TUDOR, MARY

(1516-1625)

Khi đang biên soạn tập tự điển nhỏ mọn này, lần theo các trang lịch sử Giáo hội Cải chánh ở Anh quốc, tôi thấy có lắm công bộc thuộc linh tài ba lỗi lạc, đạo đức khiêm hòa, nhưng đã chịu lắm nổi oan chướng hoặc khổ hình bỏ mạng vì Đạo Chúa dưới đời Mary Tudor, nữ hoàng nước Anh. Vậy bà này là ai? Tại sao bà thù ghét Cơ Đốc giáo Cải chánh đến như vậy?

Mary say máu tên thật là Mary Tudor, con gái của vua Anh là Henry VIII và bà Catherine Arragon. Bà Tudor làm nữ hoàng nước Anh từ năm 1553 đến 1558, và là vợ của Philip II của Tây Ban Nha.

Khi vua Edward băng hà thì Jane Grey, là cháu gái của vua cha được sắp đặt kế vị, nhưng nhân dân bạo động chống đối. Cầm lấy thời cơ đó đảng chánh trị phe La mã giáo cướp chánh quyền. Tháng 5 năm 1553 đảng này đưa Mary Tudor lên ngôi.

Tự nhiên, là người do La mã giáo đặt lên, nên bà có thiện cảm với Giáo hội này là lẽ không khó hiểu; và bà có một thâm ý là đem Anh quốc trở lại quỹ đạo của La mã hội. Vì đa số dân lúc bấy giờ có thói "sính những hào nhoáng của nghi thức La mã" nên Giáo hội La mã có thừa thực lực để biến ý đồ ấy thành hiện thực! Dầu không thể chối cải rằng cuộc Cải chánh phát triển mạnh, nhưng chưa đâm sâu vào lòng dân chúng xét về đa số. Mary khát máu chỉ trị vì 5 năm, nhưng bà đã biến nước Anh thành ra "địa ngục trần gian"; bà đã làm đổ máu nhiều bậc thánh đồ khả kính. Bà thù hiềm vì mẹ bà là Catherine Arragon đã bị Henry VIII thất sủng, trong đó có sự bày mưu của Cranmer, Tổng Giám Mục theo phía Cải chánh. Một điều nữa là bà bị phế lập, không cho lên nối ngôi ngay sau khi Edward băng hà theo di chúc của Henry VII. Thế là bao nhiêu sự cuồng giận bà đổ hết lên Giáo hội Cải chánh! Nhất là hàng giáo phẩm từ cao xuống thấp đều lãnh đủ! Bà Mary Tudor này thật là "Bà đầm thép" của thời Trung cổ ở Anh. Rất quả cảm, muốn cái gì là cương quyết làm cho bằng được mặc cho bất cứ là chướng ngại nào. Chỉ sau vài tháng cầm quyền, thì bà đã tái dựng địa vị uy quyền của Giáo hoàng La mã tại nước Anh. Bà bủa những mẻ lưới hủy diệt tàn khốc xuống Cải chánh giáo; cho nên các ngoại kiều theo Cải chánh, các lãnh tụ Cải chánh đều tìm đường trốn lánh vào lục địa Âu châu, như Zurich, Brussel, Strasburg, Reidelberg, Franfort,... Là những trung tâm Cải chánh thời ấy. Mary I bắt tất thảy nhân dân phải theo La mã giáo. Bà thường dự lễ Misa tại Nhà thờ riêng của mình. Những vị Giám mục, Linh mục Công giáo bị bãi chức trong thời Edward như Stephen Gardiner ở Wenchester... thì nay được phục chức. Bà trở lại bình thường hóa quan hệ với La mã tòa. Nghiêm cấm việc lưu hành sử dụng tập "kinh cầu nguyện" (Kinh Đào) do Cải chánh soạn và phổ biến. Tuyệt cấm các cấp giáo phẩm lập gia đình, loại bỏ bàn Tiệc Thánh, xóa hẳn những nghi lễ thờ phượng do Cải chánh thiết đặt. Mặc dầu Tổng Giám Mục Gardiner rất được bà trọng dụng nể vì, nhưng bà cũng chẳng coi ông có ký lô nào khi tự kết hôn với Philip II của Tây Ban Nha. Bà đã thuận cho Regenald Pole làm sứ thần Giáo hoàng tại triều đình Anh. Philip II, Mary say huyết cùng toàn thể quốc hội Anh phủ phục trước mặt sứ thần Regenald Pole khi ông này làm lễ giải tội. Nghị viện liền hủy bỏ quyền tối thượng của vua, không còn xem vua là nguyên thủ của Giáo hội Anh nữa.

Mary đổ huyết đùng đùng sát khí đối với Giáo hội Cải chánh vì thấy rằng việc làm mình bị thù ghét khắp nơi; bà nghi ngờ cho rằng những sự việc trái khoáy diễn ra là do chính Giáo hội này giật dây đằng sau! Rất đông Cơ Đốc đồ lãnh án tử chém đầu hay thiêu sống khi bị tình nghi. Hàng Cải chánh hữu bị thiệt mạng bất cứ cách nào, tài sản họ bị tịch biên, bản án nhẹ nhất là tù đày. Các nhà lãnh đạo Cải chánh tuyền là những học giả uyên thâm, lỗi lạc, đức độ hoặc là những Thần học gia xuất sắc... không cứ là ai đều bị công an của bà theo dõi ráo riết! Nhưng có một điểm cần nêu bật ở đây: Hễ có giáo đồ Cải chánh nào bị tử hình thì có hàng ngàn tín đồ La mã giáo công khai xưng nhận đức tin mình theo Cải chánh khi họ chứng kiến lòng can đảm, hy sinh quên mình của những người thiết tha yêu Chúa, thật khít khao với lời Giáo phụ Tertullian (160-220 SC) đã nói: "Những giọt máu của kẻ tuận đạo là những hạt giống tốt gieo xuống đất làm cho đạo càng thêm nẩy nở và phát triển!".

Từ năm 1553-1558, tức là 5 năm chìm ngập trong chế độ cai trị "hỏa lò" của Mary say máu, người ta tính có chừng 300 tín đồ chịu chết vì Chúa. Trong đó có các tên tuổi lừng danh như John Hooper, John Rogers, Laurence, Saunders, Rowland Taylor, Nicolas Ridley, Hugh Latimer, Robert Ferrar, Thomas Cramer... Bởi vậy chẳng có ai lấy làm lạ, ngạc nhiên gì sau thời kỳ Cải chánh giáo Anh hứng chịu ngục tù của thời đại Mary hiếu huyết, thì Giáo hội này lật sang những trang sử vàng vẻ vang, chói lọi; bùng nổ về số lượng, tăng cường chất lượng, quy vinh Danh Chúa!

Mary I, dầu chỉ mới 47 tuổi, nhưng những ngày cuối đời bà đã vật vã, bệnh hoạn cực kỳ đau đớn, nhất là bệnh thủy thủng. Bà qua đời trong nỗi khốn khổ tinh thần và thể xác cùng tột, chẳng có ai đổ một giọt nước mắt nào thương tiếc. Ngay trong ngày hôm đó (17-11-1558) Regenald Pole, Tổng Giám Mục một thời tạo sóng chuyển gió cũng hết đời ông ta! Và hệ thống La mã giáo ở nước Anh cũng "cuốn theo chiều gió" của hai người ấy mà ngã đổ tan tành. Chẳng những tập thể tín hữu Cải chánh vui mừng cảm tạ Đức Chúa Trời, mà dân chúng Anh cũng thở phào nhẹ nhõm khi hay tin bà Mary Tudor chết đi!

Dầu có chừng 300 tín đồ Chúa hy sinh vì "tội" theo đuổi tự do tín ngưỡng, song cũng nhờ đó mà sau này Anh quốc đã phá tung xiềng xích kỳ thị tôn giáo; và đã trở thành pháo đài bảo vệ quyền tự do tôn giáo, là một trong những "quyền con người" căn bản.