MỤC LỤC
(Một Khi Đã Được Cứu, Thì Luôn Luôn Được Cứu)
Cách đây 40 năm tôi học tại trường huấn luyện các giáo sĩ. Ở đó tôi đã gặp một tôi tớ vĩ đại của Chúa. Ông là một Mục sư Trưởng lão thuộc thế hệ thứ năm. Dù tôi mới 18 tuổi, ông vẫn kết bạn với tôi. Tôi vô cùng kính trọng ông trong tư cách là người giảng Tin Lành. Ông là một Cơ Đốc Nhân tuyệt vời.
Xuất thân từ một gia đình đặc biệt kính trọng Lời Chúa, mỗi ngày ông học thuộc 5 câu Kinh Thánh.
Lúc 12 tuổi, ông đã thuộc mọi thư tín của Phaolô. Lúc 20 tuổi ông thuộc lòng Tân Ước. Khi 40 tuổi ông đã thuộc lòng nhiều phần lớn của Cựu Ước.
Ông làm được như vậy là nhờ học 5 câu Kinh Thánh mỗi ngày. Trong một năm được 1800 câu (sách dài nhất trong Tân Ước là Luca có 1.151 câu. Cả Tân Ước là 7.597 câu, Cựu Ước là 22.485 câu).
Sự thông biết Kinh Thánh sâu sắc như vậy đã gây cho tôi một ấn tượng sâu đậm.
Dầu ông có một sự hiểu biết thật rộng lớn về Lời Chúa, tôi vẫn có nhiều sự bất đồng ý kiến với ông về vấn đề giáo lý. Chúng tôi thường ngồi hàng giờ để thảo luận thân thiện về những khác biệt này. Ông tin vào giáo lý thường được gọi là "sự an toàn đời đời". Tôi đã không tin (và bây giờ cũng vậy) vào giáo lý này theo cách ông dạy.
Mâu thuẫn giữa chúng tôi là một mối quan hệ thân thiện chứ không nghịch thù. Ông có thể trích dẫn hàng chương Kinh Thánh mà ông nghĩ hỗ trợ cho điều ông tin. Tôi có cả chục câu Kinh Thánh mà tôi nghĩ bác bẽ điều ông dạy.
Khi xem xét giáo lý này xin chúng ta hãy làm việc trong tình yêu thương. Xin những người không đồng ý đừng ném những lời buộc tội tà giáo vào người đồng ý. Chúng ta nên xem xét Kinh Thánh với một thái độ đã được Giacơ mô tả: "Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành không có sự hai lòng và giả hình " (Gia 3:17).
Hãy nhớ rằng người không đồng quan điểm với bạn cũng tin chắc Kinh Thánh hậu thuẫn cho họ. Vì vậy chúng ta hãy nhân từ và yêu thương đối với những người khác quan điểm. Chúng ta hãy là những người Bêrê "ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh để xét lời giảng có thật không " (Công 17:11).
Cách đây khoảng 400 năm nhiều nhà lãnh đạo Hội thánh thấy Hội thánh cần phải thay đổi hết sức. Sự xá tội (quan niệm cho rằng nhà thờ có thể bán và người mộ đạo có thể mua những ân huệ của Chúa) được bán khắp Châu Âu để lấy tiền xây thánh đường Thánh Phierơ tại La mã.
Sự hành xác (tự đánh mình bằng roi) được hàng triệu "Cơ Đốc Nhân" thực hành. Những người này muốn tìm một địa vị công bình trước mặt Chúa bằng cách thức ngoại bang này.
Người ta quì gối lết đi hàng dặm để cầu nguyện trước tượng của trinh nữ Mari, nghĩ rằng làm vậy có thể được sự tha thứ và xá tội. Họ tìm kiếm sự cứu rỗi qua những việc làm giống vậy và tệ hại hơn qua những sai lầm tôn giáo.
Sự tham nhũng lan tràn khắp Hội thánh. Những giáo hoàng áp chế những vua chúa Châu Âu và đe dọa họ với hình phạt đời đời khi họ không tuân theo các luật của giáo hoàng.
Những vua chúa "Cơ Đốc" bị ép buộc gây chiến với những đối thủ chính trị của giáo hoàng. Thật đúng là thời kỳ tối tăm, ánh sáng Phúc Âm gần như bị tắt hẳn.
Khi nhà thần học John Calvin và nhà Cải Chánh Martin Luther đấu tranh chống lại những việc làm sai với Kinh Thánh, họ bắt đầu nhìn thấy những lẽ thật sứ đồ Phaolô dạy trong thư Rôma.
(Ghi chú: không phải là vô cớ mà Phaolô viết thư cho Hội thánh La mã. Đức Thánh Linh biết rằng trong những thế kỷ kế tiếp Hội thánh La mã sẽ rất cần hiểu thấu điều Phaolô đã nói).
Sự CẢI CHÁNH bắt đầu cách đây 4 thế kỷ đã cho ra đời Hội thánh Tin lành. Có 5 giáo lý về lẽ thật căn bản bao quanh phong trào này.
1. Duy chỉ Kinh Thánh.
2. Duy chỉ Đức Tin.
3. Duy chỉ Ân Điển.
4. Quyền tể trị của Đức Chúa Trời
5. Chức tế lễ của mỗi tín đồ.
Những điều này là những điều cốt lõi nếu Hội thánh muốn thoát khỏi xiềng xích của bóng tối thuộc linh và trói buộc của tôn giáo tràn lan khắp Hội thánh thời bấy giờ. Sự tranh luận sau đây có liên quan đến giáo lý thứ hai và thứ ba của năm giáo lý cơ bản trên.
Calvin, Luther và hàng trăm người khác được Đức Chúa Trời thăm viếng, họ nhận được phép lạ được mô tả trong Lu 24:45 "Bây giờ Ngài mở trí cho môn đồ được hiểu Kinh Thánh ".
Khi họ đọc Kinh Thánh thì đó là một sự mặc khải to lớn cho họ. "Này, người công bình sống bởi đức tin mình "(Ha 2:4).
"Sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin "(Rô 1:17)
"Vả lại chẳng hề có ai cậy luật pháp (đó là tuân thủ điều răn, luật lệ tôn giáo, v.v. .)mà được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời, điều đó là rõ ràng lắm, vì người công bình sẽ sống bởi đức tin "(Ga 3:11)
"Người công bình sẽ sống bởi đức tin "(Hêb 10:38).
Câu nói này được lập lại bốn lần có nghĩa gì?
Sứ đồ Phaolô đưa ra 3 lý lẽ để trả lời câu hỏi này:
Chúng ta đã tỏ ra rằng người Giuđa và người Gờréc thảy đều phục dưới quyền của tội lỗi. Như có chép rằng:
"Chẳng có một người công bình nào, dẫu một người cũng không.
Chẳng có người nào hiểu biết.
Chẳng có người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời.
Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích.
Chẳng có một người làm điều lành, dầu một người cũng không.
Họng chúng nó như huyệt mả mở ra.
Dùng lưỡi mình để phỉnh gạt.
Dưới môi chúng nó có nọc rắn hổ mang.
Miệng chúng nó đầy những lời nguyền của cay đắng.
Chúng nó có chơn nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu.
Trên đường lối chúng nó rặc những sự tàn hại và khổ nạn.
Chúng nó chẳng hề biết con đường bình an.
Chẳng có sự kính sợ Đức Chúa Trời ở trước mặt chúng nó "
(Rô 3:9,18).
Sự hoàn toàn đồi bại của người ngoại được mô tả chính xác trong câu "không có sự trông cậy Đức Chúa Trời "(Êph 2:12).
"Chúng ta đã tỏ ra rằng người Giuđa và người Gờréc thảy đều phục dưới quyền của tội lỗi. Như có chép rằng:
Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không "(Rô 3:9-10)
"Vả chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói là cho mọi kẻ ở dưới luật pháp (câu này đặc biệt nói cho người Do Thái ở dưới luật của Cựu Ước) hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại (không khoe khoang về sự công bình riêng) cả thiên hạ phải đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời (3:19).
Kết Luận:
Qua những câu Kinh Thánh nêu trên thì rõ ràng mọi người trên thế giới (dù là người ngoại hay Do Thái) đều là tội nhân cần Đấng Cứu Thế.
Vì tất cả đều phạm tội và làm mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô 3:23).
Để hiểu rõ luận điểm của Phaolô chúng ta phải định nghĩa những từ ông sử dụng và giải thích ý nghĩa những từ đó.
Đây là một từ về luật sử dụng trong một tòa án hình sự. Được xưng công bình trong một tòa án có nghĩa là được tha tội, được tuyên bố là vô tội, tuyên bố là không phạm tội.
Trong Kinh Thánh từ này còn nhiều ý nghĩa hơn, có nghĩa là được xưng công bình, có địa vị công bình trước mặt Chúa. Trong cái nhìn của Chúa tôi được xem là công bình như là từ trước đến nay tôi chưa hề phạm tội.
Điều này được minh họa trong thời kỳ Xuất Êdíptô ký khi Môise dẫn dân Ysơraên khỏi Ai cập. Người Ysơraên ra khỏi Ai cập dưới sự "bao phủ của huyết chiên con "(Xuất 12:13)"... chịu Môise làm phép báp têm trong đám mây và dưới biển (ICôr 10:2).
Trong đồng vắng họ đã không cư xử như những thánh đồ đã được báp têm, họ lằm bằm và chọc giận cả Đức Chúa Trời lẫn Môise và có lúc Đức Chúa Trời đã nói đến việc tiêu diệt họ (Phục 9:14).
Tuy nhiên khi tiên tri trở thành thầy bói Balaam được vua Balác thuê để rủa sả dân Ysơraên, ông đã đưa ra một lời tiên tri đáng chú ý: "Ngài chẳng xem tội ác nơi Giacốp và không thấy tà vạy trong Ysơraên " (Dân 22:21).
Làm sao có thể nói như vậy về dân Ysơraên. Kinh Thánh ghi chép lại đầy dẫy những thất bại và tội lỗi của họ.
Balaam đã diễn tả quan điểm của Đức Chúa Trời về những người đã nhờ vào huyết của chiên con. Huyết chiên con đem đến sự bảo vệ của Đức Chúa Trời và che phủ tội lỗi của họ. Đức Chúa Trời không nhìn thấy tội lỗi của họ. Đức Chúa Trời xem họ là vô tội. Họ được xưng công bình. Họ có "địa vị" công bình trước mặt Đức Chúa Trời mặc dầu họ đang ở trong một "tình trạng" phản loạn, lằm bằm.
"Phước cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình! " (Thi 32:1). Cái gì được khỏa lấp thì không còn thấy nữa. Do đó, khi chúng ta được xưng công bình tội lỗi chúng ta được tha và được quên đi. "Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó và chẳng nhớ tội chúng nó nữa "(Giê 31:34)."Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài sẽ đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu "(Thi 103:12).
Tội lỗi được khỏa lấp! Được tha thứ! Được quên đi!
Đây là điều "...Đức Chúa Trời, Đấng đoán xét... " (Quan 11:27) phán cho bất cứ tội nhân nào hội đủ điều kiện của Ngài để được xưng công bình. Những điều kiện này sẽ được giải thích sau.
"Luật pháp" chỉ về 5 sách đầu tiên của Kinh Thánh. Những sách này được Môise viết trên những giấy da và được gọi là "sách luật pháp".
"Khi Môise chép những lời luật pháp này trong một cuốn sách xong rồi thì ra lệnh cho người Lê vi khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va mà rằng: Hãy... "(Phục 31:24-26).
Ngài phán: "Ấy đó là điều mà khi Ta còn ở với các ngươi, Ta bảo các ngươi rằng mỗi sự đã chép về Ta trong luật pháp Môise, các sách tiên tri, cùng các Thi thiên phải được ứng nghiệm "(Lu 24:44).
"Luật pháp" chứa đựng "Mười điều răn". Mười điều răn thoạt đầu được viết trên hai bảng đá bằng ngón tay của Đức Chúa Trời. Môise chép lại từ các bảng đá và cho vào "Sách luật pháp".
"...Đức Giê-hô-va chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là mười điều răn "(Xuất 34:28).
"...và Ngài bèn cho người hai bảng chứng bằng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra "(Xuất 31:18).
"Trong hòm không có gì ngoài hai bảng đá mà Môise đã để, tại núi Hô- rếp "(ICác 8:9).
Mười điều răn định nghĩa bổn phận của chúng ta đối với Đức Chúa Trời và nhân loại. Đó là những nguyên tắc đạo đức hướng dẫn cách cư xử của con người.
Luật pháp áp dụng những điều răn một cách thực tế đảm bảo sự yên ổn và sự công bình trong vòng dân Ysơraên. Luật pháp là cho quốc gia Ysơraên. Mười điều răn là những nguyên tắc đạo đức và thuộc linh phổ quát cho toàn nhân loại.
Chúng ta cần phân biệt giữa luật pháp và mười điều răn khi đọc Tân Ước, Phaolô đã dùng những từ ngữ khác nhau (không cùng nghĩa)
"Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành "(Rô 7:12). Trong phần lớn các trường hợp hai từ ngữ này không chỉ cùng một điều.
GHI CHÚ: trong 13 thế kỷ từ Môise đến thời Chúa Giêxu, người Do Thái có đặt ra một bộ giải kinh rất phức tạp của cuốn Pentateuch (luật pháp). Họ gọi bộ này là những luật truyền khẩu. Đến thời Chúa Giêxu những người Pharisi đã biến những lời truyền khẩu này y như Kinh Thánh của họ để trói buộc mọi người dân.
Chúa Giêxu phủ nhận thẩm quyền của những truyền thống khi những truyền thống đi ngược lại với những điều răn hay ý định của luật pháp.
Chúa Giêxu nói với những người Do Thái "Các ngươi từ bỏ hẳn điều răn của Đức Chúa Trời đặng giữ theo lời truyền khẩu của mình theo cách mà các ngươi đòi hỏi việc rửa bình và tách... ...
Và Ngài phán với họ, các ngươi bỏ điều răn của Đức Chúa Trời mà giữ lời truyền khẩu của loài người
"Làm cho Lời của Đức Chúa Trời không có hiệu quả qua lời truyền khẩu của các ngươi "(Mác 7:8-9,13).
Sứ đồ Phierơ đã cảnh báo về việc hiểu điều Phaolô viết là gì: "Phaolô, anh rất yêu dấu của chúng ta... viết thơ cho anh em... ở trong đó có mấy khúc khó hiểu " (IIPhi 3:15-16).
Mục đích của Phaolô khi viết thư cho người Lamã, Galati và Hêbơrơ là để trả lời câu hỏi rất khó của Gióp cách 4000 năm trước..."Làm thế nào cho loài người được công bình trước mặt Đức Chúa Trời "(Gióp 9:2).
Chúng ta sẽ giải thích câu trả lời của Phaolô. Để hiểu rõ những thư tín của Phaolô bạn cần tham khảo lại những định nghĩa sau đây:
Người Do Thái tôn kính Ápraham như là tổ phụ vĩ đại của quốc gia họ. Chính là sự vâng lời bởi đức tin của ông đối với lời của Đức Chúa Trời là đứa con của lời hứa (Ysác) được sinh ra. Ysác sinh ra Giacốp (sau đổi tên là Ysơraên. Sáng 32:28). Giacốp có 12 người con trai và dòng dõi họ trở thành 12 chi phái của Ysơraên.
Phaolô đặt câu hỏi: Bởi cách nào Ápraham được xưng công bình?
Nhưng Bởi Đức Tin Nơi Đức Chúa Trời.
Vậy chúng ta sẽ nói Ápraham tổ phụ chúng ta theo xác thịt, đã được ích gì? Thật thế, nếu Ápraham đã được xưng công bình bởi việc làm, thì có cớ khoe mình nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như Vậy.
Vì Kinh Thánh có dạy chi? "Ápraham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người " (Rô 4:1-3).
Phaolô đã nói rất rõ "không phải cứ vì việc công bình chúng ta đã làm nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài "(Tít 3:5).
Do đó, chúng ta không được xưng công bình bởi những gì chúng ta làm nhưng bởi những gì Christ đã làm trên thập tự giá. Giống như chiên con của lễ Vượt Qua tại Ai Cập, Ngài đã đem huyết Ngài để phủ che tội cho chúng ta. "Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào".
Ápraham không được xưng công bình bởi phép cắt bì, mặc dù ông đã làm phép cắt bì rồi.
...Vả chúng ta nói rằng đức tin của Ápraham được kể là công bình cho người. Nhưng được kể thế nào? Khi người đã chịu cắt bì rồi hay là khi người chưa chịu cắt bì? Ấy không phải sau khi người chịu cắt bì bèn là trước.
Vậy người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì,
Hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì đặng họ được kể là công bình. (Rô 4:9-11)
Phép cắt bì (giống như lễ báp têm cho người tin) không phải lý do để Ápraham được xưng là công bình. Đó là dấu hiệu bên ngoài của đức tin của ông mà bởi đức tin này ông được xưng công bình (trước khi được cắt bì).
Ápraham không được xưng công bình bởi giữ luật pháp. Việc Ápraham được xưng công bình vì giữ luật pháp và các điều răn là không thể được vì luật pháp chỉ được ban cho 430 năm sau Ápraham.
"Lời giao ước mà Đức Chúa Trời trước kia đã kết lập thành rồi thì không có thể bị hủy đi và lời hứa cũng không thể bị bỏ đi bởi luật pháp, là sự cách sau bốn trăm ba mươi năm mới có "(Ga 3:17).
"Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài "(Rô 3:20).
"Vì Đấng Christ là cuối cùng của luật pháp đặng xưng mỗi kẻ tin là công bình "(Rô 10:4).
"Dầu vậy đã biết rằng người ta được xưng công bình chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu bèn là cậy đức tin trong Đức Chúa Giêxu Christ... vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp "(Ga 2:16).
"Vả, chẳng hề có ai cậy luật pháp mà được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời, điều đó là rõ ràng lắm, vì người công bình sẽ sống bởi đức tin "(Ga 3:11).
Phaolô đã trình bày vấn đề rất rõ ràng, chúng ta không thể có cả hai cách. Hoặc chúng ta tin lời Kinh Thánh nói về sự xưng công bình bởi đức tin hoặc chúng ta là những người vô tín bị hư mất không chút hy vọng. "Còn như dân Ysơraên tìm luật pháp của sự công bình, thì không đạt đến luật pháp ấy. Tại sao? Tại họ chẳng bởi đức tin mà tìm ".(Rô 9:31-32)
Phaolô giải thích mục đích của luật pháp là không buộc con người phải thánh khiết nhưng là để chỉ cho họ biết họ không thánh khiết như thế nào "...Vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi " (Rô 3:20) "... Nhưng tôi chỉ bởi luật pháp mà biết tội lỗi "(Rô 7:7).
Luật pháp khiến nhân loại biết họ cần một người nào đó để cứu họ và vì vậy họ sẽ tin vào Đấng Christ làm Đấng Cứu Thế của mình.
"Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói là nói cho... cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời "(Rô 3:19).Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình (Ga 3:24).
Tìm cách cậy luật pháp cho được xưng công bình là mất ân điển rồi. "Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi " (Ga 5:4).
Chúng ta hãy xếp những việc lành của chúng ta qua một bên, rồi xếp những tội lỗi của chúng ta qua một bên khác, mà chạy trốn cả hai điều đó để đến thập tự giá của Đấng Christ để rồi sự tha thứ được ban cho người ăn năn. Chỉ bởi đức tin nơi dòng huyết của Ngài mà chúng ta mới có thể được xưng công bình (Rô 3:25).
Khi còn là một nhà cải chánh trẻ, Martin Luther bác bỏ thơ Giacơ và nghĩ rằng thư này phải bị loại ra khỏi tập Tuyển Kinh. Nhưng sau đó, ông đã thay đổi quan điểm vì thấy những người theo ông sống rất tội lỗi. Họ xưng mình là công bình nhờ đức tin nhưng đời sống của họ không chứng tỏ họ có một đức tin đúng đắn.
"Họ xưng mình biết Đức Chúa Trời nhưng theo những việc làm thì đều từ chối Ngài thật là đáng ghét, trái nghịch và không thể làm một việc lành nào hết "(Tít 1:16).
Những người đi theo Luther đã rơi vào lỗi lầm mà Phaolô đã cảnh báo. Sau khi đã đặt một nền tảng vững chắc cho sự xưng công bình Phaolô đã lưu ý các tín đồ để họ không diễn giải cũng như áp dụng sai trật điều ông trình bày.
"Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi hầu cho ân điển được dư dật chăng? Chẳng hề như vậy!
...Chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp têm trong sự chết Ngài để cho... chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.
...vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi.
Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi, vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu, bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp mà thuộc dưới ân điển "(Rô 6:1-14).
Kinh Thánh trong tiếng Anh đã không được rõ ràng tại phần thơ Giacơ. Do đó nhiều người đã nghĩ rằng Giacơ nói ngược lại với Phaolô. Nếu hiểu đúng sách Giacơ thì không hề có sự mâu thuẫn giữa Phaolô và Giacơ.
Thật vậy, Giacơ đã giải thích vô cùng rõ ràng nếu cố gắng để được xưng công bình bởi luật pháp là một điều vô vọng. "Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như phạm hết thảy "(Gia 2:10).
Ngoại trừ Chúa Giêxu, có ai trên đời này không hề phạm một tội nào không? Chúng ta hãy xem lý lẽ đáng kinh ngạc này của Giacơ: chỉ cần phạm một điều răn thôi thì cũng như phạm hết thảy.
Một lời nói dối biến tôi thành kẻ dối trá. Giống vậy, một tội lỗi biến tôi thành một tội nhân đáng chết "vì tiền công của tội lỗi là sự chết " (Rô 6:23). "Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết "(Êxê 18:20).
Do đó, thật vô ích khi suy nghĩ rằng chúng ta có thể tự cứu lấy mình bởi luật pháp, sự cắt bì hay việc lành. Chúng ta cần Đấng Cứu Thế (một Đấng nào đó để giúp chúng ta không liên quan gì đến những gì chúng ta có thể làm). Cảm tạ Đức Chúa Trời Ngài đã cung ứng điều này cho tôi trong Con Ngài, Chúa Giêxu, Đấng Cứu Chuộc tôi!
"Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin có cứu người ấy được chăng? "(Gia 2:4). Bản dịch tiếng Anh bị sai, phải dịch là loại đức tin đó có cứu người ấy được chăng?
Đây không phải là vấn đề chúng ta được cứu bởi đức tin hay bởi việc làm mà là loại đức tin nào có thể cứu được. Nếu đồng ý bằng lý trí với những sự kiện trong Kinh Thánh về Đức Chúa Trời thì chưa phải là đức tin có thể cứu được.
"Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ "(Gia 2:19).
Giacơ cho thấy là ma quỷ cũng tin những sự kiện về Đức Chúa Trời nhưng không hề có hành động vâng phục để đáp ứng lại những gì Chúa phán. Đức tin luôn luôn có HÀNH ĐỘNG và VÂNG PHỤC.
Loại đức tin mà xưng công bình và cứu chúng ta khỏi tội lỗi là đức tin đem đến sự vâng phục bởi tình yêu đối với những điều răn của Đức Chúa Trời.
"Nhưng hỡi người vô tri kia, ngươi muốn biết chắc đức tin không có việc làm là vô ích chăng "(Gia 2:20).
Đức tin là "hành động vâng phục đối với những gì Chúa phán."
Giống hoàng đế Nhật Bản, những hoàng đế La mã trong thời Tân Ước tự xưng mình là những vị chúa tể, để được tôn thờ.
Từ Hy lạp "Kurios " (dịch là Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh) được dành riêng ra bởi luật pháp Rôma. "Kurios" chỉ được sử dụng cho Ceasar. Đối với người La mã, Ceasar là Đức Chúa Trời. Nếu sử dụng từ này để chỉ bất cứ ai khác sẽ đem án tử hình đến cho người đó.
Phaolô đã viết cho các tín hữu ở Rôma (thủ đô và ngai vua Ceasar):
"Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giêxu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu, vì tin ở trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi "(Rô 10:9-10).
Phaolô viết ra hai lẽ thật quyền năng về đức tin được cứu này:
Đức tin được cứu là loại đức tin khiến bạn sẵn sàng sống hoặc chết cho Chúa Giêxu. Khi miệng bạn xưng Chúa Giêxu ra trước mặt mọi người là đời sống bạn gặp nguy hiểm. Nếu lời này được kể lại cho giới chức La-mã thì hình phạt của bạn sẽ là bị xử tử.
Đức tin được cứu là vấn đề của tấm lòng hơn là của tâm trí. "Vả ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời " (Êph 2:8-9).
Rô 16:26 nói đến "...sự vâng phục bởi đức tin ". Loại đức tin này không đem đến hành động vâng phục để đáp ứng với những gì Chúa phán, cũng KHÔNG phải là loại đức tin có thể cứu và xưng công bình được.
Câu hỏi thăm dò của Giacơ là "loại đức tin mà không đưa đến hành động vâng phục có được cứu hay không? Câu trả lời là tiếng KHÔNG vang dội."Vì chúng ta là việc Ngài làm ra và đã được dựng nên trong Đức Chúa Giêxu Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo " (Êph 2:10).
Ngược lại, làm việc lành, cắt bì, luật pháp hay điều răn có cứu chúng ta không? KHÔNG! Chỉ bởi ân điển và sự thương xót của Đức Chúa Trời mà chúng ta hy vọng được cứu. Bằng cách tin bởi tấm lòng (như Ápraham thuở xưa) thì đức tin của chúng ta được kể là công bình.
"Ta sẽ rất vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta; vì Ngài đã mặc áo cứu rỗi cho ta, khoác áo choàng công bình cho ta! "(Ês 61:10). Đây chính là cái áo mà Ngài tặng cho chúng ta cách nhưng không để chúng ta có thể đứng vững trước Đức Chúa Trời trong tư cách vô tội và công bình "bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời "(Êph 2:8).
Nếu không có việc làm của Đức Chúa Trời để cứu chúng ta thì "Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi" (Ês 64:6).
Êsai đã nói rất rõ. Bởi sức riêng và những việc làm tôn giáo chúng ta chỉ có thể đưa ra cái áo nhớp mà khi đụng vào sẽ khiến chúng ta thành ra ô uế và không xứng đáng ra mắt Chúa. "Áo nhớp" nguyên văn Hêbơrơ là áo của phụ nữ nhằm khi kinh nguyệt.
"Khi nào một người nữ có kinh nguyệt phải chịu ô uế trong bảy ngày, hễ ai đụng đến người sẽ bị ô uế đến chiều tối "(Lê 15:19).
Ghi chú của chủ bút. Sự kiện một phụ nữ như vậy có thể sờ vào Giêxu và được chữa lành cũng như được Ngài chấp nhận với lòng yêu thương nhơn từ cho thấy tính cao hơn hẳn của Giao Ước Mới trên Giao Ước Cũ (Tham khảo Lu 8:43-48 với Hêb 7:22;8:6;12:24).
Chúng ta tôn vinh thập tự giá của Đấng Christ và công việc Ngài đã hoàn tất để cứu chuộc chúng ta khi chúng ta không cố gắng để tự cứu lấy mình hoặc thêm bất cứ việc công bình riêng nào của chúng ta vào công việc của Ngài nữa. "Vì ai vào sự an nghỉ của Đức Chúa Trời thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy". (Hêb 4:10)
Trong Cựu Ước, Rutơ được dạy làm thế nào để thoát khỏi cảnh nghèo khổ và góa bụa và lấy "chủ mùa gặt" Bô ô.
"Naômi, bà gia Rutơ, nói cùng nàng rằng: Hỡi con gái ta, mẹ phải lo cho con một chỗ an thân, làm cho con được phước hạnh ".
"Vả, Bô ô vốn là bà con của chúng ta. Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo rồi, và khi người nằm ngủ hãy để ý xem người nằm nơi nào, rồi đi dỡ mền dưới chân người mà nằm xuống, chính người sẽ nói điều gì con phải làm "(Ru 3:14).
Tất cả những gì Rutơ phải làm là chuẩn bị chính mình cho mối quan hệ rồi nằm xuống (yên nghỉ). Bô ô lo liệu mọi sự và Rutơ được cứu thoát khỏi cảnh nghèo khó, góa bụa.
Đối với chúng ta cũng vậy. Chúng ta được kêu gọi để yên nghỉ trong khi Chủ mùa gặt của chúng ta, là Chúa Giêxu, lo liệu mọi sự cứu rỗi cho chúng ta.
Hãy để Chúa Giêxu hoàn tất công việc Ngài đã bắt đầu trong bạn, hãy thôi đừng cố gắng tự cứu lấy mình bằng những việc lành của chúng ta nữa. Rồi chúng ta sẽ là Cơ Đốc Nhân sung sướng.
"Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Giêxu Christ "(Phil 1:6).
Nếu chúng ta vật lộn để tự cứu lấy chính mình, thì chúng ta sẽ thất bại, sợ hãi và bất an.
Có một số người dạy rằng nếu bạn phạm tội sau khi bạn tin, bạn sẽ bị hư mất cho đến khi nào bạn ăn năn và nhận được sự tha thứ.
Kinh thánh không hề ủng hộ ý kiến này. Kinh thánh nói:"Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình. Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho "(Thi 32:1,2).
Vua Đavít cũng tỏ ra cái phước hạnh của người được Chúa kể cho là công bình chẳng bởi việc làm mà rằng:
"Phước thay cho kẻ lỗi mình được tha thứ. Tội mình được che đậy. Phước thay cho người mà Chúa chẳng kể tội lỗi cho "(Rô 4:6-8).
Những câu Kinh thánh này cho thấy rằng khi chúng ta được xưng công bình, khi tội lỗi chúng ta được tha thứ, thì tội lỗi không còn bị kể trên chúng ta nữa. Tất cả tội lỗi chúng ta đều chất lên Đấng Christ và sự công bình của Ngài được ban cho chúng ta.
Vậy thì điều gì sẽ xảy ra khi một tín đồ phạm tội? Sứ đồ Giăng dạy chúng ta: "Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con điều này, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha là Đức Chúa Giêxu Christ, tức là Đấng Công Bình. Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta "(IGiăng 2:1-2).
Sứ đồ Giăng không khuyến khích chúng ta phạm tội. Ông nài khuyên chúng ta đừng phạm tội nhưng ông bảo đảm cho chúng ta rằng nếu chúng ta phạm tội thì Chúa Giêxu sẵn sàng bảo vệ chúng ta khỏi bất cứ lời kiện cáo nào của Satan. Ngài đã chịu án phạt vì tội lỗi chúng ta vì vậy sẽ không còn đoán phạt cho những kẻ ở trong Đấng Christ (Rô 8:1).
Bản dịch tiếng Anh của IGiăng 3:6-9, khiến nhiều người hiểu rằng những kẻ đã tin Chúa Giêxu sống một cuộc đời không tội lỗi.
Ý kiến này mâu thuẫn với IGiăng 1:8-10 "Nếu chúng ta nói mình không có tội chi hết ấy là chính chúng ta lừa dối mình và lẽ thật không ở trong chúng ta.
Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.
Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối. Lời Ngài không ở trong chúng ta ".
IGiăng 3:5-9 đã được tiến sĩ Williams dịch rất chính xác trong bản Tiếng Anh. "Vả, các con biết Đức Chúa Giêxu Christ đã hiện ra để cất tội lỗi của chúng ta đi và trong Ngài không có tội lỗi. Ai ở trong Ngài thì không phạm tội, còn ai phạm tội thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài ".
Đây không phải là một trong những vấn đề hoàn toàn thánh khiết nhưng rõ ràng là Đấng Christ đến cứu dân sự Ngài khỏi tội lỗi (Mat 1:21) và do đó, nếu ai cứ tiếp tục phạm tội hay có thói quen phạm tội thì người đó có thể không có đức tin được cứu.
Đây là vấn đề hiểu rõ "bản chất cũ" và "bản chất mới" của chúng ta. Bản chất cũ của chúng ta giống như con heo cứ thích lăn xuống bùn. Bản chất mới của chúng ta giống như con chiên nếu lỡ té xuống hay trợt chân xuống bùn sẽ phấn đấu cho đến cùng để thoát ra.
"Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước thoát lối người cũ, (bản chất) và mặc lấy người mới (bản chất) tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật "(Êph 4:22-24).
Một tín đồ thật sẽ không muốn phạm tội hay lăn lóc trong vũng bùn tội lỗi. Một người có đức tin được cứu sẽ không cố ý phạm tội. Nhưng nếu người tín đồ bất ngờ phạm lỗi, chìu theo cám dỗ mà phạm tội thì Chúa ở sẵn đó để bảo vệ người tín đồ khỏi sự kiện cáo của Satan. Vấn đề chủ yếu là người tín đồ có thực sự mong muốn được thoát khỏi tội lỗi không.
Khi một đứa trẻ không vâng lời cha mẹ, mối tương giao bị gãy đổ nhưng mối quan hệ thì không. Một kỷ luật thích hợp sẽ đem đứa trẻ đến sự vâng phục và lập lại mối tương giao. Trong suốt quá trình này mối quan hệ KHÔNG bị phá vỡ. Đứa trẻ không vâng lời vẫn là đứa con của cha mẹ nó.
Tuy nhiên cần để ý rằng kỷ luật mạnh thường theo sau những tội lỗi nghiêm trọng.
"Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con thì cho roi cho vọt. Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con "(Hêb 12:6-7).
Nếu bạn phạm tội mà không bị sửa phạt thì nên lưu tâm xem bạn có phải là người tin thật hay không?
"Nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt thì anh em là con ngoại tình chứ không phải con thật "(Hêb 12:8).
Vua Đavít đã rơi vào tội ngoại tình khủng khiếp, theo sau là tội sát nhân man rợ (IISa 11:1-27). Những tội này đã đem một loạt đoán phạt ám ảnh Đavít suốt phần còn lại của cuộc đời ông.
Bởi vì Đavít đã giết một người vô tội (Uri) mà gươm giáo không khi nào rời nhà ông. Chiến tranh và chết chóc cứ quấy nhiễu ông cho đến khi ông qua đời.
Đứa con của sự ngoại tình giữa ông và Bátsêba sẽ phải chết.
Bởi vì ông đã vi phạm tính thiêng liêng trong hôn nhân của Uri, nên tai họa đã giáng xuống cũng như phát sinh ra trong gia đình ông. Những vợ và con Đavít đã phạm vào những hình thức vô đạo đức tồi tệ nhất gồm cả hiếp dâm, loạn luân và thông dâm.
Con trai của Đavít, là Ápsalôm giết em khác mẹ với mình là Ammôn vì tội hiếp dâm em gái ruột mình là Tama.
Ápsalôm muốn lật đổ Đavít và trục xuất ông khỏi ngai. Để nhục mạ Đavít, Ápsalôm ăn nằm với những phi tần của cha.
Khi chạy trốn Ápsalôm, Đavít bị thần dân mình rủa sả.
Cuối cùng con trai Đavít, Ápsalôm, bị một vị tướng của Đavít giết chết.
Lòng Đavít nát tan khi những tai họa như vậy xảy đến cho ông và gia đình.
"Vua rất cảm thương, bèn lên cửa thành và khóc. Người vừa đi vừa nói rằng: Ôi, Ápsalôm, con trai ta. Ápsalôm con trai ta! Con trai ta! Ước chi chính ta chết thế cho con. "...nhà vua ôm mặt và khóc lớn tiếng Ôi, Ápsalôm, con trai ta "(IISa 18:33).
Đức Chúa Trời yêu thương con cái Ngài nhiều đến độ không bao giờ để họ phạm tội mà không trừng phạt. Ngài không miễn trừ chúng ta khỏi những hậu quả đau đớn của tội lỗi.
"Con đường kẻ phạm tội lấy làm khốn cực thay "(Châm 13:15b)."Chớ hề dối mình, Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu; vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy "(Ga 6:7).
Nhưng Ngài không kết tội chúng ta cùng với thế gian. "Sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi " (Thi 100:5).
Có 3 mức độ phán xét đối với tội lỗi của một tín đồ. Mức độ sau nghiêm trọng hơn mức độ trước.
"Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình thì khỏi bị xét đoán (ICôr 11:31). Khi một tín đồ phạm tội, Thánh Linh ở ngay đó để cáo trách cách mạnh mẽ và khiến cho người ấy nhận biết mình cần sửa chữa lại lỗi lầm. Nếu đó là tội lỗi đối với người khác thì người tín đồ ấy phải xin lỗi hoặc bồi hoàn. Nếu chịu làm như vậy thì việc đó coi như xong.
Nếu bạn không tự xét đoán lấy mình thì Chúa sẽ gởi một tín đồ khác đến với bạn như Ngài đã gởi tiên tri Nathan đến gặp Đavít. Đavít đáp ứng lại và ăn năn. Lời cầu nguyện xin được thương xót và phục hồi của ông được ghi trong Thi 51:1-19. Và khi ông chịu sự sửa phạt nghiêm trọng vì tội lỗi của mình - thì việc đó được xem là đã kết thúc.
Nếu chúng ta không đáp ứng với cách giải quyết của Chúa ở mức độ đầu tiên hay thứ nhì, thì hình thức xét đoán nghiêm trọng nhất sẽ theo sau.
"Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống vậy, là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình "(ICôr 5:1).
Người Côrinhtô không xét đoán hay kỷ luật đối với tín đồ phạm tội mà không chịu ăn năn này. Phaolô chỉ cho Hội thánh Côrinhtô điều họ cần phải làm.
"Nhơn danh Chúa Giêxu là Chúa chúng ta, tuyên án kẻ phạm tội đó rằng một người như thế phải phó cho quỉ Satan để hủy hoại phần xác thịt hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Giêxu ".
Tội lỗi là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với người tín đồ.
Người tín đồ không muốn phạm tội nên tìm sự khích lệ trong những lời hứa của Rôma 8.
Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vừa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?
Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con Ấy cho chúng ta sao?
Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy.
Ai sẽ lên án họ ư?Đức Chúa Giêxu là Đấng đã chết và cũng đã sống lại nữa. Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời.
Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? Có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm hay là gươm giáo chăng? (Rô 8:31-35).
Tất cả những lẽ thật tuyệt diệu này đem đến cho chúng ta một đảm bảo và một hy vọng mạnh mẽ. Có một sự an toàn tuyệt diệu trong Đấng Christ. Đức Chúa Trời ở phía chúng ta - đấu tranh cho sự cứu rỗi của chúng ta. Đấng Christ và Đức Thánh Linh tham dự vào việc cầu thay cũng như là những đại diện hợp pháp của chúng ta. Để chứng tỏ là Ngài thật sự muốn chúng ta được cứu, Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta. Tất cả những điều này đem đến cho chúng ta một cảm giác an toàn và là nguồn an ủi cho chúng ta.
Đức Chúa Trời cũng vậy, muốn càng tỏ ra cho những kẻ hưởng lời hứa biết ý định Ngài là chắc chắn không thay đổi, thì dùng lời thề, hầu cho nhờ hai điều chẳng thay đổi đó - và về hai điều ấy Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối - mà chúng ta tìm được sự yên ủi lớn mạnh, là kẻ đã trốn đến nơi ẩn náu mà cầm lấy sự trông cậy đã đặt trước mặt chúng ta.
Chúng ta giữ điều trông cậy như cái neo của linh hồn vội vàng bền chặt thấu vào phía trong màn (Hêb 6:17-19).
Có nhiều người vì tin vào lẽ thật được xưng công bình bởi ân điển qua đức tin nên tin vào giáo lý "an toàn đời đời". Họ dựa trên tất cả những lẽ thật được nêu trên, họ kết luận rằng họ sẽ không bao giờ bị hư mất.
Nếu ai đó muốn được gìn giữ an toàn thì tôi tin rằng người đó cũng không có nguy cơ bị hư mất. Đức Chúa Trời đã dự bị sẵn cho chúng ta rất nhiều điều để gìn giữ chúng ta được an toàn. Chúa Giêxu đã nhấn mạnh điều này. "Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay Ta.
Cha Ta là Đấng lớn hơn hết đã cho Ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha "(Giăng 10:28,29).
Nhưng chúng ta cũng có những lời cảnh báo rất nghiêm trọng trong Tân Ước mà nếu bỏ qua thì rất nguy hiểm.
Người bạn trưởng lão (mà tôi đề cập đến trong chương đầu) tin vào giáo lý an toàn đời đời. Tuy nhiên ông thừa nhận là có một số câu Kinh thánh gây cho ông bối rối. Trong đó có Rô 8:13"Nếu anh em sống theo xác thịt, thì anh em sẽ chết... ."
Từ "chết" trong bản Hylạp chính là từ ngữ dùng để mô tả kết cuộc của những người không tin mà phải chịu "cái chết thứ nhì" - chỉ sự phán xét đời đời: "Vì nếu các ngươi chẳng tin Ta là Đấng đó thì chắc sẽ chết trong tội lỗi các ngươi " (Giăng 8:24).
Một lối sống xác thịt có thể dẫn người ta vào sự lừa dối. "Nhưng hàng ngày anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau đang khi còn gọi là "ngày nay "hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng " (Hêb 3:13). Tội lỗi và tính xác thịt làm chai cứng lương tâm và tấm lòng.
Vì sự phán xét cũng như kỷ luật của Đức Chúa Trời không được thi hành tức khắc nên những người xác thịt bị lừa phỉnh mà tin rằng không có hậu quả gì của tội lỗi. Sự vô tín bắt đầu len lỏi vào. Sự vô tín tỏ ra sự không vâng lời đối với những điều răn của Chúa."Họ xưng mình biết Đức Chúa Trời nhưng theo những việc làm thì đều từ chối Ngài "(Tít 1:16).
Vậy thì điều gì khiến một người đã được cứu lại bị hư mất? Đó chính là sự vô tín, do tính xác thịt và tội lỗi gây ra.
"Vả, không có đức tin thì chẳng hề có thể nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời "(Hêb 11:6).Chính việc trở lại sự vô tín khiến người ta lâm vào cảnh nguy hiểm.
"Ai tin Con, thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó" (Giăng 3:36).
Từ "tin" có nghĩa là tin và tiếp tục tin. Trong văn phạm Hylạp, động từ này ở thì hiện tại liên tiến. Sau khi tin, người ta tiếp tục tin.
Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng (Hêb 3:12). Hãy lưu ý lời cảnh báo là nói với "anh em". Điều này cho thấy đây là những người tín đồ.
"Nhưng hàng ngày anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau đang khi còn gọi là "ngày nay "hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng.
Vì chúng ta đã được dự phần với Đấng Christ miễn là giữ lòng tin ban đầu của chúng ta vững bền cho đến cuối cùng "(Hêb 3:13,14).
Tôi nghĩ điều này đã rất rõ ràng và giải quyết cuộc tranh cãi. Nếu chúng ta cứ giữ vững đức tin thì chúng ta an toàn. Nếu chúng ta lìa khỏi Đức Chúa Trời hằng sống bằng sự vô tín (kết quả của tội lỗi và sự không vâng phục), tôi tin rằng chúng ta đang lâm nguy.
Tôi hỏi người bạn trưởng lão câu hỏi: "Nếu anh biết một người đã tin nhưng bây giờ họ nói họ không còn tin nữa thì anh có cho rằng họ có hy vọng được cứu rỗi không?".
Ông suy nghĩ một lúc rồi trả lời cách nghiêm túc: "Tôi sẽ không bao giờ dành hy vọng cứu rỗi cho một người nói mình không tin. Tuy nhiên, tôi tin rằng không thể có chuyện một người đã thật sự tin lại quay trở lại sự vô tín để rồi bị hư mất".
Cuộc tranh cãi đưa đến điều này.
Tôi tin chuyện quay lại sự vô tín và bị hư mất là có thể xảy ra, ngay cả sau khi đã tin. Bạn tôi không tin điều này. Đây không phải vấn đề "việc làm ngược lại với đức tin" mà là vấn đề tin (mà được cứu) hay không tin (bị hư mất). Tại sao Đức Chúa Trời lại phải cảnh báo chúng ta nếu điều này không thể xảy ra?
Người ta nói rằng nhiều tín đồ Do Thái trong thế kỷ thứ nhất đã xây khỏi Đấng Christ sau khi đã tin nhận Ngài, vì có nhiều áp lực và bắt bớ chống lại các Cơ Đốc Nhân Do Thái.
Họ bị kỳ thị khi đi xin việc và đã không xin được việc làm. Họ đã bị kỳ thị trong nền giáo dục. Con cái họ không được đến trường. Đôi khi họ không được mua hàng hóa từ những cửa hàng địa phương.
Để được nhận lại vào cộng đồng Do Thái, tín đồ Cơ Đốc Hêbơrơ phải vẽ hình thập tự giá trên mặt đất, đổ huyết lên trên rồi dẫm nát dưới chân. Làm vậy chứng tỏ người ấy chối bỏ huyết và thập tự giá của Đấng Christ.
Về điều này, sách Hêbơrơ đã viết: "Vậy nên, chúng ta càng phải giữ vững lấy điều mình đã nghe, e kẻo bị trôi lạc chăng.
Vì nếu lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi dường ấy thì làm sao tránh khỏi được" (Hêb 1:3).
"Ai đã phạm luật pháp Môise, nếu có hai ba người làm chứng thì chết đi không thương xót,
Huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước tức là huyết mà mình nhờ nên thánh là ô uế; lại khinh lờn Đức Chúa Trời ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đang bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao?" (Hêb 10:28,29).
Đây là những lời cảnh báo hết sức nghiêm trọng.
"Hỡi những kẻ rất yêu dấu, dẫu chúng ta nói vậy, vẫn còn đương trông đợi những việc tốt hơn từ nơi anh em, là những việc đưa đến sự cứu rỗi" (Hêb 6:9).
"Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; Vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện. Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi" (IPhi 7:8).