên quyền như thế, nhưng đây không phải là điều Phao-lô xem xét. Kỷ luật Hội Thánh đối với thuộc viên Hội Thánh là điều mà kỷ luật gia đình dành cho một đứa trẻ: đó là một thực tiễn một chứng cớ của tình yêu thương sửa phạt. Khi một người cha sửa phạt con mình, đó không phải là một quan toà trừng trị một tội phạm đó là một người cha yêu thương tìm cách làm cho con mình trở nên một người tốt hơn.

Có những mức độ khác nhau về kỷ luật Hội Thánh cần phải được phân biệt:

1.Những bất đồng cá nhân giữa các Cơ Đốc nhân (Mat 18:15-18 Phi 4:1-3).

Nếu một anh chị em phạm tội nghịch tôi (cố ý hay vô ý), tôi phải đến với người ấy và tìm cách giải quyết vấn đê êm xuôi. Chỉ khi người ấy từ chối dàn xếp vấn đề thì tôi phải cho phép người khác tham dự vào và vấn đề không nên lan truyền đến tập thể Hội Thánh cho đến khi mọi phương cách khác đã cạn kiệt.

Trong chức vụ mục sư của tôi, tôi đã chứng kiến nhiều vấn đề kiểu này. Lỗi lầm lớn mà các Cơ Đốc nhân phạm phải khi có một tín đồ khác làm điều sai trái với họ – là đem việc kể cho mục sư hoặc các thuộc viên khác, và không đến trực tiếp với người ấy, Lỗi lầm khác là việc cố gắng thắng một lý lẽ thay vì thu phục người anh em phạm tội.

2.Sự sai lầm về giáo lý:

trước hết hãy xác định tại sao người ấy dạy giáo lý sai lầm. Có lẽ đó là do sự dốt nát và thiếu tri thức Kinh Thánh. Trong trường hợp đó, hãy kiên nhẫn dạy người ấy chân lý (IITi 2:23-26). Nếu người ấy cố chấp, hãy khiển trách người Tit 1:10-14). Phao-lô đã phải làm điều này với Phi-e-rơ (Ga 2:11). Néu sai lầm cứ tiêp diễn, hãy tránh xa người ấy (Ro 16:17-18) và sau đó hãy cách ly bạn khỏi người ấy (IITi 2:18 IIGi 1:9).

3.Một Cơ Đốc nhân bị tội lỗi chế ngư (Ga 6:1-3).

Ngay cả sứ đồ cao trọng Phi-e-rơ cũng đã chối Chúa. Và Đa-vít đã đầu hàng trước tư dục và phạm tội tà dâm. Khi một Cơ Đốc nhân bị vướng vào tội lỗi đã được biết, các thuộc viên sâu nhiệm của Hội Thánh phải tìm cách phục hồi người ấy bằng sự dịu dàng và tình yêu thương.Từ “phục hồi” ở đây nghĩa là “sửa một cái xương gãy” – và điều đó đòi hỏi sự mền mại và kiên nhẫn. Hội Thánh rất thường nhanh nhảu thông qua bản án trên một tín đồ phạm tội, và điều thiệt hại đã được thực hiện gây ra những vấn đề trong những năm tiếp nối.

4.Một kẻ gây rối nhiều lần (Tit 3:10).

Từ “kẻ theo tà giáo” không ám chỉ về sai lầm thuộc giáo lý, nhưng chỉ về một thái độ kiêu ngạo của người thuyết phục người “chia phe” trong Hội Thánh. Từ Hy Lạp nghĩa là “thực hiện một sự lựa chọn”. Điều này dẫn đến những chia rẻ và bè phái trong Hội Thánh địa phương (xem Ga 5:20 nơi “các tà giáo” phải được dịch là “bè, đảng”). Hầu như không một Hội Thánh nào là không có những bè đảng ủng hộ hay chống đối điều gì – mục sư, chương trình xây dựng, thậm chí là màu sắc của những bức tường trong nhà bếp.Thường thì những “kẻ theo tà giáo” này là những người thích làm ra quan trọng họ muốn có một nhóm người ủng hộ. Họ thường có những vấn đề xúc cảm sâu xa mà Sa-tan có thể lợi dụng để tạo ra những nan đề thuộc linh trong Hội Thánh. Có lẽ họ bị bất mãn ở gia đình, hoặc ở việc làm. Hay có lẽ trong quá khứ họ đã bị mục sư hay Hội Thánh nào đó làm tổn thương.

Những “con người bè phái” này phải được cho hai lời cảnh cáo chính thức. Nếu họ tái phạm tội chia rẽ Hội Thánh, họ phải được cho một lời cảnh cáo thứ 3 và bị loại ra. “Hãy cảnh cáo người gây chia rẽ một lần và rồi hãy cảnh cáo người ấy lần thứ hai. Sau đó, đừng liên hệ với người ấy. Anh em có thể biết chắc rằng một người như thế hư hỏng và tội lỗi người ấy tự kết án mình” Tit 3:10-11.

Tôi tin rằng những người như thế không nên giữ chức vụ trong Hội Thánh. Tôi cũng tin rằng nếu họ rời Hội Thánh “trong cơn giận dữ”, họ nên được phục hồi mối thông công chỉ hai lần. Lần thứ 3 – họ đi ra!

5.Sự vô luân công khai (ICo 5:1-13).

Hội Thánh phải than khóc về tội nhân (cùng từ này được sử dụng cho việc than khóc người chết) và tìm cách đưa người ấy đến sự ăn năn. Nếu người ấy từ chối, Hội Thánh phải cùng sa thải người ấy (c.13 từ Hy Lạp nghĩa là “trục xuất”). Nếu người ấy ăn năn, người ấy phải được tha thứ và phục hồi mối thông công trong Hội Thánh (IICo 2:6-11).

Trong trường hợp “những thánh đồ lười biếng”, Phao-lô bảo các tín hữu thúc giục họ, khuyên bảo họ, và nếu họ không ăn năn, hãy rút mối thông công mật thiết khỏi họ. Điều này có thể nghĩa là những tín đồ này không được phép dự phần vào Tiệc thánh, và các thuộc viên Hội Thánh sẽ không mời họ đến nhà, IITe 3:14 không áp dụng cho mọi trường hợp kỷ luật. Nó chỉ áp dụng cho vấn đề các thánh đồ không làm việc để kiếm sống.”Đừng làm bạn” nghĩa đen là “đừng giao du”, cũng một từ được sử dụng trong ICo 5:9. Có một sự khác nhau giữa sự quen biết, tình bạn và sự thông công vì sự thông công nghĩa là “có chung”. Nếu các thánh đồ vâng phục, cư xử với những Cơ Đốc nhân bất phục bằng cùng mối thông công mà mình bày tỏ với các thánh đồ tận tuỵ khác – là tán thành với những tội lỗi của họ.

Tuy nhiên, Phao-lô (biết xu hướng của bản chất con người thường đi đến những thái cực) đã cảnh cáo họ đừng cư xử với những người phạm lỗi như kẻ thù. Ông thêm vào “Họ vẫn là anh em của anh em trong Đấng Christ”. Lót đã ở ngoài mối thông công với Đức Chúa Trời và Áp-ra-ham, vì ông đã sống trong thành Sô-đôm, nhưng Áp-ra-ham đã cứu Lót khỏi kẻ thù bởi Lót là cháu của ông (Sa 14:1-24 và đặc biệt chú ý c.14). Cần phải có nhiều kiên nhẫn, tình yêu và ân điển để giúp một anh em lầm lỗi và đây là lý do Phao-lô thêm vào một động cơ sau cùng cho việc kiếm sống.

4. Sự giúp đỡ của Chúa (IITe 3:16-18)

Không tín đồ nào có thể nói: “Tôi không thể vâng Lời Đức Chúa Trời và làm việc”, vì Đức Chúa Trời đã thực hiện mọi sự dự liệu để chúng ta vâng Lời Ngài. Ngài là Chúa bình an. Nếu Ngài là Chúa của đời sông chúng ta, vậy chúng ta sẽ có sự bình an trong lòng, và chúng ta sẽ giúp khích lệ sự hoà bình trong mối thông công của Hội Thánh.

Nếu có rắc rối trong Hội Thánh, đó là do có sự rắc rối trong lòng người nào đó. Nếu Đấng Christ là Chúa, vậy thì có sự bình an trong lòng. Nếu có sự tranh chiến trong lòng, vậy Chúa Giê-xu không phải là Chúa (Gia 4:1-10).

Tôi nhớ có một lớp học Trường Chúa Nhật đã ở trong tình trạng lộn xộn và tranh cạnh triền miên. Chúng tôi chỉ dàn xếp các vấn đề được một vài tuần thì núi lửa lại phun ra. Sau khi cầu nguyện và xem xét nhiều, chúng tôi khám phá ra rằng một thành viên trong lớp muốn làm thầy. Cô ấy tự mãn về những kiến thức thuộc linh của riêng mình và cảm thấy mình có thể làm một công việc tốt hơn người phụ nữ tận tuỵ đang giảng dạy cho lớp học.

Mặc dù thành viên này của lớp học chưa bao giờ công khai tấn công hay chỉ trích giáo viên, nhưng những thái độ và những điều cô ta không nói ra đã gieo những hạt giống của sự bất hoà trong mối thông công. Khi vấn đề này đã được giải quyết, Chúa của sự bình an đã ngự trị trong lớp học, và Đức Chúa Trời bắt đầu ban phước.

Sự bình an của Đức Chúa Trời không những giúp chúng ta có thể vâng lời Ngài mà sự hiện diện của Ngài cũng vậy: “Xin Chúa ở cùng anh em hết thảy! ” Ngài không bao giờ lìa xa hay bỏ rơi chúng ta Ngài ở cùng chúng ta đến thời kỳ cuối cùng (He 13:5 Mat 28:20).

Sau cùng, Phao-lô nhắc nhở họ về ân điển của Đức Chúa Trời. “Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Giê-xu chúng ta ở cùng anh em hết thảy” (c.18) là chữ ký chính thức của Phao-lô cho mọi bức thư của ông. Ông nhắc điều này vì bức thư giả mạo họ đã nhận (IITe 2:2). Nếu chúng ta cậy nơi ân điển Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thực hiện ý muốn Ngài cho vinh hiển Đức Chúa Trời. “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi” (IICo 12:9).

Quân nhân nào ra khỏi hàng ngũ và bất tuân mệnh lệnh của Chúa chứng tỏ rằng người ấy không đầu phục Chủ mình. Những vấn đề của Hội Thánh là những vấn đề cá nhân, và chúng phải được giải quyết cách cá nhân. Đức Chúa Trời muốn có trật tự trong Hội Thánh. “Hãy để mọi sự được làm cho phải phép và theo thứ tự” (ICo 14:40).

Bạn có phải là một phần của sự hoà bình trong Hội Thánh hay là một phần của cuộc chiến trong Hội Thánh?

Chúng ta hãy làm điều mà Giô-suê đã làm và hãy phủ phục dưới chân tướng đạo binh của Chúa, để Ngài có thể giúp chúng ta đắc thắng (Gios 5:13-15), và thực hiện những mục đích của Ngài cho dân Ngài.

Chúa sẽ chóng đến – HÃY SẴN SÀNG!