- Chuyên mục: Danh Nhân Cơ Đốc
TƯƠI, LÊ ĐÌNH
(1902-1943)
Cụ Mục sư Phạm Xuân Tín trong tác phẩm "Đời tận tụy" - nói về các Mục sư và các Giáo sĩ ngoài nước đã dày công xây dựng và nổ lực phát triển, lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành Việt Nam - đã gọi cố Mục sư Lê Đình Tươi là một "Ghi-đê-ôn của Việt Nam". Đọc tiểu sử ông sẽ trả lời cho nghi vấn đó:
Ông Lê Đình Tươi sanh năm 1902, trong một gia đình khá giả tại tỉnh Cần Thơ. Hồi còn đi học, ông Tươi là một học sinh siêng năng, chăm chỉ; lại là một con trai chí hiếu với cha mẹ trong gia đình. Tánh tình ông vui vẻ, nhưng rất thẳng thắn và nóng nảy. Đặc biệt ông đã hết lòng mà bênh vực cho nền đạo lý gia phong cổ truyền. Bởi có óc "tồn cổ" như vậy, nên khi nghe có người giảng Đạo Tin Lành đến tại thành phố Tây Đô này, ông Tươi đã tò mò tìm đến để dự thính. Tự nhiên là ông đâu chỉ nghe không, mà sau các cuộc rao báo Tin Lành, các Mục sư thường dành thì giờ để tiếp xúc và giải đáp cho ai muốn tìm hiểu thêm được tự do chất vấn, thảo luận. Chụp lấy dịp tiện đó, ông đã đem hết vốn liếng hiểu biết của mình về đạo Khổng Mạnh tích lũy lâu nay ra để biện bác và công kích các nhà truyền giáo. Lúc nào ông Tươi cũng tự cho mình là một người uyên bác, học hết chữ nghĩa đạo lý thánh hiền, cho nên có lắm cuộc tranh biện gay cấn, sôi nổi diễn ra vang vọng xóm làng là điều ai cũng thấy.
Năm 1922, ông Tươi học hết bậc Trung học, và ra làm thư ký tàu bố. Là một công chức "sớm vác ô đi tối vác về", cuộc sống ông kể cũng nhàn hạ. Nhưng tận thân tâm của con người biết trọng đạo lý và khắc khoải với lẽ nhân sinh này - chẳng bao giờ được thỏa mãn. Ông Tươi cảm thấy như chưa sở hữu được một bửu vật gì quý giá nhất mà tiền tài danh vọng không mang lại được.
Rồi một ngày, có hai thanh niên bà con với ông Tươi đến thăm và thông báo cho ông biết là họ đã trở nên tín đồ của Chúa Giê-xu rồi! Ngạc nhiên và tức giận, ông liều một cú chót hết sức tìm đủ lý lẽ luận chứng để tranh cãi hơn thua với hai người này cho ra lẽ. Nhưng hai tín hữu Cơ Đốc tân tòng kia, bởi quyền phép Thánh Linh đã kiên nhẫn, mềm mại lấy lời Đức Chúa Trời giảng giải cặn kẽ Chân lý sáng tỏ của Tin Lành cho ông. Trước lý luận khúc chiết và chứng cớ hiển nhiên của Đạo Cứu Rỗi mà họ đưa ra, ông Tươi đành thúc thủ, hàng phục. Cũng nội nhật ngày hôm đó, ông đã chịu hạ mình quỳ gối ăn năn tội, tiếp rước Christ Giê-xu vào lòng, làm Chúa và Cứu Chúa đời sống mình. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã chạm đến tâm linh người trẻ tuổi này. Một đời sống được biến tạo từ đây. Ma quỉ buộc phải xóa đi một thành viên cốt cán trong danh sách của nó. Một sự vui mừng vô hạn tràn ngập lòng ông. Những gì yêu thích lâu nay như đời sống xa hoa, ăn chơi hết tiền, tốn sức theo dục vọng, thì giờ đây ông cảm thấy như những thức ăn thừa mứa, tởm gớm. Đổi lại, những gì trước kia ông công kích ghét bỏ thì nay lại yêu thích, trân trọng bấy nhiêu. Điểm nổi bật mà ông Lê Đình Tươi được ví sánh với thanh niên thánh Ghi-đê-ôn là đây: Sau những giờ phút thiêng liêng tìm và gặp được Đấng Chân Thần, ông đứng dậy ra về vâng theo nghiêm lệnh của Chúa, một mình ngang nhiên phá đổ bàn thờ ông thiên của gia đình ông!
Lại một thách thức gay go đến với ông Tươi chẳng bao lâu sau khi trở lại với Chúa: Có thể nào lìa bỏ địa vị, tiền tài, vật chất của đời mà dấn thân phiêu lưu vào con đường nghèo khó, nhọc nhằn của người Truyền Đạo theo như khải tượng Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho ông không? Nhiều ngày đêm ông lưỡng lự và thoái thác. Nhưng sau cùng tiếng gọi của Chúa đã chiếm ưu thế. Ông Tươi đã đi bước dứt điểm dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Chúa, tình nguyện làm công bộc thuộc linh trong Nhà Ngài mà không tính thiệt hơn. Sau 5 năm vừa học lý thuyết vừa thực tập ở Thánh Kinh Học Đường Đà nẵng, ông Tươi đã tốt nghiệp trong vinh dự vào năm 1928. Cùng năm đó ông được thọ phong Thánh chức Mục sư.
Là đầy tớ được Đức Chúa Trời tuyển trạch, kêu gọi, huấn luyện, Mục sư trẻ Lê Đình Tươi rất nhiệt thành dốc đổ hết tâm lực với Thiên chức; chăm sóc từng tín hữu, sửa soạn thức ăn thuộc linh bổ dưỡng để nuôi bầy chiên, năng nổ rao truyền ân phúc cứu độ của Chúa cứu tội nhân. Ông Mục sư Tươi cũng tất bật hiệp lực với các Giáo sĩ cổ động tài chánh, công sức để xây cất giáo đường nguy nga, đồ sộ nhất nhì ở Việt Nam tại Sài gòn thời kỳ ấy (Nhà thờ cũ ở 155 Trần Hưng Đạo, Quận I).
Năm 1933, ông Mục sư Lê Đình Tươi đắc cử chức vụ Hội Trưởng Giáo hội Tin lành Việt Nam. Những người có dịp quen biết và được đồng công cộng tác với ông cho biết, ông Mục sư Tươi rất xứng đáng làm nhà lãnh đạo của Hội Thánh Việt Nam. Ông là người nhu mì nhưng nghiêm trang, có ý chí cương quyết song rất nhân từ, ngay thẳng trong trách vụ. Dầu rất bận rộn với công việc hành chánh của Giáo hội, song ông không quên đi từ Nam chí Bắc để thăm viếng các Giáo Hạt và các Chi Hội. Luôn ra đi với lòng bùng cháy vượt năng lực mình; đem Lời Chúa gây tinh thần hào hứng, sức bật thuộc linh cho mọi giới tín giáo cũng như đem Phúc Âm chân thật của Chúa cứu vớt tội nhân. Ông kiên trụ vững vàng tin cậy Chúa và tận tâm sức nhờ ơn Chúa mà bình tĩnh đối phó với mọi tình huống mà sóng to gió lớn thời bấy giờ muốn nhận chìm "con thuyền Hội Thánh". Hội Thánh Chúa chung ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông ngày càng trưởng tiến trông thấy; bởi đó ông được tái cử vào chức vụ Hội trưởng 5 nhiệm kỳ (10 năm) liên tiếp!
Mục sư Lê Đình Tươi cũng khá quan tâm để mắt vào công tác truyền giáo cho vô số đồng bào các sắc dân ít người trên các miền núi cao. Thời điểm của những năm 1930, Hội Thánh Tin Lành còn khá măng trẻ (mới trên 20 năm) nhân số các Mục sư, Truyền đạo rất ít; Mục sư Tươi phải vừa chủ tọa Hội Thánh tại Sài gòn vừa đảm đương chức vụ Hội trưởng Tổng Liên Hội nặng nề, mệt nhọc. Nhưng ông cũng đã lập thời khóa biểu hợp lý đến tham quan tình hình các khu vực truyền giáo thượng du để động viên, khích lệ các bạn đồng lao ở các vùng xa vùng cao, đồng thời hiệp tác làm chứng, giảng truyền Tin Lành cho nhân dân nhiều chi phái. Mục sư Lê Đình Tươi cũng nhận được tài năng thi ca, thơ phú nên ông đã đặt lời cho nhiều bài Thánh ca (Thánh ca Việt Nam các số 70, 100, 164, 270, 301) và nhất là mỗi khi hát lên bài 361 "Ai lên Thượng du cứu này" tín hữu nào cũng xúc động - vì nội dung của nó là nhằm kêu gọi thúc hối tôi con Chúa mau đem Tin Lành cứu nguy vô số các sắc dân trên núi rừng Việt Nam:
"Đồng bào thiểu số ở nơi non xanh,
Cùng một huyết tánh khác chi tôi, anh,
Sống dưới bóng tối, tương lai u minh
Quanh quẩn rừng núi mưu sinh..."
Nhất là những lời lẽ được nhắc đi nhắc lại ở điệp khúc:
"Ai lên Thượng Du cứu này,
Bao linh hồn đang đắm say,
Nửa sống nửa chết khổ đau hằng ngày
Ta nỡ ngồi đó - khoanh tay"
Giữa lúc nhiệm vụ ông đang nở rộ nhiều bông trái rất được mùa, và cũng khiến cho nhiều tấm lòng được phấn khích, ơn phước; cũng là thời điểm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam vừa được tin nhà nước lúc đó công nhận tư cách pháp nhân chính thức, thì bỗng nhiên ông Mục sư Lê Đình Tươi bị đột quỵ vì tai biến mạch máu não, bán thân bất toại, buộc ông phải rời bỏ chức vụ trở về quê điều trị. Nhưng đẹp ý Chúa đến ngày 28-1-1943 ông được Chúa gọi về Nhà Ngài trên trời. Được tin ông qua đời, ai nấy đều sửng sốt và thương tiếc một đầy tớ kén chọn của Đức Chúa Trời đã đem hết sức lực tài ba, với lòng thủy chung như nhất ra mà phục vụ Chúa và đồng bào đồng loại.
Cố Mục sư Lê Đình Tươi kính mến là vị Hội Trưởng thứ tư của Giáo hội Tin Lành Việt Nam.