MỤC LỤC
"Chúa truyền mạng lịnh ra: Các người ĐÀN BÀ báo tin, thật một đoàn đông lắm "(Thi 68:11).
Chữ "ĐOÀN" dịch từ tiếng Hêbơrơ là tsaba. Cuốn Thánh Kinh Phù Dẫn (Concordance) của Strong nói từ này là giống cái và có ý nghĩa "một đám đông phụ nữ được tổ chức để chiến đấu".
Câu Kinh thánh trên thiết lập một lời hứa tiên tri rất rõ về một ngày khi phụ nữ được tự do rao giảng Tin Lành và làm công việc Chúa cùng với các ông.
Câu Kinh thánh được dịch cách đúng đắn như sau:"Chúa truyền ra mạng lệnh, các người đàn bà được tổ chức để chiến đấu thật đông lắm ".
Những gì viết sau đây là để bảo vệ lực lượng phụ nữ đặc biệt này.
Mục đích của phần này bao gồm hai điều:
(1) Giải phóng phụ nữ để họ tìm được vị trí đúng đắn trong công việc của Chúa, để có thể hoàn thành chức vụ vì vinh hiển của Ngài và (2) thay đổi thái độ của những nam lãnh đạo để khuyến khích phụ nữ làm trọn sự kêu gọi của Chúa đối với họ.
"Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần Ta khắp trên mọi xác thịt; con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri. Phải, trong những ngày đó, Ta sẽ đổ Thần Ta khắp trên các đầy tớ trai và gái ta "(Công 2:17, 18).
Muốn làm bất cứ điều gì trên thế giới này thì cần ba điều: thời gian, nhân lực và của cải.
Ma quỷ đã sử dụng một chiến lược hết sức thành công để ngăn chận Hội thánh làm trọn Đại Mạng Lệnh Truyền Giáo để Tin Lành được lan khắp thế gian. Một nửa nhân lực (phụ nữ) thường không được tham dự vào công việc trong nhiều hội thánh.
Bạn có thể tưởng tượng sự thành công của một quân đội mà phân nửa chiến sĩ bị ngăn cản không cho tham dự cuộc chiến?
Chúng ta hãy trở lại Sáng thế ký và xem sự sáng tạo người nữ: "Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài, Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời. Ngài dựng nên người nam cùng người nữ ".
Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: "Loài người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó "(Sáng 1:27; 2:18).
Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: "Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất " (1:28).
Những câu Kinh thánh trên cho thấy rõ mục đích ban đầu của Đức Chúa Trời cho người nam và người nữ là đồng quản trị công trình sáng tạo. Nghĩa là theo ý định của Đức Chúa Trời, họ bình đẳng về địa vị, quyền hành. Họ phải cùng nhau quản trị.
Sự hợp tác duy nhất này được xác định lại trong Tân Ước."Dầu vậy, tôi muốn anh em biết Đấng Christ là đầu mọi người, người đàn ông là đầu người đàn bà và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ " (ICôr 11:3).
"Đầu của mọi người là Đấng Christ ".
Lẽ thật này dạy chúng ta rằng mối quan hệ giữa Đấng Christ - Đức Chúa Con và người nam (Ađam), cũng y như mối quan hệ mà Đức Chúa Trời dự định giữa người nam (Ađam) và người nữ (Êva). "...Và đầu người đàn bà là đàn ông ".
Câu Kinh thánh này cũng xác định vai trò và mối quan hệ giữa Đức Chúa Cha và Đấng Christ, Đức Chúa Con là khuôn mẫu mà Kinh thánh sử dụng để minh họa mối quan hệ mà Chúa muốn có giữa người nam và người nữ. Y như "Đức Chúa Trời là đầu Đấng Christ thể nào thì người nam là đầu người nữ thể ấy ".
Nếu muốn hiểu vai trò của người nam và người nữ theo Kinh thánh, chúng ta phải xem xét mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và Đấng Christ.
Vậy Đức Chúa Giêxu cất tiếng phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy! (Giăng 5:19)
Như Con phụ thuộc vào sự tán đồng và quyền hạn của Cha mà hành động thể nào thì người nữ cũng hành động chung với người nam thể ấy. Con làm bất cứ điều gì mà Con thấy Cha làm và cũng làm y như Cha làm. Chúa muốn người nữ tham dự vào tất cả những gì mà người nam làm.
"Cha yêu Con và tỏ cho mọi điều Cha làm; Cha sẽ tỏ cho Con công việc lớn lao hơn những việc này nữa, để các ngươi lấy làm lạ lùng "(5:20).
"Vả, Cha khiến những kẻ chết sống lại và ban sự sống cho họ thể nào, thì Con cũng ban sự sống cho kẻ Con muốn thể ấy "(5:21).
"Cha... đã giao trọn quyền phán xét cho Con "(5:22).Từ phán xét trong tiếng Hy- lạp là Krino, có nghĩa là "quyết định "(về mặt pháp lý),trừng phạt trả thù, xét xử và hành động như một luật sư.
Điều này minh họa mục đích của Chúa cho người nữ đồng quản trị với người nam.
Hội thánh là Cô Dâu của Đấng Christ. Phaolô nói: "Vì về anh em, tôi rất sốt sắng như sự sốt sắng của Đức Chúa Trời, bởi tôi đã gả cho một chồng mà thôi, dâng anh em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ " (IICôr 11:2). Cô Dâu (Hội thánh) có mối quan hệ với chồng là (Đấng Christ) cũng y như Đức Chúa Con quan hệ với Đức Chúa Cha.
"Vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài (thịt Ngài và xương Ngài)...sự mầu nhiệm là lớn, tôi nói về Đấng Christ và Hội thánh vậy "(Êph 5:30-32).
Là Cô Dâu của Đấng Christ, những thành viên của Hội thánh được gọi "để đoán xét các thiên sứ và con người " và "những việc đời này "(ICôr 6:3). Vai trò nữ giới giao cho Tân nương của Đấng Christ, Hội thánh, phù hợp với ý định ban đầu của Đức Chúa Trời dành cho người nữ là cai trị với Ađam. Người nữ cũng được ban năng lực để quản trị trong sự hòa hợp yêu thương và sự thuận phục đối với người nam.
Nhưng Ađam và Êva phạm tội và Đức Chúa Trời bảo Êva:"Sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi " (Sáng 3:16). Do đó, phụ nữ được bảo phải vâng phục chồng. Đây là điều vẫn còn tồn tại trong thời Tân Ước. Khi sứ đồ Phaolô nói với các bà vợ Cơ Đốc:"Hãy vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa vậy "(Êph 5:22).
Nhưng ngay cả khi người nữ phải vâng phục chồng mình thì người nữ cũng không thấp kém hơn người nam. Có nghĩa là người nữ sẵn lòng để người nam dẫn dắt. Phaolô thực sự kêu gọi sự vâng phục về phần cả người chồng lẫn người vợ: "Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục lẫn nhau "(5:21).
Trong một lá thư khác, Phaolô đã nói rõ ràng là không có sự phân biệt địa vị giữa người nữ và người nam trong Đấng Christ: "Tại đây không còn chia ra người Giuđa hoặc người Gờréc; không còn tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà vì trong Đức Chúa Giêxu Christ, anh em thảy đều làm một "(Ga 3:28).
Điều này có nghĩa chúng ta cần hiểu vai trò dành cho người nữ được phát họa trong Kinh thánh. Thật là tuyệt diệu và vinh hiển.
Vào thời Do Thái cổ xưa, phụ nữ được xem là những thành viên của "gia đình đức tin". Vì vậy họ tham dự mọi lãnh vực của sự thờ phượng.
Luật pháp truyền tất cả mọi người nam phải xuất hiện trước Đức Chúa Trời, một năm ba lần. Những phụ nữ đi theo chồng trong nhiều dịp (Dân 29:10; Nê 8:2; Giôên 2:16) nhưng họ không bị buộc phải đi vì những bổn phận quan trọng với tư cách làm vợ và làm mẹ.
Ví dụ, Anne đi đến Shiloh với chồng và cầu xin Đức Chúa Trời ban cho một con trai (ISa 1:13-18). Sau đó, khi đứa trẻ được sinh ra, bà nói với chồng: "khi đứa trẻ dứt sữa và tôi sẽ dẫn nó lên để nó ra mắt Đức Giê-hô-va và ở đó luôn luôn " (câu 22).
Với tư cách chủ gia đình, người chồng hay người cha dâng của lễ thay cho toàn thể gia đình (Lê 1:2) nhưng người vợ cũng phải có mặt ở đó.
Phụ nữ tham dự lễ Lều Tạm (Phục 16:14), lễ hằng năm dành cho Đức Giê-hô-va (Quan 21:19-21) và lễ tuần trăng mới (IICác 5:25).
Phụ nữ chỉ dâng một của lễ duy nhất cho Đức Chúa Trời là sau khi sanh con.
"Khi kỳ làm mình cho thanh sạch vì đứa trai hay gái đã trọn rồi, người đàn bà phải dâng cho thầy tế lễ tại cửa hội mạc một chiên con một tuổi đặng làm của lễ thiêu, và một bồ câu con hoặc một của lễ chuộc tội "(Lê 12:6).
Nhiều phụ nữ trong Cựu Ước rất nổi tiếng về đức tin của họ. Trong danh sách tại Hêb 11:1-40 có tên hai phụ nữ, Sara và Raháp (Sáng 21:1-34; Giô 2:1-24; 6:22-25).
Anne là một tấm gương tin kính của người mẹ xứ Ysơraên. Bà cầu nguyện với Đức Chúa Trời, bà tin rằng Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của bà và bà giữ đúng lời hứa nguyện với Đức Chúa Trời. Câu chuyện của bà được chép trong ISamuên 1.
Miriam là chị của Môise, một phụ nữ rất phi thường.
Vua Pharaôn ra lệnh giết tất cả những bé trai Ysơraên. Tính mạng em bé Môise bị đe dọa, vì vậy mẹ của em "lấy một cái rương mây, trét chai và nhựa thông rồi để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy dựa mé sông " (Xuất 2:3).
Đây là khoảng thời gian đầy nguy hiểm đối với Môise. Nhưng người chị can đảm của Môise, MIRIAM mặc dù lúc ấy vẫn còn là một đứa trẻ đã "đứng xa nơi đó đặng cho biết nó sẽ ra sao " (2:7).
Khi Miriam thấy con gái vua Pharaôn cứu Môise thì đã đưa ngay ra một kế hoạch hành động "Tôi phải đi kêu một người vú trong bọn đàn bà Hêbơrơ đặng cho đứa trẻ bú chớ "(2:7).
Miriam sắp đặt để mẹ của Môise nuôi dưỡng Môise. Với hành động can đảm, lanh lợi của Miriam mà Môise được cứu. Thế giới ngày nay sẽ ra sao nếu như chúng ta không có chức vụ của Môise ?
Sau khi quân đội của Pharaôn bị dìm dưới biển Đỏ và dân Ysơraên được an toàn trên sa mạc, một buổi lễ thờ phượng lớn đã diễn ra.
"Nữ tiên tri Miriam, là em gái Arôn, tay cầm trống cơm, các đờn bà đều đi ra theo người, cầm trống cơm và múa "
"Hãy ca tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài là rất vinh hiển oai nghiêm; Ngài đã liệng xuống biển ngựa và người cỡi ngựa "(15:20-21).
Chức vụ ngợi khen bằng âm nhạc được những người có đời sống được xức dầu tiên tri dẫn dắt tốt nhất. Điều đó đúng với Miriam. Bà có ân tứ tiên tri và âm nhạc tuyệt vời đã khiến bà trở thành người hướng dẫn ngợi khen và nữ tiên tri lý tưởng.
Giống như Đavit 500 năm sau đó, bà hát những bài hát của Thánh Linh. Bài hát của bà là bài hát tiên tri. Chức vụ thờ phượng của bà là kết quả của sự xức dầu tiên tri trên bà.
Những phụ nữ trong thời Cựu Ước khác cũng được dùng trong chức vụ âm nhạc và thờ phượng. Trong thời Vua Đavit...."Đức Chúa Trời ban cho Hêman... ...ba con gái, các người ấy đều ở dưới quyền cai quản của cha mình là Asáp, Giêđuthun, và Hêman để ca xướng trong đền Đức Giê-hô-va với chập chỏa, đờn sắt, đờn cầm, và phục sự tại đền Đức Giê-hô-va với chập chỏa, đờn sắt, đờn cầm, và phục sự tại đền của Đức Chúa Trời, theo mạng lịnh của Vua. (ISử 25:5, 6).
Đavít đã thành lập một ban ngợi khen và thờ phượng thánh cho dân sự của Đức Chúa Trời và tinh thần ấy đã truyền xuống tận Hội thánh thời Tân Ước. Do đó, việc phụ nữ phải tham dự vào sự ngợi khen, thờ phượng và âm nhạc rất đúng đắn như Miriam và các con gái của Hêman đã làm.
"Ta đã đem ngươi lên khỏi đất Êdíptô, đã chuộc ngươi ra khỏi nhà tôi mọi, và đã sai Môise, Arôn và Miriam đến trước mặt ngươi "(Mi 6:4).
Miriam được nhắc đến cùng với Môi-se và Arôn như một trong bộ ba đã giải thoát và dẫn dân Ysơraên ra khỏi ách nô lệ của xứ Ai Cập. Điều này minh họa vai trò lãnh đạo quyền uy và có ảnh hưởng lớn của Miriam.
Ngày nay, chúng ta có dám chối bỏ một vai trò tương tự cho những phụ nữ mà Đức Thánh Linh xức dầu cách tương tư trong thời đại của chúng ta không?
"Hãy nhớ lại điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi làm cho Miriam dọc đường. Khi các ngươi ra khỏi xứ Êdíptô ".
Miriam, Arôn và vua Saulơ minh họa một cái bẫy nguy hiểm mà những nhà lãnh đạo thường rơi vào. Những nhà lãnh đạo thường hay sử dụng quyền hạn quá đáng trên chức vụ và sự xức dầu của mình, những người nam và những người nữ phải nhận biết rằng sử dụng quyền lãnh đạo có thể dẫn chúng ta đến sự tự phụ, kiêu ngạo mà đem đến hủy diệt.
Với những gì dường như là về chủng tộc, Miriam đã thách thức uy quyền của Môise một cách sai lầm. "Miriam và Arôn nói hành Môise về việc người nữ Êthiôbi mà Môise đã lấy " (Dân 12:1).
Đức Chúa Trời đã lập tức đòi Miriam trả giá."Và khi trụ mây rút khỏi trên đền tạm thì kia, Miriam đã bị phung trắng như tuyết "(12:10).
"Môise kêu van cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ôi, Đức Chúa Trời! Tôi cầu khẩn Ngài chữa cho nàng. Đức Giê-hô-va đáp cùng Môise rằng: Nàng phải cầm riêng ngoài trại quân trong bảy ngày, ấy vậy Miriam bị cầm riêng ngoài trại quân trong bảy ngày và dân sự không ra đi cho đến chừng nào Miriam được nhận vào lại "(12:13-15).
Mỗi người lãnh đạo, nam cũng như nữ cần tôn trọng những giới hạn trong chức vụ của mình. Không được xen vào những lãnh vực mà mình không có trách nhiệm một cách đầy kiêu ngạo. Miriam đã phạm lỗi y như các nhà lãnh đạo lớn khác. Giống như Môise và Đavít, bà đã bị sửa trị cách nghiêm khắc và rồi đã được tha thứ và được phục hồi mối tương giao với dân sự của Đức Chúa Trời.
"Trong lúc đó, Đêbôra, là nữ tiên tri, vợ của Lắpbiđốt, quan xét của dân Ysơraên. Bà ở trên núi Épraim, giữa khoảng Rama và Bêtên, dưới cây chà là Đêbôra và dân Ysơraên lên đến cùng người, đặng nghe sự xét đoán "(Quan 4:4, 5).
Đêbôra là phụ nữ đã có gia đình, giữ hai chức vụ: một là nữ tiên tri, hai là người cai trị hay quan xét. Vai trò sau phù hợp với Giăng 5:22 đã thảo luận trước đó.
Dưới sự lãnh đạo của Đêbôra, người dân Ysơraên được giải thoát khỏi sự chiếm đóng kéo dài 20 năm bởi một dân ngoại.
Qua sự hiểu biết tiên tri, nữ tiên tri Đêbôra đã sai gọi Barác, một tướng Ysơraên, ra trận với 10.000 người để chống lại một lực lượng mạnh hơn của dân Canaan có đến 900 xe bọc sắt. Barác dẫn đạo quân đi đánh quân đội Canaan do Sisêra lãnh đạo và đã đánh bại quân Canaan.
Khi tướng Sisêra chạy trốn, ông đã vào ẩn trong lều của một gia đình du mục mà chủ nhân là Giaên. Sisêra không biết họ là người Ysơraên. Giaên mời ông vào và rồi khi Sisêra đã ngủ say, bà lấy một cây nọc trại và một cái búa đục thủng màng tang người. Sisêra chết ngay tức thì.
Vậy là, hai người phụ nữ đã là những thành phần chủ yếu trong việc giải phóng dân Ysơraên khỏi những kẻ áp bức họ.
Sau đó, Đêbôra hát bài ca tiên tri này: "Rồi... Đức Chúa Trời cho tôi quản trị những kẻ mạnh mẽ " (Quan 5:13).
Bà đã làm trọn mục đích cổ xưa của Đức Chúa Trời dành cho người nam và người nữ đó là quản trị (Sáng 1:26). Có người đã nói: "Khi Đức Chúa Trời có những công việc dành cho người nam thì Ngài luôn luôn có những người nữ cũng có thể làm được những công việc đó ".
Theo như tiền lệ trong Kinh thánh đã có những phụ nữ làm trọn những vai trò quan trọng trong mục đích của Đức Chúa Trời, thì tại sao những nhà lãnh đạo nam giới của Hội thánh lại đòi hỏi những luật lệ chống lại việc phụ nữ thi hành chức vụ?
Vậy thầy tế lễ Hinhkia,... đi tìm nữ tiên tri Hunđa, vợ của Salum người giữ áo lễ. Chúng nói chuyện với nàng. (IICác 22:14)
Trong thời vua Giôsia, sách luật pháp được tìm thấy trong đền thờ. Khi những thầy tế lễ đọc sách thì họ thấy rằng quốc gia họ đã xa rời đường lối của Đức Chúa Trời. Họ biết quốc gia họ có nguy cơ bị xét đoán.
Để biết phải làm gì, họ đến gặp nữ tiên tri nổi tiếng đã nói rất rõ về sự xét đoán hầu đến đã được định trước trên thiên đàng.
Vì Giôsia ăn năn, Hunđa nói rằng sự xét đoán được định trước sẽ không xảy ra trong thời của ông mà sẽ xảy đến sau đó.
Huda thúc giục vua Giôsia, thầy tế lễ thượng phẩm và những nhà lãnh đạo khác của Ysơraên thực hiện những cải cách về đạo đức và thuộc linh sâu rộng nhất từ trước đến nay. Kết quả là một làn sóng phục hưng và ăn năn thật sự.
Hãy đọc IICác vua và IISử 34:1-33 để biết thêm chi tiết về những kết quả kỳ lạ của chức vụ tiên tri của Huda. Chưa từng có một chức vụ tiên tri nào mà đã đưa đến một thay đổi sâu rộng như vậy tại Ysơraên chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Một nữ tiên tri khác được nhắc đến trong Cựu Ước."Đoạn tôi đến nhà nữ tiên tri; người chịu thai và sanh một con trai " (Ês 8:3). Đây chính là vợ của Êsai.
Chúng ta không có sự bình phẩm nào trong Kinh thánh về chức vụ của bà nhưng người ta tự hỏi không biết bà có đóng góp những sự hiểu biết tiên tri có ý nghĩa trong tác phẩm bao quát của Êsai không.
Không có một nhà tiên tri nào trong Cựu Ước được phán là hãy cưới một nữ tiên tri. Điều này có thể giải thích tại sao Êsai có thể tiên đoán cách chính xác những sự chịu khổ của Đấng Christ?. Kinh thánh có phán "Hai người sẽ hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình "(Truyền 4:9).
Thật không khó tin rằng hôn nhân của Êsai với một nữ tiên tri đã cho ông một lợi điểm khác biệt hơn những tiên tri khác không được chúc phước như vậy. Tác phẩm Êsai được gọi là sách Phúc Âm Thứ Năm cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Châm ngôn 31 mô tả nàng là người:
Câu 13,19,22-nàng là người siêng năng, khéo tay (được huyấn luyện và có giáo dục)
Câu 16,23- Nàng là chủ đất và là một nữ doanh nhân thành công.
Câu 20- Người rộng lòng ban cho và là người ơn của người nghèo thiếu. Do đó, nàng kiểm soát những món tiền lớn cần thiết cho các việc này.
Câu 26- Sự khôn ngoan và những ý kiến của nàng được cầu hỏi và tôn trọng.
Mẫu mực của Kinh thánh về người phụ nữ thì tương phản với vai trò dành cho nàng trong hầu hết mọi nơi trên thế giới. Kinh thánh dạy chúng ta cần phải nâng cao vai trò của người phụ nữ.
Một câu chuyện xưa của Do Thái đã minh họa vai trò của phụ nữ quan trọng như thế nào tại Ysơraên. Câu chuyện kể rằng có một người đàn ông tin kính lập gia đình với một phụ nữ tin kính nhưng vì không có con với nhau nên cuối cùng đồng ý ly dị.
Sau đó, người chồng lấy một người vợ xấu xa và bà ta đã khiến chồng trở nên xấu xa.
Người phụ nữ tin kính lấy một người chồng xấu xa và đã khiến ông trở thành một người công bình.
Bài học rút ra từ câu chuyện là ảnh hưởng của người phụ nữ quyết định đời sống tâm linh của gia đình và của quốc gia. Ở mức độ lớn hơn, người phụ nữ là chìa khóa của gia đình thành công hay là nguyên nhân của sự thất bại. Bà có thể có một ảnh hưởng hết sức to lớn trên con cái, chồng và quốc gia của mình.
Vì vậy, phụ nữ cần có tự do, sự tôn trọng, sự nhận biết để những talâng được ban cho, những ân tứ, sự xức dầu có thể bày tỏ ra được.
Vào thời Tân Ước, phụ nữ Do Thái đã thôi không hoạt động thờ phượng tại trong đền thờ hay nhà hội nữa. Luật truyền khẩu đã hạ vai trò người phụ nữ xuống thành thấp kém, đôi khi chỉ là một công cụ và chắc chắn là không theo đúng Kinh thánh dạy.
Mặc dù có một khoảng đặc biệt trong đền thờ gọi là"Sân Dành Cho Phụ Nữ ", nhưng phụ nữ không được phép đi vào phía trong của đền thờ.
Những nguồn tin ngoài Kinh thánh cho chúng ta biết phụ nữ không được đọc hay nói trong nhà hội nhưng họ có thể được ngồi và nghe trong khu vực dành cho phụ nữ. Phụ nữ chỉ được phép vào nhà hội khi thực hiện các nguyên tắc Hy Lạp.
Đền thờ Do Thái thời Chúa Giêxu nhấn mạnh đến sự phân biệt chủng tộc, phái tính và giai cấp trong các hoạt động tôn giáo. Có sáu sân và phòng riêng biệt.
• Ở bên ngoài, là hành lang dành cho người ngoại.
• Sân tiếp theo là nơi người ngoại không được phép vào vì sẽ bị tội chết thì gồm có:
-Sân giới hạn dành cho phụ nữ, và
-Sân của Ysơraên dành cho những người nam Do Thái.
• Sân dẫn đến Nơi Thánh dành riêng cho các thầy tế lễ.
• Nơi Thánh.
• Nơi Chí Thánh.
Trong chức vụ của Chúa Giêxu người ta thấy một hình ảnh khác hẳn. Lu 8:1-3 cho thấy Chúa Giêxu rất vui lòng đi cùng những bạn đồng hành là phụ nữ. Ngài khuyến khích Mathê và Mary ngồi dưới chân Ngài như các môn đồ (10:38-42). Sự tôn trọng mà Chúa Giêxu dành cho phụ nữ là một điều hết sức mới lạ và hoàn toàn trái ngược với thái độ của người Pharisi và người Sađusê.
Trong công cuộc cứu chuộc của Đấng Christ, tất cả những sự phân chia đó đã bị phá đổ và mỗi tín đồ bất luận thuộc chủng tộc, phái tính hay có sự khác biệt nào đều có thể đến với Đức Chúa Trời. "Vì ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách "(Êph 2:14)
Hệ thống Cơ Đốc mới đưa đến một kỷ nguyên mới. Trong Đấng Christ mọi sự phân rẽ đã bị xóa sạch giữa người Do Thái và người ngoại, giữa người nam và người nữ, giữa thầy tế lễ và người bình thường (Khải 1:6).
"Vả, anh em thảy đều chịu báp têm trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy. Tại đây không còn chia ra người Giuđa hoặc người Gờ- réc. Không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ, không còn đàn ông hoặc đàn bà vì trong Đức Chúa Giêxu Christ, anh em thảy đều làm một "(Ga 3:27-28).
Mary, mẹ của Chúa Giêxu là một phụ nữ tốt và tin kính. Thật vậy, có lẽ Mary đã nhớ đến gương của Anne vì bài hát ngợi khen Đức Chúa Trời của bà (Lu 1:46-55) rất giống với bài hát của Anne (ISa 2:1-10).
"Nhưng kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Người bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp "(Ga 4:4).
Đúng là người nữ đầu tiên, Êva, đã đầu hàng sự cám dỗ của tội lỗi, và rồi đã cám dỗ chồng mình.
Nhưng chúng ta đừng quên rằng cũng chính một người nữ, Mary, là công cụ vâng lời mà qua đó Đấng Christ được hoài thai bởi Thánh Linh. Đó chính là người nữ mà Đấng Cứu Thế được sanh ra. Vì vậy, nếu chúng ta trách người nữ Êva vì sự sa ngã của loài người, thì chúng ta phải chào mừng người nữ Mary vì đã làm công cụ mà qua đó con người nhận được Đấng Cứu Thế.
Tân Ước mở ra câu chuyện khác thường về sự giáng sinh của Chúa Giêxu. Tại buổi lễ dâng con của Mary (Lê 12:1-6), một nữ tiên tri tên là Anne xuất hiện cách rất đặc biệt.
"Lại có bà tiên tri Anne... rồi thì ở góa, bây giờ đã tám mươi bốn tuổi, chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện "(Lu 2:36-37).
Anne được sử dụng để xác nhận Chúa Giêxu chính là Đấng Giải Cứu-Mêsia mà Ysơraên đang mong đợi. Vậy là một phụ nữ đã có một vai trò rất quan trọng trong sự giáng sinh, trong lễ dâng con của Chúa Giêxu. Sau này chúng ta cũng thấy những phụ nữ có vai trò quan trọng trong những biến cố quanh sự đóng đinh trên thập tự giá và sự phục sinh của Ngài.
Trong Kinh thánh, có cả người nam lẫn người nữ đi theo Chúa Giêxu. Người nữ cũng được ban phước, chữa lành và tha thứ y như người nam vậy.
Một phụ nữ đã có năm đời chồng và hiện đang sống với người đàn ông không phải là chồng của bà, được ban phước và tha thứ mọi tội lỗi của bà.
Một bằng cớ cho thấy Chúa Giêxu không bao giờ kết án tội lỗi của bà chính là vào ngày bà trở lại tin nhận Chúa, bà đã trở thành một người rao giảng Tin lành cho Ngài (Giăng 4:28, 29, 20). Bà đã đem cả làng đến cho Chúa Giêxu.
Chỉ có trong sách Luca ghi lại sự trợ giúp về tài chánh cho Chúa Giêxu. "Và nhiều người nữ nữa giúp của cải cho Ngài " (Lu 8:2-3).
Rõ ràng là những người nữ này được sử dụng tiền theo ý thích (điều mà những phụ nữ trong nhiều nền văn hóa tà giáo không được phép làm). Nếu không họ đã chẳng thể dâng giúp Chúa Giêxu. Trong các nền văn hóa Cơ Đốc phương Tây, 80% của cải để dâng giúp cho công việc nhà Chúa vẫn đến từ phụ nữ.
Cũng chính những Hội thánh ở các quốc gia phương Tây này không cho phép phụ nữ lãnh đạo hay giữ chức vụ quyên tiền, hay gởi những phụ nữ đi làm giáo sĩ cho các quốc gia khác nhưng lại bắt phụ nữ phải giữ yên lặng trong Hội thánh cũng như giảng dạy quan điểm phi Kinh thánh về vai trò của phụ nữ.
"Tại một bên thập tự giá của Đức Chúa Giêxu có mẹ Ngài đứng đó, với chị em Ngài là Mari vợ Cơlêôba, và Mari Mađơlen nữa (Giăng 19:25).Người cuối cùng ở tại thập tự giá cũng là một phụ nữ (Mác 15:47).
1) Các Môn Đồ Bỏ Trốn. "Khi ấy hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi" (Mat 25:56).
2) Phierơ theo Chúa xa xa.
"Phierơ theo Ngài xa xa cho đến sân của thầy cả thượng phẩm, vào ngồi với các kẻ canh giữ đặng coi việc ấy ra làm sao "(Mat 26:58).
3) Phierơ chối Ngài. Hậu quả là Phierơ chối không nhận biết Chúa Giêxu (Mat 26:72).
4) Mác bỏ chạy.
Mác (tác giả của sách Phúc Âm) đã chạy thoát thân. "Có một người trẻ tuổi kia theo Ngài, chỉ có cái khăn bằng gai trùm mình, chúng bắt người. Nhưng người bỏ khăn lại, ở truồng chạy trốn khỏi tay chúng" (Mác 14:51, 52).
Những điều trên cũng khiến phái nam phải treo cổ vì xấu hổ cho sự hèn nhát của mình. Những phụ nữ can đảm sẵn sàng liều mạng vì Chúa Giêxu. Những người nam nhát sợ đã chạy trốn để cứu lấy mạng sống mình.
Người đầu tiên tại mộ Chúa Giêxu là một phụ nữ (Giăng 20:1).
Người đầu tiên rao báo sứ điệp về sự sống lại là một phụ nữ (Mat 28:8).
Người đầu tiên giảng về sự sống lại chính là một phụ nữ. Và bà giảng ngay cho chính các sứ đồ. Chúa Giêxu bảo bà làm điều đó (Giăng 20:17, 18).
Ngày nay, phụ nữ thường bị cấm giảng đạo hay dạy dỗ nhưng Chúa Giêxu đã sai một phụ nữ gởi sứ điệp đi. "Hãy đi đến cùng anh em Ta, nói rằng Ta đã sống lại "
Những "người nam can đảm" ở đâu vào buổi sáng mà Chúa Giêxu sống lại từ kẻ chết?
Một người phụ nữ đã có mặt ở đó!
Dường như những người nam đều thất vọng sau sự sỉ nhục không ngờ trước việc Chúa bị đóng đinh vào thập tự giá nên theo Giăng 21:3 thì họ đã trở về làm nghề đánh cá nhưng những phụ nữ thì đi đến phần mộ. Họ có mặt vào buổi sáng Đấng Christ sống lại từ trong kẻ chết!
Đấng Christ phục sinh đã xuất hiện và nói chuyện trước tiên với một người phụ nữ.
Thật kỳ lạ nếu ngày nay phụ nữ được bảo là phải giữ yên lặng, không được giảng hay là dạy dỗ Phúc Âm. Chúa Giêxu đã phái một người nữ loan báo những tin tức đầu tiên về sự phục sinh của Ngài.
Cái chết và sự sống lại của Ngài đã nâng người phụ nữ từ tình trạng sa ngã và phục hồi lên địa vị xứng hiệp trong vương quốc của Ngài. Bây giờ người phụ nữ được tự do đứng cạnh bên chồng - cũng xứng đáng như nhau để rao truyền sứ điệp của Đấng Christ trong Tân Ước cho cả thế giới.
Khi Chúa Giêxu truyền lệnh: "Vậy hãy đi khắp thế gian và giảng Tin Lành cho muôn dân... " thì đây là đại mạng lệnh cho mọi tín đồ bất luận phái tính, chủng tộc, màu da hay nền văn hóa nào.
Khi Ngài phân loại những dấu kỳ phép lạ sẽ cặp theo chức vụ giảng đạo thì Ngài nói rõ. "Vậy những KẺ TIN sẽ được các dấu lạ này ", bao gồm cả hai phái.
Chúa Giêxu nói, "Ai tin Ta sẽ làm những việc Ta đã làm ".
Điều này bao gồm cả người nam lẫn người nữ và nhiều người phụ nữ lãnh đạo lớn đủ mạnh mẽ và can đảm để chứng minh điều này.
14:12-14 là dành cho cả hai phái tính, bao gồm cả phụ nữ, NẾU PHỤ NỮ CÓ ĐỦ ĐỨC TIN ĐỂ TIN CẬY VÀ HÀNH ĐỘNG THEO ĐIỀU ĐÓ.
Nếu tôi là phụ nữ, tôi sẽ đòi 15:1-27 cho riêng mình. Nếu không chỉ có đàn ông mới được cứu.
Trong số những người đầu tiên được ban cho quyền năng Đức Thánh Linh để trở nên chứng nhân cho Đấng Christ có những phụ nữ (Công 9:4; 1:8).
Sau khi Chúa Giêxu thăng thiên, nhiều phụ nữ với những môn đồ khác trên phòng cao để cầu nguyện.
Mặc dù Kinh thánh không nói rõ nhưng có lẽ những phụ nữ này cầu nguyện lớn tiếng trước hội chúng.
Khi Đức Chúa Giêxu nói trong 1:8 "Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép..." - lời hứa này cũng dành cho các phụ nữ -"Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý cầu nguyện với CÁC NGƯỜI ĐÀN BÀ "
Không còn nghi ngờ gì nữa. Trong số những người tham dự buổi cầu nguyện đầu tiên để nhận quyền năng được hứa sẽ ban, có những phụ nữ (1:14).
"TẤT CẢ đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh "(2:4). Để làm gì? Để làm trọn 1:8 -"Các ngươi sẽ làm chứng về Ta ". Điều này là dành cho cả hai phái.
Khi chúng ta suy nghĩ về địa vị bị lấn áp của phụ nữ dưới hệ thống đền thờ Do Thái thời Tân Ước và về sự kiện họ không được phép đến gần khu vực thờ phượng mà bị giới hạn ở phía sân bên ngoài dành cho phụ nữ, thì không phải vô cớ mà Đức Thánh Linh nói rõ "họ đang bền lòng hiệp ý mà cầu nguyện với NHỮNG PHỤ NỮ, và TẤT CẢ đều được đầy dẫy Thánh Linh " để TẤT CẢ có thể làm công việc truyền giáo.
Cả đàn ông lẫn đàn bà tụ hợp tại nhà của mẹ Giăng Mác để cầu nguyện cho Phierơ được thả ra (12:1-17).
Cả người nam lẫn người nữ cầu nguyện đều đặn trong các Hội thánh thời Tân Ước. Đó là lý do tại sao sứ đồ Phaolô đưa ra những lời chỉ dẫn cho cả người nam lẫn người nữ về cách cầu nguyện (và nói tiên tri) nơi công cộng như thế nào (ICôr 11:2-16).
Những người đầu tiên đón tiếp các giáo sĩ Cơ Đốc ở Châu Âu- Phaolô và Sila là thành viên của một nhóm phụ nữ cầu nguyện. "Đến ngày Sabát, chúng ta ra ngoài của thành, đến ngồi bên sông, là nơi chúng ta tưởng rằng người ta nhóm lại đặng cầu nguyện, chúng ta ngồi xong, giảng cho những đờn bà đã nhóm lại "(Công 16:13).
Những phụ nữ này trở thành những thành viên sáng lập ra Hội thánh tại Philíp. Hãy đọc Phil 4:1-3. Ở đây những người phụ nữ được nói đến như là những người "đã thông công với Phaolô trong sự tấn tới của đạo Tin lành ". Chắc chắn là sự tranh cãi xảy ra giữa vòng những phụ nữ này là sự xung đột phát sinh từ vai trò lãnh đạo của họ.
Câu chuyện về người phụ nữ đặc biệt này được xem xét. Bà là người trở lại đạo Chúa đầu tiên tại Châu Âu: "Có một người trong bọn đó nghe chúng ta, tên là Lydi, quê ở thành Thiarơ, làm nghề buôn hàng sắc tía, vẫn kính sợ Đức Chúa Trời. Chúa mở lòng cho người, đặng chăm chỉ nghe lời Phaolô nói" (Công 16:14).
Rõ ràng đây là một phụ nữ khá giàu có. Bà có một căn nhà đủ rộng để ngoài người trong gia đình ra còn có thể dành chỗ cho Phaolô và Sila."Khi người đã chịu báp têm với người nhà mình rồi, thì xin chúng ta rằng: Nếu các ông đã đoán tôi là trung thành vì Chúa thì hãy vào nhà tôi, mà ở tại đó, rồi người ép mời vào "(16:15).
Sau đó, khi làm chức vụ tại thành Philíp, Phaolô và Sila bị bỏ tù. Trận động đất khiến họ được tự do và Lydi đã đón những sứ đồ bị đánh đập và thương tích này về nhà để họ nghỉ ngơi cho lại sức."Khi ra ngục rồi, hai sứ đồ vào nhà Lydi thăm và khuyên bảo anh em, rồi đi " (16:40).
Trong các tác phẩm của sử gia Eusebius, ông cho thấy bà Lydi lãnh đạo Hội thánh ở Philíp trong một thời gian. Có thể Lydi là người được nhắc đến trong câu sau đây:"Hỡi kẻ đồng liêu trung tín, tôi cũng xin anh giúp hai người đàn bà ấy, nhơn hai bà cùng tôi đã vì đạo Tin lành mà chiến đấu " (Phil 4:3).
Là người buôn lụa sắc tía (màu của hoàng gia trong các quốc gia phương tây), người ta cho rằng bà có những sự giao tiếp rộng rãi với những gia đình có ảnh hưởng lớn nhất trong đế quốc La Mã. Bà sử dụng lợi thế này để rao truyền Phúc Âm cho những gia đình giàu sang, có thế lực chính trị to lớn.
Lydi thật sự giống như người nữ tài đức trong Châm 31:1-31.
Bà là người được nói phải giải bày "đạo Đức Chúa Trời cho càng kỹ lưỡng hơn nữa " cho Abôlô (Công 18:24-28). Thật là kỳ lạ vì Abôlô được Kinh thánh mô tả như là một "tay khéo nói và hiểu Kinh thánh " (18:24) và còn kỳ lạ hơn nữa khi Hội thánh thời nay lại cấm phụ nữ nói trong một số Hội thánh.
"Ngày mai, chúng ta ở nơi đó đi đến thành Sêsarê; vào nhà Philíp, là người giảng Tin lành, một trong bảy thầy phó tế, rồi ở lại đó người có bốn con gái đồng trinh hay nói tiên tri "(Công 21:8, 9).
Rõ ràng là Philíp không biết là phụ nữ không được phép cầu nguyện và nói tiên tri theo như sự giảng dạy của Hội thánh ngày nay. Gia đình đáng mến của ông là mẫu mực của sự tin kính và sự làm theo mệnh lệnh của Chúa.
Tôi chắc Philíp ắt phải biết lời hứa "Ta sẽ đổ Thần Ta trên dòng dõi ngươi và phước lành Ta trên những kẻ ra từ ngươi " (Ês 44:3).
"sau đó, Ta sẽ đổ Thần Ta trên cả các loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri "(Giôên 2:28).
"Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần Ta khắp trên mọi loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói lời tiên tri "(Công 2:17).
Phierơ trả lời rằng: "Hãy hối cải, ai nấy phải nhơn danh Đức Chúa Giêxu chịu phép báp têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho của Đức Thánh Linh. Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi "(2:38, 39).
Chắc chắn Philíp đã nhận những lời hứa Kinh thánh này cho các con gái của ông và sự xức dầu tiên tri đến trên họ. Những con gái của Philíp đã làm điều Kinh thánh dạy- họ nói tiên tri.
Trong Hội thánh Xencơrê, có một nữ chấp sự tên là Phêbê, người được Phaolô nói "đã giúp nhiều kẻ và cũng giúp tôi nữa "(Rô 16:2). Sử gia Eubesius nói bà trông coi hai Hội thánh và đi đây đi đó rất nhiều khi làm chức vụ.
Giunia là một tên người nữ trong tiếng Hy Lạp. Bà cũng được gọi sứ đồ. "Hãy chào Antrônicơ và Giunia là hai người có danh vọng trong các sứ đồ "(16:7).
Xin lưu ý tiếng Hy Lạp HOS, dịch ra tiếng Anh là WHO bao gồm cả giống cái giống đực. Vì vậy khi Phaolô nói "là hai người có danh vọng trong các sứ đồ thì ông nói về Antrônicơ lẫn GIUNIA.
Từ HOS của Hy Lạp cũng được dùng trong câu: "Vì các bà thánh xưa kia, trông cậy Đức Chúa Trời... "(IPhi 3:5).
Đây là một bằng chứng đầy thuyết phục, một trong 22 vị sứ đồ được kể đến trong Tân Ước là một phụ nữ.
Êyôđi và Sintycơ là những nhà lãnh đạo thuộc linh tại Philíp, Phaolô nói:"Xin anh giúp hai người đàn bà ấy, nhơn hai bà ấy cùng tôi đã vì đạo Tin lành mà chiến đấu, Cơlêman và các bạn khác đồng làm việc với tôi cũng vậy "(Philíp 4:3;)
Khi Phaolô nói về những người phụ nữ này như "những người đồng làm việc "thì điều này có nghĩa là họ đang làm một công việc tương tự với công việc của Phaolô.
"Trưởng lão đạt cho bà cùng con cái bà mà tôi thật yêu dấu "(IIGiăng 1:1;;).
Khi suy gẫm về lá thư của sứ đồ Giăng gửi cho BÀ yêu dấu, thì dường như bà là một lãnh đạo thuộc linh khá quan trọng và quyền uy.
Từ "bà" (lady) là tiếng KURIA của Hy Lạp, giống cái của chữ KURIOS - có nghĩa là một danh xưng đáng tôn trọng " có uy quyền" (trong ngữ cảnh này có lẽ nói đến bà như là một mục sư chủ trì trong Hội thánh họp tại nhà bà).
Giăng trao cho bà trách nhiệm bảo vệ giáo lý thanh liêm mà bà giảng dạy (và ngầm ý cho Hội thánh nhóm họp tại nhà bà).
"Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà và đừng chào hỏi họ "(IGiăng 1:10).
Đây là vai trò thường giao cho một TRƯỞNG LÃO trong Hội thánh (Công 20:17; 28:31). Người ta chỉ có thể kết luận là bà giữ vai trò của một trưởng lão hay một mục sư chủ trì.
Hội thánh tại Thiatirơ nhận lời cảnh báo nghiêm khắc từ Đấng Christ phục sinh. "Nhưng điều ta trách ngươi, ấy là ngươi còn dung cho Giêsabên, người nữ ấy xưng mình là tiên tri, dạy dỗ và phỉnh phờ tôi tớ ta, đặng rủ chúng nó phạm tà dâm và ăn thịt cúng thần tượng "(Khải 2:20)
Chúng ta có thể rút ra nhiều bài học từ điều này:
Nếu Chúa Giêxu và các sứ đồ không cho phụ nữ làm tiên tri trong Hội thánh, thì tại sao Hội thánh đó lại có một tiên tri? Lời khiển trách là dành cho sự vô đạo đức và sự kết hợp với thần tượng, chứ không phải sự xưng mình là tiên tri.
Nếu Chúa Giêxu và các môn đồ không cho phép phụ nữ"dạy dỗ "trong Hội thánh thì làm sao Giêsabên dạy được? Lời khiển trách là cho sự dạy dỗ sai trái, chứ không phải cho sự kiện bà dạy dỗ trong Hội thánh.
Từ tất cả những bằng cớ nêu trên, người ta chỉ có thể đưa đến kết luận như sau: Trong Kinh thánh thì ưu thế lãnh đạo nghiêng về phía nam nhiều hơn. Tuy nhiên, những phụ nữ được chọn lựa, được xức dầu, được thánh hóa, không hề bị ngăn cản trong những vai trò lãnh đạo hay trong những chức vụ theo sự kêu gọi hay ân tứ Chúa ban.
Chúng ta có dám chống lại cả núi bằng cớ trong Kinh thánh để mà giữ lại truyền thống Hội thánh và tước bỏ của phụ nữ sự tự do cũng như sự bày tỏ đúng đắn theo Kinh thánh không?
Một số đoạn gây vấn đề trong thư của Phaolô sẽ được thảo luận trong chương tới.
Đức Chúa Trời phán với người nam "loài người ở một mình thì không tốt ".
Rõ ràng là Đức Chúa Trời không hề định để người nam ở một mình. Ngay từ buổi bình minh của lịch sử loài người, ý muốn của Chúa cho người nam là có một người nữ để giúp đỡ, ở bên cạnh và họ sẽ chia xẻ với nhau, làm việc và sống bên nhau- một đơn vị dưới Đức Chúa Trời.
"Đây chính là sự đồng hành, bao gồm sự hợp tác, làm việc bên nhau, thờ phượng và cầu nguyện cùng nhau, đồng hầu việc, đồng chăn bầy cũng như cùng nhau chinh phục các linh hồn".
"Ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ ".
Những người nam Cơ Đốc hãy biết rằng vợ của họ là những người giúp đỡ họ trong cuộc sống, chứ không phải là nô lệ hay đầy tớ là người vợ, người cùng chia xẻ, bạn đồng hành.
"Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho Ađam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lắp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi Ađam làm nên một người nữ, đưa đến cùng Ađam. Ađam nói: "Người này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra "(Sáng 2:21, 23).
Đây là cách mà một người nam phải nghĩ về vợ mình và người nam phải yêu vợ như yêu chính mình (Êph 5:28, 29).
Ađam nói: "Người này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người này sẽ được gọi là người nữ. Vì do nơi người nam mà có. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác "(Sáng 2:23, 24).
Đây là ý chỉ của Đức Chúa Trời cho người nam và người nữ. Đây là sự đồng hành trong yêu thương. Hôn nhân là tình trạng hạnh phúc của hai người nam nữ, là chia sẻ cuộc sống với nhau trong tình yêu thương. Đó chính là ý định của Đức Chúa Trời.
"Bởi vậy, cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình và cả hai sẽ nên một thân xác "(2:24).
Luật pháp của Kinh thánh không cho phép một người nữ hay người nam độc thân có quan hệ tình dục. Người nữ phải còn đồng trinh cho tới sau lễ cưới. Trong thời Cựu Ước, nếu người nào có thể chứng tỏ người nữ không còn đồng trinh khi làm đám cưới thì nàng sẽ bị đem đến cửa nhà của cha mình và sẽ bị những người nam trong thành ném đá cho đến chết. (Phục 22:20-21).
Trong thời Tân Ước, Chúa Giêxu bày tỏ sự thương xót cho những người phạm luật đạo đức nói trên. Ngài tha thứ và phục hồi địa vị họ với lời khuyên này:"Hãy đi, đừng phạm tội nữa "(Giăng 8:11).
Tình dục là một phần quan trọng trong đời sống hôn nhân. Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho quan hệ tình dục phải được vui hưởng đúng chỗ và giữa những người thích hợp, tức là những người bạn đời qua hôn nhân.
Người Do Thái cảm xúc mạnh mẽ về điều này đến độ một người nam mới lập gia đình được miễn những bổn phận quân sự và công việc trong nguyên một năm để anh ta có the"...vui vẻ cùng vợ mà mình mới cưới "(Phục 24:5).
Điều hạn chế duy nhất là người chồng và người vợ không được có quan hệ tình dục trong thời kỳ kinh nguyệt (Lê 18:19).
Tình dục phải được cả người vợ lẫn người chồng vui hưởng. Đức Chúa Trời nói với Êva:"Sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng và chồng sẽ cai trị ngươi "(Sáng 3:16).
Trong Nhã ca, người nữ rất táo bạo, hôn chồng rồi dẫn chồng vào phòng ngủ. Nàng bày tỏ tình yêu với chồng một cách nồng nhiệt và thúc giục chồng vui hưởng mối quan hệ xác thịt (Nhã 1:2; 2:3; 3:6; 8:10; 8:14).
Trong thời Tân Ước, có một sự bất đồng ý kiến trong Hội thánh Côrinhtô về vai trò của tình dục. Một số người dường như chạy theo quan điểm Hy Lạp (mọi quan hệ tình dục đều được chấp nhận kể cả thông dâm, ngoại tình, mãi dâm và quan hệ đồng tính luyến ái).
Một số người khác thì nghĩ rằng tình dục là tội lỗi và người ta không nên có quan hệ tình dục dù với vợ hay chồng (xem ICôrinhtô 7).
Phaolô nhắc nhở người Côrinhtô là ngoại tình và đồng tính luyến ái là tội lỗi và cần phải tránh (ICôr 6:9-11).
Nhưng ông nói rằng vợ chồng phải vui hưởng tình dục Chúa ban. Phaolô dạy rằng"Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình bèn là vợ.
Đừng từ chối nhau, trừ ra khi hai bên ưng thuận tạm thời, để chuyên việc cầu nguyện, rồi trở lại hiệp cùng nhau, kẻo khi quỉ Satan thừa khi anh em không thìn mình mà cám dỗ chăng! " (7:3-5).
Ađam và Êva rất thỏa lòng, họ yêu nhau. Họ nên một thịt. Nhưng rồi người đàn ông đầu tiên và người đàn bà đầu tiên đã không vâng lời và tội lỗi của họ đã đem đến hình phạt của luật pháp Ngài: "Linh hồn nào phạm tội sẽ chết... " (Êxê 18:20).
Họ bị đuổi khỏi vườn Êđen vì họ không thể sống dưới sự hiện diện của Đức Chúa Trời sau khi đã phạm tội.
Họ trở thành nô lệ và vâng phục Satan. "Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em đã nộp mình làm tôi mọi đặng vâng phục kẻ nào, thì là tôi mọi của kẻ mình vâng phục hoặc của tội lỗi đến sự chết hoặc của sự vâng phục để được nên công bình hay sao? "(Rô 6:16). Ađam và Êva đã có một chủ mới và đó là lý do tại sao rắc rối xảy ra.
Trong lòng của người nam và người nữ, dục vọng bắt đầu chiếm chỗ của tình yêu. Ham muốn và tội lỗi chiếm chỗ của sự tốt lành. Những ham muốn xấu xa bắt đầu lộ ra.
Hàng thế kỷ trôi qua, vì người nam có tầm vóc lớn hơn và cơ bắp khỏe hơn, sự xấu xa trong lòng đã khiến họ biến người nữ thành nô lệ cho họ.
Thay vì đáp ứng nhu cầu yêu thương, giúp đỡ và bầu bạn để bảo vệ và chăm sóc, thì người nam lại hạ thấp xem thường thân thể của người phụ nữ chỉ vì muốn thỏa mãn dục vọng của mình.
Cảm ơn Đức Chúa Trời vì sự phục hồi đã được cung cấp cho tình trạng sa ngã của người nữ (người nam) này, tức là sự cứu chuộc mà qua đó người nữ được phục hồi lại vị trí đúng đắn của mình bên cạnh người nam.
Đó là trong sự chết và sự hy sinh của Chúa Giêxu Christ. Ngài đến để gánh lấy tất cả những hậu quả tội lỗi của chúng ta, của những người nam cũng như của những người nữ. Ngài đến để chuộc tất cả chúng ta lại vị trí của chúng ta với Đức Chúa Trời và với nhau.
Trong Mat 19:3-9 Chúa Giêxu đưa ra tiêu chuẩn của Ngài cho mối quan hệ của người nam, người nữ. Những người Do Thái thời Chúa Giêxu có một tiêu chuẩn thấp hơn của Môise và sau đó là những lời giải thích và dạy dỗ theo Talmudic.
Chúa Giêxu giải thích rõ ràng là những truyền khẩu đó không thể hủy bỏ được mục đích ban đầu của Đức Chúa Trời dành cho người nam và người nữ. Ngài đến là để thiết lập lại mục đích và dự định ban đầu của Đức Chúa Trời. "Ngài phán rằng: Vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môise cho phép để vợ, nhưng lúc ban đầu không có như vậy đâu"
Các nhà thần học không nhấn mạnh sự kiện rằng công việc cứu chuộc của Đấng Christ là phục hồi mục đích ban đầu của Đức Chúa Trời và phục hồi lại vị trí ban đầu của người nữ là ở bên cạnh người nam. Vì vậy họ thường cấm phụ nữ phát biểu trong hội thánh.
Cách đây khoảng 2000 năm Chúa Giêxu đã đánh giá cao người phụ nữ, nhưng ngày nay theo truyền thống của hội thánh thì phụ nữ bị cấm giảng hay dạy dỗ.
Sự ủng hộ của các nhà thần học cho sự hạn chế này là dựa trên một số lời dạy dỗ của sứ đồ Phaolô về sự sữa chữa thói lạm dụng ở giữa vòng những người nữ mới được tự do (phần lớn là những người nữ thất học). Phaolô chỉ đơn giản củng cố những luật cơ bản của phép xã giao và phép lịch sự.
Cho phụ nữ tự do cầu nguyện và nói tiên tri trong các buổi nhóm tôn giáo là điều quá mới lạ đến nỗi gây ra nan đề trong những Hội thánh có người Do Thái lẫn Người Ngoại nhóm chung.
Thật không dễ dàng chút nào cho những Cơ Đốc Do Thái đầu tiên chấp nhận sự bình đẳng thuộc linh mới mẽ này cho phụ nữ. Ý kiến cho phụ nữ tham dự vào các nghi thức tôn giáo thật là quá lạ lùng đến nỗi trở nên hết sức phạm thượng. Phụ nữ thậm chí không được phép ở trong sân thờ phượng trong đền thờ của người Do Thái.
Những người Do Thái quay trở lại tin nhận Đấng Christ rất trung thành với những thói quen cũ. Tín đồ Do Thái vẫn còn giữ luật pháp về thức ăn trong thời Cựu Ước (xem phần 500 năm giữa Tân Ước và Cựu Ước).
Họ tiếp tục làm phép cắt bì, và thậm chí ra lệnh cho những giáo sư Do Thái đi ra giữa vòng người ngoại buộc người ngoại phải chịu phép cắt bì. Vì vậy phụ nữ được phép phát biểu trong hội thánh chắc chắn là điều khiến họ bực mình.
Truyền thống Do Thái cấm phụ nữ phát biểu trong nhà hội. Trong khi đó không có thẩm quyền nào của Kinh Thánh nói về những luật như thế, những tín đồ Do Thái vẫn còn khăng khăng giữ truyền thống tôn giáo của họ.
Việc sắp xếp chỗ ngồi nơi nhóm họp là một phong tục còn sót lại trong đền thờ của người Do Thái. Luôn luôn có một sân dành cho phụ nữ vì phụ nữ thường bị giới hạn tại các hàng cuối của các nhà hội nơi những lời trò chuyện bép xép của họ không gây phiền toái cho buổi thờ phượng thiêng liêng.
Những người nam, vốn sẵn là những công cụ thiêng liêng của Đức Chúa Trời chiếm khu vực chính nơi họ có thể thực hành sự thờ phượng thiêng liêng, hướng dẫn những buổi nhóm họp, tranh cãi, thảo luận về những vấn đề thông thường, công việc làm ăn, vấn đề, và hành lễ.
(Có nhiều Hội thánh trong một số quốc gia, Ai Cập chẳng hạn, vẫn cho phụ nữ ngồi riêng).
Vào thời Phaolô, phụ nữ thường chỉ được xem là hơn những bất động sản của con người một chút. Họ thường thất học, thiếu văn hóa và thiếu khôn ngoan.
Trong thời cách mạng Cơ Đốc mới, những người nam Do Thái mới quay lại đạo chấp nhận một cách hằn học sự kiện là phụ nữ có thể được cứu.
Nhưng hãy xem những thành kiến đối với phái nữ, thật là một nỗi thống khổ tinh thần để hợp nhất họ lại trong nơi thánh và những "tạo vật thấp kém" này phát biểu hay dạy là điều không cần bàn cãi đến nữa. Sự cao trọng của nam giới không chịu được mức độ sỉ nhục này.
Sự tự do của phụ nữ trong Đấng Christ mới được khám phá ra đã xung đột trực tiếp với hệ thống Do Thái cũ và kết quả là một hàng rào rõ rệt giữa nam và nữ trong cộng đồng những Cơ Đốc Nhân thời đầu tiên.
Điều làm cho mọi sự tệ hơn là phụ nữ thường không được giáo dục và họ có khuynh hướng khoe khoang sự tự do mới tìm được, giống như những người bị đàn áp được giải phóng cách bất ngờ.
Trước đây họ bị giữ ở bên sân dành cho họ, bây giờ họ có thể bước vào bên trong nơi họ có thể nhìn và nghe thấy mọi điều.
Thật là một điều hấp dẫn, kích thích tâm trí họ. Một số thì nói thẳng thắn, một số thì ồn ào, náo nhiệt, số khác thì tò mò, tọc mạch, đây là một chiều hướng mới mẻ. Nhưng sự hiện diện và tính ba hoa của họ là một sự xúc phạm đến những người nam Do Thái đã bị căng thẳng bởi sự tự do mới mẻ này cho phép phụ nữ bước vào trong cộng đồng của những người thờ phượng.
Khi những phụ nữ này nghe được những sự thảo luận trong Hội thánh thì một số đã không kềm chế được mà réo gọi chồng mình để nhờ giải thích, có người thì phản đối một vấn đề nào đó hay tham dự vào cuộc thảo luận, đưa ra câu hỏi và nhiều khi nói ra một lời tiên tri hay một lời giải thích, thường thì một cách rất hỗn độn, từ chỗ ngồi của phụ nữ la to lên để phía nam có thể nghe được.
Xin nhớ rằng sự náo nhiệt này là sự bày tỏ của những phụ nữ được giải phóng đầu tiên trên thế giới. Họ chưa được huấn luyện hay đưa vào kỷ luật trong vai trò tự do mới mẻ này trong Đấng Christ. Lần đầu ngồi trong nhà hội, nghe và nhìn thấy mọi điều là một kinh nghiệm quá lớn lao đối với họ. Họ chưa học cách tự kiềm chế và vì vậy họ tuôn ra những gì họ nghĩ hoặc cảm thấy.
Phaolô đang cố để thiết lập một ít trật tự và sự trang nghiêm trong sự tự do mới mẽ này của các Cơ đốc nhân. Đối với ông thật là một điều không thích hợp khi những phụ nữ này phô trương sự tự do của họ và nói lớn tiếng từ hàng ghế cuối dành cho phụ nữ. Việc phụ nữ đặt câu hỏi hay khẳng định sự tự do mới mẻ của họ bằng cách nói tiên tri hay tranh cãi về các học thuyết thật không đúng đắn chút nào. Việc phụ nữ dạy cho nam giới những ý tưởng mà họ cho là được mặc khải là điều rất khác thường.
Việc trẻ con kêu khóc và phụ nữ kêu la để cho phái nam chú ý đến là một sự bày tỏ gây hổ thẹn và gây ngăn trở cho những người nam Do Thái mới quay trở lại đạo. Phaolô biết một số việc mà cần phải thực hiện đó là những phụ nữ này đang khai thác sự tự do mới của họ và họ phải học để thích ứng với vai trò mới được giải phóng trong Đấng Christ.
Chính trong hoàn cảnh này mà Phaolô đã đưa ra những sự dạy dỗ liên quan đến thái độ của phụ nữ trong một buổi nhóm tại Hội thánh.
Để cho những phụ nữ năng nổ và chưa được huấn luyện này đứng lên làm rối loạn Hội thánh thì chẳng lịch sự hay thích hợp chút nào. Một số quá nóng nảy đã thảo luận với nam giới nơi công cộng thuyết phục dư luận bằng cách đưa ra những quan điểm của mình cách công khai.
Hãy tưởng tượng sự náo loạn một phụ nữ nhà quê cứng cõi có thể gây ra trong một tình huống như vậy.
Tôi có thể hiểu được điều này vì tôi đã đến nhiều nước nơi phụ nữ vẫn còn bị trói buộc bởi những luật lệ của bộ tộc, bị mua bán như súc vật và bị đàn ông sở hữu và sử dụng. Trong nhiều lãnh vực phụ nữ bị cấm tham gia vào những nghi lễ tôn giáo hay tham dự một buổi lễ tế thần. Họ bị áp bức và không có tự do ngôn luận.
Ngày nay, trong nhiều quốc gia khi những người này quay trở lại tin nhận Chúa và khi những phụ nữ này khám phá ra sự tự do mới trong Đấng Christ, thì đây chính là lúc họ điều chỉnh vai trò mới của họ như là một phụ nữ cơ đốc được tự do.
Trong một số khu vực chậm phát triển tôi đã thấy sự náo loạn mà Phaolô đã từng trải. Tôi đã phải bảo những phụ nữ miền quê om sòm và ít học im lặng đợi cho đến khi nào về nhà rồi hãy thảo luận vấn đề. Để cho những phụ nữ ngực trần, đương cho con bú đứng lên bàn cãi một vấn đề với những cử chỉ ở ngoài chợ thì thật không thích hợp chút nào.
Trong một số vùng theo đạo Hồi, nơi phụ nữ phải che mặt vì đối với họ để cho bất cứ một người đàn ông nào khác ngoài chồng nhìn thấy mặt là điều xấu hổ, thì họ không được thoải mái nơi công cộng.
Nhiều lần tôi đã nói với những người nam theo đạo hồi đem theo vợ và đó là một kinh nghiệm kỳ lạ đối với những phụ nữ này.
Tôi đã nhìn thấy họ quá khích động bởi sứ điệp Tin lành đến nỗi họ làm xáo trộn buổi nhóm của chúng tôi bởi sự thảo luận ồn ào của họ, gọi chồng để đặt câu hỏi và yêu cầu giải thích điều tôi chia sẻ.
Đây là một tình huống mà Phaolô phải đối diện và ông đã phải đưa ra phương cách thực tế để giúp Hội thánh tránh khỏi sự phân rẽ và sự nhục nhã.
Một đoạn Kinh thánh dùng để cấm phụ nữ nói được tìm thấy trong ICôr 14:34-35. Theo bản dịch của King James:"Đàn bà phải nín lặng trong đám hội của anh em, họ không có phép nói tại nơi đó nhưng phải phục tùng như luật pháp dạy. Nhược bằng họ muốn học khôn điều gì, thì mỗi người trong đám họ phải hỏi chồng mình ở nhà, bởi vì đàn bà nói lên trong Hội thánh là không hiệp lẽ ".
Nếu đây là ý định của Phaolô để cấm phụ nữ mở miệng hay sử dụng tiếng nói của mình trong buổi thờ phượng tại Hội thánh thì rõ ràng trái ngược với lời dạy dỗ của ông trong các chương trước.
Trong chương 11 của thư này, Phaolô đã dạy rất rõ về cách thức mà phụ nữ (hoặc nam giới) phải cầu nguyện và nói tiên tri.
Sau những lời chỉ dẫn rõ ràng về việc phụ nữ tham dự vào nghi lễ ở Hội thánh, không lẽ Phaolô lại trở ngược lại hủy bỏ những lời dạy dỗ đó mà khóa miệng phụ nữ sao? Đương nhiên là không! Điều này không hợp lý chút nào.
Nếu muốn hiểu điều Phaolô dạy người Côrinhtô thì cần phải giải thích 3 từ trong đoạn trên. Đó là phụ nữ, nói (speak) và nói (said).
Từ "phụ nữ" trong đoạn này là từ Hy Lạp "gune". có nghĩa là người vợ. Đây là lời chỉ dẫn đặc biệt dành cho những người vợ.
Từ "nói" là từ Hy Lạp "Laleo" có nghĩa là bài nói chuyện dài dòng; lateo còn có nghĩa phô trương và gọi to (một người nào ở phía bên kia của phòng) mà không có sự tôn trọng người khác.
Ngược lại với từ Lateo, "said" đến từ tiếng Lego có nghĩa trình bày (một ý tưởng hay giáo lý) một cách có hệ thống.
Lego được khuyến khích, còn Laleo không được khuyến khích.
Dịch diễn ý thì hai câu trên sẽ như sau: Đừng để cho những người vợ cắt ngang buổi nhóm của Hội thánh với một bài nói chuyện dài dòng, khoe khoang hay gọi người nọ người kia một cách mất trật tự không tôn trọng người khác vì họ không được phép làm như vậy, nhưng họ phải phục tùng như luật pháp dạy (lego). Nếu họ muốn học khôn thì hãy hỏi chồng ở nhà với vì đàn bà nói (Laleo) trong Hội thánh là không hợp lẽ.
Tôi đã ở Ysơraên nhiều năm và làm mục sư cho một hội chúng nói tiếng Arabic, lần kia đang nửa bài giảng, có một phụ nữ bắt đầu nói lớn tiếng với một phụ nữ khác, họ đối đáp nhau trong nhiều phút. Tôi phải ngừng lại và đợi họ.
Tôi hỏi người phiên dịch: "Họ đang nói chuyện gì vậy?". "Ồ", ông ta đáp: "Bà này đang hỏi giá trứng gà và những loại rau khác nhau và bà kia trả lời".
Lúc đó tôi nhã nhặn yêu cầu người phụ nữ ngồi xuống và giữ yên lặng. Rồi tôi ra lệnh cho Hội thánh đó: "Đàn bà phải nín lặng trong Hội thánh. Nếu không tôi sẽ mời ra khỏi. Các vị đang làm gián đoạn bài giảng và biểu lộ sự bất kính đối với Lời của Đức Chúa Trời cũng như đối với người khác trong Hội thánh.
Qua kinh nghiệm này tôi hiểu rõ vấn đề mà Phaolô phải đối diện tại Hội thánh Côrinhtô.
Ông không chối bỏ những biểu lộ đúng đắn của phụ nữ trong chức vụ cầu nguyện, tiên tri, chữa bệnh hay những chức vụ khác.
Ông chỉ cố gắng đem sự lịch thiệp đến cho những phụ nữ ngoại bang ít học, chất phát có thái độ làm xúc phạm đến những thành viên uyên bác Do Thái của Hội thánh cũng như những khách mời có thể tham dự buổi nhóm. "Vậy, khi cả Hội thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói tiếng lạ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao? " (14:23).
Phaolô quan tâm đến ý kiến chung. Thái độ cư xử đúng đắn và lịch thiệp rất cần thiết trong các buổi nhóm chung ở Côrinhtô. Những người Côrinhtô quá thô lỗ, thậm chí còn say sưa trong bữa tiệc thánh (xem 11:20-26).
Những vấn đề thiếu lịch sự, không biết cách cư xử, phép lịch sự và sự đúng đắn nơi công cộng là những điều mà Phao lô dạy dỗ. Ông không hề bịt miệng phụ nữ để họ không thể nói hay tham dự vào buổi lễ ở Hội thánh.
Theo tôi biết, Montgomery là phụ nữ duy nhất đã dịch toàn bộ Tân Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh. Bà đã đưa ra lời dịch khá thú vị cho đoạn trên.
Câu 34:- Đàn bà phải nín lặng trong đám hội của anh em, họ không có phép nói tại nơi đó nhưng phải phục tùng cũng như luật pháp dạy.
Theo quan điểm của Montgomery thì khi Phaolô viết câu 36, 37, ông thách thức sự dạy dỗ của người Côrinhtô và truyền cho họ không được dạy dỗ như vậy nữa. Phaolô thách thức những quan điểm phụ nữ phải giữ im lặng.
Câu 36: Có phải đạo Đức Chúa Trời ra từ nơi anh em, hoặc chỉ đến cùng anh em mà thôi chăng? (Những câu hỏi này há chẳng hàm ý sự thách thức của Phaolô là gì?).
Câu 37: Nếu ai tưởng mình là tiên tri hay là được Đức Thánh Linh soi sáng, thì người ấy hãy biết rằng điều tôi viết cho anh em đây là mạng lịnh của Chúa (14:34-36, 37). Nói một cách khác, Phaolô muốn nói: "Hãy làm điều tôi truyền ra, đừng dạy dỗ những giáo lý sai trái về việc phụ nữ nói tại Hội thánh ".
"Cá nhân tôi tin vào những bản văn Hy Lạp ủng hộ giả thuyết đầu tiên giải thích từ Laleo - Nói.
Tuy nhiên ý kiến của Montgomery cũng có thể có giá trị. Cả hai lời giải thích đều làm sáng tỏ hơn đoạn văn đã bị hiểu lầm và áp dụng sai lạc trong nhiều Hội thánh.
Trong một thư khác, Phaolô viết: "Ta không cho phép đàn bà dạy dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn ông, nhưng phải ở yên lặng ".
Từ "dạy" là chìa khóa để hiểu vấn đề trong đoạn kinh thánh này. Tiếng Hy Lạp là "Didasralevcol" nghĩa là chỉ dẫn hay dạy dạy giáo lý.
a.Phụ Nữ Không Được Thiết Lập Giáo Lý. Phụ nữ không được quyền thiết lập các tiêu chuẩn của giáo lý. Đó là nhiệm vụ của hội đồng các sứ đồ (Công 15:1-41). "Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện " (2:42).
Hội đồng các sứ đồ đặt ra những chuẩn mực giáo lý và phụ nữ giữ chức vụ phải tôn trọng những chuẩn mực này và không dạy điều trái ngược. Luật lệ này không chỉ dành cho phụ nữ mà còn dành cho cả nam giới nữa.
"Và lời nói của họ như chùm bao ăn lan. Hymênê và Philít thật như thế, họ xây bỏ lẽ thật; nói rằng sự sống lại đã đến rồi, mà phá đổ đức tin của một vài người cách như vậy "(IITi 2:17-18). Hai người nam này xây bỏ khỏi giáo lý của các sứ đồ và bị định tội.
Một nữ tiên tri tại Hội thánh ở Thiarơ đã làm giống vậy. Hội thánh tại đó đã bị quở trách vì đã cho phép sự xây khỏi lời dạy dỗ của các sứ đồ.
Dựa vào những điều trên, chúng ta hãy thử xem một lời dịch mở rộng về vấn đề này ra sao.
"Tôi không cho phép đàn bà dạy một giáo lý nào trái với những lời dạy dỗ của các sứ đồ và qua đó cướp quyền của họ nhưng phải ở yên lặng "(ITi 2:11, 12)
Dường như Phaolô lo lắng là phụ nữ lập ra giáo lý thì thường dẫn đến sai lầm trong khi nam giới thì ít bị như vậy."Lại không phải Ađam bị dỗ dành bèn là người đàn bà bị dỗ dành mà sa vào tội lỗi " (2:14).
b.Phụ Nữ Không Được Có Quyền Trên Nam Giới. Một bản dịch khác của câu này ủng hộ sự giải thích trên "nhưng tôi không cho phép một người nữ dạy một người nam hay cướp quyền của người nam "(2:11, 12), lối dịch này sẽ chính xác nếu dấu phẩy (,) không có trong câu đó (giống trong bản King James). Vấn đề là - trên người nam - có nghĩa là có quyền trên người nam. Xin đọc ICôr 11:1-3 để nhận định thêm về điều này.
Để kết luận xin hãy xem xét điều sau. Dù có quan điểm nào đi chăng nữa thì chắc chắn ý tưởng phụ nữ ngồi trong buổi nhóm và không dự phần vào thì hoàn toàn không phù hợp với Kinh thánh đã được trình bày và đã chứng minh điều ngược lại.
Phụ nữ phải chia xẻ chức vụ chinh phục linh hồn. Cầu nguyện, nói tiên tri, phép lạ và làm chứng cho Đấng Christ cũng dành cho phụ nữ nữa. Tôi không thấy trong Kinh thánh có sự khác biệt nào giữa người nam và người nữ trong việc thi hành chức vụ miễn cả hai theo đúng những giới hạn đã giải thích phía trên.
Điều này quan trọng vì phụ nữ là một đội quân chinh phục linh hồn rất hùng hậu có thể chia sẻ chức vụ rao truyền Tin lành theo mạng lệnh của Đấng Christ.
Trong nhiều tổ chức của Hội thánh, phụ nữ bị cấm nói hay dạy dỗ do một vài câu giải thích nào đó của Phaolô. Những lời dạy dỗ thực tế này rất cần thiết vì những hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ với những Hội thánh của thế hệ chúng ta.
Phaolô viết cho Tít và dạy dỗ Tít về vai trò của phụ nữ như là những giáo sư.
"Các bà già cũng vậy... phải dạy đàn bà trẻ tuổi biết yêu chồng con mình, có nết na trinh chánh, trông nom việc nhà, lại biết ở lành, vâng phục chồng mình, hầu cho Đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê bai nào "(Tít 2:3-5).
Chúng ta lưu ý là từ "dạy dỗ " sử dụng trong lời khuyên với phụ nữ cũng chính là từ Hy Lạp (didakilos) được sử dụng khi nêu ra những đức tính của một giám mục hay trưởng lão (xem ITi 3:2; IITi 2:24) là "có tài dạy dỗ ".
Nếu Hội thánh bạn cứ khăng khăng đòi bịt miệng phụ nữ "trong Hội thánh "thì không hề có truyền thống hay lời dạy nào trong Kinh thánh giới hạn chức vụ của phụ nữ Cơ Đốc NGOÀI NƠI THÁNH và đó chính là nơi mà chức vụ chinh phục linh hồn có hiệu quả nhất.
Vợ của một nhà truyền giáo nổi tiếng đã nêu những câu hỏi sau:
Tại sao phụ nữ lại cảm thấy bị hạn chế trong chức vụ chỉ vì họ không được nói trong Hội thánh?
"Sứ điệp Cơ Đốc cũng như lời làm chứng và chức vụ của phụ nữ cần thiết cho bên ngoài nơi thánh hơn là bên trong, gấp cả đến triệu lần".
"Phụ nữ không cần cảm thấy bị coi thường khi không được phép nói trong Hội thánh. Chức vụ và sứ điệp của phụ nữ có giá trị nhiều nhất LÀ NƠI CÓ CÁC TỘI NHÂN.
Vậy thay vì than phiền về những góc nhỏ nơi chúng ta bị giới hạn, các chị em phụ nữ ơi, hãy ngước mắt lên và nhìn ra cánh đồng của TOÀN THẾ GIỚI nơi mà những lời diễn giải truyền thống về sự cấm đoán của Phaolô không được áp dụng.
Nếu chúng ta cảm thấy bị bắt buộc tuân theo những giới hạn tại các buổi nhóm của Hội thánh thì chúng ta có cảm thấy bị bắt buộc tuân theo Chúa Giêxu Christ ở bên ngoài nơi thánh không? Vậy, chúng ta nên tuân theo truyền thống hơn là Đấng Christ sao?
Vậy, nơi đâu là những giới hạn cho phụ nữ?
Truyền thống nói: "Một phụ nữ có thể dạy lớp Trường Chúa Nhật hay những nhóm học và thậm chí có thể đứng giữa Hội thánh làm chứng về những gì Chúa đã làm cho người ấy. Có những người cho phép phụ nữ đi làm giáo sĩ tại một quốc gia khác hay chăm sóc tại nhà, nhưng người ấy không được truyền giảng hay giảng dạy".
Nhưng chúng ta phải thận trọng kẻo không thì chúng ta bắt đầu chẻ sợi tóc ra làm bốn. Ví dụ: Nếu một phụ nữ có thể ra ngoài Hội thánh và làm chứng, người ấy có được nói về Kinh thánh trong bài làm chứng không? Nếu vậy thì nói đến mức độ nào sẽ bị coi là đang truyền giảng.
Nếu phụ nữ được làm chứng thì bà có thể lên cao giọng đến mức độ nào để bài làm chứng không biến thành bài giảng đạo?
Nếu một phụ nữ có thể làm chứng cho một tội nhân, nếu như có một nhóm tụ tập lại thì bà có thể làm chứng cho 10 hay 100 hay 1000. Đến lúc nào thì bài làm chứng sẽ vượt qua những giới hạn dành cho phụ nữ. Có bao nhiêu người nhóm lại thì bà phải im tiếng và gọi một người nam nói tiếp.
Nếu bà có thể làm chứng cho một tội nhân trong xe điện ngầm hay tại nhà riêng thì bà có thể làm chứng cho một người ở trên lề đường, trong công viên hay trong một cái lều mà bà định dựng lên không? Đến mức độ nào thì sự làm chứng của bà bị cấm?
Nếu đang làm chứng trên một lối đi thì có một nhóm tụ tập lại. Bà có thể đứng lên một tảng đá để những người khác cùng nghe được không? Giả sử bà đang làm chứng ở lề đường. Bà có thể leo lên những bực thang gần đó và nói to hơn để những người khác có thể nghe được không?
Nếu vậy bà có thể leo lên cái hộp hay cái ghế hoặc cái bục. Một cách chính xác người phụ nữ có thể nói lớn tiếng đến mức độ nào hay đứng cao đến đâu thì vượt qua giới hạn bị cấm đoán đối với phụ nữ và xâm nhập vào lãnh vực thiêng liêng của đàn ông?
Nếu bà có thể cầu nguyện với một tội nhân thì bà có thể cầu nguyện với 2, 10 hay 100 tội nhân một lần được không? Bao nhiêu thì sẽ là quá nhiều đối với một phụ nữ.
Nếu một phụ nữ có thể làm chứng thì cũng có thể dạy hay truyền giảng không? Sự khác biệt là gì? Ai là người muốn chẻ sợi tóc giữa làm chứng, giảng đạo, dạy đạo, truyền giảng hay nói, để phụ nữ có thể biết họ phải vâng lời Chúa Giêxu BÊN NGOÀI NƠI THÁNH y như là họ phải vâng theo các truyền thống BÊN TRONG nơi thánh.
Không lẽ ngày nay đội quân phụ nữ Cơ Đốc có văn hóa, có giáo dục, có phẩm chất lại phải lặng yên không rao truyền Tin lành chỉ vì hai lời dặn của Phaolô đối với một nhóm phụ nữ thiếu văn hóa, thiếu giáo dục cứ nói lớn tiếng với chồng mình từ cuối hàng của Hội thánh về những vấn đề mà vào lúc đó họ chưa đủ kiến thức để thảo luận sao?
Những phụ nữ Cơ Đốc ngày nay lại phải chịu giới hạn bởi những phong tục cổ xưa sao?
Tôi thấy thật vô lý khi khóa tay một đội quân phụ nữ Cơ Đốc. Dường như chúng ta đang để mặc những linh hồn tội lỗi xuống địa ngục bằng cách giới hạn phụ nữ hoạt động trong lãnh vực rao truyền Tin lành trên toàn thế giới. Ngăn chặn dân sự làm chứng nhiệt tình cho Đấng Christ khi thế kỷ 20 này đang suy tàn nhanh chóng là một bi kịch.
Hàng ngàn phụ nữ Cơ Đốc mạnh mẽ sẽ sung sướng ra đi và tạo những thành tích cho Đức Chúa Trời nếu không bị ngăn chặn lại. Làm sao những người nam Cơ Đốc chúng ta có thể trả lời về huyết của hàng triệu linh hồn hư mất mà có thể được cứu qua chức vụ truyền giảng của những phụ nữ can đảm của Đức Chúa Trời nếu họ được khuyến khích ra đi.
Tôi không thể không tự hỏi: Nếu như những mệnh lệnh của Phaolô cho những phụ nữ thiếu văn hóa và ồn ào được áp dụng cho những phụ nữ có giáo dục của thế kỷ này thì tội lỗi của những phụ nữ ra đi để truyền giảng và chinh phục linh hồn,- hàng trăm, hàng ngàn linh hồn, lớn như thế nào?
Tôi muốn thách thức phụ nữ lao vào những mục tiêu to lớn cho Đấng Christ y như cách họ tổ chức và điều hành công việc kinh doanh.
Nếu như họ chinh phục được nhiều linh hồn như vậy, thì tôi xin chịu trách nhiệm về tất cả mọi tội lỗi của họ. Và tôi tin rằng có nhiều nhà lãnh đạo Cơ Đốc khác cùng đồng ý với tôi nữa.
Chúng ta hãy cùng hiệp ý để cầu nguyện cho một đạo quân của phụ nữ thuộc linh sẽ làm sạch thế giới cho Chúa Giêxu.
Một trong những câu Kinh thánh có ý nghĩa nhất được tìm thấy trong Giăng 20:18. Bản dịch "Living Bible" nói như sau: "Mari Mađơlen đi rao bảo cho môn đồ rằng mình đã thấy Chúa và Ngài đã phán cùng mình những điều đó".
Tôi không hiểu vì sao những người nam không có mặt ở đó vào buổi sáng khi Chúa chúng ta sống lại. Họ đã nghe lời Ngài. Ngài đã nói với họ là Ngài sẽ sống lại. Nhưng họ đã quá sợ hãi và nghi ngờ.
Nhưng Mari Mađơlen đã ở đó. Bà thấy Ngài và Ngài gọi tên bà. Bà được Chúa phục sinh thăm viếng.
Chúa Giêxu chọn một phụ nữ để làm người đầu tiên loan báo sự sống lại. Mari Mađơlen giảng bài giảng đầu tiên loan báo rằng Đấng Christ đã sống lại.
Sứ điệp về sự sống lại là trọng tâm của Cơ Đốc Giáo."Nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình " (ICôr 15:17). Rô 10:9, 10 đã ràng rịt sự cứu rỗi của mỗi người với niềm tin là "Đức Chúa Trời đã khiến Giêxu từ kẻ chết sống lại " và công bố sự kiện này cho toàn thế giới.
SỰ SỐNG LẠI là sứ điệp vĩ đại nhất của Hội thánh và Chúa Giêxu ra lệnh cho một phụ nữ là người đầu tiên đem sứ điệp đó đi. Ngài nói: "Nhưng hãy đến cùng anh em Ta, nói rằng Ta lên cùng Cha Ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời Ta và Đức Chúa Trời các ngươi".
Hãy thử nghĩ xem: Chúa Giêxu phái một phụ nữ đi rao báo sứ điệp vĩ đại nhất của Hội thánh CHO CHÍNH CÁC SỨ ĐỒ.
Chúng ta có thể cấm phụ nữ làm điều Chúa Giêxu bảo một phụ nữ làm không?
Chúng ta sẽ đặt ra những giới hạn cho sự làm chứng của một phụ nữ khi Chúa Giêxu đã chọn một phụ nữ để đem sứ điệp đầu tiên của Hội thánh sau khi Ngài sống lại, một sứ điệp hết sức cần thiết và mạnh mẽ của Cơ Đốc Giáo không - đó là "ĐẤNG CHRIST ĐÃ SỐNG LẠI?".
Chúng ta có dám ngăn trở phụ nữ Cơ Đốc hay hạn chế một số người có thể làm chứng, khi Đấng Christ sử dụng một phụ nữ để rao báo sứ điệp căn bản của Cơ Đốc Giáo cho chính những sứ đồ - những nhà lãnh đạo của Hội thánh. Mari Mađơlen "nói cho họ sứ điệp của Đấng Christ".
Phụ nữ Cơ Đốc có thể nào tiếp tục im lặng khi có quá nhiều phụ nữ trong Kinh thánh là sứ giả cho Đức Chúa Trời không?
Phụ nữ Cơ Đốc có dùng lời lẽ của Phaolô như là lời bào chữa cho việc mình chỉ góp phần rất ít hoặc không hề góp phần vào chức vụ truyền giảng Tin lành không? Có phải điều này thích hợp cho việc thiếu tinh thần tận hiến cũng như lòng can đảm để chinh phục linh hồn của họ không?
Phụ nữ Cơ Đốc có sẵn sàng chấp nhận quá nhiều giới hạn trong chức vụ rao truyền Tin lành của Đức Chúa Trời không, khi phụ nữ trên thế giới đang khẳng định ảnh hưởng và hiệu quả của họ trong các lãnh vực kinh doanh, khoa học, y khoa, chính trị và chính quyền?
Nếu tôi là phụ nữ, tôi sẽ muốn vâng theo những lời dạy dỗ của Chúa Giêxu Christ dành cho tôi ở thế giới bên ngoài Hội thánh ít nhất cũng phải nhiều bằng sự vâng theo truyền thống bên trong nhà thờ.
Nếu tôi là phụ nữ, tôi muốn được xem là một Cơ Đốc Nhân, một tín đồ, một người đi theo Đấng Christ, một chứng nhân cho Ngài, một sứ giả về sự sống lại, một người đi chinh phục những linh hồn về cho Chúa
Nếu tôi là một phụ nữ, tôi muốn làm công việc của một Cơ đốc nhân, nhận biết rằng Đấng Christ đang sống trong tôi, Ngài phục vụ qua tôi, Ngài phán qua đời sống tôi, Ngài yêu thương và hầu việc qua tôi, và thân thể tôi là thân thể của Ngài, Ngài sẽ tiếp tục chức vụ của Ngài QUA tôi "như Đức Chúa Trời đã sai phái Đấng Christ vào trong thế gian thể nào thì Đấng Christ cũng phái tôi vào trong thế gian thể ấy" (Giăng 17:18, 20-21).
Nếu tôi là phụ nữ, tôi muốn làm những điều Đấng Christ bảo những người tin Ngài phải làm, thậm chí nếu phải chịu bắt bớ để làm điều đó. Chúa đã chịu khổ vì tôi nên tôi sẽ sẵn sàng chịu khổ vì Ngài.
Nếu tôi là phụ nữ, tôi muốn là một trong những người khôn ngoan, là người " nghe những lời dạy của Đấng Christ rồi làm theo (Mat 7:24), xây dựng chức vụ chinh phục linh hồn của tôi trên vầng đá đức tin và hành động.
Nếu tôi là một phụ nữ được đầy dẫy Đức Thánh Linh (Công 1:8), tôi muốn là một CHỨNG NHÂN cho Đấng Christ "tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê và Samari và cho đến cùng trái đất ".
Nếu tôi là một phụ nữ, tôi sẽ vui mừng vì tiên tri Giôên đã nói: "Sau đó, Ta sẽ đổ Thần Ta trên các loài xác thịt, con trai và CON GÁI CÁC NGƯƠI sẽ nói tiên tri, những người già cả các ngươi sẽ thấy chiêm bao " (Giôên 2:28), vì sứ đồ Phierơ đã giảng rằng: "Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần Ta khắp trên các loài xác thịt, các tôi trai và TỚ GÁI các ngươi đều nói lời tiên tri "(Công 2:18).
Tôi thường rất vui vì tiếng Hêbơrơ mà Giôên sử dụng có nghĩa là:
"Hãy nói hoặc hát theo sự cảm động; để tiên tri hay giảng đạo ". Và tiếng Hy Lạp mà Phierơ sử dụng có nghĩa là: "Để nói dưới sự cảm động Thiên Thượng; để thực thi chức vụ tiên tri; để làm một diễn giả được cảm động".
Nếu tôi là một phụ nữ, hẳn tôi sẽ mừng vui vì Chúa Giêxu không bao giờ phân biệt giới tính. Tôi hẳn sẽ cảm động vì cớ có những người phụ nữ đã liên kết với đời sống và chức vụ của Ngài.
Tôi hẳn sẽ muốn thành người phụ nữ thấp hèn nhất của thành Samari, là người mà ngay khi tin Chúa Giêxu đã bỏ rơi bình nước và đem Tin lành đến cả thành phố cho Chúa Giêxu. Trong Giăng 4:1-54"Chúng bèn từ trong thành ra và đến cùng Chúa Giêxu... có nhiều người Samari ở thành đó tin Ngài ".Vì cớ lời chứng và chức vụ giảng Tin lành của MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ (câu 30, 39).
Trong cuộc sống, phụ nữ có một vai trò được ơn trên ban cho, họ gánh nhiều trách nhiệm về gia đình, và luôn luôn thuận phục chồng trong Chúa. Họ cũng có một ảnh hưởng không sánh được trên chồng con và toàn thể gia đình của họ.
Có người nói rằng: "Bàn tay đưa nôi là bàn tay cai trị thế giới".
Làm mẹ là một đặc ân thiêng liêng được ban cho trong đời sống, mà còn trổi hơn bất cứ phần thưởng cùng niềm vui nào mà một người đàn ông đã từng nhận được.
Sự duyên dáng và ảnh hưởng tự nhiên của một phụ nữ thì thật là xuất sắc và xứng đáng vượt trên mọi đức tính.
Người phụ nữ có một chức vụ không bị hạn chế nếu họ muốn làm theo điều Chúa Giêxu bảo: đi làm chứng, chinh phục linh hồn, giảng Tin lành; lãnh vực của họ là CẢ THẾ GIỚI này.
Đừng để một phụ nữ nào bị in trí bởi những hạn chế áp đặt lên chức vụ của họ trong những góc nhỏ của thế giới mà ta gọi là Hội thánh, trong khi chẳng ai áp đặt giới hạn nào trên chúng ta ở BÊN NGOÀI NƠI THÁNH đó.
Chức vụ mà Chúa Giêxu gởi trao cho môn đồ khi Ngài đi khỏi, chỉ có thể thực thi ở bên ngoài Hội thánh. May mắn cho phụ nữ là không có tập tục hay câu Kinh thánh nào ngăn cấm chức vụ của họ ở đó cả.
Cho nên, sứ điệp của phần này được rao giảng cho cả nam lẫn nữ, là phải đi đến những nơi có tội nhân, và CỨ TIẾP TỤC ĐI RA NGOÀI NƠI THÁNH, ra khỏi những đại lộ và ngã tư đông đúc của xã hội, vào trong những hội trường công cộng, các rạp hát, công viên, lều trại, vào các ngôi nhà, vào các nhà lưu động, dưới những tàng cây, và nói với thế giới rằng: "Tôi đã nhìn thấy Chúa" rồi "GỞI CHO HỌ SỨ ĐIỆP CỦA NGÀI" (Giăng 20:18).