Back to Top
Bìa 19 - 500 NĂM GIỮA CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC
Danh mục: Cây Gậy Của Người Chăn Bầy
Thư viện: Định dạng văn bản

Viết bởi Nguyễn Thiên Ý

MỤC LỤC

{top}


ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA TRONG CÁC THẾ KỶ GIỮA CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC?

Phần Dẫn Nhập

Bốn trăm năm giữa sách tiên tri Malachi và biến cố giáng lâm của Đấng Christ thường được mô tả là thời gian "yên lặng", nhưng thực ra chúng đầy ắp các sự kiện.

Trong giai đoạn này không có tác phẩm của một tiên tri nào được liệt vào Kinh thánh, cũng không có một tiên tri nào dấy lên trong xứ Ysơraên suốt những thế kỷ này. Và Cựu Ước được xem như đã hoàn tất.

Nhưng các sự kiện xảy ra lúc ấy đã đem lại cho dân Giuđa thời Chúa Giêxu một hệ tư tưởng rõ nét. Kỷ nguyên này bởi Thiên ý đã dọn đường cho việc giáng lâm của Đấng Christ và công bố Phúc Âm của Ngài.

A. HOÀNG ĐẾ BA-TƯ CAI TRỊ XỨ GIU-ĐA

Khoảng một trăm năm trước kỷ nguyên này, người Giuđa bị bắt làm phu tù cho xứ Babylôn (Batư) (IICác 24:15; Giôên 20:6). Nước Ba-tư cổ được tạo nên gồm các vùng đất mà ngày nay là nước Iraq và Iran.

Người Giuđa có cuộc sống khá ổn suốt thời gian 70 năm phu tù dưới sự cai trị của người Ba-tư. Vào cuối 70 năm đó, Cyrus, hoàng tử xứ Ba-tư, cho phép họ quay về Giêrusalem và xây lại đền thờ (xem 29:10 và Đa 9:2).

Mặc dù họ đụng phải sự chống đối của cư dân Palestine, nhưng đền thờ đã được hoàn tất và được khánh thành suốt thời gian trị vì của Đarius đại đế (Exơ 6:1-4).

Thầy tế lễ Êxơra và Nêhêmi, một người thường dân đã tìm cách làm mạnh mẽ cộng đồng Giuđa ở Palestine và khuyến khích lòng trung thành của họ đối với luật pháp của Đức Chúa Trời (xem 10:1-44).

Khoảng một thế kỷ rưỡi sau thời của Nêhêmi, Hoàng đế Ba-tư thực thi quyền cai trị trên xứ Giuđa, và người Giuđa được phép tuân thủ thể chế tôn giáo của họ mà không bị can thiệp vào.

Xứ Giu-đa được các thầy tế lễ thượng phẩm là những người chịu trách nhiệm với chính quyền Batư cai trị, sự kiện này đã bảo đảm một phạm trù tự trị to lớn cho người Giuđa. Tuy nhiên, cũng đã tạo nên một thế chính trị của chức tế lễ và gieo rắc hạt giống rắc rối cho tương lai. Những cuộc tranh giành địa vị tế lễ thượng phẩm được đánh dấu bằng sự ghen ghét, âm mưu và thậm chí sát nhân.

Giôhanan, con trai của Giôgiađa đã giết anh của mình là Giađua trong khu vực đền thờ (Nê 12:22)

Theo sử gia Josephus thì Giôhanan kế vị chức tế lễ thượng phẩm từ anh của mình là Giađua. Giađua có anh là Manasseh, là người đã cưới con gái của Sanballat, Thống đốc của xứ Samari.

1. Người Samari Xây Dựng Đền Thờ.

Vào thời gian này, một đền thờ của người Samari được xây dựng trên núi Gerizim. Cộng đồng người Samari xem đền thờ này là nơi còn thánh hơn là Siôn. Có một thời, đền thờ này đã làm vững mạnh một hệ thống tôn giáo thay thế đã được vua Giêrôbôam khởi xướng nhiều thế kỷ trước đây, sau cái chết của vua Salômôn (ICác 12:25).

Đền thánh trên núi Gerizim bị nhà cầm quyền người Hasmonca là John Hyrcanus (134-104 trước C.N) hủy phá. Mãi đến giữa thế kỷ 20, những người Samari còn sót lại (khoảng 300 người) vẫn còn xem ngọn núi ấy là nơi thiêng liêng.

Người đàn bà bên giếng Samari đã mong tranh luận với Chúa Giêxu về giá trị của những nơi thánh người ta đang tranh cãi. Nhưng Chúa Giêxu, Đấng Cứu Thế, lại chọn cách nhấn mạnh về thái độ thuộc linh của người thờ phượng hơn là nơi chốn thờ phượng.

Nhân vật Sanballat mà Josephus đề cập đến không thể là nhân vật có cùng tên được đề cập đến trong Nê 4:1. Tuy nhiên, Josephus cũng đã phản ánh một truyền thống vững chắc, về một đền thờ rõ ràng đã được xây cất trên núi Gerizim vào thời kỳ này.

Sự thất bại của Ba tư khi chế ngự Hy lạp đã khuyến khích các dân tộc bị trị khác tìm độc lập. Ai cập lúc ấy đang liên tục ra sức tháo ách của người Batư. Xứ Giu đa mà vị trí địa lý ở giữa Ai cập và Ba tư, không thể tránh khỏi dính líu.

2. Người Giuđa Di Tản.

Suốt thời trị vì của Artaxerxes III, nhiều người Giu đa đã dính líu vào một cuộc nổi loạn chống Ba tư. Khi cuộc nổi loạn thất bại, người Ba-tư đã đày họ qua xứ Babylôn và các bờ biển miền Nam của biển Casbian.

Người Giuđa đã trốn qua Ai-cập vào thời của Giêrêmi, tức là khoảng một thế kỷ hoặc hơn nữa trước đó. Đi theo kẻ sát nhân Giêxania, tiên tri Giêrêmi đã bị ép gia nhập vào nhóm người tị nạn đang tìm kiếm cứu viện tại Taphanhes miền châu thổ phía đông (Giê 43:3-13). Những người Giu-đa cả tin khác đã tìm con đường đến Ai-cập để tránh nạn phu tù cho vua Nêbucátnếtsa.

Sự di dân này cứ tiếp tục suốt thời kỳ đế quốc Ba-tư, và vào khoảng thế kỷ thứ năm trước Đấng Christ, một thuộc địa Do Thái gồm các lính đánh thuê đã đóng tại đảo Elephantine, gần thành phố Aswan hiện nay, ở thác nước thứ nhất của sông Nile.

Trái với luật pháp Môise, những người thuộc địa này đã xây dựng một đền thờ cho mình, và đã kết hợp giữa sự tin kính Đức Chúa Trời của cha ông với những yếu tố dị giáo (Giê 44:14, 19). Người Do Thái ở Elephantine đã có thư từ qua lại với người Samari cũng như người Giuđa.

B. ALEXANDER ĐẠI ĐẾ.

Batư không bao giờ thành công trong công việc chinh phục Hy lạp, nhưng một kẻ kế tự của văn hóa Hy lạp là Alexander, người Maxêđoan, cuối cùng đã kết thúc đế quốc Batư.

Alexander không chỉ là một kẻ chuyên chế say mê quyền lực, nhưng mà còn là học trò của triết gia Aristotle. Ông hoàn toàn tin rằng văn hóa Hy lạp là một lực lượng có thể thống nhất thế giới.

Năm 333 trước C.N, ông vượt qua xứ Maxêđoan vào Tiểu Á và đánh bại quân đội Ba-tư đang trú ở đó. Sau đó, ông di chuyển về phía Nam, qua Syric và Palestine để vào Ai-cập.

Thành Tyre và Gaza đều chống trả lì lợm, nhưng sự trì hoãn này không làm nản lòng Alexander mà chỉ làm mạnh thêm chí quyết thắng của ông.

1. Một Người Bạn Của Dân Do Thái.

Không cần phải mở chiến dịch tấn công người Do Thái, vì thực ra truyền thuyết đã biến Alexander thành một người bạn của dân Do Thái. Người ta nói rằng thầy tế lễ thượng phẩm Giađua đã đi ra gặp Alexander, và nói cho ông ta biết về lời tiên tri của Đaniên rằng, quân đội Hy lạp sẽ chiến thắng (xem Đaniên 8).

Mặc dù các sử gia không xem trọng câu chuyện này, nhưng câu chuyện thật đã minh họa cho mối tình cảm thân thiện giữa người Giuđa và nhà chinh phục người Maxêđoan này.

Alexander cho phép dân Do Thái tuân thủ pháp luật của họ, cho họ miễn triều cống suốt những năm Sabát. Khi xây dựng thành Alexandria ở Ai-cập, (331 trước C.N) ông đã khuyến khích người Do Thái định cư ở đó và cho họ những đặc quyền đặc lợi có thể sánh ngang với quyền lợi của những thần dân Hy-lạp.

2. Người Ba Tư Thất Trận.

Alexander được chào đón vào Ai-cập như là vị cứu tinh đã giải thoát họ khỏi sự đàn áp của người Ba tư.

Đoàn quân bách chiến bách thắng của ông lại trở lui, băng qua lãnh thổ Palestine và Syric, rồi tiến về phía Đông. Các thành phố của Babylôn (Iraq) và Ba tư (Iran) ngã sụp trước Alexander, và ông vội tiến về phía Đông đến tận tỉnh Punjab của Ấn Độ.

3. Di Sản Của Nền Văn Hóa Hylạp.

Mặc dù rất hùng mạnh về mặt quân sự, nhưng di sản mà Alexander để lại vùng Trung Đông lại là văn hóa cổ Hy lạp chứ không phải luật lệ của xứ Maxêđoan.

Ông quyết định thành lập một thành phố mới tại mỗi quốc gia trong đế quốc của ông, để đóng vai trò làm khuôn mẫu cho việc lập lại cuộc sống của quốc gia đó, như là một thể thống nhất theo nền văn minh Hy lạp.

Nói theo ý nghĩa vật chất, thì công việc này có nghĩa là dựng lên các tòa nhà công cộng đẹp đẽ, các sân vận động cho các trò chơi, một nhà hát ngoài trời, và bất cứ điều gì gần giống như cuộc sống của một đô thị Hy lạp.

Các cá nhân được khuyến khích lấy tên Hy lạp, rập theo y phục và lấy ngôn ngữ Hy lạp. Nói tóm lại là Hy lạp hóa (Hellerized).

Khía cạnh vật chất của chủ nghĩa duy văn hóa Hy lạp (Hellerism) hẳn có vẻ quyến rũ đối với phần lớn thành phần dân chúng.

Mậu dịch và thương mại đã đem lại sự giàu có cho tầng lớp thương nhân mới. Thư viện và trường học được các học giả hoan nghênh. Nhà cửa đẹp đẽ hơn và lương thực ngon hơn đã phát sinh sự nâng cao trong tiêu chuẩn sống.

Nhiều người ở Ysơraên cũng như ở những nơi khác đã vui vẻ chấp nhận cái vỏ văn hóa Hy lạp này. Nếu sự thờ lạy thần tượng đã từng là khối đá vấp chân cho Ysơraên vào thời kỳ tiền lưu đày, thì nền văn hóa Hylạp này là sự cám dỗ lớn lao vào thời kỳ hậu lưu đày.

Một nhà văn vào thế kỷ thứ ba trước C.N đã nhận định: "Những thời kỳ gần đây, dưới sự cai trị ngoại bang của người Ba-tư, rồi đến người Maxêđoan lật đổ đế quốc Ba-tư, thì sự kết hợp với dòng giống khác đã dẫn đến việc nhiều điều luật truyền thống Do Thái phải đánh mất ưu thế của nó".

Nhiều người Do Thái đã lấy tên Hy-lạp, chấp nhận một trường phái triết học Hy lạp, và cố kết hợp sự khôn ngoan của người Hylạp với đức tin của ông cha. Còn những người khác lại chống đối chủ nghĩa Hylạp và ngày càng trở nên mê mải trong việc nghiên cứu luật pháp của họ.

Vào tuổi ba mươi ba, Alexander qua đời tại Babylôn.

Trong suốt một vài năm, tương lai của vùng cận Đông trở nên bấp bênh. Nhưng rồi các tướng đã thành công trong việc phân chia đế quốc với nhau, và xu hướng Hylạp được tăng trưởng.

Đang khi các tướng Ptolemies ở Ai-cập và các tướng Seleucids ở Syria tranh chiến với nhau giành đất đai và quyền lực, thì họ cũng đồng thời đã đi đến chỗ thống nhất các vấn đề liên quan đến văn hóa và xã hội của họ.

Sử gia W.W.Tarr nói rằng Alexander"đã làm thay đổi thế giới đến nỗi đằng sau ông chẳng có gì còn mang được tình trạng như vốn có trước đây ".

C. TƯỚNG PTOLEMIES.

Sau khi Alexander qua đời, trước hết xứ Giu-đa thần phục tướng Antigonus, là một trong các tướng lãnh của Alexander. Nhưng rồi lại nhanh chóng ngã theo một vị tướng khác là PtolemyI, là người có họ Soter có nghĩa là "Đấng Cứu Thế". Ông ta đánh chiếm Giêrusalem vào ngày Sabát vào năm 320 trước C.N.

1. Người Do Thái Được Thịnh Vượng.

Vương quốc của Ptolemy ở trung tâm Ai-cập, đã đối xử tử tế với dân Do Thái. Nhiều người Do Thái trong số này đã định cư tại Alexandria, là nơi tiếp tục làm trung tâm quan trọng cho tư tưởng Do Thái giáo trong nhiều thế kỷ.

Dưới thời của Ptolemy II (Philadelphus), người Do Thái ở Alexandria đã dịch Cựu Ước sang tiếng Hy-lạp. Bản dịch này sau đó được biết dưới tên "bản Septuagint " (từ dịch có nghĩa là "bảy mươi").

Cái tên "Septuagint" này phát xuất từ sự tích bảy mươi người Do Thái được phái đến từ xứ Giuđa để cho ra đời bản dịch Thánh kinh từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hylạp. Thật ra là bảy mươi hai người, vì cứ mỗi chi phái sáu người.

Người Do Thái ở Palestine được hưởng một giai đoạn thịnh vượng suốt thời các tướng Ptolemies. Các cống phẩm thì nộp cho chính phủ ở Ai-cập. Nhưng chuyện nội bộ địa phương thì lại do các thầy tế lễ thượng phẩm điều hành, những người này có nhiệm vụ cai trị dân chúng từ thời đế quốc Ba-tư.

Nhân vật điển hình nhất của người Do Thái thời kỳ các tướng Ptolemies là Simon Công Nghĩa (Simon the Just), thầy tế lễ thượng phẩm. Ông là đối tượng được tôn vinh cao trọng nhất trong sách Truyền-đạo ngụy kinh (Apocrypha), và sách này gọi ông là "người vĩ đại giữa vòng các anh em mình và là vinh quang của dân tộc".

Ông nổi danh nhờ xây lại các bức tường thành Giêrusalem vốn đã bị Ptolemy I hủy phá: Người ta nói rằng ông đã sửa sang đền thờ và dẫn đầu việc đào một hồ chứa nước lớn để cung cấp nước ngọt cho thành Giêrusalem vào thời gian hạn hán và bị bao vây.

Ngoài danh tiếng là thầy tế lễ thượng phẩm, Simon cũng được xem là một trong những giáo sư giỏi nhất của chủ nghĩa Do Thái xưa. Câu cách ngôn mà ông ưa thích nhất là: "Thế giới tựa trên ba điều: luật pháp, sự hầu việc thánh và lòng từ thiện".

Tuy nhiên lý lịch của Simon Công Nghĩa đã vấp phải một trục trặc về lịch sử. Có một thầy tế lễ thượng phẩm được người ta biết đến là Simon I đã sống giữa thế kỷ thứ ba, và một Simon II sống vào khoảng năm 200 trước C.N. Một trong hai người này chắc chắn là Simon Công nghĩa trong tập tục và truyền thuyết của người Do Thái.

2. Sự Tranh Chấp Giữa Các Gia Đình Thuộc Giới Tế Lễ Gia Tăng.

Suốt thời của các tướng Ptolemies: các gia đình thuộc giới thầy tế lễ là gia đình Onias và Tôbigia đã kình địch nhau gay gắt. Nhà Tôbigia là giới thân Ai cập và đại diện cho tầng lớp giàu có của xã hội Giêrusalem. Gia đình Tôbigia này có lẽ có quan hệ với Tôbigia người Am môn (Nê 2:10; 4:3, 7; 6:1-19), là người đã gây rất nhiều rối rắm cho Nêhêmi.

Một bản viết tay trên giấy cói từ thời của Ptolemy II có nói về một người Do Thái tên Tôbigia là tư lệnh kỵ binh trong quân đội của Ptolemy đóng trú ngụ tại Ammanitis, phía Đông sông Giôđanh.

Các nhà khảo cổ học đã khám phá ra một lăng tẩm từ thế kỷ thứ ba trước C.N tại thành phố "Arp-el-Emir" ở trung tâm sông Giô-đanh có tên là "Tobiah". Người ta cho rằng những người thuộc dòng Tôbigia từng là những kẻ thâu thuế, giữ cùng một chức năng như những chủ quán rượu trong thời Tân Ước (publicars).

Josephus nói rằng Onias II đã từ chối không chịu nộp cho Ptolemy IV 20 ta-lâng bạc, là của triều cống đương nhiên mà các thầy tế lễ thượng phẩm phải nộp. Với hành động này, dường như dòng họ Onias đã phủ nhận sự trung thành với Ptolemy.

Sau đó Joseph, một thành viên trong gia đình Tôbigia đã thành công trong việc khiến cho mình được chỉ định làm người thâu thuế nông dân toàn cõi Palestine. Một người thâu thuế nông dân của xứ mỗi năm phải đến Alexandria để lấy giấy phép mới cho phép thâu thuế và Joseph đã giữ chức vụ này trong hai mươi năm, dưới các triều của các Ptolemies và sau chiến thắng của Antiochus III, dưới thời của các Seleucids.

D. CÁC SELEUCIDS.

Những người Syri cai trị vào thời kỳ này được mệnh danh là các Seleucids. Đó là vì vương quốc của họ- một trong những quốc gia trước kia thuộc về đế quốc của Alexander đại đế, là do Seleucus I (Nicatar) thành lập.

Phần lớn các nhà lãnh đạo trước đây đều mang danh hiệu Seleucus hay Antiochus. Họ cai trị từ thành phố Antiốt trên sông Orontes.

1. Văn Hóa Hy-lạp Áp Đặt Trên Dân Do Thái.

Vị lãnh tụ tham vọng Antiochus III với tên họ "The Great", đã dấy lên một loạt các cuộc chiến với Ai-cập. Vào năm 199 trước C.N, ông đã dành xứ Palestine khỏi tay của các Ptolemies sau trận chiến Panion, gần nguồn của sông Giô đanh.

Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử Do Thái. Trong khi các Ptolemies khoan hồng với thể chế Do Thái giáo thì các Seleucids lại quyết tâm áp đặt văn hóa Hylạp trên người Do Thái.

Các cơn khủng hoảng đã nảy sinh suốt thời kỳ trị vì của Antiochus IV, mà người ta quen gọi là Antiochus Epiphanes. Tại Giu-đa, ông ta đã tìm được những đồng minh trong phe theo văn hóa Hylạp.

Vào thời gian đầu do Antiochus IV trị vì, Giêrusalem do thầy tế lễ thượng phẩm Onias III lãnh đạo, ông là con cháu của Simon Công Nghĩa và là một người theo Do Thái giáo chính thống nghiêm nhặt.

2. Chức Thầy Tế Lễ Dành Cho Người Đặt Giá Cao Nhất.

Những người Do Thái có cái nhìn thiện cảm đối với văn hóa Hy-lạp đã chống đối Onias, và binh vực duyên cớ cho anh trai của ông là Jason. Nhờ Jason hứa sẽ triều cống nhiều hơn cho Antiochus nên Jason đã thành công trong việc vận động cho mình được chỉ định làm thầy tế lễ thượng phẩm.

Mặc dù Antiochus xem chức thầy tế lễ thượng phẩm như một địa vị chính trị mà ông có quyền bổ nhiệm tùy thích, nhưng những người Do Thái tin kính nghĩ rằng chức thầy tế lễ vốn là thiêng liêng, và xem việc buôn bán chức vụ này theo giá đặt cao nhất là một tội lỗi chống lại Đức Chúa Trời.

Jason đã khích lệ những người theo văn hóa Hylạp ủng hộ cuộc bầu cử bằng cách xây một sân vận động ở Giêrusalem. Và tên gọi theo tiếng Hy-lạp trở thành thông dụng, còn chính thống giáo Do Thái bị xem là ngu dân và lỗi thời.

Tuy nhiên, Jason đã tranh cãi với người đồng sự thân cận, cũng là một người theo văn hóa Hylạp là Menelaus, thuộc chi phái Bêngiamin. Theo Kinh thánh Cựu Ước, chỉ người Lêvi mới được làm những thầy tế lễ.

Menelaus, người Bêngiamin, đã nộp cống vật cao hơn Jason cho Antiochus, và ông đã được nhậm chức thầy tế lễ thượng phẩm.

3. Đức Tin Do Thái Giáo Chính Thống Bị Tấn Công.

Những người Do Thái giáo chính thống vốn đã bị xúc phạm về mặt đạo lý khi Jason được mệnh danh là thầy tế lễ thượng phẩm, thì nay lại càng hoang mang hơn khi Menelaus, một người Bêngiamin không có quyền gì đối với chức vụ thầy tế lễ, lại được nhậm chức.

Jason đã dùng quân đội để bảo vệ quyền của mình đối với chức tế lễ thượng phẩm, và Menelaus phải cầu viện đến sự ủng hộ của Antiochus.

Người Syri lúc bấy giờ đang mở chiến dịch tấn công Aicập, cảm thấy cần thiết phải kiểm soát cách hiệu quả xứ Palestine, cho nên Antiochus Epiphanes đã âm thầm tấn công vào Giêrusalem vào một ngày Sabát (khi những người theo phe chính thống không thể chiến đấu), và đã giết hại rất nhiều kẻ thù nghịch của Menelaus.

Các bức tường thành bị hủy phá, và một đồn lũy mới là đồn lũy Akra được xây trên vị trí của thành.

Antiochus quyết định xóa hết mọi dấu vết của niềm tin Do Thái giáo chính thống. Đức Chúa Trời của Ysơraên cũng bị xem như thần Jupiter, và một bức ảnh của một thần ngoại bang có râu (có lẽ giống như Antiochus) được dựng lên trên bàn thờ trong đền thờ, là nơi người ta dâng tế lễ bằng những con lợn.

Khi làm phép cắt bì, tuân thủ ngày Sabát, hoặc tổ chức ba kỳ lễ thường niên theo lịch Do Thái, người Giuđa bị cấm đoán và thậm chí kết án tử hình những ai vi phạm. Những bản sao Kinh thánh bị ra lệnh tiêu hủy.

Luật pháp được thực thi với sự tàn nhẫn tột độ. Một thầy dạy luật lớn tuổi tên là Eleazar đã bị đánh đến chết vì không ăn thịt heo.

Nhờ sức mạnh quân sự, Menelaus tiếp tục làm thầy tế lễ thượng phẩm, và phe theo Hylạp đạt được chiến thắng. Tuy nhiên, những kẻ Hy-lạp hóa này đã đi quá xa, và lòng sốt sắng của họ khi hủy phá luật lệ cũ đã cho thấy sự suy đồi của chính họ.

Những người chính thống sẵn sàng chết cho đức tin của mình, nhưng không phải tất cả đều phải chịu cái chết cách thụ động.

E. CUỘC NỔI DẬY CỦA ĐẢNG MACCABÊ

Những người Do Thái bị đàn áp chẳng bao lâu đã tìm được một nhà vô địch.

1. Mattathias Lãnh Đạo Cuộc Nổi Dậy.

Khi các mật phái viên của Antiochus đến ngôi làng Modin nằm khoảng mười lăm dặm về phía Tây của Giêrusalem, nghĩ rằng thầy tế lễ trưởng lão ở đó là Mattathias sẽ nêu gương tốt cho dân sự bằng cách đi lên dâng một tế lễ cho thần ngoại bang. Nhưng khi Mattathias không chịu làm thì một người Giuđa nhát sợ đã làm việc dâng tế lễ đó.

Thầy tế lễ trưởng lão nổi giận tiến đến gần bàn thờ và giết luôn tên bội đạo Do Thái lẫn tên phái viên của Antiochus. Cùng với năm con trai của mình, Mattathias đã hủy phá bàn thờ của dân ngoại, sau đó trốn vào vùng đồi núi để tránh nạn.

Những người thuộc chính thống giáo khác đã gia nhập với gia đình của Mattathias và dấy lên một cuộc chiến tranh du kích chống lại người Syri cùng những người Do Thái theo văn hóa Hylạp.

Phái chính thống thường không chiến đấu vào ngày Sabát, kết quả là họ ở thế bất tiện thấy rõ về mặt quân sự. Vào một ngày Sabát nọ, băng nhóm chính thống này bị bao vây và bị tàn sát vì họ không tự phòng thủ.

Sau biến cố này, Mattathias đề ra nguyên tắc chiến đấu cho phép tự phòng thủ vào ngày Sabát. Thực tế có cách để điều hòa lý thuyết không thực tiễn.

2. Judas "The Maccabee" Lãnh Đạo Đưa Đến Chiến Thắng.

Cuộc kháng chiến bắt đầu chưa được bao lâu thì Mattathias qua đời. Trước đó ông đã hối thúc những kẻ theo mình chọn người con thứ ba của ông là Judas mệnh danh "The Maccabee " (có nghĩa "búa tạ"), làm người lãnh đạo quân sự.

Đây là sự chọn lựa đúng đắn, vì ngày càng có nhiều người Do Thái tụ tập theo chính nghĩa. Những người Maccabees, là những người theo Judas, được tụ tập lại, và đã có thể đương cự với hàng tá quân đội Syri tung ra chống lại họ.

Bằng một cú tấn công bất ngờ vào ban đêm, Judas đã tiêu diệt một đội quân của người Syri và những người Do Thái theo văn hóa Hylạp tại Emmaus, sau đó diễn hành hướng về Giêrusalem cùng với chiến lợi phẩm mà ông đã giành được. Đoàn quân Maccabees vào thành phố và thu phục được mọi thứ ngoại trừ đồn Akra.

Họ đi vào đền thờ và xóa bỏ mọi dấu vết của dị giáo được lắp đặt ở đó. Bàn thờ dâng của lễ cho Jupiter bị dời bỏ và một bàn thờ mới được dựng lên cho Đức Chúa Trời của Ysơraên. Tượng thần Jupiter bị nghiền nát thành tro bụi.

Bắt đầu vào ngày 25 tháng Kislev (mười hai), họ tổ chức Lễ Khánh Thành suốt 8 ngày, được gọi là Harukkak, Lễ Hội Ánh Sáng (Festival of Lights).

(Ghi chú: Sau này các Cơ Đốc Nhân đã tán dương và giữ ngày lễ hội này cách lầm lẫn như ngày sanh của Chúa Giêxu).

Bằng cách này, họ đã đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ ba năm mà đền thờ bị làm cho ô uế.

3. Người Syri Giành Lại Quyền Cai Trị.

Tuy nhiên, hòa bình tồn tại rất ngắn ngủi. Tướng Syri là Lysias đã đánh bại quân Maccabee trong một trận chiến gần Giêrusalem và bao vây thành phố. Tuy nhiên, trong cuộc bao vây Lysias lại nghe tin về những rắc rối ở quê nhà, bèn đề nghị hòa bình với người Do Thái.

Những sắc luật chống lại việc tuân giữ đạo Do Thái sẽ bị hủy bỏ, và Syrie cố gắng không can thiệp vào chuyện nội bộ của xứ Giu-đa. Còn Menelaus sẽ bị cắt chức và chức thầy tế lễ thượng phẩm sẽ trao cho một người thuộc chủ nghĩa Hylạp ôn hòa tên là Alcimus.

Tướng Lysias hứa rằng Judas và những người theo Judas sẽ không bị trừng phạt, tuy nhiên tường thành Giêrusalêm sẽ bị san bằng.

Một hội đồng gồm các sĩ quan quân đội Maccabee, những thầy dạy luật và những trưởng lão đáng kính của phe chính thống giáo được triệu tập tại Giêrusalem để quyết định như thế nào.

Họ đã không nghe theo sự cố vấn của Judas. Các điều khoản hòa bình được chấp thuận. Alcimus trở thành thầy tế lễ thượng phẩm, Menelaus bị hành hình. Còn Judas cùng với một số người đi theo ông đã bỏ thành phố. Tuy nhiên nỗi lo sợ của Giu-đa được chứng minh là đúng, vì sau đó Alcimus đã bắt và xử tử nhiều người của phái chính thống.

4. Cuộc Nội Chiến Được Phục Hồi.

Những người Do Thái trung thành quay lại với Judas và cuộc nội chiến được phục hồi. Judas lãnh đạo một quân đội gồm tám trăm người trang bị yếu kém, đã đụng độ với một đội quân Syrie đông đúc và ông đã chết trận. Như vậy, giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh của người Maccabee đã kết thúc.

Jonathan, một người em của Judas, đã tẩu thoát qua sông Giô đanh với hàng trăm lính Maccabee. Họ trang bị yếu kém quá không đủ để tạo nên một cuộc chiến, nhưng chiến thắng kế tiếp của họ là ở trong lãnh vực ngoại giao.

Đối với hai người đang tranh ngôi vua ở Syrie lúc ấy, mỗi người đều đang tìm sự giúp đỡ từ người Giu-đa. Và họ đều thấy trong Jonathan một con người tốt nhất có thể dấy lên để lãnh đạo quân đội Do Thái. Bằng cách làm bộ lưỡng lự, Jonathan đã có thể được ủng hộ làm ứng cử viên chiến thắng lại vừa ký hiệp ước được với Sparta và Rô-ma.

Trước khi chiến tranh kết thúc, Jonathan đã là thầy tế lễ thượng phẩm, quan cai trị xứ Giu đa và là một thành viên trong giới quý tộc Syrie. Em của ông là Simon trở thành quan cai trị vùng duyên hải Palestine. Jonathan đã có thể đẩy mạnh sự thạnh vượng quốc nội của xứ Giu-đa, và khi ông qua đời thì em của ông là Simon đã kế tục làm thầy tế lễ thượng phẩm cai trị dân.

Simon được thăng tiến trong những năm ông đi hầu vua. Chiến thắng chính yếu của ông là ở lãnh vực ngoại giao. Bằng cách công nhận Demetrius như là một vị vua chân chính của Syrie mà ông đã bảo đảm cho cộng đồng người Do Thái được miễn thuế tương đương với sự công nhận độc lập lúc ấy.

Simon cũng đã có thể bao vây lương thực của quân đóng trú của Syrie tại thành Akra và chiếm được các thành Joppa và Bethsura. Để công nhận sự lãnh đạo khôn ngoan của Simon, các nhà lãnh đạo của Ysơraên mệnh danh ông là "nhà lãnh đạo và thầy tế lễ thượng phẩm đời đời cho đến khi có dấy lên một tiên tri trung tín".

Simon là người cuối cùng trong các con trai của Mattathias, và điều này đã hợp pháp hóa một triều đại mới được gọi là triều đại Hasmonaean có thể bắt nguồn từ tên của một vị tổ tiên của người Maccabee ; "Asmonaeus", hoặc giả theo tiếng Hêbơrơ là "Hashmon".

Năm 134 trước C.N, Simon và hai con trai bị người con rể tham vọng giết chết. Người con thứ ba của ông là John Hyrcanus đã trốn thoát và kế vị cha làm thủ lãnh của quốc gia Do Thái theo luật cha truyền con nối.

F. TRIỀU ĐẠI HASMONAEANS

Người Syri công nhận quyền cai trị của John Hyrcanus với điều kiện ông phải coi mình như kẻ thần phục Syri và hứa giúp đỡ trong các chiến dịch về quân sự của người Syri.

Các thành phố miền duyên hải do Jonathan và Simon sát nhập vào cũng bị bãi bỏ. Tuy nhiên, lối cai trị hữu hiệu của Hyreanus đã nhanh chóng có tác dụng tái chinh phục những thành phố này và thêm xứ Idumaca (Êđôm thời Cựu Ước) vào lãnh thổ Giuđa.

Những miền đất xâm chiếm được này đã bảo đảm cho giới thương nhân quyền sử dụng các con đường buôn bán cổ xưa, nhưng lại nảy sinh những vấn đề rắc rối cho người Do Thái có khuynh hướng thiên về tôn giáo.

1. Hyrcanus Mở Rộng Biên Giới Của Quốc Gia Do Thái.

Hyrcanus đã ép buộc dân Idumaean chịu cắt bì và chấp nhận niềm tin Do Thái giáo, một tập tục mà sau này Do Thái giáo đã chối bỏ. Có một điều gì đó rất mỉa mai khi nghĩ đến việc cháu nội của Mattathias đã áp đặt một sự hòa đồng tôn giáo lên một dân tộc bị quân đội Do Thái xâm chiếm!

Hyrcanus cũng mở chiến dịch ở Samaria, nơi đây ông hủy phá đền thờ trên núi Gerizim. Sự thành công của quân đội Do Thái lẽ ra phải được các phần tử yêu nước ở Giuđa vỗ tay khen ngợi, nhưng tinh thần sốt sắng về mặt tôn giáo của những người Maccabee thời kỳ trước không còn rõ ràng nữa.

Trước khi John Hyreanus chết vào năm 104 trước C.N, thì các biên giới quốc gia đã được mở rộng mọi mặt. Vào thời gian này, cuộc đấu tranh của người Maccabee gần như bị quên lãng, và những cuộc tranh cạnh mới phát triển.

a. Sự Dấy Lên Của Phái Sađucees.

Những người theo văn hóa Hylạp xưa đã bị mất thanh thế, nhưng tư tưởng của họ sống mãi trong phe Saducees. Còn phe chính thống giáo vào thời Maccabee trở thành những người Pharisi của Do Thái giáo trước khi có Cơ Đốc giáo và Tân Ước.

Bản thân Hyrcanus rất mộ đạo và tuân giữ luật pháp, nhưng con cái ông không mấy thông cảm với tư tưởng Do Thái truyền thống. Chúng tự cho mình là những người ở giữa vòng những kẻ quý tộc, và đi đến chỗ miệt thị người Pharisi chính thống khắc khổ. Mỉa mai thay, những kẻ kế tự của người Maccabees lại trở nên Hylạp hóa hoàn toàn.

2. Tiếp Tục Mở Rộng Lãnh Thổ Giuđa.

Cái chết của John Hyrcanus đẩy mạnh cuộc tranh giành vương triều giữa các con trai ông. Người con cả, vốn ưa thích cái tên Hylạp Aristobulus của mình hơn tên Hêbơrơ là Giuđa, xuất hiện như một kẻ chiến thắng, bỏ tù cả ba anh em của mình, hai người trong số đó người ta nghĩ là đã bị bỏ đói đến chết. Còn người kia thì bị giết ngay trong cung điện.

Chỉ trong một năm cai trị ngắn ngủi, Aristobulus mở rộng các biên giới của xứ Giuđa đến tận núi Lebanon về phía Bắc và đã tự xưng vương. Cuộc đời của ông tuy thế lại rất ngắn ngủi bởi rượu chè, bệnh tật, và nỗi lo sợ về một cuộc bạo loạn.

Vào thời gian Aristobulus qua đời, ông còn một người anh em duy nhất sống sót ở trong tù. Mặc dù tên Hêbơrơ của ông này là Jonathan, nhưng lịch sử lại biết ông dưới cái tên Hylạp là Alexander Jannaeus. Dưới thời trị vì của Jannaeus, chính sách mở rộng lãnh thổ vẫn tiếp tục. Các vùng biên giới của Giuđa được mở rộng dọc theo miền duyên hải Palestine, thẳng đến biên giới Aicập và vào vùng Transjordan.

Vào thời gian này, quốc gia Do Thái lên xấp xỉ bằng với lãnh thổ do Ysơraên cai quản dưới thời của Đavít và Salômôn. Bao gồm toàn cõi Palestine và những vùng cận kề, từ biên giới của Ai cập đến hồ Hulen, ở phía Bắc của biển Galilê. Thành phố Perea trong vùng Transjordan đã đầu phục Jannaeus cũng như các thành phố khác của miền đồng bằng duyên hải ngoại trừ thành phố Askalon.

Những lục địa sát nhập vào vương quốc Hasmonaean phần lớn đều nhanh chóng bị đồng hóa với văn hóa Giuđa.

Người Idumaeans đến đóng một phần quan trọng trong đời sống của người Do Thái, và xứ Galilê đã trở thành trung tâm quan trọng của Do Thái Giáo.

Tuy nhiên, người Samari tiếp tục kháng cự lại sự đồng hóa này, và những thành phố như Apollpnia và Scythopolis (tức là Bethshean thời Cựu Ước) với duy một phần Do Thái nhỏ bé trong dân số của họ, thì vẫn giữ được nét phi Do Thái (non-Jewish).

a. Người Pharisi Nổi Dậy.

Tuy nhiên, sự xung đột đảng phái làm hỏng đi triều đại của Alexander Jannaeus, là vị vua đã bày tỏ công khai sự khinh khi đối với người Pharisi, và thúc đẩy cuộc nội chiến. Trong sự xung đột này, người Pharisi nhận sự trợ giúp từ người Syri, và có lúc nền độc lập của xứ Do Thái bị ở trong thế nguy ngập.

Khi người Pharisi cảm thấy đã đạt được mục tiêu của mình, thì họ rút lại sự liên minh với Syri và hy vọng sẽ có được một nhà nước Do Thái vừa không bị người nước ngoài cai trị vừa lại khoan dung đối với quan điểm của họ. Tuy nhiên, Jannaeus đã tìm bắt các lãnh đạo của cuộc nổi dậy và đã đóng đinh hết tám trăm người Pharisi.

3. Salome Alexandara Cai Trị.

Tục truyền rằng khi Jannaeus trên giường chờ chết đã ân hận và ra lệnh cho vợ là Salome Alexandra sa thải những viên cố vấn người Sađusê, nhưng hãy cai trị với sự giúp đỡ của người Pharisi. Tục truyền này có lẽ có được một ít nền tảng lịch sử, vì Alexandra thật đã có quay sang người Pharisi để tìm sự ủng hộ.

Salome Alexandra trước đây đã kết hôn với Aristobulus rồi sang Alexandra Jannaeus. Góa phụ của hai nhà lãnh đạo Hasmonea bây giờ đã tự quyền cai trị trong bảy năm. Khi lên ngôi bà là một phụ nữ bảy mươi, và chia sẻ trách nhiệm hoàng gia với hai con trai của mình. Hyrcanus (II) con trai lớn, trở thành thầy tế lễ thượng phẩm, và người con kế là Aristobulus (II) nhận chức tư lệnh quân đội. Anh của bà, Simeon ben Shetah, là người lãnh đạo trong vòng người Pharisi, và có lẽ sự kiện này đã khiến cho bà có chiều hướng tìm kiếm hòa bình cho hai phe đối nghịch của Do Thái giáo.

a. Người Pharisi Đạt Được Quyền Lực.

Dưới triều Alexandra, người Pharisi có cơ hội để thực hiện sự đóng góp có tính cách xây dựng cho đời sống quốc gia Do Thái. Trên nhiều lãnh vực, đặc biệt là giáo dục, họ đã thành công nổi bật. Dưới nhiệm kỳ của Simeon ben Shetah, tòa án Do Thái tối cao Sanhedrin (hội đồng quốc gia Do Thái) ra sắc luật rằng mọi thanh thiếu niên đều phải học hành.

Một hệ thống giáo dục tiểu học toàn diện được mở ra để những thôn làng lớn, thị trấn và thành phố lớn của xứ Giuđa đều sẽ sản sinh ra những người có văn hóa và kiến thức. Nền giáo dục này tập trung dạy về Kinh thánh tiếng Hêbơrơ.

Tuy nhiên, vết thương của cuộc xung đột trước đây chưa lành hẳn suốt triều đại của Alexandra.

Mặc dù người Pharisi vui sướng trong sự công nhận mới tìm được này, nhưng người Sađusê lại phật ý trước sự việc bị mất quyền lực. Đã vậy, người Pharisi còn gây thêm rắc rối khi tìm cách trả thù cho cuộc thảm sát các nhà lãnh đạo của họ bởi tay Alexander Jannaeus. Máu của người Sađusê đổ ra, và một cuộc nội chiến khác đang lơ lửng hình thành.

Người Sađusê tìm thấy trong Aristobulus- con thứ của Jannaeus và Alexandra, một người mà họ có thể phò làm kẻ kế vị Alexandra. Ông là một người lính và bị lôi cuốn vì nhóm người mơ được mở rộng đế quốc và quyền lực thế gian.

Hyrcanus, người anh lớn và là kẻ kế tự hợp pháp được người Pharisi công nhận. Với cái chết của Alexandra, những kẻ ủng hộ hai người con đã sẵn sàng để lật bài lên.

b. Người Sađusê Nổi Dậy.

Khi người mẹ chết, Hyrcanus (II), người đã và đang phục vụ với tư cách thầy tế lễ thượng phẩm, đã lên kế vị. Nhưng người em là Aristobulus đã dẫn một đoàn quân Sađusê đánh Giêrusalem.

Cả Hyrcanus lẫn người Pharisi đều không sẵn sàng cho cuộc chiến này, nên Hyrcanus đã dâng trọn vinh dự cho Aristobulus (II), người trở thành nhà vua và thầy tế lễ thượng phẩm.

Sau đó, Hyrcanus và Aristobulu thề sẽ làm bạn vĩnh viễn, và con trai cả của Aristobulus đã cưới con gái độc nhất của Hyrcanus là Alexandra. Tuy vậy, hòa bình giữa hai anh em rất ngắn ngủi. Hyrcanus đã phải đi trốn, và Antipater, quan cai trị lãnh thổ Idumaca đã ủng hộ lý do trốn chạy của ông. Trong lúc cuộc nội chiến đang đe dọa xảy ra thì Pompey xuất hiện với đoàn quân La mã để bảo đảm cho nền hòa bình của Judea và hơn nữa là cho những mục đích của La mã.

G. NGƯỜI LA MÃ.

Khi Pompey có ý nghi ngờ Aristobulus đang dự định chống lại La-mã thì ông bao vây thành Giêrusalem, và sau ba tháng chọc thủng phòng tuyến phòng thủ, ông ta đã bước vào thành, và nghe nói đã tàn sát mười hai ngàn người Do Thái.

1. Nền Độc Lập Của Do Thái Bị Mất.

Pompey và các sĩ quan của ông đã bước vào nơi chí thánh của đền thờ, nhưng không đụng vào các đồ đạc quý giá và cho phép sự thờ phượng trong đền thờ được tiếp tục. Tuy nhiên, Giêrusalem phải nộp cống cho người La-mã, thế là dấu vết cuối cùng của nền độc lập Do Thái bị xóa bỏ.

Giuđa bị sát nhập vào một tỉnh của nước Syri thuộc Lamã, và bị mất hết các thành phố miền duyên hải, vùng Samari và các thành phố không mang dấu vết văn hóa Do Thái thì ở phía Đông Giôđanh.

Hyrcanus được gọi là Ethnarch (nhà lãnh đạo) của xứ Giuđa, bao gồm Galilê, Idumaca và Perca và ông được tái công nhận là thầy tế lễ thượng phẩm. Triều cống hàng năm cho La-mã.

Aristobulus và một số tù nhân khác bị đưa về La-mã để làm bằng chứng vinh quang cho chiến thắng của Pompey. Tuy nhiên, trên đường đi, con trai Alexander của Aristobulus đã trốn thoát và cố gắng tổ chức một cuộc nổi dậy chống lại Hyrcanus. Tuy nhiên với sự trợ giúp của người La mã, Hyrcanus đã có thể đương đầu với mọi thử thách chống lại quyền lực của ông.

2. Antipater: Quyền Lực Đằng Sau Ngai Vàng Của Xứ Giuđa.

Suốt những năm xung đột giữa Aristobulus (II) và Hyrcanus (II), quan cai trị xứ Idumaca là Antipater (hoặc Antipas) rất thích thú quan tâm đến nền chính trị của xứ Giu đa.

Antipater chống đối dữ dội với Aristobulus, một phần do sợ, một phần vì cớ tình bạn của ông đối với Hyrcanus. Hình như Hyrcanus đã nương nhờ Antipater rất nhiều, và Antipater gần như là quyền lực đằng sau ngai vàng của xứ Giu đa.

Người Do Thái hầu như không bằng lòng với ảnh hưởng của Antipater cũng như nỗi đau đớn khi ở dưới sự cai trị của người La-mã. Mặc dù người Indumacans đã bị John Hyrcanus sát nhập vào nhà nước Giu-đa, nhưng họ không bao giờ chịu đồng hóa và mối thù địch xa xưa không hề bị quên lãng.

Trong những cuộc khủng hoảng theo sau vụ ám sát Julius Ceasar, Antipater và các con trai của ông đã tỏ lòng trung thành với chế độ mới của Casius bằng cách sốt sắng thâu triều cống. Herod, con trai Antipater được ban cho danh hiệu Người Đại Diện xứ Giuđa với lời hứa hẹn rằng sẽ có ngày ông được xưng vương.

Khi Anthony đánh bại Brutus và Cassius tại thành Philippi, thì Châu Á lại một lần nữa rơi vào tay của một thể chế mới. Tuy nhiên, Herod đã nhanh chóng thay đổi lòng trung thành và hối lộ để lấy lòng Anthony.

Phía đông của phần đất một thời là đế quốc Ba-tư hùng mạnh đã bị một dân tộc gọi là người Parthian chiếm giữ, giống người này chưa từng bao giờ khuất phục dân La-mã cả. Vào năm 41 trước C.N, họ tấn công thành Giêrusalem và lập Antigonus, con trai của Aristobulus II làm vua kiêm thầy tế lễ thượng phẩm.

3. Herod Được Phong "Vua Của Người Giuđa".

Con trai của Antipater là Hêrốt người kế vị ngai vàng của xứ Giuđa lúc Hyrcanus chết, đã buộc phải trốn đến La-mã. Tại đây, ông lấy được lòng của Anthony và chính thức được phong "Vua của dân Giu-đa". Danh hiệu này sẽ chỉ có ý nghĩa khi người Parthians bị đuổi khỏi thành Giêrusalem và Herod quay trở về với quân đội La-mã và bước vào Giêrusalem làm vua một cách khải hoàn.

Sự cai trị của Herod trải qua những năm đầy biến cố từ 37 trước C.N đến 4 trước C.N. Ông nổi danh nhất là vì vị vua sợ sự ra đời của một "Vua xứ Giu-đa" kình địch với mình, và đã gây ra cuộc thảm sát trẻ em ở Bếtlêhem lúc Chúa Giêxu ra đời. Mặc dù hành động đó của Herod không bị lưu vào tài liệu của thế gian nhưng sự tàn ác khác của ông vẫn được biết đến. Ông có 10 vợ cả thảy, và hoàng đế Augustus nghe nói đâu à đã bình phẩm về cuộc sống gia đình của Herod như sau: "Ta thà làm con lợn của Herod hơn là làm con của ông ta".

Lợn là một con vật ô uế, người ta không làm thịt, nhưng vợ và con của Herod lại bị tẩy trừ tàn bạo nếu họ xen vào các kế hoạch của ông hoặc bị nghi ngờ là không trung thành.

a. Tìm Cách Lấy Lòng Người Do Thái.

Mặc dù bị các thần dân Do Thái ghê tởm, nhưng Herod thật sự đã tìm cách lấy lòng họ. Ông đã xây và sửa lại các thành phố khắp đất nước: Samari trở thành thành Sebaste để tôn vinh Augustus; tháp của Straton trở thành Caesarea với một hải cảng được bảo vệ bởi một con đê và một bức tường với mười ngọn tháp. Các pháo đài, nhà tắm, công viên, chợ búa, đường sá cùng những điều xa hoa khác của nền văn hóa Hylạp đã là một phần của chương trình xây dựng của ông.

Vào năm thứ 18 đời vua Herod cai trị (20-19 trước C.N), Herod khởi sự tái xây dựng đền thờ Do Thái ở Giêrusalem. Công trình vĩ đại này được các thầy tế lễ xây dựng trong một năm rưỡi.

Nhưng công trình phức tạp trên hành lang và các tòa nhà vẫn không hoàn tất được mãi đến thời kỳ quyền lãnh đạo của Albinus (62-64 sau C.N) và chưa được mười năm thì công trình này hoàn toàn bị tiêu hủy bởi quân đội của Titus vào năm 70 sau C.N như Chúa Giêxu đã tiên tri trước (Lu 19:41-44).

b. Qua Đời Không Lâu Sau Khi Chúa Giêxu Sinh Ra.

Cái chết của Herod xảy ra nhanh chóng sau ngày sinh của Chúa Giêxu. Đấng đã thách thức quyền mang danh hiệu "Vua của dân Giu-đa" của vua Herod. Cái chết của Herod là cái chết mà chẳng ai thương tiếc chính là thời kỳ kết thúc giữa Cựu Ước và Tân Ước và chúng ta chuyển vào thời kỳ Tân Ước.

H. MÔ TẢ CÁC PHE TRONG DO THÁI GIÁO.

Người Pharisi, Sađusê, phe Herod, và phe Xêlốt (Đảng chống Lamã) đã đóng một vai trò rất quan trọng trong các bản ký thuật Phúc Âm, tất cả đều có nguồn gốc trong suốt hai thế kỷ trước khi Chúa Giêxu sanh ra.

Họ đại diện cho những phản ứng khác nhau đối với sự va chạm liên tục giữa văn hóa Hylạp và cuộc sống tôn giáo Do Thái. Trong khi cuộc đấu tranh của Maccabee đã giải quyết nan đề chính trị về mối quan hệ giữa các tướng Seleucids người Syri với xứ Giu-đa, thì điều đó cũng áp đặt trên Do Thái giáo sự cần thiết phải quyết định mối quan hệ của chính mình với thế giới bên ngoài.

1. Người Pharisi Giữ Luật Pháp.

Nhóm người mang danh Pharisi được nói đến trước đó trong suốt thời kỳ cai trị của John Hyrcanus (134-104 trước C.N), và rõ ràng ngay lúc đó đã có một sự đối kháng giữa phe Pharisi "chính thống" và phe Sađusê cởi mở hơn.

Từ "Pharisi " có nghĩa là "một người tách biệt ". Biệt hiệu này có lẽ có nghĩa là, trong trường hợp ban đầu, một người tách biệt khỏi ảnh hưởng sa đọa của nền văn hóa theo chủ nghĩa Hylạp bởi lòng nhiệt thành đối với luật pháp trong Kinh thánh.

Sử gia Josephus nói rằng người Pharisi "có vẻ tin kính hơn những người khác, và hình như giải thích luật pháp đúng đắn, chính xác hơn".

Người Pharisi đòi hỏi tuân thủ luật pháp về sự thánh sạch trong các lễ. Vì cớ đó, họ không thể mua những món thực phẩm hoặc thức uống nơi một "tội nhân" vì sợ làm ô uế các nghi thức lễ.

Người Pharisi cũng không được ăn trong nhà của một tội nhân, cho dù người đó có thể tiếp đãi tội nhân trong nhà của chính mình. Trong hoàn cảnh đó, người Pharisi thường đem quần áo cho tội nhân mặc, vì quần áo của tội nhân theo nghi thức thì không được tinh sạch.

Với ước muốn chân thật là làm luật pháp được thực thi trong nền văn hóa thay đổi ủa thế giới Hylạp-Lamã, người Pharisi đã phát triển những hệ thống tập tục để tìm cách đưa luật pháp vào sự đa dạng của hoàn cảnh.

a. Hai Trường Phái Tư Tưởng Về Luật Pháp:

Suốt thế kỷ thứ nhất trước C.N, hai giáo sư Pharisi có thế lực đã đặt tên của họ cho hai trường học về tư tưởng luật pháp.

1) Hillel.

Là người ôn hòa hơn trong cả hai, luôn quan tâm đến người nghèo khổ, và sẵn sàng chấp nhận sự cai trị của La mã như là điều thích hợp với Do Thái giáo chính thống.

2) Shammai.

Trái lại, nghiêm nhặt hơn trong sự diễn giải, và đối kháng La mã cách mạnh mẽ. Quan điểm của ông đã được bày tỏ trong nhóm cuồng tín (Zealots) mà sự chống cự của họ đối với người La-mã đã đưa đến việc hủy diệt thành Giêrusalem trong năm 70 sau C.N.

Sách Talmud có lưu lại tài liệu về 316 cuộc tranh luận của các trường Hillel và Shammai.

b. Tập Quán Trở Thành Luật Pháp.

Tập tục trong tư tưởng của người Pharisi lúc đầu chỉ là lời bình giải luật pháp, nhưng cuối cùng đã nâng cấp thành chính luật pháp vậy.

Để bào chữa cho sự dạy dỗ này, người ta cứ nói rằng "luật pháp truyền khẩu " đã được Đức Chúa Trời ban cho Môise trên núi Sinai cùng với "luật pháp viết bằng chữ " (hay là Torah).

Điểm tột cùng trong quá trình phát triển này được đạt đến khi Mishna tuyên bố rằng luật pháp truyền khẩu phải được tuân thủ với sự nghiêm ngặt hơn cả luật pháp viết bằng chữ nữa, vì luật do nhà nước qui định (chính là tập quán truyền khẩu) ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống của người dân hơn là hiến pháp (luật Torah viết bằng chữ).

Ngoài gánh nặng mà phái Pharisi đã buộc vào còn hơn cả việc chú trọng những điều chi li trong luật pháp nữa, Tân Ước đã khẳng định rằng tập quán phần lớn đã phớt lờ mục đích thật sự của luật pháp (Mat 15:3).

Như trong nhiều phong trào có giá trị, lòng tin kính của những người ban đầu đã tự tách mình khỏi những sự bất khiết với sự trả giá rất lớn, đã thay đổi thành một thái độ kiêu hãnh trong việc tuân giữ giới luật.

Những người như Nicôđem, Joseph người Arimathe, Gamaliên và Saulơ thành Tạtsơ (sau khi quay trở lại với Đấng Christ trở thành sứ đồ Phaolô) đại diện cho vài linh hồn cao quý xuất phát từ truyền thống của người Pharisi trong Tân Ước.

Đối với Saulơ, người Pharisi tiêu biểu cho hình ảnh thu nhỏ cho chính thống giáo"nghiêm hơn hết trong đạo chúng tôi " (Công 26:5). Phái Pharisi khởi đầu rất tốt, và sự trai trật của phái là một sự nhắc nhở thường xuyên rằng tính tự mãn và kiêu ngạo thuộc linh là những cám dỗ mà người tin kính đặc biệt dễ mắc phải.

2. Người Sađusê, Chủ Nghĩa Vật Chất Chủ Nghĩa Vật Chất.

Mặc dù trong Tân Ước cả người Pharisi lẫn người Sađusê đều tố cáo lẫn nhau, nhưng họ lại có một điểm chung là cùng chống lại Chúa Giêxu.

Người Sađusê là nhóm người quý tộc thành Giêrusalem và giữ chức thầy tế lễ thượng phẩm. Họ hòa hoãn với các bậc cầm quyền về mặt chính trị, và đạt được những địa vị quyền thế giàu có. Quản trị Đền Thờ và hành lễ là trách nhiệm đặc biệt của họ. Người Sađusê giữ mình tách biệt với quần chúng và không được họ ưa thích.

Những cố gắng của người Pharisi nhằm ứng dụng luật pháp với hoàn cảnh mới đều bị người Sađusê chối bỏ. Người Sađusê đã hạn chế quan điểm của người Pharisi về thẩm quyền của luật Torah, hay là luật pháp của Môise. Người Sađusê không tin vào sự phục sinh, các linh thiên sứ (Mác 12:18; Lu 20:27; Công 23:8). Đức tin của họ là một loạt phủ nhận đến nỗi kết quả là họ không để lại một hệ thống tôn giáo tích cực hoặc một hệ thống chính trị nào.

Trong khi người Pharisi hoan nghênh việc nhập đạo (Mat 32:15), thì phe Sađusê lại khép kín. Họ chẳng được ai ngoài những người trong các gia đình quý tộc và trong giới tế lễ cao của thành Giêrusalem có thể trở thành thành viên trong nhóm của họ.

Cùng với sự hủy phá đền thờ vào năm 70 sau C.N, phe Sađusê chấm dứt. Còn Do Thái giáo hiện nay có cội nguồn ở phái Pharisi xưa.

3. Phe Essenes-Khổ Hạnh.

Phe Essenes và Pharisi đều có cội rễ từ các nhà lãnh đạo phe chính thống giáo thời Maccabee, là những người giữ lập trường chống lại chủ nghĩa Hylạp hóa. Người Pharisi duy trì sự gắn bó với "luật truyền khẩu" trong cái khung của Do Thái giáo lịch sử. Họ cứ tiếp tục tách biệt với sự ô uế, nhưng không tách khỏi bản thân cộng đồng người Do Thái.

Mặc dầu sự thờ phượng nơi đền thờ là do người Sađusê hướng dẫn, nhưng người Pharisi vẫn đánh giá đó là một phần cơ bản của sự kế thừa tôn giáo của họ. Trong khi người Pharisi giữ mình cách biệt với "người có tội", nhưng vẫn sống giữa họ và mong ước được họ kính trọng.

Một phản ứng cực đoan hơn chống lại những ảnh hưởng có khuynh hướng làm băng hoại đời sống người Do Thái ở trong một giáo phái mà các nhà văn xưa như Phito, Josephus và Plimy gọi là phái Essenes.

Dường như phần lớn Phái Essenes sống trong các cộng đồng tu hành chẳng hạn như ở tại trụ sở của Qumran, gần với góc Tây Bắc của Biển Chết.

(Ghi chú: Qumran là nơi mà các cuốn "Dead Sea Scolls" nổi tiếng đã được tìm thấy trong một hang động vào giữa thế kỷ 20. Có thể người Essenes đã cất chúng ở đó vào kỷ nguyên tiền Cơ Đốc giáo).

Khi tìm cách giải thích Do Thái giáo cho thế giới nói tiếng Hylạp, Josephus đã nói về ba "Triết lý" của người Pharisi, Sađusê và Essenes.

Từ "Essenes" hình như đã được sử dụng trong nhiều cách thức khác nhau. Nhiều nhóm người Do Thái có tâm trí thiên về tu hành khác nhau đã giữ gìn và thực hành những nghi thức tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều được nói đến như là những người Essenes.

Pliny nói rằng người Essenes lánh xa đàn bà và không cưới vợ, nhưng Josephus có nói về một dòng tu Essenes có cưới vợ. Việc đào bới tại Qumran cho thấy phụ nữ cũng được nạp vào cộng đồng Qumran.

Các nhà văn xưa nói tốt về người Essenes, là những người sống một cuộc sống khắc khổ và giản dị. Các thành viên trong cộng đồng cùng nghiên cứu Kinh thánh cùng các sách tôn giáo khác. Mỗi người Essenes buộc phải thực hiện nghĩa vụ lao động chân tay để làm cho cộng đồng được tự cung tự cấp.

Người ta thực hiện tinh thần cộng đồng về của cải, còn về mặt kỷ luật nghiêm khắc thì do một chấp sự coi. Nhóm người chối bỏ hôn nhân này thâu nhận những bé trai còn nhỏ tuổi để các lý tưởng của người Essenes được ghi khắc và sống mãi. Cảnh nô lệ và chiến tranh bị phủ nhận.

Người Essenes hoan nghênh việc gia nhập môn phái, nhưng người mới nhập môn đòi hỏi phải chịu một thời gian thử thách nghiêm khắc trước khi có thể trở thành một thành viên chính thức.

Về số lượng, phái Essenism không lớn. Philo nói rằng trong số họ chỉ có bốn ngàn người, còn Pliny nói về một cộng đồng ở phía bắc của En Gedi, liên quan đến khu vực Qumran rằng có bốn nơi cư ngụ khác nữa được xác định rõ, và chúng ta được cho biết rằng tất cả thành viên của phái đều được nghênh tiếp tại bất cứ thuộc địa nào của người Essenes.

Chẳng có gì biết chắc về lịch sử ban đầu của giáo phái này, vì giống như hầu hết các phong trào cải cách, phải lần từ nguồn gốc về những thời kỳ xa xôi lắm. Philo nói rằng Môise đã thiết lập giáo phái này, còn Josephus thì bảo rằng họ hiện diện "từ thời cổ xưa của ông cha" lận.

Một điều chắc chắn là phong trào Essenes có thời đã kháng cự dữ dội sự băng hoại lộ liễu trong đạo Do Thái tiền Cơ Đốc; và cuối cùng nhiều thành viên đã rút khỏi đời sống cộng đồng ở Palestine để tìm kiếm sự thánh khiết thuộc linh ở những nơi như khu vực Qumran.

Đối với những học viên môn lịch sử Hội thánh, rõ ràng ảnh hưởng của phái Essenes đã trải dài xuống tận thế kỷ 20, nhiều tập tục của họ được xác nhập vào các "dòng" Chính Thống Giáo và các nhánh Cơ Đốc Thiên Chúa giáo khác nhau.

Có thể Phaolô đã nói về ảnh hưởng về mặt tín lý nào đó của giáo phái Essenes khi cảnh báo một số người giữ "đạo lý của quỷ dữ... cấm cưới gả, và biểu kiêng các thức ăn... "(ITi 4:1-3).

Tự xem mình như là "Ysơraên thực sự duy nhất và trong sạch " người Essenes đã từ chối không tin việc tuân thủ tôn giáo bại hoại tại đền thờ Giêrusalem. Cuộc sống chỉnh đốn cẩn thận tại trung tâm giáo phái Essenes hình như dành phục vụ cho việc thay thế đền thờ trong con mắt của người Essenes tin kính.

Sự nghiêm nhặt trong kỷ luật của giáo phái Essenes, và sự khe khắt thi hành luật pháp được nhấn mạnh bởi tất cả những ai viết về giáo phái này. Josephus nói rằng họ nghiêm khắc hơn tất cả những người Giuđa về việc kiêng cử làm việc vào ngày Sabát.

Một chương trong cuốn "The Damascus document " (dường như là của người Essenes) nói rằng nhấc một con vật khỏi một cái hố vào ngày Sabát là trái luật. Một quan điểm như vậy bị ngay cả người Pharisi giữ luật pháp coi là quá khích (Mat 12:11).

Không nghi ngờ gì khi sự vắng bóng giáo phái Essenes khỏi dòng chính của người Do Thái đã giải thích cho sự kiện vì sao trong Tân Ước, hoặc trong tuyển tập Talmud của người Do Thái, đã không đề cập đến họ. Cho dầu nền đạo đức cao của người Essenes thật sự đáng khen, song sự dạy dỗ và thực hành của Chúa Giêxu hoàn toàn trái ngược với việc giữ luật pháp và chủ nghĩa khổ tu trong những lời dạy dỗ của người Essenes.

Và cho dầu người Essenes xem việc tiếp xúc với một thành viên trong chính nhóm của họ mà ở cấp bậc thấp hơn là ô uế về mặt lễ nghi, thì Chúa Giêxu vẫn không ngại ngần ăn uống với"kẻ xấu nết và tội nhân " (11:19; Lu 7:34).

Mặc dù vâng theo luật pháp của Môise, song Chúa Giêxu không chút thông cảm nào cho những kẻ đã biến luật pháp thành một gánh nặng thay vì là một phước hạnh. Theo Chúa Giêxu ngày Sabát được dựng nên vì lợi ích của con người. Làm việc tốt trong ngày Sabát là hợp với luật pháp (Mat 12:1-12; Mác 2:23-28; Lu 6:6-11; 14:1-6).

Chúa Giêxu đã tố cáo sự lạm dụng trong đền thờ và đã tiên tri về sự sụp đổ của nó. Nhưng Ngài không phủ nhận các buổi lễ trong đền thờ: Ngài đã tới thành Giêrusalem để dự những lễ lớn của người Do Thái; và sau khi Ngài phục sinh, các môn đồ vẫn tiếp tục đến đền thờ vào giờ cầu nguyện (Công vụ 3).

Trong khi chủ nghĩa khổ hạnh và khổ tu đạt được một chỗ đứng trong tư tưởng Cơ Đốc giáo, thì Cơ Đốc giáo vào thời kỳ đầu tiên không có một chút gì của phong trào khổ tu. Chức vụ của Chúa Giêxu phần lớn đến với "người bình dân", là những kẻ chối bỏ người Pharisi cũng như người Essenes. Vì Chúa Giêxu tự do liên kết với người dân của thế hệ Ngài nên những kẻ xưng công bình riêng gọi Ngài là kẻ nghiện rượu, bạn của các chủ quán rượu và kẻ có tội (Mat 11:19).

Ngài không thích hợp với khuôn mẫu luật pháp của người Pharisi, với những tục lệ khắc khổ, khổ tu của người Essenes hoặc với việc làm chính trị duy vật chất của người Sađusê. Người ta nói về Ngài rằng "...Đoàn dân đông vui lòng mà nghe Ngài " (Mác 12:37).

4. Những Giáo Phái Khác.

Tân Ước có đề cập đến đảng Herod (3:6; Mat 22:10) và đảng Zealots (Lu 6:15), các nhóm người Do Thái ở phía bên kia của lăng kính chính trị.

Đảng Herod dường như là những người Do Thái có thế lực và địa vị có cảm tình với sự cai trị của Herod, và kết quả là cũng có cảm tình tốt đẹp với người La-mã là kẻ ủng hộ Herod.

Trái lại đảng Zealots cuồng tín là những người yêu nước quá mức, cứ nhất quyết chống lại người La-mã bằng mọi giá. Sự cuồng tín của họ đã đem lại cuộc chiến tranh mà qua đó quân đội của Titus đã hủy diệt thành Giêrusalem cùng đền thờ của thành (70 sau C.N).

Để có thêm tài liệu về thời kỳ giữa Cựu Ước và Tân Ước, xin xem phần phụ lục "Kinh Ngụy Tác". Ở phần C1 tựa đề "Kinh Điển". Cũng hãy xem "Bảng niên đại giữa Cựu Ước và Tân Ước":

NIÊN ĐẠI GIỮA CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC

Trước C.N:

612 Thành Ninive bị người Mêđê và Babylôn hủy diệt.

587 Thành Giêrusalem bị Nêbucátnếtsa hủy diệt.

559 Cyrus kế vị vương quốc Anshan, khởi đầu đế quốc Batư.

539 Thành Babylôn sụp đổ trước Cyrus, chấm dứt đế quốc Babylôn.

530-522 Cambyses kế vị Cyrus, xâm chiếm Ai cập.

522-486 Darius I, nhà lãnh đạo đế quốc Batư.

515 Đền thờ thứ nhì được người Giuđa ở Giêrusalem hoàn tất.

486-465 Xerxes I cố chiếm Hylạp, thời Êxơtê.

480 Chiến thắng của hải quân Hylạp tại Salamis, Xerxes trốn thoát.

444-424 Arlaxerxes I cai trị Batư, thời đại Nêhêmi.

334-323 Arlaxerxes xứ Macedon chinh phục miền Đông.

311 Seleucus xâm lăng Babylôn, bắt đầu triều đại Seleucid.

223-187 Antiochus (III) đại đế, vị Seleucid của Syrie.

198 Antiochus III đánh bại Ai cập, kiểm soát được Palestine.

175-163 Antiochus IV Epiphanes cai trị Syrie, Do Thái giáo bị loại bỏ.

167 Mattathias và các con trai nổi lên chống Antiochus, khởi đầu cuộc nổi dậy của Maccabee.

166-160 Judas giữ chức lãnh đạo Maccabee.

160-142 Jonathan là thầy tế lễ thượng phẩm.

142-135 Simon là thầy tế lễ thượng phẩm, sáng lập triều đại Hasmonaen.

134-104 John Hyrcanus mở rộng quốc gia Do Thái độc lập.

103 Aristobulus cai trị.

102-76 Alexandra Jannaeus cai trị.

75-67 Salome Alexandra cai trị, Hyreanus II: thầy tế lễ cả.

66-63 Chiến tranh triều đình: Aristobulus II và Hyrcanus II.

63-40 Hyrcanus II cai trị, thần phục La-mã. Antipater thực thi phát huy quyền lực.

40-37 Dân Partians chinh phục Giêrusalem, lập Aristobulus II làm thầy tế lễ thượng phẩm kiêm vua.

37-4 Herod đại đế , con trai của Antipater cai trị làm vua, thần phục La-mã.