MỤC LỤC
Bài của Ralph Mahoney
Một trong những lý do Chúa lập các giáo sư là cho họ có khả năng để giải quyết vấn đề vô tín. Khi Chúa Jesus đến Naxarét, ngôi làng của thời ấu thơ và niên thiếu của Ngài, Kinh Thánh nói rằng "Ngài không thể làm phép lạ ở đó được bởi vì sự vô tín của họ " (Mác 6:5).
Một tổ chức và cộng đồng vô tín như thế ngăn trở công việc của Đấng Christ. Theo sau lời tường thuật này là lời xác định rất rõ rệt trong Mác đoạn 6 là: "Chúa Jesus đi khắp các làng gần đó mà giảng dạy " Tại sao? Bởi vì sự giảng dạy là thuốc giải độc cho sự vô tín.
Chúng ta không yêu mọi người vì cớ sự vô tín của họ; chúng ta dạy dỗ họ thoát khỏi sự vô tín. Vì thế chúng ta cần được dạy dỗ trên đức tin: trên tiềm năng của đức tin có trong chúng ta; bằng nguyên lý điều khiển sự tăng trưởng đức tin và đặc biệt là làm thế nào để đức tin của chúng ta được tăng trưởng.
Khi Chúa Jesus nói về đức tin, Ngài luôn ám chỉ đức tin với mối quan hệ của chúng ta với người khác. Nếu đức tin tăng trưởng thì mối quan hệ của chúng ta với tín hữu khác cũng phải tăng trưởng.
Trong Lu 17:3, 4 Chúa Jesus giảng dạy cho các môn đồ rằng "Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn thì hãy tha thứ. Nếu họ phạm tội cùng ngươi bảy lần trong một ngày và bảy lần trong một ngày họ quay lại với ngươi mà nói rằng, tôi ăn năn thì hãy tha tội cho họ ".
Để đáp lại sự dạy dỗ về sự tha thứ và mối quan hệ của con người, các sứ đồ nài xin Chúa "xin gia tăng đức tin của chúng tôi ".
Cần có đức tin để chịu đựng. Có một thi nhân nói như vậy nhiều năm trước "Cùng sống trên cao" với các thánh đồ mà chúng ta yêu…Ô, đó là điều vinh diệu. Cùng sống trong đời thường với các thánh đồ mà chúng ta biết thì đó lại là câu chuyện khác!".
Khi Chúa Jesus bắt đầu giảng về "sống trong đời thường với các thánh đồ họ biết" các sứ đồ tức khắc nhận ra nhu cầu của họ là xin gia thêm đức tin.
17:6 có lẽ là khúc Kinh Thánh nói về đức tin bị hiểu lầm nhất: "Và Chúa đáp rằng nếu các ngươi có đức tin lớn bằng hạt cải, các ngươi khiến cây dâu này rằng: hãy nhổ đi và trồng dưới biển, thì nó sẽ vâng lời ".
Khúc kinh thánh tương tự trong Mác 11:23 không nói đến cây dâu mà là hòn núi "Nếu ngươi bảo núi này hãy cất mình lên và quăng xuống biển, nó sẽ vâng lời ngươi ".
Nhiều người trong chúng ta không hiểu vấn đề núi non (dời núi), cho nên chúng ta đã "thuộc linh hóa" quan điểm đức tin dời núi. Khi chúng ta không thể làm cho lời Kinh Thánh hành động, chúng ta "thuộc linh hóa" Kinh thánh, hạ thấp lời của Đức Chúa Trời xuống cho phù hợp với kinh nghiệm của chúng ta hơn là nâng kinh nghiệm chúng ta lên cho phù hợp với Lời Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời muốn lời của Ngài hành động. Ngài phán trong Giê 1:12 "Ta sẽ giữ lời phán ta đặng làm trọn " hay nói cách khác "Ta sẽ hỗ trợ lời nói ta để nó vận hành " chúng ta cần tìm kiếm loại đức tin nầy để "nói" và các việc xảy ra.
Trọng tâm là: có "đức tin công bố" sẵn dành cho con cái của Đức Chúa Trời, tức là "một đức tin nói ra".
Các nhà giải kinh giải nghĩa Lu 17:6 như vầy: "chỉ cần có một ít đức tin để làm các việc lớn". Nan đề của giáo lý này là đức tin sẽ không hành động theo cách đó! Đức tin "nhỏ" không bao giờ làm trọn các việc "lớn".
Vài năm trước đây, tôi thấy bản dịch Weymouth nói rằng: "Nếu ngươi có đức tin mọc lên như hạt cải. .." khi tôi đọc câu Kinh thánh này, Đức Thánh Linh làm cho tôi hiểu sự dạy dỗ của Chúa Jesus trong một phương cách mới. Đó là cách mà trước đây tôi chưa bao giờ nghe ai giải thích về đức tin như vậy.
Chúa Jesus không bảo chúng ta rằng tất cả những gì chúng ta cần là có một đức tin thật nhỏ như hạt cải và rồi chúng ta có thể dời cây, dời núi. Hơn thế nữa, Chúa muốn dạy dỗ chúng ta rằng đức tin TĂNG TRƯỞNG như hạt cải có thể chữa lành bệnh tật, đuổi quỷ và thấy các dấu lạ cặp theo (Mác 16:17-20).
Chúng ta xem hạt cải mọc lên như thế nào trong Mat 13:31, 32. Đây chính là lời của Chúa "Ngài lấy một ví dụ khác mà phán rằng: nước thiên đàng giống như một hạt cải mà người kia lấy gieo trong ruộng mình. Hạt ấy thật nhỏ hơn các giống khác, song khi đã mọc lên, thì lớn hơn các thứ rau, và trở nên cây cối, cho đến nỗi chim trời tới làm tổ trên nhánh nó được ".
Hạt cải thì nhỏ, nhưng Chúa Jesus nói rằng khi nó mọc lên thì nó lớn hơn những rau khác và trở thành cây đủ lớn cho chim làm tổ.
Khi chúng ta hiểu rằng đó không phải là đức tin nhỏ nhưng mà là đức tin tăng trưởng làm được những việc lớn, thì đó là một khái niệm khác về đức tin rất cấp tiến. Đức tin nhỏ làm được vài việc, còn đức tin lớn sẽ làm được chuyện lớn hơn. Nhưng "đức tin tăng trưởng" mới là ý tưởng mà Chúa Jesus muốn dạy cho chúng ta. Đó là từ "đức tin đến đức tin " Rô 1:17) để chúng ta phát triển đến lúc đức tin trưởng thành hoàn toàn.
Trong ICôr 13:2 Phaolô giảng luận về đức tin có thể dời núi như sau: "dầu tôi được ơn nói tiên tri và hiểu biết các sự mầu nhiệm và mọi tri thức và dầu tôi có CẢ đức tin đến nỗi dời núi được ".
Phaolô nhận ra rằng phải có tất cả đức tin hay toàn bộ đức tin hay đức tin tăng trưởng trọn vẹn để dời núi. Bạn không thể dời núi với đức tin như hạt cải được, mà bạn dời núi với tất cả đức tin. Cần phải có đức tin phát triển đầy đủ để dời núi. Phaolô đã thừa nhận điều này và Chúa Jesus cũng dạy về điều này.
Trong Mat 17:1-27, Chúa Jesus đem Phierơ, Giacơ và Giăng lên núi hóa hình.
Trong thời gian này có chín môn đồ khác đang chờ ở phía dưới, có một người có một đứa con trai mắc bệnh phong điên, thường khi té vào hoặc xuống nước.
Chín môn đồ cố đuổi tà linh nhưng không thành công. Người cha bèn đến gặp Chúa Jesus khi Ngài vừa xuống núi, thưa rằng "Tôi đã mang nó cho môn đồ Chúa nhưng họ chữa không được " (17:16). Quả là một lời buộc tội! Các môn đồ đó không chữa được người bệnh.
"Rồi Chúa Jesus quở trách quỷ, quỷ liền ra khỏi đứa trẻ, và từ giờ đó đứa trẻ được lành. Môn đồ đến gần Chúa Jesus mà hỏi riêng rằng: vì cớ gì chúng tôi không đuổi quỷ ấy được " (17:18-19).
Các môn đồ nói với Chúa rằng "Thưa Chúa, chúng tôi đã sử dụng các ân tứ chữa bệnh: chúng tôi lắc người bệnh, chúng tôi đuổi nó trong danh Jesus, chúng tôi làm mọi sự nhưng quỷ đó không ra khỏi người bệnh, tại sao?"
Bảng dịch King James nói rằng "và Chúa Jesus phán với họ rằng vì sự vô tín của các ngươi. .." (17:20). Tuy nhiên chữ đó không phải là "vô tín" trong bản gốc Hylạp, mà là "đức tin nhỏ bé" hoặc là "đức tin chưa phát triển".
Chúa Jesus không nói về sự vô tín. Các môn đồ này nếu vô tín thì họ đã không cố công đuổi quỷ.
Sự vô tín là điều tiêu cực nghĩa là không tin, trái lại vấn đề của chín môn đồ là "đức tin nhỏ bé".
Họ đã cố nhưng không có đủ đức tin để hoàn thành công việc. Vì thế các môn đồ không phải là không tin; đơn giản là họ không phát triển đầy đủ đức tin để đối phó với nan đề. Họ có "đức tin như hạt giống" và một nan đề như cây "cổ thụ".
Chúa Jesus tiếp tục giảng dạy cho họ dù đức tin của họ chưa phát triển, họ có thể để cho nó tự mọc lên như hạt cải để họ có thể khiến "núi nầy rằng hãy dời đây qua đó thì nó liền dời qua và không có sự gì mà các ngươi không làm được " (17:20).
Nói cách khác không có gì là không thể đối với các bạn nếu các bạn phát triển đức tin vốn đã mọc lên và tiếp tục lớn lên!
Đức tin tăng trưởng là một quan điểm của Kinh Thánh. Trong các thư tín của Phaolô, ông sử dụng phép ẩn dụ để nói với chúng ta: chúng ta được thay đổi "từ vinh hiển qua vinh hiển " và "từ đức tin đến đức tin " (IICôr 3:18; Rô 1:17).
Phaolô viết trong 12:3 "vậy nhờ ơn đã ban cho ...Đức Chúa Trời đã phú cho loài người một lượng đức tin (hay hạt giống đức tin)"
Đức tin khởi đầu từ sự ban cho của Đức Chúa Trời một lượng hạt giống đức tin. Chữ "lượng" trong tiếng Hylạp có nghĩa là "phần giới hạn". Hạt giống này (phần giới hạn hay là một lượng) là ân tứ của Đức Chúa Trời dành cho mọi tín đồ.
Không có một Cơ đốc nhân nào nói rằng tôi không có đức tin, bởi vì Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời phân phát cho mọi người một lượng hay giống đức tin. Điều minh chứng thêm cho điều này được tìm thấy trong Êph 2:8, 9 "vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó (đức tin) là sự ban cho của Đức Chúa Trời không phải bởi việc làm, hầu cho không ai khoe mình " Nếu các bạn là tín đồ được tái sinh thì hạt giống đó đã được ban cho bạn.
Có hai loại đức tin, chúng ta cần phân biệt.
"Ân tứ đức tin " được mô tả trong ICôr 12:9 . Đây là sự truyền đạt tối thượng của Ân tứ Đức tin từ Đức Chúa Trời ban cho bạn.
Đó là đức tin được phát triển trong bạn. Với đức tin được phát triển, nếu bạn khởi sự có "5 xu" đức tin, và tăng lên được "75 xu" đức tin vậy bạn có thể giải quyết mọi tình huống mà bạn gặp với lượng 75 xu đức tin.
Mặt khác nếu đức tin của bạn không liên tục tăng trưởng, mà bạn chỉ biết đến ân tứ bất chợt nào đó hay sự "truyền đạt" đức tin nhờ một dịp đặt biệt nào đó, sự phát triển đức tin của bạn chỉ có thể ở mức độ "5 xu" mà thôi.
Vài Cơ Đốc Nhân vẫn cứ tưởng nhớ lại những giây phút vĩ đại của đức tin mà qua họ một phép lạ xảy ra có lẽ cách đây đã hai mươi năm, nhưng đức tin của họ không tăng trưởng từ ngày đó đến hôm nay.
Đức tin thiên thượng có thể đến với bạn trong một hoàn cảnh nào đó, và phép lạ vĩ đại xảy ra. Nhưng khi hoàn cảnh mà khiến bạn cần có ân tứ đức tin đó đã qua đi, thì đức tin đã được ban cho để giúp bạn vượt qua khó khăn có thể sẽ không còn ở trong bạn nữa. Song đức tin phát triển là điều sẽ ở với bạn và làm việc vì bạn trong mọi hoàn cảnh. Khi nan đề không vượt quá trình độ tăng trưởng của đức tin, bạn sẽ luôn luôn chiến thắng.
Nhưng nếu bạn gặp phải một nan đề lớn hơn đức tin phát triển của bạn (giống như các môn đồ Chúa) bạn có thể sẽ bị thất bại.
Chúng ta phải khám phá ra đức tin tăng trưởng như thế nào trong đời sống người tín đồ. Chúng ta tiến (hay tăng trưởng) từ "đức tin đến đức tin " và "vinh hiển đến vinh hiển ".
Hãy nhớ một lời dạy trong Kinh Thánh như vầy: "bạn sẽ biết sự vinh hiển của Đức Chúa Trời theo tỷ lệ của sự tăng trưởng đức tin trong đời sống của bạn. Đức tin được phát triển sẽ mang lại sự gia tăng vinh hiển của Đức Chúa Trời trên đời sống và chức vụ của bạn".
Nguyên tắc tăng trưởng đức tin có thể được mô tả trong câu chuyện về ngôi mộ của vua Tutank.
Vua Tutank là một Pharaôn Ai cập danh tiếng được chôn khoảng năm 1357 trước Công Nguyên trong một kim tự tháp cực kỳ công phu. Ngôi mộ của ông được khai quật còn nguyên vẹn hoàn toàn vào năm 1922 bởi nhà khảo cổ học người Anh. Bên trong mộ, giữa các kho tàng, người ta tìm thấy mật, lúa mì và bắp.
Tò mò để xem chuyện gì xảy ra sau 3279 năm, nhà khảo cổ đã lấy mì và bắp đem trồng trong một vùng đất màu mỡ cạnh sông Nile, nơi có độ ẩm thích hợp và đầy dinh dưỡng.
Trong một thời vụ tăng trưởng bình thường, một mùa gặt lúa mì và bắp đã đến, một mùa gặt từ hạt giống trên 3000 năm.
Dầu hạt giống đã nằm ngủ yên trong ba thiên niên kỷ rưỡi, song từ trong hạt giống đó vẫn có tiềm lực sinh sản và tái sinh sản cho một mùa gặt đáng quan tâm. Tất cả những gì hạt giống cần là môi trường thích hợp để tăng trưởng.
Luật tăng trưởng tự nhiên dạy dỗ chúng ta những điều thuộc linh. Hạt lúa mì ở trong môi trường xấu sẽ không mọc. Tuy nhiên, nếu có điều kiện đúng, chẳng những nó mọc lên mà qua sự tái canh tác sẽ có mùa gặt bội thu. Dĩ nhiên nó sẽ tái sinh sản hàng ngàn bụi lúa mì.
Cùng một tiềm lực lớn lao này đã bị giữ lại trong hạt giống đức tin mà Đức Chúa Trời đã phó cho mỗi người. Chúng ta phải làm gì để xác định rằng hạt giống sẽ lớn lên hay vẫn mãi là một hạt giống.
Để mọc được, hạt giống cần phải có chất dinh dưỡng (đất đai màu mỡ), nước và ánh sáng mặt trời... đó là ba yếu tố cần thiết để tăng trưởng trong cõi thiên nhiên cũng như trong lĩnh vực thuộc linh.
Hiểu theo nghĩa ẩn dụ, để một hạt giống đức tin có thể mọc lên được, cần phải được nuôi dưỡng trong đất của Lời Đức Chúa Trời (không phải chữ nghĩa nhưng bằng sự bày tỏ của Thánh Linh (Êph 1:17) theo Lời của Ngài), tưới nước bằng sự vâng phục Lời của Đức Chúa Trời và tắm nắng tình yêu của Đức Chúa Trời tỏa rộng trong lòng chúng ta bởi Đức Chúa Trời Rô 5:5; Ga 5:6).
Khi chúng ta nói Lời của Đức Chúa Trời như hạt giống đức tin mọc lên từ đất, chúng ta không chỉ đề cập đến chỉ một mình Kinh Thánh, Rô 10:17 nói rằng "Đức tin đến từ sự nghe, Lời (Hylạp = rhema) của Đức Chúa Trời".
Trong các sách tiên tri của Cựu Ước, chúng ta thấy cụm từ sau đây thường xuất hiện "Lời của Đức Chúa Trời đến với ..." đến với tiên tri Giêrêmi, Êxêchiên, Ôsê... có nghĩa là tiếng nói hay lời nói của Đức Chúa Trời được truyền thông từ Thiên đàng cho loài người trên đất y như 10:17 có ý nói đến.
Êxê 33:7 Đức Chúa Trời phán "này hỡi con người, Ta đã lập ngươi đặng làm kẻ canh giữ cho nhà Israel; nên hãy nghe lời từ miệng ta mà thay ta răn bảo chúng nó ". Đức Chúa Trời không ban cho Êxêchiên một câu Kinh thánh, Ngài truyền đạt cho ông một khải tượng, một "Lời" mà ông phải công bố cùng mọi người.
Bởi cùng một biểu hiện, Lời Đức Chúa Trời có thể được truyền thông đến các bạn một cách chủ quan (trong tâm linh, trong trí và cảm nghĩ), bằng cách đó Ngài làm cho bạn biết rằng Ngài đã nói chuyện riêng với bạn.
Ngài có thể làm điều đó suốt trong Kinh Thánh, dùng một vài câu Kinh Thánh đốt cháy lòng bạn hoặc trở nên giống như điều gì đó sống động trong các bạn, đầy ý nghĩa, an ủi hoặc dẫn dắt bạn.
Hoặc Ngài có thể làm điều đó, như đã ghi lại trong Kinh Thánh, bởi sự truyền thông trực tiếp, bởi khải tượng, bởi giấc mơ, bởi sự viếng thăm của thiên sứ.
Đức Chúa Trời có thể nói chuyện với bạn bởi giọng nói nghe được, hoặc bởi một tiếng êm dịu, nhỏ nhẹ hoặc chỉ truyền đạt một sự bảo đảm nội tâm đến với bạn. Trong bất cứ hình thức nào, Đức Chúa Trời có thể và sẽ truyền thông Lời của Ngài cho bạn.
Chúng ta đã thiết lập ba việc:
Đức Chúa Trời ban cho lượng hoặc hạt giống đức tin cho mọi người.
Đức tin đến (được gia tăng) bằng sự nghe Lời Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời có thể truyền thông Lời của Ngài với chúng ta. Làm thế nào để nghe lời đó và nhận hạt giống để mọc trên đất của Lời Đức Chúa Trời?
Trước tiên chúng ta phải hiểu chúng ta nghe cái gì? Phaolô nói trong Rô 10:17 "vậy đức tin đến bởi sự nghe lời của Đức Chúa Trời ".
Phaolô không nói tới hành động thụ động của việc nghe bài giảng từ Kinh Thánh. Ông cũng không yêu cầu chúng ta phải đến Hội thánh năm lần trong tuần để đức tin được tăng trưởng. Phaolô nói điều chính yếu là đức tin đến bởi việc nghe Lời Chúa phán cho chúng ta.
Nghe không phải là tiếp nhận âm thanh mà thôi, mà còn có khái niệm xa hơn nữa "nghe và làm theo những gì đã nghe ".
Đức tin đến, lớn lên và được biểu hiện và diễn tả bởi sự nghe và làm theo điều bạn đã nghe. Nguyên văn Hylạp có nghĩa là "đức tin đến bởi sự nghe và vâng (làm theo) Lời Chúa " (Gia 1:22).
Khi Đức Chúa Trời phán, luôn luôn có mệnh lệnh trong đó. Bạn có thể làm theo hoặc bất tuân.
Thí dụ, một người cha nói với một trong các con của mình "Nè con, có một giỏ rác trong nhà bếp, hãy mang nó đi và quăng vào thùng rác.
Tuy nhiên người con cứ tiếp tục chơi, năm phút sau cậu bé đóng sầm cửa lại và chạy ra ngoài chơi. Giỏ rác vẫn còn trong nhà bếp.
Cậu ta có nghe lời của cha không? Cậu ta có tiếp nhận âm thanh vào lỗ tai không? Theo Kinh Thánh, cậu ta không nghe vì không "làm theo" hoặc "vâng theo" những gì được truyền dạy.
Chúng ta cũng thường làm như thế khi Chúa phán với chúng ta. Chúng ta tiếp tục đường riêng và không có thái độ chứng tỏ chúng ta nghe Chúa phán. Và rồi chúng ta hoang mang tại sao chúng ta không có sự tăng trưởng đức tin. Đức tin không được phóng thích và không thể tăng trưởng cho tới khi nào đức tin được đưa vào hành động.
Mỗi lần bạn nghe và làm theo, bạn có những bước đi khác trong đức tin. Giây phút mà bạn không vâng phục Lời của Đức Chúa Trời, sự tăng trưởng đức tin của bạn bị ngừng lại ở mức độ đó. Đức Chúa Trời sẽ luôn đưa bạn trở lại và giải quyết với bạn lần nữa ở mức độ đó trước khi Ngài làm cho bạn phát triển đức tin.
Nói cách khác, Đức Chúa Trời luôn luôn đòi hỏi bạn quay trở lại nơi mà bạn "lìa bỏ tình yêu ban đầu", nhặt lên và tiếp tục từ đó. "Kẻ nào có lời ta và vâng giữ lấy (và làm theo) đó chính là kẻ yêu ta ". Vậy, đức tin của bạn không thể tăng trưởng vượt quá sự đầu phục của bạn. Đây là luật không dời đổi của đức tin!
Nên nhớ rằng, bạn đi từ vinh hiển đến vinh hiển và từ đức tin đến đức tin. Vậy bạn cần khởi sự nơi bạn ở với những gì bạn có lúc bấy giờ.
Bạn không đuổi được một binh đoàn ma quỷ cho tới khi bạn đuổi được một con. Nói cách khác, bạn không nới rộng phạm vi hoạt động vượt quá sự phát triển của đức tin. Đức tin không hành động theo cách cố gắng đi từ hạt giống đức tin tới đức tin tăng trưởng bằng một bước nhảy vọt.
Đức tin tăng trưởng bởi các bước phát triển liên tục. Phaolô đã phải có mười bốn năm để tăng trưởng đức tin, vì thế ông có thể vượt đến phạm vi cao hơn của đức tin và làm trọn lời kêu gọi của Đức Chúa Trời (Ga 2:1). Sự phát triển đức tin của ông được thực hiện tương đương với nan đề và thử thách mà ông đối diện trong chức vụ truyền giáo.
Khi đức tin của bạn tăng trưởng, khả năng tin cậy Chúa cũng tăng trưởng. Nhiều năm qua, vợ tôi và tôi bắt đầu sống "bằng đức tin" tin cậy Chúa với tám đôla một tuần cho các nhu cầu của chúng tôi. Đức tin của chúng tôi đã tăng trưởng qua nhiều năm bằng các bước liên tục và ngày nay, trong công tác truyền giáo toàn cầu, chúng tôi tin cậy Chúa để có hàng triệu đôla để duy trì chức vụ truyền giáo khắp thế giới. Chúng tôi khởi sự ở chỗ của mình với những gì chúng tôi có (dưới 10 đôla) và tin cậy vào Chúa. Rồi đức tin của chúng tôi tăng trưởng. Khi chúng tôi làm theo điều Chúa phán với chúng tôi.
Cần lưu ý điều nầy: đừng bao giờ cố gắng làm theo Lời Chúa cho người khác. Bạn không thể bắt chước Đức tin của kẻ khác. Một vài người cố gắng bắt chước chức vụ chữa bệnh với sự may rủi và kết quả bi đát. Số khác cố gắng theo bước chân đức tin của người khác và bị vấp té và ngã dài.
Tuy nhiên khi lời của Đức Chúa Trời thực sự đến với các bạn và các bạn làm theo, nhiều việc có thể và thực sự xảy ra.
Vài năm trước đây, Tôi đi đến Mêhicô để làm việc với một người anh em người Panama tên là Noel de Sousa.
Một ngày kia anh đưa tôi đến gia đình của một người bị sa ngã để cầu nguyện. Khi chúng tôi cầu nguyện cho người đàn ông nầy, Lời của Đức Chúa Trời đến với tôi "hoặc ông ta ăn năn hoặc là ông ta chết".
Đó là sứ điệp dành cho người đàn ông đang nằm trên giường bệnh sao! Nhưng đó là Lời của Đức Chúa Trời "ăn năn hoặc chết". Và đó là điều tôi nói lại với ông ta.
Bấy giờ tôi không biết vợ của ông đã cầu nguyện cho ông trong nhiều năm để ông ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời. Nhưng khi Lời Chúa đến với ông, ông tan vỡ và mềm nhũn ra và bắt đầu khóc như đứa trẻ, ăn năn và cầu khẩn Đức Chúa Trời, mời Ngài vào trong lòng ông, và Ngài đã bước vào.
Kế tiếp, Lời Chúa phán với tôi "Hãy bảo ông ta đứng dậy và bước đi trong danh Chúa Jesus Christ ".
De Sousa dịch lại mệnh lệnh của Chúa bằng tiếng Tây ban nha. Khi tôi bước tới định nâng ông ta lên, ông ta nhảy ra khỏi giường, đưa tay lên và nhảy chung quanh phòng, vui mừng và ca ngợi Chúa.
Sau này tôi được biết lúc bấy giờ tình trạng của ông hết sức cùng cực đến nỗi bác sĩ nói với ông nếu ông lăn trở mình nhiều trên giường ông sẽ chết. Nếu biết rõ tình trạng bệnh hoạn của ông, có lẽ tôi sẽ vô cùng sợ hãi và không dám vâng lời Chúa để nâng ông lên. Nhưng Lời của Đức Chúa Trời đến, và tôi vâng lời, người đàn ông này bước ra khỏi giường và được lành bệnh.
Nếu tôi tiến tới và nâng người đàn ông nầy với sự kêu ngạo hoặc đức tin của kẻ khác, có lẽ tôi đã giết ông ta ngay tại chổ
Chúng ta có thể thấy rằng tinh thần vâng phục là chìa khóa hữu ích để tăng trưởng đức tin.
Chúng ta lưu ý rằng đức tin không thể tăng trưởng vượt quá sự vâng phục. Bởi vì khi "đức tin đến bởi sự nghe và nghe ... Lời của Đức Chúa Trời" chúng ta không thể tăng trưởng trong đức tin cho đến khi chúng ta đã nghe và làm theo điều gì Chúa phán cho chúng ta.
Chúng ta cũng hiểu rằng Đức Chúa Trời không hy vọng hay mong muốn chúng ta đi từ hạt giống đức tin đến đức tin dời núi bằng bước nhảy vọt, nhưng bởi các bước phát triển liên tục. Đó là chúng ta đi từ đức tin đến đức tin.
Đức Chúa Trời khởi sự với chúng ta tại chỗ của chúng ta, với lượng đức tin mà Ngài ban cho chúng ta cách nhưng không. Tin và làm theo Lời của Đức Chúa Trời với một tinh thần đầu phục. Rồi bạn sẽ thấy hạt giống đức tin trong bạn lớn lên như hạt cải trở thành cây đức tin phát triển đẹp đẽ cho nhiều bông trái quý giá.
Một yêu cầu cơ bản khác để cho đức tin tăng trưởng là tình yêu. Sứ đồ Phaolô nói trong 5:6 "Vì trong Chúa Jesus Christ, không phải chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì; nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương".
Chúng ta đã khám phá trong Rô 10:17 "Đức tin đến bởi sự nghe và vâng lời của Đức Chúa Trời". Vậy chúng ta đúc kết ba yếu tố cho việc tăng trưởng đức tin là: nghe, vâng lời, và yêu thương.
1) Vâng lời:
Thử nghiệm của Tình yêu: Trong Giăng 14:21 Chúa Jesus đề cập đến mối tương quan trong Tình yêu nhờ vâng lời "Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu ta ". Vâng phục là sự thử nghiệm và chứng cớ của tình yêu.
Chúa Jesus tiếp tục phán: "người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người và tỏ cho người biết ta. " Câu 23 và 24 kết thúc "Nếu một người yêu ta, người sẽ giữ lời ta ... còn kẻ nào không yêu ta thì không vâng giữ lời ta ..."
Chúng ta nghe lời của Ngài là vì chúng ta yêu Ngài. Chúng ta hành động theo điều chúng ta nghe. Nếu chúng ta không vâng lời, chúng ta không yêu và đức tin không hành động. Không thực hành đức tin thì đức tin không tăng trưởng. Vì vậy đức tin tăng trưởng bởi sự vâng lời sẽ bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với Chúa Jesus trong việc nghe Lời của Đức Chúa Trời.
Khi Kinh Thánh nói " đức tin đến bởi sự nghe lời của Đức Chúa Trời " điều đó muốn ám chỉ đến kinh nghiệm chủ quan bởi những gì Đức Chúa Trời phán cùng chúng ta. Dù cho điều đó đến từ một câu trong Kinh Thánh hay là lời của Ngài phán cho các tiên tri ngày xưa, Ngài thực sự phán.
Các tiên tri hoặc nghe qua lỗ tai, trong lòng, bởi chiêm bao hay khải tượng hoặc sự viếng thăm của thiên sứ hoặc qua môi miệng của một tôi tớ Chúa được xức dầu, dù bất cứ trường hợp nào Đức Chúa Trời đã liên lạc với họ. Sự truyền thông này Kinh Thánh gọi là "Lời của Đức Chúa Trời".
Là Lời của Đức Chúa Trời được viết ra. Và
Lời sự sống của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phân biệt giữa lời viết và lời phán để hiểu biết xa hơn ý nghĩa bởi sự nghe lời của Đức Chúa Trời.
Phaolô không chỉ nói về lời viết (Kinh Thánh) khi ông nói "Đức tin đến bởi sự nghe lời của Đức Chúa Trời ".
Công 17:11 yểm trợ cho điểm nầy " Những người nầy hẳn hoi hơn .. sẵn lòng chịu lấy "đạo" (lời), ngày nào cũng tra cứu "Kinh Thánh" để xét lời giảng có thật chăng." "Kinh thánh" ám chỉ sách Cựu Ước từ Sáng Thế Ký đến Malachi. Lúc bấy giờ họ chưa có Kinh Thánh Tân Ước. Phải chờ đến một thế kỷ sau Tân Ước mới hoàn tất. Vậy "đạo" (Lời) và "Kinh Thánh" trong đoạn Kinh Thánh nầy không giống nhau. "Lời" là sứ điệp được xức dầu, được mang đến bởi sứ đồ. "Kinh Thánh" là Cựu Ước. Họ nhận được lời, và tra xem Kinh Thánh.
Trong ITê 2:13 chúng ta thấy có một thí dụ khác nói về sự khác biệt của lời phán và lời viết của Đức Chúa Trời "... Khi anh em tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời của Đức Chúa Trời ..."
Ở đây "Lời của Đức Chúa Trời" là lời được rao giảng và công bố qua môi miệng của những người được Chúa xức dầu. Và Lời đó được tiếp nhận như lời hằng sống trực tiếp từ Đức Chúa Trời.
Khi Phierơ nói cùng người què tại Cửa Đẹp trong Công 3:6 " ... song điều ta có thì ta cho ngươi, nhân danh Chúa Jesus Christ ở Naxarét hãy đứng dậy và bước đi." Ông nói lời hằng sống mang lại sự chữa lành cho người què đó. Đối với người què lời đó trở nên "Lời của Đức Chúa Trời" qua công cụ môi miệng của con người, là một đầy tớ được Đức Chúa Trời xức dầu.
Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục phán ngày hôm nay bởi Đức Thánh Linh qua lời viết của Đức Chúa Trời, qua các tôi tớ được xức dầu và qua các phương tiện siêu nhiên như giấc mơ, khải tượng, sự bảo đảm trong lòng, sự quan phòng thiên thượng hoặc hoàn cảnh.
Đức Chúa Trời không bao giờ phán cho chúng ta qua bất cứ kinh nghiệm chủ quan nào trái với lời viết của Ngài. Tất cả kinh nghiệm như thế phải được xem xét và phù hợp với Kinh Thánh.
Chúng ta cần mở rộng tấm lòng của chúng ta để tiếp nhận lời của Đức Chúa Trời không chỉ từ Kinh Thánh mà còn qua các ống dẫn khác mà Đức Chúa Trời sử dụng để truyền đạt.
Có bảy lời cảnh cáo được lặp lại trong Khải Huyền 2 và 3 để chúng ta lưu ý ngày hôm nay "Ai có tai hãy nghe điều Thánh Linh phán cùng các hội thánh ". Lưu ý cách dùng thì hiện tại ở đây, nói (saith) có nghĩa là "nghe điều gì Thánh Linh nói và tiếp tục nói ".
Cùng một thì nầy Chúa Jesus đã sử dụng trong Mat 4:4 "Con người không chỉ sống bằng bánh mà thôi mà còn bởi mọi lời nói ra (thì hiện tại tiếp diễn) từ miệng Đức Chúa Trời. "
Chúng ta không chỉ sống bởi điều gì Đức Chúa Trời phán trong lời viết của Ngài mà còn bởi lời (thì hiện tại) "nói ra và tiếp tục nói ra từ miệng Đức Chúa Trời. "
Chúng ta bước đi trong cuộc đời bởi sự nghe và vâng lời từ lời nói ra của Đức Chúa Trời bằng bất cứ phương tiện nào mà Ngài chọn để phán lời đó với chúng ta.
Khi chúng ta từ chối tiếp nhận điều gì Đức Chúa Trời có thể phán với chúng ta thông qua người khác hơn là những trang Kinh Thánh được viết ra, chúng ta tự cắt đứt mối liên lạc với Ngài và sự chết thuộc linh bắt đầu hình thành.
Khi Đức Chúa Trời phán cho dân Israel trong Hêb 12:19 " ... Đến nỗi ai nghe cũng xin Ngài đừng nói nữa. Vì dân Ysơraên không chịu nỗi lời cảnh cáo " khi họ từ chối tiếng phán của Đức Chúa Trời, "họ mất đức tin và bị đóng kín dưới luật pháp ".
12:25 lưu ý rằng "Hãy coi chừng chớ từ chối Đấng phán cùng mình (thì hiện tại) vì nếu những kẻ kia cự Đấng truyền lời báo cáo ở đất, còn không tránh khỏi thay, huống chi chúng ta, nếu cự Đấng truyền lời báo cáo từ trên trời thì càng không tránh khỏi được ".
Nhiều người ngày hôm nay đang ở trên bờ nguy hiểm vì từ chối "Đấng truyền phán" (đang phán và tiếp tục phán).
Một số người dạy rằng thời kỳ xảy ra phép lạ đã xưa rồi. Họ cố gắng sống theo lời Đức Chúa Trời và từ chối nghe những gì Ngài đang phán. Vì thế họ đã từ chối phép lạ của Đức Chúa Trời.
Những người như thế sẽ tồn tại trong đức tin không phát triển bởi vì họ cố gắng để đưa Kinh Thánh xuống theo kinh nghiệm của họ hơn là để cho kinh nghiệm của họ bước theo sự dạy dỗ của Kinh thánh.
Nếu chúng ta tiếp tục tăng trưởng trong đức tin, tấm lòng và lỗ tai chúng ta phải được mở ra cho Ngài. Chúng ta tin rằng lời của Đức Chúa Trời có thể đến với chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta phải chấp nhận sự dẫn dắt bởi tiếng phán của Đức Thánh Linh phù hợp với Kinh Thánh nhằm truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời cho chúng ta.
Nếu chúng ta không từ chối tiếng phán của Ngài (như con cái Israel đã làm) song biết lắng nghe và vâng lời, thì đức tin sẽ gia tăng trong đời sống của chúng ta.
Hiện nay, chúng ta không cần phải gắng sức để nghe được tiếng phán của Ngài. Chúng ta không cần phải làm hết các loại nghi thức và nghi lễ để tiếp nhận tiếng phán của Đức Chúa Trời. Thường thường Đức Chúa Trời có thể phán với chúng ta khi chúng ta thực sự khao khát.
Một trong những lời quan trọng của Đức Chúa Trời đến với tôi vào buổi sáng nọ ở Bang New Mexico, khi tôi đang ở trong một phòng vệ sinh, cúi xuống chậu nước để rửa tay và rửa mặt trước khi điểm tâm. Thình lình Đức Chúa Trời phán với tôi.
Một dịp khác khi tôi rời buổi nhóm thờ phượng sáng Chúa nhật. Tâm trí tôi đang bận suy nghĩ tới chuyện về thăm nhà. Bất chợt Chúa cho tôi một "lời khôn ngoan" cho một nữ tín hữu của Hội Thánh đang gặp nan đề nghiêm trọng trong đời sống của cô.
Đức Chúa Trời có thể phán trực tiếp với chúng ta từ thiên đàng qua Đức Thánh linh . Và chúng ta có khả năng nghe tiếng phán của Ngài qua tâm linh của chúng ta.
Phaolô mô tả con người có linh hồn, thể xác và tâm linh (ITê 5:23). Linh là phần bên trong của con người, đó là tri thức của Đức Chúa Trời. Hồn (trí tuệ, ý chí, tình cảm) là phần bên trong của con người đó là ý thức tự chủ. Thể xác (cảm giác qua các giác quan) là phần làm cho chúng ta ý thức về thế giới. Vì chúng ta là linh và Đức Chúa Trời cũng là Linh, nên chúng ta có thể liên lạc với Ngài.
Thí dụ: có một phòng đầy dẫy hàng trăm tín hiệu âm thanh được phát ra từ các đài truyền thanh hay truyền hình. Nhưng chúng ta không thể nghe được gì trừ phi chúng ta mở radio hay tivi.
Chỉ khi nào chúng ta chỉnh sóng đúng với đài phát tín hiệu, chúng ta mới nghe và thấy những âm thanh và hình ảnh được truyền tải đến.
Cũng một cách ấy chúng ta có thể "chỉnh sóng" về phía Đức Chúa Trời để tiếp nhận được các tín hiệu của Ngài, là những gì có thể nghe và thấy được.
Một trong những cách làm sắc bén sự tiếp nhận tín hiệu của Đức Chúa Trời là kiêng ăn. Kiêng ăn giống như núm chỉnh sóng máy thu thanh.
Khi Chúa Jesus dạy dỗ các môn đồ về nhu cầu làm cho tăng trưởng đức tin, Ngài nhấn mạnh đến sự cầu nguyện và kiêng ăn là chìa khóa làm cho đức tin lớn hơn (Mat 17:21)
Kiêng ăn là sự hỗ trợ để tăng trưởng đức tin khi chúng ta muốn đến gần Chúa hơn để có thể nghe rõ hơn lời của Đức Chúa Trời phán cho chúng ta.
Thật là một quan niệm sai trật khi có người cho rằng một người có thể vặn bàn tay của Đức Chúa Trời bằng sự kiêng ăn và ép Ngài làm điều gì đó mà Ngài không muốn làm.
Nếu bạn kiêng ăn với động cơ đòi hỏi và ích kỷ, thì chính bạn có thể tự mở cửa cho tà linh. Nên nhớ trong bốn mươi ngày kiêng ăn của Chúa Jesus, Ngài đối diện với ma quỷ. Nếu bạn kiêng ăn và cầu nguyện để có quyền năng làm cho bạn nổi tiếng hoặc những lý do sai trật khác, bạn đã liều lĩnh để cho sự lừa dối của ma quỷ đến với bạn.
Dĩ nhiên là Chúa Jesus không ở trong đồng vắng vì tự ý muốn kiêng ăn bốn mươi ngày. Cũng không phải vì cớ Ngài muốn thúc ép Cha Ngài bày tỏ quyền năng siêu nhiên để chỉ cho thế gian biết quyền lực của Ngài.
Ngài ở trong đồng vắng vì Ngài được Đức Thánh Linh đưa vào đó để kiêng ăn. Mác 1:13 nói rằng "thiên sứ hầu việc Ngài ". Bạn cần có thiên sứ hầu việc trong bốn mươi ngày kiêng ăn!
Tôi biết có ba người đã chết vì kiêng ăn bốn mươi ngày. Không nghi ngờ gì về điều này bởi vì họ không được Thánh Linh dẫn dắt mà do tự ý của họ. Không có sự kiêng ăn dài ngày nào trong Kinh Thánh được đề xuất bởi ý loài người nhưng luôn bởi ý muốn thiên thượng.
Thí dụ, Môise (Xuất 34:28) và Êli (ICác 19:8) cả hai kiêng ăn bốn mươi ngày và đêm; Đức Chúa Trời đề xuất điều đó chứ không phải họ.
Vài người sống sót sau bốn mươi ngày kiêng ăn nhưng không còn chút đức tin nào so với khi họ khởi sự. Trái lại, tôi biết một số người khác được Đức Chúa Trời đưa vào sự kiêng ăn bốn mươi ngày. Họ được gìn giữ, gặp gỡ Chúa và sau đó đi vào chức vụ thực sự của Đức Thánh Linh bởi vì họ đã đáp ứng sự kêu gọi thiêng thượng.
Có một sự nguy hiểm thật sự về việc kiêng ăn bốn mươi ngày nếu sự kiêng ăn là do tự ý, tự cho mình là trung tâm mà kết quả là bắt liên lạc với ma quỷ. Mong mỏi quyền năng và sự xức dầu để tự tấn tới, người ta sẽ tự mở cửa cho bất cứ linh nào (tốt hay xấu) muốn liên lạc và thường thường rơi vào quyền lực của Satan.
Nhân linh điều chỉnh dễ dàng hơn với tần số liên lạc của Đức Thánh Linh trong kỳ kiêng ăn nhưng bạn phải nhạy cảm và nhạy bén hơn với các tà linh cũng như với Đức Thánh linh. Tuy nhiên bạn sẽ ở vùng đất an toàn nếu động cơ của bạn muốn gần Đức Chúa Trời hơn.
Nếu được Đức Thánh Linh dẫn dắt, bạn có thể buộc mình vào Đức Chúa Trời trong kỳ kiêng ăn ngắn hơn. Thực ra nếu bạn dành một tuần kiêng ăn, hai tuần hay ba tuần để cầu nguyện và chờ đợi Đức Chúa Trời, điều này hữu ích cho bạn.
Kiêng ăn để bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời mà không bị quấy nhiễu sẽ mở ra các thông kênh để liên lạc.
Động cơ kiêng ăn phải được cẩn thận đo lường. Một vài người vội vã bước vào sự kiêng ăn chỉ vì chú trọng đến quyền năng và sự xức dầu đã bị hủy diệt bởi điều này. Con đường hầu việc bằng phép lạ đã để lại những con người phế thải vì tham vọng muốn có quyền năng. Nhưng họ lại không chuẩn bị tấm lòng để đối phó và xử lý với quyền năng khi nó đến. Vì thế chính nó đã hủy diệt họ. Sự xức dầu là điều rất nguy hiểm!
Nếu chúng ta có sẵn quyền năng không giới hạn, chúng ta sẽ đi ra và làm nhiều việc mà Đức Chúa Trời không muốn chúng ta làm. Chúng ta vi phạm tất cả mọi nguyên tắc thiêng liêng và làm nhiều chuyện điên rồ có thể hủy diệt chúng ta và công việc đang phát triển của Ngài. Khi Đức Chúa Trời phán, thường là một sự bày tỏ ý muốn của Ngài. Khi chúng ta biết Ngài muốn làm điều gì, đức tin đến bởi sự nghe lời của Đức Chúa Trời. Đây mới là đức tin an toàn.
Đức tin an toàn căn cứ vào sự nghe, vâng lời và yêu thương. Chúng ta mở tâm linh để đón nhận tiếng phán của Đức Chúa Trời bằng tấm lòng mở cửa và đáp ứng để nghe và vâng lời Ngài vì chúng ta yêu Ngài và Ngài yêu chúng ta. Vì có tình yêu đó mà đức tin hành động. Ngược lại đức tin sẽ khô cứng và ngừng tăng trưởng.
Sự nghe, vâng lời và yêu thương là ba yếu tố chính cho sự tăng trưởng đức tin. Bây giờ chúng ta thêm vào thành phần cần thiết thứ tư, nói ra.
Trong Mác 11:22, 23, Chúa Jesus dạy dỗ các môn đồ của Ngài "Hãy có đức tin nơi Đức Chúa Trời ". Nguyên văn là: "Hãy có đức tin của Đức Chúa Trời. .. quả thật ta nói cùng các ngươi rằng ai sẽ nói với hòn núi này rằng. .." Sự diễn ý ở đây là đức tin của Đức Chúa Trời là đức tin nói ra.
Đức Chúa Trời phán trong đoạn đầu của Sáng thế ký, "hãy có ánh sáng và có ánh sáng" Đức Chúa Trời phán "Hãy có ..." và đã có. Đức tin của Đức Chúa Trời là đức tin công bố hay đức tin nói ra.
Đức tin công bố là một đức tin cao hơn đức tin cầu xin. Có đức tin để cầu xin. Cần phải có đức tin cầu xin nhưng đức tin công bố thì trỗi hơn đức tin cầu xin. "Quả thật ta nói cùng các ngươi, ai biểu hòn núi này phải cất mình lên và quăng mình xuống biển, nếu ngươi chẳng nghi ngờ gì trong lòng, nhưng tin chắc lời mình sẽ ứng nghiệm thì điều đó sẽ thành cho. " Nguyên văn Hy Lạp " Ai tin rằng những điều mình nói ra sẽ được ứng nghiệm; người đó sẽ có những gì họ nói.".
Sự tiến triển và tăng trưởng của đức tin có liên quan đến điều bạn nói hay công bố từ môi miệng mình.
Châm 4:20-22 " Hỡi con, khá chăm chỉ về những lời ta, khá nghiêng tai nghe bài giảng thuyết của ta. Các lời ấy chớ xa khỏi mắt con. Hãy giữ lấy nơi lòng con. Vì lời ấy là sự sống cho người nào tìm được nó. " Nếu bạn có lời Chúa và nói ra, thì những lời đó trở nên sự sống và sức khỏe cho bạn.
Theo bản dịch Tây Ban Nha thì 6:2 công bố " Con bị trói buộc bởi lời từ miệng con "
Salômôn nói rõ hơn là điều gì chúng ta nói ra có thể rủa sả hay chúc phước cho chúng ta. Hãy xem Châm 18:21 " Sự chết và sự sống do quyền của lưỡi ".
10:11 nhấn mạnh "Miệng của người công bình là một nguồn sự sống ". Salômôn nói với chúng ta rằng chúng ta có thể bị gài bẫy bởi lời nói từ miệng ta hoặc chúng ta có thể được phóng thích và giải cứu bởi lời chúng ta nói ra.
Đức tin tìm thấy sự giải bày khi chúng ta nói " Đây là điều Đức Chúa Trời đã phán".
Khải 12:11 nói với số đông thánh đồ rằng: "chúng ta thắng ma quỉ bởi huyết chiên con và lời làm chứng của mình. ." đó là lời công bố được nói ra. Ma quỉ bị ngăn trở mỗi khi chúng ta công bố những gì Đức Chúa Trời phán .
Phaolô biết quyền năng của lời được xưng ra và lưu ý chúng ta trong Rô 10:8-10 "Nhưng nói làm sao? Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi. Ấy là đạo đức tin mà ta giảng dạy. Vậy nếu miệng ngươi xưng Chúa Jesus Christ ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi ".
Chữ "được cứu" trong câu 9 tiếng Hylạp gọi là "sozo" dịch là "ngươi sẽ được làm cho trọn vẹn". Trong một phân đoạn khác trong Tân Ước chữ nầy có nghĩa là: "ngươi sẽ được chữa lành" và đoạn khác nữa "ngươi sẽ được tha tội".
Từ "sozo" là một từ mà Đức Thánh Linh chọn để diễn đạt tất cả những lợi ích về sự cứu chuộc dành sẵn cho chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời. Mọi sự đã được cung cấp tại thập tự giá và chúng ta sẽ đạt được những điều đó bằng sự công bố của mình.
Chúng ta sẽ có được điều chúng ta công bố. Giây phút mà chúng ta đối diện với một hoàn cảnh, câu trả lời trong lòng chúng ta được biểu hiện qua môi miệng chúng ta và chúng ta nói điều mình tin.
Chúa Jesus quở trách người Pharasi trong Mat 12:34-37 " ...bởi do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra ... Bởi lời nói mà ngươi được xưng công bình, mà cũng bởi lời nói mà ngươi bị đoán phạt ".
Ngay khi bắt đầu thấy những triệu chứng đầu tiên của bệnh tật, chúng ta đã công bố hủy phá nó, tin chắc, không nghi ngờ gì cả và nắm lấy điều mình tin.Vài người cô đơn buồn rầu sử dụng bịnh tật để gây sự thông cảm và chú ý. Cả cuộc đời của họ làm cho mọi người chú ý là họ đang có bịnh. Họ tin là họ đang bị bịnh và cầm giữ nó bằng đức tin, công bố bịnh tật ngày này qua ngày nọ.
Trên quan điểm tích cực điều này cũng có giá trị đối với chúng ta nữa khi chúng ta am hiểu nguyên lý nầy. Nếu chúng ta công bố bằng môi miệng của chúng ta điều gì Đức Chúa Trời phán và tin trong lòng thì chúng ta sẽ có những gì chúng ta công bố.
Nếu lời của Đức Chúa Trời tìm thấy chỗ trú ẩn trong lòng chúng ta, chúng ta phải ôm ấp và tức khắc công bố sự chiến thắng thay vì đại bại khi thử thách đến. Như vậy chúng ta có điều chúng ta nói, đó là sự đắc thắng!
Chúng ta có thể thấy nguyên tắc công bố đức tin tích cực trong Kinh thánh ghi nhận về Abraham trong Rô 4:17:22
Đức Chúa Trời đã hứa lập Abraham làm cha của nhiều dân tộc mặc dù lúc đó Abraham gần một trăm tuổi nhưng chưa có con, ông không phải là người yếu đức tin. Đức tin của ông cũng không bị dao động bởi sự son sẻ của Sara. " Người chẳng lưỡng lự hoặc hồ nghi lời của Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin và ngợi khen Đức Chúa Trời ".
Điều nầy có nghĩa là ông ngợi khen Chúa cách tích cực cho tất cả những gì Đức Chúa Trời đã hứa, công bố điều Đức Chúa Trời đã phán và làm vinh hiển Đức Chúa Trời.
Abraham đã nghe lời của Đức Chúa Trời, "và tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được ". Abraham công bố những điều trong ông thành lời nói.
Ông có thể nói rằng:" Ngợi khen Chúa, Đức Chúa Trời hứa ban cho con đứa con trai và con sẽ có đứa con trai mặc dù con đã trăm tuổi và Sara chín mươi tuổi, con vẫn sẽ có con. Đức Chúa Trời vinh hiển thay!
Vì Abraham công bố lời của Đức Chúa Trời bất kể hoàn cảnh của mình. "...đức tin của người được kể cho là công bình ".
Trong 4:17, chúng ta có lời giảng luận về Đức Chúa Trời như sau " ... Ngài làm cho kẻ chết sống lại, và gọi những sự không có như có rồi ". Khi Đức Chúa Trời phán điều chi "có" mặc dầu điều này chưa có. Ngài tin rằng điều đó "có". Đức Chúa Trời chẳng nghi ngờ trong lòng, và vì vậy chính xác những gì Ngài phán ắt phải xảy ra!.
Nếu Đức Chúa Trời làm như vậy, chúng ta không làm được như vậy sao? Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta không làm như Đức Chúa Trời sao? Nếu lời của Ngài đến với chúng ta, chúng ta hoàn toàn có thể làm như vậy.
Đức Chúa Cha phán với Chúa Giêxu: "Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù nghịch dưới chơn ngươi " (Thi 110:1). Cũng ngay chính lúc đó Chúa Jêsus đang ngồi trong chỗ của đức tin, Ngài kể mọi sự không có như đã có rồi.
Chúa Giêxu có được lời hứa đó trong cõi đời đời. Kinh thánh nói rằng Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Cha, tin chắc rằng kẻ thù của Ngài sẽ bị đặt dưới bệ chân Ngài.
Tiếp tục trong chức vụ đức tin, Ngài được đặt ngồi trong sự yên nghỉ và thư thái, vì biết rằng Ngài sẽ thấy bông trái của đức tin của Ngài bày tỏ trên đất, mặc dù sự thể hiện của lời hứa xảy ra trong nhiều thế kỷ.
Các bạn cũng đứng vững trong đức tin bởi sự công bố trong đức tin. Khi bạn biết được ý chỉ của Đức Chúa Trời bạn có thể gọi điều chi "không có" như "đã có". Bạn có thể thấy điều đó đầy dẫy trong đời sống của bạn cách hoàn toàn.
Nếu bạn chấp nhận lời Chúa phán với bạn, bạn có thể đứng vững và công bố điều đó (như Abraham) vào mặt của ma quỉ, vào quan điểm, hoàn cảnh và tất cả những sự chống nghịch. Đức Chúa Trời " ... sẽ giữ lời phán của Ngài để làm trọn " (Giê 1:12). Đức Chúa Trời đang đợi bạn nói ra những lời trong môi miệng của bạn ra và tin những lời đó ở trong lòng.
Chìa khóa để hiểu quyền năng của sự công bố bằng lời nói ở trong Hêb 3:1 "Bởi cớ đó hỡi anh em thánh, là kẻ dự phần ơn trên trời gọi, hãy suy nghĩ đến sứ giả và thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta tin theo tức là Chúa Jesus Christ. "
Chúa Jesus là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của điều chi bạn nói. Một ngày nọ tôi khám phá ra lẽ thật nầy trong lúc đọc Hêbơrơ, thình lình tôi thấy cảnh trên thiên đàng. Chúa Jesus đang ở đó trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời như là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của điều tôi đã nói.
Quang cảnh được phóng đại lên, và tôi thấy trước mặt tôi một phòng xử án của Đức Chúa Trời là Cha, là Quan Án của cả thế gian, ngồi đằng sau chiếc ghế dài. Hai bên của bục nhân chứng có luật sư buộc tội và luật sư biên hộ, đang lắng nghe lời của bị cáo.
Sau đó mỗi luật sư để cho Quan Án đưa lời phán xét sau cùng đối với mỗi vụ án dựa vào lời khai của bị cáo.
Bây giờ luật sư buộc tội là "kẻ kiện cáo" hay ma quỉ. Trong Khải 12:10 nó được mô tả như là kẻ kiện cáo bạn trước mặt Đức Chúa Trời ngày lẫn đêm.
Trong chương đầu của Sách Gióp, Satan đến ra mắt Đức Chúa Trời cùng với con cái Ngài chờ dịp để kiện cáo Gióp với Đức Chúa Trời. Trong tất cả đau khổ và gian nan mà Gióp chịu đựng theo sự kiện cáo của ma quỉ, ông không bao giờ đổ lỗi cho Đức Chúa Trời một cách mù quáng, cũng không tra vấn sự khôn ngoan của Ngài và không có lời phạm tội nào (Gióp 2:10).
Khi mọi sự khốn khó được cất đi, ông sấp mặt xuống thờ phượng Đức Chúa Trời. Ông không để cho ma quỉ có một công bố sai lầm nào nhằm phá hoại mục đích của Đức Chúa Trời trong sự thử luyện.
Trong phòng xử án nầy, Chúa Jesus là luật sư biện hộ. IGiăng 2:1 mô tả " ... nếu có người phạm tội, chúng ta có người biện hộ cùng Cha, là Chúa Jesus Christ tức là Đấng công bình ".
Chữ "advocate" có nghĩa là "luật sư" theo Anh ngữ hiện đại. Từ Hy lạp là "paraclete" dịch là "Đấng yên ủi" trong Giăng 14:16 có nghĩa là "người kề cận để giúp đỡ".
Chúa Jesus phán trong 14:16, 17 "Ta sẽ cầu xin Cha ban cho các ngươi một Đấng yên ủi khác (luật sư) người sẽ ở với các ngươi đời đời; đó là Thần lẽ thật ". Có nghĩa là chúng ta không chỉ có một luật sư với Đức Chúa Cha trên Thiên Đàng là "Jesus Christ, Đấng công bình" nhưng chúng ta còn có một Đấng khác ở với chúng ta trên đất, đó là Đức Thánh Linh. Chúng ta sẽ được trình diện cách tốt lành trong phòng xử án.
Bạn có thể hình dung cảnh phòng xử án. Ngồi nơi ghế nhân chứng là bị cáo, chính là BẠN; Chúa Jesus là luật sư biện hộ; Satan là luật sư buộc tội; Đức Chúa Cha là Quan Án. Mọi người đang có mặt chờ đợi BẠN nói, lời làm chứng của bạn.
Để bào chữa cho trường hợp của bạn, lời chứng của bạn là vũ khí lớn nhất mà luật sư biện hộ (Chúa Jesus) dùng để chống lại với kẻ kiện cáo (ma quỉ). Những điều bạn công bố sẽ quyết định kết quả của vụ kiện.
Luật sư của bạn trình bày trường hợp của bạn trước Quan án căn cứ vào lời làm chứng tốt và tích cực của bạn. Cũng một bằng chứng đó luật sư buộc tội trình bày sự kiện cáo lên Quan án, với lời nói ngược lại với lời của bạn.
Cả luật sư bào chữa (Chúa Jesus) và luật sư buộc tội (Satan) làm việc theo lời bạn nói. Bạn phải xưng nhận với Chúa Jesus, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm một lời chứng để Ngài có thể lập lại mà bảo vệ bạn.
Lời xưng nhận của bạn phải là lời công bố tốt của đức tin. Nếu bạn đưa ra lời công bố tiêu cực, bạn nạp đạn vào súng của ma quỉ để bắn trước mặt Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời là Quan án có thể tha bổng, gìn giữ và bảo vệ bạn khi nghe bạn nói lời mà chính Ngài đã phán. Điều chi Đức Chúa Trời phán là chân thật. Nếu bạn nói điều Đức Chúa Trời phán, lời làm chứng của bạn đúng. Là Quan án công bình Ngài sẽ bênh vực chính lời của Ngài để làm trọn lời đó.
Bạn nói lời Đức Chúa Trời phán và bạn sẽ thắng ma quỉ: "nhờ huyết chiên con và lời làm chứng ". Có thể giải thích như vầy: "Nếu ngươi xưng nhận bằng miệng ngươi, ngươi sẽ được giải cứu, ngươi sẽ được cứu, ngươi sẽ được chữa lành ". Tất cả điều kỳ diệu này là bởi sự cứu chuộc thông qua sự xưng nhận của các bạn.
Có một sức mạnh thật sự trong những gì bạn nói ra, sự xưng nhận của bạn dẫn đến sự đắc thắng.
Khi bạn lập lại lời của Đức Chúa Trời và học bước đi trong đức tin, không phải bởi mắt thấy thì đức tin của bạn sẽ tăng trưởng.
Đức tin đến bởi sự nghe lời Chúa, vâng theo điều gì bạn đã nghe bằng tấm lòng yêu Ngài. Và công bố ngay trước mặt của kẻ thù địch chính xác những gì Ngài phán.
Chúng ta đã học trong bài này bốn yếu tố cần thiết để gia tăng đức tin: Nghe, vâng lời, yêu thương và công bố.
Hãy để chúng ta tham gia cùng với Abraham và: "...hãy mạnh mẽ trong đức tin, dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời, và tin chắc điều Ngài đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được. " Rô 4:20-21)
Đức tin của Abraham không phải đức tin cầu xin bèn là đức tin công bố. Ông nghe lời của Đức Chúa Trời đã phán với ông. Ông hành động trong sự đầu phục. Ông đầu phục bằng cả tấm lòng yêu thương. Ông nói những điều như vầy: "... không có như đã có "-và chúng đã có ! Chúng ta nên khuấy động đức tin của chúng ta và làm cho đức tin tăng trưởng bởi sự thực hành liên tục những nguyên tắc này : Nghe! Vâng lời! Yêu thương! Công bố!