TYNDALE, WILLIAM

(1492-1536)

Sẽ là một lầm lỗi thiếu sót khó tha thứ nếu một quyển sách nào về thể loại tiểu sử mà lại không đề cập đến ông William Tyndale. Thật vậy, Tyndale là một mẫu người đáng cho hậu thế mãi mãi nhắc đến - nhờ ông đã tích cực đóng góp tài trí, công của và mạng sống mình cho công cuộc Cải chánh Giáo hội Cơ Đốc ở Anh quốc.

William Tyndale sanh năm 1492 (có sách ghi 1494). Ông quê ở Glouchestershire. Ông làm quen với sách đèn chữ nghĩa khá sớm. Năm 1515, ông vào học trường Magdelen Hall, Oxford và có lẽ sau đó cả ở Cambridge nữa, sau khi hoàn tất các chương trình cấp thấp. Rồi Tyndale trở thành thầy dạy tư gia cho gia đình của bá tước John Walsh. Khi đang còn sống trong gia đình riêng ông đã chứng kiến rõ rệt sự ngu dốt mơ hồ về Thánh Kinh của các tăng lữ trong địa phương mình. Đối với giới tu hành thiếu chiều sâu tâm linh, ông mạnh dạn công bố minh bạch rằng: "Nếu Đức Chúa Trời bảo vệ mạng sống tôi như trong nhiều năm qua, tôi sẽ làm cho ngay đến cậu bé đang đi cày cũng biết Thánh Kinh nhiều hơn lớp người này nữa!". Qua những chặng đường đầy thách thức và gian khổ, thì sự việc hệ trọng đó đã là phần chủ yếu của đời sống ông.

Tự nhiên là các Giám mục và phẩm chức Giáo hội La mã thời kỳ ông đã tìm mọi cách nghiêm cấm việc dịch và phát hành Thánh Kinh Anh ngữ cách đại trà từ năm 1408. Vì họ sợ các tác hại mà nhóm "Lollards" đã gây ra bởi việc họ đã dịch bản Thánh Kinh từ bản LXX (Bảy Mươi) bản Wycliffe như một thứ bệnh mang tính truyền nhiễm độc hại, khi bản dịch này thử thực hiện từ bản Vulgate tiếng La tinh (do Jerome) và có nhiều sai sót. Ông không sợ mà khởi động cho công trình dịch Thánh Kinh ra tiếng Anh là một điều "rước họa vào thân" lúc bấy giờ. Tyndale làm việc cẩn thận, ông đặt kế hoạch làm một bản dịch từ nguyên tác Hi-bá-lai và Hy-lạp. Ông kỳ vọng nơi nguồn trợ lực chính cho công tác lớn lao này, là một Giám mục học giả ở Luân Đôn cùng thời là ông Cuthbert Tunstall. Nhưng các Giám mục khác lại còn đang bận rộn câu kết nhau ngăn chận sự bành trướng những tư tưởng và Thần học của Luther hơn là sự động viên học hỏi Thánh Kinh. Họ đã không bằng lòng tán trợ thì chớ mà còn cất công để ý theo dõi việc làm của ông; nên Tyndale buộc lòng phải trốn sang lưu trú ở thành phố Hamburg, nước Đức năm 1524. Thật quá rõ, trong nước Anh thời ấy không thể tìm đâu ra một chỗ an toàn dành cho công việc "bí mật" này! Và ông cũng chẳng bao giờ ngờ rằng lần ra đi đó là coi như vĩnh biệt quê hương. Biết vậy, ông dồn hết mọi nổ lực, trí óc, thì giờ, phương tiện bền chí ngày đêm phiên dịch Thánh Kinh để công tác sớm được hoàn tất. Về chỗ này ít ra có hai tư liệu: Từ đầu năm 1523, bản dịch Tân Ước của ông đã sẵn sàng được phát hành. Tyndale suýt chút nữa bị bắt tại Cologne nhưng ông đã được bảo mật an toàn để có thể thấy được bản Thánh Kinh của mình ra mắt độc giả tại Cologne, 1523. Để biến giấc mơ sớm trở thành hiện thực, Tyndale rất phấn khích nhận được sự chi viện tài chánh từ một số thương gia hằng tâm hằng sản và giàu lòng kính mến Chúa ở Luân Đôn, đặc biệt là ông Humphrey Monmouth. Một thời gian gián đoạn nửa chừng vì các quan tòa tại đó ngăn cấm! Sau một thời gian thì ông tiếp tục dịch xong ở Worms từ năm 1523-1526. Các bản dịch được chuyển sang Anh ngữ lần đầu của ông, cuối cùng đã được "tuồn" về Anh quốc qua hình thức "những kiện hàng hóa công nghệ". Nhưng không may số này đã bị phát giác và bị các giới giáo phẩm La mã tại nước Anh khi ấy chỉ trích thậm tệ và tàn nhẫn để thủ tiêu bằng bất cứ giá nào! Nhưng ông đã được "quản lý kỹ" để có thể thấy được bản Thánh Kinh in ấn cùng năm đó tại Worms. Bản dịch Thánh Kinh của Tyndale đã tạo được một tiếng vang bao la, và chính cũng bởi sự nghiệp này đã làm cho ông được mệnh danh là "cha đẻ của bản Thánh Kinh Anh ngữ". Có thể nói mỗi bản Thánh Kinh Anh văn cho tới thế kỷ này đơn giản do công tiên phong của Tyndale. Có chừng 90% từ ngữ ông dùng đã có mặt trong bản King James nổi tiếng; và có 75% có ở bản Revised Standard Version. Tyndale cũng đã dịch nhiều sách của Cựu Ước, bao gồm Ngũ Kinh. Nhưng ông tỏ ra bất lực để hoàn thành bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước vì ông bị phản bội và bị bắt ở gần Brussel về việc phát hành Thánh Kinh năm 1523 ở Cologne và năm 1526 ở Worms; ông chịu tống lao ở Vilvorde năm 1535 vì tội "dám phiên dịch và xuất bản Thánh Kinh". Rồi cũng bởi tội này ông bị tử hình thắt cổ chết và xác bị thiêu trên giàn hỏa - sau khi nói mấy lời cuối cùng: "Hỡi Đức Chúa Trời, xin mở mắt vua nước Anh!".

Về tư tưởng thần học của Tyndale thì quá rõ ràng bày tỏ niềm tin của ông đã thấm nhuần ý kiến Cải chánh rồi. Ông tin quyết nơi uy quyền tuyệt đối của Thánh Kinh: Người ta được xưng công bình bởi đức tin. Đối với Tiệc Thánh ông chấp nhận đường lối của Zwingli. Ngoài Tân Ước, về Cựu Ước ông còn dịch Ngũ Kinh (1530), Giô-na (1531), Giô-suê, Sử-ký thứ II (chưa in). Đức Chúa Trời ban cho ông ân tứ thông thạo hai cổ văn chính là Hi-bá-lai và Hy-lạp nên ông dịch thẳng từ nguyên văn sang Anh ngữ mà không qua một bản dịch trung gian nào.

William Tyndale về Nước Chúa ngày 6-10-1536.