MỤC LỤC
F1. SỰ CHUẨN NHẬN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Được Đức Chúa Trời tiếp nhận là một việc nhưng được Ngài CÔNG NHẬN lại là một việc khác.
Sách Khải Huyền nói về sự đắc thắng khải hoàn của Chiên Con Đức Chúa Trời. Sách này cho chúng ta biết Chiên Con có một đạo quân môn đồ và Ngài đánh trận và chiến thắng qua họ. Các môn đồ này là những người (1) được gọi, (2) được chọn và (3) trung tín.
"Chiên Con là Chúa của các chúa, Vua của các vua, và những kẻ được gọi, những kẻ được chọn cùng những kẻ trung tín đều ở với Chiên Con " (Khải 17:14).
Có nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn, và người trung tín thì còn ít hơn nữa. Sách Khải Huyền có mười lần nói rằng người trung tín là người đắc thắng. Họ là những môn đồ của Chúa Jêsus, là những người không những được Đức Chúa Trời tiếp nhận nhưng cũng được Ngài thử nghiệm qua nhiều hoàn cảnh và được Ngài công nhận.
Khi Chúa Jêsus còn ở trên đất, có nhiều người đã tin Ngài nhưng Ngài đã không phó mình cho tất cả những người đó.
Nhóm người thứ nhất theo Ngài là đoàn dân đông. "Có nhiều đoàn dân đông theo Ngài. .." (Mat 19:2). Sau đó Kinh Thánh chép về nhóm người này rằng "Từ lúc ấy có nhiều môn đồ Ngài trở lại, không theo Ngài nữa " (Giăng 6:66).
Nhóm người thứ hai ít hơn. Trong nhóm này có bảy mươi người nhận một chức vụ đặc biệt là đi đến bảy mươi dân tộc ngoại bang (xem Sáng thế ký đoạn 10).
"Kế đó, Chúa chọn bảy mươi môn đồ khác " (Lu 10:1).
Nhóm thứ ba gồm có mười hai người:
"Trong lúc đó, Đức Chúa Jêsus lên núi cầu nguyện, và thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời. Đến sáng ngày, Ngài đòi môn đồ đến và chọn mười hai người, gọi là sứ đồ " (6:12, 13).
Từ mười hai người này, Ngài chọn nhóm người thứ tư, gồm có ba người: "Khỏi sáu ngày, Đức Chúa Jêsus đem Phierơ, Giacơ và Giăng là em Giacơ, cùng Ngài đi tẻ lên núi cao. Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng " (Mat 17:1, 2).
Nhóm ba người này là những người đã được "chính mắt ngó thấy sự oai nghiêm Ngài " (IIPhi 1:16).
Ba người này đại diện cho những ai đã cố "giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ " (Phil 3:14).
Ba người này giống như những người đắc thắng, là những người đã nhận được phần thưởng là sự công nhận của Đức Chúa Trời.
Là những người đang theo Chúa Jêsus, có nhiều người không đủ phẩm chất để được vào vòng trong cùng này. "Đương lúc Ngài ở thành Giêrusalem để giữ lễ Vượt Qua, có nhiều người thấy phép lạ Ngài làm, thì tin danh Ngài. Nhưng Đức Chúa Jêsus chẳng phó thác mình cho họ, vì Ngài nhận biết mọi người " (Giăng 2:23, 24).
Chúa Jêsus biết phần đông những người tin Ngài đều có những lý do ích kỷ. Họ đến với Ngài để có những phước hạnh cho cá nhân họ. Tội lỗi của họ đã được tha nhưng họ chẳng bao giờ khao khát trở thành người đắc thắng.
Để trở thành một người đắc thắng, người đó phải ước ao từ bỏ việc tìm kiếm lợi riêng cho mình bất chấp có làm tổn hại đến người khác không.
Khi Ghêđêôn tập trung một đạo quân để đánh trận với các kẻ thù của dân Ysơraên, ông có ba mươi hai ngàn (32.000) người. Nhưng Đức Chúa Trời biết rằng không phải hết thảy những người đó đều hết lòng. Vì vậy Đức Chúa Trời đã giảm số lượng của họ xuống. Trước hết, những người nhác sợ đều phải trở về nhà.
Nhưng vẫn còn mười ngàn (10.000) người. Những người này đều được đưa xuống một con sông để thử nghiệm. Chỉ có ba trăm (300) người qua được cuộc thử nghiệm và được Đức Chúa Trời công nhận (Quan 7:1-8).
Đức Chúa Trời dùng cách uống nước sông làm dịu cơn khát của mười ngàn người này để xem ai là người có đủ phẩm chất ở trong đội quân của Ghêđêôn. Hầu như không ai biết là họ đang được thử nghiệm.
Trong khi quì xuống để uống nước cho đã khát, chín ngàn bảy trăm (9.700) người trong số đó đã mất cảnh giác với kẻ thù của họ. Chỉ còn ba trăm (300) người đứng, bụm nước uống và cảnh giác.
Chính trong những điều bình thường của cuộc sống là điều Đức Chúa Trời đã thử nghiệm chúng ta. Đó là thái độ của chúng ta đối với tiền bạc, sự thỏa mãn, sự khen ngợi và sự tôn trọng trên thế gian này, tiện nghi trần tục v.v... Cũng giống như đạo quân của Ghêđêôn, khi Đức Chúa Trời cho phép hoàn cảnh đến với chúng ta, chúng ta đã không biết rằng Đức Chúa Trời đang thử nghiệm chúng ta để xem chúng ta phản ứng như thế nào.
Chúa Jêsus cảnh báo chúng ta đừng để những mối lo âu của thế gian này đè nặng.
Ngài phán: "Vậy hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng đời này làm cho lòng các ngươi mê mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới bủa " (Lu 21:34).
Phaolô đã khuyên các Cơ đốc nhân ở Côrinhtô rằng: "Hỡi anh em, vậy thì tôi bảo nầy: thì giờ ngắn ngủi. Từ rày về sau, kẻ có vợ hãy nên như kẻ không có, kẻ đương khóc, nên như kẻ không khóc, kẻ đương vui nên như kẻ chẳng vui, kẻ đương mua nên như kẻ chẳng được của gì, và kẻ dùng của thế gian nên như kẻ chẳng dùng vậy, vì hình trạng thế gian này qua đi. ..
Tôi nói điều đó vì sự ích lợi cho anh em hầu cho không phân tâm mà hầu việc Chúa " (ICôr 7:29-35).
Chúng ta không được để bất kỳ điều gì của thế gian này làm chúng ta bị phân tâm về sự tận hiến hoàn toàn cho Chúa. Những điều hợp lý của thế gian này là cái bẫy còn lớn hơn cả những điều tội lỗi, bởi vì những điều hợp lý trông có vẻ vô tội và vô hại!
Chúng ta có thể làm dịu cơn khát của mình nhưng chúng ta phải bụm nước để uống và phải cảnh giác sự tấn công bất ngờ của kẻ thù. Tâm trí của chúng ta lúc nào cũng phải nghĩ đến cuộc chiến mà Chúa giao chứ không phải bận tâm đến sự đói, khát và ham muốn.
Nếu chúng ta muốn làm những môn đồ của Chúa Jêsus, chúng ta phải từ bỏ tất cả và sẵn sàng chịu đựng những khó khăn (IITi 2:3)
Giống như sợi dây thun bị căng ra, tâm trí chúng ta có thể quan tâm đến những điều thuộc về đất này vào lúc rất cần thiết, nhưng một khi những điều đó đã được giải quyết rồi, thì giống như sợi dây thun được trả lại vị trí cũ, tâm trí chúng ta lại hướng đến những điều thuộc về Chúa và cõi đời đời.
Đó là ý nghĩa của câu "Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất " (Cô 3:2).
Tuy nhiên, đối với nhiều tín đồ, sợi dây thun của họ lại hoạt động theo cách khác. Tâm trí của họ bây giờ bị căng ra và nghĩ đến những việc đời và khi được nới lõng thì trở lại trạng thái bình thường, tức là bị những việc thuộc về thế gian này chiếm hữu.
Phaolô khuyên Timôthê rằng: "Khi một người đi ra trận, thì chẳng còn lấy việc đời lụy mình, làm vậy đặng đẹp lòng kẻ chiêu mộ mình " (IITi 2:4). Phaolô không nói với Timôthê về vấn đề làm thế nào để được cứu nhưng ông đang nói làm thế nào để làm Chúa hài lòng như một người lính giỏi trong đội quân của Đức Chúa Trời.
"Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời " (2:15).
Timôthê đã được Đức Chúa Trời tiếp nhận rồi. Bây giờ ông cần phải chuyên tâm để được Đức Chúa Trời công nhận.
Chính Phaolô được Đấng Christ đặt vào trong chức vụ Cơ đốc bởi vì ông đã được Đức Chúa Trời công nhận.
Ông nói: "Ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta, là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta, về sự Ngài đã xét ta là trung thành, hiệp ta làm kẻ giúp việc " (ITi 1:12).
Phaolô ở trong số những người được gọi, được chọn và TRUNG TÍN, vì vậy ông mong rằng Timôthê cũng ở trong số người đó.
Nhưng trước khi được công nhận, Phaolô đã được thử nghiệm. Chúng ta cũng đang được thử nghiệm.
Đức Chúa Trời chẳng bao giờ phó chính Ngài cho ai trước khi phải thử nghiệm người đó.
Trong Kinh Thánh có ghi lại sự thử nghiệm của Chúa trên nhiều người, một số được công nhận và một số bị từ bỏ. Đó là những điều rất có giá trị với chúng ta vì những điều ấy được ghi lại để dạy dỗ chúng ta.
Trong Tân Ước , chúng ta đọc thấy có một Đấng mà Đức Chúa Trời rất đẹp lòng và có một số người Đức Chúa Trời không đẹp lòng. Thật thú vị khi nghiên cứu về điều tương phản này.
Trong số sáu trăm ngàn người lính Ysơraên (Dân 1:46) đã bị hủy diệt trong sa mạc vì cớ vô tín, Kinh Thánh đã chép rằng: "Song phần nhiều trong họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời " (ICôr 10:5).
Những người Ysơraên này đã được chuộc ra khỏi Ai Cập do huyết của con chiên (hình bóng về sự cứu chuộc bởi Đấng Christ), họ đã được báptêm trong Biển Đỏ và dưới đám mây (hình bóng về sự báptêm bằng nước và bằng Thánh Linh) (10:2). Nhưng Đức Chúa Trời không hài lòng về họ.
Tuy nhiên Đức Chúa Trời rất tốt đối với họ. Ngài đã cung cấp cho họ tất cả những nhu cầu về vật chất và thể chất cách siêu nhiên. "Trong bốn mươi năm này, áo xống ngươi không hư mòn, chơn ngươi chẳng phù lên " Môise đã nói với họ vào lúc cuối cùng của bốn mươi năm lưu lạc trong đồng vắng (Phục 8:4).
Đức Chúa Trời cũng chữa lành tất cả các tật bệnh của họ. Kinh Thánh chép: "Chẳng có ai trong họ bị bệnh tật hay yếu mòn cả " (Thi 105:37 bản Living Stone)
Đức Chúa Trời làm nhiều phép lạ cho họ. Thật vậy không có một dân tộc nào trong lịch sử thế giới lại chứng kiến nhiều phép lạ như dân Ysơraên vô tín là những kẻ mà "Đức Chúa Trời phải giận trong bốn mươi năm " (Hêb 13:17).
Điều này dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời cũng đáp lời cầu nguyện của những tín đồ xác thịt và Ngài cũng cung cấp cho họ những nhu cầu thuộc về đất một cách siêu nhiên nếu cần thiết.
Điều này chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời làm phép lạ cho chúng ta trong khi thuộc linh của chúng ta chẳng ra sao cả. Điều này chứng tỏ Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời nhân từ. Ngài đã cho mặt trời chiếu sáng cho người công bình cũng như người bất nghĩa!
Chúa Jêsus cũng cảnh báo chúng ta rằng trong ngày phán xét cuối cùng, nhiều người đã nhơn danh Ngài làm nhiều phép lạ sẽ bị từ bỏ và xem là không đủ phẩm chất vì họ đã sống trong tội lỗi.
Ngài phán: "Ngày đó sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? Nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác kia, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta " (Mat 7:22, 23).
Rõ ràng Ngài đang nói đến những người rao giảng và những người đã nhơn danh Ngài mà chữa lành và làm nhiều phép lạ. Theo lời của Chúa Jêsus phán trong câu này, rõ ràng là có NHIỀU người trong số này (không phải chỉ có một vài người, cũng không phải là tất cả, nhưng có nhiều người) đã làm những phép lạ kỳ diệu nhưng chính đời sống cá nhân, ý tưởng và thái độ của họ đã không được giải cứu khỏi tội lỗi. Nếu điều này không được vạch trần sớm thì cũng sẽ bị phơi ra trước Ngôi đoán xét của Đấng Christ.
Việc làm các phép lạ, tự nó không chứng tỏ rằng một người nào đó được Đức Chúa Trời công nhận. Chúng ta có hiểu điều này không? Nếu không chúng ta sẽ bị lừa dối.
Trái ngược với dân Ysơraên trong Cựu Ước là những người không được Đức Chúa Trời hài lòng, thì trong Tân Ước chúng ta thấy Chúa Jêsus là Đấng mà Đức Chúa Trời rất hài lòng.
Khi Chúa Jêsus được ba mươi tuổi, từ trên trời Đức Chúa Cha đã công khai phán với Ngài những lời như thế này: "Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng " (Mat 3:17). Điều này đã được phán trước khi Chúa Jêsus làm một phép lạ hay giảng một bài nào!
Thế thì điều bí mật gì trong bản thể Ngài được Đức Chúa Trời công nhận? Rõ ràng không phải là do chức vụ của Ngài bởi vì lúc ấy Ngài chưa công khai thi hành chức vụ. Ấy là vì cách sống của Ngài trong ba mươi năm.
Chúng ta được Đức Chúa Trời công nhận không phải căn cứ trên sự thành công của chức vụ chúng ta nhưng căn cứ trên sự trung tín qua những sự cám dỗ mà chúng ta phải đối diện trong cuộc sống hằng ngày.
Kinh Thánh chỉ cho chúng ta biết hai điều về ba mươi năm "yên lặng" của cuộc đời Chúa Jêsus (ngoại trừ sự kiện xảy ra ở đền thờ). Đó là: "Ngài cũng bị thử thách trong mọi việc giống như chúng ta nhưng không phạm tội " (Hêb 4:15) và "Đấng Christ cũng không làm cho đẹp lòng mình " (Rô 15:3).
Ngài đã trung tín chống lại mọi sự cám dỗ và cũng chẳng bao giờ tìm kiếm ước muốn, khát vọng hay ý riêng nào của Ngài trong bất cứ việc gì. Đây là điều làm cho Cha đẹp lòng.
Những thành công bên ngoài của chúng ta có thể gây ấn tượng tốt cho người thế gian và những tín đồ xác thịt, nhưng Đức Chúa Trời lại quan tâm đến phẩm chất của chúng ta hơn. Chính phẩm chất của chúng ta mới khiến cho Đức Chúa Trời công nhận chúng ta.
Vì vậy nếu chúng ta muốn biết Đức Chúa Trời nghĩ gì về chúng ta, chúng ta phải quyết tâm xóa bỏ khỏi ý tưởng mình những gì mà chúng ta đã làm trong chức vụ. Chúng ta phải tự đánh giá mình một cách trong sáng bằng thái độ của chúng ta đối với tội lỗi trong tư tưởng và xem mình là trung tâm trong hành động. Chỉ có điều đó là tiêu chuẩn chính xác để đánh giá tình trạng thuộc linh của chúng ta.
Do đó dù là một người có chức vụ chữa lành, đi rao giảng khắp thế giới hay là một người mẹ bận rộn chẳng hề rời khỏi gia đình cũng đều có cơ hội để nhận được sự công nhận của Đức Chúa Trời.
Ở tại ngôi phán xét của Đấng Christ, chúng ta sẽ thấy những kẻ đầu trong thế giới Cơ đốc ngày hôm nay lúc ấy sẽ trở nên rốt, và những người được xem là rốt ở trên đất này (vì họ không có chức vụ nổi tiếng) thì lúc ấy sẽ trở nên đầu.
Chúa Giêxu là gương mẫu cho chúng ta trong mọi sự. Đức Chúa Cha đã sắp xếp cho Chúa Jêsus sống ba mươi năm trên đất ở hai nơi, gia đình và nơi làm việc của Ngài (trại mộc).
Chính sự trung tín của Chúa Jêsus ở hai nơi này mà Đức Chúa Cha đã công nhận Ngài.
Đây là điều khích lệ lớn cho chúng ta vì tất cả chúng ta đều thường xuyên có mặt ở hai nơi này, gia đình và nơi làm việc. Và chính trong hai nơi này Đức Chúa Trời thường trắc nghiệm chúng ta nhất.
Gia đình của Chúa Jêsus là một gia đình nghèo. Giôsép và Mary nghèo đến nỗi không đủ tiền mua một con chiên để làm của lễ thiêu. Họ không được một nhà "rao giảng về sự thịnh vượng " người Mỹ nào dạy cho họ để được giàu có.
Luật pháp dạy rằng: "Nếu ngươi không thể lo cho có một con chiên con thì phải bắt hai chim cu, hoặc hai con bồ câu con. .." (Lê vi ký 12:8;). Trong Lu 12:24 chép rằng Giôsép và Mary đã làm theo luật pháp bằng cách "dâng một cặp chim cu, hoặc chim bồ câu con ".
Kinh Thánh chép về Chúa Jesus : "Vì anh em biết ơn Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo. .." (IICôr 8:9).
Ít nhất Chúa Jêsus cũng có bốn em trai và hai em gái. Mác 6:3 cho chúng ta thấy những người đồng hương với Ngài đã nói về Ngài rằng:
"Có phải người là thợ mộc, con trai Mary, anh em với Giacơ, Giôsê, Giuđa và Simôn chăng? Chị em người há chẳng ở giữa chúng ta đây ư?".
Chúng ta có thể hình dung được áp lực và sự tranh chiến mà Chúa Jêsus phải đối diện khi Ngài lớn lên trong gia đình nghèo nàn đó.
Hơn nữa, những em trai của Ngài đều là những người không tin Ngài. Kinh Thánh chép: "Bởi chưng chính các anh em Ngài không tin Ngài " (Giăng 7:5).
Chắc hẳn họ đã tìm nhiều cách nhiếc móc Ngài. Khi phải đối diện với áp lực của sự thử thách từ những người trong gia đình, Ngài cũng không có phòng riêng để mà được ở riêng.
Chắc hẳn là đã có sự cãi vã, tranh chấp, quở trách, vị kỷ trong nhà của Ngài (vì gia đình nào cũng như vậy cả).
Trong những hoàn cảnh như vậy, Chúa Jêsus đã bị cám dỗ trong mọi mặt như chúng ta, nhưng Ngài chẳng hề phạm tội dù chỉ một lần trong lời nói, hành động, tư tưởng, thái độ hay động cơ.
Nếu Chúa Jêsus đã đến trong một hình thể nào đó khác với chúng ta, trong một xác thịt nào đó để không thể bị cám dỗ thì việc Ngài sống thánh khiết trong những hoàn cảnh như vậy cũng không có gì là xuất sắc cả. Nhưng Ngài đã được làm nên giống như chúng ta trong mọi sự.
Lời của Đức Chúa Trời chép rằng: "Ngài PHẢI CHỊU LÀM giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín " (Hêb 2:17).
Ngài phải chịu áp lực của sự cám dỗ, thử thách như chúng ta. Điều này cho chúng ta một sự khích lệ lớn vào những lúc chúng ta chịu cám dỗ để chúng ta cũng có thể đắc thắng. Đây là điều Satan muốn cướp khỏi chúng ta bằng cách cố che giấu chúng ta một lẽ thật vinh hiển rằng Đấng Christ đến trong hình thể xác thịt như chúng ta và cũng chịu cám dỗ như chúng ta.
Là một người thợ mộc ở Naxarét, chắc hẳn Chúa Jêsus đã phải đối diện với những cám dỗ mà tất cả những người đi làm việc đều phải đối diện. Nhưng Ngài chẳng bao giờ lừa dối ai để bán điều gì. Ngài chẳng bao giờ đòi giá cao cho một sản phẩm nào và dầu phải trả giá đến đâu (hoặc mất mát đến đâu) thì Ngài cũng chẳng bao giờ bán rẻ sự công bình.
Ngài cũng không tranh cạnh với những thợ mộc khác ở Naxarét. Ngài chỉ làm việc để kiếm sống. Vì vậy qua việc buôn bán và nắm giữ tiền bạc (vì là thợ mộc), nên Chúa Jêsus cũng phải đối diện với tất cả sự cám dỗ như chúng ta phải đối diện trong lĩnh vực tiền bạc. Nhưng Ngài đã đắc thắng.
Chúa Jêsus đã sống trong sự thuận phục cha mẹ nuôi không trọn vẹn của Ngài trải qua nhiều năm. Hẳn điều này đã khơi dậy những hình thức cám dỗ bên trong (chẳng hạn như thái độ), nhưng Ngài cũng chẳng hề phạm tội.
Mary có mặt trong số những người ở trên phòng cao đang chờ đợi báptêm bằng Thánh Linh và lửa để được quyền năng và nên thánh (Công 1:14).
Thiếu quyền năng đó, có lẽ Giôsép và Mary đã to tiếng và cãi vã nhau như hầu hết các cặp vợ chồng đều mắc phải.
Dù rằng Chúa Jêsus đang sống trong sự đắc thắng trọn vẹn, Ngài cũng chẳng hề coi khinh họ. Nếu có điều đó, Ngài đã phạm tội. Ngài vẫn kính trọng họ mặc dù Ngài sống thánh khiết hơn họ rất nhiều. Ở đây chúng ta thấy sự khiêm nhường của Ngài đẹp đẽ biết bao.
Do đó chúng ta thấy trong suốt ba mươi năm ở Naxarét, Chúa Jêsus không sống một cuộc đời không có những biên cô. Ngài luôn sống trong cuộc chiến chống lại sự cám dỗ, một cuộc chiến mà cứ mỗi năm trôi qua cường độ của nó lại càng gia tăng.
Trước khi Ngài trở thành Cứu Chúa và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta, Đức Chúa Cha phải đưa vị Nguyên thủ của sự cứu rỗi chúng ta trải qua tất cả các sự cám dỗ mà một con người có thể trải qua.
Kinh Thánh chép: "Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà trở nên trọn lành, là phải lắm " (Hêb 2:10).
Còn có một vài sự cám dỗ nữa (chẳng hạn với những người đã từng có tiếng tăm trên cả nước...) mà Chúa Jêsus phải đối diện trong ba năm rưỡi cuối của cuộc đời Ngài trên đất. Nhưng tât cả những sự cám dỗ thông thường mà chúng ta phải đối diện ở gia đình và nơi làm việc thì Ngài đã trải qua và đắc thắng trong ba mươi năm đầu của cuộc đời Ngài. và Đức Chúa Cha đã phải cấp cho Chúa Jêsus "tờ công nhận" trong khi Ngài chịu báptêm.
Giá như mắt chúng ta được mở ra để thấy nền tảng mà Đức Chúa Trời công nhận chúng ta, thì điều đó sẽ cách mạng hóa toàn bộ đời sống chúng ta. Không còn ai trong chúng ta thèm muốn chức vụ đi khắp thế giới nữa. Ngược lại chúng ta lại ước mong được trung tín vào những lúc bị cám dỗ trong cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta phải cầu nguyện để được báptêm bằng lửa để tạo nên một phẩm chất được biến đổi cũng như cầu nguyện đê có quyền năng làm những phép lạ. Do đó tâm trí chúng ta phải được đổi mới để có những ưu tiên hàng đâu đúng đăn.
Chúng ta hãy được sự khích lệ trong điều này. Phần thưởng lớn nhất của Đức Chúa Trời và sự khen ngợi cao cả nhất của Ngài dành cho những ai đối diện sự với cám dỗ mà có cùng thái độ như Chúa Jêsus đã có. Thái độ của Chúa Giêxu là: "Ta thà chết còn hơn phạm tội hay không vâng lời Cha ta trong mọi sự ".
Đó là ý nghĩa của sự khích lệ trong Phil 2:5-8: "Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. .. Ngài đã vâng phục cho đến chết ".
Dù ân tứ, chức vụ, hoàn cảnh sống, giới tính hay tuổi tác của chúng ta như thế nào, tất cả chúng ta đều có cùng một cơ hội để trở thành những người đắc thắng và ở trong số những người được gọi, được chọn và trung tín.
Tiểu sử những người của Đức Chúa Trời và những người không có Đức Chúa Trời đều được viết trong Kinh Thánh để dạy dỗ và cảnh báo chúng ta. Nếu chúng ta suy gẫm về những cuộc đời đó, để tai lắng nghe tiếng của Thánh Linh thì chúng ta có thể học được nhiều điều.
Khi đọc về những nhân vật trong Cựu Ước, chúng ta phải nhớ rằng hết thảy họ đều đã sống trong thời kỳ trước thời "ân điển" của Đấng Christ.
"Vì luật pháp được ban cho bởi Môise, còn ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà đến " (Giăng 1:17). Trong câu này, từ "ơn" có nghĩa là "làm cho có thể". Luật pháp chứa đựng lẽ thật nhưng không ban năng lực cho những ai yêu mến để làm theo những mạng lệnh thánh của luật pháp.
"Ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà đến ". Điều đó có nghĩa là luật pháp không còn viết trên bảng đá nữa nhưng được viết trong lòng chúng ta.
"... Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của chúng nó và chúng nó sẽ làm dân ta " (Giê 31:33).
Chúng ta được ban cho Thánh Linh để có năng lực giữ được luật pháp của Đức Chúa Trời. "Vì luật pháp của Thánh Linh. .. buông tha tôi khỏi tội lỗi. .. Vì những gì luật pháp không làm nổi tại xác thịt làm cho nó ra yếu đuối. .. Đức Chúa Trời đã sai chính Con Ngài. .. hầu cho sự công bình của luật pháp được trọn trong chúng ta " (Rô 8:2-4).
Vì vậy chúng ta có sẵn một năng lực làm cho chúng ta có thể chịu nổi sự đoán xét ở tiêu chuẩn cao hơn. Các thánh đồ trong Cựu Ước không thể sống theo những tiêu chuẩn của Tân Ước .
Mat 19:8-9 đã minh họa điều này. Trong đoạn đó, Chúa Jêsus đã giải thích với người Pharisi lý do tại sao Môise cho phép ly dị dưới thời Cựu Ước. Ngài phán: "Vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môise cho phép để vợ ".
Nhưng dưới giao ước mới, Đức Chúa Trời đã cất đi tấm lòng cứng cỏi của chúng ta và ban cho chúng ta tấm lòng mềm mại.
"Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt " (Êxê 36:26). Vì vậy bây giờ sự ly dị không còn được cho phép nữa.
Đức Chúa Trời được gọi là "Đấng thử người công bình " (Giê 20:12). Ngài không cám dỗ ai để làm điều ác cả. "Vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ và Ngài cũng không cám dỗ ai " (Gia 1:13).
Nhưng Ngài THỬ những người công bình.
Gióp là một trong những tôi tớ được lựa chọn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã giới thiệu ông với Satan vì ông là người kính sợ Đức Chúa Trời trong mọi sự.
"Đức Giêhôva lại hỏi Satan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng? Nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác " (Gióp 1:8).
Đức Chúa Trời không nói gì về sự thông minh, tài năng hay sự giàu có của Gióp cả vì những điều này không có giá trị gì với Ngài. Ngài chỉ nói đến sự thánh khiết và công bình của ông. Cũng giống như Chúa Jêsus, chính phẩm chất của Gióp đã làm Đức Chúa Trời đẹp lòng, chứ không phải những thành đạt hay chức vụ của ông.
Ngay cả Satan cũng có những tài năng và sự khôn ngoan siêu nhiên. Nó cũng có kiến thức Kinh Thánh nữa! Tuy nhiên điều Đức Chúa Trời tìm kiếm là phẩm chất. Khi Đức Chúa Trời thử chúng ta, Ngài thử phẩm chất của chúng ta chứ không thử kiến thức Kinh Thánh của chúng ta.
Khi Đức Chúa Trời tìm kiếm một người để mà tự hào, giới thiệu với Satan, thì Ngài tìm kiếm một người có phẩm chất, không tì vít và công bình, kính sợ Đức Chúa Trời và ghét điều ác.
Chúng ta có thể có tiêng tôt giữa vòng các tín đồ vì trình độ thuộc linh của chúng ta. Nhưng ngoài Đức Chúa Trời, ai có thể thấu suốt chúng ta để giới thiệu với Satan. Chính sự công nhận mà Đức Chúa Trời ban cho Gióp mới vĩ đại hơn bất kỳ sự tôn vinh nào mà chúng ta đạt được trên đất này. Tất cả sự ngợi khen rỗng tuyếch của Cơ Đốc Giáo cũng chỉ là rác rưởi vô dụng so với sự công nhận của Đức Chúa Trời.
Vì vậy câu hỏi quan trọng nhất không phải là "Người khác nghĩ gì về trình độ thuộc linh của tôi?" mà là "Liệu Đức Chúa Trời có thể tự hào về tôi và làm chứng về tôi với Satan không?".
Khi Đức Chúa Trời nói với Satan về Gióp, Satan nói rằng Gióp đang hầu việc Đức Chúa Trời vì Ngài đã chúc phước cho Gióp.
"Satan thưa với Đức Chúa Trời rằng: Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người, nhà người và mọi vật thuộc về người sao? Chúa đã ban phước cho công việc của tay người, và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất. Nhưng bây giờ hãy giơ tay Chúa ra, đụng đến hại các vật người có, ắt là người sẽ phỉ báng Chúa trước mặt " (Gióp 1:9-11).
Đức Chúa Trời đã bác bỏ lời buộc tội đó và cho phép Satan thử Gióp để nó thấy rằng lời buộc tội của nó là không đúng. Đức Chúa Trời đã làm điều đó vì Ngài biết phẩm chất trung thành của Gióp.
Còn chúng ta thì sao? Có phải chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời vì những quyền lợi vật chất không? Liệu Đức Chúa Trời có phải thừa nhận rằng Satan đã nói đúng nếu nó chỉ ra ai đó trong chúng ta đã hầu việc Đức Chúa Trời vì những lợi ích cá nhân không?
Than ôi! Thế gian này đầy những người hầu việc Chúa, những mục sư đang phục vụ Chúa vì những lợi ích cá nhân. Một số người vì lương bổng, một số vì sự tôn kính và địa vị, và một số người vì được những chuyến đi đến các nước phương Tây miên phí. Hễ ai đang làm công việc Chúa vì lợi lôc cá nhân thì đó là những người đang hầu việc ma môn chứ không phải Đức Chúa Trời.
Hầu việc Chúa vì động cơ đúng đắn sẽ luôn đòi hỏi chúng ta phải trả giá một điều gì đó.
Chúng ta hãy xem lời của Đavít khi ông dâng của lễ cho Chúa. Ông nói: "Ta không muốn dâng cho Giêhôva Đức Chúa Trời ta những của lễ thiêu không đáng giá chi " (IISa 24:24).
Thật rất ít người có thái độ như Đavít. Hầu việc Chúa chơn thật thường đem chúng ta đến sự mất mát chứ không phải có được vật chất. Ơn phước là những điều thuộc linh. Ngược lại, những ai tìm kiếm vật chất là thuộc về Babylôn chứ không thuộc về Giêrusalem ở trên trời.
Kinh Thánh nói về Babylôn thuộc linh rằng: "Các nhà buôn nhờ Babylôn trở nên giàu " (Khải 18:15).
Giữa những người phục vụ ích kỷ, Phaolô đã tiến cử Timôthê như một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi.
Ông nói về Timôthê rằng: "Tôi không có ai như người đồng tình với tôi để thực lòng lo về việc anh em, ai nấy đều tìm lợi riêng của mình chớ không tìm của Đức Chúa Jêsus Christ " (Phil 2:19-21).
Phaolô không nói dối. Ông biết tình trạng thuộc linh của những người đồng công với ông. Đức Chúa Trời cũng không hề nói dối về chúng ta.
Đức Chúa Trời đã có sự tin cây nơi Gióp nên Ngài đã cho phép Satan thử Gióp.
Mặc dù trong môt ngày, Gióp mất tất cả con cái và tài sản kếch sù của mình, nhưng ông vẫn tiếp tục thờ phượng và phục vụ Đức Chúa Trời. Ông nói: "Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về. Đức Giêhôva đã ban cho, Đức Giêhôva lại cất đi, đáng ngợi khen danh Đức Giêhôva " (Gióp 1:20-22).
Ông biết rằng tất cả những gì ông có, con cái, tài sản và ngay chính sức khỏe của ông là sự ban cho nhưng không của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có quyền cất đi tất cả những điều này khi Ngài muốn. Một người không thể nào thờ phượng Đức Chúa Trời thật cho đến khi nào người ấy từ bỏ tất cả. Đó là từ bỏ quyền được sở hữu như mọi người đều có.
Sau đó Đức Chúa Trời cho phép Satan tiến thêm một bước nữa là làm cho Gióp bị ung nhọt từ đầu đến chân.
Bệnh tật đến từ Satan. Nhưng Đức Chúa Trời cũng có thể dùng bệnh tật để làm cho các tôi tớ Ngài nên thánh và trọn vẹn.
Phaolô bị đau đớn vì một cái giằm xóc vào trong thịt, và ông nói rằng điều đó đến từ Satan. Đó không phải là một sứ giả của Đức Chúa Trời nhưng là sứ giả của Satan. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã cho phép điều đó còn mãi và không cất nó đi (mặc dù Phaolô thường cầu nguyện về điều này). Mục đích là giữ cho Phaolô khiêm nhường.
Phaolô nói: "Vậy nên e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào xác thịt tôi, tức là quỉ Satan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối ngươi " (IICôr 12:7-9).
Bước thứ ba của Satan là làm cho Gióp đau khổ qua người vợ của ông.
"Vợ người nói với người rằng: Ủa? Ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao? ... Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi " (Gióp 2:9). Thật là một sự thử thách kinh khủng cho sự nên thánh của bạn khi người vợ chống lại bạn và buộc tội bạn.
Lời của Chúa phán rằng: "Hỡi kẻ làm chồng, hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay nghiệt với người. .. Hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh " (Cô 3:19; Êph 5:25).
Dù cho ở trong hoàn cảnh nào, người chồng cũng không nên cay nghiệt với vợ, anh ta phải luôn yêu vợ cho dù cô ấy là một công cụ của Satan chống lại mình.
Nếu bạn có một người vợ khó tánh thì thay vì phàn nàn về số phận và ghen tị với những người có vợ tốt, bạn hãy xem những hoàn cảnh của mình là phương tiện để được nên thánh.
Đức Chúa Trời sẽ thử bạn dưới những hoàn cảnh như thế để xem bạn có đủ phẩm chất để đạt được tờ công nhận của Ngài không. Ngài sẽ thử bạn khi vợ bạn quát mắng và chửi bới bạn để xem bạn có đủ phẩm chất để làm một người đại diện thật của Chúa Jêsus, Đấng đã bị những bạn hữu gọi là kẻ mất trí không.
Phúc âm Mác ghi rằng: "Những bạn hữu Ngài nghe vậy, bèn đến để cầm giữ Ngài, vì người ta nói Ngài đã mất trí khôn " (Mác 3:21).
Chúa Jêsus đã chịu đựng sự lăng nhục đó bằng sự kiên nhẫn. Chúng ta được kêu gọi để theo Ngài và đại diện cho Ngài.
Bước thứ tư của Satan là dùng những người bạn của Gióp để buộc tôi ông (xem Gióp 4:25).
Đây là một cú xốc nặng nề nhất cho Gióp vì những người bạn của ông đã hành động như những tiên tri của Đức Chúa Trời để nói với ông rằng bệnh tật của ông là do những tội lỗi kín giấu của ông gây ra. Những người bạn này không biết rằng họ đã vô tình hành động như những điệp viên của "Kẻ kiện cáo các anh em" (Khải 12:10).
Nhưng Đức Chúa Trời cho phép họ làm điều đó để làm cho Gióp tinh sạch.
Ngày hôm nay, Đức Chúa Trời hứa rằng: "Vì tội lỗi không còn cai trị trên anh em đâu, bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển " (Rô 6:14). Nhưng Gióp đã sống trong một thời kỳ mà ân điển chưa có cho ông.
Vì vậy cuối cùng Gióp cũng rơi vào sự tự thương hại mình, tự xưng công bình, chán nản và u sầu. Đôi khi đức tin của ông chiếu ra trong sự tối tăm, nhưng đức tin đó chỉ là một kinh nghiệm trồi sụt.
Bây giờ ân điển đó đã đến bởi Đức Chúa Jêsus Christ, nếu chúng ta được thử nghiệm giống như vậy thì không cần phải có những lúc chán nản và u sầu. Mạng lênh trong Tân Ước là: "Chớ lo phiền chi hết. .. Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. .. trong mọi sự hãy. .. tạ ơn " (Phil 4:6, 4).
Những mạng lênh như vậy không được ban ra trong thời Cựu Ước, vì ân điển chưa đến. Chúng ta nên nhận biết bàn tay của Đức Chúa Trời trong mọi sự. Lúc nào ân điển cũng sẵn sàng giúp chúng ta luôn luôn đắc thắng.
Tiếng reo hò đắc thắng của Phaolô là: "Tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn " (IICôr 2:14).
Bây giờ chúng ta có thể là những người đắc thắng mặc dù chúng ta có thể mất tài sản và con cái hoặc vợ chúng ta buộc tôi chúng ta. Nếu các tín đồ hiểu lầm và chỉ trích chúng ta hoặc nếu có điều gì xảy ra với chúng ta mà Đức Chúa Trời thấy rằng điều đó thích hợp cho đời sống chúng ta thì chúng ta hãy "... vui mừng trong Chúa luôn luôn " (Phil 4:4)
Do đó Đức Chúa Trời có thể cho Satan thấy rằng Ngài vẫn còn một số dân sót trên đất, là những người không những thuận phục mọi cách giải quyết của Ngài đối với họ mà còn chấp nhận mọi thử thách một cách vui mừng. Họ tin rằng những đau khổ nhẹ nhàng này là do Đức Chúa Trời sắp đặt để làm cho họ nhận được sự vinh hiển có giá trị đời đời.
Kinh Thánh chép rằng: "Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời vô lượng vô biên bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được nhưng chăm sự không thấy được " (IICôr 4:17, 18).
Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta thấy rằng qua Hội Thánh, Đức Chúa Trời muốn bày tỏ cho các kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền ở các nơi trên trời thấy được sự khôn ngoan của Ngài "Ấy vậy, hiện nay sự khôn sáng mọi đường của Đức Chúa Trời cậy Hội Thánh mà bày tỏ ra cho những kẻ làm đầu và những kẻ cầm quyền trong các nơi trên trời " (Êph 3:10).
6:12 cho chúng ta biết rằng các kẻ cầm quyền là những ác linh ở các nơi trên trời.
Những điều xảy đến cho chúng ta không phải là ngẫu nhiên nhưng đã được hoạch định đặc biệt cho chúng ta để thử chúng ta (nhưng sẽ không quá sức chịu đựng của chúng ta) "theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời " (Công 2:23).
Sự thử thách có mục đích biến đổi chúng ta giống ảnh tượng của Đấng Christ và bày tỏ cho các tà linh cầm quyền của Satan ở các miền trên trời biết rằng Đức Chúa Trời vẫn còn có những người trên đất này yêu Ngài, vâng lời Ngài, ngợi khen Ngài bằng đức tin trong mọi hoàn cảnh.
Mọi cuộc thử thách mà chúng ta trải qua đều là sự thử thách đức tin của chúng ta. Ngay cả trong thời đại của Gióp, ông cũng có thể nói rằng: "Đức Chúa Trời biết mọi chi tiết đang xảy ra cho tôi " (Gióp 2:10 bản Living Bible).
Ngày hôm nay, chúng ta có thể đi một bước xa hơn và nói rằng (dựa trên Rô 8:28) "Đức Chúa Trời đã HOẠCH ĐỊNH và làm cho tốt mọi chi tiết liên quan đến tôi ".
Chúng ta có thật sự tin rằng mọi sự xảy đến cho chúng ta là do Đức Chúa Trời hoạch định trong sự khôn ngoan trọn vẹn và tình yêu của Ngài và rằng quyền năng của Ngài đủ sức giải cứu chúng ta khỏi sự thử thách đó đúng lúc không?
Liệu Đức Chúa Trời có thể tìm thấy trong bạn và tôi là những người mà Ngài có thể tự hào để khoe với Satan như là những kẻ chẳng hề phàn nàn hoặc phản đối trong mọi hoàn cảnh nhưng là những người lúc nào cũng chỉ dâng lên lời cảm tạ không?
Trong số mười hai môn đồ Chúa Jêsus đã chọn, có lẽ những người có nhân cách tương phản lớn nhất là Phierơ và Giuđa Íchcariốt. Phierơ đơn sơ, ít học và có lòng sốt sắng. Giuđa Íchcariốt khôn ngoan, lanh lợi và có tham vọng.
Đức Chúa Trời có một sự kêu gọi cao trọng dành cho Simôn Phierơ. Nhưng sự kêu gọi đó chưa được trọn vẹn cho đến khi Phierơ được thử nghiệm và được công nhận.
Tuy nhiên vào lúc Chúa Jêsus gọi ông, Phierơ không hề biết về kế hoạch kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chỉ bày tỏ kế hoạch Ngài cho chúng ta theo từng bước.
Một ngày nọ, Chúa Jêsus bước vào thuyền của Phierơ và bảo ông chèo thuyền đến chỗ nước sâu và buông lưới. Phierơ làm theo và ông đã đánh được một mẻ cá lớn nhất trong đời (Lu 5:1-11).
Nếu Phierơ giống như một số thương gia Cơ đốc ngày nay, có lẽ ông đã nói với Chúa Jêsus như thế này: "Ôi Chúa, thật là tuyệt vời. Ngài và tôi, chúng ta hãy làm ăn chung. Ngài lo việc rao giảng còn tôi sẽ giúp đỡ tài chánh cho Ngài.
Nếu việc đánh cá của tôi cứ giống như thế này, chẳng bao lâu tôi sẽ là người giàu nhất trong cả nước Ysơraên, và phần mười tôi dâng chẳng những giúp cho Ngài mà còn giúp cho tất cả những Cơ đốc nhân nào đang làm việc cho Ngài trên khắp đất nước này cũng như ở hải ngoại".
Sau đó Phierơ đi vòng quanh thế giới, làm chứng ở các hội nghị dành cho thương gia và dạy họ về Đấng Christ rằng Ngài là Đấng có thể làm cho họ giàu có hơn. Đó chỉ là một sự lập luận của ý tưởng xác thịt.
Nhưng Phierơ không làm như vậy. Khi Chúa Jêsus gọi ông từ bỏ công việc đánh cá, lập tức ông đã bỏ công việc và đi theo Ngài. Ông đã qua được sự thử nghiệm.
Rất ít Cơ đốc nhân nhận thấy rằng khi Đức Chúa Trời ban cho họ thịnh vượng, cho phép họ kiếm được nhiều tiền là Ngài đang được thử nghiệm họ. Hầu hết các Cơ đốc nhân đều thất bại trong cuộc thử nghiệm này. Họ chấp nhận làm các triệu phú rỗng tuếch trong khi họ có thể trở thành các sứ đồ.
Nhiều năm sau, Phierơ, người rất trỗi hơn một thương gia giàu có, chỉ có thể nói rằng: "Bạc và vàng ta chẳng có " (Công 3:6). Nhưng ông đã có một điều quí hơn cả bạc và vàng. Ông đã từ bỏ sự giàu như rác rưỡi của thế gian vì cớ sự giàu có đời đời trong vương quốc của Đấng Christ.
Ngày hôm nay trong các hiệu sách Cơ đốc đầy dẫy những cuốn sách dạy cho các Cơ đốc nhân làm thế nào để được thịnh vượng về vật chất và kiếm được nhiều tiền, cùng với Chúa Jêsus là người cộng tác trong cuộc đời họ! Các Cơ đốc nhân đã được những quyển sách này khích lệ để tuyên bố xin những chiếc xe hơi, nhà cửa, đất đai đắt tiền. Tất cả đều bằng đức tin trong Đấng Christ cả.
Một đứa trẻ cũng có thể thấy được tinh thần thế gian của những tác giả này nhưng nhiều Cơ đốc nhân đã bị lừa dối. Những lời làm chứng của những người được ban cho những nhu cầu vật chất có thể là đúng, nhưng có bao nhiêu người trong số họ nhận ra rằng khi Đức Chúa Trời ban cho họ giàu có là Ngài đang thử nghiệm họ.
Họ đang được thử nghiệm khi họ trở nên giàu có để xem liệu họ có học tập từ bỏ sự giàu có của họ để được "giàu có nơi Đức Chúa Trời" không? (Lu 12:21). Nhưng tôi e rằng hầu hết đều đã không chịu nổi sự thử thách chứ không giống như Phierơ.
Bản ngã là trung tâm của dòng dõi Ađam. Khi chúng ta tin Chúa bản ngã không chết, nhưng nó tìm những cách tinh vi để ép buộc Đức Chúa Trời phục vụ cho những quyền lợi của nó.
Bản ngã là nguồn gốc của Cơ đốc giáo xác thịt, chuyên môn tìm cách nhận được những ơn phước thể xác và vật chất từ Đức Chúa Trời. Ngày nay điều đó đến với chúng ta qua những quyển sách ngụy trang bằng cái vỏ "đức tin".
Tuy nhiên những quyển sách này cũng có một mục đích là vạch trần lòng ham muôn thực sự của người đọc, người ta ham muốn những điều thuộc về đất hay thuộc về trời. Nhờ đó hạt lúa mì được sàng sảy khỏi cỏ khô trong Cơ Đốc Giáo.
"Vì chắc rằng trong anh em phải có dị giáo, hầu cho được nhận biết trong anh em những kẻ nào thật trung thành " (ICôr 11:19).
Tà giáo bày tỏ tấm lòng và động cơ của con người, phân rẽ người được công nhận và người không được công nhận.
Chúng ta thấy Chúa Jêsus đã thử Phierơ như thế nào khi Ngài quở trách ông công khai bằng những lời sắc bén mà Ngài chưa từng nói với ai.
Khi Chúa Jêsus nói với các môn đồ rằng Ngài sẽ bị ruồng bỏ và bị đóng đinh thì Phierơ, với lòng yêu Chúa mạnh mẽ của con người thiên nhiên, đã "đem Ngài riêng ra, mà can rằng: Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu " (Mat 16:22).
Chúa Jêsus quay lại và nói công khai với Phierơ (các môn đồ khác đều nghe):
"Ớ Satan, hãy lui ra sau ta, ngươi làm gương xấu cho ta " (16:23).
Cái tôi của chúng ta bị quở trách công khai là một sự lăng mạ. Thật là tồi tệ khi bị gọi là "Satan".
Nhưng Phierơ chẳng hề khó chịu.
Nhiều môn đồ của Chúa Jêsus đã cảm thấy khó chịu về sứ điệp "sự chết của bản ngã" mà Chúa Jêsus rao giảng, nên họ đã lìa bỏ Ngài. Chúa Jêsus đã hỏi mười hai sứ đồ rằng họ cũng muốn lìa bỏ Ngài phải không, Phierơ đáp rằng: "Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống " (Giăng 6:68).
Những lời này do Phierơ thốt ra ngay sau khi ông bị Chúa quở trách. Đó là điều đã làm cho những lời nói của Phierơ càng tuyệt vời hơn! Ông cảm thấy rằng bất kỳ lời quở trách nào từ miệng Chúa nói ra đều là những lời của sự sống đời đời!
Khả năng tiêp nhận những lời quở trách từ một anh em lớn tuổi hơn là một sự thử nghiệm về lòng khiêm nhường của chúng ta. Phierơ đã qua cuôc thử nghiệm này cách thành công.
Giuđa Íchcariốt là một trong mười hai sứ đồ mà Chúa Jêsus đã chọn, có môt cơ hội tốt y như những sứ đồ khác để đủ tư cách mà được "sự công nhận của Đức Chúa Trời".
Nhưng cũng giống như những người khác, ông phải chịu thử nghiệm.
Kinh Thánh chép rằng: "Giuđa Íchcariốt trở thành kẻ phản Ngài " (Lu 6:16). Điều này nói rằng khi Chúa Jêsus chọn ông, ông cũng là người chân thành như mười một môn đồ khác. Nhưng ông đã sa bại thảm hại bởi tham vọng ích kỷ.
Kinh Thánh cảnh báo chúng ta: "Vì ở đâu có điều ghen tuông, tranh cạnh thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác " (Gia 3:16).
Cuộc đời Giuđa là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta, vì nếu chúng ta không cẩn thận thì bất kỳ ai trong chúng ta đều cũng trở nên như Giuđa.
Ông là thủ quỹ của những người theo Chúa Jêsus, và ông cũng có nhiều cơ hội để chứng tỏ lòng trung tín của ông trong vấn đề tiền bạc. Nếu Giuđa trung tín, có lẽ ông sẽ trở thành một trong những tác giả của các thư tín Tân Ước . Chắc chắn tên ông sẽ là một trong những viên đá nền của Giêrusalem mới.
Kinh Thánh chép rằng: "Còn tường của thành có mười hai cái nền, tại trên có đề mười hai danh, là danh mười hai sứ đồ của Chiên con " (Khải 21:14).
Nhưng Giuđa Íchcariốt không chịu nổi sự thử nghiệm.
Một trong những cách sử dụng túi tiền là giúp cho người nghèo và người có nhu cầu (như chúng ta thấy trong Giăng 13:29): "Có kẻ tưởng rằng tại Giuđa có túi bạc, nên Chúa Jêsus biểu người: Hãy mua đồ chúng ta cần dùng về kỳ lễ; hay là: Hãy bố thí cho kẻ nghèo ".
Giuđa tự tỏ ra rằng ông quan tâm đến hoạt động này nhưng ông đã ăn cắp tất cả số tiền tặng cho người nghèo.
Kinh Thánh chép rằng: "Nhưng Giuđa Íchcariốt. .. chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong " (12:4-6).
Chúng ta có thể đặt câu hỏi: "Tại sao Chúa Jêsus không vạch mặt Giuđa ngay?".
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta có thể đặt một câu hỏi khác: "Tại sao ngày hôm nay Chúa Jêsus không vạch trần tất cả những kẻ đã nhơn danh Cơ Đốc Giáo mà trục lợi cho chính mình?". Ngày nay có hàng ngàn người hầu việc Chúa vì tiền bạc, họ là những người không hoàn toàn lương thiện về số tiền dâng cho công việc nhà Chúa.
Giá mà Giuđa biết răng ông đã bỏ lỡ những điều khác khi ông chọn tiên bạc, thì ông sẽ hành động khác đi rồi! Và giá mà các Cơ đốc nhân ngày hôm nay biết họ đã bỏ lỡ những gì khi chọn tiền bạc thì họ sẽ hành động khác đi về vấn đề tiền bạc như thế nào rồi.
Nan đề của Giuđa là ông thích nhận mà không muốn cho. Chúa Jêsus đã dạy các môn đồ của Ngài về phước hạnh của sự ban cho. "Chính Chúa Jêsus đã phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh " (Công 20:35).
Phierơ hiểu điều đó nhưng Giuđa thì không. Giuđa cho rằng hạnh phúc sẽ đến khi càng nhận nhiều hơn nữa.
Mọi Cơ đốc nhân đều rơi vào một trong hai loại người này: Giống như Phierơ, từ bỏ tất cả, thích dâng cho Đức Chúa Trời và cho sự sẵn dùng của người khác, hoặc những người giống như Giuđa thích nhận và vơ vét cho chính mình.
Nếu những "người Giuđa" này dâng hiến, thì họ chỉ dâng cách bủn xỉn đê trấn an lương tâm và điều đó cũng chỉ là một hành động hết sức miễn cưỡng. Tuy nhiên khi họ nhận, họ chẳng miễn cưỡng gì cả.
Đức Chúa Trời thử chúng ta trong lĩnh vực ban cho và nhận lãnh để xem liệu chúng ta có muốn sống theo những nguyên tắc của đời này hay theo những luật lệ của nước Ngài.
Nếu chúng ta muốn được Đức Chúa Trời công nhận, chúng ta sẽ phải đóng đinh hoàn toàn "lòng yêu thích được nhận lãnh" trong xác thịt của chúng ta. Chúng ta sẽ phải gạt bỏ những lề thói cũ và học tập những lề thói mới. Nếu chúng ta đã từng là những chuyên gia trong việc nhận lãnh thì bây giờ hãy trở thành những chuyên gia trong sự ban cho.
Nhưng chúng ta không thể hy vọng trở thành chuyên gia của điêu gì đó chỉ trong môt sớm môt chiêu. Cần phải thường xuyên tập tành mới có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Chúng ta phải băt đâu ban cho và cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi bản chất của chúng ta thật sự biến đổi để rồi chính Đức Chúa Trời có thể làm chứng rằng chúng ta đã ban cho hơn là nhận lãnh.
Môn đồ thật của Chúa Jêsus là những người biết học tập làm thế nào để được giàu có nơi Đức Chúa Trời và làm thế nào để ban cho người khác khi họ có nhu cầu. Trong lúc họ có nhu cầu, họ sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời ban lại cho họ ở mức độ mà họ đã ban cho người khác.
Chúa Jêsus phán với các môn đồ Ngài rằng: "Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy " (Lu 6:38).
Chúa Jêsus dạy rằng nếu chúng ta không trung tín với tiền bạc, chúng ta chẳng bao giờ hy vọng nhận được sự giàu có thuộc linh từ nơi Đức Chúa Trời.
Ngài phán: "Nếu các ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi " (16:11).
Chúa đã đặt Giuđa Íchcariốt vào sự thử thách với một túi tiền, và ông đã thất bại. Ông bị hư mất đời đời. Ngày hôm nay bạn và tôi đang ở trong sự thử thách với một túi bạc.
Chúng ta thấy Chúa Jêsus đã thử Phierơ về phản ứng của ông khi bị điều chỉnh công khai. Giuđa cũng bị thử trong lĩnh vực này. Nhưng không như Phierơ, ông đã thất bại.
Khi một người đàn bà đổ một lọ nước hoa bằng ngọc nơi chơn Chúa Jêsus để bày tỏ sự biết ơn về những gì Chúa Jêsus đã làm cho bà thì Giuđa cho rằng làm như vậy là phí phạm.
Tuy nhiên, Chúa Jêsus đã hài lòng về người đàn bà đó và nói rằng:
"Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm này cho ngày chôn xác ta. Vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình, còn ta, các ngươi không có ta luôn luôn " (Giăng 12:7, 8).
Khó mà nói rằng đây là câu mà Chúa Jêsus đã quở trách Giuđa. Thật vậy, so với lời Chúa đã quở trách Phierơ thì câu nói này chẳng có quở trách gì cả.
Nhưng Giuđa Íchcariốt đã tỏ vẻ khó chịu.
Trong một đoạn Kinh Thánh tương tự ở Phúc âm Mathiơ, chúng ta thấy Giuđa đã lập tức làm gì sau sự kiện này:
"SAU ĐÓ, Giuđa Íchcariốt tìm các thầy tế lễ cả mà nói rằng: Các thầy bằng lòng trả cho tôi bao nhiêu đặng tôi sẽ nộp người cho " (Mat 16:14, 15).
Ở đây từ "sau đó" rất có ý nghĩa. Sự kiêu khích lúc đó đã thúc đẩy Giuđa đi đến các thầy tế lễ cả và muốn nộp Chúa Jêsus cho họ là bởi ông đã bị Chúa tỉa sửa.
Phierơ đã trải qua sự thử thách này một cách đắc thắng còn Giuđa đã thất bại cách tệ hại.
Ngày hôm nay bạn và tôi đang được sửa dạy bởi những người Đức Chúa Trời ban cho họ có quyền trên chúng ta.
Con cái được thử nghiệm khi bị cha mẹ sửa dạy. Người vợ được thử nghiệm khi bị chồng điều chỉnh. Người công nhân được trắc nghiệm khi bị chủ chỉnh đôn. Và trong Hội Thánh, tất cả chúng ta được trắc nghiệm khi bị trưởng lão chỉnh sửa.
Phản ứng của chúng ta về sự chỉnh sửa là một trong những sự thử nghiệm rõ ràng nhất về sự khiêm nhường của chúng ta. Nếu chúng ta tỏ vẻ khó chịu, chúng ta cũng sẽ giống như Giuđa Íchcariốt.
Nếu chúng ta thấy mình bị khó chịu khi bị điều chỉnh, chúng ta cần phải cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để chúng ta chết đi bản ngã của mình và không đánh mất phần thưởng đời đời.
Rất ít người trong chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời cũng đang theo dõi phản ứng của chúng ta khi được người khác nhắc nhở.
Bạn không được Đức Chúa Trời công nhận nếu bạn không sẵn sàng chịu sửa trị hoặc nếu bạn tỏ vẻ khó chịu khi bị chỉnh sửa.
Trong Khải 14:1-5, chúng ta thấy có một tập thể nhỏ các môn đồ đã hết lòng theo Chúa khi Ngài còn sống trên đất này. Họ là những người đắc thắng cùng đứng với Chúa Jêsus trong những ngày sau rốt, vì Đức Chúa Trời có thể hoàn thành mục đích trọn vẹn của Ngài trên đời sống họ.
Như chúng ta thấy trong sách Khải Huyền, những người phạm tội được tha thứ rất đông đảo không ai có thể đếm được.
"Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là, cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên con " (7:9, 10).
Nhưng số lượng các môn đồ được nói đến trong Khải Huyền đoạn 14 thì ít hơn, có thể đếm được, một trăm bốn mươi bốn ngàn (144.000) người. Con số này có nghĩa đen hay nghĩa bóng (như phần lớn sách Khải Huyền có ý nghĩa như vậy) thì cũng không quan trọng. Vấn đề là một số lượng rất nhỏ bé so với vô số người đông đảo.
Đây là một số ít người chân thật và trung tín với Đức Chúa Trời khi còn ở trên đất. Họ được thử nghiệm và nhận được giấy công nhận của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời đã xác nhận về họ rằng: "Họ đã giữ mình được trong sạch. .. Chiên con đi đâu những kẻ nầy theo đó. .. trong miệng họ chẳng có lời nói dối nào hết, cũng không có dấu vết gì " (câu 4,5).
Đây là những trái đầu mùa của Đức Chúa Trời. Họ là một phần của Cô dâu của Đấng Christ. Vào ngày đám cưới Chiên con, thì rõ ràng những gì chân thât và trung tín đêu có giá trị đôi với Đức Chúa Trời trong mọi sự dù lớn hay nhỏ.
Trong ngày đó, trên trời sẽ có tiếng la lớn rằng: "Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài, vì lễ cưới Chiên con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn " (Khải 19:7).
Những ai đã tìm lợi riêng và sự tôn trọng cho mình trên đất này sẽ nhận thấy rằng họ đã mất mát lớn lao như thế nào trong ngày đó. Những ai đã yêu cha, mẹ, vợ, con, anh, chị, mạng sống và các của cải vật chất của mình hơn Chúa thì sẽ thấy sự mất mát đời đời của họ.
Lúc đó người ta sẽ thấy rõ rằng người khôn ngoan nhất trên đất này là những người hoàn toàn vâng theo mạng lênh của Chúa Jêsus, và là những kẻ hết lòng bước theo Ngài.
Lúc ấy người ta sẽ thấy sự tôn vinh rông tuêch trong Cơ Đốc Giáo chỉ là rác rưởi. Tiên bạc và của cải vật chất chỉ là phương tiện mà Đức Chúa Trời dùng để thử chúng ta đê xem chúng ta có đủ phẩm chất ở trong Cô Dâu của Đấng Christ không.
Ồ nêu mắt chúng ta có thể mở ra ngay bây giờ để thấy những gì là thực tế như chúng ta sẽ thấy rõ trong ngày đó! Sự khen ngợi lớn lao nhất mà con người có chỉ được tìm thấy giữa vòng những người đắc thắng trong ngày đó. Đó là những người đã được Đức Chúa Trời thử nghiệm và công nhận.
"Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ, và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi thuộc luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin, cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết. Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đương chạy hầu cho giựt được vì chính tôi đã được Đức Chúa Jêsus Christ giựt lấy rồi.
Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ. Vậy hễ những người trọn vẹn trong chúng ta phải có ý tưởng đó; và nếu anh em tưởng đằng khác, Đức Chúa Trời cũng sẽ lấy sự đó soi sáng cho anh em " (Phil 3:8-15).
"Ai có tai mà nghe, hãy nghe " (Lu 14:35).
"Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt " (IICôr 5:10).
Từ "tòa án Đấng Christ" theo tiếng Hy Lạp là bema nghĩa là "cái bục được dựng lên". Đó KHÔNG phải là "ghế của quan tòa" mà các luật gia nghiêm khắc ngồi để quyết định xem loại hình phạt nào dành cho bị cáo.
"Bema" giống như cái bục được dựng lên, hoặc là "khán đài" nơi các trọng tài của trận đấu hay cuộc đua quyết định xem nên cho các đấu thủ hay người chạy đua PHẦN THƯỞNG gì.
Đấng Christ sẽ đứng ở chỗ "bema " hay "khán đài" đó. Nếu sau khi được tái sanh (Giăng 3:3), chúng ta sống một đời sông trung tín hầu việc Chúa, hay làm việc tốt thì Đấng Christ sẽ thưởng cho chúng ta tại tòa án của Ngài.
Tại tòa án của Đấng Christ, hoặc chúng ta sẽ được phần thưởng, hoặc các việc làm của chúng ta sẽ bị đốt cháy như cỏ khô. Chúng ta có thê có rât ít phần thưởng hoăc không nhận được gì cả.
"Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên, nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó. .. Nếu có ai lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra.
Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó. Nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc mỗi người đáng giá nào lửa sẽ chỉ ra. .. Nếu công việc của họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy " (ICôr 3:10-15).
Phaolô nói rằng: "Nếu công việc của người nào đó còn lại thì họ sẽ được phần thưởng".
Chúng ta hãy xem xét những phần thưởng hay "mão triều thiên" đó.
Có sự khác nhau giữa giáo lý về sự cứu rỗi dành cho người hư mất và giáo lý về phần thưởng dành cho người được cứu.
Sự cứu rỗi là "sự ban cho của Đức Chúa Trời chứ không phải bởi việc làm " (Êph 2:8, 9). Sự cứu rỗi là bởi đức tin nhận lấy những gì Chúa Jêsus đã làm trên thập tự. "Đây là huyết ta. .. đã được đổ ra cho nhiều người được tha tội " (Mat 26:28 NIV).
"... Đấng Christ đã chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh " (ICôr 15:3).
Khi tôi tin rằng huyết Chúa Jêsus đã đổ ra trên thập tự giá là một sự trả giá đầy đủ cho tội lỗi của tôi thì tôi được sự sống đời đời (Giăng 3:36).
Phần thưởng là do công việc của tín đồ (Mat 16:27).
Các câu Kinh Thánh trong ICôr 3:8-15 nói rõ về phần thưởng.
Mọi tín đồ đều sẽ được phần thưởng tùy theo sự lao nhọc của họ (câu 8). Chúng ta không lao nhọc để được sự cứu rỗi.
"Chúng ta là những người đông công cùng làm việc với Đức Chúa Trời " (câu 9) - không phải để được cứu rỗi nhưng để được phần thưởng.
Tín đồ phải được xây trên Đức Chúa Jêsus Christ, Đó là nền tảng duy nhất (câu 11).
Tín đồ có thể lựa chọn hai loại vật liệu xây dựng: "vàng, bạc, bửu thạch ", đó là những vật liệu đời đời. Hoặc "gỗ, cỏ khô, rơm rạ " , là những vật liệu tạm thời (câu 12, so với IICôr 4:18).
Tín đồ nào xây trên Đấng Christ bằng những vật liệu đời đời như "vàng, bạc, bửu thạch " thì sẽ nhận được phần thưởng.
Những ai xây trên Đấng Christ bằng những vật liệu tạm thời như "gỗ, cỏ khô, rơm rạ " thì sẽ không được thưởng. Các công việc của "gỗ, cỏ khô, rơm rạ " sẽ bị thiêu hủy trước "tòa án của Đấng Christ " (5:10), và tín đồ đó sẽ chịu thiêt thòi - Không phải mất sự cứu rỗi nhưng mất phần thưởng.
Đức Chúa Jêsus Christ ban cho mỗi tín đồ một công việc để làm. Nếu chúng ta bỏ qua mạng lênh của Ngài, chúng ta sẽ rất đau buồn và sợ hãi khi đứng trước mặt Ngài tại nơi phán xét. Hãy chú ý lời cảnh báo của Giăng:
"Hỡi các con bé mọn ta, hãy ở trong Ngài, hầu cho nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn " (IGiăng 2:28).
Từ "ở trong" có nghĩa giống như cái cây có rễ đâm sâu xuông để kết nhiều quả. Chúng ta phải đâm rễ sâu trong Đâng Christ (xem Giăng 15:5, 8).
Từ "hổ thẹn" có nghĩa "giật lùi lại vì sợ hãi và mất mặt".
Một số tín đồ sẽ giật lùi khỏi Đấng Christ trong sự xấu hổ lúc Ngài hiện đến vì đời sống của họ không có kết quả. Họ không kết quả vì họ không "đâm rễ sâu" trong Đâng Christ (xem Cô 2:7; Mat 13:3-10, 18-23).
Trong năm đầu tiên của chức vụ, một vị mục sư nọ ngồi bên cạnh một người bạn sắp chết của ông. Khi họ nói chuyện về việc ra đi của người sắp chết, nước mắt ông ấy tuôn chảy. Vị mục sư tưởng rằng người bạn của mình sợ chết nên ông cố nói những lời an ủi.
Nhưng người bạn nói: "Tôi không sợ chết, tôi chỉ thấy hổ thẹn khi phải chết". Ông tiếp tục nói rằng Đấng Christ là Cứu Chúa của ông, nhưng ông chỉ sống cho chính mình, và bây giờ ông sắp gặp Đức Chúa Jêsus Christ với hai bàn tay trắng. Cuộc đời của ông đã hiện ra trước mắt ông như "gỗ, cỏ khô và rơm rạ ". Ông được cứu nhưng ông không có môt công việc có giá trị đời đời cụ thể nào để dâng cho Chúa cả (ICôr 3:15).
"Phước cho người bị cám dỗ, vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài " (Gia 1:12).
Phần thưởng này cũng có thể được gọi là mão triều thiên của những kẻ yêu mến Đức Chúa Trời. Có ai là người yêu mến Đức Chúa Trời mà lại sử dụng những phước hạnh của Ngài chỉ cho chính mình, hoặc cầu nguyện vì cớ sự thịnh vượng và tiện nghi hoặc yêu cầu Đức Chúa Trời giải quyết tất cả những nan đề của mình không? Không. Họ đã chịu đựng sự thử thách vì cớ Ngài.
Qua tình yêu của họ đối với Đức Chúa Trời, các tín đồ này có được sức mạnh để đắc thắng sự cám dỗ và kiên trì khi thử thách đến. Phaolô nói rằng: "Chúng ta cũng được vinh hiển trong sự hoạn nạn ".
Chúng ta có được vinh hiển trong sự hoạn nạn không? Chúng ta chỉ có thể làm được điều đó khi "tình yêu thương của Đức Chúa Trời rãi khắp trong lòng chúng ta bởi Thánh Linh đã được ban cho chúng ta " (Rô 5:3-5). Không có tình yêu đối với Đức Chúa Trời trong lòng của tín đồ thì sự thử thách có thể làm cho họ cay đắng và chỉ trích. Có thể họ sẽ bị mất "mão triều thiên của sự sống " (câu 12).
Tất cả các tín đồ đều có sự sống đời đời (Giăng 3:15, 16) nhưng không phải tất cả các tín đồ đều sẽ được thưởng "mão triều thiên của sự sống ". Mão triều thiên này sẽ được ban cho những ai "trung tín cho đến chết " (Khải 2:10).
Để nhận được "mão triều thiên của sự sống ", tín đồ phải yêu Chúa hơn mạng sống của chính mình.
"Vì ai muốn cứu sự sống mình (sự sống bản ngã) thì sẽ mất, nhưng ai vì cớ ta và đạo tin lành (sống cho Christ bằng bất cứ giá nào) mà mất sự sống, thì sẽ cứu " (Mác 8:35).
Phần thưởng này sẽ được ban cho những ai sống cho Đấng Christ và chịu đựng được sự cám dỗ trong quyên năng của tình yêu Đức Chúa Trời (ICôr 10:13).
"Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng. Hết thảy những người đua tranh tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát.
Vậy thì tôi chạy chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh chẳng phải là đánh gió, song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng " (9:24-27).
Phaolô đã dùng các môn chơi thể theo của người Hy Lạp để minh họa cuộc đua thuộc linh của tín đồ. Họ đã chạy để "đoạt mão triều thiên hay hư nát nhưng chúng ta thì để được mão triều thiên không hay hư nát " (câu 25). Không một thanh niên nào có thể dự thi trong các môn chơi thể thao nếu người ấy không phải là một công dân Hy Lạp và do các cha mẹ Hy Lạp sinh ra. Người chưa được cứu không thê dự phần hầu việc Chúa để được phần thưởng nhưng chỉ những ai được Đức Chúa Trời sinh ra mới có quyền (Giăng 3:3).
Mão triều thiên của người chạy đua được ban cho Cơ đốc nhân biết kỷ luật chính mình và biết giữ thân thể và các sự ham muốn của thân thể mình dưới sự kiểm soát nghiêm nhăt. Cũng giống như một vận động viên biết tự kỷ luật mình để có thể thắng được cuộc đua, vì vậy chúng ta phải chạy theo cuộc đua đã bày ra trước mặt (Hêb 1:1).
Vận động viên phải từ chối mọi sự thèm muốn của thân thể, vì vậy tín đồ phải "đãi thân thể mình cách nghiêm khắc và bắt nó phải phục " nếu không người ấy sẽ "bị bỏ " (câu 27). Người ấy sẽ không mất sự cứu rỗi nhưng người ấy có thể mất phần thưởng. Đấng Christ có một phần thưởng đặc biệt cho những tín đồ nào đã đấu tranh chống lại sự cám dỗ. Đây là cách để nhận được "mão triều thiên không hay hư nát ".
1) Từ Chối Chính Mình. Tín đồ phải từ chối tất cả những gì làm cho mình bị đèn nén và bị níu lại (Hêb 12:1).
2) Nhìn Xem Đấng Christ. Tín đồ phải nhìn xem Đấng Christ chứ không xây qua bên hữu hoặc bên tả (12:2).
3) Sức Mạnh Trong Chúa. Tín đồ phải tìm thấy sức mạnh trong Chúa (Êph 6:10-18).
4) Một Của Lễ Sống. Tín đồ phải dâng thân thể mình cho Chúa làm của lễ sống (Rô 12:1, 2).
5) Không Bị Vướng Víu. Bởi đức tin, tín đồ phải từ chối bất kỳ điều gì làm cản trở sự phát triển thuộc linh (Hêb 11:24-29).
Bạn đừng làm một khán giả thuộc linh. Hãy bước vào cuộc đua, hãy chạy để đoạt được "mão triều thiên không hay hư nát".
"Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chẳng phải là anh em (đó là người Têsalônica mà Phaolô đã chinh phục cho Đấng Christ trong cuộc truyền giáo) cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao? Phải, anh em thật là sự vinh hiển và vui mừng của chúng ta vậy " (ITê 2:19-20).
Mão triều thiên này thưởng cho tín đồ nào đã thuyết phục người khác tin rằng Đấng Christ là Chúa và Cứu Chúa của họ.
"Mão triều thiên vui mừng " (câu 19) là mão triều thiên của người chinh phục linh hồn tôi nhân.
Công việc lớn lao nhất mà bạn có được đặc ân làm cho Chúa là đem người khác đến chỗ hiểu biết Đấng Christ là Cứu Chúa.
Phần lớn niềm vui của bạn ở thiên đàng sẽ được quyết định bởi số người mà bạn đã góp phần đem về cho Chúa. Phaolô nói rằng những tín đồ Têsalônica là "sự vinh hiển và vui mừng " của ông bây giờ và khi Chúa trở lại.
Kinh Thánh cũng đưa ra những lý do về việc chinh phục linh hồn tôi nhân.
1) Đó Là Sự Khôn Ngoan. Chinh phục linh hồn người khác cho Đâng Christ là một việc làm khôn ngoan (Châm 11:30).
2) Tấn Công Vào Tội Lỗi. Đó là cuộc tấn công vào tội lỗi để chinh phục linh hồn người khác cho Đấng Christ (Gia 5:2).
3) Một Lý Do Để Vui Mừng. Lý do để có được sự vui mừng trên thiên đàng là việc chinh phục linh hồn người khác cho Đấng Christ (Lu 15:10).
4) Được Chiêu Sáng Mãi. Những người chinh phục linh hồn tôi nhân được chiếu sáng mãi như những vì sao (Đa 12:3).
1) Làm Chứng Bằng Chính Đời Sống Bạn. Hãy để cho người khác có thể nhìn thấy Đâng Christ trong đời sống bạn (IICôr 3:2 so với 2:20).
2) Làm Chứng Bằng Môi Miệng Của Bạn. Hãy tin cậy Đức Thánh Linh để ban cho bạn có quyền năng trong lời nói (Công 1:8).
3) Làm Chứng Bằng Việc Dâng 1/10 và các của dâng khác để người khác có thể rao giảng Đấng Christ ra và bạn sẽ được "kết quả nhiều (phần thưởng) bởi lễ vật đem đến cho anh em " (Phil 4:15-17, so với IICôr 9:6).
Đức Chúa Trời hứa rằng công khó của bạn trong Chúa không phải là vô ích đâu (ICôr 5:58). Những người chinh phục linh hồn người khác sẽ không vui mừng một mình. Cả thiên đàng sẽ vui mừng với họ khi họ nhận được "mão triều thiên vui mừng " (ITê 2:19).
"Nhưng con. .. hãy chịu chực khổ, làm việc của người giảng tin lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ. .. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong những ngày đó - Không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài " (IITi 4:5-8).
"Mão triều thiên của sự công bình " là một phần thưởng. Không nên nhầm lẫn điều này với "sự công bình của Đức Chúa Trời " mà kẻ tin đã nhận được khi trở thành Cơ đốc nhân. Chúng ta đặt đức tin và sự trông cậy của mình nơi Đấng Christ bởi vì "... Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng (Christ) vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà trở nên sự bình của Đức Chúa Trời " (IICôr 5:21).
Sự công bình này được ban cho tất cả những ai đã được cứu bởi ân điển qua đức tin. "Mão triều thiên của sự công bình " là một phần thưởng mà người đã được cứu phải làm việc mới có được.
Vị sứ đồ nói đến "tòa án của Đấng Christ " (5:10), nơi "mão triều thiên của sự công bình " sẽ ban cho những ai "yêu mến sự hiện ra của Ngài " (IITi 4:8).
Nếu tín đồ biết trông mong, yêu mến sự hiện đến lần thứ hai của Đấng Christ thì điều đó sẽ ảnh hưởng đên cả cuộc đời của họ. Chúng ta hãy xem lẽ thật có ảnh hưởng mạnh mẽ này đã tác động lên đời sống của sứ đồ Phaolô như thế nào.
1) Đánh Trận Tốt Lành. "Ta đã đánh trận tốt lành " (câu 7 so với ICôr 15:32). Suốt cuộc đời Cơ đốc của ông, ông đã đánh những trận chiến thuộc linh, và ông đã thắng. Ông chẳng bao giờ đầu hàng kẻ thù của sự công nghĩa (Êph 6:12).
2) Đã Xong Cuộc Chạy. "Ta đã xong cuộc chạy " (câu 7). Ông đã tham gia cuộc chạy, và ông không chạy lòng vòng ở những chỗ khó khăn. Ông cũng không quay nhìn lại (Lu 9:61, 62). Ông đã xong cuộc đua với đôi mắt chăm xem Đấng Christ (Phil 1:6).
3) Giữ Đức Tin. "Ta đã giữ được đức tin " (câu 7). Ông đã rao giảng về "hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời " và chẳng hề phản bội bất kỳ một giáo lý Kinh Thánh nào (Công 20:24-31).
Bạn có trông đợi sự trở lại của Ngài không? Bạn có hoàn thành tất cả các bổn phận về chức vụ và sự truyền giáo của bạn không? Nếu có, mão triều thiên này dành cho bạn đó.
Thật là quan trọng khi tín đồ biết hết lòng yêu mến sự hiện đến lần thứ hai của Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Jêsus Christ, hầu cho chúng ta có thể nhận được "mão triều thiên của sự công bình " (câu 8).
"Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em. .. chẳng phải vì lợi dơ bẩn. .. chẳng phải quản trị phần trách nhiệm giao cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy. Khi Đấng làm đầu của kẻ chăn hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo " (IPhi 5:2-4).
"Mão triều thiên vinh hiển " (câu 4) là một phần thưởng đặc biệt dành cho các mục sư trung tín, vâng lời, được Đức Chúa Trời kêu gọi. Họ sẽ nhận phần thưởng này khi "Đấng Chăn Chiên Trưởng hiện ra ". Mão triều thiên đó là đời đời, "chẳng hề tàn héo " (câu 4).
Mọi tín đồ đều có thể dự phần về "mão triều thiên vinh hiển" của người chăn bầy. "Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri " (Mat 10:41). Bạn hãy ủng hộ những người chăn bầy được Đức Chúa Trời kêu gọi và trung tín bằng cách cầu nguyện cho họ và khích lệ họ trong công việc Chúa.
Hãy cung cấp sự cần dùng cho chức vụ của họ bằng cách dâng 1/10 và các của lễ (Mal 3:10), hãy dâng hiến thì giờ rời rộng để hầu việc Chúa. Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho bạn vì bạn đã nuôi nấng đầy tớ được chọn của Ngài, bằng cách cho phép bạn dự phần trong phần thưởng của người chăn bầy của bạn. Người chăn bầy sẽ được "mão triều thiên vinh hiển " này bằng cách:
1) Công Bố Lời Của Đức Chúa Trời. Người chăn bầy phải công bố lời của Đức Chúa Trời mà không sợ hãi, không thiên vị khi cần thiết để "bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi " (IITi 4:1-5).
2) Chăm Sóc Thuộc Linh Cho Hội Thánh. Người chăn bầy có trách nhiệm với Đức Chúa Trời trong việc rao giảng sứ điệp cho dân sự Ngài. Không nên có một mục sư nào rao giảng để đẹp lòng dân sự. Họ phải làm đẹp lòng Chúa (Ga 1:10).
3) Làm Gương Tốt Cho Hội Thánh. Người chăn bầy không nên phục vụ vì phần thưởng là tiền bạc. Tuy nhiên Hội Thánh phải có trách nhiệm quan tâm đến nhu cầu vật chất của họ (ITi 5:18). Họ là người lãnh đạo thuộc linh chứ không phải là kẻ độc tài. Họ phải bước đi với Đức Chúa Trời bằng đức tin.
"Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển chẳng hề tàn héo " (IPhi 5:4).
Một số người được gọi là "mục sư", được lựa chọn và trả lương để trở thành những người quản trị của các Giáo hội có hệ thống tổ chức, sẽ không được lãnh mão triêu thiên này vì cớ sự thất bại và tội lỗi của họ.
"... Hãy giữ lấy điều ngươi có, hầu cho không ai cất lấy mão triều thiên của ngươi " (Khải 3:11).
Người đắc thắng được hứa sẽ lãnh được mão triều thiên nếu họ giữ vững những gì Đức Chúa Trời đã ban cho họ.
Bạn có thể đánh mất mão triều thiên dành cho người đắc thắng của bạn. Điều lẽ ra được ban cho bạn thì sẽ ban cho người khác.
Giacốp đã nhận được điều lẽ ra thuộc về Êsau (Sáng 25:33; 27:35, 36). Mathia đã nhận được điều lẽ ra thuộc về Giuđa (Công 1:20, 26).
"Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Nầy ma quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách, các ngươi sẽ bị hoạn nạn. .. Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên. .." (Khải 2:10).
Những ai được tôn cao vì cớ hy sinh mạng sống mình như người tuận đạo thì sẽ nhận được mão triều thiên này. Người tuận đạo là người "... chịu chết vì đạo Đức Chúa Trời và vì lời chứng họ đã làm " (6:9).
Êtiên là người đầu tiên nhận được mão triều thiên này.
Thât đau buồn và xấu hổ khi chúng ta thấy trong Cơ Đốc Giáo có quá nhiều người lãnh đạo tìm lợi riêng cho mình. Điều này là sự thật. Đó là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong Hội Thánh trên toàn thế giới.
Sứ đồ Phaolô đã nhận ra nan đề này trong thời đại của ông.
Ông nói: "Thật vậy, tôi không có ai như người đồng tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em. Ai nấy đều tìm lợi riêng của mình chứ không tìm của Đức Chúa Jêsus Christ " (Phil 2:20, 21).
Trong hàng trăm người lãnh đạo Hội Thánh mà Phaolô quen biết, ông chỉ thấy có một người mà ông có thể tin cậy được về việc chăn bầy. Đó là Timôthê. Timôthê đã phục vụ chiên chứ không phục vụ cho chính mình. Những người lãnh đạo khác đã phục vụ cho chính quyền lợi của họ.
Có nhiều người nam, người nữ có những chức vụ rất quyền năng do Thánh Linh ban cho. Nhưng buồn thay, thay vì khiêm nhường tìm kiếm mặt Chúa, họ bắt đầu tìm những điều mà sẽ phục vụ, tâng bốc và đề cao "chức vụ của họ". Họ dùng và lạm dụng những ân tứ thuộc linh cho những mục đích và sự vinh hiển riêng của họ.
Họ trở nên ích kỷ và kiêu ngạo. Có sự lừa dối trong sự kiêu ngạo đó. Thái độ để mặc cho bản ngã và tâm hồn điều khiển chính mình cứ tiến triển thật chậm chạp đến nỗi họ thậm chí không biết là họ đã xa cách Đức Chúa Trời như thế nào.
Trong Giăng 10:1-42, Chúa Jêsus và những người lãnh đạo Hội Thánh giống như những người chăn chiên. Chiên là hình bóng của những tín đồ thật của Chúa Jêsus. Chúa Jêsus khuyên các môn đồ Ngài phải bảo vệ chiên khỏi ba kẻ thù này. Đó là:
* Kẻ trộm
* Kẻ cướp
* Kẻ chăn thuê.
Kẻ trộm là kẻ lấy đồ người khác một cách tinh vi và lừa dối. Kẻ trộm thường đến ban đêm, khi tất cả đều ở trong sự tối tăm và không ai nhìn thấy hắn. Cách hành động của hắn ranh mãnh, khôn khéo và dối trá. Kẻ trộm là ma quỉ và những người lãnh đạo Hội Thánh giống như hắn vậy (câu 10).
Kẻ cướp dùng sức mạnh lấy đồ người khác. Hắn tấn công bằng bạo lực để lấy của cải. Hắn sẽ áp đảo bất kỳ ai, ở đâu và vào lúc nào để lấy đi điều mà hắn muốn. Các tiên tri giả, mục sư giả đều là chó sói (Mat 7:15; Công 20:29).
Đông cơ duy nhât của kẻ chăn thuê là tiền hay lương bổng. "Như người làm thuê trông đợi tiền lương " (Gióp 7:2). Đối với hắn chỉ có công việc.
Hắn không trung tín trong việc thi hành nhiệm vụ.
Ngay khi thấy muôn sói đến, hắn sẽ bỏ chạy. Thái độ của hắn chỉ lo cho bản thân mình, vì vậy khi kẻ thù đến, hắn đã bỏ chạy (Giăng 10:12).
Kẻ chăn thuê không thực sự chăm lo cho đàn chiên của Đức Chúa Trời.
Trong bức thư thứ hai gởi cho người Côrinhtô, Phaolô đã đề cập đến điều này: "Vả chúng tôi chẳng giả mạo lời của Đức Chúa Trời như nhiều kẻ khác, nhưng chúng tôi lấy lòng chơn thật, theo như đạo từ Đức Chúa Trời đến thể nào, thì giảng ra thể ấy trước mặt Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ " (IICôr 2:17).
Phaolô không giống như những kẻ kinh doanh hoặc kẻ chuyên nghiệp trong chức vụ về lời Đức Chúa Trời. Ông muốn làm một người chơn thật.
Phaolô đã có một công việc tự tay ông làm để nuôi chính mình ngay trước khi những kẻ chăn thuê xuất hiện (Công 18:3; ICôr 4:12).
Điều đáng buồn là trong xã hội phương Tây ngày hôm nay có khuynh hướng chuyên nghiệp hóa các chức vụ do Đức Chúa Trời ban cho. Có nhiều người chỉ hầu việc Chúa khi được hứa trước là có lương cao và một hội chúng đông đảo.
Những ai ở trong tình trạng tìm lợi riêng cho mình như thế sẽ bị lôi kéo vào sự lừa dối và sai lầm để rồi dẫn những người khác đi lệch lạc vào con đường đó.
Một người thật của Đức Chúa Trời sẽ không đồng tình với những tiêu chuẩn ích kỷ như vậy nhưng họ sẽ được dẫn dắt bởi sự cảm nhận thẳng thắn, chân thật, công bình về ý chỉ của Đức Chúa Trời.
Họ sẽ có sự can đảm của Phierơ. Khi bị Simôn cám dỗ để bán ân tứ, "Phierơ trả lời rằng: Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời " (Công 8:20).
Ân tứ của Đức Chúa Trời không có sẵn để mà "cho thuê". Chức vụ không phải để "bán". Những người rao giảng lời của Đức Chúa Trời không bao giờ tự cho phép mình bị bán hay mua.
Sự dẫn dắt của một tiên tri thật phải xuất phát từ một cảm nhận chắc chắn về ý chỉ của Đức Chúa Trời. Sự măc khải chỉ được sinh ra từ lòng kiên quyết trung thực, từ sự cầu nguyện, cầu thay, và tìm kiếm mặt Chúa.
1) Môt Người Lêvi. "Hãy ở đây với ta, làm thầy tế lễ cho ta, ta sẽ cấp cho ngươi mỗi năm mười miếng bạc, một bộ áo xống... Người Lêvi bèn vào" (Quan 17:10).
"Người đáp: Mica đã đãi tôi thế nầy, cấp cho tôi tiền lương, dùng tôi làm tế lễ cho người " (18:4).
Các quan xét đoạn 17 và 18 nói về câu chuyện của một người Lêvi đáng thương đã bán chức vụ của mình để lấy mười miếng bạc và một bộ áo xống. Ông ta đã vi phạm một nguyên tắc quan trọng về chức vụ thật. "Anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi (huyết của Chúa Jêsus) nên đừng làm tôi mọi cho người ta làm chi " (ICôr 7:23).
Thầy tế lễ này đã bán chính mình để hầu việc người ta đặng lấy tiền. Ông đã thỏa thuận với những tiêu chuẩn thuộc linh thấp kém của thời đại đó. Bởi làm như vậy ông đã đánh mất cơ hội đưa toàn bộ chi phái Đan lên mức độ tinh sạch trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời.
Người Lêvi trẻ tuổi này (thầy tế lễ) đã dâng hương trước hình tượng và cuối cùng đã làm hư hỏng cả một chi phái.
Lẽ ra ông ta có thể chống lại hình tượng và quay về với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nhưng ông đã chọn phần thưởng vật chất hơn là sự ích lợi thuộc linh. Những điêu chúng ta đọc trong Kinh Thánh thạt khác xa! Nhưng ông ta đã thất bại. Lẽ ra điều ấy chẳng nên xảy ra như vậy!
Sự thờ hình tượng đã thịnh hành. Sự đoán xét đã đến, cuối cùng dân tộc này đã bị bắt đi làm phu tù. Bởi bán đi chức vụ và sự kêu gọi của mình, người Lêvi đã mở cửa cho sự đoán phạt và hủy diệt. Bạn đừng nên phạm một sai lầm tai hại như vậy!
Đức Chúa Trời không kêu gọi và xức dầu cho những người lãnh đạo có mục đích ích kỷ nhưng vì ích lợi của ngườ khác và sự vinh hiên của Ngài.
Bất kỳ một thái độ hay động cơ nào khác dẫn đến sự hư mất thuộc linh, và có lẽ sẽ dẫn đến sự mất mát cho những người khác như câu chuyện của người Lêvi nói trên.
2) Ghêhaxi. Câu chuyện về Êlisê chữa lành cho quan tổng binh Syri là Naaman có một kêt quả đáng buồn. Sau khi nhúng mình dưới nước sông Giôđanh bảy lần như Êlisê đã chỉ dẫn, quan tổng binh Naaman đã được sạch bịnh phung.
"Sau đó, Naaman với hết thảy người đi theo, bèn trở lại cùng người của Đức Chúa Trời. Người đến đứng trước mặt Êlisê mà nói rằng: Bây giờ tôi nhìn biết rằng trên khắp thế gian chẳng có chúa nào khác hơn Đức Chúa Trời của Ysơraên. Ấy vậy tôi xin ông nhậm lễ vật này của kẻ tôi tớ ông.
Nhưng Êlisê đáp rằng: Ta chỉ Đức Ghêhôva hằng sống mà thề rằng ta chẳng nhậm chi hết. Naaman nài ép Êlisê nhậm lấy, nhưng người từ chối " (II Các vua 5:15;,16).
Êlisê hiểu rằng dùng ân tứ của Đức Chúa Trời để đạt được mục đích vị kỷ là hoàn toàn sai lầm. Nếu Êlisê nhận tiền, có lẽ Naaman sẽ không biết gì về đức tính vị tha của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời ban cho chúng ta nhưng không và Ngài mong chúng ta cũng ban cho kẻ khác nhưng không. Mạng lênh của Chúa Jêsus là: "... làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ. Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không " (Mat 10:8). Êlisê đã vâng theo mạng lênh này.
Chúng ta nên nhớ rằng các nhà truyền giáo có ơn chữa lành ngày hôm nay sẽ được nổi danh và tôn trọng hơn nếu họ làm theo thái độ của Êlisê. Nhưng thật không may, nhiều người có vẻ như đã bán ân tứ của họ để đổi lấy một khoảng tài chánh lớn. Thật đáng buồn! Trong nhiều trường hợp, dường như họ có tinh thần của Ghêhaxi hơn là tinh thần của Êlisê.
Nhưng Ghêhaxi, người đầy tớ của Êlisê đã nhìn thấy những gì Êlisê đã làm và hắn quyết định đi theo Naaman để lấy vàng bạc và quần áo của Naaman cho riêng hắn.
"Vậy Ghêhaxi chạy theo Naaman, Naaman thấy Ghêhaxi chạy theo sau mình, bèn nhảy xuống xe, đi đến đón người. .. Ghêhaxi đáp: ... xin ông hãy cho. .. một ta lâng bạc và một bộ áo. Naaman nói: Xin hãy nhận lấy hai ta lâng. Người cố nài Ghêhaxi nhận lấy. .. Khi Ghêhaxi trở về. .. người lấy những vật đó để trong nhà mình. .. Người bèn ra mắt Êlisê, chủ mình.
Người hỏi rằng: Ớ Ghêhaxi, ngươi ở đâu đến? Người thưa rằng: Tôi tớ không có đi đâu. Nhưng Êlisê tiếp rằng: Khi người kia xuống xe đón ngươi, lòng ta há chẳng ở cùng ngươi sao? ... Vì vậy bịnh phung của Naaman sẽ dính vào ngươi và dòng dõi ngươi đời đời. Ghêhaxi đi ra khỏi Êlisê, bị tật phung trắng như tuyết " (IICác 5:20-27).
Ghêhaxi đã nhận lấy vàng, quần áo và cả bịnh phung của Naaman nữa. Đó là hậu quả cho những ai muốn lấy tiền để đổi lấy ân tứ của Đức Chúa Trời và có lòng tham lam.
3) Balaam. "... Balaam. .. là kẻ tham tiền công. .." (IIPhi 2:15). Tiên tri Balaam đã bán chức vụ mình để lấy địa vị (Dân 22:17) và tiền bạc.
Có lẽ Balaam là tiên tri hùng biện nhất trong cả Kinh Thánh. Những lời nói hùng hồn của ông bày tỏ lẽ thật cao cả nhất về Đức Chúa Trời.
Thế thì tại sao lại gọi ông là tiên tri giả? Tại sao phải xử ông bị ném đá?
Không phải vì những lời tiên tri của ông là giả nhưng vì động cơ của ông không trong sáng. Balaam đã chạy theo vinh quang và vàng bạc. Khi những sứ giả của vua Balác đến tìm Balaam, Chúa đã chỉ thị cho ông rất rõ:
"Ngươi chớ đi với chúng nó. .. nhiều sứ thần. .. đến cùng Balaam mà rằng: Balác, con trai Xếpbô có nói rằng: Ta xin ngươi chớ chi ngăn cản ngươi đến cùng ta. Ta xin ngươi hãy đến rủa sả dân nầy, vì ta sẽ tôn ngươi rất vinh hiển, và làm theo mọi điều ngươi sẽ nói cùng ta " (Dân 22:12, 16, 17).
Đức Chúa Trời đã chỉ thị rõ ràng cho tiên tri Balaam là KHÔNG được đi đến vua Balác để làm tiên tri thuê. Nhưng Balaam cứ khăng khăng đòi Đức Chúa Trời cho phép ông đi.
Balaam hết sức ham muốn tiền bạc, sự tôn trọng và vinh quang mà Balác ban cho. Ông cứ nài ép Chúa cho phép ông đi.
"... Chúng. .. cũng lấy gươm giết Balaam. .." (31:8). Lòng yêu mến địa vị và tiền bạc làm cho Balaam phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Những lời tiên tri của ông là thật nhưng động cơ của ông là sai. Ông đã chết vì sự phán xét.
Khi chúng ta muốn những điều trái ngược với lời và ý chỉ của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ cho sự đoán xét tồi tệ nhất xảy đến với chúng ta để chúng ta nhận được điều mình cứ cố đòi. Balaam đã học bài học bi thảm này về Đức Chúa Trời. "Ngài ban cho chúng nó điều chúng nó cầu xin. Nhưng sai lênh tổn hại linh hồn chúng nó " (Thi 106:15).
Nếu chúng ta lập nên những hình tượng trong lòng mình thì Chúa sẽ sai những tiên tri đến, đó là những kẻ "... lấy những lời ngọt ngào dua nịnh dỗ dành lòng kẻ thật thà " (Rô 16:18). Đức Chúa Trời sẽ đánh lừa những ai có động cơ phụng sự sai lầm.
"Ấy vì thế mà Đức Chúa Trời cho chúng nó mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin điều giả dối, hầu cho hết thảy những người không tin lẽ thật, song chuộng sự không công bình, đều bị phục dưới sự phán xét của Ngài " (IITê 2:11, 12).
Tiên tri Êxêchiên đã giải thích điều này rằng: "Cho nên, hãy nói cùng chúng nó mà bảo rằng: Chúa GHÊHÔVA phán như vầy: Hễ người nào trong nhà Ysơraên mang thần tượng mình vào lòng, và đặt trước mặt mình sự gian ác mình làm cho vấp phạm, nếu người ấy đến cùng kẻ tiên tri, thì ta, Đức GHÊHÔVA, chính ta sẽ trả lời cho nó y như thần tượng đông nhiều của nó " (Êxê 14:4).
Đến với một tiên tri với những hình tượng trong lòng chỉ khiến Đức Chúa Trời xác nhận thêm tội lỗi và sự bất tuân của bạn, và cuộc đời bạn sẽ kết thúc giống như Balaam.
Tôi thưa với Chúa rằng: "Lạy Chúa, thà Ngài giết con còn hơn đánh lừa con. Xin đừng để con đi theo con đường riêng của mình khi điều đó trái ngược với ý chỉ của Ngài. Xin cho con biết ý chỉ của Ngài và làm trọn ý chỉ đó". Tôi mong rằng đây cũng là thái độ và lời cầu xin của bạn.
4) Giuđa. Sứ đồ bán Chúa với ba mươi miếng bạc nhưng hắn chẳng còn sống để mà hưởng thụ số tiền đó là Giuđa. Hắn đã tự tử (Mat 27:3-10). Thật là nguy hiểm khi chúng ta để cho lòng tham muốn và tham lam tiền bạc nắm giữ cả cuộc đời chúng ta.
1) Anania và Saphira. Saphira và Anania đã nói dối Thánh Linh một số tiền và họ đã bị chết (Công 5:1-11).
2) Thuật Sĩ Simôn. Thuật sĩ Simôn đã tìm cách mua quyền năng của Đức Chúa Trời qua việc đặt tay để nhận lãnh Thánh Linh, và sau đó đã bị đoán phạt (8:12-24).
3) Những Kẻ Buôn Bán Chức Vụ. Những ai buôn bán trong đền thờ (buôn bán ân tứ và chức vụ) sẽ chịu đoán phạt nghiêm khắc (Mat 21:12; Mác 11:15; Lu 19:45; Giăng 2:15). Họ sẽ kết thúc cuộc đời mình bằng dấu, tên và số của Anti Christ (Khải 13:17).
Ma quỉ đã dùng ba cái bẫy đơn giản để đem đến sự chống đôi và hủy diệt cho những người lãnh đạo Hội Thánh:
* Yêu địa vị (Kiêu ngạo-quyên lực- sự kiêm soát).
* Yêu phụ nữ cách bất chính (tà dâm / thông dâm)
* Yêu tiền bạc. Cái bẫy cuối cùng này dành cho kẻ chăn thuê.
"Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn (ITi 6:10).
"Không có đầy tớ nào làm tôi hai chủ được. .. Các ngươi không thể làm tôi cho Đức Chúa Trời, lại làm tôi ma môn nữa " (Lu 16:16). Ma môn có nghĩa là sự giàu có, tiền bạc, của cải vật chất. Điều đáng buồn là có nhiều người lãnh đạo Hội Thánh đã hầu việc ma môn. Những ai theo Chúa Jêsus (đặc biệt là những người lãnh đạo Hội Thánh) phải từ bỏ lòng tham lam và ham mến tiền bạc (14:33; ITi 3:3).
"Nếu các ngươi không trung tín về của (tiền bạc)... có ai đem của thật giao cho các ngươi? " (Lu 16:11). Của thật là những ân tứ và giá trị thuộc linh. Đó là sỳự xức dầu để truyền giáo, giảng dạy, chữa lành... Chúa Jêsus dạy rằng cách sử dụng tiền bạc đúng hay sai là cách để xác định xem đó là chức vụ thật hay giả.
Hàng ngàn người lãnh đạo Hội Thánh đã có tinh thần chăn thuê và lợi dụng bầy của Đức Chúa Trời. Thay vì chăn chiên, họ đã cắt xén lông của chiên.
Chúng ta cần phải cẩn thận về "sự ra lênh và công bố bằng đức tin" bât cứ điêu gì chúng ta muôn. Có sự nguy hiểm trong việc giảng dạy rằng chúng ta có thể sở hữu bất kỳ điều gì chúng ta công bố nếu chúng ta có đủ đức tin.
Một số người đã lấy một câu Kinh Thánh để làm nền tảng cho sự giảng dạy và giáo lý của họ. Chẳng hạn một số người nói rằng Chúa Jêsus dạy rằng chúng ta sẽ có được bất kỳ điều gì mà chúng ta muốn. "Nếu các ngươi nhơn danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho " (Giăng 14:14).
Bạn có tin rằng nếu bạn cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn một cô gái điếm để thỏa mãn thì Đức Chúa Trời sẽ cho bạn không? Bạn có thể xin Chúa giết một người mà bạn không thích và Ngài sẽ làm điều đó không? Rõ ràng chúng ta phải xem lời Chúa trong "toàn thể ý muốn của Đức Chúa Trời " (Công 20:27). Chúng ta phải "chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật (IITi 2:15).
Trong sự minh họa ở trên, chúng ta thây người ta có thể bóp méo lời Chúa để thỏa mãn lời cầu nguyện xác thịt của họ như thế nào. Câu Kinh Thánh tiếp theo (tức là tiếp theo Giăng 14:14 được nói ở trên) chép rằng: "Nếu các ngươi yêu mến ta thì hãy giữ gìn các điều răn ta " (14:15).
Nếu chúng ta yêu Ngài, chúng ta sẽ chẳng bao giờ cầu xin bất kỳ điều gì trái ngược với ý chỉ và điều răn của Ngài. Đây là điều chúng ta gọi là "PHẦN BỔ SUNG ". Chúng ta có thể lấy câu Kinh Thánh chúng ta muốn giải thích và tìm những câu khác trong Kinh Thánh có cùng chủ đề.
Khi chúng ta đặt tất cả các câu Kinh Thánh lại với nhau, chúng ta có "toàn thể ý muốn của Đức Chúa Trời " về vấn đề đó. Chẳng hạn, Giacơ nói về hai vấn đề trong cầu nguyện:
* "Anh em chẳng được chi vì không cầu xin ". Một số người đã không cầu nguyện và xin Đức Chúa Trời về nhu cầu của họ và họ không có gì cả.
* "Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình " (Gia 4:2, 3). Những người khác đã cầu xin với động cơ sai, xuất phát từ lòng tham lam và tư dục, và họ cũng không nhận được.
Hơn nữa, Giăng dạy chúng ta rằng: "Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì thì Ngài nghe chúng ta. Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài " (IGiăng 5:14, 15).
Do đó điều chúng ta hiểu trong Giăng 14:14 đã được các thư tín của Giăng và Giacơ "bổ sung". Chúng ta hiểu rằng chúng ta phải cầu xin với động cơ đúng đắn, và cầu xin những điều theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Bạn hãy nhớ những "PHẦN BỔ SUNG" nầy cho câu: "Nếu các ngươi nhơn danh ta cầu xin điều chi, ta sẽ làm cho " (14:14). Đó là toàn bộ ý muốn của Đức Chúa Trời.
Tôi đã chứng kiến nhiều người lãnh đạo Hội Thánh đã cầu nguyện một cách sai trật bởi vì họ muốn làm đẹp lòng con người thay vì làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Thật là khôn ngoan biết bao khi bạn biết chờ đợi lời của Đức Chúa Trời và được Thánh Linh của Đức Chúa Trời măc khải trước khi cầu nguyện sai trật hoặc nói ra lời tiên tri.
Một trong những nguy hiểm lớn nhất đối với những người được Thánh Linh ban cho ân tứ lời tiên tri và làm các phép lạ chính là dân sự mà họ đang phục vụ.
Có rất nhiều người trong thế giới này muốn "biểu diễn mạng lẹnh" các ân tứ của Thánh Linh. Họ sẽ không thỏa lòng cho đến khi thực hiện được quyền năng phép lạ một cách ngoạn mục.
Chúng ta còn nhớ vua Hêrốt muốn Chúa Jêsus đến trước mặt ông để biểu diễn phép lạ không (Lu 23:5-16). Đó là sự "biểu diễn theo mạng lênh" để thỏa mãn sự tò mò của ông.
Chính Hêrốt này đã có lần ra lênh cho Salome nhảy múa trước mặt ông và các vị khách của ông để thỏa mãn tư dục của họ (Mác 6:19-29). Salome đã bán rẻ sự xinh đẹp của mình với một giá, cái đầu của Giăng Báptít. Salome đã sẵn sàng biểu diễn theo mạng lênh.
Chúa Jêsus không làm điều đó.
Cách đây bốn mươi năm, nước Mỹ là trung tâm phong trào phục hưng về sự chữa lành vĩ đại. Rất nhiều nhà truyền giáo đi khắp đất nước này để giảng vê sự phục hưng và thực hiện các chiến dịch chữa bênh. Nhiều người trong số họ là những người hầu việc Chúa chân chính và đáng kính trọng.
Tuy nhiên, là một thanh niên, tôi rất khó chịu. Dường như có một số người sẵn sàng "bán rẻ" các ân tứ thuộc linh của họ để được sự tôn tặng và lợi lộc, danh tiếng và của cải. Họ sẵn sàng biểu diễn với một giá nào đó.
Thậm chí có một số người còn tuyên bố rằng quyền năng chữa bênh của Đức Chúa Trời sẽ xảy ra nếu người ta dâng tiền để ủng hộ các nhà truyền giáo. Thật là kinh khủng, như tôi đã viết, chính điều này hiện nay đang lặp lại. Trên truyền hình, các nhà truyền giáo đang dùng những ân tứ của họ để kiếm tiền và sự vinh quang riêng cho họ.
Tôi kêu la cùng Đức Chúa Trời để Ngài trả lời về điều này. Tại sao lại có sự thiếu thánh khiết và chơn thật trong cả dân sự lẫn người hầu việc Chúa? Chúa đáp lời tôi theo đoạn Kinh Thánh sau:
"Bấy giờ có mấy thầy thông giáo và người Pharisi thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Bẩm thầy, chúng tôi muốn xem thầy làm phép lạ. Ngài đáp rằng: Dòng dõi hung ác, gian dâm (không trung tín) nầy xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ nào khác " (Mat 12:38, 39).
Nói cách khác có những người lãnh đạo bất trung sẽ sẵn sàng "bán rẻ" chức vụ của họ để thỏa mãn những ước muốn xác thịt của những người theo họ. Cũng có những người muốn xem hoặc muốn nhận một phép lạ, và sẵn sàng trả tiền để được xem điều đó.
Chúa Jêsus từ chối cả người mua lẫn người bán. Sự tham dục xấu xa đã khiến Hêrốt trả giá cho sự nhảy múa khỏa thân của Salome cũng có nguồn gốc xác thịt như việc ham muốn xem thấy phép lạ.
Hêrốt (cũng như nhiều người ngày hôm nay) chỉ muốn thỏa mãn tính hiếu kỳ xác thịt của mình. Chúa Jêsus không dự phần vào điều đó. Nguyện Đức Chúa Trời giữ những người lãnh đạo đừng làm theo sự la ó của xác thịt ngày hôm nay.
Một lần nữa Đức Chúa Trời đang mong muốn vận hành quyền năng qua ân tứ của Thánh Linh Ngài. Ngài muốn có một chứng cớ mà trong đó cả công việc lẫn người làm công đều phải đem vinh hiển về cho danh thánh của Ngài.
Trong những ngày cuối cùng này, Đức Chúa Trời muốn dấy lên những tiên tri thánh cầu nguyện cho Ngài. Tuy nhiên chức vụ tiên tri là một chức vụ có nguy cơ rơi vào sự kiêu ngạo và địa vị tôn giáo. Tôi muốn chia xẻ với bạn một số hiêu biêt thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho tôi trong nhiều năm qua về vấn đề nầy.
Cách đây một thời gian, tôi được mời đến giảng tại một Hội Thánh. Người ta giới thiệu tôi là "một tiên tri lớn của Đức Chúa Trời".
Tôi hoàn toàn tin vào chức vụ năm phương diên trong Thân thể Đấng Christ của sứ đồ, tiên tri, người giảng tin lành, mục sư và giáo sư (Êph 4:11),
Tuy nhiên khi người ta hỏi tôi là gì, tôi nói với họ rằng tôi thật sự không biết. Tôi chỉ thấy mình là "tiếng kêu trong đồng vắng " (Giăng 1:23). Đối với tôi, không nhât thiết phải mang lấy một danh hiệu nào để thực hiện ý chỉ của Đức Chúa Trời cả. Ngày lại ngày, tuần lại tuần, tháng lại tháng, Ngài bày tỏ cho tôi ý chỉ của Ngài và tôi chỉ cố làm theo điều đó.
Tôi thừa nhận là có những lãnh đạo Hội Thánh tự xức dầu và tự phong những tước vị và danh hiệu đê đưa ra những đòi hỏi quá đáng. Tôi cũng sợ nhiều khi người ta lại dùng những lời tán tụng hoa mỹ cho những người được gọi là của Đức Chúa Trời để thi hành chức vụ.
Tôi quan tâm điều này bởi vì có nguy cơ kiêu ngạo đi theo sự kêu gọi cao cả của Đức Chúa Trời để rồi dẫn đến một địa vị nổi bật trong xã hội.
Tôi không có ý nói là chúng ta không nên kính trọng những người lãnh đạo Hội Thánh. Tôi cũng không có ý nói là chúng ta chẳng nên tôn trọng những người có trách nhiệm lãnh đạo. Nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta phải cẩn thận để đừng tôn tặng và tâng bốc một người nào đó đến một địa vị mà họ sẽ bị sự kiêu ngạo hủy diệt do những lời tán dương và ngợi khen không cần thiết.
Điều thú vị đáng chú ý trong Tân Ước là các từ ngữ như sứ đồ, tiên tri, người giảng tin lành, mục sư, giáo sư (Êph 4:11) không được dùng như là môt danh hiệu nhưng những từ đó chỉ được dùng để mô tả một chức năng trong Thân thể Đâng Christ.
Theo công viêc trong thê giới này thì chúng ta gọi điều này là "mô tả việc làm". Thợ máy, thợ mộc, thợ sửa ông nước đều thể hiện những chức năng khác nhau và những công việc khác nhau. Chúng ta không thể giới thiệu một người nào đó như thế này: "Đây là Jones, thợ sửa ông nước vĩ đại và đáng kính". Chúng ta chỉ đơn giản giới thiệu tên anh ta thôi.
Đó là điều mà người ta đã làm với những người hầu việc Chúa trong Thân thể Đâng Christ. Chức năng của họ không nên được dùng như một danh hiệu. Nếu ai dùng như vậy, tôi không đoán xét họ. Tôi chỉ tin rằng đó là một cái bẫy làm cho chúng ta bị mắc vào sự kiêu ngạo vê địa vị.
Nhà truyền giáo nổi tiếng nhất thế giới là Billy Graham. Có lẽ bạn đã thấy rằng, dù ở nơi nào, mọi người trong đoàn truyền giáo của Billy Graham chỉ giới thiệu ông một cách giản dị là "Ông Graham".
Nhưng những người khác gọi ông là "Tiến sĩ Graham", rồi thêm nhiều từ ngữ tôn trọng, đáng kính khác nữa. Billy Graham gạt bỏ tất cả những lời tôn tặng như vậy vì ông không cần những lời đó. Ông chỉ thích hầu việc Chúa trong sự khiêm nhường.
Ước muốn của ông là làm người mà Chúa muốn ông làm và thực hiện những gì Chúa muốn ông thực hiện. Ông thấy bình an trong sự kêu gọi của Đức Chúa Trời trên cuộc đời ông. Những điều khác là không cần thiết. Đó là dấu của người tôi tớ chân thật, khiêm nhường của Chúa. Tôi cầu xin cho chúng ta cũng có những đức tính này.
Chúng ta không cần những "địa vị và danh hiệu" chính thức và long trọng trong Thân thể Chúa để hầu việc Chúa. Giăng Báptít không có một danh hiệu gì cả. Thậm chí ông cũng không biết phải trả lời như thế nào khi có những người hỏi về thân phận của ông. Sứ đồ Giăng đã thuật lại cuộc nói chuyện lý thú này:
"Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giuđa sai mấy thầy tế lễ, mấy người Lêvi từ thành Giêrusalem đến hỏi ông rằng: Ông là ai? Người xưng ra chẳng chối chi hết, xưng rằng mình không phải là Đấng Christ (Đấng Mêsia). Họ lại hỏi: Vậy thì ông là ai? Phải là Êli chăng? Người trả lời: Không phải. Ông là Đấng tiên tri chăng? . Người trả lời: Không phải. Họ bèn nói: Vậy thì ông là ai? Hầu cho chúng tôi trả lời cùng những người sai chúng tôi đến. Ông tự xưng mình là ai? " Giăng 1:19-22).
Giăng đáp theo lời của tiên tri Êsai:
"Ta là tiếng của người kêu trong đồng vắng rằng: Hãy ban đường của Chúa cho bằng " (Ês 40:3).
Cách đó 1.500 năm, Môise đã nói tiên tri rằng có một ngày Đức Chúa Trời sẽ dấy lên "một tiên khác giống như ngươi " (Phục 18:18). Tiên tri Malachi nói rằng: "Nầy ta sẽ sai Đấng tiên tri Êli đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Ghêhôva " (Mal 4:5). Vì vậy dân Ysơraên đang trông đợi sự hiện đến của vị tiên tri vĩ đại nầy, như Môise và Êli vậy.
Khi họ hỏi Giăng có phải là tiên tri (như Môise và Êli không), ông đáp ông chỉ là "tiếng kêu trong đồng vắng ".
Sau khi Giăng chết, Chúa Jêsus cho chúng ta biết rằng Giăng Báptít đã mặc cái áo choàng (tức là sự xức dầu) của Êli (Mat 17:11-13). Dường như Chúa Jêsus biết rõ Giăng là ai còn Giăng lại không biết gì về chính mình.
Điều đáng khen ngợi là Giăng đã làm những gì Đức Chúa Trời bảo ông làm. Và Đức Chúa Trời đã phán với Giăng. Ông có thể dạn dĩ nói rằng "Đức Chúa Trời phán với tôi rằng... "
Giăng không cần danh hiệu hay sự công nhận mình là ai đê theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ông chỉ cần lắng nghe và làm theo tiếng phán của Đức Chúa Trời.
Giăng không quan tâm về danh hiệu hay địa vị giữa con người. Ông chỉ làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ông đã qua đời khi còn là một thanh niên, khoảng ba mươi, ba mươi mốt tuổi.
Không có gì lạ khi Kinh Thánh nói rằng ông được gọi là "tiên tri của Đấng rất cao. .. chính người lại sẽ mặc lấy Thánh Linh và quyền phép của Êli mà đi trước mặt Chúa " (Lu 1:17, 76).
Chúng ta hãy coi chừng NHỮNG CÁI BẪY.
Dấu hiệu THỨ NHẤT của những sứ đồ, tiên tri, người giảng tin lành, mục sư, giáo sư thật là họ không dùng những ân tứ của Thánh Linh hay những chức vụ mà Đức Chúa Trời ban cho để tự phục vụ hay tư lợi cho mình. Họ chỉ dùng những ân tứ này khi Thánh Linh hướng dẫn.
Khi Chúa Jêsus bị treo trên thập tự, thì một trong những lời nhạo báng Ngài là: "Hắn đã cứu được người khác nhưng không thể tự cứu lấy mình " (Mat 27:42).
Thật vậy, Chúa Jêsus không dùng chức vụ của Ngài để tự phục vụ chính mình và tự cứu lấy mình. Ngài không thể tự cứu lấy mình.
Dấu hiệu THỨ HAI của những sứ đồ, tiên tri, nhà truyền giáo, mục sư và giáo sư thật là họ sẵn sàng chịu khổ và khó khăn để hoàn thành chức vụ mà Đấng Christ ban cho. Đó là thái độ mà Phaolô đã có.
"Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó, vì khi tôi yếu, ấy là lúc tôi mạnh mẽ " (IICôr 12:10).
Mọi người hầu việc Chúa để tôn vinh Đấng Christ đều phải có thái độ như vậy. "Anh em phải có thái độ giống như của Đức Chúa Jêsus Christ " (Phil 2:5 NIV).
"Êli. .. nói với Aháp rằng: Ta đứng trước mặt Đức Chúa Trời của Ysơraên hằng sống mà thề rằng: Mấy năm về sau đây, nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa " (ICác 17:1).
Sự công bô đoán phạt mang tính tiên tri này kéo dài trong nhiêu năm khi nước Ysơraên đã gặp sự hạn hán và mất mùa kinh khủng.
Trong môt đôi mọi sự xảy đến với Êli đều tốt đẹp cả. Đức Chúa Trời dẫn Êli đến một con suối mà tại đó ông có nước đê uông. Ngài sai chim quạ trung tín mang bánh và thịt đến nuôi Êli môi buôi sáng và buôi tôi. Thật là một bức tranh bình thản. Trong khi những người khác đang gặp những nan đề trong lúc hạn hán và đói kém thì tình trạng của Êli không quá tồi tệ.
Tuy nhiên cuối cùng suối nước cũng cạn và Êli đã trở thành nạn nhân của chính lời tiên tri của ông! Bánh mì khô mà không có nước thì không phải là một bữa ăn dã ngoại ngon lành. Có lẽ Êli bị cám dỗ để ra lênh cho trời mưa xuống.
Nếu ông hành động theo ước muốn đó thì rõ ràng ông đã sai lệch ý chỉ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chưa ra lênh cho Êli công bố trời mưa. Nếu Êli lên tiếng khi lẽ ra ông phải yên lặng thì một trong hai điều sau đây có thể xảy ra:
* Đức Chúa Trời sẽ không làm theo điều Êli câu xin vì ông đã "cầu xin trái lẽ " - tức là không đúng ý chỉ thiên thượng (Gia 4:3). Nếu Ngài làm như vậy, Êli sẽ trở thành một tiên tri không giá trị và ích kỷ.
* Đức Chúa Trời sẽ làm theo điều Êli cầu xin nhưng như thế thì toàn bộ câu chuyện sẽ kết thúc. Êli sẽ không được nhìn thấy "lửa từ trời giáng xuống ", và thấy mình bị "tổn hại linh hồn " (ICác 18:30-39; Thi 106:13-15).
Giống như Chúa Jêsus khi bị cám dỗ trong đồng vắng (Mat 4:1-4), Êli không sử dụng ân tứ của mình để thỏa mãn cơn khát và cái đói cồn cào. Ông chờ đợi Đức Chúa Trời đến và bảo ông khi nào thì dùng ân tứ tiên tri của mình. Chỉ lúc đó ông mới nói ra lời của Chúa và kết thúc trận hạn hán.
Nhưng Đức Chúa Trời là thành tín. Kinh Thánh chép: "Bấy giờ, có lời của Đức Giêhôva phán dạy Êli rằng: Hãy chổi dậy đi đến Sarépta, thành thuộc về Siđôn, và ở tại đó, kìa ta đã truyền cho một người góa bụa ở thành ấy nuôi ngươi " (ICác 17:8, 9).
Vì cớ Êli và người đàn bà góa này vâng theo lời Chúa nên cả hai đều được thưởng bằng sự phước hạnh và sự cung cấp của Đức Chúa Trời khôn ngoan và yêu thương.
Nhu câu của họ trở thành dịp tiên đê Chúa thực hiên phép lạ "dâu và bôt" đê cứu cuôc đời họ.
Cả hai người đều có thể đánh mất phước hạnh này nếu họ vô tín, hoặc nói ra trong khi phải yên lặng, hoặc yên lặng trong khi phải nói ra.
Êli đã nêu gương tốt cho chúng ta. Ông đã không dùng ân tứ quyền năng của mình để giải quyết nan đề riêng hoặc thỏa mãn nhu cầu riêng. Ông đã giữ ân tứ theo ý chỉ và sự kiểm soát của Đức Chúa Trời.
"Tôi gửi lời khuyên nhủ nầy cho các bậc trưởng lão trong anh em. .. Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em. .. chẳng phải vì lợi dơ bẩn (tiền bạc)... Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn hiện ra anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo " (IPhi 5:1-4).
Sứ đồ Phaolô là người lãnh đạo có tấm lòng của người chăn chân thật. Lẽ ra ông được phép nhận sự ủng hộ tài chánh từ các Hội Thánh (ICôr 9:17, 18; ITi 5:17, 18).
Nhưng để nêu gương, ông đã tự nuôi mình. "Cho đến bây giờ, chúng tôi. .. vẫn dùng chính tay mình làm việc khó nhọc " (ICôr 4:11, 12).
Ông không phải là người chăn thuê. "Tôi chẳng tham bạc, vàng hay là áo xống của ai hết. Chính anh em biết rằng hai bàn tay nầy đã làm ra sự cần dùng của tôi và của đồng bạn tôi. .." (Công 20:33-35).
Khi người ta dâng tiền cho Phierơ, ông đáp: "Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời " (8:20). Bạn có muốn làm người lãnh đạo giống như Phierơ không? Bạn nên là người như vậy.
Tất cả những người lãnh đạo chân thât của Đức Chúa Trời phải liên tục chống lại tinh thần chăn thuê và ghét "sự yêu mến tiền bạc".
"Tôi mong nhờ ơn Chúa Jêsus, kíp sai Timôthê đến cùng anh em,. .. Tôi không có ai như người đồng tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em, vì ai nấy (những người còn lại) đều tìm lợi riêng mình " (Phil 2:19-21).
Có lẽ đây là những lời đáng buồn nhất trong Tân Ước - "ai nấy đều tìm lợi riêng mình". Phaolô chỉ tìm thấy được một người lãnh đạo có động cơ trong sáng, rõ ràng để sai đến giúp đỡ cho Hội Thánh tại Philíp.
Chúa phán với chúng ta: "Các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? ... Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa " (Mat 6:31-33).
Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho những ai dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa Jêsus để phục vụ người khác. Ngài sẽ cung cấp đầy đủ và chăm sóc các tôi tớ Ngài.
Nhưng Đức Chúa Trời không kêu gọi chúng ta đến những nơi có nhiều vàng nhất. Ngài kêu gọi chúng ta đến bất cứ nơi nào mà Thánh Linh hướng dẫn.
Có thể đó là một dân tộc cứng lòng như trong trường hợp Chúa kêu gọi Giêrêmi (Giê 6:19), hoặc có thể đó là một dân tộc đã sẵn sàng ăn năn như trong trường hợp Chúa sai Giôna (Giôna 3:5-10). Điều thật sự quan trọng ở đây là chúng ta vui mừng làm theo ý chỉ thánh của Đức Chúa Trời với một tấm lòng yêu mến Ngài. Đó phải là điều ước ao cao cả nhất của đời sống chúng ta!
"Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa thì đều được vào nước thiên đàng đâu, nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa. Chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? Nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? Nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy ta sẽ phán rõ cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta " (Mat 7:21-23).
Phần thưởng của bạn ở thiên đàng phụ thuộc những gì bạn đã làm cho Chúa trên đất này và CÁCH (động cơ) mà bạn làm điều đó. Dùng quyền năng của Chúa để chữa bênh, đuổi quỉ và nói tiên tri trong khi vẫn sống trong sự tham muốn của xác thịt như ham mê tiền bạc, thích được con người ngợi khen và sống vô luân, thì chỉ gặt hái sự đoán phạt mà thôi.
Sự đoán phạt đó là gì?
Sự đoán phạt cho những người hầu việc Chúa như thế là: "HÃY LUI RA KHỎI TA".
Vấn đề là sự gần gũi. Bạn được phép ở gần Chúa Jêsus trên thiên đàng đến mức nào. Nếu bạn không ở gần Chúa Jêsus trong cách ăn ở và công việc của bạn trên đất này thì bạn sẽ không được gần gũi Ngài ở thiên đàng.
Trong suốt thời gian dân Ysơraên bội đạo (sa ngã), phần lớn các thầy tế lễ trở thành những kẻ thờ lạy hình tượng và dâng của cúng tê cho hình tượng. Nhưng CÁC CON TRAI CỦA XAĐỐC vẫn là những thầy tế lễ chân chính và gần gũi Đức Chúa Trời.
Khi thời kỳ đoán phạt đên thì sự đoán xét của Chúa trên những thầy tế lễ sa ngã như sau: "... những người Lêvi đã đi cách xa ta, bỏ ta đặng hầu việc thần tượng nó, sẽ mang tội lỗi mình. .."
Nhưng những ai trung tín vẫn còn chơn thật thì nhận được phần thưởng này: "Nhưng các thầy tế lễ con cháu Xađốc, còn coi giữ nơi thánh trong khi con cái Ysơraên lầm lạc cách xa ta, những kẻ đó gần ta đặng hầu việc, sẽ đứng trước mặt ta. .. Chúa Giêhôva phán vậy " (Êxê 44:10-15).
Sự đoán phạt cho sự không vâng lời và sa ngã là không được ở trong sự hiện diện CỦA NGÀI. Đó là một đặc ân mà tôi không muốn đánh mất.
Trong trường hợp này phần thưởng cho người vâng lời và trung tín không phải là ở thiên đàng. Đó là một đặc ân được ở trong sự hiện diện của Ngài. "Họ sẽ đến gần ta. .. Đức Giêhôva phán như vậy ". Đó là điều chúng ta nên ước ao hơn bất kỳ điều gì khác trong đời này và cõi đời đời. Bạn phải gần gũi Chúa Jêsus.
Ở thiên đàng bạn sẽ được gần gũi Chúa Jêsus như thế nào? Gần gũi y như bạn đang gần gũi Ngài ngay trên đất này vậy. Nếu bạn bước đi trong tham dục tội lỗi, tham tiền bạc, ước muốn được con người khen ngợi hơn là sự khen ngợi của Đức Chúa Trời (Giăng 12:43) thì Chúa sẽ phán với bạn rằng: "HÃY LUI RA KHỎI TA ". Bạn sẽ mất tât cả phần thưởng và lửa sẽ đốt cháy tất cả công việc của bạn (xem ICôr 3:10-15; IGiăng 2:28).
Nếu bạn bước đi trong sự trung tín đối với sự kêu gọi và chức vụ của bạn, nếu bạn cứ duy trì những động cơ trong sáng và công bình thì Chúa Jêsus sẽ thưởng cho bạn một chỗ gần Ngài nơi ngai của Ngài (Khải 3:21). Bạn sẽ vui hưởng sự hiện diện gần gũi của Ngài suốt cõi đời đời.
"Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn " (Giacơ 3:1;).
"Bởi chúng ta thảy đều ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt " (IICôrinhtô 5:10;).
Kinh Thánh dạy rằng vào một ngày nào đó những người lãnh đạo và các tín đồ đều phải khai trình tại "tòa án Đấng Christ" về tất cả những việc tốt và xấu mà họ đã làm trong Thân Thể của Chúa. Về vấn đề xét xử tín đồ, bạn nên nhớ những điều sau đây:
Tất cả các Cơ đốc nhân đều phải chịu xét xử, không có trường hợp ngoại lệ (Rô 14:12; ICôr 3:12-15; IICôr 5:10).
Sự phán xét sẽ xảy ra khi Đấng Christ trở lại để tiếp đón Hội Thánh (xem Giăng 14:3 so với ITê 4:14-17).
(Giăng 5:22; IITi 4:8)
Kinh Thánh nói về sự phán xét của tín đô là rất nghiêm túc và trọng thể vì có liên hê đên sự tôn hại hay "mât hêt " (ICôr 3:15 so với IIGiăng 8), về sự "hổ thẹn trước mặt Ngài khi Ngài trở lại " (IGiăng 2:28) và về việc "đốt cháy " toàn bộ công việc của cả một cuộc đời nào đó (ICôr 3:13-15). Tuy nhiên việc phán xét tín đồ sẽ không bao gồm sự công bô định tôi của Đức Chúa Trời.
Mọi sự đều sẽ được phơi bày tỏ tường. Từ "hiện ra " trong IICôr 15:10 (theo tiếng Hy Lạp là phaneroo) có nghĩa là "tỏ tường hay công khai".
Do đó Đức Chúa Trời sẽ kiểm tra công khai, rõ ràng và thực tế:
a. Những hành động kín giấu của chúng ta (Mác 4:22; Rô 2:16).
b. Bản chất của chúng ta (2:5-11).
c. Lời nói của chúng ta (Mat 12:30, 37).
d. Những việc thiện của chúng ta (Êph 6:8).
e. Thái độ của chúng ta (Mat 5:22).
f. Động cơ của chúng ta (ICôr 4:5).
g. Sự thiếu yêu thương của chúng ta (Cô 3:18-4:1).
h. Công việc và chức vụ của chúng ta (3:13).
Nói tóm lại, tín đồ sẽ phải khai trình về mức độ trung tín hay không trung tín của mình đối với Đức Chúa Trời (Mat 25:21, 23; ICôr 4:2, 5), về những công việc và hành động của mình trong ân điển, cơ hội và sự hiểu biết đã ban sẵn cho họ (Lu 12:48; Giăng 5:24).