TRAJAN

(?-117)

Sau khi Nerva qua đời, người con nuôi của ông là Trajan lên ngôi kế vị. Trajan quê ở Tây Ban Nha, là một chiến sĩ khá chuyên nghiệp và rất hăng hái, can đảm. Ông đã xua quân chiếm đóng Dacia, xâm lăng Armenia, A-sy-ri, Mesopotamie. Ông phá tan cuộc nổi dậy của người Y-sơ-ra-ên năm 115 SC. Nhưng tại Phi châu lại có nhiều cuộc phản loạn khác nổ ra; ở Anh quốc và ở biên giới Danube cũng vậy. Trên đường tả xung hữu đột trở về, thình lình ông chết bí mật tại Si-li-si năm 117 SC.

Cũng bởi Trajan quá ư bận rộn với các cuộc chinh Đông phạt Tây để mở rộng biên cương và củng cố ngai vàng của mình, nên không ai dám quyết ông ta là kẻ tốt hoặc xấu bụng đối với Giáo hội Cơ Đốc và tín nhân Hội này? Theo lời ký thuật của các nhà chép sử, thì không biết có phải là chính ông hoặc bộ hạ dưới quyền đã tự ý mà Hội Thánh Chúa trải qua giai đoạn đầy máu và nước mắt đương triều vua này?

Giáo phụ Tertullian đã nghiêm khắc chỉ trích huấn lệnh của Trajan gởi cho Pliny về sự tố cáo và bắt bớ Cơ Đốc đồ, buộc họ phải thờ lạy hoàng đế.

Melito ở Sardi, là nhà biện minh Cơ Đốc đầu tiên đã viết bài bênh vực Cơ Đốc giáo gởi lên vua Marcus Aurelius, kể cả Trajan là hoàng đế tương đối tốt, bảo vệ Hội Thánh. Cũng cần biết thêm, các nhà thân oan hay biện minh Cơ Đốc giáo cho rằng các hoàng đế xấu là kẻ bách hại Hội Thánh, còn các ông tốt thì tỏ lòng bao dung Cơ Đốc nhân. Trong đời Trajan, Pliny em làm tổng trấn Bithinia có viết thư hỏi Trajan phải đối xử với Cơ Đốc đồ thế nào? Vì trong xứ ông, tín đồ của Chúa Giê-xu rất nhiều mà chùa miếu ngoại giáo chẳng ai đến hương khói. Trajan liền phúc đáp: Đừng vội xét xử lên án ai chỉ vì những thư nặc danh mà phải có bằng cớ xác đáng. Nói thế nhưng cũng trong thời gian này, có Si-mê-ôn bà con với Chúa Giê-xu và vị Giám mục Hội Thánh Giê-ru-sa-lem đã tuận đạo bằng lối đóng đinh, mặc dù ông này đã 120 tuổi! Gạt ra ngoài ý kiến của Trajan, Pliny cũng đã làm chảy máu nhiều thánh đồ trung kiên vì những bức thư tố cáo vu khống vô chủ. Còn những tín nhân nào có quốc tịch La mã thì cho dẫn độ về thủ đô để ứng hầu trước mặt hoàng đế!

Cũng thời điểm đó có Ignatius, một học trò của Sứ đồ Giăng đã chết vì Chúa. Lúc bấy giờ Trajan đang chuẩn bị tiến quân sang Đông phương trừng phạt các cuộc bạo động nổi loạn của dân Y-sơ-ra-ên. Thật ra chính Trajan cũng chưa phân biệt thế nào là sự khác biệt giữa Do Thái Giáo và Cơ Đốc giáo? Ông rất tức giận nên cố tình lăng nhục Ignatius cho bỏ ghét! Vì chính ông ta cũng cho phép xử tử Si-mê-ôn, Giám mục thứ hai của Giê-ru-sa-lem. Si-mê-ôn này là con trai của Clopes.