Back to Top
Cover of 35 - HÀNG RÀO BA-BY-LÔN - PHẦN E3
Category: Cây Gậy Của Người Chăn Bầy
Library: Định dạng văn bản

Review

Written by Nguyễn Thiên Ý

MỤC LỤC


HÀNG RÀO BABYLÔN

Phần Dẫn Nhập

Có BA CẢN TRỞ LỚN đối với việc giảng phúc âm. Những cản trở này ngăn chặn việc truyền giáo cho những người chưa bao giờ được nghe tin lành về những gì Đức Chúa Jesus Christ đã làm để cứu chuộc và chúc phước cho các nước. Đó là:

• CHỦ NGHĨA TĂNG LỮ

• SỰ THIẾU HỤT VỀ TÍN LÝ ĐỨC THÁNH LINH

• ĐẠI GIÁO ĐƯỜNG

Trong phần "Phá vỡ hàng rào Babylôn " này, bạn sẽ học cách đắc thắng ĐẠI GIÁO ĐƯỜNG như thế nào.

Hai phần còn lại sẽ được giải quyết trong những phần khác.

A. HÀNG RÀO BABYLÔN

Hầu hết những nhà lãnh đạo Cơ đốc ngày nay đều không biết đến những sự kiện cách đây 5.000 năm còn đang ảnh hưởng đến những giá trị và hành động của họ. Ảnh hưởng của Babên còn rất nhiều trên chúng ta và thay thế những gì Đức Chúa Trời đã truyền lệnh bằng chương trình mang tính nhân loại, cho chính bản thân mình. Ảnh hưởng đó đã đem chúng ta ra khỏi mục đích thật của Đức Chúa Trời trong Hội Thánh.

1. Nguồn Gốc Về Babên

Khi Nôê và các con trai ông ra khỏi tàu, Đức Chúa Trời đã dạy họ rất rõ ràng. "Đức Chúa Trời. .. phán rằng: Hãy sinh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy trên mặt đất " (Sáng 9:1). Đức Chúa Trời có mục đích bao quát cho cả trái đất. "Vậy các ngươi hãy sinh sản, thêm nhiều và làm cho đầy dẫy trên mặt đất " (9:7).

Mục đích của Đức Chúa Trời cho mọi vật còn sống sót sau trận nước lụt là "phải sanh sản, thêm nhiều và làm cho đầy dẫy đất " (9:1, 7).

a. Tội Lỗi Và Sự Bất Tuân

Trong Sáng thế ký đoạn 10, dòng dõi của Nôê được xem là dòng dõi của Sem, Cham và Giaphết. Dòng dõi của Sem và Giaphết thì được phước còn Cham và dòng dõi của ông (người Canaan) bị rủa sả.

"Cham là cha của người Canaan, thấy sự trần truồng của cha mình. .. Khi Nôê tỉnh rượu rồi, hay được điều con thứ hai đã làm cho mình, bèn nói rằng: Canaan đáng rủa sả! " (Sáng 9:22, 24, 25).

Nhiều học giả tin rằng những câu này mô tả hành động đồng tình luyến ái mà Cham đã phạm với cha mình là Nôê. Vì vậy sự đoán phạt đã đến với Cham và dòng dõi của ông là người Canaan.

Con đầu của Cham là Cúc. "Cúc sanh Nimrốt, ấy là người bắt đầu làm anh hùng trên mặt đất " (10:8). Từ "anh hùng" trong tiếng Hybálai là GIBBOWR nghĩa là "người dũng sĩ bạo ngược". Ông lùng bắt con người để làm nô lệ và chinh phục họ. Ông đầy tham vọng quyền lực đối với kẻ khác.

Câu 10 cho chúng ta biết rằng "Nước người sơ lập là Babên ".

b. Hệ Thống Tôn Giáo Tà Giáo

Babên là kết quả của dân tộc Cham, dưới sự lãnh đạo của Nimrốt, đã đem một hệ thống tôn giáo tà giáo vào trong thế gian. Dưới sự thúc giục của Satan và ma quỉ, Nimrốt đã tạo nên điều này để thay thế cho những điều thật.

Tôi muốn định rõ tôn giáo Babên là gì, làm thế nào bạn có thể nhận biết và xử lý nó hầu cho có thể phá vỡ được hàng rào Babylôn trong Hội Thánh và trong đời sống của bạn. Ảnh hưởng xa xưa vẫn còn trên chúng ta ngày nay.

2. Babên Làm Cản Trở Mục Đích Của Đức Chúa Trời

Điều gì làm cho Babên trở thành sự cản trở lớn đối với mục đích của Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời muốn dân sự của Ngài "sanh sản, thêm nhiều và đầy dẫy đất ". Điều gì đã cản trở toàn thế giới không được kết quả và đầy dẫy sự hiểu biết Đức Chúa Trời?

Đó là "yếu tố Babên". Ảnh hưởng của Nimrốt đã xen vào mục đích thiên thượng để vô hiệu hóa những gì Đức Chúa Trời đã dự định.

"Vả cả thiên hạ đều có một giọng nói và một thứ tiếng. Nhưng khi ở Đông phương dời đi, người ta gặp một đồng bằng trong núi Sinêa, rồi ở lại đó.

Người này nói với người kia rằng: Hè, chúng ta hãy làm gạch và hầm trong lửa. Lúc đó gạch thế cho đá, còn chai thế cho hồ. Lại nói rằng: Nào, chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản lạc khắp trên đất " (Sáng 11:1-4).

Đức Chúa Trời muốn dân của Ngài phải rãi khắp đất, sanh sản thêm nhiều và đầy dẫy đất nhưng Babên đã xuất hiện để ngăn cản điều này. Họ đã xây một cái tháp vì sợ "e khi phải tản lạc..." hay nói cách khác ngăn cản không cho điều ấy xảy ra. Tôn giáo của Nimrốt vẫn còn chiếm ưu thế trên thế giới này và ảnh hưởng của nó là một cái bóng nặng nề trên Hội Thánh Cơ đốc.

B. DẤU HIỆU CỦA BABÊN LÀ GÌ?

1. Chúng Ta Hãy Làm

Trước hết là: "Chúng ta hãy làm gạch và hồ ". Ý kiến con người là không giống và trái ngược với ý chỉ của Đức Chúa Trời, luôn tự nâng mình lên và nói "chúng ta hãy ".

Ngược lại với điều đó, trong Mat 16:17, 18 Chúa Jesus phán "Ta sẽ " "Trên đá nầy ta sẽ xây ". Đó là ý kiến thiên thượng. Ý kiến con người là tự nâng mình lên chống lại mục đích của Đức Chúa Trời. Ý kiến thiên thượng thì hoàn tất mục đích của Đức Chúa Trời. Câu nói của Babên là "chúng ta hãy ". Câu nói thiên thượng là "Ta sẽ ".

Là lãnh đạo Hội Thánh, bạn muốn liên minh với cái nào trong thời đại ngày nay? Câu nói "Ta sẽ " của Chúa Jesus hay ý kiến "chúng ta hãy " của riêng bạn? Bạn phải lựa chọn. Câu nói "chúng ta hãy " sẽ dẫn đến tháp Babên hiện đại ngày nay. Câu nói "Ta sẽ " sẽ dẫn đến việc truyền giáo cho thế giới.

2. Chúng Ta Hãy Xây Dựng

Thứ hai là: "Chúng ta hãy xây một thành ". Một lần nữa lời này trái ngược với lời của Chúa Jesus, "Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên đá này ". Ai sẽ làm công việc xây dựng? Có phải "chúng ta hãy " làm công việc xây dựng hay "Ta sẽ xây dựng "?

Bạn không biết rằng Chúa Jesus là thợ xây vĩ đại sao? Mục đích của Ngài là rộng khắp thế giới và điều Ngài làm sẽ chẳng bao giờ, không bao giờ và không bao giờ bị hạn chế trong một địa phương. Công việc của Babylôn sẽ địa phương hóa toàn bộ. Nó tập trung hoàn toàn cho một nơi cho chính mình. Từ nhấn mạnh sẽ nằm trên chữ HỘI THÁNH "ĐỊA PHƯƠNG" (Từ "địa phương" không có trong Kinh Thánh). Đây là điểm khác biệt lớn mà bạn cần phải nhìn thấy và đề phòng.

Bạn thấy điều này có giống với tham vọng của nhiều Mục sư ở các nước phương Tây không? Phải, đúng như vậy. Nhiều người là "những Nimrốt" hiện đại đang đòi hỏi những tham vọng "địa phương" của họ, xây dựng những kế hoạch chống lại mục đích truyền giáo toàn thế giới của Đức Chúa Trời.

Vì vậy, trái ngược với "Chúng ta hãy xây dựng một thành, chúng ta hãy xây một cái tháp, chúng ta hãy xây lên ", thì đại mạng lệnh truyền giáo là "hãy đi khắp thế gian, đem phúc âm đến cho mọi người ". Mục đích của Đức Chúa Trời vẫn còn là "... hãy đi ra và làm cho đầy dẫy đất ". Linh Babylôn là "xây dựng" thay vì "ra đi". Thưa các vị mục sư, ngày nay quý vị đang làm cái nào vậy?

a. Những Người Xây Dựng Giáo Đường.

Không phải ngẫu nhiên mà Nimrốt và Babên vẫn còn ảnh hưởng đến kiến trúc nhà thờ ngày nay.

Tháp của Nimrốt được gọi là Ziggurat, nghĩa là "đài kỷ niệm" cao 600 bộ (60 tầng).

Từ trên trời nhìn xuống, nó có dáng vẻ của dấu chữ thập Columbua. Phía Bắc, Nam, Đông và Tây của tháp đều có 900 bậc thang đi từ dưới đất lên tới đỉnh. Hình dáng tổng quát trông rất giống một kim tự tháp.

"Họ nói rằng. .. chúng ta hãy xây. .. một cái tháp, chót cao đến tận trời. .." (Sáng 11:4).

Tại sao những lãnh đạo Hội Thánh ở các nước phương Tây lại xây dựng những ngôi giáo đường có những gác chuông cao vút như vậy? Có câu nào trong cả Kinh Thánh bảo chúng ta hãy xây dựng giáo đường hoặc bất kỳ loại nhà thờ nào có "chót lên đến tận trời " không?

Nếu bạn biết câu Kinh Thánh nào, xin cho tôi biết. Trên bốn mươi năm, tôi chưa tìm thấy một câu nào cả.

Câu này là tóm lược về tháp Babên; "Chúng ta hãy xây dựng một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời, e khi phải tản lạc khắp trên mặt đất " (câu 4).

Tôi thường nói "Cách thức mà các nhà lãnh đạo Hội Thánh ở các nước phương Tây phí tiền vào việc xây dựng giáo đường sẽ làm cho người ta tin vào đại mạng lệnh truyền giáo của Chúa là "Hãy đi khắp thế gian và xây dựng các giáo đường cho mọi người ".

Chúa Jesus và các sứ đồ đầu tiên nhấn mạnh đến SỨ ĐIỆP CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ XÂY DỰNG!

Không hề có một giáo đường nào cho đến thời của Constantine (khoảng bốn thế kỷ sau Chúa). Vị hoàng đế Lamã "tin Chúa" này đã thay đổi và chính trị hóa Hội Thánh cách triệt để. Ông đổi những đền thờ tà thần thành giáo đường và do đó đã đưa những tính chất phù phiếm của Nimrốt vào trong tập tục của Hội Thánh. Cuối cùng ảnh hưởng của ông đã tạo nên một chế độ bội đạo kéo dài 1.000 năm, gọi là "Thời kỳ đen tối".

Hội Thánh ở các nước phương Tây vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của Nimrốt - Constantine.

3. Chúng Ta Hãy Tiếp Nhận Sự Thờ Phượng

Nimrốt đã chiếm chỗ của Đức Chúa Trời. Hằng năm Nimrốt đòi hỏi của dâng thờ phượng cho chính ông ta bằng hàng trăm ký nhang thơm trên đỉnh Ziggurat của tháp Babên, trị giá hàng triệu đôla.

Đây là dầu thơm xức trên chân Chúa Jesus (xem Mat 26:7Giăng 12:3 "Có một người đàn bà cầm cái chai bằng ngọc trắng đựng dầu thơm quí giá lắm. ..").

Nimrốt tự xưng mình là người cai trị và là thần của Babên và trở thành vị thần chính trị đầu tiên. Ông khởi sự cho một hệ thống người cai trị có tính chất thần thánh như chúng ta thấy trong hoàng đế Nhật Bản. Ở đó người cai trị được thờ phượng và sùng kính như thần.

Tại sao Đaniên bị quăng vào hang sư tử trong những thế kỷ sau đó? Đó là vì Nêbucátnếtsa đã dựng lên hình tượng của chính ông ta để người ta thờ phượng. Sự từ chối của Đaniên có nghĩa là chịu tử hình. Đaniên đã chống lại tôn giáo của Nimrốt mà trong thời cổ đó đã lan truyền khắp thế giới.

Do đâu mà các Sêsa của Lamã cho rằng họ là thần? Trong thời Tân Ước nếu dùng từ HyLạp là Kurio (nghĩa là Chúa) cho bất cứ người nào mà không phải là các Sêsa là chống lại luật pháp Lamã. Điều này cũng đến từ ảnh hưởng của Nimrốt. Các môn đồ đầu tiên đã bị tống giam và xử tử vì đã gọi Chúa Jesus la "Kurios " (nghĩa là Chúa - xem Rô 10:9, 10).

Điều làm cho tôi thích thú là từ "antichrist", theo tiếng HyLạp được định nghĩa trong bản phụ lục của Strong là: "anti nghĩa là thay thế cho; choán chỗ của, do đó thường được dùng với nghĩa là sự thay thế".

Đó không chỉ là từ nói đến sự đối nghịch với Đấng Christ mà còn có nghĩa là chiếm chỗ của Đấng Christ. Bạn đã từng nghe nói rằng vị chức sắc cao nhất của giáo hội Lamã là "người đại diện Đấng Christ trên đất" này không? Ông ta đã chiếm chỗ của Đấng Christ.

Những vị giám mục Anh quốc khả kính của chúng ta là những "ông chủ thuộc linh" và "những ông chủ thế tục". Là "những ông chủ thuộc linh" họ cai trị Hội Thánh. Là "ông chủ thế tục" họ hưởng được một chiếc ghế dành trước trong NHÀ CỦA CÁC ÔNG CHỦ trong Quốc hội Anh.

Tôi là người đầu tiên thừa nhận rằng có nhiều người tốt và tin kính đã giữ những chức vị này trong Giáo hội Công giáo, Giáo hội Anh quốc và Giáo hội Tin Lành. Tuy nhiên những quan niệm và giáo lý kết hợp với những việc làm này là sự trái ngược trắng trợn về sự dạy dỗ rõ ràng của Chúa Jesus cho môn đồ của Ngài về vấn đề này.

"Nhưng Đức Chúa Jesus gọi đến mà phán rằng: Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà cai trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy, trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn thì sẽ làm đầy tớ các ngươi, còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người " (Mat 20:25-28).

Mục sư ơi? Lãnh đạo Hội Thánh ơi? Các vị có tin lời Chúa Jesus và làm điều này không?

4. Chúng Ta Hãy Làm Cho Rạng Danh

"Chúng ta hãy làm cho rạng danh e khi phải tản lạc. ..". Đây là chủ nghĩa giáo phái bè đảng đầy kiêu ngạo tồi tệ nhất.

Từ giáo phái (denominate) có nghĩa là "đặt tên". Ảnh hưởng này đã gây rối loạn cho Hội Thánh ngay từ thế kỷ đầu tiên. Chủ nghĩa giáo phái bè phái được tìm thấy trong các môn đồ của Chúa Jesus.

"Giăng cất tiếng nói rằng: Thưa thầy, chúng tôi từng thấy có kẻ nhơn danh thầy mà trừ quỉ, chúng tôi đã cấm họ, vì họ không cùng chúng tôi theo thầy " (Lu 9:49).

Phaolô đã giải quyết điều này trong những người Côrinhtô xác thịt: "... Trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phaolô, ta là của Abôlô, ta là của Sêpha, ta là của Đấng Christ. Vì trong khi nói ta thuộc về Phaolô, ta thuộc về Abôlô, anh em không phải là xác thịt sao? " (ICôr 1:12).

Thuộc về một gia đình Cơ đốc nào đó (giáo phái) không phải là điều sai trật, nhưng theo chủ nghĩa độc quyền, chủ nghĩa giáo phái đầy kiêu ngạo mới là sai trật, và những người tin Chúa KHÔNG nên có những điều này trong tâm trí hay trong lòng.

Bạn hãy chú ý lời đáp của Chúa Jesus với các môn đồ của Ngài rằng "... Đừng cấm họ, vì ai không nghịch cùng các ngươi là thuận với các ngươi " (Lu 9:50). Lạy Chúa! xin hãy giải cứu chúng con khỏi những hàng rào bè phái Babylôn này, khỏi sự kiêu ngạo giáo phái hay sự kiêu căng vì mình thuộc về một Hội Thánh "độc lập".

C. BABÊN VẪN CÒN SỐNG!

Khi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời giáng trên Babên, họ bị tản lạc mà mang theo tôn giáo tà giáo của họ.

1. Tôn Giáo Tà Giáo Tỏa Khắp Toàn Cầu

Hệ thống tôn giáo của Nimrốt được nhìn thấy trong các kim tự tháp của AiCập bổ sung cho Ziggurats. Bạn sẽ thấy ảnh hưởng của Nimrốt ở tân thế giới, giữa vòng những người Aztec và Incas, họ đã xây nhiều Ziggurats giống hệt nhau.

Ngày nay bạn thấy tôn giáo của Nimrốt ở Ấn Độ trong những đền thờ Ấn Độ giáo; ở Tây Tạng, Lào và Cambodia trong những chùa chiền Phật giáo. Ảnh hưởng tôn giáo thời cổ này đã lưu truyền khắp toàn cầu và làm cho Satan nắm lấy nhân loại và đem sự rủa sả đến cho họ.

Đồng thời với Babên (dòng dõi của Cham) là dòng dõi của Sem và Giaphết là những người có sự hiểu biết đúng đắn về Đức Chúa Trời. Lịch sử thế giới về các thời đại cho chúng ta biết rằng những người thuộc dòng dõi Sem thật đã nổi dậy chống lại Nimrốt và giết chết ông ta vì tội lộng ngôn cho rằng mình là Đức Chúa Trời.

2. Tôn Giáo Tà Giáo Ngăn Trở Mục Đích Truyền Giáo Của Đức Chúa Trời

Tôn giáo Babên tập trung vào những biểu lộ tôn giáo có tính địa phương, tự phục vụ, tự giải quyết, trái ngược với quan điểm toàn thế giới của Đức Chúa Trời và chống lại ý định của Ngài. Đó là một chướng ngại cản trở và gây khó khăn cho mục đích của Đức Chúa Trời trong nhiều thế kỷ và là kẻ thù trong việc rao giảng phúc âm và tri thức đúng đắn về Đức Chúa Trời kể từ thời Nimrốt cho đến bây giờ.

D. ĐỨC CHÚA TRỜI HỨA CHÚC PHƯỚC CHO TẤT CẢ CÁC NƯỚC

1. Ápraham, Nhà Truyền Giáo Đầu Tiên Của Đức Chúa Trời

Khoảng 1.000 năm sau sự kiện tháp Babên, Đức Chúa Trời đã kêu gọi Ápraham ra khỏi Urơ, thuộc xứ Canhđê, để làm người truyền giáo đầu tiên cho Ngài.

Đức Giêhôva đã lập giao ước với Ápraham. Giao ước này đòi buộc Ápraham phải thực hiện một điều rất khó khăn: "Đức Giêhôva có phán cùng Ápraham rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đến xứ ta sẽ chỉ cho " (Sáng 12:1). Do đó khải tượng của Đức Chúa Trời cho một dân tộc mà qua dân tộc đó cả thế giới này biết Ngài đã được phục hồi. Điều này đòi buộc phải lìa khỏi gia đình và đi đến những dân tộc ở các nước khác có ngôn ngữ và nền văn hóa khác. Ápraham đã trở thành nhà truyền giáo đầu tiên của Đức Chúa Trời.

Giao ước dành cho Ápraham bao gồm bảy lời hứa. Lời hứa thứ bảy là quan trọng nhất: "Và các chi tộc (theo tiếng Hybálai là mighpacha nghĩa là các chi phái hoặc các giống dân) trên thế gian này sẽ nhờ ngươi mà được phước " (câu 3).

E rằng có gì nghi ngờ về điều Đức Chúa Trời muốn nói ở câu này chăng nên Phaolô đã làm sáng tỏ rằng Đức Chúa Trời đang nói về sự truyền giáo cho cả thế giới.

Ông nói: Kinh Thánh cũng biết trước rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin nên đã rao truyền cho Ápraham tin lành này: "Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước " (Ga 3:8).

Hai ngàn năm trước khi Đấng Christ sinh ra, Đức Chúa Trời đã tuyên bố với Ápraham rằng Ngài muốn cả thế giới thờ hình tượng này được xưng công bình và được nghe về tin lành. Đó là lời hứa bị ảnh hưởng của Babên ngăn trở. "Chúng ta hãy. .. làm cho chúng ta. .. xây cho chúng ta. ..kẻo e bị tản lạc ".

a. Không Hoàn Thành Trách Nhiệm.

Đức Chúa Trời làm cho dân Ysơraên của Ngài trở thành "sự sáng cho các dân ngoại " (Ês 42:6, 7). Họ có hoàn thành trách nhiệm đó không? Không! Họ đã thất bại thảm hại.

Đức Giêhôva đã nói với Ápraham những gì sẽ xảy đến cho dòng dõi của ông "Phải biết rằng dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp bốn trăm năm. .. Đến đời thứ tư, dòng dõi ngươi sẽ trở lại đây " (Sáng 15:13, 16). Điều này đã xảy ra. Trong thời của Giôsép, Giacốp đã đưa bảy mươi người trong gia đình ông xuống AiCập (Sáng 46:26; Xuất 1:5).

Bốn thế kỷ sau, Môise đã đem họ ra như lời Đức Chúa Trời đã phán với Ápraham. "Khi mãn bốn trăm ba mươi năm rồi thì cũng trong ngày đó, các quân đội của Đức Giêhôva ra khỏi xứ Êdíptô " (12:41).

2. Dân Ysơraên Trở Nên Một Nước Thầy Tế Lễ

Khi dân Ysơraên ra khỏi AiCập, thì giao ước đầu tiên mà Đức Chúa Trời bảo họ là hoàn thành trách nhiệm và đặc quyền của họ với toàn thế giới. Ngài phán "Nếu các ngươi vâng lời ta, và giữ giao ước ta thì ta sẽ làm cho các ngươi trở nên một nước thầy tế lễ và một dân thánh " (19:5, 6).

Tại sao Đức Chúa Trời lại cần có một dân thánh với hai triệu năm trăm ngàn thầy tế lễ (Xuất 12:37)? Lý do hợp lý nhất là để hoàn tất lời hứa mà Ngài đã lập với Ápraham, Ysác và Giacốp.

"Vì Ápraham chắc sẽ được trở nên một dân lớn và cường thạnh, các dân tộc nơi thế gian sẽ nhờ người mà được phước " (Sáng 18:18).

"Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta nên các dân thế gian đều sẽ nhờ ngươi mà được phước " (22:18).

"Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, sẽ cho họ cả xứ này, hết thảy dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước " (26:4).

"Dòng dõi ngươi đông như cát bụi trên mặt đất, tràn ra đến Đông, Tây, Nam, Bắc và các chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước " (28:14).

Đức Chúa Trời muốn ban phước cho các nước (các chi phái, các giống dân) và Ngài cần một số lượng lớn các thầy tế lễ truyền giáo đem lẽ thật của Ngài đến cho các nước này. Hy vọng của Đức Chúa Trời là dân Ysơraên sẽ có đức tin để chấp nhận đề nghị của Ngài và hoàn thành sứ mạng của họ. Nhưng điều đó đã không xảy ra. "Nhơn đó, ta giận dòng dõi này. .. (bởi vì) ... vì tin lành này không có giá trị gì đối với họ cả vì chẳng lấy đức tin mà nhận những điều đó cho mình " (Hêb 3:10; 4:2 NIV).

a. Hai Điều Kiện.

Giao ước (giao kèo) đưa ra hai điều kiện cho dân Ysơraên:

1) "Vâng theo tiếng ta " và

2) "Giữ giao ước ta ".

Người ta chỉ cần đọc Xuất 20:1-26 là thấy rằng dân Ysơraên đã bỏ điều kiện thứ nhất là "Vâng theo tiếng ta ".

"Dân sự bèn nói cùng Môise rằng: Chính mình người hãy nói cùng chúng tôi thì chúng tôi sẽ nghe theo nhưng cầu xin Đức Chúa Trời chớ phán cùng. .." (20:19).

"... hoặc lấy tiếng nói kinh khiếp đến nỗi ai nghe đều nài xin đừng nói với mình nữa " (Hêb 12:19).

Dân Ysơraên đã không thể hoàn thành ý chỉ và mục đích của Đức Chúa Trời để trở thành "một nước thầy tế lễ " khi họ từ chối không nghe theo tiếng của Đức Chúa Trời.

Trong vài chương sau, chúng ta sẽ thấy dân Ysơraên cũng vi phạm cả điều kiện thứ hai là "giữ giao ước ta ".

"Đoạn Môise ở trên núi trở xuống, tay cầm hai bảng chứng (bảng giao ước)... Khi đến gần trại quân, Môise thấy bò con vàng và sự nhảy múa, bèn nổi giận, liệng hai bảng chứng khỏi tay mình, bể ra nơi chân núi " (32:15, 19).

Môise chỉ làm điều gì mà dân Ysơraên đã làm vì tội lỗi và sự bất tuân của họ, tức là họ đã phá vỡ giao ước, không giữ giao ước. Vì vậy Môise đã ném hai bảng đá mà trên đó đã chép giao ước và ông đã đập bể chúng. "... Giao ước sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt ra khỏi đất Êdíptô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi. .." (Giê 31:32).

3. Chức Tế Lễ Của Người Lêvi

Lời hứa đã lập với người Ysơraên ở núi Sinai là họ sẽ trở thành "một nước thầy tế lễ " không ám chỉ đến chức vụ tế lễ của người Lêvi. Người Lêvi đã trở thành thầy tế lễ là hậu quả của sự thất bại và bất tuân đã nói ở trên.

Điều kiện thứ nhất, "Vâng theo tiếng ta " đã bị vi phạm. Làm thế nào Đức Chúa Trời có thể giữ giao ước và lời hứa của Ngài là làm cho họ trở nên "một nước thầy tế lễ" khi họ không nghe tiếng của Ngài?

Một lần nữa mục đích của Đức Chúa Trời đã bị cản trở khi dân Ysơraên phá vỡ giao ước. Vào ngày đó, Đức Chúa Trời đã đưa ra một sự đoán phạt: "Người truyền cho họ rằng: Giêhôva là Đức Chúa Trời của Ysơraên, có phán như vầy: Mỗi người trong các ngươi hãy đeo gươm bên mình, đi qua đi lại trong trại quân, từ cửa này đến cửa kia, và mỗi người hãy giết anh em, bạn hữu và kẻ lân cận mình " (Xuất 32:27).

Khi điều đó xảy ra thì chỉ có một chi phái duy nhất có sẵn vũ khí, đó là chi phái Lêvi. Điều gì xảy đến cho những chi phái khác? Kinh Thánh chép: "Vì Arôn đã để họ trần trụi đến đỗi bị sỉ nhục trong vòng các thù nghịch ".

Khi đọc đến điều này người ta có thể nghĩ rằng họ đang chạy lòng vòng mà không ăn mặc gì cả. Đó không phải là điều mà từ Hybálai này muốn nói đến. Họ hoàn toàn bị trần trụi về mặt quân sự trước mắt kẻ thù. Họ đã bỏ vũ khí sang một bên mặc dù đang bị kẻ thù bao vây.

Dân Ysơraên đã lấy tất cả vàng và bạc ở AiCập. Theo giá trị ngày nay thì số vàng bạc đó lên đến hàng triệu đôla.

Ở đây, họ là những người thừa kế gia tài thế giới cổ và họ đã buông vũ khí và không bảo vệ quyền thừa kế của họ. Họ hoàn toàn trần trụi về mặt quân sự! Họ thật ngu xuẩn!

Người Lêvi là chi phái trung thành duy nhất được trang bị vũ khí và họ đã đi đến những người không mang vũ khí và giết ba ngàn người trong ngày hôm ấy. Đức Chúa Trời đã chỉ định chi phái Lêvi làm thầy tế lễ bởi vì họ đã giữ vũ khí bên mình. Họ là những người bảo vệ quốc gia và cơ nghiệp của dân tộc. Tất cả những chi phái còn lại đã làm hại đến sự an toàn và quyền lợi của quốc gia.

"Người Lêvi đã làm như Môise ra lệnh và ngày hôm đó có khoảng ba ngàn người bị giết. Sau đó Môise nói rằng: Ngày hôm nay các ngươi (người Lêvi) được biệt riêng ra cho Đức Giêhôva. .. và ngày hôm nay Ngài sẽ chúc phước cho các ngươi " (32:26-29 NIV). Do đó chi phái Lêvi trở thành chi phái thầy tế lễ.

Nhưng mục đích của Đức Chúa Trời cho một nước thầy tế lễ đã bị trì hoãn trong mười lăm thế kỷ nữa. Cả thế giới đã phải chờ đợi nhiều thế hệ trước khi được biết về một Đức Chúa Trời chân thật.

Trãi suốt lịch sử, các ngọn tháp của Zigurats cứ liên tục được xây lên trên khắp thế giới. Ảnh hưởng của Nimrốt cứ gia tăng và che mờ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời chân thật.

Thế giới này đã phải chờ đợi một dân tộc "vâng theo tiếng Chúa " và "giữ giao ước Ngài " hơn 1.000 năm.

4. Lời Hứa Được Ứng Nghiệm

"Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra. Sanh ra dưới luật pháp để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài" (Ga 4:4, 5).

E. TẠI SAO ĐỨC CHÚA JESUS ĐẾN?

1. Chúa Jesus Đến Để Ban Cho Dân Ysơraên Một Cơ Hội Cuối Cùng.

Từ Ápraham đến Đấng Christ có 2.000 năm, tức là hai mươi thế kỷ mà dân Ysơraên đã không giữ được lời hứa đã dành cho Ápraham. Tất cả các dân tộc đã không được phước như Đức Chúa Trời đã hứa. Dân Ysơraên đã không khai sáng cho các dân ngoại như Đức Chúa Trời mong muốn. "Ta, Đức Giêhôva, đã kêu gọi ngươi từ trong sự công bình. .. làm sự sáng cho các dân ngoại. .. Ta sẽ khiến ngươi làm sự sáng cho các dân ngoại hầu cho ngươi làm sự cứu rỗi của ta đến nơi đầu cùng đất " (Ês 42:6; 44:6).

Thay vì làm sự sáng của Đức Chúa Trời cho dân ngoại, thì dân Ysơraên "đã làm cho danh Đức Chúa Trời bị nói phạm giữa dân ngoại " (Rô 2:24).

"Ta sẽ làm nên thánh danh lớn của ta, là danh đã bị phạm trong các dân. .. Như vậy các dân tộc sẽ biết ta là Đức Giêhôva. .." (Ês 36:23).

Khi Đức Chúa Jesus đến, Ngài đã khóc về dân Ysơraên và thủ đô của nước đó. "Khi Đức Chúa Jesus gần đến thành, thấy thì khóc về thành, và phán rằng: Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an. ..

Vì có ngày sẽ xảy đến cho mầy, khi quân nghịch đào hố xung quanh mầy vây mầy chặc bốn bề. Họ sẽ hủy hết thảy, mầy và con cái ở giữa mầy nữa. Không để cho hòn đá này trên hòn đó kia, vì mầy không biết lúc mình đã được thăm viếng " (Lu 19:41-44).

Cuối cùng, khi Chúa Jesus bị người Do Thái chối bỏ, Ngài phán "Bởi vậy ta phán cùng các ngươi, nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết quả của nước đó " (Mat 21:43). Dân tộc nào được ban cho vương quốc của Đức Chúa Trời? Chúng ta sẽ thấy điều đó ở phần sau.

Dân Ysơraên đã phạm tội, đánh mất cơ hội của họ. Họ đã đánh mất cơ hội cuối cùng để trở thành một dân tộc truyền giáo của Đức Chúa Trời, một nước thầy tế lễ. Bây giờ những dân tộc khác sẽ được phước và được ban cho cơ hội để tiếp tục những gì dân Ysơraên đã thất bại.

2. Chúa Jesus Đến Để Chấm Dứt Các Đền Thờ Và Công Việc Xây Đền Thờ

Ngài đến để phá vỡ quyền lực hệ thống tôn giáo của Nimrốt, là hệ thống rất kiêu ngạo về tổ chức tôn giáo.

"Có mấy người nói về đền thờ, và đá đẹp và đồ vàng làm rực rỡ trong đền thờ. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Những ngày sẽ đến, mọi điều các ngươi ngó thấy đây, sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên hòn đá khác mà không bị đổ xuống " (Lu 21:5, 6).

"Đức Chúa Jesus đáp rằng: Ngươi thấy các nhà lớn này ư? Rồi sẽ không còn một hòn đá sót lại trên một hòn đá khác nữa. Cả thảy đều đổ xuống " (Mác 13:2).

Có một lý do tại sao Đức Chúa Jesus muốn phá bỏ đền thờ. "Đức Giêhôva phán như vầy: Trời là ngai ta, đất là bệ chơn ta. Các ngươi sẽ lấy nơi nào làm chỗ nghỉ chân cho ta " (Ês 66:1).

"... Nhưng Đấng rất cao chẳng ở trong nhà bởi tay người ta làm ra. .." (Công 7:48).

"Đức Chúa Trời đã dựng nên thế gian và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu " (17:24).

Kế hoạch của Đức Chúa Trời là muốn sống trong tấm lòng của dân sự Ngài.

"Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời đang ngự trong anh em sao? " (ICôr 3:16).

"... Đức Chúa Trời ở trong chúng ta và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta " (IGiăng 4:12).

"... Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ và họ sẽ làm dân ta " (IICôr 6:16).

Thưa quí vị Mục sư, quí vị có giống như người giàu ngu dại trong ví dụ của Chúa Jesus không? "Lại nói: này, việc ta sẽ làm: ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn. .." (Lu 12:18).

Hãy trở nên giống như Chúa Jesus và các sứ đồ đầu tiên. Họ chỉ nhấn mạnh đến SỨ ĐIỆP, CHỨ KHÔNG ĐẾN ĐỀN THỜ. SỨ ĐIỆP tạo ra những tấm lòng sẵn sàng dành chỗ cho Đức Chúa Trời ngự vào. Các ngôi đền, giáo đường, các ngọn tháp chỉ gia tăng sự kiêu ngạo cho những kẻ xây nên nó.

3. Chúa Jesus Đến Để Ban Phước Cho CÁC Dân Tộc

Chúa Jesus đã đến để phục hưng lại lời hứa và mục đích từ ngàn xưa của Đức Chúa Trời, đó là cả thế giới sẽ được phước bởi nhận biết Đức Chúa Trời.

Khi Chúa Giêxu từ kẻ chết sống lại, Ngài phán "Hết cả quyền phép trên trời, dưới đất đã giao cho ta. Vâng HÃY ĐI ... và này ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế " (Mat 28:18-20).

Điều này có nghĩa gì? Đức Chúa Jesus đang phục hồi lại mạng lịnh truyền giáo từ thời xưa cho Nôê và các con trai của ông. Ngài đang phục hồi sự kêu gọi truyền giáo dành cho Ápraham và dòng dõi của ông là "Vậy. .. Hãy đi ".

Phải, Hội Thánh đã đi... nhưng chỉ ở Giêrusalem. Từ thời Nôê cho đến bây giờ, dường như vấn đề chủ yếu của Chúa là muốn thấy con người có một cái nhìn về khắp thế giới. Niềm say mê thu hút tôi, gia đình tôi, lòng khao khát của tôi dường như là hiện thân của hầu hết chúng ta. Nhiều tín đồ Ngũ Tuần đã có thái độ "Tôi, vợ tôi và hai đứa con tôi, chỉ bốn người, thế thôi, Công 2:4".

Trước khi Hội Thánh đầu tiên thực hiện mạng lệnh rõ ràng của Chúa Jesus là "... Hãy đi khắp thế gian, giảng tin lành cho mọi người " (Mác 16:15) thì Chúa đã cho phép sự bắt bớ xảy ra. Cần phải có điều này để đem họ ra khỏi tổ ấm của họ và làm cho họ vâng theo những gì Ngài đã phán. Ngay lúc đó không phải những người rao giảng (các sứ đồ) vâng theo mạng lệnh này đâu.

Kinh Thánh chép "Trong lúc đó, Hội Thánh tại Giêrusalem gặp cơn bắt bớ dữ dội, trừ ra các sứ đồ, còn hết thảy các tín đồ đều phải chạy tản lạc trong các miền Giuđê và xứ Samari " (Công 8:1).

Đó là phong trào rao giảng phúc âm do "những người chân đất lãnh đạo" và đã phá vỡ đặc quyền của những sứ đồ người Do Thái. "Vậy những kẻ đã bị tản lạc (không phải các sứ đồ, chỉ là những người bình thường thôi) đi từ nơi này đến nơi khác, truyền giảng tin lành " (8:4).

4. Chúa Jesus Đến Để Làm Cho Chúng Ta Trở Nên Một Nước Thầy Tế Lễ

Các sứ đồ Do Thái chú ý đến mạng lịnh của Chúa cũng không hơn gì chúng ta hôm nay. Họ ngồi tại đó, hưởng lấy cơn phấn hưng và phước hạnh ở Giêrusalem.

Cho đến Công vụ đoạn 8, khi cuộc bắt bớ xảy ra, họ đã không làm gì cho mục đích rao giảng phúc âm toàn thế giới của Đức Chúa Trời. Cuối cùng những con người bình thường đã đáp ứng với mạng lệnh đó khi cơn bắt bớ làm cho họ bị tản lạc.

Phierơ nói "Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời " (IPhi 2:9). Điều mà Đức Chúa Trời đã hứa cho con cái Ysơraên ở Xuất Êdíptôký đoạn 14 bây giờ đã trở thành sự thật.

Đức Chúa Trời không đưa ra điều kiện, Ngài chỉ nói "CÁC NGƯƠI LÀ thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh ". Cũng giống như dưới giao ước cũ, Đức Chúa Trời không đòi hỏi điều kiện gì cả.

"Đức Giêhôva phán: Nầy những ngày đến, bấy giờ ta sẽ lập một giao ước mới với nhà Ysơraên và với nhà Giuđa. Giao ước này sẽ không theo giao ước mà ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày ta nắm tay dắt chúng nó ra khỏi Êdíptô, tức giao ước mà chúng nó đã phá đi. ..

Đức Giêhôva phán: Này là giao ước mà ta sẽ lập với nhà Ysơraên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng chúng nó. .." (Giê 31:31-33).

Thật ra, Đức Chúa Trời đang nói rằng "Ta sẽ làm", "Ta đã cố làm cho dân Ysơraên của ta tình nguyện hợp tác với ta nhưng chúng nó đã từ chối. Bây giờ ta sẽ làm điều đó, bất chấp chúng nó nữa".

Không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói đến "tăng lữ" hay "người thường". Chúa Jesus nói rằng hết thảy chúng ta là "những nhà vua và thầy tế lễ".

"... Làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng. Amen " (Khải 1:6). "Và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta, những người ấy sẽ trị vì trên đất " (5:10).

F. ĐIỀU GÌ ĐÃ PHÁ VỠ HÀNG RÀO BABYLÔN?

Điều phá vỡ hàng rào Babylôn là việc Đức Chúa Trời ngự xuống làm cho họ nói các thứ tiếng khác nhau. "Bởi cớ đó đặt tên thành là Babên vì nơi đó Đức Giêhôva làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất " (Sáng 11:19).

Đó là điều mà ngày lễ Ngũ Tuần đã hoàn thành để tản lạc những người nói tiếng mới ra khắp đất đặng rao giảng phúc âm về Đấng Christ. Chính điều đó đã phá vỡ hàng rào Babylôn.

Đây không phải là hình thành những nhóm nhỏ "theo ý tôi" thay vì phải đi ra rao giảng, nhưng mà là sự ban quyền năng cho chúng ta để đi khắp thế gian và trở nên những người tử vì đạo vì Đức Chúa Jêsus Christ (Công 1:8). Chính việc làm xáo trộn tiếng nói đã phá vỡ hàng rào Babylôn.

1. Tập Trung Vào Sự Truyền Giáo Cho Toàn Thế Giới

Đức Chúa Trời đã dự định ngày lễ Ngũ Tuần (2:4) cho Hội Thánh của Ngài. Sự tuôn đổ Thánh Linh khiến cho suy nghĩ và ý tưởng của chúng ta có tính quốc tế và toàn cầu. Ngày lễ Ngũ Tuần làm cho chúng ta nhận ra rằng có những dân tộc trong các quốc gia và các giống dân đang chờ đợi để nghe phúc âm.

Mỗi khi bạn nói tiếng mới, bạn nên nhớ đến chương trình toàn cầu của Đức Chúa Trời cho các dân tộc từ "... mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc và mọi nước. ..".

Sách Khải Huyền đưa chúng ta đến thiên đàng và mặc khải cho chúng ta thấy sự chung cuộc của thời kỳ Hội Thánh, vô số người quây quần trước ngôi.

"Chúng hát một bài ca mới rằng: Ngài xứng đáng. .., vì Ngài. .. đã lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc và mọi nước, và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất " (Khải 5:9, 10).

Nếu ý muốn của Đức Chúa Trời là mọi người từ "mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước" đều được ở thiên đàng thì bạn nên cầu nguyện để Đức Chúa Trời toàn năng sẽ giúp bạn thấy họ phải tiếp nhận tin lành.

Một phần lớn trên thế giới vẫn còn chờ đợi để nghe tin lành. Hai phần năm (trong số hai tỉ người) vẫn còn đang chờ đợi Hội Thánh vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời để RA ĐI và nói về Chúa, cộng tác với ước muốn của Đức Chúa Trời để làm cho dân ngoại được xưng công bình bởi đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ.

Trước đây 200 năm, Hội Thánh đã hoàn toàn bị mắc bẫy trong sự trói buộc của Babylôn. Thời kỳ đen tối đã làm cho mục đích của Đức Chúa Trời bị nhận chìm trong hệ thống tôn giáo của Nimrốt, được gọi là "Cơ đốc giáo" nhưng thật ra chỉ là "Nimrốt giáo" mà thôi. Đó là một hệ thống chính trị đang được những nhà lãnh đạo tôn giáo điều hành.

2. Hãy Chấm Dứt Việc Xây Dựng "Các Đền Thờ"

Trong thời kỳ đen tối ấy Hội Thánh đã làm gì? Hội Thánh đã bỏ qua nhiệm vụ truyền giáo cho toàn thế giới và đã bắt đầu xây dựng những giáo đường với những tháp cao "có đỉnh đến tận trời ".

Bạn nghĩ tinh thần gì đã nổi lên? Có phải xuất phát từ Đại mạng lệnh truyền giáo hay xuất phát từ tấm lòng yêu thương của Chúa Jesus là "đến tìm và cứu kẻ bị mất "? (Lu 19:10).

Không! tinh thần đó xuất phát từ tôn giáo của Nimrốt với những chiếc vòi tối tăm bao trùm trên Hội Thánh và rủa sả Hội Thánh; và đã tạo ra việc bán bùa xá tội một cách lố lăng để quyên góp tiền của xây dựng nên những ngôi giáo đường có tháp cao đến tận trời, không phải làm vinh hiển Đức Chúa Trời nhưng vì sự kiêu ngạo xác thịt của con người.

Tôi không chống đối việc Hội Thánh có khả năng thực hiện công việc này nhưng những tháp Babên vô nghĩa làm thỏa mãn cái tôi của con người là sự rủa sả trên Hội Thánh. Đức Chúa Trời chẳng bao giờ muốn điều đó và cũng không bao giờ ra lệnh làm điều đó. Từ Sáng thế ký đến Khải Huyền không hề có một từ nào cho phép làm điều đó.

Tuy nhiên, chúng ta là những lãnh đạo Hội Thánh ở phương Tây đã dồn hết năng lực, thời gian và tiền bạc để làm gì? Đối với tôi, dường như phần lớn các nhà lãnh đạo là những Nimrốt đang nói rằng "Chúng ta hãy làm cho chúng ta...! Chúng ta hãy xây cho chúng ta, kẻo e chúng ta bị tản lạc, và hãy chấm dứt việc đi khắp thế gian rao giảng tin lành" (lời mỉa mai).

Chúng ta đã phóng những ngọn tháp nhà thờ lên đến trời và đã tranh đua với những giáo đường khác để phô trương việc xây dựng. Đó là hệ thống tôn giáo Nimrốt cũ đang ngẩng cao cái đầu xấu xí của nó lên để nói rằng "e chúng ta bị tản lạc khắp đất và hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời chăng". Điều này đã xảy ra há không phải là một bi kịch sao? (Câu hỏi này là một sự mỉa mai).

Đó là vấn đề cũ rích nhưng lại không xa lạ gì với những điều mà Ralph Mahoney đang rao giảng ngày nay.

Nhưng nếu bạn là người lãnh đạo can đảm và có đức tin, bạn có thể chổi dậy và phá vỡ hàng rào Babylôn. Bạn có thể bắt đầu cầu nguyện chống lại điều đó và trói buộc những chủ quyền và thế lực cổ xưa của ma quỉ đã kiểm soát tài chánh của Hội Thánh và không xài hoang phí nhưng để dành cho mùa gặt lớn của thế giới này.

3. Ưu Tiên Hóa Tài Chánh

Ở Mỹ, chúng tôi đã dành 3 xu trong 100 đôla tiền dâng (không phải 3 xu trong 1 đôla mà là 3 xu trong 100 đô la) cho chương trình truyền giáo. Đây là một đánh giá đáng buồn về một Hội Thánh đang bị sự trói buộc của Babên nắm giữ.

40% trên thế giới vẫn chưa biết gì về tin lành. Họ chưa bao giờ được nghe về phúc âm và ngày nay phúc âm vẫn chưa đến được với họ. Thật là vô lý!

Đã 2.000 năm trôi qua kể từ khi Chúa Jesus bảo môn đồ Ngài phải làm những điều mà Ngài muốn họ làm. Đã 4.000 năm trôi qua kể từ khi Đức Chúa Trời nói với Ápraham về ước muốn của Ngài là có một dân tộc đem phước hạnh đến cho tất cả các dân tộc. Đã 5.000 năm trôi qua kể từ khi Đức Chúa Trời bày tỏ với Nôê và các con trai của ông về kế hoạch toàn thế giới của Ngài. Nhưng thế giới chưa được truyền giáo vẫn còn đang chờ đợi!

"Hãy tỉnh biết theo cách công bình, và chớ phạm tội, vì có người không biết Đức Chúa Trời chút nào, tôi nói vậy để anh em hỗ thẹn " (ICôr 15:34).

Nếu đã có ba mươi năm hỗ thẹn sau ngày lễ Ngũ Tuần, khi Phaolô viết điều này thì ngày hôm nay sự hỗ thẹn đó còn gấp đôi vì có một số người vẫn không biết gì về Đức Chúa Trời.

Là những lãnh đạo Hội Thánh ở các nước phương Tây, chúng tôi đã có những quyết định khi nào, nơi nào và làm thế nào để chổi dậy phá vỡ hàng rào Babylôn. Ưu tiên số một của chúng tôi là rao giảng phúc âm, rao giảng sứ điệp và chấm dứt lan tràn việc xây dựng nhiều "tòa nhà" (xây dựng các chuồng lớn hơn để nhốt chiên). Chiên chỉ ở trên cánh đồng chứ không ở trong chuồng. Và "cánh đồng là thế gian " (Mat 13:88).

Tôi xin nói lại lần thứ ba rằng Kinh Thánh nhấn mạnh đến sứ điệp. Còn Cơ đốc giáo ở phương Tây nhấn mạnh đến giáo đường. Bạn hãy suy nghĩ về điều đó đi!

G. KẾT LUẬN

Một trong những trở ngại chính yếu của việc truyền giáo cho toàn thế giới là quan niệm về giáo đường. Các giáo đường đã cướp lấy phần lớn nguồn tài chánh mà lẽ ra nên dùng vào việc truyền giảng phúc âm. "Lạy Chúa! xin khiến chúng con ăn năn tội chống lại sự truyền giáo này. Amen".