Back to Top
Cover of 37 - HƯỚNG DẪN NGƯỜI MỚI TIN CHÚA - PHẦN E5
Category: Cây Gậy Của Người Chăn Bầy
Library: Định dạng văn bản

Review

Written by Nguyễn Thiên Ý

MỤC LỤC

  1. LỜI HƯỚNG DẪN DÀNH CHO NGƯỜI LÃNH ĐẠO:
  2. Chương 1: SỰ SỐNG MỚI
    1. A. MỘT SỰ SỐNG MỚI ĐÃ BẮT ĐẦU
      1. 1. "Được Cứu" Nghĩa Là Gì?
      2. 2. "Được Tái Sinh" Nghĩa Là Gì?
        1. a. Có Mắt Nhưng Không Thể Thấy.
        2. b. Có Tai Nhưng Không Thể Nghe Được.
        3. c. Có Miệng Nhưng Không Nói Được.
        4. d. Có Phổi Nhưng Không Thở Được.
        5. e. Được Rửa Lúc Mới Sinh.
        6. f. Được Mặc Quần Áo Mới.
        7. g. Được Chăm Sóc Và Nuôi Nấng.
        8. h. Được Mang Họ Của Gia Đình.
      3. 3. Cái Nhìn Mới.
      4. 4. Một Nhận Thức Mới
      5. 5. Một Bản Đồ Và Sự Hướng Dẫn
      6. 6. Người Bạn Đồng Hành và Người Hướng Dẫn
      7. 7. Mối Quan Hệ Mới
      8. 8. Một Loại Vui Mừng Mới
      9. 9. Sẽ Có Sự Cám Dỗ
    2. B. BÂY GIỜ, HÃY BƯỚC ĐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
      1. 1. Đầu Phục Tất Cả Cho Ngài
      2. 2. Thông Công Với Chúa Jesus
        1. a. Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Nơi Nào.
        2. b. Kiếm Một Người Bạn Để Cầu Nguyện.
        3. c. Liên Kết Với Những Người Khác.
      3. 3. Vâng Lời Thánh Linh
      4. 4. Đọc Kinh Thánh Mỗi Ngày.
      5. 5. Tìm Thấy Một Ngôi Nhà Thuộc Linh
      6. 6. Hãy Hỗ Trợ Công Việc Đức Chúa Trời
      7. 7. Chức Vụ Ân Tứ Để Giúp Đỡ Bạn
      8. 8. Nói Với Người Khác Về Chúa Jesus
    3. C. KẾT LUẬN
  3. E5.2 Chương 2: PHÉP BÁPTÊM BẰNG NƯỚC - PHẦN I
    1. Phần Dẫn Nhập
    2. A. AI LÀ NGƯỜI CHỊU BÁPTÊM BẰNG NƯỚC?
      1. 1. Những Gương Mẫu Trong Kinh Thánh
        1. a. Ngày Lễ Ngũ Tuần:
        2. b. Những Cơ Đốc Nhân Mới Ở Samari.
        3. c. Hoạn quan Êthiôbi.
        4. d. Saulơ Ở Thành Tạtsơ (Sứ Đồ Phaolô)
        5. e. Cọtnây Và Những Người Bạn Của ông.
        6. f. Những Người Côrinhtô.
        7. g. Các Môn Đồ Ở Thành Êphêsô.
      2. 2. Báptêm Cả Nhà
        1. a. Cả nhà Sêphana.
        2. b. Người Đề Lao Và Cả Nhà Của Ông.
        3. c. Gia đình Cơrítbu.
        4. d. Cả Nhà Của Lyđi.
    3. B. CHÚNG TA CHỊU BÁPTÊM NHƯ THẾ NÀO?
      1. 1. Phương Pháp Báptêm Theo Kinh Thánh
        1. a. Giăng Báptít:
        2. b. Phép Báptêm Của Đấng Christ.
        3. c. Hoạn Quan Êthiôbi.
      2. 2. Sự Chôn Và Phục Sinh
    4. C. CHÚNG TA ĐƯỢC BÁPTÊM Ở ĐÂU?
  4. E5.3 Chương 3: BÁPTÊM BẰNG NƯỚC - PHẦN II
    1. A. TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI ĐƯỢC BÁPTÊM?
      1. 1. Một Lương Tâm Trong Sáng
      2. 2. Một Lời Chứng Công Khai
      3. 3. Chôn "Con Người Cũ"
      4. 4. Công Bố Sự Đắc Thắng
      5. 5. Sự Công Nhận Của Đức Tin.
      6. 6. Xác Nhận Sự Hiệp Một Trong Đấng Christ Của Chúng Ta
      7. 7. Chấp Nhận Mục Đích Của Đức Chúa Trời
      8. 8. Phân Rẽ Khỏi Đời Sống Cũ
      9. 9. Làm Trọn Mọi Việc Công Bình
      10. 10. Được Vui Mừng
      11. 11. Sự Cắt Bì Tấm Lòng
      12. 12. Mạng Lệnh Của Đức Chúa Trời
    2. B. CHÚNG TA CHỊU BÁPTÊM KHI NÀO?
  5. E5.4 Chương 4: NHỮNG CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC TÌNH DỤC
    1. A. ĐỨC CHÚA TRỜI KÊU GỌI CHÚNG TA ĐẾN SỰ TINH SẠCH
      1. 1. Quan Hệ Tình Dục Dành Cho Hôn Nhân
      2. 2. Tội Lỗi Về Tình Dục Sẽ Bị Đoán Phạt Nghiêm Khắc
      3. 3. Tội Lỗi Về Tình Dục Xảy Ra Ngoài Hôn Nhân
      4. 4. Tín Đồ Phải Biết Tự Kiềm Chế
      5. 5. Những Thuật Ngữ Kinh Thánh Nói Về Sự Vô Luân Tình Dục.
        1. a. Sự Thông Dâm (tiếng HyLạp là porneia)
        2. b. Sự Khiêu Dâm (tiếng HyLạp là aselgeia)
        3. c. Phỉnh Dỗ (tiếng HyLạp là pleonekteo)
        4. d.Tham Dục (tiếng HyLạp là epithumia)


LỜI HƯỚNG DẪN DÀNH CHO NGƯỜI LÃNH ĐẠO:

Bạn (hoặc một người nào đó do bạn chỉ định) nên học tài liệu này với tín đồ mới trong vòng một ngày hoặc hai ngày khi họ quyết định tiếp nhận Chúa. Nếu bạn đã có một lớp học hoặc một khóa học cho tín đồ mới thì nên đưa họ vào đó. Nếu không thì hãy sắp xếp một người nào đó (hoặc chính bạn) dạy họ hàng tuần về những bài học trong tài liệu huấn luyện tín đồ mới ở phần đầu cuốn sách này.

CHÚ Ý : Những câu Kinh Thánh được trích trong tài liệu này đã được phép lấy từ bảng Living Bible.

Chương 1: SỰ SỐNG MỚI

A. MỘT SỰ SỐNG MỚI ĐÃ BẮT ĐẦU

Khi bạn tiếp nhận Chúa Jesus vào đời sống bạn thì bạn đã bắt đầu một chiều hướng sự sống hoàn toàn mới. Một người nói "Khi bạn đã tìm thấy Chúa Jesus thì sự sống đã tìm thấy bạn".

Bản Living Bible đã viết như thế này: "Khi một người nào đó trở thành một Cơ đốc nhân, người đó đã trở thành một người mới hoàn toàn ở bên trong. Họ không còn như cũ nữa. Một sự sống mới đã bắt đầu " (IICôr 5:17-20).

1. "Được Cứu" Nghĩa Là Gì?

Sự cứu rỗi không phải là do bạn làm một điều gì đó nhưng Chúa Jesus đã làm một điều gì đó khi bạn tiếp nhận Ngài. Bạn không có cách nào để tự cứu lấy mình, cũng giống như một người chết đuối không thể tự cứu mình được. Người ấy cần sự giúp đỡ của một người khác. Người ấy chỉ được cứu khi đặt sự tin cậy hoàn toàn nơi người cứu mạng sống mình.

Đó chính là điều Chúa Jesus đã làm cho bạn. Ngài đã cứu bạn khỏi một đời sống đầy dẫy tội lỗi, dưới sự cai trị của Satan và phải hứng chịu sự đoán phạt xứng đáng của Đức Chúa Trời... và Ngài đã đặt chân bạn trên mảnh đất vững chắc thuộc về lãnh thổ của Đức Chúa Trời, đem bạn ra khỏi lối sống cũ và ban cho bạn sự sống đời đời.

Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã "cứu chúng ta ra khỏi sự tối tăm và sự sầu khổ trong vương quốc Satan mà đem chúng ta vào trong vương quốc của Con yêu dấu Ngài là Đấng đã dùng huyết Ngài mà mua sự tự do của chúng ta và tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta " (Cô 1:13, 14 tlb).

Sự trả giá này đã xảy ra khi Chúa Jesus chết trên thập tự giá. Ngài đã thay mặt cho bạn và tôi ở trước mặt Cha Ngài. Sự đoán phạt công bình của Đức Chúa Trời đã tuyên án chúng ta là có tội bởi vì chúng ta đã phạm tội... nhưng bởi tình yêu lớn lao của Ngài, Ngài đã sai Con Ngài đến để chịu sự trừng phạt mà chúng ta đáng phải chịu.

Khi bạn tiếp nhận Chúa Jesus vào trong đời sống bạn thì đây chính là sự thay đổi kỳ diệu đã từng xảy ra "Đức Chúa Trời đã đổ hết tội lỗi của chúng ta vào trong Đấng Christ vô tội. Để đổi lại, Ngài đã đổ hết sự tốt đẹp của Đức Chúa Trời vào trong chúng ta " (IICôr 5:21 tlb).

Bây giờ con đường sự sống mới đang mở ra trước mặt bạn... và con đường đó xoay quanh một nhân vật đặc biệt đó là Đức Chúa Jesus Christ. Khi bạn mở đời sống mình ra cho Ngài thì bạn đã bắt đầu sống dưới sự kiểm soát của Ngài.

2. "Được Tái Sinh" Nghĩa Là Gì?

Kinh Thánh có một cách khác để mô tả tất cả những gì đã xảy ra với bạn. Điều đó được gọi là "sanh bởi Thánh Linh ".

Một tối nọ có một người đến với Chúa Jesus. Ông ta là người sùng đạo, nhưng Chúa Jesus nhìn thấy và biết ông thiếu một điều quan trọng hơn cả.

Ngài phán "Hỡi Nicôđem, ngươi phải được sinh lại ". Nicôđem thật đáng thương, ông chưa hề nghe một điều như vậy. Ông thấy điều này thật khó hiểu. Làm thế nào ông có thể trở vào trong bụng mẹ để được sanh lần thứ hai? Sau đó Chúa Jesus giải thích với ông rằng "Điều ta đang nói với ngươi rất là nghiêm trọng: Nếu một người không được sinh lại bởi nước và Thánh Linh thì người ấy không thể bước vào Vương quốc của Đức Chúa Trời. Con người chỉ có thể tạo ra sự sống phàm nhân nhưng Thánh Linh sẽ ban cho sự sống mới từ trời. Vì vậy đừng ngạc nhiên về lời ta nói là ngươi phải được sinh lại " (Giăng 3:57 tlb).

Đức Chúa Jesus dùng sự sinh nở để minh họa. Ngài đang vẽ lên kinh nghiệm về sự sống lại với Đức Chúa Trời trong lĩnh vực thuộc linh.

Trước khi sinh ra, một đứa trẻ không hề biết hoặc tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cũng vậy một người không được Thánh Linh của Đức Chúa Trời sanh lại thì sẽ không biết hoặc tiếp xúc được với Đức Chúa Trời và với những điều thuộc về trời và cõi đời đời.

Chín tháng trước khi được sinh ra, đứa bé vẫn sống, có tất cả các chức năng của sự sống nhưng không có khả năng sử dụng những chức năng đó.

a. Có Mắt Nhưng Không Thể Thấy.

Mọi người chúng ta đều có tiềm tàng một thị lực nhưng lại đang chờ đợi Thánh Linh của Đức Chúa Trời "mở ra". Đó là khả năng hiểu được những điều thuộc về Đức Chúa Trời.

Bạn hãy thử tưởng tượng nếu có hai đứa bé chưa được sanh ra đang nói chuyện với nhau. Một đứa nói rằng: "Tôi không tin về những gì tôi có nghe, người ta nói rằng có một sự sống khác sau khi tôi được sinh ra".

Đối với chúng ta dường như là rất lố bịch vì chúng ta biết có những khả năng lớn lao đặt trước một sự sống non trẻ khi nó được sinh vào trong thế giới và sự sống thuộc linh cũng giống như vậy.

Kinh Thánh chép "Những người không thuộc linh thì không thể chấp nhận những điều thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Đối với người đó, những điều thuộc về Thánh Linh đó chỉ là điều dại dột và người đó không thể hiểu được, bởi vì những điều đó phải được hiểu theo cách thuộc linh " (ICôr 2:14).

b. Có Tai Nhưng Không Thể Nghe Được.

Nhiều lần trước khi nói với đám đông, Chúa Jesus nói lớn "Ai có tai. ..hãy nghe! ".

Người ta có thể có khả năng nghe được Đức Chúa Trời qua đôi tai thuộc linh. Đức Chúa Trời luôn muốn thông công với bạn. Ngài làm cho bạn sống lại trong Thánh Linh để bạn có thể nghe Ngài được.

c. Có Miệng Nhưng Không Nói Được.

Trước khi sinh ra, đứa bé cũng có miệng và có khả năng nói... nhưng không thể nói chuyện được.

Đức Chúa Trời muốn có sự tương giao với chúng ta. Ngài muốn chuyện trò qua lại với chúng ta, Ngài nói với chúng ta và chúng ta nói với Ngài. Điều đó chỉ có thể khi tâm linh chúng ta sống lại.

d. Có Phổi Nhưng Không Thở Được.

Điều đầu tiên đứa trẻ làm được khi sinh ra là khóc. Lần đầu tiên nó được hít thở không khí.

Kinh Thánh gọi Thánh Linh của Đức Chúa Trời là "hơi thở của sự sống ", và khi bạn tiếp nhận Chúa Jesus thì Đức Chúa Trời đã "hà hơi " Thánh Linh Ngài vào trong bạn và bạn "được sinh lại ".

e. Được Rửa Lúc Mới Sinh.

Sau đó cô y tá sẽ ẵm đứa bé đi tắm rửa. Khi chúng ta được sinh về mặt thuộc linh, có sự tẩy sạch xảy ra trong tâm hồn của chúng ta. Tất cả những cặn bã, dơ bẩn mà bạn đã vấy vào từ những điều bạn nghĩ, nói và làm đều đã được Thánh Linh của Đức Chúa Trời rửa sạch.

f. Được Mặc Quần Áo Mới.

Bạn hãy nghĩ đến việc người mẹ đã bỏ ra hằng giờ để chuẩn bị những bộ đồ bé xíu cho một thành viên mới của gia đình. Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã mặc cho những đứa con thuộc linh của Ngài những chiếc áo công nghĩa của Ngài (Ês 61:10).

g. Được Chăm Sóc Và Nuôi Nấng.

Sứ đồ Phierơ viết thư cho những tân tín hữu và bảo họ rằng: "Hãy ham thích sữa tinh khiết của Lời giống như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho bởi đó anh em được lớn lên về sự cứu rỗi " (IPhi 2:2).

Bạn sẽ lớn lên trong đức tin bằng cách đọc Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh... Đó là thức ăn thuộc linh của bạn.

h. Được Mang Họ Của Gia Đình.

Khi bạn được sanh bởi Thánh Linh, bạn trở thành một phần trong gia đình của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Cha của bạn, là Đấng yêu thương và chăm sóc cho bạn. Bây giờ bạn mang tên của Ngài và bạn đi đến đâu, bạn cũng là người đại diện cho Ngài.

3. Cái Nhìn Mới.

Bây giờ bạn đang ở ngưỡng cửa của một nếp sống mới. Bỗng nhiên bạn thấy sự sống quanh bạn theo cái nhìn mới. Bạn cảm thấy tinh sạch ở bên trong, đầy dẫy sự vui mừng mà Đức Chúa Trời ban cho bạn ngay cả cỏ cây, hoa lá trông cũng rực rỡ hơn. Bạn thấy bạn bè và ngay cả kẻ thù với cái nhìn khác. Bạn hiểu tại sao đôi khi họ lại hành động như vậy... Họ cần Chúa Jesus cũng giống như bạn vậy.

Đức Chúa Trời thật quá nhơn lành đối với bạn. Bây giờ, thay vì đầy dẫy những ý tưởng vị kỷ, bạn lại muốn giúp đỡ người khác và đem họ đến với phước hạnh mà chính bạn đã nhận được. Sự sống quá kỳ diệu. Và đó chính là điều mà Chúa Jesus phán rằng Ngài đã đến để làm như vậy

"... Ta đã đến hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật " (Giăng 10:10).

4. Một Nhận Thức Mới

Nhưng không chỉ thế thôi! Bạn còn thấy bạn có sự nhận thực mới về những thực tế đời đời nữa... Đức Chúa Trời không còn là một ảnh hưởng xa tít nào đó tận trên trời... Ngài là một con người thực tế đối với bạn. Ngài là Cha yêu thương!

Chúa Jesus cũng rất thực, bạn có thể nói chuyện với Ngài hằng ngày và lắng nghe Ngài nói chuyện với bạn bằng tiếng nói nhỏ nhẹ ở sâu thẳm bên trong. Bạn không còn cô đơn nữa. "Ta sẽ ở với các ngươi luôn luôn. .. Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu " (Mat 28:20; Hêb 13:5).

Hàng ngày, trong quãng đời còn lại của bạn, bạn sẽ tiếp tục khám phá càng nhiều hơn về Chúa kỳ diệu của bạn. Thật vậy, trải ra trước mắt bạn là một cuộc đời đầy những khám phá thú vị.

5. Một Bản Đồ Và Sự Hướng Dẫn

Bạn cần một tấm bản đồ và sự hướng dẫn để giúp đỡ bạn... và Đức Chúa Trời đã cung cấp cả hai điều đó. Kinh Thánh là Lời thành văn của Đức Chúa Trời cho bạn và chỉ cho bạn thấy những gì Chúa Jesus đã làm, đang làm và sẽ làm.

Kinh Thánh chứa đựng tất cả những lời hứa kỳ diệu của Đức Chúa Trời mà bây giờ những lời hứa đó đã thuộc về bạn vì bạn đã thuộc về Ngài. Đó là sự hướng dẫn trọn vẹn cho đời sống mà chứa đựng những lời chỉ dẫn và lời hứa về mọi khía cạnh của cuộc đời và tương lai của bạn.

Bạn sẽ muốn đọc Kinh Thánh hơn làm bất cứ điều gì khác. Khi đọc, bạn sẽ thấy những điều kỳ diệu về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho bạn, kế hoạch của Ngài cho cuộc đời bạn ngay bây giờ và suốt cõi đời đời. Bạn sẽ bắt đầu bộc lộ sự đầy đủ về những gì Chúa Jesus đã ban cho bạn và con người hiện tại của bạn bởi vì bạn thuộc về Ngài.

6. Người Bạn Đồng Hành và Người Hướng Dẫn

Đức Chúa Trời ban Kinh Thánh là bản đồ cho cuộc đời chúng ta thể nào thì Ngài cũng ban Thánh Linh để làm người bạn và người hướng dẫn cho chúng ta thể ấy.

Khi bạn bắt đầu bước theo con đường khám phá này, Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt bạn từng bước.

Công tác của Ngài là dẫn bạn vào trong mọi lẽ thật, và bày tỏ nhiều bản tánh của Đức Chúa Trời cho bạn... không chỉ bày tỏ cho chúng ta biết Đức Chúa Trời như thế nào mà còn biến đổi chúng ta giống như Ngài.

Kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta là Ngài sẽ sống với chúng ta mãi mãi. Do đó Ngài ban cho chúng ta những năm sống trên đất để phát huy khả năng sống thích ứng theo sự trong sạnh, thánh khiết, bình an, vui mừng và trung tín của Ngài.

Công tác của Thánh Linh trong chúng ta là hình thành nên sự sống mới ban đầu thật kỳ diệu và sau đó khiến chúng ta tiếp tục lớn lên trong sự sống mới đó. Một ngày nào đó, tất cả các Cơ đốc nhân sẽ trưởng thành và trọn vẹn trước mặt Chúa.

Kinh Thánh đã mô tả công tác của Thánh Linh trong đời sống của chúng ta như thế này:

"Nhưng các Cơ đốc nhân chúng ta không có cái màn phủ trên mặt mình, chúng ta có thể giống như những cái gương phản chiếu vinh hiển của Chúa, và khi Thánh Linh của Ngài hành động trong chúng ta, chúng ta ngày càng trở nên giống Ngài hơn " (IICôr 3:18 tlb).

7. Mối Quan Hệ Mới

Đây là lúc vui mừng thật sự. Bây giờ bạn là một thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời... một dòng dõi nhà vua của cả vũ trụ! Những đứa con của Vua! Sứ đồ Phaolô đã mô tả điều này như sau:

"Bây giờ, anh em không còn là kẻ xa lạ đối với Đức Chúa Trời và là người ngoại quốc đối với thiên đàng nữa nhưng là những thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời, là công dân trong nước Ngài và thuộc về người nhà của Đức Chúa Trời, cùng với các Cơ đốc nhân khác.

Hiện giờ nền tảng mà anh em đang đứng ở trên là các sứ đồ và tiên tri, và hòn đá góc của ngôi nhà, là Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta, những kẻ tin, đã được cẩn thận nối kết với Đấng Christ như những phần của một ngôi đền thờ tuyệt vời cho Đức Chúa Trời và đang lớn lên. Bởi Thánh Linh, anh em đã được nối kết với Ngài và với nhau, là một phần của nơi Đức Chúa Trời cư trú " (Êph 2:19-22 tlb).

Kinh Thánh dùng nhiều ví dụ minh họa để mô tả mối quan hệ mới mà chúng ta có với Đức Chúa Trời và với gia đình thuộc linh mới của chúng ta. Chúng ta được gọi là "những viên gạch sống, xây nên nhà thuộc linh để Đức Chúa Trời cư ngụ " (IPhi 2:5), hoặc là "những người lính trong đạo quân của Chúa " (ITi 2:3, 4), nhưng có lẽ minh họa chính mà Đức Chúa Trời thường dùng là nói về thân thể.

"Đức Chúa Trời đã đặt mọi sự dưới chân Chúa Jesus và làm cho Ngài trở nên lãnh đạo tối cao của Hội Thánh, là thân thể Ngài, được đầy dẫy chính Ngài " (Êph 1:22, 23 tlb).

"Thân thể chúng ta có nhiều bộ phận, nhưng khi ghép lại với nhau, nhiều bộ phận đó chỉ tạo nên một thân thể. Đối với "thân thể " của Đấng Christ cũng vậy. .. Tất cả anh em là một thân thể của Đấng Christ, và mỗi một người trong anh em là một bộ phận riêng lẻ và cần thiết của thân thể đó " (ICôr 12:12, 27 tlb).

Bây giờ bạn trở thành một phần trong Thân Thể thuộc linh. Mỗi bộ phận của thân thể vật lý là rất quan trọng với những phần khác của thân thể thể nào, thì anh em cũng rất quan trọng đối với những phần khác của thân thể Đấng Christ, và mỗi Cơ đốc nhân khác cũng đều rất quan trọng đối với anh em.

8. Một Loại Vui Mừng Mới

Sự vui mừng mà bạn kinh nghiệm sẽ không bao giờ hết và là kết quả của mối quan hệ mới của bạn với Đức Chúa Trời qua đức tin của bạn trong Chúa Jesus.

Bạn nhận thức rằng sự cứu rỗi của bạn không phải do những gì bạn làm nhưng đó là một món quà. Đức Chúa Trời đã dự định đem bạn đến để biết Ngài.

Như bạn đã biết là tự bạn không thể có được sự cứu rỗi thì bạn cũng không thể sống đời sống Cơ đốc mà không có sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời.

Như bạn đã nhờ Ngài để được tha thứ tội lỗi thì bạn cũng nhờ Ngài để sống đắc thắng và vui mừng mỗi ngày. Sự vui mừng đến thường xuyên là kết quả của mối quan hệ tin cậy nơi quyền năng Thánh Linh ở bên trong.

Cơ đốc nhân trong quá khứ đã sống trong những hoàn cảnh khó khăn, nhưng lịch sử và Kinh Thánh xác nhận rằng họ kinh nghiệm sự vui mừng trong mọi hoàn cảnh.

Trong Tân ước, sứ đồ Phaolô đã viết về kinh nghiệm này

"Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, là Đấng đã làm cho chúng ta cậy đức tin vào trong ơn này là ơn chúng ta hiện đương đứng vững, và chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. Nhưng sự trông cậy không làm cho hổ thẹn, vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rãi khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta " (Rô 5:1-5).

9. Sẽ Có Sự Cám Dỗ

Mọi người đều bị cám dỗ và bạn cũng vậy. Bạn sẽ càng ý thức hơn khi bạn để ý đến những cám dỗ của tội lỗi quanh bạn.

Ngay cả Chúa Jesus cũng bị cám dỗ khi Ngài còn ở trên đất này cách đây 2.000 năm. Ngài chắc đã kinh nghiệm trận chiến trong tâm trí mà sự cám dỗ thường gây ra.

Nhưng Kinh Thánh nói rõ rằng, Ngài chẳng hề phạm tội trong sự cám dỗ. Ngài đã nêu gương cho chúng ta để chúng ta là những kẻ theo Ngài cũng có thể sống đắc thắng mỗi ngày.

Cám dỗ là công việc của ma quỉ. Nếu có thể được, nó luôn làm mất tác dụng kinh nghiệm của một người với Chúa Jesus. Sứ đồ Giacơ đã nói một câu rất đáng chú ý "Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình " (Gia 1:14).

Có một sự khác biệt quan trọng giữa sự cám dỗ và tội lỗi. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ, và kẻ thù luôn tìm những chỗ yếu trong đời sống của chúng ta để làm mục tiêu tấn công.

Tuy nhiên, sự cám dỗ sẽ không trở thành tội lỗi nếu chúng ta không bắt đầu tơ tưởng và tiếp nhận những ý tưởng sai lầm đó vào đời sống chúng ta. Khi một ý tưởng xấu đến trong tâm trí bạn thì bạn cần phải biết rằng ý tưởng đó không phải là của bạn nhưng chính ma quỉ đang gieo sự cám dỗ, và nó hy vọng rằng bạn sẽ tiếp nhận những ý tưởng đó.

Vào lúc này, bạn phải lựa chọn bằng cách nhơn danh Chúa Jesus từ chối sự cám dỗ đó. Nếu bạn làm như vậy, bạn sẽ thấy Thánh Linh sẽ ở đó để giúp bạn và ban cho bạn sức mạnh để chống trả ma quỉ.

4:7 có một lời hứa "Vậy, hãy phục Đức Chúa Trời, hãy chống trả ma quỉ thì nó sẽ lánh xa anh em ".

Điều quan trọng cần phải ghi nhớ là bạn phải tránh xa những lĩnh vực, nơi chốn, con người mà có thể gây ra những sự cám dỗ lớn nhất. Đùa giỡn với sự cám dỗ là bạn đang ở trong sự nguy hiểm đó.

Nếu bạn sống theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ ban cho bạn một lời hứa kỳ diệu và sự đắc thắng sẽ luôn thuộc về bạn.

"Nhưng hãy nhớ điều này, những ham muốn sai lầm đến với đời sống anh em thì không có gì mới mẽ và khác lạ cả. Trước anh em đã có nhiều người phải đối diện với những nan đề như chính anh em vậy.

Nhưng không có sự cám dỗ nào là không thể chống trả lại được. Anh em có thể kêu cầu Đức Chúa Trời để Ngài giữ cho sự cám dỗ không trở nên quá mạnh đến nỗi anh em không thể chịu nổi và chống lại nó, vì Ngài đã hứa điều này và Ngài sẽ làm những gì Ngài nói.

Ngài sẽ bày tỏ cho anh em biết làm thế nào để thoát khỏi quyền lực của sự cám dỗ để anh em có thể chịu được và kiên trì chống lại " (ICôr 10:13 tlb).

B. BÂY GIỜ, HÃY BƯỚC ĐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

Khi tin Chúa, bạn đã xoay hướng cuộc đời mình. Bây giờ bạn không thể cứ đứng yên tại chỗ đó, nhưng phải bắt đầu bước đi với Đức Chúa Trời.

Điều này có nghĩa là phải sống với Ngài hằng ngày và để Ngài dẫn dắt. Điều này rất đơn giản và thú vị. Chúa Jesus Christ ở trong lòng bạn bởi Thánh Linh, nhưng Ngài chỉ kiểm soát những phần nào mà bạn đã đầu phục cho Ngài.

1. Đầu Phục Tất Cả Cho Ngài

Sứ đồ Phaolô đã viết điều này cho các Cơ đốc nhân:

"Hỡi anh em yêu dấu, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh đẹp lòng Đức Chúa Trời. Khi anh em nghĩ về những gì Ngài đã làm cho anh em thì đều này có phải là một yêu cầu quá đáng không?

Đừng làm theo đời này nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào " (Rô 12:1, 2 tlb).

Vì bây giờ Thánh Linh đang ở trong thân thể của anh em nên đó là cách duy nhất để Ngài bày tỏ sự sống và tình yêu của Ngài qua con người hoàn toàn đầu phục Ngài.

Đừng mong Thánh Linh sẽ biến đổi hoàn toàn "ngôi nhà tấm lòng" của bạn nếu bạn từ chối không cho Ngài bước vào tất cả các phòng. Tôi biết bạn muốn biết chắc là bạn đã dâng tất cả cho Ngài chưa, vì vậy tôi xin gợi ý như thế này: Lấy một số miếng giấy nhỏ và viết trên mỗi mãnh giấy đó số tiền mà bạn có, xe hơi của bạn hay bất cứ tài sản nào, những người mà bạn yêu mến và cuối cùng là chính bạn.

Cầu nguyện một lúc về những gì bạn đã cam kết với Đức Chúa Trời. Dâng từng điều cho Đức Chúa Trời và nói "Lạy Chúa, đây là tài khoản ngân hàng của con, tivi của con, nhà cửa của con... Con dâng chúng cho Ngài".

Khi bạn đầu phục Đức Chúa Trời, bạn sẽ được sự sống, vui mừng và bình an. Đây là điều thật sự có ý nghĩa để trở thành môn đồ của Chúa Jesus.

2. Thông Công Với Chúa Jesus

Đời sống của bạn sẽ lớn lên và phát triển khi bạn thông công với Chúa Jesus. Trong Phil 4:6-8, sứ đồ Phaolô đã khuyên những người Philíp rằng:

"Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.

Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giêxu Christ ".

a. Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Nơi Nào.

Cầu nguyện là nói chuyện với Đức Chúa Trời. Bạn có thể nói chuyện với Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào... trong xe buýt, xe lửa, xe hơi và bất cứ nơi nào. Tuy nhiên thật là tuyệt nếu có một nơi đặc biệt và một thời gian đặc biệt trong ngày để bạn vào nơi kín nhiệm với Ngài.

Hãy yên lặng và lắng nghe. Đem những nan đề và nhu cầu của bạn vào trong sự hiện diện của Ngài. Đây là lời hứa quan trọng mà Đức Chúa Trời ban cho để khích lệ bạn.

"Nhưng khi các ngươi cầu nguyện, hãy đi ra một mình, đóng cửa lại ở phía sau ngươi và cầu nguyện với Cha ngươi một cách kín nhiệm và Cha ngươi là Đấng biết những sự kín nhiệm của ngươi, sẽ thưởng cho ngươi " (Mat 6:6 tlb).

b. Kiếm Một Người Bạn Để Cầu Nguyện.

"Ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi ở trên đất này đồng ý với nhau về những gì họ cầu xin thì Cha ta ở trên trời sẽ làm điều đó cho họ " (18:19).

Đây là lời hứa đặc biệt cho bất kỳ hai người nào hiệp nhau cầu nguyện và có cùng đức tin. Bằng cách này, bạn có thể khích lệ nhau để tin và tích cực trong đức tin. Điều đó sẽ thêm quyền năng cho đời sống bạn.

Sẽ không có lãnh vực nào bị giới hạn trong loại cầu nguyện này. Chúa phán trong lời hứa của Ngài rằng nếu bạn xin BẤT CỨ ĐIỀU GÌ! Thật là kỳ diệu. Ngài sẽ làm điều đó ở trên trời. Thật là kinh nghiệm vĩ đại khi liên kết các lực lượng trên thiên đàng để nhìn thấy những phép lạ xảy ra trong đời sống và hoàn cảnh của con người.

Trong Cựu Ước, có một câu hỏi được đặt ra: "Có sự gì quá khó cho Đức Chúa Trời chăng " (Giê 33:27).

Câu trả lời là KHÔNG!

c. Liên Kết Với Những Người Khác.

Bạn cũng hãy tham dự buổi nhóm cầu nguyện và kết hợp với những người khác trong gia đình của Đức Chúa Trời để cầu nguyện. Những việc lớn lao sẽ được thực hiện trên đất bởi lời cầu nguyện của Hội Thánh. Bạn hãy làm người dự phần trong điều đó.

3. Vâng Lời Thánh Linh

"Hãy hướng tư tưởng của anh em vào những điều chân thật, tốt lành và đúng đắn. Hãy nghĩ đến những điều trong sáng, yêu thương và những điều tốt trong người khác. Hãy nghĩ đến tất cả những gì mà anh em có thể ngợi khen Đức Chúa Trời được và vui mừng về điều đó " (Phil 4:8 tlb).

Đây là một lời khuyên tốt. Khi bạn tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa mỗi ngày cho đời sống mới của bạn thì những điều này sẽ xảy ra. Bạn sẽ nhận biết những gì Đức Chúa Trời muốn nói qua lời của Ngài khi bạn đọc.

Sự tin chắc bên trong sẽ lớn lên trong lòng bạn rằng điều nào là đúng. Hãy nghe theo sự tin chắc này vì đây là cách để bạn học tập được Thánh Linh hướng dẫn.

Trong thế gian này có nhiều tiếng nói nhưng tiếng nói của Thánh Linh sẽ chẳng bao giờ bảo bạn làm bất cứ điều gì là tội lỗi hoặc có hại cho người khác, hoặc ngược lại với những gì đã chép trong Kinh Thánh.

Bạn nên biết rằng đôi khi người ta sẽ làm bạn thất vọng nhưng đừng nản lòng. Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi và bản tánh của Ngài là hoàn toàn đáng tin cậy.

Khi phải đối diện với một quyết định hoặc sự lựa chọn giữa hai cách cư xử, bạn phải luôn chọn con đường cao, con đường tốt hơn, tinh sạch hơn, cao thượng và lương thiện hơn. Nếu có sự nghi ngờ về bất cứ điều gì thì có lẽ điều đó là sai trật.

4. Đọc Kinh Thánh Mỗi Ngày.

Kinh Thánh là quyển sách thú vị nhất của bạn, là quyển sách bán chạy nhất thế giới. Trong quyển sách này (gồm 66 sách) là ý tưởng của Đức Chúa Trời về mọi vấn đề. Khi đọc Lời của Đức Chúa Trời, bạn sẽ được thách thức để thay đổi. Khi bạn khám phá một lĩnh vực nào đó trong đời sống bạn trái ngược với đường lối của Đức Chúa Trời, bạn sẽ muốn được thay đổi.

Điều này sẽ thêm sự vui mừng trong đời sống của bạn. Đọc Kinh Thánh cũng giống như tắm, sẽ đem đến cho bạn cảm giác sạch sẽ và mát mẻ. Tác giả Thi Thiên đã nói "Tôi đã suy gẫm nhiều về lời của Ngài, giữ lời ấy trong lòng tôi để tôi khỏi phạm tội cùng Chúa " (Thi 119:11 tlb).

Chúng ta nhận được sự sống của Đức Chúa Trời qua Lời của Ngài và chúng ta sẽ có sức mạnh và uy quyền để thách thức và đánh bại những sự cám dỗ của Satan. Êph 6:7 chép rằng gươm của Thánh Linh chính là Lời của Đức Chúa Trời.

Hãy quyết tâm đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Bắt đầu đọc Tân Ước. Hãy cầu nguyện và xin Đức Chúa Trời phán với bạn khi bạn đang đọc.

Thật tốt nếu có một quyển vở nhỏ để ghi chép lại những bài học và những điểm quan trọng khi bạn đọc lời Chúa. Có sự vui mừng lớn khi vâng theo sự chỉ dẫn của Ngài, vì chính những lời đó tạo nên sự sống và bản tánh của Đức Chúa Trời trong chúng ta.

5. Tìm Thấy Một Ngôi Nhà Thuộc Linh

Thật là quan trọng khi tìm thấy một ngôi nhà thuộc linh, nơi bạn có thể nhận được sự chỉ dẫn và tương giao để giúp bạn lớn lên và hiểu biết.

Bạn phải tìm một người chăn bầy (đôi khi còn gọi là mục sư, trưởng lão hoặc người hầu việc Chúa) là người mà bạn có thể trông cậy để làm người cha thuộc linh của bạn.

Hãy trung thành với người đó và để cho họ giúp đỡ, hướng dẫn bạn. Nếu bạn thấy có nhiều lĩnh vực trong cuộc sống mà bạn không thể đắc thắng một mình được thì hãy chia xẻ với người chăn của bạn.

Sự khải đạo và lời cầu nguyện của người chăn bầy sẽ giúp bạn. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời muốn bạn được tự do hoàn toàn.

Chúa Jesus phán "Vậy nếu Con buông tha các ngươi thì các ngươi sẽ được tự do " (Giăng 8:36).

6. Hãy Hỗ Trợ Công Việc Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời muốn đời sống bạn được thịnh vượng và Ngài đáp ứng mọi nhu cầu của bạn.

Một điều mà bây giờ bạn phải làm là dâng tiền bạc và thì giờ của bạn để hỗ trợ cho công việc của Đức Chúa Trời. Đây là một phần của sự thờ phượng và giúp đỡ của chúng ta nhằm mở mang Vương quốc của Ngài. Bằng cách này, những người khác cũng có được cơ hội để nghe phúc âm như bạn đã từng nghe vậy.

Một thói quen tốt mà Đức Chúa Trời thường khích lệ là: dâng 1/10 thu nhập hàng ngày cho công việc Chúa.

Hãy đem số tiền đó đến gia đình thuộc linh của bạn và dâng số tiền đó trong khi thờ phượng với tất cả các tín đồ khác.

Đây là cách bạn bày tỏ tình yêu và sự cảm tạ của bạn đối với Đức Chúa Trời về tất cả những gì Ngài đã làm cho bạn.

7. Chức Vụ Ân Tứ Để Giúp Đỡ Bạn

Đức Chúa Trời đã ban những chức vụ ân tứ đặc biệt cho Hội Thánh như người hướng dẫn và giáo sư. Đó là các sứ đồ, tiên tri, người giảng tin lành, mục sư và giáo sư.

Bạn sẽ học tập nhận ra được những chức vụ này khi bạn tham gia vào đời sống của cộng đồng Cơ đốc. Đây là sự cung cấp của Đức Chúa Trời để giúp đỡ bạn. Bạn có thể đọc điều này trong Êph 4:11-13.

8. Nói Với Người Khác Về Chúa Jesus

Hãy chia sẻ sự sống mới của bạn với những người khác. Điều này có thể đưa đến sự hiểu lầm, thậm chí còn bị bắt bớ. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn sự khôn ngoan để biết cách chia xẻ phúc âm như thế nào.

Bạn hãy nhớ rằng họ rất cần Chúa Jesus. Hãy cầu nguyện cho họ và biết rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang dùng những lời nói của bạn để hành động trong lòng họ, ngay cả khi những bằng chứng dường như có sự đối kháng.

Bạn là một thành viên trong đội quân tín đồ đang làm chứng khắp thế giới. Thật vậy, đang có hàng triệu người quay lại với Đấng Christ và Ngài muốn bạn có được sự vui mừng về việc chinh phục một người nào đó cho Ngài.

Hiện giờ bạn đang có một đời sống thú vị biết bao! Hãy vui hưởng đời sống đó và vui hưởng Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho bạn và chào đón bạn vào trong gia đình của Ngài.

C. KẾT LUẬN

Bạn hãy nhớ rằng:

• Đức Chúa Trời yêu bạn.

• Ngài đang sống trong bạn.

• Ngài đang ở đó để giúp bạn.

• Hãy vâng lời khi bạn cảm thấy Thánh Linh đang bảo bạn làm một điều gì đó.

• Hãy thường xuyên nói chuyện với Đức Chúa Trời bằng sự cầu nguyện.

• Hãy đọc và nghiên cứu Lời của Ngài.

• Hãy nói với người khác về Chúa Jesus.

• Hãy thường xuyên thông công với những người khác trong gia đình của Đức Chúa Trời (Hội Thánh).

 

E5.2 Chương 2: PHÉP BÁPTÊM BẰNG NƯỚC - PHẦN I

Phần Dẫn Nhập

"Hễ ai tin và chịu báptêm sẽ được cứu " (Mác 16:16).

Sau khi ăn năn và tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa thì bước tiếp theo trong đời sống Cơ đốc là chịu báptêm bằng nước. Chúng ta nên cẩn thận chú ý rằng báptêm bằng nước là mạng lệnh của Đức Chúa Trời: "Chịu báptêm " (Công 2:38).

Báptêm bằng nước không phải là điều gì đó để làm cho chúng ta thấy vui vui hoặc để làm đẹp lòng chính mình. Đối với một người đã tin Đấng Christ thì việc vâng theo mạng lệnh này trong lời của Đức Chúa Trời là một điều hết sức quan trọng. Và việc vâng theo đường lối của Kinh Thánh cũng là điều rất quan trọng. Chúa Jesus phán "Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy là người yêu mến ta " (Giăng 14:21).

Kinh Thánh cho chúng ta biết trong I Samuên, vua Saulơ muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng những con sinh tế của ông, nhưng ông đã không vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán với Saulơ qua tôi tớ của Ngài là Samuên: " Đức Giêhôva khá đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Và, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ, sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực " (ISa 15:22).

Những lời này cũng là lời cảnh báo cho chúng ta ngày hôm nay. Có lẽ bạn muốn làm nhiều điều cho Chúa. Có lẽ bạn đang sẵn sàng làm nhiều điều tốt khác. Có lẽ bạn đang cố hầu việc Đức Chúa Trời bằng nhiều cách giống như Saulơ.

Nhưng nếu bạn không sẵn sàng để vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời để "chịu báptêm" theo cách của Kinh Thánh thì Đức Chúa Trời sẽ không chấp nhận sự phục vụ và của lễ của bạn.

Chúng ta thấy cần phải tuyệt đối vâng theo mạng lệnh của Chúa để "chịu báptêm" theo đường lối của Kinh Thánh vì chúng ta biết Chúa Jesus đã "trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho những kẻ vâng lời Ngài " (Hêb 5:9).

Theo mạng lệnh nghiêm túc này, chúng ta hãy xem xét lời của Đức Chúa Trời để xem Ngài nói gì về báptêm bằng nước.

Có năm câu hỏi về phép báptêm bằng nước:

• AI là người chịu báptêm?

• Chúng ta chịu báptêm NHƯ THẾ NÀO?

• Nên làm báptêm Ở ĐÂU?

• TẠI SAO chúng ta phải làm báptêm?

• KHI NÀO thì chúng ta được làm báptêm?

Mạng lệnh của Đức Chúa Trời về phép báptêm bằng nước khác với các truyền thống của con người.

Vì vậy chúng ta phải ghi nhớ lời cảnh báo của Chúa Jesus chống lại những kẻ đã "vì phong tục của các ngươi (những luật lệ do tổ phụ truyền lại) mà gạt bỏ Lời của Đức Chúa Trời " (Mat 15:6 amp).

A. AI LÀ NGƯỜI CHỊU BÁPTÊM BẰNG NƯỚC?

Trước khi thăng thiên, Chúa Jesus đã phán với các môn đồ của Ngài rằng:

"Hãy đi khắp thế gian giảng tin lành cho mọi người. Ai tin và chịu báptêm sẽ được cứu, nhưng ai chẳng tin sẽ bị đoán phạt " (16:15, 16).

Ở đây chúng ta thấy mạng lệnh của Chúa Jesus rất đơn giản và rõ ràng. Chỉ những ai trở nên tín đồ thật bằng cách đặt đức tin nơi Đấng Christ thì sẽ chịu báptêm. Vì vậy, rõ ràng những người chịu báptêm phải đủ lớn để tự quyết định tin Đấng Christ.

Một số trẻ em đã tiếp nhận Chúa lúc còn nhỏ. Nếu chúng có đức tin đúng đắn với Chúa, chúng đã sẵn sàng để chịu báptêm.

Dường như Kinh Thánh nói đến "tuổi chịu trách nhiệm". Đây là lứa tuổi đứa trẻ biết phân biệt phải trái. "Vào lúc này, đứa trẻ này được cai sữa và biết được điều phải trái. .." (Ês 7:16 NIV). Đến tuổi đó, con cái của những tín đồ đã được an toàn bởi đức tin của bố mẹ chúng.

"... bằng chẳng vậy con cái anh em nên chẳng sạch, song nay đều là thánh " (ICôr 7:14b).

Trong Mat 28:19, 20 Chúa Jesus đã ra lệnh cho các môn đồ của Ngài rằng: "Vậy hãy đi môn đồ hóa muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm báptêm cho họ và dạy họ giữ tất cả những gì mà ta đã truyền cho các ngươi, và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến đời đời ".

Ở đây lời Kinh Thánh cũng rất rõ ràng. Chỉ những ai trở thành môn đồ bằng cách chọn theo Chúa Jesus Christ và sự giảng dạy của Ngài thì sẽ được báptêm.

Bây giờ Chúa Jesus nói đến những điều kiện để trở thành một môn đồ như sau: "Nếu ai đến theo ta mà không ghét cha, mẹ, vợ, con, anh chị em (so sánh tình yêu của họ đối với ta), và ngay cả chính mình, thì không thể làm môn đồ ta. Hễ ai không vác thập tự giá mà theo ta thì không thể làm môn đồ ta " (Lu 14:26, 27 amp).

Do đó chúng ta thấy rằng một người chịu báptêm phải là một môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Môn đồ là người tự chọn để Đấng Christ là tình yêu cao cả nhất ở trong đời sống của họ. Hễ ai không làm điều này thì "không thể làm môn đồ ta ". Chúa Jesus phán vậy.

Và nếu họ không thể làm môn đồ của Ngài thì họ không thể được báptêm. Đơn giản chỉ vậy thôi.

"Được báptêm ": Ai? Đó là những người đã đặt đức tin của cá nhân mình nơi Đức Chúa Jesus Christ, là những người đã lựa chọn trở thành môn đồ của Ngài và theo Ngài.

Chúng ta không có quyền báptêm cho bất kỳ một người nào ngoại trừ những người đã ăn năn tội, tự mình quyết định tiếp nhận Đấng Christ làm Chúa và Cứu Chúa của họ và đi theo Ngài.

Chúng ta không thể vâng theo mạng lệnh thứ hai là "chịu báptêm " nếu chúng ta không vâng theo mạng lệnh thứ nhất là phải "ăn năn ". Ngay cả những người được sinh ra trong gia đình Cơ đốc cũng phải thật sự ăn năn và phải có đức tin sống nơi Chúa.

1. Những Gương Mẫu Trong Kinh Thánh

Trong suốt chức vụ của những người theo Đấng Christ, chỉ có những ai thật sự ăn năn, tin và tiếp nhận Đấng Christ trong lòng thì mới chịu báptêm.

a. Ngày Lễ Ngũ Tuần:

"Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phierơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? Phierơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Jesus chịu báptêm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh " (Công 2:37, 38).

"Vậy những kẻ nhận lời đó đều chịu báptêm, và trong ngày ấy có độ ba ngàn người thêm vào Hội Thánh " (2:41).

Bạn hãy chú ý là những ai tiếp nhận lời và vâng theo mạng lệnh "ăn năn" thì mới chịu báptêm.

b. Những Cơ Đốc Nhân Mới Ở Samari.

"Nhưng khi chúng đã tin Philíp, là người rao giảng tin lành của nước Đức Chúa Trời và danh Đức Chúa Jesus Christ cho mình thì cả đờn ông, đờn bà đều chịu báptêm " (8:12) (không kể đến trẻ em).

Khi Philíp rao giảng Đấng Christ ở Samari và bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời ra bằng nhiều dấu kỳ và phép lạ chữa lành thì có nhiều người đàn ông và đàn bà đã tin. Kinh Thánh chép "khi họ tin. .. họ chịu báptêm, cả đờn ông lẫn đờn bà ".

c. Hoạn quan Êthiôbi.

"Philíp bèn mở miệng, bắt đầu từ chỗ Kinh Thánh đó (tức trong Ês 57:7, 8) mà rao giảng Đức Chúa Jesus cho người. Hai người đi dọc đường, gặp chỗ có nước, hoạn quan nói rằng: Nầy, nước đây, có sự gì ngăn cấm tôi chịu báptêm chăng? Người biểu dừng xe lại, rồi cả hai đều xuống nước, và Philíp làm báptêm cho hoạn quan " (Công 8:35-38).

Báptêm bằng nước cho người tin là một phần quan trọng trong "tin lành của Chúa Jesus". Nếu không phải như vậy thì hoạn quan này đã không yêu cầu báptêm.

Những lời của nhà truyền giáo Philíp nói với viên hoạn quan là rất rõ ràng "Nếu ông tin với cả tấm lòng thì ông sẽ được (được báp-têm)". Điều kiện này chẳng bao giờ thay đổi.

d. Saulơ Ở Thành Tạtsơ (Sứ Đồ Phaolô)

"Anania bèn đi vào nhà rồi đặt tay trên mình Saulơ mà nói rằng: Hỡi anh Saulơ, Chúa là Jesus này, đã hiện ra cùng anh trên đường đi đến đây, đã sai tôi đến, hầu cho anh được sáng mắt lại và đầy dẫy Đức Thánh Linh. Tức thì có cái chi như cái vẩy từ mắt người rớt xuống, thì người sáng mắt, rồi chờ dậy mà chịu báptêm " (Công 9:17, 18).

Chúng ta đã thấy, trên đường tới Đamách, Saulơ đã ăn năn tội và gọi Jesus là "Chúa " như thế nào rồi. Anania được gọi là "một môn đồ " (9:10). Anania đã gọi Saulơ là "Anh Saulơ", bởi vì qua đức tin của cá nhân mình nơi Đấng Christ, Saulơ đã trở nên một anh em trong Chúa. Vì vậy một người sau này trở thành sứ đồ Phaolô đã chịu báptêm bằng nước như một tín đồ.

e. Cọtnây Và Những Người Bạn Của ông.

"Người ta có thể từ chối nước và báptêm cho những kẻ đã nhận lấy Đức Thánh Linh giống như chúng ta chăng? Người lại truyền làm báptêm cho họ nhơn danh Đức Chúa Jesus Christ " (10:47, 48).

Như chúng ta đã thấy trong bài học của chúng ta về sự ăn năn, thì trước hết Cọtnây và những người bạn của ông đã tin và ăn năn (11:17, 18). Sau đó họ đã nhận lãnh ân tứ của Thánh Linh. Chú ý những ai đã nhận được Thánh Linh như một trăm hai mươi môn đồ trong Công Vụ đoạn 2, đều được báptêm bằng nước rồi.

f. Những Người Côrinhtô.

"Có nhiều người Côrinhtô từng nghe Phaolô giảng, cùng tin và chịu báptêm " (18:8).

Không có gì phải bàn cãi ở đây cả: Trước tiên, họ đã tin và sau đó chịu báptêm.

g. Các Môn Đồ Ở Thành Êphêsô.

"Phaolô đã đi khắp những miền trên, rồi xuống thành Êphêsô, gặp một vài người môn đồ ở đó. .. Họ chịu báptêm nhơn danh Đức Chúa Jesus " (17:1, 5).

Chúng ta thấy những môn đồ ở Êphêsô là những người thật sự theo Chúa. Và cũng như tất cả những người khác, họ đã chịu báptêm bằng nước sau khi đã ăn năn và có đức tin nơi Đấng Christ. Trong Kinh Thánh, không ai có quyền làm báptêm cho những người không ăn năn tội lỗi hoặc không tiếp nhận Đức Chúa Jesus Christ vào đời sống của họ.

"Kinh Thánh không thể bỏ được " (Giăng 10:35). Trong tất cả những trường hợp báptêm bằng nước như trên, những ai được báptêm thì trước hết phải ăn năn tội và tin Đức Chúa Jesus Christ.

Có hơn bốn gương mẫu về báptêm bằng nước trong Kinh Thánh. Bây giờ chúng tôi xin trình bày những gương mẫu này dạy rằng mạng lệnh của Chúa là "chịu báptêm " chỉ được thực hiện sau khi người đó đã ăn năn và tin Ngài là như thế nào.

2. Báptêm Cả Nhà

Có bốn tham khảo trong Kinh Thánh về báptêm cả nhà. Chúng ta sẽ nói về đề tài báptêm cả nhà theo những gì Kinh Thánh nói:

a. Cả nhà Sêphana.

"Tôi cũng đã làm báptêm cho người nhà Sêphana " (ICôr 1:16). "Hỡi anh em, anh em biết rằng nhà Sêphana là trái đầu mùa của xứ AChai, và biết rằng nhà ấy hết lòng hầu việc các thánh đồ " (16:15).

Đọc chung hai câu Kinh Thánh này, chúng ta có được một bức tranh đầy đủ về việc báptêm cho cả gia đình Sêphana.

Câu đầu chỉ cho chúng ta biết rằng Sêphana và cả nhà ông được sứ đồ Phaolô làm báptêm.

Nhưng từ câu thứ hai thì tất cả những người trong nhà này đã "tin Chúa ", có nghĩa là họ đã ăn năn và quay về với Chúa. Câu "nhà ấy hết lòng hầu việc các thánh đồ " cho thấy hai điều về gia đình này:

* Sêphana và những thành viên trong gia đình đã kinh nghiệm sự cứu rỗi cách cá nhân bởi tin Đấng Christ.

* Họ cũng dâng đời sống để hầu việc các thánh đồ của Chúa

Vì hết thảy những người đó đã trở thành những tín đồ tận hiến cho Đấng Christ nên Phaolô đã báptêm họ bằng nước.

Các học giả đều đồng ý rằng từ "người nhà" trong Kinh Thánh ở thời Tân Ước là nói đến những người tự do và tôi tớ trong nhà. Thật vậy, mỗi gương mẫu được nêu lên này đều đáp ứng theo sự giảng dạy của các sứ đồ. Đó là "ăn năn", "chịu báptêm ", và "nhận lãnh Thánh Linh ". Cả ba kinh nghiệm này dành cho những người nhận sự hướng dẫn của các sứ đồ, hiểu phúc âm, ăn năn và có đức tin.

b. Người Đề Lao Và Cả Nhà Của Ông.

"Hai người trả lời rằng: Hãy tin Đức Chúa Jesus thì ngươi và cả nhà ngươi đều sẽ được cứu rỗi.

Hai người truyền đạo Đức Chúa Trời cho người và cho những kẻ ở nhà người nữa. Trong ban đêm, chính giờ đó, người đề lao đem hai người ra rửa các thương tích cho, rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu báptêm.

Đoạn người đề lao mời hai người lên nhà mình, đặt bàn, và người với cả nhà mình đều mừng rỡ vì đã tin Đức Chúa Trời " (Công 16:31-34).

Rõ ràng cả gia đình người đề lao đã đổ xô đến nhà tù khi họ thấy cơn động đất làm cho tất cả các tù nhân đều được tự do.

Phaolô và bạn của ông là Sila đã rao giảng phúc âm cho họ tại nhà tù. Họ thảy đều nghe lời của Chúa.

Vì họ thảy đều tin nên cũng đã chịu báptêm. Vì vậy tất cả những người trong nhà của người đề lao đã nghe và tin lời Đức Chúa Trời.

Do đó hết thảy đã được báptêm như những tín đồ và tất cả đều được vui mừng về sự cứu rỗi.

Thế thì một lần nữa chúng ta thấy rằng báptêm dành cho những người tin.

c. Gia đình Cơrítbu.

"Bấy giờ Cơrítbu, chủ nhà hội, với cả nhà mình đều tin Chúa, lại có nhiều người Côrinhtô lắng nghe Phaolô giảng, cũng tin và chịu báptêm " (18:8).

Con người quan trọng này cùng với cả nhà ông đã tin Chúa. Do đó, hết thảy họ đều có quyền được báptêm. Những người Côrinhtô khác đã tin, cũng được báptêm bằng nước giống như vậy.

d. Cả Nhà Của Lyđi.

"Có một người trong bọn đó nghe chúng ta, tên là Lyđi, quê ở thành Thiatirơ, làm nghề buôn hàng sắc tía, vẫn kính sợ Đức Chúa Trời. Chúa mở lòng cho người đặng chăm chú nghe lời Phaolô nói.

Khi người đã chịu báptêm với người nhà mình rồi, thì xin chúng ta rằng: Nếu các ông đã đoán tôi là trung thành với Chúa thì hãy vào nhà tôi mà ở lại đó, rồi người ép mời vào ".

Lyđi đã mở lòng để nghe phúc âm và tiếp nhận Chúa Jesus. Bà trở thành người có đức tin chân thật và đã chịu báptêm.

Theo những gương mẫu đã kể ở trên, cùng với trường hợp của Lyđi, chúng ta kết luận rằng: dù cho cả nhà Lyđi hoặc bất kỳ gia đình nào khác, mọi người trong nhà phải thật sự ăn năn tội, tin Chúa Jesus và phúc âm của Ngài một cách cá nhân rồi sau đó cả nhà mới có thể chịu báptêm.

Bây giờ chúng ta đã xem xét mọi trường hợp báptêm bằng nước trong Kinh Thánh rồi. Lẽ thật này rất dễ nhận thấy qua 11 ví dụ. Mạng lệnh "hãy chịu báptêm " dành cho những ai có đức tin nơi Chúa, sống theo tin lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ, và tiếp nhận Ngài làm Chúa và Cứu Chúa của họ.

"Anh em đã bởi phép báptêm được chôn với Ngài " (Cô 2:12).

B. CHÚNG TA CHỊU BÁPTÊM NHƯ THẾ NÀO?

Bây giờ chúng ta trả lời được câu hỏi "Ai là người chịu báptêm?" từ Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã trả lời câu hỏi đó từ trong lời của Ngài. Người chịu báptêm phải ăn năn, và kinh nghiệm sự cứu rỗi qua Đấng Christ bởi đức tin cách cá nhân.

Câu hỏi tiếp theo là "Chúng ta chịu báptêm NHƯ THẾ NÀO?". Nếu chúng ta thật sự muốn xây dựng một nền tảng tốt và vững chắc cho đời sống Cơ đốc thì tìm thấy được câu trả lời đúng cho câu hỏi này là rất quan trọng.

Tân Ước được viết bằng tiếng HyLạp, nên từ báptêm là "baptizo", lấy từ chữ "bapto" nghĩa là "nhúng vào", "chìm xuống", "nhận chìm".

Chẳng hạn người HyLạp dùng từ bapto với ý nghĩa nhuộm quần áo. Khi nhuộm một mảnh vải, người ta nhúng vào trong dung dịch màu cho đến khi thay đổi thành màu của thuốc nhuộm.

Một ví dụ khác về cách dùng của từ này là việc kéo nước bằng cách nhúng một cái thùng vào một cái thùng khác. Cái thùng dùng để kéo nước được nhận chìm dưới nước trong một cái thùng lớn hơn.

Điều này có ý nghĩa lớn đến nỗi từ lúc ban đầu Giáo Hội Chính Thống HyLạp đã giữ nguyên từ "baptizo" theo ngôn ngữ nghi lễ và người ta luôn hiểu từ đó không có ý nghĩa gì khác hơn là được nhúng chìm trong nước.

Đến ngày nay Giáo hội HyLạp vẫn báptêm trong nước bằng cách nhấn chìm xuống. Chúng ta biết chắc rằng người HyLạp hiểu rõ ngôn ngữ của họ hơn ai hết!.

1. Phương Pháp Báptêm Theo Kinh Thánh

Vì từ "báptêm" trong Kinh Thánh có nghĩa là "nhúng chìm", "chìm xuống", "nhận chìm", nên chúng ta biết rằng đây chính là phép báptêm được thực hiện trong Kinh Thánh. Đây chính chính xác những gì chúng ta đã tìm thấy:

a. Giăng Báptít:

"Bấy giờ thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, và cả miền xung quanh sông Giôđanh đều đến cùng người, và khi họ đã xưng tội mình thì chịu người làm báptêm dưới sông Giôđanh " (Mat 3:5, 6).

Kinh Thánh không thể nói rõ hơn được nữa. Họ đã chịu báptêm dưới nước sông Giôđanh.

Thật vậy, Kinh Thánh dạy rằng cả Giăng Báptít lẫn chính Chúa Jesus cũng đã chọn nơi có nhiều nước để làm báptêm: "Kế đó Đức Chúa Jesus đi với môn đồ đến đất Giuđê, Ngài ở với môn đồ tại đó và làm phép báptêm. Giăng cũng làm phép báptêm tại Ênôn, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến đặng chịu phép báptêm " (Giăng 3:22, 23).

Ênôn có nghĩa là "những nguồn nước" hoặc "những con suối". Ngày nay bạn có thể đến đó và vẫn còn thấy những con suối đầy nước ở đó. Một bản dịch khác đã dịch 3:23 là "Vì ở đó có nhiều ao hồ và suối nước " (bản dịch của Weymonth). "Nhiều nước" là điều quan trọng vì họ đã báptêm bằng cách nhúng chìm người ta vào trong nước.

b. Phép Báptêm Của Đấng Christ.

"Vả trong những ngày đó, Đức Chúa Jesus đến từ Naxarét là thành xứ Galilê, và chịu Giăng làm phép báptêm dưới sông Giôđanh. Vừa khi lên khỏi nước, Ngài thấy các từng trời mở ra. .." (Mác 1:9, 10).

Chúa Jesus của chúng ta đã chịu báptêm trong nước và bước lên khỏi nước. Ngài đã "để lại cho anh em một gương hầu cho anh em noi dấu chân Ngài " (IPhi 2:21). Bạn có theo gương Ngài không? Bạn có được báptêm trong nước và bước lên khỏi nước không?

c. Hoạn Quan Êthiôbi.

"Người biểu dừng xe lại, rồi cả hai đều xuống nước, và Philíp làm báptêm cho hoạn quan. Khi ở dưới nước lên, thì Thánh Linh của Chúa đem Philíp đi, hoạn quan chẳng thấy người nữa, cứ hớn hở đi đường ".

Tại sao Kinh Thánh chép là "ở dưới nước lên "? Bởi vì từ "báptêm" nghĩa là nhúng xuống, và Kinh Thánh Tân Ước không nói đến một cách báptêm nào khác.

2. Sự Chôn Và Phục Sinh

Kinh Thánh nói rằng báptêm là chôn. Người chịu báptêm là hoàn toàn được chôn trong nước.

"Hay là anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báptêm trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là chịu báptêm trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi báptêm trong sự chết Ngài. .." (Rô 6:3, 4).

"Anh em đã bởi phép báptêm được chôn với Ngài " (Cô 2:12).

Chúng ta sẽ bàn đến ý nghĩa thuộc linh của những điều này sau. Ở đây chúng ta thấy tất cả những ai được báptêm đều đã chịu chôn trong nước, giống như Chúa đã bị chôn trong lòng đất. Kinh Thánh cũng dạy rằng báptêm là sự phục sinh để có một sự sống mới.

"Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báptêm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy " (Rô 6:4).

"... bởi báptêm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại " (Cô 2:12).

"... Anh em đã được sống lại với Đấng Christ " (3:1).

Trong phép báptêm bằng nước, sau khi người chịu báptêm đã được chôn, họ sẽ từ dưới nước đứng dậy. Báptêm bằng nước là sự chôn và sống lại.

"Chúng ta được báptêm BẰNG CÁCH NÀO?". Chỉ có một cách trả lời duy nhất: bằng nước. Kinh Thánh không dạy chúng ta một cách nào khác.

C. CHÚNG TA ĐƯỢC BÁPTÊM Ở ĐÂU?

Từ sự nghiên cứu của chúng ta về việc "chúng ta được báptêm như thế nào?", thì câu trả lời cho câu hỏi thứ ba: "Chúng ta được báptêm ở đâu?" là rất rõ ràng.

Kinh Thánh nói rằng họ chịu báptêm bằng nước, ở chỗ có nhiều nước. Báptêm dưới biển, dưới sông, suối, dưới hồ và thùng đựng nước. Có thể báptêm ở nơi nào có thể được, báptêm ở bên ngoài như trong Kinh Thánh là một bằng chứng công khai.

Tuy nhiên một số nhà thờ có những thùng sâu hoặc "hồ báptêm". Theo khuôn mẫu của Kinh Thánh, báptêm có thể thực hiện ở nơi nào có thể bị chôn và đứng lên được, một nơi có nhiều nước.

 

E5.3 Chương 3: BÁPTÊM BẰNG NƯỚC - PHẦN II

"Vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình là như vậy " (Mat 3:15)

A. TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI ĐƯỢC BÁPTÊM?

Tại sao chúng ta phải được báptêm? Bởi vì Chúa Jesus đã ra lệnh như vậy. Bởi vì đó là bước thứ hai trong lời dạy của các sứ đồ mà chúng ta xây dựng đời sống Cơ đốc của chúng ta trên đó.

Hơn nữa có một ý nghĩa thuộc linh sâu xa về phép báptêm bằng nước. Về ý nghĩa thuộc linh của phép báptêm chúng ta có thể viết cả một cuốn sách nhưng ở đây chúng ta chỉ xem xét sơ lược những khía cạnh quan trọng nhất.

1. Một Lương Tâm Trong Sáng

"Sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời chờ đợi trong thời của Nôê, trong khi đóng cả một chiếc tàu mà chỉ có một ít người được cứu qua nước, đó là tám người. Phép báptêm bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời bởi sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ " (IPhi 3:20, 21).

Đó là sự kiện trong Kinh Thánh có tính lịch sử bởi vì tội lỗi của nhân loại mà Đức Chúa Trời đã phủ cả trái đất này bằng nước lụt, chỉ cứu Nôê và gia đình ông trong một chiếc tàu. Cả đất đều bị nước bao phủ. Ở đây Kinh Thánh nói rằng phép báptêm "tương tự như vậy".

Làm thế nào phép báptêm bằng nước lại là "một sự liên lạc lương tâm với Đức Chúa Trời"? Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đang hỏi xem lương tâm của chúng ta có trong sạch không. Kinh Thánh chép "huống chi huyết của Đấng Christ. .. sẽ làm sạch lương tâm anh em " (Hêb 9:14).

Nếu lương tâm tội lỗi của anh em đã được rửa trong huyết của Đấng Christ và được trong sạch rồi thì anh em không còn cảm thấy mặc cảm tội lỗi và xấu hổ khi bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời nữa. Lương tâm của anh em đã trong sạch. Do đó bởi báptêm anh em xác quyết với Đức Chúa Trời rằng lương tâm anh em đã được tẩy sạch bởi huyết của Đấng Christ và bây giờ lương tâm ấy đã trong sạch. Ngợi khen Chúa!

2. Một Lời Chứng Công Khai

"Được báptêm vào trong sự chết Ngài " (Rô 6:3).

Mỗi lần có người nào chịu báptêm theo cách của Kinh Thánh nói thì đang làm chứng cho thế giới này rằng Con của Đức Chúa Trời (là Chúa Jesus Christ) đã bị đóng đinh trên thập tự giá, đã đổ huyết ra và chết vì tội của họ.

Thân thể đã chết của Ngài được đặt trong mồ mả. Nhưng Ngài không có ở đó. Sau ba ngày, từ mồ mả Ngài đã sống lại, đắc thắng tội lỗi và sự chết.

Mỗi khi có tín đồ nào chịu báptêm, xưng nhận đức tin nơi Ngài, làm chứng cách công khai thì sẽ được ban cho sự kiện vinh hiển này:

"Chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báptêm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy " (6:4).

3. Chôn "Con Người Cũ"

Người ta thường nói rằng: "Báptêm là lời làm chứng bên ngoài về một kinh nghiệm bên trong". Đúng vậy. Nhưng còn hơn thế nữa.

Báptêm cũng là một kinh nghiệm! Từ việc nghiên cứu 6:1-23Cô 2:1-23, chúng ta thấy rằng khi làm phép báptêm bằng nước thì có một sự đồng hóa sâu sắc và quí giá giữa người tin với Chúa Jesus trong sự chết, sự chôn và sự phục sinh của Ngài:

"Chúng ta biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. Vì ai đã chết, thì được thoát khỏi tội lỗi. Vì tội lỗi không còn cai trị trên anh em đâu, bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp mà thuộc dưới ân điển " (Rô 6:6, 7, 14).

"Anh em đã bởi phép báptêm được chôn với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại " (Cô 2:12).

Lời nào có thể nói lên được sự giải cứu phước hạnh mà chúng ta có trong thập tự giá của Đấng Christ! Được giải phóng khỏi sự tranh chiến, tội lỗi, sự đoán phạt, tội ác và sự sợ hãi. Tội lỗi đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Con người cũ đã bị chôn. Chúng ta được sống lại trong đời sống mới. Đây là kinh nghiệm bề trong của những ai đã theo Chúa qua phép báptêm bằng nước.

4. Công Bố Sự Đắc Thắng

"Được chôn với Ngài trong sự báptêm. .. Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ " (2:12, 15).

Chắc chắn tín đồ đã lập được một nền tảng tốt và vững chắc trong phép báptêm bằng nước theo Kinh Thánh! Phép báptêm làm chứng trước Satan cùng với các quỉ sứ của nó rằng Chúa Jesus đã đắc thắng chúng tại thập tự giá. Phép báptêm công bố rằng Chúa Jesus đã giải cứu tín đồ khỏi vương quốc và quyền lực của Satan. Halêlugia!

5. Sự Công Nhận Của Đức Tin.

"Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; Còn ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời " (Mat 10:32, 33).

Kinh Thánh Tân Ước dạy rằng điều đầu tiên mà người tín đồ phải làm là công nhận đức tin mới của họ nơi Đấng Christ bằng cách chịu báptêm bằng nước một cách công khai.

Như chúng ta đã thấy trong Tân ước như các ví dụ đã nêu ở trên rằng báptêm không phải là điều bí mật nhưng là một bằng chứng công khai, can đảm trước những người khác. Sự công nhận và làm chứng công khai làm cho đức tin và quyết tâm theo Chúa của chúng ta được mạnh mẽ.

Chúa không thích những môn đồ lén lút, yếu đuối và sợ hãi. Đây là lý do tại sao Ngài răn bảo các tín đồ phải "chịu báptêm ", xưng Ngài ra trước mặt thiên hạ.

6. Xác Nhận Sự Hiệp Một Trong Đấng Christ Của Chúng Ta

"Vả anh em đều chịu báptêm trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy. Tại đây không còn chia ra người Giuđa hay người Gờréc, không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ, không còn đờn ông hoặc đờn bà, vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một " (Ga 3:27, 28).

Người tin Chúa chịu báptêm chứng tỏ rằng họ bình đẳng và là một với tất cả các tín đồ khác trong Đấng Christ.

Bởi sự đổ huyết trên thập tự, Chúa Jesus đã làm cho tất cả mọi tín đồ đều ở trong Ngài "... Ngài đã hiệp cả hai làm một, phá đổ bức tường ngăn cách giữa chúng ta " (Êph 2:14).

Trong Chúa Jesus Christ không có Cơ đốc nhân Do Thái, Cơ đốc nhân Anh Quốc, Cơ đốc nhân Phi Châu, Cơ đốc nhân Ấn Độ. Không có Cơ đốc nhân giàu hay nghèo, có học hay thất học, không có người đầy tớ hay ông chủ, không có da trắng hay da đen, không có nam hay nữ, không có giáo phái hay đoàn truyền giáo, "... vì tất cả anh em đều là một trong Đức Chúa Jesus Christ ".

Vì vậy người tín đồ công bố sự bình đẳng này bởi phép Báptêm. Tín đồ mới đang xác quyết sự hiệp một trong Đấng Christ với tất cả các Cơ đốc nhân khác trên thế giới. Người ấy đang liên hiệp với tất cả những ai đã tin Đấng Christ và được báptêm theo cách Kinh Thánh dạy.

Hễ bất kỳ tín đồ đã chịu báptêm nào mà còn giữ ý thức về giai cấp, thành kiến về chủng tộc, tư tưởng giáo phái, hoặc thái độ tự tôn hơn các Cơ đốc nhân khác thì người đó đang sống trái với lẽ thật và bằng chứng về phép báptêm. Một người như vậy cần phải ăn năn và được tẩy sạch trong huyết của Đấng Christ.

7. Chấp Nhận Mục Đích Của Đức Chúa Trời

"Song người Pharisi và các thầy dạy luật không chịu Giăng làm phép báptêm nên chê bỏ ý Đức Chúa Trời định về mình " (Lu 7:30).

Mặc dù câu Kinh Thánh này đang nói về phép báptêm của Giăng Báptít nhưng bài học thuộc linh ở đây về phép báptêm của tín đồ trong danh Chúa Jesus cũng giống như vậy.

Chúng ta thừa nhận mục đích của Đức Chúa Trời cho đời sống của chúng ta trong phép Báptem bằng nước. Đức Chúa Trời có một mục đích, một kế hoạch cho mỗi một chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không vâng theo mạng lệnh của Ngài là "chịu báptêm" thì chúng ta đã từ chối mục đích của Ngài dành cho chúng ta. Tôi tin chắc rằng mục đích của Đức Chúa Trời là điều tốt nhất. Bạn có tin không?

8. Phân Rẽ Khỏi Đời Sống Cũ

"Vả, hỡi anh em, tôi chẳng muốn cho anh em không biết tổ phụ chúng ta đều đã ở dưới đám mây, đi ngang qua biển, chịu Môise làm báptêm dưới đám mây và dưới biển " (ICôr 10:1, 2).

Sự kiện duy nhất trong Cựu Ước cho chúng ta một bức tranh về phép báptêm bằng nước là phép báptêm của dân Ysơraên trong Biển Đỏ.

Mặc dù mực nước vượt trên đầu họ, và "nước làm thành bên hữu và bên tả, song dân Ysơraên đi giữa biển như trên đất cạn " (Xuất 14:29).

Họ được cứu khỏi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời bởi huyết của chiên con bôi trên mày cửa. Họ được giải cứu khỏi sự trói buộc và ách nô lệ của người AiCập.

Nhưng "Môise đã báptêm cho họ" nghĩa là sự phân rẽ hoàn toàn và chung kết khỏi AiCập, khỏi Pharaôn, vua AiCập và khỏi người AiCập. Pharaôn cùng những ngựa xe AiCập và những người cưỡi ngựa đã bị ném xuống biển, và bị hủy diệt dưới nước mà Đức Chúa Trời đã đem họ đến (15:19, 21).

Cũng vậy, tín hữu đã theo Chúa qua nước của phép báptêm (và những ai đang có ý định làm báptêm) phải sống một đời sống hoàn toàn phân rẽ khỏi những thói xấu và đường lối tội lỗi của người thế gian (AiCập).

9. Làm Trọn Mọi Việc Công Bình

"Khi ấy Đức Chúa Jesus từ xứ Galilê đến cùng Giăng tại sông Giôđanh đặng chịu người làm phép báptêm. Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi phải chịu Ngài làm phép báptêm, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao?

Đức Chúa Jesus đáp rằng: Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài, vừa khi chịu phép báptêm rồi, Chúa Jesus. .." (Mat 3:13-14).

Nếu Con Đức Chúa Trời không tội lỗi, không tì vít là Chúa Jesus còn phải chịu báptêm để làm trọn mọi sự công bình thì chúng ta là ai mà nói rằng chúng ta không cần phép báptêm bằng nước giống như Ngài? Các tín đồ bày tỏ giống như Chúa của họ là họ sẵn sàng làm trọn mọi sự công bình qua phép báptêm bằng nước.

10. Được Vui Mừng

"Người biểu dừng xe lại, rồi cả hai đều xuống nước, và Philíp làm phép báptêm cho hoạn quan. Khi ở dưới nước lên, Thánh Linh của Chúa đem Philíp đi, hoạn quan chẳng thấy người nữa, cứ hớn hở đi đường " (Công 3:38-39).

"Tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu phép báptêm. .. người với cả nhà mình đều mừng rỡ vì đã tin Đức Chúa Trời " (16:33-34).

Viên hoạn quan đã trở về Êthiôbi cách vui mừng và đã trồng hạt giống Hội Thánh của Đấng Christ tại đó. Từ đó đến nay đã gần 2000 năm mà kết quả vẫn còn hiển nhiên.

Nói theo cách tự nhiên thì người cai ngục chẳng có gì để mừng rỡ cả. Các tù nhân của ông đã được tự do. Ngục thất bị hư hại. Nhưng niềm vui về sự cứu rỗi và phép báptêm tràn ngập lòng ông, ông và cả nhà ông đều vui mừng.

Ngày nay nhiều người đang tìm kiếm sự vui mừng theo những cách không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngoài Đức Chúa Trời ra không có niềm vui nào là lâu dài cả. "Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống. Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng " (Thi 16:11).

Khi bạn bước theo con đường của Ngài dẫn đến phép báptêm, bạn sẽ được sự vui mừng. Vì có sự nối kết trực tiếp trong Kinh Thánh giữa báptêm bằng nước và sự vui mừng, một niềm vui sâu xa, thuộc linh và mãi mãi. Đó là kết quả của sự vâng lời Đức Chúa Trời.

Có thể kể ra nhiều lý do giải thích tại sao chúng ta phải chịu báptêm. Những lý do này nhấn mạnh Đức Chúa Trời rất coi trọng đến phép báptêm. Một lần nữa bạn chú ý thấy rằng tất cả những kinh nghiệm về báptêm bằng nước chỉ dành cho những ai tiếp nhận và kinh nghiệm ân điển cùng phước hạnh của Đức Chúa Trời.

11. Sự Cắt Bì Tấm Lòng

"... Còn phép cắt bì làm về xác thịt ở ngoài, thì không phải là phép cắt bì. .. phép cắt bì làm ở trong lòng, làm theo cách thiêng liêng, không theo chữ nghĩa, mới là phép cắt bì thật " (Rô 2:28, 29).

Phaolô dạy rằng những ai "chịu phép cắt bì thật là những kẻ cậy Thánh Linh Đức Chúa Trời là hầu việc Đức Chúa Trời, khoe mình trong Đấng Christ, và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ " (Phil 3:3).

Nghi thức cắt bì bên ngoài được thay thế bằng kinh nghiệm bên trong về việc cắt bỏ quyền lực của tội lỗi và những ham muốn của xác thịt, bằng việc chôn và sống lại của những tín đồ thật trong phép báptêm.

"Anh em lại nhờ Ngài mà có được đầy dẫy mọi sự, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực. Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải là phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta.

Anh em đã bởi phép báptêm được chôn với Ngài, thì cũng được đồng sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép của Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại " (Cô 2:10-13).

Vấn đề đã rõ ràng. Phép báptêm dành cho những ai đã tiếp nhận Đấng Christ và sự sống đầy dẫy của Ngài. Những người này đã lột bỏ thân thể tội lỗi và những ham muốn xác thịt, bằng kinh nghiệm việc được chôn thuộc linh với Ngài trong phép báptêm.

Theo Kinh Thánh, báptêm dành cho những ai biết ăn năn và có đức tin một cách cá nhân nơi Đức Chúa Jesus Christ. Nếu bạn chưa được báptêm kể từ khi bạn ăn năn tội lỗi và tiếp nhận Đấng Christ, thì bước tiếp theo của bạn là phải vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời để làm trọn những sự công bình. Đó là hãy chịu báptêm.

12. Mạng Lệnh Của Đức Chúa Trời

"TẠI SAO chúng ta phải chịu báptêm?"

Vì những chứng cớ vinh hiển và kinh nghiệm phước hạnh của phép báptêm bằng nước. Vì đó là bước quan trọng trong kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho đời sống của chúng ta.

Trên hết mọi điều, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho chúng ta phải chịu báptêm. Thậm chí nếu chúng ta không hiểu tất cả những lý do và ý nghĩa thuộc linh của phép báptêm bằng nước, nhưng vấn đề là chúng ta phải vâng lời Chúa: đó là mạng lệnh của Ngài.

Ngài phán: "Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta, người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người và tỏ cho người biết ta " (Giăng 14:21).

Bằng chứng thực sự về tình yêu của chúng ta đối với Đấng Christ không phải là lời nói của chúng ta, không phải là tất cả những gì chúng ta đã làm cho Ngài, không phải sự cầu nguyện của chúng ta, không phải việc đọc Kinh Thánh của chúng ta, không phải việc chúng ta đi nhà thờ, mặc dù tất cả những điều đó đều có giá trị của nó. Bằng chứng thật ấy là: Chúng ta có giữ các điều răn của Ngài hay không?

"Tôi lật đật, không chậm trễ mà giữ các điều răn Chúa " (Thi 119:60). Bạn có đang lật đật giữ điều răn Chúa là "mỗi người trong các ngươi phải chịu báptêm" không? Lời của Đức Chúa Trời chép rằng: "Người lại truyền làm phép báptêm cho họ nhơn danh Đức Chúa Jesus Christ " (Công 10:48).

B. CHÚNG TA CHỊU BÁPTÊM KHI NÀO?

"Bây giờ, anh em còn trễ nãi làm chi? Hãy chờ dậy. .. mà chịu báptêm đi " (Công 22:16).

Từ những câu trả lời trong Kinh Thánh cho những câu hỏi trên, câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng này rất dễ dàng.

"Chúng ta phải chịu báptêm KHI NÀO?". Ngay khi chúng ta ăn năn tội, tin phúc âm, tiếp nhận Đức Chúa Jesus Christ vào lòng.

Lời nói dành cho hành động ăn năn và sự cứu rỗi là "ngay bây giờ ". "Đức Chúa Trời. .. biểu các ngươi trong mọi sự phải ăn năn " (Công 17:30). "Nầy, bây giờ là thì thuận tiện, hiện nay là thì cứu rỗi " (IICôr 6:2).

Lời nói dành cho sự ăn năn cũng giống như vậy "ngay bây giờ". "Bây giờ anh em còn trễ nãi làm chi? Hãy chờ dậy mà chịu phép báptêm" (Công 22:16).

Kinh Thánh không hề biết đến các "lớp học hướng dẫn", "giai đoạn thử thách ba tháng", "xem thử hành động tin đó có lâu dài không", "có sẵn lòng không", "chờ đợi lễ báptêm lần sau" hoặc bất cứ một sự chờ đợi hoặc trì hoãn nào khác. Mạng lịnh của Đức Chúa Trời là "ngay bây giờ". Vào ngày lễ Ngũ tuần, có 3.000 người ăn năn tội và "chịu báptêm. .. trong ngày ấy " (Công 2:41). Không có một sự trì hoãn nào.

Những người Samari đã chịu báptêm bằng nước "khi họ tin " (8:12).

Hoạn quan Êthiôbi đã chịu báptêm ngay sau khi ông tin Đấng Christ mặc dù đây là bài giảng phúc âm đầu tiên mà ông đã được nghe (8:35-38).

Sứ đồ Phaolô đã được môn đồ Cơ đốc đầu tiên đến với ông và làm báptêm cho ông (9:17, 18).

Cọtnây và người nhà của ông đã chịu báptêm ngay sau khi họ tin (10:48).

Người đề lao và cả nhà của ông đã chịu báptêm ngay đêm họ tin Chúa (16:30-34).

Ngay khi nghe về báptêm của Chúa Jesus thì các tín đồ ở Êphêsô đã được Phaolô báptêm cho (19:4, 5).

Chúng ta không thấy có một sự trì hoãn nào được đề cập đến trong Kinh Thánh.

Có bao nhiêu người đang bị cướp mất những phước hạnh lớn lao của phép báptêm bằng cách nói rằng: "Tôi đang chuẩn bị tấm lòng. Khi tôi đã sẵn sàng, tôi sẽ vâng theo mạng lệnh của Chúa để làm báptêm". Những điều kiện duy nhất được đặt ra trong Kinh Thánh cho phép báptêm bằng nước là sự ăn năn tội, có đức tin nơi Chúa Jesus Christ và hứa nguyện trở nên môn đồ của Ngài.

Ngay bây giờ, từ trong lời của Chúa, Ngài đang phán với tấm lòng của bạn về báptêm. Bạn nên làm theo mạng lệnh của Chúa để "chịu báptêm ".

Hãy hành động ngay! Hãy chỗi dậy, đến một Hội Thánh, tìm mục sư hoặc một môn đồ đang sống theo Kinh Thánh. Đừng trì hoãn vì Đức Chúa Trời đã truyền cho bạn rằng: "Bây giờ ngươi còn trễ nãi làm chi? Hãy chờ dậy. .. mà chịu phép báptêm " (22:16).

Nếu bạn đã ăn năn, tin Chúa Jesus là Cứu Chúa của bạn, và trong lòng bạn biết rằng bạn là con của Ngài thì bạn hãy vâng theo mạng lệnh của Ngài. Hãy hành động theo lời Ngài. "Hãy chờ dậy và chịu báptêm " ngay bây giờ.

 

E5.4 Chương 4: NHỮNG CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC TÌNH DỤC

Hêb 13:4 chép "Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn quê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình ".

A. ĐỨC CHÚA TRỜI KÊU GỌI CHÚNG TA ĐẾN SỰ TINH SẠCH

Điều trước nhất và quan trọng hơn hết là các tín đồ phải thánh khiết về mặt đạo đức và tình dục (IICôr 11:2; Tít 2:5; IPhi 3:2).

Chữ "tinh sạch" hoặc "trinh bạch" (tiếng Hy Lạp là hagnos) có nghĩa là không dâm dục, ám chỉ đến việc kiềm chế tất cả những hành động và tư tưởng kích thích những ham muốn vi phạm đến trinh tiết của một người mà không phải vợ hoặc chồng mình.

Tinh sạch nhấn mạnh đến sự kiềm chế hoặc tránh tất cả những hành động và thú vui tình dục, làm ô uế, làm giảm giá trị về sự tinh sạch của một người trước mặt Đức Chúa Trời.

Tinh sạch cũng đề cập đến việc kiểm soát thân thể cho được "thánh sạch và tôn trọng " (ITê 4:4) và không "sa vào tình dục luông tuồng" (4:5). Lời dạy của Kinh Thánh dành cho người độc thân cũng như người có gia đình.

Xem xét lời dạy của Kinh Thánh về vấn đề đạo đức tình dục, chúng ta hãy chú ý những điều sau:

1. Quan Hệ Tình Dục Dành Cho Hôn Nhân

Quan hệ tình dục phải dành cho hôn nhân và Đức Chúa Trời chỉ tán thành và chúc phước trong trường hợp đó mà thôi. Bởi hôn nhân, người chồng và người vợ đã trở nên một thịt theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Sự vui thỏa về thân thể và tình cảm do mối quan hệ hôn nhân chung thủy đưa đến là điều được Đức Chúa Trời ban cho và tôn trọng (Hêb 13:4).

2. Tội Lỗi Về Tình Dục Sẽ Bị Đoán Phạt Nghiêm Khắc

Tội ngoại tình, gian dâm, đồng tình luyến ái, ham thích nhục dục, những ham muốn không tinh sạch, và sự đam mê xấu xa đều được xem là những tội lỗi nghiệm trọng trong cách nhìn của Đức Chúa Trời. Đó là vi phạm luật pháp của tình yêu và làm ô uế quan hệ hôn nhân. Theo Kinh Thánh, những tội như vậy sẽ bị đoán phạt nghiêm khắc. Phạm một trong những tội như thế này sẽ không được vào Vương quốc của Đức Chúa Trời (Rô 1:24-32; ICôr 6:9, 10; Ga 5:19-21).

3. Tội Lỗi Về Tình Dục Xảy Ra Ngoài Hôn Nhân

Những hành động vô luân và không trong sạch về tình dục được xem như là quan hệ tình dục hoặc những hành động tình dục ngoài hôn nhân. Bất kỳ những hành động thỏa mãn tình dục với một người nào không phải là vợ (hoặc chồng) mình đều là những hành động vô luân. Lột trần hoặc khám xét thân thể của bất kỳ người nào không phải vợ (hoặc chồng) mình là phải chịu sự đoán phạt của Đức Chúa Trời.

Một số giáo sư ngày nay nói rằng bất kỳ một quan hệ tình dục nào trong vòng những thanh niên và người trưởng thành chưa có gia đình mà "đã kết ước với nhau" đều có thể chấp nhận được, nếu điều đó ngăn chặn được sự ham muốn thái quá về tình dục. Ý tưởng này trái ngược với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và chuẩn mực tinh sạch của Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã nghiêm khắc cấm việc "lột trần" hoặc "xem sự lõa lồ" của bất kỳ ai mà không phải là vợ hoặc chồng hợp pháp của mình (Lê 18:6-30; 20:11, 17, 19-21).

4. Tín Đồ Phải Biết Tự Kiềm Chế

Tín đồ phải biết tự kiềm chế tất cả những vấn đề về tình dục trước hôn nhân. Bào chữa cho những hoạt động tình dục tiền hôn nhân trên cơ sở một "sự hứa nguyện" thật hoặc có tính chất cảm xúc với một người khác là trắng trợn làm tổn hại đến các chuẩn mực về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Những đường lối bất khiết của thế gian này đã chứng minh cho tình trạng vô đạo đức của nó. Là những Cơ đốc nhân, chúng ta không dám làm những điều đó.

Sau hôn nhân, quan hệ tình dục chỉ được phép với người bạn đời của mình mà thôi. Kinh Thánh gọi là tiết độ, đó là một phần của bông trái Thánh Linh. Điều này sẽ thể hiện rõ ràng trong đời sống chúng ta qua những cách cư xử tích cực và tinh sạch trái ngược với những hành động tình dục phi đạo đức. Sự đam mê tình dục, sự gian dâm, ngoại tình và sự bất khiết là điều không thể chấp nhận được giữa vòng các tín đồ. Khi con người chịu hứa nguyện với Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ mở đường để họ nhận được bông trái tiết độ này (Ga 5:22-24).

5. Những Thuật Ngữ Kinh Thánh Nói Về Sự Vô Luân Tình Dục.

Những thuật ngữ Kinh Thánh về sự đồi bại tình dục đã mô tả mức độ xấu xa của hành động này. Đó là những từ sau:

a. Sự Thông Dâm (tiếng HyLạp là porneia)

Mô tả nhiều loại hoạt động tình dục trước và ngoài hôn nhân. Bất kỳ một quan hệ tình dục nào ngoài hoặc trước hôn nhân, như sờ mó những bộ phận kín trong cơ thể của người khác hoặc xem sự trần truồng của người khác đều bị liệt kê trong từ ngữ này và rõ ràng là sự vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời dành cho dân sự Ngài (xem Lê 18:6-30; 20:11, 12, 17, 19-21; ICôr 6:18; ITê 4:3).

b. Sự Khiêu Dâm (tiếng HyLạp là aselgeia)

Ám chỉ đến việc thiếu những nguyên tắc đạo đức rõ ràng, coi thường sự giữ gìn và sự kiềm chế tình dục nhằm giữ được cách ăn ở thánh sạch và tinh khiết (ITi 2:9) và ám chỉ đến khuynh hướng chiều theo hoặc khêu gợi những ham muốn tội lỗi. Do đó dẫn con người đến chỗ cư xử trái với Kinh Thánh (Ga 5:1; Êph 4:19; IPhi 4:3; IIPhi 2:2, 18).

c. Phỉnh Dỗ (tiếng HyLạp là pleonekteo)

Nghĩa là làm cho người khác mất đi sự thánh khiết và tinh sạch về đạo đức mà Đức Chúa Trời đã ban cho, và làm cho người đó thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của mình. Khêu gợi những ham muốn tình dục trong một người nào đó nhằm làm cho họ không làm trọn sự công bình, có nghĩa là phỉnh dỗ người đó (ITê 4:6 so với Êph 4:19).

d.Tham Dục (tiếng HyLạp là epithumia)

Là có ham muốn đồi bại mà nếu có cơ hội họ sẽ thực hiện (xem Mat 5:28 xem phần ghi chú của Êph 4:19, 22; IPhi 4:3; IIPhi 2:18).

Đạo đức chân chính là vẫn giữ những tiêu chuẩn công bình khi không có ai cả ngoại trừ Đức Chúa Trời là Đấng biết những gì chúng ta đang làm.